Chương I: Đức Phật Lịch Sử, Niên Đại, Chữ Brahmi, Bồ-tát, Bồ-tát Được Thọ Ký

Chương I. Đức Phật lịch sử.

Các học giả ngày nay đã xác nhận Đức Phật Gotama (CồĐàm) là “Đức Phật lịch sử”, không phải là “Đức Phật huyền thoại”.

Chính những trụ bia ký của vị hộ pháp nỗi tiếng trong Phật giáo là Đức vua Asoka (ADục), đó là “bản khai sinh” của Đức phật lịch sử.

1- Niên đại.

Theo truyền thống Phật giáo Tích Lan, vào ngày trăng tròn tháng Vesākha([1]), năm 624 trước Tây lịch (tTl), khi bà Hoàng hậu Māyā trong tư thế đứng, đưa tay hái cánh hoa Sāla (Vô ưu) đang nở, trong vườn Lumbini (LâmTỳNi), bà hạ sinh một bé trai được đặt tên là Siddhattha (SĩĐạtTa hay TấtĐạtĐa).

Hai mươi chín năm sau, Bồtát SĩĐạtTa lìa bỏ cung vàng điện ngọc ra đi xuất gia, sau sáu năm tu tập, Ngài trở thành vị Phật Chánh giác vào năm Ngài 35 tuổi.

Nhà khảo cổ nỗi tiếng là “Tướng Cunningham” đã tìm thấy Thánh địa Lumbini (LâmTỳNi) vào năm 1896 ([2]).

Lumbini hiện nay là Rummindei, cách Vārānasi một trăm Anh, nằm trong lãnh thổ Nepal.

Một trụ bia ký do vua ADục xây dựng vào năm 245 (tTl) được tìm thấy ở nơi này, thạch trụ cao 6,5m  có 5 hàng chữ với 93 chữ Pāli, viết theo mẫu tự Brahmi như sau:

“Devanampiyena Piyadassina lajina visativasabhisitena

Atana agacha mahiyite Hida Buddhe jate Sākyamuniti

Siklavigadabhi cha kalapita silathabhe cha usapapite

Hida Bhagavam jatehi Lumbini-game ubalike kate.

Atha bhagiye cha”.

Nghĩa:Đức vua Devanampiya Piyadasi, sau khi lên ngôi được 20 năm, ngự đến nơi này chiêm bái. Đây là nơi Đức Phật Sākyamuni sinh ra, Đức vua hạ linh xây dựng bức tường thành bằng đá bao quanh chỗ này và trụ đá bên trong để đánh dấu nơi Đức Thế Tôn đản sinh. Vua cho phép dân làng Lumbini miễn đóng thuế đất và giảm thuế hoa lợi còn 1/8”([3]). (Theo lệ thường thuế lợi tức là ¼, nay chỉ còn 1/8).

Ngài Trần Huyền Trang vào thế kỷ thứ 7 có viếng nơi này và trong ký sự của Ngài có ghi: “Đầu trụ đá có hình con ngựa rất mỹ thuật và trơn láng”, nhưng hiện nay chưa tìm được đầu thạch trụ di tích này” (sđd).

Chữ Brahmi.

Đây là “mẫu tự cổ của người Ấn”, hay là “chữ của Phạm thiên cho”.

Theo Ô. Will Durant nhà sử học nỗi tiếng người Mỹ gốc Pháp này, thì: “Mãi đến thế kỷ thứ VIII hoặc thứ IX trước Công nguyên, bọn thương nhân Ấn – có lẽ là người Dravidien (người Ấn bản địa- Ns.) mới đem từ Tây Á về một thứ chữ viết sémitique, tựa như chữ viết phénicien mà hồi đó người Ấn (chỉ cho các giáo sĩ Bàlamôn – Ns) gọi là chữ “brahma”; từ chữ viết đó, sau này họ tạo ra mẫu tự Ấn”([4]).

Không riêng gì người Ấn cổ, phần đông các dân tộc Á Châu ít quan tâm đến “niên đại lịch sử” (ngoại trừ người Trung Hoa quan tâm đến “niên đại lịch sử” rất sớm), nên việc xác định “năm sinh của Bồtát Siddhattha (SĩĐạtTa) cho đến nay vẫn còn là “vấn đề cần xem xét lại”.

Đại hội Phật giáo lần II ở Tokyo (Nhật Bản) vào năm 1952, qua sự tham khảo nhiều tư liệu Phật giáo sử, quyết định lấy năm 624 tTl là năm sinh của Bồtát Siddhattha (SĩĐạtTa), đồng thời chọn ngày trăng tròn tháng Vesākha([5]) là ngày Bồtát đản sinh.

Và theo đó Phật lịch được kể từ năm 544 tTl (Phật lịch được tính kể từ khi Đức Phật viên tịch).

Theo EDWARD J. THOMAS, trong cuốn “The life of Buddha as Legend and History”, ấn hành ở London năm 1956,  thì Bồtát SĩĐạtTa sinh năm 563 tTl.

Cách tính này dựa vào các bia ký của các triều đại vua xứ Magadha (MaKiệtĐà), vua Chandaguppa và vua ADục liên hệ đến lịch sử Phật giáo([6]).

Theo Phật giáo sử Tây Tạng thì Bồtát SĩĐạtTa sinh vào năm 620 tTl.

Theo sách “Chúng thánh điểm ký” là năm 565 tTl.

Theo bia ký ở Bodhigāya (Bồđề đạo tràng) là năm 623 tTl ([7]).

* Cách tính của các nhà khoa học.

Nhà khảo cổ học H.W Schumann  người Đức, trong quyển “The historical Buddha” (Đức Phật lịch sử)([8]) có dẫn giải (tóm lược) như sau:

– Cách tính thứ nhất.

Vào thời vua Candragupta (Candagutta) triều đại Mauriya (Khổng tước)([9]), đã có sự quan hệ ngoại giao với với cựu Đại tướng của vua Alexander (ALịchSơn) là Seleukos Nikator cai trị thành Babylonia.

Qua báo cáo của sứ thần Hy Lạp là Megasthenes được bổ nhiệm đến Pātaliputta (HoaThịThành) (Patna ngày nay), vua Candragupta được các sử gia Hy Lạp biết đến với tên gọi là Sandrokottos (tiếng Hy Lạp) và nhờ các sử gia này, chúng ta có thể tính ra niên đại lên ngôi của vua Candragupta là “vào năm 321 tTl”.

Từ niên đại này dẫn đến sự xác định những sự kiện được liệt kê trong bộ Dīpavaṃsa (Đảo sử) và bộ Mahāvaṃsa (Đại sử).

