Kinh Tăng Chi số 032

Bài Giảng Sư Toại Khanh Paltalk 2019

Chúng ta sẽ học tiếp theo phần 10 là Giới thiện xảo và Tác ý thiện xảo.

Như hôm qua chúng tôi giới thiệu thì từng cặp từng cặp vấn đề ở đây đều là tinh hoa Phật pháp hết. Chứ không phải những vấn đề nhỏ mà mình có thể xem thường.

1.GIỚI THIỆN XẢO VÀ TÁC Ý THIỆN XẢO
*Giới thiện xảo là sao?
Tôi đã nói rất nhiều lần là vô lượng vũ trụ với tất cả chúng sinh trong đó đều gói gọn trong giới 18. Số 18 này là 6 căn, 6 trần và 6 thức. Có nghĩa là chúng sinh trong đời không có vật gì lớn nhỏ, phàm thánh mà nằm ngoài con số 18 này. Thí dụ Đức Phật, khi mình lấy mắt nhìn Ngài thì Ngài là cảnh sắc. Nhưng mình suy tư về Ngài thì Ngài là cảnh pháp. Mặt trời, mặt trăng cũng vậy. Mình không sờ chạm được, nhưng mình lấy mắt nhìn thì mặt trời mặt trăng là cảnh sắc. Nhưng mình nhắm mắt lại, nghĩ tưởng về mặt trăng mặt trời thì nó là cảnh pháp. Tức là cảnh của ý thức, của thức thứ sáu.

Nói vậy có nghĩa những gì sâu kín, tế nhị xa khuất nhất cũng không nằm ngoài 6 trần. Mà để biết 6 trần thì dứt khoát phải cần đến 6 thức. Mà 6 thức dứt khoát phải cần đến 6 căn làm điểm tựa. Có nghĩa là toàn bộ vũ trụ với vô lượng chúng sinh trong đó không nằm ngoài con số

18 giới, tiếng Pali là Thattu.

Vậy giới thiện xảo là sao? Là ở đây hành giả (người cầu đạo giải thoát) luôn sống trong nhận thức sắc sảo, kịp thời rằng tất thảy những gì đang xảy ra, đang diễn ra, đang hiện hữu, đang tồn tại ở chính mình và thế giới chung quanh với vô lượng vũ trụ và tất cả chúng sanh đều nằm trong số 18 đó. Luôn luôn sống trong nhận thức như vậy.

Nhưng tại sao mình phải luôn sống trong nhận thức như vậy? Bởi vì thông qua nhận thức này mình sẽ thấy không hề có một cá thể, không hề có một cái “tôi”, không hề có một cái gì “của tôi” tồn tại trên đời này hết. Tất thảy đều là căn, cảnh( trần) và thức. Giới thiện xảo là biết rõ mọi thứ trong đời này không nằm ngoài con số 18.

Để có thể sống rốt ráo với nhận thức ấy chỉ có một con đường duy nhất là pháp môn Tứ niệm xứ. Chúng ta không thể làm con mọt sách, không thể làm nhà học giả bạc đầu vùi mình trong thư viện, trong tủ Kinh, trong cuốn sách mà để có thể gọi là Giới thiện xảo được. Mà chúng ta phải sống chánh niệm. Tôi nói rồi, buổi đầu dầu đi theo truyền thống thiền quán nào, đi theo sự hướng dẫn bất cứ thiền sư nào thì bắt đầu pháp môn Tứ niệm xứ phải là đời sống chánh niệm. Chánh niệm trong các hoạt động lớn nhỏ của thân và của tâm.

Chánh niệm trong hoạt động của tâm là biết nó đang vui, buồn, giận, thương, ghét, sợ hãi, ghen tuông, tiếc nuối, biết rõ. Rồi chánh niệm trong thân là sao? Biết rõ đang làm gì, từ những cử chỉ biểu lộ sinh hoạt hoạt động lớn bé thảy đều được ghi nhận tinh tường không bỏ sót. Cầm lên, để xuống, vặn cửa, vặn vòi nước, mở lò, khóa cửa, ăn uống, nhai nuốt, tắm rửa, đại tiện, tiểu tiện, vuốt tóc, xoa đầu, gãi, sờ, chạm, tất thảy mọi động tác đều được thực hiện trong chánh niệm, mà không cần quán chiếu gì hết. Buổi đầu làm ơn sống trong chánh niệm Lâu ngày khi chánh niệm mạnh rồi thì tự nhiên trí tuệ về 18 giới, về 5 uẩn, về 12 xứ, về Bốn đế tự nhiên nó có mặt.

Còn buổi đầu cái niệm mình yếu thì đừng có làm cái chuyện cao siêu là quán chiếu cái này cái gì. Không cần, cứ làm gì biết nấy. Nhưng quan trọng nhứt là hành giả Tứ niệm xứ phải có kiến thức giáo lý căn bản. Đó không phải là đề nghị của riêng tôi. Mà của rất nhiều thiền sư, như ngài Mogok, ngài Pa Auk, như bà Achann Naeb. Đây là ba vị thiền sư đặc biệt lưu tâm, lưu ý hành giả phải có kiến thức giáo lý căn bản rồi mới sống chánh niệm. Trên nền tảng kiến thức căn bản và chánh niệm ấy, lâu ngày những cái biết của chúng ta nó có chỗ phát huy. Buổi đầu nó chỉ là TRÍ VĂN thôi. Trí văn là cái biết dựa trên sách vở, trên những gì mình đọc, mình nghe. Đi thêm một bước nữa là khả năng nhận thức và suy tư qua lý luận. Cuối cùng đó là với sự hỗ trợ của phước duyên ba la mật tiền kiếp, chúng ta có được loại trí thứ ba là TRÍ TU. Tức là sự thể nghiệm, sự thân chứng, sự thấm thía, sự tiêu hóa tới nơi tới chốn, cái điều mình đã nghe, đã đọc, đã học và đã suy tư.

Như vậy bằng hành trình này, bằng sự hỗ trợ của chánh niệm, bằng sự hỗ trợ của ba thứ trí này trên nền tảng của chánh niệm không ngừng nghỉ: “Niệm”, “trí” và “cần” . Nền tảng để giúp ta thành tựu cái Giới thiện xảo chính là NIỆM, CẦN và TRÍ. Cần là tinh tấn. Quí vị hỏi dựa vào đâu mà tôi nói vậy? Xin thưa đó chính là Kinh Tứ niệm xứ. Ở đây Đức Phật dạy, ( câu Kinh Pali) ( 0:07:18) Vị tỳ kheo chánh niệm, tỉnh giác, tinh cần diệt trừ tham ưu ở đời. Chánh niệm ở đây là NIỆM. Tỉnh giác ở đây là TRÍ. Còn cần là TINH TẤN. Thì nền tảng giúp ta thành tựu Giới thiện xảo chính là niệm, cần, trí. Biết rõ mình chính là 18 giới cộng lại. Mình hình thành từ 18 giới. Mà 18 giới chính là 12 xứ. Mà 12 xứ chính là 5 uấn. Mà 5 uẩn chính là danh sắc. Biết rõ. Ở đây không có “tôi”, không có gì là “của tôi”, không có ông A bà B, không có thằng Tí, thằng Tèo gì hết. Mà chỉ có DANH SẮC, hoặc chỉ có 5 UẨN, hoặc chỉ có 12 XỨ, hoặc chỉ có 18 GIỚI. Cần nhớ là:

** 18 giới là hình thức chia chẻ sâu rộng của 12 xứ, của 5 uẩn, của danh sắc. Hãy nhớ vậy, nhe!

Giới thiện xảo là như vậy. Với người không học giáo lý thì nghe đề tài này rất là khô. Nghĩ là sao ở đây không nghe nói từ bi, trí tuệ, bao dung, tha thứ, yêu thương, bố thí, trì giới, không nghe gì hết. Mà lại nghe 18 cái này. Xin thưa: Nếu ta sống miên mật, triệt để, gắn bó thường trực trong cái nhận thức về 18 giới thì tôi xin bảo đảm một ngàn phần trăm là: bao nhiêu trí, bi, kham nhẫn, thiền định, trí tuệ, chánh niệm thảy đều thành tựu nếu ta liên tục sống trong nhận thức rằng đây không phải là tôi, không phải là của ta, không phải của ai hết, không phải của mình ,không phải của người khác, không phải ta cũng không phải của người, không phải bỉ thử mà tất cả chỉ là sự vận hành theo duyên mà thôi. Cái gì vận hành? Đó là 18 giới, nghe!

