Jhana – Thiền Có Đưa Đến Giác Ngộ Giải Thoát Hay Không?

Jhana Thiền Có Dưa Dến Giác Ngộ Giải Thoát Hay Không

“Jhana – Thiền” Có Đưa Đến Giác Ngộ Giải Thoát Hay Không?

– Câu hỏi: Riêng về câu hỏi mà con gởi Sư liên quan đến đoạn trích phát biểu của các Vị XXX, và YYY:

… “Con à, Ngài YYY chỉ trích “thiền” không đưa đến giác ngộ, giải thoát là đúng rồi. Thiền, Jhāna có đưa đến đâu chứ? Phải là “Samatha-bhāvanā” và “Vipassanā-bhāvanā” mới đưa đến giác ngộ, giải thoát chứ con.”
… Ý con muốn hỏi rõ là, theo Sư, nó nhầm lẫn hoặc ngụy biện ở chỗ nào?.– @ Trả lời: Dưới đây trình bày hai câu trả lời, 1. câu trả lời ngắn gọn và 2. câu trả lời chi tiết.1. Câu trả lời ngắn gọn, đơn giản như sau: hầu như đa số ai đã là Phật tử Phật giáo Nguyên thủy Theravada đều biết rằng chỉ trong Pháp và Luật của Đức Phật Gotama mới có Bát Thánh Đạo, con đường duy nhất dẫn đến giác ngộ, giải thoát hoàn toàn và vĩnh viễn mọi khổ đau, phiền não đạt được hạnh phúc thật sự, tự do thật sự – Niết bàn [7]. Ngoại Đạo không có Bát Thánh Đạo [7].Bát Thánh Đạo đó chính là Giới Định Tuệ. Mà “Định Samādhi” ở đây chính là “Thiền Jhāna” như đã được Đức Phật chỉ rõ trong rất nhiều bài kinh về “Chánh Định sammāsamādhi” [2].

Không có chi phần “Chánh Định sammāsamādhi”, tức không có các “Thiền Jhāna” (Các “Thiền thẩm định tướng – Lakkhaṇūpanijjhāna”, tức “Thiền Minh sát – Vipassanājhāna”) thì chắc chắn không thể viên mãn đầy đủ Bát Thánh Đạo, chắc chắn không thành tựu Đạo Tuệ dẫn đến chứng ngộ Niết bàn, giác ngộ giải thoát.

Như vậy, tu tập “Thiền Jhāna” cùng 7 chi phần còn lại của Bát Thánh Đạo là tu tập đúng đắn theo Chánh pháp của Đức Thế Tôn, dẫn đến giác ngộ giải thoát, chấm dứt sinh tử luân hồi.

2. Câu trả lời chi tiết hơn sẽ trở nên đơn giản, dễ hiểu nếu trước hết chúng ta thống nhất với nhau các khái niệm cơ bản thế nào là “Samatha Chỉ” [1], “Vipassanā Quán” [1], “Jhāna Thiền” [2], “Samadhi Định” [2], … dựa theo kinh điển lời Phật dạy, chứ không thể tự tiện suy diễn. Nếu không có hiểu biết đúng đắn, mà suy diễn lẫn lộn khái niệm thì sẽ dẫn đến giải thích lộn xộn, thực hành sai trái.

“Jhāna – dịch là Thiền hay Thiền Định”: là một cách phân loại của “Samādhi – Định” (Xem mục phân loại “Định Samādhi” trong cuốn Thanh Tịnh Đạo [3]). Tức là <“Jhāna -Thiền / Thiền Định”> là tập hợp con thuộc tập hợp <“Định samadhi”>.

Mà “Định Samādhi” là mức độ tập trung, thì có thể đạt được:

⑴ hoặc do “Tu tập Chỉ samatha” = “Samatha Bhāvanā”: khi đó “Định Samādhi” trong phương pháp này được gọi là “Samatha Jhāna – Thiền vắng lặng” hay “Thiền tịnh chỉ” hay một số loại có tên gọi khác. Đây là phương pháp tu tập, vun bồi đạt tới “Định Samādhi” và “Tuệ Paññā” với đề mục là các Khái niệm (Tục đế) như các kasina, các chúng sinh, các phẩm tính của Phật Pháp Tăng Giới Chư Thiên… Theo Phương pháp này, “Định Samādhi” và “Tuệ Paññā” (5 Thắng trí thần thông) đạt được là thuộc hiệp thế, không dẫn trực tiếp đến giác ngộ giải thoát nếu chỉ dừng lại tại đây mà không tiếp tục thực hành “Tu tập Quán Vipassanā” = “Vipassanā Bhāvanā”.

