Chương Iii: Đại Nhân Giáng Trần, 3 Sự Náo Động, Bồ Tát Giáng Trần, Hoàng Hậu Maya, Nhóm 7 Đồng Sinh

Chương III. Đại nhân giáng trần.

1-Ba sự náo động (kolāhala).

Có 3 sự “náo động” khởi lên trong thế gianlà:

– Náo động về đại kiếp (kappakolāhala).

– Náo động về Đức Phật (buddhakolāhala).

– Náo động về vua Chuyển luân (cakkavattikolāhala)([1]).

a- Náo động về đại kiếp.

Còn một trăm ngàn năm nữa, trái đất này bị hoại, có vị thiên nhân có tên là Lokabyūha thuộc cõi dục, hóa ra người với đầu cạo trọc hay với đầu tóc rối bù, mặc y phục đỏ, chiếc váy nhiều màu sắc, trên mặt đầm đìa nước mắt, đi khắp nơi, đến nơi tụ họp đông đảo như bến nước, phố chợ hay trên đường phố đông người, loan báo rằng: “Này các người ơi, sau một trăm ngàn năm nữa, thế gian này bị hoại do lửa, kể cả vua núi TuDi (Sineru) cũng bị cháy rụi, ngọn lửa này sẽ đốt cháy cả cõi Sơ thiền. Hỡi các người, hãy tu tập từ, bi, hỷ, xả, hãy phụng dưỡng cha mẹ, hãy kính lễ các bậc cao niên trong gia tộc”. Điều này gọi là “náo động về đại kiếp”

b- Náo động về Đức Phật.

Các vị thiên nhân Tứ đại vương hộ trì bốn châu, khi biết còn một ngàn năm nữa vị Chánh Đẳng giác xuất hiện, các vị ấy đi công bố khắp nơi rằng: “Hỡi các người, còn một ngàn năm nữa, sẽ xuất hiện vị Chánh đẳng giác”. Điều này gọi là “náo động về Đức Phật”.

c- Náo động về vua Chuyển Luân.

Các vị thiên nhân được biết, “còn một trăm năm nữa, vị vua Chuyển luân xuất hiện trên thế gian”, nên đi thông báo khắp nơi rằng:

“Hỡi các người, còn một trăm năm nữa, vua Chuyển luân xuất hiện trên thế gian”. Đây là “náo động về vua Chuyển luân”.

Có câu hỏi rằng: Do nguyên nhân nào, các vị thiên nhân biết được các hiện tượng này?.

Đáp rằng: Các vị Phạm Thiên có thắng trí, nhất là “vị lai trí” biết được các hiện tượng này xảy ra trong tương lai, nên thông báo đến các thiên nhân Dục giới, từ đó lan xuống các thiên nhân địa cầu([2]).

Một số Giáo thọ sư giải thích rằng: “Sở dĩ chư Thiên biết được thế gian sắp hoại, vì thấy “tướng bất thiện pháp” (akusalanimitta dhamma) hiển lộ quá nhiều”([3]). Còn khi thấy “tướng thiện pháp  (kusalanimitta dhammā) hiễn lộ”, tùy theo thời điểm mà các thiên nhân biết được là “Đức Chánh Giác sắp xuất hiện” hay “Vua Chuyển Luân sắp hiện khởi”.

Một số Giáo thọ sư cho rằng: “Do pháp tánh (dhammajāti) tự nhiên, khiến chư thiên biết được “những điềm tướng này”, nên thông báo đến nhân loại.

Giải về  kiếp (kappa).

Chữ kappa được dùng chỉ cho các trường hợp như sau:

Kappa dùng chỉ cho kiếp trái đất. Là chỉ cho “tuổi thọ” một trái đất, còn gọi là “đại  kiếp” (mahākappa).

Kappa dùng để chỉ cho “một phần tư đại kiếp”, gọi là “vô lượng kiếp” (asaṅkheyya kappa) và đơn vị tính cho “vô lượng kiếp” ở đây là năm.

Một đại kiếp gồm bốn “vô lượng kiếp”. Như Đức Phật dạy:

Cattārimāni bhikkhave, kappassa asaṅkheyyāni. Katamāni cattāri?

Này các Tỳkhưu, có 4 vô lượng của kiếp này. Thế nào là bốn?

Yadā bhikkhave, kappo saṃvaṭṭati, taṃ na sukaraṃ saṅkhātuṃ ettakāni vassānīti vā ettakāni vassasatānīti vā ettakāni vassasahassaanīti vā ettakāni vassasatasahassānīti vā.

Này các Tỳkhưu, khi kiếp thành, thật không dễ gì tính được có bao nhiêu năm, hoặc có bao nhiêu trăm năm, hoặc có bao nhiêu ngàn năm, hoặc có bao nhiêu trăm ngàn năm” ([4]).

Trường hợp chữ “asaṅkheyya kappa” (atăngkỳ kiếp) chỉ cho “thời gian thực hành pháp độ của vị Bồtát Chánh giác, Bồtát Độc Giác và Bồtát Thượng thủ Thinh văn, thì đơn vị tính là “kiếp trái đất” hay “đại kiếp”.

Kappa dùng để chỉ cho “trung kiếp” (antarakappa). Cách quy định “trung kiếp” như sau:

Vào thời Sơ kiếp chúng sinh nhân loại có tuổi thọ là vô lượng năm, rồi ác pháp sinh lên dần dần, tuổi thọ giảm xuống đến khi còn 10 tuổi, gọi là “kiếp giảm” (hāyanakappa).

Từ 10 tuổi, do thực hành thiện pháp tuổi thọ tăng dần đến vô lượng tuổi, gọi là “kiếp tăng”(vatthanakappa).

Một “kiếp giảm” và một “kiếp tăng” gọi là một “trung kiếp” (antarakappa). Sáu mươi bốn (64) “trung kiếp” là một  “vô lượng kiếp”. Bốn “vô lượng kiếp” là một “đại kiếp” (kiếp trái đất).

Một số Giáo thọ sư cho rằng: “20 trung kiếp là một vô lượng kiếp”, “80 trung kiếp là một đại kiếp”. Các nhà Chiêm tinh cổ sơ thì cho là “14 trung kiếp là một vô lượng kiếp([5]).

Ý nghĩa “20 trung kiếp là một vô lượngkiếp”, nên hiểu như vầy:

“Theo bản Phụ Sớ giải về Luật (Terasakanda Ṭīkā) thì “kiếp sống của chúng sinh ở địa ngục Atỳ là một phần 80 đại kiếp”. Như vậy mỗi “vô lượng kiếp” của nhân loại bằng “20 kiếp chúng sinh ở Atỳ địa ngục”, nên các Ngài nói “20 trung kiếp là một vô lượng kiếp”.

Nói cách khác, “thời gian 20 trung kiếp ở cõi Atỳ địa ngục bằng 64 trung kiếp  ở cõi ngưởi”.

Kappa dùng chỉ cho “tuổi thọ”, gọi là thọ kiếp (āyukappa).

Như khi nhân loại có tuổi thọ là 100 tuổi thì “thọ kiếp” là 100, nhân loại có tuổi thọ là “vô lượng tuổi” thì “thọ kiếp” là vô lượng  v..v…

Thọ kiếp cũng được áp dụng cho chư  thiên, như tuổi thọ của Tứ đại vương là 500 năm cõi ấy, thì “thọ kiếp” cõi này là 500 năm; tuổi thọ chư thiên cõi ĐạoLợi (Tāvatiṃsa) là 1.000 năm thì “thọ kiếp” cõi này là 1.000 năm  v..v. (sđd).

Thọ kiếp  này có thể được tính bằng “năm, tháng, ngày, một bữa ăn” ([6]), như có chúng sinh sống 1 năm, 3 tháng, 7 ngày …

Trong kinh Đại viên tịch (Mahāparinibbānasuttanta) của Trường bộ kinh III có ghi nhận: “Đức Phật dạy Đức Ānanda rằng: Này Ānanda, Như Lai  thuần thục bốn pháp như ý, nếu muốn Như Lai có rhể sống trọn kiếp hay lâu hơn”.

Kappa (kiếp) ở đây chỉ cho thọ kiếp; nghĩa là “Đức Phật có thể duy trì mạng sống đến hết 100 tuổi hoặc lâu hơn 100 tuổi”, không phải “duy trì mạng sống hết kiếp trái đất”.

– Kappa chỉ cho thời gian 7 ngày cuối cùng của “kiếp giảm”.

Nếu chúng sinh ở thời ấy, tham ác pháp cường mạnh sẽ có một “trận đói” khốc liệt khởi lên để tiêu diệt những chúng sinh “đầy tội lỗi”, gọi là kiếp đói (dubbhikkhantara kappa).

Nếu ác pháp thời đó là sân cường mạnh, sẽ khởi lên “cuộc đại tàn sát”, gọi là kiếp vũ khí(satthantara kappa).

Nếu chúng sinh thời ấy, si ác pháp cường mạnh, một tai nạn bệnh dịch khởi lên trong vòng 7 ngày để tiêu diệt chúng sinh, gọi là kiếp bịnh (rogantara kappa).

Kappa chỉ cho thời gian hình thành trái đất, gọi là kiếp thành (vivaṭṭa kappa).

Kappa chỉ cho thời gian trái đất an trụ, gọi là kiếp trụ (vivaṭṭaṭhāyī kappa).

Kappa chỉ cho thời gian trái đất bắt đầu tiêu hoại, gọi là kiếp hoại (saṃvatṭṭakappa).

Kappa chỉ cho thời gian kiếp hoại dừng lại, gọi là kiếp không (saṃvaṭṭaṭhāyī kappa).

Một “kiếp trái đất” có 4 “vô lượng kiếp” là: Kiếp thành, kiếp trụ, kiếp hoạikiếpkhông.

* Kiếp thành (vivaṭta kappa). Là kể từ khi thế gian bắt đầu hình thành. Có  pāli như sau:

Vivaṭṭatīti = vivaṭṭa:

Tuần tự hình thành, gọi là “thành (sđd).

* Kiếp trụ (vivaṭṭhāyi kappa). Là kể từ khi thế gian hình thành trọn vẹn với những sự khác biệt rõ ràng, như có biển, có sông, có núi, có cây cỏ, mặt trời, mặt trăng … như một “thế gian”mới vùa được hình thành.

Như có pāli: Vivaṭṭo hutvā tiṭṭhatīti = vivaṭṭhāvi:

Sự hình thành dừng lại, gọi là “trụ”.

* Kiếp hoại (samvaṭṭa kappa). Là khi “luân vi” bắt đầu bị tiêu hoại. Như có Pāli:

Saṃvaṭṭatīti = saṃvatta:

Đang hư hoại, gọi là “hoại”.

* Kiếp không (samvaṭṭathāvī kappa). Là kể từ khi luân vi này tiêu mất hoàn toàn, không còn dư sót, chỉ còn một khoảng “trống không”. Như có Pāli sau:

Saṃvaṭṭo hutvā tiṭṭhatīti = saṃvaṭṭathāvī:

Sự hoại dừng lại, gọi là “không”.

Kappa chỉ cho kiếp trái đất không có vị Chánh giác nào xuất hiện, gọi là “kiếp trống không” (suññakappa).

Kappa chỉ cho kiếp trái đất có Đức Chánh giác xuất hiện, gọi là “kiếp có” (asuññakappa).

* Kiếp trống không (suññakappa).

Có bốn loại “kiếp trống không” là:

Đại kiếp trống không (suññamahākappa). Là kiếp trái đất ấy không xuất hiện bậc Chánh giác.

Vô lượng kiếp trống không (suñña-asaṅkheyyakappa). Là chỉ cho ba vô lượng kiếp: Kiếp thành, kiếp hoại và kiếp không.

Trung kiếp trống không (antarasuññakappa). Là chỉ cho “trung kiếp” ấy không có Đức Chánh giác xuất hiện.

Thọ kiếp trống không (suññāyukappa). Chỉ cho thời gian “tuổi thọ” chúng sinh không có Đức Chánh giác xuất hiện.

Tức là thời kỳ chúng sinh có tuổi thọ 100 ngàn năm trở lên và dưới 100 tuổi.

Hoặc tuy tuổi thọ chúng sinh nhân loại trong khoảng 100 ngàn đến 100 tuổi, nhưng không có Đức Chánh Giác xuất hiện, cũng được gọi là “kiếp thọ” trống không.

“Kiếp trống không” là chỉ cho “không có bậc Chánh giác xuất hiện”, nhưng vẫn có thể có bậc Độc giác  hay vua Chuyển Luân xuất hiện.

Đức Độc Giác cũng xuất hiện trong “kiếp giảm”, khoảng 100 ngàn tuổi đến 100 tuổi”. Như có một kiếp Bồtát sinh làm Tượng chúa Chaddanta, bấy giờ Ngài ướp hoa quả ngon cùng với củ sen, ngó sen cúng dường đến 500 vị Phật Độc giác([7]).

Còn vua Chuyển Luân có thể xuất hiện ờ “kiếp tăng”, như vua Mandhātu hưởng dục lạc cả 36 đời ĐếThích, những cư dân theo Đức vua cũng hưởng thụ dục lạc như thế ấy, khi vua Mandhātu  về cõi người rồi mệnh chung, những cư dân của bốn châu không có phương tiện trở về quê hương phải ở lại cõi DiêmPhùĐề.

* Kiếp có (asuññakappa).

Là kiếp trái đất có Đức Chánh giác xuất hiện. Có 5 loại là:

– Kiếp có một vị Chánh giác xuất hiện, gọi là sārakappa.

– Kiếp có 2 vị Chánh giác xuất hiện, gọi là maṇḍakappa.

– Kiếp có 3 vị Chánh giác xuất hiện, gọi là varakappa.

– Kiếp có 4 vị Chánh giác xuất hiện, gọi là sāramaṇḍakappa.

– Kiếp có 5 vị Chánh giác xuất hiện, gọi là bhaddakappa.

Như trong Buddhavaṃsa Atthakathā (Sớ giải Phật tông) có ghi:

Eko buddho sārakappe; maṇḍakappe janā duve.

Tapo buddhaa varakappe; sāramaṇḍe catu bhuddhā.

Pañca buddhā bhaddakappe …

Một Đức Phật là Sārakappa; Maṇḍakappa là 2 vị.

Ba vị Phật là varakappa; Sāramaṇḍakappa có 4 vị.

Năm vị Phật là Bhaddakappa …

Không có kiếp trái đất nào có 6 hay 7 vị Chánh giác xuất hiện.

Như trong Anāgatavaṃsa Atthakathā có ghi:

Na hi ekasmim kappo chaṭṭho vā sattana vā uppajjati:

“Không có một kiếp nào có sáu hay 7 vị(Chánh giác) xuất hiện”.

Trái đất hiện tại đây là “kiếp hiền” (bhaddakappa), có 5 vị Chánh đẳng giác xuất hiện; ba vị Phật quá khứ là:

– Đức Phật Kakusandha (CùLưuTôn), nhân loại thời ấy có tuổi thọ là 40 ngàn năm.

– Đức Phật Konāgamana (CâuA HàmMâuNi), nhân loại thời ấy có tuổi thọ là 30 ngàn năm.

-Đức Phật Kassapa (CaDiếp), nhân loại thời ấy có tuổi thọ là 20 ngàn năm.

– Hiện tại là Đức Phật Gotama (CồĐàm), nhân loại có tuổi thọ là 100 tuổi([8]).

Cả bốn vị Phật cùng xuất hiện trong một “kiếp giảm”.

Đức Phật Gotana có dạy:

“ Này các Tỳkhưu, thuở xưa núi Vepulla này được biết với tên Pācimavaṃsa. Bấy giờ dân chúng ấy được biết với tên là Tivāra, dân chúng có tuổi thọ là 40.000 năm …

Bấy giờ, này các Tỳkhưu, Đức Thế Tôn Kakusandha xuất hiện trên thế gian.

“Này các Tỳkhưu, thuở xưa núi Vepulla này được biết với tên là Vankaka, Bấy giờ dân chúng ấy được biết với tên là Rohita, dân chúng có tuổi thọ là 30.000 năm….

Bấy giờ, Đức Thế Tôn Konāgamana xuất hiện trên thế gian.

“ Này các Tỳkhưu, thuở xưa núi Vepulla nay được biết với tên là Supassa, dân chúng ấy được biết với tên là Suppiya. Bấy giờ dân chúng có tuổi thọ là 20.000 năm….

Bấy giờ Đức Thế Tôn Kassapa xuất hiện trên thế gian.

“Này các Tỳkhưu, hiện tại núi Vepulla này được biết với tên là Vepulla. Dân chúng ấy được biết với tên là Magadha, có tuổi thọ là 100 năm….

Hiện tại Như Lai là bậc Ứng Cúng Chánh Đẳng giác”([9]).

Một hòn núi lớn tồn tại suốt cả 4 thời vị Phật, điều này cho thấy “cả bốn vị Phật”  xuất hiện trong cùng một “kiếp giảm”.

* Đức Chánh giác tương lai trong hiền kiếp này là Đức Phật Metteya (DiLặc), chúng sinh thời ấy có tuổi thọ là 80 ngàn năm([10]).

Tuy  vào thời nhân loại có tuổi thọ là như thế, nhưng các vị Chánh đẳng giác chỉ lưu trú đến 4/5 tuổi thọ, các Ngài sẽ viên tịch.

Lại nữa, đôi khi Đức Chánh Giác cùng vua Chuyển Luân cùng xuất hiện, như trong thời Đức Phật vị lai là Metteyya (DiLặc) có cả vua Chuyển Luân Saṅkha.

Giải về “kiếp giảm” và “kiếp tăng”.

Kiếp  giảm.  Theo kinh Khởi thế nhân bổn (Aggañña suttanta)([11]), nhân loại thời sơ kiếp có tuổi thọ là “vô lượng tuổi”, về sau ác pháp, bất thiện pháp sinh lên và tăng trưởng đến khi chúng sinh nhân loại còn 10 tuổi. Gọi là kiếp giảm.

Hỏi. Bất thiện pháp, ác pháp sinh lên như thế nào?

Đáp. Theo kinh Chuyển luân vương sư tử hống, vì Đức vua không bố thí nên “trộm cắp” sinh lên do đói khổ, khi trộm cắp sinh lên gặp phải sự chống đối của “chủ tài sản”, thế là vũ khí xuất hiện “kẻ trộm” trở thành “kẻ cướp”, rồi “hình phạt” và “giết người” sinh lên do Đức vua xử tội. Tiếp theo là “nói dối” sinh lên, do kẻ trộm cướp sợ chết.

Khi “nói dối” hưng thịnh thì bốn điều hạnh phúc là “sống lâu, sắc đẹp, an vui và sức mạnh” bị suy giảm, tuổi thọ nhân loại chỉ còn 80.000 tuổi, con của họ chỉ còn 40.000 tuổi, cháu của họ chỉ còn 20.000 tuổi.

Thế rồi ác pháp “nói chia rẽ” sinh khởi, tuổi thọ giảm xuống chỉ còn 10.000 năm. Khi ấy, thân sắc nhân loại xinh đẹp hoặc xấu xí phân biệt rõ rệt, thế là “quan hệ tình dục bất chánh” xuất hiện, tuổi thọ chỉ còn 5.000 năm.

