Nội Dung Chính
- “GIẢI THOÁT ĐẠO” KHÁC “BỒ TÁT ĐẠO” NHƯ THẾ NÀO?
- ĐẠI LỄ VESAK: ĐẢN SANH – GIÁC NGỘ – NIẾT BÀN
- Bồ Tát Đạo là gì?
- Ba hạng Bồ Tát
- Ba La Mật (Pāramī)
- Chuyện tiền thân (Jataka) và Cariyā Pitaka
- Một vị Bồ Tát có thể đạt quả Tu Đà Hoàn,Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán trước thời hạn đó không
- Vị Bồ Tát có hành Thiền Minh Sát không
- Một vị Bồ Tát có thể cứu độ chúng sinh thoát khỏi vòng luân hồi không
- Một vị Phật có thể cứu độ tất cả chúng sinh được không
[lwptoc]
“GIẢI THOÁT ĐẠO” KHÁC “BỒ TÁT ĐẠO” NHƯ THẾ NÀO?
“Giải Thoát Đạo là Con Đường giác ngộ giải thoát bản thân bằng quá trình tu tập viên mãn Bát Thánh Đạo do lắng nghe Như Lai chỉ dạy”: Đây là Con Đường dẫn đến giác ngộ giải thoát hoàn toàn và vĩnh viễn mọi khổ đau phiền não, không còn tái sinh trở lại tam giới, đạt được hạnh phúc thật sự tự do thật sự Niết bàn do lắng nghe và tu tập Giáo Pháp đã được Đức Phật tự chứng ngộ và khéo thuyết.
Đây cũng chính là Trung Đạo dẫn đến giác ngộ Tứ Thánh Đế được trao truyền, được chỉ dạy bởi Đức Thế Tôn, bậc “Ứng cúng Alahán, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật, Thế Tôn” – bậc Pháp Vương vô thượng, đã tự mình chứng ngộ sau khi vun bồi viên mãn ba la mật suốt hai mươi a tăng kỳ kiếp và một trăm ngàn đại kiếp.
“Giải Thoát Đạo” là con đường giải thoát của chư thiên và loài người chỉ khi nào có Đức Phật đã ra đời, chỉ khi nào Giáo Pháp của Ngài vẫn còn tỏa sáng trên thế gian. Nhờ lắng nghe Phật Pháp và tu tập viên mãn Bát Thánh Đạo nên nhiều vị chư thiên và loài người có thể trở thành bậc Thánh Thinh Văn Alahán, chấm dứt sinh tử luân hồi trong tam giới.
Đây là cơ hội vô cùng quí hiếm trong vô biên vô lượng kiếp khi Đức Phật ra đời, khi ánh sáng Phật Giáo còn tạm thời chiếu soi xua tan bóng tối vô biên vô lượng kiếp của vô minh chỉ trong một khoảng thời gian vô cùng ngắn ngủi – trong trường hợp Đức Phật Gotama hiện tại chỉ khoảng 5000 năm.
Vậy xin quí vị hãy chớ đừng phí phạm dù chỉ mỗi một giây, tinh tấn dũng mãnh tiến bước không ngừng nghỉ trên con đường ‘Bát Thánh Đạo – Giải Thoát Đạo’ đã được Đức Phật chỉ bày, tiến tới mục đích rốt ráo giải thoát hoàn toàn khỏi mọi khổ đau trong sinh tử luân hồi trong tam giới.
“Bồ Tát Đạo là Con Đường trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác, Tự mình giác ngộ giải thoát không thầy chỉ dạy và Cứu độ chúng sinh bằng quá trình dũng mãnh tu tập 30 balamật” với cả ba bậc hạ – trung – thượng, trong suốt 20 a tăng kỳ kiếp và 100 ngàn đại kiếp như trong trường hợp Bồ Tát trí tuệ Tất đạt đa trong thời đại của chúng ta, để có thể tự mình chứng ngộ Tứ Thánh Đế không thầy chỉ dạy, và để có thể truyền dạy Giáo pháp – tức “Giải Thoát Đạo” cứu độ chúng sinh thoát khỏi biển khổ, chứng ngộ Niết bàn, bình an mãi mãi.
“Bồ Tát Đạo” là con đường vô cùng khó khăn, gian khổ, trường kỳ dành cho các bậc có khuynh hướng về trí tuệ, niềm tin, và tinh tấn vô biên lượng. Chúng ta sẽ tìm hiểu “Bồ Tát Đạo” thông qua bài giảng của Ngài Trưởng Lão Thiền Sư U Silananda dưới đây.
- Web, facebook
Nguyện cho quí vị tận dụng kỳ lễ hội kỷ niệm Vesak năm nay để vun bồi các phước báu trong hoan hỷ và an vui, để ôn lại những câu chuyện liên quan tới Đản Sinh, Thành Đạo, Niết Bàn của đấng Đạo Sư của chư thiên và nhân loại, giúp cho chúng ta vững chắc thêm niềm tin và dũng mãnh bước trên con đường giác ngộ giải thoát cao thượng này.
