Nội Dung Chính
Kinh Pháp Cú
23. “Người hằng tu thiền định,
Thường kiên trì tinh tấn.
Bậc trí hưởng Niết Bàn,
Ách an tịnh vô thượng.”
27. “Chớ sống đời phóng dật,
Chớ mê say dục lạc.
Không phóng dật, thiền định,
Ðạt được an lạc lớn.”
110.Dầu sống một trăm năm
Ác giới, không thiền định,
Tốt hơn sống một ngày,
Trì giới, tu thiền định.”
111. “Ai sống một trăm năm,
Ác tuệ, không thiền định.
Tốt hơn sống một ngày,
Có tuệ, tu thiền định.”
144. “Như ngựa hiền chạm roi,
Hãy nhiệt tâm, hăng hái,
Với tín, giới, tinh tấn,
Thiền định cùng trạch pháp.
Minh hạnh đủ, chánh niệm,
Ðoạn khổ này vô lượng.”
181. “Người trí chuyên thiền định,
Thích an tịnh viễn ly,
Chư thiên đều ái kính,
Bậc chánh giác, chánh niệm.”
250. “Ai cắt được, phá được,
Tận gốc nhổ tâm ấy.
Người ấy ngày hoặc đêm,
Ðạt được tâm thiền định.”
362. “Người chế ngự tay chân,
Chế ngự lời và đầu,
Vui thích nội thiền định.
Ðộc thân, biết vừa đủ,
Thật xứng gọi tỷ kheo.”
276. “Người hãy nhiệt tình làm,
Như Lai chỉ thuyết dạy.
Người hành trì thiền định
Thoát trói buộc Ác ma.”
282. “Tu thiền, trí tuệ sanh,
Bỏ Thiền, trí tuệ diệt.
Biết con đường hai ngả
Ðưa đến hữu, phi hữu,
Hãy tự mình nỗ lực,
Khiến trí tuệ tăng trưởng.”
301. “Ðệ tử Gotama,
Luôn luôn tự tỉnh giác,
Vô luận ngày hay đêm,
Ý vui tu thiền quán.”
371. “Tỷ kheo, hãy tu thiền,
Chớ buông lung phóng dật,
Tâm chớ đắm say dục,
Phóng dật, nuốt sắt nóng
Bị đốt, chớ than khổ!”
372. “Không trí tuệ, không thiền,
Không thiền, không trí tuệ.
Người có thiền có tuệ,
Nhất định gần Niết-Bàn.”
378. “Thân tịnh, lời an tịnh,
An tịnh, khéo thiền tịnh.
Tỷ kheo bỏ thế vật,
Xứng danh “bậc tịch tịnh “.
386. “Tu thiền, trú ly trần
Phận sự xong, vô lậu,
Ðạt được đích tối thượng,
Ta gọi Bà-la-môn.”
414. "Vượt đường nguy hiểm này,
Nhiếp phục luân hồi, si,
Ðến bờ kia thiền định
Không dục ái, không nghi,
Không chấp trước, tịch tịnh,
Ta gọi Bà-la-môn."
[Phần ‘Ghi chú’ và ‘Các bài viết liên quan’ dưới đây là nhằm để giúp cho một số đạo hữu ham muốn tìm hiểu chi tiết, đầy đủ, có chứng cứ, nhưng chưa biết cách tìm kiếm trong biển kiến thức bao la, có thể tìm được nguồn Chánh kinh và tài liệu gốc trực tiếp khi cần thiết, một cách thuận tiện và nhanh chóng. Người đọc bình thường có thể bỏ qua phần chuyên sâu và mở rộng này.]
