Ta và Của Ta (Atta và Attaniya)

1-      Atta: Ngã, ta là do tà kiến thấy sai chấp lầm từ sắc pháp cho là ta; từ danh pháp cho là ta; từ ngũ uẩn cho là ta, gọi là tà kiến chấp ngã (attadiṭṭhi) hoặc tà kiến theo chấp ngã (attānudiṭṭhi). Khi có tà kiến chấp ngã ta, thì cũng chấp người, chúng sinh, v.v…

Theo đúng sự thật Chân nghĩa pháp (Paramatthasacca), thì không phải ta, không phải người, không phải chúng sinh nào, vật nào cả, chỉ có danh pháp 2 , sắc pháp mà thôi.

Đức Phật dạy: 

Sabbe dhammā anattā: Tất cả các pháp đều là vô ngã”.

Dhammā: Các pháp gồm có pháp hữu vi và pháp vô vi

Pháp hữu vi (saṅkhatadhamma) đó là tâm, tâm sở; sắc pháp là những pháp được cấu tạo do bởi 4 nguyên nhân: Nghiệp, tâm, thời tiếtvật thực đều là pháp vô ngã.

Pháp vô vi (asaṅkhatadhamma) đó là Niết BànChế định pháp, là những pháp không bị cấu tạo do bởi 4 nguyên nhân: Nghiệp, tâm, thời tiết vật thực, đều là pháp vô ngã.

Tà Kiến Chấp Ngã (Attadiṭṭhi) 

Theo tà kiến chấp ngã cho rằng:

Sắc pháp là ta, danh pháp là ta.

Sở dĩ gọi là ngã (ta), là vì tâm tà kiến nương nhờ nơi sắc pháp ấy, danh pháp ấy, thấy sai, chấp lầm cho là ngã (ta). Song sự thật, cái ngã (cái ta) hoàn toàn không có thật, chỉ có tâm tà kiến chấp ngã là có thật mà thôi, chính tâm tà kiến chấp ngã thấy sai, chấp lầm từ sắc pháp, từ danh pháp, từ ngũ uẩn cho là ngã, ta.

Ví dụ: Một người đi đường ban đêm không có đèn, nhìn thấy sợi dây ngoằn ngoèo nằm giữa đường, rồi thấy sai, chấp lầm từ sợi dây ngoằn ngoèo kia cho là con rắn độc. Sự thật, không có con rắn độc nào, mà chỉ có thấy sai, chấp lầm từ sợi dây ngoằn ngoèo ấy cho là con rắn độc mà thôi. 

1-    Tà kiến nương nhờ nơi sắc pháp chấp ngã

–     Khi thân đi hoặc sắc đi thuộc về sắc pháp là vô ngã, thì tâm tà kiến chấp theo ngã nương nhờ nơi sắc đi ấy, mà thấy sai, chấp lầm cho là ta đi. Theo sự thật thực tánh pháp chỉ có dáng đi, tư thế đi, toàn thân di chuyển bước đi gọi là sắc đi mà thôi. Nếu tâm tà kiến theo chấp ngã không nương nhờ nơi sắc đi ấy, thì không có thấy sai, chấp lầm cho là ta đi.

Tương tự như vậy:

–     Khi thân đứng hoặc sắc đứng thuộc về sắc pháp là vô ngã, thì tâm tà kiến theo chấp ngã nương nhờ nơi sắc đứng ấy, mà thấy sai, chấp lầm cho là ta đứng. Theo sự thật thực tánh pháp chỉ có dáng đứng, tư thế đứng toàn thân đứng yên gọi là sắc đứng mà thôi. Nếu tâm tà kiến theo chấp ngã không nương nhờ nơi sắc đứng ấy, thì không có thấy sai, chấp lầm cho là ta đứng.

–     Khi thân ngồi hoặc sắc ngồi thuộc về sắc pháp là vô ngã, thì tâm tà kiến theo chấp ngã nương nhờ nơi sắc ngồi ấy, mà thấy sai, chấp lầm cho là ta ngồi. Theo sự thật thực tánh pháp chỉ có dáng ngồi, tư thế ngồi, toàn thân ngồi yên gọi là sắc ngồi mà thôi. Nếu tâm tà kiến theo chấp ngã không nương nhờ nơi sắc ngồi ấy, thì không có thấy sai, chấp lầm cho là ta ngồi.

–     Khi thân nằm hoặc sắc nằm thuộc về sắc pháp là vô ngã, thì tâm tà kiến theo chấp ngã nương nhờ nơi sắc nằm ấy, mà thấy sai, chấp lầm cho là ta nằm. Theo sự thật thực tánh pháp chỉ có dáng nằm, tư thế nằm, toàn thân nằm yên gọi là sắc nằm mà thôi. Nếu tâm tà kiến theo chấp ngã không nương nhờ nơi sắc nằm ấy, thì không có thấy sai, chấp lầm cho là ta nằm, v.v…

Như vậy, khi có tâm tà kiến chấp ngã nương nhờ sắc pháp nào, thì chấp sắc pháp ấy cho là ta.

