Pháp học – Pháp hành Phật giáo

Pháp học Phật giáo có tính chất quan trọng như thế nào, thì pháp hành Phật giáo cũng có tính chất quan trọng như thế ấy. Bởi vì, có pháp học, có pháp hành mới có thể giữ gìn duy trì Phật giáo được trường tồn lâu dài trên thế gian này. Pháp học có tính chất quan trọng của pháp học, và pháp hành có tính chất quan trọng của pháp hành, cả hai đều đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc cho mình và mọi người, mọi chúng sinh. Ví như đất có tính chất quan trọng của đất là làm nơi chốn để trồng trọt các loại giống cây được phát triển tốt đẹp; và các loại cây có tính chất quan trọng của chúng là cho hoa màu để nuôi sống muôn loài.

Nếu có pháp học mà không có pháp hành, thì sự học pháp học ấy không đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc thiết thực cho mình, cho mọi người, mọi chúng sinh. Ví như có đất mà bỏ hoang không trồng trọt, thì đám đất ấy không đem lại lợi lộc gì cho muôn loài.

Nếu có pháp hành mà không có pháp học, thì pháp hành ấy không thể hành đúng; khi hành sai, rồi chấp thủ, thì thật là một tai hại cả đời này lẫn nhiều đời sau; nếu dạy người khác, thì chỉ làm khổ đến người khác mà thôi. Ví như người mù đi lạc vào rừng sâu núi thẳm, nếu dẫn dắt thêm người khác, thì làm khổ họ mà thôi.

Phật giáo được trường tồn, cần phải có pháp học chánh pháp và pháp hành chánh pháp, cả hai đều phải được hiện hữu trong mỗi người Phật tử. Ðó là điều mà Ðức Phật mong nơi các hàng Phật tử là bậc xuất gia và hàng tại gia cư sĩ.

Như tích Ðại Ðức Poṭṭhila:

Ðức Thế Tôn ngự tại chùa Jetavana, thuyết pháp đề cập đến Ðại Ðức Poṭṭhila [13] được tóm lược như sau:

Ðại Ðức Poṭṭhila là bậc thông thuộc Tam tạng và Chú giải trong giáo pháp của bảy Ðức Phật từ trong quá khứ theo tuần tự cho đến Ðức Phật Gotama hiện tại. Ngài chuyên cần giảng dạy 500 vị Tỳ khưu.

Ðức Thế Tôn nghĩ rằng: “Tỳ khưu Poṭṭhila này không nghĩ đến việc tiến hành thiền tuệ để giải thoát khổ tử sanh luân hồi cho mình”, nên Ngài sẽ làm cho Ðại Ðức phát sanh động tâm thức tỉnh mà lo phận sự của mình tiến hành thiền tuệ.

Từ đó, mỗi khi Ðại Ðức Poṭṭhila đến hầu Ðức Thế Tôn, Ngài truyền dạy rằng:

– Ehi Tucchapoṭṭhila! Poṭṭhila rỗng tuếch lại đây!

– Vanda Tucchapoṭṭhila! Poṭṭhila rỗng tuếch đảnh lễ!

– Nisīda Tucchapoṭṭhila! Poṭṭhila rỗng tuếch ngồi xuống!

– Yāhi Tucchapoṭṭhila! Poṭṭhila rỗng tuếch đi rồi!

Ðại Ðức Poṭṭhila phát sanh động tâm nghĩ rằng: “Ahaṃ sāṭṭhakathāni tīṇi piṭakāni dhāremi, pañcannaṃ bhikkhusatānaṃ aṭṭharasa mahāgaṇe dhammaṃ vācemi; atha pana maṃ satthā abhikkhaṇaṃ “Tucchapoṭṭhilā”ti vadeti; addhā maṃ satthā jhānādīnaṃ abhāvena evaṃ vadeti…”.

Ta là bậc thông thuộc Tam tạng cùng với các bộ Chú giải, giảng dạy pháp học đến 500 Tỳ khưu trong 18 nhóm lớn. Thế mà, Ðức Thế Tôn truyền rằng “Poṭṭhila rỗng tuếch”. Chắc chắn, sở dĩ Ðức Thế Tôn truyền dạy như vậy, là vì ta chưa chứng đắc các bậc thiền, Thánh Ðạo, Thánh Quả và Niết Bàn. Như vậy, ngay bây giờ, ta sẽ đi vào rừng tiến hành pháp hành thiền tuệ.

