Minh Sát Diễn Giải – 5. Hai Gati (sự Luân Chuyển) – Ledi Sayadaw (tỳ Khưu Chánh Minh Soạn Dịch)

5- Hai Gati (sự luân chuyển)

Gati có nghĩa “đi”, nghĩa mở rộng là “sự luân chuyển”([13]).

Ở đây, không có nghĩa là “sự luân chuyển của linh hồn” như trong một số triết lý, sự luân chuyển ở đây được dùng theo quan niệm Phật giáo, đó là sự thay đổi từ kiếp sống cũ chuyển sang kiếp sống mới.

Có hai loại luân chuyển: Luân chuyển của phàm nhân (puthujjanagati) và luân chuyển của bậc Thánh (ariyagati).

a- Luân chuyển của phàm nhân (puthujjanagati)

Phàm nhân thường luân chuyển đến những nơi đau khổ (vinipātanagati) một cách bất ngờ, không thể định trước được.

Theo Pháp học ghi nhận, thì phàm nhân có thể luân chuyên khắp 31 cõi, nhưng khó có thể tái sinh vào cõi sống nào mà người ấy mong muốn.

Ví như trái dừa từ trên cây rơi xuống, nó không biết chắc “sẽ rơi đến điểm nào”; cũng vậy, một phàm nhân sau khi chết, y không thể biết “mình tái sinh” vào cảnh giới nào trong kiếp sống mới ([14]).

Cho dù chúng sinh ấy tạo nghiệp bất thiện, nghiệp  bất thiện có chờ sẵn cho người ấy, nhưng y không thể biết “sau khi chết ta tái sinh vào địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ hay Atula”.

Cho dù chúng sinh ấy có tạo nghiệp lành, nhưng khi mệnh chung y cũng không thể biết hay chọn được “cảnh giới tái sinh trong tương lai”, rằng: “ta sẽ tái sinh là người, là chư thiên cõi Tứ thiên vương, chư thiên cõi Đao Lợi…” chẳng những không thể biết trước, lại còn “không thể chọn lựa được”.

Vì sao vậy? Vì các nghiệp thiện hay bất thiện bị tản mạn, không thể liên kết chặc chẻ với chúng sinh phàm nhân, đồng thời chính nghiệp thiện hay nghiệp bất thiện cũng không liên kết với nhau.

Do sự tản mạn này, một chúng sinh sau khi chết còn tệ hại hơn là chết, vì các địa ngục nhỏ, địa ngục lớn, chí đến địa ngục Atỳ (aviciniraya) đang mở rộng cho phàm nhân từ cõi người chuyển đến một cách không chướng ngại, giống như hư không mở rộng không có chướng ngại cho viên đá rơi xuống.

Ngay khi hết kiếp sống đó, người đó có thể rơi vào bất kỳ một trong các cõi địa ngục (niraya) hay các cõi khổ khác.

Dù cảnh giới chuyển đến có xa hay gần đều không có thời gian trống xen giữa để ngừng nghĩ, người đó có thể tái sinh vào địa ngục, là thú, là ngạ quỷ với hình dáng xấu xí, hay là Atula (asura)… sự kiện tái sinh ấy xảy ra trong nháy mắt.

Với những phàm nhân có nghiệp lành thì có sự luân chuyển tốt hơn, y có thể là Titan tướng của vua trời Đế Thích, hay các thiên nhân, hoặc là vua trời Đế Thích và sự kiện này cũng xảy ra trong nháy mắt.

Tương tự như vậy, nếu phàm nhân đó trở thành vị Phạm thiên, cũng chỉ trong nháy mắt.

Các Phạm thiên khi hết tuổi thọ trên các cõi Sắc hay cõi Vô sắc, không bị rơi trực tiếp xuống bốn cõi khổ mà có một khoảng dừng, là một kiếp sống trong cõi người hay cõi trời Dục giới (kāmadeva)([15]), nhưng từ cõi này, người đó có thể rơi xuống bốn cõi khổ.

Tại sao chúng ta nói rằng mỗi chúng sinh đều sợ chết? Vì sau cái chết là sự chuyển sang cảnh giới mới, mà cảnh giới tái sinh mới người này không thể biết “tốt hơn hay xấu hơn cảnh giới hiện tại”.