Vesak 2020, trong tâm từ,
Tỳ Khưu Viên Phúc Sumangala
ĐẠI LỄ VESAK: ĐẢN SANH – GIÁC NGỘ – NIẾT BÀN
(Ngày Rằm Tháng Vesak Phật Lịch – 15 Tháng 4 Âm Lịch)
- Câu Chuyện Đản Sanh, Web, FB
- Câu Chuyện Giác Ngộ, Web, FB
- Câu Chuyện Nhập Niết Bàn., Web, FB
Nhân dịp Đại lễ Vesak (Tam Hợp) kỷ niệm hàng năm vào rằm tháng Tư Âm lịch ngày Bồ tát đản sinh, ngày Bồ tát thành đạo, ngày Phật Niết bàn chúng ta hãy cùng tìm hiểu về “Bồ Tát Đạo” có Mục đích cứu cánh, rốt ráo là: Tự mình Giác ngộ trở thành Phật, tự mình giác ngộ giải thoát không thầy chỉ dạy, và Cứu độ tất cả mọi chúng sinh, thông qua kinh điển Phật Giáo Nguyên Thủy Theravada để có thể có được nhận thức, hiểu biết đúng đắn hơn, đầy đủ hơn, minh bạch hơn về sự khác biệt so với “Giải Thoát Đạo” có Mục đích cứu cánh, rốt ráo là : Giải thoát hoàn toàn, vĩnh viễn khỏi mọi khổ đau, sinh tử luân hồi do lắng nghe và thực hành Giáo Pháp của bậc Đạo sư Chánh Đẳng Giác Gotama.
Bồ Tát Đạo là gì?
(Trích từ HIỂU BIẾT TRỌN VẸN do Hòa thượng Sīllānanda giảng, Sư Khánh Hỷ Soạn dịch)
Con đem hết lòng thành kính làm lễ Đức Thế Tôn, Bậc A La Hán, Đấng Chánh Biến Tri.
Ngày rằm tháng tư còn gọi là ngày lễ Tam Hợp. Đó là ngày Bồ Tát sinh ra, ngày Bồ Tát thành đạo, và ngày Phật Niết Bàn. Ba ngày này đều xảy ra vào ngày rằm tháng tư âm lịch (hay ngày trăng tròn tháng năm dương lịch).
Hôm nay, ngày trăng tròn đã qua. Đúng ra chúng ta làm lễ đản sinh, thành đạo, Niết Bàn (còn gọi là Lễ Tam Hợp) vào đúng ngày rằm tháng tư âm lịch; nhưng trong vùng vịnh Cựu Kim Sơn có nhiều chùa Nguyên Thủy, và mỗi chùa đều có làm lễ kỷ niệm. Để Phật Tử có thể tham dự lễ ở nhiều chùa, nên các chùa chia nhau lần lượt tổ chức lễ Tam Hợp dầu cho đã quá ngày rằm hay chưa đến ngày rằm.
Bởi thế, hôm nay ngày rằm đã trôi qua, chúng ta mới cử hành lễ Tam Hợp tại Như Lai Thiền Viện. Trong ngày Lễ Tam Hợp chúng ta kỷ niệm ba ngày quan trọng trong lịch sử của Đức Phật: Ngày Bồ Tát đản sinh, Bồ Tát thành đạo, và Phật Niết Bàn.
Cách đây trên 2600 năm Thái Tử Tất Đạt Đa được sinh ra đời vào ngày rằm tháng tư, ba mươi lăm năm sau, cũng vào ngày rằm tháng tư, Ngài giác ngộ đạo quả Phật, và bốn mươi lăm năm sau đó, cũng vào ngày rằm tháng tư Đức Phật Niết Bàn. Hôm nay chúng ta đã tổ chức một lần ba buổi lễ trọng đại đó. Trước khi đắc đạo hay thành Phật thì Đức Phật của chúng ta vẫn còn là một vị Bồ Tát.
Từ lúc Ngài thệ nguyện dưới chân Đức Phật Nhiên Đăng và được Đức Phật Nhiên Đăng thọ ký cho đến khi đạt thành quả Phật thì Ngài được gọi là Bodhisatta (Bồ Tát). Hôm nay, tôi sẽ giảng giải cho bạn biết thế nào là một vị Bồ Tát. Vị Bồ Tát phải phát triển tu tập những điều gì để có thể trở thành một vị Phật. Sau đây là một số vấn đề mà bạn cần biết về Bodhisatta. Bodhisatta là gì?
Định nghĩa chữ Bodhisatta (tiếng Pāḷi) hay Bodhisattva (tiếng Sanskrit).
Định nghĩa thứ 1: Bodhisattva là người có trí tuệ hay là người sở hữu trí tuệ, “bodhi” có nghĩa trí tuệ và “sattva” có nghĩa là chúng sinh. Như vậy, Bodhisattva theo nguyên ngữ là chúng sinh có trí tuệ. Điều này có nghĩa là Bodhisattva luôn luôn thông minh sáng suốt, có trí tuệ dù Ngài sinh vào kiếp sống nào. Đôi khi Bodhisattva sinh làm con vật, nhiều lần sinh làm con người. Nhưng dầu sinh làm người hay súc vật, Bodhisattva luôn luôn có trí tuệ.