Một buổi sáng sớm, Ngài mặc y mang bát lên đường đi khoảng 120 do tuần [14] đến khu rừng có 30 vị Tỳ khưu — Sa di toàn là bậc Thánh A-ra-hán; đang sống nơi đó. Ngài đến hầu đảnh lễ vị Tăng trưởng nhóm, xin nương nhờ, xin thụ giáo; nhưng vị Tăng trưởng khước từ lời thỉnh cầu của Ngài, bởi biết Ngài là bậc pháp sư, có tánh ngã mạn; dầu Ngài cố khẩn khoản thế nào cũng không được. Ngài lại tìm đến vị Trưởng Lão nhỏ, xin nương nhờ, xin thụ giáo, vị Trưởng Lão này cũng khước từ lời thỉnh cầu của Ngài, và cứ thế theo tuần tự Ngài đến vị Trưởng Lão Ðại Ðức khác; không có vị Trưởng Lão Ðại Ðức nào chịu thu nhận Ngài; cuối cùng, Ngài tìm đến vị Sa di mới lên 7 tuổi, Ngài chấp hai tay lên bạch rằng:

Avassayo me hohi, sappurisa – Kính bạch bậc Thiện trí, kính xin Ngài làm nơi nương nhờ của tôi; tôi xin thọ giáo với Ngài.

Vị Sa di bèn bạch rằng:

– Kính bạch Ðại Ðức, Ðại Ðức nói gì lạ vậy! Ðại Ðức là bậc cao quý, bậc đa văn túc trí, còn tôi có gì đáng cho Ðại Ðức học đâu!

Ngài khẩn khoản vị Sa di rằng:

– Kính bạch bậc Thiện trí, Ngài đừng nói vậy! Xin Ngài từ bi làm nơi nương nhờ của tôi; tôi xin thọ giáo với Ngài.

Vị Sa di nhỏ tuổi trả lời rằng:

– Kính bạch Ðại Ðức, nếu Ðại Ðức nhẫn nại chịu nghe lời khuyên dạy của tôi, thì tôi sẽ làm nơi nương nhờ của Ðại Ðức.

Ðại Ðức Poṭṭhila khẳng định tuyệt đối vâng theo lời dạy của vị Sa di, dù bảo thế nào Ngài cũng làm theo. Vị Sa di muốn thử để biết Ðại Ðức Poṭṭhila có thật tâm chịu nghe theo lời khuyên dạy hay không, nhìn thấy gần nơi đó có một hồ nước, vị Sa di bèn thưa rằng:

– Kính thưa Ðại Ðức, xin Ngài vẫn mặc y như vậy lội xuống hồ nước.

Ðại Ðức Poṭṭhila liền lội xuống hồ nước ngay, vị Sa di nhìn thấy nước vừa thấm ướt chéo y, nên thưa rằng:

– Kính thưa Ðại Ðức, xin Ngài lại đây!

Ðại Ðức Poṭṭhila trở lại, đứng yên, vị Sa di bèn thưa rằng:

– Kính bạch Ðại Ðức, một ổ mối có 6 lỗ, con kỳ đà chui vào — ra ổ mối bằng một trong 6 lỗ ấy; người ta muốn bắt con kỳ đà ấy, bằng cách bịt 5 lỗ, còn chừa một lỗ ngồi chờ bắt nó. Cũng như vậy, trong thân của Ðại Ðức có 6 môn [15] tiếp xúc 6 đối tượng [16] , Ngài bịt (thu thúc) 5 môn: nhãn môn, nhĩ môn, tỷ môn, thiệt môn, thân môn, còn chừa lại ý môn. Ngài tiến hành thiền tuệ bằng ý môn ấy.

Ðại Ðức Poṭṭhila vốn là bậc có nhiều trí tuệ, bậc đa văn túc trí, khi lắng nghe lời dạy của vị Sa di ví như ngọn đèn soi vào tâm trí của Ngài sáng ra. Ngài có chánh niệm tỉnh giác trong thân, tiến hành thiền tuệ.

