Kinh Nghiệm Thiền Quán

Tâm lý học và Phật pháp: Cái tôi và bản ngã

Về một phương diện, chúng ta có thể hiểu giáo pháp của Đức Phật như là một môn tâm lý học giải thoát tinh tế và uyên thâm. Giáo pháp của ngài đi sâu vào tâm thức và diễn tả khả năng tạo dựng thế giới của nó. Thân ta, hành động của ta, ngay cả vũ trụ chung quanh ta và những sự kiện xảy đến với ta, tất cả đều do tâm tạo.

Nếu Phật pháp là một môn tâm lý học về tâm linh, thì sự liên hệ của nó với quan niệm về tâm thức của Tây phương là thế nào? Có những khác biệt nào? Nếu bàn đến cả tâm lý học Phật giáo và tâm lý học Tây phương sẽ là một đề tài mênh mông. Ở đây, tôi chỉ muốn nói sơ qua về một vài điểm khác biệt mà tôi nghĩ là quan trọng cho những ai muốn tìm hiểu vấn đề này.

Một sự mâu thuẫn hết sức rõ rệt giữa Phật giáo và khoa tâm lý học của Tây phương là ý niệm về cái “tôi” và “bản ngã”. Phật pháp dạy rằng thực tại là vô ngã, không có một cái tôi nào hết; trong khi tâm lý học Tây phương nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng một cái “tôi” kiên cố, một bản ngã vững vàng, khoẻ mạnh. Nhưng thật ra sự mâu thuẫn này là do ở vấn đề sử dụng ngôn ngữ mà thôi. Trong tâm lý học Tây phương, chúng ta dùng “cái tôi” và “bản ngã” theo một nghĩa, và cũng chính những danh từ này lại được dùng trong Phật pháp với nghĩa hoàn toàn khác biệt.

Trong tâm lý học Tây phương thì “tôi” hay “ngã” được dùng để nói đến một trạng thái quân bình và một sức mạnh trong tâm thức. Một bản ngã vững mạnh theo nghĩa đó thì rất trọng yếu cho nền tảng hạnh phúc của ta. Chúng ta cần phải có sự quân bình đó mới có thể sống trong cộng đồng như một cá nhân hòa hợp được. Những ai với một ý niệm sai lầm về cái ngã hoặc thiếu phát triển nó sẽ không thể sinh hoạt hữu hiệu trong đời sống, vì họ không thể có được hạnh phúc với chính mình.

 Còn danh từ ngã mà Đức Phật dùng lại hoàn toàn khác hẳn với ý niệm về sự quân bình hoặc trưởng thành tâm cảm (mental-emotional) này. Khi Đức Phật nói “ngã”, ngài muốn nói về một khái niệm hoặc ý tưởng mà chúng ta có về một cá thể độc lập bất biến và những kinh nghiệm xảy đến cho cá thể ấy. Vì vậy, khi ngài nói về vô ngã, hay anatta trong tiếng Pali, ngài muốn nói rằng kinh nghiệm không xảy đến cho một cá nhân riêng biệt nào hết – và đây cũng là một sự hiểu biết có năng lượng chuyển hóa thâm sâu trong sự tu tập.

Tuệ giác có nghĩa là nhìn thấy rõ ràng và sâu sắc rằng, mọi việc trong tâm và thân đều là một diễn trình thay đổi, và hoàn toàn không có một ai đứng sau diễn trình ấy. Ý nghĩ cũng chính là người suy nghĩ. Không có sự cách biệt giữa ý nghĩ và người suy nghĩ. Chính sự giận dữ là chủ thể giận và chính cảm xúc là chủ thể cảm xúc. Mọi hiện tượng là chính nó, và chỉ có thể là chính nó mà thôi. Kinh nghiệm xảy ra không thuộc về bất cứ một cá nhân nào. Thật ra chính vì điều dư thừa ấy, sự sai lầm đem nối liền việc xảy ra với một người nào đó, ý niệm về một cá thể độc lập, đã tạo nên cái mà Đức Phật gọi là ngã hoặc “tôi.” Vấn đề bắt đầu phát sinh khi ta đem một ý niệm về ngã, về “tôi” chồng lên một thực tại hoàn toàn vô ngã.