Liên tục và như vậy, với một người liên tục nhận thức sâu sắc và thường trực như vậy, ý thức rõ bản chất 18 giới trong cái gọi là “tôi”, “ta”, người này người kia đó thì bao nhiêu trí tuệ, từ bi tự nhiên thành tựu. Tự nhiên nó thành tựu! Với một người sống thường trực như vậy, khả năng bao dung tha thứ, yêu thương rất lớn. Khả năng bố thí trì giới, kham nhẫn, thiền định, phục vụ, nghe Pháp, thính Pháp rất lớn. Tất thảy thiện pháp đều thành tựu từ cái nhận thức này mà ra. Làm ơn nhớ dùm cái đó!

Cho nên các vị thấy ở đây không nhắc gì tu hành hết. Chỉ nhắc 18 giới, 6 căn, 6 trần, 6 thức. Có cái gì mà ghê. Tu là tu cái gì? Xin thưa, yên tâm. Thường xuyên sống trong nhận thức này thì người này không có cái gì để ôm ấp. Mà ôm ấp có hai kiểu: Ôm ấp để bất mãn, để ghét sợ. Và cái ôm ấp để nắm níu, chấp thủ. Mà bây giờ khi mình sống sâu sắc, miên mật trong nhận thức thường trực về 18 giới thì ta không có cái gì để ta nắm. Dầu nắm để thương ghét, hờn giận, hay là thương thích không hề có. Buổi đầu chỉ là mức tương đối theo cái phàm trí, phàm tâm, phàm tình. Nhưng lâu ngày cái phàm trí, phàm tâm, phàm tình ấy được hàm dưỡng, được vun bồi. Và từng bước, từng bước chúng ta tiến gần hơn đến Thánh trí. Chỉ cần có sự hỗ trợ đúng lúc của ba la mật. Tức là cái phước tu, phước duyên nhiều đời thì tự nhiên sẽ thành tựu.
Thatu salatti, thiện xảo trong giới là sao? Là ( Kinh Pali 0:11:18), có nghĩa là biết rõ trong 18 giới. Thiện xảo trong 18 giới (…) là nhận thức, hiểu biết, giác tri về 18 giới.

*Tác ý thiện xảo

Thiện xảo trong tác ý là ( một câu Pali) ( 0:11:43) có nghĩa là:

Thứ nhứt là biết rõ toàn bộ sự hiện hữu của bản thân mình và người không có ai hết, không có cái gì là của ta của người. Chỉ là 18 giới.

Thứ hai, thiện xảo trong khả năng tác ý, suy tư là sao? Là nhận thức rõ (…)
0:12:07) tức là tam tướng ( …), tam tướng ngay trong chính 18 giới ấy. Lúc đầu là nhận diện, nhận diện phân tích biết rõ mọi thứ chỉ là 18 giới thôi. Và thiện xảo trong tác ý là nhận thức rõ 18 giới ấy do duyên mà có rồi cũng do duyên mà mất. Đó là tánh VÔ THƯỜNG. Mà hễ cái gì có rồi mất thì là nguồn gốc của bất toại. Đấy được gọi là KHỔ. Và cái khổ ở đây hiểu theo nghĩa phàm tình, hiểu kiểu nghĩa tự điển thì khổ là cảm giác là sai. Khổ ở đây không thuần túy theo cảm giác. Cảm giác khó chịu của thân và tâm nó chỉ là một phần ba của cái khổ trong tam tướng thôi. Bởi vì khổ trong TAM TƯỚNG nó gồm tới 3 lận quí vị. Đó là khổ khổ , hành khổ và hoại khổ.

. Khổ khổ là những sự khó chịu của thân và tâm. Đau đớn, nhức buốt, nóng lạnh, bực bội, nực nội, ngứa ngáy… Đó là khổ thân. Còn khổ tâm là ghen tuông, tức giận, sợ hãi, bất mãn, bức bối… là những cái khổ tâm. Cả khổ thân và khổ tâm được gọi chung là “khổ khổ”.
. Hoại khổ là sự biến mất của những gì làm cho mình dễ chịu.
. Hành khổ: Sự lệ thuộc các duyên mà có cũng là cái khổ. Lấy nhằm thằng chồng vũ phu là khổ khổ. Mà phải thường xuyên xa cách người chồng tuyệt vời là hoại khổ. Mà sự lệ thuộc vào hôn nhân, lệ thuộc vào ông chồng để mà sống, không có ổng sống không được thì sự lệ thuộc này lại cũng là một cái khổ. Mà cái khổ này là khổ gốc.

Chính cái “ông” thứ ba này (hành khổ) là gốc của hai khổ đầu. Bởi khi ông chồng là tất cả, là bóng tùng quân, là chỗ dựa của mình, mình xa ổng không được thì mình phải chấp nhận hai cái khổ đầu tiên. Đó là phải chấp nhận thằng chồng vũ phu, hoặc là phải chấp nhận cái khổ kia là phải rời xa, là sự vắng mặt thường xuyên của người chồng mà mình thương thích.

Vậy thì khổ có 3 là khổ khổ, hoại khổ và hành khổ. Kể cho rõ vậy chớ nếu là bậc thượng trí thì chỉ cần kể cái khổ thứ ba này (hành khổ) là đủ rồi. Chỉ cần nghe nói lệ thuộc các duyên là họ đã nản rồi. Còn bậc trung căn chỉ cần thấy cái hoa héo, thấy một bữa tiệc tàn là họ đã chán đời, đã đi tu rồi. Còn người hạ căn phải bị sốc về thân, tâm, bị sốc về tình cảm, sốc về danh vọng, thất tình lỡ vận công danh thì họ mới bắt đầu chịu chán đời.

Như vậy 3 cái khổ này là mình dựa vào 3 cái căn tánh chúng sanh. Bậc thượng căn người ta chán ngay trong cái tánh lệ thuộc các duyên của các pháp. Cái gì là vô thường dứt khoát cái đó là khổ. Mà cái gì là bất thiện dứt khoát cái đó không đáng để ta tìm thấy trong đó một cái “tôi”. Một đất nước quá tồi tệ thì không đáng để ta đi tìm quốc tịch ở đó. Ta di tản càng sớm càng tốt. Ngu dại gì đút đầu vô xin quốc tịch, xin cư trú ở một nơi kinh hoàng đáng sợ: đói khát, bệnh tật, tham nhũng tồi tệ. Một đất nước như vậy cũng tượng trưng cho tấm thân DANH SẮC này. Cái KHỔ đáng sợ đã đành. Mà ngay cái LẠC nó lại là nền tảng cho cái khổ. Như vậy thì cuộc đời này thực sự là đáng chán!

