Năm Giai Đoạn Thanh Tịnh Tuệ Giác – (4b) Đạo Tri Kiến Thanh Tịnh

Dạo Tri Kiến Thanh Tịnh Phần 2 3

ĐẠO TRI KIẾN THANH TỊNH (Patipadà – nanadassana – visuddhi)

Bài 4/5 – Phần 2/3

[lwptoc]

Tuệ – Tám Trí

VII. Tư Duy Trí

47. Khi muốn giải thoát khỏi tất cả các hành, thuộc các hữu, sanh, thú, trú và hữu tình cư, hành giả phải phân tích chúng, gán cho chúng ba đặc tính bằng trí tư duy.

48.     
1. Vị ấy thấy các hành là vô thường, vì: chúng không liên tục, tạm bợ, bị giới hạn bởi sinh và diệt, phân tán, phù du, khả hoại, không bền, chịu biến đổi, không có lõi, phải đoạn diệt, hữu vi, phải chết, v.v..

2. Vị ấy thấy các hành là khổ, vì: chúng liên tục bị bức bách, khó chịu, là căn cứ cho khổ, là bệnh, ung nhọt, mủi tên, tai họa, đau khổ, cơn dịch, ương ách, khủng khiếp, đe dọa, vô bộ, không phải chỗ trú, không phải chỗ nương, một mối nguy, căn để của họa hoạn, sát nhân, hữu lậu, mồi của ma, bị sanh già bệnh, sầu bi não, cấu uế, v.v.3. Vị ấy thấy các hành là bất tịnh xấu xí – hệ luận của đặc tính khổ, vì: chúng đáng phản đối, hôi hám, ghê tởm, gớm ghiếc, dù có ngụy trang cũng vô ích, vì chúng dị hình, khả ố, v.v.

4. Vị ấy thấy tất cả hành là vô ngã, vì: chúng xa lạ, trống rỗng, vô vị, vô chủ, không sáng tạo chủ, không có năng lực gì có thể thi thố trên chúng, v.v.

Khi thấy các hành như trên, vị ấy được xem là phân biệt các hành bằng cách gán cho 4 đặc tính cho chúng.

49. Nhưng tại sao hành giả phân biệt chúng theo cách ấy? Ðể mưu cầu phương tiện giải thoát.

Ðây là một ví dụ:

  • Một người nghĩ đến việc bắt một con cá.
  • Anh ta lấy một cái lưới tung vào nước.
  • Anh bỏ tay vào miệng lưới trong nước, và nắm được cái cổ của một con rắn.
  • Mừng rỡ, anh nghĩ: “Ta đã bắt được một con cá”.
  • Với sự tin tưởng mình đã bắt được một con cá lớn, anh dở lên nhìn.
  • Khi trông thấy ba đốm, anh nhận ra đó là một con rắn và đâm ra hoảng sợ.
  • Thấy nguy hiểm, anh cảm thấy hết thèm, đổi ngược với cái anh vừa bắt được, và muốn thoát ly nó.
  • Tìm cách thoát, anh ta tháo những khoanh rắn ra khỏi tay, khởi từ cái đuôi của nó.
  • Rồi đưa tay lên, sau khi đã làm kiệt sức con rắn bằng cách vặn hai ba vòng cái đầu nó, anh ném nó ra xa, la lên: “Cút đi, đồ yêu quái”.

Anh vội bò lên đất khô, đứng nhìn lại chỗ cũ, nghĩ: “Ối giời, ta vừa thoát khỏi nanh vút một con rắn khổng lồ!”.

50. Ở đây, thời gian hành giả vui mừng vì có ngã, là như người kia mừng vì nắm được cổ rắn. Hành giả thấy ba đặc tính trong các hành, sau khi phân tích toàn khối thành ra tứ đại, là như người kia thấy ba đốm khi kéo đầu con rắn ra khỏi miệng lưới. Hành giả biết tướng khủng khiếp là như lúc người kia sợ hãi.

  • Trí quá hoạn là như người kia thấy mối nguy.
  • Trí vô dục là như người kia dội ngược với cái vật anh ta bắt được.
  • Trí dục thoát là như người kia thoát khỏi con rắn.

Sự gán ba đặc tính cho các hành bằng tư duy trí, là người kia tìm phương thoát khỏi con rắn.

Cũng như người kia làm kiệt sức con rắn bằng cách quay tròn nó, giữ nó cách xa, làm nó hết khả năng cắn mổ, nhờ vậy anh ta thoát được, hành giả cũng làm yếu các hành bằng cách lắc qua lắc lại chúng với ba đặc tính, khiến chúng không còn xuất hiện trở lại dưới hình thức thường lạc ngã tịnh, và nhờ vậy hành giả được giải thoát.

Do đó trên đây nói rằng: “Hành giả phân biệt các hành theo cách ấy để mưu cầu phương tiện giải thoát.

51. Ở điểm này, trí tư duy đã khởi lên nơi vị ấy.

Về trí này, được nói như sau:

1. “Khi hành giả tác ý vô thường, thì nơi vị ấy trí khởi lên sau khi tư duy về cái gì?
2. Khi hành giả tác ý khổ…
3. … vô ngã, thì nơi vị ấy, trí khởi lên sau khi tư duy về cái gì?