2-    Tà kiến nương nhờ nơi danh pháp chấp ngã

–     Khi nhãn thức tâm nhìn thấy sắc trần hình dạng, nhãn thức tâm thuộc về danh pháp là vô ngã, gọi là danh 1 thấy, thì tâm tà kiến theo chấp ngã nương nhờ nơi danh thấy ấy, mà thấy sai, chấp lầm cho là ta thấy. Nếu tâm tà kiến theo chấp ngã không nương nhờ nơi danh thấy ấy, thì không có thấy sai, chấp lầm cho là ta thấy.

–     Khi nhĩ thức tâm nghe thanh trần, âm thanh, nhĩ thức tâm thuộc về danh pháp là vô ngã, gọi là danh nghe, thì tâm tà kiến theo chấp ngã nương nhờ nơi danh nghe ấy, mà thấy sai, chấp lầm cho là ta nghe. Nếu tâm tà kiến theo chấp ngã không nương nhờ nơi danh nghe ấy, thì không có thấy sai, chấp lầm cho là ta nghe.

–     Khi tỷ thức tâm ngửi hương trần, các loại mùi, tỷ thức tâm thuộc về danh pháp là vô ngã, gọi là danh ngửi, thì tâm tà kiến theo chấp ngã nương nhờ nơi danh ngửi ấy, mà thấy sai, chấp lầm cho là ta ngửi. Nếu tâm tà kiến theo chấp ngã không nương nhờ nơi danh ngửi ấy, thì không có thấy sai, chấp lầm cho là ta ngửi.

–     Khi thiệt thức tâm nếm vị trần, các loại vị, thiệt thức tâm thuộc về danh pháp là vô ngã, gọi là danh nếm, thì tâm tà kiến theo chấp ngã nương nhờ nơi danh nếm ấy, mà thấy sai, chấp lầm cho là ta nếm. Nếu tâm tà kiến theo chấp ngã không nương nhờ nơi danh nếm ấy, thì không có thấy sai, chấp lầm cho là ta nếm.

–     Khi thân thức tâm xúc giác với xúc trần, cứng mềm, nóng lạnh…, thân thức tâm thuộc về danh pháp là vô ngã, gọi là danh xúc giác, thì tâm tà kiến theo chấp ngã nương nhờ nơi danh xúc giác ấy, mà thấy sai, chấp lầm cho là ta xúc giác, ta có cảm giác cứng, mềm, nóng lạnh. Nếu tâm tà kiến theo chấp ngã không nương nhờ nơi danh xúc giác ấy, thì không có thấy sai, chấp lầm cho là ta xúc giác, ta có cảm giác cứng, mềm, nóng lạnh.

–     Khi ý thức tâm biết pháp trần gồm có đối tượng Chân nghĩa pháp và đối tượng Chế định pháp:

*     Khi ý thức tâm biết đối tượng Chân nghĩa pháp, là biết danh pháp, sắc pháp là vô ngã, thì tâm tà kiến theo chấp ngã nương nhờ danh pháp, sắc pháp ấy, mà thấy sai, chấp lầm cho là ta biết danh pháp ấy, ta biết sắc pháp ấy. Nếu tâm tà kiến theo chấp ngã không nương nhờ nơi danh pháp ấy, sắc pháp ấy, thì đâu có thấy sai, chấp lầm cho là ta biết danh pháp ấy, ta biết sắc pháp ấy.

*     Khi ý thức tâm biết đối tượng Chế định pháp là pháp vô ngã: Các ngôn ngữ như tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp,… môn học này, nghề nghiệp kia,… thì tâm tà kiến theo chấp ngã nương nhờ nơi ngôn ngữ ấy mà thấy sai chấp lầm cho là ta biết tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp,… ta biết môn học này, ta biết nghề nghiệp kia,… Nếu tâm tà kiến theo chấp ngã không nương nhờ nơi đối tượng Chế định pháp ấy, thì không có thấy sai chấp lầm cho là ta biết tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp,… ta biết môn học này, ta biết nghề nghiệp kia,…

Thật ra, khi có tâm tà kiến theo chấp ngã, thì bất cứ lúc nào cũng có thể chấp pháp này hoặc pháp khác cho là ta

Do đó, cái gọi là ta (ngã) hoàn toàn không có thật; nếu có cái ta (ngã) là thật, thì trong những cái gọi là ta (ngã) ấy, cái ta (ngã) nào là cái ta (ngã) thật? 

Thật ra, theo sự thật tất cả các pháp không có cái ta (ngã) thật. Cho nên, tất cả các pháp đều là pháp vô ngã. 

