Chương II. Giòng dõi.
1- Họ Gotama (CồĐàm).
* Bộ tộc Aṅgirasa.
Ngoài tên gọi là Siddhattha (SĩĐạtTa), Bồtát còn được vua Tịnh Phạn gọi là “Aṅgirassa”([1]).
Tên Aṅgirasa (hay Aṅgirassa) được nhắc nhiều lần trong Kinh Tạng, tên này được dùng chỉ cho Đức Phật, như:
“Ta là con Đức Phật, Ngài thắng bậc bất thắng.
Bậc Ăng-gí-rá-sá; bậc không ai sánh đươc… (HT.TMC dịch)([2]).
Hoặc: Bàlamôn Piṅgiyāni đã tán thán Đức Phật
… Xem Aṅgīrasa; chiếu hào quang sáng chói …” (HT.TMC dịch)([3]).
Từ nguyên “Aṅgirassa” này có nhiều cách giải thích:
– Theo Ngài Buddhaghosa, từ “Aṅgirassa” là “phát sáng hào quang nhiều màu từ thân”, và từ này dùng chung cho “chư Phật Chánh giác”.
– Theo Ngài Dhammapāla, từ “Aṅgirassa” chỉ cho “những thành đạt đức hạnh cao tột”.
– Theo Bản Sớ giải Phật Tông (Buddhavaṃsa), từ “Aṅgirassa” là tên riêng của Bồtát SĩĐạtTa.
Khi Bồtát SĩĐạtTa kéo dây cung của cây cung có sức nặng “một ngàn người khiêng rồi buông dây, tiếng bật dây cung vang như sấm động khắp thành CaTỳLaVệ”, dân chúng bàng hoàng bảo nhau: “Thần sấm đang nổi giận”.
Có người biết chuyện nói rằng: “Tumhe na jānātha, na gajjati, aṅgirasassa kumārassa … “Không phải sấm, không phải thần sấm nổi giận. Đó là hoàng tử Aṅgirasa bật dây cung …”([4]).
– Theo truyền thống Veda (Vệđà), dòng dõi Gotama thuộc bộ tộc Aṅgirasa, do đó Bồtát có tên Aṅgirassa xem như người thừa kế của “bộ tộc”.
Vua Mahāsammanta là vị Phạm thiên tái sinh([5]) xuống cõi người vào thời ác pháp đã xuất hiện trong nhân loại([6]).
Ngài được đại chúng đề cử là vị lãnh đạo, và được đại chúng cung cấp một phần lợi tức là hoa màu của họ([7]).
Trong thời kỳ này không có hình phạt như tra tấn, phạt vạ chỉ có khiển trách, hình phạt cao nhất là “trục xuất khỏi vùng đất do Mahāsammanta cai quản”(sđd), thế là có các quốc độ khác hình thành.
Nói cách khác vị thống lĩnh Mahāsammanta “cai trị quốc độ” theo pháp và vua Mahāsammanta là “tiền thân của Đức Phật Gotama”.
Theo Sớ giải bộ Thiên cung sự (Vimānavatthu atthakathā), chữ Mahāsammanta ngoài danh hiệu chỉ cho vị Manu, còn được dùng chỉ cho “giáo pháp” (sāsana)([8]).
Theo Sớ giải kinh Bổn sinh (Jātaka atthakathā)([9]), con vua Mahāsammanta là Roja, con Roja là Vararoja, con Vararoja là Kaḷyāna, con Kaḷyāna là Varakaḷyāna, con Varakaḷyāna là Uposatha, con Uposatha là Mandhātu (hay Mandhātā).
Vua Mandhātu lại là tiền thân của Đức Phật Gotama, là vị “đệ nhất hưởng dục lạc”. Như kinh văn:
Etadaggaṃ , bhikkhave , kāmabhogīnaṃ yadidaṃ rāja mandhātā:
“Này chư Tỳkhưu, trong các vị hưởng dục lạc, tối thắng là vua Madhātā”([10]).
Vua Mandhātu hưởng dục lạc tại cõi trời Đạo lợi là 36 đời vua trời ĐếThích, nhưng không thể thỏa mãn với dục vọng, vua Mandhātu suy nghĩ “một nửa vương quốc Đạolợi có nghĩa gì đối với ta, ta hãy giết ĐếThích để cai trị toàn thiên quốc này”.
Khi vừa suy nghĩ ác tâm như thế, phước của vua Chuyên luân Mandhātu tổn giảm, thọ mạng của vua sắp chấm dứt và vua trời Đế Thích đã đưa vua Mandhātu trở về cõi người, 7 ngày sau vua Madhātu mệnh chung.
Do vậy, Đức Thế Tôn có dạy:
Na kahāpaṇavassena; titti kāmesu vijjati.
Appassādā dukhā kāmā; iti viññāya paṇḍito:
Dầu mưa bằng tiền vàng; các dục khó thỏa mãn.
Dục đắng nhiều, ngọt ít; biết vậy là bậc trí” (HT. TMC dịch)([11]).
Theo Bản Sớ giải kinh Trường bộ ([12]): “Vua Mandhātu có con là Varamandhātu, con Varamandhātu là Uposatha, con của Uposatha là Vara, con của Vara là Upavara, con của Upavara là Maghadeva([13]).
Tiếp đến giòng này được truyền thừa đến 84.OOO đời.
* Họ Gotama.
Một hậu duệ của vua Mahāsammanta là Aṅgīrasa([14]), thành lập quốc độ riêng, quốc độ này có tên là “Aṅgirasa”.
Về sau vua Aṅgirasa xuất gia làm đạo sĩ, theo học tập với ẩn sĩ Gotama, nên được gọi là Aṅgirasa Gotama.
Ngài Aṅgirasa Gotama thực hành pháp nhẫn nại và bị vua Ajjuna có ngàn tay bắn chết bằng mũi tên tẩm độc.
Tương truyền, thuở quá khứ có một Quốc độ Mahiṃsaka, trị vì vương quốc này là Đức vua Ajjuna, vua Ajjuna là người tà kiến.
Một hôm, vua Ajjuna đi săn trong rừng, nơi có đạo sĩ Aṅgirasa đang tu tập và vua Ajjuna đã bắn chết đạo sĩ Aṅgirasa, khi đạo sĩ khuấy động xua đuổi thú rừng chạy thoát khỏi sự săn đuổi của vua Ajjuna.
