Doan Tan Nam Trien Cai
Đoạn Tận Năm Triền Cái 3

Đoạn Tận Năm Triền Cái

① tham dục,
② sân hận,
③ hôn trầm thụy miên,
④ trạo cử hối tiếc,
⑤ hoài nghi
CÓ LỢI ÍCH THIẾT THỰC GÌ?

Như vậy, này Ðại vương, Tỷ–kheo tự mình quán năm triền cái chưa xả ly,

1. như món nợ,
2. như bệnh hoạn,
3. như ngục tù,
4. như cảnh nô lệ,
5. như con đường sa mạc.

Này Ðại vương, cũng

1. như không mắc nợ,
2. như không bệnh tật,
3. như được khỏi tù tội,
4. như được tự do,
5. như đất lành yên ổn,

này Ðại vương, Tỷ–kheo quán năm triền cái khi diệt trừ chúng.

Khi quán tự thân đã xả ly năm triền cái ấy,

  1. hân hoan sanh;
  2. do hân hoan nên hỷ sanh;
  3. do tâm hoan hỷ, thân được khinh an;
  4. do thân khinh an, lạc thọ sanh;
  5. do lạc thọ, tâm được định tĩnh.

Tỷ–kheo ly dục, ly ác pháp, chứng và trú thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, với tầm, với tứ. Tỷ–kheo thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân mình với hỷ lạc do ly dục sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do ly dục sanh ấy thấm nhuần.

Lại nữa, này Ðại vương, Tỷ–kheo ấy diệt tầm và tứ, chứng và trú thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm Tỷ–kheo ấy thấm nhuần, tẩm ướt làm cho sung mãn, tràn đầy thân mình với hỷ lạc do định sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do định sanh ấy thấm nhuần.

Lại nữa, này Ðại vương, Tỷ–kheo ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là “Xả niệm lạc trú”, chứng và an trú thiền thứ ba. Tỷ–kheo thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn tràn đầy thân mình với lạc thọ không có hỷ ấy, không một chỗ nào trên toàn thân, không được lạc thọ không có hỷ ấy thấm nhuần.

Lại nữa, này Ðại vương, Tỷ–kheo, xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú vào thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Tỷ–kheo ấy thấm nhuần toàn thân mình với tâm thuần tịnh trong sáng, không một chỗ nào trên toàn thân không được tâm thuần tịnh trong sáng ấy thấm nhuần.

Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, Tỷ–kheo dẫn tâm, hướng tâm đến chánh trí, chánh kiến. Vị ấy biết: Thân này của ta là sắc pháp, do bốn đại thành, do cha mẹ sanh, nhờ cơm cháo nuôi dưỡng, vô thường, biến hoại, phấn toái, đoạn tuyệt, hoại diệt, trong thân ấy thức ta lại nương tựa và bị trói buộc.

Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, Tỷ–kheo chú tâm, hướng tâm đến sự hóa hiện một thân do ý làm ra. Vị ấy tạo một thân khác từ nơi thân này, cũng là sắc pháp, do ý làm ra, đầy đủ các chi tiết lớn nhỏ, không thiếu một căn nào.

Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, Tỷ–kheo dẫn tâm, hướng tâm đến các thần thông.

Vị ấy chứng được các loại thần thông, một thân hiện ra nhiều thân, nhiều thân hiện ra một thân; hiện hình, biến hình đi ngang qua vách, qua tường, qua núi như đi ngang hư không; độn thổ, trồi lên ngang qua đất liền, như ở trong nước; đi trên nước không chìm như trên đất liền; ngồi kiết già đi trên hư không như con chim; với bàn tay, chạm và rờ mặt trăng và mặt trời, những vật có đại oai lực, đại oai thần như vậy; có thể tự thân bay đến cõi Phạm thiên.

Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, Tỷ–kheo dẫn tâm, hướng tâm đến thiên nhĩ thông. Tỷ–kheo với thiên nhĩ thanh tịnh siêu nhân có thể nghe hai loại tiếng, chư Thiên và Người, xa và gần.

Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, Tỷ–kheo dẫn tâm, hướng tâm đến tha tâm thông. Tỷ–kheo sau khi đi sâu vào tâm của chúng sanh, của loài người với tâm của mình, vị ấy biết được như sau:

  1. Tâm có tham, biết là tâm có tham. Tâm không có tham, biết là tâm không có tham.
  2. Tâm có sân, biết là tâm có sân. Tâm không có sân, biết là tâm không có sân.
  3. Tâm có si, biết là tâm có si. Tâm không có si, biết là tâm không có si.
  4. Tâm chuyên chú, biết là tâm chuyên chú. Tâm tán loạn, biết là tâm tán loạn.
  5. Ðại hành tâm, biết là đại hành tâm. Không phải đại hành tâm, biết không phải là đại hành tâm.
  6. Tâm chưa vô thượng, biết là tâm chưa vô thượng, Tâm vô thượng, biết là tâm vô thượng.
  7. Tâm thiền định, biết là tâm thiền định. Tâm không thiền định, biết là tâm không thiền định.
  8. Tâm giải thoát, biết là tâm giải thoát. Tâm không giải thoát, biết là tâm không giải thoát.


Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, Tỷ–kheo dẫn tâm, hướng tâm đến túc mạng minh. Vị ấy nhớ đến các đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, hai trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại và thành kiếp.

Vị ấy nhớ rằng: “Tại chỗ kia ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, ta được sanh ra tại chỗ nọ. Tại chỗ ấy, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ nọ, ta được sanh ra ở đây”. Như vậy Tỷ–kheo nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và các chi tiết.

Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, Tỷ–kheo dẫn tâm, hướng tâm đến trí huệ về sanh tử của chúng sanh. Vị ấy với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống và chết của chúng sanh.

Vị ấy biết rõ rằng, chúng sanh người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của chúng: “Này các Hiền giả, những Tôn giả này làm những điều ác hạnh về thân, lời và ý, phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến. Những người này sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.

Này các Hiền giả, còn những chúng sanh nào làm những thiện hạnh về thân, lời và ý, không phỉ báng các bậc Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến, những người này, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên các thiện thú, cõi trời, trên đời này. Như vậy vị ấy với thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân thấy sự sống chết của chúng sanh. Vị ấy biết rõ rằng chúng sanh, người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của chúng.

Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, Tỷ–kheo dẫn tâm, hướng tâm đến lậu tận trí. 

  1. Vị ấy biết như thật "đây là khổ",
  2. biết như thật "đây là nguyên nhân của khổ",
  3. biết như thật "đây là khổ diệt",
  4. biết như thật "đây là con đường đưa đến khổ diệt",
  5. biết như thật "đây là những lậu hoặc",
  6. biết như thật "đây là nguyên nhân của lậu hoặc",
  7. biết như thật "đây là sự diệt trừ các lậu hoặc",
  8. biết như thật "đây là con đường đưa đến sự diệt trừ các lậu hoặc".

Nhờ hiểu biết như vậy, nhận thức như vậy, tâm của vị ấy thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu. Ðối với tự thân đã giải thoát như vậy, khởi lên sự hiểu biết: Ta đã giải thoát.

Vị ấy biết: Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm; sau đời hiện tại, không có đời sống nào khác nữa.

Nguồn trích dẫn: Trường Bộ Kinh – Digha Nikaya, 2. Kinh Sa–môn quả (Sàmannaphala sutta)

 

* Nội dung được trích từ các bài giảng và tài liệu do Sư Viên Phúc tổng hợp và chia sẻ trên trang Ehipassiko.info

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app