Chương VI. Tầm sư.

1- Đến thành Vương Xá (rājagaha).

Bồtát sau khi xuất gia, Ngài nguyện thọ trì 8 giới thanh tịnh đến trọn đời là: Từ bỏ sát sinh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong dục lạc, từ bỏ nói dối, từ bỏ nói ác, từ bỏ nói chia rẽ, từ bỏ nói vô ích và nuôi mạng sống trong sạch. Như Kinh văn:

Pabbajitvāna kāyena, pāpakaṃmmaṃ vivajjayi.

Vacīduccaritaṃ hitvā, ājivaṃ parisodhayi.

“Sau khi đã xuất gia; thân làm ác xa lánh.

Lời nói ác đã bỏ; sống trọn vẹn trong sạch”([1]).

Theo Bộ Sớ giải Phật Tông và Sớ giải kinh Bổn sanh, Bồtát trú ngụ tại rừng xoài Anupiya 7 ngày để hưởng hương vị đời sống xuất gia, rồi Ngài vượt đường dài 30 dotuần chỉ trong một ngày.

Sau đó, Ngài đi vào thành Vương Xá khất thực theo từng nhà (như vậy Đức Bồtát vào thành Vương Xá nhằm ngày thứ 9 sau khi xuất gia).

Theo Bộ Sớ giải Kinh Tiểu Tụng (Suttanipāta atthakathā) thì: Sau khi nguyện thọ trì 8 giới thanh tịnh đến trọn đời, Bồtát đi từ bờ sông Anomā đến thành Vương Xá dài 30 dotuần mất 7 ngày.

Vào ngày thứ 8 Ngài đi khất thực trong thành Vương Xá.

Khi đứng trước cổng phía Đông thành Vương Xá, một ý nghĩ khởi lên trong tâm Bồtát:

“Nếu ta cho người nhắn tin đến vua BìnhSa biết “Thái tử SĩĐạtTa”  đã xuất gia, đang đi khất thực trong thành Vương Xá, Đức vua sẽ gửi vật thực thượng vị đến cúng dường. Là vị Samôn trong sạch không nên làm như thế, Ta hãy đi khất thực theo từng nhà”([2]). Như Kinh văn:

Agamā rājagahaṃ buddho, magadhānaṃ giribbajaṃ.

Piṇḍāya abhihāresi, ākiṇṇa varalakkhaṇo.

“Phật đến thành Vương Xá; trong xứ MaKiệtĐà,

nơi có núi vây quanh([3]), Ngài khất thực nuôi mạng.

Mang theo sự thanh tịnh, cùng tướng tốt rực sáng” (sđd).

Có câu hỏi rằng: “Vì sao Bồtát có ý nghĩ này?”.

Đáp: Vì thân phụ của hai vị Tử hoàng là bạn với nhau, ngay cả hai vị Tử hoàng cũng là bạn thân, tuy cả hai chưa biết mặt, chỉ giao tình qua tặng vật cùng thư từ. Vua BìnhSa kém hơn Bồtát 5 tuổi.

Bồtát đấp lại chiếc y Paṅsukūla do Phạm thiên Ghatikāra dâng cúng, Ngài mang bát đi vào cỗng thành, theo từng nhà để khất thực.

Bảy ngày trước, dân thành Vương Xá có tổ chức lễ hội để vui chơi, đến ngày thứ tám vua BìnhSa cho đánh trống báo hiệu “lễ hội chấm dứt”, đó cũng là lúc Bồtát đi vào thành để khất thực.

Khi ấy dân chúng vẫn còn tụ tập ở quảng trường, nơi diễn ra lễ hội trước hoàng cung. Đức vua BìnhSa mở cánh cửa có chạm trổ hình sư tử ở lầu cao bước ra để ban huấn thị đến dân chúng, Ngài đưa mắt nhìn chung quanh, chợt trông thấy vị Samôn đang khất thực theo từng nhà, các quyền (indriya) của vị Samôn rất trong sáng và thanh tịnh.

Khi thấy vị Samôn xinh đẹp đang lần bước khất thực, Đức vua kinh ngạc tựa như nhìn thấy voi chúa Nālāgiri đi vào thành phố, hoặc kinh ngạc khi thấy chúa Atula Vepacitti tiến vào thành phố chư thiên ở cõi “Ba mươi Ba” làm náo động chư thiên trong kinh thành Sudassana (Thiện Kiến).

Bồtát với phong cách uy nghi như voi chúa Chaddanta đi dạo trong rừng, Ngài lần bước theo từng nhà, mắt Ngài nhìn thẳng phía trước với khoảng cách độ một tầm lưỡi cày (= 2m).

Thị dân trong thành Vương Xá nhìn thấy vẽ đẹp tuyệt thế cùng phong cách nghiêm trang của Bồtát, họ chỉ biết lặng người để chiêm ngưỡng với tâm ngập tràn niềm hoan hỷ.

Rồi một người trong họ đã nói: “Đây là “mặt trăng” xuất hiện cõi nhân loại, khi chạy trốn hiểm họa của vua Atula Rāhu”.

Một người khác chế giễu rằng: “Này bạn, bạn có thấy mặt trăng từng đến cõi người chưa? Đó không phải là mặt trăng, vị ấy chính là thần Kāma (Kāmadeva), hoan hỷ với Đại vương cùng lễ hội của chúng ta, nên mang ngọn lửa hoan lạc đến để “thắp sáng” lễ hội này”.

Một người khác lại chế giễu rằng: “Này bạn, bạn có tỉnh táo không? Thần Kāma có thân hình đen đủi do bị thiêu đốt bởi ngọn lửa thịnh nộ của thần Siva([4]), đâu có thân hình xinh đẹp như thế này. Vị ấy chính là vua trời ĐếThích có ngàn mắt, hoan hỷ với lễ hội của chúng ta, vị ấy ngỡ là thành phố chư thiên Amarapura (Bất tử thành)([5]) đang vui lễ hội, nên đến đây tham dự lễ hội với chúng ta.

Một người khác lại phản đối rằng bằng nụ cười chế nhạo: “Này bạn, bạn nói gì thế? Bạn cho là thần ĐếThích có ngàn mắt, vậy “ngàn mắt” của vị ấy đâu? Lại nữa, vũ khí là “chày sấm sét” của vị ấy đâu? Con voi Erāvaṇa của vị cưỡi ở đâu? Không thể nghi ngờ gì nữa, đây là Phạm thiên vị “Sáng tạo chủ” thế gian, vì biết rõ tính lười nhác của các Bàlamôn, nên hiện xuống để khuyến khích các Bàlamôn siêng năng học kinh Veda và Vedanta (kệ tán tụng để hành lễ Tế đàn của Bàlamôn giáo – Ns)”.

Và mọi người bàn cải bảo lưu ý kiến của mình một cách sôi nổi, một người có trí trong nhóm đã nói rằng:

“Đây không phải là mặt trăng, không phải là thần Kāma, không phải là thần ĐếThích)cũng không phải là Đấng Phạm Thiên.

Vị ấy là một Samôn, là một con người cao quý nhất trong nhân loại (acchariya manussa)”.

Trong khi dân thành Vương Xá đang bàn cải hăng say về lai lịch “vị Samôn kỳ diệu” xuất hiện trong kinh thành khi lễ hội vừa chấm dứt.

Quan giữ thành Vương Xá, đã kịp thời báo lên Đức vua BìnhSa rằng:

– Thua Đại vương, hiện đang xuất hiện một vị Samôn, chúng dân đang bàn luận xôn xao  về con người này.

Thưa Đại vương, vị ấy có thể là “một chư thiên”, “một Hương thần (gandhabba)([6])”, “một Long vương” hay “một Dạxoa (yakkha)” hóa thân, đang đi khất thực trong thành Vương Xá này.

Vua BìnhSa đứng trên lầu cao nhìn thấy bậc Đại nhân đang từng nhà khất thực, tâm Ngài rộn lên niềm phỉ lạc và đầy ngạc nhiên.

Khi nghe quan giữ thành trình tấu như vậy, Đức vua dạy quan giữ thành rằng:

– “Hãy cho người theo dõi vị Samôn ấy, vị ấy không phải là Dạxoa vì Dạxoa không có bóng.

Nếu là Hương thần thì khi ra khỏi cỗng thành vị ấy sẽ biến mất, nếu là ĐếThích thì sẽ bay lên hư không, nếu là long vương thì sẽ chui xuống đất.

Nếu là người, vị ấy sẽ tìm nơi thích hợp để thọ dụng vật thực tìm được”.

Khi tìm được vật thực dùng để nuôi mạng vừa đủ, Ngài quay gót trở ra cỗng thành phía Đông, tìm nơi thích hợp để ngồi thọ thực.

Ngài đi đến núi Paṇḍava gần thành Vương Xá([7]), ngồi trên tảng đá, mặt hướng về phía Đông dưới bóng mát của núi Paṇḍava.

Sở dĩ Ngài ngồi quay mặt về hướng Đông, vì triền phía Đông núi Paṇḍava là nơi cư trú của nhiều vị ẩn sĩ.

Bồtát quán tưởng vật thực vừa tìm được, chúng trộn lẫn vào nhau, chỉ nhìn thấy chúng Ngài đã muốn nôn mữa.

Từ nhỏ đến lớn, Ngài được nuôi dưỡng tế nhị, dùng những loại vật thực thượng vị, nay nhìn loại vật thực trộn lẫn vào nhau, Ngài phát sinh kinh tởm loại vật thực vừa tìm được.

Khi loại vật thực này được đưa vào miệng, mùi và vị vật thực khiến Ngài muối ói trở ra.

Ngài dạy tâm rằng: “Này SĩĐạtTa, có phải vì kinh sợ già, bịnh, chết nên khi thấy vị Samôn, ngươi quyết định từ giả vương quyền, xuất gia thành vị Samôn, mặc y cũ rách, sống bằng loại vật thực do ngươi đi khất thực tìm được, để tầm cầu “pháp giải thoát” sinh tử.

Ước nguyện thành tựu bậc xuất gia, ngươi đã đạt được rồi, chẳng lẽ ngươi lại muốn quay về với đời sống thế tục sao?

Chặng đường phía trước của ngươi còn nhiều gam go, vật thực thô xấu này chỉ là chướng ngại nhỏ nhoi mà ngươi đã thối chí sao?

Như vậy làm sao ngươi có thể chứng ngộ quả Vô thượng Chánh giác?

Làm sao ngươi có thể trở thành bậc “mang hạnh phúc đến cho nhân thiên?”.

Sau khi dạy tâm như thế rồi, Ngài kham nhẫn thọ dụng loại vật thực thô xấu ấy với một nỗ lực dũng mãnh, áp chế cơn buồn nôn đang dâng trào, dần dần Ngài quen thuộc với loại vật thực ấy và thản nhiên dùng vật thực không chút khó nhọc.

2- Gặp vua BìnhSa lần đầu.

Nhóm trinh sát của vua BìnhSa thấy Bồtát ngồi dưới chân núi Paṇḍava thọ thực, một người trở về báo cho vua BìnhSa biết, những người khác tiếp tục theo dõi bước du hành của Đấng đại sĩ.

– Thưa Đại vương, vị Samôn khất thực đang ngồi thọ thực an lạc dưới rặng núi Paṇḍava, ở một lối vào hang động.

Vị ấy xoay mặt về hướng Đông rặng núi, điềm tỉnh như sư tử chúa trong hang bước ra, hay như hổ vương hoặc như “bò chúa”([8]) dũng mãnh.

Nghe báo vị Samôn ban sáng là người, không phải là chư thiên, Dạxoa hay Long vương chi cả; vua BìnhSa vị chúa tể anh minh của xứ Magadha MaKiệtĐà (Magadha) thịnh vượng, cùng đoàn tùy tùng đi đến nơi Bồtát trú ngụ với cổ xe tứ mã dành cho Đức vua.

Khi xe không thể đi được nữa, vua BìnhSa xuống xe đi bộ đến nơi Bồtát đang ngồi thọ thực.

Đến nơi Đức vua ngồi trên tảng đá mát lạnh, tâm dức vua tràn đầy hoan hỷ khi thấy dung mạo Samôn của bậc Đại sĩ, Đức vua hoan hỷ nói rằng:

– Này hiền hữu, hiền hữu còn trẻ tuổi, dung sắc lại xinh đẹp, thân hình khỏe mạnh oai dũng, phong cách của Tôn giả thật tao nhã.

Ta nghĩ rằng “hiền hữu thuộc giai cấp Sátđếlỵ cao quý”, ta muốn trao tặng vương quyền đến cho hiền hữu, hiền hữu sẽ là vị lãnh tụ xứ MaKiệtĐà hoặc xứ Aṅga tùy thích. Nhưng hiền hữu hãy cho ta biết về gia thế của hiền hữu.

Bồtát suy nghĩ: “Nếu ta muốn làm vua, chúa chư thiên như Tứ Đại vương hay vua trời ĐếThích sẽ mang an lạc đến cho ta.

Nếu ta tiếp tục sống trong hoàng cung, ta sẽ trờ thành vua Chuyển Luân rồi. Vì không biết những điều này, nên vua BìnhSa yêu cầu ta làm vua, ta sẽ cho vua BìnhSa biết gia thế cùng ước vọng của ta”.

Ngài duỗi cánh tay phải chỉ về hướng mà từ đó Ngài đến kinh thành Vương Xá, nói lên kệ ngôn rằng:

Ujuṃ janapado rāja, himavantassa passato.

Dhanavīriyena sampanno, kosalesu niketino.

“Thưa Đại vương, có quốc độ chánh trực, ở núi Tuyết sơn,

Có đầy đủ tài sản cùng dũng mãnh, thuộc xứ Kosala”([9]).

Ādiccā nāma gottena, sākiyā nāma jātiyā.

Tamhā kulā pabbajitomhi, na kāme abhipatthayaṃ.

Tôi sinh ra từ giòng dõi “Thái dương”, tên gọi là ThíchCa..

Lìa bỏ gia tộc ấy tôi xuất gia, không ước ao dục lạc”.

Kāmesvādīnavaṃ disvā, nekkhamma daṭṭhu khemato.

Padhānāya gamissāmi, ettha me rañjati mano’ti.

Đã thấy nguy hại các dục lạc, buông bỏ chúng là an ổn.

Với nỗ lực tôi ra đi, cùng ý vui thích”([10]).

Khi nghe như vậy, vua BìnhSa nghĩ: “Ồ! Đây là người bạn thân của ta, ý chí của vị này thật dũng mãnh”. Vua BìnhSa nói với Bồtát rằng:

-Thưa Hiền hữu, tôi được nghe vua Tịnh Phạn có người con là Thái tử SĩĐạtTa, người ấy là bạn của tôi, nay tôi mới được tận mặt.

