LỜI GIỚI THIỆU
Tôi hành thiền Vipassanà không theo cách rập khuôn một bài bản cố định, có điều kiện của các thiền sư, thiền viện hay thiền phái nổi tiếng nào, dù biết rằng những phương pháp vận dụng quy mô ấy đều đem lại lợi lạc nhất định cho rất nhiều hành giả và bản thân tôi cũng đã học hỏi từ đó rất nhiều.
Nhưng cuộc sống vốn nhiêu khê, đa dạng và biến ảo khó lường nên thiền cũng phải “vô chiêu” mới có thể thực sự miên mật với bấy nhiêu bài học thực tế phức tạp trong đời. Vì vậy tôi thường vận dụng chánh niệm tỉnh giác ngay nơi chính những gì mà mình đang trải nghiệm, bất kỳ ở đâu và lúc nào, trong trạng thái tự nhiên, không thêm bớt, không cố đưa vào khuôn mẫu hay điều kiện đặc biệt nào. Tôi muốn thấy sự thật như nó là chứ không đặt nó trong chiều kích phải là.
Tuy vậy, đôi lúc tôi tự hỏi không biết mình có “lập dị”, có “tự biên tự diễn” hay không, vì xung quanh tôi phần đông đều cảm thấy tự tin hơn khi đã thủ đắc được một vài “chiêu thức” từ những khóa thiền có quy củ tông môn, có phương pháp cẩn mật, có thiền sư lừng danh truyền thụ. Nhưng bây giờ, khi đã đọc thiền sư Sadadaw U Jotika, tôi biết mình không hề lập dị vì ít nhất cũng đã có người “kiến hòa đồng giải” với mình. Chúng tôi tuy chưa hề gặp nhau nhưng lại đồng nhau trên khá nhiều điểm thấy, nhất là thấy: “Cuộc đời là một trường học. Từ lúc sinh ra đến lúc chết đi, chúng ta đều ở trong trường học đó. Mọi thứ chúng ta trải nghiệm trong cuộc đời này, những thứ chúng ta nghe, nhìn, dù xấu hay tốt cũng đều là các bài học. Nếu chúng ta biết cách học bài, chúng ta sẽ có trí tuệ và tri kiến, song để học được những bài học này chúng ta cần phải có chánh niệm”.
Tôi cám ơn sư Tâm Pháp đã dịch bài giảng này của ngài U Jotika mà qua đó tôi đã tìm được thêm một người bạn đồng hành trên đường khám phá sự thật.
Xin giới thiệu bài pháp đầy ý nghĩa này đến quý vị nhân ngày lễ Vesak 2550.
Trân trọng
Tổ đình Bửu Long, ngày 25/04/2006
Tỳ kheo Viên Minh
Phó ban Thiền học – Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam
LỜI NÓI ĐẦU CHO LẦN TÁI BẢN THỨ HAI
Tôi đã sửa chữa lại bản thảo tái bản lần thứ hai của cuốn “Ngôi nhà Chánh niệm” cho dễ đọc hơn. Tôi rất vui vì đã hoàn chỉnh được cuốn sách này để chuẩn bị cho lần tái bản thứ hai. Thậm chí, nếu có thể làm được tốt hơn nữa thì tôi cũng sẵn lòng.
Khi đọc lại bài pháp này, tôi không bao giờ biết chán, mặc dù chính tôi đã thuyết giảng nó. Tôi cảm thấy như đang tự nhắc nhở chính mình. Đây là cuốn sách mà bản thân tôi sẽ đọc đi đọc lại nó nhiều lần. Rất nhiều người đã viết thư cho tôi sau khi đọc cuốn sách này.
Bởi vì bài pháp này có thể được xem như là một người bạn thường xuyên nhắc nhở người đọc sống hạnh phúc, chuyển đổi tà kiến và thái độ sai lầm trở thành chân chánh, vì vậy tôi rất vui là mình đã thuyết bài pháp này. Dĩ nhiên, những hoàn cảnh và nhân duyên thuận lợi đã giúp cho bài pháp này được ra đời-những điều này không thể nào xảy ra chỉ vì chúng ta muốn nó phải xảy ra.
Xin chúc tất cả các bạn trở thành những con người có chánh kiến và thái độ chân chánh, có những lý tưởng cao thượng và luôn luôn hạnh phúc.
Sayādaw U Jotika
LỜI NÓI ĐẦU CỦA LẦN XUẤT BẢN ĐẦU TIÊN
Chánh niệm (sati ) là ngôi nhà của tâm. Một nội tâm không có chánh niệm cũng giống như một kẻ vô gia cư – chỉ đi đến những nơi chốn mà chân mình đưa tới, sống vạ vật ở bất cứ nơi đâu. Không có sự ổn định, không có sự bình an và an toàn dành cho anh ta. Anh ta không có một chút giá trị nào.
Hầu như ngay sau khi tôi thuyết bài pháp “Ngôi nhà Chánh niệm” này, đã có rất nhiều lời yêu cầu cho nó được xuất bản. Đây là sự đáp ứng niềm mong đợi của những người đã nêu yêu cầu đó.
Khi đọc một cuốn sách, chúng ta có thể dừng lại ở bất cứ chỗ nào chúng ta muốn và dành thời gian suy ngẫm thêm về những điều trong đó. Và chúng ta cũng có thể mang theo nó bên mình đi mọi nơi, và đọc mỗi khi có được 10, 15 phút rảnh rỗi. Và khi muốn thảo luận với nhau, chúng ta có thể mở sách ra đọc và trao đổi cùng nhau…
“Con người hạnh phúc nhất” là cuốn băng ghi âm được Ngài Shwe Oo Min Sayadaw thường giới thiệu và cho, tặng nhiều nhất cho các học trò và Phật tử của Ngài để nghe.
Ai là người hạnh phúc nhất? Bản thân bạn có muốn là một người hạnh phúc nhất không?
“Ở trong lòng Đức Phật” là một bài pháp dựa trên cuốn sách do một đệ tử cư sĩ của tôi viết. Tôi rất vui và tự hào khi thấy người học trò của mình đã có thể sống một cách bình yên bất chấp vô số những khó khăn, phức tạp đã đến với cuộc đời anh.
Nếu hạnh phúc có nghĩa là sự hài lòng, mãn nguyện thì có lẽ ở trên đời này chúng ta sẽ chẳng có cơ hội để tìm ra được một chút hạnh phúc nào. Chỉ khi bạn biết cách sống hạnh phúc bất chấp những khó khăn mà cuộc đời đem đến cho bạn, thì khi đó bạn mới thực sự là người biết sống một cuộc đời hạnh phúc.
Cầu chúc cho tất cả các bạn học được cách sống thật hạnh phúc.
Sayādaw U Jotika
Tôi muốn tặng các bạn một món quà bằng những lời nói của mình. Giá trị của những lời nói tốt đẹp là không thể đo lường, còn giá trị của món quà vật chất thì luôn có giới hạn. Nếu bạn tặng một món quà vật chất cho bạn bè mình thì họ có thể sử dụng nó cho đến khi rách nát hoặc hư hỏng, điều chắc chắn sẽ xảy ra trong một ngày nào đó. Nhưng lợi ích của lời nói thì không cùng.
Một lời nói, một tư tưởng nhỏ bé nhất cũng sẽ được một người biết trân trọng những lời hay ý đẹp ghi nhớ và suy ngẫm nhiều lần, và rồi quan điểm và tư tưởng của người ấy sẽ dần dần thay đổi; khi anh trưởng thành lên thì cuộc đời anh cũng sẽ thay đổi ngày một tốt đẹp hơn. Nếu một tư tưởng thiết thực và lợi ích được áp dụng và thực hành trong thực tế của cuộc sống, nó sẽ mang lại những lợi ích vô cùng to lớn.
Cá nhân tôi cũng rút ra được nhiều tư tưởng và kiến thức từ trong sách vở và từ những suy tư về chúng, nghiền ngẫm nhiều lần và cố gắng đem ra áp dụng, nhờ vậy tôi đã đạt được những tuệ giác sâu sắc ở nhiều tầng mức khác nhau. Đó là lý do tại sao tôi thường có sự thoả mãn sâu sắc khi đọc qua thậm chí chỉ là một hoặc hai dòng chữ thực sự có ý nghĩa.
Tôi cảm thấy vui sướng và thoả mãn với những tư tưởng cao đẹp, như thể chúng là những viên đá quý Rubi nhỏ bé. Vì vậy tôi muốn dùng những lời hay ý đẹp để làm món quà tri thức mến tặng tất cả các bạn.