Cách xa 120 do tuần, nhìn thấy Ðại Ðức Poṭṭhila đang tiến hành thiền tuệ, Ðức Thế Tôn phóng hào quang đến thuyết dạy Ðại Ðức Poṭṭhila bằng một bài kệ. Khi lắng nghe xong bài kệ, Ngài tiến hành thiền tuệ liền chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc từ Nhập Lưu Thánh Ðạo — Nhập Lưu Thánh Quả cho đến A-ra-hán Thánh Ðạo — A-ra-hán Thánh Quả, trở thành bậc Thánh A-ra-hán ngay khi ấy.

Qua sự tích Ngài Ðại Ðức Poṭṭhila, Ngài rất giỏi về pháp học; còn về pháp hành, Ngài phải tìm vị thầy để xin nương nhờ, xin thọ giáo, còn phải nhờ đến Ðức Phật tế độ, Ngài mới trở thành bậc Thánh A-ra-hán cao thượng.

Trong vòng tử sanh luân hồi của mỗi chúng sinh, kiếp nào có diễm phúc gặp được Ðức Phật hoặc giáo pháp của Ngài; thật là một cơ hội tốt, vô cùng hi hữu, một dịp may mắn rất hiếm có! Bởi vì, Buddhuppādo dullabho lokasmiṃ: Ðức Phật xuất hiện trên thế gian thật là một điều khó được!

Thật diễm phúc biết dường nào! Kiếp này, dầu không có duyên lành gặp được Ðức Phật, song chúng ta còn có duyên lành gặp được giáo pháp của Ngài còn đang lưu truyền trên thế gian này thêm một thời gian nữa, cho đến Phật lịch năm 5000 mới hoàn toàn bị tiêu hoại.

Hơn nữa, giáo pháp của Ðức Phật cũng chỉ tồn tại trên thế gian một thời gian quá ngắn ngủi so với thời gian tử sanh luân hồi của mỗi chúng sinh từ vô thủy cho đến nay; và từ kiếp hiện tại này, nếu còn tham ái, phiền não, thì vẫn còn tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài tiếp tục đến vô chung. Kiếp sau, ta sẽ là như thế nào? Có còn gặp lại Phật giáo hay không? Những điều ấy, khó biết được!

Ðiều tốt hơn hết, ngay kiếp hiện tại sống còn của mình, ta phải nên biết cố gắng tinh tấn tiến hành thiền tuệ; nếu nhiều đời nhiều kiếp trong quá khứ, đã từng tạo pháp hạnh ba la mật đủ hỗ trợ cho kiếp hiện tại này, được chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Thánh Ðạo – Thánh Quả nào, thì thật là đại diễm phúc biết chừng nào! Nếu chưa chứng đắc, thì âu cũng là đại diễm phúc có cơ hội tốt bồi bổ thêm pháp hạnh ba la mật của mình, để chứng đắc trong vị lai, mong giải thoát khổ tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Chẳng lẽ, ta lại dửng dưng thờ ơ không tiến hành thiền tuệ, rồi phải cam chịu tiếp tục cảnh khổ tử sanh luân hồi mãi mãi vô cùng vô tận như vậy hay sao?

Ví như một người nghèo khổ, may mắn gặp được bạn lành, bạn tốt dẫn đi tìm kho của báu, chịu bao nhiêu nỗi vất vả khổ cực suốt ngày qua tháng lại… may mắn thay! Tìm gặp được kho báu, người ấy tận mắt nhìn thấy nhiều loại báu vật vô cùng quý giá, tâm vô cùng vui mừng khôn xiết, những người bạn lành, bạn tốt khuyên y nên chọn những báu vật quý giá nhất đem về làm giàu, sung sướng suốt đời; nhưng người ấy chỉ chọn lấy những vật không đáng giá, còn những báu vật đáng giá cao quý lại không chịu lấy; cho nên, cuộc đời của người ấy chỉ bớt khổ một phần nào đó thôi không đáng kể.

