Kinh Tăng Chi số 040

Bài Giảng Sư Toại Khanh Paltalk 2019

Kinh Hy Vọng  (Ba hạng người)

Sống trong đời này dầu cho một người có tàn khuyết tật nguyền, nghèo khó cách mấy, chỉ cần còn có cái ý muốn sống, còn có cái lòng sợ chết, thì bất cứ ai cũng có những cái giấc mơ, cũng có cái niềm mơ ước. Tùy theo cái hoàn cảnh, điều kiện của mỗi người mà chúng ta có những cái mơ ước nhiều ít, cao thấp khác nhau, có người thì chỉ mơ được gọi là ăn no mặc ấm thôi, có người thì mơ được cái ăn ngon, mặc đẹp, có người thì mơ có được cái ảnh hưởng đến quần chúng như là tiếng tăm hay là quyền lực; rồi còn về tinh thần có những người mơ mình được sở hữu một cái khả năng, một cái sở chứng, một cái sở đắc gì đó. 

Tất thảy chúng sanh trong đời, hôm trước chúng tôi có giảng bài Kinh Hy Cầu, hy cầu ở trong tiếng Pali gọi là āsā, tương đương trong Chú Giải gọi là taṇhā, có nghĩa là chúng sanh trong đời có hai cái thứ tham ái không có rời được, chặt không đứt, bứt không rời, đó là mơ mình được cái gì đó, và thứ hai là mơ được sống, dầu đó là con trùn, con dế, nghêu sò ốc hến, những cái con ong cái kiến bé nhỏ, câm nín không tiếng nói, không âm thanh, thì nó cũng mong được sống, bằng chứng là khi mà nó đối diện trước một mối nguy cơ mất mạng, là con nào nó cũng có những phản ứng ít nhiều, dễ thấy hay là khó thấy thôi. 

Nói vậy có nghĩa là chúng sanh trong đời này hễ mà còn có tham ái, còn có cái lòng cầu sinh, chữ sinh này là sống, có cái lòng yếm tử nghĩa là sợ chết, thì ai cũng phải có những cái giấc mơ, những cái ước mơ, mong mình được cái này, mong mình được cái kia. Thì trong bài Kinh mà chúng ta đang học đây, trong này có dạy ba cái hạng người trên đời này:

1. hạng thứ nhất là khó bề mà hy vọng,

2. hạng thứ hai là còn có hy vọng,

3. và hạng thứ ba là không thèm hy vọng.

Nếu mà chỉ liếc qua thôi thì mình thấy không có gì đặc biệt, nhưng mà nếu mà mình kết hợp với bài Kinh Hy Cầu thì cái bài Kinh này rất là sâu, ở chỗ là Ngài phơi bày, vạch rõ cái bản chất sinh tử, cái bản chất của cái gọi là tập khí đã làm nên thế giới này. Tất cả chúng ta trong vòng luân hồi là những cái cội cây trong cái khu rừng, tái sinh, cây thì phải có nhựa sống, ước mơ, mong mỏi, trông đợi, mong chờ, thì đó là những cái nhựa sống. Nhờ có nó mà một bà mẹ quê, quằn vai, khòm lưng buôn gánh bán bưng, tảo tần một nắng hai sương, mà vẫn có đủ sức sống, và có đủ sinh lực để có thể gòng gánh bao nhiêu là cái nỗi đời ngang trái, oan nghiệt, để mà nuôi một bầy con khôn lớn, cái đó gọi là nhựa sống. 

Thì ở trên đời này cái hạng đầu tiên, Đức Phật Ngài dạy rằng ai trên đời cũng có hy vọng hết, ai cũng có mong mỏi, nhưng mà cái hạng đầu tiên được gọi là hạng khó bề hy vọng, có nghĩa là sao? Ở đây Ngài đưa ra hai hình ảnh, đạo và đời, nói về đời trước, thì Ngài nói những người sinh ra vốn dĩ là mở mắt chào đời trong bóng tối, tật nguyền, khuyết tật, khuyết hãm, sanh ra trong một cái bối cảnh gia thế khó khăn, bản thân thì không có được gọi là đầy đủ, trọn vẹn, mà phải bị tàn khuyết, thiếu hụt các căn, thiếu sức khỏe, thiếu dinh dưỡng tùm lum hết, thì cái hạng này được xem là cái hạng khó bề hy vọng, tức là muốn cái gì đi nữa, cũng rất là khó.

Cái hạng thứ hai gọi là cái hạng mà còn có hy vọng, hoặc là có thể hy vọng, có nghĩa là họ sanh ra trong một cái điều kiện gia cảnh khá, sức khỏe tốt, những điều kiện xã hội họ có đủ, thì cái hạng này nếu mà họ có chí thì cũng làm được việc này việc kia, như người Tàu họ có nói là: Đại phú thì do thiên, mà tiểu phú là do cần, có nghĩa là giàu mà giàu nứt vách thì cái đó là phải nhờ cái mệnh trời, nhưng nếu mà đủ ăn đủ mặc, ấm no một đời thì cũng có thể được bằng cái sức nổ lực đổ mồ hôi chảy nước mắt của mình. 

Cái hạng thứ ba là cái hạng không thèm hy vọng là những người mà sanh ra trong đời này là vốn dĩ họ đã gọi là đẻ bọc điều từ cái thuở sơ sinh, họ sinh ra trong cái hủ nếp, họ sanh ra trong một cái điều kiện vàng son chói lọi, muốn gì được nấy, thì cái hạng này là cái hạng không thèm hy vọng, có nghĩa là mọi thứ nó có sẵn rồi. 

Đó là ba cái hình ảnh ở ngoài đời, và chỉ riêng cái đoạn Kinh này thôi thì nó lại mở ra cho chúng ta một cái bài Kinh khác, đó là bài Kinh Ước Nguyện, ở trong Trung Bộ Kinh, thì Đức Phật Ngài dạy rằng:

– Này các Tỷ-kheo, một vị Tỷ-kheo mà mong mỏi mình được quay lại với cái thân người hay là về cõi Thiên với các cái điều kiện sống tuyệt hảo, hay là một vị Tỷ-kheo ham danh ham lợi, hay là một Tỷ-kheo mong đợi hy vọng mình chứng đắc thiền định Đạo Quả, thì dầu mong đợi cái gì đi nữa trong Đạo hay là ngoài đời, trong thân người hay là trong thân trời, thì cái chuyện đầu tiên, cái điều kiện tiên quyết là vị ấy phải tu tập tinh tấn. 

Mình gọi theo cái từ ngữ bây giờ là nói mẹo đó, có nghĩa là Ngài nói: Muốn cái gì trên đời này, chuyện đầu tiên là mình phải thành tựu những điều kiện tiên quyết!

Muốn nấu cơm thì cũng phải có củi, có nước, có gạo, có nồi, chứ không thể nào mà mình lấy các mà làm cơm được. Thì muốn hoàn tất một cái sự nghiệp ngoài đời hay là đạo nghiệp ở trong Đạo, thì cái chuyện tiên quyết là anh phải có thành tựu những điều kiện cần có. 

Trong cái cõi sinh tử này ai cũng có cái tham, ai cũng có cái thích hết đó, nhưng mà khổ thay cái hành trang, cái vốn liếng của cái người mà bất thiện thì cực kỳ nghèo túng và thiếu thốn, cho nên là họ phải sống ở trong một cái điều kiện bất toại, không có như ý. Còn nếu mà mình có ham thích mà muốn này muốn kia thì chuyện đầu tiên là mình phải có vốn liếng thiện pháp. 