Theo sách Đại sử (Mahāvaṃsa) thì vua Candragupta trị vì nước Ấn 24 năm (321-297 tTl), nối ngôi vua Candragupta là vua Bindusāra, trị vì được 28 năm (297-269 tTl). Sau 4 năm tranh giành quyền lực với các hoàng huynh của mình, Thái tử ADục đã chiến thắng và lên ngôi vào năm 265 tTl (vào năm 218 sau khi Đức Phật viên tịch.

Tính ngược về phía trước thì Đức Phật viên tịch vào năm 483 tTl và năm sinh của Bồtát SĩĐạtTa là 563 tTl.

Nhưng trong bộ Purānas (Chuyện cổ nhân) ghi nhận “vua Bindusāra chỉ trị vì được 25 năm” (không phải là 28 năm như hai bộ sách “Đảo sử” và “Đại sử” ghi nhận), nên cần phải kiểm tra lại từ những nguồn tư liệu khác nữa ([10]).

– Cách tính thứ hai.

Là “dựa vào các sắc dụ của vua ADục”. Một sắc dụ trên thạch trụ số XIII, ghi ngày “đẩm máu” của nước Kalinga, khi vua ADục chinh phục thành công nước này.

Thạch trụ này có lẽ được xây dựng sau 12 năm của sự kiện “đẩm máu” nói trên, trên thạch trụ có nêu danh sách 5 vị vua (không phải người Ấn) mà vua ADục tiếp kiến là: Antiochus II của nước Syria, vua Ptolemy của nước Ai Cập, vua Antigonus của Macedonia, vua Magas của Cyrene, vua Alaxder của Epirus (Hy Lạp).

Niên đại của 5 vị vua này đều được biết rõ, năm gần nhất các vị vua này vẫn còn sống là 258 tTl, có thể đó là năm gần nhất của sắc dụ này.

Tính lùi lại 12 năm cộng với con số 218 nói trên, chúng ta tính được 488 tTl là năm Đức Phật viên tịch, và năm 568 tTl là năm Bồtát sinh ra.

Tuy nhiên, điểm sai lệch có thể có là “khoảng thời gian giữa năm lên ngôi của vua ADục và năm ban hành sắc dụ này, khoảng thời ấy ấy có thể ít hơn mười hai năm”(sđd).

* Chúng Thánh điểm ký.

Theo tài liệu “Phật học nghiên cứu thập bát thiên” của nhà đại học giả Lương Khải Siêu.

Ông Lương Khải Siêu dẫn chứng từ bộ “Luật Thiện Kiến”, cho rằng “Đức Phật viên tịch vào năm thứ 35 của vua Kinh Vương nhà Châu, hay vào năm thứ 7 của Ai công nước Lỗ, tức vào năm 485 tTl”. Như vậy Bồtát sinh ra vào năm 565 tTl.

Khi Đức Phật viên tịch, Tôn giả Upāli kết tập Luật tạng, lập nên bộ Luật Thiện Kiến. Mỗi năm vào ngày “lễ Tự tứ”([11]), bộ Luật được dâng hương cúng dường và ghi vào phía sau “một chấm” (nên bộ sách còn có tên “Chúng Thánh điểm ký”), bộ Luật này được truyền thừa liên tục.

Ngài Sanghabhara mang bộ Luật này sang Trung quốc vào đời Tề năm 489 sTl và dịch ra Hán văn tại chùa Trúc Lâm, Quảng Châu.

Ngày Tự tứ năm ấy ghi đến điểm thứ 967, dựa vào đấy, ông Lương Khải Siêu tính ra năm Bồtát sinh ra([12]).

Nhưng cách tính này không đáng tin cậy, như sau:

– Thời Đức Phật, hệ thống kinh điển của Đức Phật không được ghi chép, mãi đến kỳ “kết tập Phật ngôn” lần thứ III thời vua ADục, có khả năng “Kinh điển Phật giáo mới được ghi chép”. Và có khả năng Ngài Mahinda (MaSẩnĐề) mang bộ Kinh điển cùng Sớ giải sang đảo Sirilanka (Tích Lan).

Như Ô. Will Durant nhà sử học Mỹ gốc Pháp nhận định: “Người ta còn có thể ngờ rằng các tôn-qui của đạo Phật mãi tới thế kỷ thứ III trước Công nguyên mới chép thành văn”([13]).

Theo sách Mahāvaṃsa (Đại sử), mãi đến cuối thế kỷ I tTl, trong thời vua Vattagāmanī ([14])  (101 -77 tTl, có một số tài liệu khác cho là từ 88 -46 tTl)([15]), nước Tích Lan có tổ chức “kết tập kinh điển lần IV”, dưới sự chủ toạ của Đại Trưởng lão Rakkhita cùng 500 vị Trưởng lão đa văn, khi ấy toàn bộ kinh điển cùng các bản luận giải (atthakathā) được ghi chép trên “lá buôn”.

Và Giáo pháp của Đức Phật được phân thành Tipitaka (Tam Tạng) là “giỏ Luật” (Vinayapiṭaka), “giỏ Kinh” (Suttapiṭaka) và “giỏ Thắng pháp” (Abhidhammapiṭaka)([16])như ngày nay.

Việc ghi chép trên kinh điển Phật trên “lá buôn” chỉ có ở xứ Tích, còn việc ghi chép Kinh điển Phật ở Ấn Đô thì như thế nào? Không có sử liệu nào ghi nhận: “Cuộc kết tập kinh điển lần thứ III vào thời vua ADục, có ghi chép kinh điển của Đức Phật”.

Vào kỳ “Kết tập kinh điển lần IV” tại Ấn Độ, do vua KanisahkaII bảo trợ (78 -10 sTl), Thầy Huyền Trang có ghi chép: “Sau khi kết tập, kinh điển được khắc trên những lá đồng và được cất giữ trong ngôi nhà mái vòm”, nhưng những văn bản này hiện nay không tìm thấy.

Theo các nguồn tư liệu trên thì “Kinh điển Phật giáo được ghi chép” sớm lắm cũng từ “thế kỷ thứ III tTl”.

Nên Đức Upāli “giải thích về Luật”, được ghi chép bằng văn bản từ thời Ngài còn sống, là điều khó xảy ra. Ngoài ra còn một số nghi vấn như sau:

– Vật liệu dùng làm giấy để viết chữ thời Ngài Upāli còn sống là loại nào? Không thấy đề cập đến.

– Vì sao một cổ thư “quý “như thế, nguyên nhân nào Ngài Sanghabhadra lại mang sang Trung quốc, mà không có sự phản đối của chư Tăng trong xứ Ấn?

– Trên bộ sách có 967 điểm, tức là bộ sách có “gần ngàn năm”, vì sao loại “giấy của nguyên bản” có thể tồn tại gần cả ngàn năm?

Lại nữa, Luật Thiện Kiến chính là “một phần” của Bộ Sớ giải về Luật có tên gọi là Samantapāsādikā.

