Chương V: Tầm Cầu Pháp Giải Thoát, 4 Hiện Tượng, Quán Xét Dục Lạc, Bồ Tát Xuất Gia, Ác Ma Vasavatti Ngăn Cản

Chương V. Tầm cầu pháp giải thoát.

1- Bốn hiện tượng.

Để giải khuây, Bồtát xin vua Tịnh Phạn đi du ngoạn nơi vườn Thượng Uyển, Đức vua cho trang hoàng thành phố thật xinh đẹp, những người già, người bịnh không được ra đường.

Đức Bồtát bảo người hầu SaNặc rằng: “Hãy thắng cổ xe, ta sẽ đi dạo chơi vườn Thượng Uyển”.

– Vâng, thưa Đại vương.

Chiếc xe của Bồtát ngự đi được trang hoàng xinh đẹp như chiếc thiên xa của thần mặt trời, phía trước xe được cẩn nhiều loại ngọc quý, chiếc xe vững chắc với mọi bộ phận: Vành xe, căm xe, trục xe…, bốn con ngựa Sindhu thuần chủng được thắng vào ách xe, lông ngựa màu trắng bạch kim như ánh trăng hoặc giống như cánh sen trắng, sức phi của ngựa nhanh như chim đại bàng đang soãi cánh giữa hư không.

Bồtát như vị thiên tử ngự lên cổ thiên xa đi du ngoạn, trên đường đi Ngài thấy thành CaTỳLaVệ xinh đẹp như cảnh giới chư thiên, trai thanh gái lịch dập dìu vui vẽ, trông thấy quang cảnh thanh lịch ấy, tâm vị Đại sĩ vô cùng hoan hỷ hài lòng.

a- Một người già.

Các vị thiên nhân suy nghĩ rằng “thời gian không còn dài nữa, chúng ta hãy nhắc nhở đấng Đại sĩ ra đi tìm đạo giải thoát”.

Và một vị thiên tử hóa ra “một người già lụm cụm, tóc bạc trắng, răng rụng, gầy yếu đang run rẩy bước đi từng bước” ở một khúc quanh phía trước cổ xe của đấng Đại sĩ. Bồtát trông thấy hình ảnh này, ngạc nhiên Ngài hỏi người hầu SaNặc rằng:

Ayaṃ pana samma  sāratthi puriso  kiṃ kato? Kesā pi’ssa na yathā aññesaṃ, kāyo pi’ssa na yathā aññesanti?

Này con, người ấy là ai vậy? Sao tóc người ấy không giống người khác, sao thân người ấy không giống thân các người khác?(HṬ TMC dịch)([1]).

Người hầu SaNặc đáp rằng:

Thưa Đại vương, đó là một người già.

– Vì sao được gọi là người già?

– Thưa Đại vương, vì người này không còn sống được bao lâu nữa.

– Vậy ta có bị già không? Một người chưa quá tuổi già?

– Thưa Đại vương, Đại vương và cả con nữa, chúng ta sẽ phải già, dầu chúng ta chưa quá tuổi già.

– Này con, thôi vừa đủ rồi. Chúng ta hãy quay lại hoàng cung.

Và Bồtát trở về hoàng cung với tâm trạng sầu áo não, Ngài suy gẫm “vì sao có sự già?”, Ngài chợt hiểu “vì có sự sinh”, Ngài than rằng “Ôi, phiền muộn thay sự sinh. Vì ai sinh ra cũng phải già yếu”.

Vua Tịnh Phạn cho gọi người hầu SaNặc đến hỏi:

– Này con, Thái tử đi du ngoạn trong vườn Thượng Uyển có vui không?

– Thưa Đại Vương, Thái tử không vui khi đi du ngoạn trong vườn Thượng Uyển.

– Vì sao vậy?

– Thái tử đã trông thấy một người già, nên Ngài không thấy vui thích .

Vua Tịnh Phạn suy nghĩ “không thể để Thái tử đi xuất gia, không thể để lời tiên đoán của các vị Bàlamôn trở thành sự thật”.

Và vua Tịnh Phạn tăng cường người canh gác, đồng thời tăng cường thêm năm món dục lạc (sắc, thinh, hương, vị và xúc) để kềm giữ Bồtát.

b- Một người bịnh.

Trải qua bốn tháng tạm khuây khỏa ưu tư “với sự già” do bị vây hãm trong 5 dục lạc. Thế rồi, Bồtát muốn đi du ngoạn trong vườn Thượng Uyển, tương tự như lần trước, nhưng lần này vị chư thiên hoá hiện ra một người bịnh, đang nằm rên la.

Bồtát hỏi SaNặc:

Ayaṃ pana samma  sāratthi puriso  kiṃ kato, akkhīni pi’ssa na yathā aññesaṃ saro pi’ssa na yathā aññesan ti?

“Này con, người này là gì mà mắt không giống mắt người khác, giọng nói không giống giọng người khác?

Thưa Đại vương, đó là người bịnh.

Này con, vì sao gọi là người bịnh.

Thưa Đại vương, người này đang vị một chứng bịnh hành hạ cơ thể, khiến phải quặn đau, hiện người này chưa thoát khỏi chứng bịnh ấy, nên gọi là nngười bịnh.

– Này con, vậy ta có phải bị bịnh không?

Thưa Đại vương, Ngài cả con hay tất cả mọi người đều phải bị bịnh, dù hiện nay Ngài chưa bị bịnh, nhưng rồi sẽ bị bịnh.

Thôi đủ rồi, này SaNặc chúng ta hãy quay về.

Vâng, thưa Đại vương.

Bồtát trở về cung với tâm trạng sầu não, Ngài suy gẫm “vì sao có bịnh?” và Ngài hiểu rằng “vì có già nên có bịnh”.

Khi biết Bồtát không vui khi thấy “người bịnh”. Đức vua Tịnh  Phạn lo âu, nghĩ “Ta sẽ không cho lời tiên đoán của tám vị Bàlamôn trở thành sự thật”.

Đức vua cho tăng cường người canh giữ, không cho “người già, người bịnh hay vị Samôn đến gần hoàng cung”, đồng thời tăng cường thêm gái xinh trai lịch để phục vụ Bồ tát, kềm trói Bồtát trong vòng dục lạc.

c- Một người chết.

Trải qua bốn tháng “tạm quên mối ưu tư về già, bịnh”, Bồtát lại truyền người hầu SaNặc thắng cổ xe xinh đẹp như thiên xa của mình, để đi du ngoạn trong vườn Thượng Uyển.

Lần này, vị chư thiên hóa hiện “một đám đông mặc y phục nhiều màu khác nhau, đang dựng đài hỏa táng”([2]). Và Bồtát hỏi người hầu SaNặc:

Này con, vì sao đám đông ấy dựng đài hỏa táng?

– Thưa Đại vương, vì có một người vừa chết. Đám đông dựng đài hỏa táng để thiêu xác người chết.

– Này con, vì sao gọi là “người chết”.

– Thưa Đại vương, gọi là “người chết”, vì cha, mẹ, thân quyến hay bạn hữu không còn nhìn thấy người ấy nữa. Và “người ấy” cũng không còn nhìn thấy cha, mẹ, thân tộc, bạn hữu nữa.

– Này SaNặc, Vậy Ta chưa chết rồi có phải chết không? Cha và mẹ ta có chết không?

– Thưa Đại vương, Ngài cả con cùng Đức vua, Hoàng Hậu .. tất cả đều phải chết. Một ngày nào đó Ngài không còn trông thấy cha, mẹ, thân tộc cũng như bạn hữu và cha mẹ, thân tộc, bạn hữu cũng không thấy Ngài, khi ấy gọi là “Đại vương đã chết”.

– Vậy là vừa đủ rồi, này SaNặc hãy quay lại hoàng cung.

(Mẹ trong ngữ cảnh này là chỉ cho Hoàng hậu Pajāpaṭigotamī).

Giải thích

Tuy người hầu SaNặc giải thích về 3 hiện tượng “già – bịnh – chết” theo khả năng hiểu biết của mình, không giải thích từ đâu có “già, bịnh, chết”.

Nhưng với trí tuệ  sắp chín muồi của vị Bồtát  Chánh giác, Ngài hiểu rằng “là do có sự sinh”.

Khi trở về Hoàng cung , Ngài suy gẫm “đáng ghê sợ thay cho sự sinh, vì ai sinh ra cũng phải già, cũng phải bệnh, cũng phải chết” (sđd).

Và Ngài hiểu rộng rải rằng “khi sự sinh hiện khởi, cái hình thành gọi là bị sinh”. Cái gì là “bị sinh”?

Ngũ uẩn là “bị sinh”, vợ con là bị sinh, tôi trai, tớ gái là bị sinh, tài sản là bị sinh ([3]), tương tự như thế với “bị già, bị bịnh và bi chết”.

Người không suy gẫm “ta phải bị già”, khi thấy người khác “già yếu lụm cụm” sẽ sinh khởi sự chê bai, khinh bỉ, nhờm gớm người già ấy.

Nhưng khi suy gẫm “ta phải bị già”, thì sẽ không còn chê bai, khinh chán, gớm ghê người già, nhờ đó trừ diệt được “kiêu mạn về tuổi trẻ”.

Người không suy gẫm “ta phải bị bịnh”, khi thấy người khác bịnh tật, sẽ sinh khởi nhàm chán, khinh bỉ, gớm ghê “người bịnh”.

Nhưng khi suy gẫm “ta phải bị bịnh”, thậm chí căn bịnh mà ta vướng phải, còn hiễm nghèo hơn, tồi tệ hơn căn bịnh mà ta trông thấy, thì sẽ không còn khinh chán, ghê tởm “người bịnh”, nhờ đó diệt trừ được “kiêu mạn  về không bịnh”.

Người không suy gẫm “ta phải bị chết”, khi thấy người khác chết sẽ sinh khởi nhàm chán, khinh bỉ, gớm ghê, sợ hãi “người chết”.

Nhưng khi suy gẫm “ta phải bị chết”, thì sẽ không còn khinh chê, chán ghét, ghê sợ “người chết”, nhờ đó diệt trừ được “kiêu mạn của sự sống”.

Như Đức Phật dạy:

“Kẻ vô văn phàm phu tự mình bị già, không thể vượt qua bị già; khi thấy người khác bị già, lại bực phiền, hổ thẹn, ghê tởm (aṭṭiyati, harāyati, jigucchati), quên rằng “mình cũng như vậy” (attānaṃ yeva atisitvā).

Ta cũng bị già, không vượt qua khỏi già, sau khi thấy người khác bị già, ta có thể khởi lên bực phiền, hổ thẹn, ghê tởm sao?. Như vậy, thật không xứng đáng cho ta”.

Này các Tỳkhưu, sau khi quán sát về ta như vậy, sự kiêu mạn trong tuổi trẻ được đoạn trừ” (HT. TMC dịch)([4])

Tương tự như thế với “kiêu mạn về vô bịnh; kiêu mạn về sự sống”.

Ba hiện tượng “già, bịnh, chết” làm chấn động tâm Bồtát, khiến Ngài hướng tâm tầm cầu cái “không sinh, không già, không bịnh, không chết”, gọi là “sự tầm cầu của bậc Thánh”.

Ba hiện tượng ấy gọi là “ sự chấn động tâm” (saṃvegacitta). Vì sao gọi là “ sự chấn động tâm”, vì khiến tâm bậc Đại sĩ sẽ “kinh sợ sự sinh – già- bịnh- chết” trong tương lai, như:

Gọi là “sự chấn động tâm” là: Sinh, già, bịnh, chết.

Và: “Chấn động tâm” là kinh sợ sự sinh, kinh sợ sự già, kinh sợ sự bịnh, kinh sợ sự chết”([5]).

Nhưng không phải là “kinh sợ do tâm sân” mà “kinh sợ viễn cảnh trong tương lai”, ví như người thấy lửa đang cháy, e ngại lửa sẽ cháy lan đến nhà của mình, người ấy lo phòng bị trước.

Đó là sự kinh cảm phát sinh do trí, nghĩa là “trí thấy rằng: “Sự sinh là mối nguy hại đáng sợ” (jātibhaya); “sự già là mối nguy hại đáng sợ” (jarābhaya); “sự bịnh là mối nguy hại đáng sợ” (byādhibhaya); “sự chết là mối nguy hại đáng sợ” (maraṇabhaya). Nhưng Đấng Đại sĩ chưa tìm ra phương án nào để thoát khỏi “sinh, già, bịnh, chết”.

Vua Tịnh Phạn khi biết được sự kiện này, lại tăng cường quân canh gác đồng thời tăng cường “năm dục lạc” cho Bồtát hưởng thụ.

d- Thấy vị Samôn.

Bị vây hãm trong vòng đai dục lạc, sự chấn động tâm về “bị chết” có phần phai nhạt. Bốn tháng lại trôi qua, vào ngày 15 tháng Āsāḷha (tháng 6 âl tính theo lịch VN), Bồtát lại ngự lên cổ xe thù thắng đến vườn Thượng Uyển du ngoạn.

Trên đường đi Ngài thấy “vị Samôn” do chư thiên hóa hiện, Ngài hỏi người hầu SaNặc rằng:

– Này SaNặc, người đó là ai mà đầu khác với người khác, y phục cũng khác với người khác vậy.

– Thưa Thái tử, đó là “bậc xuất gia” (pabbajito).

– Này SaNặc, vì sao gọi là “bậc xuất gia?”.

– Thưa Thái tử, vị sa môn là người từ bỏ gia đình, sống đời sống không gia đình để thực hành pháp, tu tập pháp, khéo thực hành những thiện pháp, có lòng từ mẫn đối với chúng sinh, không làm hại đến chúng sinh khác.

(Tuy SaNặc không có kiến thức về bậc xuất gia cùng với những hạnh lành của bậc Samôn, vì những “hạnh lành của bậc Samôn” được Đức Thế Tôn thuyết giảng sau này. Nhưng SaNặc nói lên được là do “tác động của chư thiên”).

Nghe lời giải thích tóm tắt về hạnh “xuất gia”, Bồtát hoan hỷ rằng “lành thay, lành thay, bậc xuất gia”.

Đức Bồtát cho  xe đến gần vị Samôn, Ngài hỏi vị Samôn rằng:

– Này người, người đã thực hiện những gì mà đầu của người không giống đầu người khác, y phục của người không giống y phục người khác?

– Thưa Thái tử, tôi là người được gọi là “bậc xuất gia”, vì tôi lìa bỏ gia đình sống không gia đình để thực hành pháp, tu tập pháp và có lòng từ mẫn với tất cả chúng sinh, không làm hại bất kỳ chúng sinh nào. Tôi xuất gia để tu tập những pháp để đưa đến giải thoát.

– Lành thay, lành thay, hạnh xuất gia. Ngài là bậc đáng ngưỡng mộ, đáng được kỉnh trọng.

Chữ giải thoát đã đánh thức tâm vị Đại sĩ, Ngài “như chợt nhớ lại một điều gì đã quên lãng”, tâm trạng Ngài trở nên hân hoan như tìm lại được “vật quý đã bị thất lac”.

(Hình ảnh vị Samôn không phải là “sự chấn động tâm” mà là “sự sách tấn” tâm Bồtát, thúc đẩy Ngài dấn thân “lên đường tầm cầu pháp thoát ra già, bịnh, chết”, hiện tướng này được gọi là “tinh cần tướng” (padhānanimitta) hay “nền tảng tướng”, là “phải buông bỏ tất cả mới đạt đến trạng thái vô sinh bất tử”).

Cả bốn hiện tướng: “Già, bịnh, chết và vị Samôn” là do vị chư thiên hóa hiện, chỉ có Bồtát và người hầu SaNặc trông thấy, những người khác không nhìn thấy.

Theo Bản Sớ giải Phật Tông, Bồtát SĩĐạtTa xuất cung 4 lần, mỗi lần cách nhau bốn tháng.

Đối với các vị Phật có tuổi thọ cao, mỗi hiện tượng cách nhau một trăm năm.

Nhưng các Giáo Thọ Sư Trường bộ kinh cho rằng: “Cả bốn hiện tượng này, Bồtát SĩĐạtTa nhìn thấy trong một ngày”.

Với tâm hân hoan, Bồtát đi vào vườn Thượng Uyển, Ngài vui chơi thỏa thích như người “vừa tìm ra phương án giải quyết được một vấn đề hệ trọng”, tâm ý Ngài đã “quyết định xuất gia trong đêm nay”.

Vào lúc xế chiều, Ngài ngồi an nhàn trên tảng đá hạnh phúc (maṅgalasilā), Ngài khởi ý thay đổi y phục.

Như ngẫu nhiên, một người thợ cạo mang đến cho Ngài bộ y phục mới, thật ra chính vua Trời ĐếThích hiểu được ý muốn của Bồtát, đã sai vị Thiên tử Visukamma (thiên thần Kiến trúc) mang bộ y phục chư thiên đến dâng cho Bồtát, đồng thời trang điểm cho vị Bồtát thật xinh đẹp. Y phục chư thiên này “ngầm ý” bảo vệ Ngài không rơi trở lại dục lạc nhân loại”.

Trên không trung những thiên thần âm nhạc khảy lên những điệu nhạc vui tươi chúc mừng, tiếng nhạc len theo gió chiều vọng đến tai vị Đại sĩ.

Bấy giờ Hoàng cung đang rộn rã tin vui “Hoàng hậu DaDuĐàLa vừa hạ sinh một hoàng nam”, vua Tịnh Phạn cho người báo tin vui đến Bồtát. Bồtát nghe tin ấy, một kinh cảm trí (saṃvegañāṇa) lại khởi lên trong tâm rằng: “Asura Rāhu, người muốn giam cầm ta như kẻ nô lệ đã sinh ra, một dây trói buộc lớn đã ra đời”, bất giác Ngài cảm thán thốt lên “Rāhula đã sinh ra, một trói buộc vừa sinh ra”.

Đức vua Tịnh Phạn hỏi người báo tin rằng: “ Con trai ta đã nói gì?”, người báo tin đã thuật lại lời Bồtát. Do đó vào ngày lễ  đặt tên, vị Thái tử  vừa sinh ra có tên là Rāhula và Hoàng hậu DaDuĐàLa có thêm tên gọi là “mẹ Rāhula” (Rāhulamātā). Vua Tịnh Phạn vui mừng, cho rằng: “Thái tử bị trói buộc rồi, thì không còn ý muốn xuất gia nữa”, Đức vua cho tổ chức lễ hội vui chơi.

Sau khi mặc y phục chư thiên, Bồtát lên cổ xe thù thắng quay về Hoàng cung.

Kệ hoan hỷ của nàng Công chúa Kisāgotamī.

Bồtát SĩĐạtTa ngự trên cổ xe thù thắng, cùng với đoàn tùy tùng hộ giá, đi vào thành CaTỳLaVệ.

Cổ xe đi vào Hoàng cung, ngang qua tòa lâu đài 7 tầng của công chúa Kisāgotamī (em chú bác họ với Bồtát), trông thấy vẻ uy nghi như thiên thần giáng thế qua y phục chư thiên cùng sắc tướng (rūpakāya) của Đấng Đại sĩ, nàng Kisāgotamī hân hoan thốt lên lời kệ “cảm hứng” (udānagāthā) rằng:

“Nibbutā nūna sā mātā; nibbutā nūna sa pitā

Nibbutā nūna sā nārī; yassāyaṃ īdiso patī’ti.

“Hạnh phúc thay cho người mẹ; hạnh phúc thay cho người cha.