Sau khi bắn chết đạo sĩ Aṅgirasa, do mãnh lực ác nghiệp quá nặng, vua Ajjuna bị đất rút, rơi vào địa ngục Đa khổ có tên là Sattisūlanaraka. Như trong bổn sanh Sarabhaṅga có ghi rằng:
“Atthajjuno niraye sattisūle
Avaṃ siro patito uddhaṃ pādaṃ
Aṅgīrasaṃ Gotamaṃ haṭhayitvā
Khantiṃ tapassiṃ cirabrahmacāriṃ “.
“Ajjuna rơi vào địa ngục Sattisūla
Có đầu ở dưới chân phía trên,
Khi giết Aṅgirasa Gotama
Người thực hành phạm hạnh với nhẫn nại nhiệt tâm”([15]).
Ẩn sĩ Gotama đi đến nơi ngụ của ẩn sĩ Aṅgirasa Gotama, thấy tinh dịch của ẩn sĩ Aṅgīrasa hòa với máu phát sinh ra một cái trứng, đạo sĩ Gotama mang trứng ấy về, nhờ ánh sáng mặt trời trứng nở ra một bé trai và một bé gái.
Đứa bé trai khi khóc thì ánh sáng từ miệng phát ra, nên được đặt tên là Okkāka (xuất phát từ chữ Ukkā), còn bé gái thì được đặt tên là Sobhavatī và Gotama dùng làm họ cho bé gái, vì dân bản địa Ấn cổ là Dravidian theo chế độ mẫu hệ.
Xét về phụ mẫu hệ của Bồtát SĩĐạtTa, chúng ta thấy Bồtát theo họ mẹ, điều này chứng tỏ Ngài là dân tộc bản địa là Dravidian, không phải chủng tộc Ariyan (chủng tộc Ariyan theo phụ hệ) như một số tư liệu ghi nhận.
Khi Okkāka trưởng thành, được đạo sĩ Gotama trợ giúp và Okkāka trở thành quốc vương của vương quốc Aṅgirasa.
Đức vua Okkāka lập nàng Sobhavatī làm chánh hậu.
Vả Aṅgīrasagotama được xem là tổ tiên dòng ThíchCa, họ Gotama được xếp vào danh tộc cao sang như các danh tộc Moggallāna, Kaccāyana và Vāseṭṭha.
Thông thường các tôn chủ dị giáo hay những Bàlamôn ngoài Phật giáo thường gọi Đức Phật là “Samôn Gotama”.
Có giả thuyết nói rằng đó là một họ Bàlamôn xuất phát từ Bàlamôn Gotama danh tiếng cổ sơ, tuy nhiên luận cứ của thuyết này rất yếu, vì không thấy một Thích tử nào xưng mình là Bàlamôn, nhưng các Thích tử rất tự hào về giai cấp “chiến sĩ” (khattiya) của mình. Chính Đức Phật có lần gọi các Thích tử là Gotama([16])
2- Dòng ThíchCa (Sākya).
Triều đại của vua Okkāka được truyền thừa đến đời thứ 3, vị vua này được gọi là Okkāka III. Vua Okkāka III đổi tên quốc độ Aṅgirasa thành quốc độ Sāketa.
Vua Okkāka III lập nàng Hatthā làm Hoàng hậu, Hoàng hậu Hatthā có 9 người con, công chúa đầu là Piyā, 4 vị tử hoàng là Okkhāmukha, Karaṇda, Hatthinika, Sinipura; 4 cô công chúa là Suppiyā, Amandā, Vijitā và Vijitasenā.
Khi Hoàng hậu Hatthā qua đời, đức vua lập nàng công chúa trẻ đẹp Jantu lên làm Hoàng hậu.
Hoàng hậu Jantu sinh ra một hoàng tử cũng có tên là Jantu, để làm hài lòng Hoàng hậu, vua Okkāka ban thưởng cho nàng một điều ước (Sách Mahāvastu (Đại sự)([17]) gọi Hoàng hậu Jantu là Jentī, ông hoàng Jantu là Jentā).
Khi Hoàng tử Jantu khôn lớn, Hoàng hậu xin vua Okkāka thực hiện “lời hứa” và hoàng hậu xin vua Okkāka cho Hoàng tử Jantu kế vị khi đức vua Okkāka từ trần.
Lúc đầu đức vua từ chối, nhưng về sau phải chấp thuận; đức vua Okkāka cho gọi 9 người con đến để trình bày sự việc.
Để tránh cho cha khỏi bị thất hứa, đồng thời không bị “khó xử”, cả chín vị Hoàng tộc đồng ý bỏ kinh thành ra đi lập quốc. Và ông hoàng Jantu về sau cai trị xứ Sāketa.
Theo các vị hoàng tộc có rất nhiều quan quân cùng dân chúng dài đến 3 dotuần (= 48 km), đoàn người đi vào rặng núi HyMãLạpSơn (Himalaya).
Trong rừng núi vùng HyMãLạpSơn có một vị đạo sĩ tên là Kapila (tiền thân của Đức Phật) đang trú ẩn trong một am thất cạnh bờ hồ trong vùng HyMãLạpSơn, đạo sĩ Kapila là người tinh thông “địa lý” (bhūmicāla), biết rõ vùng đất nào tốt, vùng đất nào xấu. Vùng đất mà đạo sĩ Kapila đang trú ngụ là “vượng địa”, kinh thành được xây trên vùng đất này sẽ là một kinh thành nỗi tiếng và khó có ai chiến thắng được.
Đoàn Hoàng tộc đang trên đường tìm đất tốt để xây dựng kinh thành, nhìn thấy am thất của đạo sĩ Kapila, nên tìm đến tham vấn, đạo sĩ Kapila khuyên họ nên chọn nơi này làm “đế đô”.
Và đạo sĩ Kapila xin các Hoàng tử lấy tên mình đặt cho “đế đô” này.
Các Hoàng tử nghe theo lời khuyên của đạo sĩ, khi kinh thành xây dựng xong được đặt tên là Kapilavatthu (câu chuyện đạo sĩ Kapila) và các vị Tử hoàng cho kiến tạo một am thất dâng đến đạo sĩ Kapila([18]).
Khi lập quốc xong, các hoàng tử báo tin cho vua Okkāka biết, vua Okkāka khen ngợi; “Sakyā vata bho kumārā, paramasakyā vata bho rājakumāra” (những đứa trẻ thật dũng mãnh, những tử hoàng này đệ nhất dũng mãnh), nên vương quốc mới mang tên là “Sakyā” (hay sākya)([19]).