Bộ này do vị Đại luận sư Buddhaghosa (Phật Âm) soạn lập theo yêu cầu của Đại trưởng lão Buddhasiri người Tích Lan, một phần của bộ Samantapāsādikā được Ngài Sanghabhadra mang sang Trung quốc vào năm 489 sTl như đã nói ở trên([17]) (Ngài Buddhaghosa sống vào đầu thế kỷ thứ V sTl).

Như vậy con số 967 “chấm” trên “Bộ Luật Thiện kiến” không đáng tin cậy, cần phải xem xét lại.

Nhưng cho dù theo nguồn tư liệu nào Nam truyền hay Bắc truyền, tuy các nguồn tư liệu ấy chưa được chính xác trọn vẹn và có pha chút ít “huyền thoại” về Đức Phật Gotama, nhưng tất cả đều đồng ý “Đức Phật Gotama là đức Phật lịch sử”.

2- Bồtát (bodhisatta).

Chữ Bodhisatta âm là “Bồđềtátđỏa”, đọc tắt là “Bồtát”, nghĩa là “chúng sinh thông minh” (hữu tình giác).

Quan niệm “Bồtát” của Nam truyền khác với quan niệm của Bắc truyền.

Theo Nam truyền “bồtát” chỉ là một phàm nhân, nhưng là một phàm nhân “sáng suốt”, thấy “sinh tử luân hồi” là một “đau khổ lớn nhất” trong tất cả các đau khổ, vị ấy tạo những công đức (puññā) với “chí nguyện” (adhiṭṭhāna) thoát ra khỏi “sinh tử luân hồi”, “chúng sinh ấy là Bồtát”.

Bồtát là danh từ chỉ cho vị “chưa giác ngộ”, nói cách khác “chỉ cho vị đang đi trên đường dẫn đến giác ngộ” (buddha)

Giác ngộ cái gì?

Giác ngộ “bốn chân lý cao quý  là: Sự thật về khổ, sự thật về nguyên nhân sinh khổ, sự thật về sự diệt khổ và sự thật về con đường diệt khổ”.

Khi thấu triệt được “bốn chân lý”, vị Bồtát trở thành Phật. Có ba bậc Phật:

Phật Toàn giác  (Sammā sambuddha).

Là vị Bồtát tự mình giác ngộ “bốn chân lý cao quý”(catuttha ariya saccā), rồi giảng dạy cho nhân thiên cùng biết, để cùng giác ngộ như mình. Ngoài ra Đức Chánh giác còn thấu triệt “tột cùng lý thập nhị duyên khởi” (Paṭicca sammuppāda).

Phât Độc giác (còn gọi là Phật Bíchchi – Paccekabuddha).

Là vị Bồ tát tự mình giác ngộ “bốn chân lý cao quý”, nhưng không thể giáo hóa cho người khác cùng biết để trở thành như vị ấy.

Tương tự như Đức Toàn Giác, vị Độc Giác cũng thấu hiểu “lý duyên sinh duyên khởi”, nhưng sự “thấu triệt về Pháp môn” này của Đức Độc Giác không thể sánh bằng Đức Toàn giác, nhưng trí về “lãnh vực này” của Đức Phật Độc giác cao hơn hai vị  “Thượng thủ Thinh Văn”.

Phật thinh văn (Sāvakā buddha).

Vị Bồtát không thể tự mình giác ngộ” bốn chân lý cao quý”, phải nhờ vị Phật Toàn giác chỉ dạy, rồi nỗ lực thực hành, chứng quả vị ALaHán (Arahaṃ).

Sự “giải thoát cả ba bậc có khác nhau không”?

Không khác nhau về “phương diện giải thoát”, chỉ khác nhau về “ tâm bi mẫn, đức độ và trí tuệ”.

Đức Phật có dạy: “Biển lớn chỉ có duy nhất vị mặn, Giáo pháp như Lai chỉ có duy nhất là vị giải thoát([18]).

Dễ hiểu hơn, chúng ta có thể hiểu “giác ngộ” qua 3 ví dụ sau:

a- Nếm muối.

Một đứa bé nếm viên muối, nó cũng hiểu biết là “mặn”, người lớn bình thường hay nhà khoa học khi nếm muối cũng biết là “mặn”. Nhưng sự hiểu biết vị mặn “của muối” khác nhau.

Đứa bé ví như Thánh ALaHán, ngươi lớn ví như Phật Độc Giác, nhà khoa học ví như Phật Chánh giác, vị mặn của muối ví như “vị giải thoát”.

Cũng vậy, cùng chứng ngộ “bốn chân lý cao quý” thì cùng giải thoát, nhưng sự “thấu triệt” giải thoát thì khác nhau.

b- Có ba người muốn sang sông.

Người thứ nhất ra sức đóng con thuyền rộng và lớn để sang sông.

Người thứ hai ra sức đốn một cây cổ thụ lớn, tạo thành chiếc thuyền “độc mộc”.

Người thứ ba không có khả năng “làm thuyền lớn”, cũng không thể “đốn cây làm thuyền độc mộc”; người ấy đứng ven bờ khi thấy “thuyền lớn đang vượt sông”, người ấy xin đi nhờ và được chủ thuyền chấp nhận.

Cả ba người đều sang bờ an toàn như nhau.

Người thứ nhất chỉ cho Phật Toàn giác, người thứ hai ví như Phật Độc giác và người thứ ba ví nhân bậc Thánh ALaHán, “con thuyền ví như Tứ diệu đế”,  “sang bên kia bờ,, ví như giải thoát khỏi sinh tử luân hồi”.

Nghĩa là “tuy cùng giác ngộ lý Tứ đế”, nhưng sự hiểu của ba bậc chênh lệch nhau. Người thứ ba chỉ biết “khái quát về con thuyền”, người thứ hai chỉ hiểu rành “con thuyền độc mộc”, người thứ nhất hiểu tất cả cấu trúc và sự vận hành, hiểu tất cả mọi bộ phận cùng chi tiết của con thuyền lớn”.

c- Đến thành phố xinh đẹp.

Có ba người cùng muốn đến thành phố xinh đẹp.

Người thứ nhất ra công đóng cổ xe lớn, vì nghĩ rằng “trên đường đi, ta sẽ cho người khác cùng lên xe để đến thành phố”.

Người thứ hai vì khả năng có hạn, nên chỉ có thể đóng cổ xe chứa được một người.

Người thứ ba không có khả năng “tạo xe”, đứng bên vệ đường chờ đợi. Khi thấy cổ “đại xa”, người này xin chủ xe cho đi nhờ.

Cả ba cùng đến thành phố và cùng nhận biết thành phố như nhau.

Thành phố xinh đẹp ví như Nípbàn (nibbāna); người thứ nhất ví như Đức Toàn giác; người thứ hai ví như Đức Độc giác; người thứ ba ví như Thánh ALaHán.

