Phần I: Những điều liên quan đến Vipassana

– Câu hỏi 1: Kính bạch Ngài Mahāsi Sayadaw, khi mới bắt đầu thực hành pháp Satipaṭṭhāna Vipassanā (Minh sát Tứ Niệm Xứ), Ngài có niềm tin trọn vẹn nơi pháp hành này không?

Không, thực lòng mà nói tôi không có. Lúc đầu tôi không có niềm tin mấy nơi pháp hành Vipassanā. Vì thế, tôi không trách bất cứ người nào về điều này trước khi họ bắt đầu thực hành thiền Minh sát. Đó cũng chỉ là vì họ có ít hay không có kinh nghiệm gì về nó mà thôi. Năm 1931 khi tôi mới chỉ có tám hạ (tuổi hạ của người xuất gia tính từ lúc thọ cụ túc giới), trước sự tò mò và mơ mơ hồ hồ của tôi, một vị thiền sư gọi là Miṅgun Jetawan Sayadawji, dạy: Khi đi ghi nhớ (Chữ ghi nhớ hay ghi nhận (note) dùng ở đây trong nghĩa của từ “sati” – niệm mà theo giải thích của ngài Mahāsi mục đích là để hay biết các hiện tượng đang thực sự xảy ra từ sát-na này đến sát-na khác, xem Câu hỏi 37) đang đi; khi đứng ghi nhớ đang đứng; khi ngồi ghi nhớ đang ngồi; khi nằm ghi nhớ đang nằm; khi co (tay chân) ghi nhớ đang co; khi duỗi (tay chân) ghi nhớ đang duỗi; khi ăn ghi nhớ đang ăn. Tôi lấy làm bối rối bởi sự thật là ở đây không có đối tượng để quan sát trong nghĩa cùng tột (pháp chân đế), như là danh và sắc, và tính chất vô thường, khổ, vô ngã của chúng. Nhưng tôi cũng dành cho nó một sự lưu tâm nào đó và nghĩ: “Cách ngài Sayadaw dạy thật lạ lùng làm sao,” Tôi chắc chắn “ngài là bậc đa văn, và đang dạy từ kinh nghiệm riêng của ngài.” Đối với tôi có lẽ còn quá sớm để quyết định xem nó là hay hay dở trước khi tự thân tôi thực hành nó. Tôi đã khởi sự thực hành với ngài như vậy.

– Câu hỏi 2: Bạch ngài, ngài có thể giải thích ý nghĩa của Satipaṭṭhāna?

Satipaṭṭhāna có nghĩa là niệm, hay luôn luôn ghi nhớ. Cái người ta cần phải ghi nhớ không quên ở đây là hiện tượng thân, thọ, tâm hay pháp ngay khoảnh khắc (sát-na) chúng xuất hiện đối với họ.

– Câu hỏi 3: Bạch ngài, chúng con tin là ngài đã đạt được sự tiến bộ rất nhanh trong pháp hành của ngài, khơi dậy được hết tuệ Minh sát này đến tuệ Minh sát khác, có phải vậy  không, thưa ngài?

Không, Tôi không tiến nhanh như vậy đâu. Thực sự, ba hoặc bốn tuần lễ sau khi khởi sự thực hành tôi vẫn không hiểu hết được pháp hành bởi vì tôi  chưa vận dụng đủ nỗ lực. Tuy nhiên, một số hành giả ở đây, mặc dù pháp hành có vẻ mới lạ đối với họ, đã khéo léo phát triển đủ định và niệm sau một tuần hoặc hơn, để thấy được vô thường, khổ và không thực thể hay vô ngã tới một mức độ nào đó. Phần tôi, sau một tháng hoặc khoảng hơn một tháng tôi vẫn không thể đạt được một tiến bộ đáng lưu ý nào trong pháp hành này, nói gì đến bốn hay năm ngày. Thực sự lúc đó việc thực hành của tôi vẫn không tiến triển gì cả. Điều này là do đức tin nơi pháp hành của tôi không đủ mạnh, và tôi không vận dụng tinh tấn đầy đủ lắm. Ở điểm này, hoài nghi hay còn gọi là Vicikicchā, thường thường cản trở không cho tuệ Minh sát và Đạo – Quả (Magga – Phala) xảy ra. Vì thế điều rất quan trọng là phải loại trừ hoài nghi ấy. Nhưng, tôi đã phí hết cả thì giờ của mình do lầm hoài nghi đó là sự phân tích hữu ích.

Tôi nghĩ rằng việc người ta quan sát các đối tượng như đang đi, đang co, đang duỗi, v.v… chẳng qua chỉ là cách thực hành theo khái niệm chế định, chứ không phải theo chân nghĩa pháp hay chân đế. Có lẽ ngài Sayadaw đã dạy tôi cách này như một luyện tập cơ bản, sau đó ngài sẽ dạy cho tôi cách làm thế nào để phân biệt giữa danh (tâm) và sắc (thân), v.v… Nhưng về sau, trong lúc đang tiếp tục với pháp hành này tôi tự nhiên nhận ra: “Trời! Đây không chỉ là một sự luyện tập cơ bản, mà ghi nhớ các hoạt động thân tâm, như đang đi, đang co, đang duỗi, v.v… cũng còn là cách thực hành ở những giai đoạn cao hơn nữa. Đây là tất cả cái mà tôi cần để quan sát. Không còn gì khác nữa.

– Câu hỏi 4: Bạch ngài, liệu có thể kinh nghiệm được các pháp (hiện tượng danh – sắc) trong nghĩa tối hậu, hay chân đế do đơn thuần quan sát cái ‘đi’, chẳng hạn, như đang đi theo cách chế định không?

Có ba loại “Tôi”. Thứ nhất là cái “Tôi” lầm lẫn cho một người hay một cái ngã dưới dạng tà kiến “Diṭṭhi”. Cái “Tôi” được xem như một nhân vật quan trọng theo nghĩa ngã mạn (Māna) là loại thứ hai. Và loại cuối cùng là cái “Tôi” chúng ta dùng trong ngôn ngữ hàng ngày theo nghĩa thường đàm. Nếu chúng ta ghi nhớ cái “đi” khi đang đi, cái tôi liên hệ trong trường hợp này là loại thứ ba, cái tôi vốn được ngay cả Đức Phật và các bậc A-la-hán sử dụng, vì nó không liên can gì đến tà kiến (diṭṭhi) và ngã mạn (māna). Vì thế tôi chỉ dẫn các hành giả ở đây ghi nhớ bằng ngôn ngữ hàng ngày mỗi bước họ bước như ‘đi’, ‘đi’.

Mặc dù ngôn ngữ chế định được dùng, người hành thiền chắc chắn sẽ kinh nghiệm được pháp trong nghĩa tối hậu hay chân đế vượt ra ngoài những khái niệm nếu sự tập trung của anh ta có đủ sức mạnh. Khi đi, chẳng hạn, anh ta hay cô ta ở một điểm nào đó chắc chắn sẽ biết được ý định muốn bước của mình, trạng thái cứng, căng hay chuyển động liên hệ, và những thay đổi liên tục của chúng (bước đi). Anh ta hay cô ta sẽ không thấy cái hình thể, hay hình thù rắn chắc, ngoài các hiện tượng (pháp) đang sanh và diệt theo tự nhiên của chúng. Đúng thời, anh ta hay cô ta sẽ thấy chẳng những đối tượng quan sát, mà cả tự thân tâm ghi nhớ vào lúc ấy cũng đang sanh và diệt ngay tức thì. Nếu bạn không tin điều đó, cứ thử thực hành sẽ biết. Tôi bảo đảm với bạn rằng nếu bạn theo đúng chỉ dẫn của tôi, thực sự bạn sẽ kinh nghiệm được điều đó cho chính mình.

– Câu hỏi 5: Bạch ngài, khi bắt đầu thực hành chúng con phải ghi nhận (niệm) cái gì? Chẳng hạn, khi đi chúng con có phải  ghi nhận tâm và thân hay danh và sắc liên hệ (đến cái đi) không?