Hạnh phúc thay cho người vợ; của vị chúa như thế này[6].

Nàng công chúa này có tên làKisā, vì thân của nàng rất mảnh mai như lá lúa, chữ kisa có nghĩa là “gầy yếu, ốm, suy nhược”.

Nàng sinh ra với thân thể không được khỏe mạnh, nên được đặt tên là “Kisā”.

Gọi là “kệ cảm hứng”, ví như dầu đầy tràn phải trào ra miệng bình; cũng vậy niềm hoan hỷ (pīti hay somanassa) dâng trào, người này hân hoan thốt lên bằng thi hứng, gọi là “kệ cảm hứng”.

Nghe kệ cảm hứng của công chúaKisāgotamī, Bồtát suy gẫm “Công chúa Kisāgotamī đã tán thán ta mang hạnh phúc (nibbutā)([7])đến cho me, cha và vợ.

Hôm nay ta có ý định xuất gia để tầm cầu giải thoát, diệt trừ được sinh, già, bịnh, chết đó là hạnh phúc tối thượng. Nàng mong ta mang hạnh phúc đến cho mẹ, cha và vợ, chữ hạnh phúc được nàng dùng rất tuyệt diệu, kệ cảm hứng của nàng Kisāgotamī đáng được ban thưởng”.

Lập tức vị “thiên thần” tháo sợi chuỗi ngọc đang đeo nơi cổ, tặng cho công chúa Kisāgotamī., nói rằng:

– Đây là phần thưởng cho vị thầy đã nhắc nhở ta tìm pháp “dập tắt đau khổ”, mang lại “hạnh phúc” cho nhiều người.

Nàng công chúa xinh đẹp Kisāgotamī vui sướng đón nhận tặng vật này, nàng nghĩ “Hoàng huynh SĩĐạtTa đã có lòng yêu thương ta”.

“Đấng thiên thần” ấy lại giong ruỗi cổ thiên xa, để lại phía sau đôi mắt nhìn theo với ngập tràn thương mến của nàng công chúa kiều diễm Kisāgotamī.

2- Quán xét năm dục lạc.

Đấng Đại sĩ bước vào tòa lâu đài nguy nga, tráng lệ như một thiên cung và nằm lên chiếc giường bằng 7 loại ngọc quý.

Đoàn nữ nhạc điêu luyện trong nghệ thuật đàn ca, cùng đoàn vũ nữ  điêu luyện trong những vũ khúc “mê hồn”, tất cả đều trang điểm xinh đẹp như những thiên nữ, gương mặt thanh tú như như vầng trăng vừa tròn, đôi môi tươi mọng và hồng như quả nimba chín, thân hình đều đăn thon thả, đôi chân thon chắc, răng trắng bóng và đều như những hạt bắp non. Đôi mày đen nháy hình vòng nguyệt như cọng sen được uốn cong, đôi mắt đen nháy như hồ nước sâu thẳm, ngực tròn đầy như những con thiên nga màu hồng ẩn hiện trong mây, trên người nhiều loại trang sức, khua lên những âm thanh vui nhộn theo những vũ khúc.

Tất cả đồng bước ra đàn ca, múa hát để “vị chúa chư thiên” thưởng thức những vũ khúc “mê ly”, những tiếng hát du dương làm say đắm lòng người, những tiếng đàn réo rắt những âm điệu khi trầm, khi bổng, khi than thở, khi reo vui ….

Nhưng tâm Bồtát đang hướng về “xuất gia”, chán nản những gì đang diễn tiến chung quanh, Ngài không thấy vui thích những thú tiêu khiển ấy và dần dần đi vào giấc ngủ.

Nhìn thấy Bồtát ngủ say, đoàn nhạc công cùng vũ nữ suy nghĩ “chúng ta đàn ca, múa hát để làm vui vị chủ nhân, nhưng Ngài đã ngủ rồi. Vậy chúng ta cũng tạm dừng để nghỉ ngơi”.

Và tất cả cùng ngủ tại nơi đấy dưới ánh sáng lung linh của những ngọn đèn thắp sáng bằng những loại dầu thơm hảo hạng.

Giữa đêm, Bồtát thức giấc Ngài ngồi kiết già trên giường ngọc, nhìn chung quanh, thấy đoàn vũ nữ cùng nhạc công xinh như những thiên nữ đầu hôm, giờ đây trong lúc ngủ say, đã phơi bày đầy đủ mọi “nét bẩn”.

Một số nằm gác chân lên mình nhau như những khối thịt xếp chồng lên nhau, những chiếc miệng xinh như mọng giờ đây tuôn chảy giòng nước dãi, hàm răng tròn đều như những hạt bắp non giờ đây nghiến vào nhau, phát ra âm thanh “trèo trẹo” ghê rợn. Đâu rồi những âm giọng du dương?

Những đôi môi hồng như quả nimba giờ đây há hốc phơi bày hố sâu đen ngòm thăm thẳm đầy âm u.

Xiêm y lụa là giờ đây nhàu nát, một số phơi bày thân thể một cách lộ liểu, số  khác thì tóc rối bời hoặc mái tóc mượt mà khéo trang điểm giờ đây xổ tung tóe, như những sợi tóc ma trơi.

Phấn sáp chảy dài trên mặt bởi những giọt mồ hôi như những con giun uốn éo trên đất. Trang sức xinh đẹp để làm tăng thêm vẽ diễm kiều thân xác, giờ đây rơi rụng trên sàn, những nhạc cụ được nâng niu bởi đôi tay ngà ngọc giờ đây được ném vào một góc.

Những chiếc ngực căng tròn như những con thiên nga hồng, giờ đang phập phồng như đang dẫy chết …

Ngài có cảm giác như đang ở trong bãi tha ma, thiên nữ đầu hôm giờ đây như những tử thi trong mộ địa, mùi hương thơm đã bị thay thế bởi xú khí bốc lên từ những thi hài ấy.

Thấy “khung cảnh chung quanh” như vây, kinh cảm trí (saṃvegañāṇa) cùng tâm viễn ly(nikkhepacitta) nảy sinh mãnh liệt.

Quán xét dục lạc

Bồtát quán xét “năm dục lạc này ít vui nhiều khổ (appassādā), những tội lỗi cùng khiếm khuyết của chúng thật nhiều.

*Ngũ dục này như khúc xương (aṭṭhikaṅkapamā kāmā).

Ngũ dục này ví như khúc xương được khéo lóc, con chó đói chạy tìn vật thực, thấy được khúc xương chỉ còn dính chút ít thịt, nó ngỡ được no lòng.

Nhưng dù cố công liếm sạch khúc xương khô nó vẫn cứ đói, tuy vậy nó không từ bỏ khúc xương, nó tha khúc xương từ nơi này sang nơi khác và sẵn sàng chống lại những con chó khác muốn tranh cướp khúc xương của nó, vì sao? Vì khúc xương khô còn có mùi thơm.

*Ngũ dục này như miếng thịt thối (maṃsapesūpamā kāmā).

Ví như con kên kên, con diều hâu hay con chim ưng, tìm được miếng thịt thối từ nơi xác chết, nó ngậm miếng thịt bay lên.

Ngay lập tức đám kên kên, diều hâu, chim ưng khác bay lên tấn công để tranh cướp miếng thịt. Khi con kên kên còn giữ miếng thịt thì còn bị đồng loại cùng với kẻ thù tấn công, bao giờ nó buông bỏ miếng thịt thì nó vơi đi đau khổ.

*Ngũ dục như lửa rơm (tinukkūpamā kāmā).

Ví như người cầm bó đuốc lửa rơm đang cháy, đi ngược chiều gió.

Ngọn lửa sẽ đốt vào mặt mày, tay chân, mình, y phục người ấy, người ấy có thể bị thương tật hay bị tử vong.

*Ngũ dục như hầm lửa đỏ (aṅgārakasūpamā kāmā).

Ví như hầm lửa đỏ được che phủ bởi lớp cỏ non bên trên, con nai ham cỏ non sẽ bị rơi vào hầm lửa và bị thiệt mạng.

Cũng vậy, năm dục lạc này, bên ngoài trông khả ái, hấp dẫn; do đắm nhiễm trong 5 dục chúng sinh tạo ra những ác-bất thiện pháp, như rơi vào hầm lửa phải chịu khổ lâu dài trong địa ngục, đọa xứ.

*Ngũ dục như giấc chiêm bao (supinatūpamā kāmā).

Ví như người nằm mộng, có thể thấy mình đang là vị đại đế, tha hồ thụ hưởng những món dục lạc thích ý hài lòng. Khi thức giấc, không thể tìm thấy những gì có trong giấc mộng.

*Ngũ dục như vật tạm mượn (yācitakūpamā kāmā).

Ví như người muốn đi dự lễ hội, nhưng không có vật trang điểm, mượn những trang sức của người khác để dùng. Sau lễ hội, y phải trả lại những vật mượn ấy.

Cũng vậy, khi sinh ra trong đời sống này, phải sử dụng năm món dục lạc, khi mệnh chung thì phải trả lại những dục lạc mà mình có như: tài sản, ruộng đất, vợ con …

*Ngũ dục như cây có trái chín trên cao(rukkhaphalūpamā kāmā).

Ví như cây có nhiều trái chín trên cao, một người đi đến thấy cây có nhiều trái chín, người ấy leo lên cây, hái trái cây ăn thỏa thích rồi hái mang về.

Người thứ hai đi đến cây có nhiều trái chín, y cũng muốn ăn những trái  cây, nhưng không thể leo lên, y dùng rìu bén đốn gốc cây ngã xuống.

Cũng vậy, người có nhiều tài sản, quyền chức … sẽ là “mục tiêu” cho người khác triệt hạ.

Hoặc “năm dục ví như trái cây độc”; những trái cây độc thường có màu sắc xinh đẹp và nhiều hương thơm.

Nhưng khi ăn vào, trái cây có thể làm chết người ấy hay hành hạ người ấy oằn oại trong khổ.

*Ngũ dục như lưỡi kiếm bén (sattisūlūpamā kāmā).

Lưỡi kiếm bén có khả năng cắm sâu hay cắt đứt bất cứ vật gì chạm vào nó, đó là loại khí giới mang tính “tiêu diệt”.

Trên lưỡi kiếm có vài giọt mật ngọt, người ưa thích mật ngọt, liếm những giọt mật trên lưỡi kiếm sẽ bị lưỡi kiếm cắt đứt lưỡi.

Cũng vậy, năm dục: Sắc, thinh, hương, vị và xúc có chút ít lạc, đam mê “năm dục” sẽ bị “lưỡi kiếm sát hại”.

Ví như con cá mắc câu, cá càng vùng vẫy càng thêm đau khổ, cũng vậy khi đắm nhiễm trong năm dục rồi, càng muốn thoát ra càng bị đau khổ.

Khi đắm nhiễm trong cảnh sắc (rūpārammaṇa) ví như con cá bị mắc câu, không thể tự mình tháo gỡ thoát khỏi móc câu.

Cũng vì “cảnh sắc khả ái”, chúng sinh tạo những ác-bất thiện pháp để chiếm hữu “cảnh sắc”, do đó những thiện pháp đã bị cắt đứt hay bị hủy diệt và chúng sinh ấy đau khổ bởi “sắc kiếm”.

Tương tự như vậy với cảnh thinh, cảnh hương, cảnh vị và cảnh xúc.

*Ngũ dục như dao và thớt (asisūmūpamā kāmā).

Dao bầm nát những gì được đặt trên thớt. Người đam mê, đắm nhiễm ngũ dục ví như tử tội đang đặt đầu lên thớt chém và ngọn đao rơi xuống giết chết người ấy.

*Ngũ dục như đầu con rắn độc (sappasirūpamā kāmā).

Đầu con rắn độc là nơi chất chứa chất kịch độc, có thể sát hại nhiều loại chúng sinh.

Đầu con rắn độc có thể gây tử vong hay đau khổ cho những chúng sinh nào va chạm vào nó.

Đầu con rắn độc chỉ mang đến tai họa chứ không mang đến hạnh phúc an lạc.

Cũng vậy, ngũ dục là chất độc hại có thể mang đến tai hại, tử vong cho chúng sinh, ngũ dục chỉ mang lại đau khổ chứ không mang đến lợi ích như đầu con rắn độc kia vậy.

Mười điều quán tưởng về tai hại của năm dục lạc này([8]), là  nền tảng cho chí “nguyện xuất ly của Bồtát”, nhờ nhận thức rõ tai hại của 5 dục lạc, nên suốt sáu năm “xuất gia tầm cầu pháp giải thoát già, bịnh, chết”, Ma vương  cận kề theo dõi, nhưng không tìm thấy “tâm ý hưởng thụ dục lạc của Đấng Đại sĩ”.

Chính “10 tai hại của dục lạc” được chư Tỳkhưu nhắc nhở đến Tỳkhưu Ariṭṭha xưa làm nghề huấn luyện chim ưng.

Tôn giả Ariṭṭha.

Tôn giả Ariṭṭha trước khi xuất gia là “người huấn luyện chim ưng”, ông khởi lên quan kiến sai lầm là “cho rằng quan hệ tình dục không là chướng ngại cho Đạo”.

Sở dĩ Tôn giả Ariṭṭha có quan điểm này là vì “thấy các gia chủ như vua BìnhSa, Trưởng giả CấpCôĐộc (Anāthapiuṇḍika) … được Đức Thế Tôn tuyên bố là bậc Dự lưu, Nhất Lai hay Thánh Bất lai([9]).

Tôn giả Ariṭṭha đã hiểu lầm giữa “sự thực hành Phạm hạnh” và “thành tựu Phạm hạnh”. Và theo quan điểm của Ariṭṭha như vậy, sẽ dẫn đến sự hiểu lầm là “người ta có thể chứng đạo trong lúc đang quan hệ tình dục”.

Trong bài kinh “Ví dụ con rắn” (Alaggadūpamasuttaṃ), Đức Phật nhấn mạnh những nguy hiểm “của việc hiểu pháp sai lạc và giải thích pháp sai lạc”.

Lại nữa, Đức Phật chế định học giới: “Vị Tỳkhưu quan hệ tình dục dưới bất cứ hình thức nào, bị trục xuất khỏi Tăng Đoàn”([10]), vì quan hệ tình dục là “một chướng ngại cho đời sống Phạm hạnh”, “đứt lìa đời sống Phạm hạnh”, ví như chiếc lá lìa cành, không thể nào trở lại cành.

Măt khác, quan điểm của Tôn giả Ariṭṭha là “bác bỏ điều học được Đức Thế Tôn ban hành cho chư Tỳkhưu”, đồng thời “bác bỏ một trong bốn pháp vô úy” của Đức Phật (điều thứ 3).

Bốn vô sở úy (cattāri vesajjāni) của Đức Phật là:

– Ngài không lo sợ bất cứ ai trên đời chỉ trích Ngài “chưa chứng đạt đạo”, lại tự nhận “chứng đạt đạo”.

– Ngài không lo sợ bất kỳ ai chỉ trích Ngài là “chưa trừ diệt mọi ô nhiễm”, lại tự nhận “đã diệt trừ mọi ô nhiễm”.

– Những gì Ngài dạy là “chướng ngại đạo”, chắc chắn là chướng ngại, không sợ ai nói ngược lại.

– Pháp Ngài dạy chắn chắn dẫn đến đoạn tận đau khổ, không ai có thể bảo là không([11]).

Các Tỳkhưu chân chánh đã nhắc nhở Tôn giả Ariṭṭha ba lần, nhưng Tôn giả Ariṭṭha vẫn không từ bỏ quan kiến sai lầm nói trên.

Do nhân đó, Đức Thế Tôn chế định học giới: “Vị Tỳkhưu được các vị Tỳkhưu nhắc nhở ba lần, nhưng vẫn không từ bỏ quan điểm sai lầm. Phạm ưng đối trị (pācittiya)([12]).

Tuy bị khép tội “Ưng đối trị”, nhưng Tôn giả Ariṭṭha vẫn không từ bỏ quan điểm trên, và chư Tỳkhưu nhóm Lục sư (Chabaggiya) lại giao du mật thiết với Tôn giả Ariṭṭha.

Do nhân đó, Đức Thế Tôn chế định học giới: “Vị Tỳkhưu nào dầu biết, vẫn hưởng thụ chung hoặc vẫn cộng trú, hoặc vẫn nằm chung chỗ ngụ với vị Tỳkhưu là người  “không từ bỏ quan điểm sai lầm”. Phạm Ưng đối trị” (sđd, điều 69).

Và bài kinh “Ví dụ con rắn” xuất hiện sớm lắm cũng phải vào hạ thứ 12, khi Đức Thế Tôn ban hành điều học trên cho chư Tỳkhưu.

Về sau Tôn giả Ariṭṭha đã hoàn tục, từ bỏ đời sống phạm hạnh trong giáo pháp này. Được biết Đức Phật đã khiển trách Tỳkhưu ni Thullanandā, vì bà đã quan hệ mật thiết với Ariṭṭha sau khi vị ấy trở về với đời sống cư sĩ.

Trong tập kinh Tương Ưng, phẩm Tương ưng “hơi thở vào, hơi thở ra”, Tôn giả Ariṭṭha([13])có trình bày cách thực hành “niệm hơi thở” của mình, và Tôn giả Ariṭṭha nghĩ rằng “mình đã chứng quả Bất lai”.

Nhưng Đức Thế Tôn tuyên bố là “không phải”, với 2 ý : “Niệm hơi thở vào, hơi thở ra, không phải như cách thức của Ariṭṭha trình bày” và “Tôn giả Ariṭṭha không phải là bậc Bất lai” như Ariṭṭha nghĩ tưởng.

Theo bản Sớ giải về Luật (Samantapasādikā), Tôn giả Ariṭṭha được xem như một “nghịch tử” trong Giáo thuyết của Đức Phật([14]).

Và “10 tai hại của dục lạc” này, cũng được Đức Thế Tôn thuyết cho gia chủ Potaliya([15])nghe, chỉ có khác chút ít là: “Đức Thế Tôn không nêu ra 3 tai hại sau cùng là: Ngũ dục ví như lưỡi kiếm, ngũ dục ví như dao với thớt, ngũ dục ví như đầu rắn độc”.

Gia chủ Potaliya.

Potaliya là một gia chủ sống trong làng Āpaṇa của thị trấn Aṅguttarāpa.

Aṅguttarāpa (= Aṅga + uttara + āpa) là vùng đất ở phương Bắc của vương quốc Aṅga nằm ở phía bắc sông Mahī; một phần đất của Aṅguttarāpa nằm bên kia sông Hằng, vùng đất này có tên gọi là Āpaṇa.

Trong Tương ưng kinh có ghi nhận, “làng Āpaṇa được xem như một thị trấn của xứ Aṅga” (Aṅgānaṃ nigamo).

Gần thị trấn Āpaṇa là khu rừng dọc bờ sông Mahī, Đức Phật khi đến Āpaṇa Ngài thường trú ngụ tại nơi khu rừng này

Có lần Đức Thế Tôn ngự đến làng Āpāṇa cùng với 1.250 vị Tỳkhưu, vùng đất này là một xứ sở thịnh vượng, vì Bàlamôn Keniya cúng dường đến Đức Phật cùng 1.250 vị Tỳkhưu suốt 7 ngày không mấy khó khăn.

Ngài Buddhaghosa (Phật Âm) giải thích : “Làng này có tên gọi là Āpaṇa vì có đến 20 ngàn cửa hàng, bán những hàng hóa khác biệt nhau.