Bài pháp này được dựa trên sườn của một bài thơ rất hay về Phật Pháp. Sách tôi thường chọn đọc nói chung là những sách về triết học, những chủ đề mang tính tư duy hoặc những sách có liên quan đến Phật Pháp. Dựa trên những gì đã học hỏi, tiếp thu được từ sách vở, tôi tư duy về chúng, đánh giá lại các sự kiện đã được viết đi viết lại nhiều lần trong sách, so sánh với những kiến thức của bản thân và rồi đem ra kiểm nghiệm trong thực tế cuộc đời. Tôi muốn khuyến khích các bạn cũng nên làm như vậy. Tất cả những gì tôi có thể làm được là nói cho các bạn biết – còn việc có thực hiện trên thực tế hay không là tuỳ thuộc vào chính bạn.
Bởi vì bài pháp này dưới thể một bài thơ nên ngôn từ rất ngắn gọn, hàm súc nhưng ý nghĩa của nó thì vô cùng rộng lớn và sâu sắc. Những bài kệ (gathas) được Đức Phật thốt ra, về cơ bản là những bài thơ; một số câu kệ trong ngôn ngữ Pāli mang ý nghĩa hết sức sâu sắc. Chẳng hạn “appamādo amatam padam” có nghĩa là: không phóng dật (nghĩa đen là không xao lãng, buông lung – appamādo) là bất tử (amatam) – nói cách khác là nhân đưa đến Niết Bàn (padam). Những từ rất ngắn ngủi, nhưng bạn có thể mở rộng ý nghĩa của chúng ra xa đến mức mà sự thông minh và trí tuệ của bạn có thể làm được. Tôi đã cố gắng để hiểu được ý nghĩa của những từ này trong biết bao nhiêu năm trời. “pamādo maccuno padam ” nghĩa là: phóng dật (pamādo) sẽ dẫn đến (padam) cái chết ( maccuno). Những từ này mang một ý nghĩa thật sâu sắc.
Appamādo amatam padam
Pamādo maccuno padam.
Ngôn từ của bài kệ Pāli này thì có hạn, nhưng ý nghĩa của nó thì mênh mông vô hạn. Nghĩa của nó là: không phóng dật dẫn đến bất tử; phóng dật dẫn đến tử vong (vòng sanh tử luân hồi). Tôi đã phải mất bao nhiêu năm trời để cố gắng thấu suốt ý nghĩa của nó và hiểu được những từ này.
Appamatta na miyanti
Nếu sống thật chánh niệm trong một thời gian dài, khi đó bạn sẽ nhận thấy rằng sống phóng dật, không chánh niệm tự biết mình quả là một cuộc sống vô vị và khô cứng. Những người không có chánh niệm không thể cảm nhận được sự sống động của cuộc đời một cách thực sự. Khi bạn đã thực sự sống miên mật cùng chánh niệm, càng chánh niệm bạn sẽ càng hiểu được ý nghĩa của những lời tôi nói.
Trong đạo Phật, nếu chỉ dừng lại ở văn tuệ (sutamayā paññā – kiến thức sách vở) và tư tuệ (cintamayā paññā – hiểu biết do tư duy, suy ngẫm) thì chưa đủ. Trước kia, tôi cứ nghĩ rằng mình đã hiểu rất nhiều về Phật Pháp thông qua kiến thức tổng quát và tư duy tri thức của mình, nhưng khi bắt đầu hành thiền và nhìn nhận mọi việc từ kinh nghiệm của chính mình thì tôi mới nhận ra rằng khoảng cách giữa văn tuệ, tư tuệ với tu tuệ (bhavanāmaya paññā – trí tuệ phát sinh từ kinh nghiệm trực tiếp) xa vời đến mức nào. Bạn không thể hiểu được ý nghĩa của danh (nama) và sắc (rūpa) qua sách vở. Chỉ khi bạn đã gia công tinh tấn trong thiền tập thâm sâu, khi chánh niệm ( sati) và định tâm (samādhi) của bạn đã chín muồi, bạn mới nhận ra được bản chất của danh và sắc: đó chính là Tuệ phân biệt danh – sắc (namarūpaparicheda ñāṇa). Rồi khi niệm và định mạnh mẽ hơn, bạn sẽ nhận ra được quan hệ nhân quả giữa danh và sắc: Đó là Tuệ phân biện nhân duyên (paccayapariggaha ñāṇa). Tuệ giác này còn vi tế và sâu sắc hơn. Nếu tiếp tục phát triển tuệ giác này, bạn sẽ đạt được Tuệ thẩm sát (sammasana ñāṇa) – hiểu biết sâu sắc về ba đặc tướng vô thường, khổ, vô ngã (anicca, dukkha, anatta). Đến trình độ này, chánh niệm thuần túy và quá trình quán chiếu bằng tư duy, suy nghiệm có thể vẫn còn đan xen, trộn lẫn với nhau. Khi tuệ quán (vipassana ñāṇa – tuệ minh sát) đã chín muồi thì không còn tư duy nữa; chỉ có kinh nghiệm trực tiếp về sự sanh diệt. Khi đó bạn sẽ nhận ra rằng vô thường là cái không thể diễn tả cho bất cứ người nào hiểu được. “Mọi thứ đều là vô thường, tất cả đều sanh và diệt ngay tức thì”, cái câu mọi người vẫn hay nói đó, chẳng qua chỉ là những hiểu biết về mặt tri thức của họ mà thôi. Còn bản chất của thực tại chân đế (paramattha) luôn nằm ngoài phạm vi của ngôn từ.
Khi bạn chắp hai bàn tay lại, chúng đụng nhau và bạn cảm nhận được cảm giác nóng, mềm và sự chuyển động. Không có cách nào để diễn tả cảm giác này bằng ngôn từ. Bạn chỉ có thể biết cảm giác khi thực sự xúc chạm và cảm nhận nó. Và trong sự xúc chạm này, tôi muốn các bạn nhận ra rằng chỉ có các cảm giác nóng, mềm, sự chuyển động – chỉ những tính chất này thôi – không phải bàn tay, không có “tôi”, không hình thể, không dáng điệu nào cả. Bạn phải thực sự cố gắng nhiều. Điều đó nằm ngoài ngôn từ.
Thậm chí ngay cả tầng tuệ giác cơ bản nhất, đơn giản nhất cũng không thể diễn tả được bằng ngôn từ. Để diễn tả nó, bạn phải giải thích bằng nhiều cách và sử dụng rất nhiều từ ngữ. Để hiểu được, người nghe cũng phải giải đoán những từ ngữ đó đúng trong ngữ cảnh của nó. Đôi khi bạn phải dùng đến cả các ví dụ và ẩn dụ. Để diễn tả một điều nằm ngoài phạm vi ngôn từ phải cần rất nhiều sự giải thích bằng từ ngữ, bằng các lối nói ẩn dụ và ví dụ.
Ở đây, tác giả của bài kệ cũng dùng những ẩn dụ để diễn đạt những điều ông muốn nói. Tôi muốn các bạn hãy cố gắng hiểu những gì mà tác giả muốn nói ở đây. Hãy cố gắng ghi nhớ trong tâm và suy nghĩ, tư duy về nó theo cách riêng của bạn.
Tôi sẽ giảng chi tiết khi đi qua từng đoạn cụ thể của bài kệ, nhưng điều đó không có nghĩa là tôi sẽ chuyển tải được toàn bộ ý nghĩa mà tác giả muốn chuyển đến các bạn. Thực ra, cuối cùng tôi cũng không phải là một người cái gì cũng biết. Tôi muốn các bạn hãy mở rộng nó ra và sử dụng cách tư duy logic của chính bạn.
1) Người tôi chẳng có mẹ cha,
Đất trời tôi nhận mẹ cha sinh thành.
Đây là những lời nói của một con người. Con người là một phần của thực tại chế định (samuti sacca) hay còn gọi là khái niệm tục đế (paññati ). Người đó có cha mẹ. Tôi chưa từng bao giờ gặp một người nào không có cha mẹ cả, nhưng đây là con người ở trong thơ ca. Ông có cha mẹ nhưng ông không nói đến họ. Ông muốn nói rằng ông xem trời và đất như cha mẹ mình. Đây là một lối nói ẩn dụ.
“Người tôi chẳng có mẹ cha, Đất trời tôi nhận mẹ cha sinh thành”
Người sống không chánh niệm có một nội tâm vô gia cư, vật vờ, khắc khoải. Cái tâm đó đi chỗ này, đến chỗ nọ, buông lung, tán loạn không chủ đích – một cái tâm thực sự tháo động và bất an.
“Bạn sẽ phải học các bài học trong đời. Chúng ta đã đăng ký trọn thời gian trong một trường học không chính thức, được gọi là cuộc đời”.
4) Năng lực thần thông tôi chẳng có,
Chỉ lấy chân thật làm sức mạnh cho mình.
