Chương Iv: Sau Khi Đản Sinh, Đạo Sĩ Kalasita, Cõi Tavatimsa, Lễ Đặt Tên, 32 Tướng Tốt, Lễ Hạ Điền, Trưởng Thành

Chương IV.  Sau khi đản sinh.

1- Đạo sĩ Kāḷāsita.

Ông là đạo sĩ tóc bện (isijātila) tên là Asita (ATưĐà), vì có nước da đen nên gọi là Kāḷāsita. Ngoài tên Kāḷāsita ông còn có tên là Kaṇhāsiri([1]), Devala ([2]), Kaṇhādevala([3]).

Theo tập Mahāvastu (Đại sự), ông là con của Bàlamôn Ujjeni, vị Bàlamôn này  sống ẩn cư trên núi Vindhyā.

Ông là vị quốc sư của triều đại Sīhahanu, cũng là vị thầy của vương tử Tịnh Phạn, khi Tịnh Phạn lên ngôi vua, ông vẫn là vị Quốc sư của triều đại này.

Quốc sư ATưĐà mỗi ngày thường đến viếng vua Tịnh Phạn hai lần: Sáng và tối,  vua Tịnh Phạn rất kính trọng ông như khi còn là học trò; đó cũng là một đặc tính của người giòng ThíchCa.

Khi Bồtát SĩĐạtTa được phong vương (lúc 16 tuổi), thì ATưĐà xuất gia làm đạo sĩ, sống trong vườn Thượng Uyển của giòng ThíchCa.

Ông nỗ lực tu tập chứng được “tám tầng thiền” cùng với các pháp thần thông và được gọi là “tiên nhân Tāpassa”.

Tương truyền đạo sĩ ATưĐà có thể nhớ được 40 đời sống quá khứ, đồng thời thấy được 40 đời sống trong tương lai.

Từ đó, Đạo sĩ ATưĐà thỉnh thoảng lên cõi “Ba mươi ba” để nghỉ ngơi, mỗi lần một đôi ngày.

Khi Bồtát sinh ra, kinh thành chư thiên cõi “Ba mươi ba” treo cờ phướn lộng lẫy, chư thiên vui ca múa hát, đạo sĩ ATưĐà cũng đang nghỉ nơi ấy, Đạo sĩ hỏi rằng:

“Khi chiến thắng Atula (Asura), các người cũng không vui thích. Nay vì sao các vị lại vui thích, phấn chấn tâm đến như vậy? Hãy cho tôi biết lý do?”

Chư thiên đáp rằng:

“Tại vườn LâmTỳNi, vị Bồtát con vua Tịnh Phạn vừa chào đời, vị ấy sẽ chuyển bánh xe pháp tại vườn Nai, mang hạnh phúc đến cho nhân thiên.

Chúng tôi có thể nghe pháp từ vị ấy, nên chúng tôi hân hoan([4]).

Nghe vậy, đạo sĩ ATưĐà từ giả cõi “Ba mươi ba”, xuống phàm giới đi đến hoàng cung của vua Tịnh Phạn,

Nghe tin Đạo sĩ ATưĐà đến, vua Tịnh Phạn ra khỏi Hoàng cung, tiếp rước vị Đại tiên vào hoàng cung, và cung thỉnh Đại tiên ngồi vào nơi trang trọng.

Đạo sĩ hỏi vua Tịnh Phạn:

– Thưa Đại vương, được nghe Đại vương vừa sinh hạ một hoàng nam. Tôi muốn nhìn hài tử ấy có được không?

– Vâng, thưa Đại tiên.

Đức vua Tịnh Phạn truyền trang điểm Bồtát thật xinh đẹp, rồi bế ra để làm lễ đạo sĩ Devala.

Khi các cung nữ bồng Bồtát ra được che phía trên là cây lọng trắng, đi đến gần đạo sĩ ATưĐà, trên không trung chư thiên cũng che lọng trắng cho Ngài, nhưng người nhân loại không nhìn thấy, bầu trời chợt mát dịu.

Như kinh văn:

Anekasākhañca sahassamaṇḍalaṃ, chattaṃ marū dhārayumantalikkhe.

Suvaṇṇadaṇḍā vītipatanti cāmarā, na dissane cāmarachattagaahakā.

“Chư thiên cầm ngôi lọng; đưa lên giữa không trung.

Cây lọng có nhiều tầng; có hàng ngàn vòng chuyền.

Chúng quạt với phất trần; có tán vàng, lông thú.

Nhưng không ai nhìn thấy; kẻ cầm lọng, phất trần (HT. TMC dịch)([5]).

Nhìn thấy đạo sĩ ATưĐà, chân của Đấng Đại sĩ chợt xoay tròn rồi đạp thẳng vào búi tóc bện của đạo sĩ ATưĐà, nhanh như tia chớp xẹt qua kẻ hở của đám mây.

Bản Sớ giải giải thích “nếu như đặt đầu của đấng Đại sĩ dưới chân đạo sĩ ATưĐà, đầu của đạo sĩ sẽ bể ra 7 mảnh. Vì rằng vị Bồtát kiếp chót, không ai có thể cưỡng bức Ngài đảnh lễ người khác”.

Hiểu được điều này, đạo sĩ ATưĐà đứng dậy, chấp tay đảnh lễ đấng Đại sĩ, thấy thế vua Tịnh Phạn cũng chấp tay đảnh lễ Bồtát.

Sau khi xem xét kỹ những hảo tướng của Bồtát, đạo sĩ Asita biết rõ rằng “vị này sẽ trở thành bậc Chánh giác”, thấy được điều này đạo sĩ Asita hân hoan mĩm cười.

Rồi vị ấy suy nghĩ tiếp “ta có được diễm phúc nghe pháp từ nơi Ngài không?”, quán xét đến tuổi thọ và cảnh giới tái sinh của mình, ông thấy rằng “ta sẽ mệnh chung trước khi vị ấy thành bậc Chánh giác, cảnh giới tái sinh của ta là cõi Vô sắc, ta không có cơ hội nghe được pháp từ nơi Ngài, thật là một mất mát lớn cho ta”, nghĩ đến điều này, đạo sĩ ATưĐà buồn tủi khóc lên.

Thấy thế, đại chúng hoang mang, vua Tịnh Phạn bạch hỏi:

– Thưa Đại tiên, có điều tai hại nào xảy đến cho hài tử chăng?

– Thưa Đại vương, không có điều tai hại nào xảy đến cho vị ấy. Vị ấy chắc chắn sẽ thành bậc Chánh giác.

– Thưa Đại tiên, vậy vì sao Ngài khóc?.

– Thưa Đại vương, vì tôi không còn sống được đến khi ấy, tôi không có cơ hội được nghe pháp từ vị ấy, cảm thương mình nên tôi bật khóc.

Rồi đạo sĩ ATưĐà từ giả hoàng tộc ra về, ông đến nhà người chị nói với người cháu tên là Nālaka rằng:

– Này cháu Nālaka, vị hoàng tử con vua Tịnh Phạn vừa sinh ra, vị ấy sẽ là “bậc Chánh giác”. Cháu hãy xuất gia đi, khi nghe vị ấy thành Bậc Chánh giác, thuyết giảng Pháp luân nơi vườn Lộc Uyển, cháu hãy đến nghe pháp từ vị ấy.

Nālaka suy nghĩ “Đạo sĩ ATưĐà là bậc đại tiên, Ngài biết được quá khứ lẫn vị lai, chắc chắn điều này không thể sai lầm. Vậy ta nên theo lời Ngài dạy”.

Và Nālaka từ bỏ tài sản sẽ thừa kế là 80 triệu tiền vàng, ra đi xuất gia, tinh cần tu tập ở trong rừng để chờ đợi.

Sau khi mệnh chung đạo sĩ ATưĐà sinh về cõi Vô sắc.

2- Cõi “Ba mươi Ba” (Tāvatiṃsa).

Cõi “Ba mươi Ba” (Tāvatṃsa), Hán Tạng âm là “ĐạoLợi”, ngoài ra cõi Ba mươi Ba còn được gọi là Idasa hay Tidiva.

Cõi “Ba mươi ba” là cõi trời thứ hai trong 6 cõi trời Dục giới.

– Cõi trời thứ nhất là Cātummahārājā (Tứ đại vương).

Cõi trời thứ hai là Tāvatiṃsa (Ba mươi Ba).

– Cõi trời thứ ba là Yama (Dạma).

– Cõi trời thứ tư làTusita (ĐẩuSuất).     

– Cõi trời thứ năm là Nimmānarati (Hóa Lạc).

– Cõi trời thứ sáu là Paranimittavasavatti (Tha Hóa Tự Tại).

Mỗi cõi trời cách nhau 42.000 dotuần, từ cõi người đến cõi Tứ đại vương cũng là 42 ngàn dotuần.

Chư thiên ở cõi trời cao nhìn thấy chư thiên ở cõi thấp, chư thiên ở cõi thấp không thể nhìn thấy chư thiên ở cõi cao. Vì rằng “chư thiên ở tầng trời cao sắc thân vi tế hơn chư thiên ở tầng trời thấp hơn, do đó chư thiên tầng thấp hơn không thể nhìn thấy chư thiên tầng cao hơn”.

Giữa chư thiên và nhân loại cũng vậy, nhân loại không thể thấy được chư thiên, chư thiên thấy được nhân loại, vì sắc thân nhân loại là sắc thô so với các thiên nhân là sắc tế. Tuy nhiên đối với một số thiên nhân địa cầu là thai sinh, nhân loại có thể nhìn thấy như trường hợp Bồtát có kiếp làm con của Dạxoa mặt ngựa.

Giải thích từ Tāvatiṃsa

* Cách giải thích thứ nhất.

Được gọi là cõi “Ba mươi Ba” vì nơi đây có 33 vị chúa trời, đứng đầu là Sakka (ĐếThích). Như có Pāli như sau:

Tettiṃsajanā nibbattanti etthāti = Tettiṃsā.

“Hội chúng 33 người sinh lên, nên gọi là “Ba mươi Ba”.

Tettiṃsa eva niruttinayena = tāvatiṃsa

Biến đổi từ ngữ Tettiṃsa thành Tāvatiṃsa.

Cách biến đổi như sau:  TE đổi thành Tāva, xóa t, giữ nguyên tiṃsa = Tāvatiṃsa.

Cách hai: E đổi thành ā, t đổi thành va, giữ nguyên tiṃsa = tāvatiṃsa([6]).

Giải thích.

Trong bản Sớ giải kinh Pháp cú có ghi nhận([7]):

Hoàng tử giòng Licchavī là Mahāli ở tại thành Vesāli (Quảng Nghiêm), được nghe Đức Thế Tôn thuyết giảng kinh Sakkapañhā (ĐếThích hỏi), Đức Thế Tôn nói về sự tốt đẹp huy hoàng của cõi trời Ba mươi ba. Ông thắc mắc: “Chẳng biết Đức Thế Tôn có biết rõ Đức ĐếThích hay không? Hay Ngài được nghe người ta nói như thế”. Ông đi đến yết kiến Đức Thế Tôn và bạch hỏi nghi vấn của minh. Đức Thế Tôn giảng rằng:

Có một kiếp Bồtát sinh làm người trú tại tại làng Macala trong vương quốc Magadha (MaKiệtĐà), Ngài có tên là Magha.

Thanh niên Magha đến làng Macala lúc mới thành lập, do những người đến đây rất dũng mãnh, nên làng có tên là Macala (ma + acala (không rung động).

