Hương Vị Giải Thoát – Quy Ước & Giải Thoát – Thiền Sư Ajahn Chah

Quy ước và Giải thoát

… Bất luận thời gian và địa điểm nào, toàn thể công phu thực hành Giáo Pháp sẽ hoàn thành viên mãn ngay tại nơi mà không còn gì. Đây là địa điểm quy hàng, rỗng không, đặt xuống gánh nặng …

Sự vật trên thế gian chỉ là những quy ước mà chúng ta đã tạo nên. Chúng ta thiết lập những quy ước rồi lạc lối trong đó và từ chối không chịu buông bỏ, để cho tâm luyến ái phát sanh, bám níu chặt chẽ vào những quan kiến riêng tư cá nhân và những công luận. Tình trạng khăng khăng nắm giữ nầy không bao giờ chấm dứt, nó là samsàra, vòng luân hồi, triền miên trôi chảy vô cùng tận. Nó không bao giờ hoàn tất. Bây giờ, nếu chúng ta thông hiểu quy ước thật sự ắt chúng ta sẽ hiểu biết Giải Thoát. Nếu thấu đạt rõ ràng Giải Thoát là thế nào ắt chúng ta hiểu biết quy ước. Đó là thông hiểu Giáo Pháp. Nơi đây có hoàn tất.

Lấy thí dụ con người. Trong thực tế, con người sanh ra không có danh tánh. Khi bước vào đời chúng ta chỉ đến mình không. Nếu có tên thì cũng do quy ước. Sư đã suy gẫm về điểm nầy và thấy rằng nếu quý vị không thông hiểu chân lý của quy ước nầy ắt có thể thật sự là nguy hại. Nó chỉ là cái gì để ta thuận tiện xử dụng. Nếu không có nó chúng ta sẽ không thể thông cảm nhau, không có gì để nói, không có ngôn ngữ.

Sư đã thấy người Tây Phương ngồi thiền chung với nhau. Khi xả thiền đứng dậy, đàn ông đàn bà lẫn lộn, đôi khi người nầy vỗ đầu người kia. [12] Thấy vậy Sư nghĩ, “Ô kìa, nếu ta chấp vào quy ước ắt ô nhiễm phát sanh tại đây.” Nếu có thể buông bỏ quy ước, không cố chấp vào công luận ắt chúng ta được an lạc.

Cũng như các vị tướng lãnh, các đại tá và những công chức cao cấp, những người có địa vị xã hội, đến đây viếng Sư. Họ nói với Sư, “Bạch Sư, kính xin Sư vui lòng sờ vào đầu con”. Họ đã nói như thế thì không có gì sai lầm. Họ vui vẻ để cho Sư sờ đầu. Nhưng nếu đi ngoài đường, giữa thành phố mà vỗ vào đầu họ thì đó là câu chuyện khác! Đó là vì ta bám níu vào quy ước. Do đó Sư nghĩ rằng buông bỏ, không cố chấp, thì thật sự là đường lối an lạc. Sờ vào đầu người khác là trái với phong tục của ta. Nhưng thật sự có gì đâu. Khi mà họ đồng ý cho ta sờ đầu thì đâu có gì sai quấy. Nó cũng chỉ như mình sờ một bắp cải hay một củ khoai vậy thôi.

Chấp nhận, buông bỏ, không cố chấp, đó là đường lối nhẹ nhàng. Bất luận nơi nào mà quý vị bám chắc vào, tức “thủ”, ắt có “hữu” và “sanh” ngay tại đó. Đức Phật dạy về quy ước, và Ngài dạy “tháo gỡ”quy ước một cách chân chánh, rồi theo đó, tiến đạt đến Giải Thoát. Đó là tự do, không cố bám vào quy ước. Tất cả mọi sự vật trên thế gian đều có một thực tại quy ước. Đã thiết lập, tạo nó ra, ta không nên để nó chi phối, bởi vì để bị lạc lối trong đó thật sự là đưa mình vào đau khổ. Điểm nầy, liên quan đến những điều luật và quy ước, quả thật là tối quan trọng. Người đã vươn mình vượt qua khỏi nó là đã vượt qua khỏi khổ đau.