3-    Tà kiến nương nhờ nơi ngũ uẩn chấp ngã

*     20 loại tà kiến chấp ngã

Trong bộ Paṭisambhidāmagga phần Diṭṭhikathā dạy: Tà kiến nương nhờ nơi ngũ uẩn rồi chấp ngã có 20 loại:

*     Tà kiến nương nhờ nơi sắc uẩn, chấp ngã như sau:

–       Sắc uẩn là ta

–       Ta có sắc uẩn

–       Sắc uẩn trong ta

–       Ta trong sắc uẩn

*     Tà kiến nương nhờ nơi thọ uẩn chấp ngã như sau:

–       Thọ uẩn là ta

–       Ta có thọ uẩn

–       Thọ uẩn trong ta

–       Ta trong thọ uẩn

*     Tà kiến nương nhờ nơi tưởng uẩn chấp ngã như sau:

–       Tưởng uẩn là ta

–       Ta có tưởng uẩn

–       Tưởng uẩn trong ta

–       Ta trong tưởng uẩn

*     Tà kiến nương nhờ nơi hành uẩn chấp ngã như sau:

–       Hành uẩn là ta

–       Ta có hành uẩn

–       Hành uẩn trong ta

–       Ta trong hành uẩn

*     Tà kiến nương nhờ nơi thức uẩn chấp ngã như sau:

–       Thức uẩn là ta

–       Ta có thức uẩn

–       Thức uẩn trong ta

–       Ta trong thức uẩn

Tà kiến nương nhờ nơi ngũ uẩn rồi chấp ngã gồm có 20 loại.

Theo thực tánh của các pháp, trong ngũ uẩn này, phần sắc uẩn thuộc về sắc pháp, không phải là ta, và phần thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn thức uẩn thuộc danh pháp, không phải là ta. Sắc pháp, danh pháp đều là pháp vô ngã, không phải ta.

Diệt ngã bằng cách nào?

Theo thực tánh của các pháp thì ta vốn không có thật, hoàn toàn không có thật, chỉ có tâm tà kiến theo chấp ngã là có thật mà thôi. Cho nên, không có phương pháp diệt ngã, vì không có cái ngã để diệt, chỉ có phương pháp diệt tâm tà kiến chấp ngã mà thôi. Khi diệt được tâm tà kiến chấp ngã bằng chánh kiến thiền tuệ rồi, thì không còn thấy sai, chấp lầm từ danh pháp, từ sắc pháp cho là ngã, ta nữa. 

Phương pháp diệt tà kiến theo chấp ngã

Hành giả thực hành thiền tuệ, khi trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ danh pháp sắc pháp là pháp vô ngã, không phải ta, không phải người, không phải đàn ông, không phải đàn bà, không phải chúng sinh, không phải vật nầy vật kia, v.v…; khi ấy, chánh kiến thiền tuệ (vipassanāsammādiṭṭhi) thấy đúng, biết đúng thực tánh của danh pháp, sắc pháp là pháp vô ngã, nên diệt được tà kiến chấp ngã từng thời trong tam giới, đạt đến chánh kiến thanh tịnh (diṭṭhivisuddhi).

Trí tuệ thiền tuệ phát triển tăng trưởng đến chánh kiến Thánh Đạo Tuệ (Maggasammādiṭṭhi), đó là Nhập Lưu Thánh Đạo Tuệ, diệt đoạn tuyệt tà kiến theo chấp ngã thật sự không còn dư sót. Cho nên, bậc Thánh Nhập Lưu hoàn toàn không còn chấp ngã (ta) nữa. Bởi vì, bậc Thánh Nhập Lưu đã diệt đoạn tuyệt được tà kiến chấp ngã, đồng thời diệt đoạn tuyệt tất cả mọi tà kiến khác không còn dư sót.

Của Ta Có 3 Loại

2-      Attaniya: Của ta. Sở dĩ có quan niệm sai lầm về của ta là vì chấp ngã. Chấp ngã có 3 loại, nên của ta cũng có 3 loại:

–       Chấp ngã do tà kiến cho là tự ngã của ta (diṭṭhigāho).

–       Chấp ngã do tham ái cho là của ta (taṇhāgāho).

–       Chấp ngã do ngã mạn cho là ta và của ta (mānagāho).

–     Hạng phàm nhân có chấp ngã, vì chưa diệt đoạn tuyệt được tâm tà kiến, tâm tham ái, tâm ngã mạn, nên lúc nào cũng có quan niệm sai lầm về tự ngã của ta do tà kiến, về của ta do tham ái, về ta và của ta do ngã mạn, nên vẫn còn có khổ tâm.

–     Bậc Thánh Nhập Lưu đã diệt đoạn tuyệt được tà kiến trong 4 tâm tham hợp với tà kiến. Cho nên, bậc Thánh Nhập Lưu không còn chấp ngũ uẩn là ta, của ta do tà kiến nữa; nhưng còn 4 tâm tham không hợp với tà kiến chưa diệt được, cho nên, bậc Thánh Nhập Lưu vẫn còn chấp của ta do tâm tham ái và chấp ta và của ta do tâm ngã mạn (ta hơn người, ta bằng người, ta kém hơn người), nên vẫn còn có khổ tâm.

–     Bậc Thánh Nhất Lai đã diệt đoạn tuyệt được 4 tâm tham không hợp với tà kiến loại thô trong cõi dục giới, cho nên, bậc Thánh Nhất Lai không còn chấp ngã cho là của ta loại thô trong cõi dục giới, nhưng vẫn còn chấp ngã cho là của ta loại vi tế trong cõi dục giới, nên vẫn còn có khổ tâm vi tế.