Định nghĩa thứ 2: Bodhisatta có nghĩa là người chắc chắn sẽ trở thành Phật, cuối cùng Ngài sẽ trở thành Phật. Trong ý nghĩa này chữ ”Bodhi” có nghĩa là hiểu, biết, hay giác ngộ. Giác ngộ ở đây có nghĩa là giác ngộ thành một vị Phật. “Satta” có nghĩa là chúng sinh. Vậy Bodhisatta theo nghĩa thứ hai là một chúng sinh chắc chắn sẽ trở thành Phật hay đạt sự giải thoát, hoặc đạt quả Phật.
Định nghĩa thứ 3: Bodhisatta là kẻ có lòng mong muốn mãnh liệt hay ước nguyện mãnh liệt thấy rõ Tứ Diệu Đế, hoặc là người có mong muốn mãnh liệt vào sự đạt thánh đạo. Có nghĩa là Ngài có ước nguyện mãnh liệt trở thành một vị Phật. Theo nghĩa này thì chữ satta có nghĩa là kẻ có ước muốn mãnh liệt hay có hạnh nguyện trở thành Phật.
Như vậy, người có hạnh nguyện trở thành Phật được gọi là Bodhisatta. Khi Bodhisatta có hứng khởi trở thành một vị Phật thì Ngài có sự mong muốn mãnh liệt hay say mê vào đạo quả Phật. Ngài thật sự muốn trở thành Phật. Như vậy, theo định nghĩa thứ 3 này, Bồ Tát là người có lòng mong muốn mãnh liệt vào sự giải thoát hay mong muốn mãnh liệt vào sự trở thành một vị Phật.
Trong Phật Giáo Nguyên Thủy, Bodhisatta được xem là một vấn đề rất nghiêm túc. Và trở thành một vị Bồ Tát là một điều thật sự rất khó khăn. Muốn trở thành một vị Bodhisatta, trước tiên phải có hạnh nguyện thành Phật, và Bodhisatta phải nói lên hạnh nguyện trước mặt một vị Phật còn hiện tiền và phải được vị Phật này thọ ký là sẽ trở thành một vị Phật trong tương lai. Sau khi được thọ ký, vị có hạnh nguyện Bồ Tát này phải phát triển và tích lũy Pāramī (balamật) hay những đặc tính cần thiết để trở thành một vị Phật. Muốn được một Đức Phật thọ ký sẽ trở thành một vị Phật, người có hạnh nguyện đó phải cần có tám đức tính hay điều kiện sau đây:
1. Phải là con người, chỉ con người mới có thể thệ nguyện trở thành một vị Phật. Nếu không phải là người mà là một vị trời hay long vương v.v… thì lời thệ nguyện này không được thành công. Như vậy, muốn thệ nguyện trở thành một vị Phật điều kiện trước tiên phải là một con người.
2. Phải là một người đàn ông. Vị này phải là con người, phải là một người đàn ông. Phụ nữ có hạnh nguyện trở thành Phật họ sẽ trở thành đàn ông trước.
3. Phải là người có tiềm năng trở thành A La Hán ngay trong kiếp sống này, nhưng vị này không muốn trở thành A La Hán ngay vì có thệ nguyện trở thành một vị Phật, và quyết tâm đi trong vòng luân hồi trong nhiều A tăng kỳ.
4. Phải gặp một vị Phật còn sống và thực hành lời thệ nguyện trước mặt vị Phật hiện tiền này. Chỉ có thệ nguyện trước mặt một vị Phật trong hiện tại mới thành công. Nếu thệ nguyện trước một bảo tháp, trước một tượng Phật, trước một vị Phật độc giác, trước một vị học trò của Đức Phật thì lời thệ nguyện này không thành tựu. Như vậy, muốn thệ nguyện trở thành một vị Phật phải thệ nguyện trước sự hiện diện của một vị Phật trong hiện tại.
5. Khi thực hiện lời thệ nguyện vị đó phải là một đạo sĩ, một Nhà Sư, hay một người ở ẩn. Vị đó có thể ở trong một tôn giáo khác, nhưng phải tin tưởng vào luật nghiệp báo và tin tưởng vào quả của nghiệp.
6. Người thệ nguyện thành Phật phải đạt tám tầng thiền định và năm loại thần thông gọi là “Abhiññā”. Khi có Abhiññā, vị này có thể bay trên không trung, có thể nhớ đến kiếp quá khứ, có thể đọc được tâm kẻ khác…
7. Vị này phải có một quyết tâm dâng hiến mạnh mẽ, có nghĩa là sẳn sàng dâng hiến cả tính mạng mình để đạt thành đạo quả Phật. Như vậy, chỉ khi nào có một tâm nhiệt thành trở thành một vị Phật thì hạnh nguyện này mới thành công.
8. Vị này phải có một sự mong muốn mãnh liệt, có thể sẳn sàng đi bộ từ đầu thế giới này đến đầu thế giới kia trong lửa đỏ để đạt thành chí nguyện. Giả sử thế giới được bao phủ bằng lửa than đang nóng cháy và một vị Phật nói với người có hạnh nguyện thành Phật rằng: “Nếu bạn có thể đi từ đầu này cho đến đầu kia của thế giới thì bạn sẽ thành Phật”,thì người có ý muốn thành Phật sẽ đi mà tâm không do dự, lay chuyển hay rung động.
