Chương Vii: Chứng Đạt Vô Thượng Chánh Giác, Khổ Hạnh, Ma Vương, Thay Đổi Phương Pháp Thực Hành, Thọ Cơm Sữa, Chiến Tháng Ác Ma, Chứng Quả

Chương VII. Chứng đạt Vô thượng Chánh giác.

1- Khổ hạnh.

Thời gian Đức Bồtát trú tại rừng Uruvelā, Đức BồTát thường an trú trong tâm Từ (mettā bhāvanā) để mang đến an lạc cho chư thiên trong rừng Uruvelā. Rồi ba ví dụ vi diệu chưa từng được nghe phát sinh đến Bồtát:

*Để làm phát sinh ngọn lửa, một người với dụng cụ làm ra lửa, cọ xát với  khúc cây đẩm ướt đầy nhựa sống và đặt trong nước. Người ấy không thể tìm ra ngọn lửa cho dù người ấy nỗ lực tinh tấn cùng cực, cũng chỉ mang đến nhọc mệt, đau khổ mà thôi.

Cũng vậy, với những Samôn, Bàlamôn  sống không xả ly những dục vọng về thân, nội tâm chưa làm khô héo những dục tham. Cho dù có tinh tấn nỗ lực, thình lình cảm thọ những cảm giác chói đau, khổ đau kịch liệt, khốc liệt, chúng cũng không chứng đắc Vô thượng chánh giác.

*Để làm phát sinh ngọn lửa, một người với dụng cụ làm ra lửa, cọ xát với khúc cây đẩm ướt đầy nhựa sống, được vớt ra khỏi nước đặt trên đất khô. Người ấy cũng không thể tìm ra ngọn lửa, cho dù có nỗ lực siêng năng cùng cực, chỉ mang đến mệt nhọc, đau khổ mà thôi.

Cũng vậy, với những Samôn Bàlamôn tuy xả ly những dục vọng về thân, nhưng dục tham trong nội tâm chưa khéo diệt trừ. Cho dù có tinh tấn nỗ lực, thình lình cảm thọ những cảm giác chói đau, khổ đau kịch liệt, khốc liệt, cũng không thể chứng đắc Vô thượng Chánh giác.

*Để làm phát sinh ngọn lửa, một người với dụng cụ làm ra lửa, cọ xát với khúc cây khô, không nhựa, được vớt ra khỏi nước, được đặt trên đất khô. Người ấy có thể tìm ra lửa với nỗ lực tinh cần.

Cũng vậy, với những Samôn Bàlamôn xả ly những dục vọng về thân, có những dục tham nội tâm khéo đoạn trừ. Nếu các Tôn giả này thình lình cảm thọ những cảm giác chói đau, khổ đau kịch liệt, khốc liệt, các Tôn giả ấy có thể chứng đạt Vô thượng Chánh giác; nếu các Tôn giả ấy không thình lình cảm thọ những cảm giác chói đau, khổ đau kịch liệt, khốc liệt, các Tôn giả ấy có thể chứng được Vô thượng Chánh giác”([1]).

Khổ hạnh về tâm (hay tâm tu tập).

Rồi Bồtát nghiến răng, dán chặt lưỡi lên nóc họng, lấy tâm chế ngự tâm, dủng tâm thiện áp chế, trừ diệt tâm bất thiện.

Mồ hôi từ nách của Ngài chảy ra, ví như người lực sĩ nắm lấy đầu một người ốm yếu hay nắm lấy vai, dùng sức mạnh chế ngự người ấy.

Tuy niệm (sati) được an trú, nhưng thân Bồtát vẫn bị khích đông không được khinh an; tuy khổ thọ có khởi lên và kéo dài nhưng không chi phối được tâm Bồtát (sđd).

Rồi Bồtát suy nghĩ : “Thật tốt thay, nếu ta tu tập an chỉ định (appanā jhāna)”, Ngài nín thở, không cho hơi thở vào ra nơi miệng, nơi mũi; gió trong thân không thoát ra được từ miệng, từ mũi, chúng thoát ra qua lỗ tai.

Gió thổi ngang qua lỗ tai ví như tiếng nổ lớn phát ra từ ống thổi của người thợ rèn.

Tuy khổ thọ phát sinh kịch liệt và tồn tại nhưng không làm chao động tâm Bồtát, niệm vẫn được vững trú. Và Ngài càng tinh tấn hơn.

Rồi Bồtát “nín thở, không cho hơi thở qua mũi, qua miệng, qua lỗ tai”, bấy giờ gió thổi không chỗ thoát, thổi thốc lên đầu Ngài, ví như một người bị người lực sĩ cầm khoan bén nhọn khoan vào đầu; cũng vậy, gió trong thân thổi thốc ngược lên đầu làm đau buốt đầu, phát sinh cảm thọ khốc liệt, càng ngày càng tăng không hề giảm thiểu.

Tuy nhiên, niệm của Bồtát được an lập vững chắc, Ngài càng nỗ lực hơn nữa.

Bồtát nỗ lực, kham nhẫn với khổ thọ ấy, ngọn gió trong thân sau khi thổi thốc lên đầu, không có chỗ thoát chúng tiếp tục chuyển xuống “vùng bụng”, Bồtát có “cảm giác” vùng bụng đang bị cắt xé ra; ví như người đồ tể thiện xảo hay đệ tử người đồ tể cầm dao bén cắt ngang bụng con thú.

Khổ thọ càng lúc càng tăng trưởng, nhưng niệm của Bồtát vẫn an lập vững chắc và sự tinh tấn của Ngài càng tăng thêm.

Rồi Ngài lại “tiếp tục nín thở, không cho hơi thở vào ra nơi mũi, miệng, tai”. Bấy giờ toàn thân của Ngài nóng ran kịch liệt; ví như hai người lực sĩ nắm chặt tay một người yếu đuối, đặt người ấy trên đống lửa lớn khiến toàn thân người ấy nóng ran dữ dội.

Cũng vậy, khi ấy thân Bồtát bị khổ thọ nóng ran dữ dội”, tuy nhiên niệm của Ngài vẫn được vững trú, sự tinh tấn của Bồtát càng gia tăng (sđd).

Bị hành hạ bởi sức nóng dữ dội trong thân đồng thời do cố gắng ngăn chận hơi thở vào, ra qua mũi, miệng, tai, nên Bồtát kiệt sức ngã quỵ. Vì có niệm vững mạnh nên Ngài không té sấp, Ngài té xỉu trong tư thế ngồi khi đang đi kinh hành, mặt gục xuống.

Một số chư thiên trong rừng nói rằng “Samôn Gotama đã chết”. Một số khác nói rằng “Samôn Gotama chưa chết nhưng sắp chết”. Một số khác lại nói “Samôn Gotama chưa chết, Samôn Gotama cũng không phải sắp chết, Samôn Gotama là bậc ALaHán, đời sống của bậc ALaHán là như thế”.

Những vị chư thiên cho rằng “Bồtát đã chết”, các vị ấy về báo tin cho vua Tịnh Phạn rằng:

-Thưa Đại vương, con của Đại vương đã chết rồi.

Đức vua vặn hỏi:

– Con trai ta đã thành Phật chưa mà mệnh chung?

– Con trai của Đại vương không có cơ hội thành Phật. Trong khi nỗ lực thực hành pháp, vị ấy đã ngã xuống chết trên đường kinh hành.

– Ồ ! Nếu vậy thì con trai ta chưa chết, ta không thể tin lời các vị. Nếu chưa thành Phật, con trai ta chắc chắn không thể chết được.

Đức vua Tịnh Phạn đã khẳng định với các thiên nhân ấy như vậy.

Khổ hạnh về thân (thân tu tập).

Khi tỉnh dậy, Bồtát suy nghĩ: “Ta hãy hoàn toàn nhịn ăn, có lẽ tốt hơn”.

Chư thiên hiểu được ý Bồtát, đi đến nói rằng:

– Thưa Hiền hữu, hiền hữu chớ có nhịn ăn. Nếu hiền hữu nhịn ăn chúng tôi sẽ đưa vật thực trời qua lỗ chân lông của hiền hữu và như vậy hiền hữu vẫn sống.

Bồtát suy nghĩ: “Ta không muốn dùng vật thực, nhưng các thiên nhân tiếp tế vật thực qua lỗ chân lông thì sự tuyệt thực của ta không còn ý nghĩa gì cả”.

Bồtát nói với các thiên nhân rằng: Hỡi chư thiên, đừng đưa thức ăn vào lỗ chân lông, Ta sẽ dùng vật thực vừa đủ để nuôi mạng sống”.

Bồtát bắt đầu khổ hạnh theo cách được truyền tụng. Đức Phật đã giảng cho Đức XáLợiPhất nghe về bốn hạnh của Ngài là:

– Về khổ hạnh (tapassī), Bồtát khổ hạnh đệ nhất.

– Về nhơ bẩn (lūkha), Bồtát “nhơ bẩn” đệ nhất.

–  Về yểm ly (jegucchī), Bồtát yểm ly đệ nhất,

– Về độc cư (pavivitta), Bồtát độc cư đệ nhất([2]).

* Về khổ hạnh.

Ngài sống lõa thể, phóng túng không theo khuôn phép, liếm tay cho sạch ([3])sau khi dùng vật thực, hay khi tay bị bẩn Ngài không dùng nước để rữa, mà dùng lưỡi “rữa tay”.

Đi khất thực không bước tới (tức là đi lui).

Không nhận vật thực mang đến, không nhận vật thực nấu riêng cho mình, không nhận vật thực từ nồi, chảo; không nhận vật thực tại ngưỡng cửa, không nhận vật thực ở giữa 2 cây gậy, không nhận vật thực giữa những cối giả gạo … (xem Đại kinh Sư tử hống).

Dùng vật thực 2 ngày một bữa, bảy ngày một bữa, nửa tháng mới ăn một lần (sđd).

Rồi Ngài suy nghĩ “còn đi khất thực là còn bị ràng buộc (palibodha). Vậy ta hãy sống bằng trái cây rừng”. Ngài từ bỏ việc đi khất thực, chỉ ăn trái cây, rễ cây trong rừng.

Rồi Ngài suy nghĩ “còn đi tìm trái cây là còn bị ràng buộc”, Ngài không tìm trái cây nữa, chỉ dùng trái cây rụng nơi gốc cây mà Ngài ngồi hành thiền.

Ngài mặc y bằng vải thô, y vỏ cây, y bằng cỏ cát tường, y bằng tóc bện,  y bằng đuôi ngựa bện lại, y bằng lông chim cú.

Ngài sống theo tập tục nhổ râu tóc, sống đứng không ngồi. Sống bằng cách ngồi chỏ hỏ, nằm trên giường gai. nằm trên gỗ, nằm trên đất trần, sống không uống nước lạnh, mùa đông một đêm tắm ba lần, sống ngủ ngoài trời …

* Về nhơ bẩn.