“Yathā-pakataṃ Vipassanā-bhiniveso” – Thiền Minh sát (Vipassanā) chú ý tới bất kỳ đối tượng rõ rệt nào – điều này được nói đến trong phụ Chú giải Thanh Tịnh Đạo – Visuddhi magga. Vì thế, hành giả được hướng dẫn bắt đầu công việc Minh sát của mình bằng cách ghi nhận một đối tượng rõ rệt, đó là một đối tượng dễ ghi nhận hay dễ quan sát nhất. Bạn không nên bắt đầu với những đối tượng khó hoặc vi tế và nghĩ rằng bạn sẽ hoàn tất công việc hực hành sớm hơn thay vì trễ. Chẳng hạn, khi một người học trò mới bắt đầu đi học, nó phải bắt đầu với những bài học dễ. Không thể cho nó những bài học khó được. Cũng vậy, bạn nên bắt đầu việc thực hành với những quan sát dễ nhất. Đức Phật dạy một cách rất dễ: ” khi đi, biết hay ghi nhận đang đi’. Có vậy thôi.

– Câu hỏi 6:  Bạch Ngài, có phải ngài đã khởi xướng cách quan sát sự  “phồng – xẹp’ của bụng khi thở?

Không, tôi không phải là người khởi xướng cách quan sát ‘phồng – xẹp’. Thực sự chính Đức Phật đã khởi xướng nó vì Ngài dạy quan sát Vāyo-dhātu, tức quan sát phong đại hay yếu tố gió gồm trong năm uẩn. Sự phồng – xẹp là do phong đại tạo thành.

Mới đầu, một số người đã chất vấn cách quan sát sự phồng – xẹp của bụng này. Tuy nhiên, do bạn bè khuyến khích, sau đó họ đã thử và hiểu được giá trị của nó  nhiều đến độ thậm chí họ đã chỉ trích lại những kẻ ưa bới lông tìm vết trước đây. Tôi chắc chắn rằng người nào thử rồi cũng sẽ hiểu được giá trị của nó từ kinh nghiệm cá nhân của mình, cũng giống như việc nếm đường người nào cũng có thể trực tiếp hiểu vị ngọt của nó từ kinh nghiệm riêng của mình.

– Câu hỏi 7: Liệu có thể ghi nhận một đối tượng sau khi nó đã xảy ra một khoảnh khắc (sát-na) được không?

Không, tất nhiên không thể được. Mặc dù bạn có thể mua thiếu một món gì rồi sẽ trả tiền sau được, song trong trường hợp của Minh sát không cho phép mua thiếu. Vì thế, bạn phải ghi nhận một đối tượng ngay sát-na nó xảy ra để khỏi bị dính mắc vào nó.

– Câu hỏi 8: Sẽ không hại gì cho sức khoẻ nếu một người thực hành quá tích cực chứ?

Trong kinh điển Pāli có nói: “kāye ca jīvite ca anapekkhātaṃ upaṭṭhapeti – (thực hành) không quan tâm đến mạng sống và chân tay của mình.” Điều này khích lệ người ta thực hành với sức tinh tấn của đấng trượng phu, ngay cả phải hy sinh mạng sống và chân tay của mình. Một số người có thể nghĩ: “Thực hành sao mà khủng khiếp đến thế!” Thật sự là, không người nào thực hành tích cực mà chết cả, và thậm chí nó cũng không làm tổn hại đến sức khoẻ của họ. Thực tế, có nhiều bằng chứng cho thấy rằng một số người đã chữa khỏi những chứng bệnh kinh niên nhờ thực hành thiền này.

– Câu hỏi 9: Bạch ngài, trong việc thực hành thiền Minh sát có cần thiết phải gán nhãn hay gọi tên một đối tượng, như là ‘phồng xẹp’ v.v… không?

Những cái tên, dù chúng được gọi bằng thuật ngữ hay ngôn ngữ thông thường, cũng đều là khái niệm hay chế định, và không quan trọng lắm. Cái được xem là quan trọng nhất ở đây là làm sao hay biết được về hiện tượng có liên quan trong một đối tượng như ‘trạng thái phồng và xẹp của bụng khi thở.’ Thực ra, chỉ hay biết được đối tượng, hoàn toàn không gọi tên, cũng đã đáp ứng được yêu cầu rồi.

Tuy nhiên, không gán nhãn hay gọi tên thì lại khó có thể biết được trọn vẹn đối tượng một cách chính xác. Lại nữa, nó sẽ không dễ dàng cho hành giả khi trình bày kinh nghiệm của mình cho thiền sư, hoặc không dễ cho vị thầy khi đưa ra lời khuyên cho hành giả (yogi). Đó là lý do vì sao người hành thiền được hướng dẫn nên gán nhãn, gọi tên một đối tượng khi họ ghi nhận nó. Ngay cả như thế, việc sử dụng thuật ngữ cho hết mọi đối tượng  mà một hành giả  gặp cũng sẽ là khó. Vì lẽ đó tôi hướng dẫn hành giả  dùng ngôn ngữ thông thường như ‘phồng, xẹp’ khi họ thực hành.

– Câu hỏi 10: Bạch ngài, ngài có luôn luôn khuyến khích hành giả  gọi tên một đối tượng không?

Không, không phải lúc nào cũng gọi tên. Có những lúc bạn thấy các đối tượng xuất hiện cho bạn nhanh đến nỗi bạn không có thì giờ đâu mà gán nhãn hay gọi tên từng mỗi đối tượng. Lúc đó bạn phải chạy theo cho kịp đối tượng bằng cách chỉ hay biết chúng từ sát-na này đến sát-na khác, không gọi tên. Hành giả cũng có thể biết bốn hay năm đối tượng một lúc, dù chỉ gán nhãn được một trong số những đối tượng ấy. Đừng lo lắng về chuyện đó. Như thế cũng đã đáp ứng được yêu cầu của bạn rồi. Nếu bạn cố gắng gán nhãn hết mọi đối tượng đang xuất hiện, rất có thể bạn sẽ bị kiệt sức sớm. Vấn đề là phải hay biết cẩn thận về các đối tượng, nghĩa là hay biết dưới dạng các đặc tính của chúng. Trong trường hợp này, bạn cũng có thể ghi nhận các đối tượng xuất hiện ngang qua sáu căn từ sát-na này đến sát-na khác thay vì ghi nhận theo cách thông thường.

– Câu hỏi 11: Bạch ngài, nếu không gán nhãn hay gọi tên một đối tượng thiền, giống như phồng, xẹp, ngồi, đứng, đi, nằm v.v… thì có gì bất lợi không?

Tất nhiên là có, có một số bất lợi trong việc không gán nhãn một đối tượng thiền, đó là sự trùng hợp không chính xác của tâm và đối tượng thiền, sự hay biết hời hợt, giảm thiểu tinh tấn, v.v…

– Câu hỏi 12: Bạch ngài, nếu như khi người ta đang ngồi chỉ cần ghi nhận “ngồi, ngồi” là đã đáp ứng được mục đích, tại sao họ lại được hướng dẫn phải ghi nhận “phồng, xẹp” khi họ đang ngồi nữa?

Dĩ nhiên, khi ngồi ghi nhận “ngồi, ngồi” là đã đáp ứng được mục đích. Nhưng nếu họ chỉ quan sát một loại đối tượng duy nhất trong thời gian lâu dài, thì công việc sẽ trở nên dễ dàng đến độ họ có thể mất đi sự quân bình do ít tinh tấn và có quá nhiều định. Điều này sẽ dẫn đến hôn trầm, thụy miên (lười biếng, buồn ngủ) đồng thời chánh niệm hay sự hay biết sẽ không sâu sắc hoặc yếu ớt. Đó là lý do vì sao hành giả được hướng dẫn quan sát “phồng, xẹp” như một đối tượng chính khi đang ngồi.

– Câu hỏi 13: Bạch ngài, nhờ ghi nhận ‘phồng, xẹp’ người hành thiền giữ được sự quân bình giữa định và tinh tấn như thế nào?

