Điều hòa trên con đường
… Với chánh định, bất luận tầng lớp vắng lặng nào mà ta thành đạt, cũng có sự hay biết. Có chú niệm đầy đủ và hiểu biết rõ ràng. Đó là tâm định có thể làm phát sanh trí tuệ, ta không thể bị lạc lối trong đó. Hành giả phải hiểu biết đúng như vậy …
Hôm nay Sư muốn hỏi tất cả quý vị, “Quý vị đã chắc chắn chưa, quý vị đã vững lòng tin chắc nơi pháp hành thiền của mình chưa? Sở dĩ Sư hỏi như vậy là vì hiện nay có rất nhiều người dạy thiền, xuất gia có mà cư sĩ cũng có, và Sư e sợ rằng quý vị có thể hoang mang và hoài nghi. Nếu thấu hiểu rõ ràng, ta có thể làm cho tâm trở nên an lạc và vững chắc, không chao động.
Quý vị phải hiểu rằng Bát Chánh Đạo là Giới, Định, và Tuệ. Keo gọn lại con đường thì nó chỉ đơn giản là như vậy. Pháp hành của chúng ta là làm cho con đường ấy phát sanh bên trong mình.
Khi ngồi thiền chúng ta được dạy nên nhắm mắt lại, không nhìn gì khác, bởi vì chúng ta sắp sửa nhìn thẳng vào tâm. Khi nhắm mắt, sự chú tâm sẽ hướng vào bên trong. Chúng ta đặt sự chú tâm vào hơi thở, tập trung những cảm giác của mình vào đó, niệm hơi thở. Đến lúc các yếu tố của con đường điều hợp tốt đẹp ta sẽ có thể thấy hơi thở, những cảm giác, tâm, và những trạng thái của nó đúng như thật sự nó là vậy. Nơi đây ta sẽ thấy “điểm tập trung”, nơi mà định (samàdhi) và các yếu tố khác của con đường tụ hội một cách điều hoà.
Khi ngồi lại hành thiền, theo dõi hơi thở, hãy nghĩ thầm rằng hiện thời mình đang ngồi đơn độc một mình. Quanh mình không có ai ngồi. Không có gì cả. Hãy cảm nghĩ rằng ta đang ngồi một mình, cho đến khi tâm không còn nghĩ ngợi gì đến ngoại cảnh, chỉ chăm chú vào hơi thở mà thôi. Nếu ta nghĩ, “Người nầy ngồi đây, người kia ngồi chỗ kia”, ắt không có an lạc, tâm không hướng vào trong. Hãy gạt bỏ tất cả những suy tư nghĩ ngợi ấy qua một bên cho đến khi cảm nghe rằng không có ai ngồi quanh mình, cho đến khi không còn gì hết, cho đến khi tâm không còn giao động hay bận bịu đến cảnh vật bên ngoài.
Hãy để cho luồng hơi thở trôi chảy tự nhiên, không nên ép nó phải ngắn hay dài, hay như thế nào khác. Chỉ ngồi theo dõi, trông chừng hơi vào, hơi ra. Khi tâm buông bỏ, không chú trọng đến những cảm kích từ bên ngoài đến, thì tiếng động của xe hay những âm thanh tương tợ không còn khuấy động ta nữa. Không có gì, dầu tiếng động hay hình thể, làm cho ta giao động bởi vì tâm không còn cảm nhận nó nữa. Sự chú tâm của ta đã nhập vào cùng với hơi thở là một.
Nếu tâm còn vọng động và không thể tập trung vào hơi thở, hãy thở vào thật dài, thật sâu, rồi từ từ thở ra cho hết, chí đến khi không còn hơi trong lồng ngực. Làm như vậy ba lần, rồi trở lại chú niệm bình thường. Tâm sẽ an trụ trở lại.
Tâm sẽ an trụ một lúc rồi phóng dật, vọng động trở lại, điều đó cũng là tự nhiên. Khi trường hợp như vậy xảy ra, hãy thở hơi thật dài, thật sâu như trước và tâm luôn luôn theo dõi luồng hơi. Cứ tiếp tục làm như vậy. Lặp đi lặp lại nhiều lần, tâm sẽ quen, trở nên thuần thục, và sẽ buông bỏ. Ngoại cảnh không còn lẻn nhập vào tâm. Chú niệm (sati) sẽ kiên cố vững chắc. Khi tâm trở nên tế nhị, hơi thở càng tinh vi. Cảm xúc càng lúc càng trở nên vi tế, thân tâm sẽ nhẹ nhàng. Sự chú tâm của ta hoàn toàn hướng vào bên trong. Ta nhận thấy hơi thở ra thở vào một cách rõ ràng, và thấy rõ ràng những cảm xúc. Ta sẽ thấy Giới, Định và Tuệ cùng hợp chung lại. Đó gọi là Con Đường Trong Trạng Thái Điều Hòa. Tâm không còn vọng động mà tập trung lại làm một. Hiện tượng nầy được gọi là samàdhi, định.