GHI CHÚ
Ghi chú 1
Phải đặt chân lý, lời Phật dạy lên hàng đầu thì mới không bị nhầm đường, lạc lối. Vì vậy không phân biệt già trẻ, nam nữ, cư sĩ hay xuất gia, nếu bất kỳ ai truyền dạy những điều trái lời Phật chỉ dạy thì hãy gạch bỏ nó đi, chớ có theo – không chỉ đối với bản thân mà cả cho tất cả mọi người. Những điều gì tốt đẹp của thầy, tổ thì noi theo, nhưng những cái gì sai trái với lời Phật dạy thì phải bỏ ngay không thương tiếc, và chớ có vơ đũa cả nắm cho rằng các vị thầy, tổ đó – mà các vị này chắc chắn không có trí tuệ của bậc chánh đẳng giác – thì nói gì cũng đúng. Chỉ trí tuệ của Phật là trí tuệ của Đấng chánh đẳng giác, nhất thiết chủng trí, phải nương tựa vào thì mới có thể đi đúng đường, đạt được giải thoát hoàn toàn mọi khổ đau, phiền não, đạt được hạnh phúc thật sự, tự do thật sự – Niết bàn.
Hãy thận trọng từng ly từng tí, phải đối chiếu mọi điều ta mới nghe qua thì thấy mới lạ, có vẻ hay ho, có vẻ dễ dàng – với kinh điển Phật ngôn, với sự tự thực hành thì mới mong thành tựu giác ngộ giải thoát rốt ráo như ý nguyện.
Nguyện cho tất cả các đạo hữu luôn được oai đức Tam bảo hộ trì trên con đường Chánh pháp dẫn đến Niết bàn.
Sadhu Sadhu Sadhu!
Trong tâm từ,
Tỳ Khưu Viên Phúc Sumangala.
Ghi chú 2
“… có vô cùng ít ỏi chúng sinh thấy được sự khẩn cấp, cần thiết của việc tu tập và dốc lòng tu tập, – nhưng chúng sinh thấy được sự khẩn cấp cần thiết của việc tu tập mà không dốc lòng tu tập thì nhiều vô số kể…” – Tăng bộ kinh.
Nhiều vô số kể là những người chưa từng được ai chỉ dạy cho rõ là Thiền định Samadhi phải đạt được trong Chỉ (Samatha) hoặc/và Quán (Vipassana) thì mới có thể quán sát và thấy danh sắc như thật, như nó đang là, thì sau đó mới có thể đắc Đạo, Quả giác ngộ giải thoát được.
Thường những người không tu tập Chỉ và/hoặc Quán thật sự hoặc tu tập sai lạc theo hiểu biết cá nhân, thì được nhận biết rất dễ dàng thông qua việc những người này hay hý luận ảo tưởng vì không biết rằng chỉ mới có Niệm – Sati thì còn rất xa mới tới được Thiền – jhana (tức Định Samadhi); vì những người này không biết rằng: không thể có tâm trong sáng tự nhiên (Quả) để có thể quán sát mọi pháp như thật, như nó đang là, khi không ngồi xuống hạ thủ công phu, tu tập viên mãn thanh tịnh tâm (Nhân) – tức có Thiền jhana (tức Định Samadhi).
Chỉ có bậc Thánh bất lai hoặc Alahán mới có thể có thiện xảo Thiền bất cứ tư thế nào, bất cứ khi nào. Người sơ cơ, bỡ ngỡ thì mới chỉ dạy người ta đôi khi có chút chánh niệm, tỉnh giác còn khó, chẳng làm nổi sau nhiều năm tu hành, nói chi tới Thiền.
Tập thể dục [ví như có Niệm] thì tốt cho sức khỏe [bớt tạm thời đôi chút phiền não], nhưng đi dụ người ta rằng chỉ cần thỉnh thoảng a dua tập thể dục, không cần chuyên cần hạ thủ công phu tu luyện võ nghệ [ví như có Thiền], mà vẫn có thể đạt tới tuyệt chiêu võ thuật [ví như Đạo, Quả] chiến thắng được kẻ thù tàn bạo nhất trên thế gian [ví như vô minh, tham ái] thì chỉ những người tốt bụng, nhưng hết sức ngây thơ mới tin theo.