Làng Āpaṇa chính là quê hương của Trưởng lão Sela, vị Thánh ALaHán trong Giáo pháp của Đức Phật.

Tại làng Āpaṇa này, Bàlamôn tóc bện Keniya cùng Bàlamôn Sela đã đến yết kiến Đức Thế Tôn, Đức Thế Tôn thuyết lên bài kinh Sela([16]). Và Bàlamôn Sela cùng hội chúng Bàlamôn 300 người của mình, xin xuất gia trong giáo pháp này, nhờ nhiệt tâm tinh cần hành pháp chẳng bao lâu Tôn giả Sela cùng hội chúng của mình thành tựu Thánh quả ALaHán.

Hôm sau, Bàlamôn bện tóc Keniya cúng dường đến Đức Phật và 1.250 vị Tỳkhưu trọn 7 ngày.

Ngoài bài kinh Sela, kinh Potaliya, nhiều bài kinh khác cũng được thuyết tại đây, như: Kinh Latukikopana([17]), kinh Apanasutta([18]).

Khi Đức Thế Tôn ngự đến làng Āpaṇa, gia chủ Potaliya đi đến viếng Đức Phật, ông lộ vẽ bất mãn khi nghe Đức Phật gọi ông là gia chủ, vì ông đã giao phó tục sự cho người nhà. Đức Phật giảng cho gia chủ nghe về “sự đoạn tận các tục sự trong giới luật bậc Thánh”.

Nghe xong, gia chủ Potaliya xin quy ngưỡng Đức Thế Tôn.

Có một du sĩ cũng có tên là Potaliya (có thể là gia chủ Potaliya nói trên), đến yết kiến Đức Thế Tôn và được Đức Thế Tôn dạy “về bốn hạng người”

– Không tán thán người không đáng tán thán; đúng sự kiện, đúng sự thật, đúng thời.

– Không tán thán người đáng được tán thán; đúng sự kiện, đúng sự thật, đúng thời.

– Nói lời tán thán người không đáng tán thán; đúng sự kiện, đúng sự thật, đúng thời.

– Nói lời tán thán người đáng được tán thán; đúng sự kiện, đúng sự thật, đúng thời”([19]).

Khi Đấng Đại sĩ quán xét “10 tội lỗi của ngũ dục”, Ngài cảm thấy “cung điện nguy nga diễm lệ như thiên cung Vejayanta (Chiến thắng) của vua trời Đế Thích (Sakka) này, giờ đây như bãi tha ma đang chứa đầy những xác chết”.

Rồi Ngài có cảm tưởng “ba cõi: Dục, Sắc và Vô sắc giới đang bốc cao ngọn lửa sinh, già, bịnh, chết. Ngọn lửa này thiêu đốt tất cả mọi chúng sinh, không từ chối một ai, cho dù đó là nhân loại, chư thiên hay Phạm thiên”.

Bất giác Ngài “kinh sợ ngọn lửa sinh, già, bịnh, chết” cùng với năm dục lạc, và Ngài cảm thán rằng:

Upaddutaṃ vata kho; upaddu taṃ vata kho:

“Ôi bất hạnh thay; ôi bất hạnh thay”.

Ý chí xuất gia tăng cường cao tột, Ngài “quyết định ra đi trong đêm nay, ngay bay giờ”.

3- Bồtát xuất gia.

Đấng Đại sĩ rời khỏi giường ngọc, đi đến cửa lớn hỏi rằng: “Có ai ở đây chăng?”. Người hầu SaNặc đang ngủ, đầu tựa lên ngạch cửa, vội thưa rằng:

– Thưa đại vương, có con là SaNặc.

– Ta sẽ lìa bỏ cung vàng để đi xuất gia trong đêm nay, ngươi hãy nhanh chóng thắng yên cương cho thần mã KiềnTrắc và đừng cho một ai hay biết.

– Vâng, thưa Đại vương.

Người hầu SaNặc mang yên cương cùng những vật phụ tùng cần thiết, đi đến chuồng ngựa KiềnTrắc, dưới ánh sáng lung linh của những ngọn đèn dầu thơm, SaNặc thấy thần mã KiềnTrắc đứng oai vệ trên nền đất cứng, dưới chiếc lọng trắng kết đầy hoa thơm.

SaNặc hân hoan nghĩ thầm “ta sẽ trang bị chu đáo cho ngựa chúa KiềnTrắc, ta cùng thần mã sẽ đưa Đại vương đi xuất gia trong đêm nay”.

Khi người hầu SaNặc thắng yên cương lên lưng ngựa, thần mã KiềnTrắc chợt nhận ra rằng “yên cương lần này được khéo buộc chặt một cách chu đáo, những lần đi dạo trong vườn Thượng uyển, xa phu này không thực hiện cho ta được như thế.

Hẳn đêm nay ta sẽ phải đi xa, chắc chắn ta sẽ đưa người chủ thân yêu lìa bỏ nơi đây, vị chủ nhân ái kính của ta sẽ trở thành vị Samôn, như hình ảnh vị Samôn mà sáng hôm nay ta đã nhìn thấy”.

Như được lịnh xuất chinh ra chiến trận, thần mã KiềnTrắc phấn khởi hí vang. Tiếng hí vang trong sự hân hoan của ngựa chúa KiềnTrắc, đáng ra phải làm tỉnh giấc mộng của những người đang say ngủ trong hoàng cung, nhưng các vị thiên nhân ngăn chận âm vang tiếng ngựa hí.

Nơi lâu đài tráng lệ, vị Đại sĩ chợt nhớ đến “con trai vừa chào đời ban chiều”, Ngài suy nghĩ  “ta hãy đến thăm con trước khi ta lên đường xuất gia”.

Ngài đi đến phòng của Hoàng hậu DaDuĐàLa, đứng ngay ngưỡng cửa nhìn vào, Hoàng hậu đang nằm nghiêng ngũ say, đầu của Thái tử LaHầuLa đang gối lên cánh tay nỏn nà của Hoàng Hậu.

Tâm Ngài chợt dấy lên niềm xúc cảm, Ngài suy nghĩ “nếu ta đở tay Hoàng Hậu, ẩm đứa con thân yêu, Hoàng hậu sẽ tỉnh giấc. Nếu Hoàng hậu thức giấc, ta khó đành lòng dứt áo ra đi, ý niệm xuất gia tìm phương án thoát ra già, bịnh, chết không thể nào thực hiện được.

Đành thôi, hỡi DaDuĐàLa thương yêu, hỡi hài tử trìu mến, ta không thể nhìn rõ mặt con; nàng và con hãy nán đợi ta, ta sẽ ra đi tìm đạo cứu khổ cho mẹ con nàng cùng muôn loại chúng sinh.

Khi ta tìm được con đường “vô sinh bất tử”, ta sẽ trở về thăm nàng cùng con trai thân yêu, ta sẽ mang về cho nàng cùng con trai “nguồn hạnh phúc vĩnh hằng”.

Hãy chờ đợi ta hỡi DaDuĐàLa thương mến, hãy chờ đợi ta hỡi hài tử LaHầuLa dấu yêu”.

Và Ngài cố gắng đè nén cơn xúc cảm đang dâng trào, lặng lẽ quay lưng, nhẹ êm lui gót, đi xuống thang lầu ra khỏi cung ngọc.

Người hầu SaNặc đã mang ngựa chúa KiềnTrắc đến sân lâu đài và đang đứng chờ lịnh. Hoàng cung yên lặng sau buổi tiệc hoan ca khi Thái tử LaHầuLa vừa chào đời, tất cả đều ngủ say, vầng trăng tròn lặng lẽ nhã những  sợi tơ vàng bao trùm một vùng không gian tỉnh lặng.

Đức Bồtát bước đến gần thần mã KiềnTrắc, đưa tay vuốt đầu thần mã, nói rằng:

– Này KiềnTrắc người bạn đồng sinh thân yêu của ta, hãy giúp ta lên đường, ta sẽ tìm phương thoát ra vòng sinh tử, để tế độ chúng sinh trong đó có ngươi. Hãy cố gắng lên, hỡi người bạn đồng sinh của ta.

Ngựa KiềnTrắc dài khoảng 18 hắc tay (= 9m) kể từ đầu đến đuôi. có chiều cao cân đối, rất khỏe mạnh và phi nhanh như đại bàng đang soãi cánh, lông ngựa màu trắng óng ánh như bạch kim, toàn thân cân đối hài hòa khả ái.

Khi ngựa hí không cần mở miệng, tiếng hí như phát ra từ cuống họng làm vang động khắp kinh thành, nên được đặt tên là Kaṇṭhaka (KiềnTrắc).

Bồtát ngồi giữa  lưng ngựa, SaNặc nắm chặt đuôi ngựa, KiềnTrắc phi nhanh ra khỏi Hoàng cung, bấy giờ là giữa canh hai của đêm trăng tròn tháng Āsāḷha([20]).

Khi ngựa phi ra khỏi Hoàng cung, chư thiên dùng tay đở lấy chân ngựa, để tiếng vó câu không phát ra, làm kinh động đến người trong Hoàng cung.

4- Ý nghĩ của Bồtát, SaNặc và ngựa KiềnTrắc.

Từ khi biết Thái tử SĩĐạtTa thấy được 3 hiện tượng già, bịnh, chết, vua Tịnh Phạn tăng cường phòng bị, ngăn cản không cho Bồtát ra đi xuất gia, bằng cách nào?

Đức vua cho kiến tạo cổng thành CaTỳLaVệ cao 9m (= 18 hắc tay), cửa kinh thành chỉ có thể xê dịch từ phải sang trái hay từ trái sang phải bằng sức mạnh của một ngàn quân canh.

Vua Tịnh Phạn suy nghĩ “Với sự củng cố vững chắc cửa kinh thành CaTỳLaVệ như thế này, Thái tử khó có thể đi ra khỏi kinh thành mà không có ai hay biết”.

Bồtát SĩĐạtTa có sức mạnh bằng 10 con voi chúa Chaddanta, Bồtát ngồi trên lưng ngựa suy nghĩ  “nếu cổng thành đã đóng, ta sẽ thoát ra kinh thành bằng chính sức mạnh của ta, ta sẽ nắm chặt SaNặc, kẹp chặt đùi vào hông ngựa, thúc ngựa phóng qua cổng thành”.

Vì sao Ngài không tự thân mở cổng thành? Vì e ngại làm kinh động đến đoàn quân đang canh giữ cổng thành.

Người hầu SaNặc suy nghĩ  “nếu cổng thành đóng, ta sẽ để Đại vương ngồi trên vai ta, tay phải ta ghì chặt cổ ngựa KiềnTrắc, thúc ngựa phóng qua cổng thành”.

(Qua đó cho thấy người hầu SaNặc là một kỵ sĩ kỳ tài, điều này cũng hợp lý vì “dưới trướng tướng giỏi thì không có quân hèn”, người giúp việc cho Bồtát trong việc điều phục ngựa, phải là bậc kỳ tài về thuật cưỡi ngựa. Lại nữa, chính SaNặc là người điều phục được ngựa chúa KiềnTrắc sau Đức Bồtát).

Ngựa KiềnTrắc suy nghĩ  “nếu cổng thành đóng, ta giữ vị chủ nhân ngồi yên trên lưng, ta sẽ tung hết sức lực để phóng qua cổng thành”.

Cả ba đều có chung tư tưởng là “phóng qua cổng thành” và mỗi phương án riêng của mỗi người hay ngựa KiềnTrắc đều có thể thực hiện thành công mà không cần phải mở cổng thành. Và cả ba đều tránh kinh động đến quân binh, để cuộc “đại thoát ly” không gặp nhiều trở ngại.

Nhưng chư thiên trong thành CaTỳLaVệ đã mở cổng thành tự bao giờ và cả ba thoát ra khỏi kinh thành CaTỳLaVệ như cơn lốc cuốn nhanh.

5- Ác ma Vasavatti ngăn cản.

Khi Bồtát thoát ra cổng thành CaTỳLaVệ không bao lâu, vị chúa cõi Tha Hóa Tự Tại (Paranimittavasavatti) là Vasavatti, biết được Bồtát ra đi xuất gia.

Chúa chư thiên Vasavatti suy nghĩ: “SĩĐạtTa muốn thoát khỏi sự thống trị của ta ư? Chắc chắn SĩĐạtTa sẽ thành công, Ta không thể cho SĩĐạtTa thoát khỏi vòng kềm tỏa của Ta, Ta phải ngăn cản SĩĐạtTa”.

Từ cung Trời Tha Hóa Tự Tại, chúa chư thiên Vasavatti xuất hiện ngay trước mặt Đức Bồtát nhanh như người lực sĩ co lại cánh tay đang duỗi ra hay duỗi thẳng cánh tay khi đang co lại.

Để ngăn cản Đức Bồtát xuất gia, vị Thiên ma suy nghĩ: “Hãy mang lợi đắc để cám dỗ SĩĐạtTa”. Chúa Vasavatti đứng trên hư không nói với Bồtát rằng:

“ Mā nikkhama mahāvīra, ito te sattame dine.

Dibbaṃ tu cakkaratanam, addhā pātu bhavissati([21]).

“Đừng ra đi hỡi đấng Đại hùng, kể từ hôm nay sau 7 ngày, xe báu sẽ xuất hiện cho Ngài”.

Và Chúa ma cám dỗ Bồtát rằng:

– Ngài sẽ trở thành vị vua Chuyển luân, Ngài sẽ thống trị cả 4 đại châu, mỗi đại châu có 500 tiểu đảo. Hỡi đấng Đại hùng, Ngài hãy quay trở về Hoàng cung đi.

Bồtát đưa mắt nhìn lên hư không trong khi thần mã KiềnTrắc vẫn phi vun vút, Ngài hỏi: “Người là ai?”

– Ta là chúa chư thiên Vasavatti.

– Hỡi này Māra (ác ma), ta biết rõ giá trị của xe báu, nhưng ta không cần uy quyền thống trị thiên hạ.

Hỡi này Māra, kẻ xấu xa kia, ngươi hãy đi đi, ngươi không thể ngăn cản ta xuất gia. Ta sẽ trở thành bậc Vô thượng Chánh giác, ta sẽ giúp thế gian thoát khỏi sự thống trị của quyền lực “sinh tử”.

Vị Chúa ma nghe Bồtát trả lời như thế, tức tối đe dọa rằng:

– Này SĩĐạtTa, hãy nhớ lấy lời ngươi đấy. Ta sẽ cho ngươi biết rõ ta là ai, khi ngươi khởi lên suy nghĩ “tìm kiếm các dục lạc”(kāmavitakka), suy nghĩ “tìm cách trả hận”(vyāpādavitakka), hay suy nghĩ “hại người”  (hiṃsavitakka). Ta sẽ luôn theo dõi ngươi đấy, này SĩĐạtTa.

Và Thiên tử Vasavatti biến mất, kể từ đó ông luôn theo dõi Bồtát suốt 7 năm, với ý định sẽ “giết ngay tại chỗ” khiBồ tát khởi lên “một trong ba ý nghĩ trên”.

Vó ngựa KiềnTrắc vẫn phi sãi trong đêm dài thanh vắng, một ý nghĩ khởi lên trong tâm Bồtát: “Ta hãy nhìn kinh thành CaTỳLaVệ  thân yêu lần cuối, trước khi ra đi xuất gia”.

Ngay khi ấy, chính nơi vừa khởi lên ý nghĩ này, chợt xoay tròn, như bánh xe của người thợ gốm, chư Thiên đã xoay “kinh thành CaTỳLaVệ” về phía trước cho Bồtát nhìn thấy, Ngài không cần phải xoay người hay quay ngựa trở lại.

Nơi ngựa KiềnTrắc dừng chân, sau này được xây dựng một bảo tháp “đánh dấu nơi dừng bước của Đấng Đại sĩ”, bảo tháp có tên gọi là “Kaṇḍaka Nivattana”.

Khi nhìn thấy “quê hương lần nữa” rồi, Bồtát tiếp tục lên đường như một dũng tướng xuất chinh ra chiến trận.

Chư thiên cùng Phạm thiêm rầm rộ tiển chân Ngài, có trăm ngàn vị thiên nhân dẫn đường với 60 ngàn ngọn đuốc chư thiên thắp sáng, bên phải, bên trái và phía sau Ngài cũng có số lượng chư thiên tương tự.

Chư thiên cúng dường Đấng Đại sĩ vô số thiên hoa cùng hương chiên đàn, các thiên thần âm nhạc tấu lên những khúc “oai hùng ca” bằng năm loại nhạc khí, để cúng dường “bậc dũng mãnh”.

Ngựa KiềnTrắc có thể đi vòng quanh trái đất vào sáng sớm rồi quay lại điểm ban đầu vào giữa trưa, nhưng vì hoa thiên, hương thơm … do chư thiên, Phạm thiên cúng dường dầy đặc đến tận bụng ngựa, nên ngựa KiềnTrắc giảm tốc độ.

Trong đêm ấy, ngựa KiềnTrắc vượt qua ba quốc độ là ThíchCa, Koliya và Malla, với quảng đường là 30 dotuần.

Vào rạng sáng Đấng Đại sĩ đến dòng sông Anomā.

Sông Anomā.

Phía Đông thành CaTỳLaVệ cách xa 30 do tuần là dòng sông Anomā, sông rộng 8 usabha (# 510 m), con sông chảy qua ba quốc độ là ThíchCa, Koliya  và Malla. Dọc bờ sông là rừng xoài Anupiya.

Từ sông Anomā đến thành Vương Xá là 30 dotuần.

Chữ anomā có nghĩa là “hoàn mỹ” hay “cao thượng”. Ngài Buddhaghosa (Phật Âm) có giải thích: “Sabbaguṇasamannāgatattā avekalla-nāmaṃ, paripūranāmaṃ:

Có được tất cả tuyệt diệu (guṇa), gọi là “hoàn mỹ”([22]).

Theo Ô. Cunningham: “Anomā và Aumi trong hiện tại chỉ là một”.

Ô. Cunningham cho rằng Anomā từ chữ Omā (nhỏ nhoi) của Pāli, để phân biệt với các con sông lớn khác trong vùng và ông cho rằng “sự nhầm lẫn này là do xuất phát từ câu trả lời của người hầu SaNặc”. Khi Bồtát hỏi:

– Này SaNặc, con sông này tên gì?

– Thưa Đại vương là sông Anomā (Hoàn mỹ).

– Lành thay, sự xuất gia của Ta cũng rất “hoàn mỹ” (anomā).

Nhưng lập luận của ông Cunningham không được chấp nhận, vì theo truyền thống được ghi nhận trong Sớ giải kinh Bổn sanh cùng các tư liệu khác thì “tên sông xem như điềm lành” dẫn đến thành tựu quả Chánh giác mà Bồtát SĩĐạtTa mong cầu.

Theo sách Lalitavistara (kinh Phổ Diệu) thì sông Anomā cách thành CaTỳLaVệ là 6 dotuần và Ô. Cunningham chấp nhận điều này.

Sách Mahāvastu (Đại sử) không nhắc đến con sông nào cả, chỉ nói đến thị trấn Anomiya cách thành CaTỳLaVệ 12 dotuần.

Ô. Thomas lại cho rằng “Anomā không nhất thiết phải có thật. Có thể nơi phía Đông thành CaTỳLaVệ, có một địa danh liên quan đến sự “xuất gia” của Thái tử SĩĐạtTa. Phải chăng đó là chỗ gần rừng xoài Anupiya trong vương quốc Malla, mà các tên Anomā, Anomiya, Anuvaniya, Anumaniyalà những biến thể trong các thổ ngữ”. Nhưng tênAnuvaineya và Maneya chỉ thấy trong Lalitavistara, nên lập luận của Ô. Thomas không thuyết phục.