Trên thân Ngài bụi bám đầy với nhiều ngày nhiều tháng nhiều năm, đóng thành tấm, thành miếng, Ngài không có ý nghĩ “dùng tay phủi bụi trên thân”.

* Về viễn ly.

Bồtát có sự giác tỉnh trong đi tới, đi lui (Ngài chú ý từng bước đi, từng động tác để không làm hại sinh mạng chúng sinh khác), an trú trong tâm Từ (mettā) cho đến trong một giọt nước (nghĩa là trong giọt nước có chúng sinh nhỏ đến nổi mắt thường không nhìn thấy), Ngài khởi lên tâm từ rằng : “Mong rằng ta không làm hại chúng sinh nào trong ác đạo của chúng”.

* Về độc cư.

Ngài đi sâu vào rừng ở tại nơi ấy, khi thấy người chăn bò, người kiếm củi, người cắt cỏ, người đốn củi, lập tức Ngài bỏ chạy từ lùm cây này sang lùm cây khác, từ rừng này sang rừng khác, giống như con thú rừng khi thấy người liền bỏ chạy.

Ngài đi sâu vào rừng trú ở nơi kinh hoàng, những ai còn tâm tham ái khi đi vào nơi ấy lông tóc dựng ngược lên.

Trong những đêm lạnh lẽo vào ngày 8 khi có tuyết rơi; ban ngày Ngài sống trong những bụi cây, ban đêm Ngài sống ngoài trời.

Rồi một bài kệ kỳ diệu sau đây được khởi lên trong tâm Ngài:

Sotato so sīno, eko bhiṃsanake vane,

Naggo na c’aggira āsīno, esanāpasuto munīti:

“Nay bị thiêu đốt, bị buốt lạnh.

Cô độc sống trong rừng kinh hoàng.

Trần truồng, Ta ngồi không lửa ấm.

Ẩn sĩ, trong lý tưởng đăm chiêu.” (HT. TMC dịch).

* Về hạnh dùng vật thực không trong sạch.

Khi người chăn bò mang bò ra đồng, Ngài bò bốn chân đến chuồng bò, ăn phẩn bò con, ăn phẩn các con bò còn tơ.

Khi phẩn của Ngài còn tồn tại, Ngài ăn phẩn ấy (sđd).

* Về trú xả.

Bồtát nằm trong tha ma mộ địa, dựa vào bộ xương, những đứa trẻ mục đồng đến bên Ngài, tiểu lên người Ngài, nhổ nước bọt lên người Ngài, rắc bụi, dùng que chọc vào người, vào lỗ tai …

Ngài cũng không khởi ác tâm với bọn chúng, tâm Ngài luôn thản nhiên bình lặng ([4]).

Theo kinh Saccaka Đại kinh, Bồtát  giảm thiểu ăn uống tối đa, một ngày Ngài chỉ dùng một muổng canh đậu, dần dần mỗi ngày chỉ dùng một hạt đậu hay một hạt gạo.

Dần dần vì ăn quá ít thân Ngài trở nên gầy yếu, bàn trôn của Ngài như móng chân con lạc đà, những xương lộ hẳn ra như những sợi dây leo , những xương lồng ngực lộ rõ ra như lồng cầu, mắt thụt sâu vào hốc mắt.

Khi Ngài rờ da bụng thì đụng xương sống, khi Ngài rờ xương sống thì da bụng bị nắm lấy.

Da đầu của Ngài nhăn lại như trái bí bị khô cằn. Khi Ngài thoa bóp tay chân thì lông tay lông chân rụng xuống vì chết tận gốc do không có chất dinh dưỡng từ thịt và máu nuôi dưỡng.

Da của Ngài vốn dĩ có màu vàng trong sáng, nhưng vì ăn quá ít nên đã biến sắc. Có người trông thấy Ngài, đã nói “Samôn Gotama có da đen”, một số người khác nói: “Sa môn Gotama có da màu xanh đen”, một số người khác nói: “Samôn Gotama có da màuvàng sẩm”.

Khi vệ sinh thì nước tiểu chỉ nhỏ vài giọt vì không có gì trong bụng, phẩn thì chỉ vài viên bằng hạt cau, khô cứng, chúng được thải ra rất khó khăn, mồ hôi toát ra toàn thân và Ngài ngã xuống xỉu tại chỗ, mặt úp xuống đất.

Bồtát thực hành khổ hạnh như thế không phải chỉ một vài tháng, mà ròng rã suốt sáu năm dài. Ngài thực hành khổ hạnh mà một người bình thường “không dám nghĩ đến”, đừng nói là “thực hành”.

Khi Đức Thế Tôn giảng cho Đức XáLợiPhất hiểu rõ “khổ hạnh của Ngài”, Tôn giả Nāgasamāla đang đứng quạt hầu Ngài, vị ấy lông tóc dựng ngược.

Suốt sáu năm dài ròng rã trong mọi cách khổ hạnh như thế, thậm chí có lúc ngất xỉu, nhưng chưa bao giờ Bồtát có ý nghĩ: “Ta thực hành khổ hạnh quá mức như vầy, nhưng chưa chứng đạt Vô thượng Chánh giác. Thôi Ta hãy trở về hoàng cung để tao công đức”, hay là Ngài khởi lên “ý tưởng nhớ đến hoàng cung”.

Do đó, sự khổ hạnh của Bồtát được gọi là “tinh cần dũng mãnh” (padhānaviriya). “Tinh cần dũng mãnh “ này gồm có bốn chi:

– Dầu chỉ còn da.

– Dầu chỉ còn gân.

-Dầu chỉ còn xương.

– Dầu cho máu thịt có khô lại.

Ngài vẫn không thối thất tinh tấn.

Gọi là “khổ hạnh” (dukkaracariya), vì rất khó thực hành với người không có “đảm lược”.

Có câu hỏi rằng: Vì sao Bồtát phải thực hành khổ hạnh như vậy? Phải chăng Bồtát không thực hành khổ hạnh thì không thể chứng quả Phật?

Đáp. Chứng đắc Vô thượng Chánh giác là do Bồtát tròn đủ 30 pháp độ ở đỉnh cao, không phải do khổ hạnh. Cho dù có hay không có khổ hạnh Ngài vẫn chứng Phật quả.

Sở dĩ Bồtát phải thực hành khổ hạnh do các nguyên nhân sau:

– Chúng sinh thường ưa thích pháp khổ hạnh, Bồtát thực hành khổ hạnh cực kỳ khốc liệt, không ai có thể hành nổi, nhưng Bồtát vẫn không thể đắc chứng quả Phật. Nhờ đó, Đức Phật đánh tan những “khổ hạnh kiến”.

Mặt khác, vì Bồtát thực hành khổ hạnh là một trong những “điều kiện” (duyên) phát sinh niềm tin nơi người có “khuynh hướng khổ hạnh”.

– Là một thông lệ của chư Bồtát Chánh giác. Bồtát Chánh giác kiếp chót muốn chứng tỏ “tinh tấn vô song” của mình đối với nhân thiên, đồng thời Ngài sẽ hoan hỷ khi nhớ lại sự kiên trì “không thối chuyển” của mình , sau khi thành bậc Chánh Giác.

Ví như Đức vua thừa kế vương vị từ vua cha sẽ không hoan hỷ bằng “chính mình lập quốc sau khi chiến thắng tất cả kẻ nghịch”.

Đồng thời đó là “tấm gương” để khích lệ, sách tấn các Tỳkhưu môn đệ có khuynh hướng “biếng nhác”.

Các vị ấy sẽ suy nghĩ: “Đức Thế Tôn phải nỗ lực, tinh cần, Ngài mới chứng đắc quả Vô thượng Chánh Giác, sự tinh cần của Ngài phải trải qua 4 atăng kỳ và 100 ngàn đại kiếp. Ta muốn chứng đạt Thánh quả ALaHán cũng cần phải nỗ lực tinh cần như Đức Thế Tôn”.

Và khi các vị có trí ấy nỗ lực tinh cần, các Ngài sẽ thành đạt những gì cần thành đạt, giải thoát khỏi “sinh tử trong luân hồi”.

Sự thực hành khổ hạnh của chư Bồtát kiếp chót có thời gian khác biệt nhau, có vị chỉ thực hành trong 7 ngày.

Riêng Bồtát Gotama phải thực hành 6 năm là vì: Một ác nghiệp do lời nói phát sinh từ sự ngã mạn của tiền thân Ngài là Bồtát Jotipāla, Bồtát Jotipāla đã có lời xúc phạm đến Đức Phật CaDiếp là “có lợi ích gì khi nghe pháp từ ông Samôn đầu trọc ấy”([5]).

2- Ma vương khuyến dụ.

Ma vương từ khi nghe Bồtát khước từ ngôi vua Chuyển Luân, đã buông lời hăm dọa BồTát: “Nếu ngươi khởi lên dục tầm (kāmavitakka), sân tầm (dosavitakka) hay hại tầm (hiṃsavitakka); Ta sẽ cho ngươi biết Ta là ai”.

Ma vương âm thầm theo dõi Bồtát suốt sáu năm, nếu Bồtát SĩĐạtTa khởi lên một trong ba loại tầm trên, Ma vương sẽ sát hại Bồtát ngay.

Nhưng trọn 6 năm qua, Bồtát không hề khởi lên một tư tưởng liên hệ đến ba loại tầm bất thiện nêu trên; giờ đây với sự tinh tấn cao tột, Bồtát đứng gần với “ngưỡng cửa sự chết”, nhưng tâm Ngài không hề nao núng, vẫn kiên trì thực hành pháp.

Ma vương suy nghĩ: “SĩĐạtTa rất kiên định, chắc chắn sẽ chứng đắc Vô thượng Chánh giác, sẽ thoát khỏi vòng kềm tỏa của Ta, Ta phải cản trở SĩĐạtTa. Lẽ thường chúng sinh thường sợ chết ham sống, Ta sẽ mang “sự sống” ra để lung lay ý kiên định của SĩĐạtTa”.

Khi đến gần Bồtát, Ma vương ân cần khuyên nhủ rằng:

– Này SĩĐạtTa, ngươi đã quá gầy ốm, ngươi có ngàn phần chết chỉ có một phần sống, tướng mạo xinh đẹp của ngươi không còn.

Hỡi SĩĐạtTa, sống tốt hơn là chết, ngươi có thể sống lâu hơn, sự sống đáng được trân trọng.

Ngươi sẽ tạo được công đức, sẽ sống Phạm hạnh hoặc tế thần lửa.

Hỡi SĩĐạtTa, ngươi tinh tấn có ích lợi gì? Sự tinh tấn của ngươi đạt được gì?