Rồi vua BìnhSa cố gắng thỉnh cầu Bồtát ở lại để cùng Đức vua cai trị quốc độ hùng mạnh MaKiệtĐà.

Bồtát kiên quyết từ chối rằng;

– Thưa Đại vương, tôi không ước ao vương vị, cho dù đó là ngôi vua Chuyển luân . Tôi xuất gia để tầm cầu pháp giải thoát khỏi “già, bịnh, chết”, tôi chỉ mong chứng đạt quả Vô thượng chánh giác”.

– Ý chí của Hiền hữu thật kiên định và dũng mãnh, chắc chắn ước nguyện của Ngài sẽ thành hiện thực. Tôi thỉnh cầu Ngài, khi Ngài giác ngộ hãy trở lại kinh thành Vương Xá này để tế độ tôi.

Bồtát im lặng nhận lời, sau khi nói lời từ giả Bồtát, Đức vua BìnhSa lên xe trở về Hoàng cung.

Quốc độ MaKiệtĐà (Magadha).

Đây là một địa bàn rất quan trọng của  Phật giáo, sự hưng thịnh hay suy yếu của Phật giáo gắn liền vào sự hưng thịnh hay suy vong của các vị vua xứ Magadha.

Trong thời Đức Phật có 16 quốc độ là:

1’- Aṅga có kinh đô là Campā, ở phía Đông MaKiệtĐà.

2’- Magadha (MaKiệtĐà) có kinh đô là Vương Xá, kinh đô Vương Xá còn có tên là Giribbaja (Núi vây quanh).

3’- Kāsī, kinh đô là BaLaNại (Bārāṇasī).

4’- Kosala (KiềuTấtLa), kinh đô là Sāvatthī (XáVệ).

5’- Vajjī (BạtKỳ), kinh đô là Vesāli (Quảng Nghiêm), Vajjī là nước Công hòa gồm 8 bộ tộc trong đó có hai bộ tộc chánh là Licchavī và Videhā.

Dần dần bộ tộc Licchavī lớn mạnh, khi nói đến Vajjī người ta thường đề cập đến Licchavī.

Vesāli nằm trong xứ Licchavī, kinh đô của xứ Videhā là Mitthilā.

6’- Mallā, vương quốc Mallā  được tách ra làm hai nên có hai kinh đô là Pāvā và Kusinārā.

Người ở Pāvā được gọi là Pāveyyaka; người ở Kusinārā được gọi là Kosināraka.

Vì thế, khi Đức Phật viên tịch vua xứ Pāvā đến Kusinārā để chia phần Xálợi.

7’- Cetī còn gọi là Cetiya, có kinh đô là Sotthivati.

8’- Vaṅgā (còn gọi là Vaṃsā hay Vacchā), nằm về phía Nam của

Kosala

, kinh đô là Kosambī (KiêuThưởngDi) nằm trên bờ sông Yamunā.

Phía Nam Vaṃsā là vương quốc Avantī.

9’- Kuru có kinh đô là Nidapatta.

1o’- Pañcālā ở phía Đông xứ Kuru, có hai kinh đô là Dakkhinā Pañcālā (Nam Pañcālā) và Uttarā Pañcālā (Bắc Pañcālā) được ngăn cách bởi dòng sông Bhāgīrathi.

11’- Macchā ở phía Nam xứ Kuru, kinh đô là Virāṭanagara.

12’- Surasenā ở hướng Tây nam  xứ Macchā, kinh đô là Mathurā.

13’- Assakā ở dọc bờ sông Godhāvarī, nằm giữa xứ Avantī và Surasenā. Có kinh đô là Potana.

14’- Avantī có kinh đô là Ujjenī.

15’- Gandhārā kinh đô là Takkasilā (Đá lý luận).

16’- Kambojā([11]).

MaKiệtĐà là một trong bốn đại quốc hùng mạnh nhất trong thời ấy, ba vương quốc kia là: Kosala, Vạṃsa và Avanti.

Ngài Buddhaghosa cho rằng: “Chữ Magadha có nhiều cách giải thích, mang tính huyền thoại (bahudhā papañcanti) như:

*Khi vua Cetiya sắp bị đất rút, đã bị những người đứng chung quanh khiển trách: “Mā gadhaṃ pavisa” (đừng xiết chặc).

*Lại có câu chuyện: Có nhóm đào đất nhìn thấy vua Cetiya bị đất rút và vua Cetiya đã nói với họ: “Mā gadhaṃ karotha” (đừng gây trói buộc).

Cách giải thích được Ngài Buddhaghosa chấp nhận là: “Nơi cư trú của “những chủ ruộng” Madagha (Madaghakhettiyā).

Madagha là “sinh quán” của một bộ tộc Sátđếlỵ nên được gọi là Magadha([12]).

Magadha là đọc tắt của Magadhakhetta, đồng ruộng ở Magadha rất rộng, lại là “ruộng bậc thang”.

Từ hang Indasāla trong thành Vương Xá có thể nhìn thấy những cánh đồng này([13]).

Thấy những cánh đồng xứ MaKiệtĐà, Đức Phật dạy Đức Ānanda theo hình ảnh này, may chiếc y của chư Tỳkhưu và Đức Ānanda đã may chiếc y có những thửa ruộng đúng theo ý của Đức Thế Tôn([14]).

Trong Bổn sanh Suvaṇṇakakkata Jātaka có nói đến một cánh đồng rộng một ngàn karīsa(tương đương 800 mẫu) trong làng Bàlamôn Sālindiya nằm về phía Đông của thành Vương Xá

Trong thời Đức Phật xứ Aṅga bị vua BìnhSa (Bimbisāra) thôn tính, nên vua BìnhSa cai trị cả 2 vương quốc MaKiệtĐà và Aṅga.

Quốc độ MaKiệtĐà (bao gồm cả Aṅga) có 8o làng, có chu vi khoảng 300 dotuần, có kinh đô là Vương Xá([15]).

Trong thời Đức Phật, vương quốc MaKiệtĐà Đông giáp sông Campā, Nam giáp dãy núi Vindhyā, Tây giáp sông Soṇa, và Bắc giáp sông Hằng.

Bên kia sông Hằng là xứ của dân tộc Licchavī; hai bên cùng chia nhau quyền lợi của đại giang này.

Sông Campā chảy giữa 2 xứ Aṅga và MaKiệtĐà, được xem là ranh giới thiên nhiên giữa hai quốc độ([16]).

Đến đời vua AXàThế (Ajātasattu), xứ MaKiệtĐà được mở rộng, xứ Kosala (KiềuTấtLa) sáp nhập vào MaKiệtĐà, xứ Vajjī (BạtKỳ)  bị vua AXàThế thôn tính. Kinh thành Vương Xá không còn là kinh đô xứ MaKiệtĐà, kinh đô xứ MaKiệtĐà được dời về thành Pātaliputta (HoaThịThành), về sau HoaThịThành là kinh đô của Ấn Độ trong thời vua ADục.

Dân xứ Aṅga và MaKiệtĐà có tục lệ tổ chức lễ tế đàn Đại Phạm thiên hằng năm rất trọng thể; trong lễ tế này họ nhóm ngọn lửa rực ngời bằng sáu mươi xe cũi đốt, họ tin tưởng rằng những gì cúng dường cho lửa (liệng vô lửa) sẽ đem lại lợi lạc gấp ngàn lần([17]).

Trong vương quốc MaKiệtĐà, có một làng ở vùng biên địa, phần lớn dân làng là “những người ngu”.

Vì làm việc trong rừng, họ bị muỗi rừng đốt khiến công việc của họ bị trở ngại. Một hôm họ hội nhau lại bàn bạc cách “diệt muỗi rừng”, nói rằng:

– Chúng ta hãy mang theo cung tên cùng các vũ khí, đến rừng gây chiến với các con muỗi, bắn giết chúng.

Và họ đã làm theo cách đó, nhưng chính họ đã làm đau khổ lẫn nhau, trở về làng họ nằm xuống ở cổng làng, trong làng và cuối làng([18])

MaKiệtĐà được xác định là miền Nam Behar hiện nay.

Kinh thành Vương Xá (Rājagaha).

Là kinh đô của vương quốc MaKiệtĐà, có 2 thành phố riêng biệt.

Thành phố cổ do Đại thần Mahāgovinda xây dựng([19]) trên núi Paṇḍava, có tên là Giribbaja (Núi vây quanh).

Thành phố mới do vua BìnhSa kiến tạo ở dưới chân núiPaṇḍava mang tên Rājagaha (Vương Xá).

Được gọi là Giribbaja vì kinh thành này được bao bọc bởi năm ngọn núi: Paṇḍava, Gijjhakūṭa (Linh thứu), Vebhāsa, Isigili (nuốt Đạo sĩ) và Vepulla.

Bên sườn núi Isigiri có “tảng đá đen” (kāḷasilā) rất lớn, đó là nơi vắng vẻ, các Tỳkhưu phương xa muốn chứng kiến năng lực thần thông của Ngài Dabba Mallaputta, thường đến thành Vương Xá vào ban đêm, yêu cầu Ngài Dabba bố trí chỗ ngụ ở “Tảng đá đen” (Kāḷasilā).

Ngài Dabba Mallaputta nhập vào “đề mục lửa”, ngón tay trỏ của Ngài Dabba chiếu sáng như ngọn đuốc và Ngài soi đường cho chư Tỳkhưu đến “Tảng đá đen”.

Chính tại “Tảng đá đen” này, Ngài MụcKiềnLiên (Maggallāna) đã bị bọn côn đồ đánh chết tan xác, nơi đây cũng là nơi mà Ngài Godhia, Vakkali tự vẫn([20]).

Cũng chính tại “Tảng đá đen” này Đức Phật gợi ý cho Đức Ānanda thỉnh Đức Thế Tôn duy trì mạng sống cho đến hết tuổi thọ, nhưng Đức Ānanda bị “phiền não ma” ngăn chận, không hiểu ý của Đức Thế Tôn, nên đã bỏ qua cơ hội này([21]).

Có lần Đức Thế Tôn cùng đại chúng Tỳkhưu năm trăm vị ngự trú nơi “Tảng đá đen”, Đức MụcKiềnLiên với tâm mình biết được tâm của chư Tỳkhưu đã giải thoát mọi ô nhiễm.

Đức MụcKiềnLiên trình lên Đức Thế Tôn về sự “hiểu biết” của mình, Đức Thế Tôn im lặng chấp nhận.

Nhân đó Tôn giả Vaṅgisa đã nói lên kệ tán thán Đức MụcKiềnLiên([22])

Ngoài 5 ngọn núi trên, thành Vương Xá còn có thên núi Indakūṭa([23]),

Hai tên  Rājagaha và Giribbaja được dùng lẫn lộn, Giribbaja thường được dùng trong văn thơ, còn Rājagaha dùng chỉ cho “nơi cư ngụ” của vua Mandhātu và Đại thần Mahāgovinda.

Như vậy, Giribbaja xem như một cổ thành lâu đời.

Trong Bổn sanh Vidhurapaṇḍita (Hiền trí Vidhura), thành Vương Xá được xem là kinh đô của xứ Aṅga, đó là lúc xứ Aṅga bị sát nhập vào MaKiệtĐà.

Thành Vương Xá còn được gọi là Bimbisārapura hay Magadhapura([24]).

Trong sử thi Ramāyana, gọi Rājagaha là Vasumati([25]). Trong sử thi Mahābharata gọi là Bārhadrapura([26]).

Theo Ngài Huyền Trang, kinh đô cũ của vua BìnhSa là Kusāgrapura, kinh thành này thường bị hỏa tai, nên vua BìnhSa cho kiến tạo một kinh thành mới trên một nghĩa địa.

Kinh thành mới này được xây dựng gấp rút vì sự xâm lấn của vua xứ Vajjī (BạtKỳ) ở kinh thành Vesāli (Quảng Nghiêm).

Sở dĩ gọi là Vương Xá vì vua BìnhSa đến ngụ đầu tiên([27]).

Nhưngcó điều sai lầm là: “Cả Ngài Pháp Hiển lẫn Ngài Huyền Trang cho rằng thành Vương Xá do vua AXàThế xây dựng([28])”.

Có lẽ các Ngài nhầm lẫn với kinh thành HoaThịThành (Pāṭaliputta). chăng? Kinh thành này có tên gọi là Pāṭaliputta, vì khi khởi công xây dựng thì cây Pāṭali nở hoa.

Ô. Pargiter nói rằng: “Thành cổ được gọi là Kusāgrapura theo vương hiệu của Kusāgra, một vị vua thời cổ xưa của xứ MaKiệtĐà”([29]).

Thành Vương Xá là nơi Đức Thế Tôn an cư mùa mưa 6 lần (Đức Thế Tôn an cư mùa mưa tại Trúc Lâm tịnh xá vào hạ thứ 2, 3, 4, 17, 18 và 19).

Bản Sớ giải kinh Trường bộ nói rằng: “Thành Vương Xá chỉ phồn thịnh trong thời Chánh Đẳng giác hay thời vua Chuyển luân, về sau thành Vương Xá trở thành hoang vu, là trú xứ của Dạxoa.

Các Dạxoa thường tụ hội đến nơi này để giải trí vào mùa xuân”.

Phía Bắc thành Vương Xá là núi Dakkhinagiri (Nam Sơn)([30]), nằm trong lãnh thổ MaKiệtĐà.

Vùng ngoại ô của thành Vương Xá có các làng:

*Ambasaṇḍā. Làng có tên gọi như vậy vì nằm gần nhiều vườn xoài([31]), đó là một làng Bàlamôn.

Làng nằm về hướng Đông thành Vương Xá, phía Bắc làng Ambasaṇḍā là núi Vediyaka, trong núi Vediyaka có hang động Indasālā (Indasālāguhā).

Chính tại hang động này Thiên vương ĐếThích đến yết kiến Đức Thế Tôn “hỏi pháp” và Đức Phật thuyết lên kinh  Sakkapañhā (ĐếThích vấn), tế độ thiên vương ĐếThích chứng quả Dự lưu, vừa khi ấy Thiên vương ĐếThích mệnh chung, tái sinh trở lại ngay lập tức, cũng là vị Thiên vương ĐếThích như trước([32]). Điều này chỉ có vua Trời ĐếThích và Đức Thế Tôn nhận biết.

Khi thiên vương ĐếThích cùng thiên chúng tùy tùng đến hang Indasālā “hỏi pháp”, cư dân trong làng Ambasaṇḍā hưởng nhiều lợi ích.

*Sālindiya([33]). Làng Bàlamôn Kosiyagotta, nằm phía Đông Bắc thành Vương Xá. Cũng là trú quán của Bàlamôn Kosiyagotta.

