Minh Sát Diễn Giải – 1. Ba Vipallāsa (đảo Ngược) – Ledi Sayadaw (tỳ Khưu Chánh Minh Soạn Dịch)

MINH SÁT DIỄN GIẢI (Vipassanā Dīpanī)

Tác giả: Trưởng lão Ledi Sayadaw, Aggamahāpaṇḍita, D. Litt.

Anh ngữ:  U Nyana, Patamagyaw của tự viện Masoeyein, Mandalay.

–0-0-0-0-0-.

1- Ba Vipallāsa (đảo ngược)

Nghĩa thông thường của vipallāsa là “quấy rối”, “dùng không đúng”, nhưng nghĩa đặc biệt của vipallāsa là “đánh lừa”, “lầm lạc”, hay “đảo ngược” (cho  đúng là sai, sai là đúng).

Có ba loại  đảo ngược (vipallāsa).

1- Nhớ đảo ngược (saññāvipallāsa).

2- Nghĩ đảo ngược (cittavipallāsa).

3- Thấy đảo ngược (diṭṭhivipallāsa).

Các pháp hữu vi (saṅkhāradhammā) có bốn đặc tính là: Không thường hằng (anicca – vô thường), khổ (dukkha), không trong sạch (asubha – bất tịnh) và không có cái TA (anatta – vô ngã).

Gọi là “đảo ngược” vì:

– Các pháp hữu vi không thường hằng, cho là thường hằng.

– Các pháp hữu vi là khổ cho là lạc.

– Các pháp hữu vi không trong sạch cho là trong sạch.

– Các pháp không có “ta”, cho là “có ta” ([1]). Đức Phật có dạy:

“Cattārome bikkhave, saññāvipallāsā cittavipallāsā diṭṭhivipallāsā. Katame cattāro

“Này các Tỳkhưu, có bốn nhớ đảo ngược, nghĩ đảo ngược, thấy đảo ngược này. Thế nào là bốn?

“Anicce, bhikkhave, niccanti saññāvipallāso cittavipallāso diṭṭhivipallāso;

Trong không thường, cho là thường, này các Tỳkhưu, đó là nhớ đảo ngược, nghĩ đảo ngược, thấy đảo ngược.

“Dukkhe, bhikkhave, sukhanti saññāvipallāso cittavipallāso diṭṭhivipallāso;

Trong khổ cho là lạc, này các Tỳkhưu, đó là nhớ đảo ngược, nghĩ đảo ngược, thấy đảo ngược.

“Anattani, bbikkhave, attāti saññāvipallāso cittavipallāso diṭṭhivipallāso;

Trong không có ta cho là “có ta”, này các Tỳkhưu, đó là nhớ đảo ngược, nghĩ đảo ngược, thấy đảo ngược.

Asubhe, bhikkhave, subhanti saññāvipallāso cittavipallāso diṭṭhivipallāso.

Trong không trong sạch, cho là trong sạch, này các Tỳkhưu, đó là nhớ đảo ngược, nghĩ đảo ngược, thấy đảo ngược.

Ime kho, bhikkhave, cattāro saññāvipallāsā cittavipallāsā diṭṭhivipallāsā.

 “Này các Tỳkhưu có bốn nhớ đảo ngược, nghĩ đảo ngược, thấy đảo ngược”(Nd trích dẫn)([2]).

Như vậy, pháp đảo ngược (vipallāsa dhamma) này có 12 chi, tức là:

*- Ba pháp nghịch đảo của vô thường (aniccavipallāsa) là:

– Vô thường tưởng là thường (anicce niccanti saññāvipallāso).

– Vô thường nghĩ là thường (anicce niccanti cittavipallāso).

– Vô thường thấy là thường (anicce niccanti diṭṭhivipallāso).

*- Ba pháp nghịch đảo của khổ (dukkhavipallāsa) là:

– Khổ tưởng là lạc (dukkhe sukhanti saññāvipallāso).