Như có kệ ngôn sau:

Sahassabhāgo maraṇassa; ekaṃso tava jīvitaṃ;

jīvabho jīvitaṃ seyyo; jīvaṃ puññāni kāhasi.

“Ngươi chết cả ngàn phần; chỉ còn sống một phần.

Hãy sống, sống quý báu; sống tạo được phước báu”.

Carato cate brahmacariyaṃ; aggihuttañca jūhato.

pahūtanṃ cīyate puññaṃ; kiṃ padhānena kahāsi.

Sống thực hành Phạm hạnh; tế thần lửa và tế tự.

 Hãy tích lũy phước báu; tinh tấn ích lợi gì”([6]).

Nghe những lời có vẻ đầy thiện ý của Ma vương, Bồtát kiên cường đáp rằng:

-Này Ma vương, thân quyến của phóng dật, ngươi đến đây làm gì?

Ta đâu cần những công đức nhỏ nhoi ấy, với những ai cần công đức ấy, ngươi hãy đến với họ (với câu trả lời này, Đức Bồtát đã đẩy lùi sự khuyến dụ “làm công đức” của Ma vương, vì Ngài hiểu rằng “công đức” cũng dẫn đến luân hồi (vattagāmi), dẫn đến cái khổ sinh tử).

Này Ma vương ta có tín, tinh tấn và trí, Ta sẽ thành đạt Vô thượng Chánh giác, Ta không màng đến sự sống hay chết (với câu này, Đức Bồtát đã phá tan cái bẩy  “tham sống sợ chết” của Ma vương).

Này Ma vương, với gió trong thân này có thể làm khô cạn các dòng sông, thì làm sao máu thịt không khô cạn khi Ta tinh tấn hành pháp.

Dầu máu có khô cạn, mật, đàm có khô cạn, dầu thịt gân có hư hoại, tâm ta càng định tỉnh. Khi ta sống trong sự vững trú của niệm, định và tuệ, sự sống ấy là trường thọ hơn là sống trong sự biếng nhác, thất niệm.

Sống như thế chính là “sự chết”.

Với 5 vũ khí: Tín, tấn, niệm, định và tuệ ta sẽ thành đat Vô thượng Chánh giác ngay trong kiếp này, ta sẽ cắt đứt mọi sợi dây trói buộc dẫn đến sinh, già, bịnh chết (sđd).

Rồi Bồtát chỉ ra 10 đạo quân của Ma vương là:

1’- Đội quân Dục lạc (kāmā). Bao gồm “vật dục” (vatthukāma) và “phiền não dục” (kilesakāma). Đội quân này che mờ tâm trí “những ai đang tầm cầu giải thoát”.

2’- Đội quân Bất mãn (arati). Làm cho chúng sinh không thích thú, không hài lòng với đời sống thánh thiện, đời sống Phạm hạnh.

3’- Đội quân Đói khát (khuppipāsā). Do không thể ăn hay uống một cách tự do như đời sống cư sĩ tại gia, hoặc do sợ “đói”, sợ “khát”, nên không hân hoan trong đời sống ly gia.

4’- Đội quân Ái dục (taṅhā).

5’- Đội quân  hôn thụy (thīnamiddha). Là sự uể oải, dã dượi, rơi vào biếng nhác, thụ động.

6’- Đội quân Sợ hãi (bhiru).

7’- Đội quân Hoài nghi (vicikicchā). Là sự phân vân lưỡng lự, không quyết đoán.

8- Đội quân Phỉ bángCố chấp (makkha thambha).

9’- Đội quân Lợi đắc, cung kỉnh, danh tiếng (lābha siloka sakkāra, yasa).

10’- Đội quân Tự thán phỉ tha (att’ukkaṃsa paranambhana). Là tự khen mình, chê bai kẻ khác.

Này Namuci, đó là những đội quân của ác quỷ (kaṇhā). Người ươn hèn sẽ không thắng nổi, nhưng ai chế ngự được những đạo quân ấy, sẽ tìm thấy chân hạnh phúc, chân an lạc.

Ta cột trên ngọn cờ của ta chùm cỏ Muñja([7]). Đời sống trong thế gian này là đau khổ, Ta thà chết trên chiến trận còn hơn sống trong thất bại (saṅgāme me mataṃ seyyo; yañce jīve parājito) (sđd).

Nghe Bồtát trả lời như vậy, Ma vương thất vọng biến mất.

3- Thay đổi phương pháp thực hành.

Sau sáu năm khổ hạnh, thân thể của Đức Bồtát càng suy nhược.

Và0 ngày mồng một tháng Vesākha([8]), Đức Bồtát suy gẫm: “Các Samôn, Bàlamôn trong quá khứ, khi thực hành khổ hạnh cũng chỉ đến mức độ như ta mà thôi, không thể hơn được nữa.

Trong hiện tại hay trong tương lai các vị Samôn, Bàlamôn thực hành khổ hạnh cũng chỉ đến mức độ như ta mà thôi.

Nhưng ta chưa chứng đạt được Vô thượng Chánh giác, phải chăng còn có phương pháp thực hành khác, đưa đến chứng đạt quả Vô thượng Chánh giác?”.

Đức Bồtát chợt nhớ lại lúc 7 tuổi Ngài đã chứng đạt Sơ thiền với đề mục “hơi thở” khi ngồi dưới cội cây trâm trong buổi lễ Hạ điền.

Như người ngủ say chợt tỉnh thức, Ngài chợt hiểu “đây mới thật là con đường dẫn đến giác ngộ”, tức là “lìa bỏ hai cực đoan: Lợi dưỡng và khổ hạnh, thực hành “con đường trung đạo”, vượt lên hai cực đoan ấy”.

Đức Bồtát lại nhớ đến những tầng thiền mà Ngài đã chứng đạt như “Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi tưởng xứ” và “quyết chắc”đó là nền tảng để dẫn đến giác ngộ.

Đức Bồtát nhận định rằng: “Với tấm thân mòn mỏi, không thể thích nghi với sự sáng suốt. Với một sức khỏe cần thiết mới có thể đạt đến “tiến hóa tâm linh”, vậy ta hãy thọ thực trở lại”.

Ngài quyết định từ bỏ “lối tu khổ hạnh”, sau khi xuống dòng sông NiIiên tắm rửa sạch sẽ, Ngài đi đến nơi cất chiếc bát khi xưa.

Rữa sạch chiếc bát do Phạm thiên Ghatikāra cúng dường, Đức Bồtát đi vào thị trấn Senani khất thực.

Thời gian ngắn, thân của Ngài được phục hồi, nước da dần dần trở lại trong sáng.

“Nhóm năm KiềuTrầnNhư” bấy lâu nay theo hầu Đức Bồtát với bao nhiêu là kỳ vọng, đột nhiên thấy Đức Bồtát thay đổi “cách thực hành”, “nhóm năm KiềuTrầnNhư” thất vọng, cho rằng:

“Samôn Gotama đã thối thất tinh tấn, đã nghiêng về pháp lợi dưỡng rồi. Làm sao vị ấy có thể chứng đắc pháp Bất tử, chúng ta ở lại đây cũng hoài công”.

“Nhóm năm KiềuTrầnNhư” lìa bỏ Đức Bồtát tìm đến nơi khác để tu tập, các Ngài đi đến “rừng Nai” trong vùng Isipatana, thuộc BaLaNại.

Thật ra, đây là một quy luật của vị Bồtát Chánh giác sắp chứng đạt Vô thượng Chánh giác.

Sau khi Bồtát thực hành xong “khổ hạnh pháp”, tìm ra con đường giữa thì những người hầu của Ngài sẽ rời bỏ Ngài vì lý do này hay lý do khác. Nếu không, chính Ngài sẽ rời bỏ họ.

Khi “nhóm năm KiềuTrần Như” ra đi, khung cảnh nơi rừng Uruvelā trở nên yên tỉnh, giúp cho Đức Bồtát tăng trưởng tâm định cao tột.

Đức Bồtát sống trong cảnh tỉnh lặng như thế, vào rạng sáng đêm trăng tròn (15 âl) tháng Vesākha, Bồtát thấy “năm đại mộng”.

4- Năm đại mộng([9]).

*Bồtát mộng thấy: Ngài nằm trên đất, đầu gối lên núi HyMãLạpSơn, tay phải đặt trên biển Đông, tay trái đặt trên biển Tây, hai chân đặt trên biển Nam. Đây là giấc mộng lớn thứ nhất.

*Bồtát mộng thấy: Từ nơi rún (nābhi) Ngài, cỏ Tiriya mọc ra, rồi vươn cao mãi cho đến trời xanh mới dừng lại. Đây là giấc mộng lớn thứ hai.

*Bồtát mộng thấy: Các con sâu mình trắng đầu đen, bò từ chân đến đầu gối Ngài và bao phủ kín cả đầu gối. Đây là giấc mộng lớn thứ ba.

*Bồ tát mộng thấy: Bốn loài chim với màu sắc khác nhau, từ bốn phương bay đến, rơi xuống chân Ngài, chúng trở thành trắng. Đây là giấc mộng lớn thứ tư.

*Bồtát mộng thấy: Ngài đi kinh hành qua lại trên núi đầy phẩn, nhưng chân Ngài không bị lấm nhơ. Đây là giấc mộng lớn thứ năm.

Khi tỉnh thức, Bồtát suy nghĩ: Nếu ta ở trong thành CaTỳLaVệ, khi cha mẹ ta nghe ta trình bày “những điềm mộng” này, sẽ cho mời những nhà chiêm mộng đến để “giải mộng” cho ta.

Nhưng giờ đây, ta đang sống trong rừng Uruvelā vắng vẻ này, ta đành phải tự mình “giải mộng”vậy.

Với trí tuệ của mình, Ngài tự đoán mộng như vầy:

– Điềm mộng thứ nhất báo trước cho ta biết: Ta sẽ chứng Vô thượng Chánh giác.

– Điềm mộng thứ hai báo cho ta biết: Con đường Trung đạo mà ta tìm thấy sẽ lan rộng khắp nhân thiên, đến tận cõi Phạm thiên.

– Điềm mộng thứ ba báo cho ta biết: Các cư sĩ áo trắng quy ngưỡng Giáo pháp của ta nhiều vô số kể.

– Điềm mộng thứ tư báo cho ta biết: Nhân loại ở bốn giai cấp: Sátđếlỵ, Bàlamôn, thương buôn và thường dân, sẽ xuất gia trong giáo pháp này và sẽ thành tựu quả giải thoát ALaHán.

– Điềm mộng thứ năm báo cho ta biết: Lợi đắc, cung kỉnh phát sinh đến ta, nhưng ta không chút dính mắc.

Nguyên nhân sinh giấc mộng.