Tôi nhắc lại lần nữa. Tại sao nói đời là biển khổ? Bởi vì cái nó làm mình rơi lệ, đổ máu là khổ đã đành, mà những cái mình thấy ngọt ngào, an lạc, dễ chịu nó lại là cái nền cho đau khổ. Không có mát mẻ thì làm gì có nóng nực. Không có ấm áp làm gì có lạnh lẽo. Không có êm ái thì làm gì có dằn xóc, đau nhức, tê buốt. Nghĩa là hạnh phúc và đau khổ nó nuôi dưỡng lẫn nhau. Có đau khổ mới có hạnh phúc và có hạnh phúc mới có đau khổ. Có đói có lạnh thì có ăn có mặc nó mới hạnh phúc. Chứ còn mình ở trong một cảnh giới không có đói, lạnh thì cái ấm, cái no nó không nghĩa lý gì hết.

Tôi ví dụ như trên cõi Phạm thiên. Trên đó không có đói không có lạnh. Nên trên đó người ta không cần những nhu cầu vật chất như chúng ta dưới đây. Nhu cầu càng nhiều sự lệ thuộc càng lớn. Mà sự lệ thuộc càng lớn thì đau khổ càng nhiều. Tin tôi đi!

Tôi nhắc lại: Nhu cầu càng lớn sự lệ thuộc cũng càng lớn. Mà lệ thuộc càng lớn thì đau khổ càng lớn. Đời sống càng đơn giản thì lệ thuộc càng ít đi. Mà lệ thuộc càng ít đi thì càng an lạc. Thánh nhân có hai tự tại:

. Thứ nhứt là không có phiền não nên họ không có sự thương, thích, ghét, sợ.
. Thứ hai vì họ không còn phiền não nên nhu cầu của họ cũng giảm đi. Thậm chí biến mất. Bậc Thánh thì còn chút ít nhu cầu còn chút ít lệ thuộc. Còn bậc A la hán thì không. Còn duyên thì sống mà hết duyên thì tịch. Chứ các Ngài không có một tí ti, không có một mảy may nhu cầu gì hết.

Như vậy nhận thức về tam tướng trong 18 giới được gọi là thiện xảo trong tác ý.
( Rồi làm ơn cho tôi xin cái tiếp theo) Cho nên các vị thấy hông, chỉ có hai cái “Giới thiện xảo và tác ý thiện xảo” là mình thấy toàn bộ Pháp tu. Tôi nhấn mạnh TOÀN BỘ PHÁP TU nhe, trong giới thiện xảo và Tác ý thiện xảo đó.

(Rồi, cảm ơn nhiều quá cái nhân vật, cái Giotmua này. Đưa bài là đưa vầy nè, có cả tiếng Việt tiếng Pali chứ còn cái này tôi xin thưa với bà con, cái này chỉ đọc bản tiếng Việt mà Phật tử Việt Nam hiểu được tôi xin chết ngàn lần cho quí vị vừa lòng. Nói theo kiểu Việt là “hiểu được tôi chết liền!!!)

2.PHẠM THIỆN XẢO VÀ XUẤT PHẠM THIỆN XẢO

*Phạm thiện xảo.

Ở trong Chú giải ghi rằng (…) 0:19:33 tức là vị đó biết rõ làm sao, thế nào gọi là phạm tội, và thế nào là cách giải tội. Cái này là nói về giới luật, nghe! Nhưng đừng nghe nói giới luật mà nghĩ nó thu hẹp vấn đề. Không phải! Mà nó là toàn bộ cuộc tu của chúng ta.
Đối với người cư sĩ biết rõ làm như vầy nè có vi phạm giới luật cư sĩ hay không? Không biết rằng tôi ăn như vậy có phạm tam tịnh nhục hay không? Không biết rằng tôi nói vậy có phải là nói dối hay không? Không biết là tôi nói vậy có phải là đâm thọc, nhiều chuyện hay không? Không biết tôi làm như vậy có mang tội hay không? Thì cái đó được gọi là “Phạm thiện xảo”.
Còn đối với hàng xuất gia trong đây có nói rõ (…) 0:20:33, có nghĩa là năm hoặc bảy phần chỉ một, là gồm có 4 bất cộng trụ, 13 tăng tài, 2 bất định, 30 ưng xả, 92 ưng đối trị, 7 pháp diệt tranh. Thì vị tỳ kheo biết rõ điều mình nói, điều mình suy nghĩ, việc mình thực hiện này nè có phạm điều gì hay không.

Tôi kể các vị nghe một câu chuyện nhỏ xíu xìu xiu. Có một vị cư sĩ già, lớn tuổi lắm rồi, hiểu chậm mà nhớ dở, lâu nhớ mà mau quên, đi xuất gia trong thời Thế Tôn còn tại tiền. Thì có đạo tâm thì đi tu vậy thôi chớ còn nhớ thì dở mà hiểu cũng hỏng có nhanh. Vị này thấy tỳ kheo 227 giới, nhiều quá. Tu thì cũng ham nhưng thấy giới nhiều quá cũng ngán sợ, sợ giữ hổng nổi rồi tội, đọa. Vị này mới có ý xin hoàn tục. Thì Đức Thế Tôn nói: “Riêng với ngươi thì ngươi chỉ giữ 3 giới thôi. Người khác thì 227 mà ngươi chỉ giữ có 3 thôi. Có nghĩa là ngươi kiểm soát cái thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp của ngươi thôi. Nghĩa là người ta làm cái gì thì coi cái việc này có phạm cái giới gì trong 227. Còn ngươi, ngươi làm gì chỉ coi coi cái này nó có phải là thân nghiệp bất thiện, khẩu nghiệp bất thiện và ý nghiệp bất thiện hay không?”

Thân nghiệp bất thiện là sao? Thân nghiệp bất thiện là cái việc làm nào nó có tác hại cho mình cho người đời này đời sau; đem lại khổ đau cho mình cho người đời này đời sau. Đó gọi là thân nghiệp bất thiện.

Còn câu nói nào, phát biểu nào của mình mà khiến mình bị hại, người khác bị hại; làm mất lợi lạc cho mình cho người đời này đời sau thì đó được gọi là khẩu nghiệp bất thiện. Muốn nói gì phải kiểm soát cái đó.

Ý nghiệp bất thiện là bất cứ một suy tưởng nào thoáng qua thì ngươi cũng có khả năng nhận thức rõ rằng cái ý tưởng này, suy nghĩ này, tâm tư này nó có tác hại cho mình cho người đời này đời sau hay không.Thường trực và liên tục như vậy; sống trong sự kiểm soát liên tục và thường trực như vậy thì đó chính là cái giới, mình cần giữ ba điều đó thôi.

Thì ở đây thiện xảo trong phạm là vậy đó. Nghĩ là hành giả nói riêng và tất cả người tu Phật nói chung chỉ ghi nhớ điều này. Trong tam nghiệp của mình thường xuyên có kiểm soát. Cư sĩ xem coi mình nói, làm và suy tư như vậy đó nó có đúng với phẩm cách cư sĩ hay không? Còn đối với hàng xuất gia thì kiểm soát xem nói như vậy, làm như vậy nó có vi phạm vào cái gì trong 227 giới tỳ kheo hoặc 105 giới của sa di hay không. Cái đó gọi là tâm thiện xảo là như vậy.