Ngoài kinh đô là Kapilavatthu (CaTỳLaVệ), còn có nhiều nơi được nói là của người Sakyā, như:
*Làng Cātumā. Trong làng có sảnh đường “mái cong”, gần làng là khu rừng Āmalaki, có lần Đức Phật ngự trú nơi đây thuyết lên kinh Cātumā([20]).
*Làng Sāma. Trong làng có hồ sen([21]), có thể gia đình Thích tử Vedhaññā sống nơi đây, vì họ có một vườn xoài. Chính trong vườn xoài này, Đức Phật đến an ngự, Ngài Mahā Cunda đến báo tin cho Đức Phật biết giáo chủ Nigantha Nātaputta mệnh chung ở tháp Pāvā([22]).
Tại làng Sāma này, Đức Phật thuyết kinh Sāgāmasuttaṃ (Kinh XáDi thôn)([23]).
*Thị trấn Sakkara. Thị trấn này cách thành Vương Xá không xa lắm , cách KỳViên tịnh xá (Jetavanavihāra) 45 dotuần, là trú xứ của trưởng giả “keo kiệt” Macchriya Kosiya([24]). Đức Phật và Đức Ānanda có trú tại đây([25]).
*Thị trấn Uḷumpa. Đây là nơi vua Pasenadi (PaTưNặc) viếng thăm Đức Phật lần cuối cùng khi Đức vua được 80 tuổi([26]).
*Làng Khamadussa, Silāvatī, Nagaraka, Medatalumpa.
Để bảo vệ huyết thống thanh tịnh của giòng dõi, các vị tử hoàng đã lấy các cô công chúa em mình làm vợ.
Trong số 4 vị hoàng tử có ba vị chết đi, chỉ còn lại ông hoàng Okkhāmukha. Tiếp theo vua Okkhāmukha lần lượt là Nipuna, Candima, Candamukha, Sivi([27]).
Đến đời vua Sivi (tiền thân Đức Phật Gotama), thành CaTỳLaVệ được đổi tên là Jettutara([28]).
Vua Sivi truyền ngôi cho con là Sañjaya, vua Sañjaya truyền ngôi cho con là Vessantara (tiền thân Đức Phật).
Vua Vessantara truyền ngôi cho con là Jāli, vua Jāli lập nàng Kaṅhā (em gái của mình) làm Hoàng hậu và có con là Sīhasara, truyền thừa được 164 ngàn đời vua.
Đến đời vua Jayasena, vua Jayasena truyền ngôi cho con là Sīhahanu([29]), vua Sīhahanu đổi tên thành Jetuttara trở lại là CaTỳLaVệ.
Vua Sīhahanu có 4 người con trai là Suddhodana (Tịnh Phạn), Dhotadana (ông hoàng này mất khi tuổi còn thơ ấu), Sukkodana và Amitodana, có 2 nàng công chúa là Amittā và Pamittā.
Khi hoàng tử Tịnh Phạn trưởng thành, vua Sīhahanu cho vời 8 vị Bàlamôn tinh thông nhân tướng học, đi khắp nơi tìm cho được nữ nhân có 5 vẽ xinh đẹp, không có 6 nhược điểm và có các quý tướng, để cưới về cho Hoàng tử Tịnh Phạn.
Tám vị Bàlamôn mang theo 8 ngàn đồng vàng (kahāpana) cùng viên ngọc Như ý (maṇipilandhana), làm sính lễ cầu hôn khi tìm được nữ nhân ấy.
Không có 6 nhược điểm và có 5 vẽ xinh đẹp.
*Không có 6 nhược điểm là: Không quá cao, không quá thấp, không quá gầy, không quá béo, da không quá trắng, không quá đen.
*Năm vẽ xinh đẹp là: Tóc xinh đẹp (kesākalyāna), thịt xinh đẹp (maṃsakayāna), xương xinh đẹp (atthikalyāna), da xinh đẹp (chavikakalyaana) và tuổi thọ xinh đẹp (vayakalyāna).
– Tóc xinh đẹp.
Lẽ thường nữ nhân hữu phước có mái tóc đen nhánh, mảnh dẻ và trơn mướt. Khi buông thả mái tóc, những sợi tóc buông dài xuống tận gót chân rồi cuốn ngược đuôi tóc lên, giống như đuôi chim công.
Đồng thời dù sống đến 120 tuổi, mái tóc vẫn đen huyền, không có sợi tóc bạc. Đây gọi là tóc xinh đẹp.
– Thịt xinh đẹp.
Bao gồm môi và những cơ bắp. Tứ chi và môi luôn hồng hào, sự phân bố thịt trên cơ thể rất hài hòa, tạo ra một thân hình xinh đẹp; môi hồng đỏ và mềm mại như trái bimba hay như san hô hồng hoặc như tơ mịn màu hồng, không quá mỏng cũng không quá dầy và thanh tú.
Trên môi dường như có lớp sữa trắng bóng được trát lên một cách tự nhiên. Đây gọi là thịt xinh đẹp.
– Xương xinh đẹp.
Bao gồm răng và móng tay, móng chân. Ba mươi chiếc răng đều và rắn như san hô tinh chất, không có kẻ hở giữa những chiếc răng, hàm răng luôn sáng bóng, mỗi khi cười thì long lanh như ốc xa-cừ được đánh bóng.
Mười móng tay, 10 móng chân thon và tròn trắng nuốt như những búp hoa trắng, cả 20 móng dán sát vào thịt như được dán keo, khi duỗi bàn tay ra tựa như có 5 giòng suối sữa trắng chảy ra từ 5 ngón tay. Đây gọi là xương xinh đẹp.
– Da xinh đẹp.
Làn da mịn màng tươi nhuận một cách tự nhiên, không có vết sẹo hay lấm tấm những hạt mè đen hoặc những nốt ruồi, tựa như màu của hoa sen xanh (nếu da màu đen) hay hoa sen hồng (nếu da màu trắng) vào buổi sáng sớm.
Từ nơi làn da tỏa ra mùi thơm nhẹ nhàng như hương chiên đàn khéo rắc. Đây gọi là da xinh đẹp.
– Tuổi thọ xinh đẹp.
Cho dù sống đến 120 tuổi, dáng dấp vẫn xinh đẹp như cô gái 16 tuổi, cho dù xinh nở nhiều lần cũng không mất vẽ đẹp của tuổi thanh xuân.
Chí đến một sợi tóc bạc cũng không tìm thấy. Đây là tuổi thọ xinh đẹp([30]).
Bấy giờ, tại vương quốc Koliya có kinh thành là Devadaha, do vua Añjana cai trị. Vua Añjana có được 2 người con gái song sinh là Māyāgotamī và Pajāpatigotamī.