Xe báu (cakkaratana).

Bảy báu vật của vua Chuyển luân, đó là: Xe báu (cakkaratana), voi báu (hatthiratana), ngựa báu (assaratana), ngọc báu (maṇiratana), nữ báu (itthiratana), cư sĩ báu (gahapatiratana),  tướng quân báu (pariṇāyakaratana)([23]).

Xe báu là một biểu tượng quan trọng nhất của vua Chuyển Luân, còn được gọi “xe báu cõi trời” (Thiên báu luân).

Khi vua Chuyển luân chưa xuất hiện trong thế gian, xe báu nằm yên dưới đáy biển luân vi (cakkadaha) hay dưới chân núi Vepulla([24]).

Khi vua Chuyển Luân hiện khởi trong thế gian, xe báu  từ đáy biển luân vi nổi lên rồi theo đường hư không đến vua Chuyển Luân. Vua Chuyển Luân tay trái cầm bình nước, tay phải rải nước lên xe báu, rồi nói “Này xe báu hãy lăn đi khắp nơi, này xe báu hãy đi chinh phục”.

Xe báu đưa vua Chuyển Luân cùng bốn binh chủng chinh phục 4 đại châu cùng 2.000 tiểu đảo, rồi trở lại kinh đô của vua Chuyển Luân, đứng yên trước cửa nội cung của vua Chuyển Luân, như một biểu tượng của Đức vua.

Bản Sớ giải kinh Đại Thiện kiến vương có mô tả xe báu như sau: Trục xe bằng ngọc bích, chiếu sáng như vầng trăng tròn, chung quanh trục bằng bạc, vành xe bằng ngọc San hô. Bánh xe có ngàn căm bằng ngọc, cách 10 căm xe có một nhánh san hô rỗng, gió thổi vào phát ra âm thanh như sự hòa âm của năm loại nhạc khí rất du dương.

Khi bánh xe quay, dường như có ba vòng cùng quay, hào quang phát ra sáng rực. Khi vua Chuyển luân sắp mệnh chung, xe báu dời khỏi vị trí cũ để báo tin,  khi vua Chuyển luân mệnh chung thì xe báu biến mất.

Nếu vị vua kế vị trị nước bằng pháp thì 7 ngày sau xe báu lại xuất hiện([25]).

 Ma vương (Māra).

Chữ māra([26]) theo kinh điển thường mang những ý nghĩa sau: “Ác xấu, cám dỗ, khuấy rối, trói buộc, tiêu diệt”, nói chung māra chỉ cho “những gì nghịch lại với đạo đức”. Mārathường dịch là “ác ma” hay ma vương”.

Phật giáo thường dùng chữ māra với ý nghĩa “kẻ phá hoại”hay “tử thần”.

Nói rộng hơn, māra chỉ cho “lãnh vực thống trị của tử thần” hay “ma giới” (māradheyya).

Và tham dục (kāmarāga) là vũ khí của ác ma, các dục lạc là “bẫy mồi của ác ma”. Như Đức Thế Tôn tuyên bố:

* Nivāpo ti kho bhikkhave pañcann’ etaṃ kāmaguṇānaṃ adhivacanaṃ:

“Này chư Tỳkhưu, miếng mồi đồng nghĩa với “năm dục tăng trưởng”.

Nevāpiko ti kho bhikkhave Mārass’ etaṃ pāpimato adhivacanaṃ:

“Này chư Tỳkhưu, người thợ săn bẫy mồi đồng nghĩa với ác ma, kẻ ác đôc (pāpimā”([27]).

Trong bài kinh Mātuputtika sutta có ghi nhận: Có hai mẹ con là Tỳkhưu ni và Tỳkhưu; cả hai an cư mùa mưa tại thành Sāvatthī (XáVệ).

Cả hai thường xuyên gặp nhau, nên rơi vào loạn luân.

D0 nhân đó Đức Phật dạy “nữ nhân là miếng mồi cùa ác ma”([28]) (đối với nam nhân); ngược lại “nam nhân là miếng mồi của ma đối với nữ nhân”.

Trong Mahāniddesa (Đại xiển minh) ở Tiểu bộ kinh (Khuddakanikāya) có ghi nhận: Māra có nhiều tên gọi khác là: Kaṇhā (ác xấu), adhipati (chủ nhân cao tột), Antaka (mệnh chung), Namuci (sự chết), và Pamattabandhu (thân quyến phóng dật).

Trong bản Sớ giải Trung bộ kinh, māra được xem là Pajāpati (Đấng tạo hoá)([29]).

Māra được gọi là Namuci (sự chết) vì không một chúng sinh nào thoát khỏi sự chết.

Trong bài kinh Đại Hội (Mahāsayanasuttaṃ)([30]), Namuci được xem là “nhóm Atula”, bản Sớ giải kinh này có giải thích: “Namuci chính là  Thiên tử ma (māradevaputta), vì nhóm chư thiên này có tính khí giống như Atula”, thiên tử Namuci là con của thiên hậu Sujātā.

Ngoài ra, māra còn có các danh hiệu là: Pāpima (kẻ tội lỗi, kẻ xấu xa, kẻ ác độc), anatthakāma (ô nhiễm dục lạc), ahitakāma (nguy hại dục lạc), ayogakkhemakāma (đắm nhiễm dục lạc), nhưng từ pāpima thường dùng hơn([31]).

Có 5 loại Māra là: Uẩn ma (khandhamāra), phiền não ma (kilesamāra), pháp hành ma (abhisaṅkhāramāra), tử thần ma (maccumāra) và thiên tử ma (devaputtamāra), như có Pāli;

Sabbāmittehi khandhakilesābhisaṅkhāramaccudevaputtasaṅkhāte sabbapaccatthike:

“Uẩn, phiền não, pháp hành, sự chết, chư thiên được xem như “tất cả không phải là bạn, tất cả là kẻ nghịch”([32]).

Hay:

Saṅkhepato vā pañcakilesakhandhābhisaṅkhāradevaputtamaccumāre abhañji, tasmā…bhagavā ti vuccati:

Hoặc tóm gọn có năm là phiền não, uẩn, pháp hành, thiên tử và tử thần cho dễ hiểu, như Đức Thế Tôn đã gọi …([33]).

*Uẩn được xem là “māra”, vì “uẩn” là luân hồi, đối nghịch với Nípbàn (nibbāna). Nípbàn là “cảnh giới không có danh-sắc”.

Hoặc uẩn (khandha) được xem là “māra” vì “mang tính tiêu diệt”.

Như Đức Phật đã trả lời Tôn giả Rādha, khi Tôn giả Rādha hỏi:

Māro māro’ ti bhante vuccati kittāvatā nu kho, bhante māro ti?

“Ác ma, ác ma, bạch Thế Tôn, như thế nào được gọi là ác ma?

Rūpe kho, Rādha, sati māro vā assa māretā vā yo vā pana mīyati.

“Này Rādha, hãy ghi nhận sắc là “tiêu hoại” (māra) hay “ kẻ giết người” (māretā), hay  “sự chết” (mīyati).

Vedanāya sati … saññāya sati … saṅkhāresu sati.

Hãy ghi nhận thọ … hãy ghi nhận tưởng …. Hãy ghi nhận hành…

Viññāṇe sati māro vā assa māretā vā yo vā pana mīyati.

Hãy ghi nhận thức là “tiêu hoại” (māra) hay “kẻ giết người” (māretā), hay “sự chết” (mīyati) ….([34])

Và: “Rūpaṃ kho, Rādha, māro, vedanāmāro, saññāmāra, saṅkhāramāro viññāṇaṃ māro:

“Này Rādha, sắc là ác ma, thọ là ác ma, tưởng là ác ma, hành là ác ma , thức là ác ma”([35]).

*Phiền não được xem là māra, vì mang tính “trói buộc” trong luân hồi.

Như: Mārenāti kilesamarena: Gọi là “māra”, đó là phiền não ma([36]).

“Phiền não ma” chủ yếu những “tham muốn” hay những “dục vọng”.

Như Phật ngôn:

“Subhānupassiṃ viharantaṃ; indriyesu asamvutaṃ.

Bhojanamhi amattañum; kusītaṃ hīnavīriyaṃ

Taṃ ve pasahati māro; vāro rukkham’va dubbalaṃ.

“Sống nghĩ đến tốt đẹp; không gìn giữ các quyền.

Ăn uống không độ lượng; lười nhác, nỗ lực kém.

Ma uy hiếp kẻ ấy; như gió thổi cây mềm”([37]).

Hoặc: “Vị Tỳkhưu hoan hỷ với sắc, sẽ đi đến trú xứ ma”([38]).

“Ai nắm giữ sắc … kẻ ấy  bị ma trói buộc”([39]).

*Pháp hành được xem là māra, vì còn nằm trong lãnh vực của ma giới (māradheyya).

Dầu là pháp bất thiện hay pháp thiện, tất cả đều dẫn vào cảnh giới tái sinh trong luân hồi, để rồi “bị tiêu hoại”, nên pháp hành được xem là māra.

Nên hiểu rằng “tuy trí tuệ nhất là trí quán trong Bát chánh đạo, cũng là pháp hành, nhưng lại là vũ khí chống lại ma quân”.

Yodetha māraṃ paññāyadhena:

“Gươm trí chống ác ma”([40]).

Vì chỉ có trí tuệ mới sát trừ được phiền não.

*Sự chết được xem là māra, vì mang tính “tiêu diệt”. Như có Pāli:

 Māradhammo ti maraṇadhammo: Ma pháp là “pháp chết”([41]) .

*Chư thiên là “māra”, là chỉ cho hạng chư thiên khuấy rối các bậc có giới hạnh hoặc bậc Thánh, ngăn chận người tầm cầu giải thoát hoặc cám dỗ chúng sinh rơi vòng sinh tử.

Trong Trung bộ kinh, bài kinh Hàng ma(Māratajjaniya sutta)([42]): Tiền thân Đức MụcKiềnLiên có lần là “ác ma Dūsi”,  “ác ma Dūsi” thường hay quấy nhiễu các bậc Thánh; ác ma Dūsi đã nhập vào đứa bé, ném đá vào đầu vị Thượng thủ thinh văn của Đức Phật Kakusandha là Vidhura, khi khuất tầm nhìn của Đức Thế Tôn Kakusandha, ác ma Dūsi bị rơi vào địa ngục.

Trong hiện tại, một ác ma khác là cháu của “ác ma Dūsi” (con của thiên nữ Kālā) đã quấy nhiểu Ngài MụcKiềnLiên.

Trong kinh điển, chư thiên ma thường chỉ cho Vasavatti, vị này ở cõi Tha Hoá Tự Tại (Paranimmitavasavati) là cõi trời cao nhất trong Dục giới.

Như Đức Phật dạy:

Māro adhipateyyānaṃ; iddhiyā yasasā jalaṃ:

“Māra là tối thượng; giữa những bậc uy quyền”(HT. TMC dịch)([43]).

Trong nhiều bài kinh thường nhắc nhở đến Māra (như kinh Chuyển Pháp luân…) là chỉ cho vị Chúa cõi dục này.

Vị này thường được gọi là Māra hay Vasavatti; Ngài Buddhaghosa (Phật Âm) giải thích:

Māro nāma vasavattī sabesaṃ upari vasaṃ vattati:

“Māra tên là Vasavatti vì kiểm soát, cai quản tất cả”([44]).

Và: “Attana visayaṃ atikkamituṃ paṭipanne satte māretī ti Māro:

“Tiêu diệt chúng sinh nào muốn thoát ra sự cai quản của mình, gọi là māra”([45]).

Vị này thường nhìn Đức Phật, Giáo pháp cũng như các vị Thánh với sự “khó chịu”.

Nhưng có phải “chúa cõi Tha Hóa Tự Tại là hiện thân của ác pháp không?”.

Theo Bản Sớ giải Jinālaṅkāra Ṭīkā thì: Māra ở đây không phải là “chúa Vasavatti hợp pháp”. Ở cõi Tha Hóa Tự Tại có vị chư thiên khác cũng có tên là Vasavatti cầm đầu một nhóm chư thiên khác, chống lại chúa chư thiên hợp pháp tại cõi Tha Hóa Tự tai, tương tự như Atula vương Vepacitti thường chống đối với vua trời Đế Thích.

Nhóm chư thiên của Māra là những “thiên thần hung hăng”, còn nhóm chư thiên của chúa cõi Tha Hóa Tự tại là những “thiên thần hiền thiện”.

Hâu thân của bà Thánh nữ Visākhā là Thiên hậu của vị chúa hiền thiện này.

Trong Bản Sớ giải Phật Tông cũng ghi nhận: “Một trong những vị Chánh giác tương lai là Vasavatti (ám chỉ vị chúa trời hiền thiện)”. Và “vị Bồtát Chánh giác được thọ ký không trở thành Māra”([46]).

6- Những lần gặp gỡ giữa Thiên tử Māra và Đức Phật.

Trước khi thành bậc Chánh giác, Bồtát SĩĐạtTa có 3 lần gặp Ma vương. Lần đầu tiên là khi Bồtát SĩĐạtTa ra khỏi Hoàng cung đi xuất gia như đã trình bày ở trên.

Lần thứ2 . Khi Bồtát thực hành khổ hạnh cực kỳ khốc liệt, đến nỗi Ngài kiệt sức ngã xỉu bên dòng sông Nerañjara (NiIiên), Ma vương được mô tả như người có “hảo  ý”, nóí lên lời bi mẫn (karuṇaṃ vācaṃ bhāsamāno):

Namuci karuṇaṃ vācaṃ; bhāsamāno upāgāmi:

“kiso tvamasi dubaṇṇo; santike maranaṃ tava,

“Namuci đến gần ta; nói lên lời bi mẫn:

‘Người gầy ốm tiều tụy; ngươi đang gần cái chết”.

Sahassabhāgo maraṇassa; ekaṃ so tavajīvitaṃ,

Jīva bho jīvitaṃ seyyo; jīvaṃ puññāni kāhasi”.

“Một ngàn lần trong chết; chỉ có một phần sống.

Hãy sống, sống tốt hơn; ngươi sống tạo phước báu”.

Bồtát nhận ra “người nói lên lời tốt đẹp này chính là Ma vương giả dạng”, Ngài liền khiển trách Ma vương:

Taṃ tathāvādinaṃ māraṃ; bhagavā etadabravi:

“Pamattabandhu pāpima; yenatthena idhāgato”.

“Biết đó là Ma vương; bậc Hữu phần đáp rằng:

Thân quyến ác, phóng dật; ngươi đến đây làm gì”([47]).

Lần 3. Vào đêm trăng tròn tháng Vesākha([48]), Ma vương kéo quân binh đến uy hiếp Đức Bồtát ở Bodhigāya (Bồđề đạo tràng), phần II của bài kinh Padhāna mô tả những đội quân của Ma vương và sự chiến thắng của Đức Bồtát.

Như vậy, lần đầu tiên Ma vương “cám dỗ Bồtát bằng uy quyền của vua Chuyển luân”, lần 2 “giả người có từ tâm, khuyến dụ Bồtát từ bỏ tinh tấn, tức là “đem cái chết” làm thối giảm tâm lực tinh tấn của Bồtát”, lần 3 là “uy hiếp bằng 10 đội quân ma cùng với thần lực của mình”.

Trong Tương ưng Kinh I, phẩm Tương ưng Ác ma (Mārasaṃyutta) có ghi lại những “quấy nhiễu” của Ma vương đối với Đức Thế Tôn, như:

Sau khi Bồtát thành Chánh giác, vào tuần lễ thứ 5, khi Ngài ngồi dưới cội cây Nigrodha Ajapāla (cây bàng của những người chăn dê) cạnh dòng sông Iiên (Nerañjarā), Ngài suy gẫm đến pháp giác ngộ và “biết rõ đã giải thoát”.

Ma vương biết được tư tưởng của Ngài, liền đi đến Đức Thế Tôn nói lên kệ ngôn để gieo nghi hoặc đến Đức Thế Tôn, vì Ma vương cho rằng Đức Phật chưa thật sự giải thoát:

“Tapokammā apakkamma; yena na sujjhanti mānavā.

Asuddho maññasi  suddho; suddhimaggā aparaddho.

“Không thực hành khổ hạnh; thanh niên không trong sạch.

Không trong sạch nghĩ (mình) trong sạch; đi ngược đường trong sạch”.

Đức Phật biết là Ma vương, nên Ngài trả lời:

Anatthasaṃhitaṃ ñatvā; yaṃ kiñci amaraṃ tapaṃ

Sabbaṃ natthāvahaṃ hoti; phiyārittaṃva dhammaṃ …

“Đã biết không có được; bất tử([49]) với (mọi) khổ hạnh.

Tất cả đều vô ích; pháp ấy lợi ích gì”….([50]).

Và Ma vương biến mất. Cũng trong tuần lễ thứ năm này, Ma vương lại “hù doạ” Đức Phật bằng nhiều hình thức.

Khi Đức Thế Tôn đang ngồi ngoài trời trong đêm tối, khi ấy mưa rơi lất phất từng hạt một, để làm kinh sợ đến Đức Thế Tôn, Ma vương hoá ra con voi chúa to lớn đi đến gần Đức Phật, Ngài biết đó là Ma vương, nên nói kệ ngôn:

Saṃsaraṃ dīghamaddhānaṃ; vaṇṇa katvā subhāsubhaṃ.

Alaṃ te tena pāpima; nihato tvamasi antakāti.

“Chấp ta([51]), luân hồi dài; hình thức đẹp, không đẹp.

Vì móng vuốt ác ma; ngươi đã thất bại.([52]).

Ma vương biến mất, rồi lại  hiện hình “ma quái” để  “gây sơ hãi”đến Đức Thế Tôn, nhưng lại thất bại (sđd).

Ma vương lại đi đến Đức Thế Tôn hỏi:

Sokāvatiṇṇo nu vanamhi jhāyasi; vittaṃ nu jino uda patthayāno.

“Có phải vì nặng sầu, hay khát vọng tài sản tốt;

ngươi thiền tịnh trong rừng.

Āguṃ nu gāmasmimakāsi kiñci; kasmā janena na karosi sakkhiṃ:

Hay ngươi đã phạm vài tội lỗi trong  làng, sao ngươi không gặp người khác

Sakkhī na sampajjati kenaci te’ti?

Ngươi không thân thiết với người?

Đức Thế Tôn biết đó là Ma vương giả dạng, nên trả lời rằng:

Sokassa mūlaṃ palikhāya sabbaṃ;

Anāgu jhāyāmi asocamāno,

Chetvāna sabbaṃ bhavalobhajappaṃ,

Anāsavo jhāyāmi pamattabandhūti.

“Tất cả rễ sầu cùng trái, đã diệt tận([53]).

Ý vô tội, vô phiền, ta thiền tịnh.

Tất cả tham, hữu ái đã cắt đứt

Vô nhiễm ta thiền tịnh, này thân tộc của phóng dật”.

Nghe vậy, Ma vương liền thỉnh Đức Thế Tôn viên tịch:

Sace maggaṃ anubandhaṃ; khemaṃ amatagāmino,

Nếu kết hợp con đường, dẫn đến bất tử an toàn,

Apehi gaccha tvameveko, kimaññamanussāsatsi’ti.