Giải thích, hướng dẫn về Thiền là vô ích với những người i-tờ này , những người ưa hý luận, ưa thơ thẩn này – mà những người này thì nhiều vô số kể – chớ lãng phí thời gian tranh luận với họ, và “đây là những gốc cây, đây là những căn nhà trống, hãy tu tập Thiền định. Chớ có phóng dật. Chớ để hối hận về sau.”
Xin hãy đừng phí phạm dù chỉ mỗi một giây.
Sadhu Sadhu Sadhu!
Trong tâm từ,
Tỳ Khưu Viên Phúc Sumangala
Ghi chú 3
Cần phân biệt rõ ràng – chứ không phải là chỉ trích hay khen ngợi – vị nào lý giải, giảng giải đúng đắn theo lời Phật dạy, hãy đối chiếu với Kinh và Luật và thực hành theo Chánh pháp do Đức Phật chỉ dạy: sẽ không lầm đường lạc lối, lãng phí thời gian công sức, bỏ phí cơ hội làm người.
…
Này các Tỷ-kheo, các Ngươi không nên tán thán, không nên hủy báng lời nói của Tỷ-kheo ấy. Không tán thán, không hủy báng, mỗi mỗi chữ, mỗi mỗi câu, cần phải được học hỏi kỹ lưỡng và đem so sánh với Kinh, đối chiếu với Luật. Khi đem so sánh với Kinh, đối chiếu với Luật, và nếu chúng không phù hợp với Kinh, không tương ứng với Luật, thời các ngươi có thể kết luận: “Chắc chắn những lời này không phải là lời của Thế Tôn, và Tỷ-kheo ấy đã thọ giáo sai lầm”. Và này các Tỷ-kheo, các Ngươi hãy từ bỏ chúng. Khi đem so sánh với Kinh, đem đối chiếu với Luật, nếu chúng phù hợp với Kinh, tương ứng với Luật, thời các ngươi có thể kết luận: “Chắc chắn những lời ấy phải là lời dạy của Thế Tôn và Tỷ-kheo ấy đã thọ giáo chơn chánh”. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Ðại giáo pháp thứ tư, các Ngươi hãy thọ trì.Nguồn trích dẫn: Trường Bộ Kinh – 16. Kinh Ðại Bát-Niết-Bàn
“… hãy sống tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa mình, không nương tựa một ai khác, lấy Chánh pháp làm ngọn đèn, lấy Chánh pháp làm nơi nương tựa, không nương tựa một gì khác!”
Nguồn trích dẫn: Trường Bộ Kinh – 26. Kinh Chuyển luân Thánh vương Sư tử hống
– Những Tỷ-kheo nào, này các Tỷ-kheo, nêu rõ phi pháp là phi pháp, các Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, sở hành như vậy, đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, lợi ích cho đa số, đem lại hạnh phúc an lạc cho chư Thiên và loài Người. Và hơn nữa, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo ấy tạo phước đức và an trú diệu pháp này.
(Như số 1 trên, chỉ khác: “nêu rõ pháp là pháp”)…
Những Tỷ-kheo nào, này các Tỷ-kheo, nêu rõ phi luật là phi luật...
… luật là luật...
… Như Lai không nói lên, tuyên bố là Như Lai không nói lên, ...
… Như Lai có nói lên, tuyên bố là Như Lai có nói lên, ...
… Như Lai không thực hành, tuyên bố là Như Lai không thực hành, ...
… Như Lai có thực hành, tuyên bố là Như Lai có thực hành, ...
… Như Lai không chế đặt, tuyên bố là Như Lai không chế đặt, ...
… Như Lai có chế đặt, tuyên bố là Như Lai có chế đặt...
Các vị Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, sở hành như vậy, đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, lợi ích cho đa số, đem lại hạnh phúc, an lạc cho chư Thiên và loài Người. Và hơn nữa, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo ấy tạo phước đức và an trú diệu pháp này.
Nguồn trích dẫn: Tăng chi bộ kinh – aṅguttara nikāya XI. Phẩm thứ mười một – 1–10. Phi Pháp
Sadhu Sadhu Sadhu!
Trong tâm từ,
Tỳ Khưu Viên Phúc Sumangala.