Trong làng có rất nhiều vùng còn hoang vu, thanh niên Magha khai khẩn một khu đất rồi cất nhà, khi nhà cất xong một người khác đến chiếm đoạt, đuổi Magha đi. Chàng không giận hờn chi, đi đến nơi khác khai hoang cất nhà mới, rồi lại bị kẻ khác đến chiếm đoạt, rất nhiều lần như vậy nhưng tâm Magha không chút buồn phiền, suy nghĩ rằng: “Những người này được an vui, chính ta là người mang vui đến cho họ. Đây là phước báu của ta”.

Chàng suy nghĩ tiếp : “Ta hãy tạo một phước xá để những người không có chỗ trú ngụ, sẽ đến ở nơi ấy, ta sẽ được an lạc và người không nơi trú ngụ cũng được sự an lạc”. Khi phước xá đã hoàn thành, những ai đến ngụ trong phước xá đều được thanh niên Magha cung cấp củi lửa trong mùa lạnh, nước tắm trong mùa nóng.

Và kể từ khi đó chàng được dân làng yêu mến.

Một lần nọ, vì có việc cần làm ở làng bên, Magha phải vượt qua con đường gồ ghề, khó đi. Magha suy nghĩ: “Ta sẽ đấp một con đường bằng phẳng cho mọi người cùng đi”.

Mỗi sáng chàng vác cuốc ra khai quang và đấp con đường cho bằng phẳng và rộng rải. Khi có người hỏi:

– Này Magha, anh làm chi vậy?

– Này bạn, tôi làm con đường lên thiên giới đấy.

– Vậy anh cho tôi cùng làm với.

– Lành thay, được thôi này bạn.

Dần dần những thanh niên cùng chí hướng với Magha xin gia nhập, tổng cộng là 33 người, họ được gọi là ““nhóm người tạo phuớc” (gaṇasahapuññakārī), trưởng nhóm là thanh niên Magha.

Về sau “nhóm người tạo phước” này  xây dựng một phước xá ở ngã tư đường, để người lở đường trú chân, có nước uống, có nước tắm rữa, có chỗ trú ngụ qua đêm. Đồng thời bố thí vật thực đến những hành khất, cô lão, kẻ nghèo khổ, người lở đường ….

Trước cổng phước xá có trồng cây Kovilāra để che mát, dưới gốc cây là tảng đá lớn bằng phẳng để khách bộ hành ngồi nghỉ chân.

Sau khi mệnh chung cả 33 thanh niên đều sinh về cõi trời và làm chúa cõi ấy, nên cõi này có tên gọi là “Ba mươi Ba”([8]).

* Cách giải thích thứ 2.

Có Pāli như sau: Tāvapaṭhamaṃ tinsati pātubhavatīti = tāvatiṃsa

“Vùng đất nào xuất hiện trước tiên, gọi là tāvatiṃsa”.

Giải.

Khi thế gian bắt đầu hình thành, có một cơn mưa rơi xuống tràn ngập “vùng thế gian bị hoại”. Ban đầu là nước tinh khiết, trải qua thời gian dài nước phát sinh cặn, bụi; cặn bụi kết hợp dần dần thành mảng lớn rồi đứng yên; nước dần dần rút xuống đến khi hiện ra mảng đất đầu tiên. Đó chính là đỉnh núi TuDi, cũng là nơi trú của chư thiên tầng thứ hai, do đó cõi này có tên là “Tāvatiṃsa”.

 Núi TuDi. (Sineru).

Núi TuDi như ống hình trụ tròn, đỉnh núi cũng hình tròn rộng 84 ngàn dotuần. Núi TuDi chìm xuống đáy biển là 84 ngàn dotuần, từ mặt biển trở lên đến đỉnh là 84 ngàn do tuần([9]), như vậy tổng chiều cao núi TuDi là 168 ngàn do tuần.

Đỉnh núi TuDi được thành tựu bằng 7 loại ngọc báu, nên chân chư thiên ở cõi này không chạm “cát thường”, chỉ chạm với “ngọc báu”.

Dưới chân núi TuDi có ba hòn đá chống đở chân núi, đó là lãnh địa của ATuLa (Asura). Kinh thành ATuLa rộng 10 ngàn dotuần, có tên là Asurabhavana.

Thành núi hướng Đông bằng bạc, thành núi hướng Nam là ngọc bích xanh, thành núi ở hướng Tây là ngọc trân châu đỏ, thành núi ở hướng Bắc là vàng.

Loại báu vật thành núi TuDi ảnh hưởng đến màu nước biển, màu mây trời, màu lá cây của đại châu ở hướng đó, tức là do ánh sáng vật báu từ thành núi chiếu xuống, khiến cho màu lá cây, màu mây trời, màu nước biển có màu như loại châu báu nơi thành núi.

Như Đông Thắng thần châu màu lá cây, màu mây trời, màu nước biển là trắng, Nam thiện bộ châu có màu xanh, Tây ngưu hóa châu có màu đỏ, BắcCưuLư châu có màu vàng.

Từ đỉnh TuDi đến cõi nhân loại là 84 ngàn dotuần, giữa núi TuDi là cõi Tứ đại vương”, cách cõi “Ba mươi Ba” là 42 ngàn dotuần, ngang tầm với núi Yugandhara (Trì song sơn).

Ban đầu cõi “Ba mươi Ba” là nơi trú ngụ của nhóm chư thiên Vepacitti, nhóm chư thiên này rất “ưa thích rượu”, họ chế tạo được loại “rươu trời” để uống.

Khi “hội chúng ba mươi ba” sinh lên, thiên chủ Magha không thích nhóm chư thiên Vepacitti vì họ hay nóng nảy và say sưa.

Trong một lễ hội chư thiên, nhóm chư thiên Vepacitti mang rượu ra đãi, vua Trời ĐếThích ra hiệu cho nhóm mình “đừng uống”, khi nhóm chư thiên Vepacitta say không còn biết chi cả, nhóm chư thiên “Ba mươi Ba” ném những “thiên thần say rượu” này xuống chân núi TuDi, chìm sâu xuống đáy biển.

Ngài Buddhaghosa (Phật Âm) giải thích: “Một số thiên nhân khi rơi xuống chân núi TuDi, nửa chừng chợt tỉnh rượu, đã kêu lên asura (đừng uống rượu), nên nhóm chư thiên này có tên gọi là Asura”.

Do phước riêng của những “thiên thần”này, một kinh thành rộng 10 ngàn dotuần sinh lên cho các vị ấy, đó là “lãnh địa Asura” (Asurabhavana), cai quản thành phố Asura là chúa Vepacitti.

Thành phố Asura y như thành phố Sudassana (Thiện Kiến), nên nhóm Vepacitti không ngờ mình bị “trục xuất” khỏi cõi trời thứ hai.

Giữa hai thành phố chỉ có một điểm khác biệt là: Ở cõi Ba mươi Ba có cây Pāricchattaka (Hoa tán lọng), còn ở cõi Asura có cây  Cittapāṭila (San hô); hai cây này có hình dạng rất giống nhau, có chung một tên là Ayujjha.

Chúng chỉ khác nhau về những cánh hoa, hoa của Hoa tán lọng (Pāricchatta) thì xinh đẹp thơm ngát, có thể nhìn thấy cách xa 50 dotuần, mùi hương của hoa Pāricchatta lan rộng chung quanh 50 dotuần. khi thuận gió có thể lan xa cả 100 dotuần([10]). Khi cây  Pāricchattaka sắp ra hoa  lá cây có màu úa vàng và chư thiên hoan hỷ theo từng thời kỳ: Khi lá rụng hết, khi mầm non cánh hoa mọc ra, đọt non cánh hoa mọc ra, nụ hoa mọc ra, hoa được sinh ra, khi hoa nở toàn diện. Và chư thiên vui chơi bốn tháng (tương đương 12.000 năm nhân loại) (sđd).

Rồi chư thiên thường đến Diệu pháp đường (Sudhammā) để canh chừng Pāricchataka trổ hoa.

Khi lá rụng hết, khắp cả cây Pāricchataka đều trổ đầy hoa, hoa Pāricchatta có màu đỏ, ánh sáng thành tia chiếu sáng cả 500 do tuần, lấp lánh như mặt trời buổi ban mai.  Tàng nhánh của Hoa tán lọng có chu vi là 100 do tuần, có rễ rất sâu.

Phấn hoa Pāricchataka có màu vàng sáng chói khi tẩm vào thân chư thiên mùi thơm rất thù diệu.

Hoa Pāricchatta không cần phải leo lên cây để hái, khi hoa nở đúng độ, có một ngọn gió thổi qua, tên là Kantana (Đoạn hoa phong), làm hoa rơi xuống.

– Một loại gió tên là Saṃpaṭicchana (Tiếp nhận phong), gió  “đón nhận hoa ấy”, không cho rơi xuống đất.

– Một loại gió có tên là Pavesana, có phận sự mang hoa vào giảng đường Sudhammā.

– Một loại gió có tên là Santhaka, có phận sự trải những cánh hoa thành thảm trong Diệu pháp đường, không cho hoa gom thành từng cụm, từng đống.

– Một loại gió Sammijjana, có phận sự mang hoa cũ trong giảng đường Sudhammā ra ngoài([11]). Mỗi năm Pāricchattaka ra hoa một lần.

Cây Pāricchataka còn có tên là Parijāta, Tạng Sanskrit gọi là Pārivātra([12]).

Còn hoa cây Cittapāḷita (San hô) không đẹp cũng không thơm.

Khi cây Hoa tán lọng trổ hoa thì cây San hô cũng ra hoa, khi ấy chúng Vepacitti mới biết mình bị đuổi khỏi cõi trời thứ hai.

Chúa Vepacitti tức giận, tập họp chúng Asura, kéo lên đánh với chư thiên để dành lại cõi trời của mình cùng với cây “tối thượng Pāricchattaka”.

Do đó, hằng năm khi đến mùa hoa Pāricchattaka nở thì có trận chiến giữa Asura vả chư thiên cõi Ba mươi Ba.

Cây Pāricchattaka và Cittapāḷita nằm trong danh sách 7 cây sống trọn kiếp trái đất này, đó là:

– Cây Jambū (cây trâm) ở Nam thiện bộ châu.

– Cây Kadamba ở Tây Ngưu hóa châu.

– Cây Kapparukkha ở BắcCưuLư châu.

– Cây Sirisakarukkha (cây keo) ở Đông thắng thần châu.

– Cây Simpali (Gòn gai) ở cõi Kimxí điểu.

– Cây Cittapāḷita ở cõi AtuLa.

– Cây  Pāricchataka ở cõi Đao lợi.

Để ngăn chận không cho nhóm Asura trở lại cõi “Ba mươi ba”, vua trời ĐếrThích cho xây dựng 5 “vòng đai” phòng thủ từ mặt biển đến đỉnh núi TuDi.

Vòng đai thứ nhất ở biển do Long vương (nāga) canh giữ, vòng đai thứ hai ở cõi người do nhóm Kimxíđiểu (Garuna) canh giữ, vòng đai thứ ba do nhóm Cưubàntrà (Kumbhaṇḍa) canh giữ, vòng đai thứ tư do nhóm Dạxoa (Yakkha) canh giữ, vòng đai thứ năm do Tứ đại vương canh giữ..

Kinh thành Sudassana (Thiện Kiến) ở cõi “Ba mươi ba” rộng mười ngàn dotuần, từ hướng Đông sang hướng Tây là 10 ngàn dotuần, từ hướng Nam sang hướng Bắc là 10 ngàn dotuần.

Vòng thành có 1000 cái cửa, bên trong có hoa viên, hồ nước. Cổng chính đi vào kinh thành Sudassana có hai tượng Inda ở hai bên.