Có bốn nguyên nhân sinh khởi giấc mộng là:

*Do rối loạn tiêu hóa.

Là khi dùng những thực phẩm không thích hợp cơ thể, khiến cho mật, đàm trong cơ thể bị rối loạn. Hay khi hoạt động quá sức … khiến tứ đại trong cơ thể không được cân bằng, từ đó nảy sinh giấc mộng.

Giấc mộng do “rối loạn tiêu hóa” thường là những ác mộng, như: Thấy bị rơi từ không trung xuống, thấy bị rượt đuổi bởi thú dữ, người dữ …

*Do tưởng nhớ lại.

Là những gì từng thấy, từng nghe trong quá khứ, những điều này sẽ “hồi tưởng” lại trong giấc ngủ, trở thành giấc mộng.

*Do chư thiên hóa hiện.

Là chư thiên hay phi nhân báo mộng, như vua BìnhSa được thân bằng quyến thuộc là “ma đói” (peta) báo mộng …

Nếu chư thiên muốn mang lại “điềm tốt” thì giấc mộng sẽ là những “cảnh tốt”, còn như “báo cho biết điềm dữ” thì là cảnh xấu.

*Do nghiệp báo.

Là những giấc mộng báo trước cho biết “những biến cố sắp xảy ra”, những “biến cố” này là quả của nghiệp thiện hay nghiệp bất thiện đã tạo.

Như giấc mộng của Hoàng hậu Māyā, hay như 5 đại mộng của Bồtát, hoặc “đại mộng” (mahā supina) 16 điều của vua Pasenadi …

Những giấc mộng chỉ khởi lên cho những chúng sinh là người; chư thiên ngạ quỷ và chúng sinh địa ngục không có những giấc mơ, vì rằng thân xác của những chúng sinh này là sắc tế do hóa sinh, nên không có bốn nhân sinh mộng.

Đối với nhân loại, giấc mơ chỉ có cho “từ phàm nhân đến bậc Thánh ANaHảm”, vì những hạng này còn “nghịch đảo pháp” (vipallāsadhammā). Riêng bậc Thánh ALaHán không nằm mơ vì Ngài đã diệt trừ trọn vẹn “Nghịch đảo pháp”.

Những giấc mộng khởi lên vào ban ngày, đầu hôm, giữa đêm thường không đúng; những giấc mơ khởi lên vào “rạng sáng” có khả năng xảy ra như thật, vì khi ấy dưỡng tố của vật thực đã thấm nhuần khắp cơ thể.

“Mộng đẹp” thường mang đến những điều an lạc, hạnh phúc; “ác mộng” thường mang đến những điều tai họa.

Những giấc mộng do “rối loạn tiêu hóa” và do “tưởng nhớ lại” thường không đúng sự thật và khởi lên từ đầu hôm hay giữa đêm.

Những giấc mộng do chư thiên báo có khi đúng, có khi sai và thường diễn ra vào giữa đêm.

Nếu chư thiên phẫn nộ sẽ báo cho biết những điều sai lạc.

“Năm giấc mộng lớn” trên không có cho: Phàm nhân, vua Chuyển Luân, Bồtát Độc giác, Bồtát Thượng thủ thinh văn, Bồtát ALaHán đại đệ tử. Năm đại mộng này chỉ có cho Bồtát Chánh giác trước khi Ngài thành Phật([10]).

Chư thiên báo mộng sai lạc.

Tương truyền, trong Tịnh xá Nāga ở xứ Rohaha thuộc quốc độ Tích Lan (Simhala). Vị Trưởng lão trụ trì tự viện cho người đốn một cây đại thọ danh mộc trong tự viện, nhưng Ngài không trình báo chư Tăng biết.

Vị “thần cây” trong danh mộc ấy phẫn nộ, để trả thù vị Đại trưởng lão.

Ban đầu vị Thọ thần báo cho vị Trưởng lão “thấy những cảnh thật”, sự thật đã diễn ra như trong giấc mộng. Khi vị Đại trưởng lão “tin vào những giấc mộng”, vị “thần cây” báo cho vị Trưởng lão biết “7 ngày nữa đức vua mệnh chung”. Vì “háo danh” vị Đại trưởng lão rơi vào bẩy của “thần cây”.

Ngài thông báo tin dữ đến các cung nữ trong Hoàng cung, các cung nữ kinh hoàng than khóc thảm thiết. Đức vua cho gọi các cung nữ đến hỏi: “Vì sao khóc?”.

Các cung nữ cho biết “vị Đại trưởng lão cho biết: Sau 7 ngày nữa Đại vương mệnh chung, nên chúng tôi buồm thảm”.

Đức vua cũng kinh hoàng, sống trong tâm trạng lo âu suốt 7 ngày, sau 7 ngày Đức vua vẫn vô sự.

Tức giận vì bị lừa gạt, Đức vua sai hành hình vị Trưởng lão bằng cách “chặt tay, chặt chân vị trụ trì”([11])

5- Thọ dụng cơm sữa Ghana.

Sau khi tự giải mộng, Bồtát “tin chắc” rằng “ Ta sẽ chứng quả Chánh giác trong ngày hôm nay”.

Vào sáng ngày trăng tròn tháng Vesākha, Bồtát xuống dòng sông NiIiên tắm rửa sạch sẽ, rồi Ngài lìa bỏ nơi ấy, đi đến cây đại thọ Banyan (tựa như cây Sung hay cây Đa của xứ Ấn Độ), ngồi dưới gốc cây, mặt day về hướng Đông.

Bấy giờ thân Ngài bỗng rực sáng như “tỏa hào quang” quanh người, chung quanh cội cây Banyan cũng rực sáng do ảnh hưởng “hào quang”từ thân của Bồtát.

Trong thị trấn Senāni có bà Sujātā (Dieu Sinh) là con gái của trấn trưởng Senāni, khi được 16 tuổi nàng Sujātā di du ngoạn trong rừng Uruvelā, khi đi đến cội cây này, nhìn thấy cây đại thọ to lớn, nàng Sujātā suy nghĩ: “Lẽ thường những cây đại thọ như vầy, có thần cây ngụ trong đó”.

Nàng đi đến đảnh lễ cây đại thọ, nguyện rằng: “Kính thưa Thọ thần ngụ trong cây đại thọ này, nếu con được gã vào một gia tộc giàu có cùng giai cấp và có được con trai đầu lòng. Hằng năm con sẽ cúng dâng cơm sữa ghana đến Ngài”.

Về sau nàng thành tựu ý nguyện, nàng được gã vào một gia tộc trưởng giả, có được người con trai đầu lòng là Đức Yasa sau này.

Đức Yasa sinh ra vào ngày trăng tròn tháng Vesākha (tức là sinh ra cùng ngày, cùng tháng nhưng khác năm với Bồtát SĩĐạtTa).

Lần đầu tiên nàng Sujātā tạ lễ “thần cây” Banyan, đó là ngày công tử Yasa tròn năm. Hằng năm cứ đến ngày này, nàng Sujātā dâng cơm sữa ghana đến “thần cây”và đã trải qua 19 lần.

Vào buổi sáng khi Đức Bồtát đi đến cội cây Banyan (đó là lần thứ 20, nàng Sujātā tạ lễ thần cây, khi ấy công tử Yasa đã có vợ rồi), nàng Sujātā bảo người tớ gái làPuṇṇā đến cội cây Banyan, quét dọn sạch sẽ để tế lễ.

Nàng Puṇṇā đi đến cội cây Banyan, trông thấy Bồtát đang ngồi dưới gốc cây, chung quanh Ngài rực sáng.

Nàng Puṇṇā  cho rằng “Thọ thần đã hiện thân để nhận tế phẩm”, vô cùng hân hoan nàng Puṇṇā vội về báo tin cho chủ biết:

– Thưa bà, hôm nay vị Thần cây đã hiện thân để nhận tế phẩm của chúng ta, quanh Ngài ngồi rực sáng.

Nghe nàng tớ gái báo tin vui như thế, bàSujātā hân hoan rằng:

– Này con, nếu sự thật là như thế, kể từ nay con không còn là nô tỳ, con sẽ là con gái của ta.

Theo thông lệ của chư Phật, Bồtát Chánh giác trước khi chứng Vô thượng Chánh giác, Ngài thọ dụng cơm sữa trong chiếc bát bằng vàng. Nên chiếc bát do Phạm thiên Ghatikāra cúng dường khi Bồtát xuất gia đột nhiên biến mất khi bàSujātā dâng cơm sữa ghana đến Đức Bồtát.

Bà Sujātā khởi lên ý nghĩ: “Ta hãy cúng dâng cơm sữa ghana đến vị thọ thần, cơm sữa này phải được đựng trong bát vàng mới xứng đáng. Vị thọ thần sẽ hoan hỷ với tế phẩm này”.

Sữa ghana.

Có hai cách tạo ra sữa ghana (chữ ghana nghĩa là “gom lại”, “đông đặc lại”).

Theo bản Sớ giải Bổn sanh “gọi là sữa ghana” vì thành tựu qua 7 giai đọan.  Trước tiên nàng Sujātā cho một ngàn con bò sữa đến ăn ở rừng cam thảo.

1’- Lấy sữa của 1000 con bò sữa này, nuôi 500 con bò sữa.

2’- Lấy sữa của 500 con bò sữa này, nuôi 250 con bò sữa.

3’- Lấy sữa của 250 con bò sữa này, nuôi 125 con bò sữa.

4’- Lấy sữa 125 con bò sữa này, nuôi 64 con bò sữa.

5’- Lấy sữa 64 con bò sữa này, nuôi 32 con bò sữa.

6’- Lấy sữa 32 con bò sữa này, nuôi 16 con bò sữa.

7’ Lấy sữa 16 con bò sữa này, nuôi 8 con bò sữa.

Sữa của 8 con bò sau cùng, gọi là sữa ghana.

Theo bản Jinālaṅkāra Ṭīkā thì:

Nàng Sujātā cho nuôi 100 con bò ở rừng cây cam thảo, rồi 100 con bò ấy sinh ra 100 con bê. Đây là “thế hệ thứ 1” và cũng được nuôi ở rừng cây cam thảo.

Một trăm con bò thế hệ thứ nhất, sinh ra 100 con bê. Đây là “thế hệ thứ 2” và chúng cũng được nuôi ở rừng cây cam thảo.

Cứ như thế đến thế hệ thứ 7. Sữa của những con bò thế hệ thứ 7 gọi là “sữa ghana”.

Cơm sữa ghana của nàng Sujātā.

Được biết, nàng Sujātā đã chuẩn bị “dâng cơm sữa ghana đến vị thọ thần” vào ngày hôm trước.

