Nội Dung Chính
Đại Thiền Sư Mogok: Lược Đồ Lý Duyên Sanh
(Paṭiccasamuppāda)
Điều quan trọng đối với người hành thiền là phải biết rằng thủ phạm thực sự gây ra sự luân chuyển của tiến trình tử sanh bất tận, hết hiện hữu này đến hiện hữu khác, của một chúng sanh trong vòng luân hồi này không ai khác ngoài Vô Minh và Tham ái.
Tham khảo lại lược đồ người đọc sẽ thấy ngay chính giữa (lược đồ) là Vô Minh và Tham Ái. Vô minh là không biết về tứ thánh đế. Tham ái là khát khao, mong muốn bất cứ điều gì vừa ý mà nó gặp, vì vậy người đọc hay người hành thiền cần phải ghi nhớ rằng khởi đầu của vòng duyên sanh là vô minh và tham ái.
Khi các uẩn đi vào hiện hữu nó được theo sau bởi già và chết. Thủ phạm trách nhiệm cho việc xây dựng nên các Uẩn này cần phải được khám phá. Và hiển nhiên lúc này người hành thiền sẽ thấy rõ rằng thủ phạm đích thực xây dựng nên các Uẩn là Vô Minh và Tham Ái. Do đó nhân căn bản phải được đoạn trừ để sẽ không còn quả nào phát sanh.
Người hành thiền cũng cần phải khám phá xem những việc làm của vô minh và tham ái này là gì. Như đã đề cập ở trước, vô minh là không hiểu biết về Tứ Thánh Đế. Tham ái là khát khao những gì vừa ý mà nó gặp. Nói đúng ra, vô minh còn làm hơn thế nữa, vì nó làm nhân và làm duyên cho các Hành(saṇkhāras) phát sanh, trong khi tham ái làm nhân và làm duyên cho chấp thủ (upādāna) phát sanh. Lại nữa Các Hành làm nhân và làm duyên cho Tương Tục Quả Hiện Tại, đó là, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, hay nói khác hơn Năm Uẩn phát sanh.
Tham khảo lại lược đồ, trong Phần I, phần được gọi là Tương Tục Nhân Quá Khứ, chúng ta thấy có năm yếu tố, đó là vô minh, hành, ái, thủ và hữu. Từ tương tục nhân quá khứ này phát sanh ra Phần II gọi là Tương Tục Quả Hiện Tại. Nó được tạo thành bởi thức, danh sắc, lục nhập, xúc, và thọ, hay có thể nói tương tục quả hiện tại này không là gì khác ngoài năm uẩn của chính chúng ta.
Nghiên cứu cẩn thận chúng ta sẽ thấy rằng từ Phần II hay từ Tương Tục Quả Hiện Tại sẽ làm phát sanh Tương Tục Nhân Tương Lai hay Tương Tục Nhân Hiện Tại vốn được đặt tên là Phần III. Phần này bao gồm ái, thủ, hữu, vô minh, và hành. Nếu sắp theo Đế (sacca) những yếu tố này sẽ rơi vào nhóm Tập Đế (samudaya sacca). Lại nữa từ Phần III sẽ làm phát sanh Tương Tục Quả Tương Lai gồm thức, danh sắc, lục nhập, xúc, và thọ, mà nếu sắp xếp theo Đế sẽ rơi vào nhóm Khổ Đế (dukkha sacca).
Bây giờ chúng ta thấy rõ ràng rằng từ Tương Tục Nhân Quá Khứ làm phát sanh Tương Tục Quả Hiện Tại và từ Tương Tục Quả Hiện Tại sẽ làm phát sanh Tương Tục Nhân Tương Lai hay Tương Tục Nhân Hiện Tại và từ Tương Tục Nhân Hiện Tại làm phát sanh Tương Tục Quả Tương Lai, và Tương Tục Quả Tương Lai sẽ lại trở thành Tương Tục Nhân Quá Khứ, cứ như thế quá khứ sanh ra hiện tại, hiện tại sanh ra tương lai và tương lai lại trở thành quá khứ, và v.v… Như vậy chuỗi Duyên Sanh hay vòng Luân Hồi hay tiến trình sanh và diệt của các hiện tượng từ sát-na này đến sát-na khác đang làm cho sự xoay chuyển thông thường của nó tuần hoàn bất tận.