Khi ấy lại xuất hiện 2 ác pháp “nói ác” và “nói vô ích”, thế là tuổi thọ giảm xuống còn 2.500 năm .

Thế rồi, tham ác (abhijjhā) và sân ác (abyāpāda) xuất hiện, tuổi thọ giảm xuống chỉ còn 1.000 năm.

Khi tà kiến sinh lên, tuổi thọ nhân loại chỉ còn 500 năm.

Bấy giờ ba pháp thấp kém là: Luyến ái phi pháp (adhammarāga), tức là có sự “quan hê bất chính trong thân tộc”; tham quá độ (visamalobha), tức là “lòng tham không hề thỏa mãn”, hoặc là “vật không đáng cũng trộm cắp”, hoặc là ở xứ này mong có được vật ờ xứ khác, hay mong chiếm đoạt xứ khác … và “tà pháp” (micchādhamma) như nữ ái luyến nữ, nam ái luyến nam (đồng tính luyến ái) sinh khởi. Khi ấy tuổi thọ chỉ còn 200 năm.

Khi “thiếu sự cung kỉnh đối với cha mẹ”, “thiếu sự cung kỉnh đối với các Samôn”, “thiếu sự cung kỉnh đối với các tộc trưởng”, tuổi thọ nhân loại giảm xuống còn 100 tuổi.

Khi 10 thiện hạnh biến mất và 10 bất thiện hạnh([12]) tăng trưởng tối đa, tuổi thọ nhân loại chỉ còn 10 tuổi, thiếu nữ 5 tuổi đã lập gia đình. Đó là nhánh giảm.

Nhưng theo kinh Khởi thế nhân bổn (Agaññasuttanta)([13]). Vào thời Sơ kiếp, bất thiện pháp đầu tiên sinh lên là “kiêu mạn về thân”, rồi đến “tình dục”, “ái luyến”, “quan hệ tình dục”…

Kiếp tăng. Khi nhân loại có tuổi thọ 10, rồi tuổi thọ tăng dần cho đến khi vô lượng tuổi, gọi là “kiếp tăng”.

Hỏi. Tuổi thọ tăng như thế nào?

Đáp. Khi nhân loại giữ được một giới hay thực hành một thiện pháp thì tuổi thọ tăng lên.

Khi nhân loại có tuổi thọ là 10 tuổi, đến một thời khởi lên cuộc “cuộc đại tàn sát” kéo dài 7 ngày, chúng sinh nhìn nhau như kẻ thù, không còn phân biệt cha, mẹ, thân bằng quyến thuộc … lăn xả chém giết lẫn nhau.

Sau 7 ngày “cuộc đại tàn sát” chấm dứt, số người sống sót tìm gặp lại nhau, họ thỏa thuận với nhau “từ bỏ sát sinh” tuổi thọ con của họ tăng lên 20 tuổi. Như vậy, thiện pháp đầu tiên sinh khởi là “không sát sinh”.

Những người này lại gìn giữ “không lấy của không cho”, tuổi thọ con của họ tăng lên là 40 tuổi.

Cứ như thế, khi giữ được  một giới tiếp theo, thực hành một thiện pháp như cung kỉnh … thì tuổi thọ tăng dần cho đến vô lượng tuổi.

Khi nhân loại có tuổi thọ 60 ngàn tuổi, nữ nhân 500 tuổi mới có chồng, đồng thời chỉ có 6 chứng bịnh là: Đói quá (do muốn dùnhg vật thực mà không có); no quá (muốn dùng vật thực, nhưng không thể dùng thêm được); nóng; lạnh; tiểu tiện và đại tiện([14]).

Theo kinh Khởi thế nhân bổn thì “khi nhân loại được 80 ngàn tuổi, bấy giờ thiếu nữ 500 tuổi mới lập gia đình, đồng thời chỉ có 6 chứng bịnh kể trên”.

Theo kinh Chuyển luân vương sư tử hống thì: “Khi nhân loại có tuổi thọ là 80.000, bấy giờ có vua Chuyển luân Saṅkha ra đời, có kinh đô là Ketumatī. Đồng thờ Đức Chánh giác Metteyya (DiLặc) hiện khởi trên thế gian”.

Giải về hoại kiếp.

Sự tiêu hoại thế gian có ba loại:

Tiêu hoại do lửa (tejo saṃvaṭṭa). Là ngọn lửa thiêu hủy thế gian cho đến hết 3 cõi Sơ thiền.

Tiêu hoại do nước (āpo saṃvaṭṭa). Là nước làm tiêu hoại thế gian cho đến hết 3 cõi Nhị thiền.

Tiêu hoại do gió (vāyo saṃvaṭṭa). Là gió làm tiêu hoại thế gian cho đến hết 3 cõi Tam thiền.

Như trong Visuddhimagga (Thanh Tịnh Đạo) và Sāratthadīpanī có ghi:

Agginā ahassarā heṭṭhā; āpena subhakinhato.

Vehapphalato vāyena. Evaṃ loke vinassati:

Lửa hoại dưới cõi Quang âm thiên; nước hoại dưới cõi Biến tịnh thiên.

Gió hoại dưới cõi Quảng quả . Thế gian hoại là như vậy.

Thế gian hoại theo quy luật như sau: Bảy lần hoại do lửa thì có một lần hoại do nước. Bảy lần hoại do nước có một lần hoại do gió.

Như vậy khi thế gian bị hoại do gió, bấy giờ là kiếp trái đất thứ 64.

Tám kiếp trái đất là một tiểu chu kỳ, 8 tiểu chu kỳ là một đại chu kỳ  gồm 64 kiếp trái đất .

Như vậy, một đại chu kỳ có 56 lần luân vi bị hoại do lửa, 7 lần bị hoại do nước và 1 lần bị hoại do gió([15]).

1’- Hoại do lửa.

Trước khi thế gian sắp hoại, có một trận mưa lớn (mahāmegha) rơi xuống để báo hiệu, trận mưa này rơi khắp một ngàn tỷ luân vi (cakkavāla)([16]).

Nhân loại vui mừng, chuẩn bị vụ mùa, khi lúa vừa chín thì có  sấm sét vang rền như gầm thét. Từ đó không có giọt mưa nào rơi xuống thế gian, như Đức Thế Tôn dạy: “Này các Tỳkhưu, có thời nhiều năm, nhiều trăm năm, nhiều ngàn năm, nhiều trăm ngàn năm trời không mưa”([17]).

Vì không mưa nên các thực vật bị khô héo và không còn tồn tại.

Khi mặt trời thứ hai mọc lên, tất cả hồ nhỏ, sông nhỏ khô cạn.

Khi mặt trời thứ ba mọc lên, các sông lớn như sông Hằng, Yamunā, Aciravatī, Sarabhū, Mahī bị khô cạn.

Khi mặt trời thứ tư mọc lên, các hồ lớn là nơi xuất nguyên các con sông như hồ Anotattā, Sīhapapāta, Ratthakārā, Kaṇṇamuṇḍa, Kunālā, Chaddantā, Mandākinī bị khô cạn.

Khi mặt trời thứ năm mọc lên, nước trong biển lớn khô cạn dần chỉ còn sâu đến mắt cá chân.

Khi mặt trời thứ sáu hiện ra, núi TuDi, các ngọn núi và đất bốc khói.

Khi mặt trời thứ 7 hiện ra đất và núi TuDi bốc cháy, phủ trùm một màn lửa, gió đưa ngọn lửa bốc cao đến cõi Phạm thiên Sơ thiền (sđd).

Ban đầu là các địa ngục trong lòng đất  cháy rụi, rồi đến cõi người đến cõi Tứ Đại vương cõi ĐạoLợi, rồi đến các cõi trời Dục , cuối cùng là ngọn lửa thiêu rụi cả ba cõi Sơ thiền.

Tất cả bị cháy không tìm được tro, ví như giọt dầu rơi vào chảo nóng đỏ, không tìm được cặn bả khi bị cháy rụi. Và thế gian bị hoại do lửa.

Khi thế gian bị hoại do lửa, thì từ khoảng hư không cách cõi Nhị thiền 5.502.000 dotuần trở xuống thông suốt nhau, trở thành “vùng không gian đen”.

2’- Thế gian hoại do nước.

Sau 7 lần thế gian bị hoại do lửa, lần thứ 8 thế gian bị hoại do nước.

Khi còn 100 ngàn năm nữa, thế gian bị hoại, thiên tử Lokabyūha đi các nơi để thông báo: “Này các người ơi, sau một trăm ngàn năm nữa, thế gian này bị hoại do nước, kể cả vua núi TuDi (Sineru) cũng bị hoại, nước sẽ hủy diệt cả cõi Nhị thiền. Hỡi các người, hãy tu tập từ, bi, hỷ, xả, hãy phụng dưỡng cha mẹ, hãy kính lễ các bậc cao niên trong gia tộc”.

Thế rồi, một trận mưa lớn rơi khắp 10 ngàn thế giới báo hiệu “đến thời hoại diệt”, sau tiếng sấm vang rền khắp 10 ngàn thế giới. Bấy giờ mây đen Khārudakammahāmegha (mây tạo ra mưa lớn) bao phủ khắp một ngàn tỷ luân vi, rồi một trận mưa “hủy diệt”([18]) xuất hiện, ban đầu chỉ là “những hạt sương lấm tấm”, dần dần những hạt sương kết tụ vào nhau lớn dần, lớn dần rồi rơi xuống khắp một ngàn tỷ vũ trụ.

Mưa ngày càng lớn, ban đầu nước mưa hủy diệt các loại thực vật, thảo mộc, dần dần đến đất,  đá, núi … đất, đá, núi khi chạm với nước mưa này bị mềm rồi tan rã ra ví như muối chạm vào nước nóng sôi sùn sục.

Khi ấy phát sinh loại gió, gió này bọc chung quanh một ngàn tỷ luân vi, không cho nước “hủy diệt” lan ra ngoài.

Gió càng ngày càng mạnh và bề dày gió tăng dần. Khi bề dày gió tăng thì nước “hủy diệt” dâng cao, nước này dâng lên ngập tràn cả 6 cõi trời dục, rồi dâng cao ngập tràn ba cõi Sơ thiền, ngập cả ba cõi Nhị thiền thì dừng lại.

Khi thế gian bị hoại do nước thì từ khoảng hư không cách tầng Tam thiền 5.502.000 dotuần trở xuống bên dưới thông suốt nhau, trở thành một “vùng không gian đen”.

3’- Thế gian hoại do gió.

Khi thế gian sắp hoại do gió cũng diễn tiến như trên, chỉ có sự sai khác chút ít là: Khi mây đen bao phủ cả một ngàn tỷ luân vi, một loại gió có tên là vāyosaṃvatta (gió tiêu hủy) sinh lên.

Ban đầu chỉ là làn gió nhẹ làm tung hạt bụi lên, rồi gió mạnh dần cuốn tung những tảng đá nhỏ, lớn.

Rồi đến những gốc cây nhỏ, lớn; tất cả trôi nổi giữa hư không va chạm vào nhau, bể nát vụn  trong hư không, nhưng không thể rơi xuống.

Rồi có loại gió khác phát sinh từ dưới mặt đất, cuốn lật mặt đất lên, mặt đất bị tách ra từng mảnh lớn nhỏ, bốc lên hư không va chạm vào nhau thành bụi đỏ.

Lần lượt các núi nhỏ, núi lớn bị gió bốc lên hư không va chạm vào nhau trở thành bụi, cuối cùng là núi TuDi cũng bị bứng gốc, lao vào hư không bể vụn thành bụi.

Rồi gió “lốc” đến các tầng  trời Dục giới ở giữa hư không tiêu hủy các thiên cung, gió “tiêu hủy” này “lốc đến tận cõi Tam thiền, tiêu hủy hết 3 cõi Tam thiền thì dừng lại. Gió “tiêu hủy này” làm tiêu hoại cả nước và gió nâng đở nước.

Khi tiêu hủy toàn bộ thế gian cho đến hết 3 cõi Tam thiền thì ngọn gió từ từ lắng yên và biến mất. Vùng bị gió làm cho tiêu hoại trở thành “vùng đen”.

Có câu hỏi rằng: Để thoát khỏi sự hoại diệt do lửa chúng sinh phải chứng Nhị thiền, Nhưng có một số chúng sinh đang rơi vào khổ cảnh, hoặc có nhóm thiếu khả năng chứng đắc thiền, những chúng sinh ấy như thế nào?

Đáp. Chúng sinh nhân loại, một số chứng đắc thiền ở cõi nhân loại, như Đạo sư Sunetta cùng các đạo sĩ đệ tử trong thời thế gian sắp hoại (sđd).

Một số chúng sinh khi nghe chư thiên Lokabayuhadeva thông báo, kinh cảm tâm tu thiền, hoặc chứng thiền hoặc tái sinh về cõi Dục giới thiên, rồi tiếp tục tu thiền, chứng đạt Nhị thiền. Như Đức Phật dạy:

Saṃvaṭṭamāne loke yebhuyyena sattā Ābhassara saṃvaṭṭanikā honti:

Khi thế gian sắp hoại phần lớn chúng sinh sinh về cõi Quang Âm thiên”([19]).

Một số người nhân loại khác khi thấy mặt trời thứ hai xuất hiện, họ kinh cảm tích cực tu thiền, nhưng không có khả năng chứng thiền. Mệnh chung sinh về Dục giới thiên, từ cõi này các vị ấy tiếp tục tu thiền tịnh chứng đắc thiền.

Khi mặt trời thứ hai xuất hiện thì không có “ngày đêm”, hai mặt trời thay nhau chiếu sáng thế gian.

Mặt trời thứ hai nóng và rực sáng hơn mặt trời thứ nhất, bấy giờ các thiên tử như “Thái dương thần, Thái âm thần …” tích cực tu thiền, chứng đắc thiền tịnh.

Về các chúng sinh ở khổ cảnh (như “ma đói” (peta), súc sinh), địa ngục, khi ác nghiệp muội lược sinh về cõi người, rồi sinh lên thiên giới. Đó là do sức mạnh thiện nghiệp đã tạo trong quá khứ, gọi là aparāpariyavedaniyakamma, chúng sinh khi lưu chuyển trong luân hồi “không hề tạo nghiệp thiện nghiệp mạnh mẽ”, điều này không hề có.

Khi được sự “thông báo” của chư thiên Lokabyūha “còn 100.000 năm nữa, thế gian này bị hoại”, chúng sinh trong địa ngục kinh cảm tâm, một tâm thiện sinh lên đưa chúng sinh ấy thoát khỏi địa ngục.

Một số chúng sinh do nghiệp “tà kiến nhất định” (niyata micchādiṭṭhikamma) quá nặng, khi thế gian sắp hoại sẽ mệnh chung tái sinh vào luân vi khác ở ngoài một ngàn tỷ luân vi này.

Một số Giáo thọ sư lại giải thích rằng: “Khi thế gian sắp bị hoại, chúng sinh ở địa ngục, cho dù là đã tạo “nghiệp ngũ nghịch đại tội” hay “nghiệp tà kiến nhất định”, đang đọa lạc trong “địa ngục Vô gián” hay “địa ngục không gian”, khi ấy tự ý thức được sái quấy của mình, từ bỏ quan điểm cũ, nhờ họ là có được “trí nhớ tiền kiếp sinh lên (jāti – saruñāṇa).

Những chúng sinh này sinh lên cõi người rồi sinh về thiên giới([20]).

Hình thành thế gian.

Khi thế gian sắp hình thành, bấy giờ mây đen xuất hiện, một trận mưa lớn (mahāmegha) trút xuống ngập tràn khắp “vùng đen”.

Ban đầu hạt mưa “nhỏ li ti” như sương bụi, rồi hạt mưa to dần như hạt mè, hạt gạo, hạt đậu, bằng cuống hoa Samuda, bằng cây sào, bằng cái chày, bằng cây thốt nốt. Rồi một loại gió từ hạ tầng” vùng đen” xuất hiện nâng đở nước mưa không cho rơi ra ngoài “vùng đen”, như chiếc lá sen đở những giọt nước trên lá sen.

Gió ấy làm chao động nước, nước va chạm vào nhau phát sinh “sức nóng”, sức nóng làm khô nước, nước rút dần từ cõi Nhị thiền trở xuống (nếu bị hoại do lửa, khi bị hoại do nước thì nước rút dần từ cõi Tam thiền trở xuống; nếu bị hoại do gió thì nước rút từ cõi Tứ thiền trở xuống).

Khi nước rút khỏi “vùng Sơ thiền” thì cõi Sơ thiền được hình thành([21]) (tương tự như thế với cõi Tam thiền, cõi Nhị thiền), rồi dần dần hạ xuống và bốn cõi Dục giới thiên tuần tự hình thành là: Cõi Tha hóa tự tại, Hóa lạc thiên, ĐẩuSuất và Dạma

Khi ấy, gió càng mãnh liệt cuốn xoáy khiến nước hình thành từng “cột nước”, cột ở trung tâm cao nhất và lớn nhất, đồng thời gió giữ nước trong “cột nước” lại, không cho chảy thoát ra, ví như bờ đê giữ nước trong sông không cho chảy ra ngoài.

Từ  nơi “cột nước” hình thành những “cặn nước” do nước khô dần, những cặn nước này dần dần kết dính vào nhau, đến một lúc nào đó “cặn nước” che lấp cả cột nước ở bên trên, nước tiếp tục rút dần, cặn nước khô dần rồi rắn lại, thế là núi Sineru (TuDi) hình thành, mảng đất đầu tiên xuất hiện chính là cõi ĐạoLợi.

Núi TuDi là phần đất bị hoại sau cùng, nên phần đất này hình thành trước tiên.

Chung quanh “cột nước” lớn có bốn “cột nước” nhỏ và thấp hơn so với cột nước trung tâm, bốn cột nước nhỏ sau này hình thành bốn đại châu.

Mảng đất đầu tiên ở hướng Nam (chỉ cho Nam thiện bộ châu sau này) có “cụm hoa sen” mọc lên trước tiên, mảng đất này có màu vàng của sữa đề hồ hay sữa nhủ tô, óng ánh như hoa Kaṇṇikā, có mùi thơm cùng vị ngọt ([22]), gọi là “vị đất nằm trên nước”. Nếu “bụi sen không có hoa sen”, đó là “kiếp không” (suññakappa); nếu bụi sen có hoa sen, đó là “kiếp có”.

Phạm thiên nhìn thấy “cụm sen không có hoa”, sẽ cảm thán rằng: “Trong kiếp này, chúng ta không có nơi nương tựa”. Nếu thấy cụm sen có hoa, các Phạm thiên hoan hỷ rằng: “Trong kiếp này chúng ta sẽ có nơi nương tựa, sẽ có Đức Chánh giác xuất hiện”.

Khi quả địa cầu hình thành, nhân giới được an lập, bấy giờ các Phạm thiên ở cõi Quang âm tái sinh vào cõi Sơ thiền cũng có ([23]), do tham vị chất của đất, hóa sinh về cõi nhân loại cũng có ([24]). Từ đó nhân loại hình thành ([25])

2- Bồtát giáng sinh.