Ghi nhận ‘phồng và xẹp’ không đòi hỏi phải có quá nhiều định vì nó không phải là một loại đối tượng đơn điệu, cũng không cần thiết phải nhiệt tâm thái quá vì chỉ có hai loại đối tượng để ghi nhận. Như vậy sự quân bình có thể được duy trì giữa định và tinh tấn.

– Câu hỏi 14: Bạch ngài, mục đích cho việc luân phiên ngồi một giờ và đi kinh hành một giờ trong pháp hành này là gì? (Thời khoá hàng ngày tại Trung Tâm Thiền Mahāsi bao gồm các giờ ngồi và đi xen kẽ.)

Đi kinh hành nhiều có khuynh hướng khơi dậy tinh tấn nhiều hơn, nhưng ít định, và có thể làm tổn hại đến sức khoẻ. Vì thế hành giả được sắp xếp ngồi và đi xen kẽ nhau mỗi thời một tiếng. Nhờ vậy họ có thể giữ được sự quân bình giữa định và tinh tấn.

– Câu hỏi 15: Bạch ngài, nếu một hành giả ghi nhận ‘phồng và xẹp’, có phải họ sẽ được trông đợi chỉ hay biết duy nhất chính cái bụng đang phồng và xẹp thôi?

Quả thực đúng như vậy, lúc mới đầu thực hành, hành giả chỉ đơn giản hay biết về chính cái bụng (đang phồng và xẹp) thôi. Không có vấn đề gì trong đó cả. Dĩ nhiên, sự giác ngộ đạo quả magga phala không phải là chuyện trông đợi lúc ban đầu. Ngay cả Tuệ thứ nhất phân biệt giữa danh – sắc (Nāma-rūpa pariccheda-ñāṇa) cũng không thể nào đạt đến. Buổi đầu thực hành, hành giả phải làm việc để tránh các chướng ngại (năm triền cái, đặc biệt là những ý nghĩ lang thang hay phóng tâm) bằng cách ghi nhận chúng thật sít sao. Chỉ khi các triền cái được tránh xa trong một thời gian dài bằng vikkhambhana (Vikkhambhana hay trấn phục là một trong ba cách đoạn trừ phiền não trong tu tập.  1. Trấn phục đoạn trừ (vikkhambhanapahāna), đoạn trừ bằng tâm thiền; 2. Nhất thời đoạn trừ (Tadaṅgapahāna), đoạn trừ bằng cách đối trị; 3. Tuyệt diệt đoạn trừ (Samucchedapahāna), đoạn trừ bằng Đạo Quả) và tâm thoát khỏi chúng, lúc đó hành giả mới bắt đầu kinh nghiệm được hiện tượng thực liên quan đến sự ‘phồng và xẹp’, như là sự cứng, căng, rung động, v.v…, ngoài cái bụng bình thường.

– Câu hỏi 16: Bạch ngài, ngài có thể đề cập những oai nghi hay tư thế ngồi thích hợp?

Có ba oai nghi hay tư thế ngồi xếp bằng, thứ nhất là ngồi (kiết già) với hai lòng bàn chân lật ngửa lên giống như các bức tượng Phật ngồi; thứ hai ngồi với hai bắp chân giữ song song, hay chân này vắt trên chân kia; và thứ ba là cách ngồi như phụ nữ Miến (Myanmar) với hai đầu gối gấp lại ở phía dưới, cách ngồi này còn gọi là addha-pallanka. Nói chung bất cứ tư thế nào thích hợp. Đối với phụ nữ, họ có thể ngồi theo cách họ thích trừ phi ở nơi công cộng. Điều quan trọng là làm sao để có thể ngồi trong thời gian lâu, nhờ thế định sẽ có cơ hội nảy sanh, phát triển và cuối cùng dẫn đến trí tuệ Minh sát.

– Câu hỏi 17: Bạch ngài, ngài có khuyên các hành giả hoàn toàn không được nói trong lúc thực hành không?

Không, tôi không khuyên. Tôi nghĩ không nên làm như vậy. Tuy nhiên, sẽ là khôn ngoan khi không nói những điều vô ích hoặc không cần thiết. Bạn chỉ nên nói những gì cần thiết, lợi ích, hoặc những gì thuộc về giáo pháp, và nói một cách chừng mực. Như vậy, sẽ đem lại cho bạn tiến bộ cả về phương diện thể chất lẫn tinh thần.

– Câu hỏi 18: Bạch ngài, khi cho phép một hành giả nghe bài nói chuyện về sự tiến triển của các tuệ giác, Ngài có xác nhận  rằng người ấy là một bậc Tu-đà-hoàn (Sotapanna), người đã đạt đến tầng giác ngộ thứ nhất không?

Không, hoàn toàn không. Tôi chưa bao giờ đưa ra những phán xét về địa vị tinh thần của một người nào cả. Tuy nhiên, khi chúng tôi chắc chắn rằng một hành giả thực hành khá tốt rồi, chúng tôi cho phép họ nghe bài nói chuyện của một trong những bậc thầy về thiền của chúng tôi, giải thích tỷ mỉ về cách tuệ Minh sát tiến đến sự chứng ngộ đạo (magga) và quả (phala) như thế nào. Mục đích là để giúp cho hành giả có thể xác quyết mức tâm linh của họ nhờ kiểm tra kinh nghiệm riêng của mình với bài nói chuyện đã đưa ra. Hơn nữa, điều này sẽ cho họ một cơ hội để thưởng thức thành quả của mình, cũng như đưa ra một sự khích lệ để họ chịu khó hơn nữa nhằm phát triển thêm. Điều đó không phải để chúng tôi xác định xem mức giác ngộ người ấy đã đạt đến là gì. Vì thế, chỉ là sự hiểu lầm khi cho rằng chúng tôi xác nhận một hành giả là bậc Tu-đà-hoàn bằng cách cho phép họ nghe bài nói chuyện ấy.

– Câu hỏi 19: Bạch ngài, những khó khăn nào ngài đã gặp phải trong việc giảng dạy thiền Vipassanā này?

Năm1939, khi tôi mới bắt đầu dạy thiền Satipaṭṭhāṇa Vipassanā tại quê nhà của tôi, Tu viện Mahāsi, làng Saik Khon, thị trấn Shew Bo. Thời gian đó, vị trụ trì tu viện kế bên không hoan hỷ với việc giảng dạy của tôi. Nhưng, ông không dám chỉ trích công khai trước mặt vì ông biết tôi là người có uy tín. Vì thế ông chỉ làm điều đó sau lưng tôi. Cũng có một số vị sư và cư sĩ ủng hộ ông ta. Tuy nhiên, tôi không phản ứng gì cả, mà cứ tiếp tục công việc giảng dạy của mình như thường lệ. Dù cho họ có chỉ trích như thế nào chăng nữa, cũng chẳng có gì làm lay động tôi được bởi vì tôi giảng dạy từ kinh nghiệm riêng của mình. Sau đó ngày càng nhiều người bắt đầu chứng minh được điều tôi dạy là chính xác qua kinh nghiệm trực tiếp của tự thân họ.

Về sau, vị sư chỉ trích việc giảng dạy thiền của tôi này, không may vướng phải một người phụ nữ, và phải xả y hoàn tục. Ông qua đời bốn hoặc năm năm sau đó.

Lại nữa, khi tôi bắt đầu dạy tại Yangoon, một trong những tờ báo ở đó cứ liên tục chỉ trích việc giảng dạy của tôi trong một thời gian. Nhưng tôi cũng chẳng phản ứng. Và rồi, một cuốn sách mang tựa đề “The Ladder To Pure Land” (Cái Thang Đến Miền Tịnh Độ) đã chỉ trích một cách vớ vẩn việc dạy thiền của tôi. Thêm nữa, có một tạp chí đã liên tục đăng những bài viết công kích việc giảng dạy của tôi. Tuy nhiên, tôi đã không làm điều gì để phản ứng lại họ, nghĩ rằng giáo Pháp (Dhamma) này là của Đức Phật, chứ không phải của tôi. Vì thế những ai hiểu được giá trị của điều tôi dạy sẽ đến với tôi. Bằng ngược lại, họ đi đến các vị thầy khác. Tôi lại tiếp tục công việc giảng dạy như thường lệ, và thấy rằng chẳng những không còn những chướng ngại, mà sự nghiệp giảng dạy thiền của tôi lại thành công hết năm này sang năm khác.

