Làm thế nào diệt trừ tà kiến?
Đức Phật nói rằng căn nguyên của việc đọa vào bốn ác đạo (apāyagati – địa ngục, quỉ đói, súc sinh và A Tu La ) cần phải được diệt trừ và bứng gốc. Căn nguyên ấy chính là sự thể hiện của Tà Kiến. Những ai còn có những Tà Kiến ngủ ngầm trong tâm sẽ không hối tiếc khi đoạt mạng sống của một chúng sanh khác, không hối tiếc khi trộm cắp, tà dâm, giết cha, giết mẹ, và thậm chí phạm vào đại trọng tội làm thân Phật chảy máu. Vì thế tất cả những việc làm ác đều xuất phát từ Tà Kiến.
Hầu hết mọi người đều cho rằng chính nghiệp bất thiện (akusala kamma) là nhân tố trách nhiệm cho việc rơi vào bốn ác đạo của một người nhưng qua khảo sát chúng ta thấy rằng thủ phạm đích thực là Tà Kiến. Không có gì hoài nghi, chính đao phủ là người hành quyết tội nhân nhưng quyền lực thực sự vẫn là ở vị thẩm phán, người tuyên bản án tử hình.
Theo cách tương tự, chính Tà Kiến đưa chúng sanh vào bốn ác đạo. Nghiệp chỉ làm nhiệm vụ ném (người ấy vào bốn ác đạo) hay chỉ là lực đẩy chứ không phải là thủ phạm, vì vậy Tà Kiến rất nguy hiểm và độc hại.
Lại nữa, sẽ có những ý nghĩ ganh tị, tật đố, hay ý nghĩ về bố thí phát sanh; dù bất cứ ý nghĩ hay tâm nào sanh nó cần phải được hiểu và ghi nhận rằng đó chỉ là những trạng thái tâm. Khi một ý nghĩ về hút thuốc sanh, nó phải được biết và ghi nhận rằng đó chỉ là một ý nghĩ hay tâm chứ không có cái ‘Tôi’, người muốn hút thuốc. Những ý nghĩ này sanh theo chức năng và nhiệm vụ riêng của chúng, không có gì để có thể được nhận dạng là ‘Tôi’ hay Tự Ngã của tôi muốn ở đây cả. Phải ghi nhớ trong tâm rằng tâm sanh khởi theo chuỗi nối tiếp nhau như kết quả của hai hiện tượng (căn và cảnh) và mỗi khi có sự xuất hiện của một tâm nào đó cũng nên hiểu như vậy.
Khi tâm hay ý nghĩ về thở vô sanh, nó cần phải được ghi nhận đúng như vậy, và khi ý nghĩ về thở ra sanh, nó cũng phải được ghi nhận đúng như vậy, chứ không phải như ‘Tôi’ thở vào hay ‘Tôi’ thở ra. Điều này rất quan trọng đối với người hành thiền bởi vì hầu hết trong số những người hành thiền đều vui thích trong thiền hơi thở (ānāpāna), với ý niệm sai lầm cho rằng chính ‘Tôi’ là người đang thở vô và thở ra. Khi sự đồng nhất với cái Tôi ‘Ích Kỷ’ được diệt trừ đến một mức nào đó Thân Kiến (sakkāya diṭṭhi) kể như cũng được xua tan đến một mức tương ứng. Điều này chỉ trở thành khả dĩ nếu việc thực hành miên mật được thực hiện với chánh kiến (sammā diṭṭhi) như yếu tố tiên phong.
Cũng cần đề cập ở đây rằng trong việc diệt trừ thân kiến, nhiệm vụ của Định là để giúp cho (nhà lãnh đạo) Chánh Kiến bằng việc thiết lập sự hợp nhất của tâm.
Quán hay minh sát không phải được dẫn dắt bởi Chánh Định mà bằng Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, và được theo sau bởi Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Định.
Nếu sự ghi nhận không bị gián đoạn càng nhiều, tâm nhận thức sẽ được rõ ràng hơn và hành giả sẽ mất ít thời gian để hoàn thành mục đích của mình hơn. Điều quan trọng là hành giả phải phát triển trí thể nhập vào các uẩn của mình bằng cách quan sát để thấy rằng thức, thọ và hành đang sanh nối tiếp nhau và rằng chúng sanh như một thông lệ hoặc theo trình tự nhân quả.
Đây gọi là sự quán chiếu để diệt trừ tà kiến và vẫn chưa phải là Minh Sát Tùy Quán vốn chỉ quán tính chất vô thường, khổ, và vô ngã, hay sự sanh và diệt của các Uẩn mà thôi.
Giai đoạn này gọi là Trí Phân Biệt Danh và Sắc (nāmarūpapariccheda ñāṇa) và dù đã thành tựu trí này hành giả vẫn còn có những giai đoạn cao hơn khác để thực hiện.