Hương Vị Giải Thoát – Chánh Kiến – Nơi An Trú Mát Mẻ – Thiền Sư Ajahn Chah

Chánh kiến — nơi an trú mát mẻ

… Chúng ta bất mãn, không bằng lòng, vì mang nặng Tà Kiến. Vì không tập luyện thu thúc lục căn chúng ta phiền trách ngoại cảnh làm cho mình đau khổ … ẩn náu chân chánh của chư sư, nơi an trú mát mẻ, chính là Chánh Kiến. Chúng ta không nên tìm ở đâu khác …

Thực hành Giáo Pháp là đi ngược dòng những thói quen của ta, chân lý đi ngược chiều những tham vọng của chúng ta, do đó thực hành Giáo Pháp quả thật là khó. Một vài sự việc mà ta hiểu là sai có thể là đúng, trong khi những điều mà ta nghĩ là đúng lại có thể sai. Tại sao vậy? Bởi vì tâm của ta ở trong đêm tối, chúng ta không thấy rõ Chân Lý. Chúng ta thật sự không hiểu gì và bị tánh gian dối của người đời phỉnh gạt. Họ chỉ điều chân chánh, bảo là sai lầm, và chúng ta tin thật. Điều sai lầm, họ nói là đúng, và ta tin. Đó là bởi vì ta chưa làm chủ được chính ta. Những cảm xúc vui buồn luôn luôn phỉnh lừa ta. Chúng ta không nên lấy cái tâm nầy và những ý kiến của nó làm kim chỉ nam để nó hướng dẫn ta trên đường đời, bởi vì nó không thấu hiểu chân lý.

Vài người không muốn nghe lời ai cả, nhưng đó không phải là đường lối sáng suốt. Người có trí tuệ lắng nghe tất cả. Người nghe Giáo Pháp phải một mực chăm chú lắng nghe dầu có ưa thích cùng không, và không vội nhắm mắt tin càng, cũng không vội bác bỏ một cách mù quáng. Phải ở nửa đường, vào điểm giữa, và không hờ hững buông lung. Người ấy chỉ lắng nghe rồi suy gẫm, để cho thành quả thích nghi của suy tư khởi phát.

Người có trí tuệ phải suy gẫm về những gì mình nghe và trước khi tin cùng không, phải tự mình nhận thấy nguyên nhân và hậu quả. Dầu vị thầy nói đúng mà tự chính mình chưa rõ được chân lý thì cũng không nên vội tin chỉ vì mình nghe vậy. Phải tự mình thấu hiểu rõ ràng rồi mới tin.

Điều nầy phải được áp dụng cho tất cả, cho đến Sư cũng vậy. Sư đã có thực hành trước quý vị, trước đây Sư đã có thấy nhiều điều gian dối. Thí dụ, “Pháp hành nầy quả thật là khó, thật sự là cam go.” Tại sao pháp hành nầy khó? Chỉ vì chúng ta suy tư sai lầm, chúng ta có Tà Kiến.

Trước đây Sư sống với nhiều vị sư khác, nhưng không cảm nghe rằng sống như vậy là đúng. Sư bỏ đi vào rừng và lên núi, lẫn trốn đám đông các nhà sư và các chú sa di. Sư nghĩ rằng họ không giống Sư, không chịu khó chuyên cần như Sư. Họ chểnh mảng, không dốc lòng hành đạo. Người nầy thì như thế nầy, người kia như thế kia. Đó là điều thật sự làm cho Sư bận rộn tâm trí và đó là nguyên nhân làm cho Sư luôn luôn bỏ chạy. Tuy nhiên, dầu ở một mình hay ở chung với những người khác Sư vẫn không an lạc. Sống đơn độc, Sư không bằng lòng. Sống với đông đảo chư sư, Sư cũng không bằng lòng. Sư nghĩ rằng tình trạng bất mãn ấy là do những người đồng tu với mình, do những cảm xúc buồn vui của mình, vì chỗ ở, vì vật thực, vì khí hậu, vì cái nầy, vì cái kia … Sư luôn luôn chạy tìm điều gì thích nghi với tâm tánh mình.