Cho nên mới nghe qua thấy không có gì cao siêu nhưng đây là toàn bộ pháp tu, toàn bộ hành trình giải thoát, toàn bộ con đường dẫn đến chuyện chấm dứt sanh tử nằm gọn trong hai cái này. Tôi hứa với các vị là chỉ hai cái này thôi, hai cái này là tòan bộ Phật pháp. Nghĩa là làm cái gì cũng biết rõ cái này có tác hại cho phẩm cách cư sĩ của mình hay không? Nó có vi phạm phẩm cách phạm hạnh của người xuất gia, của giới phẩm tỳ kheo, sa di của mình hay không? Tôi xin nói với các vị kể tên, nói ra chữ thì nó đơn giản vậy, nhưng thực tế để thực hiện hai điều này, các vị phải cần đến kiến thức giáo lý căn bản, cần đến chánh niệm, cần đến trí tuệ, có đúng vậy không ta?
Và nếu nói rộng nữa thì nó cần đến cái gì? Nó cần đến 37 phẩm trợ đạo: Là Bát chánh đạo, Thất giác chi, Ngũ căn, Ngũ lực, Tứ như ý túc, Tứ chánh cần và Tứ niệm xứ. Kể ra thì gọn hơ, hổng có gì hết trơn, có nhiêu đó thôi, nhe! Tức là biết rõ, biết rõ làm vậy có ảnh hưởng gì đến tam nghiệp của mình hay không. Có ảnh hưởng có tác hại cho phẩm cách cư sĩ, hay phẩm cách xuất gia của mình hay không. Nghe thì nó gọn. Nhưng nó nguyên con số 37 tròn vành vạnh nằm trong đó, không sót, không mẻ một li một gram nào hết, thưa quí vị. Nhớ nhe, quan trọng là chỗ đó!
Cho nên hôm qua tôi có hứa, có bảo đảm với bà con. Tôi nói từng cặp, từng cặp vấn đề ở đây là nó gói gọn trọn vẹn cuộc tu, trọn vẹn tinh thần , lý tưởng phạm hạnh triệt để, chứ không phải giỡn giỡn đâu nghe. Chỉ riêng cái “Phạm thiện xảo” này nè, làm gì cũng biết rõ, cái việc làm này, ngôn ngữ này, tư duy này suy nghĩ này, tâm tư này nó có tác hại, nó có ảnh hưởng tiêu cực gì cho phẩm cách cư sĩ, phẩm cách Phật tử, phẩm cách xuất gia của mình hay không? Đó gọi là phạm thiện xảo. Chữ (…) ( 25:50) đây có chỗ dịch là “tội”, có chỗ dịch là “phạm” , là committing bên tiếng Mỹ đó.
*Xuất phạm thiện xảo là sao?
Chuyện mà mình biết rõ làm như vầy nó có bậy bạ gì không thì đó là phạm thiện xảo. Còn xuất phạm thiện xảo là khi mình biết mình đã có lỗi, mình đã phạm tội thì biết làm cách nào để không có tiếp tục như vậy nữa. Không tiếp tục sống trong tình trạng vi phạm như vậy nữa. Không tiếp tục sống trong tình trạng bất tịnh như vậy nữa. Chứ không phải “đạp phân thì chặt chân”. Trong room có nghe câu này không? Phật pháp không có chuyện đạp phân rồi chặt chân. Giống như ngoài đời có câu “ Trời không có tuyệt lộ”, miễn lòng mình có chí có tâm có tình thì tự nhiên cũng có đường đi. Một vị tỳ kheo phạm đại trọng giới hay một người cư sĩ có phải vào tù ra tội vì một sự vi phạm pháp luật nào đó thì cũng không có hết đường trong đời sống này. Là vì tất cả chúng ta đều là những bệnh nhân, hễ mà trục trặc trong thuốc men, trục trặc trong trị liệu thì hễ chúng ta còn sống thì còn có hy vọng để chọn kiểu khác. Chọn cách kiêng khem. Chọn cách vận dụng thuốc men. Chứ không phải uống lộn thuốc rồi đem chôn. Không phải sốc thuốc rồi đem chôn. Không hẳn. bác sĩ nói còn cứu được là còn cứu, phải cứu. Còn nước còn tát.

Cho nên cái thứ nhứt là biết rõ mình làm cái này, nói cái này, nghĩ cái này có ảnh hưởng tiêu cực đến giới phẩm, phẩm cách của hàng cư sĩ, của hàng xuất gia hay không. Đó là bước một.

Bước hai: lỡ rồi, dĩ lỡ rồi, thì phải làm sao? Đạp phân rồi không phải chặt chân. Mà có nhiều cách. Nếu nó chưa bị hoại tử cái chân thì mình băng bó, thuốc men, còn ràng rịt được. Cho nên bước một làm không xong thì còn có bước hai. Có nghĩa bước một không kiểm soát được tam nghiệp mà để xảy ra sự cố thì còn bước hai là khắc phục sự cố.

Vậy hai cái Phạm thiện xảo và Xuất phạm thiện xảo bà con ghi nhớ dùm tôi. Người tu cần hai chuyện :

Một là đề phòng sự cố.- Apattikusalata (khả năng đề phòng sự cố).

Hai là khả năng khắc phục sự cố – Apattivutthanakusalata.

Nếu một người có tâm có ý thì thấy cả hai cái chuyện này thôi là đủ cho 84.000 pháp môn hay không? Mà nghi ngờ tôi thì lên núi Dinh mà hỏi. Hỏi coi ổng nói như vậy có đúng không. Là chỉ hai cái “ đề phòng sự cố và khắc phục sự cố” coi có đúng là 84.000 pháp môn hay không? Bởi vì 84.000 chỉ nói có hai chuyện thôi. Chuyện nên làm và chuyện không nên làm. Mà chuyện nên làm là gì? Đó là đề phòng và khắc phục. Còn chuyện không nên làm là gì? Không nên làm là những chuyện gì mà để mình phải mất công khắc phục. Xin bà con ghi dùm:
“Toàn bộ Phật pháp chỉ có nội dung nhắm đến hai điều đó là chuyện nên làm và chuyện không nên làm. Đề phòng và khắc phục chuyện xấu là chuyện nên làm. Còn chuyện không nên làm là những chuyện mà cần đến sự đề phòng, cần đến sự khắc phục.”
Làm ơn cho xin bài tiếp theo. Rồi, được như vầy quá sung sướng rồi. Rồi, tôi xin nhắc bà con , mai mốt khi tôi giảng thì bà con cho tôi cái Chánh tạng và Chú giải thì nó quá hay. Thậm chí tôi còn có tham vọng là tôi mong trong room này có nhiều những vị Mạnh thường Quân ( là những vị Bồ tát thời Mạt Pháp), nhục thân Bồ tát trong room này, làm ơn nếu các vị có phát đại Bồ đề tâm, thực hiện Bồ tát đạo, có lòng đại bi cưu mang vạn hữu tình, nhất thiết chúng sanh; mà bữa nào bí quá mà giàu quá hỏng biết làm cái gì, bà con đem in lại bộ Đại Tạng theo kiểu này, tức là một đoạn tiếng Việt, rồi một đoạn Chánh Tạng và Chú giải Pali, không cần dịch. Còn nếu mà các vị kiếm ở đâu bản dịch quí vị add vô đó là công đức bằng Trời, nghe! Còn nếu không công đức bằng biển cũng đã lớn lắm rồi. In lại bộ Đại tạng mà tôi rầu cái chỗ Việt Nam mình in biết bao nhiêu đại Tạng mà chưa hề thấy có bộ Đại Tạng nào in kiểu này. Đây! Có nghĩa là đoạn tiếng Việt của ngài Minh Châu. Tiếp theo là đoạn Chánh Tạng bằng Pali và cái đoạn thứ ba là bỏ vô Chú giải Pali của mỗi đoạn Kinh thì tôi xin hứa nhe công đức này giống như thí chủ tài trợ một cuộc kiết tập Tam Tạng, không thua không kém.