 

1. Khi hành giả tác ý vô thường, thì nơi vị ấy trí khởi lên sau khi tư duy về tướng.
2. Khi hành giả tác ý khổ, thì nơi vị ấy trí khởi lên sau khi tư duy về sanh.
3. Khi hành giả tác ý vô ngã, thì nơi vị ấy trí khởi lên sau khi tư duy về tướng và sanh. (Ps. ii, 63).

52. Ở đây, sau khi tư duy về tướng có nghĩa, sau khi đã biết tướng của các hành, nhờ đặc tính vô thường, là không bền, tạm bợ. Dĩ nhiên, không phải trước đã biết rồi, sau trí mới khởi lên, nhưng sở dĩ nói vậy là theo thế tục, như đoạn nói: “Do duyên tâm và tâm pháp, mà ý thức sanh” (M. i, 112) v.v.. Hoặc có thể hiểu là nó được diễn tả theo phương pháp Ðồng nhất bằng cách đồng nhất cái trước với cái sau.

Ý nghĩa của sanh, tướng và sanh cũng cần hiểu như vậy. Trí tư duy đến đây chấm dứt.

Phân Biệt Các Hành Là Trống Rỗng

53. Sau khi phân biệt nhờ trí tư duy, rằng “tất cả hành là trống rỗng” (S. iii, 167) hành giả lại phân biệt tính cách trống rỗng trong tương quan luận lý hai chiều như sau: “Cái này không ngã, không ngã sở” (M. ii, 263)

[Chú thích: Dvisotika, luận lý hai chiều, và Càtukotlka – luận lý bốn chiều, xem Buddhist Logic của Th. Scherbatsky, tr. 60-1, ghi chú 5]

Khi đã thấy rằng không có một cái ngã, hay bất cứ gì, vật hay người, chiếm địa vị một cái ngã, hành giả lại phân tích sự trống rỗng trong tương quan luận lý bốn chiều, như đoạn: “Ta không là sở hữu của bất cứ kẻ nào, ở đâu, cũng không đâu có sự sở hữu ta, trong bất cứ kẻ nào. (M. ii, 263).

Như thế nào?

[Chú thích: Có nhiều bản khác nhau về đoạn kinh này, như A. i, 206; ii, 177; iii, 170. Lại có nhiều sớ giải khác nhau. Ở đây theo khảo sát nhiều bản. Ðây là một đoạn kinh khó hiểu, dường như là một câu đầu lưỡi những người ngoại giáo, một thành ngữ của lõa thể Ni kiền tử (A. i, 206) dùng để nói về Không vô biên xứ (M. iii, 263), trong đó ý sau cùng được du nhập vào Phật giáo kể như một điều có thể làm căn cứ phân biệt chánh kiến tà kiến, tùy cách nhìn.
Luận về đoạn này được Pm. tóm tắt như sau: “Nàham kvacini: Vị ấy thấy sự phi hữu của một cái ngã nơi chính mình. Na kassaci kincanat’asmim: Về chính tự ngã của mình, vị ấy thấy rằng nó cũng không là sở hữu của một tự ngã nào của kẻ khác. Vị ấy thấy sự người khác như sau: “Không có tự ngã của một người khác, ở bất cứ chỗ nào”. Về người khác, vị ấy thấy rằng họ cũng không là sở hữu của tự ngã mình như sau: “Tôi cũng không sở hữu tự ngã của người khác” Vậy, cái tập hợp các hành này, khi được phân tích thành trống rỗng với luận lý bốn chiều ấy, được thấy là không ngã, ngã sở, về cả hai uẩn nội ngoại.– Pm. 840-1]

 

54.
(1) Thiền giả này, khi nghĩ: “Ta không có một tự ngã bất cứ ở đâu” (nàham kvacani), vị ấy không thấy một cái ngã bất cứ ở chỗ nào.

(2) Khi nghĩ: “Ta không là sở hữu của bất cứ ai” (kassaci kincanat’ asmim), vị ấy không thấy một tự ngã nào của chính mình được suy diễn từ sở hữu của một người khác, như người anh sở hữu nó, hay người bạn sở hữu nó, v.v.(3) na ca mama kvacani, vị ấy không thấy tự ngã của một kẻ khác ở bất cứ đâu;

(4) (mama) kisminci kincanat’ atthi, vị ấy không thấy có tự ngã một người khác, được suy diễn từ sở hữu của mình hay của một người anh, v.v. Ðây là cách phân tích sự trống rỗng theo tương quan luận lý bốn chiều.

55. Sau khi phân tích sự trống rỗng như trên, hành giả lại phân tích tính trống rỗng theo cách sau. Như thế nào?

(1) Con mắt không là ngã,
(2) không phải ngã sở,
(3) không thường,
(4) không bền bĩ,
(5) không bất diệt,
(6) không phải không biến, đổi.

Cũng vậy, sắc… pháp.… nhận thức… ý thức… ý xúc… già chết” (xem Ch. XX, 9)

56. Sau khi phân tích sự trống rỗng theo sáu cách trên hành giả lại phân tích theo 8 cách, là:

“Sắc không có lợi, không tâm điểm, không thực chất về phương diện; (1) thường, (2) bền bỉ, (3) lạc, (4) ngã, hoặc về phương diện (5) cái gì thường, (6) cái gì bền bỉ, (7) cái gì bất diệt, (8) cái không bị biến đổi.