Vào sáng ngày trăng tròn tháng Vesākha, bà thức dậy sớm cho người vắt sữa từ tám con bò sữa ghana, tám con bê được sinh ra từ 8 con bò sữa, sáng hôm ấy chúng không đến bú sữa mẹ như thường lệ.

Những bình sữa vừa đặt dưới vú của những con bò sữa, dòng sữa tuôn chảy ra đầy bình, không cần đến tay người vắt sữa.

Nhìn thấy những điều kỳ diệu này, bà Sujātā tự tay mang những bình sữa ghana đổ vào nồi lớn, bà tự thân nhóm lửa, tự thân nấu cơm sữa ghana.

Khi cơm sữa ghana sôi lên thì:

*Những bong bóng lớn nổi lên, rồi quay tròn theo chiều kim đồng hồ nhưng không có một bong bóng nào rơi ra ngoài nồi.

*Không có khói bốc lên từ lò lửa nấu cơm ghana.

*Tứ đại vương đến canh giữ ở bốn góc lò, nên không có những con vật di chuyển qua lại trong khi bà Sujātā đang nấu cơm sữa ghana..

*Đại Phạm thiên cầm lọng đứng che bên trên “khu vực” nồi cơm sữa ghana, nên chung quanh trở nên mát rượi, không có chút “hơi nóng của lửa”.

*Đức Đế Thích sắp củi bằng phẳng và chụm lửa. Ngọn lửa cháy đều, đồng thời tro bụi không rơi ra khỏi lò.

*Chư thiên mang dưỡng tố từ bốn châu và cõi trời đến đổ vào nồi, đó là “những tinh chất của dưỡng tố”, tựa như người lấy mật từ tổ ong.

Dưỡng tố trong nồi “reo lên” như tiếng hát.

(Thông thường chư thiên mang dưỡng tố trời cúng dường vào “mỗi vắt cơm” khi Đức Phật thọ thực.

Chỉ có hai lần chư thiên mang dưỡng tố trời bỏ vào nồi nấu, đó là:Bữa cơm Bồtát dùng để chứng quả Chánh giác và bữa cơm cuối cùng của Đức Phật, Ngài dùng rồi viên tịch).

Trông thấy những điều kỳ diệu này, tâm bà Sujātā vô cùng hân hoan.

Bà sai người lấy chiếc bát bằng vàng trong phòng của bà mang ra, sau khi rửa sạch và lau khô chiếc bát vàng, bà Sujātā nghiêng nồi cơm sữa ghana trút vào trong bát, nồi cơm sữa không còn một giọt sữa ví như những giọt nước lăn trên lá sen rớt xuống mặt hồ.

Toàn bộ cơm sữa vừa đầy ngang miệng bát, không hơn cũng không thiếu. Bà Sujātā phủ lên trên bát vàng đựng cơm sữa ghana bằng tấm lụa trắng sạch.

Bà Sujātā vận y phục lễ hội, trang điểm xinh đẹp với những trang sức quý, đội bát cơm sữa cùng với nữ tỳ Puṇṇā mang bình vàng đựng nước thơm từ tinh chất các loại hoa thơm, đi đến cội cây Banyan.

Từ xa bà Sujātā trông thấy Bồtát ngồi dưới cội cây Banyan, bà vô cùng hoan hỷ vì ngỡ là “vị thọ thần” hiện ra để nhận lễ phẩm.

Bà đi đến gần Bồtát với cung cách tôn kính, bà dừng lại ở nơi hợp lẽ, đặt bát cơm sữa ghana xuống, mang  nước thơm đến cúng dường chung quanh chỗ ngồi của Bồtát, rồi kính cẩn quỳ xuống cúng dường bát cơm sữa ghana đến Bồtát.

Không thấy chiếc bát của mình, Bồtát đành đưa tay ra, bà Sujātā đặt chiếc bát vàng đựng cơm sữa ghana vào đôi bàn tay của Đức BồTát.

Đức Bồtát nhận bát cơm sữa rồi đưa mắt nhìn bà Sujātā.

Hiểu được ý nghĩa “cái nhìn” của Bồtát, bà Sujātā bạch rằng:

-Kính bạch Ngài, con xin cúng dường cơm sữa ghana lẫn bát vàng này đến Ngài. Xin Ngài hoan hỷ nhận lãnh bát vàng cùng cơm sữa ghana này.

Rồi bà tác bạch tiếp:

“Ước nguyện của con đã thành tựu như ý, cầu mong ước nguyện của Ngài cũng được thành tựu như ý”.

Sau khi đảnh lễ Bồtát, bàSujātā ra về với tâm tràn đầy hỷ lạc, không hề luyến tiếc chiếc bát vàng, tựa như chiếc bát ấy chỉ là chiếc lá vàng rơi rụng.

Sau khi bàSujātā ra về, Bồtát đứng lên Ngài đi ba vòng quanh cội cây Banyan để tỏ lòng tri ân, Ngài mang bát vàng đựng cơm sữa ghana đến bải tắm Suppatiṭṭhita cạnh dòng sông Iiên.

Nơi bãi tắm Suppatiṭṭhita này ba vị Bồtát Chánh giác quá khứ là: Đức Kakusandha, Đức Konāgamana, Đức Kassapa đã từng tắm vào buổi sáng, rồi các Ngài thành tựu Nhất thiết trí vào rạng sáng của đêm.

Sau khi tắm rửa xong, Bồtát đi đến một cội cây, ngồi dưới bóng mát của tàng cây, day mặt về hướng Đông.

Ngài vắt cơm sữa ghana thành 49 vắt, không hơn không kém, mỗi vắt cơm lớn bằng quả trứng gà, vừa đủ không dư cũng không thiếu.

Đức Bồtát ăn hết 49 vắt cơm, 49 vắt cơm có nhiều dưỡng tố ấy đã nuôi sống Ngài trọn 49 ngày sau khi Bồtát chứng thành Phật vị.

Suốt 7 tuần lễ Đức Phật ngự chung quanh cội Bồđề để hưởng an lạc giải thoát, Ngài không thọ dụng vật thực chi, kể cả đến tắm rửa, rửa mặt, rửa tay chân …

Khi thọ thực 49 vắt cơm sữa ghana xong rồi, Ngài đi xuống dòng sông NiIiên để rửa tay và bát.

Cầm bát vàng trên tay, Ngài phát nguyện: “Nếu ta chứng đạt vô thương Chánh giác hôm nay, bát vàng này hãy trôi ngược dòng nước. Nếu ta không chứng đắc Phật vị hôm nay, bát sẽ trôi xuôi theo dòng nước”.

Rồi Đức Bồtát ném bát vàng vào giữa dòng sông NiIiên, chiếc bát trôi ngược dòng nước với tốc độ ngựa phi, chiếc bát trôi ngược dòng sông khoảng 80 hắc tay (= 40m) đi vào vùng nước xoáy, chìm xuống đáy sông trôi tận đến xứ rồng Mahākāla, đi vào cung điện của chúa rồng, chạm vào ba chiếc bát của chư Bồtát quá khứ là: Bồtát Kakusandha (CùLưuTôn), Bồtát Konāgamana (CâuAHàmMâuNi), Bồtát Kassapa (CaDiếp) kêu lên ba tiếng “keng”, rồi nằm yên bên dưới (mỗi lần chạm một bát thì phát ra tiếng “keng”).

Tiếng va chạm giữa những chiếc bát làm tỉnh giấc ngủ của Rồng chúa Mahākāla, chúa rồng kêu lên: “Hôm qua có một vị Phật xuất hiện trên thế gian, hôm nay lại có thêm một vị Phật nữa”.

Bảo tọa giác ngộ (bodhi pallaṅka).

Tâm vô cùng hoan hỷ khi thấy chiếc bát trôi ngược dòng sông, Bồtát đi đến rừng cây Sālā đang nở rộ hoa, cạnh dòng sông để nghỉ trưa.

Trong bộ Sớ giải Phật Tông, Sớ giải kinh Bổn sanh và bộ và và bộ Nidāna chỉ mô tả ngắn gọn là “Bồtát đi vào rừng Sālā để nghỉ trưa”.

Trong bộ Jinālaṅkāra Ṭīkā thì mô tả chi tiết như sau: “Khi vào rừng Sālā để nghỉ trưa, Bồtát an trú tâm vào “đề mục hơi thở”, tuần tự nhập thiền đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ, đồng thời Ngài chứng đạt cả 5 thắng trí (abhiññāṇa) phàm, khi ấy Ngài có khả năng nhớ đời sống quá khứ đến 40 kiếp trái đất”.

Vào xế chiều Bồtát xuống sông tắm rồi sang qua bờ sông, Ngài đi theo con đường đã được chư thiên cùng Phạm thiên trang hoàng xinh đẹp dẫn đến cội cây Assattha.

Một người cắt cỏ thuộc giòng Bàlamôn tên là Sotthiya trên đường ngược chiều với Bồtát cũng vừa đi đến đó, Bồtát đưa mắt nhìn người cắt cỏ.

Hiểu được ý muốn của Bồtát là “cần ít cỏ”, Sotthiya cúng dường đến Bồtát 8 bó cỏ, Bồtát cầm 8 bó cỏ đi đến chỗ cao ráo ở gốc cây Assattha.

Theo bản Sớ giải Phật Tông thì: Bồtát đi đến hướng Đông bắc cội cây Assattha, trải tám bó cỏ ra và một bồ đoàn cao 14 hắc tay (= 7m) xuất hiện cho Bồtát.

Theo Bản Sớ giải Jinālaṅkāra Ṭīkā giải thích chi tiết hơn là: Đức Bồtát đi đến cội Bồđề, Ngài đứng ở hướng Đông nhìn về hướng Tây, Ngài có cảm giác đất ở hướng Đông lún xuống, đất ở hướng Tây trồi lên, Ngài suy nghĩ: “Đây không phải là nơi chứng đắc Phật trí”.

Rồi Ngài đi quanh cây Bồđề tuần tự theo chiều kim đồng hồ, lần lượt đứng tại các hướng Đông nam, Nam, Tây nam, Tây, Tây bắc, Bắc; tất cả hướng ấy Ngài có cảm giác “đất ở nơi đó lún xuống, đất ở hướng đối diện trồi lên”.

Khi Bồtát đến hướng Đông bắc mặt nhìn về hướng Tây nam thì “đất đứng yên”.

Đây là nơi xuất hiện “Bảo tọa giác ngộ” (bodhi pallaṅka) của ba vị Phật quá khứ.

Trong hiền kiếp này (bhaddakappa) có bốn điểm “bất di dịch” (avijahiṭṭhānāni ) của chư Phật, đó là:

–  Địa điểm “Bảo tọa giác ngộ” tại BồĐề đạo tràng.

– Địa điểm “Chuyển Pháp luân” ở vườn Lộc Uyển.