Tôi đã mở khoá thiền đầu tiên năm 1950 ở  trung tâm thiềnYangoon này với 25 thiền sinh. Hiện nay, vào mùa hạ, có khoảng một ngàn thiền sinh thực hành ở đây trong trung tâm hiền này. Ngay cả mùa đông khi mà thường thường có ít thiền sinh thực hành, cũng có khoảng hai trăm hành giả thực hành ở trung tâm. Quả thực, điều đó chỉ ra cho thấy rằng không có thất bại mà chỉ có thành công.

– Câu hỏi 20: Bạch ngài, khối lượng phước báu – puñña, hay công đức tối đa mà người ta có thể tích luỹ do thực hành thiền Minh sát là thế nào?

Nếu tính một sát-na ghi nhận có hiệu lực trong mỗi giây. Như vậy có 60 sát-na trong một phút, 3.600 sát-na trong một giờ, và 72.000 sát-na trong một ngày, ngoại trừ bốn giờ ngủ. Đây quả là một khối phước báu khổng lồ!

– Câu hỏi 21: Bạch ngài, chúng ta sẽ phải dùng bao nhiêu thời gian ghi nhận hay chánh niệm ở bàn ăn?

Nếu khi bạn ăn một mình, bạn có thể ghi nhận một cách chính xác và cẩn thận, trong một miếng ăn có thể bạn có sáu mươi sát-na ghi nhận. Như vậy, để chấm dứt bữa ăn sẽ phải mất khoảng một tiếng hoặc khoảng đó. Tuy nhiên khi bạn ăn trong tâp thể, không có điều kiện cho bạn để ghi nhận theo cách đó. Bạn nên quyết định ghi nhận được nhiều bao nhiêu tốt bấy nhiêu.

– Câu hỏi 22: Bạch ngài, khi đang đi kinh hành, người hành giả phải chánh niệm như thế nào, ghi nhận “chân phải, chân trái”, hay “dở, bước, và đạp”?

Cảm giác xuất hiện nơi chân hay nơi thân của hành giả là những gì họ phải biết. Trong thuật ngữ, vāyo-dhātu, phong đại hay yếu tố gió biểu thị đặc tính bằng sự cứng (đờ), sức ép, sự chuyển động hoặc rung động; tejo-dhātu, phong đại hay yếu tố lửa biểu thị đặc tính bằng nhiệt độ: lạnh, ấm hoặc nóng; paṭhavī-dhātu, địa đại hay yếu tố đất biểu thị đặc tính bằng sự cứng, mềm, hay trơn mịn. Nhưng, đặc biệt yếu tố gió hay phong đại lúc nào cũng nổi bật cho hành giả quan sát.

– Câu hỏi 23: Bạch ngài, hành giả phải chánh niệm cái gì khi đứng?

Khi đứng, chỉ ghi nhận “đứng, đứng” một cách liên tục. Nếu việc ghi nhận trở nên đơn điệu vì đó là một đối tượng độc nhất, thời một điểm xúc chạm nổi bật nhất sẽ được thêm vào, ghi nhận “đứng, chạm; đứng, chạm.” Hoặc bạn cũng có thể ghi nhận sự phồng xẹp của bụng, thay vào đó.

– Câu hỏi 24: Bạch ngài, khi ngồi, hoặc nằm hành giả phải hay biết cái gì?

Khi ngồi, chỉ ghi nhận “ngồi, ngồi,” một cách liên tục. Nếu nó nhàm chán và đơn điệu vì đối tượng chỉ duy nhất có một, nên thêm vào đó một điểm xúc chạm nổi bật nhất, ghi nhận “ ngồi, chạm; ngồi, chạm.” Hoặc bạn cũng có thể ghi nhận sự phồng và xẹp của bụng, thay vào đó, tập trung trên cảm giác về yếu tố gió-vāyodhātu, biểu thị đặc tính bằng sự cứng đơ, chuyển động. Với oai nghi nằm cũng tương tự như vậy.

– Câu hỏi 25: Bạch ngài, người hành thiền sẽ làm gì trong trường hợp họ thấy việc quan sát sự ‘phồng và xẹp’ quá dễ hoặc khi họ thấy có một khoảng hở dễ thấy giữa chúng?

Trường hợp đang ở oai nghi ngồi, hành giả thêm vào sự ‘phồng, xẹp’ chữ ‘ngồi’ nữa và ghi nhận ba đối tượng: phồng, xẹp, ngồi; phồng, xẹp, ngồi. Hành giả phải hay biết về sự ‘ngồi’ theo cùng cách như ‘phồng, xẹp’. Ngay cả khi một khoảng hở được thấy ở giữa, hành giả chỉ cần thêm vào một điểm xúc chạm nổi bật nhất, và ghi nhận  bốn đối tượng: ‘phồng, xẹp, ngồi, chạm’. Khi nằm, ghi nhận theo cách tương tự: ‘phồng, xẹp, nằm, chạm’, hay ‘phồng, nằm, xẹp, nằm’.

– Câu hỏi 26: Bạch ngài, khi một hành giả hay biết về lạnh, nóng thì đó là hoả đại (yếu tố nhiệt) hay cảm thọ khổ (dukkha)?

Khi hành giả chỉ đơn giản hay biết về sự nóng thôi thì đó là sự kinh nghiệm về hoả đại (yếu tố nhiệt). Trường hợp họ thấy cái nóng ấy khó chịu hoặc không thoải mái, đó là kinh nghiệm về khổ (Dukkha). Tương tự, với gió hoặc nước lạnh cũng vậy, nó có thể là nhiệt, hoặc cảm thọ khổ tuỳ theo.

– Câu hỏi 27: Bạch ngài, phải mất bao lâu một hành giả mới hoàn tất tiến bộ của mình về các tuệ Minh sát?

Điều đó còn tuỳ. Chỉ một vài người có thể mô tả sự hoàn thành các tuệ Minh sát của họ trong vòng một tuần lễ hoặc khoảng đó, trong khi hầu hết mọi người thường đề cập đến sự hoàn tất các tuệ Minh sát của họ sau một tháng rưỡi, hoặc hai tháng. Tuy nhiên, có số người phải mất ba hoặc bốn tháng mới hoàn tất được nó. Dù thế nào đi nữa, nếu một người thực hành một cách nghiêm túc như đã được chỉ dẫn, họ có thể mô tả thành tựu của mình trong một tháng hoặc khoảng một tháng. Đó là lý do vì sao một hành giả điển hình ở đây được khuyến khích nên thực hành trong ít nhất một tháng.

– Câu hỏi 28: Bạch ngài, rất có thể phải mất bao lâu một hành giả mới đat đến mức độ tuệ gọi là Udayabbaya ñāṇa – tuệ sanh diệt (tuệ thấy sự sanh và diệt của các hiện tượng danh và sắc)?

Hầu hết mọi người, nếu họ thực hành chăm chỉ, có thể mất một tuần hoặc khoảng một tuần để đạt đến tuệ Minh sát này. Tuy nhiên, một vài người ngoại lệ, chỉ một hoặc hai trong số một trăm người, có thể hoàn tất tuệ này trong vòng ba hoặc bốn ngày. Song cũng có số người phải mất mươi mười lăm ngày để đạt đến nó vì tinh tấn không đầy đủ, hoặc khả năng tâm linh yếu. Cũng có những người không thể đạt đến được thậm chí sau cả tháng hoặc hơn do sự khiếm khuyết nào đó. Dẫu sao, một hành giả bình thường vẫn hy vọng hoàn tất tuệ này trong vòng một tuần hoặc khoảng một tuần, nếu họ làm việc một cách chuyên cần.

– Câu hỏi 29: Bạch ngài, một hành giả cần phải làm gì để thấy các hiện tượng (danh và sắc) một cách rõ ràng?