Theo tương hành, thức còn mãi cho đến già chết (như trên) cũng vậy.

Như cây lau không có lõi, không có ruột, không có tâm điểm, như cây thầu dầu,… không có tâm điểm, không có lõi, không thực chất, cùng vậy là sắc… cho đến già chết. (Nd2. 184-185)

57. Sau đó hành giả lại phân tích sự trống rỗng theo 10 cách:

“Vị ấy thấy sắc là ⑴ trống rỗng, ⑵ vô vị, ⑶ vô ngã, ⑷ không chủ tể, ⑸ không thể làm như ý ta muốn, ⑹ không thể bị sở hữu như ý ta muốn, ⑺ không chịu sự chi phối của một quyền năng, ⑻ là xa lạ, ⑼ tách biệt với quá khứ và ⑽ vị lai.

Vị ấy thấy thọ… thức là trống rỗng.. tách biệt quá khứ vị lai”. [Chú thích: nghĩa là, nhân và quả tách biệt nhau]

58. Sau đó lại phân tích theo 12 kiểu:

“⑴ Sắc không ngã, ⑵ không linh hồn, ⑶ không là người, ⑷ không nam, ⑸ không nữ, ⑹ không tự ngã, ⑺ không ngã sở, ⑻ không ta, ⑼ không của ta, ⑽ không người, ⑾ không của người ⑿ không bất cứ của ai”.

59. Hành giả lại phân tích tính trống rỗng theo 42 kiểu bằng tuệ liễu tri kế như suy đạt:

“Vị ấy thấy sắc là vô thường, khổ, bệnh, ung nhọt, mũi tên, tai họa, sầu khổ, xa lạ, phân tán, cơn dịch, ương ách, khủng bố, đe dọa, phù du, khả hoại, không bền, vô hộ, không chỗ trú, không chỗ nương, không thích hợp làm chỗ nương, trống rỗng, vô vị, không vô ngã, không khả ý, nguy hiểm, phải bị biến đổi, không có lõi, gốc rễ của tai ương, sát nhân, phải đoạn diệt, hữu lậu, hữu vi, mồi của ma, phải chịu sanh, già, bệnh, chết, sầu bi khổ ưu não; sanh khởi, ra đi; mối nguy, thoát ly.

Vị ấy thấy thọ… (như trên).. thoát ly” (Ps. ii, 238)

60. Và điều này đã được nói: “Khi vị ấy thấy sắc là vô thường… là thoát ly”, vị ấy nhìn thế gian là trống rỗng. Khi thấy thọ tưởng hành thức là vô thường.. thoát ly, vị ấy nhìn thế gian là trống rỗng.

Hãy nhìn thế gian là trống rỗng,
Này Mogharàja, như vậy, luôn tính giác
Người ấy có thể thoát nanh vút tử thần
Do từ bỏ tin tưởng vào ngã.
Vì tử thần không thể thấy con người
nhìn thế gian với cách ấy. (Sn. 1119)

VIII. Trí Hành Xả

61. Khi hành giả đã phân biệt các hành bằng cách gán ba đặc tính cho chúng và thấy chúng trống rỗng như thế, vị ấy từ bỏ cả khiếp sợ và thích thú, trở nên dửng dưng không xem chúng là tôi hay của tôi, vị ấy giống như một người đã ly dị với vợ.

62. Ví như có người cưới một người vợ yêu kiều, khả ái, duyên dáng, anh ta yêu nàng say đắm tới nổi không thể chịu được sự phân ly với nàng dù chỉ trong chốc lát.

Anh ta thường bị giao động bực bội khi thấy nàng đứng ngồi nói cười với một người đàn ông khác, và rất khổ sở. Nhưng một thời gian, thấy những lỗi lầm của người đàn bà ấy, anh muốn thoát ly và ly dị nàng, không muốn xem nàng là “của tôi” nữa. Từ đó, dù có thấy nàng làm bất cứ gì, với bất cứ ai anh cũng không còn bị giao động, phiền hà, mà trái lại, vẫn như không.

Cũng vậy, thiền giả vì muốn thoát tất cả hành, phân biệt các hành bằng trí tư duy và thấy không có gì để cho là “tôi” hay “của tôi”, hành giả từ bỏ cả sợ hãi lẫn thích thú và trở nên dửng dưng đối với tất cả hành.

63. Khi hành giả biết và thấy như vậy, tâm vị ấy lùi lại, co rút lại trước ba hữu, bốn sanh, năm thú, bảy thức trú và chín hữu tình cư, tâm vị ấy không đi đến các thứ ấy nữa.

Xả hay sự ghê tởm đã được an trú, như những giọt nước lùi lại, co lại, không trải ra trên ngọn lá sen, cũng thế tâm vị ấy lùi lại, co lại trước ba hữu. Xả, hay sự ghê tởm đã an trú. Với cách ấy, nơi hành giả khởi lên cái gọi là Hành xả trí.