Hướng Đông kinh thành Sudassana có vườn hoa Nandana rộng 100 dotuần, trong vườn có 2 hồ nước là Mahānandā, và Cūḷanandā. Quanh vườn và bờ hồ lót đá Nandā (gọi theo tên hồ).

Vườn Nandana xinh đẹp nhất trong các vườn hoa ở cõi “Ba mươi ba”. Vị thiên nhân có uy lực, khi thấy 5 hiện tượng báo tử là:

– Vòng hoa trang điểm héo úa.

– Vật trang sức phai màu,

– Hào quang bớt sáng rực.

– Mồ hôi nách chảy ra.

– Tâm sinh khởi phiền muộn.

Vị ấy biết rằng mình sắp mệnh chung, vị ấy đi vào vườn Nandana, sự phiền muộn sắp chết được quên lảng, vị ấy mệnh chung trong tâm trạng hoan hỷ để tái sinh trở lại cõi chư thiên hoặc tái sinh về cõi người, không phải rơi xuống khổ cảnh do tâm phiền muộn.

Năm điều báo tử này chỉ có cho chư thiên có uy lực, thiên nhân thường thì không có.

Hướng Nam kinh thành Sudassana có vườn hoa Phārusaka rộng 700 dotuần, có hai hồ nước là Bhaddā và Subhaddā. Quanh vườn và bờ hồ lót đá “Bhaddā”.

Hướng Tây thành phố Sudassana là vườn hoa Cittalatā, rộng 500 dotuần, có hai hồ nước là Vicittā và Cūḷacittā. Đá lót quanh vườn và bờ hồ có tên “Cittā”.

Trong vườn hoa Cittalatā có dây leo Āsavatī, một ngàn năm mới nở hoa một lần, bên trong thân dây leo là “rượu trời”, uống vào sẽ say khướt đến 4 tháng.

Hướng Bắc thành phố Sudassana có vườn hoa Missaka rộng 500 dotuần, có hai hồ nước là Dhammā và Sudhammā. Đá lót quanh vườn và bờ hồ có tên là “Dhammā”.

Trung tâm thành phố Sudassana là cung điện Vejayanta (Bảo Thắng điện) cao 700 dotuần làm bằng bảy loại ngọc quý.

Chung quanh Bảo Thắng điện là “rừng cờ”, những cây đại kỳ cao 300 dotuần, những lá đại kỳ bằng vàng thì cán đại kỳ là ngọc Mani, lá đại kỳ bằng ngọc Mani thì cán đại kỳ bằng vàng; những lá đại kỳ bằng San hô thì cán bằng ngọc trân châu, những lá đại kỳ bằng ngọc trân châu thì cán bằng san hô, những lá đại kỳ bằng 7 loại ngọc báu thì cán cũng là 7 loại ngọc báu.

Chiếc thiên xa dành cho vua Trời ĐếThích cũng có tên là Vejayanta.

Trên đỉnh Bảo Thắng điện là cây cờ Chiến Thắng cao 300 dotuần kỹ niệm cuộc chiến thắng Asura hùng mạnh, bắt được chúa Asura là Vepacitti trói ở cột cờ([13]).

Đây là nơi cư ngụ của vua Trời ĐếThích.

Phía Đông Bảo cung Vejayanta có hai vườn hoa là: Vườn hoa  Mahāvana rộng 700 dotuần là nơi nghỉ khả ái của vua trời ĐếThích và vườn hoa Puṇḍarika không rộng lắm. Mỗi vườn hoa đều có được 1000 cây trời (thiên mộc).

Tuy không rộng lắm, nhưng vườn hoa Puṇḍarika rất quan trọng. Trong vườn có một giảng đường có tên là Sudhammā (Thiện Pháp) cao 500 dotuần, rộng và dài 300 dotuần, chu vi là 900 dotuần, tòa bảo điện này nguy nga xinh đẹp nhất trong cõi “Ba mươi Ba”.

Nền giảng đường Sudhammā làm bằng ngọc Phalê, cột bằng vàng, rui, mè, kèo …  làm bằng 7 loại ngọc báu, mái giảng đường là ngọc Xaphia xanh (indanila), trần và cột dọc được trang trí rất mỹ thuật với ngọc San hô, chóp giảng đường bằng bạc, bên trong là một pháp tòa cao 1 dotuần, là nơi vị Pháp sư ngồi để giảng pháp.

Cạnh pháp tòa là chỗ ngồi của vua trời ĐếThích, kế tiếp là 32 chỗ ngồi của 32 vị thiên chúa, rồi lần lượt đến các Đại chư thiên, tiểu chư thiên.

Cạnh giảng đường Sudhammā là cây Paricchattaka, dưới cội cây Pāricchatta là  “khối đá hồng” Paṇḍukambala dài 60 dotuần, rộng 50 dotuần, cao 15 dotuần, có màu đỏ như màu hoa hồng (japā).

Vào ngày 15 mỗi nửa tháng, chư thiên thường tụ hội về đây để nghe pháp từ Thiên vương ĐếThích, từ Phạm thiên Sanaṅkumāra (Thường Đồng Hình) hay từ một vị Thiên tử có trí tuệ.

Vua Trời ĐếThích hay Phạm thiên Sanaṅkumāra hoặc vị thiên tử ấy ngồi lên “tảng đá hồng” này giảng pháp.

Đức Phật cũng ngồi trên “tảng đá hồng” này thuyết giảng Tạng Abhidhamma (Thắng Pháp)([14]).

Đặc điểm của “tảng đá hồng” này là “nóng lên” khi có bậc Đại sĩ cầu nguyện, bậc đại phước gặp nạn, do uy lực công hạnh của các Samôn, Bàlamôn, khi phước củaThiên chủ sắp hết và khi tuổi thọ của vị Thiên chủ sắp mãn.

Tảng đá  xọp xuống khi vua trời Đế Thích ngồi lên và phồng lên như cũ khi vua Trời ĐếThích rời khỏi tảng đá.

Khi Đức Phật sắp ngự lên “tảng đáhồng”, một số chư thiên có ý nghĩ: “Bảo tọa rất rộng, Đức Thế Tôn ngự lên trên đó, Ngài ngồi thật nhỏ so với “bảo tọa” này.

Biết được ý nghĩ của chư thiên, Đức Thế Tôn trải tọa cụ ra, tọa cụ bao trùm cả “tảng đá” và Ngài ngồi trên đó như ngồi trên Pháp tọa ở cõi người.

Vì khi Ngài thực hành pháp độ, pháp Balamật ấy không hề nhỏ so với phước của các chúng sinh khác.

Khi đến thời tụ hội nghe pháp, thiên vương ĐếThích thổi tùvà có tên là Vijayuttana (Thường thắng); chiếc tùvà dài 120 hắc tay (= 60 m), âm vang tùvà lan khắp trong và ngoài kinh thành Sudassana, âm thanh kéo dài đến 4 tháng (tính theo nhân loại).

Chư thiên nghe tiếng tùvà, ngừng vui chơi cùng nhau đến giảng đường Sudhammā nghe giảng pháp.

Uy lực chư thiên được thể hiện qua hào quang, chư thiên nào có hào quang kém sáng hơn phải lui ra để nhường chỗ cho vị chư thiên có hào quang sáng hơn ngồi trước.

Sau khi thỗi tùvà xong, Thiên vương Đế Thích cùng bốn Thiên hậu rời khỏi Bảo cung Vejayanta, ngự lên voi Erāvaṇa cùng 36 triệu thiên chúng tùy tùng, đi đến Giảng đường Sudhammā.

Cạnh Giảng đường Sudhammā là tháp Cūḷamani cao 12 dotuần, trong tháp tôn trí tóc của Bồtát SĩĐạtTa khi Ngài cắt tóc xuất gia và thờ Xálợi răng nhọn của Đức Thế Tôn.

Giảng đường Sudhammā có hồ sen Nandā rộng 500 dotuần với các loại hoa sen nở rộ.

Ngoài 33 vị chúa trời, trên cõi “Ba mươi Ba” có rất nhiều thiên nhân, các thiên nữ luôn có bàn chân đỏ hồng như chân chim bồ câu. Cũng vì những nàng tiên nữ này mà Ngài Nanda đã quên đi mối tình của mình với nàng Janapadakalyānī Nandā, khi Ngài được Đức Phật đưa lên cõi Ba mươi Ba.

Các thiên nữ trên cõi Ba mươi Ba không có kinh nguyệt, thai bào (một số thiên nữa ở địa cầu vẫn có kinh nguyệt và thai bào).

Thiên nhân sinh từ bắp vế của vị thiên nhân, đó là con của vị thiên nhân ấy; sinh ra ở nơi giường ngủ, thiên nữ ấy là vợ của vị thiên nam ấy; sinh ra trong phòng ngủ là “thiên nữ trang điểm” cho thiên cung chủ; sinh trong vòng đai thiên cung là tùy chúng của vị thiên cung chủ.

Nếu sinh giữa ranh giới 2 thiên cung, tân thiên tử ngó về thiên cung nào, thì thuộc về thiên cung ấy, còn như ngó lên không trung thì thuộc về thiên chủ ĐếThích.

Nơi cõi Ba mươi Ba không có “hiển lộ già, bịnh”, tiên nam xinh đẹp tựa như “trai 18 tuổi”, tiên nữ xinh đẹp như “gái 16 tuổi” và vẫn như thế cho đến khi mệnh chung. Có những thiên nhân là thiên cung chủ, có từ 500 – 700 thiên nhân tùy tùng, có biệt cung riêng.

Tài sản riêng của thiên nhân xinh đẹp, sáng chói khác biệt nhau là do phước báu của vị ấy được tạo trữ. Có vị hào quang từ thân tỏa ra chiếu xa cả 100 dotuần, có vị hào quang từ thân chỉ chiếu xa 12 dotuần; có vị có hàng ngàn thiên chúng tùy tùng, có vị chỉ có 500 thiên chúng tùy tùng ….

Chư thiên cõi Ba mươi Ba có hai loại là “đia cư thiên” (bhummaṭṭhadevatā) và “không cư thiên” (ākāsaṭṭhadevatā).

“Địa cư thiên” là những chư thiên có thiên cung ở đỉnh TuDi.

“Không cư thiên” là những chư thiên có thiên cung lơ lửng giữa hư không chạy dài từ đỉnh TuDi theo hàng ngang đến tận luân vi (cakkavāla), hiện có nhiều thiên cung còn trống không.

Tuổi thọ thiên nhân cõi “Ba mươi Ba” là 1.000 năm, tương đương với 36 triệu năm nhân loại.

Các vị đạo sĩ có thần thông thường lên “Ba mươi Ba” để nghỉ trưa.

3-Lễ đặt tên.

Khi Bồtát sinh ra được năm ngày, sau khi gội đầu cho Bồtát, rồi cung kỉnh đảnh lễ Ngài, đại chúng nói “Chúng ta sẽ chọn cho Ngài một tên gọi”.

Đức vua Tịnh Phạn cho trang hoàng hoàng cung xinh đẹp, rắc bốn loại hương thơm cùng với hương cơm nếp là thứ năm, rắc 5 thứ hoa khắp kinh thành CaTỳLaVệ, nấu cơm sữa để cúng dường đến 108 vị Bàlamôn.

Sau khi cúng dường cơm sữa đến các vị Bàlamôn xong rồi, Đức vua Tịnh Phạn cho lưu lại 8 vị Bàlamôn là bậc đa văn, tinh thông ba bộ Phệđà (Veda) cùng các đại nhân tướng, 8 vị ấy có tên là: Rāma, Dhaja, Lakkhaṇa, Mantī, Bhoja, Suyāma, Sudatta và Koṇḍañña([15]). Trong sách Milinda Pañhā (Vua Milinda hỏi), ghi tên Ngài Koṇḍañña (KiềuTrầnNhư) là Yañña.