Phật Thinh văn chia thành 2 bậc:

Thánh Vô học. Là chỉ cho bậc Thánh ALaHán, còn gọi là saccāni buddha.

Thánh Hữu học. Là chỉ cho bậc Thánh từ Dự Lưu đến ANaHàm, còn được gọi là suta buddha.

Bậc Thánh ALaHán lại  chia làm ba hạng:

– ALaHán Thượng thủ Thinh Văn (Aggasāvaka arahanta).

– ALaHán đại đệ tử (Mahāsāvakārahanta).

– ALaHán thông thường (Pakati arahanta).

Bồtát trước khi “chứng đạt lý tứ đế” Ngài cũng chỉ là một con người, nhưng một con người tuyệt hảo để “chuẩn bị trở thành Phật” qua nỗ lực “thanh lọc ô nhiễm trong chiều sâu thẳm nội tâm của mình”, Bồtát tuy là phàm nhân nhưng gần như “hoàn thiện” qua sự nỗ lực tạo phước báu, để sẵn sàng trở thành Thánh nhân.

Chính Ngài đã dạy:

“Ekapuggalo bhikkhave, loke upajjamāno upajjati bahujanahitāya bahujanasukhāya lokānukampāya atthāya hitāya sukhāya devamanussānaṃ. Katamo ekapuggalo? Tathāgato arahaṃ sammā sambuddho.

“Này các Tỳkhưu, một người khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư thiên và loài người. Một người ấy là ai? Chính là Thế Tôn, bậc ALaHán Chánh đẳng giác”([19]).

Chữ Puggalo (người) chỉ cho sinh chúng là nhân loại, là “người” bình thường như mọi người. Và chính chữ manussa (người) đã nêu rõ là “một chúng sinh trong cõi người”.

Người ấy như thế nào? Người ấy trở thành bậc giác ngộ. Khi gặp Bàlamôn Dona, Ngài là “bậc đã giác ngộ”.

Và Đức Phật đã giảng cho Bàlamôn Dona như sau:

Này Bàlamôn Dona, ví như bông sen xanh hay bông sen hồng, hay bông sen trắng, sinh ra trong nước, lớn lên trong nước, vươn lên khỏi nước và đứng thẳng không bị nước thấm ướt.

Cũng vậy, này Bàlamôn, sinh ra trong đời, lớn lên trong đời, Ta sống chinh phục đời, không bị đời thấm ướt.

“Này Bàlamôn, hãy nhớ Ta là “người đã giác ngộ” (buddhoti maṃ dhārehi brahmaṇa)([20]).

Như vậy, rõ ràng Bồtát khi chưa thành Phật chỉ là “con người” như “mọi người”,  nhưng “người này đã chinh phục thế gian” và “trở thành vị Phật”.

Bằng cách nào? Bằng cách thanh lọc mọi ô nhiễm trong tâm.

* Người (manussa).

Chữ manu  xuất phát từ chữ  mahāsammanta, Mahāsammanta là danh hiệu của vị thống lĩnh đầu tiên của nhân loại ở thời “có con người xuất hiện và sống quần tụ”, cũng là danh từ đầu tiên xuất hiện trong cõi người ([21]).

Các Giáo thọ sư Cổ sơ giải thích:

“Mahājana sammantoti = Mahāsammanto:

Đại chúng cung kỉnh ai, người ấy là “đại vương”.

Và đại vương Mahāsamanta còn có tên gọi là Manu, bộ luật mà đại vương Mahāsammanta soạn ra, được gọi là “luật Manu”.

Chữ manussa (người) xuất phát từ chữ manu và “manussa” cũng chỉ là “phàm nhân”. Như có định nghĩa như sau:

Manuno apaccāti = manussa:

“Hậu duệ của manu, gọi là manussa”.

Mahāsammanta là “người thời sơ kiếp”, dĩ nhiên hậu duệ là manussa cũng là “con người”.

*Thời gian thực hành Balamật của Bồtát Chánh giác.

Tùy theo cấp độ thực hành pháp Balamật (paramī) mà phân ra ba hạng Bồtát: Bồtát thinh văn giác, Bồtát Độc giác và Bồ tát Chánh giác.

– Bồtát Thinh văn chỉ thực hành tròn đủ 10 pháp Balamật là đủ khả năng chứng quả giải thoát ALaHán.

– Bồtát Độc giác phải thực hiện tròn đủ 20 pháp Balamật với khoảng thời gian là 2 atăngkỳ (asaṅkheyya) với 100 ngàn kiếp trái đất.

– Bồtát Chánh giác phải thực hiện tròn đủ 30 pháp Balamật với thời gian tối thiểu là 4 atăngkỳ và 100 ngàn đại kiếp.

Gọi là “tối thiểu” Bồtát  Chánh giác có 3 hạng:

Bồtát tuệ hạnh. Phải thực hành 30 pháp Balamật suốt thời gian là 4 atăngkỳ và 100 ngàn kiếp trái đất.

Bồtát tín hạnh. Bậc này phải thực hành 30 pháp Balamật suốt thời gian là 8 atăngkỳ và 100 ngàn kiếp trái đất.

Bồ -tát tấn hạnh. Bậc này phải thực hành 30 pháp Balamật suốt thời gian là 16 atăngkỳ và 100 ngàn kiếp trái đất.

Ba hạnh Bồtát này cũng được áp dụng cho các vị Bồtát Độc giác và Bồtát Thinh văn giác.

Như “có 7 bậc Thánh là:

Bậc giải thoát hai bên (ubhato bhāgavimutti). Là bậc Thánh ALaHán thành tựu được thiền Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Bậc Tuệ giải thoát (paññāvimutti). Là bậc Thánh ALaHán không chứng thiền định.

Bậc Thân chứng (kāyasakkhī). Là bậc chứng thiền định trước, rồi sau đó chứng quả ALaHán,  nhưng chưa chứng đắc thiền Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Bậc Kiến chí (diṭṭhippatto). Là bậc nương theo trí tuệ, chứng quả Siêu thế, từ Nhất Lai đến ANaHàm.

– Bậc Tín giải thoát (saddhāvimutto). Là bậc nương theo “niềm tin” chứng quả từ Nhất Lai đến ANaHàm.

– Bậc Tùy pháp hành (dhammānucārī). Là bậc nương theo trí tuệ, chứng đạt Dự Lưu quả .

– Bậc Tùy tín hành (saddhānucārī). Là bậc nương theo “niềm tin”, chứng đạt quả Dự lưu([22])”.

Bậc Chánh Giác, bậc Độc giác và Thượng thủ thinh văn đều là “bậc giải thoát hai bên”.

Trong 7 bảy bậc Thánh ấy, chúng ta thấy có vị “nương theo đức tin để thành đạt quả Thánh”, có vị “nương theo trí tuệ để trở thành bậc Thánh”, có vị “nương theo định để trở thành bậc Thánh”. Điều này cho thấy “có 3 hạng Bồtát”.