Lúc bấy giờ Sư là nhà sư thực hành hạnh đầu đà dhùtanga [16], Sư đi hành đạo nơi nầy nơi khác, nhưng sự vật vẫn chưa phải là đúng theo ý. Rồi Sư mới suy gẫm, ” Giờ đây ta phải làm gì để tạo hoàn cảnh thích nghi? Ta có thể làm gì? Sống chung với đông người ta không thỏa mãn, với ít người ta không bằng lòng. Tại sao vậy? Sư không thể tìm ra lý do. Tại sao Sư không thỏa mãn? Bởi vì lúc bấy giờ Sư còn Tà Kiến, nhận thức sai lầm, chỉ có thế; bởi vì Sư còn cố bám vào Tà Pháp. Bất cứ đi đâu Sư cũng không bằng lòng, nghĩ rằng, “Nơi nầy không tốt, chỗ kia không tốt …” mãi mãi như vậy. Sư trách móc người khác, đổ lỗi cho thời tiết nóng quá hay lạnh quá, Sư đổ lỗi cùng hết! Cũng giống như con chó dại. Gặp đâu cắn đó, bởi vì nó điên. Khi mà tâm là như vậy thì pháp hành của ta không bao giờ được kiên cố vững vàng. Hôm nay cảm nghe thoải mái dễ chịu, ngày mai bực bội ưu phiền. Luôn luôn như vậy. Không bao giờ thấy bằng lòng hay an lạc.

Ngày kia Đức Phật thấy con chó rừng từ chỗ nó ở trong rừng chạy ra. Nó đứng yên một lúc. Bỏ chạy vào bụi rậm, rồi chạy trở lại. Rồi chạy vào một bọng cây, và chạy ra. Chạy vào hang đá, cũng để rồi chạy ra. Đứng yên một chút là bỏ chạy, chạy rồi nằm xuống, rồi nhảy dựng lên … chó bị con vét đeo. Khi chó ở yên thì vét cắn hút máu, vì thế nó phải chạy hoài. Chạy, nhưng nghe không thoải mái nên nằm, và rồi nhảy lên trở lại, chạy vào bụi rậm, vào bọng cây, vào hang đá, không bao giờ ở yên.

Đức Phật dạy, “Nầy chư tỳ khưu, hồi trưa nầy các con có thấy con chó rừng đó không? Đứng yên, nó đau khổ. Chạy, nó đau khổ. Nằm, nó đau khổ. Ở trong bụi rậm, trong bọng cây, trong hang đá, nó vẫn đau khổ. Nó phiền trách vì tại đứng nên không thoải mái. Nó than van vì tại ngồi, tại chạy, tại nằm, nên khó chịu. Nó đổ lỗi cho bụi rậm, cho bọng cây và hang đá. Trên thực tế, vấn đề không phải do những vật ấy. Con chó bị vét đeo, hút máu. Vấn đề là vét.

Chúng ta, các nhà sư, cũng giống như con chó rừng ấy. Chúng ta bất mãn, không bằng lòng vì mang nặng Tà Kiến. Vì không tu luyện pháp thu thúc lục căn, chúng ta phiền trách ngoại cảnh làm cho mình đau khổ. Dầu chúng ta sống ở Wat Pah Pong, ở Mỹ hay ở Anh quốc ta vẫn bất toại nguyện. Giờ đây đi sống ở Bung Wai (Thiền Viện Quốc Tế) hay ở một tu viện nào khác, ta vẫn không toại nguyện. Tại sao? Bởi vì từ bên trong ta vẫn còn ôm ấp Tà Kiến. Chỉ có thế! Đi bất cứ đâu ta vẫn không bằng lòng.

Tuy nhiên, cũng giống như con chó rừng, nếu trị được con vét thì dầu ở đâu chó cũng bằng lòng. Ta cũng vậy, Sư rất thường suy tư và thường dạy quý vị về điểm nầy bởi vì nó vô cùng thiết yếu. Nếu chúng ta thấu rõ chân lý của những cơn buồn vui của ta ắt ta sẽ đạt đến trạng thái tự tại, bằng lòng. Dầu trời nóng nực hay lạnh lẽo ta cũng bằng lòng, ở chung chỗ đông hay ít người ta cũng bằng lòng. Tình trạng bằng lòng hay không, không phải tùy thuộc nơi số người nhiều hay ít cùng ở chung, mà do Chánh Kiến. Đã có Chánh Kiến thì ở đâu ta cũng bằng lòng.

Nhưng phần đông chúng ta có Tà Kiến. Cũng giống như con giòi! Chỗ ở của con giòi rất là bẩn thỉu. Thức ăn của giòi thật là dơ dáy … nhưng đó là thức ăn và chỗ ở thích hợp với giòi. Nếu quý vị lấy cái que hay cọng chổi phủi nó ra khỏi đống phẩn, nó sẽ sống chết cố gắng bò trở lại vào đó. Cùng thế ấy, thầy dạy chúng ta phải nhận thức đúng. Chúng ta phản đối vì điều ấy làm cho ta cảm nghe không thoải mái. Chúng ta quày trở lại “đống phẩn”, bởi vì nơi đó chúng ta cảm nghe thoải mái dễ chịu. Tất cả chúng ta đều là vậy! Nếu không thấy được hậu quả tai hại của tất cả những quan kiến sai lầm của chúng ta, ta không thể rời bỏ nó, pháp hành quả thật là khó. Như vậy ta nên lắng nghe. Pháp hành không có gì khác.