Trong thiền tập cũng vậy, chỉ có một sự chân thật hoàn toàn mới dẫn đến tiến bộ. Một thiền sinh phải không được nói dối, không được giả bộ biết những điều mà thực ra mình không biết. Nhất là ở trong các thiền viện, khi thiền sư hỏi: “Thế nào, bạn hành thiền ra sao rồi? Có tốt không? Có bị phóng tâm không?”, có thể bạn sẽ trả lời như vầy: “Bạch thầy, nếu con ngồi 1 tiếng, thì trong suốt một tiếng đó con không hề bị phóng tâm tý nào”. Nhưng điều này là hoàn toàn không thể nào có. Chỉ khi bạn đã đắc thiền, và có thể nhập vào an chỉ định thì mới có thể ngồi cả tiếng đồng hồ mà không bị phóng tâm suy nghĩ. Còn đối với những thiền sinh bình thường, dù định tâm có tốt đến đâu chăng nữa, khi ngồi lúc này lúc khác, suy nghĩ vẫn còn trở đi trở lại trong tâm.
Không có chân thật sẽ không có giải thoát. Không có chân thật thì không có cái gì là thực cả.
Mỗi điều dối trá đều trói buộc, cầm tù tâm bạn, vì vậy bạn không còn được tự do nữa. Một khi đã nói dối, người đó lại phải tiếp tục nói dối thêm nhiều lần nữa để che đậy lời nói dối ban đầu của mình, như vậy anh ta sẽ không thể có được một chút thanh thản và an lạc nào. Mà không có những điều này thì trí tuệ sẽ không thể trưởng thành. Nếu trí tuệ không lớn mạnh, thì cũng không thể xây dựng được một nhân cách, các phẩm chất trong tâm bạn sẽ không thể trở thành cao thượng.
Một kẻ dối trá vẫn biết rằng mình đang nói dối và bởi vậy anh ta không thể tự tôn trọng chính bản thân mình. Anh ta không thể dốc hết tâm sức, toàn tâm toàn ý làm được bất cứ công việc gì, bởi vì anh ta biết đó chỉ là sự giả dối; anh ta biết mình đang nói dối. Ở nơi nào có sự dối trá, nơi đó không thể có được sự tận tâm, hết mình.
Cố gắng giả bộ đóng kịch khi quan hệ, giao tiếp với người khác sẽ không bao giờ có được sự trân trọng và tình bạn chân thành thực sự. Khi đó, bạn cũng không thể trưởng thành và có một nhân cách cao thượng được tôi luyện và phát triển từ những mối quan hệ, giao tiếp ấy được. Trong thiền tập mà nói dối, bạn sẽ không thể toàn tâm, toàn ý.
Trong thiền, để đạt được sự tiến bộ thực sự rõ rệt, bạn cần phải thành thật 100% và phải nỗ lực hết mình, toàn tâm toàn ý. Nếu không làm được điều này, bạn chỉ có thể đạt được một chút Định, một chút Niệm hời hợt, nông cạn – không thể đạt đến trình độ Định, Niệm thực sự cao thâm.
Khi bạn nói dối mà bạn biết mình đang dối hoặc khi đang giận mà biết mình đang giận, đó mới chỉ dừng lại ở mức độ Định, Niệm còn nông cạn, bạn phải tiếp tục tiến lên để đạt đến những tầm cao mới, những trình độ Định, Niệm cao hơn thế nữa. Tất nhiên, bạn cũng không thể bỏ qua bất cứ một bước nào trong những bước này, bạn phải trải nghiệm qua tất cả những kinh nghiệm đó. Vậy, nếu bạn thực sự muốn thực hành thiền thành công, thì hãy nhìn lại chính mình xem – “Tôi đã hoàn toàn trung thực hay chưa?”
Không có sự trung thực, sẽ không có một cái gì đến với bạn cả.
Cái giả tạo, thực chất ra chẳng là một cái gì cả. Không có sự trung thực sẽ không có một điều gì chân thực có thể xảy ra. Đó là lý do tại sao: “Tôi lấy sự trung thực làm sức mạnh siêu nhiên cho mình” mang một ý nghĩa rất thâm sâu. Hãy suy nghĩ về nó một cách thật sâu sắc.
5. Bạn bè tri kỷ tôi chẳng có,
Chỉ lấy tâm mình làm bạn chính mình mà thôi.
Là con người, điều tự nhiên là ai cũng phải có bạn bè và người quen. Nhất là đối với thiền sinh, họ có rất nhiều bạn lành (kalyanamitta – thiện tri thức), những người bạn đạo cùng hành thiền với họ. Họ thực sự là những người bạn thật đáng quý. Nhưng tác giả bài kệ này không nói đến những người bạn đó. Ông đang nói về người bạn theo nghĩa tâm linh, do vậy ông mới nói ông lấy chính tâm mình làm bạn. Đây thật là những lời rất hay và sâu sắc – chính tâm tôi là bạn của tôi.
Hãy thử nghĩ xem, thật tốt đẹp biết bao khi tâm mình lại là bạn của chính mình. Đó quả là một điều hạnh phúc không gì bằng. Và hãy thử tưởng tượng điều ngược lại – đối với rất nhiều người, tâm họ không phải là bạn của họ. Đối với một số nguời, tâm họ còn là kẻ thù của chính họ nữa.
Tham (lobha), sân (dosa), ngã mạn (mana), hiềm hận, ghen tỵ, nghi hoặc và ngờ vực, trạo cử và bất an, hôn trầm thuỵ miên v.v…tất cả đều là những kẻ thù của mình. Chúng là những phiền não. Không cần thiết phải lao vào một cuộc chiến tranh lớn một mất một còn với chúng làm gì. Điều phiền não sợ nhất không phải sự chiến đấu của chúng ta chống lại nó. Điều nó sợ nhất là bạn dùng chánh niệm (sati ) và trí tuệ để nhìn nó một cách nhẹ nhàng thoải mái, nhìn bình thản, nhìn tĩnh lặng và nhìn thật lâu.
Nếu bạn nhìn vào một người nào đó một lúc lâu một cách thật trầm tĩnh và bình thản, họ sẽ bắt đầu cảm thấy không thoải mái. Cũng như vậy, nếu bạn nhìn phiền não một cách cẩn thận với chánh niệm thì nó sẽ không thể nào chịu đựng được lâu trước con mắt soi xét của bạn. Rồi nó sẽ phải biến mất.
Đã có lần, tôi nói với một người đệ tử của tôi rằng, khi có tham muốn khởi lên trong tâm, hãy quan sát cái tâm ấy một cách đúng đắn và khi có tâm sân khởi lên, cũng quan sát ngay cái tâm ấy một cách đúng đắn, một cách thích hợp. Người đó đã thử làm như vậy và sau đó kể với tôi thế này: “Bạch thầy, con đã thử cố gắng nhìn tâm tham khi nó khởi lên. Con chỉ kịp nhìn nó được mỗi một lần là nó đã biến đi mất. Nó không thể chịu được khi bị nhìn lâu.”
Khi tham muốn sanh khởi và bạn quan sát nó một cách thật cẩn thận, bạn sẽ hiểu rằng đó chỉ là tính chất của sự ham muốn, không phải là tôi ham muốn, nó không phải là tâm của tôi, nó chỉ là một cái tâm, một cái tâm sanh khởi bởi vì có đầy đủ nhân duyên cho nó sanh khởi mà thôi. Nếu một đối tượng mang những tính chất khiến cho nó hấp dẫn, thì khi đó một cảm giác thích thú với đối tượng ấy sẽ xuất hiện. Nếu bạn nhận ra được những tính chất tâm này chính là vô ngã (anatta ), bạn sẽ học hỏi được rất nhiều từ chúng. Còn nếu bạn cứ nghĩ nó là cái tham của tôi, thì sẽ rất khó trừ bỏ được nó, bởi vì điều đó chỉ càng làm cho tâm tham mạnh lên mà thôi.
Khi phiền não kết hợp với một ý niệm về “cái tôi”, chúng có thể phình lên rất lớn. Nếu phiền não không còn sự hỗ trợ của cái ngã, chúng sẽ bị suy yếu đi. Đó là lý do tại sao tôi nói với các bạn rằng đừng thấy: “Tham và sân trong tâm chúng con còn quá mạnh, bạch thầy, chúng con cảm thấy nản lòng quá”. Chỉ cần quan sát cái tâm đang sanh khởi đó một cách chánh niệm: tham lam, sân hận, ngã mạn, ghen tỵ, đố kỵ, keo kiết bủn xỉn … cho đến khi bạn thấy được chúng không phải là người nào cả, chỉ là những cái tâm sanh khởi bởi vì ở đó có đầy đủ nhân duyên khiến chúng sanh khởi mà thôi.
Cũng theo cách như vậy, khi sân sanh khởi, hãy quan sát nó một cách thật bình thản và cẩn thận, kỹ lưỡng. Nếu bạn nhìn cái giận “của mình” thì bạn sẽ còn cảm thấy giận hơn nữa. Khi cái giận cùng tồn tại với “cái tôi”, nó sẽ trở nên mạnh hơn rất nhiều. Nó có thể mạnh đến mức không thể kiểm soát nổi. Nhưng hãy làm như tôi vừa nói ở trên, giữ chánh niệm và mỗi khi sân giận nổi lên lại, hãy kiên nhẫn nhìn nó thật lâu, thật cẩn thận như một khán giả bên ngoài trông vào, mà không nghĩ rằng, không cho rằng nó là tâm “của tôi “. Khi bạn có thể làm được như vậy thì sân hận sẽ bị tước vũ khí.