Một đoạn kinh khác rõ ràng hơn như sau:

Có lần 3 vị Thánh là Sāriputta (XáLợiPhất), Samiddha và Koṭṭita bàn luận với nhau, Ngài XáLợiPhất có hỏi Ngài Samiddha rằng:

Tayome, āvuso Samiddha, puggalā santo saṃvijjamānā lokasmiṃ. Katame tayo? Kāyasakkhī, diṭṭhippatto, saddhāvimutto …

“Này hiền giả Saviṭṭha, có ba hạng người xuất hiện trong thế gian. Thế nào là ba? Bậc Thân chứng, Kiến chí và Tín giải …([23]) 

Lại nữa, Bồtát có 2 hạng là “bất định Bồtát”(aniyamabodhisatta) và “nhất định Bồtát”(niyamabodhisatta).

Bất định Bồtát. Là hạng Bồtát có thể thay đổi chí nguyện (aditthāna), như có hạng Bồtát có chí nguyện thành bậc Chánh giác hay Độc giác Phật trong tương lai, nhưng nửa chừng thay đổi ý nguyện chuyển thành “ALaHán” trong tương lai.

Nhất định Bồtát. Là hạng Bồtát không thay đổi chí nguyện của mình.

“Nhất định bồtát” thường được Đức Phật Chánh giác “tiên tri” (thọ ký) sẽ thành tựu ước nguyện.

Có câu hỏi rằng: “Vì sao Bồtát tuệ hạnh có thời gian hành pháp độ ngắn nhất, rồi đến Bồtát tín hạnh, sau cùng là Bồtát tấn hạnh?

Đáp: Trong bộ Pháp tụ (Dhammasaṅgani) của tạng Thắng pháp (Abhidhammapiṭaka) có ghi nhận:

– Có hai loại tâm thiện: Tâm thiện có trí và tâm thiện không có trí, nhưng cả hai loại tâm thiện này đều có tín (saddhā).

Nói cách khác “khi có trí thì có tín”, nhưng khi có tín chưa hẳn có trí.

Do vậy, tuệ hạnh cao hơn tín hạnh và thời gian hành pháp độ của Bồtát tuệ hạnh ngắn hơn so với Bồtát tín hạnh.

– Tâm sở Tấn (viriyacetasika) đều có trong pháp thiện lẫn pháp bất thiện.

Nói cách khác “khi có thiện thì có tấn”, còn khi có tấn chưa hẳn có thiện.

Do vậy, tín hạnh cao hơn tấn hạnh và Bồtát tín hạnh có thời gian hành pháp độ ngắn hơn so với Bồtát tấn hạnh.

Thời gian thực hành pháp Balamật của Bồtát thinh văn ra sao?

Với vị Thánh ALaHán thường, các Ngài phải mất ngàn kiếp trái đất để thực hành cho tròn đủ 10 pháp Balamật.

Với vị Thánh ALaHán đại đệ tử, các Ngài phải hành 10 pháp Balamật suốt thời gian là 100 ngàn kiếp trái đất.

Với vị Thánh Thượng thủ thinh văn (như Ngài XáLợiPhất, MụcKiềnLiên), các Ngài phải hành tròn đủ 10 pháp Balamật suốt thời gian là 1 atăngkỳ và 100 ngàn kiếp trái đất.

Đây là thời gian tối thiểu của bậc Thánh ALaHán thường và Thánh ALaHán đại đệ tử, có khi thời gian này kéo dài hơn nhiều.

Vị Thánh ALaHán muốn chứng được Đạo quả phải nghe được pháp của vị Chánh đẳng giác, có khi cả kiếp trái đất, thế gian này không có đấng Chánh giác xuất hiện([24]), do vậy tuy đầy đủ pháp Balamật, vị ấy cũng không thể chứng được Đạo quả.

Trong các bậc Bồtát thinh văn lại có :

Bồtát khai thị giả (ugghaṭitaññū). Là hạng Bồtát vừa nghe qua “tựa đề bài pháp”, hay vừa nghe qua hai câu của bài kệ 4 câu đã chứng quả Thánh, như Ngài XáLợiPhất  (Sārīputta) và MụcKiềnLiên (Moggallāna) chẳng hạn.

Bồtát quảng diễn giả (vipañcitaññū). Là hạng Bồtát nghe trọn vẹn bài pháp, chứng quả Thánh, như Ngài KiềuTrầnNhư (Koṇḍañña), Ngài Yasa, bà Visākhā ….

– Bồtát thực hành pháp (neyya bodisatta). Là vị sau khi nghe pháp phải tuần tự thực hành pháp, như Ngài Vappa, ngài Mahānāma (Đại Danh) …

3- Bồtát được thọ ký (tiên tri).

a- Bồtát thinh văn.

Để được Đức Phật Chánh giác thọ ký trong tương lai, ngoài chí nguyện “mãnh liệt” chứng đắc thánh quả ALaHán, vị Bồtát Thinh văn giác cần phải có 2 pháp:

1’- Tạo ân đức lớn (adhikāra) đến Đức Chánh giác lúc Ngài còn tại tiền.

2’- Phát nguyện ra lời (chandatā) quả vị mình mong cầu([25]).

Như các Đại đệ tử thinh văn của Đức Chánh giác Gotama, cách đây 100 ngàn kiếp trái đất, vào thời Đức Chánh giác có Hồng danh Padumuttara (Liên Hoa).

Sau khi cúng dường đến Đức Phật và chư tăng trọn 7 ngày, vào ngày thứ 7 vị ấy ước nguyện sẽ là “vị Tỳkhưu” (hay Tỳkhưu ni) tối thắng về hạnh … trong tương lai.

Và được Đức Phật Padumuttara (Liên Hoa) tiên tri:

“Sau 100 ngàn kiếp trái đất, ước nguyện của thiên gia nam tử này sẽ thành sự thật trong thời giáo pháp của Đức Phật Gotama”([26]).

Hoặc như tiền thân của Ngài XáLợiPhất, MụcKiềnLiên đã phát nguyện thành bậc Thượng thủ thinh văn tay mặt, tay trái vào thời Đức Phật Anomadassī, cách kiếp trái đất này là 1 atăngkỳ và 100 ngàn kiếp trái đất([27]).

b- Bồtát Độc giác.

Vị Bồtát Độc giác ngoài “chí nguyện” không hề thay đổi, để được Đức Chánh giác thọ ký, phải hội đủ 5 pháp là:

1’-Phải là người (manussattaṃ).

Tức là kiếp được thọ ký đầu tiên, Bồtát phải là người, vì rằng chư Độc giác Phật không xuất hiện cõi chư thiên hay cõi Phạm thiên hoặc trong bốn khổ cảnh.

2’- Phải là người nam (liṅgasampatti).

