10- Hai Abhiññā (thắng trí)
Abhiññā là abhi + căn ñā; abhi là cao tột, căn ñā là hiểu biết.
Abhiññā được dịch là “thắng trí”, hay khả năng hiểu biết đặc biệt, xuất sắc hơn người thường.
Thắng trí có hai loại là: Định thắng trí (samatha abhiññā)và pháp thắng trí (dhamma abhiññā).
a -Định thắng trí (samatha abhiññā).
Là thắng trí có được nhờ tu tập thiền yên lặng (samatha). Có năm loại:
1’- Thần thông trí (iddhividha abhiññā). Là năng lực siêu nhiên: Đi trong không khí, xuyên qua đất, hóa thân thành sai khác…
2’- Thiên nhĩ trí (dibbasota abhiññā). Là nghe được tiếng của những chúng sinh vô hình như chư thiên, ngạ quỷ…
3’ – Tha tâm trí (cetopariya abhiññā). Là biết được ý nghĩ người khác.
4’- Túc mạng trí (pubbenivāsa abhiññā). Là nhớ lại được những kiếp quá khứ.
5’- Sinh tử trí (yathākammupaga abhiññā). Là biết được chúng sinh chết từ cảnh giới nào tái sinh lại cảnh giới này, biết được chúng sinh chết từ cảnh giới này sinh về cảnh giới nào.
Sanh tử trí tương tự như thiên nhãn trí của chư thiên.
b- Pháp thắng trí (dhamma abhiññā).
Là sự nhận thức thấu đáo về các pháp chân đế được mô tả trong phần “sự thật – sacca”, cùng với những đặc tính tương ứng của chúng theo chân đế lẫn tục đế.
Pháp thắng trí có ba loại:
1’- Trí do nghe (sutamaya ñāṇa). Là trí có được do học hỏi.
2’- Trí suy tư (cintāmaya ñāṇa). Là trí có được do suy luận.
3’- Trí tu (bhāvanāmaya ñāṇa). Là trí có được do tu tập thiền (jhānabhāvanā).
Trí tu có hai loại là: “Trí nương theo để tỏ ngộ, gọi là anubodha ñāṇa (tùy giác)” và “trí thông đạt, gọi là paṭivedha ñāṇa”.
*- Tùy giác trí (anubodhañāṇa). Là trí quán về vô thường, khổ và vô ngã hay trí quán về các pháp với tất cả các đặc tính của chúng đúng như sự thật.
*- Thông đạt trí (paṭivedhañāṇa). Là tuệ siêu thế về bốn Đạo.
Nhờ tuệ này mà có thể xua tan được bóng đêm của các ô nhiễm (kilesa) như tà kiến, phóng dật…, những ai đắc Đạo thì được thấy ánh sáng (vijjā – minh).