Khi có một người nào đó có đủ tám đức tính này và có lời thệ nguyện trước một vị Phật hiện tiền thì vị Phật hiện tiền sẽ nhìn vào tương lai và tìm xem người có lời thệ nguyện này có đủ duyên để trở thành một vị Phật không. Nếu vị Phật hiện tiền thấy người này đúng là sẽ trở thành một vị Phật thì Ngài sẽ tuyên bố rằng: người này sẽ trở thành một vị Phật như ta trong tương lai. Được Đức Phật thọ ký sẽ trở thành một vị Phật trong tương lai khi phát lời thệ nguyện là một điều rất quan trọng. Chỉ khi nào được Đức Phật hiện tiền thọ ký trở thành một vị Phật trong tương lai thì vị đó mới chính thức trở thành một vị Bồ Tát.
Sau đó vị Bồ Tát phải làm gì? Vị Bồ Tát phải phát triển những đặc tính gì để có thể đủ điều kiện trở thành một vị Phật. Kinh điển ghi rằng: Sau khi được một vị Phật thọ ký, vị Bồ Tát cố gắng tìm xem mình phải làm tròn những điều gì. Trong kinh ghi lại rằng: Lúc đó trong tâm của vị Bồ Tát xuất hiện mười Balamật, hay mười điều cần phải kiện toàn để trở thành một vị Phật.
Từng Balamật một sẽ xuất hiện trong tâm vị Bồ Tát. Như vậy, không cần ai dạy cho các Ngài, các Ngài tự biết mình phải làm gì để trở thành một vị Phật. Tôi nghĩ là các bạn đã quen thuộc với các Balamật. Trong Phật Giáo Nguyên Thủy có mười Balamật, hoặc mười đức tính hoàn hảo, hay mười điều vị Bồ Tát cần phải thực hành tròn đủ để trở thành một vị Phật. Đó là:
1. Bố thí: cho ra mà không hề lưu giữ lại một chút nào. Như lật úp hũ đựng nước, không còn giữ lại một giọt nước dư.
2. Trì giới: có phẩm hạnh, giới luật trong sạch, duy trì kỷ cương, làm tròn bổn phận.
3. Xuất gia: từ bỏ đời sống gia đình hay khước từ tham ái, những lạc thú trần gian.
4. Trí tuệ: phát triển trí tuệ giải thoát, thấy rõ chân tướng sự vật đồng thời trong đời sống thường nhật luôn luôn tìm tòi học hỏi những điều cần thiết và hữu ích.
5. Tinh tấn: luôn luôn nỗ lực tinh tấn trong việc hành đạo giải thoát, quyết tâm thành đạt mục tiêu, và trong mọi công việc không chay lười biếng nhác.
6. Nhẫn nhục: chịu đựng những phiền não do người khác hay hoàn cảnh bên ngoài gây ra cho mình, luôn luôn thấy cái tốt của người khác.
7. Chân thật: chánh trực, thành thật và trong sạch, không giả dối, luôn luôn giữ tròn hạnh nguyện hay lời hứa; nói sao làm vậy, làm sao nói vậy.
8. Quyết định hay nguyện lực: lập tâm vững chắc, ý chí kiên cường không hề lay chuyển, tâm cương quyết cứng chắc vững bền như kim cương. Rất dễ khuyên Ngài làm điều thiện, nhưng không thể nào xúi Ngài làm điều ác. Có lúc ngài mềm mại như một tai hoa nhưng có khi cứng rắn như một tảng đá.
9. Tâm từ: là tình thương vô hạn, bao la rộng lớn, lòng thành thật mong muốn cho tất cả chúng sinh không phân biệt ta người, thân sơ đều được an vui hạnh phúc.
10. Tâm xả: chân chánh, thăng bằng, không thiên vị, bình thản, an nhiên tự tại trước mọi tốt xấu, hơn thua, được mất, trước mọi thăng trầm của thế gian. Cố gắng giúp đỡ mọi người, mọi loài; nhưng biết rõ mỗi chúng sinh đều có nghiệp riêng của họ nên mặc dù luôn luôn giúp đỡ chúng sinh, nhưng nếu chúng sinh không đủ duyên để hưởng những gì mình giúp, thì họ vẫn an nhiên tự tại.
Muốn được tròn đủ Balamật, các vị Bồ Tát phải tích lũy nhiều đời nhiều kiếp, nhiều thời gian dài, không phải chỉ một đời, trăm đời, ngàn đời, mà phải là bốn A tăng kỳ kiếp trái đất và một trăm ngàn đại kiếp trái đất. Một chu kỳ quả đất kéo dài vô số năm. Bạn có thể tưởng tượng một vị Bồ Tát thực hành Balamật trọn vẹn để trở thành một vị Phật phải lâu đến bao nhiêu.
Ba hạng Bồ Tát
Có ba hạng Bồ Tát:
- Trí Tuệ Bồ Tát
- Đức Tin Bồ Tát
- Tinh Tấn Bồ Tát
- Trí Tuệ Bồ Tát là vị Bồ Tát có trí tuệ lớn vượt trội hơn hai yếu tố đức tin và tinh tấn, phải tu hành trong bốn A tăng kỳ kiếp trái đất và một trăm ngàn đại kiếp trái đất.
- Đức Tin Bồ Tát là vị Bồ Tát có đức tin vượt trội hơn hai yếu tố kia, phải tu hành trong tám A tăng kỳ kiếp trái đất và một trăm ngàn đại kiếp trái đất.