⑵ hoặc do “Tu tập Quán Vipassanā” = “Vipassanā Bhāvanā”: khi đó “Định Samādhi” trong phương pháp này được gọi gọi là “Vipassanā Jhāna – Thiền Minh Sát” hay một số loại có tên gọi khác. Đây là phương pháp tu tập, vun bồi đạt tới “Định Samādhi” và “Tuệ Paññā” với đề mục là các Thực tại tối hậu sự (Chân đế: Danh, Sắc, Niết bàn) như sự sinh diệt của tứ đại, của tâm vương, tâm sở… Theo Phương pháp này, “Định Samādhi” và “Tuệ Paññā” (Minh Sát Tuệ) đạt được là thuộc hiệp thế ở giai đoạn đầu, và là thuộc siêu thế (Đạo, Quả Tuệ) ở giai đoạn sau, khi đã viên mãn “Thiền Minh Sát Vipassanā Jhāna”, trực tiếp dẫn đến giác ngộ giải thoát

Như vậy nói “Thiền Jhāna” không đưa đến giác ngộ giải thoát là sai vì:

① “Samatha Jhāna – Thiền vắng lặng” thì không trực tiếp dẫn đến Tuệ Minh Sát và Đạo Quả để có thể giác ngộ giải thoát nếu chỉ dừng lại ở đó (hai vị thầy đầu tiên dạy loại Thiền này cho Bồ tát sẽ thành Phật của chúng ta), nhưng “Thiền vắng lặng – Samatha Jhāna” này lại là điều kiện rất thuận lợi để tu tập “Quán Vipassanā” dẫn đến giác ngộ giải thoát: đây là Đạo lộ đầu tiên trong 4 đạo lộ tu tập giác ngộ giải thoát là “Chỉ samatha trước, Quán Vipassanā sau” [4] – tức lấy Samatha Tịnh chỉ làm cỗ xe: “Samatha-yānika” – Đạo lộ này đang được thực hành rất có hiệu quả bởi trường phái nổi tiếng có uy tín cao của Ngài Pa-auk Sayadaw, Myanmar.

② Vipassanā Jhāna (Thiền Minh Sát: Jhana = Thiền, Vipassanā = Minh Sát) thì dẫn trực tiếp tới Tuệ Minh Sát vì đối tượng của nó là sự sinh diệt của danh hoặc sắc. Khi có “Định Samādhi” thì cũng là lúc hành giả có Minh Sát Tuệ thấy rõ như thật bản chất sinh diệt tức vô thường khổ vô ngã của ngũ uẩn. Đây là Đạo lộ “Thuần Quán Suddha-vipassanā-yānika”, Đạo lộ thứ 4 trong 4 Đạo lộ tu tập giác ngộ giải thoát (hai Đạo lộ còn lại là “Quán Vipassanā” trước “Chỉ samatha” sau, và “Chỉ samatha + Quán Vipassanā” song tu) [4] – Đạo lộ này được nhiều trường phái tại Myanmar tu tập, nổi bật nhất là trường phái có uy tín cao của Ngài Mahasi Sayadaw.

Trong Bát Thánh Đạo, chi phần “Chánh Định sammāsamādhi” được Đức Phật định nghĩa rõ ràng đó là 4 Jhāna – Tứ Thiền, bao gồm: “Pathama-Jhāna Sơ Thiền”, “Dutiya-Jhāna Nhị Thiền”, “Tatiya-Jhāna Tam Thiền”, “Catuttha-Jhāna Tứ Thiền” [2].