Ngài hãy đi một mình, đừng hướng dẫn người khác.

Đức Thế Tôn trả lời:

Amaccudheyyaṃ pucchanti, ye janā pāragāmino.

Ai hỏi bất tử giới, người đi đến bờ kia.

Tesāhaṃ puṭṭho akkhāmi, yaṃ saccaṃ taṃ nirūpadhin’ti:

Ta trả lời người ấy, đây sự thật vô phiền.

Nghe Đức Phật khước từ lời thỉnh cầu của mình, Ma vương thất vọng, biến mất tại chỗ ấy ([54]).

Mùa an cư đầu tiên của Đức Phật tại “rừng nai” (Migādāya), trong  xứ Bārāṇasī (BaLaNại), Ma vương lại đến gặp Đức Phật, khuyên Ngài đừng giảng pháp, vì  “còn giảng pháp thì chính Ngài còn bị trói buộc bởi người nghe pháp, bởi âm thanh giảng pháp”. Và Đức Phật đã trả lời:

“Sắc đẹp, thinh, hương thơm; vị nếm và cảm xúc.

Tuyệt diệt ở chốn này;  Ta không còn mong mõi.

Ngươi đã bị bại rồi; hỡi kẻ gây tử vong”([55]).

Nghĩa là Đức Thế Tôn dù có giảng pháp hay không giảng pháp, Ngài hoàn toàn đã “thoát ra” năm dục lạc.

Khi mãn mùa an cư thứ nhất, Đức Phật dạy 60 vị Thánh ALaHán hãy đi giảng pháp đến chúng sinh, hãy vì hạnh phúc của chúng sinh, hãy vì an lạc của chúng sinh, chớ đi 2 người một chỗ.

Ma vương đi đến Đức Phật ngăn cản, cho rằng Đức Phật còn bị trói buộc và rơi vào bẩy của Ma vương:

Ngươi còn bị trói buộc; trong bẫy sập của ma.

Bởi những dây dục lạc; cả Thiên giới nhân giới.

Ngươi đang bị cột chặt, trong triền phược của ma.

Này kẻ Samôn kia, ngươi chưa thoát khỏi ta.

Ý của Ma vương không muốn Đức Thế Tôn cho môn đồ đi giảng pháp bất tử, Ma vương giăng bẫy: Bảo “Đức Thế Tôn còn bị trói buộc, nếu Ngài còn đi giảng pháp đến chúng sinh”, để Đức Thế Tôn e ngạibị chê trách, “Ngài sẽ không giảng pháp, để chứng tỏ không bị trói buộc bởi chúng sinh”.

Nhưng Đức Thế Tôn biết rõ “đây là bẫy của Ma vương”, nên Ngài trả lời:

“Ta đã được giải thoát, khỏi bẫy sập của Ma.

Thoát khỏi dây dục lạc, cả thiên giới nhân giới

Ta đã được giải thoát, khỏi triền phược của ma.

Hỡi kẻ tử ma kia, người đã bị bại trận([56]).

Nghĩa là Đức Thế Tôn bảo “này Ma vương, Ta đã biết bẫy của ngươi, Ta vẫn cho các môn đệ đi giảng pháp”.

*Khi Đức Thế Tôn ở trong thành Vương Xá, nơi “rừng Trúc” (Veḷuvana); Ma vương hoá ra con mãng xà vương to lớn đi đến đe dọa Đức Thế Tôn([57]). Cũng tại nơi này, khi Đức Thế Tôn nằm nghĩ, Ma vương đi đến “chế giễu” Ngài “còn ngủ”, tức là Ma vương cho rằng “Đức Thế Tôn còn phiền não hôn trầm”.

Đức Phật đáp rằng:

“Này Ác ma, bậc giác ngộ mọi sinh y đoạn tận.

Vị ấy nếu có ngủ; nhà ngươi làm được gì” (HT. TMC dịch)([58]).

*Khi Đức Thế Tôn ở trên núi Gijjhakūta (Linh Thứu), Ngài thiền tịnh giữa trời trong bóng đêm, Ma vương muốn làm cho Ngài kinh sợ, đã lăn đá rơi xuống gần Ngài không xa. Đức Phật biết là Ma vương nên nói kệ ngôn:

“Dầu ngươi làm chấn động; toàn bộ núi Linh Thứu.

Cũng không làm rung động; bậc giác ngộ giải thoát” (HT. TMC dịch)([59]).

Cũng tại núi Linh Thứu, Tôn giả Devadatta muốn sát hại Đức Thế Tôn, lăn một tảng đá lớn từ trên cao rơi xuống nơi Đức Phật đang đi kinh hành trong đêm vắng, một miếng đá văng trúng chân Đức Phật, Ngài cảm thọ khổ khốc liệt. Chư Tỳkhưu đưa Đức Thế Tôn đến vườn Maddakucchi tạm nghĩ, rồi sau đó Đức Thế Tôn được đưa đến vườn xoài của lương y Jīvaka để chữa trị.

Bấy giờ, khi đêm gần tàn Ngài nằm mệt mỏi vì vết thương rất nặng, nhưng Đức Thế Tôn luôn  giữ “niệm tỉnh giác”, nhẫn nại, không phiền não.

Có quần tiên gồm 700 vị (Satullapa) tán thán Ngài có đức nhẫn nại cao tột([60]), Ma vương ganh tỵ đi đến  chế giễu Đức Thế Tôn:

“Sao ngươi uể oải nằm; hay tìm thơ tìm vận …..

Với gương mặt ngái ngủ; sao ngươi ngủ như vậy”.

Đức Thế Tôn biết là Ma vương, nên Ngài trả lời:

“Ta không uể oải nằm; không tìm thơ tìm vận.

Mục đích ta đã đạt; đâu có sầu muộn gì?”…([61]) (HT. TMC dịch).

Vườn Maddakucchi.

Là vườn nai ở dưới chân núi Linh Thứu (Gijjhakūṭa), gần thành Vương Xá (Rājagaha), nơi đây nai và các loài thú được bảo vệ.

Vườn này có tên là Maddakucchi khi Hoàng hậu Videhī của vua Bimbisāra (BìnhSa) đến đây để trục xuất thai bào đang mang (là thái tử AXàThế sau này).

Vườn Maddakucchi rất khó đi, các vị Tỳkhưu phương xa đi đến núi Linh Thứu (Gijjhakūta) vào ban đêm, để chứng kiến năng lực thần thông “hỏa giới” của Ngài Dabbamallaputta, thường yêu cầu Ngài Dabbamallaputta sắp xếp chỗ ngụ cho mình ở vườn nai Maddakucchi. Ngài Dabbamallaputta nhập vào “hỏa giới”, từ nơi ngón tay trỏ của Ngài phát ra ánh sáng như đang cầm bó đuốc và Ngài Dabba soi đường cho chư Tỳkhưu đến chỗ ngụ là vườn nai Maddakucchi.

*Khi Đức Thế Tôn trú trong một thảo am trong xứ Kosala, dưới chân núi Tuyết (Himalaya). Tương truyền, vào thời ấy các vị vua thường cai trị dân rất khắc nghiệt, Đức Thế Tôn trong khi độc cư thiền tịnh, Ngài quán thấy các người dân bị hình phạt nặng nề do các vị vua bất minh.

Ngài an trú trong tâm Bi, rằng: “Ta là một vị vua anh minh, không uy hiếp hay áp chế kẻ khác, không làm hại người khác, không tranh thắng bại”.

Ma vương biết được ý nghĩ của Đức Thế Tôn, nghĩ rằng: “Hiện nay Samôn Gotama muốn làm vị minh quân. Ta hãy đến cám dỗ Samôn Gotama quay về đời sống thế tục”.

Rồi Ma vương đi đến bạch với Đức Thế Tôn rằng:

– Thưa Ngài, xin Ngài hãy cai trị quốc độ, Ngài hãy trở thành vị minh quân”.

– Này Ác Ma, ngươi thấy như thế nào về Như Lai mà nói như thế?

– Ngài đã thành tựu “bốn pháp như ý” (catuttha iddhipādā)([62]), Ngài hóa núi HyMãLạpSơn thành vàng và tôi sẽ phục vụ Ngài, Ngài sẽ trở thành vị minh quân.

Đức Thế Tôn dạy:

Pabbatassa suvaṇṇassa, jātarūpassa kevato.

Núi trở thành vàng, sinh từ vàng nguyên vẹn.

Dvittāva nālamekassa, iti vidvā samañcare.

Dù tăng gấp hai lần; cũng chưa thỏa mãn người.

“Yo dukkhamaddakkhi yatonidānaṃ

Ai nhận thức đau khổ, nguyên nhân sinh ra khổ.

Kāmesu sojantu kathaṃ nameyya

Người ấy không hướng đến dục

Upadhiṃ viditvā saṅgotiloke.

Thoát ràng buộc ở đời.

Tasseva jantu vinayāya sikkhe’ti.

Hãy học tập như thế, thoát ra khỏi buộc ràng.

Nghe vậy, Ma vương biến mất([63]).

*Có lần Đức Phật đi khất thực trong làng Bàlamôn Pañcasālā vào ngày lễ hội của dân làng, vì Ngài nhận thấy duyên lành của 500 thiếu nữ trong làng.

Khi Đức Thế Tôn đi vào làng, 500 cô thiếu nữ ra bờ sông tắm, rồi trang điểm xinh đẹp để dự lễ hội.

Ma vương nhập vào dân làng, không ai cúng dường đến Ngài. Khi ngài ngự ra khỏi làng với bát trống không, Ma vương đến hỏi:

– Ngài có được vật thực chi không?

– Này Ác ma, Như Lai không nhận được vật thực. Đây là việc làm của ngươi.

Ma vương cung thỉnh Đức Thế Tôn ngự trở vô làng lần nữa, nhưng Đức Phật từ chối vì biết Ma vương sẽ nhập vào dân làng chế giễu Ngài.

Bấy giờ 500 cô gái tắm xong, trờ về làng, thấy Đức Thế Tôn đang đứng tại cỗng làng, các cô đến đảnh lễ Ngài, rồi đứng sang nột bên.

Ma vương hỏi:

– Bạch Thế Tôn, Ngài không có được vật thực, chắc hẵn Ngài đói lắm?

Đức Phật đáp:

Susukhaṃ vata jīvāma; yesaṃ no natthi kiñcanaṃ.

Pītibhakkhā bhavissāma; devā ābhassarā yathā:

“Vui thay ta hãy sống; không quyến luyến buộc ràng.

“Ta hưởng được hỷ lạc (pīti); như chư thiên Quang Âm (Ābhassara)([64]).

Và 500 thiếu nữ chứng quả Dự lưu khi nghe dứt kệ ngôn ấy.

* Lần cuối cùng Ma vương gặp Đức Phật vào ngày trăng tròn tháng Megha([65]), khi Ngài đang trú ở đền Cāpāla, lúc ấy Đức Thế Tôn được 80 tuổi thọ, Ma vương lại đến thỉnh Đức Thế Tôn viên tịch, và Đức Phật “nhận lời”([66]).

Ma vương quấy nhiễu Pháp.

Có lần Ma vương nhập vào thiên tử Vetambarī, tán thán pháp khổ hạnh trước Đức Thế Tôn([67]).

Một lần khác, khi Đức Thế Tôn đang giảng pháp tại ngôi làng của Bàlamôn Ekasālā, trong xứ Kosala (KiềuTấtLa). Ma vương hoá ra thân người đi đến quấy nhiễu hội chúng, để hội chúng không tập trung tâm để nghe Pháp, bằng cách chỉ trích Đức Phật là “hội chúng có thuận, có nghịch, Ngài đừng có chìm giữa thuận, nghịch”. Đức Thế Tôn trả lời:

“Với tâm bi mẫn, Đấng Như Lai dạy chân pháp đến người có khả năng giác ngộ”([68]).

*Khi Đức Thế Tôn giảng về “tuổi thọ ngắn ngủi của chúng sinh”, Ma vương đi đến khuyấy động, khuyến dụ thính chúng nên hưởng thụ, vì đời còn dài([69]).

*Có lần Đức Thế Tôn đang giảng pháp cho chư Tỳkhưu, Ma vương hoá thành con bò đi đến đập phá bát của chư Tỳkhưu để chư Tỳkhưu rơi vào thất niệm.

Đức Phật khuyến cáo chư Tỳkhưu “đó là Ma vương giả dạng”([70]).

*Khi Đức Phật giảng thuyết về Nípbàn đến chư Tỳkhưu, Ma vương giả ra người nông dân đi tìm bò, đến khuấy động hội chúng, hỏi “có ai thấy con bò của ông không?”.

Mục đích của Ma vương là “mang việc thế sự vào không khí giải thoát, để làm lu mờ trí quán của chư Tỳkhưu”([71]).

*Một lần khác, tại làng Sīlavatī, các vị Tỳkhưu dòng ThíchCa đang ngồi thiền cách Đức Thế Tôn không xa. Ma vương hoá thành một Bàlamôn già yếu, hơi thở hổn hển, đi đến các vị Samôn, dụ dỗ “hãy thụ hưởng dục lạc, chớ hoang phí thời gian”. Và các vị Tỳkhưu đã trả lời “chúng tôi không chạy theo dục lạc, vì dục lạc bị thời gian chi phối”.

Rồi Ma vương gục đầu le lưỡi, trên trán hiện ra ba lằn nhăn, chống gậy bỏ đi([72]).

*Khi Đức Thế Tôn ngụ tại Jetavanavihāra (Kỳviên tịnh xá), Ma vương giả dạng “người cầu pháp”, đi đến yết kiến Đức Thế Tôn bạch hỏi rằng:

– Bạch Thế Tôn, Ngài thường nói đến “bờ kia” (parā). Thế nào là bờ kia?

Đức Thế Tôn biết “là Ma vương”, Ngài đáp:

– Này Ma vương, bờ này hay bờ kia có lợi ích gì cho ngươi ([73]).

*Trong Trường bộ kinh có ghi nhận: Khi Đức Thế Tôn ngự tại CaTỳLaVệ, nơi “Rừng lớn “ (mahāvana) cùng với 500 Tỳkhưu ALaHán dòng ThíchCa.

Chư thiên, Phạm thiên trong 10 ngàn thế giới vân tập đến “Rừng lớn” đảnh lễ Đức Thế Tôn cùng 500 vị Thánh ALaHán vào đêm trăng tròn tháng Jeṭṭhamāsa([74])

Ma vương cùng đoàn quân ma của mình cũng đến dự với mục đích làm kinh động Đại hội với những tiếng la hét như sấm động, chúng hóa ra mưa giông to lớn, sấm sét vang rền …

Nhưng với Phật lực, tất cả đều trở nên vô hiệu. Mavương cùng đoàn quân ma tức tối thối lui, đầy phẫn nộ. Đức Phật chỉ ra “đó là Ma vương và hội chúng ma đế phá đại hội”. Và Ma vương cùng đoàn quân Ma biến mất khỏi Đại hội.

Ngài Buddhaghosa (Phật Âm) giải thích “bốn câu kệ cuối cùng trong bài kinh Đại hội, là lời Ma vương tán thán Đức Phật cùng chư Tỳkhưu”([75]).

* Sau khi Đức Phật viên tịch, Ma vương vẫn còn tìm cách cản ngăn hàng Phật tử kiến tạo công đức trong Giáo pháp của Đức Phật.

Theo sách Mahāvaṃsa (Đại sử), khi Giáo pháp được Ngài Mahinda truyền sang nước Sirilanka (Tích Lan).

Vào thời vua Dutthagāmani (hay vattagamani) (101 – 77 tTL; có tài liệu khác ghi là 88 – 46 tTl), đức vua là người đại phước và có tâm tín thành nơi Tam Bảo.

Một vị đại thần của vua Dutthagāmani là người bảo trợ cho cuộc kết tập kinh điển lần thứ II ở Tích Lan([76]).

Cuộc kết tập Phật ngôn này được tiến hành ở hang Aloka trong làng Matale ở Tích Lan, nên có tên gọi “cuộc kết tập kinh điển Alokavihāra  hay Alu-vihāra và kinh điển cùng Sớ giải (Atthakathā) được ghi chép trên lá buôn.

Cũng trong khoảng thời gian này, tại Ấn Độ vua Kanishka II bảo trợ cho cuộc kết tập kinh điển, tuy không có hệ phái Theravāda tham dự, nhưng thế giới công nhận “đây là cuộc kết tập Phât ngôn lần thứ IV”.

Riêng vua Dutthagāmani muốn xây dựng một “Đại bảo tháp” (Mahā Thūpa) ngay tại kinh thành Anurādhapura để tôn thờ Xálợi Phật.

Đại trưởng lão Indagutta là bậc ALaHán lục thông, Ngài thấy được công trình này rất đặc biệt, nhằm tôn vinh ân đức Tam Bảo và Ma vương sẽ ngăn cản.

Ngài từ  thành Vương Xá cùng với 80 ngàn vị Tỳkhưu đi đến Tích Lan, tham dự lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng Mahā Thūpa.

Sau đó, Ngài đến yết kiến vua Dutthagāmini, Vua Dutthagāmani tham khảo mọi chi tiết về “Đại bảo tháp” (Mahā Thūpa), đức vua rất hài lòng với cách thức xây dựng “Đại bảo tháp” do Đức Indagutta trình bày, nên cung thỉnh Ngài là “người giám sát công trình “ (kammādhitthāvaka) ngay từ ban đầu.

Khi tôn trí Xálợi Phật vào ngày lễ Lạc thành “Đại bảo tháp”, Ma vương nhìn thấy chư thiên tụ hội khắp nơi tụ hội đến Mahā Thūpa, nên kéo đoàn binh ma đến quậy phá. Biết được ý định của Ma vương, Ngài Indagutta hóa ra chiếc lọng lớn có thể bao trùm vũ trụ, che chắn cho tất cả nhân thiên đang dự lễ, ngăn chận Ma vương cùng đoàn quân ma không có đường vào nơi đang diễn ra lễ “lạc thành Mahā Thūpa”. Ngài ngồi cạnh Đức vua Dutthagāmani suốt buổi lễ “lạc thành” ấy.

Ngoài ra, nhờ thần lực của Ngài, bất cứ người dân Tích Lan nào muốn đến Mahā Thūpa để chiêm bái Xálợi Phật, sẽ đến được nơi ấy sau khi dứt lời nguyện, và sẽ trở về nhà cùng ngày cũng được như ý sau khi dứt lời nguyện.

Ma vương với hội chúng của Đức Phật.

Cũng tại làng Sīlavatī, thuộc xứ Sakkā; Tôn giả Samiddhi đang ngồi thiền, Ma vương đã quấy nhiễu Tôn giả Samiddhi bằng cách hét to, khiến người ta nghĩ “như trái đất vỡ tung”, để Tôn giả Samiddhi bỏ thiền.

Tôn giả Samiddhi đi đến trình bày sự việc đến Đức Thế Tôn, Đức Thế Tôn dạy: “Không phải trái đất vỡ tung, mà do Ma vương muốn làm mờ mắt con. Này Samiddhi hãy đến tại nơi ấy tu tập”.

Tôn giả Samiddhi vâng lời Đức Thế Tôn, trở về nơi cũ nỗ lực tu tập thiền tịnh, Ma vương lại quấy nhiễu lần thứ 2 như trước; nhưng lần này, Tôn giả Samiddhi biết là “Ma vương quấy nhiễu”, Ngài không còn kinh sợ như trước. Ngài vẫn chú tâm vào thiền tịnh và chứng quả ALaHán([77]).