–     Bậc Thánh Bất Lai đã diệt đoạn tuyệt được 4 tâm tham không hợp với tà kiến loại vi tế trong cõi dục giới, cho nên, bậc Thánh Bất Lai không còn chấp ngã cho là của ta loại vi tế trong cõi dục giới, nhưng vẫn còn chấp ngã cho là của ta trong thiền hữu sắc, cõi sắc giới, nên vẫn còn có khổ tâm rất vi tế. 

–     Bậc Thánh Arahán đã diệt đoạn tuyệt được 4 tâm tham không hợp với tà kiến và tất cả các phiền não không còn dư sót, bậc Thánh Arahán hoàn toàn không còn chấp ngã do tham ái và ngã mạn trong tam giới: Dục giới, sắc giớivô sắc giới. Cho nên, bậc Thánh Arahán hoàn toàn giải thoát khổ tâm.

Phiền Não Phát Sinh Nơi 6 Môn

Đối với các hạng phàm nhân, mọi phiền não, mọi tham ái có thể phát sinh trong 6 lộ trình tâm là:

1-       Nhãn môn lộ trình tâm tiếp xúc với sắc trần.

2-       Nhĩ môn lộ trình tâm tiếp xúc với thanh trần.

3-       Tỷ môn lộ trình tâm tiếp xúc với hương trần.

4-       Thiệt môn lộ trình tâm tiếp xúc với vị trần.

5-       Thân môn lộ trình tâm tiếp xúc với xúc trần.

6-       Ý môn lộ trình tâm tiếp xúc với pháp trần.

Trong 6 đối tượng này chia làm 2 loại:

1-      Đối tượng Chân nghĩa pháp (Paramattha).

2-      Đối tượng Chế định pháp (Paññatti).

Trong ngũ môn lộ trình tâm là: Nhãn môn lộ trình tâm, nhĩ môn lộ trình tâm, tỷ môn lộ trình tâm, thiệt môn lộ trình tâm, thân môn lộ trình tâm, tiếp xúc với 5 đối tượng là sắc trần, thanh trần, hương trần, vị trần, xúc trần thuộc về đối tượng Chân nghĩa pháp trong thời hiện tại (không phải đối tượng Chế định pháp).

Riêng ý môn lộ trình tâm tiếp xúc với pháp trần có một số đối tượng thuộc về Chân nghĩa pháp có thể sử dụng làm đối tượng của pháp hành thiền tuệ. Và có một số đối tượng thuộc về Chế định pháp không có thể sử dụng làm đối tượng của pháp hành thiền tuệ, nhưng trong Chế định pháp, có một số pháp chế định có thể sử dụng làm đối tượng của pháp hành thiền định.

Chân nghĩa pháp là pháp có thực tánh thuần túy của mỗi danh pháp, của mỗi sắc pháp, hoàn toàn không liên quan đến Chế định pháp; nhưng Chế định pháp luôn luôn dựa trên Chân nghĩa pháp mà chế định ra ý nghĩa, hình dạng và ngôn ngữ.

Khi nào Chế định pháp là đối tượng hiện rõ trong tâm, khi ấy Chân nghĩa pháp bị che án, bị phủ kín thực tánh của nó. Nhưng khi nào hành giả thực hành thiền tuệ có đối tượng Chân nghĩa pháp hiện rõ trong tâm, khi ấy Chế định pháp bị biến mất.

Đối với những hạng phàm nhân không biết thu thúc lục căn, khi tâm tiếp xúc với đối tượng nào, rồi chấp thủ nơi đối tượng ấy là nhân làm phát sinh phiền não, tham ái. Còn đối với hạng thiện trí phàm nhân là hành giả đang thực hành thiền tuệ, biết thu thúc lục căn, khi tâm tiếp xúc với đối tượng nào (danh pháp, sắc pháp, hoặc Chế định pháp), không chấp thủ nơi đối tượng ấy, nên ngăn được phiền não chưa phát sinh thì không cho phát sinh, hoặc diệt được phiền não đã phát sinh.

Đối với những bậc Thánh Nhân luôn luôn có trí nhớ trí tuệ biết mình, biết thu thúc lục căn thanh tịnh; khi tâm tiếp xúc với đối tượng nào cũng không chấp thủ nơi đối tượng ấy. Cho nên dù đối tượng nào, phiền não cũng không thể nương nhờ nơi đối tượng ấy mà phát sinh.