Sau khi theo dõi hơi thở một thời gian lâu có thể hành giả nhận thấy rằng luồng hơi thở trở nên rất tế nhị, càng lúc càng tế nhị hơn … và tình trạng “hay biết hơi thở” dần dần chấm dứt, chỉ còn hay biết suông. Luồng hơi mất hẳn! Có thể hành giả “chỉ ngồi đó”, mà dường như không còn thở gì hết. Trong thực tế, vẫn còn thở, nhưng dường như không còn gì hết. Đó là vì tâm đã đạt đến mức độ vô cùng vi tế, đã vượt ra ngoài hơi thở, chỉ còn sự hay biết. Lúc bấy giờ hành giả hiểu biết luồng hơi thở đã tan biến, và sự hiểu biết nầy đã được ổn định. Hơi thở đã mất, bây giờ phải lấy gì làm đề mục hành thiền? Ta chỉ lấy sự hiểu biết ấy làm đề mục, tức hay biết rằng không còn hơi thở.
Đến đây nhiều hiện tượng bất ngờ có thể xảy dến hành giả; vài vị chứng nghiệm, vài vị không. Nếu có xảy đến, ta phải giữ chánh niệm vững chắc và dũng mãnh. Vài người thấy mất hơi thở thì phát sợ, họ sợ có thể chết. Nơi đây ta phải thấu hiểu hoàn cảnh cho đúng. Chỉ đơn giản ghi nhận rằng không còn hơi thở, và lấy trạng thái không có hơi thở ấy làm đề mục hành thiền. Ta có thể nói rằng đó là loại định vững vàng và chắc chắn nhất. Chỉ còn một trạng thái tâm vững chắc, không chao động. Có thể hành giả cảm nghe thân mình nhẹ nhàng dường như không có thân, hay cảm nghe như mình ngồi trong hư không, tất cả như trống rỗng. Mặc dầu điều ấy có thể hình như bất thường, quý vị phải hiểu rằng không có gì đáng lo sợ. Hãy giữ tâm kiên cố như vậy.
Khi tâm đã vững chắc an trụ, không bị cảm xúc nào khuấy động, ta có thể ở trong trạng thái nầy bao lâu cũng được. Những cảm giác đau nhức trong cơ thể không còn làm bận rộn nữa. Khi tâm định tiến đạt đến mức độ nầy ta có thể xuất thiền bất cứ lúc nào theo ý muốn, rời trạng thái định một cách thoải mái, không phải vì mệt mỏi hay vì chán nản. Chúng ta xuất ra khỏi định bởi vì thấy rằng giờ đây như vậy đã đủ, xuất ra trong tình trạng thoải mái dễ chịu, không có gì bận rộn.
Nếu ta có thể phát triển loại tâm định nầy và ngồi, thí dụ như nửa giờ hay một giờ, tâm sẽ trở nên mát mẻ và vắng lặng trong nhiều ngày. Khi tâm mát mẻ và vắng lặng như vậy thì nó trong sạch. Bất cứ gì mà ta chứng nghiệm tâm sẽ quan sát tỉ mỉ. Đó là thành quả của tâm định.