Nếu có Chánh Kiến thì bất luận đi đâu ta vẫn bằng lòng. Sư đã có hành, có kinh nghiệm và thấy rõ như vậy. Giờ đây có rất nhiều vị sư, sa di và nhiều người cư sĩ đến viếng Sư. Nếu Sư vẫn còn chưa thấu rõ, nếu còn giữ Tà Kiến ắt Sư chết ngay bây giờ. Nơi ẩn náu chân chánh của chư sư, nơi an trú mát mẻ chính là Chánh Kiến. Không nên tìm ở đâu khác.

*

Vậy, mặc dầu quý vị có thể cảm nghe không hài lòng, điều đó không thành vấn đề. Trạng thái không vừa lòng vốn không ổn định vững bền. Có phải trạng thái bất toại nguyện ấy là “chính quý vị”, là cái “bản ngã” của quý vị không? Trong trạng thái ấy có chi thực chất không? Có thực sự hiện hữu không? Sư không thấy nó thật sự hiện hữu chút nào. Trạng thái bất toại nguyện chỉ là một nhoáng cảm giác phát hiện thoáng qua rồi tan biến. Hạnh phúc cũng vậy. Có cái chi là thực chất trong hạnh phúc không? Nó có thật sự là một thực thể không? Nó chỉ là một cảm giác bỗng nhiên thoáng qua rồi tan biến. Đó! Sanh rồi diệt, Tình thương chỉ một chớp nhoáng trong khoảnh khắc, rồi biến mất. Thực chất của tình thương, sân hận, buồn phiền ở đâu? Trong thực tế không có thực thể thuần chất trong đó. Nó chỉ là những cảm giác nhoáng chớp lên trong tâm và tan biến. Lúc nào nó cũng phỉnh lừa gạt gẫm ta, không có nơi nào tìm thấy cái gì bền vững, chắc chắn, ổn định. Như Đức Phật dạy, khi điều bất hạnh, trạng thái không toại nguyện, phát sanh, nó tồn tại nhất thời rồi tan biến. Khi bất hạnh tan biến, hạnh phúc phát sanh, tồn tại một lúc, rồi hoại diệt. Khi hạnh phúc hoại diệt, bất hạnh phát sanh trở lại — mãi mãi triền miên như vậy.

Cuối cùng chúng ta có thể nói — ngoài sự sanh, sự sống và sự chết của Đau Khổ, không có gì hết. Chỉ có bấy nhiêu. Nhưng chúng ta si mê, chạy theo và mãi mãi bám níu. Chúng ta không bao giờ thấy sự thật, không bao giờ nhận thức rằng chỉ có trạng thái biến đổi liên tục nối tiếp. Nếu thấu rõ như vậy, ta không cần phải suy tư nhiều, nhưng có nhiều trí tuệ. Nếu không thấu hiểu, ta phải suy tư nhiều hơn là có trí tuệ — và chưa chừng không có trí tuệ gì hết. Chỉ đến chừng nào thật sự nhận thức hậu quả tai hại của hành động mình, chúng ta mới có thể buông bỏ. Cùng thế ấy, chỉ đến chừng nào nhận thức lợi ích thiết thực của pháp hành, chúng ta mới có thể thực hành, và bắt đầu gia công làm cho tâm trở nên “tốt”.

*

Nếu ta cưa một khúc gỗ và bỏ xuống sông, và nếu khúc gỗ không chìm xuống đáy, hoặc không hư thúi, hoặc bị trôi tấp vào bờ, thì chắc chắn nó sẽ trôi luôn ra biển cả. Pháp hành của chúng ta cũng giống vậy. Nếu quý vị hành đúng theo con đường mà Đức Phật chỉ vạch, theo đúng con đường quý vị sẽ vuợt khỏi hai điều. Hai điều gì? Đó là hai cực đoan mà Đức Phật dạy là không phải con đường của người hành thiền chân chánh — Dể duôi, buông lung trong Dục Lạc và buông lung trong Đau Khổ. Đó là hai bờ của con sông. Bờ bên nầy là sân hận, bờ bên kia là tình thương. Hoặc nữa, quý vị có thể nói một bờ là hạnh phúc và bờ bên kia là đau khổ. Khúc gỗ là cái tâm nầy. Trong khi “chảy trôi theo dòng nước của con sông”, nó sẽ chứng nghiệm hạnh phúc và đau khổ. Nếu tâm không vướng mắc hay bám níu vào hạnh phúc và đau khổ, nó sẽ trôi chảy đến tận “biển cả”. Quý vị phải thấy rằng không có gì khác hơn là hạnh phúc và đau khổ phát sanh và tan biến. Nếu không “trôi tấp” vào trong đó ắt quý vị đã ở trên con đường của người hành thiền chân chánh.

