Hoc Gi Het Ngu Tu Gi Het Kho

⑴ Liệu kiếp sống sau ta sẽ lại tái sinh làm người, hay phải làm súc sinh như trâu, như chó, hay phải làm ngạ quỉ, hay phải chịu cực hình nơi địa ngục?
⑵ Ta phải làm những gì để có thể lại được tái sinh làm người, trong hoàn cảnh tốt lành nhất?
⑶ Ý nghĩa cuộc đời là gì?
⑷ Học gì hết ngu? Tu gì hết khổ? một cách hoàn toàn và vĩnh viễn?
⑸ Khi nào bắt đầu?

Đã bao giờ quí vị suy nghĩ nghiêm túc và đã có được câu trả lời rõ ràng minh bạch cho các câu hỏi này chưa? Tìm câu trả lời đúng đắn nhất ở đâu?
  1. Học "Đạo" Phật Nguyên thủy hết ngu!
  2. Tu "Đạo" Phật Nguyên thủy hết khổ!
  3. Ý nghĩa cuộc đời là tận dụng cơ hội làm người khi Phật pháp còn tỏa sáng trên thế gian để phát triển tâm linh, thành tựu viên mãn Bát Thánh Đạo, đạt được vô chấp thủ Bát Niết Bàn – hết ngu, hết khổ hoàn toàn và vĩnh viễn.

Hãy bắt đầu ngay bây giờ! Xin hãy đừng phí phạm dù chỉ mỗi một giây!

Ghi chú

“Đạo” = “Bát Thánh Đạo” bao gồm: ① Chánh kiến, ② Chánh tư duy, ③ Chánh ngữ, ④ Chánh nghiệp, ⑤ Chánh mạng, ⑥ Chánh tinh tấn, ⑦ Chánh niệm, ⑧ Chánh định.

1. CƠ HỘI TÁI SINH LÀM NGƯỜI LÀ BAO NHIÊU?

Rồi Thế Tôn lấy một ít đất trên đầu móng tay và nói với các Tỷ-kheo:

– Này các Tỷ-kheo, các Ông nghĩ thế nào? Cái gì nhiều hơn, chút đất này Ta lấy trên đầu móng tay, hay quả đất lớn này?

– Cái này, bạch Thế Tôn, là nhiều hơn, tức là quả đất lớn này và ít hơn là chút đất mà Thế Tôn lấy trên đầu móng tay. Không thể đi đến ước tính, không thể đi đến so sánh, không thể đi đến một vi phần, khi so sánh quả đất lớn với chút đất mà Thế Tôn lấy trên đầu móng tay.

– Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, rất ít là chúng sanh được tái sanh làm người! Còn rất nhiều là những chúng sanh phải tái sanh ra ngoài loài Người!

Do vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập như sau: “Chúng tôi sẽ sống không phóng dật”.

Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập.

Nguồn trích dẫn: Tương Ưng Bộ – Samyutta Nikaya, Tập II – Thiên Nhân Duyên – [20] Chương XI Tương Ưng Thí Dụ – II. Ðầu Ngón Tay (Tạp, Ðại 2. 345a) (Ðơn tạp 22. Trảo Thổ, Ðại 2, 498a) (S.ii,263)

Ta tuyên bố rằng còn mau hơn, này các Tỷ-kheo, là con rùa mù ấy, sau mỗi trăm năm nổi lên một lần, có thể chui cổ vào khúc gỗ có một lỗ hổng ấy; còn hơn kẻ ngu, khi một lần đã rơi vào đọa xứ để được làm người trở lại.

Vì sao?

Vì rằng ở đấy không có pháp hành, chánh hành, thiện nghiệp, phước nghiệp. Ở đấy, này các Tỷ-kheo, chỉ có ăn thịt lẫn nhau, và chỉ có người yếu bị ăn thịt.

Vì sao?

Vì không thấy được bốn Thánh đế. Thế nào là bốn? Thánh đế về Khổ, Thánh đế về Khổ tập, Thánh đế về Kkhổ Diệt, Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt.

Do vậy, này các Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Khổ", một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Khổ Tập", một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Khổ Diệt, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt".

Nguồn trích dẫn: Tương Ưng Bộ – Samyutta Nikaya, Tập V – Thiên Ðại Phẩm – [56] Chương XII – Tương Ưng Sự Thật, 47. VII. Lỗ Khóa (2) (S.v,455)

2. NƯỚC MẮT VÀ MÁU TRONG KHỔ ĐAU NHIỀU ĐẾN MỨC NÀO?


Cái này là nhiều hơn, này các Tỷ-kheo, tức là dòng nước mắt tuôn chảy do các Ông than van, khóc lóc, phải hội ngộ với những gì không ưa, phải biệt ly với những gì mình thích, khi các Ông phải lưu chuyển luân hồi trong thời gian dài này chớ không phải nước trong bốn biển lớn.