Giới có một tác dụng, Định có một tác dụng, và Tuệ có một tác dụng khác nữa. Những yếu tố ấy cũng như một bánh xe. Ta có thể thấy đầy đủ tất cả trong cái tâm an lạc thanh bình. Khi tâm vắng lặng nó cũng an trụ và thu thúc, do trí tuệ và năng lực của định. Tâm càng an trụ tốt đẹp càng trở nên vi tế hơn. Năng lực của trạng thái tâm vi tế giúp cho giới hạnh mạnh mẽ vững chắc và do đó, càng trong sạch hơn. Giới thanh tịnh giúp phát triển định. Tâm định kiên cố giúp phát sanh trí tuệ. Giới, Định và Tuệ trợ giúp lẫn nhau và tương quan hỗ trợ như thế ấy. Cuối cùng Con Đường trở thành một, và luôn luôn tác động. Chúng ta phải xem chừng năng lực phát sanh từ Con Đường bởi vì đó là sức mạnh dẫn đến giác ngộ và trí tuệ. [4]
Về Những Hiểm Họa Của Tâm Định
Tâm định (samàdhi) có thể đem lại nhiều tai hại cũng như nhiều lợi ích đến hành giả. Ta không thể nói quả quyết điều nầy hay điều nọ. Đối với người không có trí tuệ thì có hại, nhưng với người có trí tuệ thì tâm định đem lại nhiều lợi ích thật sự. Tâm định có thể đưa đến Tuệ Minh Sát.
Điều có thể gây tai hại lớn lao nhất cho hành giả là các tầng Thiền (Jhàna), tâm định với trạng thái vắng lặng vững chắc và thâm sâu. Tâm định nầy đem lại rất nhiều an lạc. Khi có an lạc là có thỏa thích. Khi thỏa thích ắt có luyến ái, dính mắc, và bám níu chặt chẽ vào sự thỏa thích ấy. Hành giả không còn muốn quán chiếu gì khác nữa mà chỉ thỏa thích trong thọ cảm nhàn lạc mà mình đang hưởng. Khi hành thiền lâu ngày chúng ta có thể dễ dàng nhập vào trạng thái định nầy một cách mau lẹ. Vừa bắt đầu ghi nhận đề mục là tâm trở nên vắng lặng, và ta không muốn rời khỏi nó để quán chiếu gì khác. Ta chỉ dính kẹt trong thỏa thích ấy. Đó là mối nguy hại có thể đến với người hành thiền.
Ta phải dùng cận định (upacàra samàdhi). Nơi đây, nhập vào trạng thái vắng lặng, và khi tâm đã đủ vắng lặng thì ta ra ngoài và nhìn vào “sinh hoạt bên ngoài” [5]. Nhìn ngoại cảnh với tâm vắng lặng sẽ giúp phát sanh trí tuệ. Điều nầy khó hiểu một cách rõ ràng bởi vì nó cũng gần giống nhau, cũng tương tợ như ta suy tư và tưởng tượng thường ngày. Khi suy tư, ta có thể nghĩ rằng tâm không an lạc, nhưng trong thực tế suy tư nầy nằm bên trong vắng lặng. Có quán chiếu, nhưng vắng lặng không bị khuấy động. Ta có thể làm nổi bật ý nghĩ hay sự suy tư ấy lên để quán chiếu nó. Nơi đây, ta khơi dậy ý nghĩ lên để quan sát, tìm hiểu nó, chớ không phải suy tư buông lung, không có mục tiêu, cũng không phải đoán chừng. Nó là cái gì phát sanh từ tâm an lạc thanh bình. Điều nầy được gọi là “hay biết bên trong vắng lặng, và vắng lặng bên trong hay biết.” Nếu chỉ là suy tư thông thường và tưởng tượng thì tâm ắt không an lạc mà sẽ chao động. Nhưng nơi đây Sư không đề cập đến suy tư thông thường, đây là cảm giác phát sanh từ cái tâm thanh bình an lạc. Đó là “quán niệm”. Trí tuệ phát sanh ngay từ đây.
Như vậy, có thể có chánh định và tà định. Tà định là khi nào tâm lắng vào trạng thái vắng lặng mà không có sự hay biết gì hết. Ta có thể ngồi trong hai tiếng, hoặc ngồi cả ngày đi nữa, nhưng tâm không biết mình ở đâu hay điều gì đã xảy ra. Không biết gì hết. Có vắng lặng, nhưng chỉ có chừng đó. Cũng giống như một lưỡi dao đã được mài giũa thật bén nhưng ta không màng dùng vào việc gì. Đó là một loại vắng lặng si mê, bởi vì không tự biết mình. Lúc bấy giờ hành giả có thể nghĩ rằng mình đã đạt đến tột đỉnh và không màng tìm kiếm gì khác. Trong trường hợp nầy thì định (samàdhi) có thể là người thù. Trí tuệ không thể phát sanh bởi vì không có sự hay biết điều nào là đúng, điều nào sai.