Đó là Giáo Huấn của Đức Phật. Hạnh phúc và đau khổ, tình thương và sân hận, chỉ được thiết lập trong Thiên Nhiên, thuận chiều theo Định Luật của Thiên Nhiên, vốn bất di bất dịch. Người có trí tuệ không đi theo nó, không khuyến khích hay khơi động nó, người ấy không vướng mắc hay bám níu vào nó. Đó là cái tâm buông bỏ cả hai cực đoan, Lợi Dưỡng trong Dục Lạc và Lợi Dưỡng trong Đau Khổ. Đó là pháp hành chân chánh. Cũng chỉ như khúc gỗ suông sẻ chảy trôi thẳng đường ra tận biển cả, cùng thế ấy tâm mà không dính mắc trong hai cực đoan chắn chắn sẽ đạt đến An Lạc.

Kết luận

… Quý vị có biết đến đâu nó sẽ chấm dứt không? Hay là quý vị chỉ tiếp tục mãi mãi học như vậy? … Hoặc nữa, nó phải chấm dứt ở một điểm nào chăng? … Cũng được, nhưng đó là khảo sát bề ngoài. Không phải nghiên cứu bên trong, Muốn khảo sát, học hỏi bên trong quý vị phải tìm hiểu mắt nầy, tai nầy, mũi nầy, lưỡi nầy, thân nầy, và tâm nầy. Đó mới thật sự là môn học. Học trong sách chỉ là học bề ngoài, thật sự khó mà đi đến tận cùng, khó hoàn tất viên mãn.

Khi mắt thấy hình thể, hiện tượng gì xảy ra? Khi tai nghe âm thanh, mũi hửi mùi, lưỡi nếm vị, điều gì phát sanh? Khi thân tiếp chạm với đối tượng của nó và khi tâm giao tiếp với pháp thì có phản ứng gì? Vẫn còn tham, sân, si nữa chăng? Ta có bị lạc lối trong hình thể, âm thanh, mùi, vị, vật thể và những cảm xúc buồn vui chăng? Đó là học bên trong. Môn học nầy thì có điểm chấm dứt.

Nếu học mà không hành ắt sẽ không gặt hái thành quả gì. Cũng như người chăn bò. Sáng sớm dắt bò ra đồng ăn cỏ, rồi chiều lùa trở về chuồng — nhưng người ấy không bao giờ uống sữa bò. Học thì tốt, nhưng chớ nên để pháp học của mình giống như vậy. Quý vị phải chăn bò và cũng uống sữa bò nữa. Phải học, và cũng phải hành để gặt hái thành quả tốt đẹp.

Đây, để Sư giảng rộng thêm. Cũng như người kia nuôi gà mà không bao giờ lấy trứng, chỉ hốt phẩn gà. Đó là điều mà Sư thường nói với những người nuôi gà ở quê nhà. Hãy thận trọng coi chừng! Chớ nên để mình lọt vào trường hợp tương tợ. Điều nầy có nghĩa là học kinh điển nhưng không biết phải làm thế nào để loại trừ ô nhiễm, không biết làm sao “đẩy lui” tham ái, sân hận, và si mê ra khỏi tâm. Học mà không hành, không có “dứt bỏ”, sẽ không đem lại hậu quả tốt đẹp nào. Vì lẽ ấy Sư ví họ như người nuôi gà mà không lấy trứng, chỉ hốt phẩn. Giống như vậy.

Vì lẽ ấy Đức Phật muốn ta học kinh điển rồi từ bỏ những hành động bất thiện bằng thân, khẩu, ý và phát triển thiện nghiệp qua hành động, lời nói, và tư tưởng. Giá trị thật sự của nhân loại sẽ trở thành tròn đủ xuyên qua thân, khẩu, ý. Nhưng nếu chúng ta chỉ nói giỏi mà không hành động đúng theo lời nói thì ắt không viên mãn, chưa đủ. Hoặc nữa, nếu ta có những hành động tốt mà tâm vẫn không tốt thì cũng chưa hoàn tất viên mãn. Đức Phật dạy nên phát triển thiện pháp trong cả ba nghiệp: thân, khẩu, ý. Đó là kho tàng quý báu của nhân loại.