64. Nhưng nếu trí này thấy được Niết bàn, trạng thái an ổn là an lạc thì nó chối bỏ sự sanh tất cả các hành và chỉ có thể nhập Niết bàn mà thôi.

Nó không thấy Niết bàn là an ổn, thì nó sẽ sanh trở lại nhiều lần, với các hành làm đối tượng, như con quạ của các thủy thủ.

65. Khi đi biển, những thương gia thường mang theo con quạ để tìm đất liền.

  • Khi thuyền bị bão tố thổi lạc quỹ đạo, trôi giạt không thấy đất liền, họ sẽ thả chim ra.
  • Nó bay khỏi cột buồm, và sau khi thám hiểm bốn hướng, nếu thấy đất liền, no sẽ bay về hướng đó.
  • Nếu không thấy đất liền, nó sẽ bay trở lại đậu trên cột buồm.

Cũng thế, nếu trí hành xả thấy được Niết bàn, trạng thái an ổn là an lạc, thì nó sẽ từ bỏ sự sanh tất cả hành và chỉ thâm nhập Niết bàn mà thôi. Nếu nó không thấy điều ấy, thì nó sẽ mãi mãi sanh trở lại, với các hành làm đối tượng.

66. Bây giờ, sau khi phân tích các hành theo những kiểu khác nhau như sàn bột trên mé khay, như chải bông để lọc bỏ hột goòng, và sau khi từ bỏ kinh khủng lẫn thích thú, trở nên dửng dưng khi suy đạt các hành, vị ấy vẫn kiên trì trong ba quán, và sau khi làm như vậy, quán trí đi vào trạng thái Ba cửa ngõ đưa đến giải thoát (tam giải thoát môn), và trở thành điều kiện cho sự phân thứ bực các bậc thánh ra làm bảy bực.

Ba Cửa Ðến Giải Thoát (Tam Giải Thoát Môn)

Trí ấy đi vào giải thoát? ba căn, tùy theo quán tuệ sanh khởi theo một trong ba cách.

[Chú thích: Khi tuệ đạt đến tột đỉnh, nó an trú vào một trong 3 quán và 18 quán đều bao gồm trong ba quán này.

Ba căn là tín, định và tuệ. “Với sự thù thắng” có nghĩa là, sự ưu thắng của các pháp tương ứng,

1. như tín cần mang nơi người quán vô thường nhiều,
2. định cần mang nơi người quán khổ, và
3. tuệ cần mang nơi người quán vô ngã.

Bởi vậy, cả ba căn này được tăng cường về ba quán ấy làm phát sinh sự thế nhập ba giải thoát môn. (Pm. 844)]

67. Vì chính ba pháp quán được gọi là Ba cửa đi đến giải thoát, như được nói: “Nhưng ba cửa ngõ đến giải thoát này dẫn đến lối ra khỏi thế gian, nghĩa là:

(1) đưa đến sự thấy được các hành đều bị giới hạn, bị bao vây, và đưa đến sự thâm nhập của tâm vào “Vô tướng giới”,

(2) đưa đến sự khơi dậy của ý đối với tất cả các hành, và đến sự thâm nhập vào “Ly dục giới”,

(3) đưa đến sự thấy tất cả pháp là xa lạ, và đến sự thâm nhập của tâm vào “Không giới”.

Ba giải thoát môn này đưa đến lối ra khỏi thế gian” (Ps. ii,48).

[Chú thích:

Quán vô thường thấy các hành là bị nạn cuộc bởi sanh ở đầu và diệt ở cuối, và thấy rằng, chính vì chúng có đầu và cuối nên vô thường.

“Vào vô tướng giới” là vô vị giới, được cái tên “vô tướng” vì nó đối lại với tướng các hành.

“Ðến sự thâm nhập của tâm”: đến sự hoàn toàn thâm nhập của tâm tăng thượng, nhờ trí thuận thứ, sau khi định giới hạn.

“Vào ly dục giới” là vào vô vi giới, được cái tên “ly dục” do không có dục tham, v.v.

“Vào không giới” cũng là vô vị giới, được cái tên “không” vì không ngã.– Pm. 845].

68. 1. Ở đây, “bị giới hạn, bị bao vây” nghĩa là vừa bị giới hạn bởi sinh diệt, vừa bị vây bủa bởi sinh diệt.

Vì quán vô thường giới hạn các hành như sau: Các hành không hiện hữu trước khi chúng sanh ra, và khi tìm hiểu số phận chúng, thấy chúng “bị vây bủa” như sau: “Chúng không thoát khỏi diệt, chúng tan biến sau khi diệt.

2. “Ðưa đến sự khơi dậy của ý”: bằng cách đem lại cho tâm một ý thức khẩn trương, vị, với pháp quán khổ, tâm có được ý thức khẩn trương đối với các hành.

3. “Ðưa đến sự thấy xa lạ” nghĩa là đưa đến sự thấy rằng các hành không là tôi hay của tôi.