Thu Thúc Lục Căn Không Chấp Thủ Đối Tượng

Trong bài kinh Gaṇakamoggallānasutta 1 Đức Phật thuyết dạy ông Bàlamôn Gaṇaka-moggallāna có đoạn rằng:

Này Bàlamôn, khi vị Tỳ khưu là người có giới trong sạch, giữ gìn chu toàn giới Tỳ khưu và có đầy đủ mọi hành vi cử chỉ, nói năng đàng hoàng, là người thường thấy tai họa lớn trong lỗi nhỏ, nghiêm chỉnh thọ trì giới luật trong sạch. Khi ấy, Như Lai hướng dẫn, dạy dỗ Tỳ khưu ấy những pháp cao hơn rằng:

–     Này Tỳ khưu, hãy đến đây, con phải nên giữ gìn cẩn trọng 6 môn, thu thúc lục căn, khi 6 thức tâm chủ trì trong mỗi căn làm phận sự của mình như:

1-       Khi con nhìn thấy sắc trần (hình dạng) bằng nhãn thức tâm (trong nhãn môn lộ trình tâm), con không nên chấp thủ đối tượng (na nimittaggāhī) (đàn ông, đàn bà,…), không nên chấp thủ từng bộ phận (nānubyañjanaggāhī) (mặt mày, tay chân, nói, cười,…). Không thu thúc nhãn căn là nhân làm phát sinh các ác pháp: Tâm tham vừa lòng hoặc tâm sân không vừa lòng nơi đối tượng ấy. Vậy, con nên thu thúc nhãn căn ấy, giữ gìn nhãn căn ấy, gọi là người biết thu thúc nhãn căn.

2-       Khi con nghe thanh trần (âm thanh) bằng nhĩ thức tâm (trong nhĩ môn lộ trình tâm), con không nên chấp thủ đối tượng (tiếng Việt, tiếng Anh,…), không nên chấp thủ từng câu (lời hay, lời dở, giọng hay, giọng dở,…). Không thu thúc nhĩ căn là nhân làm phát sinh các ác pháp: Tâm tham vừa lòng hoặc tâm sân không vừa lòng nơi đối tượng ấy. Vậy, con nên thu thúc nhĩ căn ấy, giữ gìn nhĩ căn ấy, gọi là người biết thu thúc nhĩ căn.

3-       Khi con ngửi hương trần (các loại mùi) bằng tỷ thức tâm (trong tỷ môn lộ trình tâm), con không nên chấp thủ đối tượng (mùi thơm, mùi hôi,…), không nên chấp thủ từng loại (dầu thơm, nước hoa, mùi hôi tử thi,…). Không thu thúc tỷ căn là nhân làm phát sinh các ác pháp: Tâm tham vừa lòng hoặc tâm sân không vừa lòng nơi đối tượng ấy. Vậy, con nên thu thúc tỷ căn ấy, giữ gìn tỷ căn ấy, gọi là người biết thu thúc tỷ căn.

4-       Khi con nếm vị trần (các loại vị) bằng thiệt thức tâm (trong thiệt môn lộ trình tâm), con không nên chấp thủ đối tượng (vị ngon, vị dở,…), không nên chấp thủ từng loại (vị ngọt của đường, vị cay của ớt,…). Không thu thúc thiệt căn là nhân làm phát sinh các ác pháp: Tâm tham vừa lòng hoặc tâm sân không vừa lòng nơi đối tượng ấy. Vậy, con nên thu thúc thiệt căn ấy, giữ gìn thiệt căn ấy, gọi là người biết thu thúc thiệt căn.

5-       Khi con xúc giác với xúc trần (cứng, mềm, nóng, lạnh, phồng, xẹp,…) bằng thân thức tâm (trong thân môn lộ trình tâm), con không nên chấp thủ đối tượng chế định (đất cứng, mềm; lửa nóng, lạnh; gió phồng, xẹp,…), không nên chấp thủ từng thứ loại (sắt cứng, nệm bông gòn mềm; lò sưởi nóng, nước đá lạnh,…). Không thu thúc thân căn là nhân làm phát sinh các ác pháp: Tâm tham vừa lòng hoặc tâm sân không vừa lòng nơi đối tượng ấy. Vậy, con nên thu thúc thân căn ấy, giữ gìn thân căn ấy, gọi là người biết thu thúc thân căn.

6-       Khi con biết pháp trần (tâm, tâm sở, sắc pháp,…) bằng ý thức tâm (trong ý môn lộ trình tâm), con không nên chấp thủ đối tượng (tâm, tâm sở thuộc tam giới; sắc pháp thuộc Chế định pháp,…), không nên chấp thủ mỗi loại (tâm thiện, tâm ác, sắc đi, sắc đứng, sắc ngồi, sắc nằm,…). Không thu thúc ý căn là nhân làm phát sinh các ác pháp: Tâm tham vừa lòng hoặc tâm sân không vừa lòng nơi đối tượng ấy. Vậy, con nên thu thúc ý căn ấy, giữ gìn ý căn ấy, gọi là người biết thu thúc ý căn…

Không Thu Thúc Lục Căn Phiền Não Phát Sinh

Qua bài kinh trên nhận thấy, người không thu thúc lục căn là người không có chánh niệm, không giữ gìn lục căn, nên phiền não dễ phát sinh như sau:

1-       Khi nhãn thức tâm làm phận sự nhìn thấy sắc trần (hình dạng), người không có chánh niệm không giữ gìn nhãn căn, chấp thủ nơi đối tượng ấy cho rằng: Đàn ông, đàn bà, vật này, vật kia, v.v… 

–       Nếu đối tượng ấy tốt đẹp đáng vừa lòng thì tâm tham phát sinh.