Khi mới sinh ra, hai công nương được các Bàlamôn tinh thông tướng thụật, tiên đoán “một trong hai bé gái này, có một người sẽ sinh ra “bậc đại nhân cao nhất trong thế gian”.
Khi 8 vị Bàlamôn nhìn thấy công nương Māyā hội đủ 5 vẽ đẹp của nữ nhân, không có 6 khuyết điểm cùng các quý tướng, tám vị vào yết kiến đức vua Añjana, trình bày lên “ý định của vua Sīhahanu” và được vua Añjana chấp thuận.
Vua Sīhahanu được biết “sự tiên đoán của các Bàlamôn về 2 công nương này”, nên đức vua cho cưới cả 2 công nương cho Hoàng tử Tịnh Phạn.
Vua Sudhodana nối ngôi, cai trị vương quốc Sākya, lập nàng Māyā làm Hoàng hậu. Hoàng hậu Māyāgotamī sinh ra Bồtát SĩĐạtTa; Hoàng hậu Pajāpatigotamī sinh ra vương tử Nanda và công nương Sundarī, nàng còn được gọi là Janapadakalyānī Nandā (nàng Nandā hoa khôi quốc độ).
Thái tử SĩĐạtTa cưới công nương Yasodharā (DaDuĐàLa), sinh ra thái tử Rahula (LaHầuLa).
Vương tử Sukkodana (em trai vua Tịnh Phạn) sinh được 2 người con trai là Mahānāma (Đại Danh) và Anuruddha (ANaLuật Đa).
Vương tử Amitodana có người con trai là Ānanda (thị giả của Đức Phật sau này) và vương tử Paṇḍu.
Các vương tử ThíchCa rất hãnh diện về tánh thuần chủng của dòng tộc mình và tuyên bố dòng tộc mình thuộc “giòng dõi Thái dương” (ādiccagotta).
Khi Bồtát Sĩ ĐạtTa vừa xuất gia được 8 ngày, Ngài đi khất thực trong thành Vương Xá, vua BìnhSa ở trên lầu cao nhìn thấy Bồtát SĩĐạtTa đang đi khất thực, đức vua cho người dò xét nơi trú của Bồtát, rồi tự thân Đức vua đi đến nơi trú của Bồtát, Đức vua hỏi lai lịch của Đức Bồtát, Bồtát đã trả lời:
‘‘Ādiccā nāma gottena, sākiyā nāma jātiyā;
Tamhā kulā pabbajitomhi,
“Giòng họ thuộc mặt trời; sanh tộc là ThíchCa.
Từ bỏ gia tộc ấy; thưa vua, ta xuất gia”(HT. TMC dịch)([31]).
Dòng ThíchCa rất ngã mạn, sau 7 năm xuất gia và chứng quả Vô thượng chánh giác, Đức Thế Tôn trở về kinh thành CaTỳLaVệ theo lời thỉnh cầu của vua Tịnh Phạn, các Thích tử cao niên không đảnh lễ Đức Phật, vì họ cho rằng “Ngài là con cháu trong tộc họ”, tánh ngã mạn này được Đức Thế Tôn khắc phục khi Ngài thi triển song thông lực, tiếp theo Ngài thuyết lên bổn sinh Vessantara.
Một trường hợp khác là: Trong thời Đức Phật, nước ThíchCa là chư hầu của vua Pasenadi (PaTưNặc) xứ Kosala (KiềuTấtLa), nhưng khi Đức vua PaTưNặc muốn cưới một công nương dòng ThíchCa, vua Mahānāma (Đại Danh) dòng ThíchCa đem người con gái tư sinh giữa ông và nữ nô tỳ Nāgamuṇḍā([32]) là công nương Vāsabhakhattiyā gả cho vua PaTưNặc.
Vốn biết dòng ThíchCa tự hào về “giòng giống thuần chủng của mình”, nên vua PaTưNặc dặn dò “vị đại thần cầu hôn” phải chứng kiến vua Mahānāma ngồi ăn cơm chung với “con gái của mình”.
Vua Mahānāma đồng ý ngồi dùng cơm chung với Vāsabhakhattiyā cho vị đại thần cầu hôn thấy. Nhưng khi vừa gắp đủa đầu tiên sắp ăn, một đại thần đến báo “có tin khẩn cấp” (do sắp đặt trước), vuaMahānāma bảo con gái “hãy dùng cơm trước đi”, còn Đức vua phải đi xem tin khẩn cấp như thế nào. Và vị Đại thần cầu hôn đã bị lừa.
Bà hoàng Vāsabhakhattiyā được vua PaTưNặc sủng ái, nàng có với vua PaTưNặc một người con trai là vương tử Lưu Ly (Vidūdabha).
Khi vua PaTưNặc biết “mình bị lừa”, Đức vua tức giận, thu hồi mọi tước vị và quyền lợi đã ban cho bà hoàng Vāsabhakhattiyā và vương tử Lưu Ly.
Nhờ Đức Phật can thiệp với câu chuyện Bổn sanh Khaṭṭhahāri, nên đức vua phục hồi mọi tước vị cùng quyền lợi cho Vāsabhakhattiyā và vương tử Lưu Ly.
Khi vương tử Lưu Ly nắm quyền cai trị xứ KiềuTấtLa, đã tiến đánh xứ ThichCa và tàn sát dòng ThíchCa kể cả phụ nữ và con nít([33]).
Chỉ có một số sống sót nhờ nhanh trí, khi quân của vuaLưu Ly hỏi “tên gì?”, ngFười ấy ngậm cọng cỏ và nói “là cọng cỏ” (nhóm này có tên gọi là tiṇasākiya); nhóm khác trầm mình xuống nước, ngậm cọng lau để thở (nhóm này có tên gọi là Naḷasākiya), nên những người này thoát chết.
Sách Mahāvaṃsa Ṭikā có giải thích thêm rằng: Trong cuộc tàn sát ấy, một số Thích tử trốn thoát chạy lên HyMãLạpSơn, thành lập một thị trấn mới, gọi là Moriyanagara (thị trấn Khổng tước), vì nơi này nỗi tiếng về chim công và cũng là nguồn gốc của triều đại Moriya (Khổng tước) sau này.
Vua ADục thuộc triều đại này, như vậy vua ADục cũng có huyết thống dòng ThíchCa.