Cũng như vậy, có số người trong đời này, có duyên lành, có diễm phúc gặp được Phật giáo, họ có đức tin trong sạch nơi Tam bảo, xin quy y nương nhờ nơi Ðức Phật, Ðức Pháp, Ðức Tăng, hoan hỉ trong việc bố thí làm phước, thọ trì ngũ giới, thỉnh thoảng tiến hành thiền định, để cho tâm được an lạc. Thật ra, những thiện pháp như bố thí, giữ giới, tiến hành thiền định trong Phật giáo cũng có, mà ngoài Phật giáo cũng có. Những thiện pháp này cho quả an lạc trong vòng tử sanh luân hồi trong tam giới, không thể giải thoát khỏi khổ tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Người Phật tử nên nhận thức biết rõ rằng:

Pháp hành thiền tuệ là một pháp hành chỉ có trong Phật giáo, hoàn toàn không có ngoài Phật giáo. Hành giả tiến hành thiền tuệ tạo nên thiện pháp đặc biệt:

– Nếu còn là dục giới thiện pháp, thì thiện pháp này trực tiếp làm duyên lành dẫn đến sự giải thoát khổ sanh tử luân hồi trong tam giới ở thời vị lai.

– Nếu là siêu tam giới thiện pháp, thì thiện pháp này nâng đỡ hành giả trở thành bậc Thánh nhân thấp hoặc cao tùy theo sự chứng đắc Thánh Ðạo — Thánh Quả của hành giả. Những bậc Thánh nhân này không sớm thì muộn, chắc chắn sẽ giải thoát khổ tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Ðối với người Phật tử, mọi người đều có quyền thừa hưởng tất cả các pháp bảo của Ðức Phật tùy theo khả năng của mình. Ngoài Ðức Phật ra, thật khó có ai biết được mình đã từng tạo pháp hạnh ba la mật nhiều hoặc ít trải qua nhiều đời, nhiều kiếp trong quá khứ, người Phật tử tin chắc rằng: “Ta đã từng có duyên lành trong Phật giáo, nên kiếp này ta mới có đức tin trong sạch nơi Tam bảo, đã quy y nương nhờ nơi Ðức Phật, Ðức Pháp, Ðức Tăng bằng lời chân thật rằng: “Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi: Con đem hết lòng thành kính xin quy y Phật.” v.v… Cho nên, ta không nên tự coi thường ta, mà hãy nên thực nghiệm để biết rõ, biết đâu rằng ta đã từng tạo những pháp hạnh ba la mật, từ nhiều đời nhiều kiếp trong quá khứ, đủ có thể chứng đắc Thánh Ðạo — Thánh Quả nào đó; ngay trong kiếp hiện tại này:

Nếu ta không tiến hành thiền tuệ, thì không chứng đắc Thánh Ðạo — Thánh Quả ấy. Như vậy, ta đã bỏ lỡ một cơ hội tốt hiếm có. Thật đáng tiếc biết dường nào!

Ta tiến hành thiền tuệ, nếu chưa chứng đắc được Thánh Ðạo — Thánh Quả, thì cũng diễm phúc biết dường nào! Ðó là một cơ hội tốt để ta bồi bổ pháp hạnh ba la mật, rồi sẽ chứng đắc Thánh Ðạo — Thánh Quả trong thời vị lai. Như vậy, ta cảm thấy hài lòng kiếp này được sanh làm người, được gặp giáo pháp của Ðức Phật, được thực hành theo giáo pháp của Ðức Phật, để tạo duyên lành giải thoát khỏi khổ tái sanh là giải thoát mọi cảnh khổ tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài”.

Cũng ví như một người vốn có trí tuệ thông minh, nhưng lại có tánh lười biếng, thì chẳng làm nên được việc gì đáng kể, nếu người ấy cố gắng học hành chuyên cần, thì có kết quả tốt, đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa cho mình và mọi người.

Dù người vốn có nhiều trí tuệ, dù người có ít trí tuệ, song kiếp hiện tại này, cả hai hạng người này có tâm tinh tấn chuyên cần tiến hành thiền tuệ sẽ dẫn đến thành tựu như ý, chỉ có khác nhau về thời gian mà thôi. Quả thật, pháp tinh tấn rất quan trọng. Như Ðức Phật dạy:

“Vīriyena dukkhamacceti…”. [17]
“Nhờ tinh tấn, chúng sinh giải thoát khổ tử sanh luân hồi trong tam giới”.