69. Vậy, ba mệnh đề này cần hiểu là diễn đạt các pháp quán vô thường, khổ, vô ngã. Do đó, trong câu trả lời cho câu hỏi kế tiếp (được nêu trong luận Patisambhidà), nói:

1. “Khi hành giả tác ý vô thường, các hành đối với vị ấy là khả hoại,
2. khi hành giả tác ý khổ, các hành đối với vị ấy là khởi chúng,
3. khi hành giả tác ý vô ngã, các hành đối với vị ấy là trống không”. (Ps. ii, 48)

70. Nhưng pháp quán hay là cửa ngõ đưa đến những thứ giải thoát nào?

Ðó là ba thứ, ở tướng, ly dục và không.?

71. Và ở đây, vô tướng giải thoát cần được hiểu là thành đạo đã phải?

72. Nhưng trong Abluanamme lại nói: “Vào lúc vị ấy tu tập thiền, siêu thế. – một ngõ đưa đến sự phân tán (ra 7 cặp) – sau khi từ bỏ tà kiến với sự đạt đến cấp bực thứ nhất ly dục… vị ấy chứng và trú sơ thiền, không có dục… trống không” (Dhs. 510) Như vậy, chỉ đề cập hai giải thoát. Ðiều này anh chỉ cái cách mà tuệ đạt đến đạo lộ và được diễn đạt theo nghĩa đen.

73. Tuy nhiên, trong Patisambhidà, quán trí được diễn tả như sau:

(1) Trước hết nó được tả là không giải thoát vì thoát khỏi là giải vô các hành”.

1. Trí quán vô thường là không giải thoát vì nó giải thoát khỏi lối (tà) giải các hành là thường.

Trí quán khổ là Không giải thoát, vì nó thoát khỏi là giải chúng 2. là lạc.

3. Trí quán vô ngã là Không giải thoát, vì nó thoát khỏi là giải các hành là ngã” (Ps. ii, 67).

(2) Rồi nó lại được diễn tả là vô tướng giải thoát nhờ thoát khỏi các tướng:

1. “Trí quán vô thường là vô tướng giải thoát, vì nó giải thoát khỏi tướng các hành là thường.

2. Trí quán khổ là Vô tướng giải thoát, vì nó giải thoát khỏi tướng các hành là lạc.

3. Trí quán vô ngã là Vô tướng giải thoát, vì nó giải thoát tướng các hành là ngã” (Ps. ii, 68).

(3) Cuối cùng, nó được diễn tả là Ly dục giải thoát do sự giải thoát dục vọng của nó:

1. “Trí quán vô thường là ly dục giải thoát (hay Vô nguyện Giải thoát) vì nó giải thoát khỏi dục đối với các hành được xem là thường,

2. trí quán khổ là ly dục Giải thoát vì nó giải thoát khỏi dục đối với các hành được xem là lạc.

3. Trí quán vô ngã là ly dục giải thoát, vì nó giải thoát khỏi dục đối với các hành được xem là ngã. (Ps. ii, 68).

Nhưng, mặc dù được nói như vậy, quán trí không phải vô tướng theo nghĩa đen, vì không có sự từ bỏ tướng các hành (kể như hữu vi, ở đây, để phân biệt với hành kể như vô thường v.v..)

Nhưng Không và Ly dục thì theo nghĩa đen. Và chính vào sát-na đạo lộ. Ðó là lý do tại sao A tì đàm chỉ đề cập hai giải thoát là Không và Ly dục. Ðấy là Luận về các giải thoát.

[Chú thích: “Tại sao vô tướng tuệ không thể đem lại tên nó cho đạo lộ khi nó đạt đến đạo lộ?

Dĩ nhiên, tướng được gọi đến trong kinh như sau: “Hãy tu tập vô tướng, từ bỏ” (Sn. 342)

Nhưng mặc dù nó loại bỏ các tướng thường, bền bỉ và chính nó vẫn còn có tướng và đưa tâm đến các pháp bỏ tướng.

Lại nữa, Abhidhamma là giáo lý theo nghĩa.

Vì vô tướng giải thoát được nói phù hợp với quán vô thường, và trong pháp quán này, tín căn thạnh. Nhưng tín căn không được đại biểu bởi bất cứ yếu tố nào của đạo lộ, nếu không đem lại cho đạo lộ cái tên của nó, vì nó không thuộc thành phần nào trong đạo lộ.

Trong trường hợp như cái kia, thì Ly dục, Giải thoát là do quán khổ, Không Giải thoát là do quán vô ngã.

Trong Ly dục Giải thoát, thì định là thù thắng và trong Không Giải Thoát, tuệ cần thù thắng.

Vì định và định và tuệ cũng là những chi phần của đạo lộ, nên chúng có thể được lấy làm cái tên của đạo lộ, nhưng không có vô tướng đạo lộ vì chi phần “vô tướng” không có.

Nhưng lại có người nói rằng có một đạo lộ vô tướng, và mặc dù không có tên này do cách thức tuệ đạt đến đạo lộ, nó cũng được tên này từ một đức đặc biệt của riêng nó, và từ đối tượng của nó.

Theo quan niệm những người này, thì đạo lộ Ly dục và Không đáng lẻ cũng được tên ấy từ các đức đặc biệt và từ đối tượng của chúng.

Như vậy là sai. Tại sao? Bởi vì đạo lộ có tên của nó theo hai lý do: do bản chất của chính nó, và do cái nó khắc chế.

Có nghĩa là do tự tánh của nó, và do cái ngược lại với nó.