Kosiya có nghĩa là “thuộc gia đình Kusika”. Chữ Kosiya nghĩa đen là “chim Cú”,  có thể đó là một trong những bộ tộc lấy tên chim muông làm họ bộ tộc.

Trong Tạng Luật, phẩm Pācittiya (Ưng đối trị), Kosiya được xem là “một họ tộc thấp kém”.

*Kolitagāma (làng Kolita). Sinh quán của Đức MụcKiềnLiên, kế cận Upatissagāma là sinh quán của Đức XáLợiPhất.

*Upatissagāma (làng Upatissa).Làng này còn có tên gọi là Nāla, Nāḷaka, Nālika; đó là một làng Bàlamôn nằm trong vương quốc MaKiệtĐà, cách thành Vương xá khoảng một dotuần.

Làng có tên là Upatissa vì do Bàlamôn Đại thần Upatissa thành lập. Upatissa là một họ Bàlamôn, các thôn trưởng trong làng thuộc họ Upatissa, cha của trưởng lão XálợiPhất có thể là một thôn trưởng (gāmasāmi), cũng được gọi là Vaṅganta upatissa.

Đây là nơi sinh quán của Đức XáLợiPhất cùng với những người thân của Ngài như bà Cālā, Upacālā, Sisūpacālā, Upasena , Revata …([34]) và Ngài Mahāgavaccha([35]).

Sau khi gia nhập Tăng Đoàn dường như Đức XáLợiPhất có tiếp tục sống ở làng này nhiều lần([36]).

Khi sắp viên tịch, Đức XáLợiPhất trở về làng Nāḷaka để tế độ thân mẫu là bà Sārī chứng quả DựLưu, rồi Đức XáLợiPhất viên tịch ngay trrong phòng Ngài sinh ra([37]).

Sách Mahāvastu (Đại sự) gọi tên làng là Nālanda.

*Andhakavinda. Cách thành Vương Xá khoảng 3 Gāvuta (12km).

*Sakkhara. Cách thành Vương Xá không xa lắm.

Làng Sakkhara cách KỳViên tịnh xá 45 dotuần.

Nơi đây, Đức Phật dạy Đức MụcKiềnLiên đến tế độ Bàlamôn “keo kiệt” Macchari Kosiya([38])

* Codanāvatthu. Làng này nằm trong thung lũng gần thành Vương Xá. Và làng Kītāgiri.

Kinh thành Vương Xá là một trong 6 thành phố quan trọng bậc nhất vào thời Đức Phật, năm thành phố kia là: Campā, Sāketa, Sāvatthī, Kosambī (KiêuThưởngDi) và Bārāṇasī (BaLaNại).

Kinh thành Vương Xá có nhiều con đường quan trọng đi ngang qua, điều này cũng dễ hiểu vì thành Vương Xá xem như một “trung tâm thương mại” vào thời đó. Các con đường đó là:

– Đường Rājagaha – Takkasilā dài 192 dotuần, chạy ngang qua thành XáVệ và đi ngang qua cổng KỳViên tịnh xá (Jetavanavihāra). Thành XáVệ cách thành Vương Xá 45 dotuần([39]).

– Đường Vương Xá – CaTỳLâVệ dài 60 dotuần([40]). Đức Phật du hành  trên con đường này trở về thăm lại kinh thành CaTỳLaVệ sau 7 năm xa cách. Mỗi ngài Ngài đi một dotuần, sau hai tháng Ngài mới đến CaTỳLaVệ.

– Đường Vương Xá đến sông Hằng dài 5 do tuần, bên kia sông Hằng là kinh thành Vesāli.

– Đường tử Vương Xá đến Nālandā dài một dotuần. Đức Phật thường đi kinh hành trên con đường này([41]).

– Một con đường vòng đai đi từ Patiṭṭhāna([42]) đến Vương Xá. Con đường này được 16 môn đệ của Bàlamôn Bāvarī dùng đến, khi tìm yết kiến Đức Thế Tôn.

Bấy giờ Đức Thế Tôn đang trú tại thành Vương Xá, nơi tự viện Pāsāṇaka (vì tự viện nằm trên khối đá lớn, nên được gọi như vậy). Ban đầu nơi đây là đền thờ chư thiên (Devaṭṭhāna), sau đó được cải tạo trở thành một tự viện của Phật Giáo.

Thiên chủ ĐếThích có kiến tạo một giảng đường lớn (maṇḍapa) ([43]) ở phía sau tự viện (piṭṭhipāsāne) cúng dường đến Đức Phật và chư tăng([44]).

Từ Patiṭṭhāna 16 môn đệ của Bàlamôn Bāvarī đi qua Māhissati, Ujjenī, Gonaddha, Vedisā, Vanasayhaya, Kosambī, Sāketa, Sāvatthī, Setavyā, Kapilavatthu, Kusinārā, Pāvā, Bhoga, Vesāli rồi đến MaKiệtĐà ([45]).

Trúc Lâm tịnh xá (Veḷuvanavihāra) là tự viện đầu tiên trong Phật giáo, nằm gần thành Vương Xá.

Thành Vương Xá có 32 cổng chánh và 64 cửa nhỏ ([46]), thành rất kiên cố nhờ sự chăm sóc của Đại thần Vassakāra đồng thời cũng vì sự đe dọa của dân xứ BạtKỳ và rất an toàn vào ban đêm, các cổng thành được đóng kín “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.

Vào thời Đức Phật, thành Vương Xá có 180 triệu dân, 90 triệu trong nội thành và 90 triệu ở ngoại thành([47]).Điềukiện vệ sinh của dân thành không tốt, nên thường phát sinh bịnh dịch tả ([48]).

Vào lúc Đức Thế Tôn viên tịch, Phật giáo  có được 18 tự viện lớn trong thành Vương Xá.

Thành Vương Xá có lễ hội Giraggasamajjā, kéo dài 7 ngày, các nghệ – kịch gia nổi tiếng được mời về công diễn cho đại chúng xem ([49]).

Ngoại thành Vương Xá có sông nước nóng Tapodā là một lợi thế về “du lịch”, hồ Tapodā là nơi nghĩ mát lý tưởng.

Hồ Tapodā rất rộng nằm ngoài thành Vương Xá, dưới chân núi Vebhāra, nước trong hồ mát lạnh. Nước từ hồ Tapodā đổ ra tạo thành dòng sông nhỏ, khi chảy ngang qua thành Vương Xá, nước trở nên nóng, Đức MụcKiềnLiên giải thích “vì sôngTapodā chảy ngang qua địa ngục Đồng sôi (Lohakumbhiniraya) nằm sâu trong lòng đất dưới thành Vương Xá ([50]).

Các ẩn sĩ, du sĩ và chư Tỳkhưu thường đến đây tắm “nước nóng”.

Ngoài sông Tapodā, một dòng sông khác cũng quan trọng không kém là sông Sappinī.

Sông này nằm giữa Andhakavinda và Vương Xá, chảy đến tận núi Gijjhakūṭa (Linh Thứu).

Trên bờ sông Sappinī là những vườn cây, nơi trú ngụ của nhiều du sĩ nỗi tiếng thời Đức Phật. Sông Sappinī nay là sông Pañcana.

Trong thành Vương Xá có “Lưu trú xá” dành cho khách lở đường trú ngụ qua đêm.

Đức Thế Tôn viếng thăm thành Vương Xá lần cuối cùng trước khi Ngài Nípbàn vào lúc Ngài 79 tuổi.

Khi ấy Ngài ngự trên đỉnh núi Linh Thứu, bấy giờ Đại thần Vassakāra được vua AXàThế phái đến, hỏi Đức Thế Tôn “việc vua AXàThế đánh dân xứ BạtKỳ có thành công không?”.

Đức Thế Tôn hỏi Đức Ānanda về “7 pháp bất thối” của dân xứ BạtKỳ còn được duy trì không? Đức Ānanda bạch đáp Đức Thế Tôn rằng:

– Bạch Đức Thế Tôn, dân xứ BạtKỳ vẫn còn duy trì 7 pháp bất thối.

Nghe vậy, Đại thần Vassakāra và vua AXàThế từ bỏ ý định tấn công xứ BạtKỳ bằng quân sự ([51]).

Về sau dân xứ BạtKỳ rơi vào kế ly gián của Vassakāra nên vua AXàThế thôn tính xứ BạtKỳ dễ dàng.

Thành Vương Xá được Đức Mahā Kassapa (CaDiếp) chọn là nơi “Kết tập Phật ngôn lần I”, tại hang Sattapaṇṇi, có 500 vị Thánh Tăng ALaHán tham dự, do vua AXàThế bảo trợ.

Trong thành Vương Xá được vua AXàThế lập một tháp thờ để trôn trí phần Xálợi Phật được chia cho Vương quốc MaKiệtĐà.

Tất cả Xálợi Phật (ngoại trừ Xálợi Phật được tôn thờ trong tháp ở Rāmagāma) được chư thiên thỉnh về tôn trí trong một cung điện dưới lòng đất do vua AXàThế kiến tạo.

Đến đời vua ADục, được sự trợ giúp của chư Tăng và Ngài Moggalliputta Tissa, vua ADục cung thỉnh Xálợi Phật từ tháp lớn  này, tôn thờ vào những bảo tháp do vua ADục xây dựng.

Khi vua AXàThế thôn tính được xứ BạtKỳ (khoảng 3 năm sau khi Đức Phật viên tịch), vua AXàThế di đô về HoaThịThành, thành Vương Xá dần dần đi xuống cả hai phương diện “uy quyền và kinh tế”.

Tuy nhiên, thành Vương Xá vẫn là “trung tâm quan trọng” của Phật giáo. Trong lễ đặt viên đá đầu tiên để xây dựng Đại Bảo tháp (Mahā Thūpa) ở Tích lan vào thời vua Duṭṭhagāmani, có đến 80 ngàn vị Tỳkhưu từ Vương Xá đến Tích Lan tham dự lễ, vị trưởng đoàn là Đại trưởng lão Indagutta.

Xứ Aṅga.

Là một trong 16 quốc độ thời Đức Phật, xứ Aṅga nằm về phía Đông quốc độ MaKiệtĐà, cách MaKiềtĐà bởi sông Campā, thủ phủ là Campā gần thị trấn Bhagalpur hiện nay ([52]).

Hai thành phố của xứ Aṅga được nhắc đến trong kinh điển Phật giáo là Bhaddiya ([53]) và Assapura ([54])(Xóm ngựa).

Quốc độ thường được gọi theo tên của dân tộc là Aṅgā, nhưng thỉnh thoảng cũng được gọi là Aṅgaraṭṭha.

Vào thời Phật, xứ này tùng phục MaKiệtĐà, Vua BìnhSa của vương quốc MaKiệtĐà  rất được dân Aṅga mến mộ, nên hai dân tộc sống rất hòa thuận.

Quốc độ Aṅga hình như không lần nào giành được độc lập, dầu truyền thuyết có nói nhiều về những trận giặc giữa hai xứ .

Hai dân tộc Aṅga và maKiệtĐà thường được nêu chung, nên vào thời của Phật họ được xem như một dân tộc.

Có lần họ dâng đến đạo sĩ  Uruvela Kassapa rất nhiều lễ vật để ông làm lễ tế Đại Phạm thiên ([55])

Một lần khác Thiên chủ ĐếThích thị hiện cùng đi với họ đến viếng Phật; Phật khuyên họ không nên tốn công tốn của cho các tế lễ vô ích đó([56]). Có nhiều kinh được thuyết tại Aṅga như Soṇadaṇḍa Sutta và hai kinh Mahā Assapura (Xóm ngựa đại kinh), Cūḷa Assapura (Xóm ngựa tiểu kinh)([57]).

*Thành phố Assapura. Nằm về phía Nam kinh đô Sotthivatī của vương quốc Cetī.

Tương truyền rằng: Con vua Mandhātu là Varamandhāta, con vua Varamandātu là Cāra, con vua Cāra là Upacara (còn gọi là Apacara).

Vua Upacara trị vì xứ Cetī (hay Cetiya), kinh đô là Sotthivati, vua Upacara có bốn pháp thần thông do phước nghiệp sinh là:

– Đi trên hư không.

– Có bốn vị chư thiên hộ trì ở bốn phương với bốn thanh gươm tuốt trần.

– Toàn thân tỏa mùi hương chiên đàn.

– Miệng tỏa hương thơm như hoa sen.

Vua Upacara nói dối với hiền trí Kapila nên bốn pháp thần thông tự nhiên biến mất, đồng thời bị đọa vào địa ngục ATỳ.

Vương tử thứ hai con vua Upacara nghe lời hiền trí Kapila ra đi về hướng Nam kinh đô Sotthi, khi vương tử này thấy “con ngựa trắng” thì dừng lại. Tại đấy, vương tử thành lập một thị trấn, đặt tên là Assapura([58]).

*Thị trấn Bhaddiya..

3- Hai vị đạo sư.

a- Đạo sư Ālāra Kālāma.

Khi Đức vua BìnhSa, vị lãnh tụ cao quý xứ MaKiệtĐà trở về thành Vương Xá rực sáng, một kinh thành được khai sáng bởi Bàlamôn danh tiếng Mahāgovinda([59]).

Bồtát uy mãnh như vua núi TuDi, như sư tử vương vua loài thú, như bậc minh triết rực sáng giữa các bậc minh triết, Ngài lên đường tìm “đạo giải thoát”. Có kệ Pāli như vầy:

Attha rājagahaṃ  vararājagahaṃ, nararājavare nagaraṃ tu gate.

Girirājavaro munirājavaro, migarājagato sugatopi gato ([60]).

“Thế rồi, vị vua rực sáng trở về kinh thành vinh quang Vương Xá,

được núi bao bọc. Vua ẩn sĩ vinh quang, chúa muôn loài ra đi, ra đi đến nơi tốt đẹp”([61]).

Bồtát lần theo hướng Đông triền núi Paṇḍava, đến nơi trú ngụ của ẩn sĩ Ālāra Kālāma, một bậc Đạo sư lỗi lạc có nhiều đồ chúng là những ẩn sĩ cao thượng và học hỏi giáo thuyết từ vị này.

Đức Phật có  có thuật lại cho chư Tỳkhưu biết việc này trong bài kinh Ariyapariyesana sutta (kinh Thánh Cầu)([62]).

Tương truyền trước khi đến với Đạo sư Ālāra Kālāma, Bồtát đến thọ giáo với Bhaggava([63]), nhưng trong kinh Thánh cầu không thấy Đức Phật nhắc đến điều này.

Có khả năng trước khi gặp Đạo sư Ālāra Kālāma, Bồtát có gặp Bhaggava và hỏi thăm “những Đạo sư danh tiếng”, Ngài được Bhaggava chỉ đến vị Đạo sư Ālāra Kālāma sau khi tán thán giáo thuyết của Đạo sư Ālāra.