Tứ Thiền Jhāna này chắc chắn không phải là “Thiền tịnh chỉ / vắng lặng Samatha Jhāna”, mà đây chính là “Thiền Minh Sát Vipassanā Jhāna” do tu tập viên mãn “Không” định – suññata samādhi, “Vô tướng” định – animitta samādhi, “Vô nguyện” định – appaṇihita samādhi [5]: Thiền (Jhāna) này là Chánh Định vì nó được hỗ trợ bởi 7 chi phần còn lại của Bát Thánh Đạo [6].

Chắc chắn những lời Phật dạy về Giới, Định, Tuệ phải là những lời chỉ dẫn cốt tủy cần khắc cốt ghi tâm của mọi hành giả để có thể tiến bước không lầm đường:

1. “Ðây là

① Giới, đây là
② Ðịnh, đây là
③ Tuệ (iti sīlaṃ, iti samādhi, iti paññā).

Tu tập Giới đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn cho Định.
Tu tập Ðịnh đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn cho Tuệ.
Tu tập Tuệ sẽ đưa đến tâm giải thoát hoàn toàn khỏi các lậu hoặc, tức là dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu.”

Nguồn trích dẫn: Trường Bộ Kinh – 16. Kinh Ðại Bát-Niết-Bàn 

2. – Này các Tỷ-kheo, hãy tu tập định (samādhi). Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có định, như thật rõ biết (pajànati). Và như thật rõ biết gì?

① Như thật rõ biết: “Ðây là Khổ”.
② Như thật rõ biết: “Ðây là Khổ tập”.
③ Như thật rõ biết: “Ðây là Khổ diệt”.
④ Như thật rõ biết: “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”.

Này các Tỷ-kheo, hãy tu tập định. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có định, như thật rõ biết. Do vậy, này các Tỷ-kheo,

① một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Khổ”;
② một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Khổ tập”;
③ một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Khổ diệt”;
④ một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”.

Nguồn trích dẫn: Tương Ưng Bộ Kinh – Chương 56: tương ưng sự thật – I: Phẩm định – 1. Ðịnh

3. “Này Cunda, đây là những gốc cây, đây là những nhà không tịnh. Này Cunda, hãy Thiền định (jhāyatha), chớ có phóng dật, chớ có hối tiếc về sau. Ðó là lời giáo huấn của Ta cho các Người.”

Nguồn trích dẫn: Trung Bộ Kinh – 8. Kinh Ðoạn giảm

Nguyện cho quý vị đạo hữu luôn được oai đức Tam bảo hộ trì không bị sai đường lạc lối trên con đường dẫn đến giác ngộ, giải thoát hoàn toàn và vĩnh viễn mọi khổ đau, phiền não đạt được hạnh phúc thật sự, tự do thật sự – Niết bàn.

Trong tâm từ,
Sumangala Bhikkhu Viên Phúc

Chú Thích

[lwptoc]

[1] “Samatha Chỉ”, “Vipassana Quán”

Nguồn trích dẫn: Tăng Chi Bộ – Anguttara Nikaya, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt, Chương II – Hai Pháp – III. Phẩm Người Ngu

– Có hai pháp này, này các Tỷ-kheo, thuộc thành phần minh.
Thế nào là hai? Chỉ (Samatha) và Quán (Vipassanā).

1. Chỉ được tu tập, này các Tỷ-kheo, chờ đợi lợi ích gì?
Tâm được tu tập.Tâm được tu tập, chờ đợi lợi ích gì?
Cái gì thuộc về tham được đoạn tận.2. Quán được tu tập, này các Tỷ-kheo, chờ đợi lợi ích gì?
Tuệ được tu tập.Tuệ được tu tập, chờ đợi lợi ích gì?
Cái gì thuộc vô minh được đoạn tận.

1. Bị tham làm uế nhiễm, này các Tỷ-kheo, tâm không thể giải thoát.
2. Hay bị vô minh làm uế nhiễm, tuệ không được tu tập.

1. Do vậy, do ly tham, là tâm giải thoát.
2. Do đoạn vô minh, là tuệ giải thoát.

[2] “Jhana Thiền”– “Sammāsamādhi Chánh định”

Nguồn trích dẫn: Trường bộ kinh – 22. Kinh Ðại Niệm xứ

Này các Tỷ kheo, thế nào là Chánh định (Sammāsamādhi) ?