Cho nên tôi mới gọi bài Kinh đó là có cái kiểu nói mẹo đó, có nghĩa là Ngài không bao giờ Ngài kêu gọi mình sanh tử hết đó, nhưng mà Ngài nói giả định thôi, giả định là một vị Tỷ-kheo hay là một người tu hành ở đời mà muốn cái này muốn cái kia, thì cái điều kiện tiên quyết là phải có thiện pháp, chính thiện pháp cho ta mọi thứ. Còn những cái nỗ lực trước mắt đó mà không có đính kèm với thiện pháp thì cực kỳ khó khăn, nhớ nha, cái này rất là quan trọng, cái sâu của bài Kinh này nó nằm ở chỗ đó.

Tôi nhắc lại cái sâu của bài Kinh này thứ nhất là nhấn mạnh rằng sống trên đời này ai cũng cần đến cái nhựa sống để tiếp tục sinh tử, ai cũng cần đến cái nhựa sống để mà hoạt động, để mà làm việc, để mà tiếp tục có mặt ở trong cái cuộc đời chủ yếu là bất toại này, tuy nhiên mọi thứ nó chỉ diễn ra một cách hợp lý, thuận thiên, đó là anh chỉ có thể thành tựu ước mơ của anh khi nào anh có được những cái điều kiện cần và đủ, bài Kinh nó sâu ở chỗ đó. 

Trước hết là Ngài xác nhận thế giới này nó cần cái nhựa sống, và điều thứ hai Ngài xác định nhựa sống ấy là gì. Thì cái hạng đầu tiên là ở ngoài đời, một cái người sanh ra với một cái hình hài khuyết tật, tàn phế trong một cái gia cảnh gọi là tối tăm, thì khó bề mà hy vọng cái chuyện này chuyện kia trong đời. Cái hạng thứ hai là sanh ra trong một gia cảnh tốt với một cái hình hài tốt, với một cái thể lực tốt, thì cái hạng này có thể hy vọng. Còn cái hạng thứ ba là không thèm hy vọng bởi vì họ vốn dĩ họ có hết mọi thứ rồi. 

Có một lần đó, vua Udena gặp Ngài Anan, vua hỏi vậy chứ:

– Thưa Tôn giả, con nghe nói cái lý tưởng rốt ráo của Phật Pháp là chấm dứt ham muốn, như vậy thì bây giờ con muốn thành Thánh, con muốn chấm dứt sanh tử, thì cái đó có phải là cái muốn hay không?

Ngài Anan nói:

– Đúng, muốn thì lúc nào cũng là muốn, dầu muốn cái gì cũng là muốn.

Thì ổng hỏi:

– Ủa, sao lạ vậy, mình muốn tái sanh, mình muốn luân hồi, mình muốn hưởng thụ, thì đó là muốn đã đành, rồi bây giờ mình muốn chấm dứt tái sanh nó cũng là muốn hay sao? Như vậy thì khi mình thành Thánh rồi mình còn muốn hay không?

Thì Ngài Anan Ngài mới trả lời thế này:

– Khi nãy, chưa đặt chân vào cái khu vườn này, thì đại vương còn muốn sẽ tới đây, nhưng mà bây giờ đại vương đang đứng ở khu vườn này rồi, thì cái muốn đó không còn nữa, bởi vì Ngài đang đứng ở đây mà! Cũng vậy, một cái người mà đã thành tựu được cái cứu cánh giác ngộ rốt ráo, thì mọi thứ ước muốn không còn nữa, bởi vì họ đã đến đích rồi.

Và ở chỗ này tôi cũng phải nói một chuyện mà các vị khó có thể chấp nhận, đó là trong cái tấm thân sanh tử, chúng ta muốn vượt thoát khỏi nó, thì chúng ta phải nói là dốc lòng thiết tha tu tập, nhưng mà khi chứng Thánh rồi đó, thì chúng ta thấy ra một chuyện, đó là cái chuyện tu hành hay là chuyện chứng Thánh đó là chuyện nên làm thôi, chớ nó không có gì hay ho hết, nó là cái chuyện mà chữa bệnh và bình phục, chữa bệnh tức là tu tập, và bình phục tức là chứng Thánh, chứ nó không có gì hay, nó không có gì mà ghê gớm để mà đương sự có thể tự đắc, tự hào, tự mãn như là mình tưởng tượng, nha. Đi đến nơi rồi đó thì nói ra hơi kỳ chớ khi chứng Thánh rồi mới thấy mọi thứ nó là nhạt nhẻo vô vị. 

Còn các vị thấy trong Kinh nói rằng: Cái sự an lạc của bậc Thánh là các Ngài khi mà chấm dứt phiền não các Ngài có một cái nội tâm an lành, an lạc. Đó là một cách nói thôi, chứ còn phải nói rằng an lạc ở đây ở các Ngài có nghĩa là sự vắng mặt của phiền não, không còn thích cái này, không còn thích cái kia, nói gượng thì nói như vậy, chứ thật ra các Ngài không còn thiết tha gì cái chuyện mà sống đời nữa. 

Không có thiết tha bởi vì thấy rất rõ cái gọi là đời sống nó chỉ là một cái dòng chảy tương tục bất tuyệt, mà miên viễn của những cái đơn vị danh sắc của các cấu tố pháp giới rất đổi phù du, do duyên mà có, có rồi phải mất; liên tục thấy hơi thở vào không phải là hơi thở ra, hơi thở ra không phải là hơi thở vào, thấy cái trước không phải là cái sau, chúng chỉ tiếp nối nhau sanh diệt, cái cảm xúc dễ chịu và khó chịu nó tiếp nối nhau mà sanh diệt, các Ngài thấy rằng là mọi thứ nó diễn ra trong cái tốc độ chớp nhoáng, không có một cái chỗ nào khả dĩ để mình có thể nắm níu, nói chi là cư trú, ôm chặt, ghì siết ở trong cái cuộc đời này hết! Cho nên khi chứng Thánh rồi các Ngài không còn thiết tha gì nữa hết, không phải gọi là muốn chết mà cũng không phải là cầu sống, mà chỉ là chờ cái duyên nó tới thì xuôi tay mà ra đi thôi. 

Cho nên ở đây, Đức Thế Tôn Ngài xác định là trong đời này có ba hạng, nói ngoài đời, hạng thứ nhất là cái hạng khó bề hy vọng, hạng thứ hai là có thể hy vọng, và cái hạng thứ ba là không thèm hy vọng. Trong Đạo cũng vậy, cái hạng thứ nhất, gọi là cái hạng khó bề hy vọng có nghĩa là cái vị thiếu cái niềm tin, thiếu đạo hạnh, thiếu đạo nghiệp, tu hành bê bối, bừa bãi, bụi bậm, thì vị này bị xem là khó bề hy vọng ở trong cái Giáo Pháp này. Cái hạng thứ hai là một vị tu tập tinh tấn, trong sạch, tinh nghiêm, nghiêm cẩn, thì dầu chưa đắc chứng gì đi nữa, nhưng vị này được xem là cái người có thể hy vọng. 

Như là hồi nãy tôi nói, cái bài Kinh Ước Nguyện của Trung Bộ Kinh, Ngài dạy rằng chỉ cần tu tập tinh tấn, nghiêm túc, trong sạch, thanh tịnh, thì bất cứ ước muốn nào của đương sự cũng rất dễ dàng thành tựu. Chẳng hạn như ngay bây giờ, các vị có thể không có đắc chứng thiền định Đạo Quả, nhưng mà nếu tinh tấn tu tập, tinh tấn ở đây là Giới tinh tấn, Định tinh tấn, Tuệ tinh tấn, thì đời sau kiếp khác, ngay cả lúc mà chưa chứng Thánh thì cái chuyện mà đắc thiền, đắc định, đắc thần thông rất là dễ dàng.