Đạo sư Ālāra Kālāma.

Trong Bản Sớ giải kinh Trường bộ([64]), Ngài Buddhaghosa (Phật Âm) giải thích: “Ālara là tên, được gọi như vậy vì vị này cao và có màu da ngăm đen (dīgha piṅgala), còn Kālāma là tên bộ tộc”.

Ālāra Kālāma nghĩa là “Ālāra người bộ tộc Kālāma”.

Kālāma là một bộ tộc sống ở thị trấnKesaputta thuộc vương quốc KiềuTấtLa. Đức Phật có đến nơi này giảng cho người Kālāma “chớ có vội tin :

1’- Vì nghe truyền thuyết (anussavena).

2’- Vì theo truyền thống (paramparāya).

3’- Vì nghe người khác nói (itikirīya).

4’- Vì được kinh tạng truyền tụng (piṭakasampadānena).

5’- Vì do nhân lý luận siêu hình (takkahetu).

6’- Vì đúng theo lập trường (nayahetu).

7’- Vì đánh giá hời hợt các dữ kiện (ākāraparivitakkena).

8’- Vì hợp với định kiến (diṭṭhinijjhānakkhantiyā).

9’- Vì xuất phát từ nơi có uy quyền (bhayarūpatāya).

10’- Vì đó là bậc Đạo sư của mình.

Tiếp theo Đức Thế Tôn dạy người Kālāma: “Hãy nhận định rõ pháp này như thế nào? Nếu là pháp bất thiện, là pháp có tội, bị người trí chỉ trích, cho quả khổ, thì hãy từ bỏ chúng (chỉ cho tham, sân, si).

Nếu là pháp thiện, là pháp vô tội, được người trí tán than, cho quả an lạc, thì hãy thực hành pháp ấy (chỉ cho vô tham, vô sân, vô si)”([65]).

Kinh điển ít nhắc đến vị Đạo sư này, theo Milindapañhā (vua Milinda hỏi), Ngài Nāgasena cho rằng : “Đây là vị thầy thứ tư của Bồtát”.

Khi Bồtát thành tựu bậc Chánh giác, người đầu tiên Đức Phật nghĩ đến “để tế độ” là đạo sư Ālāra Kālāma, nhưng chư thiên đã báo cho Đức Phật biết “vị ấy đã từ trần được 7 ngày rồi”([66]).

Trong tập Phật sở hành tán (Buddhacarita) của Ngài Mã Minh (Asvaghosa), Ngài Mã Minh cho rằng “giáo thuyết của Đạo sư Ālāra Kālāma giống với giáo lý (nhưng rất ít) của trường phái Saṅkhya.

Nhưng trong các điểm chính ở giáo thuyết của Đạo sư Ālāra không thấy bóng dáng “hệ tư tưởng của Saṅkhya”, mặc dù “đề mục hơi thở” xem như của trường phái Saṅkhya khởi xướng đầu tiên.

Mục tiêu của Đạo sư Ālāra là đạt đến “Vô sở hữu xứ thiền” (Ākiñcaññāyatana).

Theo quan điểm của Đạo sư Ālāra Kālāma “khi tâm vô trụ xứ, đó là giải thoát”.

Trả lời những câu hỏi của Bồtát SĩĐạtTaq về sự tu tập và giải thoát, Đạo sư Ālāra Kālāma mô tả một hành trình như những gì mà vị Tỳkhưu trong Phật giáo sau này phải thực hành để đi đến sự chứng ngộ giải thoát.

Nói cách khác, Đức Phật áp dụng mô thức tu tập của Đạo sư Ālāra Kālāma để dạy cho các Tỳkhưu sau này.

Theo Đạo sư Ālāra, phải tuần tự chứng đắc Tứ thiền rồi đắc “Không vô biên xứ thiền”, “Thức vô biên xứ thiền”, “Vô sở hữu xứ thiền”, bấy giờ “tâm tự tại, không an trú nơi nào cả. Đó là giải thoát”.

Tuy áp dụng cách thức tu tập của Đạo sư Ālāra Kālāma, nhưng Đức Phật dạy các vị Tỳkhưu “khi chứng đắc Tứ thiền sẽ triển khai tuệ quán, thấy rõ ba tướng vô thường, khổ và vô ngã. Rồi hướng dẫn tâm chứng đắc Nípbàn”.

Đây là nét sai biệt giữa hai mô thức tu tập.

Đạo sư Ālara có nhiều môn đệ, nhưng chỉ có 2 người được kinh điển Phật giáo nhắc đến đó là: Pukkusa giòng họ Mallā và Bharaṇḍu Kālāma.

Ngài Pukkusa

Khi Đức Phật sắp viên tịch, Pukkusa trên đường đi từ Kusinārā đến Pāvā, thấy Đức Thế Tôn đang ngồi dưới cội cây, Pukkusa đi đến đảnh lễ Đức Thế Tôn.

Ngồi xuống một bên, rồi Pukkusa tán thán bậc Đạo sư của mình là Ālāra Kālāma  rằng: “Đạo sư Ālāra thiền tịnh, năm trăm cổ xe đi ngang qua mà không hề hay biết trong khi Ngài vẫn tỉnh thức”.

Đức Phật dạy: “Khi Ngài trú tại Ātumā, trong nhà đập lúa, bấy giờ có cơn mưa lớn, sét đánh chết hai người đàn ông và 4 con bò, nhưng Ngài không hay biết gì cả trong khi Ngài vẫn tỉnh thức.

Thán phục năng lực thiền định của Đức Thế Tôn, Pukkusa xin quy ngưỡng Đức Thế Tôn.

Pukkusa dâng đến Đức Thế Tôn cặp y vàng, Đức Thế Tôn bảo dâng cho Đức Ānanda một bộ, Ngài một bộ.

Sau đó Đức Thế Tôn thuyết pháp tế độ làm hoan hỷ tâm của Pukkusa, rồi Pukkusa đảnh lễ Đức thế Tôn ra đi.

Khi Đức Ānanda đấp chiếc y của Pukkusa lên thân Phật, Đức Ānanda ngạc nhiên khi thấy thân Phật sáng chói át cả màu y.

Đức Phật cho biết “thân Ngài có 2 lần sáng chói: Trước khi Ngài chứng quả Vô thượng Chánh giác và trước khi Ngài viên tịch”([67]).

Bharaṇḍu Kālāma.

Tương truyền khi theo học với Đạo sư Ālāra Kālāma, Bồtát ngụ chung am thất với Bharaṇḍu người Kālāma.

Xem như Bharaṇḍu Kālāma là người tu cùng thời với Bồtát, ông được gọi là “người thực hành phạm hạnh cổ sơ” (Purāṇa sabrahmacārī).

Có lần Đức Thế Tôn du hành đến CaTỳLaVệ, được Thích tử Mahānāma (Đại Danh) giới thiệu đến trú trong am thất của Bharaṇḍu một đêm.

Sáng hôm sau, Mahānāma đến, Đức Thế Tôn thuyết giảng 3 hạng đạo sư có mặt trong thế gian là:

*Có hạng đạo sư trình bày “hiểu biết trọn vẹn” (pariññā) các dục vọng, nhưng không trình bày sự “hiểu biết trọn vẹn về các sắc”, không trình bày “hiểu biết trọn vẹnvề các cảm thọ”.

*Có hạng đạo sư trình bày “hiểu biết trọn vẹn về các dục”, “hiểu biết trọn vẹn về các sắc”, nhưng không trình bày “hiểu biết trọn vẹn về các cảm thọ”.

*Có hạng đạo sư trình bày “hiểu biết trọn vẹn” cả ba.

Rồi Ngài hỏi Thích tử Mahānāma “trong ba hạng đạo sư này, được xem là một hay sai khác?”.

Đến đây Bharaṇḍu xen vào bảo Mahānāma nói tất cả là một,  nhưng Phật dạy Mahanāma “hãy nói là khác”.

Sự không đồng tình xảy ra ba lần liên tiếp, rồi Bharaṇḍu nghĩ mình bị nói ngược trước mặt họ Thích Mahànàma có thế lực lớn này đến lần thứ ba, nên đi khỏi thành CaTỳLaVệ, không bao giờ trở lại([68]).

Có câu hỏi rằng: “Vì sao Bồtát không tìm đến 6 vị tôn chủ đang nổi tiếng, như Pūraṇa Kassapa, Nigaṇṭha Nātāputta … Ngài lại tìm đến Đạo sư Ālāra Kālāma và Uddaka Rāmaputta?”.

Đáp rằng. Vì Bồtát nhận thấy “giáo thuyết” của những Tôn chủ ấy “không có cốt lõi”.

Mặt khác, tiền thân của Ngài đã từng bác bỏ những chủ thuyết sai lệch ấy, nên “kiến thức chân chánh trong quá khứ”, đã hướng dẫn tâm Bồtát không ưa thích “những chủ thuyết sai lệch”.

Đồng thời “khuynh hướng tu tập trong quá khứ, đã dẫn lộ cho Ngài tìm đến những bậc Đạo sư tu tập thiền tịnh”.

Khi tìm đến Đạo sư Ālāra Kālāma, Bồtát thưa rằng:

– Thưa Tôn giả Ālāra người bộ tộc Kālāma, tôi muốn sống đời phạm hạnh trong giáo thuyết của Tôn giả.

Đạo sư Ālāla hoan hỷ rằng:

– Hỡi hiền hữu cao quý, hãy đến đây tu tập đời sống Phạm hạnh trong giáo lý này.

Đường lối tu tập này sẽ giúp người có trí sớm thấu triệt giáo lý của bậc Đạo sư bằng trí tuệ. Hiền hữu hãy sống ẩn náu trong sự thành đạt ấy.

Được sự chấp thuận của Đạo sư Ālāra, chỉ vài ngày sau Bồtát thông hiểu tất cả giáo lý của Ālāra Kālāma.

Khi suy gẫm “con đường do Đạo sư Ālāra chỉ dẫn”, Bồtát suy nghĩ: “Đạo sư Ālāra  đã nói: Hãy thấu triệt giáo lý của Bậc Đạo sư bằng trí tuệ. Hãy sống ẩn náu trong sự thành đạt ấy”.

Xem ra, bậc Đạo sư Ālāra đã thành đạt tầng thiền “Vô sở hữu xứ” này rồi, vị ấy giảng dạy không phải do học thuộc lòng, không phải do đức tin mà là “tự thân đã thành đạt”.

Bồtát đi đến Đạo sư Ālāra Kālāma hỏi rằng:

– Thưa Tôn giả Ālāra người bộ tộc Kālāma, giáo lý mà Tôn giả giảng dạy, Tôn giả đã thành tựu đến mức độ nào?

– Này hiền hữu, tôi chứng đạt đến cảnh giới Vô sở hữu xứ và ẩn náu trong sự thành đạt ấy.

Tiếp theo Đạo sư trình bày 7 trạng thái của 7 thiền chứng mà vị ấy đạt được. Một tư tưởng sau đây phát sinh cho Bồtát:

“Đạo sư Ālāra Kālāma có niềm tin vững mạnh, có tinh tấn, có niệm, có trí. Ta cũng có niềm tin vững chắc, có tinh tấn, có niệm, có trí.

Vị ấy đã chứng ngộ giáo lý này và ẩn náu trong sự thành đạt ấy, vậy ta phải thành đạt giáo lý này”.

Bồtát nỗ lực tu tập, chỉ trong đôi ba ngày, Ngài thành đạt tầng thiền Vô sở hữu xứ.

Bồtát đi đến báo cho Đạo sư Ālāra Kālāma biết “mình đã thành đạt tầng thiền Vô sở hữu xứ”.

Sau khi thảo luận với Bồtát về các trạng thái thiền chứng, Đạo sư Ālāra Kālāma xác nhận Bồtát đã “ngang hàng với mình”.

Đạo sư Ālāra Kālāma là bậc cao quý, không chút ganh tỵ với người đệ tử, như có Pāli sau:

Issābhibhūta lokamhi; Ālāro yo anissukī.

Vaṇṇavādī sudhīrassa; aho uḷārahandata:

“Ganh tỵ bao trùm thế gian rộng lớn, Ālāra vị ấy không chút ganh tỵ.

Nói lên lời trong sạch như vàng ròng; ồ bậc cao quý hãy đến đây”.

Đạo sư Ālāra hoan hỷ rằng:

– Hỡi hiền hữu, người đã thành đạt như ta rồi. Chúng tôi tận mắt thấy một Samôn đồng đạo có trí tuệ nhạy bén, nhanh chóng thành đạt tận cùng giáo lý này, đó là một hạnh phúc cho chúng tôi.

Vị Đạo sư Ālāra là người cao quý, không có tâm ganh tỵ (issā) với người đệ tử, hoan hỷ mời Bồtát:

– Hỡi hiền hữu, giáo lý mà tôi đã thành đạt bằng trí tuệ và ẩn náu trong sự thành đạt ấy, hiền hữu cũng thành đạt giáo lý ấy bằng trí tuệ và ẩn náu trong sự thành đạt ấy.

Giáo lý tôi biết, hiền hữu cũng biết; giáo lý hiền hữu biết, tôi cũng biết; tôi thành đạt như thế nào, hiền hữu thành đạt như thế ấy; hiền hữu thành đạt như thế nào, tôi thành đạt như thế ấy.

Hãy đến đây, này hiền hữu, chúng ta cùng dẫn dắt các ẩn sĩ này.

Rồi Đạo sư Ālāra Kālāma cho tập hợp các môn đệ lại, nói rằng:

– Này các môn đệ, ta chứng đạt 7 thiền chứng. hiền hữu này cũng chứng đạt 7 thiền chứng như ta.

Này các môn đệ, hãy học hỏi nơi hiền hữu này như học hỏi nơi ta.

Đạo sư Ālāra chia đệ tử thành hai nhóm, bàn giao một nửa đệ tử cho Bồtát.

Khi những người hộ độ nam nữ cư sĩ đến, Đạo sư Ālāra Kālāma đã hướng dẫn họ đến đảnh lễ Bồtát: “Hãy đến đảnh lễ vị cao quý này”.

Và hướng dẫn  các nam nữ cận sự cúng dường hương hoa cùng tứ sự đến Bồtát ngang bằng với mình.

Khi phát sinh những sàng tọa đắc giá, họ cũng được khuyên bảo “hãy dâng cúng đến vị cao quý ấy”, Đạo sư Ālāra Kālāma nhận những vật còn lại sau với tâm hoan hỷ cao thượng.

Nhưng Bồtát không thỏa mãn với sự thành đạt này, dù rằng tâm đã đạt đến trạng thái cao của thiền định.