1. Này các Tỷ kheo, ở đây Tỷ kheo ly dục, ly ác bất thiện pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất (Pathama-jhana), một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, với tầm, với tứ.

2. Tỷ kheo ấy diệt tầm, diệt tứ, chứng và trú Thiền thứ hai (Dutiya-jhana), một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất tâm.

3. Tỷ kheo ấy ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba (Tatiya-jhana).

4. Tỷ kheo ấy xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư (Catuttha-jhana), không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh.

Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là Chánh định (Sammāsamādhi).

[3] Phân Loại “Định Samādhi”

Nguồn trích dẫn: Thanh Tịnh Ðạo – Buddhaghosa (Phật Âm), Phần thứ hai: Ðịnh – Chương III: Mô Tả Ðịnh – Nhận Một Ðề Mục Quán

Có bao nhiêu loại Định (Samādhi)?

1. Trước hết, nó thuộc một loại, với đặc tính không phân tán.

Hai loại

2. Định cận hành (upcàra) và định an chỉ (appanà).
3. Định thế gian và xuất thế gian.
4. Ðịnh có hỉ và câu hữu xã.
5. Ðịnh câu hữu lạc và câu hữu xã.

Ba loại

6. Ðịnh hạ, trung và thượng.
7. Có tầm, tứ v.v…
8. Ðịnh câu hữu lạc v.v…
9. Ðịnh có giới hạn, đại hành và vô lượng.

Ðịnh bốn loại

10. Định khó tiến và tuệ chậm…
11. Định có giới hạn với đối tượng hữu hạn…
12. Ðịnh (Samādhi) phân loại theo các thiền chi (Jhāna).
13. Theo thối giảm, tù đọng…
14. Theo cõi.
15. Theo bốn như y túc.

Ðịnh (Samādhi) có 5 loại, theo năm thiền (Jhāna).

[4] Bốn Đạo Lộ Tu Tập Giác Ngộ Hoàn toàn

Nguồn trích dẫn: Tăng chi bộ kinh – Aṅguttara nikāya – xvii. Phẩm đạo hành – (X) (170) Gắn Liền Cột Chặt

1. Ở đây, này chư Hiền, Tỷ-kheo tu tập QUÁN (VIPASSANĀ), có CHỈ (SAMATHA) đi trước; do vị ấy tu tập quán có chỉ đi trước, con đường được sanh khởi. Vị ấy thực hành con đường ấy, tu tập, làm cho sung mãn. Do vị ấy thực hành con đường ấy, tu tập, làm cho sung mãn, các kiết sử được đoạn tận, các tùy miên được chấm dứt.

2. Lại nữa, này chư Hiền, vị Tỷ-kheo tu tập CHỈ, có QUÁN đi trước. Do vị ấy tu tập chỉ có quán đi trước, con đường được sanh khởi. Vị ấy thực hành con đường ấy, tu tập, làm cho sung mãn. Do vị ấy thực hành con đường ấy, tu tập, làm cho sung mãn, các kiết sử được đoạn tận, các tùy miên được chấm dứt.

3. Lại nữa, này chư Hiền, Tỷ-kheo tu tập CẢ HAI CHỈ VÀ QUÁN gắn liền với nhau. Do vị ấy tu tập cả hai chỉ quán gắn liền với nhau, con đường được sanh khởi. Vị ấy thực hành con đường ấy, tu tập, làm cho sung mãn. Do vị ấy thực hành con đường ấy, tu tập, làm cho sung mãn, các kiết sử được đoạn tận, các tùy miên được chấm dứt.

4. Lại nữa, này chư Hiền, Tỷ-kheo với các dao động đối với các pháp được hoàn toàn dứt sạch. Này các Hiền giả, đây là thời khi tâm của vị ấy an trú, an tọa, nhất tâm, định tĩnh. Với vị ấy, con đường sanh khởi. Vị ấy thực hành con đường ấy, tu tập, làm cho sung mãn. Do vị ấy thực hành con đường ấy, tu tập, làm cho sung mãn, các kiết sử được đoạn tận, các tùy miên được chấm dứt.