Nói theo Tứ Thánh Đế, khi tiến trình tuần hoàn của Tập Đế (samudaya) sanh thì Khổ sanh, và ngược lại khi Khổ sanh nó sẽ làm cho Tập Đế hay nhân sanh khổ v.v…sanh. Cũng vậy, Quá Khứ trở thành Hiện Tại, Hiện Tại trở thành Tương Lai, Tương Lai trở thành Quá Khứ và Quá Khứ trở thành Hiện Tại và v.v…trong một trật tự tuần hoàn bất tận.
Do vô minh người ta làm đủ mọi loại hành động, thiện và bất thiện, qua đó cái họ nhận được không gì khác ngoài Năm Uẩn vốn đơn giản chỉ là Khổ Đế. Lại nữa, bị vô minh dẫn dắt và tham ái thúc giục kẻ phàm phu phạm vào đủ mọi loại nghiệp có khi là vì lợi lạc vật chất của bản thân mình hay có khi vì lợi ích của gia đình mình để rồi chắc chắn chúng sẽ dẫn họ vào những cõi khổ. Đúng ra mà nói, họ cũng làm được những điều thiện có thể đưa họ lên một cõi sống cao hơn, nhưng cho dù là như thế họ vẫn không thoát khỏi khổ.
Minh họa trong cuộc sống hàng ngày. Khi anh “A” nhìn thấy một vật gì; anh ta cảm thấy thèm muốn; anh ta bị tràn ngập với khát khao muốn có nó; và cuối cùng anh ta đã cố gắng để có được nó. Chắc chắn anh ta sẽ nhận được, và theo quy luật Duyên Sanh, cái anh ta nhận được đó là sanh (jāti). Khi Jāti hay sanh có mặt nó lại bị thống trị và ảnh hưởng bởi vô minh và tham ái.
Như vậy Phần I nối với Phần II và Phần II nối với Phần III. Rồi từ Phần III lại làm phát sinh Phần IV. Theo cách này, trật tự xoay vần của Duyên Sanh sẽ tiếp diễn mãi mãi không ngừng. Hết một vòng cũ nó lại xoay một vòng mới, và tiến trình tuần hoàn sẽ diễn tiến bất tận như vậy. Tất cả mọi người chúng ta đều nằm trong mối liên hệ nhân quả này và chưa từng có một cơ hội, dù nhỏ nhoi nhất, tìm được lối ra. Nếu có, chắc hẳn hiện nay chúng ta sẽ không phải hiện hữu ở đây vậy.
Người đọc hãy nhìn vào lược đồ và tự tìm xem hiện nay mình đang ở phần nào. Câu trả lời chắc chắn sẽ là chúng ta đang ở Phần II, chỗ Thức, Danh Sắc, Lục Nhập, Xúc và Thọ được thấy, nếu sắp theo Tứ Thánh Đế chúng sẽ nằm trong nhóm Năm Uẩn vốn là Khổ Đế.
Dựa vào Tương Tục Nhân Quá Khứ, đó là: vô minh, hành, ái, thủ, và hữu – năm uẩn (Tương Tục Quả Hiện Tại) phát sanh. Do đó, Phần I là Tập Đế trong khi Phần II là Khổ Đế, và như vậy rõ ràng chỉ có tiến trình của Tập và Khổ trong khi Đạo Đế và Diệt Đế đã bị che lấp. Sở dĩ hai Đế Siêu Thế này không có mặt trong chúng ta là vì chúng ta không quan tâm đến việc tiếp cận những bậc thầy đáng tin cậy có thể dẫn dắt chúng ta đi vào chánh đạo (Thánh Đế, ariya sacca).