Một người con của vương tử Amitodana là Paṇḍu, nghe được lời tiên tri “không bao lâu dòng Thích Ca bị tru diệt, thành CaTỳLaVệ chìm trong biển máu”, nên cùng nhóm tùy tùng của mình, bỏ kinh thành CaTỳLaVệ vượt qua sông Hằng, sang bên kia xứ KiềuTấtLa thành lập một thị trấn riêng, xem như trở thành “lãnh địa riêng”([34]) và vương tử Paṇḍu là “lãnh chúa”.
Ông Hoàng Paṇḍu cùng với nàng Sisīmā có 6 người con trai là: Rāma, Uruvela, Anarādha, Vijita và Dīghāyu; một cô gái út là nàng Bhaddakaccānā.
Nàng Bhaddakaccānā rất xinh đẹp, như pho tượng xinh đẹp bằng vàng ròng, nên nàng có tên là Bhaddakaccānā.
Có 7 vị vua đã gửi lễ vật đến “lãnh chúa Paṇḍu” để cầu hôn nàng Bhaddakaccānā, nhưng ông Hoàng Paṇḍu e ngại các vị quan của mình ganh tỵ làm phản, mặt khác ông Hoàng Paṇḍu được các Bàlamôn xem tướng nàng Bhaddakacānā, “tiên đoán nàng Bhaddakaccānā sẽ là Hoàng hậu của một Đại quốc xa xôi, sau một chuyến đi xa”. Nói rõ hơn “chuyến đi định mệnh để trở thành Hoàng hậu một đại quốc”.
Ông Hoàng Paṇḍu cho con gái mình cùng 32 nữ hầu xinh đẹp lên lên thuyền, khi thuyền ra giữa sông Hằng, ông Hoàng tuyên bố “Ai theo kịp thuyền con gái ta, người ấy sẽ là chồng của nàngBhaddakaccānā”.
Nhưng không thuyền nào đuổi kịp thuyền của nàng Bhaddakaccānā.
Ngày thứ hai, thuyền đi vào bến cảng Coṇagāmaka và tất cả giả dạng thành những “nữ đạo sĩ” đi vào đất liền.
Về sau nàng Bhaddakaccānā là Hoàng hậu của vua Paṇḍuvāsudeva([35]), nước Tích Lan. Vua Devanampiyatissa là hậu duệ của vua Paṇḍuvāsudeva.
Như vậy vua Devanampiyatissa cũng có liên hệ huyết thống với dòng ThíchCa([36]).
Dòng ThíchCa thuộc dòng dỏi “chiến sĩ” và rất giỏi về “cung thủ”, những thanh niên dòng ThíchCa rất thích luyện tập võ thuật, bắn cung, rất ưa chuộng những “chiến sĩ” tài giỏi.
Ngay cả Thái tử SĩĐạtTa đến tuổi lập gia đình, nhưng không một gia tộc dòng ThíchCa chịu gả con cho Thái Tử SĩĐạtTa, họ cho rằng “Thái tử tuy xinh đẹp nhưng không có tài cán gì, làm thế nào có thể nuôi được vợ con”.
Khi tin này đến tai Thái tử SĩĐạtTa, Ngài yêu cầu vua Tịnh Phạn triệu tập các Thích Tử để tham gia lễ hội “Thái tử SĩĐạtTa trổ tài bắn cung”, sau khi biểu diễn bắn cung với chiếc cung nặng đến “một ngàn người khiêng mới nổi và giương dây cung, tiếng bật dây cung vang như sấm động”.
Bấy giờ các gia đình Thích tử mới thán phục, tiến vào cung 40.000 mỹ nữ, trong đó có nàng DaDuĐàLa là đệ nhất mỹ nhân([37]).
Nước ThíchCa không có vua, họ theo thể chế cộng hòa với vị đứng đầu được hội đồng các bộ tộc đề cử ra.
Trong dòng tộc ThíchCa có nhiều thị tộc, do các quan, Bàlamôn theo 9 vị hoàng tộc con vua Okkāka III. Đức Phật thuộc thị tộc Gotama.
* Kinh thành Kapilavatthu (CaTỳLaVệ).
Là kinh đô của nước ThíchCa, vào thế kỷ VI tTl, ThíchCa là nước Cộng hòa gồm hai xứ Sākya và Koliya. Vua Tịnh Phạn là vua của nước Cộng hòa này.
Sách Lalitavistara (Phổ Diệu) gọi Kapilavatthu là Kapilavastu, Kapilapura và Kapilāvhayapuna([38]). Sách Buddhacarita (Phật sở hạnh tán)([39]) gọi Kapilavatthu là Kapilasyavastu([40]).
Sách Dulva nói rằng “thành CaTỳLaVệ nằm bên sông Bhagīrathī([41]).
CaTỳLaVệ hiện nay chưa được xác định rõ, dù có chứng tích của vua ADục trên hai cột trụ ở Lumbini và Niglīva.
Ngài Huyền Trang cho biết “kinh thành xưa, nay chỉ còn là vùng hoang dã([42]).
Có ý kiến cho rằng: “Làng Piprāwā nổi tiếng về nghề làm bình hoa hiện nay, là CaTỳLaVệ khi xưa”([43]).
Nhiều ý kiến khác, kể cả bà Rhys Davids cho rằng “có hai thành CaTỳLaVệ, một cũ, một mới.
Thành CaTỳLaVệ cổ nay là làng Tilaura Kot, còn CaTỳLaVệ hiện nay là tân lập, sau cuộc “tàn sát giòng ThíchCa” của vua Lưu Ly (Vidūdabha).
Nhưng “thuyết hai CaTỳLaVệ” đã bị bác bỏ([44]), vìrằng khi “tàn sát giòng ThíchCa” rồi, vua Lưu Ly cùng đoàn quân kéo về thành XáVệ, đến dòng sông Aciravatī dừng lại, trong đêm ấy nước dâng cao cuốn trôi vua Lưu Ly cùng đoàn quân ra biển.
Như vậy, những người ThíchCa còn sống sót, vẫn có cơ hội trở về kinh thành cũ để xây dựng lại, không cần phải tân tạo kinh thành CaTỳLaVệ khác.
Dân sống trong thành CaTỳLaVệ được gọi là Kapilavatthavā([45]).
Tường thành CaTỳLaVệ cao 18 hắc tay (# 8m). Trong kinh thành CaTỳLaVệ có một sảnh đường “mái cong” là hội trường chung (santhāgārasālā), khi có việc liên quan đến quốc độ ThíchCa, các hội đồng bộ tộc cùng nhau họp ở nơi đó để bàn luận.