Quyển sách này, đề cập đến tứ oai nghi là đối tượng chính của pháp hành thiền tuệ; ngoài ra, còn các oai nghi phụ, các sắc pháp, danh pháp khác xem là đối tượng phụ của pháp hành thiền tuệ; thật ra, đối tượng chính, đối tượng phụ đều có giá trị tương tương nhau, không hơn không kém.

Ðể hiểu rõ kết quả của pháp hành thiền tuệ, nên đọc quyển “Tìm Hiểu Pháp Hành Thiền Tuệ”. Với tác ý thiện tâm muốn áp dụng pháp học đi đôi với pháp hành hoặc lý thuyết đi đôi với thực hành, nên quyển sách này mới giảng giải chi tiết về đối tượng tứ oai nghi, nhưng quả thật là khó, tục ngữ có câu “ngôn dị, hành nan”: nói thì dễ, nhưng làm thì mới khó. Ðối với pháp hành thiền tuệ này, nói cho đúng đã thật là khó; còn hành cho đúng, thì lại càng khó biết dường nào!

Người xưa đã dạy, bằng câu tục ngữ “không thầy đố mày làm nên”, quyển sách nhỏ này có phải là thầykhông?

Quyển sách, nếu đúng là thầy, thì khi đọc sách, gặp điều nào nghi ngờ, thắc mắc, sách phải giải đáp, phải giảng giải cho hiểu rõ điều ấy chứ? Sự thật, sách vẫn nằm yên trước mắt, thờ ơ, lãnh đạm trước nỗi khổ, thắc mắc của mình.

Vậy, có nguyện vọng thực hành pháp hành thiền tuệ, hành giả cần phải tìm vị thiền sư thông thạo về pháp học, có đầy đủ kinh nghiệm về pháp hành thiền tuệ để nương nhờ;

Ðó là điều rất thiết yếu, còn sách chỉ là sách, là vị thầy câm, mà ta nên mang theo bên mình, mỗi khi ta quên điều gì trong sách hãy giở sách ra xem lại. Như vậy, quyển sách cũng có ích lợi cho ta nhiều lắm!

Quyển sách này, bần sư đã sưu tập từ Tam tạng, Chú giải góp nhặt những kinh nghiệm từ các vị thiền sư, các hành giả… nên Phần III có phần vấn đáp, giải đáp những điều thắc mắc chung chung theo khả năng hiểu biết của mình. Pháp hành thiền tuệ là pháp vô cùng vi tế, cao siêu, rộng lớn, còn khả năng hiểu biết của bần sư có hạn; thì không sao tránh khỏi sự sơ sót, thậm chí còn có nhiều chỗ sai lầm, ngoài khả năng. Kính mong quý độc giả, bậc Thiện trí thông cảm, từ bi chỉ giáo, bần sư kính cẩn tiếp thụ những lời phê bình xây dựng của quý vị một cách cung kính và tri ân.

Quyển sách này được hoàn thành nhờ sự đóng góp của những thí chủ có đức tin trong sạch làm phước thiện pháp thí, nhất là gia đình ông bà Trần Văn Cảnh — Trần Kim Duyên,… đệ tử Rakkhitasīla Antevāsika đã tận tụy đánh máy bản thảo trình bày dàn trang, và được Nhà Xuất Bản Tôn Giáo cho phép xuất bản, bần sư vô cùng hoan hỉ và biết ơn quý vị.

Nhân dịp này, đệ tử Dhammarakkhita Bhikkhu (Tỳ khưu Hộ Pháp) thành kính dâng phần phước mọn pháp thí thanh cao này đến cố sư phụ Hộ Tông (Vaṃsararakkhita Mahāthera), cùng chư Ðại Trưởng Lão, Ðại Ðức đã dày công đem Phật giáo Nguyên Thủy (Therevāda) về truyền bá trên quê hương thân yêu; và chư Ðại Trưởng Lão Thái Lan, Myanmar, như Ngài Ðại Trưởng Lão Dhammānanda Mahāthera Aggamahāpaṇṇita … và chư Ācariya như: Ajhan Naeb Mahānirānonda … đã có công giảng dạy đệ tử về pháp học và pháp hành. Kính mong quý Ngài từ bi hoan hỉ thọ nhận, để cho con được sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an lạc lâu dài.