– Địa điểm ở chân thành Saṅkassa, nơi Đức Phật đặt chân đầu tiên khi Ngài từ cung trời ĐạoLợi ngự về nhân giới.

Nơi cổng thành Saṅkassa này là nơi ba vị Phật quá khứ đã từng  “từ cung trời ĐạoLợi ngự xuống sau khi thuyết giảng Tạng Thắng pháp (Abhidhamma) để tế độ vị thiên tử là “mẹ của Bồtát” kiếp trước.

Điểm Đức Phật đặt chân xuống đất, chính điểm ấy ba vị Phật quá khứ đã đặt chân trước tiên khi ngự về nhân giới.

Tại chỗ Đức Phật đạt chân xuống “nhân giới” đầu tiên, có xây một đền thờ([12]). Khi Hai Ngài Pháp Hiển và Huyền trang đến Ấn Độ, có đến viếng nơi này, các Ngài có ghi nhận “có ba thang gạch xây để kỷ niệm, nhưng thang bị lún xuống nền đất”([13]).

– Địa điểm đặt “chiếc giường” của Đức Phật trong Hương thất (Gandhakuṭi) ở KỳViên tịnh xá([14]).

Bồtát khi chọn được điểm an tịnh ở cội cây Assattha, Ngài trải 8 bó cỏ ra, khi 8 bó cỏ được trải ra, chúng biến thành một Bảo tọa bằng châu báu cao 14 hắc tay (=7m) với những hoa văn cực kỳ xinh đẹp, chính những cọng cỏ đã trở thành những “đường nét hoa văn” sinh động mà không một nghệ nhân nào có thể tạo ra được.

Bồtát bước lên Bảo tọa, ngồi “tréo chân”([15]) lưng hướng về cây Bồđề , cây Bồđề như che chắn phía sau Ngài, mặt Ngài nhìn về hướng Đông, Bồtát tuyên bố: “Cho dù chỉ còn da, cho dù chỉ còn gân, cho dù chỉ còn xương, cho dù máu thịt có khô lại. Nếu chưa chứng đắc Vô thượng Chánh giác, ta không rời bỏ Bảo tọa này”.

6- Chiến thắng Ma vương.

Khi tuyên bố “quyết định tinh tấn vô song”, Đấng Đại sĩ yên lặng đưa tâm gắn liền với “đề mục hơi thở” chìm sâu vào vùng nội tại.

Chư thiên, Phạm thiên khắp mười phương đồng đi đến cội Đại giác (mahābodhi) đảnh lễ đấng kỳ nhân sắp đạt thành nguyện vọng.

Đức Đế Thích đến đảnh lễ Bồtát, rồi thổi tùvàVijayutta dài 60m để hội chư thiên đến cội Bồđề, Cànthátbà Pañcasikha đến đảnh lễ Đức Bồtát rồi khảy đàn Beluva cúng dường, chư thiên Suyāma dùng phất trần quạt hầu, chư thiên Santusita dùng quạt hồng ngọc quạt hầu, Phạm thiên Sahampati cầm lọng trắng rộng ba dotuần che nắng, long vương Mahākāla cùng 80 ngàn long nữ đi đến đảnh lễ Đức Bồtát …

Sau lần thất bại khi giương bẩy “tham sống sợ chết” để khuyến dụ Bồtát từ bỏ tinh tấn, quay về với “hưởng thụ dục lạc”, Ma vương vẫn âm thầm theo dõi Đấng Đại sĩ.

Khi nghe Bồtát tuyên bố “tinh tấn vô song”, chẳng đoái hoài đến “sống chết”, rồi thấy chư thiên tụ hội về đông vô số kể, Ma vương suy nghĩ:

“Hiện giờ SĩĐạtTa đang ngồi nơi cội Bồđề, nơi các Bồtát quá khứ thành bậc Chánh giác.

Chắc chắn SĩĐạtTa sẽ thành Phật như những vị Bồtát trước đây, ta không thể chấp nhận “SĩĐạtTa thoát ra sự thống trị của ta, ta phải ngăn chận SĩĐạtTa, không cho ngồi trên Bảo tọa ấy”.

Ma vương trở về cõi Tha Hóa Tự Tại, triệu tập thiên ma dưới quyền của mình, cùng nhau kéo đến cội cây Assattha đông vô số kể.

Trong bản Sớ giải Phật Tông ghi vắn tắt: “Sau khi Bồtát chiến thắng Ma vương. Vào canh đầu của đêm Ngài chứng đắc Túc mạng minh …”.

Trong bộ Jinālaṅkāra mô tả chi tiết hơn là: “Đội quân của Ma vương dày đặc, phía trước Ma vương là dài rộng 12 do tuần, bên phải, bên trái cũng dài rộng 12 dotuần, trên đầu của Ma vương là nhóm binh ma bảo vệ hướng trên của Ma vương dài rộng 9 dotuần, phía sau Ma vương binh ma dày đặc đến tận Luân vi sơn. Ma vương hóa ra ngàn cánh tay, mỗi tay đều cầm một loại vũ khí khác nhau, cưỡi voi Girimekhala cao 150 dotuần như núi TuDi di chuyển đến BồĐề Đạo tràng.

Đoàn quân ma hóa hiện ra vô số “kỳ hịnh dị tướng” với muôn ngàn hình thức ghê rợn như quái thú, thú dữ …, không thể nào tả hết, chỉ nhìn thấy không thôi cũng đủ khiếp đảm mà chết. Tiếng hét la của chúng vang rền như từng cơn sấm động nối tiếp nhau khởi lên không hề dứt đoạn. Ma vương cùng đoàn quân ma từ hướng Bắc kéo đến cội BồĐề.

Chư thiên, Phạm thiên đang đứng hầu Đấng Đại sĩ trông thấy đoàn quân ma từ xa, đều kinh hoàng bỏ chạy. Vua trời ĐếThích vác tùvà Vijayuttara chạy đến tận luân vi, Phạm thiên Sahampati mang lộng trắng chạy đến tận luân vi, rồi quăng bỏ lộng trắng chạy về cõi Sơ thiền, vua rồng Mahākāla cùng đoàn long nữ cuống quít, lặn xuống nước chạy trối chết về xứ rồng rộng 500 dotuần của mình, lấy tay che mặt để che dấu sự sợ hãi còn đọng trên mặt.

Chư thiên các cõi mạnh ai nấy chạy về trú xứ của mình để trốn.

Bồtát ngồi một mình trên Bảo tọa như Đại Phạm thiên trú trong Phạm cung yên lặng trống vắng.

Trước khi Ma vương đến có những điềm báo như: Bóng tối phủ xuống, sương mù nổi lên, gió thổi ào ào như giông bảo sắp nổi lên, đại dương nổi sóng như đang giận dữ, tiếng gió rít lên ghê rợn, cây rừng dường như muốn nhổ bật gốc rễ, mặt trời chìm sâu trong bóng tối, địa đại dường như lắc lư muốn nổ tung, nước trong dòng sông bị gió thổi mạnh chảy ngược chiều.

Trước những hiện tượng kinh khiếp ấy, Bồtát vẫn ngồi yên trên Bảo tọa không chút sợ hãi, như Đại bàng chúa đứng giữa hư không, như sư tử vương Kesa uy dũng đứng trên đỉnh núi.

Bồtát nhìn ba mặt: Phía trước, bên phải, bên trái, Ngài thấy binh tướng của Ma vương trùng trùng điệp điệp đang kéo tới, còn chư thiên, Phạm thiên đã bỏ chạy từ lâu.

Ngài suy gẫm: “Hiện giờ ta không có thân bằng quyến thuộc vậy ai là nơi nương tựa của Ta? Chỉ có những pháp Balamật mà ta đã đào tạo , đó là những người bạn chí tình với ta, đó là nơi nương tựa của ta”.

Rồi Ngài quán tưởng đến 10 pháp balamật đã  được Ngài tích trữ trong vòng luân hồi. Ngài nói kệ ngôn rằng:

“Ayantu bhonto idhadanasīla,

nekkhammapaññā sahaviriyakhanti,

saccādhiṭṭhāṇasa mettupekkhā,

Yuddhaya vo  ganhatha avudhaniti.

“Hãy đến đây, này bố thí, trì giới,

xuất ly, trí tuệ luôn cả tinh tấn, nhẫn nại,

chân thật, chí nguyện. từ, xả.

Hãy cầm khí giới đến đây chiến đấu”.

Lập tức dường như có 10 đạo quân thiện chiến xuất hiện quanh Bảo tọa, cầm đầu 10 đạo quân là 5 dũng tướng: Tín lực, tấn lực, niệm lực, định lực và tuệ lực.

Với 10 đạo quân thiện chiến cùng 5 dũng tướng bảo vệ Bảo tọa, Bồtát không còn e ngại quân ma dù cho chúng có trùng trùng điệp điệp. Ngài ngồi an nhiên tự tại trên Bảo tọa xinh đẹp.

(Sách Jinālaṅkāra Ṭīkā mô tả tỉ mỉ những cuộc tấn công của Ma vương đối với Bồtát. Ở đây chúng tôi chỉ lược trích những chi tiết quan trọng mà thôi).

Ma vương tấn công

Quân ma bao vây quanh Bảo tọa dày đặc, nhưng Bồtát vẫn thản nhiên, an nhiên tự tại, chẳng chút kinh hoàng, chẳng quan tâm đến Ma vương lẫn quân ma đang vây kín cội cây Assattha.

Thấy thế Ma vương phẫn nộ, ra lịnh: “Hãy xông vào bắt SĩĐạtTa cho ta”.

Nhưng không một đội quân nào có thể tiến vào trung tâm cây Bồđề, ví như đàn ruồi không thể tiến vào “vùng nóng của thỏi sắt nướng đỏ”, ngay chính Ma vương cũng không thể khác hơn quân tướng của mình.

Ma vương liền hô hào rằng: “Này các binh tướng, chúng ta không thể tấn công SĩĐạtTa chính diện, hãy tấn công từ phía sau SĩĐạtta”, nhưng rồi tất cả đều thất vọng, cho dù tấn công chính diện, phía sau, bên trái hay bên phải của Bồtát, tất cả đều vô hiệu.

Ma vương suy nghĩ: “Chúng ta không thể tấn công SĩĐạtTa bằng cách tiếp cận, vậy ta hãy tấn công từ xa”.

Và Ma vương cùng binh tướng của mình đã tấn công bằng “10 loại vũ khí” từ xa là:

1’- Hóa ra trận cuồng phong dữ dội, sức mạnh trận cuồng  phong này có thể thổi bật chân núi TuDi rồi đưa thẳng núi TuDi lơ lững giữa hư không. Nhưng khi trận cuồng phong thổi đến gần Bảo tọa, chúng trở nên “phe phẩy nhẹ”, giống như gió lạnh gặp phải ánh mặt trời rực chiếu, chúng rã tan ra từng mảnh nhỏ rồi tan biến trong hư không, một chéo y của Đức Bồtát không hề lay động.