Các nhà học giả Phật học có ghi nhận: “Bài kinh Mahāpadānasuttanta (Kinh Đại bổn)([26]), là bản sao lý lịch của Đức Phật Gotama.

Người sang xứ Tích Lan trước vị đại luận sư nỗi tiếng Buddhaghosa (Phật Âm) là đại trưởng lão Buddhadatta.

Ngài Buddhadatta đã biên soạn hoàn tất tác phẩm Madhuratthavilāsinī, còn được gọi là Buddhavaṃsa atthakathā (Sớ giải Phật Tông).

Theo Sớ giải Phật Tông, Bồtát Vessantara khi từ giả thân nhân loại, tái sinh về cõi Tusita (ĐẩuSuất) có tên gọi là Santusita.

Một ngày đêm cõi ĐẩuSuất bằng 800 năm cõi nhân loại, tuổi thọ cõi ĐẩuSuất là 4.000 năm tương đương với 576 triệu năm cõi nhân loại ([27]).

Và Bồtát Santusita sống trọn vẹn tuổi thọ nơi cõi ĐẩuSuất

Điều đặc biệt là Bồtát Vessantara khi tái sinh về cõi ĐẩuSuất, Ngài “nhận biết” là “đang tái sinh”, khi trú ở cõi ĐẩuSuất Ngài “nhận biết” là  “đang trú”, đồng thời trọn kiếp sống ở cõi này Bồtát chuyên tâm tu tập trong biệt điện của mình.

Đức Ānanda có nói:

Sammukhā me taṃ, bhante, Bhagavato sutaṃ sammukhā paṭiggahītaṃ “sato sampajāno upajjamāno, Ānanda, bodhisatto Tusitaṃ kāyaṃ uppajjīti.

-“Bạch Thế Tôn, con tận mặt nghe, con tận mặt ghi nhớ từ Thế Tôn: “Này Ānanda, Bồtát ghi nhận hiểu biết rõ, khi tái sinh vào cõi trời ĐẩuSuất.

Sammukhā me taṃ, bhante, Bhagavato sutaṃ sammukhā paṭiggahītaṃ “sato sampajāno upajjamāno, Ānanda, bodhisatto Tusitaṃ kāye aṭṭhāsīti

“Bạch Thế Tôn, con tận mặt nghe, con tận mặt ghi nhớ từ Thế Tôn: “Này Ānanda, Bồtát ghi nhận và hiểu biết rõ khi an trú trong cõi trời ĐẩuSuất.

Sammukhā me taṃ, bhante, Bhagavato sutaṃ sammukhā paṭiggahītaṃ:“ Yāvatāyukaṃ, Ānanda, bodhisatto Tusite kāye aṭṭhāsīti.

“Bạch Thế Tôn, con tận mặt nghe, con tận mặt ghi nhớ từ Thế Tôn: “Này Ānanda, Bồtát có sự ghi nhớ và hiểu biết rõ khi an trú tại cõi trời ĐẩuSuất cho đến trọn thọ mạng” ([28]).

Khi Bồtát Santusita sắp hết tuổi thọ, bấy giờ trong thế gian nỗi lên “sự náo động” (kolāhala) về Đức Phật.

Khi sự náo động về Đức Phật khởi lên, chư thiên trong 10 ngàn thế giới, cùng nhau hội tụ đi đến cung trời ĐẩuSuất, cung thỉnh Đức Bồtát Santusita giáng trần:

“Thưa bậc Đại sĩ, đây là thời thích hợp, Ngài hãy  giáng sinh vào lòng mẹ, để chứng đạt quả Vô thượng Chánh giác, tế độ nhân thiên thoát ra cái khổ luân hồi, đạt được pháp bất tử”.

Quán xét 5 điều.

Đức Bồtát nghe các thiên nhân thỉnh cầu Ngài giáng trần, Bồtát quán xét 5 điều quan trọng rất cẩn thận, gọi là đại thẩm sát (mahāvilokana):

– Thời kỳ (kāla).

– Châu (dīpa).

– Vùng đất (padesa).

– Dòng dõi (kula)

– Người mẹ (mātā).

Sách Milindapañhā (Milanda hỏi) có nêu thêm ba điều nữa là:

– Quán xét về tuổi thọ của chúng sinh (ayuṃ viloketi).

– Quán xét về tháng giáng sinh (māsaṃ viloketi).

– Quán xét về sự xuất gia (nekkhamma viloketi) ([29]).

a- Thời kỳ.

Đức Chánh Đẳng giác chỉ xuất hiện trong kiếp giảm, và trong khoảng chúng sinh có tuổi thọ là 100 ngàn đến 100 tuổi.

Sở dĩ Bồtát quán xét kỹ điều này là vì: Khi chúng sinh có thọ mạng trên trăm ngàn tuổi, khi ấy “già, bịnh, chết” không hiển lộ rõ và ba đặc tướng pháp “vô thường, khổ, vô ngã” cũng không hiển lộ rõ ràng.

Do đó khi Đức Chánh giác thuyết giảng về “già, bịnh, chết” hay “vô thường, khổ, vô ngã”, chúng sinh sẽ bàn với nhau rằng: “Các Ngài đang nói về cái chi thế?” và họ sẽ cho là “không quan trọng, không đáng lưu ý”, họ sẽ bỏ qua.

Thế là sự giảng pháp của Đấng Giác Ngộ không mang lợi ích cho nhân loại, không thể giúp cho nhân loại có thể giác ngộ pháp, chứng đạt pháp bất tử.

Khi thọ mạng nhân loại ít hơn 100 tuổi, cũng không phải là “thời điểm giáng sinh vào nhân giới để trở thành Bậc Chánh giác”.

Vì sao? Vì khi ấy tâm nhân loại ngập tràn ác pháp cùng với ô nhiễm.

Ác pháp cùng ô nhiễm nhiều thì trí không thể phát huy sức mạnh, lời giảng pháp của Đấng Như Lai đối với tâm người nghe nhanh chóng bị quên lãng, như chữ viết trên nước và như vậy nhân loại khó chứng đạt pháp giải thoát.

Thời điểm thích hợp nhất để bậc Đại sĩ giáng trần là tuổi nhân loại trong khoảng 100 ngàn đến 100 tuổi.

b- Châu.

Suy xét về 4 châu (dīpa) thuộc nhân loại là: Đông Thắng thần châu (Pubbavidehadīpa), Tây Ngưu hóa châu (Aparagoyānadīpa), Nam thiện bộ châu (jambūdīpa) và Bắc cưu lô châu (Uttarakurudīpa).

Bồtát thấy rằng “chư Phật quá khứ không từng xuất hiện ở ba châu kia, chư Phật quá khứ chỉ xuất hiện ở Nam thiện bộ châu” ([30]).

Mỗi Luân vi (cakkavāla) có bốn châu (dīpa) là:

*Đông Thắng Thần châu (Pubbavidehadīpa)([31]).

Dài và rộng 7.000 dotuần, nằm về hướng Đông núi TuDi,  có hình dạng như trăng tròn.

Người ở châu này có gương mặt như vầng trăng tròn, có tuổi thọ là nhất định là 700 năm.

Biểu tượng của Đông Thắng Thần châu là cây keo (Sirisaka).

Đây là châu đầu tiên mà vị tân Chuyển Luân vương đi đến để nhiếp phục các vị vua ở châu này ([32]).

Một nhóm người Đông Thắng Thần châu theo vua  Mandhātu, khi vua Mandhātu mệnh chung, số người này không thể trở về Đông Thắng Thần châu, phải ở lại Nam Thiện bộ châu và quốc độ Videha hình thành, có kinh đô là Mithilā. Videha là một bang của liên bang Vajjī.

*Tây Ngưu Hóa châu (Aparagoyanadīpa).

Dài và rộng 7.000 dotuần, có hình dạng như “trăng lưỡi liềm”.

Người ở châu này có gương mặt như “trăng lưỡi liềm”, có tuổi thọ nhất định là 500 năm. Người Tây Ngưu Hóa châu không có nhà, họ nằm ngủ trên đất ([33]).

Tương truyền khi Dạxoa Puṇṇaka mang viên ngọc maṇi đánh cược trong một cuộc đấu cờ với vua Dhanañjaya, nhìn vào viên ngọc maṇi, người ta thấy  “Tây Ngưu Hóa châu”, nên có tên là goyaniya([34]).

Biểu tượng của châu này là cây Kalamba tồn tại trọn kiếp trái đất.

Tân Chuyển Luân vương sau khi nhiếp phục Đông Thắng Thần châu, xe báu đưa Đức vua cùng bốn đại binh chủng đi đến Tây Ngưu Hóa châu.

Tương tự như nhóm dân Đông Thắng Thần châu, nhóm người Tây Ngưu Hóa châu không thể trở về quê hương khi vuaMandhātu mệnh chung, họ thành lập quốc độ có tên là Aparanta ([35]).

*BắcCưuLư châu (Uttarakurudīpa).

Dài và rộng 8.000 dotuần, có hình dạng tứ giác.

Người ở châu này có gương mặt “hình tứ giác”, có tuổi thọ nhất định là 1.000 năm.

Nhóm người Bắc cưu lư châu theo vua Mandhātu, khi vua Mandhātu mệnh chung, họ không thể trở về quê hương, nên quốc độ Kuru hình thành.

*Nam Thiện Bộ châu (jambūdīpa).

Dài và rộng 10.000 do tuần, có hình như quả trứng.

Người Nam Thiện Bộ châu có gương mặt như hình “quả trứng”, có tuổi thọ bất định.

Khi chúng sinh thực hành thân, ngữ, ý thiện thì tuổi thọ có thể lên đến 1 atăng kỳ (asṅkheyya) tuổi([36]); khi thân, ngữ, ý rơi vào ác, bất thiện pháp, thì tuổi thọ xuống thấp nhất là 10 tuổi.

Ban đầu Nam Thiện Bộ châu rộng 10.000 dotuần, nhưng về sau người Nam Thiện Bộ châu sống theo ác pháp nên nước biển dâng lên phủ lấp hết 4.000 dotuần, phần đất mà người Nam Thiện Bộ châu sinh sống chỉ còn 3.000 dotuần, phần còn lại là núi.

Mỗi đại châu có 500 tiểu đảo phụ thuộc ([37]).

Có câu hỏi: Vì sao chư Phật Chánh Giác (kể cả chư Phật Độc Giác, Thượng thủ Thinh văn) không xuất hiện ở ba châu kia?

Đáp. Vì người Nam thiện bộ châu có 3 đặc điểm hơn người ba châu kia, luôn cả chư thiên cõi Đạo lợi là:

*Có sự dũng mãnh (sūrabhāva).

Là có tâm dũng mãnh trong sự thực hành thiện nghiệp bố thí, trì giới tu thiền.

Nói cách khác, người Nam thiện bộ châu có thể “cực ác” như “giết cha, giết mẹ”…, và có thể “cực thiện”, như dám hy sinh “mạng sống” cho người khác …

*Có niệm vững chắc (satimata).

Là có sự “ghi nhận, nhớ rõ” rất mạnh; niệm là pháp căn bản để làm “tăng trưởng các thiện pháp”, “thành tựu các pháp thượng nhân như thiền định, Đạo – quả Siêu thế”.

*Có đời sống phạm hạnh (brahmacariyavāsa).

Tức là có phẩm mạo xuất gia. Vị Bồtát Chánh giác, trước khi thành Bậc Chánh giác, Ngài phải là “bậc xuất gia” trước đó, chư Phật Độc giác, Thượng thủ Thinh Văn cũng phải ở trong phẩm mạo bậc xuất gia.

Như trong Tăng chi kinh, phẩm 9 pháp. Đức Phật có thuyết:

Tīhi bhikkhave thānehi jambudīpakā manussa vittarakuruke manusse adhigacchanti deve ca tāvatiṃsa. Katame tīhi?

“Này chư Tỳkhưu, người Nam thiện bộ châu thù thắng hơn người Bắccưulư châu và chư thiên Đaolợi, ba điều. Ba điều ấy là gì?

Sūrā ca satimanto ca idha brahmacariyavaso cāti.

Dũng mãnh, có niệm vững mạnh và sống đời Phạm hạnh”.

Còn người xứ BắcCưuLư châu cũng thù thắng hơn người Nam Thiện Bộ châu và chư thiên cõi ĐạoLợi ba điểm:

– Không bám giữ “củata”.

– Không chấp trước.

– Có tuổi thọ nhất định.

Có Pāli sau: Tīhi bhikkhave, ṭhānehi uttarakurukā manussā deve ca tāvatiṃse adhigaṇhanti jambudīpake ca manusse. Katame tīhi? Amanā, apariggahā, niyatāyukā.

“Này các Tỳkhưu, người BắcCưuLư châu thù thắng (adhigaṇhanti) chư thiên ĐạoLợi và người Nam Thện Bộ châu ba phương diện. Thế nào là ba?

–  Không bám chấp “của ta” (amamā).

– Không chấp trước (apariggahā).

– Tuổi thọ nhất định (niyatāyulā)([38]).

Từ ngữ “Manussa”  với ý nghĩa “con cháu của Manu” thì chỉ riêng cho “người Nam thiện bộ châu”; với ý nghĩa là “người” thì dùng chung cho 4 châu.

Các vị Giáo thọ sư cổ sơ có giải thích:

Manussannaṃ etesanti = manussa.

Gọi là người do có tâm dũng mãnh và sáng chói.

Với định nghĩa này, manussa chỉ cho người Nam Thiện bộ châu.

Có thêm ba định nghĩa về “người Nam thiện bộ châu” như sau:

* Kāraṇākāranaṃ manati jānātīti = manussa.

Hiểu nguyên nhân và không phải nguyên nhân, gọi là “người”.

(Chữ kāraṇa ở đây chỉ cho “nguyên nhân”).

Nghĩa là “người Nam thiện bộ châu” khi gặp một điều gì, một sự kiện nào đó, thường suy gẫm “do nguyên nhân nào chúng khởi lên”, do “nguyên nhân nào chúng không khởi lên”.

Điều này người ba châu kia luôn cả chư Thiên và Phạm thiên không có sự hiểu biết bằng người Nam thiện Bộ châu.

Và điều này cũng giải thích vì sao “ba châu kia cả cõi chư thiên và cõi Phạm thiên, không xuất hiện Phật Độc Giác, Thượng thủ thinh văn.

* Atthānatthaṃ manati jānātīti = manussa:

“Hiểu được kết quả và không phải là kết quả, gọi là “người”.

(Chữ Attha ở đây chỉ cho “kết quả”).

Nghĩa là “người Nam thiện bộ châu” có sự hiểu biết rằng “thân, ngữ, ý thiện sẽ cho kết quả “lợi ích”; thân, ngữ, ý bất thiện sẽ cho kết quả “không an lạc”.

Hoặc là “quả an vui không phải là “kết quả của thân, ngữ, ý bất thiện” và “quả khổ” không phải là quả của “thân, ngữ, ý thiện”.

Sự hiểu biết về vấn đề này, người Nam thiện bộ châu” hơn hẳn người ba châu kia luôn cả chư thiên và Phạm thiên.

* Kusalākusalaṃ manati jānātīti = manussa.

“Hiểu biết về thiện và bất thiện, gọi là “người”.

Nghĩa là “người Nam thiện bộ châu” hiểu “thiện” theo ý nghĩa thực tính pháp (sabhāvadhamma) là : Tín, giới, văn, thí, tuệ hay vô tham, vô sân, vô si …

Hiểu “bất thiện” theo nghĩa thực tính pháp như: Tham, sân, si, mạn, nghi …

Điều này, người ba châu kia lẫn chư thiên và Phạm thiên không bằng “người Nam thiện bộ châu” (sđd).

Do vậy, chư Bồtát Chánh giác kiếp chót thường chọn “Nam thiện bộ châu”.

Lại nữa, chư Bồtát Độc giác, Thượng thủ thinh văn kiếp chót cũng chọn “Nam thiện bộ châu” để giáng trần.

c- Vùng đất.

Sau khi chọn được châu để giáng trần rồi, bậc Đại sĩ suy gẫm tiếp “Nam thiện bộ châu rất rộng lớn, có đến 10 ngàn dotuần (yojana). Vậy ta sẽ giáng sinh vào vùng đất nào?”.

Và Ngài thấy các vị Bồtát kiếp chót để trở thành Đức Chánh đẳng giác thường giáng trần vào vùng trung tâm quả địa cầu (tức là vào vùng Trung Ấn thời Đức Phật Gotama).

Vì sao các vị Bồtát Chánh giác kiếp chót lại chọn vùng đất này?

Quả địa cầu có hình tròn dẹt, tựa như chiếc thuyền. Một người vạm vỡ nhảy xuống vào giữa con thuyền, con thuyền có thể bị chấn động nhưng không bị lật úp; cũng vậy Bồtát là bậc có đại uy lực, Ngài chọn “vùng đất giữa” để giáng sinh, trái đất có thể bị chấn động nhưng không thể “vỡ ra”.

Lại nữa, vùng đất giữa này, phải là “vùng đất có những nền minh triết cao”, để khi Ngài thành bậc Chánh Giác, “ánh sáng Phật pháp” lan tỏa át hết “mọi nền minh triết đương thời”, làm tăng thêm giá trị cao quý của Phật pháp.

Ví như chiến thắng được “người vô địch”, giá trị chiến thắng ấy được nhân lên gấp bội.

Trước khi Đức Phật xuất hiện, nền minh triết của Bàlamôn giáo đang ở đỉnh cao tột, so với các nền minh triết khác([39]). Nên Đức Bồtát chọn “vùng đất giữa” là Trung Ấn.

Mặt khác, vùng đất giữa này là “vùng đất đầu tiên” hiện khởi giữa “cõi người”.

d- Giòng dõi.

Kế đến bậc Đại sĩ suy gẫm đến dòng dõi.

Thông thường chư Phật quá khứ có giòng dõi cao tột nhất trong thời ấy, hoặc là giòng Bàlamôn hoặc là giòng Chiến sĩ (Khattiya – dòng vua), chư Phật quá khứ không xuất thân từ giòng Vessa (thương buôn) hay giòng Caṇḍala (thường dân hay dòng nô lệ).

Hiện tại giòng Sátđếlỵ (khattiya) đang chiếm ưu thế, vậy ta hãy giáng sinh vào giòng Sátđếlỵ, nhưng giòng Sátđếlỵ nào cường mãnh nhất?

Ngài thấy “có giòng ThíchCa chính là các hậu duệ của Ngài”.

Vì sao Bồtát chọn giòng dõi cao nhất?

Vì giòng dõi cao quí nhất, là một trong những “phương tiện hoằng pháp độ sinh”.

Đức Phật sau khi “giảng pháp độ đời”, các vua, quan hay người trong  giai cấp Bàlamôn, muốn đến nghe pháp từ Đức Phật, họ sẽ nghĩ “khi chưa xuất gia Ngài cũng thuộc giòng cao sang, ta có đến yết kiến Ngài cũng không làm giảm giá trị của giòng họ ta” và họ sẽ mạnh dạn đến yết kiếnĐức Phật.