Xem khi xem xét các hảo tướng của Bồtát, bảy vị Bàlamôn đưa 2 ngón tay lên tuyên bố:

-Thưa Đại vương, Thái tử có 32 đại nhân tướng (mahāpurisalakkhaṇāni); nếu ở tại gia sẽ là vua Chuyên luân (cakkavattirāja), nếu xuất gia là bậc Chánh giác.

Riêng thanh niên KiềuTrầnNhư (vị trẻ nhất trong 8 vị Bàlamôn) chỉ đưa một ngón tay, khẳng định rằng:

– Thưa Đại vương, Thái tử sẽ xuất gia và trở thành Đức Chánh đẳng giác.

– Thưa Ngài, Thái tử thấy điều gì để đi xuất gia?

– Thưa Đại vương, Thái tử sẽ thấy bốn hiện tượng “già, bịnh, chết và vị Samôn”, Thái tử sẽ ra đi xuất gia.

Và 8 vị Bàlamôn sau khi bàn luận, đã chọn cho Ngài tên gọi là “Siddhattha”, nghĩa là “người thành tựu ước nguyện” hay “người hoàn thành phận sự”.

Cũng trong ngày “lễ đặt tên”, tại sảnh đường của Hoàng tộc ThíchCa, có 80 ngàn gia đình quyến thuộc của Bồtát (cả bên nội lẫn bên ngoại), một cuộc “hội ước” khởi lên rằng: “Thái tử SĩĐạtTa dù ở tại gia hay xuất gia, mỗi gia đình đều cử một người con trai theo hầu. Nếu vị ấy là vua Chuyển luân, sẽ được vây quanh bởi những dũng sĩ trẻ Sátđếlỵ, nếu trở thành Phật cũng được vây quanh đoàn Samôn Sátđếlỵ cao quí”.

Tám vị Bàlamôn sau khi xem tướng Bồtát và xác định “Bồtát sẽ là vua Chuyển luân hay trở thành bậc Chánh giác khi Ngài xuất gia”, cả 8 vị thỏa thuận: “Khi nghe tin Bồtát xuất gia, mỗi gia tộc sẽ có một người xuất gia theo hầu Bồtát, để được nghe Pháp từ nơi Ngài”.

Mỗi vị trở về nhà riêng của mình, 7 vị Bàlamôn cao tuổi nói với thân tộc rằng: “Ta nay đã già, không thể chứng kiến Thái tử SĩĐạtTa con vua Tịnh Phạn giòng ThíchCa xuất gia, chắc chắn vị ấy sẽ thành bậc Chánh giác khi Ngài đi xuất gia. Ta có lời giao ước “có một người trong thân tộc xuất gia, để theo hầu Thái tử  SĩĐạtTa khi vị ấy xuất gia. Vậy khi nghe vị ấy xuất gia, thân tộc ta phải có một người xuất gia theo hầu Ngài, để được nghe Pháp bất tử từ vị ấy”.

Khi nghe tin “Thái tử SĩĐạtTa đã xuất gia, Ngài KiềuTrầnNhư tìm đến gia tộc 7vị Bàlamôn khi xưa, nhắc lại với thân tộc 7 vị ấy “lời giao ước năm xưa”. Hậu duệ 7 gia tộc đồng ý, nhưng khi đến nơi hội chỉ có 4 vị, cả năm người đều xuất gia đạo sĩ thành “nhóm năm” KiềuTrầnNhư (pañcavaggiya). Đó là Koṇḍañña, Vappa, Bhaddiya, Mahānāma và Assaji.

4- Ba mươi hai Đại nhân tướng.

Theo kinh Đai bổn (Mahāpadāna) trong Trường bộ kinh III, Bồtát khi sinh ra có 32 đại nhân tướng là:

1- Lòng bàn chân bằng phẳng (heṭṭhā pādatalesu).

2- Mỗi lòng bàn chân có hình bánh xe ngàn căm, với trục xe, vành xe, đầy đủ các bộ phận (cakkāni jātāni honti sahassarāni sanemikāni sanābhikāni sabbakāra paripūrāni suvibhattantarāni).

3- Gót chân thon dài (puna ca paraṃ).

4- Ngón tay, ngón chân dài (dīgha aṅgulī).

5- Tay chân mềm mại (mudutaḷuna “hattha-pādo”).

6- Tay, chân có màn da lưới([16])(jāla hatthapādo).

7- Mắt cá tròn như con sò (Ussaṅkhapādo).

8- Ống chân như chân con dê rừng (eṇi jaṅgho).

9- Khi đứng thẳng người, có thể rờ đầu gối với hai tay (thitako va anonamanto ubhohi pāni talehi jannukāni parimasati parimajjati).

10- Có tướng mã âm tàng (là ngọc hành ẩn kín trong bọc da dày) (kosohita vatthaguyho).

11- Có màu da như vàng pha với đồng (suvaṇṇavaṇṇo hoti kañcana sannibhattaco).

12- Da trơn láng, bụi không bám vào được (sukhuma-cchavī hoti sukhumattā chaviyā rajojallaṃ kāye na upalippati).

13- Mỗi lỗ chân lông chỉ có một sợi lông([17])(ekakalomo hoti, ekekāni lomāni loma-kūpesu jātāni.

14- Mỗi sợi lông xoáy tròn thẳng lên, có màu xanh đậm như thuốc bôi mắt, xoáy từng xoáy nhỏ nghiêng về hướng phải (uddhaggalomo hoti uddhaggāni lomāni jātāni nīlāni añjana-vaṇṇāni kuṇḍalavattāni padakkhiṇāvattaka jātāni).

15- Thân hình cao, thẳng như thân Phạm thiên (brahma ujju gato).

16- Bảy chỗ tròn đầy(sattussado). Là “hai tay tròn đầy, hai chân tròn đầy, hai vai tròn đầy và thân hình tròn đầy”([18]).

17- Nửa thân trước như thân sư tử (sīha pubbaddhakāyo).

18- Giữa hai vai không lõm, khuyết (citantaraṃsp).

19- Thân thể cân đối như cây bàng (nigrodha). Chiều cao của thân = chiều dài của 2 cánh tay (nigrodha parimaṇḍalo yāvatakvassa kāyo tāvatakvassa vyāmo).

19- Có nửa thân trên vuông, tròn (samavattakkhandho).

20- Có vị giác hết sức nhạy bén (rasaggasaggī).

21- Có quai hàm như hàm sư tử (sīhahanu).

22- Có 40 cái răng([19]), mỗi hàm 20 cái (cattālisadanto).

23- Răng đều đặn, không cao thấp.(sammadanto).

24- Răng không có kẻ hở (avivaradanto).

25- (Bốn) răng nhọn trắng bóng (susukka.dāṭho.

26- Lưỡi rộng dài (pahūta jivho).

27- Tiếng nói như Phạm thiên (brahmassaro)([20]).

28- Âm giọng như tiếng chim Calăngtầngià (karavīka bhānī).

29- Đôi mắt màu xanh thẳm  (abhinīla netto).

30- Hàng lông mi như lông mi con bò cái (gopakkhumo).

31- Giữa hai chân mày có sợi lông trắng mịn như bông, xoắn lại (uṇnā bhamukantare jātā odātā mudutūlasannibhā)[21].

32- Có nhục kế trên đỉnh đầu (như đang đội vương miện) (uṇhīsasīso).

(Trong quyển “Kho Tàng Pháp Học” do ĐĐ Giác Giới biên soạn, có ghi một đặc tướng đại nhân là “lưng bằng phẳng”. Nhưng trong bản kinh Đại Bổn (Mahāpadānasuttanta) và bản kinh Tướng (Lakkhaṇasuttanta) trong Trường bộ kinh, chúng tôi không tìm thấy đặc tướng “lưng bằng phẳng”, như thế thiếu đi một đại nhân tướng, tạm thời chúng tôi chia đặc tướng thứ 27 trong chánh kinh Đại Bổn thành hai là: “Tiếng nói như Phạm thiên” và “âm giọng như chim Karavīka cho tròn đủ 32 đại nhân tướng – Ns).

Có một số nghi vấn như sau:

– Làm sao các vị Bàlamôn biết được “vị giác của Bồtát rất nhạy bén”?

– Phải chăng khi vừa sinh ra Bồtát đã có đầy đủ 40 cái răng?

– Chắc chắn 8 vị Bàn môn chưa từng nghe tiếng chim Karavīka (Calăngtầngià), làm sao các vị ấy biết “âm giọng Bồtát như tiếng chim Karavīka)?

– Vào lúc xem tướng Bồtát, Ngài đã trở lại trạng thái “trẻ sơ sinh” bình thường, Ngài không nói lên. Vì sao các vị Bàlamôn lại biết “tiếng nói của Bồtát như tiếng nói Phạm thiên”?

Xem ra các vị Bàlamôn này “nói theo kinh điển của giáo hệ Bàlamôn”. Tuy nhiên, chính Đức Phật đã thuyết lên điều này trong kinh Đại Bổn.

*Về tướng “ lưỡi rộng dài”.

Một số sách giải thích “khi Đức Phật le lưỡi, lưỡi có thể che khuất khuôn mặt Ngài”.

Cách giải thích này không hợp lý, vì “miệng là một bộ phận của mặt, lưỡi nằm trong miệng. Do vậy, diện tích của lưỡi không thể hơn diện tích của gương mặt”.

*Về “âm thanh như tiếng chim Calăngtầngià” (karavīka).

Loài chim này có tên là “karavīka” vì chúng chỉ sống và sinh sản trong dãy núi Karavīka, nằm sâu trong dãy HyMãLạpSơn và dường như loài chim này đã tuyệt chủng, ngày nay chúng chỉ còn là “loài chim thần thoại”.

Người ta nói rằng “âm thanh loài chim này rất du dương”, khi nghe tiếng chim hót các loài thú ngơ ngẫn, quên cả mục đích đang làm, như: Nai đang chạy để thoát khỏi nguy hại do cọp truy đuổi, nghe tiếng chim kêu, con nai dừng lại lắng nghe, quên cả nguy hiễm đang cận kề, con cọp cũng cũng dừng lại lắng nghe, quên cả việc truy đuổi con nai. Các loài chim ngưng bay, cá quên lội để lắng nghe …

Theo Sớ giải Trường bộ kinh([22]), Hoàng hậu của vua ADục là nàng Asandhimittā được nghe chư Tỳkhưu thuyết giảng: “Đức Phật có 32 đại nhân tướng, trong đó giọng nói của Ngài du dương như tiếng chim Calăngtầngià”.

Bà ao ước được nghe tiếng chim ấy, vua ADục hỏi chư Tỳkhưu nơi trú ẩn của loại chim này, rồi vua cho quân đến núi HyMãLạpSơn để tìm.

Trải qua nhiều năm tháng rất vất vả đầy gian khổ mới tìm được một con chim Calăngtầngià mang về kinh đô Pātaliputta (HoaThịThành), nhưng con chim vẫn im lặng không hề hót.

Đức vua hỏi chư Tỳkhưu, các Ngài đáp rằng “phải có loại xoài ở rừng Tuyết trong dãy Hymãlạp sơn, khi ăn xoài ấy chim sẽ hót”.