Ngài đi đến kết luận rằng “tầng thiền Vô sở hữu xứ này không thoát khỏi sự sinh, khi có sinh tất có già, bịnh và chết.

Tầng thiền này vẫn còn nằm trong luân hồi khổ (vaṭṭadukkha), trạng thái thiền tịnh này chưa thật sự chấm dứt các phiền não như tham, sân, si”.

Như một người đói, được dùng loại vật thực thượng vị; khi no rồi người ấy cảm thấy bất ổn do rối loạn của mật, đàm, hoặc chợt nhìn thấy con ruồi, con sâu trong món vật thực thượng vị ấy, người ấy từ bỏ món ăn ấy ngay.

Cũng vậy, khi nỗ lực chứng đạt 7 thiền chứng, Ngài an trú trong các thiền chứng ấy.

Khi quán xét lại các thiền chứng, Ngài thấy chúng “vẫn còn nằm trong luân hồi khổ”, vẫn còn “khiếm khuyết” chưa dẫn đến “trạng thái an toàn tuyệt đối”.

Ngài quyết định từ giả Đạo sư Ālāra Kālāma ra đi, tìm pháp bất tử.

b- Đạo sư Uddaka Rāmaputta.

Sau khi từ giả Đạo sư Ālāra kālāma, Bồtát tiếp tục cuộc du hành để tầm cầu pháp “an tịnh quý báu” (santivara). Ngài tìm đến vị Đạo sư nổi tiếng trong thời ấy là Uddaka Rāmaputta.

(Uddaka Rāmaputta là “Uddaka  con của Rāma”).

Khi đi đến Đạo sư Uddaka Rāmaputta, Ngài xin thọ giáo rằng:

– Thưa Tôn giả Uddaka, tôi muốn sống đời sống phạm hạnh trong giáo lý của Tôn giả.

Đạo sư Uddaka Rāmaputta hoan hỷ rằng:

– Hỡi hiền hữu, hãy đến đây sống trong giáo lý này. Giáo lý này mếu được người trí nỗ lực thức hành, người ấy sẽ thấu triệt giáo lý của bậc cao quý (ācariya vāda) và sống an lạc trong sự thành tựu ấy.

Với trí tuệ nhạy bén, chỉ đôi ba ngày Bồtát đã thông hiểu trọn vẹn giáo lý của Uddaka Rāmaputta.

Khi suy gẫm phương pháp thực hành của Đạo sư Uddaka, Bồtát nhận thấy “đây là phương theo truyền thống dẫn đến chứng đắc thiền “Phi tưởng phi phi tưởng xú”(nevasaññānāsaññāyatana)”.

Theo bản Mūlapaṇṇāsa Ṭīkā (q.2). Vào lúc ấy Đạo sư Uddaka chưa chứng đắc thiền chứng phi tưởng phi phi tưởng xứ, vị ấy học lý thuyết từ cha mình là ẩn sĩ Rāma.

Và trong bài kinh Thánh cầu (Ariyapariyesanasutta) ([69]) có ghi nhận: “Đức Bồtát chỉ đề cập đến Rāma chứng đạt thiền Phi tưởng phi phi tưởng, không đề cập đến Uddaka”.

Bồtát đi đến Đạo sư Uddaka, hỏi rằng:

– Thưa Tôn giả Uddaka, theo giáo thuyết này sẽ dẫn đến thực chứng “thiền Phi tưởng phi phi tưởng xứ”. Chẳng hay Tôn giả đã thành tựu thiền chứng này chưa?

– Này hiền hữu, giáo thuyết này tôi học từ cha của tôi là Rāma, tôi chưa đạt đến thực chứng thiền này.

Nhưng cha tôi đã thành đạt thiền này và đã giải thoát.

Bồtát suy nghĩ “Đạo sư Rāma chắc chắn đã thành đạt tầng thiền Phi tưởng phi phi tưởng này rồi. Đạo sĩ Rāma có niềm tin vững chắc, có tinh tấn, có niệm, có định có tuệ, Ta cũng có niềm tin vững chắc, có tinh tấn, có niệm, có định, có tuệ. Vậy  ta hãy chứng đắc tầng thiền Phi tưởng phi phi tưởng này”.

Vài hôm sau, Bồtát đến thông báo cho Đạo sư Uddaka biết:

“ Thưa Tôn giả Uddaka con của ẩn sĩ Rāma, tôi đã thành đạt thiền chứng này rồi”.

Biết Bồtát là người đã thành đạt thiền chứng Vô sở hữu xứ  trước khi đến gặp mình, khi nghe Bồtát nói “đã thành đạt thiền Phi tưởng Phi phi tưởng”, Đạo sư vô cùng hoan hỷ, nghĩ rằng: “Như vậy cha ta đã thành tựu thiền này chắc chắn, vì hiện tại có người theo lý thuyết của cha ta, thành tựu được thiền chứng này.

Giáo thuyết này dẫn đến thiền Phi tưởng phi phi tưởng là sự thật, không còn nghi ngờ gì nữa”.

Là người không có pháp hạ liệt là “ganh tỵ” và “bỏn xẻn”, nên Đạo sư Uddaka vô cùng hoan hỷ rằng:

– Thưa hiền hữu, chính tôi được tận mắt nhìn thấy bậc cao quý thành tựu được thiền chứng này. Điều nào bậc Đạo sư Rāma tự giác ngộ bằng thắng trí, bậc cao quý như hiền hữu cũng thành đạt như thế ấy; điều nào bậc cao quý như hiền hữu đã thành đạt, cha tôi cũng thành đạt như thế ấy.

Hỡi hiền hữu cao quý, hãy đến đây thay tôi hướng dẫn các ẩn sĩ này.

Đạo sư Uddaka giao toàn bộ đệ tử của mình cho Bồtát.

Bồtát ở lại đôi ngày, Ngài quán xét tầng thiền Phi tưởng phi phi tưởng mà mình chứng đắc, Ngài thấy rằng: “Thiền này tuy cao thượng hơn thiền Vô sở hữu xứ, nhưng trạng thái “dường như có dường như không” này, vẫn chưa phải an toàn tuyệt đối, vẫn có thể rơi vào “luân hồi khổ” khi “có”.

Rồi Ngài suy gẫm “Đây là tầng thiền cao nhất, không còn tầng thiền nào cao hơn, không có vị Đạo sư nào có thể thành đạt hơn nữa. Giờ đây, ta chỉ còn cách “tự mình” tìm ra “con đường an tịnh tuyệt đối”.

Sau khi suy nghĩ như thế, Bồtát từ giả Đạo sư Uddaka Rāmaputta ra đi.

Về Đạo sư Uddaka Rāmaputta, khi Bồtát từ giả ra đi, vị ấy động tâm (saṃvegacitta), nỗ lực tu tập.

Nhờ trong quá khứ, tiền thân Đạo sư Uddaka từng chứng đạt đến tầng thiền này, nên thời gian sau vị ấy thành tựu được thiền chứng “Phi tưởng phi tưởng xứ” ([70]).

Đạo sư  Uddaka Rāmaputta là người thứ hai (sau Ālara Kālama) được Đức Thế Tôn nghĩ đến, sau khi nhận lời Đại Phạm thiên Sahampati “thuyết pháp độ chúng sinh”.

Nhưng chư thiên đã báo cho Đức Thế Tôn biết: “Uddaka đã từ trần chiều hôm qua”([71]).

Trong Kinh Tăng chi([72]) (Aṅguttara nikāya) có ghi nhận: “Vua Eḷeyya([73]) cùng với nhóm tùy tùng là: Yamaka, Moggalla, Ugga, Nāvindaki, Gandhabba và Aggivessa là đệ tử của Uddaka Rāmaputta, họ rất ái kính Đạo sư Uddaka”.

Trong Tương ưng kinh (Saṃyuttanikāya)([74]), Đức Phật có dạy: “Uddaka Rāmaputta không phải là bậc minh trí, lại tự xưng “là bậc minh trí”; không chiến thắng tất cả, lại tự xưng “chiến thắng tất cả”; không nhỗ tận gốc rễ khổ, lại tự xưng “nhỗ tận gốc rễ khổ”.

Trong Trường bộ kinh (Dīgha nikāya)([75]).Đức Phật dạy Sadi Cunda rằng: “Uddaka con của Rāma thường nói “thấy mà không thấy”. Thấy cái gì mà không thấy? Thấy con dao bén mà không thấy sự bén của con dao. Này Cunda, đó là ý nghĩa “thấy mà không thấy”.

Nhưng này Cunda, ở đây Uddaka đã đề cập đến sự thấy thường tình của phàm nhân, không phải là “sự thấy của bậc Thánh”; Uddaka đề cập đến “sự thấy” không mang đến lợi ích.

Tiếp theo, Đức Phật giảng cho Sadi Cunda hiểu: “Thấy mà không thấy” là: “Thấy đời sống Phạm hạnh được trọn vẹn đầy đủ, không thiếu sót, không dư thừa”([76]), nếu “thêm vào hay bớt ra bất cứ một chi phần nào, xem như là “không thấy”.

Khi từ giả Đạo sư Uddaka, Bồtát đi đến thị trấn Senāni thuộc vương quốc MaKiệtĐà.

Gần thị trấn Senāni là khu rừng Uruvelā, địa thế thiên nhiên ở đây làm hài lòng những bậc cao sĩ, ưa thích sự an tịnh.

Cạnh khu rừng khả ái Uruvelā là dòng sông Nerañjara (NiIiên) trong sạch, không bùn nhơ, hai bên bờ sông là cát trắng, trong dòng nước trong xanh nhiều loài thủy tộc sinh sống.

Dòng sông xuôi chảy tìm ra biển cả dường như không mệt mỏi, ven sông cũng có những ngôi làng để các đạo sĩ ẩn lâm dễ tìm vật thực.

Nhìn thấy phong cảnh khả ái của vùng đất này, sau khi quan sát những ưu điểm của “vùng đất lành”, Bồtát khởi lên ý nghĩ: “Đây quả thật là vùng đất lý tưởng cho những ai đang tầm cầu pháp bất tử”.

Và Ngài tự dựng lên ngôi thảo am bằng cây khô và lá trong rừng, ẩn náu nơi đó để tu tập thiền tịnh.

Rừng Uruvelā.

Chữ Uruvelā là một hợp từ: Uru (rộng lớn) + velā (bờ mé).

Uruvelā nghĩa đen là “bãi cát rộng lớn”. Bãi cát ấy nằm cạnh con đường xuống bến sông

Tương truyền,  trước khi Bồtát giáng sinh vào lòng mẹ, có 10 ngàn đạo sĩ tu khổ hạnh trú trong rừng này.

Các vị có quy ước với nhau: “Khi có tư tưởng bất thiện  nhất là cảm dục, vị ấy phải tự giác đội một thúng cát đổ vào chỗ được quy định. Dần dần “nơi đổ cát được nới ra rộng lớn”, nên có tên gọi là Uruvelā([77]).

Dân làng ven rừng lập một miếu thờ ở “bãi đổ cát” ấy, chung quanh có tường thành bao bọc.

Theo Mahāvastu (Đại Sự), ven rừng  Uruvelā có bốn làng là: Praskandaka, Balākalpa, Ujjaṅgala, và Jaṅgala.

Rừng Uruvelā tuy phong cảnh hữu tình, là nơi yên tịnh; nhưng lại ẩn tàng những nguy hiểm, là sự kinh sợ khiếp đảm khi đêm về.

Chính Đức Phật đã giảng về “kinh sợ và khiếp đảm của khu rừng Uruvelā cho Bàlamôn Jāṇussoṇi nghe”([78])

Sông Nerañjara (NiLiên).

Chữ Nerañjara có ba cách giải thích:

*Nelaṃ jalaṃ assati = Nelañjalā: “Nước trong ngọt, gọi là Nelañjalā”.

(Chữ jalā nghĩa là “nước”; nela là “trong sạch)

Thay thế chữ l = r thành ra Nerañjarā.

* Nīlajalāyā ti vattabbe nerañjarāyāti vuttaṃ:

Nước luôn trong xanh, gọi là Nerañjarā”.

* Đơn thuần chỉ là tên con sông ([79]).

Trước khi thọ dụng cơm sữa của bà Sujātā cúng dường, Bồtát xuống sông Iiên tại bến Suppatiṭṭha của Long vương Mahākāla tắm.

Trên bờ sông có vườn cây sālā, Bồtát sau khi thọ thực xong Ngài nghỉ trưa tại đây, xế chiều Ngài vượt qua bên kia bờ sông NiIiên, đến Bồđề Đạo tràng (Bodhigayā), trong đêm ấy Ngài chứng quả Chánh giác.

Sông NiIiên được xác định nay là sông Nīlājanā, sông NiIiên phát nguyên từ Hazaribagh, hòa nhập vào sông Mohanā thành sông Phalgu([80]).

4- Nhóm năm KiềuTrần Như.

Khi xuất gia làm đạo sĩ như đã được mô tả ở phần trước, “nhóm năm”KiềuTrầnNhư  lên đường tìm Đấng đại sĩ.

Các Ngài đi từ làng này sang thị trấn khác, vừa đi vừa hỏi thăm. Khi đến thành Vương Xá nghe đại chúng truyền nhau về “vị Samôn kỳ lạ”, các Ngài tin chắc “đó là thái tử SĩĐạtTa”.

Và lần theo dấu vết của Bồtát, cuối cùng các Ngài được hội ngộ với bậc Đại nhân trong rừng Uruvelā.

Nhóm năm (pañcavaggiyā) đó là: Ngài KiềntrầnNhư, Ngài Vappa, Ngài Bhaddiya, Ngài Mahānāma và Ngài Assaji([81]).

Ngài KiềuTrầnNhư (Koṇḍañña).

Ngài là con của một Bàlamôn trưởng giả trong làng Doṇavatthu, gần kinh thành CaTỳLaVệ.

Koṇḍañña là tên dòng tộc, Ngài được gọi theo tộc họ, không phải là tên thật. Dòng tộc Koṇḍañña là sự kết hợp giữa hai dòng: Bàlamôn và Sátđếlỵ.

Một số bộ tộc thường lấy “linh thú” làm tộc họ, như tộc họ Kassapa thuộc loài rùa, tộc họ Koṇḍañña thuộc loài khỉ, giữa hai tộc họ này có sự kết thông gia với nhau, họ Kosiya thuộc “chim cú”…

Ngài KiềuTrầnNhư lúc nhỏ đã tinh thông ba tạng Phệđà (Veda), nổi tiếng là “thần đồng xem tướng”.