6) Chẳng kẻ thù nào tôi chất chứa,
Nhưng bất cẩn, phóng dật kia chính là thù.
Trong những thứ làm cuộc đời của chúng ta trở thành vô giá trị và trống rỗng thì thiếu chánh niệm và trí tuệ, sống bất cẩn, buông thả luôn đứng đầu bảng. Trong tiếng Pāli, những cố tật này được gọi là avijja (vô minh), moha (si ám) hay pāmada (phóng dật). Khi có chánh niệm và trí tuệ thì sẽ có hiểu biết, được gọi là minh (vijja). Khi đó nó trở thành vô si (amoha) và không phóng dật (apāmada ).
Thất niệm và thiếu trí tuệ là những kẻ thù lớn nhất của con người.
Khi làm bất cứ điều gì, khi suy nghĩ bất cứ điều gì, bạn phải có chánh niệm; chánh niệm phải đến đầu tiên. Khi có chánh niệm mạnh, trí tuệ sẽ đến tiếp theo. Nếu ngay từ đầu đã không có chánh niệm, thì cũng không thể có trí tuệ. Không có chánh niệm, bạn sẽ không thể phát triển được trí tuệ. Điều quan trọng là bạn phải nhận thức ra được điều này.
Khi xem xét cách thức tâm (citta)và tâm sở (cetasika) hiện hữu cùng nhau, bạn sẽ hiểu rằng khi chánh niệm (sati) không có mặt trong tâm thì trí tuệ (pañña ) cũng không hề hiện hữu. Vì vậy, không có chánh niệm cũng không thể có trí tuệ.
Trí tuệ làm tăng chất lượng sống của chúng ta. Cái làm hủy hoại chất lượng cuộc sống của chúng ta chính là không có trí tuệ. Song để có được trí tuệ, trước hết chúng ta phải có chánh niệm. Nếu không có chánh niệm, không có trí tuệ, chỉ làm mọi việc một cách bất cẩn thì sẽ không thể có điều gì tốt đẹp đến với bạn được cả. Nó còn có thể trở nên tồi tệ đến mức chất lượng sống của bạn hoàn toàn bị phá hỏng. Sự thành đạt về mặt vật chất của bạn cũng bị ảnh hưởng.
Tôi đã từng thấy nhiều bạn trẻ thiếu chánh niệm, thiếu hiểu biết, không chăm chỉ, chịu khó, chỉ hoang phí thời gian quý báu của mình. Chất lượng sống của họ đang trở nên thật tồi tệ. Họ không coi trọng và không đủ trân trọng đối với bất cứ điều gì để có ý chí và quyết tâm thực hiện nó. Những con người như thế sẽ không thể thành công hay giàu có được. Anh ta không sáng tạo, không phát huy được toàn bộ tiềm năng của mình và cũng không có đủ dũng cảm để làm những công việc cần làm. Nếu trên đời này chỉ toàn những kẻ ăn tàn phá hại như thế thì hãy thử tưởng tượng xem một sự tàn phá kinh khủng như thế nào sẽ đổ xuống thế giới của chúng ta. Tôi không muốn trẻ em trên thế giới này sẽ trở thành những người như thế. Tôi nói điều này bởi vì tôi thấy nó thật phí hoài, chứ không hề có ý định coi thường hay đổ lỗi bất cứ một ai.
Tất cả mọi người đều có những chủng tử thiện trong mình. Tất cả những việc chúng ta cần làm là nuôi dưỡng cho nó lớn mạnh và phát huy đầy đủ tiềm năng của mình.
7) Thân tôi chẳng mang giáp sắt đai đồng,
Chỉ lấy tình thương làm áo giáp chở che mình.
Một số Phật tử và đệ tử của tôi, trước khi đi nước ngoài, họ đến hỏi tôi: “Con có cần phải mang theo cái gì bên mình để đề phòng bất trắc, nguy hiểm không?” (ý họ muốn hỏi là có cần đeo bùa chú gì không). Tôi phải nói với họ là: “Thầy chẳng có vật gì để cho các con cả. Quan điểm của nhà sư này là không bao giờ dựa dẫm vào bất cứ thứ gì ở bên ngoài. Khi thầy cần sự giúp đỡ, thầy đến với bạn bè và nhận lấy một chút những gì mình cần. Về mặt tinh thần, thầy không phụ thuộc vào bất cứ điều gì. Khi cần một sự giúp đỡ nào đó về sức khoẻ hay vật chất, thầy sẽ hỏi xin cái đó. Thầy khuyên các con không nên nương tựa vào những biểu tượng, bùa chú hộ mệnh nào ở bên ngoài cả. Hãy nương tựa vào chánh niệm và tâm từ của chính mình. Luôn luôn giữ lòng từ và chánh niệm miên mật trong tâm”.
Về mặt thể chất, tôi nhận sự giúp đỡ và hỗ trợ đối với những thứ tôi cần từ những người khác. Khi tôi không được khoẻ, họ chăm sóc tôi. Những điều này là cần thiết, song về mặt tinh thần và tâm lý thì thực sự không nên phụ thuộc hay nương tựa vào bất cứ một ai cả.
Tôi yêu thích sự độc lập từ khi tôi còn rất trẻ. Đức Phật cũng nói điều này: “>Attāhi attano natho“, nghĩa là: “Ta là nơi nương tựa của chính ta” . Tôi trân trọng những lời này một cách vô cùng sâu sắc, luôn gìn giữ chúng trong tim và tôi cũng sống y như thế. Tôi cũng khuyến khích Phật tử và các đệ tử của mình sống như vậy. Tôi không ủng hộ, ho khuyến khích việc tin tưởng và dựa dẫm vào người khác hay những loại bùa chú hộ mệnh ở bên ngoài. Tôi cũng không bao giờ chấp nhận bất cứ sự phụ thuộc hay sùng bái cá nhân nào đối với tôi. Hãy tự nương tựa vào chính bản thân mình. Giữ chánh niệm và tâm từ trong mình như là lá bùa hộ mệnh của bạn.
Dĩ nhiên, cũng có nhiều loại chánh niệm. Ở cuộc sống ngoài đời, chúng ta cần phải chánh niệm biết mình khi di chuyển, khi đi lại chỗ này chỗ kia để tránh nguy hiểm. Hay biết những gì đang diễn ra trong thân tâm của bạn cũng là chánh niệm. Ngoài ra, bạn cũng nên cầu chúc cho tất cả mọi người đều được khỏe mạnh, an vui và có thành tâm trân trọng họ. Nếu bạn có một tâm từ trong sáng, trung thực và chân thành với mọi người, bạn sẽ thấy rằng nhiều người cũng sẽ đáp lại bạn bằng tâm từ bi. Đôi khi, thậm chí cả những người muốn chỉ trích, trù dập bạn cũng sẽ trở nên hòa giải và không chỉ trích bạn nữa.
Tôi đã từng sống ở nhiều nơi chốn khác nhau, đã từng ở trong những cánh rừng hoang thực sự. Tôi đã sống ở những nơi thực sự nguy hiểm, nhưng chưa bao giờ tôi gặp nguy hiểm bởi vì tôi luôn có một một tấm lòng từ bi, ấm áp chân thành đối với tất cả mọi người. Khi bạn biết rằng có nhiều người thương yêu và quan tâm tới bạn, bạn sẽ cảm thấy được an toàn. Tâm từ thực sự có tác dụng bảo hộ. Dù bạn có mặc loại áo giáp nào đi nữa, nếu không chánh niệm bạn vẫn có thể bị thương. Song tâm từ giúp bạn tránh xa được mọi hiểm nguy là một điều có thật.
Chánh niệm cũng giúp bạn được an toàn trước nguy hiểm. Tuy nhiên ngay bản thân Đức Phật cũng không phải luôn luôn được an toàn khỏi mọi hiểm nguy. Cũng có nhiều kẻ đã từng cố tâm làm hại Ngài. Nếu phải trả nghiệp bất thiện đã làm trong kiếp trước, bạn cũng không thể tránh được nó. Nhưng nếu bạn thực sự sống với chánh niệm và từ bi, bạn sẽ được an toàn khỏi hầu hết các mối nguy hiểm thông thường.
Nếu bạn lấy tâm từ hay tình thương của mình làm tấm áo giáp an toàn nhất và sử dụng nó như một hàng rào bao quanh mình, bạn không chỉ cảm thấy an toàn mà còn được vui lòng, mãn nguyện nữa. Tấm lòng từ bi, chánh niệm và một nội tâm định tĩnh sẽ giúp bạn sống và làm việc với một tư cách chững chạc, đàng hoàng, với sự trong sáng và bình an.