Này chư Hiền, Tỷ-kheo hay Tỷ-kheo-ni nào tuyên bố trước mặt tôi rằng, đã chứng được quả A-la-hán, tất cả vị ấy được đầy đủ bốn chi phần này, hoặc là một trong bốn chi phần này.

[5] Không định, Vô tướng định, Vô nguyện định

Nguồn trích dẫn: Tăng chi bộ kinh -Aṅguttara nikāya, xvi. Phẩm lõa thể – 163. Ðịnh

– Ðể thắng tri THAM ÁI, này các Tỷ-kheo, ba pháp cần phải tu tập.
Thế nào là ba?

1. Không định (suññata samādhi)
2. vô tướng định (animitta samādhi),
3. vô nguyện định (appaṇihita samādhi).

Ðể thắng tri tham ái, này các Tỷ-kheo, ba pháp này cần phải tu tập.

Này các Tỷ-kheo, để ① biến tri, ② biến diệt, ③ đoạn tận, ④ diệt tận, ⑤ trừ diệt, ⑤ ly tham, ⑥ đoạn diệt, ⑦ trừ khử, ⑧ từ bỏ THAM, ba pháp này, này các Tỷ-kheo, cần phải tu tập.

Này các Tỷ-kheo, để biến tri, biến diệt, đoạn tận, diệt tận, trừ diệt, ly tham, đoạn diệt, trừ khử, từ bỏ sân… từ bỏ si… từ bỏ phẫn nộ… từ bỏ hận… từ bỏ giả dối… từ bỏ não hại… từ bỏ tật đố… từ bỏ xan lẫn… từ bỏ man trá… từ bỏ phản bội… từ bỏ ngoan cố… từ bỏ bồng bột nông nổi… từ bỏ mạn, từ bỏ tăng thượng mạn… từ bỏ kiêu… từ bỏ phóng dật, ba pháp này, này các Tỷ-kheo, cần phải tu tập.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các vị Tỷ kheo ấy hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.

[6] Chánh Định được hỗ trợ của 7 chi phần Bát Thánh Đạo

Nguồn trích dẫn: Trung Bộ Kinh -117. Ðại kinh Bốn mươi

“Này các Tỷ-kheo, thế nào là Thánh chánh định với các cận duyên và các tư trợ?

Chính là

① chánh kiến,
② chánh tư duy,
③ chánh ngữ,
④ chánh nghiệp,
⑤ chánh mạng,
⑥ chánh tinh tấn,
⑦ chánh niệm.

Này các Tỷ-kheo, phàm có nhất tâm nào (ekaggata) được tư trợ với bảy chi phần này, này các Tỷ-kheo, như vậy gọi là Thánh chánh định cùng với các cận duyên và các tư trợ.”

[7] Chỉ duy nhất Bát Thánh Đạo dẫn đến Giác Ngộ Giải Thoát. Ngoại Đạo không có Bát Thánh Đạo.

Nguồn trích dẫn: Trường Bộ Kinh – 16. Kinh Ðại Bát-Niết-Bàn

“Này Subhadda, trong pháp luật nào không có Bát Thánh đạo, thời ở đây

1. không có đệ nhất Sa-môn [Thánh dự lưu],
2. cũng không có đệ nhị Sa-môn [Thánh nhất lai],
3. cũng không có đệ tam Sa-môn [Thánh bất lai],
4. cũng không có đệ tứ Sa-môn [Thánh Alahán].

Này Subhadda trong pháp luật nào có Bát Thánh đạo, thời ở đây

1. có đệ nhất Sa-môn,
2. cũng có đệ nhị Sa-môn,
3. cũng có đệ tam Sa-môn,
4. ở đấy cũng có đệ tứ Sa-môn.

Này Subhadda, chính trong pháp luật này có Bát Thánh Ðạo, thời này Subhadda,

1. ở đây có đệ nhất Sa-môn,
2. ở đây cũng có đệ nhị Sa-môn,
3. cũng có đệ tam Sa-môn,
4. cũng có đệ tứ Sa-môn.

Những hệ thống ngoại đạo khác đều không có những Sa-môn.

Này Subhadda, nếu những vị Tỷ-kheo này sống chơn chánh, thời đời này không vắng những vị A-la-hán.”

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app