Việc phát triển một cái tôi tốt đẹp và việc thấy được tự tính vô ngã của mọi kinh nghiệm là hai tiến trình bổ túc cho nhau. Mặc dù cách diễn tả của chúng có vẻ như rất mâu thuẫn. Một cái tôi lành mạnh sẽ được khai triển khi ta có thể thấy rõ và chấp nhận hết tất cả những phần khác nhau của mình. Và ý thức được sự trống không của cái tôi ấy được phát sinh khi ta không mang vác thêm và không nhận những phần khác nhau ấy là mình.

Tự chấp nhận thật ra cũng chính là một khía cạnh của chánh niệm. Có chánh niệm nghĩa là chúng ta sẵn lòng kinh nghiệm mọi cảm xúc, tư tưởng, cảm giác, và mọi biến cố của cuộc đời. Sự chấp nhận này xây dựng một nền tảng vững chắc cho lòng tự tin, vì chúng ta có thể chữa lành những rạn nứt trong nội tâm bằng cách tập sống với chính mình một cách toàn vẹn.

Dĩ nhiên, thái độ biết tự chấp nhận ấy cũng đòi hỏi một sự luyện tập. Đôi khi ta cảm thấy như có một sự tranh đấu trong nội tâm vì một sự kiện nào đó đang có mặt – ở thân, cảm xúc hoặc trong tư tưởng – mà ta không thể cởi mở được với nó. Có những cảm thọ mà không mấy ai ưa thích như là: sân hận, tự ti, buồn nản, tuyệt vọng, cô đơn, buồn chán hoặc sợ hãi. Chúng là những bóng tối trong ta, mà ta khó có thể dễ dàng chấp nhận. Khi ta chống cự với những cảm thọ này, không phải vì sự có mặt của chúng, mà chỉ vì ta chối bỏ không sẵn lòng chấp nhận chúng trong lúc ấy mà thôi.

Đối với những xúc cảm ở thân cũng vậy. Khi trong thân ta có những cảm xúc đau đớn kịch liệt, ta thường đóng kín lại, ta chống cự nó, hoặc né tránh nó. Nhưng đến khi chánh niệm được vững mạnh, ta sẽ có thể tự chấp nhận được tất cả một cách hoàn toàn. Khi ấy, ta sẽ biết chấp nhận trọn vẹn mọi kinh nghiệm xảy đến cho ta, dù chúng có là lạc thọ hay khổ thọ.

Dựa trên sự chấp nhận này, ta sẽ có thể tập trung ý thức của mình để thấy rõ tự tính vô thường, tạm bợ của mọi phần tử trong thân và tâm. Ta thấy rằng mọi tư tưởng, cảm thọ, cảm xúc và cảm giác đều có tính cách tạm thời, luôn luôn biến chuyển. Ta có thể sống trọn vẹn với chúng mà không bị đồng hóa, và thấy được rằng chúng không là của bất cứ một ai, mà chỉ là những hiện tượng chuyển tiếp, sinh lên rồi diệt đi không ngừng nghỉ.

Thế nên, tuệ giác của anatta, của vô ngã, bắt nguồn từ một sự tự chấp nhận. Một cái ngã lành mạnh và một cái ngã trống rỗng, hai cái ấy thật ra không có gì là mâu thuẫn với nhau cả. Chúng có vẻ như vậy là vì ta đã sử dụng cùng một danh từ để diễn tả hai việc hoàn toàn khác biệt. Con đường thiền quán của ta là để nhận thức được cái bản ngã, như là một cố thể độc lập, chỉ là một ảo tưởng do tâm thức xây dựng nên mà thôi. Nhưng nếu muốn đạt được việc ấy, trước hết chúng ta cần phải có một sự quân bình trong nội tâm như môn tâm lý học Tây phương đã diễn tả, khi họ nói đến xây dựng một cái tôi vững vàng. Thiếu tính chất quân bình và lành mạnh ấy, chúng ta sẽ không bao giờ có thể thấy được rằng không có một cá thể độc lập nào ở phía sau những kinh nghiệm xảy ra. Vì vậy, phối hợp giữa hai ý nghĩa khác biệt của chúng, bạn cũng có thể nói rằng muốn buông bỏ cái tôi thì trước hết ta cần phải phát triển nó.

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app