Tức là kiếp được thọ ký, Bồtát Đôc giác phải là người nam, vì chư Phật Độc giác không hề mang thân người nữ.

3’- Gặp được bậc Chánh đẳng giác.

Một số Giáo thọ sư cho rằng “chỉ cần gặp bậc Thánh ALaHán” (āsavakkhaya dassana) là đủ.

Tuy nhiên, bậc Thánh ALaHán “trí vị lai” của Ngài không sâu rộng như bậc Chánh giác, các Ngài không thể biết “chắc chắn ước nguyện này có thành tựu được Độc giác Phật hay không?” để Ngài “tiên tri”.

Nếu là vị Thánh ALaHán thường (bậc Lạc quán) lại càng không có trí vị lai này, thì làm thế nào Ngài có thể “tiên tri chắc chắn” được; huống chi “đây là quả vị Bíchchi Phật, cao hơn quả vị ALaHán mà các  vị Thánh thinh văn giác đã thành tựu”.

Ngay cả vị Bồtát Thinh văn muốn thành đạt “địa vị tối thắng, còn phải gặp được Đức Phật Chánh giác” và được “chính Đức Phật Chánh giác thọ ký”, thì còn nói chi đến “thành tựu Độc giác Phật”.

Do vậy, điều này nên hiểu là “gặp được bậc Chánh Đẳng giác”.

4’- Tạo một ân đức lớn (adhikāra) đến Đức Chánh Giác .

5’- Có khả năng chứng quả ALaHán ngay kiếp ấy.

Như tiền thân Ngài XáLợiPhất khi được Đức Phật Anomadassī thọ ký, ngay khi ấy Ngài có khả năng chứng quả ALaHán([28]).

Với địa vị Thượng thủ Thinh Văn khi được Đức Phật Chánh Giác thọ ký còn như vậy. Vị Bồtát Độc giác cao hơn dĩ nhiên cũng phải có chi phần này.

6’-Nguyện vọng được phát thành lời (chandatā).

Có câu hỏi rằng: Vì sao vị được thọ ký thành Phật Độc giác trong tương lai, không có chi phần “là bậc xuất gia”?

Đáp rằng. Theo thông thường Phật Độc giác ở trong phẫm mạo của bậc xuất gia. Nhưng trước khi chứng quả Độc giác, Ngài có thể ở trong phẩm mạo cư sĩ; riêng Bồtát Chánh giác, trước khi chứng quả Chánh giác, các Ngài phải là bậc xuất gia. Do đó chi phần “phải là bậc xuất gia” không nhất thiết phải có, như câu chuyện “Thợ hoa Sumana” như sau:

Thợ hoa Sumana (Thiện Ý).

Tương truyền trong thành Vương Xá (Rājagaha) có người thợ hoa tên là Sumana (Thiện Ý). Mỗi ngày ông phải mang đến hoàng cung 8 vòng hoa cho Đức vua Bimbisāra (BìnhSa)([29]) và nhận thù lao là 8 đồng vàng (kahāpaṇa).

Một hôm trên đường đến Hoàng cung để giao hoa, ông được nhìn thấy Đức Thế Tôn cùng với đại chúng Tỳkhưu đang ngự đi khất thực trong thành Vương Xá.

Đức Phật hiển lộ uy lực của Đức Chánh giác, từ kim thân Ngài tỏa ra vầng hào quang 6 màu thật xinh đẹp.

Thợ hoa Thiện Ý hoan hỷ muốn cúng dường đến Đức Phật, nhưng chẳng có vật chi khác ngoài tám vòng hoa, ông suy nghĩ:

“Tám vòng hoa này phải nạp cho Hoàng cung, nếu hôm nay không có hoa, Đức vua có thể giam cầm, lưu đài hoặc giết chết ta. Ta phải làm sao?”.

Rồi ông suy nghĩ tiếp: “Cho dù Đức vua có tử hình ta, ta chỉ chết có một kiếp. Khi ta cúng dường hoa này đến Đức Thế Tôn ta sẽ được hằng ngàn kiếp an lạc. Vậy ta hãy cúng dường 8 vòng hoa này đến Đức Thế Tôn”. Và ông đã cúng dường 8 vòng hoa đến Đức Thế Tôn.

Vua BìnhSa là vị Thánh Dự Lưu, nghe được điều này, rất hoan hỷ với việc phước của thợ hoa Thiện Ý, đã ban thưởng cho thợ hoa tám ngôi làng để thu thuế, tám tòa lâu đài, 8 voi, 8 cung nữ …

Đức Ānanda bạch hỏi Đức Thế Tôn về quả dị thục (vipāka) của thợ hoa Thiện Ý.

Đức Thế Tôn đã dạy Đức Ānanda rằng: “Thợ hoa Thiện Ý dám hy sinh mạng sống cúng dường đến Như Lai, do phước lành này thợ hoa không phải rơi vào khổ cảnh trằng trăm kiếp trái đất, và sẽ chứng quả Phật Độc Giác có hồng danh là Sumana”. Như có Pāli sau:

Kappānaṃ satasahassaṃ, duggatiṃ na gamissati.

Thatvā devamanussesu; phalaṃ etassa kammuno.

Pacchā paccekasambuddho; Sumano nāma bhavissati:

“Trong hằng ngàn kiếp trái đất, không đi đến khổ xứ.

Hưởng cảnh giới người, chư thiên; do quả lành nghiệp ấy.

Vế sau chứng quả Độc Giác Phật, với hồng danh Sumana”([30]).

c-  Bồtát Chánh giác.

Vị Bồtát Chánh giác ngoài “chí nguyện” không hề thối chuyển”, để được vị Phật Chánh giác thọ ký phải hội đủ 8 điều:

1’- Phải là người (manussattaṃ).

2’- Phải là người nam (liṅgasampatti).

3’- Có duyên lành (hetu) chứng quả ALaHán kiếp ấy.

4’- Găp được Đức Chánh đẳng giác (satthāra dassanaṃ).

5’- Là bậc xuất gia (pabbajjā).

6’- Chứng đạt pháp cao nhân (guṇasampatti).

7’- Làm một công hạnh đặc biệt (adhikāra) đến Đức Chánh giác.

8’- Phát nguyện thành lời (chandatā)([31]).

Vì sao phải hội đủ 8 điều này?

Vì rằng:

– Điều 1. Chư Phật Chánh giác không xuất hiện cõi chư thiên, cõi Phạm thiên hay trong bốn khổ cảnh, chư Phật Chánh giác luôn là “người”.

Do vậy, ngay kiếp được Phật Chánh giác thọ ký đầu tiên, vị ấy phải là người.

Điều2. Chư Phật Chánh giác không thể là nữ nhân, nên khi được thọ ký lần đầu tiên phải là người nam.

Điều 3. Là bậc có khả năng chứng quả ALaHán ngay kiếp đó.