Tuy nhiên nó là một đặc tánh của thế gian. Hãy lấy thí dụ Ông Boonmah. Trước kia chỉ là một người tầm thường trong quảng đại quần chúng nhưng nay thì ông giữ chức Quận Trưởng. Chúc vụ chỉ là một quy ước, nhưng là một quy ước mà ta phải tôn trọng. Nó là một phần của thế gian loài người. Nếu quý vị nghĩ, “ờ, trước kia chúng mình là bạn bè cùng làm việc chung với nhau trong tiệm may”, rồi vỗ vào đầu ông ấy trước công chúng, ông ta sẽ tức giận, ông ta phật lòng vì thấy quý vị làm như vậy là sai. Như vậy, chúng ta phải sống thuận chiều theo quy ước để tránh làm cho người khác phật lòng. Thông hiểu quy ước quả thật là hữu ích, sống trong thế gian chỉ có bấy nhiêu. Phải hiểu thế nào là đúng lúc, đúng nơi, và phải biết người.

Tại sao đi ngược quy ước là sai quấy? Sai quấy vì người ta! Quý vị phải sáng suốt hiểu rõ cả hai, quy ước và Giải Thoát [13]. Nếu biết xử dụng những điều luật và những quy ước một cách nhẹ nhàng thoải mái là ta đã thuần thục tinh thông. Nhưng nếu chúng ta cố gắng giữ thái độ cao cả trong hoàn cảnh sai lầm thì đó là sai. Sai chỗ nào? Nó là sai đối với những ô nhiễm của con người, không có chỗ nào khác. Tất cả mọi người đều có ô nhiễm. Trong một hoàn cảnh nào ta phải cư xử như thế nầy, và trong hoàn cảnh khác ta phải hành động theo lối khác. Ta phải biết những lối vào và những lối ra, bởi vì chúng ta sống trong thế gian quy ước. Có nhiều vấn đề khó khăn xảy ra bởi vì con người dính mắc, bám chặt vào quy ước. Ta giả định nó là thế nầy thì nó là thế nầy. Nó là vậy bởi vì chúng ta giả định nó là vậy. Nhưng nếu chúng ta nhìn cặn kẻ tận tường, trong ý nghĩa tuyệt đối, những việc ấy không thật sự hiện hữu , không bao giờ có.

Như Sư thường hay nói, trước kia chúng ta là cư sĩ tại gia và nay là sư. Vào thuở ấy chúng ta sống trong quy ước người “cư sĩ”, và hiện giờ chúng ta sống trong quy ước của “nhà sư”. Chúng ta là nhà sư do quy ước, không phải do Giải Thoát. Lúc ban sơ chúng ta thiết lập quy ước như vậy, nhưng một người chỉ thọ giới tỳ khưu suông thì không có nghĩa là người ấy đã tiêu trừ ô nhiễm. Nếu ta hốt trong tay một nắm cát và đồng ý với nhau gọi đó là muối, điều nầy có làm cho cát trở thành muối không? Nó là muối, nhưng chỉ trong danh nghĩa, không phải trong thực tại. Ta không thể đem ra nấu ăn. Danh nghĩa “muối” chỉ dùng trong phạm vi của sự đồng ý nào đó, bởi vì thật sự nó không phải là muối, chỉ là cát. Nó chỉ trở thành muối do chúng ta giả định là vậy.

Danh từ “Giải Thoát” chính tự nó cũng chỉ là một quy ước, một danh từ, nhưng danh từ quy ước ấy hàm xúc một trạng thái vượt ra ngoài các quy ước. Đã thành tựu tự do, đã đạt đến Giải Thoát, chúng ta vẫn còn phải dùng quy ước để đề cập đến nó như Giải Thoát. Nếu không có quy ước chúng ta không thể thông cảm với nhau, như vậy nó vẫn có lợi ích của nó.

Thí dụ, tất cả mọi người đều có một cái tên riêng biệt, nhưng tất cả đều là người giống nhau. Nếu không có tên để phân biệt nhau, khi gọi người nào trong đám đông ta kêu, “Ê, người! người!” ắt không ai biết là kêu ai, không ai biết là ai phải trả lời, bởi vì tất cả đều là “người”. Bây giờ nếu ta gọi, “Ê, John!” ắt là John đến và những người khác thì không trả lời. Danh tánh chỉ để dùng như vậy. Nhờ nó mà ta có thể hiểu biết, thông cảm nhau. Nó làm cho sự giao dịch trong xã hội được dễ dàng.