Và sẵn ở đây tôi mở ngoặc nói luôn, chỉ sống trong bất thiện, thì những cái ước vọng, hy vọng của mình rất khó mà thành tựu. Cái hạng thứ hai, sống trong cái thiện dục giới, có nghĩa là sao? Có nghĩa là còn thích hưởng thụ sắc thinh khí vị xúc, các trần vật chất, rồi còn phải lệ thuộc rất nhiều vào các điều kiện vật chất để mà sống, để mà hành thiện, lánh ác; hành thiện có nghĩa là hành thập thiện và lánh ác là tránh cái thập ác, thì cái thiện này nè, cái thiện của cái người còn hưởng dục, chưa có thật sự chán dục, cái thiện của cái người mà còn phải lệ thuộc các điều kiện vật chất trong năm trần, thì cái thiện ấy được gọi là thiện dục giới. Thì cái hạng thứ nhất là cái hạng sống thuần túy trong ác pháp thì đừng hòng mà mong được cái này cái kia, gọi là người hết hy vọng. Nhưng mà cái hạng thứ hai là hạng sống ở trong cái thiện dục giới, tôi đã định nghĩa rồi, các vị phải nghe lại chứ tôi không có nhắc lại, nha, thì còn sống trong thiện dục giới thì những ước mơ này, ước mơ nọ của họ nó có cơ hội thành tựu hơn là cái hạng chỉ sống với ác pháp. 

Tuy nhiên cái hạng mà chán dục mà tu tập đắc chứng các tầng thiền ấy, thì cái hạng này, những cái ước mơ, ước vọng của họ nó dễ thành tựu hơn là cái người mà chỉ tu từ cái thiện dục giới, nhớ nha, có tu tập thiền định, mặc dù tu tập thiền định là anh phải ly dục, trúng, nhưng mà nó đặc biệt ở chỗ là khi mà anh ly dục mà anh tu tập đính kèm với cái ly dục, thì nó lạ lùng thay, những ước vọng của anh nó lại dễ thực hiện hơn. Tôi nói chắc cái này quý vị hiểu, một đứa bé nó rất thích ăn kẹo, nó thích ăn quà vặt, nó cũng có khả năng kiếm tiền bằng cách là nó đi bán vé số, nó đi làm việc vặt vãnh cho người khác; nhưng khi mà nó trưởng thành ấy, nó không còn thích ăn quà vặt nữa, nhưng mà cộng với cái sự trưởng thành của một người không còn thích quà vặt nữa, thì sự trưởng thành ấy sẽ đem lại cho nó bao nhiêu cơ man mà những bánh kẹo mà nó mơ ước. Mình nghe thấy rất là kỳ, nhưng mà đó là một sự thật, mình còn là một đứa bé đó thì những ước mơ của mình rất khó thành tựu, cái khả năng kiếm tiền của một đứa bé rất khó thành tựu, và nếu có cũng rất là ít ỏi; nhưng mà cái ước mơ của một người trưởng thành có khả năng kềm chế và kiểm soát, thì cái khả năng mà kẹo bánh của họ nó lớn hơn!

Ở đây cũng vậy, một cái người mà ly dục, tu tập thiền định, họ không có thiết tha trong năm dục nữa, nhưng mà cái khả năng mà thành tựu những cái vật dục, 5 trần mà như ý đó, thì cái khả năng đó lớn hơn! Mà chưa hết, khi mình tu tập thiền định, mình có thể cùng một lúc, mình có được nhiều cái cơ hội, nhiều cái vận hội nó mở ra, một là mình có quay lại cái cõi dục, thì cũng sung sướng hơn người, trí tuệ hơn người, mà thứ hai nữa nếu mà mình chuyển hướng mà nhắm đến cái quả vị giải thoát chấm dứt sanh tử phiền não, thì cũng nhanh chóng mau lẹ và có hy vọng lớn hơn là cái người làm thiện mà còn sống trong dục, nhớ nha! 

Cho nên ở đây, nói về đời thì có 3 hạng, hạng thứ nhất là tàn khuyết, tật nguyền, gia cảnh khó khăn, rất khó hy vọng chuyện này chuyện kia; hạng thứ hai là sanh ra trong một cái điều kiện thể chất ngon lành, trong một cái gia cảnh ngon lành, thì dễ dàng hy vọng chuyện này, chuyện kia; thứ ba là người đẻ bọc điều, chẳng hạn như hoàng tử, công chúa, công hầu bá tử nam tước, thì coi như là cái khả năng mà ước mơ này nọ của họ không cần thiết nữa, bởi vì họ vốn dĩ đã có hết mọi thứ. 

Ở trong Phật Pháp này, thì Ngài dạy có 3 hạng người:

1. hạng thứ nhất là muốn tùm lum nhưng mà cái cơ hội rất khó có được, đó là sống bất thiện,

2. cái hạng thứ hai, cũng còn muốn tùm lum đó, nhưng mà nhờ sống trong thiện pháp, cho nên cái cơ hội thành tựu những cái mộng ước nó dễ dàng hơn,

3. và cái hạng thứ ba đó là vị La-hán, các Ngài đã đến bên kia bờ giải thoát, việc nên làm đã làm, gánh nặng đã đặt xuống, các Ngài là xem thiện pháp mà mình đã tu tập trong thời gian qua, thời gian trước khi chứng Thánh, nó chỉ là chiếc bè cỏ để mà qua sông, qua sông rồi thì bè nào cũng phải bỏ lại hết, không có một cái người nào đầu óc tỉnh táo mà qua sông rồi mà còn vác cái bè cỏ lên vai! 

Nhà quê chúng tôi ngày xưa còn có cái bè chuối nữa quý vị, có nghĩa là bí quá, chặt chừng hai ba cái thân chuối, rồi đóng cộc tre, ràng rịt lại, là lấy cái đó làm cái bè để đi dưới nước, dưới sông, thì với một cái bè nặng nề như vậy, thì các vị tưởng tượng khi đã qua sông rồi, thì có ai mà dại dột vác cái bè đó đi nữa! 

Thì ở đây, một vị La-hán Ngài xem cái hành trang ba-la-mật thiện pháp quá khứ của mình nó y chang như cái bè chuối vậy đó, bè chuối hoặc bè cỏ. Thì khi mà đến nơi rồi thì thôi, không còn chuyện gì để ước mơ nữa hết. 

Cho nên mỗi ngày, chúng ta vẫn phải tâm niệm rằng: Ta còn có cái gì để mà mong đợi, để mà hướng tới hay không? Cái đó là gì? Và có phải là ta đang có những chuẩn bị tốt cho những giấc mơ của mình hay không? 

Đây là một điều tâm niệm mà tôi cho rằng rất là quan trọng, cứ tự hỏi lòng: Tôi còn gì để mong đợi cuộc đời này? Nếu còn thì tôi đang có những chuẩn bị nào cho những ước mơ ấy? 

Còn đằng này cứ mơ kiếp sau sanh ra có trí tuệ, kiếp sau sanh ra được giàu sang, được nhan sắc, được sức khỏe, được đắc cái này, chứng cái kia, mong đợi mà mình không có một cái hành trang vốn liếng nào tương ứng, thì cái đó chỉ là mơ giữa ban ngày thôi! 