Sau khi nghe pháp những người hữu phước này trở thành Thánh đệ tử thinh văn, hoặc họ sẽ  “quy ngưỡng Tam bảo”.

Giả như Đức Bồtát tái sinh vào giai cấp thương buôn, có 2 điều bất ổn là:

Không mang đến niềm tin cho người  chưa có đức tin.

Người ta sẽ nghĩ rằng “do không sinh sống nổi, nên Ngài đi xuất gia” hoặc “do cải thiện giòng họ mình, nên Ngài đi xuất gia”.

Trái lại, Ngài từ giòng dõi cao quí ra đi xuất gia, họ sẽ nghĩ rằng “Ngài xuất gia không phải vì nuôi mạng sống, cũng không phải xuất gia vì muốn cải thiện giòng họ. Ngài xuất gia vì “lý tưởng cao đẹp”, vì muốn thành đạt “pháp thượng nhân”, nay Ngài rao giảng pháp mà Ngài chứng đạt, pháp ấy hẳn nhiên có nhiều lợi ích”.

Họ sẽ phát sinh “niềm tin” nơi Ngài, từ đó những người này có khả năng chứng được pháp giải thoát.

Các giai cấp cao như Bàlamôn, Sátđếlỵ ít muốn tiếp cận Đức Phật.

Những người hữu phước có trí ở trong những giòng dõi cao quý, không muốn tiếp cận Đức Phật, vì e ngại tổn thương danh giá của giòng họ.

Họ cũng không có tâm kính trọng Ngài. Và như vậy sẽ làm tổn phước cho những người hữu phước, hữu trí ấy.

Như Bàlamôn Soṇadaṇḍa muốn đi đến yết kiến Đức Thế Tôn, đã bị các Bàlamôn khác cản ngăn và Bàlamôn Soṇadaṇḍa đã nói:

“Này các hền giả, thật vậy Samôn Gotama thiện sinh từ cả mẫu hệ và phụ hệ, huyết thống thanh tịnh cho đến 7 đời tổ phụ không bị một vết nhơ nào, không bị một dèm pha nào về vấn đề huyết thống thọ sinh; vì điểm này thật không xứng đáng cho Samôn Gotama đến yết kiến chúng ta, trái lại thật xứng đáng cho chúng ta đến yết kiến Samôn Gotama”([40]).

Giòng Sátđếlỵ đang cường thịnh mà còn như thế, nói gì đến giai cấp thấp hơn?

e- Mẹ.

Rồi Ngài quán xét về người mẹ. Người mẹ của Bồtát kiếp chót phải là “người có phát nguyện là mẹ vị Bồtát kiếp chót và đã tạo trử nhiều phước báu cho ước nguyện này trong quá khứ”. Nữ nhân này có hay không?, Ngài thấy rằng , chính là bà Hoàng Mahāmāyā.

Ngài suy xét tiếp “trong hiện tại bà Hoàng Māyā như thế nào?”.

Ngài thấy rằng bà Hoàng Māyā là người giữ gìn 5 giới rất cẩn trọng, không hề vi phạm vào 5 giới.

Và bậc Đại sĩ quán xét đến tuổi thọ của bà Hoàng Māyā, Ngài thấy rằng: “Bà chỉ còn sống được 10 tháng lẻ 7 ngày”.

Sau khi quán xét kỹ 5 điều, bậc Đại sĩ quyết định giáng sinh vào nhân giới.

Khi bậc Đại sĩ quyết định “giáng trần”, khi ấy Ngài đã “vững trú” (adhiṭṭhāna) bốn pháp là: Trí tuệ vững trú (paññādhiṭṭhāna), xả ly vững trú (cāgādhiṭṭhāna), thanh tịnh vững trú (visuddhādhiṭṭhāna) và ghi nhớ (niệm) vững trú (satadhiṭṭhāna).

Và Ngài đã trả lời với các thiên chúng rằng:

“Thưa các thiên chúng, đã đến lúc tôi giáng trần để chứng đạt Vô thượng Chánh Giác rồi. Các vị có thể cùng tôi dạo chơi vườn Nandana (Hoan Lạc) trong thành phố chư thiên ĐẩuSuất này”.

Trong mỗi cõi trời đều có vườn hoa xinh đẹp Nandana, các thiên nhân trước khi lâm chung thường đi dạo trong vườn Nandana lần cuối.

Bồtát Santusita cùng với thiên chúng đi vào vườn hoa Nandana, các vị thiên nhân tùy tùng của Bồtát luôn nhắc đến từng việc thiện mà Bồtát đã làm trong quá khứ.

Và Bồtát từ bỏ thọ mạng cõi ĐẩuSuất, tái sinh vào thai bào của Hoàng hậu Māyā([41]) vàorạng sáng đêm trăng tròn tháng Āsāḷha, dưới chòm sao Uttarasāḷhā([42]).

Khi ấy quả địa cầu chấn động, ví như người vạm vỡ nhảy xuống thuyền, khiến chiếc thuyền chao động mạnh.

Có 8 nguyên nhân khiến quả địa cầu chấn động là:

1’-  Quả địa cầu nằm trên nước, nước nằm trên gió, gió nằm trên hư không, khi gió lớn cường mãnh làm nổi sóng nước, nước làm quả địa cầu rung động.

2’- Vị Samôn có thần thông với đề mục nước, khiến nước rung chuyển và quả địa cầu rung đông.

3’- Khi Bồtát từ cung trời ĐẩuSuất giáng sinh vào lòng mẹ kiếp chót với sự ghi nhớ và biết rõ (sati sampajāna).

4’- Khi vị Bồtát kiếp chót ra khỏi thai bào với sự ghi nhớ, biết rõ.

5’- Khi Đức Bồtát chứng đạt quả Vô thượng Chánh giác.

6’- Khi Đức Chánh Giác khai chuyển bánh xe pháp.

7’- Khi Đấng Như Lai từ bỏ thọ hành, không duy trì mạng sống nữa.

8’- Khi Đấng Chánh đẳng giác viên tịch (parinibbaana)([43]).

Khi Bồtát Santusita nhập thai bào, quả địa cầu chấn động, đồng thời khi ấy xuất hiện một luồng ánh sáng, không một loại ánh sáng nào sánh bằng, luồng ánh sáng ấy soi rọi khắp cõi nhân thiên đến các tầng địa ngục, xuyên qua “vòng luân vi”, thấu suốt các “địa ngục không gian” (lokantarikā niraya), khiến chúng sinh trong địa ngục này nhìn thấy được nhau.

* “Vòng luân vi” (cakkavāḷasilā).

“Một thế giới bao gồm 31 cõi”, “31 cõi” này  được bao bọc bởi “vòng đai bằng đá”, gọi là cakkavāḷasilā.

Chữ cakka nghĩa thông thường là “bánh xe”, như: Cakkaratana (xe báu)([44])Dhammacakkappavattanasutta (kinh Chuyển pháp luân) …

Chữ “cakkavāḷasilā” thường được dịch là “Luân vi sơn” hay “Hoàn vũ sơn”.

Có thể tưởng tượng “31 cõi” nằm trong lòng “quả cầu bằng đá bị cắt ngang bên dưới”. Nghĩa là “chân núi Luân vi chìm sâu xuống đại hải, núi Luân vi giống như quả cầu tròn bị cắt ngang phần dưới”.

Và cả 10 ngàn “31 cõi” này rung chuyển mạnh bởi luồng hào quang ấy([45]).

*Địa ngục không gian (lokantarika niraya).

Đây là địa ngục dành cho những người theo quan điểm “đoạn diệt” nhất định (gọi là tà kiến đoạn diệt nhất định – ucchedadiṭṭhiniyāma) và tạo những ác trọng nghiệp như: Giết cha, giết mẹ, giết vị ALaHán, làm chảy máu Phật và chia rẽ Tăng.

Gọi là “địa ngục không gian” vì nằm ngoài 31 cõi, mỗi 31 cõi được bao bọc bởi “Luân vi sơn”, ba “luân vi” này tiếp xúc với nhau, khoảng trống giữa 3 “luân vi” ấy là “địa ngục không gian” (lokantakaniraya hay lokantarika niraya)([46]).

“Địa ngục không gian” rộng mười ngàn dotuần, nơi đây ánh sáng mặt trời, mặt trăng cùng các vì sao không thể đến được vì bị ngăn lại bởi Luân vi sơn.

“Địa ngục không gian” chia làm hai phần, nửa bên dưới là nước “hủy diệt” có màu đen([47]), cõi này lạnh khủng khiếp.

Chúngsinh trong cõi này cao 3 gāvuta (=12km) không nhìn thấy nhau, họ có những móng tay dài bám vào triền núi Luân vi, khi bị rơi xuống “nước hủy diệt” thì chết rồi tái sinh trở lại nếu như nghiệp ác chưa muội lược.

Hoặc khi họ lần theo triền núi chạm vào nhau, ngỡ là “vật thực”, bám chặt vào nhau cắn xé, rồi cả hai rơi xuống vực nước “hủy diệt”.

Trong bản Sớ giải Phật Tông, gọi “địa ngục không gian” là địa ngục “Asurakāyā”([48]).

Khi ánh sáng kỳ diệu phát sinh do sự giáng sinh của Bồtát, xuyên qua núi Luân vi, tỏa sáng khắp các “địa ngục không gian” trong 10 ngàn thế giới.

Một số chúng sinh trong địa ngục nhìn thấy nhau, khởi lên tư tưởng “cũng có những chúng sinh khác sống ở đây”, hoặc khởi lên ý nghĩ “có thế giới khác” khi ấy họ thoát ra “địa ngục không gian”. Chúng sinh nào không thấy được nhau, hoặc không thay đổi quan điểm thì vẫn chịu khổ trong địa ngục ấy.

Bản Sớ giải Phật Tông([49]) có giải thích thêm là: Khi ấy có 32 hiện tượng kỳ diệu phát sinh lên và 32 điều kỳ diệu này chỉ xảy ra trong bốn trường hợp:

– Vị Bồtát Chánh đẳng giác kiếp chót nhập thai bào.

– Vị Bồtát Chánh giác kiếp chót đản sinh.

– Bồtát chứng đắc quả Vô thượng Chánh giác.

– Đức Phật Chánh giác “chuyển bánh xe pháp” (Đức Phật thuyết giảng pháp lần đầu tiên)([50]).

Quả địa cầu chấn động như thế nào?

Quả địa cầu chấn động theo sáu cách, như chiếc thuyền nổi trên mặt nước, một người vạm vỡ nhảy xuống thuyền, chiếc thuyền chấn động theo 6 cách: Mạn thuyền bên này nghiêng xuống, mạn thuyền bên kia rướn lên khỏi nước, rồi mạn thuyền bên kia nghiêng trở lại, mạn thuyền bên này rướn lên.

Mũi thuyền chìm xuống, đuôi thuyền rướn lên, rồi đuôi thuyền hạ xuống, mũi thuyền rướn lên. Thân thuyền lún xuống rồi rướn lên.

Cũng vậy, trái đất chấn động theo sáu cách như trên theo 6 hướng: Đông, Tây, Nam, Bắc, hướng trên và hướng dưới.

3- Hoàng hậu Mahāmāyā.

Bà là con vua Añjana và hoàng hậu Yasodharā của vương quốc Koliya, có kinh thành là Devadaha (Thiên Trì).

Tương truyền cách đây 91 kiếp trái đất, vào thời Đức Phật Vipassī (TỳBàThi), phụ vương của Đức Thế Tôn Vipassī có tên là Bandhumā, mẫu hậu là Bandhumatī, kinh thành của vua Bandhumā là Bandhumatī.

Khi Đức Phật Vipassī đã hiện khởi trên thế gian, Ngài ngự trú tại vườn nai Khema (An Hòa), gần thành Bandhumatī.

Một vị vua lân bang đã gởi tặng vua Bandhumā một xâu chuổi bằng vàng trị giá 100 ngàn kahāpaṇa (đồng vàng) và một khúc gỗ trầm hương quý.

Đức vua Bandhumā ban thưởng cho 2 người con gái của mình, cô chị đươc khúc gỗ trầm hương quý, cô em được chuỗi vàng.

Nhưng cả hai đều muốn cúng dường đến Đức Phật Vipassī và được đức vua Bandhumā chấp thuận.

Cô công chúa chị cho nghiền nhuyễn gỗ trầm hương thành bột, chứa vào bình bằng vàng, cô đi đến nơi ngự của Đức Thế Tôn Vipassī, cúng dường hương thơm đến Đức Phật, bằng cách rắc bột trầm hương dưới chân Đức Phật cùng khắp chung quanh nơi ngự của Đấng Thập lực (dasabala) và phát nguyện rằng:

“Kính bạch Đức Thế Tôn, do phước con cúng dường hương thơm đến Ngài, xin cho con được làm mẹ vị Bồtát Chánh giác kiếp chót, vị ấy sẽ chứng quả Chánh đẳng giác như Ngài”.

Và Đức Đạo sư Vipassī đã tiên đoán ước nguyện này sẽ thành hiện thực sau 91 kiếp trái đất, vào thời Đức Phật có hồng danh là Gotama.

Cô công chúa em cúng dường đến Đức Phật Vipassī xâu chuỗi vàng và phát nguyện:

“Kính bạch Thế Tôn, do phước cúng dường xâu chuỗi vàng này, xin cho kiếp nào con cũng có được xâu chuỗi vàng và con chứng đạt thánh quả ALaHán”.

Đức Thế Tôn Vipassī chúc phúc cho nàng được như ý nguyện.

Vào thời Đức Phật Kassapa (CaDiếp), cô công chúa em tái sinh làm con gái của Đức vuaKikī.

Khi vừa sinh ra, cô bé đã có chiếc vòng vàng trên cổ, nên nàng có  tên là Uracchadā. Khi được 16 tuổi, nghe được pháp thoại từ Đức Phật Kassapa (CaDiếp), nàng chứng đạt Thánh quả ALaHán và viên tịch ngay trong ngày ấy([51]).

Riêng cô công chúa chị vẫn lăn trôi trong vòng luân hồi, hưởng phước nhân thiên. Đến thời hiện tại chính là bà Hoàng Māyā.

Trong Bổn sanh Vessantara có ghi nhận: Hoàng Hậu Phusatī thân mẫu của Bồtát Vessanta, khi mệnh chung sinh về thiên giới.

Vào thời Đức Phật Kassapa (CaDiếp), bà là cô công chúa thứ sáu của Đức vua Kikī có tên là Sudhammā, sau kiếp ấy bà lại tái sinh về thiên giới.

Vào thời hiện tại, bà chính là Hoàng hậu Māyā([52]).

Nhưng điều này không phù hợp với tập Apadāna.

Tập Apadāna có nêu ra bảy cô công chúa con vua Kikī như sau:

– Trưởng nữ vua Kikī là nàng Samanī, nay là Thánh nữ Khemā đệ nhất trí tuệ trong hàng nữ ni của Đức Phật Gotama.

– Nàng công chúa thứ 2 là Sumanaguttā, nay là Thánh nữ Uppalavaṇṇā, đệ nhất về thần thông trong hàng nữ ni của Đức Phật Gotama.

– Nàng công chúa thứ ba là Bhikkhunī, nay là Thánh nữ Patācārā, đệ nhất về trì luật trong hàng Thánh nữ ni của Đức Phật Gotama.

– Nàng công chúa thứ tư là Bhikkhudāsikā, nay làThánh nữ Bhaddā Kuṇḍalakesā đệ nhất về tốc trí([53]).

– Nàng công chúa thứ năm là Dhammā, nay là Thánh nữ Kisāgotamī đệ nhất mặc y “củ rách” trong hàng nữ ni của Đức Phật Gotama.

– Nàng công chúa thứ sáu là Sudhammā, nay là Thánh nữ Dhammadinnā, đệ nhất về thuyết pháp trong hàng nữ ni của Đức Phật Gotama.

– Nàng công chúa thứ 7 là Saṅghadāsī, nay là bà Visākhā, chứng quả Dự lưu vào lúc 7 tuổi([54]).

Sáu vị Thánh nữ ALaHán trên, trong tập “ký sự” (Apdāna), đều có nêu lên lai lịch cùng tiền sự của mình trong thời Đức Phật Kassapa, đồng thời xác định rõ “là con gái thứ mấy” của vua Kikī([55]), như đã trình bày.

Tiền thân của Hoàng hậu Māyā được đề cập nhiều trong các câu chuyện Bổn sanh như: Alīnacittajātaka (Bổn sanh 156), Kaṭṭhahārījātaka (Bổn sanh 7), Kurudhammajātaka (Bổn sanh  276), Kosambījātaka (Bổn sanh 428), Khanḍḍahālajātaka (Bổn sanh 542), Dasarathajātaka (Bổn sanh 461), Bandhanāgārajātaka (Bổn sanh 201), Mahā-ummaggajātaka (Bổn sanh 546), Mātuposakajātaka (Bổn sanh 455), Vessantarajātaka (Bổn sanh 547), Susimajātaka (Bổn sanh 163), Somanassajātaka(Bổn sanh 505), và Hatthipālajātaka (Bổn sanh 509).

Hoàng hậu Māyāgotamī cùng bà Hoàng Pajāpatigotmī đều hiếm muộn con, hơn 40 tuổi([56]) cả hai bà đều chưa có con.

Hoàng hậu Māyā đạt được tất cả những đức tính khả dĩ “làm mẹ đức Bồtát kiếp chót”, ngay từ khi chào đời cho đến hơn 40 tuổi bà không hề vi phạm vào 5 giới, không từng uống men rượu nấu hay men rượu say, đồng thời tâm khôngdính mắc với dục lạc, không hề nghĩ đến nam nhân nào khác ngoài vua Tịnh Phạn.

Bà đã tạo trử phước balamật (pāramī ) trải qua 100 ngàn kiếp trái đất rồi, từng phát nguyện “là mẹ Bồtát Chánh giác kiếp chót” trong thời Đức Phật Padumuttara.

Trước ngày trăng tròn tháng Asāḷha một tuần, kinh thành CaTỳLaVệ (Kapilavatthu) có mở lễ hội vui chơi.

Hoàng hậu Māyā cũng trang điểm xinh đẹp, thoa xức vật thơm trên thân và đi du ngoạn đại lễ trọn 7 ngày.

Vào buổi sáng ngày trăng tròn tháng Āsaḷha, Hoàng hậu Māyā sau khi tắm rữa xong, bà xuất kho bố thí 400 ngàn đồng vàng, rồi thọ trì Bốtát giới (uposathasīla)([57]).

Vào rạng sáng, bà mộng thấy Tứ đại vương (Catumahārāja) đi đến, cùng nhau khiêng chiếc giường của bà mang đến khu rừng Sālā (Vô ưu), đặt chiếc giường trên tảng đá lớn, dưới cội cây Sālā cao ngất.

Các thiên nữ đi đến mời bà đi tắm ở hồ Anotatta (Vô nhiệt), các thiên nữ kỳ cọ thân thể bà một cách cẩn trọng, sau đó thoa hương trời khắp thân bà.