Bần sư thành tâm hồi hướng phần pháp thí thanh cao này đến tất cả chúng sinh trong ba giới bốn loài, nhất là ông bà cha mẹ thầy tổ, những bậc ân nhân từ kiếp hiện tại cho đến vô lượng kiếp trong quá khứ đã quá vãng và hiện tiền, cầu mong tất cả quý vị hoan hỉ thọ lãnh phần pháp thí thanh cao này để giải thoát khỏi mọi cảnh khổ, thành tựu mọi sự an lạc hạnh phúc cao thượng.

Idaṃ no dhammadānaṃ āsavakkhayāvahaṃ hotu.

Do nhờ pháp thí thanh cao này làm duyên lành dẫn dắt tất cả chúng con hướng đến sự chứng đắc A-ra-hán Thánh Ðạo — A-ra-hán Thánh Quả, Niết Bàn diệt đoạn tuyệt mọi phiền não trầm luân.

Nếu chúng con chưa được giải thoát khổ tử sanh luân hồi trong tam giới, thì do nhờ năng lực pháp thí này hỗ trợ cho chúng con kiếp nào cũng có chánh kiến, khi có Ðức Phật xuất hiện trên thế gian hoặc Giáo pháp của Ngài đang lưu truyền, chúng con dù ở gần, dù ở xa, dù ở thế giới này, dù ở thế giới khác cũng có duyên lành đến hầu Ðức Phật, nghe chánh pháp của Ðức Phật liền phát sanh đức tin trong sạch nơi Tam bảo, có đức tin nơi pháp hành thiền tuệ, tinh tấn tiến hành thiền tuệ chóng chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Ðạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, đoạn tuyệt tất cả mọi phiền não trầm luân, giải thoát khổ tái sanh, chấm dứt mọi cảnh khổ tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Ðây là nguyện vọng cũng là cứu cánh duy nhất của chúng con.

Núi rừng Viên Không,
Tân Thành, Bà Rịa – Vũng Tàu.
Mùa an cư, Phật lịch 2546.
Tỳ khưu Hộ Pháp

 -ooOoo-

[1] Dhammapadaṭṭhakathā, tích Cakkhupālattheravatthu.

[2] Chú giải Aṅguttaranikāya, phần Ekakanipātaṭṭhakathā.

[3] Chú giải Aṅguttaranikāya, phần Ekakanipātaṭṭhakathā.

[4] Bộ Văn phạm Pāḷi Padarūpasiddhi, phần Saṅkhyātaddhita.

[5] Chú giải bộ Majjhimanikāya, Mūlapaṇṇāsa, kinh Alagaddūpamāsuttavaṇṇanā.

[6] Bộ Dhammapadaṭṭhakathā, tích Kapilamacchavatthu.

[7] 3 bậc Thánh Hữu Học: bậc Thánh Nhập Lưu, bậc Thánh Nhất Lai, bậc Thánh Bất Lai.

[8] Bậc Thánh Vô Học: đó là bậc Thánh A-ra-hán không còn học và hành giới, hành định, hành tuệ nữa.

[9] Tứ tuệ phân tích: ngôn ngữ phân tích, nghĩa phân tích, pháp phân tích, ứng đối phân tích.

[10] Lục thông: thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, túc mạng thông, tha tâm thông, thần túc thông, lậu tận thông.

[11] Bộ Mahā aṭṭhakathā… gồm có Pakiṇṇakadesanā của Ðức Phật, cùng lời giải thích của chư bậc Thánh A-ra-hán, có lẽ chưa phân chia từng bộ riêng rẽ, đến thời kỳ Ngài Mahā Buddhaghosa, Ngài mới phân chia rõ ràng từng bộ.

[12] Sự phân chia số quyển Tipiṭaka, Aṭṭhakathā, Ṭikā, Anuṭikā theo bộ Pāḷi Myanmar.

[13] Bộ Dhammapadaṭṭhakathā, tích Poṭṭhilattheravatthu.

[14] Yojana: do tuần khoảng 20 cây số.

[15] 6 môn: nhãn môn, nhĩ môn, tỷ môn, thiệt môn, thân môn và ý môn.

[16] 6 đối tượng: sắc trần, thanh trần, hương trần, vị trần, xúc trần và pháp trần.

[17] Khuddakanikāya, bộ Sutttanipāta, kinh Āḷavakasutta.

-ooOoo-

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app