Bàlamôn trẻ Ambaṭṭha đệ tử của Bàlamôn Pokkharasādi([46]), thái tử Lưu Ly([47])đến thành CaTỳLaVệ có vào nơi “hội trường” này và cả hai bị dòng ThíchCa khinh bạc. Sứ thần của vua PaTưNặc cũng đến đây để xin cưới công chúa dòng ThíchCa.
Ngoài thành CaTỳLaVệ có “khu rừng lớn” (Mahāvana) chạy dài đến HyMãLạpSơn, rồi sang bên kia chạy dài đến biển([48]).
Sông nhỏ Rohinī cũng nằm ngoài thành CaTỳLaVệ không xa lắm, hai dòng hoàng tộc ThíchCa và Koliya hợp tác đấp đập, đào con kênh dẫn nước vào giữa 2 kinh thành Devadaha (Thiên Trì) và CaTỳLaVệ để phục vụ nông nghiệp.
Có lần bị hạn hán([49]), nước sông không đủ cung ứng cho vụ mùa của nông dân hai nước, họ “tranh giành nước sông”, đến nổi hai vương quốc chuẩn bị chiến tranh. Đức Phật ngự đến dòng sông này để hòa giải quyến thuộc([50]), trong dịp này Đức Thế Tôn thuyết lên các Bổn sanh Phandana, Daddabha, Latukika, Rukkhadhamma, Vattaka và kinh Attadaṇḍa.
Hoan hỷ với sự hòa giải của Đức Phật, mỗi bên quyến thuộc cho 250 vương tử xuất gia. Sau khi cho 500 vị Tử hoàng xuất gia Tỳkhưu, Đức Phật cùng 500 vị tân Tỳkhưu trú ở Đại Lâm (Mahāvana).
Sông Rohinī cũng là ranh giới thiên nhiên giữa hai quốc độ ThíchCa và Koliya.
Vườn LâmTỳNi (Lumbini) nằm sát biên giới giữa hai kinh thành CaTỳLavệ vàThiên Trì.
Một tự viện Nigrodha (cây Bàng) được hoàng tộc ThíchCa cùng cư dân thành CaTỳLaVệ kiến tạo để Đức Phật và chư Tăng trú ngụ, khi Ngài trở về thành CaTỳLaVệ tế độ quyến thuộc.
Tự viện Nigrodha nằm trong khu hoa viên của Thích tử Nigrodha; Thích tử Nigrodha hiến dâng vườn này cho hoàng tộc để xây dựng tự viện, nên tự viện có tên là Nigrodhārāma([51]).
Từ CaTỳLaVệ có con đường đi thẳng đến kinh thành Vesāli (Quảng Nghiêm)([52]).
Từ CaTỳLaVệ có con đường đi đến thành Vương Xá dài 60 dotuần. Đức Phật đã dùng con đường này trở về thành CaTỳLaVệ lần đầu tiên sau 7 năm xa cách.
Con đường từ Alaka đến XáVệ (Sāvatthī) đi ngang qua CaTỳLaVệ, 16 đệ tử của Bàlamôn Bāvarī đã sử dụng con đường này để đến thành Vương Xá yết kiến Đức Thế Tôn([53]).
Từ kinh thành CaTỳLaVệ đến sông Anomā là 30 dotuần.
Thành CaTỳLaVệ tuy không được Đức Ānanda đề nghi Đức Phật viên tịch, nhưng vẫn được chia phần Xálợi Phật.
Một bảo tháp tôn thờ Xálợi Phật được kiến tạo ngay trong thành CaTỳLaVệ, tấm thảm Đức Phật dùng cũng được tôn trí vào ngôi Bảo tháp này([54]).
3- Xứ Koliya.
Người chị cả của các vị vương tử con của vua Okkāka III là Piyā, khi vương quốc ThíchCa hình thành, nàng công chúa Piyā được các người em tôn là mẹ, về sau nàng vướng bịnh cùi.
Các vị tử hoàng mang nàng vào rừng sâu, an trú nàng trong bọng cây để tránh nguy hại do thú dữ mang đến, cùng với lương thực để dùng, khi đêm về công chúa Piyā sợ hãi buông tiếng khóc.
Đức vua Rāma của xứ Bārāṇasī (BaLaNại) cũng bị bịnh cùi, Ngài truyền ngôi cho con rồi bỏ hoàng thành đi vào rừng.
Vua Rāma chỉ dùng thực phẩm là trái cây, lá cây; tình cờ Đức vua dùng loại lá cây thuốc mọc ven suối ở trong rừng, nhờ đó Đức vua Rāma trị dứt chứng bịnh cùi của mình. Đức vua làm một am thất ở cạnh dòng suối có loại cây trị bịnh cùi.
Trong đêm khuya thanh vắng, tiếng khóc của công chúa Piyā vọng đến am thất của vua Rāma, ngạc nhiên vua Rāma tìm đến nơi phát xuất tiếng khóc và đi đến bọng cây có công chúa Piyā đang trú trong ấy.
Đức vua trèo lên cây quan sát và gặp công chúa Piyā, sau khi rõ nguyên nhân khiến công chúa phải ở trong bọng cây, Đức vua đưa công chúa về nơi ngụ của mình và trị dứt bịnh cùi cho công chúa, sau đó hai người hợp hôn với nhau.
Nghe tin vuaRāma đã dứt chứng bịnh cùi, vua xứ BaLaNại cùng triều thần đến nơi ngụ của vuaRāma, cung thỉnh Đức vua Rāma trở về cai trị quốc độ, nhưng Đức vua Rāma từ chối.
Một số đại thần cùng nhiều quan quân tình nguyện ở lại trong rừng với vua Rāma. Với sự trợ giúp của vua xứ BaLaNại, vua Rāma cùng Hoàng hậu Piyā xây dựng một thành phố mới.
Trong lúc xây dựng thành phố, nơi ấy có cây táo (kola) rất lâu năm, cho rằng có Thọ thần ngụ trong cây, vua Rāma xin phép thọ thần được đốn cây cổ thụ này và thành phố này sẽ mang tên Kola.
Sau khi xây dựng xong thành phố, thành phố có tên là Kolanagara, và vương quốc mới có tên là Koliya. Con cháu của vua Rāma gọi là Koliyā.
Thành phố này nằm trên “đường qua lại của cọp”, nên còn có tên là Vyaghapajjā (đường cọp đi) hay Vyagghapatha (còn được viết là Byagghapajjā hay Byagghapatha), nên dân Koliya còn được gọi là Vvagghapajjā([55]).
