Do có cái gì, do chấp thủ cái gì, do thiên chấp cái gì, (tà) kiến này được khởi lên: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”?
– Do có sắc [thọ, tưởng, hành, thức], này các Tỷ-kheo, do chấp thủ sắc [thọ, tưởng, hành, thức], do thiên chấp sắc [thọ, tưởng, hành, thức], (tà) kiến này được khởi lên: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”.
– Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, sắc [thọ, tưởng, hành, thức] là thường hay vô thường?
– Là vô thường, bạch Thế Tôn.
– Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
– Là khổ, bạch Thế Tôn.
– Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, nếu không chấp thủ cái ấy, thời có thể khởi lên (tà) kiến này: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi?”
– Thưa không, bạch Thế Tôn.
– Cái gì được thấy, được nghe, được nghĩ đến, được biết, được tìm cầu, được ý tư duy, cái ấy là thường hay vô thường?
– Là vô thường, bạch Thế Tôn.
– Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
– Là khổ, bạch Thế Tôn.
– Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, nếu không chấp thủ cái ấy, thời có thể khởi lên (tà) kiến này: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”?
– Thưa không, bạch Thế Tôn.
– Khi nào vị Thánh đệ tử, này các Tỷ-kheo, đối với sáu xứ này, nghi hoặc được đoạn trừ; đối với khổ, nghi hoặc được đoạn trừ; đối với khổ tập khởi, nghi hoặc được đoạn trừ; đối với khổ đoạn diệt, nghi hoặc được đoạn trừ; đối với con đường đưa đến khổ đoạn diệt, nghi hoặc được đoạn trừ; như vậy, này các Tỷ-kheo gọi là bậc Thánh đệ tử đã chứng được Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc hướng đến giác ngộ.
Nguồn trích dẫn: Tương Ưng Bộ – Samyutta Nikaya, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt, Tập III – Thiên Uẩn Chương 3 Tương Ưng Kiến