Nếu không có “sự tản mạn của nghiệp”  đối với cảnh giới tái sinh như được đề cập ở trên và một người có thể tái sinh vào bất kỳ cõi nào mà người đó muốn, thì sự “tham chết”của một chúng sinh có thể có. Người đó sau khi sống một khoảng thời gian đáng kể trong một kiếp sống, rồi “muốn chết” để được chuyển đến kiếp sống khác tốt hơn; nhưng điều này không xảy ra.

Do vậy, dù phàm nhân có tạo nhiều nghiệp thiện vẫn sợ hãi khi đứng trước cái chết.

Bài kinh Nakhasikhāsuttaṃ (đầu ngón tay)([16]) chỉ ra “sự trải rộng cảnh giới tái sinh của phàm nhân”, như sau:

Taṃ kiṃ maññatha bhikkhave, katamaṃ nu kho bahutaraṃ, yo vāyaṃ mayā paritto nakhasikhāyaṃ paṃsu āropito ayaṃ vā mahāpathavī’ti?

“Này các Tỳkhưu, các ngươi nghĩ thế nào? Cái gì nhiều hơn chút đất này ta lấy trên đầu móng tay, hay quả đất lớn này?”

Etadeva, bhante, bahutaraṃ yadidaṃ  mahāpathavī. Appamattakoyaṃ bhagavatā paritto nakhasikhāyaṃ paṃsu āropito. Saṅkampi na upeti upanidhimpi na upeti kalabhāgampi na upeti mahāpathaviṃ upanidhāya bhagavātā paritto nakhasikhāyaṃ paṃsu āropito’ti.

“Cái này, bạch Thế Tôn là nhiều hơn, tức là quả đất lớn này và ít hơn là chút đất Thế Tôn lấy trên đầu móng tay. Không thể đi đến ước tính, không thể đi đến so sánh, không thể đi đến một mươi phần, khi so sánh quả đất lớn với ít đất Thế Tôn lấy trên đầu móng tay”.

Evameva kho, bhikkhave, appakā te sattā ye manussesu paccājāyanti; atha kho eteyeva bahutarā sattā ye aññatra manussehi paccājāyanti.

“Cũng vậy, này các Tỳkhưu, rất ít là chúng sinh được tái sinh làm người! Còn nhiều hơn là những chúng sinh phải tái sinh ra ngoài loài người…” (HT. Thích Minh Châu dịch). 

Bài kinh Nakhasikhasuttaṃ không nói về chúng sinh của tất cả bốn khổ cảnh, chỉ riêng câu “rất ít chúng sinh được tái sinh làm người”, cũng đủ thấy rõ nghiệp bất thiện dẫn đến cảnh giới khổ (vinipātanagati) nhiều như thế nào. Đó là sự “trải rộng” của nhiều loại cảnh giới đi đến (gati) của phàm nhân sau khi chết.

Sự khó “sinh làm người” được Đức Thế Tôn mô tả như “con rùa mù (kānakacchapa) chui vào lỗ của một khúc cây” trong bài kinh Chiggaḷayugasutta (kinh Lỗ khóa)([17]),  đại ý như sau:

Có con rùa mù, cứ mỗi trăm năm nó trồi lên mặt biển. Trên biển có khúc gỗ có lỗ hỏng, khúc gỗ trôi dật dờ theo sióng gió. Khi con rùa mù nổi lên vừa đúng lúc khúc gỗ trôi đến, con rùa mù đưa cổ vào trong lỗ hỏng ấy. Và Đức Thế Tôn hỏi chư Tỳkhưu, sự kiện ấy có phải chỉ một lần sau một trăm năm, con rùa mù đưa được cổ vào trong lỗ hỏng. Chư Tỳkhưu thưa rằng: “Năm sáu lần như vậy mới có thể được. Đức Thế Tôn dạy:

Khippataraṃ kho so, bhikkhave, kāṇo kacchapo vassasatassa vassasatassa accayena sakiṃ sakiṃ ummujjanto amusmiṃ ekacchiggaḷe yuge gīvaṃ paveseyya, na tvevāhaṃ bhikkhave, sakiṃ vinipātagatena bālena manussattaṃ vadāmi. Taṃ kissa hetu? 

“Ta tuyên bố rằng còn mau hơn, này các Tỳkhưu, là con rùa mù ấy, sau mỗi trăm năm nổi lên, có thể chui cổ àvo khúc gỗ có lỗ hỏng ấy. Còn hơn kẻ ngu khi một lần rơi vào đọa xứ, để được làm người trở lại. Vì cớ sao?”