Và tôi nhớ tôi từng có nói một câu mà tôi rất là tâm đắc, đó là cái kẻ nào mà thích mơ, mà thích sống mà mơ ban ngày thì dễ thấy ác mộng. Cái câu đó tiếng Việt nghe không có hay bằng tiếng Mỹ, nói theo tiếng Mỹ đó là kẻ nào mà thích daydream thì kẻ đó rất là dễ bị nightmare, nightmare có nghĩa là ác mộng đó quý vị, khi mà mình không có thiện pháp, thì ước mơ gì đi nữa, thì cái thực tế mà mình có được chỉ là ác mộng thôi. 

Cho nên là chỉ có cái người mà thực hiện, sống và hành động theo Chánh Pháp thì những giấc mơ đó mới có thể là sự thật. Còn đối với người mà không có tu hành gì hết thì không có vốn liếng thiện pháp, thì trong tất cả các giấc mơ, chỉ có một giấc mơ duy nhất thành sự thất, đó là mơ thấy mình đi tiểu thôi, nha. Không có giấc mơ nào thành sự thật, ngoài ra giấc mơ đó! 

Cho nên bài Kinh này nó sâu là sâu ở chỗ đó, Ngài nói đến ba hạng, trong Đạo và ngoài đời, tức là chuyện đầu tiên, cái sâu của bài Kinh này thứ nhất là gì? Mộng ước và sanh tử là một cặp, mộng mơ tan rồi thì sanh tử phai theo! Nhớ nha, đây là nội dung của bài Kinh này: mộng ước và sanh tử là một cặp, mà mộng ước tan rồi-khi nào đã chứng Thánh rồi thì mọi thứ nó cũng tan theo. 

Tuy nhiên, ngày nào chưa có làm tròn cái tâm nguyện giải thoát , thì khi ấy anh phải chuẩn bị cho những giấc mơ của mình, anh phải có những chuẩn bị ngon lành cho những giấc mơ của mình. Anh phải có những chuẩn bị, còn nếu không, đó chỉ là daydream thôi quý vị, đó chỉ là daydream thôi, daydream có nghĩa là nó chỉ là giấc mơ-mơ ban ngày thôi, chỉ là hảo huyền thôi! Nói kêu bà con đi xâm mình, chứ cái câu này tôi lại thích xâm chỗ này nhất, thích daydream thì dễ bị nightmare, vậy thôi, một cái day một cái night, rất là hay, cái câu này bản quyền của tôi, nha. 

Như vậy sanh mộng ước và sanh tử là một cặp, mộng ước tan rồi, sanh tử tan theo, có nghĩa là khi không còn thích, không còn tham ái nữa, thì cái gì nó cũng kết thúc.

Pháp

Ở đây Đức Phật Ngài kể cho chúng ta nghe một câu chuyện, Ngài nói đến chuyện vua Chuyển Luân Vương, lấy đó làm cớ để Ngài nói về chư Phật, và tôi nhớ tôi có giải thích cho bà con nghe Chuyển Luân Vương là gì, có nghĩa là, bên tiếng Tàu họ có phân biệt rất là rõ, trường hợp nào gọi là hoàng, trường hợp nào gọi là đế, trường hợp nào gọi là hoàng đế, trường hợp nào gọi là vương. Tức là vua có nhiều kiểu vua, hùng cứ một phương, lãnh chúa một vùng, vua một cõi thì có thể gọi là vương, nhưng mà để gọi là đế thì nó lại khác, chẳng hạn như là vua Nghiêu, vua Thuấn, vua Tần Thủy Hoàng thì mới gọi là đế, hoặc mới gọi là hoàng đế, hoặc gọi là ông hoàng, ông đế, hoặc là hoàng đế; còn những ông nhỏ hơn chẳng hạn như là Ngô Tam Quế sau khi mà giúp nhà Thanh chiếm được Trung Quốc thì được phong vương ở Vân Nam vậy thôi, hoặc như là Hàn Tín thì cũng được phong vương, chữ vương đây là nhỏ. Sở dĩ mà tôi phải nói dài dòng như vậy là bởi vì để phân biệt các kiểu vua ở trên cái trái đất này, có những vị chỉ hùng cứ một phương nhỏ nhỏ thôi, bên Tây gọi là lãnh chúa đó, hoặc là bên Ấn Độ có những vị gọi là anuraca những vị tiểu vương, nhưng mà có những vị vua lớn như vua A-dục, hoặc là Alexander the Great, …, hoặc là Thành Cát Tư Hản thì mới gọi là hoàng đế, gọi là đại đế, vì cái lãnh thổ của họ nó rộng lớn, cái ảnh hưởng của họ đối với cái nhân loại nó nhiều. 

Thì vua Chuyển Luân Vương là một trường hợp rất là đặc biệt, tức là Ngài sanh ra Ngài có đủ 32 tướng tốt và Ngài chinh phục thiên hạ cả cái hành tinh này bằng một cách rất là tự nhiên, Ngài đi đến đâu thì tất cả những cái vị lãnh chúa, những cái vị công hầu, những cái nhà cai trị ở khắp nơi lớn bé, khi nghe Ngài đến, khi nhìn thấy gương mặt của Ngài thì tất cả đều gọi là một lòng quy phục, không có cần phải động đao, động kiếm. 

Trong Kinh nói lâu lâu ở trên trái đất này nó lại xuất hiện một vị vua như vậy, vừa lọt lòng là đã có đủ 32 tướng tốt, và vị này không cần chinh phạt gì hết, cứ việc đi thôi, đi đến đâu thì cái chỗ đó quy phục Ngài và Ngài trở thành vua, …, có thêm đất, cứ như vậy và Ngài có cả một cái hành tinh, lãnh thổ của Ngài là cả một cái hành tinh. Rồi có những vị phước nhiều, họ có thể cai trị cùng lúc mấy hành tinh một lúc, và họ di chuyển từ hành tinh này qua hành tinh kia bằng một cái phương tiện rất là kỳ lạ, đó là một cái bánh xe xoay trên tay thôi, cái vị mà cai trị một hành tinh thì cái bánh xe bằng bạc, hai hoặc ba hành tinh thì bánh xe bằng vàng, còn cái vị mà cai trị bốn cái hành tinh thì có cái bánh xe bằng ngọc. 

Cái chuyện này đối với nhiều người trong room là chuyện phong thần, cho nên tôi xin giúp bà con một chuyện nha, bà con có xài được thì xài, có nhận được thì nhận, là trong trường hợp những cái chuyện mà mình thấy nó khó tin thì mình chỉ lấy cái tinh thần của nó thôi, chứ đừng có bận tâm tới chuyện kia. Tinh thần là sao? Có nghĩa là mình cứ mơ hồ mình nhận ra là tùy theo cái điều kiện của mỗi người mà ta có một cái ảnh hưởng đối với thiên hạ nhiều hay ít, tùy theo điều kiện của mỗi người mà ta có cái kiểu làm việc ra sao không ai giống ai. Kinh cái nội dung nó có bấy nhiêu đó thôi, chứ còn cái chuyện mà hành tinh này, hành tinh kia, cái chuyện đó chuyện nhỏ, đó cũng là cái kiểu của tôi đối với Kinh điển, cái gì tôi thấy kỳ kỳ đó, là tôi chỉ lấy cái tinh thần, còn ngoài ra tôi bỏ, bỏ có nghĩa là tôi không bận tâm tới nữa. 