Vậy, quý vị phải biết cả hai, quy ước và Giải Thoát. Quy ước có lợi ích của nó, nhưng trong thực tế không thật sự có. Chí đến con người, cũng không có! Họ chỉ là những tổ hợp các nguyên tố đất, nước, lửa, gió, sanh ra do nhân duyên, trưởng thành tùy thuộc những điều kiện trợ duyên, hiện hữu trong một thời gian, rồi tan biến theo đường lối thiên nhiên. Không ai có thể phản đối hay kiểm soát nó. Nhưng nếu không có quy ước ắt không có gì để nói, không danh tánh, không thực hành, không việc làm. Điều luật và quy ước được thiết lập để cho ta một ngôn ngữ, để làm cho sự việc được thuận tiện, và chỉ có thế.

Như tiền bạc chẳng hạn. Thuở xưa nào có tiền đồng hay tiền giấy, đồng và giấy không có giá trị gì. Người ta dùng vật liệu hay hàng hóa để đổi chác nhau, những vật liệu và hàng hóa thì kềnh càng, khó giữ. Do vậy ta mới nảy sanh ra ý kiến đổi vật liệu làm ra tiền giấy và tiền đồng. Có thể là trong tương lai sẽ có sắc lệnh của nhà vua ban truyền phải bỏ hết tiền giấy và tiền đồng mà lấy sáp nấu chảy ra rồi ép lại thành khối nhỏ. Ta gọi đó là tiền, và xử dụng khắp toàn quốc. Không cần chi đến sáp, có thể một ngày kia người ta quyết định dùng phân gà làm ra ra đồng tiền và dùng trong xứ — không gì khác có thể làm ra tiền, chỉ phân gà! Rồi người ta đánh đấm, chém giết nhau để giành giựt phẩn gà! Nó là vậy. Quý vị có thể dùng nhiều thí dụ khác nhau để hiểu rõ quy ước là như vậy. Vật liệu nào mà ta có thể xử dụng để làm ra tiền chỉ là một thí dụ về quy ước mà ta đặt để, và nó sẽ được xử dụng trong phạm vi của quy ước ấy. Sắc lệnh đã được ban hành rằng đó là tiền, thì nó trở thành tiền. Nhưng trong thực tế, tiền là gì? Không ai có thể nói. Khi có một sự đồng ý chung về điều gì, chúng ta quy định nó là vậy, và điều quy ước ấy thỏa mãn nhu cầu. Thế gian chỉ là vậy.

Đó là quy ước, nhưng làm cho một người thường am hiểu được Giải Thoát thì quả thật là khó. Tiền bạc của ta, nhà cửa của ta, gia đình của ta, con cái và thân bằng quyến thuộc của ta, tất cả chỉ là quy ước mà chúng ta đã sáng tạo, nhưng trong thực tế, dưới ánh sáng của Giáo Pháp, nó không phải là sở hữu của ta. Nghe như vậy có thể ta không vừa lòng, nhưng thực tế là như vậy. Những sự vật ấy chỉ có giá trị do những quy ước được thiết lập. Nếu ta quy định rằng nó không có giá trị thì đương nhiên nó không còn giá trị gì nữa. Nếu ta đặt để rằng nó có giá trị thì nó có giá trị. Nó là vậy. Chúng ta đưa quy ước vào thế gian để thỏa mãn một nhu cầu.

Cho đến cái thân nầy cũng không phải thật sự là của ta, ta chỉ giả định rằng nó là vậy. Trong thực tế, chỉ là giả định. Nếu quý vị cố gắng tìm một bản ngã thật sự có thực chất trong cơ thể nầy, ắt quý vị không thể tìm ra. Nó chỉ là những nguyên tố (đất, nước, lửa, gió) được sanh ra, tồn tại một lúc, rồi diệt. Tất cả mọi sự vật đều như vậy. Không có gì thật sự có thực chất trong đó, nhưng ta cần phải dùng nó. Như cái tách. Vào một lúc nào cái tách phải bể, nhưng trong khi nó còn nguyên vẹn đây, quý vị phải dùng và trông nom giữ gìn nó. Nó là vật để quý vị xử dụng. Nếu nó bể thì phiền. Vậy, dầu biết rằng nó phải bể một lúc nào, khi mà nó còn đây quý vị phải hết lòng gìn giữ. Và cũng vậy, chúng ta có bốn món vật dụng mà Đức Phật dạy tới dạy lui rằng chúng ta phải suy niệm khi dùng. Đó là bốn món vật dụng cần thiết mà một nhà sư phải nương vào đó để tiếp tục hành đạo. Ngày giờ nào còn sống quý vị phải tùy thuộc nơi nó, nhưng phải hiểu biết, không nên bám níu vào, làm khơi dậy ái dục trong tâm.