Gần hồ Anotatta có hòn núi bằng bạc, trong núi bạc có ngôi bảo điện bằng vàng ròng sáng chói, các thiên nữ đưa bà vào bảo điện vàng để an nghỉ, bà nằm trên giường ngọc, đầu day về hướng Đông.

Gần núi bạc là hòn núi vàng, bà nhìn thấy trên đỉnh núi vàng có con bạch tượng, vòi voi cuốn cành sen trắng, bạch tượng đi từ đỉnh núi vàng xuống chân núi rồi đi sang qua núi bạc.

Khi đi lên núi bạc đến gần bảo điện, bạch tượng rống lên tiếng lớn rồi đi vào bảo điện, đi quanh giường bà Hoàng Māyā đang nằm 3 vòng, rồi dường như húc vào bên hông phải của bà.

Đức Bồtát đã giáng sinh vào lòng mẹ ngay khi ấy, hôm ấy là ngày Uttarāsāḷhanakkhatta([58]).

Sáng ra bà báo cho vua Tịnh Phạn (Suddhodana) biết điềm mộng đặc biết ấy, vua Tịnh Phạn cho vời những Bàlamôn tinh thông đoán mộng đến để chiêm mộng, các Bàlamôn kết luận: “Hoàng hậu Māyā sẽ sinh ra một bậc đại nhân”.

4-Bồtát an trú trong thai bào.

Khi Bậc Đại sĩ an trú trong thai bào, Tứ Đại vương canh giữ bốn phương nơi Hoàng hậu Māyā trú ngụ, với ý nghĩ “không cho một ai, người hay phi nhân làm hại đấng Đại sĩ”. Tứ đại vương canh giữ bốn phương như thế trọn 10 tháng (tính theo nhân loại).

Khi ấy, do uy lực của bậc Đại sĩ kiếp chót, Hoàng hậu Māyā giữ 5 giới một cách tự nhiên, đồng thời không hề có tư tưởng “tình dục” với bất kỳ nam nhân nào.

Mẹ của Đấng Đại sĩ tận hưởng đầy đủ năm món dục lạc, tâm luôn hoan hỷ, thân luôn an lạc, không hề xuất hiện một chứng bịnh nào, bà nhìn thấy “hài tử” trong thai bào của mình với tất cả chi tiết của mọi bộ phận như mắt, mũi, môi … lẫn chân tay, như người nhìn thấy sợi chỉ màu vàng, màu xanh hay màu đỏ xuyên suốt qua viên bảo ngọc trong suốt không tỳ vết([59]).

Đấng Đại sĩ khi an trú trong thai bào, Ngài ngồi “hai chân gác tréo lên đùi” (pallaṅka), mặt day ra trước bụng mẹ (khác với những ấu nhi thường tình là mặt day vào lưng mẹ), Bồtát có sự ghi nhận hiểu biết rõ, không bị vật nhơ bẩn nào xâm phạm vào Ngài, ví như Ngài ngồi trong bảo điện trong sạch.

5- Bồ- tát đản sinh.

Khi mang thai gần 10 tháng, sắp đến ngày sinh nở, theo phong tục thời ấy Hoàng hậu xin phép vua Tịnh Phạn về quê mẹ là Thiên Trì để sinh nở.

Vua Tịnh Phạn cho người trang hoàng con đường từ thành CaTỳLaVệ đến thành Thiên Trì thật bằng phẳng, ven đường trồng chuối, đặt những vại nước và cờ phướn trang trí cho con đường.

Hoàng hậu Māyā ngự trên chiếc kiệu bằng vàng xinh đẹp trở về kinh thành Thiên Trì với đông đảo tùy tùng.

Vào ngày rằm tháng Vesākha([60]), bà đi đến rừng “điềm lành” vì được trồng toàn cây Sālā (Vô ưu), có tên gọi là LâmTỳNi (Lumbini) nằm giữa hai kinh thành Thiên Trì và CaTỳLaVệ.

Bà muốn ngoạn cảnh trong khu lâm viên này, nên cho dừng kiệu vàng, đi vào khu lâm viên, xuống hồ nước tắm rồi đi ngoạn cảnh.

Bấy giờ rừng cây Sālā nở rộ hoa từ gốc cho đến ngọn, trên những cành cây Sālā ríu rít tiếng chim hót như chào mừng đấng Đại sĩ sắp ra đời.

Hoàng hậu Māyā thấy khu rừng xinh đẹp, bà có cảm giác như khu rừng Nandana trong cõi chư thiên nên tâm bà rất vui thích.

Khi đi đến cội Sālā nở rộ hoa, bà nhìn thấy một cánh hoa Sālā xinh đẹp trên nhánh cao đang nở, cành cây cong xuống như đang cúi chào, bà hân hoan đưa bàn tay phải nắm lấy cành cây, nơi cườm tay chiếu sáng với chiếc vòng vàng xinh đẹp, những ngón tay tròn như cọng sen tươi, những chiếc móng tay dài có màu trắng sữa tươi nhuận.

Nơi bà đứng chợt sáng rực như vầng trăng vừa mọc, xua tan sự tối của bóng đêm, như ánh sáng được tỏa ra từ vị thiên nữ trong rừng hoa Hoan Lạc (Nandana).

Và Đấng Đại sĩ duỗi thẳng hai chân ra khỏi thai bào, như vị pháp sư duỗi thẳng hai chân bước xuống pháp tọa, vị Đại sĩ “biết rõ” đang xuất khỏi thai bào.

Những nữ nhân khác khi sinh con phần đông thì nằm, một số thì ngồi, Bồtát ra khỏi thai bào trong khi mẹ Ngài đang đứng.

Những hài nhi khác, một số sinh ra trước 10 tháng, một số ít sinh ra sau 10 tháng, Đấng Đại sĩ ở trong thai bào đúng 10 tháng không hơn không kém.

Khi Bồtát ra khỏi thai bào, bốn vị Phạm thiên mang chiếc lưới bằng vàng đến đón nhận Bồtát, rồi thưa với Hoàng hậu rằng: “Thưa Hoàng hậu, Hoàng hậu hãy hân hoan đi, vì bà vừa sinh ra một bậc đại nhân”.

Sau đó các Phạm thiên trao Bồtát cho Tứ đại vương, Tứ đại vương mang chiếc da con sơn dương đen mềm mại, mang ý nghĩa “điềm lành”, đặt Bồtát trên tấm da con sơn dương đen, mang đến cho Hoàng hậu Māyā, các cung nữ theo hầu Hoàng hậu đã đón nhận Bồtát.

Bồtát ra khỏi thai bào hoàn toàn trong sạch, không bị nhơ bẩn bởi loại nước nhớt nào, không bị nhơ bẩn bởi loại mủ nào, không bị nhơ bẩn bởi loại máu nào, không bị nhơ bẩn bởi bất cứ loại nước dơ nào.

Từ nơi hư không xuất hiện hai giòng nước ấm và mát, tắm rữa sạch sẽ cho Bồtát và Hoàng hậu Māyā.

Rời khỏi tay các cung nữ, Bồtát đứng vững trên đất hướng về phương Bắc đi 7 bước rồi dừng lại, nhìn bốn phương nói lên kệ ngôn:

Aggo’haṃ asmi lokassa; jeṭṭho’haṃ asmi lokassa

Seṭṭho’haṃ asmi lokassa.

Ayaṃ antimā jāti.

N’atthi’ dāni punabbhavoti:

“Ta là bậc cao nhất trên đời; ta là bậc quý nhất trên đời

Ta là bậc đáng trọng nhất trên đời.

Nay là kiếp cuối cùng

 Không còn phải sinh lại ở đời này nữa”([61])

Bản Sớ giải Phật Tông có giải thích:

Bồtát đi như thế nào?

Ngài không đi xuyên qua hư không, Ngài đi trên đất nhưng chân không chạm đất vì có 7 cánh hoa sen nở đón lấy chân Ngài (nhân loại không nhìn thấy, chỉ có chư Thiên và Phạm thiên thấy). Nhưng nhân loại nhìn “tựa như Ngài đi xuyên qua hư không, giữa bầu trời”.

Ngài đi như một đạo sĩ lõa thể, nhưng đại chúng thấy “tựa như Ngài khoác áo choàng xinh đẹp”.

Ngài đi như một hài tử mới sơ sinh, nhưng đại chúng nhìn “tựa như một thanh niên 16 tuổi”.

Nhìn khắp mọi phương.

Đến bước thứ 7, Ngài dừng lại nhìn khắp mọi phương, khi Ngài nhìn về hướng Đông, các thế giới ở phương Đông nằm trong tầm mắt Ngài một cách rõ ràng, không bị che khuất, chư thiên ở các thế giới phương Đông đảnh lễ Ngài một cách tôn kính rồi cúng dường hương hoa đến Ngài, bạch rằng:

“Thưa Đấng Đại sĩ, nơi đây không có ai đáng được tôn kính hơn Ngài, người như Ngài không có ở nơi đây”.

Tương tự như thế với các phương Đông nam, Nam, Tây nam, Tây, Tây bắc, Bắc, Đông bắc, hướng trên và hướng dưới.

Khi thấy rõ và hiểu rõ như vậy, Đấng Đại sĩ mới nói lên kệ ngôn trên.

Đấng Đại sĩ vừa sinh ra biết nói.   

Suốt dòng luân hồi, khi tái sinh làm thân nhân loại, chỉ có ba kiếp “Bồtát vừa sinh ra đã biết nói”, đó là:

*Kiếp Ngài là Bồtát Mahosatha, tu tập hạnh  “đại trí tuệ”.

Tương truyền, Bồtát từ cung trời “Ba mươi ba” (Tāvatiṃsadeva)([62]) tái sinh vào lòng bà Trưởng giả Diệu Ý (Sumanā), vợ ông Trưởng giả Sirivaddhana.

Gần đến ngày Bồtát sinh ra, vua trời ĐếThích mang một hòn thuốc đặt vào tay Bồtát. Khi sinh ra khỏi lòng mẹ, Bồtát nắm chặt trong tay hòn thuốc, mẹ Ngài hỏi: “Con cầm vật chi trong tay vậy”?

– Thưa mẹ, đây là thuốc trị bịnh.

Trưởng giả Sirivaddhana mang bịnh đã 7 năm, nhưng chữa trị không hết, bà Trưởng giả mang hòn thuốc mài cho chồng uống, ông Trưởng giả dứt khỏi bịnh.

Do đó, Bồtát có tên là Mahosatha (Đại Dược) (chữ mahosatha =Mahā (đại) + osatha (thuốc trị bịnh).

Từ ấy, nhờ hòn thuốc này, đã trị lành nhiều chứng bịnh cho cư dân trong và quanh vùng của Bồtát([63]).

*Kiếp Ngài là Bồtát Vessantara, tu tập hạnh “đại bố thí”.

Tương truyền vua trời ĐếThích cung thỉnh Bồtát tái sinh vào lòng bà Hoàng hậu Phusatī, con vua Sañjaya.

Bồtát sinh ra giữa phố những người thương buôn, nên Ngài có tên là Vessantara (chữ vessantara = vessa (thương buôn) + antara (ở khoảng giữa).

Bồtát Vessantara khi sinh ra, thân thể không bị ô nhiễm bởi những chất nhơ bẩn như: Nước nhớt, mủ, máu …, Ngài mở mắt ra nhìn mẹ và hỏi:

– Thưa mẹ, con muốn bố thí, mẹ có gì cho con để con bố thí không?

– Này con, con hãy bố thí theo ý muốn.

Hoàng hậu Phusatī đặt vào trong tay hài tử túi tiền 1.000 đồng vàng.

*Kiếp Ngài là Bồtát SĩĐạtTa.

Cả ba kiếp ấy, sau khi nói xong Ngài trở lại trạng thái “sơ sinh” như mọi hài tử khác.

Lại nữa, sự kiện Bồtát kiếp chót sinh ra “nơi biên giới” và đi 7 bước, nói lên kệ ngôn, “đó là thông lệ của chư Phật Chánh giác”.

Chư Phật có 30 thông lệ như sau là:

Ba mươi thông lệ của chư Phật ([64]).

1- Có sư ghi nhớ (sati – niệm) cả ba thời kỳ: Nhập thai bào, trú trong thai bào và xuất khỏi thai bào([65]).

2- Khi trú trong thai bào, Ngài “ngồi tréo chân” (kiết già), mặt day ra phía trước bụng mẹ.

3- Bồtát duỗi thằng hai chân như vị pháp sư bước xuống pháp tọa ra khỏi thai bào trong khi mẹ Ngài đang đứng.

4- Ngài sinh ra ở biên giới.

5- Vừa ra khỏi thai bào, Bồtát mặt hướng về phương Bắc, đi 7 bước nhìn bốn phương, nói lên kệ ngôn:

“Aggo’haṃ asmi lokassa, jeṭṭho’haṃ asmi  lokassa, seṭṭho’haṃ asmi lokassa.

Ayaṃ antimā jāti, n’atthi’dāni punabbhavo:

““Ta là bậc cao nhất trên đời; ta là bậc quý nhất trên đời

Ta là bậc đáng trọng nhất trên đời.

Nay là đời sống cuối cùng,

không còn phải tái sinh ở đời này nữa”

6- Trước khi xuất gia, Bồtát gặp 4 hiện tượng: Già-bịnh-chết và vị Samôn, đồng thời có được con trai đầu lòng.

7- Bồtát trước khi chứng Phật quả, phải thực hành khổ hạnh ít nhất là 7 ngày, nhiều nhất là 7 năm. Như:

* Trước khi thành Phật Chánh giác, các vị Bồtát: Dīpaṅkara, Koṇḍañña, Sumana, Anomadassī, Sujāta, Siddhattha, Kakusandha; các Ngài thực hành khổ hạnh là 10 tháng.

* Các vị Bồtát: Maṅgala, Sumedha, Tissa, Sikhī; các Ngài thực hành khổ hạnh khoảng 8 tháng, mới chứng đắc quả Chánh đẳng giác.

* Bồtát Revata khổ hạnh 7 tháng.

* Các vị Bồtát: Piyadassī, Phussa, Vessabhū, Konāgamana; các Ngài thực hành khổ hạnh 6 tháng.

* Bồtát Sobhita khổ hạnh 4 tháng.

* Các vị Bồtát: Paduma, Atthadassī, Vipassī; các Ngài hành khổ hạnh một tháng rưỡi.

* Các vị Bồtát: Nārada, Padumuttara, Dhammadasī, Kassapa: Các Ngài hành khổ hạnh chỉ 7 ngày.

* Bồtát Siddhatha khổ hạnh suốt 6 năm([66]).

Tương truyền Bồtát Metteyya (DiLặc) trong tương lai, Ngài chỉ khổ hạnh 7 ngày.

8- Trước khi đắc Vô thượng Chánh giác, Bồtát thọ dụng cơm sữa.

9- Bồtát phát nguyện, cỏ nhung hóa thành bồ đoàn để Ngài an ngự trên đó.

10- Bồtát thực hành đề mục niệm hơi thở để chứng quả Vô thượng Chánh giác([67]).

11- Chiến thắng Ma vương cùng binh tướng của Ma vương bằng 30 pháp độ, nhất là pháp bố thí([68]).

12- Đắc tam minh rồi chứng quả Vô thượng Chánh Giác

13- Chứng quả Vô thượng Chánh Giác vào rạng sáng và ở gần cội Bồ-đề 7 nơi, mỗi nơi 7 ngày.

14- Thành Phật rồi, Ngài có ý không giảng pháp, vị Đại Phạm thiên cung thỉnh giảng pháp và Đức Phật im lặng nhận lời.

15- Bài pháp đầu tiên được thuyết giảng nơi vườn Lộc Uyển, gọi là “Chuyển pháp luân”.

Trong thời Đức Phật Gotama vùng đất này có tên gọi là “Lộc Uyển”, trong thời chư Phật quá khứ, có thể có tên gọi khác.

Tuy nnhiên, cũng chính tại vùng đất này, 3 vị Phật quá khứ đã giảng bài pháp đầu tiên. Tương truyền “đó là nơi có cụm sen trong thời Sơ kiếp”.

16- Có ít nhất một lần Đại hội Thánh Tăng.

Điều kiện để gọi Đại hội Thánh Tăng là:

-Vào ngày trăng tròn tháng Māgha([69]).

– Tất cả chư Tăng không mời, đồng nhau tụ hội lại.

– Tất cả đều xuất gia bằng cách “ehi bhikkhu” (hãy đến đây, này Tỳkhưu).

– Tất cả chư Tăng đều là ALaHán lục thông.

Tùy theo số lượng chư Tăng có mặt được gọi là “Tăng hội” của Đức Thế Tôn ấy.

Theo Kinh Đại bổn (Mahāpadānasuttanta) trong Trường bộ kinh III thì:

*Đức Thế Tôn Vipassī có 3 Tăng hội: Một Tăng hội có 68 ngàn vị Tỳkhưu, một Tăng hội có 100 ngàn vị Tỳkhưu, một Tăng hội có 70 ngàn vị Tỳkhưu.

*Đức Thế Tôn Sikhī có 3 Tăng hội: 100. ngàn vị Tỳkhưu, 80 ngàn vị Tỳkhưu và 70 ngàn vị Tỳkhưu.

*Đức Thế Tôn Vessabhū có ba Tăng hội: 80 ngàn vị Tỳkhưu, 70 ngàn vị Tỳkhưu, 60 ngàn vị Tỳkhưu.

*Đức Thế Tôn Kakusandha có 1 Tăng hội là 40 ngàn vị Tỳkhưu.

*Đức Thế Tôn Konāgamana có một Tăng hội là 30 ngàn vị Tỳkhưu.

*Đức Thế Tôn Kassapa có một Tăng hội là 20 ngàn vị Tỳkhưu.

*Đức Thế Tôn Gotama có một Tăng hội là 1250 vị Tỳkhưu

17- Chư Phật luôn có ngôi chùa như trú xứ chính (như Đức Thế Tôn Gotama có ngôi Đại tự Jetavanavihāra (Kỳviên tịnh xá).

18- Chư Phật có một lần thể hiện Song thông lực để hàng phục ngoại đạo.

19- Chư Phật luôn đền đáp công ân thân mẫu (trong kiếp chót ấy) bằng Tạng Thắng pháp (Abhidhamma).

20- Thuyết xong Tạng Thắng Pháp, Đức Phật ngự về nhân giới bằng chiếc thang ngọc.

21- Mỗi đêm Đức Chánh giác đều an trú tâm trong thiền tịnh (vào đầu canh 2 của đêm)([70]).

22- Và0  lúc gần sáng (cuối canh ba) quán xét duyên lành của chúng sinh 2 lần: Lần 1 quán xét về duyên lành, lần 2 quán xét về cơ tánh của chúng sinh ấy.

23- Khi có nguyên nhân chính đáng, mới chế định học giới.

24- Thuyết lên Bổn sự khi thích hợp.

25- Khi thân tộc tụ hội đầy đủ, Đức Chánh Giác thuyết lên Phật tông (Buddhavaṃsa).

26- Luôn sách tấn, khích lệ đệ tử từ phương xa về, bằng pháp thoại thích hợp.