Một số vị Sayadaw nổi tiếng có một nội tâm vô cùng trong sáng và bình an, Định và Niệm của các Ngài rất mạnh. Khi đến gần các Ngài, bạn cảm thấy tâm mình cũng trở nên rất tĩnh lặng. Tôi đã kinh nghiệm điều này nhiều lần. Tại sao lại có việc ấy? Bởi vì, bạn đã bước vào trong trường tâm từ, định tĩnh và bình an của các Ngài.
Vậy khi bạn thường xuyên rải tâm từ và luôn có tâm từ trong tâm, bạn sẽ có một trường từ ái luôn luôn bao phủ quanh mình. Nhờ ảnh hưởng của tâm từ, chính bản thân bạn cũng sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn, sáng suốt và an lạc hơn và nó cũng trải rộng ra đến cả những người tiếp xúc với bạn.
8) Chẳng phải nhọc công xây thành đắp lũy,
Tâm bất động kia chính thành lũy muôn đời
Thành là một công trình kiên cố với những bức tường dày, được xây dựng để chống lại những cuộc tấn công của quân địch. Các cánh cửa cũng được bọc sắt và chỉ có một cửa duy nhất ở tầng dưới. Tầng trên cùng chỉ có một vài cửa sổ rất nhỏ.
Những người có nhiều tài sản, có quyền lực và địa vị, có vị trí cao trong xã hội thường có rất nhiều kẻ thù và chỉ nhờ sống trong những bức thành không thể xâm nhập được như thế mới đem lại cho họ một cảm giác an toàn nào đó. Tác giả nói ông không có một thành lũy nào cả. Ông lấy tâm bất động, vững chắc có Niệm (sati) và Định (samādhi) vững mạnh làm thành trì để an trú.
Một cái tâm bất động và kiên cố được hiểu đơn giản là Định (samādhi). Nếu Niệm (sati) của bạn được liên tục, thì chính cái tâm đó thể hiện đầy đủ tính chất của niệm. Khi Định và Niệm mạnh, kẻ thù phiền não sẽ không thể xâm nhập được.
Thành trì vật chất được xây bằng gạch đá và sắt thép, chỉ có thể bảo vệ bạn khỏi những kẻ thù từ bên ngoài như con người mà thôi. Nó không thể ngăn chặn được những phiền não luôn có mặt trong tâm bạn. Chỉ có Niệm và Định cùng với trí tuệ mới có thể bảo vệ tâm bạn khỏi kẻ thù phiền não; trí tuệ càng sâu sắc thì sự bảo vệ nó mang lại cho bạn càng vững chắc. Đây là một điểm rất quan trọng và sâu sắc.
Cuộc sống của chúng ta là kết quả của những gì mà tâm chúng ta xứng đáng được nhận.>
Nếu chúng ta có tâm ‘xấu’ thì sẽ có quả báo xấu. Vì vậy, đó là lý do tại sao chúng ta phải luôn quan sát cái tâm của mình trong mọi lúc, quan sát nó thật nhiều, nhiều đến mức chúng ta có thể làm được. Hãy cố gắng nhận ra những thái độ sai lầm của mình. Bạn cảm thấy thế nào và bạn nghĩ gì khi có những thái độ như thế? Hãy quan sát những thái độ bất mãn, thù hận, ý muốn phá hủy, làm hại, muốn làm những việc não hại người; hãy đơn giản quan sát chúng một cách nhẹ nhàng. Đừng cố ép buộc nó phải thay đổi ngay; chỉ cần duy trì sự quan sát và chánh niệm hay biết nó là đủ. Nếu bạn nhìn thật cẩn thận và thực sự thấy nó, nó sẽ tự sửa mình. Điều này thật đáng vui, đáng phấn khởi biết bao.
Khi thái độ, sự hiểu biết và cách suy nghĩ của bạn đã trở nên chân chánh, thì mọi thứ trong cuộc sống sẽ bắt đầu vận hành có hiệu quả hơn và bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn. Toàn bộ thế giới của bạn sẽ thay đổi. Nếu bạn muốn thế giới của mình thay đổi, bạn phải thấy ra được những thái độ sai trái, lầm lạc và không đúng đắn của mình và hãy chánh niệm hay biết chúng, quan sát chúng. Nếu bạn thực sự rõ biết chúng, thì rồi chúng sẽ tự thay đổi. Khi bạn đã thực sự thấy được chúng thì sự thay đổi sẽ đến một cách rất tự nhiên
Điều mãn nguyện lớn nhất trong cuộc đời là thấy ra được những lỗi lầm của chính mình, hiểu biết chúng và làm thay đổi chúng.
Đó cũng là điều đáng phấn khởi nhất.
9) Trong tay chẳng có gươm đao,
Vũ khí phòng thân là vô ngã.
Những chiến binh thời cổ thường mang một thanh gươm dài lủng lẳng bên hông. Đó là vũ khí của họ. Họ mang nó theo khắp mọi nơi. Kẻ thù của họ cũng có vũ khí như vậy. Khi gặp quân địch, họ rút gươm ra và chiến đấu. Họ cũng dùng nó làm vũ khí tự vệ cho bản thân mình. Tác giả nói ông không có một thanh gươm thực sự như thế. Ông lấy sự vắng mặt của cái ngã (cái tôi) làm thanh kiếm tự vệ cho mình.
Con người bình thường có thể sử dụng các loại vũ khí thông dụng như đao kiếm hay súng ống. Những con người trí tuệ chỉ đơn giản sử dụng vô ngã làm vũ khí cho họ. Bất kể loại kẻ thù nào, khó khăn nào, ngay cả đó là những thăng trầm, thịnh suy trong cuộc đời, khi họ nhìn chúng với sự hiểu biết về vô ngã, tất cả sẽ không còn ý nghĩa gì nữa, chúng sẽ tiêu tàn như mây khói. Nhưng trí tuệ thấy được tất cả các pháp thế gian (lokadhammas – những thăng trầm, thịnh suy trong đời) là vô nghĩa mới thật sự là quan trọng và ý nghĩa. Chỉ với sự hiểu biết này, chúng ta mới có thể trở thành một con người vững vàng và trưởng thành với một sức mạnh dũng mãnh trong tâm.
Chẳng hạn, có một người nói điều gì đó với bạn mà bạn không thích và không thể tha thứ được. Nếu chúng ta nghĩ về điều đó với ý niệm về “cái tôi” của mình, chúng ta sẽ nghĩ: “Hắn ta đã nói cái này, cái nọ với mình”. “Hắn ta” và “mình” thể hiện cái bản ngã. “Bọn hắn sẽ phải biết tay ta” và những tư tưởng đại loại như thế mang đậm bóng dáng của một cái ngã trong tâm bạn. Nếu nhìn sự việc từ góc độ tâm linh, bạn sẽ thấy người nói câu đó chỉ là danh – sắc và cái “tôi” đang bực mình đó cũng chỉ là danh – sắc mà thôi. Lời nói chỉ là những từ ngữ và âm thanh được phát ra. Ngôn từ là khái niệm chế định của tục đế (>paññati), trong khi âm thanh là thực tại chân đế (>paramatha ). Chân đế chỉ sanh khởi rồi diệt ngay tức khắc, cái nghe chỉ là nhĩ thức sanh lên rồi diệt. Cái tâm bực bội cũng là một hiện tượng sanh và diệt.
Nếu bạn thấy rằng tất cả những điều này là vô ngã (không có một ai ở đó cả) thì còn cần phải tiếp tục nữa làm gì? Không cần phải làm thêm cái gì; đó là chỗ kết thúc của vấn đề. Nếu chúng ta nhìn mọi sự dưới ánh sáng vô ngã và vô thường, thì chẳng cần thiết phải kéo dài vấn đề ra làm gì, nó sẽ là một câu chuyện rất ngắn gọn.
Dù đó chỉ là một sự khó chịu nhỏ nhặt hay ngay cả vấn đề thực to tát mà chúng ta phải đương đầu nếu chánh niệm về nó và nhận ra rằng vô ngã thì sẽ không cần làm gì nữa. Nếu bạn bị đau ốm uống thuốc hãy nhưng có thể được kham nhẫn với cơn biết nó. Không cần thiết nghĩ rằng: mình thật may tại sao điều này lại xảy đến cơ chứ v.v… Nó xảy ra do điều kiện, hoàn cảnh; chúng ta sẽ kham nhẫn, chịu đựng đến mức có thể kham nhẫn, chịu đựng được. Nếu nó không giảm và thậm chí nếu bạn phải chết vì căn bệnh ấy, nhưng khi bạn thực sự nghĩ nó là vô ngã thì bạn sẽ không còn sợ chết nữa.