Na hettha, bhikkhave, atthi dhammacariyā, samacariyā, kusalakiriyā, puññakiriyā. Aññamaññakhādikā ettha, bhikkhave, vattati dubbalakhādikā…

“Vì rằng, ở đấy không có pháp hành, chánh hành, thiện nghiệp, phước nghiệp. Ở đấy, này các Tỳkhưu, chỉ có ăn thịt lẫn nhau và chỉ có người yếu bị ăn thịt….” (HT. TMC dịch).

Xem ra, một lần rơi vào khổ cảnh thật khó sinh lại làm người; chỉ có những ai làm việc thiện, tránh làm điều ác mới có thể được sinh làm người và chư thiên.

Với người không thể phân biệt điều nào là tốt đẹp hay tội lỗi, điều nào là thiện hay bất thiện, điều nào là giới hạnh hay tà hạnh, các chúng sinh này phải rơi vào cõi khổ, là nơi không có giới hạnh, không có phước nghiệp và chúng chỉ gây đau khổ cho nhau bằng tất cả năng lực của chúng.

Đặc biệt là những chúng sinh trong cõi địa ngục (niraya) phải sống đau khổ vì sự trừng phạt và tra tấn, còn chúng sinh ma đói (peta – ngạ quỷ) thì chịu khổ đói khát và những khổ nạn khác trong suốt kiếp sống ấy.

Theo bài kinh này, vì sao những chúng sinh trong các cõi khổ lại khó tái sinh lại cõi người? Vì chúng không bao giờ nhìn lên mà luôn nhìn xuống.

Nhìn xuống có nghĩa là gì? Là sự si mê trong chúng dần trở nên nhiều và mạnh hơn từ kiếp sống này đến kiếp sống khác. Như nước luôn chảy từ chỗ cao xuống rồi đọng lại nơi chỗ thấp, cũng vậy, chúng luôn có khuynh hướng tái sinh vào những cõi thấp hơn, vì những con đường đưa đến sinh thú cao hơn đã đóng, trong khi những con đường đưa đến sinh thú thấp hơn lại mở rộng.

Đó có nghĩa là “nhìn xuống”.

Từ câu chuyện về con rùa mù, bậc trí hiểu rõ được phàm nhân thường bị các nghiệp bất thiện dẫn đi đến các “cảnh giới tái sinh đau khổ cùng với sự trải rộng các  sanh hữu”. Thật  đáng sợ và khủng khiếp như thế nào.

Đức Phật đã khẳng định: “Rất ít chúng sinh tái sinh lại chính cảnh giới mình đang sống, phần đông tái sinh vào cõi thấp hơn và phần đông rơi vào khổ cảnh”. Xin được trích dẫn các bài kinh ấy như sau:

…“Evameva kho, bhikkhave, appakā te sattā ye manussā cutā manussesu paccājāyanti; atha kho eteva bahutarā sattā ye manussā cutā niraye paccājāyanti… tiracchānayoniyā… pettivisaye paccājāyanti”.

“Cũng vậy, này các Tỳ khưu, ít hơn là các chúng sinh sau khi chết từ thân người được tái sinh làm người. Và nhiều hơn là các chúng sinh sau khi chết từ thân người phải tái sinh trong địa ngục….phải tái sinh trong loài bàng sinh… phải tái sinh vào cõi ngạ quỷ…”(HT. TMC dịch) (ND trích dẫn)([18]).

… “Evameva kho, bhikkhave, appakā te sattā ye manussā cutā devesu paccājāyanti; atha kho eteva bahutarā sattā ye manussā cutā niraye paccājāyanti… tiracchānayoniyā… pettivisaye paccājāyanti…”.

“Cũng vậy, này các Tỳkhưu, ít hơn là các chúng sinh sau khi chết từ thân người được tái sinh giữa chư Thiên. Và nhiều hơn là các chúng sinh, sau khi chết từ thân người, phải tái sinh vào địa ngục… phải tái sinh vào loài bàng sanh… phải tái sinh vào cõi ngạ quỷ” (HT. TMC dịch) (ND td)…

… “Evameva kho, bhikkhave, appakā te sattā ye devā cutā devesu paccājāyanti; atha kho eteva bahutarā sattā ye devā cutā niraye paccājāyanti… tiracchānayoniyā… pettivisaye paccājāyanti…”.