Ban đêm, chẳng hạn, người ta không thể thấy được vật gì một cách rõ ràng. Nhưng nếu họ dùng đèn pin, mọi vật có thể được thấy rõ trong vùng ánh sáng ấy. Theo cách tương tự, định có thể được so sánh với ánh sáng, qua đó người ta có thể thấy các hiện tượng một cách rõ ràng: tính cách sanh và diệt, sự căng thẳng, cứng đơ và chuyển động v.v…

– Câu hỏi 30: Bạch ngài, hành giả cảm nhận āpo-dhātu (thuỷ đại hay yếu tố nước) như thế nào?

Thực ra, yếu tố nước hay thuỷ đại không thể sờ chạm được, nhưng hành giả có thể cảm nghiệm nó như “trạng thái lỏng hoặc sự ẩm ướt” có liên quan đến các yếu tố khác. Vì thế khi người ta cảm thấy những giọt nước mắt, đờm, rãi và mồ hôi đang chảy xuống, thì āpo-dhātu hay yếu tố nước có thể được kinh nghiệm như “trạng thái lỏng hay sự ẩm ướt” trong bất cứ thân phần nào. Thực sự, không có yếu tố nước nào không thể quan sát được, vì yếu tố nước vốn rất thịnh trong mười hai phần của thân như là mật, đàm, mủ máu mồ hôi  v.v…

– Câu hỏi 31: Bạch ngài, có nhất thiết không chấp nhận điều gì ngoài kinh nghiệm đã kinh qua không?

Sẽ là  không thực tiễn nếu bạn chỉ chấp nhận những kinh nghiệm đã kinh qua. Nói cách khác, không có lý do gì để không tin nơi thực tại phi kinh nghiệm. Mặc dù bạn không thể thấy một vật gì đó với mắt trần của bạn, nhưng nó có thể được thấy qua một ống kính phóng đại hay kính viễn vọng. Mặc dù bạn chưa từng sống ở một số vùng nào đó trên thế giới, thì cũng là điều hợp lý để bạn tin nơi điều mà những người đã từng sống ở đó nói. Tất nhiên, chúng ta phải chấp nhận những khám phá của các nhà du hành vũ trụ mặc dù chúng ta chưa từng đi ra ngoài không gian.

Quy luật của Pháp – dhamma, rất là vi tế. Lý do người ta không thể kinh nghiệm được nó, có thể là do sự khiếm khuyết nơi khả năng tâm linh và nỗ lực tinh tấn, hoặc những cản trở của Kamma, Kilesa, vipāka, Vītikkama và Ariyūpavāda (Kamma (Nghiệp) ở đây muốn nói đến ngũ nghịch đại tội: giết mẹ, giết cha, giết một vị Alahán, làm cho Đức Phật bị thương, hoặc gây chia rẽ Tăng chúng. Kilesa (Phiền não) muốn nói đến tà kiến cho rằng không có nghiệp và quả của nghiệp. Vipāka (Quả) ở đây có nghĩa là khiếm khuyết bẩm sinh về khả năng tâm linh. Vītikkama (Vi phạm) ở đây có nghĩa một hoạt động đi ngược lại với thẩm quyền của Đức Phật, đó là vi phạm giới luật. Ariyūpavāda (Phỉ báng bậc Thánh) muốn nói tới sự sỉ vả, báng bổ các bậc Giác Ngộ). Tuy nhiên, rất thường tuệ Minh sát không chứng được ở đây là do yếu tinh tấn và định. Vì thế nếu bạn không thực hành tích cực như những người khác, bạn không thể trông đợi chứng đắc một điều gì như những người khác được.

– Câu hỏi 32: Bạch ngài, vì sao ngài hướng dẫn các thiền sinh ở đây khởi sự công việc thực hành của họ với việc ghi nhận ‘phồng, xẹp’?

Nếu bạn ghi nhận một đối tượng quá đa dạng, hoặc quá vi tế, sẽ phải mất thời gian để phát triển định, trong khi nếu bạn quan sát một đối tượng rõ rệt và giới hạn thì định có thể được khơi dậy nhanh hơn. Đó là lý do vì sao chúng tôi hướng dẫn các hành giả ở đây bắt đầu công việc thực hành của họ vơi việc quan sát bụng biểu thị đặc tính bằng sự căng cứng, sức ép, rung động, được xem là đồng nhất với vāyo-dhātu hay yếu tố gió.

– Câu hỏi 33: Bạch ngài, chỉ có hai đối tượng để ghi nhận là ‘phồng, xẹp’  thôi sao?

Đúng vậy, buổi đầu thiền sinh được hướng dẫn ghi nhận chỉ hai đối tượng, ‘phồng, xẹp’. Tuy nhiên, họ cũng được hướng dẫn ghi nhận những ý nghĩ nếu chúng khởi lên, và rồi trở lại với đối tượng chính là ‘phồng, xẹp’. Với cái đau cũng tương tự như vậy. Hành giả phải trở lại với đối tượng chính khi cái đau tan đi, hoặc sau một thời gian phải chăng cho dù cái đau vẫn còn. Điều này cũng áp dụng đối với việc co, duỗi chân tay, hoặc thay đổi oai nghi. Hành giả phải ghi nhận từng mỗi hoạt động hay hành vi cư xử có liên quan, và rồi trở lại với đối tượng chính. Nếu hành giả thấy hay nghe một điều gì nổi bật hơn, hành giả phải ghi nhận nó đúng như nó là, đó là, ‘thấy’, ‘nghe’, v.v… Sau khi ghi nhận chúng ba hoặc bốn lần, hành giả phải trở lại đối tượng chính với đầy đủ tinh tấn.

– Câu hỏi 34: Bạch ngài, có những người được giác ngộ trong lúc chỉ nghe một bài Pháp (Dhamma) không?

Không, không phải chỉ do nghe pháp mà một người được giác ngộ. Để đạt đến sự giác ngộ đạo quả (magga phala), niệm thân, niệm thọ, niệm tâm hay niệm pháp là điều cần yếu.

– Câu hỏi 35: Bạch ngài, tuổi tác có tạo ra sự khác biệt trong việc thực hành của một người không?

Có, có một số khác biệt giữa già và trẻ. Để đạt đến một mức nào đó của tuệ Minh sát, một người, chẳng hạn, ở tuổi hai mươi hoặc ba mươi có thể mất khoảng một tháng, người khác ở tuổi sáu bảy mươi phải mất hai hay ba tháng. Chính vì người trẻ thân khỏe hơn, tâm năng động hơn, và ít lo lắng hơn người già. Tất nhiên, càng về già, họ càng bị bệnh hoạn nhiều hơn. Người già trí nhớ và sự hiểu biết yếu hơn, trong khi sự ràng buộc và lo lắng lại mạnh hơn.

Còn đối với một vị sư, ngay sau khi xuất gia nếu họ thực hành sớm chừng nào thì lợi ích lớn hơn chừng nấy. Vì, là một vị sư mới thọ giới, họ vẫn còn trẻ, có đức tin mãnh liệt nơi pháp hành, và nhất là giới luật của vị ấy vẫn chưa có tỳ vết. Vì thế theo ý kiến của tôi, dù việc học hành của vị ấy có quan trọng bao nhiêu, một vị sư cũng nên thực hành sớm sau khi xuất gia, ít nhất trong ba tháng. Có một số vị sư không may đã qua đời trước khi họ có thể thực hành. Thật đáng tiếc biết bao!

– Câu hỏi 36: Bạch ngài, liệu có thể phát sinh tuệ Minh sát do quan sát các đối tượng như ‘đi’ hay ‘phải bước, trái bước’, vốn được mọi người biết theo lối thông thường được không?

Bạn biết pháp hành niệm hơi thở, Anāpāna, quan sát hơi thở vào-và-hơi thở ra. Đối tượng, ‘sự thở vào và sự thở ra’ dường như không được quan sát, như nó vẫn được mọi người biết theo lối thông thường. Nhưng không ai dám chỉ trích điều đó. Tương tự, nếu bạn phê bình rằng niệm, định và tuệ Minh sát không thể nào phát triển được bằng cách ghi nhận ‘phải, trái’, mà người ta so sánh với việc huấn luyện quân sự, sẽ là không hợp lý. Việc huấn luyện quân sự là nhằm vào mục đích thể thao hay sức khỏe, trong khi việc ghi nhận được dùng để phát triển niệm, định, và tuệ Minh sát. Nếu bạn bác bỏ phần thực hành này, điều đó cũng có nghĩa là bạn bác bỏ lời dạy của Đức Phật.