27- Khi được cung thỉnh an cư mùa mưa, chưa từ giả thí chủ thì chưa ra đi.

28- Không xao lảng 5 phận sự thường nhật, là:

– Buổi sáng đi trì bình khất thực (pubbaṇhe piṇḍapātaṃ).

– Xế chiều thuyết pháp đến hàng tại gia (sāyaṇhe dhammadesanaṃ).

– Chiều tối ban huấn từ đến chư Tỳkhưu (padose bhikkhu ovādaṃ).

– Nửa đêm trả lời các câu hỏi của chư thiên (aḍḍharatte devapañhānaṃ).

– Gần sáng quán xét chúng sinh có duyên lành, Ngài ngự đi tế độ (paccūseva gate kāle  bhabbābhabbe)([71]).

27- Trước khi viên tịch, dùng bữa cơm thịt.

30 – Trước khi viên tịch, nhập xuôi ngược 2 triệu bốn trăn ngàn lần thiền([72]).

Đây là 30 thông lệ của chư Phật Chánh giác.

 Ba mươi hai điều kỳ diệu.

Bản Sớ giải Phật tông có giải thích “khi Bồtát ra khỏi thai bào, có 32 điều kỳ diệu phát sinh” như sau:

– Sự chấn động 10 ngàn thế giới, là điềm báo hiệu Bồtát chứng đạt Toàn giác trí (sabbaññāṇa).

– Chư thiên cùng tụ hội lại vào lúc Bồtát ra khỏi thai bào, cũng như vào lúc Đức Phật khai giảng “pháp luân”; là điềm báo “sự lãnh hội pháp bất tử”.

– Phạm thiên – chư thiên đón nhận Bồtát trước tiên, là điềm báo Ngài chứng đắc bốn tầng thiền Sắc giới.

– Nhân loại đón nhận Bồtát, là điềm báo Ngài chứng đắc bốn tầng thiền Vô sắc.

– Trống lớn, trống nhỏ, cùng tự động vang lên, là điềm báo “sự xuất hiện tiếng trống chánh pháp”.

– Các loại đàn, cùng tự động khảy lên, là điềm báo “sự tăng trưởng trong thiền tịnh”.

– Các gông cùm, xiềng xích tự mở ra, là sự phá tan “ngã mạn”.

– Nhân loại tự nhiên hết bịnh, là điềm báo “đạt được Tứ diệu đế”.

– Người mù chợt thấy, là điềm báo đắc được “thiên nhãn minh”.

– Người điếc chợt nghe những âm thanh, là điềm báo đắc “Thiên nhĩ thông”.

– Người đần độn bẩm sinh chợt hiểu biết, là điềm báo “chánh niệm” sinh khởi, hay những pháp làm duyên cho “chánh niệm” khởi lên.

– Người què đi được, là báo hiệu đắc pháp “tứ như ý”.

– Tất cả thuyền đều vào bến cảng, là điềm báo đắc “tứ tuệ phân tích”.

– Tất cả những viên ngọc  ở trên đất hay trong hư không, tự phát sáng, là báo hiệu “Chánh pháp rực sáng”.

-Lửa trong địa ngục chợt tắt, là điềm báo “diệt tắt mười một loại lửa khổ”. Đó là: Lửa khát ái (rāga), lửa sân (dosa), lửa si (moha), lửa sinh (jāti), lửa già (jarā), lửa chết (maraṇa), lửa sầu (soka), lửa than khóc (parideva), lửa khổ (dukkha), lửa phiền muộn (domanassa) và lửa uất ức (upāyāsa)([73]).

– Nước trong các giòng sông ngừng chảy, là điềm báo đắc “bốn vô sở úy”.

– Ánh sáng chiếu vào “địa ngục không gian”, là điềm báo “tuệ nhãn” sinh lên để diệt trừ vô minh.

– Nước biển chợt có vị ngọt, là điềm báo đắc “Nípbàn”, là hương vị độc nhất.

– Gió ngừng thổi, là báo hiệu phá tan “62 tà kiến”.

– Các cây nở rộ hoa, là báo hiệu “sự giải thoát lan tỏa”.

– Mặt trăng chiếu sáng, là báo hiệu “tế độ chúng sinh”.

– Mặt trời rạng rở không bị mây che và mát dịu, là báo hiệu “thân – tâm an lạc”.

-Tất cả loài chim cùng đậu xuống đất, là báo hiệu “chúng sinh sau khi nghe pháp sẽ nương nhờ Tam bảo”.

– Mưa từ những đám mây lớn rơi xuống, báo hiệu “Chánh pháp lan rộng khắp nhân thiên”.

– Chư thiên hoan hỷ ca múa, là báo hiện “xuất hiện kệ khải hoàn khi Ngài chứng đắc quả Vô thượng Chánh giác”.

– Những cánh cửa tự mở ra, báo hiệu “Bát chánh đạo xuất hiện”.

– Chúng sinh (nhất là ngạ quỷ) khi ấy không cảm thấy đói, báo hiệu “chứng đắc pháp bất tử từ niệm thân”.

– Chúng sinh không thấy khát, là báo hiệu sự “an lạc tâm giải thoát” xuất hiện.

– Những chúng sinh có thù hận nhau, chợt có tâm hòa ái với nhau (như quạ vui đùa với diều; những con rắn độc vui đùa với những con chồn hương …), là điềm báo đắc “bốn vô lượng tâm”.

– Cờ chư thiên tung bay, là báo hiệu xuất hiện “chánh pháp” lan rộng đến tận cõi Phạm thiên.

Ngoài ra còn một số điều, báo hiệu sự chứng đắc các đặc tính của vị Phật như:

“Nhân loại có tâm hân hoan, nói chuyện với nhau thân ái, các con ngựa đồng hí lên, các con voi cùng rống lên, hương thơm từ không trung rơi xuống, hoa chư thiên rơi xuống”([74]).

Tin Hoàng hậu Māyā sinh ra một vị Thái tử mang lại niềm vui cho Hoàng tộc cùng vương quốc ThíchCa, sự ra đời của đấng Đại sĩ mang lại niềm vui cho nhân loại và chư thiên, nên gọi là “đản sinh”.

Ngay sau đó, Hoàng hậu Māyā cùng đoàn tùy tùng, trở về kinh thành CaTỳLaVệ, 7 ngày sau bà mệnh chung, tái sinh về cõi trời ĐẩuSuất là thiên tử Māyādevaputta.

Một số sách cho là bà tái sinh về cõi “Ba mươi ba” (Tāvatiṃsa), nhưng theo Sớ giải Phật Tông và Sớ giải kinh Pháp cú([75]) thì bà Hoàng Māyā tái sinh về cõi ĐẩuSuất.

Một số Giáo thọ sư cho rằng “nếu Hoàng hậu Māyā không mệnh chung, có lẽ Đức Phật sẽ dễ dàng hơn khi cho nữ nhân xuất gia trong Giáo pháp này”.

Ngài Dhammapāla không tán đồng ý kiến này, theo quy luật của chư Phật “nữ nhân được xuất gia trong giáo pháp này, nhưng hạn chế và chịu “nhiều ràng buộc về giới luật” hơn chư Tỳkhưu.

Và mẩu thân của vị Bồtát kiếp chót phải mệnh chung, vì bà sẽ không còn làm “vợ một nam nhân nào nữa”, không còn phải mang thai bào nữa”.

Tứ đại vương (Cātummahārājā).

Là bốn vị chúa trời ở tầng trời đầu tiên, nơi trú của bốn vị chúa trời này ở lưng chừng núi TuDi cách cõi người là 42.000 dotuần, cách cõi trời ĐạoLợi (Tāvatiṃsa) là 42.000 dotuần.

Có định nghĩa như vầy:

Cattāro mahārājāno = cātummahārājaṃ:

Bốn vị chúa tể, gọi là “Tứ đại vương”([76]).

Chỗ trú ngụ của Tứ Đại vương gọi là “cõi Tứ đại vương”.

Mỗi vị Đại vương ở một hướng của núi TuDi, hộ trì đại châu cùng 500 tiểu đảo ở hướng ấy.

Như trong Mahāvagga suttanta và Paramatthadīpanī Mahāṭīkā có ghi:

Purimaṃdisaṃ dhatarattho; dakkhinena viruḷhako.

Pacchimena virūpakkho; kuvero uttaraṃ disaṃ

Cattāro te mahārājā, samantā caturo disā.

Dhatarattha ở hướng Đông; Virūḷhaka ở hướng Nam.

Virūpakkha ở hướng Tây; Kuvera([77]) ở hướng Bắc .

Bốn Đại vương này, ở chung quanh bốn hướng”(sđd).

Và:

Tattha dhataraṭṭho gandhabbānaṃ rājā hoti,

Virūḷhako kumbhaṇḍānaṃ,

Virūpakkho nāgānaṃ,

Kuvero yakkhānaṃ:

“Ở đây, Dharaṭṭha là chúa tất cả Cànthátbà;

Virūḷhaka là chúa tất cả Cưubàntrà,

Virūpakkha là chúa tất cả loài rồng,

 Kuvera là chúa tất cả Dạxoa”.

Vì hộ trì bốn đại châu của cõi người, nên Tứ đại vương còn được gọi là Catulokapāla (Tứ hộ thế). Như trong Atthakathā có ghi:

Lokaṃ pālentīti = lokapāla: “Gìn giữ thế gian, gọi là hộ thế” (sđd).

Cõi Tứ Đại vương có ba hạng chư thiên là:

– Chư thiên ở đất (bhummaṭṭhadevatā).

– Chư thiên ở thân cây (rukkhaṭṭhadevatā).

– Chư thiên ở hư không (ākāsaṭṭhadevatā).

*Địa cư thiên. Là những chư thiên ở nhiều nơi trên mặt đất như: Núi, sông, đại dương (như loài rồng…), dưới đất, đền, miếu, rừng (như Dạxoa, Cưubàntrà) …

*Mộc cư thiên. Là những thiên nhân ở trong thân cây như: Thọ thần, Cànthátbà sống trong lỏi thơm, một số thiên nhân khác có cung điện trên cành cây, gọi là Sākhaṭṭhavimāna, như Cànthátbà sống trong giác cây thơm, Dạxoa …

*Không cư thiên. Là chư thiên có cung điện lơ lửng giữa hư không như: Thần mặt trời, thần mặt trăng, thần sấm, thần gió …

Chư thiên tùy tùng của Tứ đại vương có 8 loại là:

1’- Chư thiên ngụ ở núi (pabbataṭṭhadevatā).

2’- Chư thiên ở hư không (ākāsaṭṭhadevatā).

3’- Chư thiên say mê dục lạc (khiḍḍāpadosikadevatā).

Hạng chư thiên này vì say mê dục lạc, quên ăn một bữa sẽ chết ngay([78]), vì sao? Vì hạng chư thiên này là “hóa sanh” nên thân xác là sắc tế, chất lửa trong thân rất cao, khi không có vật thực vào để thiêu đốt, chất lửa trong thân sẽ phát mạnh thiêu hủy ngay thân xác; khác với thân nhân loại là “sắc thô”, nên chất lửa trong thân không mạnh lắm, nên nhân loại dù có nhịn ăn nhiều ngày cũng không chết.

4’- Chư thiên sân hận (manopadosikadevatā).

Là hạng chư thiên chết do sân hận (sđd).

Theo Bản Sớ giải kinh Phạm Võng: “Khi hai thiên nhân cùng giận dữ, chất lửa phóng ra từ thân hai vị thiên nhân này, chúng hợp lại làm tăng cường sức nóng sẽ thiêu hủy cả hai.

Nếu chỉ một vị giận dữ, vị kia không thì cả hai vẫn còn sống”.

5’- Chư thiên làm mưa (sītavalāhakadevatā).

6’- Chư thiên làm sấm sét (uṇhavalāhakadevatā).

7’- Chư thiên trú trong mặt trăng (candimadevaputtadevatā).

8’- Chư thiên trú trong mặt trời (suriyadevaputtadevatā).

Người làm việc phước với tâm mong cầu, với tâm trói buộc([79]). Khi mệnh chung sinh về cõi Tứ Đại vương([80]).

Trì Quốc thiên vương (Dhatarattha).

Ở hướng Đông núi TuDi, cai quản nhóm Gandhabba (Cànthátbà), hộ trì Đông Thắng thần châu. Nhóm Gandhabba (Hương thần) là những thiên thần nhạc sĩ.

Trì Quốc thiên vương có rất nhiều hoàng tử, tất cả đều mang tên Inda([81]), có một ái nữ là công chúa Sirī.

Thiên nữ Sirī (Hạnh Phúc).

Tương truyền, trong quá khứ Bồtát là một thương buôn, Ngài luôn bố thí, giữ giới và khuyến khích toàn gia tộc cũng như gia nhân đều thực hiện như Ngài, nên Ngài có danh hiệu là Suciparivāra (Toàn gia cao quý trong sạch).

Bồtát cho người nhà làm một ghế ngồi, một giường nằm trong sảnh đường đặc biệt của Ngài.Vì Ngài nghĩ rằng: “Nếu có người có giới hạnh trong sạch hơn ta, khi đến đây ta mời ngồi trên ghế hay nằm trên giường của ta thì không hợp lẽ. Vị ấy phải ngồi, nằm nơi trong sạch chưa ai dùng”.

Trong HymãLạpSơn có hồ Anotatta (Vô Nhiệt), có lần 2 thiên nữ là Kāḷakaṇṇī (Bất Hạnh) ái nữ của vua Virūḷhaka (Tăng Trưởng thiên vương) và thiên nữ Sirī (Hạnh phúc) ái nữ của vua Dhatarattha (Trì Quốc thiên vương), hai nàng cùng thiên nữ tùy tùng đến vui chơi nơi hồ Vô Nhiệt.

Nơi hồ Vô Nhiệt được phân định: Nơi tắm của chư Phật Chánh giác, nơi tắm của chư Phật Độc Giác, nơi tắm của chư Tỳkhưu, nơi tắm của thiên nam, nơi tắm của thiên nữ.

Hai thiên nữ đi đến nơi tắm của mình, nàng nào cũng tranh tắm trước, không ai chịu nhường ai.

Cả hai nàng cùng đi đến Tứ đại vương để nhờ phân xử, nhưng cả Tứ đại vương cũng không thể quyết định; hai nàng đến vua Trời Đế Thích nhờ phân xử, vua trời ĐếThích suy nghĩ “cả hai đều là ái nữ của 2 thiên vương; hai thiên vương lại là thuộc hạ của ta, ta không thể quyết định được”.

Rồi vua trời ĐếThích giới thiệu hai nàng đến Bồtát Suciparivāra nhờ Bồtát phân xử rằng:

“Này hai thiên nữ, trong thành BaLaNại có người thương nhân là Suciparivāra. Vị ấy có “ghế” và “giường” dành cho người trong sạch, nàng nào được ngồi trên ghế hay nằm trên giường ấy, nàng ấy sẽ được tắm trước”.

Thiên nữ Kāḷakaṇṇī đến trước, nàng khoác y phục xanh, trang điểm bằng trang sức xanh, thoa mùi hương màu xanh (theo dân tộc Ấn màu xanh tượng trưng cho điềm xấu), vào nửa đêm nàng xuất hiện giữa hư không, tỏa ra ánh sáng màu xanh đứng cách khách sảnh của Bồtát không xa.

Bồtát nhìn lên thấy nàng Kāḷakaṇṇī, Ngài thấy nàng không có vẻ nhân hậu, lễ độ, Ngài hỏi rằng:

– Này thiên nữ, nàng là ai, nàng đến đây có chuyện chi?

– Ta là con của thiên vương Virūḷhaka, ta đến đây nhờ ông phân xử một việc.

Rồi nàng thuật lại câu chuyện cho Bồtát nghe, nghe xong Ngài hỏi:

– Nàng thường sống như thế nào? Giao du với những ai?

– Ta thường giao du với những ác nhân, những kẻ giả dối, sống buông lung. Ta giúp cho những kẻ ấy thành công. Người nào sân hận nhiều, đó là bạn của ta.

Bồtát nghe vậy đã khiển trách nàng Kāḷakaṇṇī , rồi đuổi nàng thiên nữ ấy đi.

Nàng thiên nữ Sirī đến sau, nàng khoác y phục vàng, trang sức vàng, thoa sức mùi hương màu vàng, khi đến nàng đứng trên đất ngay cửa khách sảnh với dáng điệu kinh cẩn, từ thân nàng tỏa ra ánh sáng vàng. Bồtát hỏi:

– Này Thiên nữ, nàng là ai? Nàng đến đây có chuyrện gì?.

– Thưa Ngài, tôi là Sirī con gái của thiên vương Dhatarattha, tôi đến nhờ Ngài phân xử một việc.

Rồi nàng thuật lại câu chuyện, Bồtát hỏi:

– Nàng sống như thế nào? Thường giao du với ai?

Thiên nữ Sirī bày tỏ nếp sống giới hạnh của mình, cùng với sự giao du với thiện nhân, nghe xong Bồtát hoan hỷ mời nàng ngồi lên “giường thanh tịnh”, giường mà nàng Sirī ngồi lên, được gọi là Siriyana (giường hạnh phúc) và đó là nguồn gốc của chữ Siriyana([82]).

Thiên nữ Sirī là tiền thân của bà Thánh nữ Uppalavaṇṇā (Liên Hoa sắc).

Trong Đại hội chư thiên ở cõi ĐạoLợi, Trì Quốc thiên vương ngồi ở hướng Tây quay mặt về hướng Đông, toàn thân màu trắng, trang phục màu trắng, trang sức bằng bạc.

Tăng Trưởng thiên vương (Virūlhaka).

Ở hướng Nam núi TuDi, cai quản nhóm Kumbhaṇḍa (Cưubàntrà), hộ trì Nam thiện bộ châu .

Có hạng chư thiên có bụng rất to, mắt lộ đỏ, ngọc hành lớn như cái nồi, hạng chư thiên này được gọi là “Kumbhaṇḍa”([83]), được dịch là “Thế quỷ”. Một tên gọi khác để chỉ cho Kumbhaṇḍa là Rakkhita (Lasát).

Nhiệm vụ của nhóm này là “giữ gìn những kho báu vật như ngọc Mani …” do các Thiên vương muốn gìn giữ; như dưới chân núi Vepulla gần thành Vương Xá có viên Bảo ngọc của vua Chuyển luân Saṅkha sau này, nhóm Lasát gìn giữ viên bảo ngọc ấy.

Nhóm Lasát có quyền bắt những ai xâm nhập vào vùng đất do mình bảo vệ để ăn thịt.

Trong Đại hội chư thiên ở cõi ĐạoLợi, Tăng Trưởng thiên vương ngồi ở hướng Bắc mặt quay về hướng Nam, toàn thân màu vàng, mặc thiên y màu vàng, trang sức bằng vàng.

Quảng Mục thiên vương (Virūpakkha).

Ở hướng Tây núi TuDi, cai quản nhóm rồng (nāga), hộ trì Tây ngưu hóa châu.

Vị này có con mắt ở giữa rất lớn, nên có tên gọi là “Virūpakkha”.