Thì Ngài dạy rằng Ngài đem Ngài so sánh vua Chuyển Luân Vương cai trị nguyên cái quả đất này bằng cái Chánh Pháp, Chánh Pháp đây là gì? Là Thập Vương Pháp, có nghĩa là một vị được gọi là minh quân thánh đế là phải thành tựu 10 cái pháp gọi là Dasa-rājā-dhamma Thập Vương Pháp sau đây:

1. Dāna có nghĩa là Ngài luôn luôn đối xử với quốc dân là những người dân chúng trong mắt của Ngài, trong tâm tưởng của Ngài, chứ không cần trong mắt nữa, trong tâm tưởng có nghĩa là không riêng gì một cá nhân nào, chỉ cần Ngài nghe tâu thôi, ở đó cần giúp đỡ là Ngài đã thương rồi, hào sảng, vua mà lo cho dân chứ không nghĩ tới mình, lúc nào cũng hào sảng, cái đầu tiên là hào sảng, dāna là hào sảng,

2. Sīla tức là vua Chuyển Luân Vương tối thiểu là có 5 Giới, và mỗi tháng là có 8 ngày Bát quan trai, có nghĩa là không có ăn sau giờ ngọ, không có chấp nhận thưởng thức ca vũ nhạc kịch, không có sử dụng giường cao chiếu rộng, không có chạm tay đến bảo thạch quý kim trong suốt cái ngày mà mình thọ Bát quan trai. Bát quan trai là ngũ giới cộng với cái chuyện là không có ăn sau giờ ngọ, dầu đó là một hạt mè. Tôi định nghĩa lại Bát Giới cho mấy người sơ cơ: 

       1. không sát sanh có nghĩa là dầu một con ruồi, một con muỗi, hoặc là tạt một miếng nước sôi vào một cái chỗ mà mình không xác định được có con gì hay không thì vị đó cũng không có làm, hoặc ném một cái mồi lữa vị đó cũng không có nỡ, đó gọi là giữ giới sát sanh,

       2. không trộm cắp có nghĩa là dầu một hạt mè, một cây tăm xỉa răng của người khác, thì mình cũng không có ý chiếm hữu,

       3. tà dâm có nghĩa là khi mình biết đó không phải là cái người đàn bà của mình, đó không phải là đối tượng mà mình được phép gần gũi, thì mình không có tơ tưởng tới, chớ đừng có nói là chạm tới, 

        4. giới nói dối là cho dầu nói dối để mà vui chơi, chỉ nói đùa, chỉ cần nói sai sự thật vị này cũng không nói,

        5. giới uống rượu, cái ý nghĩa của giới uống rượu là không để mình bị say sưa, không để mình bị mất cái thần trí, nhưng mà giới giữ cho rốt ráo thì một giọt cũng không chạm môi,

        6. giới ăn sái giờ có nghĩa là sau cái giờ ngọ, sau cái giờ đứng bóng thì một hạt mè cũng không có bỏ vào miệng,

        7. không chấp nhận ca vũ nhạc kịch, không sử dụng các loại thưởng thức các phương tiện giải trí mà nó khích động tham ái, (Giới thứ 7 này có 2 phần là ca nhạc-khiêu vũ và trang điểm-thoa hương liệu mà Thập Giới xé ra thành có Giới thứ 7 và Giới thứ 8; trong Kinh thì Bát Giới gom chung) Giới thứ 7 là không có sự thưởng thức ca vũ nhạc kịch mà cũng không có sử dụng các loại mỹ phẩm, hương liệu, dầu một giọt nước hoa cũng không dùng, lotion có mùi mà mình thích vị ấy cũng không dùng, sà bông-bột tắm mà có mùi mà mình thích thì vị đó cũng không dùng, tức là chỉ dùng như là thuốc không mùi thì ok, chứ còn những thứ đó mà có mùi mà mình thích cũng không dùng, (cái cuối cùng nếu mà giữ Thập Giới thì thêm cái Giới nữa là vị ấy không có chạm tay vào những cái bảo thạch, quý kim, vòng vàng, trang sức, vị đó không có chạm tay vào),

         8. cuối cùng là không có sử dụng giường cao chiếu rộng, là sao? Chữ cao đây không phải là tính theo kích thước, nhiều người hiểu lầm nghĩ là cao là kích thước, nhưng không phải, mà giường cao chiếu rộng đó là một cái thành ngữ, một cái cụm từ ghép nó chỉ cho giường, ghế sang trọng đắt tiền mà người ta dùng để hưởng thụ, thưởng thức cảm giác êm ấm, thì cái đó mới gọi là giường cao chiếu rộng; chứ còn cái giường nó cao mà cao theo cái kích thước thì không có kể nha, sẵn ở đây tôi nói luôn nhiều người hiểu lầm cái chỗ này, họ nghĩ là cao đây có nghĩa là tính theo kích thước, tính theo cái chiều cao. Không phải, mà giường cao chiếu rộng đó là một cái cụm từ ghép, có nghĩa là giường, ghế, mà sang trọng đắt tiền, đẹp đẽ mà được cái giới mà nhà giàu nó dùng để mà nó hưởng thụ đó, thì cái đó mới gọi là giường cao chiếu rộng, chứ còn cái giường cao thí dụ như cái chõng bằng tre mà nó cao 2 mét thì bà con ngồi cũng không có phạm, còn cái chiếu rộng có nghĩa là cái giường nó rộng bao la nhưng mà có thứ rẽ tiền, nằm đau lưng thấy bà nội luôn thì cái đó cũng không kể là chiếu rộng, nha, phải hiểu cái đó.

Thì đó là tôi đang giảng về Thập Vương Pháp của vua Chuyển Luân Vương, một là Dāna đó là vị này luôn luôn sống với người bằng cái bàn tay rộng mở, thứ hai giữ Giới, 

3. thứ ba là Pariccāga tức là xả kỷ, trong chỗ này thì phải hiểu như vậy, chứ có chỗ thì cái chữ này nó có nghĩa là bố thí, nhưng mà ở trong cái Thập Vương Pháp, thì nó có nghĩa là xả kỷ, có nghĩa là cái dāna là rộng rãi, hào sảng, còn cái pariccāga trong cái chỗ này nó có nghĩa là xả kỷ, có nghĩa là lúc nào cũng nghĩ lợi ích của người ta trước, không có nghĩ tới mình, gọi là xả kỷ. Còn ích kỷ là nghĩ đến mình trước, người ta sau, hoặc là không thèm nghĩ tới người ta luôn; ích kỷ mà bậc hạ là không có màng tới người khác, chỉ nghĩ tới mình, còn ích kỷ mà bậc thượng nó cao hơn chút, có nghĩa là cũng có nghĩ tới người ta nhưng mà để người ta thứ hai, còn mình số một, còn cái hạng mà tệ nhất là chỉ nghĩ đến mình, không nghĩ đến người! Cho nên nếu bà con trong room có ít thì cũng nhớ hai hạng này, cái hạng một là không màng tới người khác chỉ nghĩ tới mình, còn hạng thứ hai có nghĩ đến người khác, nhưng mà xếp họ ở hàng số hai. Còn Chuyển Luân Vương là để người ta số một, mình mới số hai, cái đó đặc biệt, cho nên cái Thập Vương Pháp là gì? Một là Bố thí, thứ hai là giữ Giới, thứ ba là Xả kỷ,