– Khổ nghĩ là lạc (dukkhe sukhanti cittavipallaaso).

– Khổ thấy là lạc (dukkhe sukhanti diṭṭhivipallāso).

*- Ba pháp nghịch đảo của không trong sạch (asubhavipallāsa) là:

-Không trong sạch tưởng là trong sạch (asubhe sukhanti saññāvipallāso).

– Không trong sạch nghĩ là trong sạch (asubhe sukhanti cittavipallāso).

-Không trong sạch thấy là trong sạch (asubhe sukhanti diṭṭhivipallāso).

*- Ba pháp nghịch đảo của “không có ta” (anattavipallāsa) là:

–  Không có ta tưởng “có ta” (anattāni attāti saññāvipallāso).

– Không có ta nghĩ “có ta” (anattāni attāti cittavipallāso).

– Không có ta thấy “có ta” (anattāni attāti diṭṭhivipallāso).

Tất cả những nghịch đảo này đều xuất phát từ ý  nghĩ “đây là tôi, đây là của tôi”, hay “đây là linh hồn sống của tôi”, điều này sẽ được làm rõ ở phần sau.

Ba pháp đảo ngược (vipallāsadhammā) này có thể được minh họa bằng những ví dụ về hươu rừng, ảo thuật gia và đoàn người qua khu rừng.

Những ví dụ về 3 đảo ngược.

*- Nhớ đảo ngược (saññāvipallāsa) được minh họa qua ví dụ “con hươu rừng”.

Tại giữa khu rừng lớn, một gia chủ cày cấy một vùng đất, rồi gieo hạt lúa,  lúa mọc mầm xanh tốt. Khi người làm ruộng đi khỏi, hươu rừng đến ăn những mầm non của lúa; người làm ruộng làm một hình nộm giống như người, có đầu, tay, chân, cho mặc quần áo cũ, đặt ở giữa ruộng để  giữ ruộng.

Hươu rừng theo thói quen đi đến ruộng để ăn những mầm non, đến gần  thấy hình nộm, nó cho đó là người thật, liền sợ hãi bỏ chạy.

Trong ví dụ này, những con hươu rừng thấy con người trước đó và ghi nhớ hình dáng của con người. Với sự nhớ lại (tưởng) trong hiện tại, chúng cho hình nộm là người thật. Do vậy, sự nhớ của hươu rừng là “nhớ sai lầm”.

 Ở đây, câu chuyện về những con hươu rừng chỉ ra “nhớ đảo ngược”, rất rõ ràng và dễ hiểu. Con hươu rừng do “nhớ lại con người” rồi cho hình nộm “là người”.

Sự nhớ sai lầm này cũng được minh chứng trong trường hợp người lạc đường, người này nhớ rằng “con đường này mình đã từng đi qua”, nhưng thực tế là con đường khác, con đường y đang đi chỉ có “nét” giống con đường từng qua mà thôi; khi bị lạc y hoang mang không thể chỉ ra được điểm chủ yếu, hoặc đi về hướng Đông hay hướng Tây, cho dù y có mắt thấy được mặt trời mọc và lặn.

Nếu mỗi lần có sai lầm trong tư tưởng thì chính sai lầm đó rất vững chắc và rất khó loại trừ.

Có rất nhiều điều chính chúng ta luôn nghĩ tưởng sai lầm, những nghĩ tưởng sai lầm ấy luôn đi ngược với sự thật “không bền vững (aniccā – vô thường)”, “không có cái ta (anatta – vô ngã)”…

Do vậy, qua sự “nhớ lại”, chúng ta nhận thức sự kiện một cách sai lầm, như những con hươu rừng coi hình nộm là người thật, thậm chí mắt chúng đang mở to khi nhìn thấy hình nộm.

*- Suy nghĩ đảo ngược (cittavipallāsa) được minh họa qua ví dụ “nhà ảo thuật”.

