Lam Gi Thay The Me Tin Te Le Cau Sieu Co Hon Nga Qui

Làm Gì Thay Thế Mê Tín Tế Lễ Cầu Siêu Cô Hồn Ngạ Quỉ Trong Dịp “Lễ Vu Lan Của Đạo Tầu”?

Người tu Phật thường nghe nói đến bốn cảnh khổ: Súc sanh, A tu la, Ngạ quỉ và Địa ngục, nhưng phần đông ít ai hiểu rõ nguyên nhân nào mà phải sanh vào cảnh ấy hoặc làm sao cho thoát khỏi cảnh ấy. Ở đây Bần Tăng chỉ giải sơ về cảnh Ngạ quỉ thôi, vì nhận thấy có nhiều người hiếu thảo hay làm phước mong cầu cho thân bằng quyến thuộc đã quá vãng cho được siêu thoát. Vì vậy mà có người mướn tụng tạng, làm thủy lục để cứu vớt vong linh, cúng quải, tế lễ, làm dấu phướn, nhà minh khí, kho lần. Việc làm ấy không đem lại sự lợi ích cho người quá vãng.

Theo Phật giáo nếu muốn làm phước để hồi hướng quả lành cho thân nhân quá vãng, cho được thành tựu thì phải đúng theo 3 chi:

  1. Làm phước đến những bậc đáng thọ lãnh vật cúng dường (Dakkhinadàna) là chư Tăng thọ cụ túc giới đúng chánh truyền.
  2. Thí chủ tuyên bố hồi hướng quả lành rõ rệt.
  3. Thân nhân đã quá vãng được hay, đến thọ lãnh (Anumodàna) phước lành ấy.

Nếu ai làm phước mà được đầy đủ cả 3 chi, thì nếu thân nhân bị sa đoạ (chỉ có loại ngạ quỷ Paradattù pajìvì – tức là loại ngạ quỷ sống nhờ vào sự bố thí của người khác – mới thọ hưởng được quả lành của sự hồi hướng ấy), mới có thể được thoát khỏi cảnh ngạ quỉ và siêu sanh nơi nhàn cảnh, bằng không thì phải chịu thọ khổ đời đời kiếp kiếp cho đến khi nào hết quả mới được tái sanh làm người.

Còn nếu như hồi hướng mà người quá vãng vì tội ác nặng nề hoặc không hay biết đặng thọ lãnh, thì phần phước ấy về thí chủ chắc chắn không sai.

Theo đây bần Tăng phiên dịch kinh nói về các hạng Ngạ quỉ (theo trong kinh chú giải Petakkathà và trong Tam Tạng Pali) phải chịu khổ sở như thế nào và tội ác như thế nào, để ai là người tin lý nhân quả hiểu rõ hầu tránh các điều tội ác ấy.

Nguồn trích dẫn: Chuyện Ngạ Quỷ – Hòa thượng Bửu Chơn

Liệu Có Thể Cầu Khẩn, Cầu Siêu Để Giải Nghiệp, Trừ Nghiệp Cho Người Đã Chết?

– Ví như, này Thôn trưởng, có người lấy một tảng đá lớn ném xuống một hồ nước sâu. Rồi một quần chúng đông đảo, tụ tập, tụ họp lại, cầu khẩn, tán dương, chấp tay đi cùng khắp và nói rằng: “Hãy đứng lên, tảng đá lớn! Hãy nổi lên, tảng đá lớn! Hãy trôi vào bờ, này tảng đá lớn!” Ông nghĩ thế nào, này Thôn trưởng, tảng đá lớn ấy do nhân cầu khẩn của đại quần chúng ấy, hay do nhân tán dương, hay do nhân chấp tay đi cùng khắp, có thể trồi lên, hay nổi lên, hay trôi dạt vào bờ không?

– Thưa không, bạch Thế Tôn.

– Cũng vậy, này Thôn trưởng, người nào ① sát sanh, ② lấy của không cho, ③ sống theo tà hạnh trong các dục, ④ nói láo, ⑤ nói hai lưỡi, ⑥ nói lời độc ác, ⑦ nói lời phù phiếm, ⑧ tham lam, ⑨ sân hận, ⑩ theo tà kiến. Rồi một quần chúng đông đảo, tụ tập, tụ họp lại, cầu khẩn, tán dương, chấp tay đi cùng khắp và nói rằng: “Mong người này, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên thiện thú, Thiên giới, cõi đời này!”. Nhưng người ấy, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.…

– Ví như, này Thôn trưởng, có người nhận chìm một ghè sữa đông (sappi) hay một ghè dầu vào trong một hồ nước sâu rồi đập bể ghè ấy. Ở đây, ghè ấy trở thành từng miếng vụn, hay từng mảnh vụn và chìm xuống nước. Còn sữa đông hay dầu thời nổi lên trên. Rồi một quần chúng đông đảo, tụ tập, tụ họp lại, cầu khẩn, tán dương, chấp tay đi cùng khắp và nói: “Hãy chìm xuống, này sữa đông và dầu! Hãy chìm sâu xuống, này sữa đông và dầu. Hãy chìm xuống tận đáy, này sữa đông và dầu!”.