– Câu hỏi 37: Bạch ngài, chữ ‘ghi nhận’ có ý nghĩa như thế nào ở đây?

Chữ ‘ghi nhận’ có nghĩa là chú ý đến một đối tượng thiền với mục đích hay biết hiện tượng đang thực sự xảy ra từ sát-na này đến sát-na khác.

– Câu hỏi 38: Bạch ngài,vì mục đích gì ngài hướng dẫn chúng con hoạt động một cách rất chậm rãi như vậy?

Chỉ khi bạn hoạt động môt cách chậm rãi thì định, niệm, và tuệ Minh sát mới có thể theo kịp các đối tượng. Đó là lý do vì sao bạn phải bắt đầu việc thực hành của mình bằng cách làm mọi việc một cách chậm rãi và chánh niệm. Thực sự, lúc ban đầu, nếu bạn làm mọi việc nhanh quá, niệm hay sự hay biết của bạn không thể nào theo kịp.

 – Câu hỏi 39: Bạch ngài, vì sao những người đắc thiền (jhāna) không thể khám phá ra tâm và thân này là vô thường, v.v… bất chấp những thiền chứng của họ?

Bởi vì họ không quan sát các hiện tượng tâm và vật lý, vốn thực sự nổi bật trong từng khoảnh khắc họ đi, đứng, ngồi, thấy, nghe v.v…,do đó mà họ không thể khám phá ra được thân tâm này là vô thường, v.v…

– Câu hỏi 40: Bạch ngài, định hay niệm của chúng ta có tạo ra sự khác biệt gì trong kinh nghiệm của chúng ta về cái đau?

Khi định và niệm(sự hay biết) của bạn chưa đủ mạnh, bạn sẽ thấy cái đau gia tăng trong khi bạn ghi nhận sự đau đớn, căng cứng, hay nóng bức. Nhưng nếu bạn cứ tiếp tục ghi nhận cái đau với sự kiên trì và nhẫn nại. Cái đau thường tan đi khi định và niệm đủ mạnh. Có khi, trong lúc bạn đang ghi nhận cái đau, bạn có thể thấy nó biến mất tại chỗ. Loại đau như vậy có thể không còn quay trở lại.

– Câu hỏi 41: Bạch ngài, có thực rằng thời đại này việc chứng đắc Đạo, Quả (Magga, Phala) là không thể, dù chúng ta có thực hành chăm chỉ không?

Những người có quan niệm như vậy chắc chắn sẽ không thực hành, nói gì đến chứng đắc Đạo Quả. Quan niệm ấy chỉ là một chướng ngại đối với thánh đạo.

– Câu hỏi 42: Bạch ngài, giới tính có ảnh hưởng gì đối với tiến bộ nhanh chậm trong việc thực hành?

Tôi thường thấy rằng người nữ làm việc chăm chỉ hơn cộng với đức tin mãnh liệt nơi người thầy và những chỉ dẫn của vị thầy. Kết quả, họ phát triển được sự định tâm sớm thay vì trễ hơn. Điều này sẽ làm khơi dậy tuệ Minh sát nhanh hơn. Như vậy, người nữ trong việc thực hành thường tiến bộ nhanh hơn người nam. Tuy nhiên tôi cũng thấy một số người nữ đã lãng phí thì giờ của họ với những ý nghĩ mông lung (phóng tâm), và không đạt được tiến bộ nào cả … Có một vài lý do tại sao họ ít tiến bộ hay không tiến bộ trong pháp hành của họ, chẳng hạn như lười biếng, tuổi già, sức khỏe kém, v.v… Tất nhiên, cũng có những người nam và các vị sư đạt được những tiến bộ nhanh trong pháp hành của họ khi tuân theo những chỉ dẫn một cách nghiêm túc.

– Câu hỏi 43: Bạch ngài, liệu chúng con có thể đạt đến Magga (Đạo), Phala (Quả) trong thời buổi này không?

Tại sao không? Giả sử, nếu bạn có một công thức để bào chế một loại thuốc nào đó, bạn có thể chế thuốc và dùng nó để chữa bệnh của bạn. Theo cách tương tự, lời dạy của Đức Phật, giống như một công thức, có sẵn, và bạn cũng có các Ba-la-mật, vì thế tất cả cái bạn cần làm là đưa nó vào thực hành. Bạn chắc chắn sẽ đạt đến Đạo Quả. Hãy ghi nhớ điều đó trong tâm bạn. Hơn nữa, không có bản kinh Pāli nào nói rằng ngày nay người ta không thể giác ngộ. Thực tế, kinh thậm chí còn nói rằng ngày nay người ta có thể trở thành một bậc A-la-hán với Tam Minh (Te-vijjā) (Alahán Tam Minh (Tevijjo) là bậc thánh lậu tận có được ba minh khi giác ngộ, đó là Túc mạng minh, Sanh tử minh và Lậu tận minh.) Ngay cả Chú giải về Tạng Luật (Vinaya) cũng nói, đến mức tối thiểu ngày nay người ta vẫn có thể trở thành bậc Thánh Anahàm (Anāgāmī), bậc thánh thứ ba trong Tứ quả Thanh văn.

Nguồn tham khảo đáng tin cậy nhất xin trích dẫn ở đây là: “Ime ca subhadda bhikkhu samma vihareyyum, suñño loko arahantehi assa, “Oh Subhadda” Đức Phật nói: “Bao lâu còn có những vị Tỳ Kheo thực hành một cách chân chánh, thế gian này sẽ không bao giờ rỗng không (vắng bóng) các bậc A-la-hán.” Chúng ta thấy, ngày nay cũng có những người thực hành đúng cách dưới sự hướng dẫn khéo léo của các bậc thiền sư. Vì thế tôi tin chắc, thế gian không rỗng không các bậc thánh nhân kể cả các bậc A-la-hán, ngay cả hiện nay.

– Câu hỏi 44: Bạch ngài, ngài có thể mô tả kinh nghiệm giác ngộ đạo quả của một người giống như thế nào được không?

Trạng thái tâm của một người thay đổi một cách phi thường và đột ngột khi họ chứng ngộ  Đạo Quả. Người ấy cảm thấy như thể mình vừa mới tái sanh. Đức tin của họ phát triển một cách rõ rệt dẫn đến sự hỷ lạc, ngây ngất và hạnh phúc tột độ. Đôi khi, những trạng thái tâm này xảy ra nhiều đến nỗi họ không thể thể nhập sâu vào đối tượng giống như trước được nữa mặc dù họ vẫn tập trung sự chú ý vào chúng. Hàng giờ hay hàng ngày sau, tuy nhiên, những trạng thái tâm như vậy có khuynh hướng dịu lại, và người ấy có thể tiến triển tốt trở lại trong pháp hành. Đối với một số người, họ có thể cảm thấy  rất thanh thản; hoặc rõ ràng không muốn hành; hoặc dường như đã thoả mãn với những gì họ vừa thành tựu, và có lẽ do đó mà họ không có ý định thành tựu cao hơn nữa.

– Câu hỏi 45: Bạch ngài, đối với những người đa văn học rộng có đúng là kiến thức ấy tạo thành một chướng ngại cho tiến bộ trong việc thực hành của họ không (sở tri chướng)?

