KIỀU TRẦN NHƯ

Kondañña

(Trích Bài giảng Kinh Tương Ưng,

Lớp Kinh Tạng Vietheravada, Sư Toại Khanh giảng).

Annàsi Kondañña: Kiều-trần-như. Ngày bà Maya sinh Bồ tát thì vua Tịnh Phạn cho mời 108 Bà-la-môn tướng số giỏi nhất đến xem tướng thái tử Siddhattha, sau đó chỉ giữ lại 8 vị để hỏi riêng. Ngài Kondañña trẻ nhất trong số đó và là người duy nhất nói rằng Bồ tát chắc chắn sẽ thành Phật. Bảy người kia nói phân hai, hoặc làm đại đế hoặc làm đại thánh. Cùng học tướng số như nhau nhưng mỗi người có một sở trường riêng. Các vị kia y cứ vào tướng tốt của thái tử, nói là ở ngoài đời thì sẽ làm đại đế, đi tu sẽ thành bậc đại giác. Riêng ngài Kondañña căn cứ vào những nét đặc biệt và nói rằng thái tử có tướng đại đế nhưng có những cái nét riêng chắc chắn sẽ đi tu.

Sau khi ngài Kondañña biết chắc chắn thái tử sẽ đi tu thành Phật thì ngài bỏ nhà đi tu và chờ đợi. Thái tử 35 năm mới thành Phật, thì 35 năm trước dầu trẻ nhất thì Kondañña cũng 18 tuổi. Lúc ngài Kondañña gặp được Phật thì cũng đã trên năm mươi tuổi rồi. Tại sao ngài Kondañña có tên là Annàsi Kondañña? Lúc đó trong cõi người này Đức Thế Tôn là người duy nhất hiểu được lý tứ đế, khi ngài giảng vừa xong bài kinh Chuyển Pháp Luân thì ngài biết ngài Kondañña đã đắc quả Tu-đà-hoàn ngay tại chỗ rồi, vì vậy ngài mới cảm hứng: “Annasivata bho kondanno”, thì ra Kondañña này đã hiểu rồi. (Annasi # understood, đã hiểu rồi). Sau đó ngài Kondañña xuất gia và đắc quả A-la-hán.

Người ta hay nói Phật thành đạo, thật ra phải nói là Bồ tát thành đạo. Bồ tát thành đạo rằm tháng Tư. Rằm tháng Giêng năm sau là đại hội thánh tăng, hai vị thượng thủ thinh văn xuất gia. Hai vị này lớn tuổi hơn, khi Thế Tôn 35 tuổi thì hai vị thượng thủ đã 39 tuổi. Một hội chúng quá hùng mạnh khi từ sư phụ đến đệ tử chưa có ai quá 40 tuổi. Sau khi có hai vị thượng thủ rồi, ngài Kondañña xét thấy bất tiện khi phải nhận sự kính lễ của hai vị này (hai vị này đã tu Ba-la-mật một A-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp, riêng ngài Kondañña chỉ tu 100 ngàn đại kiếp mà thôi) nên ngài quyết định về núi độc cư. Chỗ ở của ngài trên Himalaya vốn là trụ xứ của chư Phật Độc Giác ngày trước. Trong kinh nói nơi đó rất đẹp, có rất nhiều voi, bầy voi này như là đệ tử chăm sóc hầu hạ ngài. Sau một thời gian khá dài, 12 năm, ngài không đến hầu Phật. Đến lúc sắp viên tịch, ngài xuống núi đảnh lễ xin từ biệt Thế Tôn. Lúc đó tóc ngài đã bạc trắng. Người ta nhìn thấy đại lão tăng quắc thước, mái đầu bạc trắng, đảnh lễ Đức Phật, dùng miệng hôn bàn chân Đức Phật: “Bạch Thế Tôn con là Kondañña”, một hình ảnh quá đẹp. Tại sao ngài đảnh lễ và phải xưng tên như vậy, vì có nhiều người không biết ngài là ai, ngài muốn nói cho họ hoan hỉ. Ngài xưng tên để người ta biết và thêm niềm tin. Khi người ta nghe tên ngài là nổi da gà liền. Đại chúng xúc động, có người khóc, vì họ thấy tôn túc đã bắt đầu có người sắp ra đi, ngài quay lại nói:

-“Mā socittha, mā paridevittha”, đừng buồn tủi đừng khóc nữa “buddhā vā hontu buddhasāvakā vā”, Đức Phật còn đó, các vị đại thánh thanh văn còn đó, chuyện chi phải khóc, chỉ nhớ rằng “uppannā saṅkhārā” tất cả pháp hữu vi có mặt, abhijjanakā nāma natthī” đã sinh ra thì phải biến hoại.

Ngài nói xong thì “vehāsaṃ abbhuggamma” bay lên hư không và đi về núi. Ngài nhập thiền quả suốt đêm, rạng sáng hôm sau thì chính thức Niết bàn. Tất cả hoa cỏ trên Tuyết Sơn hôm đó đều héo rũ (onatavinata)

Thiên Vương Đế Thích cho một vị thiên tử (vissukamma) xuống lo việc xây dựng khẩn cấp bằng thần thông một lều trại rộng 3 do tuần để chư tăng về dự lễ tang trưởng lão, do mấy con voi phục vụ. Ngài Anuruddha thuyết pháp và chư tăng tụng Phật ngôn suốt đêm (sabbarattim). Đây là một đám tang giống đám tang của mình nhất, có thuyết pháp, có tụng kinh, nhưng tụng ở đây không phải để “đăng Phật quốc” mà là tỏ lòng tôn kính một bậc đại lão tăng hàng đầu của PG, đồng thời đây là dịp để chư thiên về nghe pháp. Người về dự tang gồm có 500 vị La-Hán, Dục Thiên và vô số Phạm Thiên.

Sau khi hỏa táng ngài Kondañña xong xuôi, đám tang rất hoành tráng và điều đặc biệt xúc động là mấy ngàn con voi phục vụ trong đám tang này. Ngày hôm sau chư tăng thu gom xá lợi đem về trình Phật. Ngài xem xong duỗi cánh tay một ngôi bảo tháp màu bạch ngân (rajata silver) xuất hiện và chính tay Đức Phật an trí xá lợi Ngài Kodañña vào đấy. Đoạn này trong chú giải:

Punadivase” ngày hôm sau “aruṇuggamanavelāyameva” vào lúc bình minh “citakaṃ nibbāpetvā” đài hỏa táng đã rụi tàn rồi “sumanamakuḷavaṇṇānaṃ dhātūnaṃ parisāvanaṃ pūretvā” chư tăng đã thu gom xá lợi của ngài Kodañña. Những phần xá lợi có màu hồng đỏ như hoa lài, hoa lài màu trắng nhưng nhìn kỹ có phần màu hồng phấn ở trên. Chư tăng đem xá lợi đó “satthu hatthe ṭhapayiṃsu” đặt vào tay của Đức Phật. “Satthā dhātuparisāvanaṃ gahetvā”, Đức Phật sau khi nhận lấy xá lợi đó, “pathaviyā hatthaṃ pasāresi”, ngài duỗi cánh tay ra hướng về mặt đất, “mahāpathaviṃ bhinditvā” đất mở ra, “rajatabubbuḷasadisaṃ cetiyaṃ nikkhami”, một ngôi bảo tháp màu bạc xuất hiện. “Satthā sahatthena”, chính tay Bậc đạo sư “cetiye dhātuyo nidhesi” an trí xá lợi vào ngôi tháp đó.

Sự kết thúc bi tráng và buồn của một vị đại thánh, suốt đời chỉ vì là một người biết chuyện thôi mà bỏ hết mọi thứ đi vào núi sống với một bầy voi và cuối cùng ra đi trong một chiều thu trên đỉnh Bạch Mã Sơn.

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app