*Khi Tôn giả Godhika đang ngụ ở  sườn “núi Đạo sĩ” (Isigili), tại “tảng đá đen” (Kāḷasilā), Ngài lâm trọng bịnh đến nỗi không chịu đựng nỗi, Ma vương tác động đến tâm lý Ngài Godhika, khiến Ngài có ý nghĩ tự vẫn.

Rồi Ma vương đi đến Đức Thế Tôn thông báo cho Đức Thế Tôn biết ý nghĩ của Tôn giả Godhika để châm biếm Đức Thế Tôn.

Đức Thế Tôn trả lời “Godhika sẽ viên tịch”.

Khi Tôn giả Godhika mệnh chung, Ma vương hóa ra lằn khói đen đi bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc, hướng trên cùng hướng dưới để tìm thức tái sinh (paṭisandhiviññāṇa) của Tôn giả Godhika, nhưng không thấy.

Rồi Ma vương hóa ra đứa bé, tay cầm đàn “7 dây” (thất huyền) màu vàng, đi đến Đức Thế Tôn hỏi:

Uddhaṃ adho ca tiriyaṃ, disā anudisā svahaṃ.

Anvesaṃ  nādhigacchāmi, godhika so kuhiṃ gato’ti:

“Trên dưới và ngang bằng; hướng chính cùng hướng phụ.

Ta tìm khắp, không thấy; Godhika đi đâu?

Đức Thế Tôn đáp “…. Godhika parinibbuto’ti : Godhika đã viên tịch([78]).

*Khi Đức LaHầuLa thành tựu quả vị ALaHán, tuy thọ giới Tỳkhưu rồi, nhưng chưa có hạ lạp nào cả.

Một hôm có nhiều vị Tỳkhưu trưởng lão từ phương xa về yết kiến Đức Thế Tôn, Đức LaHầuLa phải nhường liêu thất của mình cho chư Tăng khách. Ngài đi đến nằm trước hương thất của Đức Phật.

Ma vương Vasavatti thấy Đức LaHầuLa nằm trước Hương thất của Đức Thế Tôn, suy nghĩ: “Đây là con của Samôn Gotama, nếu ta làm cho con của Samôn Gotama kinh hoàng, tức là ta đã khiến cho Samôn Gotama kinh hoàng”.

Ma vương hóa ra voi chúa hung tợn, đi đến trước Hương thất của Đức Phật, dùng vòi quấn vào đầu Trưởng lão LaHầuLa, rống lên những tiếng rống ghê rợn.

Đức Thế Tôn trong hương thất nói rằng:

– Này Ma vương, cho dù có cả trăm ngàn người như  ngươi, cũng không làm cho con Như Lai kinh sợ được. Vì con Như Lai đã diệt trừ mọi ái dục, trở thành bậc vô nhiễm rồi([79]).

*Ma vương còn giả dạng dưới nhiều hình thức khác, để cám dỗ các vị Thánh nữ ni như: Āḷavikā, Kisāgotamī, Somā, Vijayā, Uppalavaṇṇā, Cālā, Upacālā, Sisucālā, Selā, Vajirā và Khemā hoàn tục để thọ hưởng dục lạc ([80]).

*Đối với hàng tại gia cư sĩ, Ma vương cũng cám dỗ họ rơi vào các dục như  vợ chồng gia chủ Dhaniya người chăn bò, gia chủ Sūra Ambaṭṭha.

Người chăn bò Dhaniya.

Dhaniya là một trưởng giả ở làng Dhammakoṇḍa cạnh dòng sông Mahī, thuộc thành phố lớn Pabbataraṭṭha của xứ Vedehi.

Ông có đàn bò gồm 30 ngàn bò đực và 20 ngàn bò cái, nên được gọi là “người chăn bò”. Trưởng giả Dhaniya có được 7 người con trai và 7 người con gái.

Vào mùa khô, ông cho nuôi dưỡng bò trên “cù lao” lớn giữa hai nhánh sông Mahī, khi mùa mưa đến ông vào trong đất liền cùng với đàn bò, vì nước dâng cao và lũ lụt.

Vào một hôm, sau khi chuẩn bị xong xuôi mọi công việc cho mùa mưa sắp đến, tiếp theo ông Dhaniya tổ chức lễ “cầu mưa”.

Khi mọi việc được chuẩn bị cho “lễ cầu mưa” hoàn tất, vào hừng sáng, ông cùng với gia đình lên lầu 7, làm lễ “cầu mưa”,  với tâm hân hoan ông đọc lên những câu kệ “cầu mưa”.

Cũng vào lúc ấy, hình ảnh của vợ chồng “người chăn bò Dhaniya” lọt vào võng trí của Đức Thế Tôn.

Từ kinh thành Sāvattīi (XáVệ) cách xa Dhamamkoṇḍa 700 dotuần, Đức Thế Tôn xuất hiện trước nhà Dhaniya, trên hư không.

Mỗi lần ông Dhaniya dứt một kệ ngôn, Đức Phật đọc lên tiếp nối một kệ ngôn.

Gia đình Dhaniya hoan hỷ, cho rằng “thần mưa” đã hoan hỷ nói lên kệ ngôn và ông bà cùng hai vô gái lớn đưa tâm quán xét lời dạy của Đức Phật.

Sau khi các kệ ngôn chấm dứt, vợ chồng “người chăn bò Dhaniya” cùng hai cô con gái chứng quả Dự Lưu và mưa lớn rơi xuống.

Bấy giờ Đức Phật hiện thân đứng giữa hư không, quanh mình không giọt mưa. Ông Dhaniya cùng gia đình đảnh lễ Đức Thế Tôn và hỏi:

– Bạch Ngài, Ngài là gì?

Đức Phật đáp: “Như Lai là Bậc Giác ngộ”.

Hai vợ chồng Dhaniya hoan hỷ, xin được xuất gia trong Giáo pháp của Đức Thế Tôn. Ma vương xuất hiện cản trở sự xuất gia của vợ chồng Dhaniya rằng:

“Ai có các con trai; hoan hỷ với con trai.

Đây là lời Ác ma; đã nói lên như vậy.

Người chủ các con bò, hoan hỷ với con bò.

Con người thời hoan hỷ, đối với sự sanh y([81]).

Ai không có sanh y; không thể có hoan hỷ”.

Đức Thế Tôn đáp rằng:

Ai có các con trai, sầu muộn với con trai.

Bậc Thế Tôn, Chánh giác; đã nói lên như vậy.

Người chủ các con bò; sầu muộn với con bò.

Sầu muộn của con người; chính do sự sanh y.

Ai không có sanh y; không thể có sầu muộn” (HT TMC dịch).

Và Ma vương biến mất. Hai vợ chồng Dhaniya xuất gia trong Giáo pháp này, chẳng bao lâu nhờ nỗ lực tinh cần cả hai đều chứng quả ALaHán([82]).

Gia chủ Sūra Ambaṭṭha.

Là một trưởng giả trong thành Sāvatthi (XáVệ), trước khi quy ngưỡng Đức Phật Ngài là môn đệ của một trong 6 Giáo chủ dị giáo.

Khi nhận thấy duyên lành của trưởng giả Surā Ambaṭṭha đã đến, Đức Thế Tôn ngự đi khất thực trước nhà của Sūra Ambaṭṭha.

Nhìn thấy Đức Phật ông phát sinh tâm tịnh tín, cung thỉnh Đức Thế Tôn ngự vào nhà, rồi tự thân ông cúng dường vật thực đến Đức Thế Tôn.

Sau khi thọ thực xong, Đức Thế Tôn thuyết lên pháp thoại tùy hỷ phước.

Dứt thời pháp thoại gia chủ Sūra Ambaṭṭha chứng quả Dự lưu.

Khi Đức Phật ra về, không bao lâu Ma vương hoá thân giống như Đức Phật, đến nói rằng:

– Này gia chủ khi nảy Ta giảng pháp có nhầm lẫn chút ít là: “Các Pháp hữu vi, có khi thường, có khi vô thường”.

Gia chủ Sūra Ambaṭṭā suy  nghĩ “theo như ta nhận biết “các pháp hữu vi là vô thường”. Trước Đức Thế Tôn như thế, vì sao Ngài lại nói khác? Hẵn đây là Ma vương giả dạng”.

Gia chủ Sūra Ambaṭṭha nói: “Tôi nhận thấy các pháp hữu vi là vô thường. Chính Đức Thế Tôn cũng thuyết giảng như vậy. Ông không phải là Đức Thế Tôn, hẵn là Ma vương giả dạng”.

Ma vương thấy mình bị nhận diện, nên biến mất tại chỗ ấy.

Do nhân đó, Đức Thế Tôn ban cho gia chủ Sūra Ambaṭṭha là “tối thắng trong các cận sự nam về “niềm tin tịnh tín bất động” (aggaṃ aveccappasannānaṃ)([83]).

Tương truyền, cách hiền kiếp này 100 ngàn kiếp trái đất trước đây, dưới thời Đức Phật Padumuttara (Liên Hoa), ông là một gia chủ, được nghe Đức Thế Tôn Padumuttara ban cho một nam cư sĩ địa vị “tối thắng trong hàng nam cư sĩ về “niềm tin bất động”. Gia chủ này đã cúng dường đến Đức Thế Tôn Padumuttara cùng với Tăng chúng trọn 7 ngày.

Vào ngày thứ 7, ông phát nguyện được địa vị “đệ nhất niềm tin bất động trong hàng nam cận sự trong Giáo pháp Đức Chánh Giác vị lai”. Đức Phật Padumuttara “tiên tri” : “Ước nguyện của gia chủ này sẽ trở thành hiện thực trong thời Giáo pháp của Đức Phật Chánh giác có hồng danh là Gotama”.

7- Bồtát trở thành vị Samôn.

Rạng sáng ngựa KiềnTrắc đưa Bồtát cùng SaNặc đến bờ sông Anomā, Bồtát dừng ngựa lại và hỏi SaNặc:

Kā nāmāyaṃ nadī’ti?: Này con, sông này mang gì?

Anomā nāma deva’ti: Thưa Đại vương, là sông Anomā.

– Lành thay, lành thay đây là điềm lành. Sự xuất gia của ta là “cao thượng” (anomā), “không thấp hèn”.

Đấng Đại sĩ thúc nhẹ gót chân vào thân thần mã KiềnTrắc, ra hiệu “vượt sông”, nhanh như tia chớp, thần mã phóng lên không trung vượt qua dòng sông Anomā rộng 8 usabha, sang bờ an toàn và đứng ở bên kia dòng sông.

Bồtát xuống ngựa đứng trên lớp cát trắng óng ánh như màu ngọc trai, Ngài nói với người hầu SaNặc rằng:

– Này SaNặc, hãy mang ngựa KiềnTrắc cùng với những vật trang điểm của ta về Hoàng cung. Ta sẽ trở thành vị Samôn.

– Thưa Đại vương, con cũng xuất gia.

– Không được, này SaNặc. Con không thể xuất gia, con hãy trở về kinh thành CaTỳLaVệ.

Cả ba lần người hầu SaNặc xin xuất gia, nhưng Bồtát từ chối cả ba. Và Ngài giao ngựa chúa KiềnTrắc cùng các vật trang sức cho SaNặc.

Rồi Bồtát suy nghĩ: “Tóc của ta không thích hợp với phẩm mạo Samôn, Ta hãy cắt bỏ chúng với thanh gươm này”. Ngài đưa tay trái cầm lấy vương miện cùng nắm tóc, tay phải cầm thanh gươm bén cắt phăng mái tóc xanh đen nhánh. Tóc Ngài chì còn dài độ 2 đốt tay xoắn lại về bên phải, nằm sát với da đầu, từ đó về sau tóc Ngài không hề ra dài hơn vẫn y như thế, nên Ngài không cần phải cạo tóc. Râu của Ngài dài 2 đốt tay cũng xoắn lại về phía phải, nằm sát da càm như trang điểm nét kiên cường trên gương mặt xinh đẹp của Ngài và râu Ngài cũng không ra dài hơn.

Cầm vương miện và nắm tóc trong tay, Bồtát phát nguyện: “Nếu ta chứng đắc quả Vô thượng Chánh giác thì nắm tóc này đừng rơi xuống”, rồi Ngài ném vương miện cùng nắm tóc lên không trung cao 1 dotuần([84]), kỳ diệu thay Vương miện được buộc vào nắm tóc đứng lơ lửng giữa hư không.

Chúa chư thiên cõi trời “Ba mươi ba” (Tāvatṃsa) là ĐếThích, với thiên nhãn nhìn thấy tóc của Đấng Đại sĩ, liền mang hộp vàng rộng 1 dotuần([85]) đến hứng lấy vương miện cùng tóc của Bồtát, đem về tôn trí trong bảo tháp Cūḷamanī (Tiểu Như ý) cao 3 dotuần được kiến tạo bằng ngọc Maṇī xanh ở cõi trời “Ba mươi ba”.

Paṭiggahetvā tidasānamissaro; suvaṇṇacaṅgotavarena taṃ tadā,

tiyojanaṃ nīlamaṇīhi cetiyaṃ; akāsi cūḷamaṇi imattano pure:

Khi ấy vị chúa chư thiên đã nhận lấy vật ấy bằng hộp vàng, rồi đã xây dựng ngôi bảo tháp bằng ngọc bích kích thước ba dotuần, có tên là Cūḷamanī trong thành phố mình([86]).

Khi Đức Phật viên tịch, Bàlamôn Dona được đề cử là “người chia Xálợi Phật” đến 8 vị quốc vương; nhân lúc không ai để ý, Bàlamôn Dona dấu Xálợi Răng nhọn bên phải của Đức Thế Tôn trong búi tóc.

Vua Trời ĐếThích thấy được “ngôi Xálợi Răng nhọn bên phải” nằm trong búi tóc của Bàlamôn Dona, Ngài suy nghĩ “Bàlamôn này không có khả năng tôn kính xứng đáng ngôi Xálợi này. Ta hãy thỉnh ngôi Xálợi này về thiên cung để tôn thờ”.

Và  vua trời ĐếThích đã thỉnh ngôi Xálợi Răng nhọn, đặt vào hộp vàng cao rộng 1 dotuần mang về cõi “Ba mươi Ba”, tôn trí vào bảo tháp Cūḷamani.

Cũng theo bộ Sử liệu Thupavaṃsa (Sử liệu Bảo tháp), vua Trời ĐếThích còn thỉnh được “Xálợi xương vai bên phải” của Đức Thế Tôn, tôn thờ trong Bảo tháp Cūḷamaṇī.

Khi Đức trưởng lão Mahinda (MaSẩnĐề) mang giáo pháp truyền qua xứ Tích Lan, Đức vua Devānampiyatissa của xứ Tích Lan đã vâng theo lời của Đức Mahinda, xây dựng một bảo tháp trên núi Cetiya (Bảo tháp này có tên gọi Thūpacetiya) để tôn thờ Xálợi .

Và Đức Sadi Sumana được Đức Mahinda cử về Ấn Độ thỉnh Xálợi về cho vua Devanampiyatissa (Ngài Sumana là con của Trưởng lão ni Saṅghamittā, vua ADục là ông ngoại, nên vua ADục hoan hỷ dâng đến xứ Tích lan “cái bát của Đức Thế Tôn cùng với những ngôi Xálợi lớn như hạt đậu), sau đó Đức Sadi Sumana theo lịnh của Đức Mahinda, lên cõi trời cung thỉnh Xálợi Xương vai phải của Đức Thế Tôn; vua Trời ĐếThích hoan hỷ trao ngôi Xálợi này đến Đức Sadi Sumana.

Những ngôi Xálợi được thỉnh từ Ấn sang, được tôn thờ trong Bảo tháp Cetiya (Thūpacetiya). Ngôi Xálợi Xương vai phải được tôn thờ trong Bảo tháp Tự viện (Thūpārāma), nơi đây trước đây có ba bảo tháp thờ: “Bình lọc nước” của Đức Phật Kakusandha, “dây buộc thân” của Đức Phật Konāgana và “vải choàng tắm” của Đức Phật CaDiếp([87]).

Về sau, vua Devānampiyatissa cung thỉnh Xálợi Phật cùng chiếc bát của Đức Phật từ bảo tháp Cetiya ra, Đức vua đã xây dựng nhiều ngôi Bảo tháp để tôn thờ Xálợi Phật, mỗi Bảo tháp cách nhau một dotuần (sđd).

* Tám món vật dụng cần thiết của Samôn.

Bồtát lại suy nghĩ “y phục bằng lụa Kāsi thượng hạng này, không hợp với phẩm mạo Samôn. Ta hãy thay đổi y phục cho phù hợp với phẩm mạo Samôn”.

Trong thời Đức Phật Kassapa, tiền thân của Bồtát SĩĐạtTa là Bồtát Jotipāla (Hộ Minh), Bồtát Jotipāla có người bạn thân là thợ gốm Ghatikāra.

Ngài Ghatikāra là bậc Thánh ANaHàm trong giáo pháp của Đức Phật Kassapa (Cadiếp), hiện tái sinh là vị Phạm thiên ở cõi Sắc cứu cánh (Akaniṭṭha).

Phạm thiên Ghatikāra biết được ý nghĩ của Bồtát Siddhattha, Ngài suy nghĩ “Hôm nay bạn của ta đã thực hiện cuộc “đại xuất gia”, ta hãy mang những món vật dụng cần thiết của vị Samôn đến cho vị ấy”.

Tám món vật dụng cần thiết của bậc Samôn là: Tam y([88]), bát, dây thắt lưng, kim chỉ và dao cạo.

Bồtát nhận 8 món vật dụng samôn, Ngài khoác lên mình y phục samôn, một biểu tượng của “giải thoát”, hay “lá cờ ALaHán”([89]).

Theo bản Sớ giải Phật tông (Buddhavaṃsa Atthakathā), Ngài Buddhadatta giải thích “do Đại Phạm thiên Ghatikāra đã mang đến cho Bồtát”(gahetvā gacchissāmī’ti).

Theo bản Suttanipāta Atthakathā (Sớ giải kinh Tiểu Tụng), Ngài Buddhaghosa (Phật Âm) ghi rằng:

“Devadattiyaṃ paṃsukūlacīvaraṃ pārupitvā mattikāpattaṃ gahetvā pācinadvārena nagaraṃ pavisitvā anugharaṃ piṇḍāya acari:

“Sau khi mặc y quăng bỏ do chư thiên dâng, mang bát đất, Bồtát đi vào cửa phía Đông thành phố, khất thực từng nhà”.

Theo bản Sớ giải Apādāna (Apādāna Atthakathā), Ngài Dhammapāla ghi rằng:

“Iddhimaya parikkharā: Vật phụ tùng do phước hiện ra”.

Nghĩa là 8 món vật dụng Samôn phát sinh cho Bồtát là do phước của Ngài, chúng tự xuất hiện.

Qua ba cách giải thích của ba vị Đại Giáo thọ sư, chúng ta có thể hiểu như vầy:

“Do phước Balamật của Bồtát, khi Ngài xuất gia thì 8 món vật dụng Samôn xuất hiện nơi cụm sen([90])”, như điềm báo hiệu Bồtát sẽ chứng quả Vô thượng Chánh giác ngay trong hiện kiếp ấy. Nên Ngài Dhammapāla giải thích “sinh ra do phước”.