Khi giận dữ, từ trong mắt phóng ra tia lửa đỏ thiêu rụi mọi vật khi chạm vào tia lửa, nên loài rồng rất kinh sợ. Từ khi Ngài đắc quả Dự lưu thì tia lửa ấy không còn. Khi dự Đại hội chư thiên, Quảng Mục thiên vương ngồi ở hướng Đông, mặt quay về hướng Tây, toàn thân màu hồng như San hô đỏ, y phục màu hồng, trang sức là ngọc San hô đỏ.

Đa văn thiên vương (Kuvera).

Còn được gọi là Vessavaṇa, ở hướng Bắc, cai quản nhóm Dạxoa (yakkha), hộ trỉ BắcCưuLư châu.

Tương truyền, trong quá khứ Bàlamôn Kuvera là chủ nhiều ruộng mía, ông có 7 lò đường. Lợi tức phát sinh từ 7 lò đường này, ông dùng để trợ cấp, nuôi dưỡng người nghèo khổ, người già , người cô đơn ….

Bàlamôn Kuvera thực hiện việc từ thiện này suốt 20.000 năm, khi mệnh chung tái sinh về cõi Tứ Đại vương, trở thành vị thiên vương ở phương Bắc có tên là Kuvera, quản trị nhóm Dạxoa.

Chữ Kuvera trong kinh điển có nghĩa là “thần tài sản” vì Thiên vương Kuvera có đến 9 kho châu báu([84]). Thiên vương Kuvera có cung điện Āḷakamandā đó là một biểu tượng cho sự trù phú thịnh vượng.

Thành phố Āḷakamandā là thành phố chư thiên với đông đảo thiên nhân([85]) ở Uttarakurudīpa (BắcCưuLư châu). Cung điện của Thiên vương Kuvera ở trong thành phố này và cũng có tên là “cung điện Āḷakamandā”. Trong thành phố có hồ nước Dharaṇī rất rộng và xinh đẹp, các Dạxoa phải thay phiên lấy nước từ hồ Vô Nhiệt đổ đầy hồ này.

Tên thành phố này được dùng như một ẩn dụ, chỉ cho “những đô thị trù phú, sung túc”([86]).

Trong Luật Tiểu Phẩm (Cullavagga), từ āḷakamandā được dùng như một tỉnh từ, có nghĩa là “đông người”. Như Ngài Buddhaghosa (Phật Âm) có giải thích:

Āḷakamandā ti ekaṅgamā manussābhiṇṇā:

“Āḷakamandā là một thành phố đông người”.

Các Dạxoa rất sợ Thiên vương Kuvera, khi chưa chứng quả Dự lưu lúc Thiên vương nổi giận, chỉ một cái nhìn là “cả ngàn Dạxoa bị vỡ vụn vung vãi ra, như đậu rơi vào chảo nóng bị văng tung tóe lên trên”, từ khi Thiên vương Kuvera đắc quả Dự Lưu thì không còn “sự kiện” này nữa.

Ngoài ra vua Kuvera còn có cây gậy Gadāvudha, khi còn là phàm nhân thiên vương Kuvera trừng trị Dạxoa bằng chiếc gậy này, khi tung gậy ra gậy sẽ đánh vào Dạxoa, dù cho có cả ngàn Dạxoa cũng không một Dạxoa nào thoát khỏi “không bị gậy đánh”, xong rồi chiếc gậy quay về tay Thiên vương Kuvera như cũ.

Vessavana là chức vụ của Thiên vương Kuvera, vì ông cai trị thành Visāṇa ở phía Bắc núi TuDi, nên gọi là Vessavana. Khi một Vessavana mệnh chung, vua Trời Sakka (ĐếThích) chọn một Vessavana khác thay thế, có lần một Tân Vessavana thông báo “các Dạxoa được tư do chọn trú xứ sau 12 năm phục dịch cho Thiên vương Vessavana”([87]).

Thiên vương Vessavana trú ở hai nơi là: thành phố Āḷakamandā và Visāṇā. Ngoài ra còn có cung điện Gadāvudha biểu tượng cho quyền lực của vua Kuvera, cung điện này nằm trong vườn xoài Atulamba (còn gọi là vườn xoài Vessavana, không ai dám đến gần vì có Dạxoa canh giữ).

Cung điện của Dạxoa Āḷavaka gần vườn xoài này

Sở dĩ vườn xoài này có tên là Atulamba, do câu chuyện như sau:

Tương truyền rằng, khi Đức vua Suruci cai trị thành Mithilā, Ngài có một hoàng tử là Mahāpadāna không hề mĩm cười. Đức vua Suruci cho mời tất cả danh tài đến để phô diễn nghệ thuật, giúp vui cho hoàng tử để hoàng tử cười, nhưng không một ai có thể làm cho hoàng tử Mahāpadāna mĩm cười.

Bấy giờ có hai nhà huyển thuật là Bhaṇḍu Kanna và Paṇḍu Kanna diễn trò huyển thuật; Bhaṇḍu Kanna hóa ra cây xoài có tên là Atulamba (cây xoài Vô địch), ném cuộn dây lên cây xoài rồi trèo lên.

Thời ấy người ta cho rằng cây xoài này của vua Kuvera, nên các Dạxoa đã bắt lấy Bhaṇḍu Kanna chặt ra từng mảnh, Paṇḍu Kanna ráp những mảnh ấy lại, tưới nước lên và Bhaṇḍu Kanna sống lại([88]). Từ đó chữ Atulamba chỉ cho “rừng dạ xoa”.

Các người con của Vessavana đều gọi chung là Inda, kinh Ātānātiya([89]) ghi nhận vua Kuvera có chú thuật Ātānāṭiya, khi tụng lên thì Dạxoa không dám làm hại.

Thiên vương Kuvera cùng vương hậu Bhuñjatī chứng quả Dự lưu trong Giáo pháp này([90]). Thiên vương Kuvera có 5 người con gái là: Lātā, Sajjā, Pavarā, Achimatī, và Sutā([91]).

Thiên vương Vessavana thường ngự trên xe Nārivāhana dài 12 dotuần, có ngai bằng hoa đá cùng với 100 triệu Dạxoa tùy tùng([92]).

Có lần Thiên vương đi từ hướng Bắc sang hướng Nam do có việc cần thiết, khi xe đi ngang tòa lâu đài của bà Veḷukaṇṭakī mẹ của Nanda, nghe bà Veḷukaṇṭakī tụng bài kinh Pārāyaṇa Vagga (Phẩm Con đường đến bờ kia), thiên vương Kuvera dừng xe lại lắng nghe kinh.

Dứt thời kinh ông hoan hỷ hiện thân cho bà Veḷukaṇṭakī thấy và cho biết “ông là anh của bà ở kiếp trước”, rồi ban cho bà một điều ước. Bà Veḷukantakī chỉ “ước bồ lúa của bà luôn đầy, để bà giúp dân trong làng”. Và Dạxoa đã mang lúa đến đổ đầy 1.250 bồ lúa của bà.

Khi trong bồ hết lúa, vào ngày Uposatha (Bốtát) bà lên lầu bảy nói lên “ước nguyện” của mình, lập tức bồ lúa ngập tràn lúa lại như cũ.

Ngoài ra còn rất nhiều giai thoại về Thiên vương Vessavana.

6- Về nhóm 7 đồng sinh với Bồtát.

Trong ngày Bồtát đản sinh, có nhóm 7 đồng sinh với Bồtát (satta sahājātāni) là:

– Bốn hầm châu báu (catassa nidhikumbhiyo).

– Cây Assattha (sau này được gọi là Bodhi (Bồđề) hay mahābodhi (đại giác)).

– Ngựa KiềnTrắc (Kaṇṭhaka).

– Người hầu SaNặc (Channa).

– Công tử Kāḷudāyi.

– Vương tử Ānanda (con ông Hoàng Amitodana).

– Công nương DaDuĐàLa (Yasodharā)([93]).

Trong bản Sớ giải Phật Tông không nêu tên bốn hầm báu vật này, chỉ nêu là “eko gāvutappamāṇo eko aḍḍhayojanappamāṇo eko tigāvutappamāṇo eko yojanappamāṇo:

“Một hầm cở một gāvuta (= 4km), một hầm cở nửa dotuần (yojana), một hầm cở 3 gāvuta, một cở một dotuần”([94]).

*D0tuần (yojana). Đây là đơn vị đo lường chiều dài của người Ấn cổ.

Dân Ấn đa phần sống về “nghề làm ruộng”, để có đơn vị đo chiều dài, Đức vua đi du ngoạn thoải mái từ sáng sớm đến chiều, khoảng đường Đức vua đi được trong ngày gọi là yojana (dotuần) tương đương 16 km, 4 gāvuta = 1 dotuần.

Phải hiểu “hầm châu báu có kích thước 4km” như thế nào?

Gọi là rộng 4km, nghĩa là “từ Đông sang Tây = 4km; từ Nam sang Bắc = 4km” (như kinh thành Thiện Kiến (Sudassana) ở cõi trời “Ba mươi ba” (Tāvatiṃsa) rộng 10 ngàn dotuần, là từ Đông sang Tây = 10 ngàn dotuần; từ Nam sang Bắc = 10 ngàn dotuần) .

Nếu miệng hầm là hình vuông thì  diện tích là 16km2; 1km2 = 100 mẫu. Như vậy hầm nhỏ nhất có diện tích là 1.600 mẫu đất.

Nếu miệng hầm hình tròn thì diện tích là 12,56 km2 = 1.256 mẫu đất.

Một hầm có kích thước nhỏ nhất mà như thế, 3 hầm còn lại dĩ nhiên phải rộng hơn nhiều.

Xem ra bốn hầm châu báu này không thể rộng như thế.

Quanh tòa lâu đài của Trưởng giả Jotika cũng có 4 hầm châu báu như thế, như vậy “vùng đất quanh lâu đài”của trưởng giả Jotika như thế nào? Chẳng lẽ “bốn hầm châu báu” này là “chướng ngại vật” tự nhiên để bảo vệ “lâu đài” của trưởng giả Jotika? Thật khó giải thích.

Trước khi Bồtát sinh ra, vùng đất ấy phải có dân cư sinh sống, nếu như đất sụp để có “kho tàng” thì sinh mạng của chúng sinh ở vùng đất ấy ra sao? Bồtát sinh ra để “mang an lạc đến cho chúng sinh kia mà”?

Có hợp lý chăng, nếu xem 4km, 8 km, 12 km và 16 km là chiều sâu của hầm?. Tức là “rộng” ở đây chỉ cho “chiều sâu”.

Theo sách Buddhapparivatta thì 4 hầm này có tên là([95]):

* Hầm “Vỏ ốc” (Saṅkhanidhi) rộng 1 gāvuta (= 4km).

* Hầm “trái đậu” (Elanidhi) rộng 2 gāvuta.

* Hầm “Sen hồng” (Uppalanidhi) rộng 3 gāvuta.

* Hầm “Sen trắng” (Puṇḍarikanidhi) rộng 1 do tuần (yojana =16km).

Và “sâu đến tận đáy trái đất”([96]).

Nếu đúng như thế thì 4 hầm châu báu này “xem như những miệng núi lửa” rất lớn và “kho tàng”nằm sâu trong “lòng núi lửa”.

Chung quanh kinh thành hoặc lâu đài có “bốn miệng núi lửa” rộng lớn như thế, xem ra rất bất ổn.

Do đâu “những hầm trên có tên gọi như thế”? Có khả năng: “Do miệng hầm có hình dạng giống như “vỏ ốc”, nên hầm có tên “hầm vỏ ốc”(saṅkhanidhi). Các hầm còn lại cũng hiểu tương tự”.

Những chi tiết khác biệt về nhóm bảy đồng sinh.

Theo nhà nghiên cứu Phật học I.B Horner([97]), số 7 được xem là “tượng trưng cho sự linh thiêng và hoàn mỹ” của người Ấn cổ.

Như Vua Chuyển luân có 7 báu là: Xe báu, voi báu, ngựa báu, ngọc báu, nữ báu, tướng quân báu và cư sĩ báu([98]).

Hoặc trong bổn sanh Suruci([99]), Đức vua Suruci sau khi làm lễ phong vương cho Hoàng tử Mahāpadāda, đã tổ chức lễ hội suốt 7 năm (chỉ vì Đức vua Mahāpanāda không cười nên lễ hội kéo dài như thế), để làm cho Đức vua Mahāpanāda vui, hàng ngàn người diễn trò đã chia nhau thành 7 nhóm.

Hay trong Bổn sanh Vessantara, Bồtát Vessantara đã thực hiện 7 cuộc đại thí, mỗi cuộc cho 700 người, và quả địa cầu chấn động 7 lần.

a- Về 4 hầm châu báu([100]).

Dường như đây là biểu tượng cho những vị đại phước, như trưởng giả Jotika cũng có 4 hầm châu báu như trên([101]), nhưng kích thước những hầm châu báu này vì sao lớn như vậy?

Bản Sớ giải kinh Trường bộ giải thích “mỗi hầm đều có Long vương canh giữ” nên hầm có kích thước rộng như thế, nhưng còn chiều sâu như thế nào? Không thấy bản Sớ giải giải thích và ông I.B Horner cho rằng “đưa chúng ta vào thế giới huyền thoại”.

Tập Sớ giải Mahāvastu (Đại sự) cho biết “tên của bốn hầm chỉ cho bốn địa danh khác nhau và mỗi địa danh đó là lãnh địa của một vị Đại đế”.

Và bốn hầm châu báu này không hiển lộ, bốn hầm châu báu này chỉ hiển lộ khi Bồtát trở thành vua Chuyển Luân, khi Bồtát SĩĐạtTa xuất gia thì cả bốn hầm đều biến mất.

Tương tự như khi trưởng giả Jotika xuất gia thì tòa lâu đài cùng bốn hầm châu báu đều biến mất.

b- Về cây Bồđề (cây Assattha).

Đây là loại cây có thật, và loại cây này có tuổi thọ rất lâu.

Cây Bồđề do bà Saṅghamittā con gái vua ADục (273-232 tTl), chiết một nhánh từ cây Bồđề mẹ, mang sang Tích Lan trồng, hiện vẫn còn sống ở thiền viện Mahāvihāra (Đại tự viện) trong thành phố Anurādhapura.

Và đây là “cây lịch sử lâu đời nhất”.

Vào khoảng thế kỷ thứ 11-12 sTl, Hồi giáo xâm lấn Ấn Độ, họ đã tàn phá cây Bồđề.

Nhưng một rễ phụ đã vươn chồi hình thành cây Bồđề mới, hiện nay vẫn còn tồn tại nơi Bồđề đạo tràng (Bodhigāya).

Ô. I.B Horner có nêu ra câu hỏi “bằng cách nào ta có thể khẳng định được, cây này xuất hiện đồng thời với Bồtát?”.

Câu trả lời rất khó xác định, vì nhóm bảy đồng sinh này chỉ được ghi nhận trong Bản Sớ giải Phật Tông, ngoài ra trong Chánh tạng không tìm thấy, ngay cả Kinh Hy hữu vị Tằng hữu trong Trung bộ kinh, hay  trong bản Kinh Phật Tông (Buddhavaṃsa).

c- Về ngựa vương KiềnTrắc(Kaṇṭhaka).

Trong Sớ giải Thiên cung sự ([102]), có lần Tôn giả MụcKiềnLiên viếng thăm cung trời “Ba mươi ba”.

Tôn giả MụcKiềnLiên đi đến tòa thiên cung của thiên tử Kaṇṭhaka (hậu thân của ngựa KiềnTrắc), khi được hỏi về thiện nghiệp của mình, thiên tử Kaṇṭhaka cho biết.

“Ahaṃ kapilavatthusmiṃ, sākiyānaṃ puruttame.

Suddhodanassa puttassa kaṇḍako sahajāto ahaṃ” (1185).

Tôi ở kinh thành CaTỳLaVệ, người ThíchCa dũng mãnh.

Tôi là Kaṇḍaka (KiềnTrắc), sinh ra với con vua Tịnh Phạn” (chỉ cho Bồtát SĩĐạtTa).

Năm 29 tuổi, Bồtát SĩĐạtTa lìa bỏ kinh thành CaTỳLaVệ đi xuất gia([103]), ngựa KiềnTrắc đã vượt chặng đường là 30 dotuần, xuyên qua 3 quốc độ: Sākya, Koliya và Malla([104]).

Hừng sáng, Bồtát, SaNặc và ngựa KiềnTrắc đến dòng sông Anomā (Cao thượng) và ngựa KiềnTrắc đưa Bồtát cùng SaNặc vượt qua sông Anomā.

Sau khi Bồtát cắt bỏ râu, tóc để xuất gia, Ngài truyền người hầu SaNặc quay về Hoàng cung để báo tin cho hoàng tộc biết, rồi Ngài cất bước ra đi.

Khi khuất tầm mắt vị chủ thân yêu, ngựa KiềnTrắc thương nhớ người chủ đã vỡ tim chết, tái sinh về cõi “Ba mươi ba”, là thiên tử Kaṇḍaka.

Như vậy, ngựa KiềnTrắc sống được 29 năm, với loài ngựa quý có tuổi thọ như thế cũng không có gì đáng bàn cải.

d- Về SaNặc (Channa).

Theo Bản Sớ giải Tương ưng kinh([105]), có đoạn mô tả ngắn về Ngài SaNặc như sau:

“Tathāgatena saddhiṃ ekadivase jāto:

Được sinh ra cùng ngày với Đấng Như Lai”.

Ngài SaNặc khi xuất gia trong Giáo đoàn của Đức Phật, Ngài tỏ ra “bướng bỉnh, khó bảo”, nên trước khi viên tịch Đức Thế Tôn dạy Đức Ānanda phạt “Phạmđàn” (brahmadaṇḍa) đối với Ngài SaNặc([106]).

Hình phạt này là “không tiếp xúc, không nói chuyện với người bị phạt”, nghe bị phạt “Phạmđàn”, Ngài SaNặc đã bật khóc.

Thế rồi, Ngài SaNặc nỗ lực hành pháp, chẳng bao lâu Ngài chứng quả ALaHán và nghi thức giải trừ “hình phạt phạmđàn” đã không thực hiện, cho đến nay nghi thức “giải trừ hình phạt phạmđàn” không hề thấy, đồng thời trong Luật cũng không thấy “Đức Phật chỉ dạy nghi thức giải trừ tội Phạmđàn”.

Có khả năng “Đức Phật biết được Ngài SaNặc sẽ chứng quả ALaHán rồi viên tịch sau đó, nên “giải trừ tội Phạmđàn là không cần thiết, nên Đức Thế Tôn im lặng”.

Một số Giáo thọ sư kinh Trường bộ cho rằng “Ngài SaNặc sống được 120 tuổi”, nhưng điều này không chắc lắm, dường như Ngài qua đời sau Đức Phật không lâu.

Vì rằng “nếu Ngài sống thêm 40 năm như Ngài Ānanda, lại là bậc ALaHán, hẳn các vị Thánh ALaHán sẽ hội lại, tiến hành nghi thức “giải trừ hình phạt Phạmđàn” cho Ngài, trong khi Đức Upāli vị “đệ nhất về Luật” vẫn còn sống.