Vì đạo lộ Ly dục là thoát khỏi dục do tham, vv.. và đạo lộ “Không” cũng thoát khỏi tham, cho nên cả hai đều có tên từ tự tính của chúng.

Tương tự như thế, đạo lộ ly dục là ngược với dục và đạo lộ. “Không” là ngược với sự tà giải rằng có ngã, bởi thế chúng được tên của chúng từ những gì chúng khắc chế.

Còn trái lại, đạo lộ vô tướng chỉ được tên của nó từ tự tính của chính nó, do ở trong nó không có cái tướng của tham, v.v… hay của thường, v.v… nhưng do cái mà nó chống lại.

Vì nó không chống lại quán vô thường pháp quán này có đối tượng của nó là tướng của các hành kể như hữu vi – mà còn thỏa hiệp với pháp quán ấy.

Bởi vậy, một đạo lộ vô tướng là hoàn toàn không thể chấp nhận, theo quan điểm các Luận sư A tỳ đàm. Do đó nói “Ðiều này ám chỉ cái cách tuệ đạt đến đạo lộ và được diễn tả theo nghĩa đen” (đ. 72)].

Bảy Hạng Hiền Thánh

74. Ở trên đây có nói: “Nó trở thành điều kiện cho sự xếp hạng các vị Thánh ra bảy bực (đoạn 66). Ở đây, trước hết có bảy hạng hiền thánh này:

(1) Tùy tín hành,
(2) Tín giải thoát,
(3) Thân chứng,
(4) Câu phần giải thoát,
(5) Tùy pháp hành,
(6) Kiến đáo,
(7) Tuệ giải thoát.

Trí hành xả này là một điều kiện cho sự xếp hạng 7 loại hiền thánh này.

75.    
⑴ Khi một người tác ý các hành là vô thường và, vì có nguyện lực (quyết định) lớn, đạt được tín căn, vị ấy trở thành một tín hành giả vào sát-na Dự lưu đạo, và trường hợp ba đạo trên đó,

 

⑵ và bốn quả, vị ấy thành bậc Tín giải thoát.

⑶ Khi một người tác ý các hành là khổ và, vì có định lực lớn, đạt được định căn, vị ấy được gọi là bậc Thân chứng trong cả 8 bực.

⑷ Vị ấy được gọi là bậc Câu phần giải thoát khi đã đạt đến quả tối thượng sau khi đắc luôn các thiền vô sắc.

⑸ Khi một người tác ý các hành là vô ngã và, vì có tuệ lớn, đắc tuệ căn, trở thành một bậc Tùy pháp hành vào sát-na Dự lưu đạo,

⑹ trong sáu vị kế tiếp, tức ba đạo ba quả, vị ấy trở thành một bậc Kiến chí,

⑺ và trong trường hợp quả A-la-Hán, vị ấy thành bậc Tuệ giải thoát.

76. Ðiều này được nói:

⑴ “Khi vị ấy tác ý các hành là vô thường, tín căn tăng thạnh nơi vị ấy. Với tín căn tăng thạnh, vị ấy đạt Dự lưu đạo, và do đó được gọi là bậc Tín hành giả.

⑵ Cũng thế khi vị ấy tác ý hành là vô thường, tín căn tăng thạnh nơi vị ấy. Vì tín căn tăng thạnh, vị ấy chứng quả Dự lưu, và được gọi là bậc Tín giải thoát. (Ps. ii,53).

77. Lại nói xa hơn, (sau đó):

⑵ “(Vào sát-na đạo lộ thứ nhất) vị ấy đã được giải thoát nhờ có đức tín, nên vị ấy là Tín giải thoát,

⑶ vị ấy đã chứng ngộ Niết bàn bằng kinh nghiệm, nên gọi là bậc Thân chứng,

⑹ vị ấy đạt Niết bàn, nhờ thấy, nên gọi là bậc kiến đáo (hay kiến chí).

⑴ Vào các sát-na ba đạo lộ còn lại, thì vị ấy được giải thoát nhờ tín, nên gọi là bậc Tín giải thoát,

⑶ vị ấy trước hết trải qua kinh nghiệm thiền rồi mới chứng diệt (Niết bàn) nên được gọi là bậc Thân chứng;

⑷ nó được biết, được thấy, được nhận ra, được chứng, được kinh nghiệm với tuệ, rằng các hành là khổ, tịch diệt là lạc, nên vị ấy là bậc Kiến chí (Ps. ii,52)

78. Về bốn vị còn lại, thì ý nghĩa danh từ cần hiểu như sau:

⑴ Vị ấy theo đức tin, nên gọi là Tín hành giả (tùy tín hành), hoặc vị ấy đi bằng phương tiện tín.

⑸ Vị ấy theo Pháp gọi là Tuệ, hay đi nhờ phương tiện Pháp, gọi là tùy Pháp hành.

⑷ Vị ấy được giải thoát về cả hai phương diện, bằng thiền vô sắc và bằng thánh đạo, nên gọi là câu phần giải thoát.

⑺ Nhờ liễu tri (tuệ) mà vị ấy giải thoát, nên gọi là bậc Tuệ giải thoát.

 

Trí hành xả đến đây chấm dứt.