Phạm thiên Ghatikāra thấy được 8 món vật dụng này, nên lấy mang đến dâng cho Bồtát. vị Phạm thiên không trực tiếp dâng mà Ngài đặt vào một nơi gần đó, để Bồtát khi đi tìm y dễ dàng nhận thấy. Nên Ngài Buddhaghosa dùng từ “devadattiyaṃ panmsukūla cīvaraṃ: Y quăng bỏ do chư thiên dâng”.

(Tuy vải y còn tốt nhưng “bị quăng bỏ”, gọi là Paṃsukālacīvaraṃ: “Y quăng bỏ”)

Chữ Paṃsukālacīvaraṃ xác nhận “Chư thiên không dâng tận tay mà “ném bỏ” ở gần đấy”. Như Thiên nữ Jālinī dâng tấm thiên y đến Ngài Anuruddha([91])

Ngài Buddhadatta giải thích “vị thiên nhân ấy chính là Phạm thiên Ghatikāra”, và Ngài Buddhadatta chỉ nêu lên là “mang đến cho Bồtát”, không xác định là “giao tận tay ”.

*Tháp Dussa.

Khi Bồtát thay đổi y phục Samôn, bộ vương phục được Ngài ném lên hư không , Phạm Thiên Ghatikāra đón nhận bộ vương phục ấy, mang về cõi Sắc Cứu Cánh (Akaniṭṭha), lập một bảo tháp để tôn trí bộ vương phục ấy, do đó bảo tháp có tên là “Dussacetiya” (Bảo tháp y phục).

Trong bộ Sớ giải Phật Tông có ghi rằng:

Suddhāvāsabrahmaloke ghatikāre nāma mahābrahmā aṭṭhaparikkhāre datvā tassa bodhisattassa vatthālaṅkārāmi gahetvā brahmaloke dvādasayojanikam. dussathūpaṃ akāsi ([92]).

“Đại Phạm thiên tên là Ghatikāra trong cõi Tịnh cư đã dâng đến Bồtát 8 vật dụng xuất gia, đã mang y phục (của Bồtát) về cõi Phạm thiên (Ṭīkā giải thích là cõi Sắc cứu cánh) tôn trí trong tháp Dussa cao 12 dotuần nơi hư không”.

Trong Thūpavaṃsa (Lịch sử bảo tháp) ghi nhận:

Paṭighahetvāna tamambujāsano; mahiddhiko bbattibharena codito,

Sake bhave dvādasayojanaṃ akā; maṇihi nīlādihi dussacetiyaṃ.

“Vị (Phạm thiên) Ambujāsana có đại thần lực đã nhận lấy vật ấy và đã bày tỏ tấm lòng ngưỡng mộ, sau đó đã xây dựng ngôi bảo tháp “thờ áo choàng”, có kích thước 12 dotuần bằng những viên ngọc mani màu xanh tại cung trời của mình”([93]).

Tên Phạm thiên trong hai văn bản khác nhau, có lẽ Ambujāsana là danh hiệu hay tên gọi khác của Phạm thiên Ghatikāra.

Ngựa KiềnTrắc mệnh chung.

Sau khi đấp lên mình chiếc y hoại sắc trở thành vị Samôn, Bồtát dạy người hầu SaNặc rằng:

– Này SaNặc, hãy trở về kinh thành CaTỳLaVệ, báo cho mẹ cha của ta biết “Ta vẫn khỏe mạnh”.

(Mẹ ở đây chỉ cho Hoàng hậu Mahāpajāpatigotamī).

SaNặc buồn khổ, đảnh lễ Đức Bồtát rồi nhiễu quanh Ngài ba vòng từ tạ ra đi với trang sức của Đức Bồtát cùng ngựa KiềnTrắc.

Ngựa KiềnTrắc nghe và hiểu được cuộc nói chuyện giữa Bồtát cùng SaNặc, tâm ngựa KiềnTrắc cảm xúc rằng:

“Từ nay trở đi, ta không còn cơ hội gặp lại người chủ thân yêu này nữa rồi”.

Khi ngựa KiềnTrắc ra đi khuất tầm nhìn của Bồtát, nỗi cảm xúc dâng trào, ngựa KiềnTrắc không thể chịu đựng nổi với “sự chia ly người chủ thân yêu” (piyehi vipapayogo), ngựa KiềnTrắc ngã gục xuống bể tim mà chết.

Trong lúc mệnh chung, hình ảnh Đấng Đại sĩ xuất hiện trong tâm của ngựa KiềnTrắc, nên ngựa KiềnTrắc tái sinh về cõi “Ba mươi Ba”, trở thành vị thiên tử có tên là Kaṇṭhaka.

Nỗi buồn của SaNặc tăng lên gấp bội, buồn vì phải xa cách vị chủ thân yêu tiếp theo là nỗi buồn vì thần mã yêu quý của SaNặc gục chết.

SaNặc vừa khóc vừa an táng thần mã KiềnTrắc, chôn cất ngựa KiềnTrắc xong, SaNặc lủi thủi trở về Hoàng cung báo tin “Đấng Đại sĩ đã xuất gia đến Hoàng tộc ThíchCa”.

Có câu hỏi rằng: Ngựa KiềnTrắc do bi thương bể tim chết, “nỗi bi thương” là tâm sân;  vì sao được sinh lên Thiên giới?.

Đáp rằng. Thường những con vật thông minh hiểu được, hay nói được tiếng người, đó là “dấu hiệu báo cho biết: Đây là kiếp chót làm súc sinh của lọai nghiệp ấy. Sẽ tái sinh nhàn cảnh khi mệnh chung”, ngựa KiềnTrắc rơi vào trường hợp này, tức là “ác nghiệp súc sanh đã muội lược”.

Lại nữa, nhờ “hiểu được tiếng người”, tuy không thể chịu đựng nổi “sự chia ly với người chủ thân yêu” khiến tim rạn nứt, ngựa KiềnTrắc gục xuống.

Trước khi tâm tử xuất hiện, hình ảnh Đức Đại sĩ cùng lời nói trước khi lên đường lìa bỏ kinh thành CaTỳLaVệ quay trở lại:

“Này Kaṇṭhaka người bạn đồng sinh thân yêu của ta, hãy giúp ta lên đường, ta sẽ tìm phương thoát ra vòng sinh tử, để tế độ chúng sinh trong đó có ngươi. Hãy cố gắng lên, hỡi người bạn đồng sinh của ta”.

Chính lời này đã làm duyên cho tâm thiện có niềm tin (saddhā) dẫn đầu, sinh khởi trong tâm ngựa KiềnTrắc. Và ngựa KiềnTrắc hân hoan đưa Bồtát cùng SaNặc ra khỏi Hoàng cung.

Chính loại tâm thiện ấy lại xuất hiện trong lộ tâm cận tử của ngựa KiềnTrắc, nên khi mệnh chung ngựa KiềnTrắc được sinh về cõi trời “Ba mươi Ba”, là vị thiên tử có tênKaṇṭhaka, chủ một thiên cung bằng ngọc Lưu Ly (veḷuriya) có đông đảo thiên nhân là tùy chúng([94]).

Lại nữa, sở dĩ “ngựa KiềnTrắc không thể chịu đựng nỗi chia ly với Bồtát” là vì: Trong quá khứ đã từng gắn bó thân thiết với Bồtát trong nhiều kiếp sống, chứ không phải chỉ riêng kiếp này.

Nói tóm lại: Cái chết của ngựa KiềnTrắc là “do ác nghiệp muội lược” (vì khi ấy ngựa KiềnTrắc sống được 29 năm rồi).

– Sự bi thương sinh lên trợ duyên cho ác nghiệp súc sinh chấm dứt.

– Sự tái sinh về cõi “Ba mươi Ba” không phải do “nỗi sầu khổ” làm duyên. Chính thiện ngôn cùng hình ảnh Đấng đại sĩ làm duyên, khởi sinh tâm thiện vào lúc cận tử.

Về sau Thiên tử Kaṇṭhaka cùng tùy chúng xuống nghe Pháp từ nơi Đức Thế Tôn và chứng đạt quả Dự lưu (sđd).

Lại có câu hỏi khác là: Vì sao vua Tịnh Phạn nghe Thái tử SĩĐạtTa xuất gia, đức vua không cho người tìm Bồtát, thỉnh cầu Ngài trở về?

Đáp. Trước tiên, do phước của Bồtát nên vua Tịnh Phạn không nghĩ đến việc “cho người tìm kiếm Đức Bồtát”.

Giả như vua Tịnh Phạn có cho người tìm kiếm Bồtát, chư thiên cũng sẽ ngăn cản không cho người ấy gặp được Bồtát.

Về phần vua Tịnh Phạn.

– Biết được tâm ý của Bồtát SĩĐạtTa có “quyết định cao tột”, dù có cho người thỉnh cầu Ngài trở về Hoàng cung, nếu chưa thành Phật thì Bồtát cũng không về.

Nên khi một thiên nhân thấy Bồtát hành khổ hạnh, bị kiệt sức ngã xỉu, vị thiên nhân ngỡ Ngài đã chết, đến báo tin với vua Tịnh Phạn rằng “Thái tử đã chết rồi”; vua Tịnh Phạn trả lời “nếu Thái tử chưa chứng quả Phật thì Thái tử không thể chết được”.

– Đức vua Tịnh Phạn có hậu duệ nối dõi vương nghiệp rồi, đó là Thái tử Nanda và Thái tử LaHầuLa.

– Một trong những phong tục thời ấy là “vị Bàlamôn có thể xuất gia một thời gian, rồi hoàn tục trở về với đời sống thế tục”, nên vua Tịnh Phạn cho rằng “Bồtát xuất gia một thời gian, rồi trở về nối ngôi vua”.

Lại nữa, Đức vua thấy lời tiên đoán của Bàlamôn trẻ nhất là KiềuTrầnNhư đã trở thành sự thật, nên Ngài tin chắc Bồtát sẽ thành Phật, nên Ngài không cản trở việc tu tập của Bồtát, do đó Đức vua Tịnh Phạn không cho người đi tìm Bồtát. Và đây là lý do chủ yếu trong các lý do trên.

Đại Phạm Thiên Ghatikāra.

Trong Kinh Ghātikāra([95])ghi nhận: Một thời Đức Thế Tôn Gotama cùng đại chúng Tỳkhưu du hành trong xứ Kosala, rồi Ngài bước xuống bên lề đường, đến một địa điểm rồi mĩm cười. Đức Ānanda  bạch hỏi : “Bạch Thế Tôn, do nhân chi, duyên chi Đức Thế Tôn mĩm cười”.

Nhân đó, Đức Thế Tôn thuyết giảng kinh Ghatikāra này.

Vào thời Đức Phật Kassapa (Cadiếp), có một đệ tử tại gia rất sùng tín của Đức Phật Kassapa, vì Ngài là thợ gốm nên có tên gọi là Ghatikāra (Ghatikāra nghĩa đen là “thợ làm lu, chậu”).

Ngài Ghatikāra là bậc Thánh ANaHàm, sống ở Vebhaliṅga một nơi rất phồn thịnh trong xứ Kāsi.

Bấy giờ Bồtát sinh ra trong dòng Bàlamôn có tên là Jotipāla (Hộ Minh), Bồtát rất thông minh và kết bạn thân với Ngài Ghatikāra.

Một hôm Ngài Ghatikāra rủ Bồtát Jotipāla đi nghe pháp từ nơi Đức Thế Tôn Kassapa, Bồtát từ chối: “Thôi vừa rồi bạn Ghatikāra, yết kiến Samôn trọc đầu([96]) như vậy để làm gì?

(Theo Bản Sớ giải, do câu nói khinh mạn này, Bồtát SĩĐạtTa phải chịu 6 năm khổ hạnh; theo bộ Milindapañhā, khi vua Milinda nêu ra câu hỏi “vì sao Bồtát phải 6 năm khổ hạnh?”; Ngài Nāgasenađáp: “Bồtát phải khổ hạnh 6 năm để bổ túc trí balamật được chín muồi, viên mãn”).

Nghe bạn từ chối đi nghe Pháp, Ngài Ghatikāra rủ bạn đi tắm, rồi lại rủ Bồtát Jotipāla đi nghe Pháp, nhưng cũng bị từ chối. Ngài Ghatikāra tóm lấy tóc Jotipāla, buộc Jotipāla phải đi nghe pháp.

Theo phong tục thời đó, người ở giai cấp hạ tiện “nắm lấy tóc” người giai cấp Bàlamôn sẽ bị “xử chết”. Bồtát Jotipāla suy nghĩ: “Thật hy hữu, thật kỳ diệu, Ghatikāra sinh trong giai cấp thấp kém, dám nắm lấy tóc ta, không hề sợ chết, buộc ta phải đi nghe pháp, như vậy, Pháp thật sự có điều đặc biệt”. Và Bồtát Jotipāla đồng ý đi nghe pháp từ Thế Tôn Kassapa.

Sau khi nghe pháp, Bồtát đã xuất gia trong Giáo pháp của Đức Thế Tôn Kassapa. Và Bồtát Jotipāla rủ Ngài Ghātikāra cùng xuất gia, nhưng vì Ngài Ghatikāra còn phải nuôi dưỡng mẹ cha đang bị mù lòa, nên Ngài không thể xuất gia.

Theo Bản Sớ giải, Bồtát Jotipāla thực hành thiền quán đến tuệ Hành xả (saṅkhārupekkhāñāṇa), nhưng không tiến cao hơn, vì như vậy sẽ “đi ngược với hạnh nguyện chứng Vô thượng Chánh giác của Ngài”.

Khi Đức Thế Tôn Kassapa ngự ở vườn nai trong kinh thành BaLaNại, vua Kikī xứ Kāsi cung thỉnh Đức Thế Tôn Kassapa an cư mùa mưa tại BaLaNại, Đức Phật từ chối vì Ngài đã nhận lời Ngài Ghatikāra an cư mùa mưa tại Vebhaliṅga. Đức vua Kikī tỏ vẽ buồn, Đức Phật Kassapa kể ra 6 đặc tính quý báu của Ngài Ghatikāra là:

a- Không có buồn như Đức vua nếu bị từ chối.

b- Đã quy  ngưỡng Tam bảo và thọ trì 5 giới.

c- Có niềm tin bất động nơi Tam bảo, không còn hoài nghi về “Tứ diệu đế”.

d- Ăn ngày một bữa, sống phạm hạnh, từ bỏ vàng bạc, không đào cuốc đất.

e- Nuôi cha mẹ già mù với nghề gốm, dùng đất lở sạt nơi bờ đê, không mua bán chỉ đổi lấy gạo để sống và nuôi cha mẹ.

f- Ngài Ghatikāra đã chứng quả ANaHàm, sẽ Nípbàn tại nơi ấy, không lui lại cõi đời này nữa.

Ngoài ra Đức Thế Tôn còn thuật cho vua Kikī nghe: “Có lần Đức Thế Tôn đến nhà thợ gốm, dùng hết phần cơm của vị ấy. Khi nghe Đức thế Tôn dùng hết phần vật thực của mình, Ngài Ghatikāra cùng cha me hoan hỷ đến 7 ngày.”

Một lần khác, khi liêu thất của Đức Thế Tôn bị dột, chư Tỳkhưu đến lấy hết cỏ tranh trên mái nhà người thợ gốm, về sửa lại am thất cho Đức Thế Tôn Kassapa. Nghe vậy, thợ gốm Ghatikāra hoan hỷ suốt nửa tháng, cha me Ngài hoan hỷ trọn 7 ngày.

Bản Sớ giải giải thích “ Đức Thế Tôn ở trong am thất ấy bốn tháng, một tháng trước khi an cư mùa mưa Đức thế Tôn cho sửa lại am thất và ba tháng an cư mùa mưa”.

Trong ba tháng mùa mưa, nơi nhà “không mái” của thợ gốm Ghātikāra, không hề có một giọt mưa rơi vào, do niềm tịnh tín của Ngài Ghātikāra.

Trong kiếp trái đất này, có bốn thần thông tồn tại suốt phần kiếp trái đất còn lại, đó là:

* Tướng con thỏ trên mặt trăng([97]).

* Địa điểm lửa bị diệt tắt do năng lực  “con chim cút”. Địa điểm này lửa không thể xâm phạm vào trọn kiếp trái đất còn lại([98]).

* Địa điểm là ngôi nhà của Ngài Ghatikāra, mưa không rớt xuống nơi ấy trọn kiếp trái đất còn lại.

* Các cọng lau ở quanh bờ hồ Nalakapāna, ruột hoàn toàn trống rỗng cho đến trọn kiếp trái đất còn lại([99]).

Nghe vậy, vua Kikī hoan hỷ cho chở 500 cổ xe gạo cùng thực phẩm đến ban tặng cho Ngài Ghātikāra.

Theo Bản Sớ giải 500 cổ xe vật thực này dành cho Ngài Ghatikāra và hộ độ chư Tăng trong ba tháng an cư mùa mưa. Nhưng với tâm thiểu dục, Ngài Ghatikāra nhận ra rằng “sở dĩ Đức vua gởi tặng phẩm vì nghe Đức Thế Tôn tán thán phẩm hạnh của mình”, nên Ngài Ghatikāra đã từ chối phẩm vật của vua Kikī  với lý do “những gì tôi tìm được do công việc của tôi, tôi đủ để nuôi cha mẹ và cúng dường đến Đức Thế Tôn”.

Bồtát Jotipāla nay chính là Đức Chánh Giác Gotama, còn Ngài Ghatikāra sau khi mệnh chung, tái sinh về cõi Tịnh cư Sắc cứu cánh (Akaniṭṭha).

Ngài Buddhaghosa (Phật Âm) trong bản Sớ giải có cho biết: “Kinh này được thuyết lại tại một đền thờ gần Todeyya, dân chúng rất sùng kính ngôi đền nhưng không biết lý do.

Ngôi đền này trước kia là ngôi bảo tháp được lập nên để tôn thờ Xálợi Đức Phật Kassapa, vì nơi ấy là nơi trú ngụ của Đức Phật Kassapa, đồng thời cũng là nơi Đức Phật Kassapa giảng pháp đến cho đại chúng.

Trong Bản Sớ giải kinh Pháp cú([100]) có ghi nhận như sau:

Có lần Đức Thế Tôn cùng đại chúng Tỳkhưu du hành trên đường từ thành XáVệ (Sāvatthī) đến xứ Bārāṇasī (BaLaNại), khi đi đến ngôi đền trong làng Todeyya, Đức Phật đi đến tháp ngồi xuống cạnh đó.

Một Bàlamôn là người cày ruộng đi đến đền thờ, ông không lưu ý đến Đức Thế Tôn, chỉ đến đảnh lễ ngôi đền.

Thấy thế Đức Thế Tôn mĩm cười và nhân câu hỏi của Đức Ānanda Đức Thế Tôn thuyết lên kinh Ghatikāra.

Sau khi thuyết giảng xong, Đức Thế Tôn hỏi Bàlamôn:

– Này Bàlamôn, vì sao ông đảnh lễ ngôi đền này?

– Thưa Tôn giả, vì ngôi đền này có lâu đời từ nhiều thế hệ rồi, vì thế tôi tôn kính ngôi đền.

Đức Thế Tôn tán thán rằng:

– Lành thay, lành thay. Này Bàlamôn, ông tôn kính ngôi đền rất đúng.

Để dứt trừ nghi hoặc của chư Tỳkhưu, Đức Thê Tôn dạy: “Ngôi đền này khi xưa chính là nơi có bảo tháp thờ Xálợi Phật CaDiếp, ngôi tháp bằng vàng cao một dotuần”.