Nhưng khi tìm được loại xoài quí ấy rồi, chim ăn xoài vẫn không hót; Đức vua ADục lại hỏi chư Tỳkhưu, chư Tỳkhưu lại trình bày “chim này thường sống có đôi, có lẽ khi đủ cặp nó mới hót”.

Việc tìm kiếm thêm một con chim Calăng tầngià là điều khó thực hiện được, chư Tỳkhưu cho đặt một gương bóng, chim Calăngtầngià nhìn bóng mình trong gương, ngỡ chim bạn và đã hân hoan hót lên.

Nghe tiếng chim hót vi diệu như vậy, Hoàng hậu Asandhimittā hân hoan suy gẫm về âm giọng du dương của Đức Phật, với niềm tin mãnh liệt bà phát triển tuệ quán, chứng quả Dự lưu.

Sách “Đại sử” (Mahāvaṃsa)([23]) có dẫn ra tiền nghiệp của nàng Asandhimittā cùng mối quan hệ của nàng với tiền nghiệp vua ADục như sau:

Trong một kiếp quá khứ, có 3 anh em là những “người bán mật ong”, người anh cả trông coi cửa hàng, còn 2 người em đi tìm mật.

Có vị Phật Độc giác mang chứng bịnh lở loét ngoài da, một vị Phật Độc giác bạn đi tìm mật ong làm thuốc trị bịnh lở loét ấy.

Ngài đi vào thị trấn để tìm mật ong, gặp một cô gái trên đường ra bờ sông để lấy nước, Ngài hỏi cô gái:

– Này cô, nơi nào có mật ong?

Cô gái đưa tay chỉ cửa hàng của người bán mật ong:

– Bạch Ngài, Ngài theo con đường này sẽ tìm được cửa hàng bán mật ong.

– Lành thay, này cô.

Đức Độc giác theo hướng nàng chỉ, đi đến cửa hàng bán mật ong. Nàng thiếu nữ vừa đi lấy nước vừa suy nghĩ “nếu người bán mật không cho Ngài mật ong, ta sẽ mua mật ong để cúng dường cho Ngài”.

Đức Phật Độc giác đi đến cửa hàng của người bán mật ong, người bán mật ong hoan hỷ dâng cho Ngài một bát đầy mật ong.

Sau khi cúng dường mật ong xong, người bán mật ong nguyện rằng “với sự cúng dường mật ong đến Ngài, xin cho con thống trị toàn cõi một đất nước rộng lớn, không bị chia cắt. Xin cho con có uy lực cao và sâu một dotuần”.

Đức Phật Độc giác chúc phúc rằng “Icchitaṃ patthitaṃ tuyhaṃ khippame vasamijjhātu:Mong rằng ước nguyện người trở thành sự thật”.

Trên đường trở ra khỏi thị trấn, Ngài gặp lại cô thiếu nữ đi lấy nước sông trở về, nàng bạch hỏi:

– Bạch Ngài, Ngài có được mật ong không.

– Này cô, có được mật ong.

Và Ngài thuật lại “lời nguyện ước của người bán mật”, nghe xong cô gái suy nghĩ “chắc chắn ước nguyện của người này sẽ thành sự thật trong tương lai, ta hãy tạo thiện nghiệp để cộng hưởng quả phước này”.

Nàng cúng dường đến Đức Phật “khăn trắng để lọc mật ong” và nguyện rằng: “Với phước báu này, xin cho con là một người nữ xinh đẹp, và con sẽ là Hoàng hậu của người bán mật khi ông trở thành vị Đại đế”.

Đức Phật Độc giác cũng chúc phúc nàng “được như ý nguyện”.

Khi hai người em đi tìm mật về, người anh thuật lại câu chuyện; người em kế nói “người xin mật ong hẳn là người Chiênđàla (caṇḍala), vì “nô lệ” thường mặc màu vàng”; người em út nói “hãy ném người này xuống biển đi”.

Nhưng khi nghe người anh chia phước đến mình, cả hai đều hoan hỷ.

Người nói lời “là người nô lệ” chính là sadi Nigrodha, gọi vua ADục bằng chú. Chính vị Sadi này đã tiếp độ vua ADục quay về với Phật pháp, nhưng Ngài Sadi Nigrodha phải sống trong làng nô lệ cả 7 năm.

Người nói lời “quăng vị ấy xuống biển”, là ông Hoàng Tissa em khác mẹ với vua ADục, là người sống sót trong cuộc tàn sát anh em của vua ADục.

Và Ngài cũng bị rơi xuống biển trong một lần du ngoạn trên biển.

Về sau ông Hoàng Tissa xuất gia và thành tựu quả vị ALaHán.

Nàng thiếu nữ chỉ đường chính là Hoàng hậu Asandhimittā (nàng Mittā không mối nối), sở dĩ bà có tên gọi như thế vì các khớp xương tay, xương chân không lộ rõ khi bà duỗi thẳng chân hay tay.

Các khớp xương tay, chân ấy chỉ lộ ra khi bà co chân, co tay lại.

Mỗi ngày bà được vua ADục cho 8 gánh nước được mang từ hồ Anotatta về, để bà tắm (tương đương một cổ xe nước).

Một lần khác, bà đang ăn mía của chư thiên đem đến dâng, Đức vua thấy nàng đang ăn mía, nói rằng “Hoàng hậu ăn mía này là mía của ta”. Bà đáp rằng:

– Thưa Đại vương, mía này phát sinh do phước của thiếp.

Nghe vậy, vua ADục phẫn nộ, nói:

– Nếu là phước của nàng, vậy ngày mai nàng phải có đủ 500 bộ y để ta cúng dường đến 500 vị Tỳ-khưu. Nàng không có ta sẽ chém đầu.

Vua ADục trước đó “nỗi tiếng” là hung vương, ông “đã nói là làm”, nên Hoàng hậu Asandhimittā kinh hoàng. Trong đêm bà trằn trọc lo sợ, bấy giờ những vị chư thiên đang trú ngụ trong kinh thành Pātaliputta suy nghĩ “trong tiền kiếp Hoàng hậu có dâng đến vị Độc Giác Phật tấm vải lọc mật ong, giai thoại này chúng ta đã biết. Nếu không trợ giúp Hoàng hậu thì chúng ta không được tham dự “đại hội chư thiên” hoặc đầu chúng ta sẽ vỡ ra 7 mãnh”.

Rồi một thiên nhân đi đến gặp Hoàng hậu Asandhimittā nói rằng:

– Phước cúng dường vải lọc mật ong khi trước của bà sẽ giúp bà thoát ra tai hại. Đây là “chiếc hộp như ý”, bà muốn có bao nhiêu bộ y, cứ rút y từ trong hộp này ra sẽ có đủ số lượng theo ý của bà.

Hoàng hậu Asandhimittā yên lòng đi ngủ. Sáng hôm sau, từ chiếc “hộp như ý”, nàng rút ra cả ngàn bộ y để cúng dường đến chư Tăng. Vua ADục hoan hỷ với quả phước của Hoàng hậu Asandhimittā và càng tôn quý nàng hơn.

Có lần vua ADục nghe chư Tỳkhưu thuyết giảng “Đức Phật có 32 tướng đại nhân”, ông ao ước “được nhìn thân Phật”.

Và Long vương Mahākāla được chư thiên vời đến (Long vương này từng thấy được thân tướng của bốn vị Phật), Long vương Mahākāla hóa ra thân tướng Đức Phật với hào quang bao quanh một hắc tay (khoảng 0,5m).

Đức vua hoan hỷ rằng “hóa thân mà còn tuyệt hảo như thế, thì còn nói gì đến chân tướng của Đức Thế Tôn”, ông hoan hỷ trọn 7 ngày và tổ chức cúng dường đại thí 7 ngày, cuộc cúng dường này có tên là “Akkhipūjā”.

Các Giáo thọ sư có dạy rằng: “Đức tin trong sạch nương vào Đức Thế Tôn có 4 cách:

Rūpappamāṇikā: Do trông thấy Đức Phật có 32 đại nhân tướng.

Như Bàlamôn Pokkharasādi([24]), Bàlamôn Brahmāyu([25]), Bàlamôn Bāvarī([26])

Ghosappamāṇikā: Do nghe âm giọng êm dịu của Đức Phật.

Lūkhappamāṇikā: Do không phân biệt.

Tức là Đức Phật có tâm bình đẳng với tất cả mọi giai cấp, mọi chúng sinh.

Dhammappamāṇkā: Do nghe pháp từ nơi Ngài([27]).

Có câu hỏi rằng: Vì sao các Bàlamôn biết được vị có 32 đại nhân tướng sẽ là vua Chuyển luân hoặc trở thành vị Chánh giác?

Đáp rằng. Theo Bản sớ giải của bài kinh Đại Bổn thì: Các Bàlamôn cổ sơ, nỗ lực tu tập chứng đạt thiền định cùng các thắng trí (abhiññāṇa), các vị ấy giao tiếp với các vị Phạm thiên, được các vị Thánh ANaHàm Phạm thiên, nhất là Phạm thiên ở cõi Sắc cứu cánh (Akaṇṇitthā) chỉ dạy. Vì các vị Thánh ANaHàm này đã từng  thấy Đức Phật. Và các Bàlamôn cổ sơ dạy lại cho các đệ tử.

5-Nhân quả  ba mươi hai đại nhân tướng([28]).

1-  Ngài có quý tướng lòng bàn chân bằng phẳng”, là do:

– Trong bất kỳ kiếp trước nào, trú ngụ bất cứ chỗ nào, thường có tâm kiên định đối với thiện pháp.

– Không làm ai một ai.

– Thường thọ trì giới Uposatha (Bốtát).

– Hiếu kính với cha mẹ.

– Cúng dường đến các Samôn, Bàlamôn.

– Tôn kính bậc trưởng thượng trong gia tộc.

Lợi ích (quả báu).

– Khi là vua Chuyển luân, không có kẻ thù nghịch.

– Khi là bậc Chánh giác, không có kẻ thù bên trong là “tham, sân, si , phiền não”, kẻ thù bên ngoài không thể làm hại được và Ngài sẽ nhiếp phục mọi kẻ thù nghịch.

2- Ngài có quý tướng lòng bàn chân có hình bábh xe ngàn căm với trục xe, bánh xe và đầy đủ các bộ phận”, là do trong bất kỳ kiếp làm người nào, Ngài đều:

– Giúp nhiều người sống hạnh phúc, trừ diệt mọi kinh hoàng.

– Sắp đạt, bảo vệ, hộ trì đúng pháp.

– Bố thí đến các tùy tùng.

Lợi ích.

– Khi làm vua Chuyển luân có được nhiều hội chúng tùy tùng.

– Khi thành bậc Chánh giác có đông đảo tùy chúng như: Tỳkhưu, Tỳkhưu ni, cận sự nam, cận sự nữ, chư thiên, Atula, các thần rắn, Hương thần (gandhabba), Dạxoa (yakkha), loài phi điểu, loài bốn chân.

3- Ngài có 3 quý tướng “gót chân thon dài; ngón tay, ngón chân thon dài; thân thẳng như thân phạm thiên, là do trong bất kỳ kiếp làm người nào trong quá khứ, Ngài:

– Từ bỏ sát sinh, từ bỏ gậy gộc đao trượng không làm hại chúng sinh khác.

– Hổ thẹn tội lỗi và ghê sợ tội lỗi.

– Có lòng thương tưởng đến chúng sinh khác.

– Hoan hỷ với hạnh phúc của chúng sinh khác.

Lợi ích.

– Khi làm vua Chuyển luân có: Thọ mạng lâu dài, không một kẻ thù nào có thể sát hại được.