–       Nếu đối tượng ấy xấu không đáng hài lòng thì tâm sân phát sinh. 

tâm tham hoặc tâm sân vẫn luôn luôn có tâm sở si đồng sinh với 2 loại tâm ác ấy, không biết thực tánh của đối tượng ấy.

2-       Khi nhĩ thức tâm làm phận sự nghe thanh trần (âm thanh), người không có chánh niệm không giữ gìn nhĩ căn, chấp thủ nơi đối tượng ấy cho rằng: Tiếng Việt, tiếng Anh, v.v… 

–       Nếu đối tượng ấy tốt đẹp đáng vừa lòng thì tâm tham phát sinh.

–       Nếu đối tượng ấy xấu không đáng hài lòng thì tâm sân phát sinh. 

tâm tham hoặc tâm sân vẫn luôn luôn có tâm sở si đồng sinh với 2 loại tâm ác ấy, không biết thực tánh của đối tượng ấy.

3-       Khi tỷ thức tâm làm phận sự ngửi hương trần (các loại mùi), người không có chánh niệm không giữ gìn tỷ căn, chấp thủ nơi đối tượng ấy cho rằng: Mùi thơm nước hoa, mùi hôi của tử thi, v.v…

–       Nếu đối tượng ấy tốt đẹp đáng vừa lòng thì tâm tham phát sinh.

–       Nếu đối tượng ấy xấu không đáng hài lòng thì tâm sân phát sinh. 

Dù tâm tham hoặc tâm sân vẫn luôn luôn có tâm sở si đồng sinh với 2 loại tâm ác ấy, không biết thực tánh của đối tượng ấy.

4-       Khi thiệt thức tâm làm phận sự nếm vị trần (các loại vị), người không có chánh niệm không giữ gìn thiệt căn, chấp thủ nơi đối tượng ấy cho rằng: Vị ngọt của đường, vị chua của trái chanh, v.v… 

–       Nếu đối tượng ấy tốt đẹp đáng vừa lòng thì tâm tham phát sinh.

–       Nếu đối tượng ấy xấu không đáng hài lòng thì tâm sân phát sinh. 

tâm tham hoặc tâm sân vẫn luôn luôn có tâm sở si đồng sinh với 2 loại tâm ác ấy, không biết thực tánh của đối tượng ấy.

5-       Khi thân thức tâm làm phận sự xúc giác với xúc trần (cứng, mềm, nóng lạnh,…), người không có chánh niệm không giữ gìn thân căn, chấp thủ nơi đối tượng ấy cho rằng: Sắt cứng, bông vải mềm, lửa nóng, nước đá lạnh, v.v…

–       Nếu đối tượng ấy tốt đẹp đáng vừa lòng thì tâm tham phát sinh.

–       Nếu đối tượng ấy xấu không đáng hài lòng thì tâm sân phát sinh. 

tâm tham hoặc tâm sân vẫn luôn luôn có tâm sở si đồng sinh với 2 loại tâm ác ấy, không biết thực tánh của đối tượng ấy.

6-       Khi ý thức tâm làm phận sự biết pháp trần (tâm, tâm sở, sắc pháp, Chế định pháp), người không có chánh niệm không giữ gìn ý căn, chấp thủ nơi đối tượng chế định ấy cho rằng: Ta tham, ta sân, ta si, ta có thiền định, ta có thiền tuệ,…; ta đi, ta đứng, ta ngồi, ta nằm, v.v… 

–       Nếu đối tượng ấy tốt đẹp đáng vừa lòng thì tâm tham phát sinh.

–       Nếu đối tượng ấy xấu không đáng hài lòng thì tâm sân phát sinh. 

tâm tham hoặc tâm sân vẫn luôn luôn có tâm sở si đồng sinh với 2 loại tâm ác ấy không biết thực tánh của đối tượng ấy.

Thu Thúc Lục Căn Ngăn Phiền Não

Hành giả thực hành thiền tuệ có chánh niệm biết thu thúc lục căn, trực nhận nơi đối tượng danh pháp, sắc pháp thuộc Chân nghĩa pháp; có trí tuệ tỉnh giác trực giác thấy rõ, biết rõ danh pháp, sắc pháp đúng theo thực tánh của mỗi pháp đều là pháp vô ngã, nên ngăn được phiền não chưa phát sinh hoặc diệt được phiền não đã phát sinh như sau:

1-       Khi nhãn thức tâm nhìn thấy thoáng qua sắc trần (hình ảnh), hành giả có chánh niệm thu thúc nơi nhãn căn, do đó hành giả không chấp thủ nơi đối tượng ấy cho là đàn ông, đàn bà, v.v…, cũng không chấp thủ từng bộ phận mặt mày, tay chân, v.v…

Như vậy, đối tượng Chân nghĩa pháp hiện rõ đúng theo thực tánh của sắc trần ấy là sắc pháp, nên ngăn các phiền não không cho phát sinh.

