Mục lục
[01] Lời giới thiệu
Những chữ viết tắt
[02] A- DUYÊN KHỞI
B- TÓM LƯỢC BÀI KINH
C- LUẬN GIẢI
C.1- Phàm Phu (Puthujjana)
[03] I) Sắc pháp
[04] II) Danh-Sắc pháp
[05]
III) Vô sắc pháp
[06]
C.2- Vị Thánh Hữu Học (Sekkhā).
– Sắc pháp
– Danh sắc pháp
– Vô sắc pháp.
C.3- Vị Thánh A La Hán.
C.4- Đấng Như Lai
Lời Giới Thiệu
Kinh Trung bộ (Majjhima Nikāya) là một trong năm bộ kinh của Tạng kinh (Suttanta Pitaka) gồm có 152 bài kinh do các ngài Đại Trưởng Lão kết tập, và bài kinh đầu tiên có tên gọi là Dhammamūlapariyāya Sutta(Kinh Căn Bản Pháp Môn).
Gọi là Căn bản (mūla) vì rằng từ một gốc rễ của Tưởng (sañña) đã nảy sinh nhiều luận thuyết cũng như nhiều quan niệm.
Do không nhận thức được những bản chất thật của các Pháp, lại do Tưởng chi phối, Tưởng tạo ra những nét sai biệt từ gốc nên dẫn đến một chướng ngại tiên khởi cho sự giải thoát. Chướng ngại ấy, Đức Phật gọi là Thân kiến (kāyadiṭṭhi), muốn tiến sâu vào vùng giải thoát, “hàng rào cản” ban đầu là thân kiến cần phải phá tan. Nhưng muốn phá được chúng cần phải đào sâu tận gốc rễ.
Lại nữa, Kinh Căn Bản Pháp Môn rất thâm sâu, không dễ dàng nắm bắt trọn vẹn. Ngài Ñānamoli có đề ra “hãy đọc qua 152 bài kinh, sau đó nghiên cứu kinh Căn bản Pháp môn”; đã nói lên tính chất thù diệu của bài kinh này. Ví như người muốn bứng tận gốc rễ của cây cần phải chặt bỏ đi những cành lá rậm rạp gây chướng ngại trước.
Kinh Căn Bản Pháp Môn nêu lên hai cách tu tập: Chỉ (samātha) và Quán (vipassana). Đây là hai cách tu tập cần yếu trong hành trình dẫn đến giác ngộ. Chỉ và Quán có tác dụng hỗ tương lẫn nhau, không thể tách rời nhau trong sự chứng ngộ vận hành các pháp.
Nói cách khác, nếu thực tập về Chỉ tịnh phải y cứ vào tưởng, còn thực tập Quán minh cũng phải nương vào tưởng (đó là đề mục quán pháp trong pháp). Như thế cần phải hiểu biết rõ về những tưởng sai biệt để lìa bỏ, những tưởng đúng theo chân pháp cần phải duy trì làm cho tăng trưởng nhằm mục đích áp chế thân kiến.
Chúng tôi cố gắng diễn đạt những gì chúng tôi hiểu được, xem như những nhát cuốc khai hoang trong khu vườn “tưởng” này.
Hình dung bối cảnh thực tại, đối tượng nghe giảng thuyết từ Đức Thế Tôn, cùng các “quan điểm sai lệch” có trong thời Đức Phật thật là vạn nan. Vì rằng, Đức Phật khi thuyết giảng, Ngài nhắm vào đối tượng có khả năng chứng đắc giải thoát pháp, đồng thời Ngài y cứ vào “chân lý”, không y cứ vào tưởng tượng, không y cứ vào quan niệm do tưởng tượng tạo ra.
Hẳn nhiên, vào thời Đức Phật có rất nhiều “vấn đề”, tuy nhiên tất cả chỉ xoay quanh ba tiêu đề: Sắc, Danh-Sắc và Danh.
Đức Phật nêu lên 24 vấn đề xoay quanh ba tiêu đề ấy. Mỗi vấn đề do tưởng dẫn dắt tạo ra kiến, mạn và ái; ba tà pháp này trộn lẫn vào nhau. Nếu không có trí nhận biết, chúng phát xuất từ gốc rễ nào thì rất khó giải trừ chướng ngại, ràng buộc do chúng tạo ra.
Thông hiểu gốc rễ của thân kiến tuy chỉ bằng trí văn hay trí tư cũng mang đến nhiều lợi ích, tạm thời xa lìa hai cực đoan: Thường – Đoạn, tạm thời xa lìa hai quan điểm: Tự ngã – Đại ngã, như những chủ thuyết có trong thời Đức Phật.
Nhận thức trọn vẹn nghĩa pháp, không còn nghi hoặc trong các quan điểm sai lệch, lầm lẫn, đòi hỏi hành giả phải dấn thân. Nghĩa là phải hành trì pháp Chỉ – Quán để thành tựu trí tu thù thắng.
Chúng tôi không có cao vọng “minh giải lý – nghĩa Phật ngôn”, chỉ có ý nghĩ “góp vào kho tàng tri thức Phật giáo đôi chút hiểu biết cỏn con”. Và mong các bậc cao minh mỉm cười rộng dung cho những sơ sót, sai lầm vấp phải, do tri thức hạn hẹp, kém cỏi của chúng tôi vậy.
Lành thay!
Tỳ kheo Chánh Minh
-ooOoo-
NHỮNG CHỮ VIẾT TẮT
Theo mẫu tự Pāli
A. | Aṅguttara Nikāya (Tăng Chi bộ). |
UdA. | Udāna – Atthakathā (Chú giải kinh Phật Tự thuyết). |
KhpA. | Khuddakapāṭha (Kinh Tiểu bộ). |
Ch.U. | Chandogya Upanisad, Áo nghĩa thư, Chandogya. |
Ja. | Jākata – atthakathā (Chú giải kinh Bổn sanh). |
D. | Dīgha Nikāya (Kinh Trường bộ). |
DA. | Dīgha Nikāya – atthakathā (Chú giải Trường bộ kinh). |
DhA. | Dhammapāda – atthakathā (Chú giải kinh Pháp cú). |
Dhp. | Dhammapāda (Kinh Pháp cú). |
PS. | Paṭisambhidāmagga (Vô ngại giải đạo). |
M. | Majjhima Nikāya (Kinh Trung bộ). |
Vin. | Vinaya Pitaka (Luật tạng). |
Vs. | Visuddhimagga (Thanh tịnh đạo). |
S. | Saṃyutta Nikāya (Kinh Tương ưng bộ). |
Sn. | Sutta nipāta (Kinh Tập) |
-ooOoo-
- * Link cuốn Luận Giải Kinh Căn Bản Pháp Môn
- * Link tải sách ebook Luận Giải Kinh Căn Bản Pháp Môn
- * Link video cuốn Luận Giải Kinh Căn Bản Pháp Môn
- * Link audio cuốn Luận Giải Kinh Căn Bản Pháp Môn
- * Link thư mục tác giả Tỳ Khưu Chánh Minh
- * Link thư mục ebook tác giả Tỳ Khưu Chánh Minh
- * Link giới thiệu tác giả tác giả Tỳ Khưu Chánh Minh
- * Link tải app mobile Phật Giáo Theravāda