Đức Phật dùng thần thông khôi phục lại hiện trạng tháp thờ Xálợi Phật CaDiếp khi xưa, một ngôi bảo tháp bằng vàng xuất hiện giữa hư không cao một dotuần.

Tiếp theo Đức Phật dạy: “Có bốn bậc được lập tháp thờ, đó là: Đức Chánh Giác, Đức Độc giác, Thánh ALaHán và vua Chuyển Luân”([101]).

Rồi Ngài nói lên kệ ngôn:

Pujārahe pūjayato;  buddheyadi va sāvake.

Papañca samatikkante; tiṇṇasokapariddave.

Cúng dường bậc đáng cúng; Chư Phật hoặc đệ tử.

Các bật vượt hý luận; đoạn diệt mọi sầu bi”.

Tetādise pūjayato; nibbute akutobhaye.

Na sakkā puññaṃ saṅkhātuṃ; imettamapi kenaci.

“Cúng dường bậc như vậy; tịch tịnh không sợ hãi.

Các công đức như vậy; không ai ước lượng được.”

Nghe xong hai kệ ngôn, Bàlamôn chứng quả Dự Lưu. Ngôi tháp hiển lộ giữa hư không như thế trọn 7 ngày, cư dân trong vùng cúng dường đến Bảo tháp với những phẩm vật cao quý.

Khi Bảo tháp biến mất, cư dân dựng lên tại nơi ấy một ngôi tháp đá để kỷ niệm.

Trong Tương ưng kinh (Saṃyuttanikāya), phẩm Tương ưng chư thiên (Devatāsaṃyuttavaggo), kinh Ghatikāra([102]) có ghi nhận: “Đức Thế Tôn gọi Ngài Ghatikāra là Bhaggava”.

Bhaggava không phải tên riêng của Ngài Ghātikāra, đó là danh từ gọi chung cho “những người thợ gốm” (kumbhakāra).

Trong kinh điển có nhiều thợ gốm được gọi là Bhaggava([103]), vợ người thợ gốm gọi là Bhaggavī.

Ngài Buddhaghosa (Phật Âm) giải thích: “Ông tổ nghề làm đồ gốm tên là Bhigu, nên Bhaggava đôi khi được xem là “một dòng họ”.

Trong Bản kinh này mô tả: Đại Phạm Thiên Ghatikāra đến trình bày với Đức Phật về 7 vị Đại Phạm Thiên sinh lên cõi Vô phiền (Avihā) khi còn là nhân loại, nhờ nghe Pháp từ Đức Thế Tôn, chứng quả ANaHàm, mệnh chung tái sinh về cõi Vô phiền thiên. Bảy vị Thánh ANaHàm ấy là: Upaka, Phalagaṇḍa, Pukkusāti, Bhaddiya, Khaṇḍadeva, Bāhuraggi và Piṅgiya.

Tiếp theo Ngài Ghatikāra nhắc lại tình đồng hương và tình bạn giữa Đức Thế Tôn và Ngài ở kiếp trước.

Một số Giáo Thọ Sư do nương vào “Bảy vị Thánh ANaHàm tái sinh về cõi Vô Phiền thiên, nên cho rằng Ngài Ghatikāra cũng tái sinh về cõi Vô phiền (Avihā)”.

Quan điểm của Ngài Buddhaghosa (Phật Âm) là: “Ngài Ghatikāra sau khi mệnh chung, tái sinh về cõi Sắc Cứu Cánh (Akaniṭṭha), Ngài Buddhaghosa y cứ vào đoạn kinh văn:

Ghatikāra kho, mahārāja, kumbhakāro pañcannaṃ ovambhāgiyānaṃ saṃyojanānaṃ parikkhayā opapātiko tattha parinibbāyī anāvattidhammo tasmā lokā:

“Này Đại vương, thợ gốm Ghatikāra sau khi đoạn trừ “năm giây trói buộc bậc thấp”, được hóa sinh, viên tịch chính tại nơi ấy, không trở lại đời nữa”.

Nên ghi nhận rằng: Tuy Tịnh cư thiên (Suddhāvāsa) gồm 5 cõi là: Cõi Vô phiền (Avihā), cõi Vô nhiệt (Atappā), cõi Thiện kiến (Sudassā), cõi Thiện hiện (Sudassī) và cõi Sắc cứu cánh (Akaniṭṭhā).

Năm cõi này nằm trên giữa hư không, nằm từng bậc theo thứ tự, không phải nằm theo hàng ngang như các cõi Sơ thiền, Nhị Thiền, Tam thiền.

Cõi Tứ thiền ngoài hai cõi Quảng Quả và Vô Tưởng nằm hàng ngang, năm cõi Tịnh Cư nằm chồng lên nhau;  Cõi Vô phiền cách cõi Quảng quả và cõi Vô tưởng là 5.508.000 dotuần; cõi Vô nhiệt cách cõi Vô phiền là 5.508.000 do tuần. Cứ như thế cho đến cõi Sắc cứucánh.

*Gọi là cõi Vô phiền. Vì các Phạm thiên ở cõi này sống trọn vẹn tuổi thọ là 1.000 kiếp trái đất; không như những Phạm thiên ở cõi Vô nhiệt, cõi Thiện kiến, cõi Thiện hiện và cõi Sắc cứu cánh, các Phạm thiên ở bốn cõi này có thể mệnh chung trước tuổi tho.

Đồng thời phạm thiên sản của Phạm thiên cõi Vô phiền vẫn nguyên vẹn suốt thời gian tuổi thọ, không hề bị thay đổi.

Bậc ANaHàm đắc ngũ thiền Sắc giới, có tín quyền mạnh, mệnh chung tái sinh về cõi này.

Vì không mệnh chung trước tuổi thọ, nên các Phạm thiên ở cõi này có tên gọi là Aviha. Và cõi này cũng được mang tên là Aviha, tức là dùng tên của vị Phạm thiên đặt tên cho cõi.

*Gọi là cõi Vô nhiệt. Vì các Phạm thiên trong cõi này thường nhập thiền định hay thiền quả, nên phiền não không có cơ hội sinh lên, do đó các vị Phạm thiên này có tên gọi là Atappā (Vô phiền). Và Atappā được dùng làm tên gọi cho cõi ấy.

Bậc ANaHàm chứng ngũ thiền, có tấn quyền mạnh, khi mệnh chung tái sinh về cõi này, tuổi thọ cõi này là 2.000 kiếp trái đất.

*Gọi là Thiện kiến. Vì ai nhìn thấy được vị Phạm thiên này, phát sinh an lạc; do vậy được gọi là Thiện kiến (Sudassā).

Thân của vị Phạm thiên này rất xinh đẹp, ai nhìn thấy cũng phát sinh hoan hỷ, do đó có tên gọi là Thiện kiến.

Lại nữa, vị Phạm thiên Thiện kiến có bốn loại nhãn là: Mắt thịt, thiên nhãn, tuệ nhãn và pháp nhãn. Tên vị Phạm thiên Thiện kiến dược dùng gọi cho cõi này.

Vị Thánh ANaHàm chứng ngũ thiền, có niệm quyền mạnh, mệnh chung sinh về cõi này, có tuổi thọ là 4.000 kiếp trái đất.

*Gọi là cõi Thiện hiện. Vì vị Phạm thiên này thấy các vật một cách dễ dàng và trọn vẹn, như thể vật ấy hiện ra trong tầm mắt, nên gọi là Thiện hiện.

“Mắt thịt, thiên nhãn và tuệ nhãn” của vị Phạm thiên Thiện hiện thù thắng hơn Phạm thiên Thiện kiến, riêng về Pháp nhãn thì giống nhau.

Cõi này được gọi là Thiện hiện, do lấy tên của vị Phạm thiên để gọi.

Vị Thánh ANaHàm chứng ngũ thiền, có định quyền mạnh, mệnh chung sinh vào cõi này. Tuổi thọ cõi này là 8.000 kiếp trái đất.

*Gọi là cõi Sắc cứu cánh. Phạm thiên ở cõi này là bậc có “ân đức  trọn vẹn” (guṇasampatti), tốt đẹp nhất trong tất cả cõi hữu sắc, từ tài sản vật chất cho đến năng lực tinh thần, nên có tên gọi là Sắc cứu cánh.

Khác với các Phạm thiên Tịnh cư ở bốn cõi thấp, Phạm Thiên Sắc cứu cánh “chắc chắn” sẽ viên tịch ngay trong kiếp sống ấy.

Các Phạm thiên ở cõi Vô phiền … Thiện Kiến, còn phải tái sinh lên cõi cao hơn nếu như chưa chứng quả ALaHán.

Cõi này được gọi là Sắc cứu cánh (Akaniṭṭhā), do nương tên của vị Phạm thiên ấy mà định danh.

Vị Thánh ANaHàm chứng ngũ thiền, có tuệ quyền mạnh, mệnh chung sinh về cõi này, có tuổi thọ là 16.000 kiếp trái đất.

Các cõi Phạm thiên Tịnh cư này đều có khả năng nhìn thấy nhau ([104]).

Đức Buddhaghosa (Phật Âm) giải thích “Ngài Ghatikāra tái sinh về cõi Sắc Cứu Cánh, do y cứ vào Phật ngôn “viên tịch chính tại nơi ấy”.

Còn việc Phạm thiên Ghatikāra nhìn thấy các Phạm thiên cõi Vô phiền là điều dễ hiểu, còn nhận biết các Tân Phạm thiên ấy là đệ tử của Đức Phật Gotama, đó là “năng lực trí tuệ” của Đức Phạm Thiên ấy”.


([1])– D.iii, kinh Đại Bổn (Mahāpadānasuttanta).

([2])– D.iii, kinh Đại Bổn.

([3])_ M.i, kinh Thánh cầu (Ariyapariyesanasuttaṃ).

([4]) A.i, 145. Pháp ba chi. Kinh “được nuôi dưỡng tế nhị “ (sukhumālosuttaṃ).

([5])Dhs. Chương Toát yếu (nikkhepakandaṃ), Nhị đề kinh (suttantikaduka), số

([6])– BvA. Lịch sử Đức Phật Gotama (Gotamabuddhavaṃsavaṇṇanā).

([7])– Nibbuti là tên gọi khác chỉ cho Nípbàn, là “sự diệt tắt” – Ns.

([8])– M.i, kinh Ví dụ về con rắn (alaggaduupamasuttaṃ).M.ii, kinh Potaliya (Potaliyasuttaṃ)

([9])– A.iii, 451.Chương sáu pháp, kinh “Thấy được bất tử”.

([10])– Xem Luật Tỳkhưu. Điều học trục xuất thứ 1.

([11])– M.i, Đại kinh Sư tử hống (mahāsīhanādasuttaṃ).

([12])-ĐĐ Nguyệt Thiên (d). Luật Phân tích Tỳkhưu II. Phẩm Ưng đối trị (Pācittiyavaggo). Đều học thứ 68.

([13])– S.v. Tương ưng hơi thở. Kinh Ariṭṭha (Ariṭṭhasuttaṃ)

([14])– SP. iv, 874.

([15])– M.ii, kinh Potaliya (Potaliyasuttaṃ).

([16])– M.ii. Selasuttaṃ

([17])– M.i, 447.

([18])– S.v, 225.

([19])– A.ii, 100. Chương 4 pháp, kinh Potaliya (Potaliyasuttaṃ).

([20])– Và0 ngày thứ hai, tháng 6 âl, tính theo lịch VN.

([21])– BvA.

([22])– SA.i, 67.

([23])– D.iii, kinh Đại thiện kiến vương (Mahāsudassanasuttanta).

([24])– J.iv, 232.

([25])– D.iv, kinh Chuyển luân sư tử hống.

([26])– Đọc là ma-rá

([27])– M.i, kinh Bẫy mồi (Nivāpasuttaṃ),

([28])– A.iii, 69. Chương năm pháp, kinh Mẹ con (Mātuputtikasuttaṃ).

([29])– MA.i, 28.

([30])– D.iii.

([31])_ M.i,118.

([32])ThagA.ii, 46.

([33])– Vsm. 211.

([34])– S.iii, 188. Tương ưng Rādha (Rādhasaṃyutta). Kinh Māra (mārasuttaṃ).

([35])– S.iii, 195.

([36])– ItvA. 197.

([37])– Dhp. Câu số 7.

([38])– S.iv, 91.

([39])– S.iii, 73.

([40])– Dhp. Câu 40.

([41])SA.ii, 246.

([42])– M.i.

([43])– A.ii, 100. Pháp bốn chi, kinh Thi thiết

([44])– SA.i,158.

([45])– SA.i, 133; MnidA. 328.

([46])– MA.i, 28.

([47])– Sn. 74. Kinh Tinh cần (padhānasuttaṃ).

([48])– Ngày 15 tháng 4 âl, tính theo lịch VN.

([49])– Amaraṃ (bất tử), chỉ cho “giải thoát” hay Nípbàn

([50])– S.i, 103. Tương ưng Ác ma (Mārasaṃyutta). Kinh Khổ hạnh (tapokammasuttaṃ).

([51])– Nắm giữ “cái tôi” – Ns.

([52])– S.i, 103. Kinh Hình thức voi chúa (Hatthirājavaṇṇasuttaṃ).

([53])– Khayita nghĩa đen là “ăn hết”.

([54])– S.i, 122.Tương ưng Ác ma (Mārasaṃyutta). Kinh Bảy năm theo dõi (Sattavassānubandhasuttaṃ); D.iii, kinh Đại viên tịch (Mahāparinibbāna).

([55])– ĐĐ Nguyệt Thiên (d). Luật Đại phẩm I, số 33.

([56])– HT. TMC(d). S.i, 105. Tương ưng Ác ma, kinh Bẫy sập.

([57])– S.i, 106. Kinh Con rắn (Sappasuttaṃ).

([58])– Ṣ. i, 107. Kinh Nằm ngủ (Supatisuttaṃ)

([59])– S.i, 109. Kinh hòn đá (Pāsāṇasuttaṃ).

([60])– S.i,27. Tương ưng chư thiên (Devatāsaṃpayuttaṃ), phẩm IV. Quần tiên. Kinh Miếng đá vụn (Sakalikasuttam.).

([61])– S.i,110.

([62])– Bốn pháp Như ý là: “Ước muốn như ý” (chandiddhipāda). Tức là ước muốn diều nào, điều ấy (hay pháp ấy) hiện khởi.

– Tinh tấn như ý (viriyiddhipāda). Là sự nỗ lực hành pháp được như ý mong muốn.

– Tâm như ý (cittiddhipāda). Tâm an trú trong cảnh nào, như cảnh tiền, cảnh thiền tướng … đều được như ý.

– Trí như ý (vimaṃsiddhipāda). Là trí quán xét các pháp theo như ý muốn –Ns.

([63])– S.i16; DhpA. Câu số 331.

([64]) – DupA. Câu số 200; S.i, 113.

([65])– 15 tháng giêng âl, theo lịch VN.

([66])– D.iii. Kinh Đại viên tịch (Mahāparinibbānasuttanta).

([67])– S.i, 67. Chương Tương ưng thiên từ (Devaputtasaṃyuttaṃ)

([68]) -S.i, 111.

([69])– S.i, 108.

([70])– S.i, 112.

([71])– S.i, 114.

([72])– S.i, 117.

([73])– DhpA. Câu số 385.

([74])– Tháng 5 âl, theo lịchVN.

([75])– D.iii, Kinh Đại Hội (Mahāsamayasuttanta).

([76]) – Cuộc Kết tập Phật ngôn lần I tại Tích Lan, được diễn ra vào thời vua Devanampiya Tissa (127 – 207 tTl), được diễn ra ở thành phố Anurādhapura, một trung tâm Phật giáo nỗi tiếng của Tích Lan . Vị chủ tọa cuộc kết tập Phật ngôn này là Đại trưởng lão Arittha người Tích Lan, là vị đệ tử đầu tiên của Đại trưởng lão Mahinda, người truyền bá Phật giá0 sang Tích Lan.

([77])– S.i, 120.

([78])– S.i, 122.

([79])– DhpA. Câu 351.

([80])– Xem Tương ưng kinh I. Tương ưng Tỳkhưu ni (Bhikkhunīsaṃyutta).

([81])– Upadhi là “ràng buộc với tái sinh”. Có bốn loại sanh y là: “ràng buộc với dục, gọi là dục sanh y” (kāmūpadhi)”, “ràng buộc với uẩn, gọi là “uẩn sanh y” (khandūpadhi)”, “ràng buộc với phiền não, gọi là “phiền não sanh y” (kilesūpadhi)”, “ràng buộx với pháp hành, gọi là “hành sanh y” (abhisankhārūpadhi).

([82])– SnA, 3. Kinh Dhaniya (Dhaniyasuttaṃ)

([83])– AA.i, 26. Phẩm “người tối thắng”.

([84]) – Chúng tôi tôn trọng tác phẩm Buddhavaṃsa – Atthakathā, nên dịch đúng theo nguyên tác. Riêng Bồtát ném tóc và vương miện lên cao đến 16 km # 2 lần chiều cao núi Everest của dãy HyMãLạpSơn. Điều này như thế nào do độc giả tự suy gẫm – Ns.

([85]) – Tương tự như (1). Tức là hộp ngọc tựa như  “khối núi lớn”, chỉ đựng chiếc vương miện cùng nắm tóc với diện tích rất nhỏ so với diện tích đáy hộp – Ns.

([86])– ĐĐ Nguyệt Thiên (d). Sử liệu bảo tháp (Thupavaṃsa).

([87])-Mhv. Chương XVIII.

([88])– Tam y là: Y hai lớp (saṅghati cīvara), y thượng (uttarasaṅga civara)i và y hạ (antaravāsika civara).

([89])– BvA. Lịch sử Đức Phật Gotama (Gotamabuddhavaṃsa). 33.

([90])Cum. Sen có từ khi thế gian hình thành, để báo hiệu kiếp trái đất ấy có xuất hiện Đức Chánh giác hay không (xem phần “giải về hiếp” ở trước), và chỉ co Phạm thiên thấy được cụm sen ấy mà thôi.

([91])– DhpA.

([92])– ĐĐ Thiện Phúc (d). Chú giải Người và Cõi.

([93])– ĐĐ Nguyệt Thiên (d). Sử liệu về bảo tháp (Thūpavaṃsa). 35.

([94])– VA. Chuyện Thiên tử Kaṇṭhaka

([95])– M.ii, Ghatikārasuttaṃ.

([96])– Đây là danh từ của giai cấp Bàlamôn dùng để bôi nhọ bậc xuất gia, vì họ cho rằng “xuất gia là đi ngược với quan điểm của họ. Quan điểm của Bàlamôn là “phải có con để nối dõi giòng dõi cao quý Bàlamôn”.

([97])– Xem Bổn sanh số 316 ()

([98])– Xem Bổn sanh cố 35 .(Vattakajātaka – Tiền thân con chim Cút).

([99])– Xem Bổn sanh số 20. (NaNalakapāna -Chuyện hồ Nalakapāna).

([100])– DhpA.Kệ ngôn số 195-196.

([101])– A.ii, 245. Chương bốn pháp. Kinh Xứng đáng được dựng tháp.

([102])– S.i, 35. (Ghatikārasuttaṃ).

([103])– DhA.i, 33; J.ii, 80; J.iii, 282.

([104])– ĐĐ Thiện Phúc (d). Chú giải Người và Cõi.

Các bài pháp trong cuốn Đức Phật Và 45 Năm Hoằng Pháp Độ Sinh do Tỳ-khưu Chánh Minh biên soạn.

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app