- Tinh Tấn Bồ Tát là vị Bồ Tát có tinh tấn vượt trội hơn hai yếu tố kia, phải thực hành mười sáu A tăng kỳ kiếp trái đất và một trăm ngàn đại kiếp trái đất.
Nếu bạn có hạnh nguyện trở thành một vị Phật thì bạn sẽ chọn thực hành hạnh Bồ Tát nào? Hạng đầu tiên, hạng thứ hai hay hạng thứ ba? Đối với chúng ta, thời gian một vị Bồ Tát tinh tấn thực hành thì quá dài. Nhưng tôi có biết một vị Sư có hạnh nguyện trở thành một vị Phật và thực hành theo hạng Bồ Tát Tinh Tấn thứ ba này. Một vị Sư học hành rất chậm lụt. Sư không thể học thuộc lòng nhanh chóng được.
Muốn thuộc lòng một đoạn kệ vị Sư này phải đọc đến một trăm lần. Sư thường cầm một chuỗi hạt trong khi học bài. Khi đọc xong đoạn kệ, vị Sư này lần một hạt, cứ như thế đọc một trăm lẻ tám lần, xong một chuỗi hạt, mới thuộc một đoạn kệ. Nhờ nỗ lực tinh tấn học hành nên Sư trở thành một Nhà Sư rất giỏi.
Sư viết rất nhiều sách, và trong phần cuối của cuốn sách Sư viết câu:“Do phước báu của việc viết cuốn sách đem lại mọi ích cho mọi người này, tôi nguyện trở thành một vị Phật có hạnh tinh tấn nổi bật”.Như vậy, vị này có tâm nguyện trở thành một vị Phật với thời gian dài nhất. Thật đáng khâm phục!
(Tại Việt Nam, trước đây có ba vị Sư nguyên thủy đã có hạnh nguyện trở thành Phật toàn giác, đã nguyện ra miệng và ghi lời nguyện này trong sách mình viết, đó là Hòa Thượng Hộ Tông, Hòa Thượng Bửu Chơn, Hòa Thượng Giới Nghiêm. Cả ba đều nguyên là Tăng Thống Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam).
Ba La Mật (Pāramī)
Khi một vị Bồ Tát hoàn thành Pāramī thì Ngài hoàn thành đủ tất cả các loại Pāramī. Có mười loại Pāramī, và mỗi loại được chia ra làm ba mức độ hay ba hạng:
Hạng thường.
Hạng trung bình.
Hạng cao nhất.
Vị Phật tương lai phải thực hành trọn vẹn cả ba hạng Pāramī
- Hạng thường: Quyết tâm hoàn thành Pāramī dầu phải hy sinh toàn bộ tài sản hay của cải của mình.
- Hạng trung bình: Quyết tâm hoàn thành Pāramī dầu phải hy sinh tay chân hay các bộ phận trong cơ thể như tai, mắt, mũi…
- Hạng cao nhất: Quyết tâm hoàn thành Pāramī dầu phải hy sinh cả tính mạng của mình.Vị Bồ Tát phải hy sinh ngay cả tính mạng của mình vì lợi ích của người khác. Bởi vậy, sự thực hành tròn đủ các Pāramī thật là điều cực kỳ khó khăn.
Đối với chúng ta, ngay cả tầng mức thứ nhất cũng là khó thực hiện rồi. Chúng ta không thể cho hết của cải của chúng ta có cho người khác. Khi cho, có thể chúng ta cho một ít, chứ không cho hết bởi vì chúng ta còn nghĩ đến sự sống còn của chính chúng ta, nhưng vị Bồ Tát không giống vậy. Khi vị Bồ Tát cho thì Ngài bố thí tất cả giống như một bình đựng nước đã lật úp không còn một giọt nào trong đó nữa. Do hoàn thiện hạnh nguyện Bồ Tát như vậy nên Bồ Tát mới trở thành một vị Phật. Nếu bạn cố gắng trở thành một vị Bồ Tát giống như Bồ Tát Sumedho, và sau thành Phật Gotama thì bạn có thể đọc hai cuốn sách:
Chuyện tiền thân (Jataka) và Cariyā Pitaka
**Chuyện tiền thân (Jataka).Chuyện tiền thân gồm có 547 chuyện quá khứ nói về Đức Phật, nhưng chuyện tiền thân không ghi lại tất cả đời sống quá khứ của Ngài. Đây là những câu chuyện Đức Phật đã nói cho quần chúng trong nhiều trường hợp khác nhau. Nếu kể cho hết tiền thân của Đức Phật thì không thể nào kể hết được.
**Cariyā Pitaka: Đây là cuốn sách ngắn có nhiều chuyện nói đến Bồ Tát đã hoàn thành Pāramī của mình như thế nào.
Và Bồ Tát đã phải thực hành trong một thời gian dài: Bốn A tăng kỳ kiếp trái đất và một trăm ngàn đại kiếp trái đất,hoặc tám A tăng kỳ kiếp trái đất và một trăm ngàn đại kiếp trái đất, hoặc mười sáu A tăng kỳ kiếp trái đất và một trăm ngàn đại kiếp trái đất thì Pāramī mới chín muồi. Như vậy, một vị Bồ Tát sẽ không trở thành Phật trước thời gian nêu trên. Chẳng hạn, Bồ Tát bậc trí tuệ không thể trở thành một vị Phật sau hai hay ba A tăng kỳ. Ngài phải hoàn thiện Pāramī đầy đủ bốn A tăng kỳ và một trăm ngàn đại kiếp trái đất cho Pāramī chín muồi mới trở thành một vị Phật.