Một ảo thuật gia, cho mọi người nhìn thấy trong tay ông là nắm đất, phút chốc trở thành nắm vàng hay nắm bạc. Thật ra, ông đã nhanh chóng tráo nắm đất đi, nhưng tất cả mọi người chứng kiến đều có ý nghĩ  “nắm đất trở thành nắm vàng hay nắm bạc”, năng lực ảo thuật là lấy đi sự thấy bình thường của mọi người và thay vào đó loại thấy khác thường trong một thời gian ngắn, từ đó đã làm cho tâm suy nghĩ đảo ngược.

Ảo thuật gia đã làm cho người xem, có sự suy nghĩ sai lạc, cho rằng “đất biến thành vàng” với tất cả những tính chất của chúng là sáng lấp lánh, hay “đất biến thành bạc”… và họ đã “nghĩ sai lầm”.

Cũng vậy, vì tâm sinh diệt cực nhanh, như nhà ảo thuật([3]) nhanh tay đánh tráo vật, nên chúng ta thường có thói quen nghĩ “tâm là thường hằng”, để rồi dẫn đến những điều sai với sự thật, điều không đúng cho là đúng, điều đúng trở thành không đúng. Do vậy, chúng ta đã tự lừa dối mình.

Hoặc ví như người đi trong rừng vào ban đêm, thấy bóng dáng gốc cây kỳ lạ, nghĩ là ma quái;  hoặc khi thấy một bụi cây cho là “gặp voi rừng”, khi thấy voi rừng lại cho là “bụi cây”, gặp sợi dây leo rừng cho là con rắn, gặp con rắn lại cho là “dây leo rừng”….

Những gì lọt vào trong khu vực thị giác dẫn đến nhận thức sai lầm, đó là do tác động của suy nghĩ đảo ngược, ngoài ra còn những cảnh bên ngoài  khác như âm thanh, mùi hương, vị ngon, sự cảm xúc êm dịu cũng dẫn đến suy nghĩ lầm lạc, cho rằng “chúng bền vững, chúng là hạnh phúc”.

Thật ra, chúng luôn hoại diệt theo luật vô thường và cũng mang nhiều đau khổ.

Mặt khác, chính những ảo giác sâu thẳm ở bên trong (cảnh pháp – dhammārammaṇa – Nd) đã lừa dối chúng ta một cách tệ hại hơn so với sự nhận thức bên ngoài, khiến chúng ta lầm lạc lại càng lầm lạc, những gì xấu cho là tốt, những gì tốt cho là xấu, những gì sai cho là đúng, những gì đúng cho là sai như: “Nhận quả ác nghiệp lại cho là may mắn (như người bị mất trộm cho rằng “nhờ thế sinh mạng được an toàn”…), khi được nghiệp lành trổ quả thì cho là “được Thượng đế ban ân…”.

Tuy nhiên, do không có cội rễ chắc chắn nên nó có thể dễ dàng bị loại trừ bằng sự điều tra hay tìm ra nhân duyên của các pháp.

 *- Thấy đảo ngược (diṭṭhivipallāsa) được minh họa qua ví dụ “đoàn người qua khu rừng”.

Có một khu rừng lớn có nhiều Atula (asura) trú ngụ. Một đoàn người phải băng qua khu rừng để đến thành phố an lạc, họ theo con đường chánh để xuyên rừng.

Nhóm Atula tạo ra những thành phố lộng lẫy như thành phố chư thiên, tạo ra những con đường xinh đẹp dẫn đến thành phố, tự chúng biến thành những thiên nam và thiên nữ; đồng thời chúng còn tạo ra những con đường lạc lối khác, dẫn đến những thành phố hoang vắng, để cho đoàn người xuyên rừng phải lạc lối.

Khi thấy những con đường xinh đẹp này, đoàn người xuyên rừng, có nhóm cho rằng “những con đường này sẽ đưa họ đến những thành phố tốt”; có nhóm không theo con đường xinh đẹp vì nghĩ: Trong rừng làm gì có con đường xinh đẹp như vầy”, nhưng họ lại theo con đường sai lạc khác.