(Xin lỗi nói thiệt, bản thân chúng tôi bản song ngữ Pali- Việt mà cũng không xài được vì chúng tôi cần chú giải đi kèm cho mỗi đoạn. Cái đó mới quí. Cho nên nếu trong room này bản thân ai làm không được thì đi rủ rê, tuyên truyền cổ động, phát động thì làm sao làm được cái bộ này thì phước báo tương đương việc mình tài trợ cho cuộc kiết tập Tam Tạng lần thứ 7. Lần thứ 6 đã xong rồi, nhe!)
Phần tiếp theo:

3. NGƯỜI NGU VÀ NGƯỜI THIẾU TRÍ

*. Người ngu và người thiếu trí gồm có hai biểu tướng: một là mang gánh nặng chưa đến. Thứ hai là không mang gánh nặng đã đến. Trong đây Ngài cho chứng minh. Khổ một chỗ là chứng minh này mang tiếng chú giải mà nếu không biết chỗ khác, chỉ đọc chỗ này không thì rối lắm. Ở đây Ngài ví dụ (… …) 0:37:18, có nghĩa là “ Mỗi tháng chư tỳ kheo có một kỳ bố tát. Bố tát đây là kỳ sám hối. Sám hối những lỗi nào mình đã vi phạm trong giới luật. Mỗi tháng ngày rằm, ba mươi các tỳ kheo trong một trú xứ, chùa nào lo chùa đó, vị nào ở một mình thì một là vị đó tự sám hối, hai là vị đó phải đến chỗ có tỳ kheo khác làm cái lễ là (…). Thì hễ một mình hoặc có hai vị , ba vị thì đơn giản, nhưng nếu có 4 vị trở lên thì hơi mệt. Mệt ở chỗ phải tụng, lạy 227 giới, rồi mới hỏi xem trong chư tăng thấy mình OK trong 227 giới này không. Vị nào thấy mình trục trặc cái nào thì phải sám hối cái đó.

Trước khi thực hiện buổi tụng giới như vậy thì trong chư tăng có một vị chịu trách nhiệm làm các việc sau đây: (…) quét dọn, (…) thắp đèn, (…) là chuẩn bị nước uống cho chư tăng, (…) là chỗ ngồi, (…) báo rõ cho chư tăng biết có vị nào không đến đây được nhưng có gởi lời (…) nhứt trí . Trong luật có cho chuyện đó. Thí dụ hôm nay tỳ kheo A, B, C, F bị bịnh không tới được, ổng sẽ nhờ vị nào lên họp chúng được, là “sư lên tụng giới sư trình với chư tăng là chư tăng làm cái gì thì tôi hoàn toàn nhất trí tán đồng, đồng thuận”. Thì cái gởi lời này là gởi cái (…) 0:39:25. Còn (…) là báo cho biết là mình thanh tịnh mình không có bị gì hết. Còn (…) là sao? Là mỗi kỳ tụng giới thì phải báo. Trong cuộc vấn đáp giữa hai vị tụng giới thì báo là “Hôm nay là ngày nào tháng nào, nhằm mùa mưa hay mùa nóng. Thì đó là nghi thức phải làm vậy. Xong xuôi những việc đó gọi là những việc cần phải làm.

Thì ở đây khi giảng về biểu tướng của người ngu thì Ngài mới ví dụ những chuyện cần làm trong kỳ tụng giới. Nếu lấy hai cái này ráp lại thì đoạn Kinh này nghe rất là lạ. Bây giờ tôi mượn đoạn này mà giảng bằng cái chỗ khác.

Thế nào là biểu tướng của người ngu?

Biểu hiện của người thiếu trí là từ chối không làm cái chuyện cần làm mà lại thích đẻ chuyện, thích sanh sự làm những chuyện không cần thiết. (…),tức là cưu mang, (…) là gánh mang, xách mang, gánh, mang hay là xách. (…) là cưu mang, gánh nặng. (0:40:57). Chữ này còn có nghĩa là chịu trách nhiệm.

Người không có trí là chuyện cần làm thì không làm mà nghĩ những chuyện chưa có tới. Các vị có thấy bản tiếng Việt có câu:” Mang gánh nặng chưa đến mà không chịu mang gánh nặng đã đến”. Đó là dịch theo sát bản dịch Pali của ngài Minh Châu. Nhưng nếu là tôi thì tôi dịch thế này: (…) chuyện chưa cần lại lo, mà (…) là chuyện cần phải lo thì làm lơ. Thì đó là biểu tượng của người ngu.

Nếu dịch như vậy, kết hợp cả chú giải, kết hợp cả Kinh khác thì đoạn này phải hiểu thế này: người không có trí là gì? Chuyện cần phải làm thì không làm mà lại nghĩ đến chuyện trên trời dưới biển. Mình cần học giáo lý thì không học. Cần tu tập thiền chỉ thiền quán thì lại không. Cần trau dồi công đức bố thí, trì giới thì lại không mà toàn nghĩ chuyện cao xa như Niết Bàn là sao ta? Hoặc đi đâu nghe ba chớp ba nháng giảng Kinh này Kinh kia về. Giáo lý căn bản thì không chịu học, mà lâu lâu nổi hứng lên ngồi tịnh cư làm sao. Đó, những chuyện xa vời…Thí dụ sáng nay có Phật tử trên xe hỏi ba cái chuyện, mà tôi nói “Cô ơi, tôi thấy hình như cô cũng hiếu học đó, thôi thì cô chịu khó học căn bản một chút đi. Tôi sẽ thu xếp. Sắp tới có mây người nữa nè nhe. Tôi dồn dồn lợi làm một lớp. Chứ còn mấy ngày nay tôi thấy cô toàn hỏi ba chớp ba nhoáng không đầu không đuôi gì hết. Tại vì bả làm nghề nail, thí dụ như tôi hứng lên tôi muốn học nghề nail mà không học căn bản, hứng lên gặp ngoài đường tôi hỏi làm bột là làm sao, giũa móng là làm sao, ngâm chưn là làm sao, rồi foot massage là làm sao. Tôi muốn lắm, muốn làm thợ nail mà hỏng học tới nơi tới chốn. Lâu lâu gặp cô ngoài đường tui hỏi câu vậy cô coi có chịu nổi tui hông?”

Ở đây cũng vậy, cái chuyện cần không làm mà nghĩ toàn chuyện trên mây không. Không học giáo lý căn bản mà hỏi hỏi cả đời cũng không đi về đâu hết. Tôi nhớ hồi xưa có vị Hòa thượng nói thế này: “ Nhắm dốt quá học 8 chữ thôi, cộng trừ nhân chia, học ăn học nói, học gói, học mở”. Chỉ có 8 chữ này mà làm không xong đừng hòng làm chuyện gì khác trên đời!
Cho nên học ăn học nói học gói học mở là phép đối nhân xử thế sống trong xã hội, trong quan hệ loài người với nhau. Còn trong chuyên môn thì làm ơn nhớ dùm cộng trừ nhân chia đi về đếm gà đếm trứng, biết làm cái cầu tiêu bao nhiêu viên gạch vậy là đã mừng lắm rồi.