2’- Sau trận cuồng phong, Ma vương suy nghĩ: “SĩĐạtTa đã bị ngọn gió của ta cuốn đến tận núi Luân vi, đã va chạm vào thành núi Luân vi và tan xác rồi”. Nhưng khi nhìn lại, thấy BồTát vẫn thư thái, y càng căm phẫn nói rằng “Này SĩĐạtTa, Ta sẽ cho mưa nhận chìm và giết chết ngươi”. Ma vương cùng binh tướng hóa ra “đám mây đen lớn trút nước xuống ngay tại cội Bồđề”.

Sức mạnh và dung lượng nước mưa ấy có thể nhận chìm trái đất vào “thung lủng nước”, nhưng khi “đến vùng trung tâm” chúng bị phân tán mỏng ra rồi khô ngay như gáo nước nhỏ rơi vào “vùng lửa rực cháy đang bốc cao”. Một sợi chỉ trên chéo y của Bồtát cũng không ướt.

3’-  Thấy thế, Ma vương la lên: “Này SĩĐạtTa, Ta sẽ đè bẹp, giết chết ngươi”. Ma vương hóa ra trận mưa đá, với những khối đá lớn như những trái núi từ hư không rơi xuống, nhưng khi chạm vào “vùng an tòan ”, chúng vỡ ra thành  mảnh nhỏ và trở thành những cánh hoa dưới chân Bảo tọa.

4’-  Tức tối, Ma vương hét lên: “Này SĩĐạtTa, Ta sẽ bầm ngươi nhuyển nhừ ra”. Ma vương hóa ra trận mưa vũ khí, từ trên hư không rơi xuống, và những vũ khí ấy trở thành những cánh hoa xinh đẹp nhiều màu sắc cúng dường Đức Đại sĩ.

5’- Ma vương càng hung hăng quát lên: “Này SĩĐạtTa, Ta sẽ thiêu đốt ngươi không còn chút tro tàn”. Ma vương hóa ra trận mưa “lửa đỏ” từ hư không rơi xuống. Một lần nữa, “lửa đỏ trở thành những cánh hoa hồng, hoa sen đỏ… dưới chân Bảo tọa.

6’- Càng tức tối, Ma vương tiếp tục hóa ra “mưa tro nóng” từ hư không rơi xuống. Tro nóng trở thành bột trầm hương của chư thiên thơm ngát cúng dường đến Đức Bồtát.

7’- Ma vương lại hóa ra “mưa cát nóng” để đốt nóng và vùi lấp Bồtát cùng Bảo tọa, nhưng cát nóng trở thành nhụy hoa trời khi chạm vào “vùng bất khả xâm phạm”, trở thành vật cúng dường dưới chân Bồtát.

8’- Cơn phẫn nộ tiếp tục dâng trào, Ma vương hóa ra “trận mưa bùn nóng”, khói nóng từ “chất bùn” bốc cao. Chất bùn ác hại kia lại trở thành bột kem thơm của chư thiên cúng dường bậc sắp giác ngộ.

9’- Ma vương hóa ra “màn đêm độc tố”, hơi  từ “màn đêm đen thẳm này” có thể làm mù mắt và khiến người chạm vào “màn đêm đen” rơi vào tử vong, rất khó thoát khỏi “màn đêm đen” vì chúng tựa như “vô hình”.

Đây là một vũ khí lợi hại của Ma vương, các thiên nhân rất sợ loại “vũ khí đêm đen” này.

Nhưng “màn đêm đen” lan đến Bảo tọa, từ mỗi lỗ chân lông của Bồtát phóng ra một đạo hào quang “xé tan màn đêm đen” của Ma vương.

10’- Điên cuồng, Ma vương tung vũ khí lợi hại nhất của y là “bánh xe răng cưa” (cakkavudha).

Bánh xe này có khả năng xẻ dọc hay cắt ngang núi TuDi, nhưng núi TuDi sau khi bị xẻ dọc hay cắt ngang chưa thể rời ra.

Bánh xe này khi chạm đất suốt 12 năm cỏ không thể mọc; khi ném lên không trung thì 12 năm liền hạn hán.

Ma vương ném “bánh xe răng cưa” của y vào Bồtát, tiếng xé gió của “bánh xe” rít lên ghê rợn làm bưng tai nhóm quân ma.

Khi đến cội Bồđề bánh xe chậm dần rồi rơi xuống trở thành tràng hoa dưới chân Bảo tọa, như tấm thảm chùi chân của bậc sắp giác ngộ.

Bồtát thắng trận.

Thấy vũ khí lợi hại nhất của mình là “bánh xe răng cưa” (cakkavudha) không còn hiệu dụng, tính khí hung hăng, kiêu ngạo của Ma vương cũng không còn “lừng lẫy” như trước.

Nhưng Ma vương vẫn chưa từ bỏ ý định “cản trở, không cho SĩĐạtTa chứng Vô thượng Chánh giác”. Trước binh tướng của mình Ma vương hùng hổ hét to lên như sấm nổ rằng:

“Hãy xông vào bắt SĩĐạtTa cho ta”.

Nhưng không một thiên ma nào dám xông vào, ngay chính Ma vương hùng hổ như thế, nhưng y cũng không dám xông vào.

Tức tối, Ma vương quát to:

– Này SĩĐạtTa, sao ngươi còn ngồi trên đó. SĩĐạtTa hãy rời khỏi chỗ này, hãy trả bảo tọa lại cho ta.

Với tâm từ mẫn, Đức Bồtát nhìn Ma vương với ánh mắt đầy thương hại hỏi rằng:

– Này Ma vương, lời của ngươi là đúng với sự thật chăng? Ai là chứng nhân để xác nhận “Bảo tọa” này là của ngươi?.

Ma vương bối rối, suy nghĩ: “Quanh SĩĐạtTa chẳng có ai, Ta chỉ binh tướng ta là nhân chứng vậy”.

– Này SĩĐạtTa, lời nói của ta là sự thật, binh tướng của ta là nhân chứng cho lời nói của ta.

Nghe vậy, Đức Đại sĩ hỏi:

– Này Ma vương, Bảo tọa này có từ trước phải không?

– Không phải, Bảo tọa này trước đây không có.

– Này Ma vương, Bảo tọa này trước đây không có, thì làm thế nào ngươi bảo là của ngươi được? Này Ma vương, khi chưa chứng đắc Vô thượng Chánh giác, Ta không rời Bảo tọa.

Và Ngài nói lên kệ ngôn:

Samantā dhajiniṃ disvā; yuttaṃ māraṃ savāhanaṃ,

Yuddhāya paccuggacchāmi; mā maṃ ṭhānā acāvayi.

“Đã thấy  vô số quân ma, Ma vương trên lưng voi.

Ta bước vào trận chiến; đứng vững không thối lui”.

Yaṃ te taṃ nappasahati; senaṃ loko sadevako,

taṃ te paññāya bhecchāmi; āmaṃ pattaṃva asamanā.

“Những đội quân của ngươi; người, chư thiên không thắng nổi,

Với trí ta đến với ngươi; như người đập vỡ bát đất” ([16]).

Nghĩa là Bồtát nói rằng: “Này Ma vương, Ta đã thấy ngươi ngồi trên lưng voi Girimekhala, cùng với binh tướng dày đặc của ngươi. Nhưng ta không hề run sợ, Ta bước vào trận chiến cùng ngươi, Ta đứng vững trong chiến trận không hề thối lui.

Này Ma vương, với đội quân hùng hậu của ngươi, cả nhân loại lẫn chư thiên không ai có thể thắng được. Nhưng với trí tuệ của ta, ta phá tan tất cả quân ma, chiến thắng ngay cả ngươi. Ví như người lực sĩ đập nát chiếc bát bằng đất vụn”.

Theo bản Jīnālaṅkāra Ṭīkā do Đại trưởng lão Buddharakkhita biên soạn, có thêm bốn kệ ngôn Pāli được rút ra từ Kinh điển Pāli như sau:

Icchanto sāsape gabbhe; cankamami iti citto,

Icchanto lokadhātumhi; atta bhāvena chādayi.

Nghĩa là: “Này Ma vương,  nếu ta muốn nhỏ, ta có thể đi kinh hành qua lại trong hạt cải. Nếu ta muốn lớn, thân của ta có thể che lấp cả vũ trụ này”.

Ete sabbe gahetvāna; cuṇṇetuṃ iccharāyapi,

Atthi ṭhāmabalaṃ;  mayhaṃ pānagāto na ruccati.

Nghĩa là: “Này Ma vương, ta có năng lực tóm bắt ngươi cùng binh tyướng của ngươi trong lòng bàn tay và nghiền nát các ngươi. Nhưng ta không làm như thế, Ta không vui thích với sự sát hại chúng sinh khác”.

Imassa ganduppādassa; āyudhena balena kiṃ

mayhaṃhi tena pāpena; sallāpopi na ruccati.

Nghĩa là: “Này Ma vương, có ích lợi gì khi ta dùng vũ khí hay thân lực để chiến thắng ngươi. Với Ta, Ngươi như con giun đất, nói chuyện với ngươi Ta chẳng thích thú chút nào.

Pallaṅkaṃ mama bhāvāya; kimatthaññena sakkhinā,

Kampitā maddiyā dānā; sakkhi hoti ayaṃ mahī.

Nghĩa là: “Này Ma vương, Bảo tọa phát sinh cho ta từ tất cả việc lành, như bố thí … không một việc thiện nào dù nhỏ ta bỏ qua”.

Và Ngài nói rằng: “Này Ma vương chính con voi Girimekhala ngươi đang cưỡi, ngươi đã xin Ta.  Khi Ta là Vessantara Ta đã cho ngươi con voi “hạnh phúc”, khi ấy quả địa cầu đã rúng động, Ta đã cho hai con Jāli và Kaṅhā, quả địa cầu đã rúng động, Ta đã cho hoàng hậu Maddī, quả địa cầu lại rúng động.

Giờ đây, Ta ngồi trên Bảo tọa này để chứng đắc Vô thượng Chánh giác, ngươi cùng binh tướng tấn công ta, quả đất này chắc chắn sẽ không “im lặng”. Này Ma vương, ngươi chỉ binh tướng của ngươi là chứng nhân của ngươi, nhưng đó là những chứng nhân không trung thực.

Chứng nhân của ta chính là quả địa cầu vô tri giác này, trái đất này công minh, không thiên vị Ta hay ngươi”.

Rồi Bồtát đưa bàn tay phải ra, ngón trỏ chỉ thẳng xuống đất, nói rằng “Hỡi trái đất vô tư, hãy là chứng nhân cho Ta”.