Bất kỳ sinh vào kiếp nào, Bồ Tát cũng luôn luôn làm những công việc đem lại lợi ích và an vui cho tất cả chúng sinh.
Một vị Bồ Tát có thể đạt quả Tu Đà Hoàn,Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán trước thời hạn đó không
Bồ Tát không thể nào trở thành một vị Tu Đà Hoàn trong thời gian trên. Nếu Bồ Tát trở thành một vị Tu Đà Hoàn thì Ngài chỉ còn bảy kiếp để giác ngộ hoàn toàn. Bảy kiếp thì quá ngắn. Pāramī không thể hoàn thiện chỉ trong vòng bảy kiếp. Như vậy, vị Bồ Tát không thể đắc đạo trước khi tròn đủ thời gian để trở thành một vị Phật. Bồ Tát không phải là kẻ giác ngộ. Ngài vẫn còn là bậc hữu học, là người chưa giác ngộ.
Ngài hoàn thành Pāramī khi Ngài còn luân lưu trong vòng luân hồi. Bởi vậy, Bồ Tát không được tôn kính như một vị Phật. Tôn kính Đức Phật, chúng ta đảnh lễ tượng Phật hay những gì biểu tượng cho Đức Phật, nhưng chẳng hề có tượng Bồ Tát. Trong Phật Giáo Nguyên Thủy bạn không hề thấy tượng một vị Bồ Tát nào, bởi vì mặc dầu Bồ Tát có hạnh nguyện đặc biệt đáng kính trọng, nhưng Bồ Tát vẫn còn là kẻ thế tục. Do đó, Bồ Tát không được tôn kính như một vị Phật.
Vị Bồ Tát có hành Thiền Minh Sát không
Khi bạn thực hành Thiền Minh Sát, và bạn thành công thì bạn sẽ trở thành kẻ giác ngộ. Bạn chỉ cò thể hành Thiền Minh Sát khi vị Phật hiện tiền còn sống hay khi Giáo Pháp của Ngài vẫn còn đang tồn tại. Nói cách khác Thiền Minh Sát chỉ có thể tìm thấy trong Phật giáo hay trong những lời dạy của Đức Phật chứ không tìm thấy nơi nào khác.Khi một vị Bồ Tát tái sinh làm người hay làm súc vật v.v… và trong một số kiếp Ngài có thể gặp một vị Phật.
Nếu kiếp nào đó Ngài là một con người gặp Đức Phật và Ngài xuất gia tu hành. Khi xuất gia tu hành Ngài cũng phải giữ giới luật của Nhà Sư và Ngài có thể thực hành mười ba pháp đầu đà. Khi trở thành bậc xuất gia, Bồ Tát sẽ không bao giờ làm biếng, luôn luôn tinh tấn thực hành Thiền Minh Sát.
Nhưng khi hành Thiền Minh Sát, Ngài ngừng ngay ngưỡng cửa của bậc thánh. Khi hành thiền đến chỗ gần giác ngộ, Ngài sẽ dừng lại đó mà không đi xa hơn. Nếu Ngài tiếp tục đi xa hơn và đạt đạo quả thì mục đích trở thành một vị Phật của Ngài không còn nữa. Như vậy, một vị Bồ Tát hành Thiền Minh Sát, các Ngài dừng ngay ở chỗ gần giác ngộ.
Trong Trung Bộ Kinh cũng như trong Vi Diệu Pháp nói rằng vị Bồ Tát dừng trước ngưỡng cửa giác ngộ và không đạt đến Tuệ Chuyển Tánh (Anuloma Ñāna). Bởi vì đến tuệ giác này thì không thể trở lại thế tục nữa. Bởi vì giữa tuệ này và giác ngộ đạo quả chỉ có một tâm sát na. Như vậy, vị Bồ Tát thực hành Thiền Minh Sát nhưng sẽ không đi quá xa, ngài chỉ đạt đến Tuệ Thuận Thứ (Gotrabhū) rồi dừng lại.
Một vị Bồ Tát có thể cứu độ chúng sinh thoát khỏi vòng luân hồi không
Khi Bồ Tát Gotama phát lời thệ nguyện trước đức Phật Nhiên Đăng (Dipankara) thì trong tâm Ngài có tư tưởng sau đây:“Sau khi vượt ra khỏi vòng luân hồi, con nguyện giúp đỡ người khác vượt ra khỏi vòng luân hồi”.“Sau khi đã thấy rõ Tứ Diệu Đế, con nguyện giúp đỡ kẻ khác thấy rõ Tứ Diệu Đế”.”Sau khi giải thoát khỏi vòng luân hồi, con nguyện giúp cho những người khác giải thoát khỏi vòng luân hồi …”Qua lời nguyện này ta thấy rõ một vị Bồ Tát không thể cứu độ chúng sinh thoát khỏi vòng luân hồi.