Tuy trẻ nhất trong 108 vị Bàlamôn được mời đến xem tướng Bồtát lúc mới sinh ra, nhưng Ngài được vua Tịnh Phạn mời ở lại cùng với 7 vị Bàlamôn kỳ cựu khác, tuy mhiên lịch sử không ghi nhận khi ấy Ngài được bao nhiêu tuổi, có khả năng khi ấy Ngài nằm trong độ tuổi 20 – 25.

Khi Đức Phật khai mở “cửa bất tử vô sinh” qua bài pháp “Chuyển Pháp luân”, dứt bài kinh Ngài KiềuTrầnNhư cùng với 180 triệu chư thiên và Phạm thiên chứng đắc Thánh quả Dự Lưu.

Đức KiềuTrầnNhư được Đức Thế Tôn khen rằng: “Aññāsi vatabho Koṇḍañño, aññāsi vatabho Koṇḍañño: KiềuTrầnNhư đã thấy pháp, KiềuTrầnNhư đã thấy pháp”.

Kể từ đó Ngài được gọi là “Aññāta Koṇḍañña”(Anhã KiềuTrầnNhư)([82]).

Khi vừa chứng Thánh quả Dự Lưu xong, Ngài xin Đức Thế Tôn xuất gia để sống đời sống Phạm hạnh trong giáo pháp này, Ngài được xuất gia theo cách “ehi bhikkhu” (đến đây này Tỳkhưu).

Xem như Ngài là đệ tử  xuất gia đầu tiên của Đức Phật, đồng thời cũng là người đầu tiên xuất gia theo cách “ehi bhikkhu”([83]).

Vào ngày thứ sáu, Đức Phật thuyết kinh “Vô ngã tướng” (Anattalakkhaṇasuttaṃ), Ngài cùng bốn vị kia chứng quả ALaHán.

Về sau, giữa hội chúng ở Kỳviện tịnh xá trong thành XáVệ (Sāvatthī), Đức Thế Tôn ban cho Ngài “đệ nhất lâu ngày (rattaññūnaṃ)”([84]) và cũng là “người chứng đạt pháp đầu tiên”([85]).

Trong hội chúng Tăng, Ngài chỉ ngồi sau hai vị Thượng thủ.

Mãn mùa an cư thứ nhất tại vườn Lộc Uyển trong xứ BaLaNại, được Đức Phật  dạy “hãy mang chân lý đến cho chúng sinh, hãy mang an lạc đến cho  nhân thiên”([86]), Ngài KiềuTrầnNhư quán xét thấy thân tộc mình có người cháu làPuṇṇa con của bà Mantanī là em gái của Ngài.

Đức KiềuTrầnNhư trở về Donavatthu, tế độ Ngài Puṇṇa con của Mantāni, khi ấy Đức Thế Tôn đang ngự trú tại thành Vương Xá.

Tự thân Đức KiềuTrầnNhư  truyền giới cho Ngài Puṇṇa, sau khi dẫn dắt Ngài Puṇṇa Mantāniputta thành tựu quả vị ALaHán trước khi an cư mùa mưa lần thứ 2 của Đức Phật ([87]), Ngài Puṇṇa sau này được Đức Thế Tôn ban cho địa vị “Đệ nhất giảng pháp trong hàng Tỳkhưu”([88]).

Đức KiềuTrầnNhư trở lại thành Vương Xá đảnh lễ Đức Thế Tôn.

Nhận thấy sự hiện diện của mình bên cạnh Đức Thế Tôn có nhiều bất tiện cho người lẫn mình, nên Ngài xin phép Đức Thế Tôn cho Ngài đến rừng Chaddanta (Chaddantavana) trong dãy HyMãLạpSơn, sống ở bên hồ Mandākinī.

Hồ Mandākinī là một trong 7 hồ lớn nằm sâu trong dãy HyMãLạpSơn, cạnh rừng Chaddantavana, sáu hồ kia có tên là: Anotattā, Sīhapapātā, Rathakārā, Kaṇṇamuṇḍa, Kunālā và Chaddantā([89]).

Hồ Mandākinī rộng 50 dotuần, có 25 dotuần với nước trong sạch, không có rong rêu hay cỏ dại; trong 25 do tuần còn lại nước hồ chỉ ngập đến hông. Quanh hồ có vòng đai sen trắng rộng một dotuần, kế đến là vòng đai sen hồng rộng một dotuần, vòng đai sen xanh rộng một dotuần.

Quanh hồ là nhiều loại cây ăn trái như: Chuối, mít, táo, hồng … Mía ở hồ Mandākinī to  như cây dừa.

Trong quá khứ chư Độc giác thường sống ở nơi này.

Đức KiềuTrầnNhư sống ở nơi đây được 12 năm, có voi chúa Chaddanta và thiên tử Nāgadatta phuc vụ. Voi rừng thay phiên nhau mang trái cây đến cúng dường Ngài.

Sách Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga) gọi hồ này là “Tiyaggalā”.

Trong bản Sớ giải Kệ ngôn Trưởng lão Tăng, nói “Đức KiềuTrầnNhư trú ở cạnh hồ Chaddanta”([90]), có thể đó cũng chính là  hồ Mandākinī.

Khi quán xét  sắp mãn tuổi thọ, Đức KiềuTrầnNhư đi đến Trúc Lâm tịnh xá gần thành Vương Xá.

Đức KiềuTrầnNhư vào đảnh lễ Đức Thế Tôn xong rồi, dùng miệng hôn chân Đức Thế Tôn, dùng tay xoa bóp chân Đức Thế Tôn và nói rằng:

“Bạch Đức Thế Tôn, con là KiềuTrầnNhư. Bạch Đức Thiện Thệ, con là KiềuTrầnNhư”.

Và Đức Vaṅgisa nói lên kệ ngôn tán thán Đức KiềuTrầnNhư([91]).

Sau khi đảnh lễ Đức Thế Tôn lần cuối để từ biệt, Đức KiềuTrầnNhư trở lại hồ Mandākinī và viên tịch ở nơi này([92]).

Cư dân trong rừng HyMãLạpSơn đều khóc thương tiếc Ngài, tang lễ của Ngài được diễn ra trọng thể, có 8 ngàn thớt voi đưa tiển do Thiên tử Nāgadatta dẫn đầu, chư thiên cao thấp đều có mặt, mỗi thiên nhân cúng dường một lỏi trầm hương để hỏa táng di hài của Đức KiềuTrầnNhư.

Đức Anuruddha dẫn 500 vị Tỳkhưu đến thanm dự lễ trà tỳ nhục thể Đức KiềuTrầnNhư, rồi mang Xálợi Đức KiềuTrầnNhư về Trúc Lâm tịnh xá trình lên Đức Thế Tôn.

Đức Thế Tôn tự tay tôn trí Xálợi Đức KiềuTrầnNhư vào bình vàng, chiếc bình vàng này cũng được chính tay Đức Thế Tôn đưa vào ngôi tháp bằng bạc để tôn thờ, tháp bạc này do chư Phật tử xây dựng, gần Trúc Lâm tịnh xá. Ngài Buddaghosa (Phật Âm) cho biết “đến thời của Ngài, ngôi tháp bạc vẫn còn tồn tạị”([93]).

Có lần thiên chủ ThíchCa thỉnh cầu Đức ANhã KiềuTrầnNhư giảng pháp, Đức KiềuTrầnNhư thuyết lên bài pháp “Tứ diệu đế”, đề cập đến ba tướng: Vô thường, khổ, vô ngã liên hệ đến Nípbàn.

Bài pháp mang ảnh hưởng mạnh đến tâm Thiên chủ ĐếThích, Thiên chủ tán thán “không kém bài pháp do Đức Phật thuyết”.

“Ta hoàn toàn hân hoan; được nghe pháp vị lớn.

Pháp được giảng ly tham; hoàn toàn không chấp thủ”([94]).

Trong Kệ ngôn Trưởng lão Tăng, Đức Añña Koṇḍañña có nêu lên nhiều kệ ngôn liên hệ đến sự tu tập.

Vào thời Phật Padumattra (Liên Hoa), tiền thân của Ngài KiềuTrầnNhư là một trưởng giả trong thành Haṃsavatī (Thiên nga), thiện gia nam tử này được chứng kiến một vị Trưởng lão được Đức Thế Tôn Padumuttara ban cho địa vị “đệ nhất lâu ngày trong Giáo pháp này”.

Hoan hỷ với địa vị ấy, thiện gia nam tử này cúng dường đến Đức Thế Tôn Padumuttara cùng Tăng chúng liên tục 7 ngày.

Vào ngày thứ bảy, sau khi cúng dường vật thực đến Đức Thế Tôn Padumuttara xong rồi, thiện gia nam tử này quỳ đảnh lễ Đức Thế Tôn cùng Tăng chúng, phát nguyện  “đạt được địa vị “đệ nhất lâu ngày” trong Giáo pháp của vị Chánh Đẳng giác trong tương lai”.

Với Phật trí, Đức Phật quán xét hạnh nguyện của thiện gia nam tử này, rồi Ngài thọ ký rằng:

“Sau trăm ngàn kiếp trái đất kể từ kiếp trái đất này. Hạnh nguyện của thiên gia này sẽ thành tựu như ý vào thời Đức Chánh giác có hồng danh Gotama”.

Để đạt thành sở nguyện, tiền thân Ngài KiềuTrầnNhư tích cực tạo phước báu. Trong một kiếp khác, Ngài đã xây dựng một bảo tháp bằng vàng để tôn thờ Xálợi Phật Padumuttara (Liên Hoa).

Tập Apādāna cũng ghi nhận “tiền thân của Ngài đã dâng cúng “bữa vật thực” đầu tiên khi Bồtát Padumuttara vừa chứng đạt quả Vô thượng Chánh giác” (tương tự như hai người thương buôn Tapussa và Bhallika)([95]).

Vào thời Đức Phật Vipassī (TỳBàThi), tiền thân Ngài là trưởng giả Mahākāla cùng với người em là Cūḷakāla cùng làm chung ruộng lúa.

Khi được nghe Pháp từ Phật Vipassī, Ngài hoan hỷ với Giáo pháp. Trở về bàn với người em “cúng dường cháo gạo sữa” đến Đức Phật và Tăng chúng (lúc bấy giờ ruộng lúa của Ngài và người em, lúa đang ngậm sữa).

Người em không đồng ý bảo “đợi lúa chín, gặt lúa xong hãy cúng dường”, Ngài cho chia ruộng lúa ra, phần của Ngài gặt lúa, dùng sữa lúa nấu thành cháo cúng dường đến Đức Phật Vipassī cùng Tăng chúng.

Hoan hỷ với phước báu của ông, chư thiên giúp cho ruộng lúa trở lại như cũ. Và Ngài đã cúng dường đến Đức Phật Vipassī cùng Tăng chúng 9 lần, như: Khi chuẩn bị gặt lúa, gặt lúa xong, mang lúa về, đập lúa, vê lúa, phơi lúa, lúa khô, sàng lúa và đưa lúa vào bồ chứa([96]).

Theo gương Ngài, người em sau khi hoàn tất vụ mùa đã cúng dường đến Đức Phật  và Tăng chúng. Vào thời hiện tại, người em chính là Ngài Subadda vị đệ tử cuối cùng của Đức Phật Gotama([97]).

Ngài Vappa.

Ngài là con của Bàlamôn dòng  tộc Vāseṭṭha ở kinh thành CaTỳLaVệ([98]). Ngài xuất gia hợp với NgàiKiềuTrầnNhư cùng ba vị khác, trở thành “nhóm năm”.

Có khả năng Ngài sinh ra vào tháng Vappa([99]) nên có tên như thế, hoặc Ngài sinh ra vào “đầu mùa gieo trồng”.

 Vāseṭṭha là một tộc họ Bàlamôn cao quí (ukkaṭṭha), Đức Ānanda gọi những thị dân Malla ở Kusinārā là “Vāseṭṭhā”(sđd).

Dòng tộc này có khả năng do Bàlamôn danh tiếng cổ sơ Vāseṭṭha là vị sơ tổ ([100]), Bàlamôn Vāseṭṭha cổ sơ là một trong những tác giả bộ Upanisad (Cận tọa thư)([101]).

Vào ngày thứ hai, Đức KiềuTrầnNhư cùng hai đạo sĩ đi khất thực, Ngài Vappa và Bhaddiya ở lại nơi đó để phục vụ Đức Phật, dưới sự chỉ dạy của Đức Thế Tôn, Ngài Vappa nỗ lực hành đạo và chứng quả Dự lưu.

Rồi Đức Vappa xin xuất gia sống đời sống Phạm hạnh trong Giáo pháp này, Ngài cũng được Đức Thế Tôn cho xuất gia bằng cách “ehi bhikkhu”, xem như Ngài là vị đệ từ thứ hai của Đức Phật..

Năm ngày sau, khi nghe kinh Vô ngã tướng, Ngài thành tựu quả vị ALaHán cùng với 4 vị kia.

Tương truyền vào thời Đức Phật Padumuttara (Liên Hoa), tiền thân của Ngài phát nguyện “là một trong những đệ tử đầu tiên của Đức Chánh giác trong tương lai”.

Cách đây 30 ngàn kiếp trái đất, tiền thân của Ngài từng làm vua 16 lần với danh hiệu Mahādundubhi (Đại Cổ – cái trống lớn)([102]).

Ngài Mahānāma (Đại Danh) ([103]).

Ngài là một trong “nhóm năm” KiềuTrầnNhư, chứng quả Dự Lưu vào ngày thứ tư sau khi Đức Phật khai thị kinh “Chuyển Pháp Luân”. Hai ngày sau Ngài chứng quả ALaHán cùng với 4 vị kia khi được nghe bài kinh Vô ngã tướng. Cũng là đệ tử thứ tư của Đức Phật, xuất gia bằng cách “ehi bhikkhu”.

Sau mùa an cư đầu tiên tại vườn Lộc Uyển, Ngài ra đi du hành “hoằng pháp độ sinh”.

Ngài đi đến thị trấn Macchikāsaṇḍa trong xứ Kāsi, là trú xứ của trưởng giả Citta, Ngài được gia chủ Citta thỉnh vào khu hoa viên Ambāṭaka để cúng dường vật thực.

Sau khi thọ thực xong, Đức Mahānāma thuyết lên pháp thoại làm hoan hỷ gia chủ Citta, nghe xong pháp thoại gia chủ Citta chứng quả Dự lưu.

Gia chủ Citta cúng dường khu hoa viên Ambāṭika đến Đức Mahānāma, khi rảy nước vào tay Đức Mahānāma để cúng dường khu hoa viên, trái đất rung động. Rồi gia chủ Citta kiến tạo một tự viện trong khu hoa viên Ambāṭika([104]), có tên là Ambāṭikārāmatheo sự hướng dẫn của Đức Mahānāma.