4. thứ tư là Ajjava, ajjava có nghĩa là quang minh lỗi lạc, quang minh chánh đại, không có cái khuất lấp lươn lẹo, có nghĩa là thẳng đường, chứ còn tôi biết nhiều chuyện động trời lắm, tàn nhẫn phủ phàng lắm, vua Gia Long nói riêng và vô số những vị đế vương trên đời này là bị cái này rất là nhiều, Nguyễn Văn Thành là vị cận tướng phò vua Gia Long trong nhiều năm, mà tới lúc mà vua Gia Long diệt được nhà Tây Sơn rồi, ổng đăm ra ổng e ngại các vị công thần, vì nhiều lý do, họ biết ổng nhiều quá, ổng không còn giữ được sự tôn nghiêm đối với những người này, thứ hai ổng e sợ cái khả năng của mấy người này có thể lật đổ ổng, đó là tối thiểu hai lý do, còn nếu mà kể lý do thứ ba là có những ân oán mà có một mình ổng biết thôi, trong thời gian mà chủ tớ lưu lạc, có những cái ổng ghét ngầm mà ổng không có thể ra tay. Cho nên đó là ba lý do, một đó là người ta biết quá nhiều về ổng, ổng không còn giữ được sự tôn nghiêm, hai là ổng e sợ người ta lật đổ ổng, bởi vì người ta có khả năng dựng được thì có nghĩa là xô đổ được, cái thứ ba là những cái ân oán lắc nhắc trong cái thuở mà bôn tẩu, lưu vong. Cho nên khi mà có người sàm tấu, đàn hặc con trai của Nguyễn Văn Thành, vua Gia Long biết ổng bị oan chứ, biết chứ, biết, ai cũng biết hết, cả triều đình ai cũng biết hết, nhưng mà Nguyễn Văn Thành lọt vào cái thế rồi, thì trong sử kể khi mà Nhuyễn Văn Thành đọc được cái lệnh bị tru di, thì ổng vào gặp vua Gia Long, vua Gia Long chỉ phất áo thôi, phất áo bỏ đi, thì ông Nguyển Văn Thành lết theo bằng cái đầu gối, nắm cái áo của vua Gia Long nói rằng: Thần đã bỏ công thời tuổi trẻ để phò bệ hạ, mà đến nước này, cái người duy nhất cứu thần chỉ có bệ hạ thôi. Thì ông vua ổng hứ một tiếng rồi ổng phất áo ổng đi luôn, ổng không có dám can đảm đối diện với Nguyễn Văn Thành, bởi vì đó là đệ nhất khai quốc công thần, ổng không dám, nhưng mà ổng đã ra tay là cái tên này phải đi, rời khỏi cuộc đời này, phải bị loại bỏ khỏi triều đình này, cả cái cuộc đời này nữa! Thì đó là cái sự lươn lẹo, cái sự khuất lấp, có nghĩa là không có dám nói thẳng tại sao, tại sao mà khanh phải chết, cái hèn của những vị đế vương! 

Chuyển Luân Vương thì không, ajjava là vị này quang minh lỗi lạc, cái chuyện gì phải làm thì vị đó ngửa mặt nhìn trời, nhìn nắng, nhìn đèn, nhìn ánh sáng mà làm, không có cúi mặt, không có lén lút, cái đó gọi là quang minh lỗi lạc. 

Tôi thấy có một vị phật tử hiểu lầm, hiểu lầm chữ ajjava có nghĩa là quang minh lỗi lạc, có nghĩa là Ngài luôn luôn hành xử trong ánh sáng, không có khuất lấp, thẳng đường mà đi; rồi tôi mới kể cái chuyện của vua Gia Long với ông tướng Nguyễn Văn Thành, thì các vị lại nhắm vô cái chuyện vắt chanh bỏ vỏ, thì không phải! Mà tôi đang muốn nói cái chuyện mà ổng không có dám nói thẳng với ông Nguyễn Văn Thành, và tôi thấy nhiều trường hợp giống như vậy đó, tức là mình không thích người ta thì một là mình tránh người ta, hai là mình nói thẳng với người ta, chớ mình đừng có tìm cách này cách kia để gọi là đánh lạc hướng, nhưng mà trước sau mình cũng đẩy người ta vào chỗ chết. Thì một cái con người mà quang minh lỗi lạc họ không hàng động như vậy, có gì họ nói thẳng; còn đằng này trước sau mình cũng giết người ta mà mình cứ cà dòng cà dòng nó mất thời gian mà đồng thời mình bắt người ta phải chết đi trong cái niềm tri ân đối với mình, thì cái này nó đểu quá! 

Thì ở đây không phải, ở đây cái vị này là ajjava nghĩa là vị này rõ ràng lắm, thí dụ như Ngài muốn phế truất, muốn giáng chức ai đó, Ngài muốn bãi nhiệm ai là Ngài nó thẳng, Ngài nói: À bây giờ you đó, cái chuyện đó you làm không có được, bây giờ ai đó làm được tôi sẽ đưa người đó thế. Chỉ vậy thôi, Ngài nói rõ như vậy, hoặc là: You có cái lỗi lầm gì đó, thì you không có ngồi ghế đó được nữa. Nói thẳng như vậy, chứ không có cà dòng cà dòng cà dòng cà dòng, không có phải né tránh sự thật.             

5. Maddava có nghĩa là cái sự mềm mỏng, có nghĩa là trong cái cư xử lúc nào cần là nước thì Ngài là nước, lúc nào cần là lữa nồng ấm thì Ngài là ấm áp, khi nào cần mát mẻ thì Ngài mát mẻ, lúc nào cần cứng rắn thì Ngài cứng rắn như đá nhưng mà đẹp như bảo thạch, mà lúc nào cần mềm thì phải mềm như lụa, mà lúc nào mà cần nóng thì Ngài chỉ ấm áp chứ không để đốt người; Chuyển Luân Vương đem lại cho người ta sự mát mẻ chứ không phải lạnh lẻo, đem lại cho người ta sự ấm áp chứ không phải là đem lại cho người ta cái sự nóng bức, tùy lúc, tùy thời mà hành xử mềm mỏng, khéo léo. 

Bên tiếng Tàu có chữ kinh và chữ quyền, kinh có nghĩa là khư khư đúng mực thước mà làm thì gọi là kinh, còn linh hoạt khéo léo thì gọi là quyền, đây là những chữ rất là hay trong tiếng Tàu, kinh có nghĩa là khư khư chấp chặt, còn quyền có nghĩa là linh hoạt, khéo léo. Một chữ khác mình cũng phải học, thí dụ như chữ hành-tàng, hành có nghĩa là đem cái khả năng của mình ra mà thi thố với đời, giúp đời và cũng xây dựng cái sự nghiệp cho mình, đó gọi là hành; còn tàng có nghĩa là đem dẹp hết, mình có biết cái gì, mình làm được cái gì, khả năng cái gì dẹp hết, rút lui thoái ẩn, thì gọi là tàng; kinh-quyền, hành-tàng, bên tiếng Hán có những cái chữ mình phải thuộc lòng, biết thì nó hay, nó làm rộng cái đầu mình ra thôi, thí dụ như cái cây mà lớn nhất, cái cây mà to thì gọi là kiều, mà đá lớn gọi là sở, cái hoa đẹp nhất thì là anh, còn con thú mà to nhất thì gọi là hùng, những cái chữ bà con biết được nó vui, nó làm cho cái đầu mình nó rộng thôi, mà nó gọn nữa!