– Khi thành bậc Chánh giác thì; Thọ mạng lâu dài, không một kẻ thù nào sát hại được Ngài, dù đó là Samôn, Bàlamôn, chư thiên, Ma vương hay Phạm thiên.

4-Ngài có quý tướng “bảy chỗ tròn đầy, là do:

Khi là người trong bất kỳ kiếp nào ở quá khứ, Ngài thường bố thí vật thực loại cứng loại mềm thượng vị, các loại nước thượng hảo.

Lợi ích.

– Làm vua Chuyển luân được thụ hưởng các món ăn thượng vị loại cứng loại mềm, các loại nước giải khát thượng vị.

– Thành bậc Chánh giác cũng được thụ hưởng như trên.

5- Ngài có hai quý tướng “tay châm mềm mại; tay và chân có lưới da”, là do:

Khi làm người Ngài thực hành bốn nhiếp pháp là: Bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự”.

Lợi ích.

– Khi làm vua Chuyển luân, Ngài khéo nhiếp phục các hội chúng.

– Khi thành bậc Chánh giác, tất cả mọi hội chúng đều được Ngài khéo nhiếp phục.

6- Ngài có hai quý tướng mắt cá tròn như con sò; lông mọc xoáy thẳng lên”, là do:

– Khi làm người, Ngài nói lời lợi ích cho chúng sinh”.

– Nói đúng pháp, nói đúng thời.

– Tán thán đời sống phạm hạnh, đem lại hạnh phúc an lạc cho chúng sinh.

Lợi ích.

– Khi làm vua Chuyển luân, được tài vật tối thắng cao tột đệ nhất (là 7 vật báu: Xe báu, voi báu, ngựa báu, ngọc báu, nữ báu, tướng quân báu và cư sĩ báu).

– Khi thành bậc Chánh giác, Ngài là bậc cao tột nhất thế gian.

7- Ngài có quý tướng “ống chân như con dê rừng, là do:

Khi làm người, Ngài siêng năng học hỏi nghiệp nghệ, mọi kỹ thuật, học thuật và luôn suy tư “làm thế nào nhanh chóng học được, làm thế nào nhanh chóng thành tựu, làm thế nào thành tưu không mệt nhọc, không khó khăn”.

Lợi ích.

Khi làm vua Chuyển luân, Ngài nhanh chóng có được “những vật xứng đáng cho vị vua, những tài sản, những danh xưng cho vị vua”.

– Khi thành bậc Chánh đẳng giác, các tư cụ Samôn, tất cả tài sản Samôn và các danh xưng của Samôn, Ngài có được một cách nhanh chóng, không khó nhọc.

8- Ngài có được quý tướng “da trơn láng, bụi không bám vào được”, là do khi làm người, Ngài hằng đến các vị Samôn, Bàlamôn, học hỏi rằng:

-Thế nào là thiện? Thế nào là bất thiện?

-Thế nào là có tội? Thế nào là vô tội?

– Điền nào nên làm? Điều nào không nên làm?

– Điều nào, nếu làm sẽ mang đến đau khổ, bất hạnh? Điều nào, nếu làm sẽ mang đến hạnh phúc, an lạc lâu dài?

Lợi ích.

– Khi làm vua Chuyển Luân sẽ là bậc có trí không ai sánh bằng.

– Khi thành bậc Chánh giác, Ngài là bậc “đại trí tuệ” trên mọi lãnh vực, không một ai sánh bằng trong bất kỳ lãnh vực nào.

9- Ngài có quý tướng “da vàng như vàng pha đồng”, là do:

– Khi làm người không sân hận, không sầu não …

– Bố thí với nhiều loại y phục: Bằng vải, lụa, tơ mềm mại, len … (theo nhu cầu lợi ích của người thọ dụng).

Lợi ích.

– Khi làm vua, được tất cả vải mềm mại.

– Khi thành bậc Chánh giác cũng được như thế.

10- Ngài có quý tướng mã âm tàng, là do:

Khi là người, Ngài làm cho những người đang chia rẽ trở thành hòa hợp với nhau.

– Giúp những người xa cách nhau lâu ngày gặp lại nhau.

– Giúp cho những người chung quanh sống hân hoan, vui thích.

Lợi ích.

– Khi làm vua Chuyển luân, có được 1.000 người con, những người con đều là bậc anh hùng, dũng mãnh.

– Khi thành bậc Chánh giác, có hơn ngàn người con (chỉ cho bậc ALaHán), có thể nhiếp phục kẻ nghịch.

11- Ngài có hai quý tướng “thân thẳng như cây bàng; đứng thẳng người tay có thể rờ chạm đầu gối”, là do khi là người, Ngài thường quán xét:

– Biết rõ mình, biết rõ người khác.

– Biết rõ sự sai biệt giữa người này và người khác.

-Biết rõ “người này xứng đáng được như vầy”, “người này không xứng đáng được như vầy”.

– Ứng xử thích hợp với mọi người.

Lợi ích.

– Khi là trưởng giả sẽ là “đại trưởng giả”, là chủ của nhiều loại tài sản quý.

– Khi là vua Chuyển luân sẽ là vị làm chủ những kho tàng quý giá, làm chủ 7 báu vật không một ai có.

– Khi là bậc Chánh giác, Ngài là chủ Thánh sản: Tín, giới, tàm, quý, văn, thí, tuệ. Cùng nhiều loại pháp sản khác.

11- Ngài có 3 quý tướng “nửa thân trên như thân sư tử; hai vai không lõm khuyết; nửa thân trên vuông tròn”, là do khi làm người, Ngài:

– Quan tâm đến lợi ích của đại chúng.

– Quan tâm đến sự hạnh phúc của đại chúng.

– Quan tâm đến sự an vui của đại chúng.

– Ngài luôn suy tư “làm thế nào để làm tăng trưởng tín, giới, thí, tuệ, văn” nơi hội chúng.

– Ngài luôn suy tư “làm thế nào cho đại chúng được tăng trưởng tài sản như: lúa, gạo, đất, …”.

Lợi ích.

– Khi làm vua Chuyển luân, Ngài không bị thất thoát tài sản, không bị mất mát hội chúng, mất mát thân tộc, thân hữu.

– Khi thành bậc Chánh giác, Ngài không hề thất bại một điều gì?

12- Ngài có quý tướng “vị giác bén nhạy, là do khi làm người, Ngài luôn có tâm từ, không làm hại bất cứ chúng sinh nào bằng bất cứ khí cụ nào hay bằng tay, bằng chân.

Lợi ích.

– Khi làm vua Chuyển luân, Ngài ít bịnh, ít phiền não, tiêu hóa tốt đẹp, thân điều hòa “không quá nóng, không quá lạnh”..

– Khi thành bậc Chánh giác, Ngài ít bịnh, tiêu hóa tốt đẹp, thân được điều hòa.

13- Ngài có 2 quý tướng “mắt có màu xanh thẳm; lông mi như mi con bò cái”, là do:

Khi là người, Ngài không ngó xiên, ngó xéo, không ngó trộm.

– Khi nhìn, Ngài nhìn với tâm chánh trực, cao thượng([29]).

– Khi nhìn đại chúng, Ngài nhìn với tâm từ hòa.

Lợi ích.

– Khi làm vua Chuyển luân, đại chúng ưa thích nhìn ngắm Ngài.

– Khi thành Phật Chánh giác, các hội chúng như “người, chư thiên, Hương thần, Dạxoa…” thương kính Ngài.

14- Ngài có quý tướng “nhục kế trên đầu như đang đội vương miện, là do khi là người, Ngài:

– Là vị lãnh đạo đại chúng về các thiện pháp.

– Tiên phong trong đại chúng về thực hành “thân, ngữ, ý thiện”.

– Tiên phong trong đại chúng về: Bố thí, trì giới, thực hành giới uposatha, hiếu kính cha me, lễ kính các Samôn, Bàlamôn, cung kỉnh các bậc trưởng thượng.

Lợi ích.

– Khi là vua Chuyển luân, được các hội chúng trung thành.

– Khi thành bậc Chánh giác, Ngài được các hội chúng tuân thủ theo lời dạy của Ngài.

15- Ngài có hai quý tướng “mỗi lỗ chân lông có một sợi lông; có sợi lông trắng giữa hai chân mày”, là do khi làm người, Ngài;

– Nói lời chân thật, y cứ vào sự thật.

– Nói lời chắc chắn đáng tin cậy.

-Không thất hứa với một ai.

Lợi ích.

– Khi là vua Chuyển luân, tất cả hội chúng đều tuân thủ theo ý Ngài.

– Khi thành bậc Chánh giác, các hội chúng: Tỳkhưu, Tỳkhưu ni, cận sự nam, cận sự nữ, nhân, thiên, Atula, Dạxoa, Hương thần, rắn, phi điểu, loài bốn chân, tuân thủ theo ý Ngài.

16- Ngài có hai quý tướng “có 40 cái răng; răng không có kẻ hở”, là do khi làm người, Ngài:

– Không nói lời chia rẽ.

– Giúp những người đang chia rẽ sống hòa hợp.

– Hoan hỹ sống hòa hợp.

– Nói lời dẫn đến hòa hợp.

Lợi ích.

-Khi là vua Chuyển luân, chúng tùy tùng của đức vua không chia rẽ.

– Khi là bậc Chánh giác, chúng tùy tùng của Ngài không chia rẽ.

17-  Ngài có hai quý tướng “lưỡi rộng dài; âm giọng như tiếng chim Calăngtầngià”, là do khi làm người, Ngài:

– Từ bỏ lời độc ác, tránh xa lời độc ác.

– Nói lời êm dịu làm đẹp lòng nhiều người, hài lòng nhiều người.

Lợi ích.

-Khi là vua Chuyển luân, lời nói Ngài được các hội chúng chấp nhận.

– Khi là bậc Chánh giác, lời của Ngài được các hội chúng chấp nhận.

17-Ngài có quý tướng “hàm sư tử”, là do khi là người, Ngài:

– Không nói lời vô ích.

– Nói đúng thời.

– Nói chân thật.

– Nói những lời về Pháp, về Luật.

-Nói những lời có ý nghĩa đáng gìn giữ trong tâm.

– Nói những lời có lợi ích.

Lợi ích.

– Khi là vua Chuyển Luân, Ngài không bị ai chinh phục, Ngài chinh phục được những kẻ nghịch.

– Khi là bậc Chánh giác, Ngài không bị ai chinh phục và Ngài chinh phục tất cả những kẻ nghịch.

18- Ngài có hai quý tướng “răng đều đặn; răng nhọn trắng bóng”, là do khi là người, Ngài:

– Sống chánh mạng.

– Lánh xa sự nuôi sống tà mạng như: Cân gian lận, lừa đảo, gian trá, hối lộ …

Lợi ích.

Khi là vua Chuyển luân,  Ngài trị nước bằng pháp, sở hữu 7 báu là: Xe báu, voi bau, ngựa báu, ngọc báu, nữ báu, tướng quân báu và cư sĩ báu.

– Khi thành bậc Chánh giác, các tùy chúng của Ngài là những bậc an tịnh.

Ngoài 32 đại nhân tướng, khi Bồtát thành bậc Chánh giác, Ngài có thêm 80 tướng phụ([30]).

Lại nữa, nếu như Kinh Đại bổn là “bản sao lý lịch” của Đức Phật Gotama, thì khi mới sinh ra, Ngài có được thiên nhãn do “phước nghiệp sinh”, nhờ đó Ngài có thể thấy khắp chung quanh 1 dotuần, ban ngày cũng như ban đêm([31]).

Khi vua Tịnh Phạn được biết Bồtát thấy bốn hiện tượng: Già, bịnh, chết và vị Samôn, Đức Bồtát sẽ đi xuất gia.