Không, sẽ không hợp khi nói như vậy. Kiến thức của một người không thể nào là chướng ngại cho việc thực hành. Như bạn biết, một vị sư rất đa văn tên là Poṭṭhila đã trở thành bậc A-la-hán sớm hơn thay vì trễ hơn, nhờ thực hành dưới sự hướng dẫn của một vị sadi trẻ. Xét điều này,  rõ ràng chúng ta thấy rằng sự giáo dục hay kiến thức của một người không thể nào là một chướng ngại đối với tiến bộ trong việc thực hành

Đúng ra mà nói, những chướng ngại thực sự nằm ở chỗ kiêu hãnh với sự giáo dục hay kiến thức của mình, có ít hay không có niềm tin nơi pháp hành, hoài nghi, không tuân thủ nghiêm ngặt sự hướng dẫn của người thầy, thiếu sức tinh tấn của đấng trượng phu v.v… Đó là những chướng ngại đích thực cho sự phát triển định và tuệ Minh sát.

– Câu hỏi 46: Bạch ngài, có sự khác biệt nào giữa những người hành thiền và người không hành thiền khi cả hai phải đương đầu với bịnh đau?

Tất nhiên là có. Người không hành thiền chỉ có thể nhớ đến việc thọ trì giới, nghe kinh Paritta-kinh bảo hộ (đem lại an lành), đến việc cúng dường y áo, thực phẩm, v.v… Thật là tội nghiệp, họ chỉ có thể thực hiện được việc bố thí và giữ giới như vậy thôi! Còn về người hành thiền, họ nhớ đến việc hành thiền ở mức cao hơn cho đến khi họ được giác ngộ nhờ ghi nhận thường trực chính cái đau của họ từ sát-na này sang sát-na khác.

– Câu hỏi 47: Bạch ngài, có loại đau hay khó chịu nào thuộc về tự thân pháp hành không? Nếu có, chúng con phải đương đầu với nó như thế nào?

Có, bạn có thể cảm nghiệm một vài loại cảm thọ khó chịu như ngứa ngáy, nóng bức, đau đớn, nhức nhối, nặng nề, cứng đơ, v.v… khi sự tập trung hay định của bạn trở nên rất mạnh. Một khi bạn ngưng hành, những cảm thọ nầy có chiều hướng biến mất. Song, chúng có thể tái xuất hiện nếu bạn thực hành trở lại.Vì thế, đây không phải là một chứng bệnh hay ốm đau gì cả, mà chỉ là cảm thọ khổ (khó chịu) thuộc về pháp hành. Đừng lo lắng. Nếu bạn cứ tiếp tục ghi nhận, cuối cùng rồi nó sẽ tan đi.

– Câu hỏi 48: Bạch ngài, khi sự phồng và xẹp mờ nhạt đi chúng con phải ghi nhận cái gì?

Khi sự phồng, xẹp mờ nhạt (không thể ghi nhận được nữa) bạn phải ghi nhận: “ngồi, chạm”, hay “nằm, chạm”. Bạn có thể thay đổi những điểm xúc chạm. Chẳng hạn, bạn ghi nhận “ngồi,chạm” chú ý tới một điểm xúc chạm trên chân phải, và rồi ghi nhận “ngồi, chạm” tập trung vào điểm xúc chạm trên chân trái. Như vậy, bạn có thể chuyển hướng sự chú ý của bạn từ một điểm xúc chạm này đến một điểm xúc chạm khác. Hoặc, bạn có thể chuyển hướng sự chú ý của bạn đến bốn, năm, hay sáu điểm xúc chạm xen kẽ nhau

– Câu hỏi 49: Bạch ngài, chúng ta cứ kiên trì thực hành không cần (làm cho) các Ba-la-mật đủ sức mạnh cho sự giác ngộ Đạo Quả sao?

Nếu bạn không thực hành, các Ba-la-mật (Pāramī) của bạn không cách nào có thể thành tựu được. Nói khác hơn, cho dù balamât của bạn đã được tích lũy đầy đủ, nếu không thực hành bạn cũng không giác ngộ được. Ngược lại, nếu bạn thực hành, bạn sẽ tạo được Ba-la-mật, và điều này sẽ giúp bạn kinh nghiệm Niết-bàn sớm hơn. Nếu Ba-la-mật của bạn đã được phát triển đầy đủ, bạn sẽ giác ngộ ngay trong kiếp hiện tại này. Bằng không, ít nhất nó cũng góp phần như hạt giống cho sự giác ngộ trong tương lai

– Câu hỏi 50: Bạch ngài, ngài có thể mô tả một người mà ngài tin là đã kinh nghiệm Niết-bàn được không?

Được chứ. Trong số những người đầu tiên thực hành dưới sự hướng dẫn của tôi, người em họ của tôi gọi là U Pho Chon đã gây ấn tượng nhất. Khi ông đạt đến giai đoạn Bhaṇga ñāṇa (Tuệ diệt – cấp độ thứ năm của tuệ Minh sát), ông bắt đầu thấy cây cối hay con người ta thay đổi liên tục. Ông nghĩ chắc có một cái gì đó trục trặc với cái nhìn của mình rồi bởi vì theo ông được học từ một vị thầy thì mọi vật như cây cối, củi gỗ, trụ, đá, thân người v.v…, kéo dài trong một giai đoạn thích hợp, trong khi các hiện tượng vật lý do tâm hay do nghiệp gây ra (Sắc do tâm sanh, và sắc do nghiệp – kamma sanh), sẽ diệt liền sau khi chúng sanh lên. Ngược lại, ở đây ông thấy mọi vật trôi chảy liên tục.

Vì thế ông đi đến tôi để hỏi chừng xem cái nhìn của ông có gì sai không. Tôi khuyến khích ông rằng không có gì sai với cái nhìn của ông cả, mà đó là Tuệ diệt – bhaṇga ñāṇa, cấp độ thứ năm của tuệ Minh sát, Tuệ này đã giúp ông thấy mọi vật diệt ngay tức thời. Sau một vài ngày, ông đã mô tả thật rõ ràng kinh nghiệm của ông về Niết-bàn, sự diệt của tâm và thân hay danh và sắc.

– Câu hỏi 51: Bạch ngài, sự mô tả Niết-bàn do những người mà ngài tin đã đạt đến đó là như thế nào?

 Một số mô tả về Niết-bàn do những người, theo tôi tin, đã chứng ngộ thực sự, là như sau:

Tôi thấy các đối tượng và tâm ghi nhận(hay tâm chánh niệm) đột nhiên ngừng lại.

Tôi khám phá ra rằng các đối tượng và tâm chánh niệm bị cắt đứt giống như một sợi dây leo bị chặt đứt vậy.

Tôi thấy các đối tượng và tâm chánh niệm rơi xuống như thể tôi không còn cầm được chúng nữa.

Tôi thấy các đối tượng và tâm ghi nhận rơi xuống thình lình giống như vất xuống một gánh nặng vậy.

Tôi cảm thấy như thể tôi đã thoát khỏi các đối tượng và tâm ghi nhận.

Tôi phát hiện ra rằng các đối tượng và tâm ghi nhận đột nhiên ngừng lại giống như một ngọn nến bị thổi tắt.

Tôi cảm thấy như thể tôi đã rời khỏi các đối tượng và tâm ghi nhận, giống như thoát ra khỏi bóng tối đi vào ánh sáng vậy.

Tôi cảm thấy rằng tôi đã thoát khỏi đối tượng và tâm ghi nhận, như thể tôi vừa từ chỗ tối tăm vào nơi sáng sủa.

Tôi thấy cả đối tượng lẫn tâm ghi nhận chìm xuống như thể chúng bị dìm vào nước vậy.

Tôi khám phá ra rằng cả đối tượng lẫn tâm ghi nhận đột nhiên dừng lại giống như một vận động viên chạy nước rút bị đẩy lại từ phía trước vậy.

Tôi thấy cả đối tượng lẫn tâm ghi nhận đột nhiên biến mất.

– Câu hỏi 52: Bạch ngài, ngài tin là có bao nhiêu người đã được giác ngộ dưới sự hướng dẫn của ngài?

Tôi tin có cả ngàn người đã đạt đến tuệ phân biệt danh sắc(nāma-rūpa pariccheda ñaṇa) từ kinh nghiệm cá nhân của họ, nhờ thực hành nghiêm túc như đã chỉ dẫn, và đề khởi được định mạnh mẽ, trong vòng một tuần lễ. Và cũng có cả ngàn người đã kinh nghiệm được tâm và thân (danh – sắc) tương tác lẫn nhau và thay đổi không ngừng, đó là, nhân và quả, là trạng thái vô thường, khổ và vô ngã của các hiện tượng. Và cũng có cả ngàn người được tin là đã hoàn tất sự chứng ngộ Đạo Quả sau khi họ phát triển tuệ Minh sát thành thục nhờ quan sát tâm và thân từ sát-na này đến sát-na khác.