Gọi là Thập Vương Pháp là những cái đức lành cần có, phải có ở một cái vị minh quân thánh chúa,

6. Tapa cái khả năng khép mình có nghĩa là dầu cho vị Chuyển Luân Vương có bao nhiêu là giai nhân tú lệ, Ngài có bao nhiêu là sơn hào hải vị, Ngài có bao nhiêu là những cái giường ghế sang trọng, êm ấm, đẹp mắt, Ngài có bao nhiêu điều kiện hưởng thụ, nhưng mà Ngài luôn luôn sống ở trong cái điều kiện cần và đủ thôi. Cần có nghĩa là cái gì thiếu thì không được, được gọi là cần, còn đủ là không dư không thiếu, rất là chừng mực trong sinh hoạt, trong công việc, trong đời sống cá nhân không có lãng phí, không có thừa mứa, luôn luôn ở mức cần và đủ, cái nếp sống mà khép mình đó được gọi là tapa,

7. Akodha có nghĩa là không có giận dữ, luôn luôn kiểm soát được cảm xúc, Ngài cũng vẫn là phàm phu thôi nhưng mà luôn luôn kiểm soát được cảm xúc, không có để cho mình phải nổi giận với bất cứ ai hết. Đây là chuyện rất là khó làm, vì các vị biết, ông vua nhỏ một là ổng lên cơn là chết người ta, nói gì là một vị đại đế, nhưng mà không, Ngài luôn luôn cả đời Ngài luôn luôn làm chủ được cái cảm xúc, không để mình phải nóng giận,

8. Avihiṃsā, nó đi kèm với cái số 7, có nghĩa là Ngài luôn luôn chủ trương bất bạo động, Ngài nói rằng mọi chuyện hoàn toàn có thể được giải quyết bằng cái tấm lòng thương yêu, bằng một cái bàn tay chăm sóc, Ngài nói chuyện gì cũng có thể giải quyết bằng cách đó hết.

Avihiṃsā có nghĩa là đã là vị đại đế minh quân, người ta tránh được thì tránh những cái chuyện mà phải dùng đến bạo lực, như là cả Trang Tử lẫn Lão Tử đều nói rằng: Xã hội đại loạn rắc rối thì phải dùng đến cái hình phạt, nhưng mà càng dùng hình phạt thì cái xã hội nó càng loạn, nó loạn theo một cái hướng khác, có nghĩa là cái tội phạm nó sẽ tinh vi hơn và thậm chí nó sẽ tàn nhẫn hơn, nó mới dẫn đến cái chuyện mà gọi là giết người rồi chặt mấy cái đầu ngón tay để mà xóa cái dấu ngón tay, thí dụ như vậy. 

Thì tôi nói một lần nữa, mỗi thời kỳ, mỗi một hoàn cảnh, mỗi điều kiện, không phải ông vua nào cũng nhân từ được như vầy đâu, nhưng mà đối với vua Chuyển Luân Vương thì các Ngài chỉ ra đời trong lúc mà cái thế giới này ở trong cái điều kiện tốt đẹp nhất, gọi là cái chu kỳ tốt đẹp nhất thì Chuyển Luân Vương mới ra đời. Ở trong thời điểm đó thì tâm tình chúng sanh nhân loại cũng rất là dễ thương, rất là hiền thiện, thì vua cỡ đó rồi dân cỡ đó thì nó mới có thể hòa tấu làm thành một, biến cái hành tinh này thành một cõi thiên đường được; chớ còn với cái tình trạng nhân tâm nhân tình của nhân loại hôm nay mà Chuyển Luân Vương ra đời thì cũng mệt mõi lắm, tại vì Ngài dùng đức để mà phục chúng, dùng đức để mà độ người, nhưng mà cái dân bây giờ mà mình nương tay với nó là nó loạn! Cho nên ở trong Kinh mới nói rằng Chuyển Luân Vương chỉ ra đời trong cái thời kỳ, trong cái chu kỳ mà gọi là hành tinh này đang ở cái giai đoạn tốt đẹp nhất.

Chắc các vị trong room có nhiều người không biết cái chu kỳ là cái gì, thì xin nói rằng là trong Kinh giải thích rằng trái đất này nói riêng và vô lượng vũ trụ nói chung là nó luôn luôn sinh diễn và sinh diệt theo cái luật vô thường, tức là nó hết cái giai đoạn này nó chuyển qua cái giai đoạn khác, nó tốt đến tận cùng cái nó chuyển qua xấu rồi nó xấu tận cùng cái nó chuyển qua tốt, mà theo cái kiểu tiệm tiến là từ từ, từ từ, từ từ. Rồi có đôi khi mình thấy nó giống như tịnh tiến, tịnh tiến là từ trong toán, là hai cái nó cùng phát triển một lúc, tức là mình thấy trên thế giới bây giờ bao nhiêu cái ý tưởng hay ho của nhân loại, bao nhiêu tổ chức từ thiện được mở ra, được thành lập, tính ra thì nó còn nhiều hơn là ngày xưa nữa; tuy nhiên, những cái tổ chức tội ác, tội phạm bây giờ nó cũng nhiều nơn ngày xưa, cái đó mới gọi là tình trạng tịnh tiến, còn tiệm tiến là từ từ, từ từ, từ từ. Nhưng mà dầu tịnh hay là tiệm gì đi nữa thì cái thế giới này sau một cái chu kỳ một thời gian thiệt là tốt, cái nó biến chuyển nó xấu dần dần, dần dần, dần dần, rồi đến cái mức nào đó nó quay trở lại nó tốt từ từ, từ từ, từ từ, rồi nó bắt đầu nó xấu dần dần, dần dần. 

Thì Chuyển Luân Vương chỉ ra đời vào thời điểm đó, cho nên Ngài mới thực hiện được cái chính sách gọi là bất bạo động, không dùng đến hình luật, không dùng đến cái chuyện trừng phạt. Và sẵn đây tôi cũng nói luôn, nói đây là Thập Vương Pháp, chứ thật ra đây cũng là 10 cái pháp tu mà bất cứ ai cầu giải thoát cũng phải biết tới,

9. Khanti tức là kham nhẫn, kham nhẫn có 3 đó là thiên nhiên, người khác và bản thân, còn nếu mà mình gom gọn lại còn có 2 thôi đó là ngoại nhẫn và nội nhẫn. Ngoại nhẫn có nghĩa là bất cứ cái thử thách nào từ bên ngoài cái tấm thân này thì được gọi là ngoại hết, thí dụ như thời tiết, thiên nhiên hay là con người hay là côn trùng, mảnh thú, tất thảy những cái trở ngại thử thách nào mà bên ngoài cái tấm thân này mà mình chịu được thì gọi là ngoại nhẫn; còn nội nhẫn có nghĩa là mình kềm chế, mình kiểm soát được cái nội tâm của mình, khi mình thấy nó thích mình kềm chế được cái thích, kềm chế được cái ghét, kềm chế được cái giận, kềm chế được cái nôn nóng, kềm chế được cái ray rức không để mình thành kiểu mà manh động, thì đó gọi là khanti, chữ khanti nghĩa rộng lắm, ngoại nhẫn có nghĩa là mình chịu được những thử thách từ bên ngoài, còn nội nhẫn tức là mình chịu được và kiểm soát được cái cảm xúc cũng như những tâm trạng của bản thân, đó gọi là khanti,

10. cái cuối cùng Avirodha có nghĩa là tùy thuận chúng sanh. Cái số 1 Dāna là Ngài luôn luôn sống bằng cái bàn tay hào sảng, trúng, sau đó cái số 3 Pariccāga là Ngài xả kỷ có nghĩa là lúc nào cũng nghĩ tới người ta trước, nhưng mà cái thứ 10 này nó độc đáo ở chỗ này: Cái chính sách mà trị quốc, trị dân của Ngài đó là Ngài luôn luôn coi coi cái trào lưu nào mà nó đang mạnh nhất, và cái trào lưu đó nó có lợi hay là có hại. Thí dụ như Ngài thấy cái trào lưu nào, cái kiểu sống nào trong chúng sanh mà nó có hại thì dĩ nhiên Ngài dẹp đó là cái chắc rồi, nhưng mà Ngài thấy cái nào mà nó có lợi, mà cái nào mà nó vui, nó đẹp, nó tiện, thì Ngài lại chọn cái đó, còn nhiều cái nó có lợi ích nhưng người ta không có vui, thì Ngài phải xét lại, Ngài tìm cái cách nào để cho nó thuận với lòng dân, nhớ nha, nhắm đến lợi ích của dân cũng chưa đủ, còn phải nghĩ đến cái tâm tình, cái dân tình, cái nhân tâm của dân nữa. 