Quy ước và Giải Thoát liên tục tương quan với nhau như thế ấy. Mặc dầu chúng ta dùng quy ước, chớ nên đặt hết tin tưởng vào và xem đó là chân lý. Bám vào nó ắt có đau khổ, Trường hợp Chánh và Tà là một thí dụ rõ rệt. Vài người thấy Tà là Chánh và Chánh là Tà, nhưng thật sự cuối cùng ai thật sự biết điều nào là Chánh điều nào là Tà? Chúng ta không biết. Những người khác nhau thiết lập những quy ước khác nhau về vấn đề Chánh và Tà, nhưng Đức Phật dạy lấy đau khổ làm tiêu chuẩn. Nếu quý vị muốn tranh luận về điểm nầy, ắt không bao giờ chấm dứt. Người nầy nói “Chánh”, nguời kia nói “Tà”. Người kia nói “Tà”, người nọ nói “Chánh”. Trong thực tế ta không thật sự hiểu biết Chánh hay Tà gì hết. Tuy nhiên, trên bình diện thực dụng, chúng ta có thể gọi là Chánh điều gì không làm tổn hại đến ta và không gây tổn hại cho người khác. Bằng cách ấy ta thỏa mãn một nhu cầu.

Như vậy nói cho cùng, cả hai — điều luật, quy ước và Giải Thoát — chỉ giản dị là những pháp (dhamma). Pháp nầy cao siêu hơn pháp kia, nhưng cả hai cùng đi chung với nhau. Không cách nào ta có thể đảm bảo chắc chắn rằng một điều nào đó nhất định là giống như thế nầy hay giống như thế kia, do đó Đức Phật dạy ta chỉ để nó là vậy. Hãy để cho nó là vô định. Dầu ta có ưa thích hay ghét bỏ thế nào, nên hiểu nó là bất định.

Bất luận thời gian hoặc địa điểm nào, pháp hành sẽ hoàn tất tại nơi mà không có gì hết. Đó là địa điểm của quy hàng, của hư không, của tình trạng đặt xuống gánh nặng. Đây là mức cùng tột. Không phải như người kia bảo, “Tại sao lá cờ phất phơ trước gió? Tôi nói là vì gió.” Ngưòi khác nói là vì cờ. Người nọ cãi là vì gió. Không bao giờ chấm dứt! Cũng như thắc mắc được nêu lên từ xưa, “Con gà hay trứng gà đến trước?” Không có cách nào đạt đến một kết luận dứt khoát. Chỉ là Thiên Nhiên.

Những gì ta nói trên chỉ là quy ước tự chính ta thiết lập. Nếu quý vị hiểu biết những điều ấy với trí tuệ ắt quý vị sẽ hiểu biết Vô Thường, Khổ, Vô Ngã. Đó là cái nhìn dẫn đến Giác Ngộ.