*. Còn cái thiện của người trí là gì?
Chuyện cần làm thì làm mà chuyện chưa cần thiết phải bận tâm thì họ gác nó qua một bên. Chuyện chưa cần thiết, chưa đến lúc thì để nó qua một bên. Trong room cần nhớ cái này: chuyện ta cần làm có hơn một tỉ, chuyện ta cần biết có hơn một tỉ. Chỉ riêng cái “cần” thôi là hết hai tỉ rồi. Bây giờ các vị sống được bao lâu? Từ nhỏ tới 18 tuổi nửa người nửa thú đầu óc chưa trưởng thành. Ngay cả ngoài đời trách nhiệm pháp lý cũng từ 18 tuổi trở lên, mất hết 18 năm đầu. Rồi phần còn lại các nhà khoa học tính toán, chúng ta mất 1/3 cuộc đời để ngủ. Vậy trừ thời gian ngủ, trừ thời gian ngu (là 18 năm đầu) thì mình còn lại bao nhiêu, kính thưa quí vị? Còn lại bao nhiêu, trong khi chúng ta có tới một tỉ cái để biết một tỉ chuyện để làm. Một tỉ chuyện để nói, một tỉ chuyện để suy tư? Các vị tưởng tượng đi, mình có thời gian cho những cái không cần thiết hay không? Mà chỉ chừng đó thôi mà không biết thì có phải là “người ngu” hay không? Có phải Kinh nói quá lời hay không?
Cho nên chỉ một đoạn Kinh ngắn ngủi này thôi, biểu tướng của người ngu gồm có hai: Là chuyện cần thì không làm mà bận tâm chuyện không cần thiết. Rồi biểu tướng của người trí có hai: chuyện cần làm thì dốc sức, dốc lòng thực hiện. Chuyện chưa tới lúc cần thiết thì coi như làm lơ không để ý tới. Tôi e rằng chỉ hai đoạn này cũng đủ gom tám muôn bốn ngàn pháp môn rồi. Kính thưa quí vị, nghe! Bởi vì cả ba Tạng nội dung chỉ là có hai điều thôi là nên làm và không nên làm. Mà hai đoạn Kinh này có phải cái nội dung đó không? Tôi e là phải. Tôi ngờ là phải. Tôi nghi là phải và tôi nghĩ là phải. Con số 84.000 vành vạnh, sừng sững ở đó rồi, nghe!

Có nghĩa là chúng ta có quá nhiều chuyện để làm, để suy tư nên chúng ta tuyệt đối không hề có tí ti thời gian nào để chúng ta phí hết. Chúng ta nên nhớ cái này sức khỏe mất đi đôi khi còn tìm lại được. Đôi khi nhe (maybe), tiền bạc thì còn có thể, khả năng có nhiều thứ lắm nhưng cái khoảng thời gian mà mất đi, đã mất đi thì không bao giờ tìm lại được. Cho nên chúng ta đọc câu thần chú này ( câu này linh tương đương câu niệm Phật):” Giây phút nào cũng là đầu tiên và cuối cùng”. Câu này không nhắc đến Tam Bảo, đến Pháp tu, không nhắc cái gì cao siêu mầu nhiệm khó hiểu, trừu tượng hết. Nhưng nó là toàn bộ tám muôn bốn ngàn pháp môn. Cứ nhớ lấy! “ Giây phút nào cũng là đầu tiên và cuối cùng”. Cái chữ “tinh khôi” đó. Thì lúc nào và cái gì xuất hiện trong đời ta cũng là tinh khôi. Có nghĩa là lần đầu tiên nó có mặt và cũng là cái cuối cùng tối hậu. Tinh khôi và tối hậu. Giây phút nào cũng là tinh khôi và tối hậu. Tinh khôi là lần đầu xuất hiện. Tối hậu là sau lần này không còn cái khác nữa. Cái thời gian, cái một phút một giây này quan trọng lắm quí vị. Bây giờ các vị có tìm lại phút giây nào đó mà nó giống giống , từa tựa, nó mang máng cái cũ thì cũng không phải. Nó chỉ là giống chớ không phải là “cái kia”.

Tứ niệm xứ là gì? Tứ niệm xứ là sống trọn vẹn nhứt không bỏ sót qua mảnh đời nào hết, một mảnh một miếng nào hết. Người không biết Phật pháp cứ nghĩ dịp này là dịp làm phước, dịp kia là dịp làm phước. Nhưng trong pháp môn Tứ niệm xứ ta đi cầu cũng là công đức, nếu ta đi vệ sinh ( tôi nói hơi mất vệ sinh) tôi ngồi trên bồn đó mà bằng chánh niệm. Ta rửa ráy, khạc nhổ bằng chánh niệm. Bước chân bằng chánh niệm. Cầm lên để xuống bằng chánh niệm. Vuốt tóc xoa đầu bằng chánh niệm. Phút giây nào cũng là công đức kính thưa quí vị!
Có nghi ngờ tôi nói sai thì quí vị đi kiếm vị nào mà quí vị thờ đó hỏi coi có đúng vậy không? Hỏi dùm tôi 2 câu: Một là thưa sư phụ chánh niệm có phải là công đức không, có phải là thiện pháp không? Hỏi trước câu đó, rồi câu thứ hai. Thưa sư phụ con nghe có một người nói rằng sống chánh niệm tức là đang vun bồi công đức điều ấy có đúng không? Và con nghe rằng hình như chánh niệm là con đường tu tập Tứ niệm xứ có đúng không?

Nếu nói như vậy thì có nghĩa là ta xỉa răng, ta gở ghèn, ta rửa mặt, đánh răng, tiểu tiện, ăn uống nhai nuốt, giở bước đạp, cầm lên để xuống, gãi, xo , vuốt , sờ, chạm…tất thảy những động tác có tên và vô danh khi ta thực hiện bằng chánh niệm đều là công đức hết. Nói như vậy có nghĩa rằng người này là người tận tuyệt hết mình không bỏ sót một phút giây nào hết. Và toàn bộ cuộc đời chúng ta (tôi biết tôi nói cái này trong room nhiều người sốc bởi vì họ không bao giờ tưởng tượng được chuyện này): Toàn bộ cuộc đời chúng ta chỉ là từng phút hiện tại. Còn ai đó nói cuộc đời là 70 năm là người đó không biết Phật pháp. Không có hành trì Phật pháp.

Các vị nghĩ kỹ lại coi. Tôi nhắc lại lần nữa: Cuộc đời chúng ta có phải chỉ là từng phút hiện tại hay không? Cái phút hồi nãy kể làm chi, nó qua rồi! Bởi vì toàn bộ cuộc sống mình mấy chục năm thì mặc xác nó. Thật ra nó chỉ là “tại đây và bây giờ”. Ngay bây giờ mà anh không có vui thì lúc nào anh vui? Làm sao anh vui dùm ngày mai được? Làm sao anh vui cái ngày hôm qua được, nếu ngay bây giờ, ngay đây và tại đây anh không vui thì anh chỉ còn lại cái ngày hôm qua nó đã qua. Còn ngày mai nó chưa tới thì nói dùm tôi anh vui lúc nào? Cái đó là hưởng thượng đó. Còn tạo nhân lành thì nếu ngay bây giờ không tạo nhân lành thì hỏng lẽ hôm qua tạo hay ngày mai tạo? Nếu ngay bây giờ không tạo thì ngày mai chúng ta sẽ có một quá khứ bất thiện. Tôi nhắc lại lần nữa. Làm ơn ghi câu này dùm tôi:

“Nếu hôm nay ta không vui, nếu phút giây này ta không vui thì khi thời gian qua đi ta sẽ có một quá khứ buồn. Nếu ngay bây giờ ta không tu thì ta sẽ có một quá khứ bất thiện”.

Nãy giờ tôi cho các vị những câu bùa không:

Câu thứ nhứt. Cuộc đời này nó chỉ là từng phút hiện tại. Bậc thượng trí ghi câu này hiểu rồi. Còn mình là bậc hạ mình ghi 2 câu sau.