Ba Trí Sau Cùng Chỉ Là Một

79. Trí hành xả cũng đồng nghĩa với hai trí đi trước nó. Do vậy cổ đức nói:

“Trí hành xả này chỉ có một, nhưng ba tên.

  • Lúc đầu, nó có tên là Dục thoát trí.
  • Chặng giữa nó có tên là Tư duy trí.
  • Chặng cuối nó có tên là Hành xả trí.

80. Như thế nào tuệ muốn giải thoát, tư duy và xả gọi là Hành xả trí?

Tuệ muốn giải thoát, tư duy và xả chú trọng đến sanh gọi là Hành xả trí.

Tuệ muốn giải thoát, tư duy và xả chú trọng đến khởi… tướng… (xem đ.37)… đến não, gọi là trí hành xả.

81. Hợp từ “muốn giải thoát, tư duy và xả” cần phân tích như sau.

  • Ở giai đoạn một, nó là ước muốn giải thoát khởi sanh, v.v. nơi một người đã ly dục nhờ trí ly dục, và ước muốn ấy gọi là Dục thoát trí.
  • Chính tư duy trong giai đoạn hai, với mục đích tìm ra một phương giải thoát thì gọi là trí tư duy. Thái độ xả ở giai đoạn cuối khi đã giải thoát, gọi là xả.

Về điểm này, Luận nói: “Sanh là các hành. Vị ấy nhìn các hành với thái độ xả, nên gọi là hành xả” (Ps. i,60) Vậy chỉ có một loại trí.

82. Lại nữa, ta có thể hiểu như vậy do bản kinh sau: “Ưa giải thoát, quán tư duy, và xả đối với các hành, ba thứ này là một về nghĩa, chỉ khác danh”. (Ps. ii,64)

Xuất Khởi Quán

83. Khi vị thiện nam tử này đã đạt đến xả đối với các hành như vậy, tuệ vị ấy đã đạt đến tột đỉnh và đưa đến xuất khởi quán.

“Tuệ đã đạt đến tột đỉnh” hay “tuệ đưa đến xuất khởi” là những tên chỉ ba loại trí là Hành xả, Thuận thứ và Chuyển tánh.

Nó đã “đạt đến tột đỉnh” vì đã đến giai đoạn cuối.

Nó được gọi là “đưa đến xuất khởi”, vì nó sắp xuất đầu lộ diện.

Ðạo lộ được gọi là xuất khởi vì nó nổi lên, lộ ra, bên ngoài thì nổi lên từ đối tượng gọi là “tướng”, bên trong nó vươn lên khỏi các cấu uế (nhiễm ô, phiền não).

Trí này đi đến đạo lộ ấy, nên gọi là “đưa đến xuất khởi”, nghĩa là nó gia nhập đạo lộ.

84. Ở đây, để làm sáng tỏ điểm này, có các loại “xuất khởi” được kể ra tùy theo cách giải thích như sau:

(1) Sau khi giải thích nội pháp, đạo xuất khởi từ nội pháp.

[Chú thích: “Xuất khởi từ trong” được nói tượng trưng, do sự kiện rằng, trong trường hợp ấy, tuệ đưa đến đạo lộ có một nội pháp làm đối tượng. Nhưng theo nghĩa đen, thì đạo lộ xuất khởi từ cả hai, cả nội pháp lẫn ngoại pháp. – Pm. 853]

(2) Sau khi giải thích ngoại pháp, đạo xuất khởi từ ngoại pháp.
(3) Sau khi giải thích nội pháp, đạo xuất khởi từ ngoại pháp.
(4) Sau khi giải thích ngoại pháp, đạo xuất khởi từ nội pháp.(5) Sau khi giải thích sắc, đạo xuất khởi từ sắc.
(6) Sau khi giải thích sắc, đạo xuất khởi từ vô sắc.
(7) Sau khi giải thích vô sắc, đạo xuất khởi từ vô sắc.
(8) Sau khi giải thích vô sắc, đạo xuất khởi từ sắc.
(9) Ðạo xuất khởi ngay từ năm uẩn.
(10) Sau khi giải thích vô thường, đạo xuất khởi từ vô thường.
(11) Sau khi giải thích vô thường, đạo xuất khởi từ khổ.
(12) Sau khi giải thích vô thường, đạo xuất khởi từ vô ngã.(13) Sau khi giải thích khổ, đạo xuất khởi từ khổ.
(14) Sau khi giải thích khổ, đạo xuất khởi từ vô thường.
(15) Sau khi giải thích khổ, đạo xuất khởi từ ngã.(16) Sau khi giải thích vô ngã, đạo xuất khởi từ vô ngã.
(17) Sau khi giải thích vô ngã, đạo xuất khởi từ vô thường.
(18) Sau khi giải thích vô ngã, đạo xuất khởi từ khổ.

Như thế nào?