Cách đây không lâu có một người tôi quen vừa mới chết. Ông chết một cách rất thanh thản, bình yên. Con gái ông nói rằng, khoảng một tuần hay chừng 10 ngày trước khi chết, cha cô trông thay đổi rõ rệt. Trước đó, ông không thể chấp nhận được cái chết và cố gắng chống cự lại nó. Đến khi gần chết, ông mới nhận ra rằng mình không thể chống lại được nữa. Trước kia ông đã từng hành thiền nên sau khi chấp nhận cái chết sẽ đến với mình, ông trở nên thanh thản và bình yên hơn với mỗi ngày trôi qua. Khi chết cũng vậy, ông chết một cách thanh thản với hai tay chắp lại trước ngực và thở nhẹ nhàng. Ông không chống cự, không đấm đá, giãy giụa, không kiệt sức, nghẹt thở hay làm bất cứ cái gì khác, chỉ chết như thể vừa lên giường đi ngủ.
Có rất nhiều cách chết. Một số người chết hết sức đau đớn. Một số chết một cách bình yên. Người biết hành thiền đa phần chết một cách rất bình yên.
Những thăng trầm chúng ta đối diện trên đường đời, nếu chúng ta có bất cứ một xu hướng ngã mạn nào trong đó, thì chắc chắn chúng ta sẽ là người thua cuộc. Sử dụng “cái tôi” làm vũ khí thì chỉ có thể dẫn đến thất bại thảm hại mà thôi, “cái tôi” không bao giờ chiến thắng. Cuối cùng, khi bạn đã thực sự hiểu được vô ngã, bạn sẽ chinh phục được ngay cả cái chết. Nếu chúng ta dính mắc thật nhiều với “cái tôi”, chúng ta sẽ chết trong nỗi sợ hãi khủng khiếp và cái chết đó thật là vô ích. Còn nếu bạn chết một cách chánh niệm trong khi đang quán chiếu về vô ngã, thì khi đó bạn đã chinh phục được tử thần.
Vũ khí vô ngã chinh phục được kẻ thù là 8 pháp thế gian (lokadhamma ). Đây là vũ khí của những người anh hùng, những con người giới đức trong sạch chính là những người anh hùng thực sự trong đời.
Tôi thực lòng mong muốn tất cả các bạn hãy sống một cuộc đời đầy ý nghĩa và hoàn mãn. Để đạt được điều này, hãy dành càng nhiều thời gian càng tốt để hành thiền mỗi ngày. Nếu bạn không thể dành được thời gian cho riêng mình, thì hãy cố gắng chánh niệm khi bạn đi lại, khi ngồi, khi đi, khi đứng, khi làm việc. Chánh niệm được ít hay nhiều, liên tục hay gián đoạn, điều đó không thành vấn đề. Đây là điều rất quan trọng bạn cần phải biết.
Tôi muốn nói lên những điều này thật chân thành. Tôi đã cố gắng hết sức để diễn giảng bài kệ này một cách ngắn gọn, song đầy đủ đến mức có thể được, nhưng chính bạn phải đào sâu suy nghĩ về những điều này, và cố gắng mở rộng nó ra thông qua sự hiểu biết của mình. Dĩ nhiên, bạn phải áp dụng nó vào trong cuộc sống của chính mình nữa.
Tôi đã ghi chép lại một số điểm chính rất hữu ích trong quá trình thiền tập dài hạn. Tôi muốn trao tặng cho tất cả các bạn thật nhiều kiến thức. Nếu bạn ghi nhớ và áp dụng những điều này vào trong cuộc sống của mình, tầm mức cuộc sống của bạn sẽ càng thêm tăng tiến.
Con đường phát triển tâm linh là con đường học hỏi cả cuộc đời. Nói về tâm linh là nói về một nội tâm đáng trân trọng, là nói về trí tuệ. Đây là công việc của cả một đời người, không có điểm cuối cùng cho nó. Bạn phải thực hiện công việc này cho đến tận ngưỡng cửa của cái chết. Nếu theo đuổi con đường này lâu dài với đủ nhiệt tâm trí tuệ của bạn sẽ dần hội tụ đủ đầy.
Chúng ta thu lượm từng chút kiến thức chỗ này, chỗ kia từ những kinh nghiệm đa dạng của mình. Những hoàn cảnh khác nhau dạy cho chúng ta những bài học khác nhau và khi chúng ta thu gom từng chút kinh nghiệm như vậy, những bài học đó sẽ dần dần được hội tụ đầy đủ và chúng ta sẽ bắt đầu có được một bức tranh toàn cảnh về nó. Dần dần tất cả mọi thứ sẽ trở nên ngày càng có ý nghĩa và sáng tỏ hơn đối với bạn.
Khi trí tuệ đã trưởng thành, nó sẽ cho thấy rõ ràng đâu là nhân, đâu là quả. Nếu chúng ta không thấy được nhân quả, chúng ta sẽ không thể hiểu được vấn đề. Chúng ta sẽ trở nên rối mù và rồi mọi việc sẽ trở nên thật vô ích và vô nghĩa. Trong thế giới này, nếu chúng ta có thể nhìn được mọi việc với con mắt trí tuệ quảng đại, dần dần chúng ta sẽ bắt đầu thấy được lý do tại sao sự việc xảy ra, và rồi chúng ta sẽ hiểu được tại sao cách làm việc như vầy sẽ đem lại kết quả nhất định như vầy.
Về mặt tâm linh, nếu một người đã thực sự hiểu biết sâu sắc bản chất của danh sắc và nhân quả, thì trong mọi côngviệc thế gian, người đó sẽ luôn giữ được bình tĩnh và khách quan, không thiên vị, thành kiến. Nhờ vậy, người ấy có thể thấy rất rõ ràng nhân duyên khiến cho sự việc xảy ra và cả những kết quả do nó mang lại nữa.
Đôi khi tôi cũng tham gia vào một số vấn đề của thế gian và tôi thấy nó cũng rất thú vị. Tôi biết vấn đề đó là quan trọng và tôi có thể thấy được những nguyên nhân gốc sâu xa của nó, và tôi cũng thấy rõ mình phải bắt đầu từ đâu để giải quyết được vấn đề nữa.
Cũng y hệt như vậy khi tôi nhìn lại cuộc đời mình. Khi tôi xem xét lại thật kỹ mọi việc tốt, xấu mình đã trải qua trong đời, tôi thấy một cách thật rõ ràng lý do tại sao sự việc lại xảy ra như thế và thấy được cả những hậu quả của nó ra sao.
Ngay cả thấy nhân quả cũng có hai cách thấy. Có cách thấy bằng sự thật chế định (samutisacca) là những thực tại thông thường mà chúng ta đã biết; thế giới, con người, đàn ông, đàn bà, của anh, của tôi, nên hay không nên, đó là một phần của hệ thống giá trị được chúng ta chấp nhận. Và có cách thấy bằng sự thật chân đế (paramatthasacca), đó là bản chất nguyên thủy, đích thực của mọi thứ.
Hiểu được nhân quả thực sự trong phạm vi của sự thật chế định là điều quan trọng. Dẫu sao, khi chúng ta giao tiếp, quan hệ với nhau chúng ta cũng đều phải ở trong thực tại chế định này. Nếu chúng ta thực sự hiểu được nhân quả, chúng ta sẽ quan hệ, giao tiếp một cách hiệu quả hơn. Nếu chúng ta không thấy được nhân quả, sẽ có vô số vấn đề xảy ra, không bao giờ chấm dứt. Đó là lý do tại sao khi bạn hiểu được Pháp, cuộc sống của bạn sẽ trở nên rõ ràng, sáng suốt và không có lý do gì mà phải náo loạn, rối tinh cả lên nữa. Bất kể rắc rối, khó khăn nào, nếu bạn không bị giật dây bởi sự yêu ghét cá nhân và những chấp thủ, dính mắc quanh cái “tôi”, mà thay vào đó bạn đứng về bên Pháp, Pháp sẽ vận hành để đem lại một giải pháp tốt đẹp nhất có thể được cho bạn; Pháp sẽ giữ gìn cho cuộc sống của bạn luôn luôn rõ ràng và sáng suốt.
Khi tâm bạn rõ ràng và sáng suốt, cuộc đời của bạn cũng rõ ràng và sáng suốt. Trí tuệ và sự hiểu biết cũng rõ ràng và sáng suốt. Khi tâm bạn không sáng suốt, cuộc đời không thể sáng suốt, rõ ràng và cũng không thể có trí tuệ và hiểu biết sáng suốt, rõ ràng.
Dần dần chúng ta sẽ đạt tới hiểu biết sâu sắc về tất cả mục đích cuộc sống của mình.
