LAKUNTAKA BHADDIYA

(đệ nhất diệu âm)

(Trích Bài giảng Kinh Tương Ưng,

Lớp Kinh Tạng Vietheravada, Sư Toại Khanh giảng).

Trong chú giải có nói một chuyện thế này, ngài Lakuntaka Bhaddiya đệ nhất diệu âm, trong đệ tử của Thế Tôn ngài hơn cả ngài Xá Lợi Phất là giọng nói và âm thanh của ngài giống Phạm thiên, giống chim Ca Lăng Tần Già, chỉ thua Đức Phật thôi. Do ngày xưa ngài đi vào hầu Phật Padumuttara nghe Đức Phật Padumuttara tán thán một vị đệ tử đệ nhất diệu âm ngài phát tâm đời sau ngài cũng được vậy rồi làm phước.

Ngài Lakuntaka Bhaddiya khi nguyện trở thành vị đệ nhất diệu âm, thì chuyện thứ nhất ngài thường xuyên chỉ nói cam ngôn mỹ từ, không nạt nộ, giận quá thì im và chuyện thứ hai là ngài rất thích cúng dường đồ ngọt. Do công đức này mà đời sau ngài sinh ra có âm thanh rất hay, đệ nhất diệu âm. Nhưng có một điều, ngài rất là xấu tướng. Xuất thân là công tử nhà giàu, được đặt tên là Bhaddiya (nghĩa là hiền nhân, hiền thiện), nhưng có ngoại hiệu Lakuntaka nghĩa là người lùn, lùn một cách dị dạng, bị các vị phàm tăng đùa giỡn, xem thường ra mặt.

Vì sao ngài bị như vậy, vì do hai nghiệp ác từ quá khứ. Trong một kiếp làm vua, ngài có tật rất kỳ là thích đùa giỡn với người già, một sở thích bịnh hoạn, ngài thích trêu chọc người già lụm cụm đi đứng khó khăn, bắt làm trò cho ngài coi, họ đau đớn xấu hổ mà phải ráng.

Trong thời của Đức Phật Ca Diếp thì ngài là một trong số những kiến trúc sư chịu trách nhiệm xây dựng ngôi bảo tháp của Đức Phật Ca Diếp. Tiền bạc đã có sẵn, vật liệu đã có sẵn, bản vẽ công trình đã có sẵn, chỉ bắt tay thực hiện thôi, mà ngài bèn góp ý: “cao quá không nên”. Trong chú giải ghi: “buddhassa appamanassa pamanam akasi” nghĩa là đem áp đặt một cái hạn chế lên trên cái vô hạn của chư Phật. Đức độ của Đức Phật mình làm được bao nhiêu thì làm, trong lòng mình không nên có mắc mứu.

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app