– Câu hỏi 53: Bạch ngài, liệu đó có phải là sự chứng ngộ về vô thường, chẳng hạn như khi chúng ta thấy một cái bình đất bể, hay sự chứng ngộ về khổ như khi chúng ta bị đau đớn do một cái gai đâm vào thịt?

Đôi lúc, bạn nhận ra tính chất vô thường khi bạn thấy một cái bình đất bể, hay nhận ra khổ khi bạn có một cái đau do bị gai đâm vào thịt. Thực sự đó chỉ là tri kiến về vô thường theo quy ước, loại trí vốn không thể giúp bạn thực chứng vô ngã trong nghĩa tối hậu.

Ngược lại, sự thực chứng vô thường xảy ra khi bạn thấy các hiện tượng hay các pháp hiện tại đang sanh và diệt, và sự thực chứng về khổ xảy ra khi bạn thấy các hiện tượng ấy bị hành hạ bởi sự thay đổi (vô thường) liên tục. Chỉ khi đó, bạn mới có thể thực chứng vô ngã trong nghĩa tối hậu.

– Câu hỏi 54: Bạch ngài, Ngài có thể mô tả cho chúng con biết chúng con phải nhận ra vô ngã như thế nào trong nghĩa tối hậu?

Một số người tin rằng sự thực chứng vô ngã xảy ra nếu như một lúc nào đó bạn mất cảm giác về hình dáng của thân mình bằng cách mường tượng sắc thân này như những phân tử. Thực ra, thực chứng vô ngã không phải là bạn đơn thuần mất đi cảm giác về tính rắn chắc hay hình dáng của thân thể do thực hành bất cứ cách nào. Mà chính vì bạn đang kinh nghiệm một cách rõ ràng cái tâm biết, và sự đồng nhất nó với cái “Tôi” hay tự ngã. Điều này tương tự như các vị Phạm thiên gọi là Arūpa Brahma (Phạm thiên vô sắc là các chúng sanh khi ở cõi người tu tập thiền vô sắc, sau khi chết sanh lên cõi trời vô sắc, ở đây họ không có sắc thân vật lý như con người), không có sắc thân vật lý, nhưng vẫn lầm chấp tâm họ là cái “Tôi” hay tự ngã. Vì thế chỉ đơn thuần mất cảm giác về hình thể rắn chắc thôi thì không thể xem như đó là sự thực chứng vô ngã được.

Chỉ khi bạn quan sát tâm và thân (danh – sắc) ngay sát-na chúng xảy ra, và thấy chúng sanh và diệt liên tục theo tự nhiên của chúng, không có quyền lực của bất kỳ ai can thiệp vào, bạn mới thực sự thực chứng vô ngã trong nghĩa tối hậu.

– Câu hỏi 55: Bạch ngài, chúng con phải làm thế nào để thực chứng tính chất vô thường của tâm và thân?

Nếu bạn theo dõi tâm và thân từ sát-na này đến sát-na khác, bạn chắc chắn sẽ kinh nghiệm những đặc tính thực của các hiện tượng, và thấy chúng sanh lên và diệt tức thì.

– Câu hỏi 56: Bạch ngài, điểm xúc chạm nào chúng con nên ghi nhận giữa những cái khác?

Bất kỳ điểm xúc chạm nào cũng đều có thể ghi nhận được. Nếu bạn ghi nhận, chẳng hạn, một sự xúc chạm ở mông đít của bạn, như ‘chạm, chạm’, đó là đúng; ghi nhận nó ở đầu gối của bạn, như ‘chạm, chạm’, đó là đúng; ghi nhận nó trên tay của bạn, như ‘chạm, chạm’, đó là đúng; ghi nhận nó trên đầu của bạn, như ‘chạm, chạm’, đó là đúng; ghi nhận nó trên hơi thở vô-ra như ‘chạm, chạm’, đó là đúng; ghi nhận nó nơi ruột hay gan của bạn như ‘chạm, chạm’, đó là đúng  ghi nhận nó trên bụng của bạn như ‘chạm, chạm’, đó là đúng.

– Câu hỏi 57: Bạch ngài, khi đi nếu chúng con phải hay biết về những đặc tính, chúng con có cần quan sát sự cứng (đơ), chuyển động hay di chuyển không?

Đức Phật dạy: “khi đi, biết đang đi”. Khi chúng ta đi, yếu tố gió hay phong đại nổi bật, yếu tố gió vốn được kinh nghiệm như sức ép, hay sự cứng đơ dưới dạng những đặc tính của nó, hay sự chuyển động, di chuyển dưới dạng nhiệm vụ của nó. Tuy nhiên, Đức Phật đã không chỉ dẫn chúng ta phải ghi nhận nó như là ‘sức ép’, ‘sự cứng đơ’, ‘sự chuyển động’ hay ‘đẩy tới’v.v…

Sự chỉ dẫn đích thực của Đức Phật là: “Khi đi, hay biết đang đi”. Chỉ vậy thôi. Lý do là ngài muốn đưa ra một cách dễ hành và dễ hiểu. Ghi nhận theo ngôn ngữ quy ước tất nhiên là hoàn toàn quen thuộc và dễ dàng đối với tất cả mọi người.

– Câu hỏi 58: Bạch ngài, có thực rằng do chứng ngộ vô thường, người ta cũng hiểu khổ và vô ngã một cách tư nhiên không?

Đúng, quả thực là vậy. Bất cứ cái gì vô thường đều được xem là khổ, và đồng thời cũng là vô ngã. Thực ra trong nghĩa tối hậu chúng là năm uẩn cấu thành các hiện tượng tâm-vật lý mặc dù chúng có những tên gọi khác nhau.

– Câu hỏi 59: Bạch ngài, có số người nói, sẽ không hợp lý nếu một vị thiền sư không thể xác nhận rằng hành giả này, hành giả nọ trong số những thiền sinh của ông đã trở thành bậc thánh Tu-đà-hoàn (Sotāpanna). Điều đó có thực không?

Đúng vậy, điều đó có thể đúng theo quan điểm của họ, song nó lại rất thích hợp đối với tryuền thống Phật giáo – Sāsana, một vị thiền sư không thể xác nhận, rằng người như vậy như vậy trong số những hành giả của ông đã trở thành bậc Tu-đà-hoàn. Đức Phật là người duy nhất trong địa vị này, để xác nhận sự giác ngộ của một người nào đó, như là Sotāpanna (bậc Tu-đà-hoàn), Sakadāgāmi (bậc Tư-đà-hàm), Anāgāmi (bậc A-na-hàm), hay Arahant (bậc A-la-hán). Ngay cả Tôn giả Sāriputta (Xá-lợi-phất) cũng không bao giờ xác nhận theo cách đó. Vì thế chúng tôi cũng không làm điều này. Đây là cách thích hợp trong truyền thống Sāsana.

– Câu hỏi 60: Bạch ngài, có phải là quá sớm cho một người để mô tả tiến bộ của mình về các tuệ Minh sát trong một tháng hay khoảng một tháng không?

Không, không có gì là quá sớm, bởi vì Đức Phật công bố rằng phương pháp của ngài đủ tính ưu việt để giúp một người trở thành bậc Anāgāmi (Thánh Anahàm) hoặc bậc Arahant (Thánh A-la-hán) thậm chí trong một tuần lễ. Vì thế, nếu người nào tuyên bố rằng dù một hành giả có thực hành tích cực bao nhiêu chăng nữa cũng không thể có chuyện giác ngộ trong vòng một tháng được, thì họ đang làm hỏng giáo pháp của Đức Phật, và cản trở việc thực hành của người khác.

Dịch từ cuốn “An Interview With Mahāsi Sayadaw”

 

 

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app