Trong một thời gian dài, này các Tỷ-kheo, các Ông chịu đựng mẹ chết.

… các Ông chịu đựng con chết. ..
… các Ông chịu đựng con gái chết…
… các Ông chịu đựng tai họa về bà con…
… các Ông chịu đựng tai họa về tiền của…

Trong một thời gian dài, này các Tỷ-kheo, các Ông chịu đựng tai họa của bệnh tật.

Cái này là nhiều hơn, là dòng nước mắt tuôn chảy do các Ông than van, khóc lóc, phải hội ngộ với những gì mình không ưa, phải biệt ly với những gì mình thích, khi các Ông phải chịu đựng tai họa của bệnh tật chớ không phải nước trong bốn biển.

Vì sao? Vô thỉ là luân hồi, này các Tỷ-kheo, khởi điểm không thể nêu rõ đối với lưu chuyển luân hồi của các chúng sanh bị vô minh che đậy, bị tham ái trói buộc.

Cho đến như vậy, này các Tỷ-kheo, là vừa đủ để các Ông nhàm chán, là vừa đủ để các Ông từ bỏ, là vừa đủ để các Ông giải thoát đối với tất cả các hành.


Cái này là nhiều hơn, này các Tỷ-kheo, tức là dòng máu tuôn chảy do đầu bị thương tích khi các Ông lưu chuyển luân hồi trong thời gian dài này, không phải là nước trong bốn biển lớn.

Này các Tỷ-kheo, dòng máu tuôn chảy do đầu các Ông bị thương tích khi các Ông là bò, sanh ra làm bò trong thời gian dài, hay là nước trong bốn biển lớn?

Này các Tỷ-kheo, dòng máu tuôn chảy do đầu bị thương tích khi các Ông là trâu, sanh ra làm trâu trong thời gian dài…

Này các Tỷ-kheo, dòng máu tuôn chảy do đầu bị thương tích khi các Ông là cừu, sanh ra làm cừu trong thời gian dài…

… khi các Ông là dê, sanh ra làm dê…
… khi các Ông là nai, sanh ra làm nai…
… khi các Ông là gia cầm, sanh ra làm gia cầm…
… khi các Ông là heo, sanh ra làm heo…

Này các Tỷ-kheo, dòng máu tuôn chảy do đầu bị thương tích khi các Ông làm đạo tặc, làm kẻ trộm làng, bị bắt trong thời gian dài…

Này các Tỷ-kheo, dòng máu tuôn chảy do đầu bị thương tích khi các Ông làm đạo tặc, ăn cướp đường, bị bắt trong thời gian dài…

Này các Tỷ-kheo, dòng máu tuôn chảy do đầu bị thương tích khi các Ông làm đạo tặc, tư thông vợ người, bị bắt trong thời gian dài chớ không phải là nước trong bốn biển lớn.

Vì sao? Vô thỉ là luân hồi, này các Tỷ-kheo, khởi điểm không thể nêu rõ đối với lưu chuyển luân hồi của các chúng sanh bị vô minh che đậy, bị tham ái trói buộc.

Cho đến như vậy, này các Tỷ-kheo, là vừa đủ để các Ông nhàm chán, là vừa đủ để các Ông từ bỏ, là vừa đủ để các Ông giải thoát đối với tất cả các hành.

Nguồn trích dẫn: Tương Ưng Bộ – Samyutta Nikaya, Tập II – Thiên Nhân Duyên – [15] Chương IV Tương Ưng Vô Thỉ (Anamatagga)

3. BÁT THÁNH ĐẠO – CON ĐƯỜNG THOÁT MỌI KHỔ ĐAU PHIỀN NÃO HOÀN TOÀN VÀ VĨNH VIỄN !

Bát Thánh Đạo là Chân lý trong trong Tứ Thánh Đế do các chư Phật tự mình giác ngộ và truyền dạy giúp chúng sinh con đường giác ngộ giải thoát hoàn toàn mọi khổ đau phiền não đạt được hạnh phúc thật sự tự do thật sự Niết bàn.

Bát Thánh Đạo = Con Đường Cổ Xưa = Cỗ xe Pháp (Pháp Thừa) tối thượng = Con Đường Thanh Tịnh Độc Nhất = Trung Đạo = Khổ diệt đạo Thánh đế = Con Đường Dẫn Đến Bất Tử = Con Đường Dẫn Đến Niết Bàn = Tam Học Giới – Định – Tuệ.

Bát Thánh Đạo là Khổ Diệt Đạo Thánh Đế: Chân Lý về Con Đường Dẫn Đến Chấm Dứt Khổ, chấm dứt sinh tử luân hồi.