Thứ hai. Nếu ngay bây giờ không vui thì ta sẽ có một quá khứ u sầu.
Thứ ba. Nếu ngay bây giờ ta không sống thiện thì ta sẽ có một quá khứ bất thiện.
Nãy giờ tôi nói vậy để tô đậm cái ý nghĩa thời gian trong cái khái niệm tu hành của người Phật tử.
Giờ mình quay lại cái biểu tướng của người ngu. Biểu tướng của người tri là luôn luôn ý thức được ý nghĩa thực sự, bản chất thực sự của thời gian là gì? Cái chuyện cần thiết phải làm ngay bây giờ. Nếu ngay bây giờ ta không làm cái chuyện cần thiết thì ta sẽ có một quá khứ tắc trách, một quá khứ sống vô trách nhiệm. Và nếu ngay bây giờ chúng ta sống bất thiện, sống u buồn thì coi như (bây giờ là ngày mai của hôm qua), coi như là ngày hôm qua ta có một ngày mai không ra gì. Nếu hôm nay ta sống bất thiện thì ngày mai ta có ngày hôm qua không ra gì!
Có nghĩa là chính ngay giây phút hiện tại chúng ta đang xây dựng lại toàn bộ tam thế sanh tử (ba đời sanh tử). Câu thần chú nữa:

Trong từng giây phút hiện tại ta đang xây dựng lại ba đời sanh tử: quá khứ hiện tại, vị lai.

Nếu bây giờ ta không thiện thì coi như hôm qua ta có một ngày mai u ám. Nếu bây giờ ta không sống thiện thì ngày mai ta sẽ có một quá khứ không ra gì.

Tây có một câu rất hay:”Tương lai thật ra đã len vào quá khứ của ta từ rất lâu rồi”. Nghe rất kỳ. Tương lai là cái chưa đến mà tại sao đã len vào quá khứ từ lâu là sao? Giờ tôi nói cho nghe. Cách đây 10 năm tôi uống rượu liên tục, tôi chích hút liên tục. Như vậy 10 năm trước có phải là quá khứ không? Ngày mai tôi đi bác sĩ. Bác sĩ nói tôi bị gan bị phổi tan nát rồi. Thì cái gan cái phổi tan nát của “ngày mai” này nè có phải được tôi xây dựng từ 10 năm trước hay không, kính thưa quí vị rất mực dấu yêu? Cái nát bét, banh chành của cái gan lá phổi từ đâu nó ra. Dạ thưa nó đã được làm từ 10 năm trước rồi. Cho nên mới có câu “Tương lai thật ra đã len vào quá khứ của ta từ lâu lắm rồi”. Và câu này chỉ có thể được hiểu rốt ráo triệt để bằng đời sống chánh niệm ngay trong hiện tại này. Nếu ngay bây giờ quí vị không sống hết mình, không sống tận tuyệt triệt để với giây phút tại đây và bây giờ thì coi như quí vị đã và đang xây dựng một tam thế sanh tử cực kỳ u ám. Hôm nay tại đây và bây giờ sống không biết vui thì coi như ngày hôm qua chúng ta có một tương lai buồn. Và ngày mai chúng ta sẽ có một hôm qua u buồn. Cho nên từng phút giây hiện tại ta xây dựng cả ba đời sanh tử, chớ không phải giỡn. Bởi vì quá khứ và vị lai vốn dĩ nó được nhắc đến là dựa vào cái phút giây này đây.

Chúng tôi vừa giảng xong biểu tướng của người ngu và người trí.

Rồi tới cái số 5 này mới là hay. Tới đây là bà con phải cảm ơn chính mình chớ không cảm ơn ai hết. Cảm ơn chính mình là mình đã nghe, đã hiểu những đoạn trên đây, những đoạn vừa giảng. Nhờ những đoạn quí vị vừa nghe vừa hiểu xong đó thì các vị lướt cái này mới thấy quá sung sướng, cực kỳ sung sướng. Vì đã nghe rồi, đã hiểu, đã nắm mấy đoạn trên kia rồi thì xuống dây thấy đoạn số 5 này nó sáng trưng. Sáng trưng là sao?

“Này các tỳ kheo có hai kiểu người ngu. Thế nào là kiểu một? Là tưởng là phạm tội với việc không phạm tội. Và tưởng là không phạm tội với việc có tội.”. Là sao? Người không có trí làm bậy cứ tưởng là đúng, mà trước việc đúng lại tưởng nó là bậy. Các vị nghe kịp không? Tức là chuyện phạm tội với không phạm tội họ không có biết. Cái chữ “phạm tội “ nghe hơi chật phải không? Nó hơi dính líu tới luật. Bây giờ mình nói rộng ra đi.

Trong giới luật đời sống tỳ kheo rất đơn giản, Toàn bộ vật chất tỳ kheo nguyên thủy một tấm vải lọc nước, kim chỉ, dao cạo tóc với cái dây lưng gom lại quá 5 kí lô. Chính vì gọn vậy nên vị tỳ kheo rất dễ dàng kiểm soát đời sống của mình. Mình ăn rồi mình chỉ có việc cạo tóc nè, rồi vấn đề đi đứng sinh hoạt rất đơn giản. Đúng giờ thì vào làng khất thực (… …) (1:02:05). Sau khất thực vị tỳ kheo phải nhớ là không nên đi sớm về trễ trong khu vực dân cư. Và có những đối tượng mà vị tỳ kheo phải tránh không có tiếp xúc. Có những nơi chốn mà tỳ kheo tránh không lui tới lai vãng. Có nghĩa ngoài 227 giới ra vị tỳ kheo nhớ rất rõ có những nơi chốn những đối tượng mình không nên lai vãng, và giờ giấc sinh hoạt cũng phải luôn ở trong tầm kểm soát. Không đi sớm về trễ, sớm khi nắng chưa lên, trễ khi mặt trời đã tắt từ lâu. Đó là với người xuất gia, còn với cư sĩ thì cũng như vậy mà hiểu. Nghĩa là mình có 5 giới, bát giới, thập giới thì cũng phải biết rõ chuyện gì nên làm và chuyện gì không nên làm.

Còn với người không có trí thì sao? Họ không phân biệt được cái này. Họ không phân biệt được chuyện gì nên làm và không nên làm. Thì trong chánh Kinh đó nói về “phạm tội và không phạm tội”. Nhưng để bà con sáng ra chúng tôi chuyển qua chữ “nên làm và không nên làm”.
Có nghĩa là chuyện gì nên làm cũng hỏng biết. Mà chuyện không nên làm cũng không biết. Chẳng hạn như lúc đó nước đã sôi cần luộc rau thì lại nghĩ qua chuyện khác để cho nồi nước sôi nó sôi không như vậy đó. Tôi đang thí dụ chuyện dưới bếp thôi. Một bà nội trợ xuống bếp mà không biết cái gì trước cái gì sau, cái gì nên làm lúc này và cái gì không nên làm lúc này thì các vị nghĩ coi có phải nổi điên không? Chỉ chuyện nội trợ thôi đó, khoan chưa nói tới chuyện hàm dưỡng tâm linh tinh thần, tu hành giải thoát, chấm dứt sanh tử, cắt đứt phiền não, mệt lắm.

Chỉ nói một chuyện nhỏ xíu xìu xiu trong bếp thôi.