Ngay khi ấy trái đất quay nhanh như bánh xe của người thợ gốm phát ra âm thanh vang động, TuDi sơn, Thất trùng sơn … rung chuyển, dường như tiến đến cội Bồđề làm chứng cho Bồtát,  tiếng nổ vang lên như rừng tre bị  lửa đốt.

Ma vương có cảm giác như tất cả vua núi đang đi đến bao vây y cùng đoàn quân của mình, cả ngàn Luân vi dường như nỗi giận đang chuẩn bị kéo đến “hình phạt”, nghiền nát y.

Từ trong Bảo tọa hình ảnh nữ thần đất  Kālī hiện rõ, nước từ ngọn tóc của nữ thần tuôn chảy cuồn cuộn, voi Girimekhala cũng kinh hoàng rống lên dữ dội, cố gắng ngoi người thoát khỏi dòng nước có sức mạnh kinh hồn, binh ma tướng quỷ nhốn nháo tán loạn không còn đội ngủ chi cả. loi ngoi dưới dòng nước .

Ma vương kinh hải ném bỏ khí giới trong tay, bỏ voi Girimekhala chạy trốn khỏi nơi đó, không kịp nhìn lại.

Đội quân ma thấy chủ tướng bỏ chạy trốn, cũng vứt bỏ cờ trận, chiêng trống, vĩ khí … chạy tháo thân như tro bụi bị bảo tố thổi tung tóe, thiên ma chạy về cõi Tha Hóa Tự Tại ẩn trốn với vẻ kinh hoàng khiếp đảm, tựa như vừa “thoát khỏi tử vong”.

Ma vương chạy đến tận Luân vi mới hoàn hồn, vị ấy than rằng:

Satta vassāni bhagavantaṃ;  anubandhiṃ padāpadaṃ,

otāraṃ nādhigacchissa; sambuddhassa satīmato.

“Bảy năm của Thế Tôn; ta từng bước theo chân.

Không tìm thấy lỗi lầm; từ ý niện Chánh giác”.

Medavaṇṇaṃ va pāsānaṃ; vāyaso anupariyagā,

Apettha muduṃ vindema; api assādanā siyā.

“ Tảng đá vàng như mở; quạ bay lượn chung quanh.

Hy vọng tìm vật mềm; hay tìm được chất ngọt”.

Aladdhā tattha assādaṃ; vāyasetto apakkami,

Kākova selamā sajja; nibbijjāpema gotamaṃ.

“Vị ngọt không nhận được; từ đó quạ bay đi.

Như quạ mổ trúng đá; Ta gặp phải Gotama”.

Tassa sokaparetassa; vīṇā kacchā abhassattha,

Tato so dummano yakkho; tatthevantaradhāyathāti.

Vị ấy bởi sầu muộn; đàn trong nách rơi xuống,

Dạxoa đầy ác ý; biến mất tại nơi ấy” ([17]).

Cây đàn ấy được vua Trời ĐếThích nhặt được, cho thiên thần nhạc sĩ là Pañcasikha (đồng tử năm chòm tóc).

(Ra chiến trận mà Ma vương còn đeo “cây đàn” bên nách, xem ra Ma vương cũng yêu thích âm nhạc, có tinh thần nghệ sĩ và có thể là “một nhạc sĩ tài hoa”- Ns).

7- Chứng quả Vô thượng Chánh giác.

Vào lúc hoàng hôn của ngày trăng tròn tháng Vesākha, khi ánh trăng  hiền dịu chưa xuất hiện, Đấng Đại sĩ đã kết thúc cuộc chiến, một cuộc chiến “vĩ đại nhưng không giọt máu rơi”, vinh quang thuộc về bậc Đại Đức Hạnh.

Và ngôi Bảo tọa của Đức Bồtát, do sự kiện này nên có tên gọi “Aparajitapallaṅka” (Bảo tọa chiến thắng tất cả).

Chư thiên, Phạm thiên lại kéo đến khu vực bảo tọa, tôn vinh sự chiến thắng của Đức Bồtát bằng tiếng sādhu, lan rộng khắp mười ngàn Luân vi.

Bồ tát ngồi yên lặng trên bảo tọa, Ngài chứng đắc Túc mạng minh  (Pubbenivāsanussati vijjjā) vào giữa canh đầu.

Vào giữa canh hai Ngài chứng đắc Thiên nhãn minh (Dibbacakkhu vijjjā). Vào lúc giữa canh ba Ngài chứng đắc Lậu tận minh (Khīṇāsavavijjā).

Sau khi chứng đắc Lậu tận minh, Ngài quán xét lại toàn bộ “quá trình thực hành pháp Balamật” của mình, cùng với những Thánh quả đã chứng đắc, nương theo đó Ngài quán xét “lý duyên khởi” và chứng đắc quả vị Chánh đẳng giác với nhất thiết trí (sabbaññutaññanāṇa).

Ví như người đi vào nhà không dừng lại trong nhà, người ấy đi suốt đến cuối nhà rồi thông ra ngoài khi cánh cửa sau mở rộng. Cũng vậy, nương theo Thánh đạo trí ALaHán, Ngài đưa tâm quán xét “pháp duyên khởi”, thấu triệt toàn bộ “sự sinh tử luân hồi của chúng sinh, khởi đầu là Vô minh, rồi vô minh duyên cho hành, hành duyên thức ….”([18]).

Nên ghi nhận rằng: “Ngài chứng đạt Tam minh, rồi nương theo trí Đạo ALaHán vừa hiện khởi, Ngài quán xét toàn bộ các pháp, từ đó Ngài mới chứng đắc “Chánh giác trí”. Khi ấy bình minh cũng vừa lố dạng, quả địa cầu rung chuyển, đồng thời xuất hiện 32 điều kỳ diệu như đã mô tả trong phần “Bồtát đản sinh”.

Và cây Assattha được gọi là “Mahābodhirukkha” (cây Đại Giác) hay Bodhirukkha (cây BồĐề).

Hân hoan với Thánh vị Vô thượng Chánh giác, Ngài nói lên kệ khải hoàn như sau:

Anekajāni, saṃsaraṃ; sandhāvisaṃ anibbisaṃ.

Gahakāraṃ gavesanto; dukkhā jāti punappunaṃ.

“Lang thang bao kiếp sống; Ta tìm nhưng không gặp.

Người xây dựng nhà này; khổ thay sanh tiếp diễn”

Gahakāraka diṭṭho’si; puna ghehaṃ na kāhasi.

Sabbā te phāsukā bhaggā; gahakūṭaṃ visaṅkhitaṃ.

Visaṅkhāragataṃ cittaṃ; taṅhānaṃ khayaṃ ajjhagā.

“Này thợ làm nhà kia; Ta đã thấy được ngươi.

Ngươi không làm nhà nữa; đòn tay ngươi bị gẫy.

Kèo cột ngươi bị tan; tâm Ta đạt tịch tịnh.

Tham ái đều tiêu tan (HT. TMC dịch) ([19]).

Chư thiên, Phạm thiên khắp 10 ngàn thế giới cùng đi đến tôn vinh Bậc Chánh Giác rực sáng trong thế gian, bậc Tối thượng giữa nhân thiên.

Dứt Tập 1.

Biên soạn xong ngày 7-6-2009; nhằm ngày 14-5 năm Kỷ sửu.


([1])– M.i, Saccaka Đại kinh ( Mahāsaccakasuttaṃ)

([2])– M.i, Đạikinh Sư tử hống (Mahāsīhanādasutta).

([3])– Người Ấn cổ dùng vật thực bằng tay, sau khi dùng xong vật thực thì rửa tay.

([4])– Những đoạn trên trong kinh Sư tử hống đại kinh (D.iv).

([5])– Theo Majjhima Ṭīkā.

([6])–  Sn.74. Kinh Tinh cần (Padhānasutta).

([7])– Thời Đức Phật, trước khi ra trận, chiến binh Ấn thường cột trên ngọn giáo của mình chùm cỏ muñja, mang ý nghĩa “quyết tiến tới” không hề thối lui.

([8])– Tức là vào ngày 16 tháng 3 âl, tính theo lịch VN. Người Ấn cổ tính ngày 16 là ngày khởi đầu của tháng.

([9])– A. iii, 240. Chương năm pháp. Kinh Đại mộng (Mahāsupinasutta).

([10])AA.iii, 240.

([11])– Sāratthadīpanī (q.2).

([12]) – DhpA. iii,

([13])– Fa Hien, p. 24.

([14])DA.ii, 242.

([15])– Do đó Bảo tọa có tên “bodhipallaṅka”. Chữ pallaṅka nghĩa là “ngồi tréo chân”.

([16])– Sn. 74. Kinh Tinh cần (Padhānasuttaṃ)

([17])Sn.74. Kinh Tinh Cần (Padhānasuttaṃ).

([18])– Có khả năng từ điểm “cực kỳ vi tế” này, các nhà Đại thừa lập ra thuyết “Bồtát thị hiện”, cho rằng “Vị Bồtát đã chứng đắc ALaHán, nhưng với tâm bi mẫn muốn tế độ chúng sinh, các Ngài không viên tịch, tu tập thêm những pháp Balamật để trở thành Phật Toàn Giác. Và vị Bồtát này cao hơn bậc ALaHán”.

Sự chứng đắc Chánh giác trí do “nương vào sức mạnh Đạo trí ALaHán vừa chứng đắc” hợp với “trí Balamật cùng tột” (paññāparamatthapāramī) được tích lũy trong vòng sinh tử luân hồi.

Trong suốt dòng sinh tử luân hồi, “ALaHánđạo trí chỉ xuất hiện một lần” (nếu kể rộng thì bốn đạo trí là: Dự lưu đạo trí, Nhất Lai đạo trí, Bất lai đạo trí và ALaHán đạo trí chỉ xuất hiện một lần đối với vị ấy). Khi ALaHán đạo trí sinh lên, nếu không có khả năng nương vào Đạo trí này để chứng đắc Toàn giác trí, thì không còn cơ hội chứng “Toàn giác trí”.

Ví như “trong lúc xuất thần, một hoạ sĩ vẽ ra bức tranh tuyệt tác có thần, sinh động từng nét vẽ. Nhà họa sĩ ấy không thể vẽ lại bức tranh tuyệt tác như vậy lần thứ hai. Vì sao? Vì sự xuất thần đối với bức tranh ấy chỉ có “một lần”. Bức tranh ví như “Nhất thiết trí”, sự “xuất thần” ví như “Đạo trí ALaHán”.

([19])– Dhp. Câu số 153 – 154.

Các bài pháp trong cuốn Đức Phật Và 45 Năm Hoằng Pháp Độ Sinh do Tỳ-khưu Chánh Minh biên soạn.

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app