… .“Cũng vậy, này các Tỳkhưu, ít hơn là các chúng sinh, sau khi chết từ thân chư Thiên được tái sanh giữa chư thiên. Và nhiều hơn là các chúng sinh, sau khi chết từ thân chư Thiên, phải tái sinh trong địa ngục… phải tái sinh trong loài bàng sanh… phải tái sinh trong cõi ngạ quỷ”(NDtd).

“Evameva kho, bhikkhave, appakā te sattā ye devā cutā manussesu paccājāyanti; atha kho eteva bahutarā sattā ye devā cutā niraye paccājāyanti… tiracchānayoniyā… pettivisaye paccājāyanti…”.

“Cũng vậy, này các Tỳkhưu, ít hơn là các chúng sinh, sau khi chết từ thân chư Thiên, được tái sinh làm người. Và nhiều hơn là các chúng sinh, sau khi chết từ thân chư Thiên, phải tái sinh trong địa ngục… phải tái sinh trong bàng sanh… phải tái sinh trong cõi ngạ quỷ”([19]).(HT. TMC dịch)(Ndtd).

Qua những bài kinh trên, cho chúng ta thấy phàm nhân sinh lại chính cảnh giới mình đang sống quả thật rất ít, phần lớn phải rơi vào khổ cảnh, cho dù đó là chư Thiên, vì sao? Vì phàm nhân thường bị nghiệp lực bất thiện dẫn đi.

b- Sự lưu chuyển của bậc Thánh (ariyagati)

Tuy các bậc Thánh vẫn còn luân chuyển trong tam giới([20]), nhưng sự trải rộng sanh hữu không còn. Sự chết là điều không thể tránh khỏi trong một kiếp sống, nhưng các bậc Thánh luân chuyển vào những cõi cao hơn, tốt đẹp hơn so với cõi mà các Ngài đang sống và các Ngài có khả năng chọn lựa cõi “đi đến” cho mình([21]).

Sự luân chuyển của bậc Thánh không phải sự rơi của trái dừa từ trên cao xuống. Sự luân chuyển của bậc Thánh được ví như đàn chim trong hư không,  đàn chim có thể đến bất kỳ nơi nào hay bất kỳ cành cây nào mà chúng muốn đậu.

Người, chư Thiên hay Phạm thiên thành tựu bậc Thánh, có thể đến bất kỳ cõi tái sinh nào tốt đẹp hơn, tức là vị ấy sau khi hết tuổi thọ, có thể tái sinh vào cõi người, cõi chư thiên hay Phạm thiên theo ý muốn.([22])

Dù không mong muốn tái sinh vào bất kỳ cõi đặc biệt nào khi hết tuổi thọ nhưng các vị ấy chắc chắn được tái sinh vào cõi cao và tốt đẹp hơn, đồng thời hoàn toàn không bị tái sinh vào cõi khổ và thấp hơn, chí ít cũng ngang bằng với cõi mà vị ấy đang sống ([23]).

Hơn nữa, nếu phải tái sinh vào cõi người thì các vị ấy không bao giờ thuộc tầng lớp thấp kém và nghèo khổ hơn kiếp hiện tại, không phải là người thiếu trí hay sinh ra trong gia đình dị giáo. Trái lại, các Ngài tái sinh vào giòng dõi cao quý và trong gia đình có truyền thống Phật giáo.

Cũng vậy, đối với chư Thiên và Phạm thiên, các Ngài hoàn toàn thoát khỏi  “sự lưu chuyển của phàm nhân (puthujjanagati)”.

Vì sao các Ngài được như vậy? Vì các Ngài đã thành tựu chánh kiến, sự khổ của các Ngài không còn nhiều.

… “Evameva kho, bhikkhave, ariyasāvakassa diṭṭhisampannassa puggalassa abhisametāvino etadeva bahutaraṃ dukkhaṃ yadidaṃ parikkhīṇaṃ pariyādiṇṇaṃ; appamattakam. avasiṭṭhaṃ. Neva satimaṃ kalaṃ upeti na sahassimaṃ kalaṃ upeti na satasahassimaṃ kalaṃ upeti purimaṃ dukkhakkhandhaṃ parikkhīṇaṃ pariyādiṇṇaṃ upanidhāya yadidaṃ sattakkhatuṃparamatā”.