Nguồn trích dẫn: Thiền sư Mogok – Pháp Duyên Sanh. U ThanDaing. TK Pháp Thông dịch.
NXB Tôn giáo.
Ghi chú:
PAṬICCASAMUPPADA hay Duyên Sanh (Thập Nhị Nhân Duyên) Là Gì?
Pháp Duyên Sanh được Đức Phật giải thích nhằm giúp hàng phàm nhân thoát khỏi những trói buộc của tà kiến và đạt đến giải thoát. Pháp duyên sanh có thể được trình bày một cách tóm tắt như sau: ‘khi cái này hiện hữu, cái kia có mặt, khi cái này không hiện hữu, cái kia không có mặt’.
Paṭiccasamuppada là một từ Pāḷi được kết hợp bởi ba chữ, đó là Paticca với nghĩa “do” hay “dựa vào”, Sam có nghĩa khéo, và Uppāda với nghĩa sự sanh khởi của quả do nhân, chính vì dựa vào nhân mà có quả nên nó được gọi là Pháp Duyên Sanh(Paṭiccasamuppada – Law of Dependent Origination) hay Vòng Tái Sanh Luân Hồi).
Trong Pháp Duyên Sanh có mười hai mắc xích trình bày tiến trình sanh khởi của một hữu tình từ một hiện tượng này đến một hiện tượng khác trong chuỗi luân hồi bất tận.
Mặc dù Pháp Duyên Sanh bắt đầu với Vô Minh (Avijjā), song cần lưu ý rằng Vô Minh không phải là nguyên nhân đầu tiên bởi vì vòng luân hồi vốn không có khởi điểm; nguồn gốc của các chúng sanh luân chuyển trong Luân Hồi không thể khám phá ra được do bị vô minh che đậy. Pháp Duyên Sanh dạy cho chúng ta biết vòng luẩn quẩn của tái sanh, trong đó nguyên nhân vừa là nhân và cũng vừa là quả hay nói chính xác hơn nhân luôn trở thành quả và quả đến lượt nó cũng trở thành nhân trong hệ thống không gian và thời gian của vũ trụ này.
Mười hai mắc xích được trình bày như sau:
2. Duyên Hành, Thức (viññāṇa) sanh.
3. Duyên Thức, Danh Sắc (Nāmarūpa) sanh.
4. Duyên Danh Sắc, Lục Nhập (Salāyatana) sanh.
5. Duyên Lục Nhập, Xúc (Phassa) sanh.
6. Duyên Xúc, Thọ (Vedanā) sanh.
7. Duyên Thọ, Ái (Taṇhā) sanh.
8. Duyên Ái, Thủ (Upādāna) sanh.
9. Duyên Thủ, Hữu (Bhava) sanh.
10.Duyên Hữu, Sanh (Jāti) sanh.
11.Duyên Sanh, Già (Jarā), Chết(Marana), Sầu (Soka), Bi (Parideva), Khổ (Dukkha), Ưu (Domanassa), Não (Upāyāsa) sanh.
Mong rằng giáo lý duyên sanh hay pháp thập nhị nhân duyên này này sẽ được mọi người học thuộc lòng bằng tiếng Pāḷi. Những ai chưa thể nhớ nên cố gắng ghi nhớ càng sớm càng tốt, bởi vì nó sẽ là một sự trợ giúp đáng kể cho những ai nắm bắt được ý nghĩa của pháp duyên sanh. Một số người thường tụng đọc nó trong thời kinh lễ bái Tam Bảo. Tất nhiên họ có thể chọn cách làm như vậy nhưng nếu chỉ tụng đọc suông mà không hiểu được mục đích và ý nghĩa của pháp duyên sanh điều đó sẽ không giúp họ xua tan được các loại tà kiến (diṭṭhi) vốn là cội nguồn của hiểm nguy bị rơi vào bốn ác đạo (duggati).