Vua Tịnh Phạn ra lịnh “đừng để những điều này đến gần con trai ta”, đức vua cho quân canh giữ 4 hướng, cách xa Hoàng cung một gāvuta (= 4km), ngăn chận “những người già, những người bịnh cả những vị Samôn không được đến gần Hoàng cung”.

Sau “lễ đặt tên” hai ngày, Hoàng Hậu Māyā từ trần, vua Tịnh Phạn cho tuyển những nhũ mẫu xinh đẹp, không khuyết tật để chăm sóc Bồtát.

Sau đó không bao lâu, bà Hoàng Pajāpaṭigotamī sinh được vị tử hoàng là Nanda, bà giao Nanda cho đoàn nhũ mẫu chăm sóc, riêng bà chăm sóc Bồtát SĩĐạtTa. Hẵn “khi Hoàng hậu Māyā sắp mệnh chung, có giao phó con mình đến Hoàng hậu Pajāpatigotamī chăm sóc và nuôi dưỡng”.

Trong tập Apdāna có ghi nhận lời kệ của bà Pajāpatigotamī như sau:

“Muhutta taṅhāsamanaṃ khīraṃ tvaṃ  pāyito mayā …

Nhờ con, Ngài đã được uống nước sữa,

làm dịu khao khát trong chốc lát …”([32]).

Bà Hoàng Pajāpaṭigotamī về sau có thêm nàng công nương là Nandā, nàng có mỹ danh là “Janapadakaḷyānī” (Hoa khôi quốc độ), nàng chính là vị hôn thê của Hoàng tử Nanda (anh ruột của nàng) và Hoàng tử Nanda đã đi xuất gia trong ngày hôn lễ ([33]).

Kinh điển không ghi nhận nàng Nandā được bao nhiêu tuổi khi làm lễ thành hôn với Hoàng tử Nanda?

Thông thường nữ nhân trong giòng ThíchCa, lại là người “nổi tiếng xinh đẹp” thì khoảng 16 tuổi đã “lập gia đình”, như bà Hoàng Māyā hay bà DaDuĐàLa chẳng hạn. Nếu như “Hoa khôi quốc độ Nandā” thành hôn lúc 16 tuổi, thì  sau khi sinh ra Hoàng tử Nanda, mãi 20 năm sau bà Pajāpaṭigotamī mới có con; khi ấy bà hơn 60 tuổi, âu cũng là chuyện lạ (theo thông thường người nữ ở độ tuổi này khó mang thai).

Không như vậy, thì khi nàng Nandā thành hôn, chí ít nàng cũng từ 20 tuổi trở lên. Tức là khoảng hơn 55 tuổi bà Gotamī mới sinh ra nàng Nandā, điều này có thể chấp nhận được.

Mặt khác, một số tử hoàng như Ngài Ānanda, Anuruddha, Bhagu, Kimbila … cũng không “vướng bận thê nhi” khi ra đi xuất gia, cũng là “chuyện lạ” trong vương tộc ThíchCa.

Có khả năng “do lời ước hẹn: sẽ có một nam tử trong gia tộc theo phò tá Bồtát”, nên các vương tử trong giòng ThíchCa “không màng lập gia đình”,  đồng thời không lưu ý đến nàng “hoa khôi kiều diễm Nandā” chăng?

Dòng thời gian êm ả trôi, Bồtát lớn lên trong sự rực rỡ nhung gấm của Hoàng cung.

6- Lễ hạ điền.

Theo phong tục thời ấy, trước khi cày ruộng để gieo mạ, người ta tổ chức “lễ cúng ruộng”, cầu xin nữ thần đất Kālī, giúp cho họ được trúng mùa.

Khi Bồtát được 7 tuổi, vào lễ Hạ điền, vua cùng hoàng tộc ThíchCa ra ruộng để làm lễ. Đức vua cho mang lụa che một chỗ mát dưới cội cây trâm (jambū) cho Bồtát nghỉ, rồi Đức vua cùng Hoàng tộc ra đồng cày ruộng.

Lễ hội diễn ra rất nhộn nhịp, các phi tần trông nom Bồtát cũng lén dự lễ hội, bỏ mặc Bồtát ngồi một mình dưới cội cây trâm.

Khung cảnh trở nên yên tịnh, Bồtát nhìn ra phía lễ hội Ngài trông thấy những con trâu đang kéo cày, làm bật lên những khối đất lớn, những con giun oằn oại đau đớn, rồi những con chim bay đến mổ lấy những con giun, những người lớn lại giăng lưới bắt những con chim …

Bồtát cảm thấy chán nản, Ngài ngồi xếp bằng tréo chân (tư thế kiết già), nhắm mắt để khỏi phải trông thấy những cảnh trên, Ngài “chú ý vào hơi thở”, chứng đắc Sơ thiền.

Đây là sự kiện quan trọng, giúp Ngài từ bỏ “lối tu khổ hạnh” sau này, thực hành con đường trung đạo tìm ra “phương án” giải thoát khỏi sinh tử luân hồi.

Vào xế chiều, cuộc lễ đã mãn, vua Tịnh Phạn trở lại nơi Bồtát nghỉ, để đưa Ngài về hoàng cung, một điều lạ là “các cây khác đều xế bóng, riêng bóng cội trâm vẫn đứng thẳng như “cái lọng che mát cho bậc Đại sĩ”. Nhìn thấy hiện tượng hy hữu này, lại thấy Bồtát đang trầm tư trong thiền tịnh, đức vua liền quỳ xuống đảnh lễ Bồtát và nói “đây là lần thứ hai ta đảnh lễ con”.

Hỏi ra, Đức vua mới biết “vì sao Đấng Đại sĩ không hân hoan trong lễ hội, lại trầm tư trong thiền tinh”. Đức vua cảm thấy lo lắng “Thái tử còn nhỏ mà như vầy, hẳn sau này sẽ ra đi xuất gia”.

Và Đức vua đã nuôi dưỡng Bồtát thật tế nhị, tránh cho Bồtát “không phải thấy những điều cơ cực của thế gian”, Đức vua cho xây dựng ba hồ sen: Hồ sen xanh, hồ sen hồng, hồ sen trắng để làm nơi vui chơi của Bồtát; mang những hương chiên đàn từ Kāsi đến cho Bồtát sử dụng, y phục của Bồtát là loại vải thượng hạng xứ Kāsi; ngày đêm đều có chiếc lọng trắng che mát cho Bồtát ([34]).

7- Giáo dục.

Kinh điển Nam truyền không ghi chép về “sự học tập” của Bồtát SĩĐạtTa, nhưng với một hậu duệ được tiên đoán là “vị Chuyển luân vương trong tương lai”, chắc chắn Bồtát được đào luyện bởi những vị thầy thông thái vào bậc nhất trong thời đó.

Sách Lalitavistara (kinh Phổ Diệu) ([35]) có mô tả “sự học tập của Bồ- tát”, và dường như Bồtát đã thông suốt mọi môn học, luôn cả võ thuật trước khi gặp các vị thầy.

Sách Milinda Pañhā (VuaMilinda hỏi) có đưa ra “danh sách 5 vị thầy của Bồtát” là:

– Vị thầy đầu tiên là Bàlamôn Rāma, vị cao niên nhất trong 8 vị Bàlamôn xem tướng Bồtát trong ngày lễ “đặt tên”, vị này dạy cho Bồtát ba bộ Veda.

– Vị thầy thứ hai là Bàlamôn Sabbanimitta, vị này dạy Bồtát những chú thuật của Bàlamôn, cùng các nghi lễ và đại nhân tướng.

– Vị chư thiên hóa hiện 4 hiện tượng “già, bịnh, chết và xuất gia”.

– Đạo sĩ Ālāra Kālāma.

– Đạo sĩ Udaka Rāmaputta([36]).

Cho dù các sách “lịch sử Đức Phật” có trình bày khác nhau về “học tập” của Bồtát, nhưng tựu trung đều chấp nhận “Ngài được giáo dục hoàn hảo cả văn lẫn võ”

8- Trưởng thành.

Khi Đấng Đại sĩ được 16 tuổi, vua Tịnh Phạn cho kiến tạo ba tòa lâu đài: Một cho mùa lạnh có tên là Ramma cao 9 tầng, một cho mùa nóng tên là Suramma cao 7 tầng, một cho mùa mưa tên là Subha cao 5 tầng; tuy cả ba tòa lâu đài có số tầng chênh lệch như thế, nhưng tất cả đều cao bằng nhau([37]).

Đức vua suy nghĩ “Thái tử đã đến tuổi trưởng thành. Ta hãy truyền ngôi cho Thái tử để vương quốc của ta được mở rộng”.

Vua Tịnh Phạn nói với Bồtát rằng: “Này con, con hãy thành lập gia thất đi, hãy gửi tin “phiền muộn”đến các hoàng tộc ThíchCa, rồi cha trao vương vị cho con”.

Nhưng thông điệp “tuyển thê” của Thái tử không được các danh gia dòng ThíchCa đáp ứng, các vị ấy bảo:

– Thái tử tuy xinh đẹp, nhưng không có tài cán chi, không thể nuôi vợ con được, chúng ta sẽ không gã con gái cho Thái tử SĩĐạtTa”.

Nghe tin phản hồi này, vua Tịnh Phạn đi đến nói với Bồtát rằng:

-Này Thái tử, các Hoàng tộc ThíchCa không gã con gái cho con.

– Thưa cha, vì sao vậy?

– Vì con không có nghiệp nghệ chi cả.

– Con phải làm gì để chứng tỏ có nghiệp nghệ?

– Con phải chứng tỏ là tay “cung thủ”.

– Được rồi, hãy mang cung tên đến cho con.

Nhưng những cánh cung quá yếu so với sức mạnh của vị Đại sĩ, những cây cung đã bị gẫy khi Ngài kéo mạnh dây cung; cuối cùng người ta phải mang đến cho Ngài cây cung năng đến “một ngàn người khiêng”.

Vị Đại sĩ ngồi kiết già, dùng ngón chân buộc dây cung vào thân cung; rồi tay trái giữ cánh cung, tay phải kéo dây cung buông ra, tiếng rung bật của dây cung vang lên như sấm nổ. Cả thành CaTỳLaVệ kinh động bởi “tiếng bật dây cung” đó, họ hỏi nhau rằng: “Tiếng gì thế? Có phải thần sấm đang nổi giận”.

Những người biết chuyện đã nói rằng: “Không phải tiếng sấm, không phải thần sấn nổi giận. Đây là tiếng bật dây cung có sức nặng 1.000 người khiêng, Thái tử Aṅgirasa đã kéo thẳng dây cung và buông ra, tiếng bật dây cung vang như tiếng sấm”.

Nghe được điều này, các vương tộc ThíchCa hài lòng, phấn chấn, nhưng rồi họ lại bàn với nhau rằng “Thái tử tuy có sức mạnh như thế, nhưng nghệ thuật bắn cung có điêu luyện chăng? Hay vị ấy chỉ có sức mạnh mà thôi?”.

Nghe vậy, vua Tịnh Phạn đi đến bảo Bồtát:

– Này con, tuy con kéo nổi cây cung ngàn người khiêng, nhưng các hoàng tộc chưa hài lòng lắm.

– Thưa cha, vì sao vậy?

– Các Hoàng tộc cho rằng “con chỉ có sức mạnh”, nhưng nghệ thuật bắn cung chẳng biết có điêu luyện không?

– Thưa cha, nếu vậy hãy tập hợp các hoàng tộc lại, con sẽ biểu diễn nghệ thuật bắn cung.