Cách giải thích có lẽ hợp lý nhất cho việc “nghi thức giải trừ hình phạt phạm đàn” không xuất hiện là “sau khi chứng quả ALaHán, Ngài SaNặc viên tịch, ở độ tuổi 80”.

Cách giải thích thứ hai: “Không có nghi thức giải trừ tội Phạm đàn” là: Vì Đức Thế Tôn không ban hành nghi thức này, nên các Đức Trưởng lảo không dám tự chuyên”, nên “tuy biết Đức SaNặc là bậc ALaHán, các Ngài cũng đành chịu”.

Nhưng nếu như thế thì Đức SaNặc sớm viên tịch càng dễ dàng xảy ra, vì rằng: Với tuổi già 80 lại bị tách ly, Ngài SaNặc chọn giải pháp tốt nhất là “viên tịch”.

e- Về Công tử Kāḷudāyi.

Ngài là con của một vị đại thần của vua TịnhPhạn, Ngài có tên là Udāyi vì sinh ra vào ngày đại chúng vui mừng, chính là ngày Bồtát SĩĐạtTa sinh ra, như trong tập Apadāna có ghi nhận:

“Yadā ajāyi siddhattho ramme lumbinikānane.

Hitāya sabbalokassa sukhāya ca narāsabho.

Khi đấng Bất tử Siddhattha sinh ra ở vườn Lumbini đáng yêu,

 vì lợi ích và vì sự an lạc của tất cả  thế gian.

Tadaheva ahaṃ jato saha teneva vaḍḍhito

Tôi đã được sinh ra đúng vào ngày hôm ấy([107]).

Và vì Ngài có nước da đen, nên gọi là Kāḷudāyi, Ngài là bạn thân của Bồtát SĩĐạtTa khi tuổi còn ấu thơ.

Khi Bồtát đi xuất gia, Ngài được vua Tịnh Phạn cử làm một trong những cố vấn đại thần tin cẩn.

Chính Ngài đã cung thỉnh được Đức Thế Tôn ngự về kinh thành CaTỳLaVệ sau 7 năm xa cách và đã đắc quả ALaHán trước khi cung thỉnh Đức Phật ngự về kinh thành CaTỳ LaVệ.

Khi Đức Phật ngự về kinh thành CaTỳLaVệ, dân chúng hân hoan và có niềm tin nơi Ngài Kāḷudāyi.

Do nhân này, Ngài được Đức Thế Tôn ban cho địa vị “tối thắng về hạnh làm cho các gia đình hoan hỷ”([108]).

Nhưng rồi, Ngài ít được nhắc đến, rất ít chi tiết về Ngài được ghi nhận, không một chi tiết nào để biết được Ngài viên tịch tại nơi nào? Vào lúc bao nhiêu tuổi?.

f- Về Ngài Ānanda.

Trong Sớ giải Phật tông Miến Điện, Ngài được ghi nhận như “người sanh ra cùng một ngày với Bồtát SĩĐạtTa”, nhưng trong bản Sớ giải Phật Tông Tích Lan thì voi chúa Ājāniya thay thế vào vị trí của Ngài, khiến các nhà nghiên cứu Phật học hoài nghi về “ngày sinh” của Ngài, “có thật Đức Ānanda cùng sinh trong ngày với Đức Bồtát chăng?”

Mặt khác, theo truyền thống Phật giáo Miến Điện thì “Đức Ānanda là con của vương tử Amitodana”, theo truyền thống Phật giáo Ceylon (Tích Lan) thì “Đức Ānanda là con của vương tử Sukhodana”([109]).

Được biết Đức Ānanda sống được 120 tuổi([110]) và xem như Ngài thành bậc ALaHán được 40 năm thì viên tịch, nhưng trong Sớ giải kinh Trường bộ ghi nhận: “Đức Ānanda, Đức Mahākassapa, Đức Anuruddha sống 150 tuổi” ([111]).

Một số sách Hậu Sớ giải sau này cho rằng “Ngài Ānanda viên tịch trong hậu cung của vương tử Amitodana, nơi ngài sinh ra”.

Theo truyền thống Phật giáo Miến Điện thì “Đức Ānanda viên tịch giữa giòng sông Rohinī và Ngài nguyện Xálợi của Ngài rơi xuống 2 bên bờ sông Rohinī cho họ nội và họ ngoại của Ngài”.

g-Về bà DaDuĐàLa.

Trong hai bản văn “Sớ giải Phật Tông” của Miến Điện và Ceylon đều thống nhất “bà DaDuĐàLa” sinh ra cùng ngày với Đức Bồtát.

Ngoại trừ văn bản này, không thấy nơi nào ghi nhận “bà sinh ra cùng ngày với Bồtát”.

Trong tập Apadāna có ghi nhận bà “viên tịch” ở tuổi 78, và bà có “Túc mạng minh” nhớ suốt 4 Atăngkỳ và 100 ngàn đại kiếp, bà nhớ được tiền nghiệp của mình vào thời Đức Phật Dīpaṅkara (Nhiên Đăng) cho đến hiện kiếp này.

Kappe satasahasse ca caturo ca asaṅkheyye,

Dīpaṅkaro mahāvīro uppajji lokanāyako …..

“Cách nay bốn atăngkỳ và 100 ngàn kiếp,

Bậc Đại hùng “Nhiên Đăng” xuất hiện trong thế gian ….

Tena kālen’ ahaṃ  āsiṃ kaññā brāhmanassambhavā,

Sumittā nāma nāmena upagañchiṃ samāgamaṃ.

Vào thời ấy con là thiếu nữ Bàlamôn.

Tên con là Sumittā,con đi đến nơi lễ hội …” ([112]).

Nhưng không thấy ghi nhận “bà sinh ra cùng ngày với Bồtát SĩĐạtTa”, khác với trường hợp Ngài Kāḷudāyi, Ngài Kāḷudāyi xác định “mình sinh ra cùng ngày với Bồtát”.

Do vậy, sự kiện bà DaDuĐàLa sinh ra cùng ngày với Bồtát là vấn đề còn “tồn nghi”. Người ta cho rằng “bà sinh ra trước hay sau Bồtát một tuần” và Thái tử Rāhula (LaHầuLa) cũng  sinh ra trước khi Bồtát xuất gia một tuần.

Bà là một trong 4 vị Đại đệ tử của Đức Phật có “Túc mạng minh” cao tột, ba vị Đại trưởng lão kia là: Trưởng lão XáLợiPhất, Trưởng lão MụcKiềnLiên và Trưởng lão Bakula.


([1])– BvA. Gotamabuddhavamsavaṇṇā

([2])– Vsm. Chương XIII. Giảng rộng về Thắng trí (Abhiññāniddeso).

([3])– ĐĐ Thiện Phúc (d). Chú giải NGƯỜI và CÕI.

([4])-A.ii, 142. Pháp bốn chi. Kinh Kiếp (kappasuttaṃ)

([5])– ĐĐ Thiện Phúc (d). Chú giải NGƯỜI và CÕI.

([6])– A.iv, 128. Chương 7 pháp. Kinh Lửa.

([7])– JA. Chuyện số 514. Tượng chuá Chaddanta (Chaddanta jātaka)

([8])– D.iii, kinh Đại bổn (Mahāpadānasuttanta); BvA. Lịch sử các vị Phật: Đức Phật Kakusandha, Đức Phật Konāgamana, Đức Phật Kassapa, Đức Phật Gotama. Kakusandha,

([9])– S.ii, 190. Tương ưng luân hồi. Kinh núi Vepulla (Vepullasuttam.)

([10])– D.iv. Kinh Chuyển luân vương Sư tử hống (Cakkavatti sīhanādasuttanta).

([11])– D.iv.

([12])– Chỉ cho 3 thân ác hạnh là: Sát sinh, trộm cắp và tà hạnh trong dục; 4 ngữ  ác hạnh là: Nói dối, nói chia rẽ, nói ác và nói vô ích; 3 ý ác hạnh là: tham ác, sân ác và kiến ác.

([13])– D.iv. Kinh Khởi Thế nhân bổn (Aggaññasuttanta).

([14])– A.iv, 128. Chương 7 pháp. Kinh lửa. Theo bản Sớ giải thì đây là “thọ mạng vào thời của Đức Phật Vessabhū “.

([15])– Xin xem thêm: ĐĐ Thiện Phúc (d). Chú giải NGƯỜI và CÕI.

([16])– “Mười muôn koṭi); 1 muôn = 10.000; 1koṭi= 10 triệu => = một ngàn tỷ.

([17])– A.iv, 100. Chương 7 pháp. Kinh Mặt trời.

([18])– Nước mưa như những giọt axít đậm đặc.

([19])– D.iv. Kinh Khởi thế nhân bổn (Aggaññasuttanta).

([20])– ĐĐ Thiện Phúc (d). Chú giải NGƯỜI và CÕI.

([21])– D.i, kinh Phạm Võng (Brahmajālasuttanta).

([22])– Xem D.iv. Kinh Khởi thế nhân bổn.

([23])– D.i, kinh Phạm võng (Brahmajālasuttanta).

([24])– D.iv, kinh Khởi thế nhân bổn.

([25])– ĐĐ Thiện Phúc (d). Chú giải NGƯỜI và CÕI.

([26])– D.iii, kinh Đại Bổn (Mahāpadānasuttanta).

([27])– A.i, 205. Chương ba pháp. Kinh Các lễ Uposatha (Uposathāsuttaṃ).

([28])– M.iii, kinh Hy hữu vị tằng hữa (Acchariyabbhutadhammasuttaṃ).

([29])– Đức Giới Nghiêm (d). Mi-tiên vấn đáp II. Chương V, câu hỏi thứ 2.

([30])– Chư Phật quá khứ ở đây chỉ cho 3 vị Phật: Kakusandha, Konāgamana và Kassapa –Ns.

([31])– A.v, 59. Chương 10 pháp. Kinh Những người KosalaI (Pathamakosalasuttaṃ)

([32])– BvA. 131.

([33])– ThagA. ii, 187 -8.

([34])– JA. Vidhurajātaka (chuyện Hiền trí Vidhura).

([35])– DA. ii, 482; MA.i, 484.

([36])– Một atăngkỳ = 10 lủy thừa 140.

([37])– ĐĐ Thiện Phúc (d). Chú giải NGƯỜI và CÕI.

([38])– A.iv, 396. Chương 9 pháp. Kinh Trong ba phương diện (Tiṭhānasuttaṃ).

([39])– Thời ấy cũng có những nền minh triết khác như “Đạo Khổng”, “Đạo Lão” ở Trung Hoa. Nhưng so với nền minh triết của Bàlamôn giáo thì không bằng. Vì sao? Vì đó là nền minh triết của “người” (chỉ cho Đạo Khổng), của chư thiên (chỉ cho Đạo lão); còn nền minh triết của Bàlamôn giáo là của “Phạm thiên”- Ns.

([40])– HT. TMC (d). D.ii, kinh Soṇadaṇḍa (Soṇadaṇḍasuttanta).

([41])– BvA. Giải thích: Bồtát tái sinh vào thai bào bằng tâm quả thiện Dục giới hữu nhân thọ hỷ hợp trí vô trợ.

([42])– Đức Hộ Tông (biên soạn). Kinh Tụng chư Tăng, “Lời chỉ giáo tóm tắt” (Bhāsitovādasaṅkhepa). Bồtát nhập thai bào vào ngày thứ  năm , năm dậu, tháng 6 âl, tính theo lịch VN.

([43])– D.iii. kinh Đại viên tịch (Mahāparinibbānasuttanta).

([44])– Một trong 7 vật báu của vua Chuyển luân.

([45])– D.iii, kinh Đại Bổn; M.iii, kinh Hy hữu vị Tằng hữu.

([46])–  SA. ii, 243.

([47])AA.ii, 532. Nước này giống như nước axít  đậm đặc –Ns.

([48])– BuA. p, 26.

([49])– BvA. C0n đường kinh hành bằng châu báu (Ratanacaṅkamanakaṇḍavaṇṇanā).

([50])– Tôn trọng bản Sớ giải, nên chúng tôi ghi chép như thế. Xét ra có những điều không thể xảy ra giống nhau trong bốn lần được nêu – Xem “Bồtát đản sinh” ở phần sau – Ns.

([51])– JA. Chuyện tiền thân Vessantara (Vessantarajātaka).

([52])– Bà Trần Phương La (d). Câu chuyện tiền thân số 547 (Vessantarajātaka).

([53])– A.i,23. Pháp một chi, phẩm người tối thắng (Etadaggavaggo)

([54])– Apadāna. Lịch sử bà Khemā (Khemāpdānaṃ).

([55])– Xem ĐĐ Nguyệt Thiên (d). “Thánh nhân Ký sự” tập III.

([56])– Không xác định là bao nhiêu, chỉ biết là: Hoàng hậu Māyā sinh ra Bồtát SĩĐạtTa (siddhattha) lúc bà trên 40 tuổi.Và như vậy, bà Pajāpatigitamī xuất gia khi bà hơn 80 tuổi, bà Pajāpatigotamī sống được 120 tuổi.

([57])– Giới Uposatha (Bốtát) vào thời ấy chỉ có 6 giới là: Không sát sinh, không lấy của không cho, không phi phạm hạnh (là không thông dâm), không nói dối, không uống rượu và chất say, không dùng vật thực phi thời- Ns.

([58])– Ngày thứ năm, 15 tháng 6 âl, tính theo lịch VN.

([59])– D.iii. Kinh Đại bổn (Mahāpadānasuttanta).

([60])– Ngày thứ sáu, 15 tháng 4 âl, theo lịch VN.

([61])–  Những đoạn trên xin xem D.iii, kinh Đại Bổn (Mahāpadānasuttanta).

([62])– Tāvatiṃsa còn được âm là “ĐạoLợi” – Ns.

([63])– JA. Mahosadhajātaka.

([64])BvA.351 – Đại Đức Pháp Chất sưu tầm.

([65])– Bậc Độc giác và Thượng thủ thinh văn chỉ biết hai thời kỳ: Nhập thai bào và trú trong thai bào. Vị Thánh ALaHán đại đệ tử chỉ biết một thời kỳ là “nhập thai bào”.

([66])– Tỳkhưu Siêu Minh (d). Lịch sử chư Phật. Diễn giải về những khác biệt nơi chư Phật.

([67])– Vị Bồtát Chánh giác kiếp chót dù thực hành thiền chỉ tịnh hay thiền Minh sát chỉ một đề mục là “hơi thở”- Ns.

([68])– Là 10 pháp Balamật: Bố thí, trì giới, xuất ly, trí tuệ, tinh tấn, nhẫn nại, chân thật, quyết định, từ và xả; nhân cho ba cấp: Thượng, trung, hạ thành ra 30 pháp Balamật – Ns.

([69])– Rằm tháng giêng theo lịch VN.

([70])– Người Ấn cổ chia đêm làm 3 canh: Canh 1 từ 6 giờ tối đến 1o giờ đêm; canh 2 từ 10 giờ đêm đến 2 giờ sáng; canh ba từ  2 giờ sáng đến 6 giờ sáng.- Ns.

([71])– Đức Bửu Chơn (d). Kho tàng Pháp bảo. Chương 5 pháp.

([72])– Từ  Sơ định đến Diệt thọ tưởng định, xuất Diệt thọ tưởng định, nhập ngược từ Phi tưởng phi phi tưởng xứ định đến Sơ thiền, được kể là 1 lần.- Ns.

([73])– Đức Bửu Chơn (d). Kho tàng Pháp bảo. Chương 11 pháp.

([74])– BvA. Bồtát Sumedha.

([75])– DhpA. Câu số 181.

([76])– ĐĐ Thiện Phúc (d). Chú giải NGƯỜI và CÕI.

([77])– Tên gọi khác của Đa văn Thiên vương (Vessavana).

([78])– D.i, kinh Phạm Võng (Brahmajālasutta).

([79])– Như bố thí theo cách “nô lệ thí”. Tức là mình dùng loại cao sang, nhưng khi bố thí cúng dường thì “đem cho loại thô xấu đáng quăng bỏ”. Như vuaPāyāsi trong bài kinh Tệ Túc (Trường bộ IV.)

([80])– A.iv, 59. Chương bảy pháp. Kinh Bố thí.

([81])– D.iii, kinh Đại hội (Mahāsamayasuttanta); D.iv, kinh Atānātiyasuttanta.

([82])– JA. Chuyện số 382. SiriKāḷakaṇṇijātaka.

([83])DA.iii, 964.

([84])– Cv. XXXVII. 31.

([85])– D.ii, 147; 170.

([86])– Cv. XXXVII, 106.

([87])– J.i, 328.

([88])– JA. Chuyện số 489. Suruci Jātaka).

([89])– D.iv. Kinh Atānātiya.

([90])– D.ii, 270.

([91])– VvA. Phẩm III. Paaricchattaka. Thiên cung nàng Latā..

([92])– SA.i, 379.

([93])– Đây là theo bản Buddhavaṃsa – atthakathā  (Miến điện), bản Tích Lan thì thay thế Đức Ānanda là voi chúa Ājānīyā

([94])– BvA. Lịch sử Đức Phật Gotama (Gotamabuddhavaṃsavaṇṇanā).

([95])– Danh sách bốn hầm này được ghi nhận trong DA.i, 284.

([96])– Đức Giới Nghiêm (d). Lịch sử Phật ThíchCa.

([97])– Xem Tỳkhưu Siêu Minh (d). Chú giải Lịch sử chư Phật. Ở đây chúng tôi chỉ tóm lược những điều cần thiết..

([98])– Xem Kinh vua Chuyển Luân trong Trường bộ kinh IV.

([99])– JA. Câu chuyện số 489 (Surucijātaka).

([100])– Về tên bốn hầm châu báu này, Ô. I.B Horner , có dẫn chứng “có tên trong DA.i, 284.

([101])– DhpA. Câu số 416.

([102]) – VvA. Chuyện thiên cung Kaṇḍaka.

([103])– Vào đêm trăng rằm tháng sáu, theo lịch VN –Ns.

([104])– BvA.

([105])–  SA.ii, 317.

([106])– D.iii, kinh Đại viên tịch (Mahāparinibbānasuttanta).

([107])– Ap. Lịch sử Trưởng lão Kāḷudāyi (Kāḷudāyittherāpadānaṃ), số 6207 – 6208 (Đại Đức Nguyệt Thiên dịch).

([108])-A.i,24. Phẩm người tối thắng.

([109])– Đọc GS Trần Ngọc Lợi (d). Tự điên danh từ riêng Pāli. Chữ Ā.

Nguyễn Điều (d). Cuộc đời Tôn giả Ānanda (nguyên tác:Hellmuth Hecker).

([110])– DhpA.

([111])DA.ii,413.

([112])– Ap. Lịch sử bà Yasodharā (Yasodharāpadānaṃ)

Các bài pháp trong cuốn Đức Phật Và 45 Năm Hoằng Pháp Độ Sinh do Tỳ-khưu Chánh Minh biên soạn.

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app