Khi trí tuệ đã bắt đầu hội tụ đầy đủ, chúng ta sẽ bắt đầu hiểu được mục đích của cuộc đời, mục đích của kiếp nhân sinh này. Những người có được cái nhìn tâm linh sẽ không còn nghĩ về mọi sự như là chỉ có trong một kiếp sống này mà thôi. Họ nhìn thấy được cả toàn bộ kiếp sống với tầm nhìn của con chim từ trên cao nhìn xuống. Nhờ vậy họ sẽ chuẩn bị trước cho mình về những điều sẽ phải đối diện; và tránh né những gì có thể ngăn chặn, tránh né từ trước. Khi sự hiểu biết về toàn bộ kiếp sinh tồn này của chúng ta ngày càng sâu sắc và mạnh mẽ, chúng ta càng có thể sống cuộc đời mình một cách sáng suốt và rõ ràng hơn.
Nếu có hiểu biết về toàn bộ kiếp nhân sinh này, chúng ta sẽ không còn chấp giữ cái nhìn thiển cận, hẹp hòi về những điều tốt xấu trên đời nữa. Có những điều chúng ta sẽ không thể chấp nhận được hay sẽ không thể hiểu được, nếu chúng ta cứ khư khư giữ chặt cái nhìn hạn hẹp và thiển cận. Với quan kiến như vậy, các cảm xúc của chúng ta sẽ trở nên rất mạnh mẽ và kích động. Chúng ta sẽ than vãn, khóc than về những điều không may đã xảy đến với mình, tại sao tôi phải nhận những điều bất hạnh, đau đớn đó. Đối với những người có trí tuệ và hiểu biết, họ sẽ biết những nhân duyên nào đã hay có thể đưa đến những hoàn cảnh như thế và do đó họ sẽ chấp nhận được nó. Nếu trong những trường hợp phải đối diện, đương đầu, họ sẽ đối diện với một nội tâm bình an và thanh thản.
Có những pháp thế gian (lokadhamma – 8 ngọn gió đời, là những thăng trầm, thịnh suy trong đời) mà chúng ta không thể tránh được. Chúng ta chỉ có thể đối diện với nó bằng trí tuệ, bằng hiểu biết và chánh niệm. Có những pháp thế gian có thể tránh né được, tùy thuộc vào mức độ trưởng thành hay mức độ khôn ngoan, trí tuệ của chúng ta. Và nếu có thể tránh né được chúng, chúng ta vẫn phải duy trì, giữ gìn các phẩm chất tốt đẹp của mình với tâm chánh niệm quan sát. Đối với những điều không thể tránh được, chúng ta sẽ không còn tự than thân trách phận, tại sao những điều này lại xảy đến với tôi? Chúng ta nhận ra được rằng, đó là vì trước kia mình đã từng làm một việc gì đó, để đến bây giờ mình phải xứng đáng nhận cái quả của nó. Sự hiểu biết này làm chúng ta thêm sức chịu đựng, kham nhẫn và một cách chính xác thì chính điều này sẽ làm chúng ta trưởng thành hơn. Chúng ta đã có được sự bình an trong tâm để có thể kham nhẫn, chịu đựng về mặt thể chất và vật chất, nhưng về tinh thần chúng ta sẽ không phải chịu nhiều đau khổ nữa.
Hầu hết mọi người đều đi qua cuộc đời này một cách mơ hồ và mờ nhạt. Nhiều người cả đời chỉ vụng về lần mò quanh quẩn. Một số lại lưỡng lự, phân vân phỏng đoán xem mình phải làm gì. Đôi khi chúng ta rất muốn làm một việc gì đó và bắt tay vào làm, một thời gian sau chúng ta lại thấy mình chẳng còn thích thú công việc đó nữa. Đôi khi chúng ta cố gắng phấn đấu để đạt được điều mình mong muốn, thế nhưng khi đạt được rồi, chúng ta lại chẳng hề muốn nó nữa. Những điều đại loại như thế thường xảy ra rất nhiều ngay trong cuộc sống của chúng ta, nếu nhìn kỹ chúng ta sẽ thấy được điều đó.
Trong đời tôi, tôi đã từng mong muốn làm, mong muốn sở hữu rất nhiều thứ, đến mức tôi đã đầu tư biết bao nhiêu thời gian, có khi mất nhiều năm trời, bỏ vào đó thật nhiều công sức, tự gánh vào thân rất nhiều cơ cực, đau khổ và vật lộn để có được chúng. Nhưng khi đã thực sự có được trong tay những thứ mà tôi vẫn hằng mong ước, thì tôi lại thấy rằng đó không phải là thứ mình thực sự muốn. Nhưng khi nhận ra được điều đó thì tôi đã tiêu phí quá nhiều thời gian và sức lực cho nó mất rồi.
Thực tế, có rất nhiều người đi qua cuộc đời mà không thực sự biết một cách chắc chắn và chính xác là mình muốn gì, họ chỉ đi qua cuộc đời một cách thật mơ hồ, vật vờ vô vị, một cách thật lơ đễnh và hú họa.
Nhưng người hành thiền thì không bao giờ như thế. Khi bạn muốn làm một điều gì đó, trước hết bạn phải nhìn lại cái tâm mình đã. Tại sao tôi muốn làm điều này? Có phải vì lợi lạc vật chất hay vì tôi muốn có quyền lực, địa vị hay để người khác phải coi trọng, đánh giá cao về mình? Tôi có muốn huênh hoang, sĩ diện không? Tôi có thể làm việc này trong một thời gian dài được không? Bạn hãy tự hỏi mình các câu hỏi đó và nếu bạn bắt được tâm mình, nó sẽ biết câu trả lời. Như vậy, cuối cùng bạn sẽ làm được những điều nên làm và không làm những điều không nên. Bạn sẽ làm những việc thực tế, khả thi và sẽ không cố làm những chuyện không thể nào xảy ra. Nếu bạn không biết được cái tâm của mình, thì lòng tham muốn đạt được cái này cái kia sẽ làm mờ mắt bạn và bạn sẽ cố gắng một cách vô ích vì những điều viển vông, không thực tế, những điều không thể với tới được. Và khi không làm được thì nỗi thất vọng sẽ đến. Bạn sẽ thất vọng, chán chường và trầm uất. Đến lúc đó thì, hỡi ôi, bạn đã dốc cạn cả thời gian, tiền bạc và sức lực vào đó mất rồi.
Người biết hành thiền và biết theo dõi tâm của mình sẽ có thể đánh giá được tình hình, thời gian, nơi chốn và mọi dấu hiệu liên quan. Anh ta sẽ nhận ra được điều đó là khả thi hay không. Khi anh ta nỗ lực làm những việc khả thi đó một cách chăm chỉ, thì hầu như lúc nào nó cũng thành công tốt đẹp. Bởi vì hầu hết mọi công việc đều trôi chảy tốt đẹp, nên thời gian không hề bị lãng phí vô ích. Anh ta cũng không lãng phí sức lực mình một cách vô ích và cuộc sống sẽ mãn nguyện hơn nhiều. Nhờ vậy anh ta sẽ tiếp tục vươn tới những tầm cao mới và sẽ phấn đấu để đạt được những điều tốt đẹp hơn.
Một người hiểu được tâm của mình, hiểu được phần tâm linh của mình sẽ làm những gì là thích hợp, dù đó là những việc tầm thường của thế gian hay bất cứ công việc gì, anh ta sẽ không làm những việc không thích hợp với mình. Anh ta sẽ làm những việc thực tế, khả thi chứ không theo đuổi những công việc hão huyền, phi thực tế. Có nhiều việc không thể làm ngay tức khắc được. Nếu việc đó phải để làm sau, anh ta có thể chờ và chờ đợi trong sự bình yên, thanh thản. Những người hành thiền là những người kiên nhẫn, biết bảo tồn, gìn giữ và không dễ dàng từ bỏ. Đó là lý do tại sao họ chỉ làm những việc có ý nghĩa và với một cái nhìn dài hạn. Hầu hết những công việc đó đều trôi chảy và rồi thành công sẽ đến ngày một nhiều hơn.
Con người làm chủ những tiềm năng vĩ đại. Song tất cả những tiềm năng này lại thường bị chúng ta phung phí lung tung, vô mục đích; chúng ta hình như luôn luôn muốn hết cái này đến cái khác… chúng ta muốn làm quá nhiều thứ. Chúng ta làm một việc, nó thất bại, chúng ta lại làm một việc nữa và lại thất bại, dường như chúng ta không thể nào tiến lên được nữa. Mọi thứ đều không chắc chắn và có quá nhiều sự thay đổi. Hãy tập trung vào một thứ, định rõ một hướng đi và gắn chặt vào nó – bạn sẽ thấy cả một thế giới khác sẽ đến cùng với nó.
Thực chứng sức mạnh tâm linh là một kinh nghiệm tràn đầy niềm vui và phúc lạc.
Khi chúng ta đã có một cái nhìn rõ ràng, sáng suốt về cuộc đời mình và làm những việc nên làm với sự tận tâm, chu đáo hết mình, chúng ta sẽ thấy những điều tốt đẹp bắt đầu đến với mình, việc này tiếp nối việc kia. Tiến trình này đem đến cho chúng ta thật nhiều sức mạnh và chính sự hiểu biết này tự thân nó đã là một loại sức mạnh. Chúng ta có thể tự tin làm một công việc nào đó, hoàn toàn ý thức được về nhân và quả. Không còn một chút mơ hồ, lẫn lộn. Chính sự tự tin đó, bản thân nó sẽ đem lại cho chúng ta một sức mạnh, một năng lực to lớn và một kỹ năng thiện xảo.