Chỉ khi nào giải thoát khỏi vòng luân hồi, nghĩa là chỉ khi nào trở thành một vị Phật, Ngài mới có thể giúp người khác thoát khỏi vòng luân hồi.Trước tiên, vị Bồ Tát phải cố gắng chính mình để trở thành một vị Phật. Chỉ sau khi trở thành một vị Phật Ngài mới cứu độ chúng sinh khác, nghĩa là giúp chúng sinh tự cứu lấy mình. Bạn không thể trị bệnh cho người khác nếu bạn không phải là bác sĩ.
Trước tiên, bạn phải trở thành bác sĩ, sau đó bạn mới có thể chữa bệnh cho người khác. Cũng vậy, bạn phải trở thành một vị Phật trước khi bạn muốn cứu vớt chúng sinh khác ra khỏi vòng luân hồi. Như vậy, theo Phật giáo, Bồ Tát không thể cứu chúng sinh khỏi vòng luân hồi. Trong suốt thời gian dài làm một vị Bồ Tát, Ngài tích lũy Pāramī; những đặc tính cần thiết để trở thành một vị Phật.
Chúng ta không thể mong mỏi hay kỳ vọng một vị Bồ Tát giúp chúng ta ra khỏi vòng luân hồi. Bồ Tát không phải là người đã giác ngộ và dời ngày “vào” Niết Bàn để đi cứu độ chúng sinh. Bồ Tát vẫn còn là phàm nhân chưa giác ngộ. Các Ngài đang vun bồi, tích lũy Pāramī để trở thành một vị Phật. Bồ Tát chỉ là một chúng sinh phi thường nhưng chưa giác ngộ.
Khi nhắc đến những kiếp sống trước khi Ngài thành Phật. đức Phật thường nói rằng: “Trước khi giác ngộ đạo quả, khi vẫn còn là một vị Bồ Tát, một người chưa giác ngộ, ta đã…”Ta có thể tìm thấy câu này rất nhiều lần trong các bài giảng của đức Phật. Mỗi lần Đức Phật muốn nói đến tiền kiếp của Ngài, lúc còn là một vị Bồ Tát, Ngài thường hay nói:“Trước khi thành đạo, khi còn là một vị Bồ Tát, một kẻ chưa giác ngộ, ta đã là một v.v…”
Như vậy, theo lời dạy của Đức Phật, Bồ Tát vẫn còn là kẻ thế tục, vẫn còn đang tích lũy Pāramī, nhưng Bồ Tát là kẻ kỳ diệu, có hạnh nguyện tốt đẹp, đáng ngưỡng mộ, đáng khâm phục, nhưng Ngài vẫn còn là một kẻ thế tục. Quan niệm rằng Bồ Tát là kẻ giác ngộ, nhưng chưa chịu vào Niết Bàn, đợi cứu độ tất cả chúng cho đến khi tất cả chúng sinh đã được thành Phật rồi mới vào Niết Bàn là sai. Điều đó không thể nào xảy ra được.
Một vị Phật có thể cứu độ tất cả chúng sinh được không
Nếu Đức Phật có thể cứu độ tất cả chúng sinh thì sẽ không có nhiều vị Phật, chỉ một vị Phật là đủ. Chúng ta không được Đức Phật Gotama cứu độ. Vì thế chúng ta còn ở đây. Như vậy, ngay Đức Phật không thể cứu độ tất cả chúng sinh. Theo Phật Giáo, cứu độ có nghĩa là giúp chúng sinh tự cứu. Dầu cho có nhiều vị Phật đã ra đời, nhưng luôn luôn lúc nào cũng vẫn còn những chúng sinh chưa được Phật cứu. Do đó, sẽ có nhiều vị Phật xuất hiện trên thế gian này.
Có hạnh nguyện cứu độ tất cả chúng sinh, đó là một hạnh nguyện tốt, nhưng trong thực tế điều này không thể thực hiện được. Mặc dầu bạn có hạnh nguyện thành Phật, bạn cũng không thể cứu độ tất cả chúng sinh. Trong quá khứ rất nhiều vị Phật đã ra đời, nhưng chúng sinh vẫn còn đau khổ.Trong tương lai sẽ có nhiều vị Phật ra đời, và các Ngài sẽ cứu độ được nhiều người, nhưng vẫn sẽ còn nhiều chúng sinh chưa được cứu độ. Nếu chỉ khi nào tất cả chúng sinh đều được cứu độ, sau đó bạn mới vào Niết Bàn thì bạn chẳng bao giờ Niết Bàn được.
Đây là những điều nói về Bồ Tát theo kinh điển của Nguyên Thủy. Tôi chỉ muốn cho các bạn biết Phật Giáo Nguyên Thủy nói đến Bồ Tát như vậy, ngoài ra không có ý gì khác. Lúc Đức Phật của chúng ta còn là một vị Bồ Tát tên là Sumedha nguyện trở thành một vị Phật, và được Đức Phật Nhiên Đăng thọ ký, cho đến khi đạt thành chánh quả Ngài đã trải qua biết bao nhiêu thời gian luân lưu trong vòng luân hồi không đếm được để tích lũy Pāramī.