Trong thời Đức Phật, dân Koliya định cư ở hai nơi: Thiên Trì và Rāmagāma (làng Rāma).
Quốc độ Koliya có một đội quân “làm thuê với búi tóc thòng xuống” (lambacūḷakābhāṭā) trực thuộc triều đình, nhóm người này có nhiệm vụ “bắt kẻ trộm và những kẻ dọ thám từ xứ KiềuTấtLa đến”.
Họ là những người được xem là “ác giới, theo ác pháp”([56]).
Ngoài hai thành phố Thiên Trì và Rāmagāma, xứ Koliya còn có các làng, thị trấn, thành phố khác, như:
*Làng Uttara. Đức Thế Tôn du hành đến nơi này để tế độ thôn trưởng Pāṭali chứng quả Dự Lưu (sđd).
*Thị trấn Sajjanela. Trú xứ của công nương Suppavāsā, con Đức vua trị vì xứ Koliya. Đức vua Suppabuddha (Thiện Giác) có 2 người con là DaDuĐàLa và Devadatta (ĐềBàĐạtĐa).
Khi vua Thiện Giác bị đất rút dưới chân lầu 7, bấy giờ ông Hoàng Devadatta đã xuất gia, nên vua Thiện Giác không còn hậu duệ.
Dĩ nhiên xứ Koliya được “hội đồng ThíchCa” đề cử một vị vua mới, nhưng không thấy nêu trong kinh điển là ai, công chúa Suppavāsā là con của vị vua mới này.
Công nương Suppavāsā là vị Thánh Dự lưu, được Đức Thế Tôn ban cho địa vị “đệ nhất cúng dường vật thực thượng vị trong hàng cận sự nữ”([57]).
Khi Đức Phật đến thị trấn Sajjanela, công nương Suppavāsā cúng dường vật thực thượng vị đến Đức Thế Tôn([58]).
Công nương Suppavāsā là mẹ của Trưởng lão Sīvali.
*Làng Sāpūga. Đức Ānanda có đến nơi đây một lần([59]).
*Thị trấn Kakkarapata. Ông Dīghajānu (chân dài) trú ở đây.
Khi Đức Phật du hành đến xứ này, ông Dīghajānu đến yết kiến Đức Thế Tôn, bạch hỏi về “pháp an lạc trong hiện tại và pháp an lạc trong tương lai”. Đức Phật dạy:
– Bốn pháp an lạc trong hiện tại là: Đầy đủ tháo vát, đầy đủ phòng hộ, làm bạn với thiện và sống thăng bằng điều hòa.
– Bốn pháp an lạc trong tương lai là: Đầy đủ đức tin, đầy đủ giới, đầy đủ dứt bỏ (cāga), đầy đủ trí([60]).
*Làng Haliddavasana. Trú xứ của hai du sĩ khổ hạnh là Koliyaputta và Seniya([61]).
*Thành phố Kuṇḍiyā. Tương truyền trước đây là khu rừng rậm, trong rừng có một Dạxoa rất thích được dâng cúng lễ vật là “bánh làm bằng cám gạo hay cám nếp”, do đó dạ xoa được gọi là Kuṇḍa, khu rừng cũng có tên là Kuṇḍadhāna.
Trước tiên có một nữ nhân là vợ “một đao phủ thủ” đến sống ở ven rừng Kuṇḍadhāna, nữ nhân này được Dạxoa Kuṇḍa hộ trì, nên bà được gọi là Kuṇḍiyā.
Dần dần làng được thành lập và tên bà được gọi là tên làng.
Về sau các vị vua Koliya kiến tạo một thành phố ở nơi này, và cũng lấy tên là Kuṇḍiyā (Kuṇḍiyānagara).
Nơi đây là quê hương của Trưởng lão Kuṇḍanagariya.
Gần thành phố Kuṇḍiyānagaracó núi Sānavasī, Đức Ānanda có đến trú ngụ ở núi này([62]).
Trong rừng Kuṇḍadhāna, các Koliya kiến tạo một tự viện cúng dường đến Đức Phật và chư Tăng, Tịnh xá cũng được gọi là Kuṇḍadhāna.
Chính nơi tự viện này công nương Suppavāsā nhờ Phật lực sinh ra hài tử Sīvali, hài tử này nằm trong bụng mẹ 7 năm, 7 tháng lẻ 7 ngày([63]).
Quốc độ Koliya có các Trưởng lão nổi tiếng như Nisabha([64]), Kakudha (thị giả của Đức MụcKiềnLiên)([65]), Kaṅkhārevata([66]) …
Quốc độ Koliya được chia 1/8 Xálợi Phật và họ tạo tháp thờ ở thành phố Rāmagāma.
Vua Rāma và Piyā có được 32 người con, đồng thời cũng là tổ tiên của dân tộc Koliya([67]).
Vương tộc của hai quốc độ này là thông gia với nhau rất lâu đời và vương quốc Koliya được xem là “quê ngoại” của Bồtát SĩĐạtTa.
Vua Jayasena dòng ThíchCa có 2 người con là vương tử Sīhahanu và công nương Yasodharā (không phải bà DaDuĐàLa vợ của thái tử SĩĐạtTa).
Vương tử Sīhahanu dòng ThíchCa nối ngôi cha, lập công chúa Kaccānā con của vua Devadahasakka xứ Koliya làm hoàng hậu, có được 4 vương tử là: Suddhodana, Dhotadana, Sukkodana, Amitodana và công nương Amittā.
Vua Añjana xứ Koliya cưới công chúa Yasodharā (con vua Jayasena) làm hoàng hậu. Vua Añjana có hai con trai là Suppabuddha, Daṇḍapāni và 2 người con gái là Māyāgotamī và Pajāpatigotamī.
Nối ngôi Añjana là vua Suppabuddha (Thiện Giác).
Vương tử Sudhodana (Tịnh Phạn) dòng ThíchCa nối ngôi cha, cưới cả hai công nương Māyāgotamī và Pajāpatigotamī con vua Añjana về làm Hoàng hậu.
Vua Tịnh Phạn và bà Hoàng Māyā có một người con trai là Bồtát SĩĐạtTa, có với bà Hoàng Pajāpati 2 người con là vương tử Nanda và công chúa Janapadakalyānī Nandā.
Vua Thiện Giác xứ Koliya thành hôn với công chúa Amittā (em vua Tịnh Phạn), có được 2 người con là vương tử Devadatta (Thiên Phú) và công chúa DaDuĐàLa (bàcòn có tên gọi làBimbā).