Với Chánh Định, dầu ở tầng lớp vắng lặng nào mà ta đạt đến, luôn luôn có sự hay biết. Có niệm đầy đủ và hay biết rõ ràng. Đó là tâm định có khả năng giúp cho trí tuệ phát khởi, ta không thể lạc lối trong đó. Người hành thiền phải thấu hiểu chắc chắn điều nầy. Không có sự hay biết quý vị không thể thành công. Phải hay biết từ đầu đến cuối. Loại định nầy không nguy hại.
Quý vị có thể thắc mắc, tự hỏi vậy lợi ích phát sanh ở đâu, trí tuệ phát sanh như thế nào, có phải từ tâm định không? Khi chánh định đã được trau giồi và phát triển đầy đủ thì trí tuệ có thể phát khởi bất luận lúc nào. Khi mắt nhìn thấy hình thể, tai nghe âm thanh, mũi hửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý chứng nghiệm cảm xúc — dầu ở trong oai nghi nào — tâm vẫn luôn luôn hay biết đầy đủ bản chất thật sự của những thọ cảm ấy và không đeo níu theo. Khi tâm có trí tuệ dầu ở trong oai nghi nào, chúng ta hay biết đầy đủ sự phát sanh hạnh phúc và đau khổ. Chúng ta buông bỏ cả hai, không bám níu vào cái nào. Đó là hành đúng chánh pháp trong tất cả oai nghi. Những danh từ “tất cả oai nghi” không phải chỉ hàm xúc những oai nghi của thân như đi, đứng, nằm, ngồi mà còn chỉ cái tâm, trong tất cả trạng thái tâm, luôn luôn chú niệm và hay biết rõ ràng chân lý. Khi định được phát triển và trau giồi chân chánh thì trí tuệ phát sanh như thế ấy. Đó là Tuệ Minh Sát, tình trạng thấu triệt chân lý.
Có hai loại an lạc — loại thô kịch và loại vi tế. An lạc phát sanh từ tâm định là loại thô. Khi tâm an lạc ắt có thỏa thích, hạnh phúc. Tâm lầm tưởng hạnh phúc ấy là an lạc. Nhưng hạnh phúc và đau khổ là “hữu”, sự trở thành và “sanh”. Không thoát ra khỏi vòng luân hồi, samsàra, bởi vì chúng ta còn bám níu vào nó. Như vậy, hạnh phúc không phải là an lạc, an lạc không phải là hạnh phúc.
Loại hạnh phúc kia phát sanh từ trí tuệ. Nơi đây chúng ta không còn lẫn lộn an lạc với hạnh phúc. Chúng ta thấu triệt cái tâm quán chiếu hạnh phúc và đau khổ. Trạng thái an lạc phát sanh từ trí tuệ không phải là hạnh phúc mà là cái gì nhận thấy chân lý của cả hai, hạnh phúc và đau khổ. Không có sự bám níu vào hai trạng thái ấy, tâm đã vượt lên cao hơn tầng lớp hạnh phúc và đau khổ. Đó là mục tiêu cứu cánh của tất cả những pháp hành trong Phật Giáo.
-ooOoo-
AUDIOS CÁC BÀI PHÁP
BÀI VIẾT TRONG CUỐN SÁCH
- Audios Các Cuốn Sách Nổi Tiếng Ngài Ajahn Chahn Viết (Phần 2)
- An Lạc vượt ngoài thế gian – THIỀN SƯ AJAHN CHAH
- Hương Vị Giải Thoát – Thiền Sư Ajahn Chah – Lời Nói Đầu
- Hương Vị Giải Thoát – Về Cái Tâm Này & Pháp Hành Thiền – Thiền Sư Ajahn Chah
- Hương Vị Giải Thoát – Điều Hoà Trên Con Đường & Những Hiểm Họa Của Tâm Định
- Hương Vị Giải Thoát – Trung Đạo Bên Trong – Thiền Sư Ajahn Chah
- Hương Vị Giải Thoát – An Lạc Vượt Ngoài Thế Gian – Thiền Sư Ajahn Chah
- Hương Vị Giải Thoát – Khai Thông Pháp Nhãn – Thiền Sư Ajahn Chah
- Hương Vị Giải Thoát – Quy Ước & Giải Thoát – Thiền Sư Ajahn Chah
- Hương Vị Giải Thoát – Không Nơi Ẩn Náu – Thiền Sư Ajahn Chah
- Hương Vị Giải Thoát – Chánh Kiến – Nơi An Trú Mát Mẻ – Thiền Sư Ajahn Chah