Khi Pāramī được đầy đủ, vào kiếp chót, Ngài sinh làm con vua Suddhodana và có tên là Siddhatta. Hoàng tử Sidhatta sinh ra đời vào ngày rằm tháng tư âm lịch, tức ngày trăng tròn tháng năm dương lịch. Hoàng Tử lớn lên trong nhung lụa giàu sang. Năm mười sáu tuổi, Ngài thành hôn, và mười ba năm sau Ngài xuất gia tu hành. Ngài đi vào rừng sâu thực hành thiền và trở thành một vị Phật vào ngày rằm tháng tư âm lịch, tức ngày trăng tròn tháng năm dương lịch. Hai tháng sau ngày thành đạo, Ngài ra công dạy dỗ chúng sinh ngày đêm.
Trong chú giải có ghi lại công việc hàng ngày của Đức Phật. Nếu bạn đọc thời khóa biểu này bạn sẽ thấy Đức Phật làm việc rất tích cực. Mỗi ngày Đức Phật chỉ nghỉ hai đến ba tiếng. Như vậy, Đức Phật phải làm việc ngày đêm nhằm đem lại an vui, hạnh phúc cho chúng sinh. Ngay lúc chỉ còn vài giờ trước khi tịch diệt, vào tuổi tám mươi, đang nằm trên giường bệnh, Đức Phật còn độ người đệ tử cuối cùng. Lúc Đức Phật sắp Niết Bàn, một vị đạo sĩ xin phép Ānanda vào gặp Phật, nhưng Ānanda từ chối vì Đức Phật đã quá yếu và sắp sửa Niết Bàn.
Nghe lời nói chuyện của hai vị, Đức Phật bảo Ānanda cho vị đạo sĩ vào gặp. Đức Phật trả lời những câu hỏi của đạo sĩ và dạy cho đạo sĩ về Bát Chánh Đạo. Đó là vào lúc nửa đêm, và Đức Phật đã tịch diệt vào khoảng gần sáng. Đức Phật đã làm việc suốt bốn mươi lăm năm không ngơi nghỉ, cho đến lúc chết Ngài vẫn còn làm việc. Chúng ta hãy theo gương lành của Phật.
Các bạn thấy các Nhà Sư không về hưu. Trước đây, tôi nghĩ rằng vào năm bảy mươi tuổi tôi sẽ nghỉ dạy. Bây giờ tôi đã bảy mươi bốn, nhưng lại làm nhiều việc hơn trước đây, và có thể, sẽ tiếp tục làm cho đến khi chết. Cũng như ngày sinh ra và ngày thành đạo, vào ngày rằm tháng tư âm lịch Đức Phật tịch diệt. Đó là lý do tại sao chúng ta tổ chức kỷ niệm ba ngày lịch sử trọng đại này vào ngày rằm tháng tư. Hiện tại chúng ta đang sống ở Mỹ, chúng ta có cách làm việc khác.
Chúng ta không thể tổ chức lễ này vào đúng ngày rằm. Theo chương trình được chia cho các chùa, chúng ta đã tổ chức lễ sau ngày trăng tròn đến hai tuần. Hôm nay chúng ta làm lễ kỷ niệm ba ngày trọng đại trong lịch sử của Đức Phật. Đây là dịp để chúng ta suy niệm đến sự hoàn thiện Pāramī của Bồ Tát trong một thời gian thật dài, rồi suy niệm đến ngày đản sinh, thành đạo, Niết Bàn của Đức Phật.
Từ khi Đức Phật xuất hiện, vô số chúng sinh đã được hưởng phước báu từ những lời dạy của Ngài. Vô số chúng sinh đã đạt thành quả vị. Đã trở thành Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm và A La Hán. Như vậy, sự xuất hiện của Đức Phật đem lại nhiều lợi ích cho tất cả chúng sinh. Không phải chỉ loài người mà là tất cả chúng sinh. Chúng sinh ở đây bao gồm cả chúng sinh ở cõi trời và bốn cõi khổ. Bất kỳ ở đâu, bất kỳ lúc nào, khi Đức Phật xuất hiện thì Ngài cũng vì lợi ích cho chúng sinh mà xuất hiện.
Hôm nay, chúng ta làm lễ tưởng niệm để ghi nhớ công ơn của Đức Phật, khi còn sống Ngài đã dạy dỗ chúng ta, và lúc ra đi Ngài đã để lại Giáo Pháp cho chúng ta. Chúng ta vẫn còn có Phật, chúng ta vẫn còn có thầy dù cho Đức Phật đã Niết Bàn. Đức Phật đã ra đi nhưng Giáo Pháp Ngài còn lại. Giáo Pháp của Đức Phật cũng như Ngài đã đem lại lợi ích cho chúng ta.
Chúng ta biết ơn Đức Phật vì Ngài đã để lại Giáo Pháp cho các thế hệ sau, và chúng ta đang thực hành những lời dạy của Đức Phật và đạt được lợi ích từ sự thực hành này. Hôm nay làm lễ kỷ niệm Đức Phật, chúng ta nhớ đến những phẩm tính cao đẹp của Ngài, thực hành theo những lời dạy của Ngài.
Mong tất cả chúng ta giác ngộ đạo quả ngay trong kiếp sống này.
ĐẠI LỄ VESAK: ĐẢN SANH – GIÁC NGỘ – NIẾT BÀN
(Ngày Rằm Tháng Vesak Phật Lịch – 15 Tháng 4 Âm Lịch)
- Câu Chuyện Đản Sanh, Web, FB
- Câu Chuyện Giác Ngộ, Web, FB
- Câu Chuyện Nhập Niết Bàn., Web, FB