Khi các hoàng tộc dòng ThíchCa tề tựu đầy đủ, thông qua vua Tịnh Phạn, Bồtát biểu diễn nghệ thuật “bắn cung” theo yêu cầu của họ là([38]):

Bắn một mũi tên xuyên qua tấm sắt dày 8 đốt tay.

Bắn một mũi tên xuyên qua tấm gỗ Asana dày 4 ngón tay.

Bắn mũi một mũi tên xuyên qua cây Sung dày 12 ngón tay([39]).

Bắn xuyên qua toa xe chở đầy cát.

Bắn mũi tên xuyên qua một xe đầy cát và một xe đầy rơm.

Bắn một mũi tên xuống nước sâu đến một usabha”([40]).

Bắn mũi tên xuống đất sâu 8 usabha.

Bắn trúng lông đuôi ngựa đặt cách xa 1 dotuần (tương truyền mắt Bồtát có thể nhìn thấy sợi lông đuôi ngựa đặt cách xa 1 dotuần, dù là ban ngày hay đêm. Đây là do “phước nghiệp sinh”)[41]

Các Hoàng tộc giòng ThíchCa hài lòng. Vào ngày tuyển chọn “vị Chánh hậu tương lai” qua cuộc thi “sắc đẹp”, các cô gái giòng ThíchCa trang điểm xinh đẹp để đi dự lễ hội. Và người “đệ nhất mỹ nhân” là công nương DaDuĐàLa đã làm trái tim của Thái tử SĩĐạtTa rung động.

Chính nàng “hoa khôi quốc độ Nandā” cũng thừa nhận rằng:

Yuvatīnañca sabbāsaṃ kaḷyāṇīti ca vissutā,

Tasmimpi nagare ramme ṭhapetvā ca yasodharā:

“Và cũng trong thành phố([42]) đáng yêu ấy, tôi đã được nỗi danh là “mỹ nhân” trong số tất cả các thiếu nữ ngoại trừ DaDuĐàLa”([43]).

Qua kệ ngôn trên, xem ra nàng Nandā là “người đẹp thứ hai (Á hậu)” của hai vương quốc ThíchCa và Koliya.

Sách Lalitavistara có ghi nhận “vua Thiện Giác không đồng ý gã công chúa DaDuĐàLa cho Thái tử SĩĐạtTa”, vua mở cuộc thi tài giữa các vương tử trong hoàng tộc, người chiến thắng sẽ nhận được công nương DaDuĐàLa.

Trong cuộc thi tài này, đã hội tụ tất cả những bậc tài giỏi, bất luận sang hèn, bất phân giai cấp.

Thời kỳ ấy có những nhân tài nỗi tiếng như: Vương tử Ānanda, Nanda, Devadatta, Anuruddha (ANaLuật) …

Sách Lalitavistara ghi nhận: Cuộc tranh tài gồm ba môn: Đấu kiếm, bắn cung và đấu vật và có 500 thanh niên tham gia.

Sách Mahāvastu (Đại sự) thì ghi nhận:Bắn cung, chém cây và đua ngựa.

Cuộc thi đầu tiên là bắn cung: Vương tử Nanda mang cái bia đặt xa 6 yovo (tương đương 434 m); vương tử Anuruddha đặt bia xa 6 yovo, vương tử Devadatta đặt bia xa 8 yovo; Bồtát đặt bia xa 10 yovo.

Ba vị vương tử đều bắn trúng vào bia của mình, khi Bồtát bắn cung, các cây cung không chịu nổi sức kéo của Ngài, tất cả đều gẫy đôi và Ngài dùng cây cung “được ngàn người khiêng”, bắn mũi tên xuyên qua bia rồi cắm sâu xuống đất chỉ ló chuôi tên lên; không ai nhỗ được mũi tên lên, chỉ có Ngài mới thực hiện được, nơi ấy trở thành cái giếng, có tên là “giếng tên” (kupasara).

(Trong cuộc tranh tài này có vương tử Devadatta, xem ra vương tử Devadatta là anh của công nương DaDuĐàLa).

Môn thứ hai là “chém cây”, các võ sĩ thi nhau chém cây trong rừng, vương tử Nanda chém đứt lìa cây to nhất với một nhát kiếm.

Đến khi Bồtát dự thi, trong rừng không còn cây nào to hơn cây của vương tử Nanda vừa chém đứt, gần đó có 2 cây mỗi cây to bằng cây của vương tử Nanda chém đứt, Bồtát đến gần rút gươm ra chém đứt cả hai cây một lúc, nhưng động tác quá nhanh nên cây “không kịp ngã xuống”.

Đại chúng la lên “Thái tử thua rồi”, nghe vậy công nương DaDuĐàLa bàng hoàng ngất xỉu; một cơn gió thổi qua làm rung chuyển cây và hai cây cổ thụ cùng ngã xuống, đại chúng lại reo lên “Thái tử thắng rồi” và công nương DaDuĐàLa đã tỉnh dậy vui mừng.

Khi thi đua ngựa, Bồtát cưỡi thần mã KiềnTrắc vượt thắng xa các vị vương tử. Vương tử Devadatta không phục rằng “nếu ta có ngựa KiềnTrắc, ta cũng sẽ thắng như Thái tử SĩĐạtTa mà thôi”.

Bồtát đáp rằng “nếu ai cưỡi được ngựa KiềnTrắc này, xem như người ấy thắng cuộc”.

Nhưng không một ai có thể cưỡi được ngựa KiềnTrắc, nó trở nên hung dữ khi có người cưỡi lên lưng nó, ngựa lồng lên và quật ngã tất cả những kỵ sĩ trên lưng, chỉ có vương tử Anuruddha (ANaLuật) ngồi được trên lưng ngựa một chút, nhưng  ngựa không chịu bước đi.

Đại chúng la lớn rằng “Thái tử thắng tuyệt đối rồi”.

Lễ cưới được diễn ra long trọng của hai vương quốc Sākya và Koliya.

Sau đó vua Tịnh Phạn làm lễ “quán đảnh” cho Bồtát và nàng DaDuĐàLa trở thành vị Hoàng hậu của Đức vua SĩĐạtTa.

Tuy được phong vương nhưng vua Tịnh Phạn vẫn e ngại tân vương thấy “cảnh khổ già, bịnh, chết” rồi từ bỏ ngai vàng đi xuất gia, nên vua Tịnh Phạn vẫn nắm quyền điều hành và vị “Tân vương” vẫn sống trong ba tòa lâu đài của mình”.

Tóm lại, vị “Tân vương” chỉ có hư vị mà không có thực quyền.

Mười hai năm trôi qua, Bồtát được 28 tuổi, các vị thiên nhân e ngại Đấng Đại sĩ “say mùi tục thế”, rồi quên lãng mục đích “giáng trần” của  mình, nên tìm cách nhắc nhở Đấng Đại sĩ.

Một đêm nọ, Đấng Đại sĩ nằm mộng “thấy mình đi lạc vào một nơi tăm tối, Ngài cố tìm đường ra khỏi nơi ấy, khi ra khỏi “vùng tăm tối” Ngài chợt tỉnh thức” (chư thiên báo mộng nhắc nhở Đấng Đại sĩ).

Tỉnh mộng, Ngài cảm thấy tinh thần bải hoải, tâm Ngài băn khoăn “hẳn có điều gì bất ổn cho ta đây, giấc mộng này không phải là điềm lành”.


([1])– Sn. 689.

([2]) – BvA. Lịch sử  Đức Phật Cồ-đàm (Gotamabuddhavaṃsavaṇṇanā).

([3])– Ibid. 487.

([4])Sn.131, Kinh Nālaka (Nālakasuttaṃ)

([5])– Sn. 131. Chương Đại  phẩm (Mahāvaggo), kinh Nālaka (Nālakasuttaṃ) (693).

([6])– ĐĐ Thiện Phúc (d). Chú giải Người và Cõi.

([7])– DhpA. Kệ ngôn số 30.

([8])– Dhp A. Câu số 30.

([9])– A.iv, 100. Chương bảy pháp. Kinh Mặt trời.

([10])– A.iv, 117. Chương 7 pháp. Kinh Koviḷāra Pāricchatta.

([11])– ĐĐ Thiện Phúc (d). Chú giải NGƯỜI và CÕI.

([12])– Dv. 184, 195, 219.

([13])– S.i,  .Tương ưng Sakka (ĐếThích).

([14])– DhpA. Câu số 30.

([15])– Ngài Koṇḍañña được xem như “thần đồng” trong giáo hệ Bàlamôn, khi ấy Ngài chỉ là một thanh niên.

([16])– Giống như người mang tất dài, đeo bao tay dài – Ns.

([17])– Có người có “nhúm lông” trên người, nghĩa là “mỗi lỗ chân lông có 2 hay ba sợi lông” – Ns.

([18])– D.iv, kinh Tướng (lakkhaṇasuttanta).

([19]) Người thường chỉ có 28 hoặc 32 cái răng, bậc hữu phược có 36 cái răng.

([20])– Tiếng nói của Phạm thiên có 8 đặc điểm: Lưu lót, dễ hiểu, dịu ngọt, nghe rõ ràng, sung mãn, thâm sâu, phân minh, vang xa (xem DA.).

([21])– Sợi lông này xoắn lại như “nhúm bông” mịn và êm.

([22])DA.ii, 453.

([23])– Mhv. Chương V. Cuộc kết tập Phật ngôn lần thứ III.

([24])– D.i, Abatthasuttanta.

([25])– M.iii, Brahmāyusuttaṃ .

([26])– Sn. Kinh Con đường đến bờ kia (Pārāyanasuttaṃ)

([27])– Đức Bửu Chơn (d). Kho tàng pháp bảo. Pháp bốn chi.

([28])– Xem D.iv, kinh Tướng (Lakkhaṇasuttanta).

([29])– Là chỉ cho cách nhìn nữ nhân của Bồtát.

([30])– Xem ĐĐ Giác Giới (biên soạn). Kho tàng pháp học.

([31]) – D.iii, kinh Đạibổn (Mahāpanādasuttanta).

([32])– Ap. ĐĐ Nguyệt Thiên (d). Thánh nhân ký sự. Ký sự về Mahāpajāpaṭigotamī, số 259.

([33])– Ud. 21. Chương III, kinh Nanda; Ap. Nandājanapadakaḷyānī apadānaṃ (Ký sự nàng Nandā mỹ nhân xứ  sở).

([34])– A.i, 115. Pháp ba chi. Kinh “Được nuôi dưỡng tế nhị” (sukhumālosuttaṃ).

([35])– Bộ kinh này của Bắc truyền –Ns.

([36])– Đức Giới Nghiêm (d). Mi-tiên vấn đáp II. Chương II, câu số 9.

([37])– A.i, 115.

([38])– Xem JA. Sarabhaṅgajātaka.

([39])– Chữ Vidatthi là “1 gang tay # 12 ngón tay”.

([40])– Một usabha = 140 cubit; một cubit = 45,7 cm; 1 usabha# 64 m.

([41])– D.iii, kinh Đại Bổn (Mahāpadānasuttanta).

([42])– Là kinh thành CaTỳLaVệ (Kapilavatthu).

([43])– ĐĐ Nguyệt Thiên (d). Thánh nhân ký sự II (apadāna). Ký sự nàngNandā – Mỹ nhân của xứ sở (Nandājanapadakaḷyānī apadānaṃ), sộ8.

Các bài pháp trong cuốn Đức Phật Và 45 Năm Hoằng Pháp Độ Sinh do Tỳ-khưu Chánh Minh biên soạn.

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app