–       Dù đối tượng sắc trần (hình ảnh) đẹp đáng vừa lòng, thì tâm tham cũng không phát sinh, chỉ có chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác thấy rõ, biết rõ sắc trần ấy là sắc pháp đúng theo thực tánh của chính nó.

–       Dù đối tượng sắc trần (hình ảnh) xấu không đáng vừa lòng, thì tâm sân cũng không phát sinh, chỉ có chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác thấy rõ, biết rõ sắc trần ấy là sắc pháp đúng theo thực tánh của chính nó.

2-       Khi nhĩ thức tâm nghe thoáng qua thanh trần (âm thanh), hành giả có chánh niệm thu thúc nơi nhĩ căn, do đó hành giả không chấp thủ nơi đối tượng ấy cho là tiếng Việt, tiếng Anh, v.v…, cũng không chấp thủ giọng nói hay, giọng nói dở, v.v…

Như vậy, đối tượng Chân nghĩa pháp hiện rõ đúng theo thực tánh của thanh trần ấy là sắc pháp, nên ngăn các phiền não không cho phát sinh.

–       Dù đối tượng thanh trần (âm thanh) hay đáng vừa lòng, thì tâm tham cũng không phát sinh, chỉ có chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác thấy rõ, biết rõ thanh trần ấy là sắc pháp đúng theo thực tánh của chính nó.

–       Dù đối tượng thanh trần (âm thanh) dở không đáng vừa lòng, thì tâm sân cũng không phát sinh, chỉ có chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác thấy rõ, biết rõ thanh trần ấy là sắc pháp đúng theo thực tánh của chính nó.

3-       Khi tỷ thức tâm ngửi thoáng qua hương trần (các loại mùi), hành giả có chánh niệm thu thúc nơi tỷ căn, do đó hành giả không chấp thủ nơi đối tượng ấy cho là mùi thơm nước hoa, mùi hôi tử thi, v.v

Như vậy, đối tượng Chân nghĩa pháp hiện rõ đúng theo thực tánh của hương trần ấy là sắc pháp, nên ngăn các phiền não không cho phát sinh.

–       Dù đối tượng hương trần (các loại mùi) thơm đáng vừa lòng, thì tâm tham cũng không phát sinh, chỉ có chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác thấy rõ, biết rõ hương trần ấy là sắc pháp đúng theo thực tánh của chính nó.

–       Dù đối tượng hương trần (lcác oại mùi) hôi không đáng vừa lòng, thì tâm sân cũng không phát sinh, chỉ có chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác thấy rõ, biết rõ hương trần ấy là sắc pháp đúng theo thực tánh của chính nó.

4-       Khi thiệt thức tâm nếm sơ qua vị trần (các loại vị), hành giả có chánh niệm thu thúc nơi thiệt căn, do đó hành giả không chấp thủ nơi đối tượng ấy cho là vị ngọt của đường, vị chua của trái chanh, v.v

Như vậy, đối tượng Chân nghĩa pháp hiện rõ đúng theo thực tánh của vị trần ấy là sắc pháp, nên ngăn các phiền não không cho phát sinh.

–       Dù đối tượng vị trần (loại vị) ngon đáng vừa lòng, thì tâm tham cũng không phát sinh, chỉ có chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác thấy rõ, biết rõ vị trần ấy là sắc pháp đúng theo thực tánh của chính nó.

–       Dù đối tượng vị trần (loại vị) dở không đáng vừa lòng, thì tâm sân cũng không phát sinh, chỉ có chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác thấy rõ, biết rõ vị trần ấy là sắc pháp đúng theo thực tánh của chính nó.

5-       Khi thân thức tâm xúc giác sơ qua với xúc trần (cứng, mềm, nóng, lạnh, phồng xẹp), hành giả có chánh niệm thu thúc nơi thân căn, do đó hành giả không chấp thủ nơi đối tượng ấy cho là sắt cứng, nệm bông mềm, lò sưởi nóng, nước đá lạnh, v.v

Như vậy, đối tượng Chân nghĩa pháp hiện rõ đúng theo thực tánh của xúc trần ấy là sắc pháp, nên ngăn các phiền não không cho phát sinh.

–       Dù đối tượng xúc trần tốt đáng vừa lòng, thì tâm tham cũng không phát sinh, chỉ có chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác thấy rõ, biết rõ xúc trần ấy là sắc pháp đúng theo thực tánh của chính nó.

–       Dù đối tượng xúc trần xấu không đáng vừa lòng, thì tâm sân cũng không phát sinh, chỉ có chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác thấy rõ, biết rõ xúc trần ấy là sắc pháp đúng theo thực tánh của chính nó.

6-       Khi ý thức tâm biết thoáng qua pháp trần (tâm, tâm sở thuộc tam giới; sắc pháp…), hành giả có chánh niệm thu thúc nơi ý căn, do đó hành giả không chấp thủ nơi đối tượng ấy cho là ta tham, ta sân, ta si, ta có thiền định, ta có thiền tuệ…; ta đi, ta đứng, ta ngồi, ta nằm, v.v

Như vậy, đối tượng Chân nghĩa pháp hiện rõ đúng theo thực tánh của mỗi pháp trần ấy là danh pháp hoặc sắc pháp, nên ngăn các phiền não không cho phát sinh.