Thí dụ như bây giờ mình nghĩ đến lợi ích của dân mà mình áp dụng cái đường lối của Singapore, tôi biết tôi nói cái này nhiều người sốc lắm, thật ra Singapore rất là độc tài, ông Lý Quang Diệu là một người độc tài, mà tại sao ổng độc tài, ổng không phải là độc tài theo kiểu tào lao như mấy cái ông trời ơi khác, mà ổng độc tài có nghĩa là ổng nhắm thấy cái điều gì mà có lợi ích cho Singapora, cho đất nước, cho dân tộc mai sau, thì ngay bây giờ ổng chấp nhận hy sinh rất là nhiều thứ. 

Nhưng vua Chuyển Luân Vương lại khác, bên cạnh cái chuyện nhắm cái lợi ích cho người ta, Ngài còn nghĩ đến cái tâm tình của người ta nữa, gọi là Tùy thuận chúng sanh là chỗ đó, đúng là mẹ thương con. Ông bác sĩ đối với bệnh nhân cũng có hai hạng, một là tôi lụi vô you, chích cho you một mũi thuốc, chữa hết bệnh là thôi, tôi cho you thuốc uống, you uống được hay khó uống, dễ uống cái đó là chuyện của you; nhưng mà tôi biết có những ông bác sĩ không phải như vậy, ổng tìm cái cách nào chích cho mình ít có đau, gãi gãi gãi gãi để bắt chuyện này nọ để cho mình không có chú ý rồi ổng chích mình, thí dụ như vậy; thuốc cũng vậy, ổng nghĩ đối với con nít, ổng lựa cái thuốc nào cho dễ uống, hoặc cái người lớn mà khó uống thuốc ổng cũng có cái cách nào đó để cho mình uống thuốc, có nghĩa là ổng nhắm tới lợi ích của bệnh nhân, đúng, mà ổng còn nghĩ đến cái tâm tình của bệnh nhân nữa quý vị! Thì cái này được gọi là Avirodhana Tùy thuận chúng sanh.

Thì thành tựu 10 cái pháp này được gọi là Thập Vương Pháp, thành tựu 10 pháp này chính là Minh quân thánh đế.

Và tôi xin nhắc lại, cho dầu quý vị có cái ý muốn làm vua, làm tướng gì hay không, chuyện đó tôi không màng, tôi chỉ xác nhận một điều: 10 pháp này tuyệt đối là cần thiết cho tất cả những ai còn có mặt trong cái cõi sanh tử này! là vì sao? Là vì mình phải hiểu cho kỹ cái chữ cai trị, nếu chúng ta ở vào vị trí của một nhà vua, thì cái đối tượng cai trị của chúng ta là quốc dân, là đất nước, là một lãnh thổ với vô vàn những cái bá gia bá tánh, nhưng mà nếu mà chúng ta không phải là vua, thì 10 pháp này nó cũng giúp cho những người bạn bè quyến thuộc, gia đình của chúng ta được an lạc và dĩ nhiên, cái đối tượng cuối cùng chính là bản thân chúng ta. Rồi đến chuyện tu hành cũng vậy, với 10 cái pháp này, thì đối với người khác, đối với người xa lạ, đối với người thân quen quyến thuộc, và đối với bản thân mình, chúng ta đều giúp được hết, mà ngay cả trong cái chuyện tu hành 10 pháp này cũng giúp cho chúng ta gọi là xa lìa phiền não, chứng đắc Quả Thánh. 

Có một điều là khi mà không có Phật Pháp thì 10 pháp này được người ta diễn dịch theo một cái cách khác, chẳng hạn như là Khổng Giáo, cũng nói đến đạo đức quân vương, thì cái nội dung tinh thần nó cũng bàn bạc, nó phảng phất 10 cái này, nhưng mà nó không rốt ráo, thì 10 cái này được định nghĩa theo tinh thần Phật Pháp thì Thập Vương Pháp nó mới là rốt ráo! Và tôi nhắc lại một lần nữa, Tàu họ cũng còn Khổng Giáo còn có ý niệm gọi là chánh tâm, tu thân, tề gia. Chánh tâm rồi mới tới tu thân, chánh tâm là cái lòng mình nó ok rồi mới nghĩ tới chuyện tu thân, rồi tề gia phải lo việc nhà, gia đình của mình, rồi mới trị quốc và bình thiên hạ. 

Thì giả định như chúng ta không phải là Chuyển Luân Vương, chúng ta không phải là công hầu khanh tướng, thì cái minimum chúng ta cũng còn có những người chung quanh mình, bạn bè, chòm xóm láng giềng bà con thân thuộc huyết thống, và cuối cùng là gia đìng chúng ta và bản thân chúng ta, 10 pháp này nói là Thập Vương Pháp, 10 cái đạo làm vua của một vị minh quân thánh chúa, nhưng mà xét cho cùng nó chính là cái đạo làm người và nói theo Phật Pháp đó là đạo sinh tử! Gọi là đạo sinh tử, có nghĩa là sao? Có nghĩa là ngày nào anh thành Thánh thì thôi, nhưng mà nếu mà anh còn có mặt trong cái cuộc đời này, thì đây chính là 10 cái kiểu hành xử mà anh nên có, bởi vì sao? Vì với 10 kiểu hành xử này mà anh tu tập cho tới nơi tới chốn, một là anh sẽ là một vị vua, mà nếu anh là một người bình thường vô danh, thì bảo đảm anh cực kỳ an lạc, và những người chung quanh anh cũng được ân triêm lợi lạc! 

Nếu mình sống ở đời này mà tự mình là một viên ngọc, tự mình là một đóa hoa đẹp thì quá là tốt rồi, (vì từ phần này không nghe rõ được nữa, nên người ghi chép đã nghe từ Trang Pháp Thí mà ghi xuống): nhưng mà nếu cái viên ngọc đó, đóa hoa đó mà cái sức lan tỏa chiếu soi của nó còn giúp được nhân quần thiên hạ thì quá tốt, càng tốt! Mà tối thiểu phải là một đóa hoa hay một viên ngọc âm thầm trong một góc núi nào đó đã là quý lắm rồi! Nhưng mà nếu có điều kiện ấy, thì viên ngọc ấy, đóa hoa ấy mà đem lại cái niềm vui, đem lại nụ cười thì càng tốt chứ sao, nha. 

Cho nên Thập Vương Pháp này là cái đạo làm vua, đạo làm đế, đạo làm vương, đạo làm hoàng, đạo của mấy ông hoàng. Tuy nhiên, nó cũng chính là đạo sống, nó là Đạo Giải Thoát cũng là đạo sinh tử, nó là đạo sinh tử nhưng mà nó cũng là Đạo Giải Thoát, có một điều được gọi là Đạo Giải Thoát là khi nào nó được định nghĩa theo cái lời Phật, theo cái tinh thần giải thoát của chư Phật, còn không thì nó chỉ vừa đủ để chúng ta sống ở đời này mà thôi.

* Các bài Sư Toại Khanh (Tỳ Kheo Giác Nguyên) giảng qua Paltalk năm 2019. Nguồn Vietheravada

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app