Tại ngôi tự viện này, Đức Mahānāma thuyết lên bài kinh “Phân tích sáu xứ” (Saḷāyatanavibhattisutta), gia chủ Citta chứng quả ANaHàm.

Từ đó chư Tỳkhưu thường đến trú ngụ nơi tự viện này và được gia chủ Citta hộ độ.

Gia chủ Citta được Đức Thế Tôn ban cho địa vị “đệ nhất giảng pháp trong hàng cận sự nam”([105]).

Ngài Assaji.

Ngài là vị đệ tử thứ năm của Đức Phật và là người chứng quả Dự Lưu sau cùng trong “nhóm năm” KiềuTrầnNhư.

Vào ngày thứ sáu, khi nghe kinh Vô ngã tướng, Ngài cùng bốn vị kia chứng quả ALaHán([106]).

Sau mùa an cư thứ nhất tại vườn Lộc Uyển, Ngài đi đến thành Vương Xá để du hóa.

Bấy giờ hai đạo sĩ Upatissa và Kolita đang trên đường tìm “chân lý vĩnh hằng”, đạo sĩ Upatissa thấy Đức Assaji đang đi khất thực trong thành Vương Xá với các căn quyền nghiêm trang an tịnh, đạo sĩ phát sinh tâm ngưỡng mộ, đi theo sau Ngài để chờ cơ hội thuận tiện “hỏi pháp”.

Khi Đức Assaji đi khất thực xong rồi, Ngài tìm nơi thanh vắng để thọ thực, khi đi đến chỗ thích hợp Đức Assaji tỏ ý muốn ngồi xuống, Đạo sĩ Upatissa lập tức trải tọa cụ ra cung thỉnh Ngài ngồi lên đó.

Khi Đức Assaji thọ thực xong rồi, đạo sĩ Upatissa mang nước trong bình của mình dâng đến Đức Assaji để Ngài rữa tay và uống.

Sau đó, đạo sĩ Upatissa đếrn đảnh lễ Đức Assaji, ngồi một bên thích hợp bạch hỏi rằng:

– Thưa Tôn giả, các quyền của Tôn giả thật trong sáng. Thưa Tôn giả, ai là Bậc Đạo sư của Tôn  giả? Bậc Đạo sư ấy đã dạy những gì?

Đức Assaji suy nghĩ “những du sĩ thường chống đối các chủ thuyết của hệ phái khác. Ta hãy nói lên ý nghĩa thâm sâu của giáo pháp Đức thế Tôn”.

Ngài đáp rằng: Này du sĩ, tôi là người mới thâm nhập Giáo pháp này chẳng bao lâu, nên không thể giảng rộng rải được.

– Thưa Tôn giả, tôi là Upatissa. Ngài cứ nói lên hiểu biết của Ngài. Việc hiểu sâu hay cạn cợt đó là việc của tôi.

Đức Assai tóm tắt “kinh Chuyển Pháp Luân” bằng kệ ngôn như sau:

“Ye dhammā hetuppabhavā; tesaṃ hetuṃ Tathāgato.

Tesañ ca yo nirodho; evaṃ vādī mahāsamano”.

“Các pháp do nhân sinh, Như Lai chỉ rõ nhân ấy.

Và nhân ấy cũng bị diệt, đại Samôn nói thế”.

Kệ ngôn trên trở thành bất tử và danh tiếng Đức Assaji rực sáng như ánh thái dương vào buổi trưa, như vầng trăng tròn thoát khỏi mây che”.

Vừa nghe xong 2 câu đầu của bài kệ, đạo sĩ Upatissa chứng đắc ngay quả Dự Lưu.  Đạo sĩ bạch với Đức Assaji rằng:

– Thưa Ngài, Ngài không cần nhọc sức thuyết thêm. Xin hỏi Ngài Bậc Đạo sư đang ngự trú nơi nào?

– Này du sĩ, Bậc Đạo sư đang an ngự tại “rừng Trúc” (Veḷuvana).

– Lành thay, lành thay thưa Tôn giả.

Đức Upatissa vội tìm đến du sĩ Kolita, vừa nghe qua 2 câu đầu của kệ ngôn từ Đức Upatissa, Ngài Kolita cũng chứng đắc quả Dự Lưu.

Hai Ngài cùng 250 tùy chúng đi đến “rừng Trúc” yết kiến Đức Thế Tôn. Về sau khi hai Ngài chứng quả ALaHán, trở thành Thượng thủ thinh văn tay phải và tay trái của Đức Thế Tôn([107]).

Đức XáLợiPhất (tên gọi khác của Upatissa) rất tôn kính Đức Assaji, khi biết Đức Assaji ở nơi nào, Đức XáLợiPhất thường chấp tay về hướng đó đảnh lễ, khi nằm ngủ Đức XáLợi Phất đầu hướng về Đức Assaji([108]).

Một hôm trên đường đi luận chiến với một môn đệ của Nigaṇṭha, du sĩ Saccaka gặp Ngài Assaji đang ôm bát khất thực trong thành Vesāli.

Du sĩ Saccaka biết Đức Assaji “là vị đệ tử nổi tiếng của Đức Gotama” (ñātaññatara sāvaka), nên đi đến vấn pháp.

Đức Assaji thuyết tóm tắt về “lý vô ngã” trong bài “kinh Vô ngã tướng “ (Anattalakkhaṇasutta) cho du sĩ Saccaka nghe.

Bản Sớ giải có giải thích: “Vì Đức Assaji không muốn cho du sĩ Saccaka có cơ hội tranh cải, nên thuyết lên lý vô ngã một cách cô đọng”.

Nghĩ mình thừa sức phá kiến của Đức Thế Tôn, du sĩ Saccaka cùng 500 người Licchavī đi đến nơi Phật ngự trú trong thành Vesāli để luận chiến cùng Đức Phật. Và du sĩ Saccaka đã bị “đánh bại”, nhân đó Đức Phật thuyết lên “Saccaka tiểu kinh”([109]).

Trong Tương Ưng bộ kinh (Sanṃyuttanikāya) có ghi nhận: Khi Đức Assaji bị bịnh nặng ở Kassapārāma, gần thành Vương Xá; Đức Phật có đến thăm. Đức Assaji cho biết “không thể an trú tâm trong thiền tịnh, vì khó thở và không tìm được sự cân bằng của thân tâm”. Đức Phật dạy Đức Assaji nên an trú tâm vào một trong tam tướng([110]).

Khi hội kiến với Bồtát trong rừng Uruvelā, nhóm năm KiềuTrầnNhư hoan hỷ, nghĩ thầm: “Không bao lâu Ngài sẽ chứng quả Vô thượng Chánh Giác. Không bao lâu nữa chúng ta sẽ được nghe Pháp từ Ngài”.

Và “nhóm năm” KiềTrầnNhư, đã phục vụ Bồtát suốt sáu năm ròng rã khi Bồtát khổ hạnh. “Nhóm năm” mang nước nóng, nước lạnh đến cho Ngài, quét dọn am thất …


([1])– Sn. 72. Kinh Xuất gia (Pabbajjāsuttaṃ).

([2])–  Sapadānaṃ (adj): Nghĩa là “liên tục”, “không bỏ sót”.

“Khất thực theo từng nhà”. Là trên lộ trình đi khất thực, đi tuần tự từ nhà này sang nhà khác, không bỏ sót một căn nhà nào. Khi vật thực đủ dùng rồi thì trở về.

([3])– Thành Vương Xá được các rặng núi lớn bao bọc chung quanh, nên thành còn có tên là Giribbaja (núi vây quanh).

([4])– Theo truyền thuyết Bàlamôn, Kāma là vị thần “dục lạc”, hay thần “tình yêu”.Vũ khí của vị thần này là “những mũi tên thương yêu”. Khi Thần Siva chúa các vị thần đang ngồi thiền tịnh, thần Kāma lén bắn mũi tên vào người thần Siva, làm dấy lên tình thương trong tâm thần Siva, thần Siva nỗi giận vì bị gián đoạn việc nhập thiền, con “mắt giữa” của thần Siva mở rộng ra, một tia lửa phóng ra từ con “mắt giữa” thiêu đốt thần Kāma, khiến thân thể xinh đẹp bị cháy đen”. Trích trong Hzimmer: Triết học Ấn Độ.

([5])– “Bất tử thành” (Amarapura). Sở dĩ thành này có tên như vậy, là “khi chúng Asura chiến thắng chư thiên cõi “Ba mươi Ba”, chư thiên kéo về kinh thành đóng cửa thành lại, dù có bao nhiêu Asura cũng không thể phá thành được, do đó gọi là “Amarapura”. Kinh thành của chúa Asura cũng có tên gọi như thế, nghĩa là khi chúng Asura bại trận, kéo về kinh thành của mình, đóng kín cửa lại thì dù cho có bao nhiêu Thiên nhân cũng không thể phá thành.Ngoài tên gọi là Amarapura, hai kinh thành trên còn có tên gọi là “Ajjhapūranagata” (Bất khả hại).

([6])– Gandhabba được âm là Cànthátbà, là “thiên thần nhạc sĩ”.

([7])– Sn. 72. Kinh Xuất gia.

([8])– Theo truyền thuyết của Bàlamôn, bò là một “linh thú” do Đại Phạm thiên, vị Sáng tạo thế gian ban cho nhân loại, giúp  cho nhân loại có được vật thực là gạo và chất bổ dưỡng là sữa. Nên Bàlamôn giáo không hề dùng thịt bò và rất cung kính “bò”. Từ “bò chúa” ở đây ám chỉ “bậc cao quý trong nhân loại – Ns.

([9])– Xứ Sākya khi ấy là nước chư hầu của quốc độ Kosala –Ns.

([10])_- Sn.72. Kinh Xuất gia (Pabbajjāsuttaṃ).

([11])– A.i,205. Pháp 3 chi. Kinh Các lễ Uposatha.

([12])– SA. i. 135 f.

([13])– ThagA. i, 333.

([14])– Vin.i, 287.

([15])– ĐĐ Nguyệt Thiên (d). Luật Đại phẩm II. Chương V – Da thú (Cammakkhandhaṃ).

([16])– J.iv, 454.

([17]) – SA.i, 269.

([18])– JA. Chuyện số 44. Makasajātaka.

([19])– D.iii, Mahāgovindasuttanta (Kinh Đại điển Tôn).

([20])–  S.i 12o. Mārasaṃyutta (Tương ưng ác ma). Kinh Godhika (Godhikasutta); S.iii, 119. Phẩm trưởng lão. Kinh Vakkali (Vakkalisutta).

([21])– D.iii, Mahāparinibbānasuttanta (Kinh Đại viên tịch).

([22])– S.i, 194. Tương ưng Vaṅgisa (Vaṅgisasaṃyuttaṃ). Kinh Vaṅgisa (Vaṅgisasutta).

([23])– S.i, 206. Tương ưng Sakka (ĐếThích). Kinh Indara (Indarasutta).

([24])– SA. ii, 584.

([25])– i.7, 32.

([26])– ii. 24, 44.

([27])Beal.ii, 145.

([28])– Giles; 49.

([29])– Ancient Ind. Historical Tradition, p.149.

([30])– SA.i, 88.

([31])DA.iii, 697.

([32])– D.iv.

([33])– AA.i, 115 ; MA.i, 360.

([34]) – SA. ii, 172; ThagA.i, 108; ThigA. 162.

([35]) – ThagA.i, 57.

([36])– S.iv, 251. Tương ưng Jambukhādaka. Kinh Nibbāna.

([37])– S.v, 161.

([38])– DhpA. Câu số 49.

([39])MA.ii, 987; SA.i, 283.

([40])– DA. ii, 609.

([41])– DA.i, 35.

([42])– Patiṭṭhāna là thị trấn của vùng Aḷaka, thuộc quốc độ Assakā.

([43])– SA. 583, 584.

([44])– AA.i, 184.

([45])Sn.190. Phẩm Con đường đến bờ kia (Parāyaṇa Vagga).

([46]) – Vin. iv, 116; DA.i, 450; MA. ii, 795.

([47])– SA. i, 241; DhA. ii, 43.

([48])– DhA.i, 232.

([49])– DhpA. Chuyên Công tử Uggasena.

([50])– Vin. iii, 108.

([51])– D.iii, kinh Đại viên tịch (Mahāparinibbānasuttanta)..

([52])– Do nhà khảo cổ là Tướng Cunningham tìm thấy.

([53])– DA.i, 274.

([54])– M.i, 271.

([55])– in.i, 27.

([56])– SA.i, 269 -70.

([57])– Gs Trần Ngọc Lợi (d). Từ điển danh từ riêng Pāli.

([58])– JA. Chuyện số 422. Cetiyajātaka.

([59])– D.iii. Mahāgovindasuttanta.

([60])– BvA. Lịch sử Đức Phật  Gotama (Gotamabuddhavaṃsavaṇṇāna).

([61])– Sugato “đền nơi tốt đẹp”, chỉ cho Nípbàn – Ns.

([62])– M.i, kinh Thánh cầu (Ariyapariyesana sutta).

([63])– Thig A. (q.2).

([64])DA.ii, 569.

([65])– A.i,188. Pháp ba chi. Kinh Kesaputta (Kesaputtasutta).

([66])– ĐĐ Nguyệt Thiên (d). Luật Đại Phẩm I (Mahāvagga), 10.

([67])– D.iii, kinh Đại viên tịch (Mahāparinibbāna suttanta).

([68])– A.i, 276. Pháp ba chi. Kinh Bharaṇḍu (Bharaṇḍusutta).

([69])– M.i.

([70])– Phần trình bày trên đây được tìn thấy trong Mūlapaṇṇāsa Ṭīkā, q.2.

([71])– ĐĐ Nguyệt Thiên (d). Luật Đại Phẩm I (Mahāvagga), 10.

([72])– A.ii, 180.Pháp bốn  chi. Kinh Vassakāra

([73])– Eḷeyya là một “lãnh chúa” trong quốc độ Magadha.

([74])– S.iv, 83. Tương ưng sáu xứ. Kinh Uddaka (Uddakasutta).

([75])– D.iv, Kinh Thanh tịnh (Pāsādikasuttanta).

([76])– Chỉ cho Bát Chánh Đạo.

([77])– AA. ii, 476; UdA.26.

([78])– M.i, kinh Sợ hãi và khiếp đảm (Bhayabheravasutta).

([79])- UdA. 26.

([80])– CAGI. 524.

([81])– Luật Đại Phẩm I.

([82])– Trong Tạng kinh Miến Điện, ghi Ngài là “Aññāsi Koṇḍañña”,  còn Tạng kinh ở Ceylon (Tích Lan) ghi là “Aññāsi Koṇḍañña” hoặc “paṭivedha Koṇḍañña” (KiềuTrầnNhư thông đạt). Trong bản Sớ giải Kệ ngônTrưởng lão Tăng (ThagA) và Tạng Luật bộ Đại phẩm (Mahaavagga), gọi là “Añña Koṇḍañña).