85. Ở đây,

(1) một người khởi đầu với chính các hành trong thân. Sau khi giải thích chúng, vị ấy thấy được chúng. Nhưng sự xuất khởi của đạo lộ không phải phát sinh chỉ do thấy được nội pháp, mà ngoại pháp cũng cần phải thấy. Bởi thế, vị ấy thấy rằng các uẩn của người khác, cũng như các hành phi – chấp – thủ (các vật vô tri giác), cũng đều vô thường, khổ, vô ngã. Vị ấy lúc thì quán bên trong, lúc thì quán ra ngoài. Khi làm như vậy, nếu tuệ thế nhập đạo lộ khi vị ấy đang quán nội pháp, thì được gọi là “sau khi giải thích nội pháp, tuệ xuất khởi từ nội pháp”.

(2) Nếu tuệ thể nhập đạo lộ trong lúc vị ấy đang quán ngoại pháp, thì gọi là “sau khi giải thích nội pháp, tuệ xuất khởi từ ngoại pháp”.

(3) Tương tự, với trường hợp “sau khi quán ngoại pháp, tuệ xuất khởi từ ngoại” và

(4) Sau khi quán ngoại pháp, tuệ xuất khởi từ nội”.

86. (5) Một hành giả khác thì làm việc phân tích khởi đầu với sắc pháp. Khi làm thế, vị ấy thấy đồng loạt sắc của tứ đại và sắc do tứ đại tạo. Nhưng sự xuất khởi không xảy ra do chỉ thấy sắc, mà còn phải thấy được vô sắc. Bởi thế vị ấy thấy là vô sắc tất cả tâm pháp: thọ, tưởng, hành, thức đã khởi lên với sắc ấy làm đối tượng. Vị ấy khi thì quán sắc, khi thì quán vô sắc. Nếu tuệ thể nhập đạo lộ trong khi vị ấy đang quán sắc, thì gọi là “sau khi giải thích sắc, tuệ xuất khởi từ sắc”.

(6) Nhưng nếu tuệ thể nhập đạo lộ trong khi vị ấy đang quán vô sắc, thì gọi là “Sau khi giải thích sắc, tuệ xuất khởi từ vô sắc”.

(7) Tương tự với trường hợp “Sau khi giải thích vô sắc, tuệ xuất khởi từ vô sắc” và

(8) “Sau khi giải thích vô sắc, tuệ xuất khởi từ sắc”

87. (9) Khi vị ấy đã lý giải như sau: “Tất cả những gì chịu sanh thì cũng phải chịu diệt” (M. i,380), vào lúc tuệ xuất khởi, vị ấy được xem là “Tuệ xuất khởi ngay từ năm uẩn”.

88. (10) Một người lúc đầu quán các hành vô thường. Nhưng sự xuất khởi không phải chỉ nhờ quán vô thường mà thôi, còn phải quán khổ và vô ngã. Nên vị ấy quán khổ và vô ngã. Khi làm vậy, sự xuất khởi xảy đến trong khi đang quán vô thường, thì gọi là “Sau khi giải thích vô thường, tuệ xuất khởi từ vô thường”

(11) – (12) Nhưng nếu xuất khởi xảy ra trong lúc quán khổ, vô ngã thì gọi là “Sau khi giải thích vô thường, tuệ xuất khởi từ khổ… từ vô ngã”.

Tương tự, với các trường hợp còn lại.

89. Và dù các vị ấy lúc đầu giải thích các hành là vô thường, hay khổ, hay vô ngã, đến lúc tuệ xuất khởi xảy ra đang lúc quán vô thường, thì cả ba vị đều được tín căn do có quyết định lên, họ được giải thoát bằng Vô tướng giải thoát, và trở thành bậc tùy tín hành vào sát-na thuộc đạo lộ thứ nhất (Dự lưu đạo).

Trong bảy cấp bực còn lại, họ được gọi là bậc Tín giải thoát. Nếu tuệ xuất khởi từ khổ quán, cả ba hạng người ấy có được định căn vì có năng lực tịnh chỉ lớn.

Họ được giải thoát với Ly dục giải thoát, và trong cả tám cấp bực, họ được gọi là bậc Thân chứng. Trong số này, người nào có một thiền vô sắc làm căn bản cho tuệ, thì khi đắc quả A-la-hán, vị ấy được gọi là bậc Câu phần giải thoát.

Và nếu tuệ xuất khởi trong khi quán vô ngã thì cả ba được tuệ căn vì họ có đại tuệ; họ được giải thoát với Không giải thoát, trở thành những bậc Tùy pháp hành vào sát-na đạo lộ thứ nhất.

Sáu giai đoạn kế tiếp, họ được gọi là bậc Kiến chí. Ở quả vị cao nhất, họ là bậc tuệ giải thoát.

– Xin xem các phần trong bài viết này:

  • Bài 4/5: Đạo Tri Kiến Thanh Tịnh Patipadà – Nanadassana – Visuddhi Phần 1/3, Web, FB
  • Bài 4/5: Đạo Tri Kiến Thanh Tịnh Patipadà – Nanadassana – Visuddhi Phần 2/3, Web, FB
  • Bài 4/5: Đạo Tri Kiến Thanh Tịnh Patipadà – Nanadassana – Visuddhi Phần 3/3, Web, FB

Nguồn trích dẫn: Thanh Tịnh Ðạo – Buddhaghosa (Phật Âm). Chương XXI – Ðạo Tri KiếnThanh Tịnh. (Patipadà – nanadassana – visuddhi – niddesa)

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app