“Cũng vậy, này các Tỳkhưu, đối với vị Thánh đệ tử đã chứng được kiến cụ túc, đối với người đã chứng được minh kiến, cái này là nhiều hơn, tức là khổ đã được đoạn tận, đã được diệt tận; ít hơn là khổ còn lại, không phải một trăm lần, không phải một ngàn lần, không phải một trăm ngàn lần, có thể sánh bằng khi so sánh với khổ uẩn trước đã được đoạn tận, đã được diệt tận, tức là bảy lần nhiều hơn …” (HT. TMC dịch)([24]).

Bài kinh trên cho thấy, khi thành tựu được chánh kiến, sự khổ của bậc Thánh không còn tồn tại nhiều, chỉ là nhúm đất nhỏ trên đầu móng tay, so với  cái khổ của phàm nhân nhiều như quả đất.

Giải thích về hai gati (luân chuyển).

Trong nhiều cảnh giới luân chuyển, ngoại trừ 5 cõi Tịnh cư  (Suddhāvāsa) dành riêng cho bậc Anahàm, có những cảnh giới chung cho phàm lẫn Thánh cùng luân chuyển đến. Vậy thì có gì khác biệt?.

Khi một người rơi từ trên cây xuống, người đó rơi giống như trái dừa vì không có cánh để bay trong không khí.

Trái lại, đàn chim đậu vào nhánh cây, khi cành cây bị gãy, chúng không bao giờ rơi xuống mà dễ dàng bay vào hư không, tìm nhánh cây khác để đậu.

Cũng vậy, khi còn là phàm nhân, còn liên hệ với tà kiến nên phàm nhân không có đôi cánh của bát Chánh đạo để dùng bầu trời làm nơi nghỉ ngơi; vì thế phàm nhân thường lưu chuyển đến cảnh giới thấp hơn.

Trái lại bậc Thánh có bát Chánh đạo là đôi cánh, có  chánh kiến là nơi nương, có Nípbàn là cứu cánh; nên sự lưu chuyển về cảnh giới mới của các Ngài cao và dễ dàng hơn.

Một người càng leo cao, khi cành cây mà họ bám dùng làm nơi ngơi nghỉ bị gãy, họ chịu nhiều đau đớn khi rơi xuống đất, thậm chí phải chết.

Cũng vậy, phàm nhân dù là chư thiên hay Phạm thiên, sau khi thân hoại mệnh chung còn luân hồi, các vị ấy rơi vào những trói buộc của bất thiện, để rồi phải rơi xuống cõi thấp, thậm chí phải rớt xuống địa ngục. Vì sao? Vì nơi nghỉ của họ  liên quan đến tà kiến tự ngã, nơi nghỉ của họ là thân tâm (danh sắc). Một khi danh sắc này bị vỡ ra họ không còn chỗ nương, nên phải rơi xuống như trái cây rụng.

Với tà kiến “đại ngã”, “đại ngã” vốn không có, khi thân tâm này vỡ ra họ cũng chẳng tìm được chỗ nương, thế là phải rơi xuống cảnh giới tái sinh thấp hơn.

Như đàn chim, cho dù những cành cây mà chúng đang đậu có bị gãy thì chúng không bao giờ ngã mà dễ dàng bay trong không trung đến bất kỳ cây nào khác. Vì những cành cây không phải là nơi nghỉ thường hằng của chúng mà chỉ là nơi ngụ tạm thời, chúng hoàn toàn phụ thuộc vào đôi cánh của mình và không trung.

Cũng vậy, khi trở thành bậc Thánh và thoát khỏi mọi tà kiến thì dù là người, chư Thiên hay Phạm thiên, các Ngài không hề xem cơ thể mình là attā hay tự ngã. Các Ngài có chánh kiến là nơi nương, hướng đến Nípbàn diệt trừ mọi sinh hữu, với đôi cánh mạnh của Bát Chánh đạo đủ sức đưa các Ngài đến cảnh giới tái sinh cao hơn, tốt đẹp hơn so với chỗ các Ngài đang tạm ngụ.

Đây là sự  khác biệt giữa hai gati, tức là “sự luân chuyển của phàm nhân” và “sự luân chuyển của bậc Thánh”.

 

Bài Pháp trích từ cuốn Minh Sát Diễn Giải (Vipassanā Dīpanī) của Ngài Ledi Sayadaw, Đức Unyana chuyển sang Anh ngữ, Tỳ-khưu Chánh Minh dịch Việt
Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app