Nói cách khác “vị được Đức Phật Chánh giác thọ ký: “Sẽ thành Phật Chánh giác trong tương lai”, vị ấy đã tròn đủ 10 pháp Balamật. Nếu thay đổi hạnh nguyện, ngay khi ấy vị Bồtát này thành tựu ngay ALaHán lục thông, như trường hợp Bồtát Sumedha (Thiện Huệ) được Đức Phật Dīpaṅkara (Nhiên Đăng) thọ ký.

Điều 4. Chỉ có Phật Chánh giác mới có “vị lai trí” sâu rộng. Ngài quán xét :hạnh nguyện của thiện gia nam tử này có thành tựu hay không?”,khi thấy thành tựu được, Ngài “tiên tri” một cách khẳng định.

Nếu thấy “ý nguyện chưa được kiên cố”, Ngài sẽ chúc rằng “Mong ý nguyện của người trở thành hiện thực” (Icchitaṃ patthitaṃ tuyhaṃ khippame vasamijjhātu).

Điều 5. Bậc Chánh giác không ở trong địa vị cư sĩ trước khi chứng quả Chánh giác, nên khi được thọ ký lần đầu tiên, vị ấy phải là “bậc xuất gia”.

Điều 6. Trước khi được thọ ký, vị ấy thành tựu được 8 tầng thiền và chứng đắc 5 pháp thần thông phàm là: Thần thông, thiên nhĩ thông, tha tâm thông, túc mạng thông và thiên nhãn thông.

Và điều này cho thấy, Bồtát Chánh giác được thọ ký phải là “Bồtát khai thị giả”.

Điều 7. Tức là “dám hy sinh mạng sống để cúng dường Đức Chánh giác”, như Bồtát Sumedha (Thiện Huệ) trải thân để Đức Phật Nhiên Đăng đi lên trên.

Vì rằng “để thành vị Chánh Đẳng giác, vị Bồtát Chánh giác có kiếp phải bố thí mạng sống để hoàn tất bố thí balamật đến bờ cao thượng, nếu còn tiếc rẽ mạng sống, thì không thể thành tựu quả vị Chánh Đẳng giác trong tương lai”.

Điều8. Phát nguyện thành lời là “củng cố ước nguyện được vững chắc”.

Sự ước nguyện của vị Bồtát Chánh giác có 3 thời kỳ: Ước nguyện trong tâm, phát thành lời và bổ túc pháp Balamật.

* Đối với Bồtát tuệ hạnh.

– Thời kỳ nguyện trong tâm là 7 atăngkỳ (asaṅkheyya) và gặp được năm trăm ngàn vị Chánh giác.

– Thời kỳ nguyện ra lời là 9 atăngkỳ và gặp được 12 ngàn vị Chánh giác.

– Thời kỳ bổ túc Balamật là 4 atăngkỳ với 100 ngàn kiếp trái đất và gặp được 27 vị Chánh Giác([32]).

* Đối với Bồtát tín hạnh.

– Thời kỳ nguyện trong tâm là 14 atăngkỳ và gặp được 1 triệu vị Chánh  giác.

– Thời kỳ nguyện ra lời là 18 atăngkỳ và gặp được 24.000 vị Chánh giác.

– Thời kỳ bổ túc Balamật là 8 atăngkỳ thêm 100 ngàn kiếp trái đất và gặp được 54 vị Chánh giác.

* Đối với Bồtát tấn hạnh.

– Thời kỳ nguyện trong tâm là 28 atăngkỳ và gặp được 2 triệu vị Chánh giác.

– Thời kỳ nguyện ra lời là 36 atăngkỳ và gặp được 48.000 vị Chánh giác.

– Thời kỳ bổ túc Balamật là 16 atăngkỳ với 100 ngàn kiếp trái đất và gặp được 108 vị Chánh giác.

Theo  Bản Sớ giảiPhật tông, Bồtát Chánh giác khi được thọ ký, suốt dòng sinh tử luân hồi còn lại sẽ không rơi vào 18 điều:

– Không tạo nghiệp vô gián là: Không giết cha, không giết mẹ, không giết vị ALaHán, không làm chảy máu Phật và không chia rẽ Tăng chúng.

– Không sinh vào cõi Vô tưởng.

– Không sinh vào cõi Tịnh cư (suddhavāsa). Vì cõi này dành riêng cho bậc Thánh ANaHàm.

– Không sinh vào “địa ngục không gian” (lokantarika).

– Không sinh vào “địa ngục Atỳ” (avīciniraya).

– Không sinnh làm Ma vương (māra) ở cõi trời Tha Hóa Tự Tại.

– Không sinh vào 4 cõi Vô sắc. Tuy Bồtát chứng đạt những tầng thiền Vô sắc, nhưng do “quyết định Balamật” (adhiṭṭhāna pāramī), Ngài quyết định không sinh vào bốn cõi Vộ sắc này.

– Không thay đổi nam tính. Tức là không sinh là người nữ, người lưỡng căn, người vô căn; cho dù sinh làm thú cũng là thú đực.

– Không là người câm, đui, điếc, què, người cùi (do bị bẩm sinh).

– Không “sinh ra từ nữ nô lệ”. Tuy Bồtát có khi sinh vào dòng thường dân, hoặc dòng nô lệ (Caṇḍala), nhưng mẹ Ngài không phải là “nữ nô lệ”.

– Không sinh làm người “điên loạn” hay là người “man rợ”.

– Không sinh làm Atula ngạ quỷ (Kāḷakañjakapeta asura). Vì loại Atula ngạ quỷ này luôn luôn bị thiêu đốt bởi ái dục, luôn luôn bị hành hạ bởi đói khát.

Loại ngạ quỷ mà Đức MụcKiềnLiên nhìn thấy khi đi từ trên núi Gijjhakūṭa([33]) (Linh Thứu) xuống, là loại AtuLa ngạ quỷ này([34]).

– Khi tái sinh làm thú, có thân hình không lớn hơn thân voi và không nhỏ hơn thân chim sẻ.

– Không tái sinh vào “luân vi thế giới khác”([35]).

Đối với Bồtát Thinh văn, hay Bồtát Độc Giác có khi phát nguyện thẳng thành lời, không cần phải qua thời gian “nguyện trong tâm”.

Như tiền thân của Đức XáLợiPhất trong thời Đức Phật Anomadassī, khi có ước vọng trở thành “Thượng thủ Thinh văn tay phải”, Ngài phát nguyện ngay thành lời và được Đức Phật Anomadassī thọ ký.

Nữ nhân không thể thành tựu 6 điều.

1- Nữ nhân không thể thành bậc Chánh Đẳng giác.

2- Nữ nhân không thể thành bậc Độc giác Phật.

3- Nữ nhân không thể thành Đại phạm thiên.