–       Dù đối tượng pháp trần tốt đáng vừa lòng, thì tâm tham cũng không phát sinh, chỉ có chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác thấy rõ, biết rõ pháp trần ấy là danh pháp hoặc sắc pháp đúng theo thực tánh của chính nó.

–       Dù đối tượng pháp trần xấu không đáng vừa lòng, thì tâm sân cũng không phát sinh, chỉ có chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác thấy rõ, biết rõ pháp trần ấy là danh pháp hoặc sắc pháp đúng theo thực tánh của chính nó.

Hành giả thực hành thiền tuệ có chánh niệm, thu thúc lục căn thanh tịnh, có trí tuệ tỉnh giác ngăn được phiền não không cho phát sinh, nên trí tuệ thiền tuệ có cơ hội phát sinh và tăng trưởng.

Bí Quyết Để Hiện Rõ Chân Nghĩa Pháp 

Trong cuộc sống hằng ngày, đối với các hạng phàm nhân thường chỉ biết đến những pháp chế định, mà không biết đến những Chân nghĩa pháp là pháp vô ngã, dù nó vẫn luôn luôn hiện hữu. Cho nên họ thường hay chấp thủ nơi những đối tượng Chế định pháp ấy, làm cho phát sinh mọi phiền não để tự làm khổ mình, làm khổ người khác, làm khổ chúng sinh khác.

Đối với bậc Thánh Nhân là bậc đã từng biết rõ Chân nghĩa pháp là pháp vô ngã, đã từng chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, đã chứng đắc Thánh Đạo – Thánh Quả và Niết Bàn, đã diệt đoạn tuyệt được những phiền não, tùy theo khả năng của mỗi bậc Thánh Nhân. Trong cuộc sống hằng ngày, tuy bậc Thánh Nhân thường vẫn sử dụng những pháp chế định, nhưng không có tâm chấp thủ nơi những pháp chế định ấy, không làm cho phát sinh mọi phiền não, không tự làm khổ mình, không làm khổ người khác, không làm khổ chúng sinh khác.

*     Các hạng phàm nhân có bí quyết nào để không chấp thủ nơi những pháp chế định?

Để không chấp thủ nơi những đối tượng ấy, các hạng phàm nhân cần phải có chánh niệm, biết thu thúc lục căn: 

–       Khi nhãn thức tâm nhìn thấy thoáng qua sắc trần.

–       Khi nhĩ thức tâm nghe thoáng qua thanh trần.

–       Khi tỷ thức tâm ngửi thoáng qua hương trần.

–       Khi thiệt thức tâm nếm sơ qua vị trần.

–       Khi thân thức tâm xúc giác sơ qua với xúc trần.

–       Khi ý thức tâm biết thoáng qua pháp trần.

Nhờ tâm biết thoáng qua không chú tâm khắng khít nơi đối tượng, cho nên đối tượng ấy vẫn còn bên trong lĩnh vực Chân nghĩa pháp, chưa vượt qua bên lĩnh vực pháp chế định.

Ví dụ: Một người nhìn thoáng qua một chiếc xe đang chạy trên đường, người ấy chỉ biết chiếc xe di chuyển nhanh, mà không biết chiếc xe ấy hiệu gì, không chú tâm đến bánh xe lăn trên mặt đường. 

Cũng như vậy: 

–     Khi đang đi, hành giả có chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác thấy rõ, biết rõ thoáng qua dáng đi, tư thế đi toàn thân di chuyển bước đi (không chú tâm đến bộ phận nào trong thân).

–     Khi đang đứng, hành giả có chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác thấy rõ, biết rõ thoáng qua dáng đứng, tư thế đứng toàn thân đứng yên hiện tại chốc lát (không chú tâm đến bộ phận nào trong thân).

–     Khi đang ngồi, hành giả có chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác thấy rõ, biết rõ thoáng qua dáng ngồi, tư thế ngồi toàn thân ngồi yên hiện tại chốc lát (không chú tâm đến bộ phận nào trong thân).

–     Khi đang nằm, hành giả có chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác thấy rõ, biết rõ thoáng qua dáng nằm, tư thế nằm toàn thân nằm yên hiện tại chốc lát (không chú tâm đến bộ phận nào trong thân)…

Như vậy, dáng đi, tư thế đi; dáng đứng, tư thế đứng; dáng ngồi, tư thế ngồi; dáng nằm, tư thế nằm ấy…là đối tượng sắc pháp thuộc pháp trần hiện tại Chân nghĩa pháp được hiện rõ.

TẢI MOBILE APP PHẬT GIÁO THERAVĀDA ĐỂ XEM THÊM NHIỀU THÔNG TIN HỮU ÍCH (ANDROID & IOS)

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app