Bát Chánh Đạo của Đức Phật, Con Đường của pháp hành, có tám chi. Tám chi không phải là gì khác hơn chính bản thân nầy! Hai mắt, hai tai, hai lỗ mũi, một lưỡi, và một thân. Đó là Con Đường. Và tâm là người noi theo Con Đường. Do vậy, cả hai, pháp học và pháp hành, nằm trong thân, khẩu, ý của chúng ta.

Quý vị có thấy kinh điển dạy điều gì ngoài thân, khẩu, ý chăng? Kinh điển chỉ dạy bấy nhiêu, không có gì khác. Ô nhiễm được sanh ra ngay tại đây. Nếu quý vị thấu rõ, nó cũng sẽ chấm dứt ngay tại đây. Vậy, phải thông hiểu rằng cả pháp học lẫn pháp hành đều nằm tại nơi đây. Nếu chỉ học được chừng đó thôi quý vị có thể hiểu biết tất cả. Cũng như lời nói của ta: chỉ nói một lời đúng Chân Lý còn hơn suốt cả đời nói sai. Quý vị hiểu chưa? Người có học mà không hành cũng dường như cái muỗng nằm trong nồi canh. Cả ngày trầm mình trong canh, nhưng không biết mùi vị của canh. Nếu không thực hành thì dầu có học cho đến chết đi nữa quý vị cũng sẽ không thông hiểu Hương vị của Giải thoát.

Chú thích:

[8] Ở đây, danh từ “Thiên Nhiên” bao hàm các sự vật, vật chất cũng như tinh thần, không phải chỉ có cây cối, thú vật, v.v…

[9] Danh từ “giới cấm thủ” được phiên dịch từ Phạn ngữ sìlabbata paràmàsa, thông thường được hiểu là sự bám níu chấp vào nghi thức lễ bái, tin rằng những nghi thức lễ bái sẽ đưa đến giải thoát. Ngài Ajahn giảng nó, cùng với hoài nghi, đặc biệt liên quan đến thân kiến. Theo kinh điển, thân kiến, hoài nghi, và giới cấm thủ là ba thằng thúc đầu tiên trong mười thằng thúc mà hành giả tận diệt khi bước vào dòng suối chảy đến Niết Bàn (Nhập Lưu). Mười thằng thúc (samyojana) là mười dây trói buộc cột chặt chúng sanh vào vòng luân hồi. Đến khi hoàn toàn giác ngộ, vị A La Hán tận diệt tất cả mười thằng thúc. (Muốn có thêm chi tiết xin xem Đức Phật và Phật Pháp, tác giả Đại Đức Nàrada Mahà Thera, chương 38).

[10] Vipassanù — tức là Vipassanùpakkilesa, Tùy Phiền Não, một loại ô nhiễm vi tế phát sanh trong khi hành thiền.

[11] “Năm Hạ” – Mỗi năm một vị tỳ khưu phải trải qua ba tháng an cư kiết hạ vào mùa mưa, được xem là một hạ. Tuổi đạo của thầy tỳ khưu được tính theo số hạ mà vị ấy trải qua.

[12] Đối với người Thái, cũng như phần lớn các dân tộc Á Đông, cái đầu được xem là thiêng liêng và vỗ đầu người khác là một cử chỉ lăng mạ. Cũng theo phong tục, người nam và người nữ không đụng chạm nhau ở chỗ công cộng, nhất là nơi hành thiền thì càng phải nên đặc biệt nghiêm chỉnh.

[13] Quy ước và Giải Thoát :– nói cách khác, tục đế và chân đế.

[14] Parami, là những phẩm hạnh có khả năng đưa ta sang bờ bên kia.

[15] Jàgaro — Đại Đức Jàgaro mà Ngài Ajahn Chah lấy làm thí dụ ở đây, là vị Sư người Úc, Sư Trưởng Wat Pah Nanachat, hôm ấy dẫn một nhóm thiền sinh đến nghe Pháp.

[16] Dhùtanga — Tu sĩ du phương thực hành một số trong mười ba pháp hành khổ hạnh được Đức Phật cho phép, đi đó đây trong rừng (thông thường là đi bộ) tìm nơi thanh vắng để hành thiền.

-ooOoo-

AUDIOS CÁC BÀI PHÁP

Theravāda · Các Cuốn Sách Nổi Tiếng Ngài Ajahn Chahn Viết (P2)

BÀI VIẾT TRONG CUỐN SÁCH

nolines minusfolderopenHương Vị Giải Thoát (11)

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app