Có rất nhiều loại sức mạnh. Cũng như sức mạnh chính trị hay sức mạnh quân sự, tâm linh cũng có sức mạnh. Hai loại sức mạnh đầu là những nguồn sức mạnh ở bên ngoài, chúng không thể tồn tại mãi mãi. Sức mạnh tinh thần, từ bên trong trái tim ta, cực kỳ dũng mãnh và kiên định. Nó có tác dụng thu thúc và tự chế, khiến cho con người chúng ta trở nên đứng đắn, chững chạc và kiên định. Người có được sức mạnh này sẽ không bao giờ cảm thấy mình yếu kém. Anh ta luôn cảm thấy mạnh mẽ. Không bao giờ có cảm giác thua thiệt, thấp kém, nó mang lại một sự bình an thật lớn lao cho tâm hồn.
Sức mạnh tâm linh về bản chất là cao thượng với những khát vọng và mục đích cao thượng, và do đó nó không thể bị lạm dụng. Sức mạnh đó chỉ có thể mang lại những điều tốt đẹp và phúc lạc cho đời.
Nếu bạn muốn phân loại các loại sức mạnh, chúng ta có thể phân nó ra thành sức mạnh phá hoại và sức mạnh xây dựng hay là sức mạnh có ích. Chúng ta cũng có thể gọi nó là sức mạnh nuôi dưỡng- đó là loại sức mạnh tạo ra những điều tốt lành, có tác dụng bảo vệ và nuôi dưỡng.
Sức mạnh tâm linh cũng là một loại sức mạnh nuôi dưỡng. Những người có được sức mạnh này muốn làm những việc lợi ích, tốt lành cho những chúng sanh khác, và họ cũng có đủ sức mạnh và trí tuệ để làm được điều đó. Họ tích cực làm những công việc này – họ không thể chống lại việc đó. Sức mạnh tâm linh này luôn khát khao được hoàn thành đầy đủ, được hoàn toàn viên mãn: “Tôi phải làm điều đó, tôi phải làm với tất cả khả năng của mình”.
Đó là lý do tại sao những con người từ bi, trí tuệ và nhất là những con người có được cái nhìn về tâm linh, chỉ mong muốn được làm việc vì lợi ích của người khác và họ cũng luôn luôn làm điều đó một cách thực lòng.
Con người chỉ có thể thực sự đạt được sự hoàn mãn trong cuộc đời khi họ biết hành động vì lợi ích của người khác.
Con người không thể sống một mình – chúng ta luôn luôn gắn liền với nhau. Nếu chúng ta sống đơn độc một mình, chúng ta cũng không thể hiểu biết được nhiều điều như thế này. Nếu sống một mình, chúng ta cũng không có cơ hội để phát triển tâm từ (mettā), tâm bi (karuna)… Lòng kiên nhẫn, sự tha thứ khoan dung, chia sẻ sự hiểu biết của mình với mọi người, luôn cầu mong những điều tốt đẹp đến cho người …cùng những hiểu biết và phẩm chất cao thượng khác sẽ không có cơ hội nảy nở trong ta. Những hiểu biết và phẩm chất cao thượng của tâm ta sẽ không thể đơm hoa kết trái. Những điều này đến từ chính cuộc sống của chúng ta trong xã hội và từ những mối quan hệ, giao tiếp giữa ta với mọi người. Nếu chúng ta sống một mình thì tất cả mọi tiềm năng chúng ta có sẽ không bao giờ có cơ hội hiển bày.
Khi nghĩ đến những điều này tôi mới nhận ra rằng, tôi đã có được cơ hội để làm những việc cần làm và biết được những việc nào cần phải làm, chính là nhờ ở rất nhiều người. Tôi phải cám ơn cả thế giới này. Muông thú, cỏ cây, trái đất, núi rừng, tự nhiên không trừ một ngoại lệ nào, tất cả đều đóng góp phần công lao trong đó. Không chỉ những người ở đây hôm nay mà cả những người từ lâu trước kia, tất cả mọi việc họ làm trước nay đều cùng nhau tác động đến tôi. Nhờ có họ nên tôi mới có được kết quả này – tôi cảm thấy biết ơn họ thật nhiều. Khi cảm nhận một chút lòng biết ơn lớn lao mà tôi đã mang nợ với tất cả, tôi bắt đầu cảm thấy mình muốn đáp trả lại một điều gì đó, dù điều đó thật là nhỏ nhoi, khiêm tốn. Tôi muốn làm vì lợi ích của mọi người.
Có những niềm vui đến cùng với kỹ năng thiện xảo và sự thuần thục.Biết cách làm một việc gì đó một cách tốt nhất và có thể thực hiện được công việc đó, điều đó mang lại một niềm vui sướng, hân hoan vô cùng.
Đó là một loại kỹ năng để có thể làm việc với sự hiểu biết cặn kẽ về hiệu quả của công việc mình làm và những nhân duyên nhất định cần phải hội đủ để làm được công việc đó.
Biết cách sống và biết việc cần làm, điều đó làm cho cuộc sống của bạn trở nên tốt đẹp và khả năng áp dụng sự hiểu biết đó một cách thiện xảo, khéo léo là một niềm vui, nó mang lại sự sáng suốt và hạnh phúc, an lành cho bạn.
Không có sự mãn nguyện nào lớn hơn là luôn thực sự hay biết việc mình đang làm.
Điều thực sự đáng hài lòng, đáng tưởng thưởng là việc chúng ta có thể làm những điều phù hợp với tính cách của mình với sự tự tin, không hề lưỡng lự, băn khoăn, ngần ngại có nên làm hay không. Điều đó thực sự là mãn nguyện và tôi nghĩ không thể có điều gì mãn nguyện hơn là biết cách làm việc và làm một cách thuần thục, tốt đẹp.
Chúng ta chỉ thực sự cảm thấy có sức sống khi chúng biết được một cách dứt khoát điều mình muốn làm và làm điều đó hết mình. Trên thế giới này, không có gì vô nghĩa, ngớ ngẩn và chán chường hơn việc phải tự hỏi mình câu hỏi: “Tôi nên làm gì bây giờ? Việc gì là việc tốt nhất cần phải làm đây?” – và không tìm ra được câu trả lời. Thực sự là chán chường khi phải sống một cách đầy lưỡng lự, băn khoăn như thế.
Những người đã phát triển cao nhất về tâm linh là những bậc thầy trong cuộc sống.
Chúng ta đã trở thành những bậc thầy trong cuộc sống chưa? Chúng ta đã biết cách sống cuộc sống của mình như thế nào chưa?
Trên thế giới này có vô số chuyên gia máy tính, vô số nhà khoa học bậc thầy, các nhà thiên văn học bậc thầy, những doanh nhân bậc thầy. Nhưng họ có trở thành những bậc thầy trong cuộc sống, biết cách sống cuộc đời mình một cách thiện xảo, khéo léo cho đến tận hơi thở cuối cùng hay không? Hãy nghĩ đến điều này…nó còn quan trọng hơn tất cả những thứ khác nhiều. Bạn không thể trở thành một con người như thế chỉ trong vòng một ngày hai ngày hay ngay cả trong vòng một tháng hai tháng được. Chúng ta phải tiếp tục thực hành với một sự cam kết, với một ý chí và quyết tâm phi thường, với một sự kiên trì bền bỉ, với tấm lòng chân thành và đức tin chân chánh.
Hãy cố gắng hết mình với tất cả trái tim và nếu bạn tiếp tục tiến bước, sau một thời gian dài trí tuệ bạn sẽ dần dần được hội tụ đủ đầy và bạn sẽ đạt đến được phần cốt lõi tinh yếu của trí tuệ tâm linh. Bạn sẽ trở thành một bậc thầy trong cuộc sống. Tôi luôn cầu chúc cho tất cả các bạn hãy phấn đấu để trở thành những bậc thầy trong cuộc sống như thế!
Rừng thiền Viên Không – Tháng 4/2006.
—————————–
Bài viết được trích từ cuốn Ngôi Nhà Chánh Niệm – Tác giả Tỳ Khưu U Jotika
Link cuốn Ngôi Nhà Chánh Niệm
Link tải sách ebook Ngôi Nhà Chánh Niệm
Link video cuốn Ngôi Nhà Chánh Niệm
Link audio cuốn Ngôi Nhà Chánh Niệm
Link thư mục tác giả Tỳ Khưu U Jotika
Link thư mục ebook tác giả Tỳ Khưu U Jotika
Link giới thiệu tác giả Tỳ Khưu U Jotika
Link tải app mobile Phật Giáo Theravāda