“Nầy các vị tỳ kheo, đây là Diệu Đế về Con Đường Diệt Khổ, đó chính là Con Đường Tám Chánh.”
[Kinh chuyển pháp luân.]

“Vì không thông hiểu 1. Sự Thật về Khổ (Khổ Đế) mà chúng ta luân hồi, không thông hiểu 2. Sự Thật về Nguồn Gốc của Khổ (Tập Đế), không thông hiểu về 3. Sự Thật về Đoạn Diệt Khổ (Diệt Đế), không thông hiểu 4. Sự Thật về Con Đường Diệt Khổ (Đạo Đế), mà chúng ta đã phải luân hồi trong vòng sinh tử.

Bằng cách thông hiểu, bằng cách thấu đạt Sự Thật về Khổ, Sự Thật về Nguồn Gốc của Khổ, Sự Thật về Đoạn Diệt Khổ, Sự Thật về Con Đường Diệt Khổ, lòng tham thủ về sinh hữu được đoạn tận, sự hỗ trợ để sinh hữu được phá hủy, và từ đó không còn phải tái sinh nữa.”

Nguồn trích dẫn: Đại Kinh Bát Niết Bàn (Trường Bộ, 16)

Này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: “Không có như thật giác ngộ 1. Thánh đế về Khổ, 2. Thánh đế về Khổ tập, 3. Thánh đế về Khổ diệt, 4. Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt, ta sẽ chơn chánh đoạn tận khổ đau”; sự kiện này không xảy ra.

Nguồn trích dẫn: Tương Ưng Bộ – Samyutta Nikaya, Tập V – Thiên Ðại Phẩm – [56] Chương XII – Tương Ưng Sự Thật, 44. IV. Nhà Có Nóc Nhọn (S.v,452)

“Ðoạn tận tham, đoạn tận sân, đoạn tận si, này Tỷ-kheo, được gọi là bất tử.
Con đường Thánh đạo Tám ngành này là con đường đưa đến bất tử, tức là 1. chánh tri kiến, 2. chánh tư duy, 3. chánh ngữ, 4. chánh nghiệp, 5. chánh mạng, 6. chánh tinh tấn, 7. chánh niệm, 8. chánh định.”

"Có tám pháp này, này Nandiya, đưa đến Niết-bàn, hướng đến đích Niết-bàn, đưa đến cứu cánh Niết-bàn.
Tức là là 1. chánh tri kiến, 2. chánh tư duy, 3. chánh ngữ, 4. chánh nghiệp, 5. chánh mạng, 6. chánh tinh tấn, 7. chánh niệm, 8. chánh định."

Nguồn trích dẫn: budsas.net

– Này Subhadda, trong pháp luật nào không có Bát Thánh đạo,

⒈ thời ở đây không có đệ nhất Sa-môn

[bậc Thánh Nhập lưu: không còn tái sinh vào bốn khổ cảnh Địa ngục, Súc sinh, Ngạ quỷ, Atula, tối đa tái sinh bảy kiếp sẽ đạt Đạo Quả Alahán, chấm dứt sinh tử luân hồi, thoát khỏi mọi khổ đau phiền não hoàn toàn và vĩnh viễn, vô chấp thủ Bát Niết bàn],

⒉ ở đây cũng không có đệ nhị Sa-môn

[bậc Thánh Nhất lai: chỉ còn tái sinh một lần trước khi đạt Đạo Quả Alahán],

⒊ cũng không có đệ tam Sa-môn

[bậc Thánh Bất lai: được hóa sinh, bát Niết bàn, không còn trở lui đời này nữa],

⒋ cũng không có đệ tứ Sa-môn
[Alahán: chấm dứt sinh tử luân hồi, thoát khỏi mọi khổ đau phiền não hoàn toàn và vĩnh viễn, vô chấp thủ Bát Niết bàn].

Này Subhadda trong pháp luật nào có Bát Thánh đạo,
thời ở đây có đệ nhất Sa-môn,
cũng có đệ nhị Sa-môn,
cũng có đệ tam Sa-môn,
ở đấy cũng có đệ tứ Sa-môn.

Này Subhadda, chính trong pháp luật này có Bát Thánh Ðạo, thời này Subhadda,
ở đây có đệ nhất Sa-môn,
ở đây cũng có đệ nhị Sa-môn,
cũng có đệ tam Sa-môn,
cũng có đệ tứ Sa-môn.

Những hệ thống ngoại đạo khác đều không có những Sa-môn.

Này Subhadda, nếu những vị Tỷ-kheo này sống chơn chánh, thời đời này không vắng những vị A-la-hán.

Nguồn trích dẫn: Trường Bộ Kinh – Digha Nikaya, 16. Kinh Ðại Bát-Niết-Bàn

* Nội dung được trích từ các bài giảng và tài liệu do Sư Viên Phúc tổng hợp và chia sẻ trên trang Ehipassiko.info

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app