Ông nghĩ thế nào, này Thôn trưởng, sữa đông ấy, dầu ấy, có do nhân cầu khẩn của đám quần chúng đông đảo ấy, do nhân tán dương, do nhân chấp tay đi cùng khắp của quần chúng đông đảo ấy nên bị chìm xuống, hay chìm sâu xuống, hay đi xuống tận đáy không?

– Thưa không, bạch Thế Tôn.

– Cũng vậy, này Thôn trưởng, có người ① từ bỏ sát sanh, ② từ bỏ lấy của không cho, ③ từ bỏ sống tà hạnh trong các dục, ④ từ bỏ nói láo, ⑤ từ bỏ nói hai lưỡi, ⑥ từ bỏ nói lời độc ác, ⑦ từ bỏ nói lời phù phiếm, ⑧ không có tham, ⑨ không có sân, ⑩ theo chánh tri kiến. Rồi một quần chúng đông đảo, tụ tập, tụ họp lại, cầu khẩn, tán dương, chấp tay đi cùng khắp và nói: “Mong rằng người này, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục!” Nhưng người ấy sau khi thân hoại mạng chung, sẽ sanh lên thiện thú, Thiên giới, cõi đời này.

Khi nghe nói vậy, thôn trưởng Asibandhakaputta bạch Thế Tôn:

– Thật là vi diệu, bạch Thế Tôn! Thật là vi diệu, bạch Thế Tôn! Bạch Thế Tôn, như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích. Bạch Thế Tôn, con nay xin quy y Phật, Pháp và chúng Tăng. Mong Thế Tôn nhận con làm đệ tử cư sĩ, từ nay trở đi cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng!

Nguồn trích dẫn: Tương Ưng Bộ Kinh – Chương 42: Tương ưng thôn trưởng. 6. Người Ðất Phương Tây hay Người Ðã Chết

Hồi Hướng Phước Có Hiệu Quả Không?

– Thưa đại đức! Khi người cư sĩ làm được một phước sự như trai Tăng, bố thí, cúng dường, rồi họ hồi hướng đến cho ân nhân, cha mẹ, thân bằng quyến thuộc đã quá vãng từ nhiều đời, không biết quả lành của sự hồi hướng đó có kết quả gì không?

– Có số được, có số không, tâu đại vương!

– Xin cho biết nguyên cớ?

– Tâu, vâng! Nếu cha mẹ, ân nhân, thân bằng quyến thuộc… sau khi chết, sanh vào các cõi trời, đọa sanh địa ngục, sanh làm muông thú… thì quả lành của sự hồi hướng không đến với họ được.

Còn nữa, các loại a-tu-la, ngạ quỷ đói, ngạ quỷ bị lửa thiêu cháy… cũng không hưởng được phần phước. Chỉ có loại quỷ Paradattù pajìvì – tức là loại ngạ quỷ sống nhờ vào sự bố thí của người khác – mới thọ hưởng được quả lành của sự hồi hướng ấy.

– À, hóa ra là vậy. Thế thì nếu cha mẹ, ân nhân, thân bằng quyến thuộc của mình không sanh làm ngạ quỷ Paradattù pajìvì thì sự bố thí, cúng dường, tốn tiền bạc, tốn công sức sẽ trở nên vô ích, phải vậy không, đại đức?

– Không, vẫn có lợi ích. Phước báu ấy sẽ không tiêu mất. Chính người làm phước được hưởng phước báu ấy.

– Xin đại đức giảng cho nghe.

– Tâu, vâng! Ví như có người sửa soạn một mâm vật thực gồm có rượu thịt cơm bánh v.v… để đãi đằng bà con quyến thuộc của mình. Vì một lý do nào đó, những người kia không đến, thì mâm vật thực ấy sẽ thuộc về phần ai, đại vương?

– Hoàn về cố chủ.

– Lại nữa, ví như có người đi vào cửa trước của ngôi nhà, tìm đến cửa sau để đi sang một chỗ khác. Cửa sau không tìm thấy, thì người kia đi trở ra bằng lối nào hở đại vương?

– Lối cũ thôi!

– Cũng tương tự thế. Phước báu gởi đi các nẻo không được, không ai thọ nhận thì phải trở về lối cũ, trở về chủ của nó, đại vương!

– Rõ lắm rồi. Sàdhu!

Nguồn trích dẫn: Mi Tiên Vấn Ðáp 

* Nội dung được trích từ các bài giảng và tài liệu do Sư Viên Phúc tổng hợp và chia sẻ trên trang Ehipassiko.info

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app