Quý vị biết không, rèn luyện và dạy những người có trình độ hiểu biết khác biệt quả thật là rất khó. Vài người có ý kiến riêng, mình nói với họ, họ không tin mình. Quý vị nói với họ sự thật, họ bảo là không đúng sự thật. “Tôi nói đúng, quý vị sai …” Không đi đến đâu. Không bao giờ chấm dứt. Nếu quý vị không buông bỏ ắt có đau khổ. Trước đây Sư có thuật cho quý vị nghe câu chuyện bốn người vào rừng. Họ nghe tiếng gà gáy, “Kak-ka … cheh”. Một người trong đám hỏi, “Đó là gà trống hay gà mái? ” Ba người kia đồng ý là gà mái, nhưng người nọ không chịu, nhất định là gà trống. Người ấy hỏi, “Gà mái làm sao gáy được như vậy.” Ba người cãi lại, “Thì nó cũng có mỏ vậy.” Họ cãi qua cãi lại cho đến chảy nước mắt, nước mũi, thật là phiền muộn, thật là bực mình vì câu chuyện gà gáy, nhưng rồi tất cả đều sai. Dầu quý vị gọi là gà trống hay gà mái, đó chỉ là danh từ, một tiếng gọi. Chúng ta đặt ra những quy ước cho rằng gà trống là như thế nầy, và gà mái là như thế kia. Gà trống gáy như thế nầy, gà mái gáy như thế kia … và vì đó mà ta dính kẹt trong thế gian! Hãy ghi nhớ điều ấy! Đúng ra, nếu quý vị chỉ nói rằng thật sự không có gà mái và không có gà trống thì đâu đó chấm dứt, hết chuyện. Trong phạm vi thực tại quy ước có một đàng là phải, đàng khác là sai, nhưng sẽ không bao giờ có sự đồng ý hoàn toàn. Tranh luận cho đến chảy nước mắt cũng vô ích.

Đức Phật dạy không nên cố chấp. Tự rèn luyện thế nào để không cố chấp? Chỉ giản dị luyện tập từ bỏ, không bám níu, nhưng cái “không bám níu” ấy quả thật là rất khó hiểu. Phải có trí tuệ sắc bén để quán chiếu thâm sâu và thấu hiểu tận tường mới thật sự hoàn thành đức hạnh “không bám níu”. Hãy suy tư về điểm nầy. Người ta thỏa thích hay sầu muộn, hoan hỷ hay bực dọc, không phải vì có ít hay có nhiều — mà do có trí tuệ hay không. Ta chỉ có thể vượt qua tất cả mọi ưu sầu phiền muộn bằng trí tuệ, bằng cách nhận thức thực tướng của sự vật.

Do đó Đức Phật kêu gọi chúng ta nên quán chiếu và suy niệm. Suy niệm nầy chỉ là cố gắng giải quyết các vấn đề ấy một cách thích nghi. Đó là pháp hành của chúng ta. Như sanh, lão, bệnh, tử — là những diễn biến tự nhiên, xảy đến mọi người. Đức Phật dạy nên suy niệm về sanh, lão, bệnh, tử nhưng vài người không hiểu, “Có gì đâu mà suy niệm?” Họ bảo vậy. Họ được sanh ra, mà không hiểu sanh là gì. Họ sẽ chết nhưng không hiểu chết là như thế nào.

Người thường xuyên quán chiếu những hiện tượng ấy sẽ thấy. Đã nhận thấy, họ từ từ giải quyết những vấn đề khó khăn của họ. Cho dù người ấy vẫn còn luyến ái, nếu có trí tuệ và trông thấy rằng già, bệnh, chết là con đường của Thiên Nhiên thì đau khổ cũng suy giảm. Chúng ta học Giáo Pháp chỉ để có bấy nhiêu — chữa bệnh đau khổ. Căn bản của Phật Giáo thật ra chỉ có chừng ấy — chỉ có sanh và diệt của đau khổ, và đó là điều mà Đức Phật gọi là Chân Lý. Sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ. Người ta không thấy đau khổ là Chân Lý. Nếu ta thông hiểu Chân Lý ắt hiểu biết đau khổ.

Hãnh diện bênh vực những ý kiến riêng tư của mình, những cuộc tranh luận ấy không bao giờ chấm dứt. Để giữ cho tâm được an nghĩ, để tìm an lạc thanh bình, chúng ta phải suy niệm về quá khứ, hiện tại và những gì còn tích trữ, dành để cho ta. Như sanh, lão, bệnh, tử. Ta có thể làm sao để tránh khỏi phải bị những điều ấy làm phiền lụy? Dầu còn chút ít lo âu, nếu chúng ta quán chiếu cho đến khi thấu hiểu đúng chân lý, tất cả mọi đau khổ ắt suy giảm, và chúng ta sẽ không còn ôm ấp vấn vương nó nữa.

-ooOoo-

AUDIOS CÁC BÀI PHÁP

BÀI VIẾT TRONG CUỐN SÁCH

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app