4- Nữ nhân không thể trở thành Ma vương.

5- Nữ nhân không thể thành vua trời Đế Thích.

6- Nữ nhân không thể là vua Chuyển luân vương ([36]).

Tuy nhiên, vẫn có thể ước nguyện những “địa vị” trên, khi “chuyển nữ vi nam” thì ước nguyện trên có khả năng thành tựu.

Theo quan điểm này thì “Bồtát” bao gồm cả nam lẫn nữ và có ba hạng Bồtát như  đã trình bày, đồng thời Bồtát vẫn còn là phàm nhân.

Theo quan điểm của Đại thừa, Bồtát chỉ cho “Bồtát Chánh giác” và còn cho rằng “Bồtát cao hơn Thánh ALaHán”.

Tức là cho rằng Bồtát có hai hạng: Phàm và Thánh; Thánh Bồtát là vị đã thành tựu quả ALaHán nhưng chưa muốn viên tịch, còn tạo phước Balamật cho tròn đủ để trở thành Phật Chánh giác.

Quan điểm này xét ra không thuyết phục lắm, vì rằng: Đức Phật cũng chính là bậc ALaHán, nhưng là “ALaHán Chánh Giác” (Arahaṃ sammāsambuddha) ([37]). Bậc ALaHán đã diệt trừ “tất cả ô nhiễm”, ví như nước đã trong sạch tuyệt đối rồi, còn làm cho nước thêm trong sạch là điều không thuyết phục lắm.


([1])– Khoảng tháng 4-5 Dl,  theo lịch Việt Nam (VN) là ngày 15 tháng 4 âl – Ns.

([2])- Piyadassi Mahathera. Phậtgiáo nhìn toàn diện. tr 18.

([3])– Cư sĩ Minh Thiện- Trần Hữu Danh. Sự tích Đức Phật ThíchCa. Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, năm 2007. tr.32.

([4])– Nguyễn Hiến Lê (d). Lịch sử văn minh Ấn Độ. Nxb Sở Thông tin – Văn hoá, năm 1989, tr.49.

([5])– Tháng 5 Dl, theo lịch Việt Nam là ngày 15 tháng 4 âl .Nhưng 15 tháng 5 Dl chưa hẳn rơi vào ngày rằm tháng tư  âl – Ns.

([6])– HT. Thích Chơn Thiện. Phật học Khái luận, (Viện nghiêrn cứu Phật học ấn hành, năm 1997), tr.13.

([7])– HT. Thích Minh Châu (TMC). Lịch sử Đức Phật ThíchCa; trường Cao cấp Phật học cơ sở II ấn hành, năm 1989, tr.13.

([8])– Bà Trần Phương Lan (d). Đức Phật Lịch sử.

([9])– Vua Candaguppa (hay Candragupta) là cha của vua Bindusāra, Bindusāra là cha của vua Asoka (ADục).

([10])– Bà Trần Phương Lan(d). Đức Phật lịch sử, tr.46-47.

([11]) – Làvào ngày chư Tăng mãn mùa “an cư” – Ns.

([12])-Ht. Thích Chon Thiện. Phật học khái luận, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, ấn hành năm 1997, tr.13.

([13])– Nguyễn Hiến Lê (d). Lịch sử văn minh Ấn Độ. Nxb Sở Thông tin – Văn hoá, năm 1989, tr.49.

([14])– Vua Vattagāmanī còn được viết là Duṭṭhagāmani – Ns.

([15]) – Nguyễn Đức Tu -Hữu Song (d). 2500 năm Phật Giáo. Nxb Văn Hóa Thông Tin, năm 2002, tr.62.

([16])– Nguyễn Đức Tư – Hữu Song (d). 2500 Phật giáo. Nxb Thông tin-Văn hoá, năm 2002, tr.62. (Nguyên tác: GS. P.V Bapat. 2500 year of Buddhism).

([17])– Tỳkhưu Siêu Minh (biên dịch). Trưởng lão Buddhaghosa nhà chú giải Kinh ĐiểnPāli. NXb Tôn giáo, năm 2005, tr. 111-112.

([18])– A.iv, 197. Pháp 8 chi. Kinh Atula Pahārādā

([19])– HT. TMC (d). A.i, 22. Pháp một chi. Kinh Như Lai.

([20])– HT. TMC (d). A.ii,37. Pháp 3 chi. Kinh Tùy thuộc thế giới.

([21])‑ D.iv. Aggaññasuttanta (kinh Khởi thế nhân bổn). Theo bản Sớ giải: Vua Mahāsammanta chính là tiền thân của Đức Phật Gotama.

([22])– A.iv, 74. Pháp 7 chi. Kinh Tissa.

([23])– A.i, 118. Pháp 3 chi. Phẩm Người (Puggalavaggo), kinh Samiddha (Samiddhasuttaṃ)

([24])– Trong Buddhavaṃsa có ghi nhận “giữa Đức Phật Dīpaṅkara và Đức Phật Kondañña là một XáLợiPhất kiếp trái đất”.

([25]) -Bv. 50.

([26])– Xem Apadāna.

([27])– DhpA. Câu số.

([28])– DhpA. Kệ ngôn số 11-12.

([29])– Bimbisāra còn được âm là TầnBàSa – Ns.

([30])– Xem thêm DhpA. Kệ ngôn số 30.

([31])– BvA.

([32])– Đức Phật Gotama là bậc tuệ hạnh. Trong 4 Atăngkỳ và 100 ngàn kiếp trái đất, Ngài đã gặp được 27 vị Phật : Kiếp trái đất mà Ngài được thọ ký có 5 vị Phật; 3 vị Phật trước đó Ngài chỉ gặp mà chưa được thọ ký. Đó là: Đức Phật Taṇhaṅkara, Medhaṅkara, Saranaṅkara.

Bồtát được Đức Phật Dīpaṅkara thọ ký đầu tiên, tiếp theo là:  Kondañña; Maṅgala, Sumana, Revata, Sobhita; Anomadassī, Paduma, Nārada, Padumuttara, Sumedha, Sujāta; Piyadassī, Atthadassī, Dhammadassī; Siddhattha, Tissa, Phussa, Vipassī, Sikhī, Vessabhū, Kakusandha và Kassapa.

([33])– Gijjhakūṭa còn được âm là “Kỳxàquật” – Ns.

([34])– Luật Phân tích Tỳkhưu. Điều học “triệt khai” thứ tư.

([35])–  BvA. Sớ giải về Đức Phật Gotama (Gotamabuddhavaṃsavaṇṇanā);  sách Aṭṭhasālinī.

([36])– SA. Tương ưng nữ nhân.

([37])– Một Hồng danh của Đức Phật Chánh giác.

Các bài pháp trong cuốn Đức Phật Và 45 Năm Hoằng Pháp Độ Sinh do Tỳ-khưu Chánh Minh biên soạn.

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app