Thế là, họ rời xa con đường đúng, theo con đường sai dẫn đến những thành phố của nhóm Atula, hay lạc trong rừng, để rồi họ phải mất mạng hay chịu đau khổ. Chỉ có số ít người đi theo con đường chánh, nhờ đó họ ra khỏi rừng.

Trong câu chuyện ngụ ngôn này, khu rừng lớn là chỉ cho tam giới: dục giới (kāmaloka), sắc giới (rūpaloka), vô sắc giới (arūpaloka).

Những người xuyên rừng chỉ cho chúng sinh trong tam giới, con đường đúng là chánh kiến (sammādiṭṭhi), con đường sai là tà kiến (micchādiṭṭhi).

Ở đây, chánh kiến có hai loại là chánh kiến thuộc về thế gian và chánh kiến thuộc về giải thoát.

*-Chánh kiến thuộc về thế gian.

Là sự hiểu biết rằng: “Tất cả chúng sinh là có nghiệp là thai tạng([4]), mỗi nghiệp thiện hay bất thiện là tài sản của chính người đó tạo ra, nghiệp ấy đi theo người đó suốt quãng thời gian luân hồi”.

*- Chánh kiến thuộc về giải thoát.

Là sự nhận thức đúng đắn về nhân quả (hetuvipāka), nhóm (khandha-uẩn), xứ  (āyatana), giới (dhātu), sự thật (sacca)không có ta  (anatta).

Trong hai loại chánh kiến này, chánh kiến thuộc về thế gian là con đường đúng cho vòng sanh hữu, dẫn đến các cõi vui trong tam giới (tức là những cõi người, chư thiên và phạm thiên) giống như những thành phố của những người tốt.

Chánh kiến thuộc về giải thoát là một trong những yếu tố dẫn đến giác ngộ, là con đường đúng để thoát ra khỏi vòng sinh tử, chứng đạt Nípbàn.

Thành phố an lạc ví như Nípbàn (nibbāna)([5]), thoát ra khỏi rừng ví như thoát ra khỏi tam giới, chấm dứt vòng sinh tử luân hồi.

Tà kiến. Là sự chối bỏ nhân và quả của thiện nghiệp cùng bất thiện nghiệp, chúng bao gồm ba loại tà kiến là phi hữu kiến (natthikadiṭṭhi), vô nhân kiến (ahetukadiṭṭhi) và vô hành kiến (akiriyadiṭṭhi)([6]).

Con đường do Atula tạo ra ví như những tà kiến này, thành phố Atula ví như những khổ cảnh trong tương lai ([7]).

Những tà kiến “tự ngã”, “tôi”, “của tôi”, ví như con đường lạc lối, tuy không đau khổ khốc liệt như con đường dẫn đến thành phố Atula, chúng có thể dẫn đến cõi người, cõi chư thiên, cõi Phạm thiên, nhưng được ví như thành phố hoang vắng.

Một điều chắc chắn rằng, đoàn người xuyên rừng theo những con đường này, họ chỉ đi quanh quẩn trong rừng, ám chỉ mãi mãi chịu luân hồi, không thể thoát khỏi rừng.

Những tà kiến nói trên là những ảo giác, sâu thẳm và chắc chắn hơn cả suy nghĩ đảo ngược. Những tà kiến này rất tế nhị, khó thấy. Đức Phật có dạy:

“Micchādiṭṭhi, bhikkhave, paṭicchannā āvahati, no vivatā”.

“Này các Tỳkhưu, tà kiến được che dấu khi thực hành, không có hiển lộ” ([8])

 

Bài Pháp trích từ cuốn Minh Sát Diễn Giải (Vipassanā Dīpanī) của Ngài Ledi Sayadaw, Đức Unyana chuyển sang Anh ngữ, Tỳ-khưu Chánh Minh dịch Việt
Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app