Bà Rhys Davids cho rằng “Añña” là tên riêng của Ngài KiềuTrầnNhư. (Gotama the Man. p.2).

([83])– Luật Đại phẩm I (Mahāvagga).

([84])– A.i, 24. Phẩm người tối thắng.

([85])– AA.i, 84.

([86])– Luật Đại phẩm I (Mahāvagga).vagga).

([87])– ThagA. i, 37.

([88])– A.i, 24. Phẩm Người tối thắng.

([89])– A.iv, Pháp bảy chi. Kinh Mặt trời (Suriyasutta).

([90])– ThagA. ii, 3.

([91])– S.i, 193. Tương ưng Vaṅgisa. Kinh Koṇḍañña (Koṇḍaññasutta).

([92])– SA. i, 218.

([93])– Ibid.

([94])-Thag. 69. Kệ ngôn Trưởng lão Añña Koṇḍañña.(HT TMC d).

([95])– Ap. i, 48.

([96])– ThaA. ii, 1; DhpA. Kệ ngôn số 11-12. Nhưng có chút lí khác biệt là: “Trong bản Sớ giải Kệ ngôn trưởng lão, tiền thân của Ngài KiềuTrầnNhư là anh, còn trong bản Sớ giải kinh Pháp cú, Ngài là người em”.

([97])– D.iii, kinh Đại viên tịch (Mahāparinibbāna suttanta).

([98])– Thag. 9. Ngài Vappa.

([99])– Khoảng tháng 10 -11dl).

([100])Vin.iv, 8.

([101])– Vin.i, 245; D. i,104.

([102])– ThagA.i, 140.; J.i, 82.

([103])– Về Ngài Bhaddiya, chúng tôi chua tìm thấy tiểu sử cũng như công nghiệp của Ngài. Mong độc giả hoan hỷ, nếu có tư  liệu về Ngài Bhaddiya xin hãy bổ túc thêm –Ns.

([104])– DhpA. Câu số 73-74.

([105])– A.i, 24. Pháp một chi. Phẩm người tối thắng.

([106])– Vào ngày rằm tháng 6 âl (theo lịch VN), Đức Phật thuyết kinh Chuyển Pháp luân, Ngài KiềuTrầnNhư chứng quả dự lưu; ngày thứ hai Ngài Vappa chứng quả Dự lưu; ngày thứ ba Ngài Bhaddiya chứng quả Dự Lưu, ngày thứ tư Ngài Mahānāma chứng quả Dự Lưu, ngày thứ năm Ngài Assaji chứng quả Dự lưu. Vào ngày thứ sau (tức nhằm ngày 20 âl). Cả 5 Ngài đều chứng quả ALaHán.

([107])– DhpA. Kệ ngôn số 11-12.

([108])– DhpA. iv. 150-1.

([109])– M.i. Saccakatiểu kinh (Cūlasaccakasuttaṃ).

([110])– S.iii, 124.

o-L(A�eu�Q  6 trọn vẹn” (guṇasampatti), tốt đẹp nhất trong tất cả cõi hữu sắc, từ tài sản vật chất cho đến năng lực tinh thần, nên có tên gọi là Sắc cứu cánh.

Khác với các Phạm thiên Tịnh cư ở bốn cõi thấp, Phạm Thiên Sắc cứu cánh “chắc chắn” sẽ viên tịch ngay trong kiếp sống ấy.

Các Phạm thiên ở cõi Vô phiền … Thiện Kiến, còn phải tái sinh lên cõi cao hơn nếu như chưa chứng quả ALaHán.

Cõi này được gọi là Sắc cứu cánh (Akaniṭṭhā), do nương tên của vị Phạm thiên ấy mà định danh.

Vị Thánh ANaHàm chứng ngũ thiền, có tuệ quyền mạnh, mệnh chung sinh về cõi này, có tuổi thọ là 16.000 kiếp trái đất.

Các cõi Phạm thiên Tịnh cư này đều có khả năng nhìn thấy nhau ([104]).

Đức Buddhaghosa (Phật Âm) giải thích “Ngài Ghatikāra tái sinh về cõi Sắc Cứu Cánh, do y cứ vào Phật ngôn “viên tịch chính tại nơi ấy”.

Còn việc Phạm thiên Ghatikāra nhìn thấy các Phạm thiên cõi Vô phiền là điều dễ hiểu, còn nhận biết các Tân Phạm thiên ấy là đệ tử của Đức Phật Gotama, đó là “năng lực trí tuệ” của Đức Phạm Thiên ấy”.


([1])– D.iii, kinh Đại Bổn (Mahāpadānasuttanta).

([2])– D.iii, kinh Đại Bổn.

([3])_ M.i, kinh Thánh cầu (Ariyapariyesanasuttaṃ).

([4]) A.i, 145. Pháp ba chi. Kinh “được nuôi dưỡng tế nhị “ (sukhumālosuttaṃ).

([5])Dhs. Chương Toát yếu (nikkhepakandaṃ), Nhị đề kinh (suttantikaduka), số

([6])– BvA. Lịch sử Đức Phật Gotama (Gotamabuddhavaṃsavaṇṇanā).

([7])– Nibbuti là tên gọi khác chỉ cho Nípbàn, là “sự diệt tắt” – Ns.

([8])– M.i, kinh Ví dụ về con rắn (alaggaduupamasuttaṃ).M.ii, kinh Potaliya (Potaliyasuttaṃ)

([9])– A.iii, 451.Chương sáu pháp, kinh “Thấy được bất tử”.

([10])– Xem Luật Tỳkhưu. Điều học trục xuất thứ 1.

([11])– M.i, Đại kinh Sư tử hống (mahāsīhanādasuttaṃ).

([12])-ĐĐ Nguyệt Thiên (d). Luật Phân tích Tỳkhưu II. Phẩm Ưng đối trị (Pācittiyavaggo). Đều học thứ 68.

([13])– S.v. Tương ưng hơi thở. Kinh Ariṭṭha (Ariṭṭhasuttaṃ)

([14])– SP. iv, 874.

([15])– M.ii, kinh Potaliya (Potaliyasuttaṃ).

([16])– M.ii. Selasuttaṃ

([17])– M.i, 447.

([18])– S.v, 225.

([19])– A.ii, 100. Chương 4 pháp, kinh Potaliya (Potaliyasuttaṃ).

([20])– Và0 ngày thứ hai, tháng 6 âl, tính theo lịch VN.

([21])– BvA.

([22])– SA.i, 67.

([23])– D.iii, kinh Đại thiện kiến vương (Mahāsudassanasuttanta).

([24])– J.iv, 232.

([25])– D.iv, kinh Chuyển luân sư tử hống.

([26])– Đọc là ma-rá

([27])– M.i, kinh Bẫy mồi (Nivāpasuttaṃ),

([28])– A.iii, 69. Chương năm pháp, kinh Mẹ con (Mātuputtikasuttaṃ).

([29])– MA.i, 28.

([30])– D.iii.

([31])_ M.i,118.

([32])ThagA.ii, 46.

([33])– Vsm. 211.

([34])– S.iii, 188. Tương ưng Rādha (Rādhasaṃyutta). Kinh Māra (mārasuttaṃ).

([35])– S.iii, 195.

([36])– ItvA. 197.

([37])– Dhp. Câu số 7.

([38])– S.iv, 91.

([39])– S.iii, 73.

([40])– Dhp. Câu 40.

([41])SA.ii, 246.

([42])– M.i.

([43])– A.ii, 100. Pháp bốn chi, kinh Thi thiết

([44])– SA.i,158.

([45])– SA.i, 133; MnidA. 328.

([46])– MA.i, 28.

([47])– Sn. 74. Kinh Tinh cần (padhānasuttaṃ).

([48])– Ngày 15 tháng 4 âl, tính theo lịch VN.

([49])– Amaraṃ (bất tử), chỉ cho “giải thoát” hay Nípbàn

([50])– S.i, 103. Tương ưng Ác ma (Mārasaṃyutta). Kinh Khổ hạnh (tapokammasuttaṃ).

([51])– Nắm giữ “cái tôi” – Ns.

([52])– S.i, 103. Kinh Hình thức voi chúa (Hatthirājavaṇṇasuttaṃ).

([53])– Khayita nghĩa đen là “ăn hết”.

([54])– S.i, 122.Tương ưng Ác ma (Mārasaṃyutta). Kinh Bảy năm theo dõi (Sattavassānubandhasuttaṃ); D.iii, kinh Đại viên tịch (Mahāparinibbāna).

([55])– ĐĐ Nguyệt Thiên (d). Luật Đại phẩm I, số 33.

([56])– HT. TMC(d). S.i, 105. Tương ưng Ác ma, kinh Bẫy sập.

([57])– S.i, 106. Kinh Con rắn (Sappasuttaṃ).

([58])– Ṣ. i, 107. Kinh Nằm ngủ (Supatisuttaṃ)

([59])– S.i, 109. Kinh hòn đá (Pāsāṇasuttaṃ).

([60])– S.i,27. Tương ưng chư thiên (Devatāsaṃpayuttaṃ), phẩm IV. Quần tiên. Kinh Miếng đá vụn (Sakalikasuttam.).

([61])– S.i,110.

([62])– Bốn pháp Như ý là: “Ước muốn như ý” (chandiddhipāda). Tức là ước muốn diều nào, điều ấy (hay pháp ấy) hiện khởi.

– Tinh tấn như ý (viriyiddhipāda). Là sự nỗ lực hành pháp được như ý mong muốn.

– Tâm như ý (cittiddhipāda). Tâm an trú trong cảnh nào, như cảnh tiền, cảnh thiền tướng … đều được như ý.

– Trí như ý (vimaṃsiddhipāda). Là trí quán xét các pháp theo như ý muốn –Ns.

([63])– S.i16; DhpA. Câu số 331.

([64]) – DupA. Câu số 200; S.i, 113.

([65])– 15 tháng giêng âl, theo lịch VN.

([66])– D.iii. Kinh Đại viên tịch (Mahāparinibbānasuttanta).

([67])– S.i, 67. Chương Tương ưng thiên từ (Devaputtasaṃyuttaṃ)

([68]) -S.i, 111.

([69])– S.i, 108.

([70])– S.i, 112.

([71])– S.i, 114.

([72])– S.i, 117.

([73])– DhpA. Câu số 385.

([74])– Tháng 5 âl, theo lịchVN.

([75])– D.iii, Kinh Đại Hội (Mahāsamayasuttanta).

([76]) – Cuộc Kết tập Phật ngôn lần I tại Tích Lan, được diễn ra vào thời vua Devanampiya Tissa (127 – 207 tTl), được diễn ra ở thành phố Anurādhapura, một trung tâm Phật giáo nỗi tiếng của Tích Lan . Vị chủ tọa cuộc kết tập Phật ngôn này là Đại trưởng lão Arittha người Tích Lan, là vị đệ tử đầu tiên của Đại trưởng lão Mahinda, người truyền bá Phật giá0 sang Tích Lan.

([77])– S.i, 120.

([78])– S.i, 122.

([79])– DhpA. Câu 351.

([80])– Xem Tương ưng kinh I. Tương ưng Tỳkhưu ni (Bhikkhunīsaṃyutta).

([81])– Upadhi là “ràng buộc với tái sinh”. Có bốn loại sanh y là: “ràng buộc với dục, gọi là dục sanh y” (kāmūpadhi)”, “ràng buộc với uẩn, gọi là “uẩn sanh y” (khandūpadhi)”, “ràng buộc với phiền não, gọi là “phiền não sanh y” (kilesūpadhi)”, “ràng buộx với pháp hành, gọi là “hành sanh y” (abhisankhārūpadhi).

([82])– SnA, 3. Kinh Dhaniya (Dhaniyasuttaṃ)

([83])– AA.i, 26. Phẩm “người tối thắng”.

([84]) – Chúng tôi tôn trọng tác phẩm Buddhavaṃsa – Atthakathā, nên dịch đúng theo nguyên tác. Riêng Bồtát ném tóc và vương miện lên cao đến 16 km # 2 lần chiều cao núi Everest của dãy HyMãLạpSơn. Điều này như thế nào do độc giả tự suy gẫm – Ns.

([85]) – Tương tự như (1). Tức là hộp ngọc tựa như  “khối núi lớn”, chỉ đựng chiếc vương miện cùng nắm tóc với diện tích rất nhỏ so với diện tích đáy hộp – Ns.

([86])– ĐĐ Nguyệt Thiên (d). Sử liệu bảo tháp (Thupavaṃsa).

([87])-Mhv. Chương XVIII.

([88])– Tam y là: Y hai lớp (saṅghati cīvara), y thượng (uttarasaṅga civara)i và y hạ (antaravāsika civara).

([89])– BvA. Lịch sử Đức Phật Gotama (Gotamabuddhavaṃsa). 33.

([90])Cum. Sen có từ khi thế gian hình thành, để báo hiệu kiếp trái đất ấy có xuất hiện Đức Chánh giác hay không (xem phần “giải về hiếp” ở trước), và chỉ co Phạm thiên thấy được cụm sen ấy mà thôi.

([91])– DhpA.

([92])– ĐĐ Thiện Phúc (d). Chú giải Người và Cõi.

([93])– ĐĐ Nguyệt Thiên (d). Sử liệu về bảo tháp (Thūpavaṃsa). 35.

([94])– VA. Chuyện Thiên tử Kaṇṭhaka

([95])– M.ii, Ghatikārasuttaṃ.

([96])– Đây là danh từ của giai cấp Bàlamôn dùng để bôi nhọ bậc xuất gia, vì họ cho rằng “xuất gia là đi ngược với quan điểm của họ. Quan điểm của Bàlamôn là “phải có con để nối dõi giòng dõi cao quý Bàlamôn”.

([97])– Xem Bổn sanh số 316 ()

([98])– Xem Bổn sanh cố 35 .(Vattakajātaka – Tiền thân con chim Cút).

([99])– Xem Bổn sanh số 20. (NaNalakapāna -Chuyện hồ Nalakapāna).

([100])– DhpA.Kệ ngôn số 195-196.

([101])– A.ii, 245. Chương bốn pháp. Kinh Xứng đáng được dựng tháp.

([102])– S.i, 35. (Ghatikārasuttaṃ).

([103])– DhA.i, 33; J.ii, 80; J.iii, 282.

([104])– ĐĐ Thiện Phúc (d). Chú giải Người và Cõi.

Các bài pháp trong cuốn Đức Phật Và 45 Năm Hoằng Pháp Độ Sinh do Tỳ-khưu Chánh Minh biên soạn.

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app