Tôi nhớ hoài một bà cụ Phật tử. Có lần tình cờ bả rước tôi về nhà, nhà neo đơn chỉ có bả với ông chồng già thôi. Chuyện nhỏ xíu nhưng tôi minh họa cho bà con nhe. Về nhà bả cứ xoa xoa “ chà không biết nấu gì trước đây”. Miệng nói như vậy nhưng tôi thấy tay của bả bắc nồi nước sôi lên trước. Thì bả nói với tôi “Con chưa biết làm gì nhưng con xuống bếp trong những tình huống như thế này chuyện đầu tiên con bắc nồi nước sôi. Sư biết để làm gì không?” . Tôi nói thiệt tôi cũng là kẻ ngoại đạo trong nhà bếp mà quí vị. Tôi cũng hơi ngạc nhiên mà không dám hỏi. Tại sao cô nói cô không biết làm gì mà cô bắc nồi nước sôi lên cô làm gì. Cổ mới nói “ Dạ, tất cả thức ăn đều có thể từ cái nồi nước sôi. Bây giờ sư muốn nấu cơm sư xin một miếng nước sôi bỏ vô nồi. Sư xào phải không? Sư lấy nước sôi trụng vô rồi xào. Sư muốn nấu canh thì đó nồi nước sôi. Ngay cả kho, sư muốn làm chín nhanh lấy nước sôi ra kho. Chỉ trừ ra món nướng thôi thì tất thảy đều cần nước sôi “. Tôi mê cái bà già cho đến bây giờ vì kinh nghiệm rất mực vàng son của bả, đẹp mà sang nữa!

Còn có nhiều người tình cờ tôi liếc ngang mà thấy rụng rời. Loay hoay loay hoay bày ra cho một đống cả buổi, mà bụng đói như cơm sôi mà nồi cơm vẫn không chịu sôi!

Cho nên ở đây kẻ thiếu trí là gì? Là người không có biết chuyện gì nên và chuyện gì không nên. Vì vậy tôi mới khiêng cái chuyện nhà bếp nhỏ xíu thôi vô cái pháp hội này nói là vậy.

Chuyện tu hành cũng y chang vậy quí vị. Thời gian mình không có nhiều. Sức khỏe mình không nhiều. Cái khả năng minh mẫn, nhanh nhạy của trí óc cũng không có lâu lắm đâu quí vị nhe. Các nhà khoa học cho biết từ sau năm 30 tuổi thì neron mình nó héo úa tàn phai dần dần, nó không có thêm nữa. Nếu khi luống tuổi, luống đây khó nói, có người 50 là luống. Có người 40 nó đã luống rồi. Có người 60 mới bắt đầu nó luống. Luống tuổi là nó nhớ khó mà dễ quên nhe. Người ta có nghiên cứu những cụ ông cụ bà nào về luống tuổi mà đam mê trong âm nhạc, ngoại ngữ, trí óc thường xuyên làm việc mà nó có một chút vận động đó. Ngoại ngữ nếu mà nó có văn phạm chặt chẽ, hoặc học cái gì cho cái đầu làm việc liên tục thì khả năng trí óc lão hóa chậm hơn người ta. Thậm chí có thể ngăn chặn được nữa.

Cho nên tôi nói lại, sức khỏe mình không nhiều, khả năng đầu óc không nhiều, khả năng tài chánh cũng không có chắc. Đừng nói là quí vị có 8 triệu trong nhà băng là các vị OK nhe. Tui nói các vị nghe một chuyện. Có điều trùng hợp là từ ngày 20 tết âm lịch vừa qua sắp hết năm 17 đầu năm 18 tui có bốn năm người quen bị mất hàng trăm ngàn dollar. Quí vị nghe động trời không? Một người mất 300.000 do chơi bitcoin. Một người bên Mỹ này bị bạn lừa cũng mấy trăm ngàn. Tui nghe họ mà tui chỉ biết an ủi một câu thôi: Thôi bây giờ Phật pháp thì quí vị biết rồi tui đâu có khuyên gì được. Tui chỉ nói 2 câu được không? Cái họ nói con kể sư nghe là để nghe sư nói. Thì tôinói thế này, tui cũng nhắc lại bài học cũ xì thôi. Là ít nhứt quí vị cũng may mắn hơn nhiều người là quí vị còn có cái để mất. Chứ tui đây cả đời làm gì có tiền để mất. Như vậy quí vị cũng có phước làm chủ được một thời gian đúng không, Nhưng chỉ có cái xui là khi cái phước đó hết thì quí vị lại khổ. Còn tui tui không có đủ cái phước làm chủ tài sản lớn nên tui không có cái khổ lớn như quí vị. Nó khác nhau chút đó. Nhưng quí vị phải nhớ rằng quí vị đã có phước một thời gian dài mới có cái tiền để mất chứ. Yeah. Giống như mình thất tình là vì mình đã có một mối tình lớn mới thất chứ còn cô gái bán dạo bên đường hôi phèn khét nắng, liếc nhau bên đường thì có gì đâu gọi là thất tình. Kẻ thất tình ít ra cũng còn may mắn là trái tim nó còn work, còn làm việc. Chớ còn tui thì quá từ lâu rồi tui còn nghi ngờ cái giới tính của tui nữa, nghe. Cho nên tui mới nói ít ra quí vị cũng còn có phước, cũng còn có cái để mất. Đó là chuyện thứ nhứt. Chuyện thứ hai. Quí vị nhớ lại đi trước khi quí vị có số tiền đó có phải quí vị tay trắng không. Thì bây giờ coi như mình trở về đơn vị gốc thôi.

Đặc biệt bữa đó tui không hề nói quán vô thường vô ngã gì hết. Tui chỉ nói 2 chuyện đó.Luân hồi là gì? Luân hồi là trở về đơn vị gốc. (…) là gì? Là trở về đơn vị gốc, là quay lui, tái hiện, tao ngộ, tái ngộ. Còn (…) là gì, (…) là vòng tròn 1:10:46. Có nghĩa luân hồi là cứ quay lại, quay lại trong cái vòng tròn khép kín ấy. Cứ là nhân, thiên, siêu, đọa. Nhân, thiên, siêu, đọa. Siêu, đọa, nhân, thiên. Nó cứ lòng vòng, lòng vòng! Như vậy kẻ nào có mặt trong cõi tử sinh trường mộng này mà lại quên đi ý nghĩa căn bản đó là coi như khổ dài dài. Vì sao? Vì sinh tử nó chính là sự liên tục trở về với đơn vị gốc. Cứ sanh ra rồi chết. Chết rồi tiếp tục sanh. Có rồi mất mất rồi có. Như vậy nếu có người hỏi tôi luân hồi là gì. Tôi sẽ xin thưa khẽ khàng cực kỳ lễ phép. Rằng thì là luân hồi chính là hành trình trở về đơn vị gốc. Không ngờ tôi nói vậy mà ổng vui, không ngờ tôi giỡn vậy mà cứu được người. Bữa đó tôi chỉ hy vọng thôi. Không ngờ nhờ vậy mà ổng không lên máu, nhờ vậy tôi không nghe tin buồn của ổng nữa.

Bữa nay tôi có việc nha. Tôi phải ngưng ở đây rồi. Bữa nay thứ ba, xin hẹn bà con thứ tư. Dạ xin thưa với bà con một việc. Có nhiều người chấp dữ lắm. Họ nói là tại Sư hứa giảng hai tiếng, mà Sư giảng vậy là ăn gian. Xin bà con cho tôi nói thiệt, mình tu nói thiệt đừng giận nhe: Nghe đủ cái điều cần nghe thì mấy phút cũng là nghe. Còn câu thứ hai mà thôi tôi dấu lại.
OK. Chúc quí vị một ngày vui, một đêm an lạc! Ngày mai gặp.

* Các bài Sư Toại Khanh (Tỳ Kheo Giác Nguyên) giảng qua Paltalk năm 2019. Nguồn Vietheravada

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app