3- Hai abhinivesa (khuynh hướng)
Abhinivesa (nghĩa đen là: chỗ vững chắc), nghĩa bóng là “điều được thiết lập vững chắc trong tâm”; không bị lay động như cột đá chôn sâu vào đất hay như trụ đài tưởng niệm, nó khó có thể bị loại trừ bằng bất kỳ cách nào hay với sự nỗ lực nào.
Giống như giòng sông nghiêng về Đông thì nước sông cứ theo hướng Đông mà xuôi chảy, không thể chuyển sang hướng Tây; giòng sông có khuynh hướng đổ ra biển thì nó không thể đổ vào nơi khác, hay ví như nước mưa có khuynh hướng “từ cao rơi xuống thấp” thì nó không thể làm ngược lại.
Có hai loại khuynh hướng: Khuynh hướng thiện và khuynh hướng bất thiện: Ở đây chỉ đề cập đến khuynh hướng bất thiện.
Khuynh hướng bất thiện.
Có hai khuynh hướng bất thiện là: Khuynh hướng ái (taṅhā abhinivesa) và khuynh hướngtà kiến (diṭṭhi abhinivesa).
Từ hai khuynh hướng này phát sinh một “niềm tin”, niềm tin này cũng là loại “tà tín”, lâu dần chúng trở thành “vững tin”.
a- Khuynh hướng ái (taṅhā abhinivesa).
Là cách “nghiêng về dính mắc với thân tâm”, khi ấy cho rằng “có một thực thể luôn luôn tồn tại trong thân tâm này, gọi là atta (cái TA), cho dù những chi thể như đầu, mình, tay chân… có bị hoại diệt, nhưng cái TA này vẫn luôn luôn bất động, không hề thay đổi qua chuỗi dài sinh tử.([9])
.b- Khuynh hướng tà kiến (diṭṭhi abhinivesa).
Tương tự như “niềm tin” ở trên, nhưng ở đây lại cho rằng: Có một đại ngã (mahātta) là Đấng Sáng tạo ra thế gian, mỗi chúng sinh chỉ là một thành phần xuất phát từ đại ngã, “cái tôi” là tiểu ngã xuất phát từ đại ngã ấy([10]).
Đại ngã có rất nhiều tên gọi như: Đấng Tạo hóa, Thượng đế, Đấng Sáng Tạo chủ… Chính đại ngã luôn tồn tại mãi mãi, còn tiểu ngã có thể bị hoại diệt để trở về với đại ngã.
Chính đại ngã là kẻ chi phối thế gian, là kẻ kiểm soát, điều hành thế gian theo ý muốn.
Vì sao có niềm tin này? Vì thấy có chúng sinh thông minh, chúng sinh ngu dốt, chúng sinh xinh đẹp, chúng sinh thô xấu…([11]) Do đó, gọi là “niềm tin” phát sinh do (tà) kiến.
Hai loại niềm tin này tuy xuất phát từ ái – kiến nhưng không được ái – kiến bảo hộ, nên chúng được gọi là taṇhā anissaya (ái không bảo hộ) và diṭṭhi anissaya (kiến không bảo hộ) .
Chúng cũng có thể được gọi là hai “ngũ ngầm (anusaya)”, là ái ngủ ngầm (taṅhā – anusaya) và kiến ngủ ngầm (diṭṭhi anusaya), hoặc chúng là hai tùy phiền não (anukilesa) có trong thân tâm của phàm nhân (puthujana), hoặc chúng là hai pháp trầm luân (āsava – lậu hoặc)([12]).