Bồtát SĩĐạtTa cưới công chúa DaDuĐàLa, có được vương tử Rāhula (LaHầuLa) .
* Thành Devadaha (Thiên trì).
Tương truyền, có một hồ tự hiện ra trong núi HyMãLạpSơn, nước hồ trong sạch và luôn mát lạnh, các thiên nữ thường đến hồ nầy tắm, nên gọi là “hồ thiên” (devadaha), như có Pāli:
“Sayañjāta vā so daho , tasmā pi Devadaho:
Hồ tự hiện ra, nên gọi là “hồ thiên”.
Lại có cách giải thích khác là: Các vị vua thường đến nơi này để hưởng an lạc nơi hồ nước mát, cảnh trí quanh hồ rất u nhả, nên hồ nước có tên là Devadaha, như có Pāli:
“Devā vuccanti rājano tesaṃ maṅgaladaho:
Các vị vua đến hồ để được hạnh phúc, nên gọi là “hồ thiên”.
Theo sách Dulva Rokkhill (p.2), vùng đất này d0 một vị thiên nhân chỉ điểm, vùng đất này có hồ nước trong mát, rất u nhã, nên thành phố này được gọi là Devadaha (Thiên Trì).
Hoàng hậu Māyā và Hoàng hậu Pajāpatigotamī sinh ra tại kinh thành Thiên Trì, ngoài ra còn có nhiều vị khác như Devadahasaka([68]), trưởng lão Pakkha([69]), bà DaDuĐàLa …
Kinh thành Thiên Trì cũng là trú quán của những người ThíchCa khi làm dâu hay rể của xứ Koliya.
Trong những chuyến du hành đến Thiên Trì, Đức Phật có giảng pháp cho chúng dân xứ này, như kinh Devadahasuttaṃ …([70]) tại “hồ thiên” này.
Kinh thành Thiên Trì được xem như kinh đô của xứ Koliya.
*Rāmagāma (làng Rāma).
Làng Rāma nằm bên bờ sông Hằng trong xứ Koliya, xứ Koliya được chia 1/8 Xálợi Phật. Dân xứ Koliya xây dựng bảo tháp ở làng Rāma để tôn thờ Xálợi Phật.
Đức Mahā Kassapa thấy xa rằng “đến thời vua ADục các tháp thờ Xálợi Phật bị hư hoại, Xálợi bị rơi rải rác khắp nơi, đó là điều không tốt.
Vua ADục là vị đại hộ pháp của Phật giáo, Đức vua sẽ xây dựng 84.000 tháp để tôn trí Xálợi Phật cùng các di vật của Đức Thế Tôn.
Đức Mahā Kassapa nhờ chư thiên cung thỉnh tất cả Xálợi Phật được tôn thờ trong 7 bảo tháp của 7 quốc độ được chia Xálợi Phật, về tôn thờ trong cung điện xinh đẹp, được kiến tạo trong lòng đất nơi thành Vương Xá do vua AXàThế (Ajātasattu) bảo trợ”.
Xálợi Phật được tôn thờ trong bảo tháp ở Rāmagāma được giữ nguyên, Đức Mahā Kassapa không cung thỉnh tập trung về một nơi như 7 nơi khác.
Vì rằng: Đức Mahā Kassapa biết được ý của Đức Thế Tôn là “ban Xálợi của Ngài cho xứ Tích Lan để tôn thờ trong Đại bảo tháp Mahā Thūpa sau này”.
Đức Thế Tôn trước khi viên tịch, Ngài có dạy Thiên vương ĐếThích rằng:
– Này Thiên vương, Xálợi Như Lai được tôn thờ tại làng Rāma sẽ được mang đến xứ Rồng, rồi được mang về tôn thờ trong đại bảo tháp ở đảo Tích Lan.
Hiểu được ý của Đức Thế Tôn nên Ngài Mahā Kassapa không dám thỉnh Xálợi được tôn thờ ở bảo tháp trong làng Rāma mang về thành Vương Xá.
Khi nước sông Hằng dâng lên làm hư hoại bảo tháp ở làng Rāma, Xálợi Phật được tôn trí trong bình vàng bị nước cuốn trôi vào sông Hằng, khi đến nơi có tòa lâu đài 7 báu của vua Chuyển luân Saṅkha sau này, nơi ấy nước xoáy rất mạnh, bình vàng Xálợi bị nước nhận chìm trôi vào tòa lâu đài 7 báu dưới dòng sông Hằng, rồi yên vị trên bảo tọa bằng 7 loại ngọc báu trong lâu đài.
Khi ấy tòa lâu đài 7 báu dưới sông Hằng tỏa rực hào quang, những dòng nước chảy đến đó rẽ ra làm hai, các long vương thấy hiện tương kỳ lạ, đến trình lên chúa rồng Mahākāla sự kiện này.
Chúa rồng Mahākāla đến nơi ấy cung thỉnh Xálợi về xứ rồng Mañjerika rộng 500 dotuần, kiến tạo một bảo tháp bằng tất cả những loại ngọc báu có ở xứ rồng để tôn thờ Xálợi Phật.
Vào thời vua Duṭṭhagāmani xứ Tích Lan, vua Duṭṭhagāmani xây dựng Đại bảo tháp Mahā Thūpa dưới sự chỉ đạo của Đại Trưởng lão Indagutta.
Khi bảo tháp hoàn thành, Đức Mahā Indagutta bảo Sadi mười sáu tuổi là Soṇuttara đến xứ Rồng mang Xálợi Phật về để tôn trí vào Đại bảo tháp Mahā Thūpa, vì tiền thân của Đức Soṇuttara là Bàlamôn Nanduttara trong thời Đức Phật.
Tương truyền Bàlamôn Nanduttara khi thấy Đức ALaHán Bhaddaji dùng thần thông kẹp chót lâu đài 7 báu của mình trong kiếp trước bằng 2 ngón chân: Ngón chân cái và ngón chân trỏ, kéo tòa lâu đài lên khỏi sông Hằng cho mọi người trông thấy, rồi trả lâu đài 7 báu về chỗ cũ.
Đức Phật dạy rằng: “Sau khi Như Lai viên tịch, Xálợi của Như Lai sẽ đến ngự trong lâu đài này.”
Nghe vậy, Bàlamôn Nanduttara hoan hỷ phát nguyện: “Con nguyện sẽ mang Xálợi của Đức Thế Tôn trở về nhân giới để tôn thờ”.
Đức SaDi ALaHán Soṇuttara (hậu thân của Bàlamôn Nanduttara) đến long cung, bảo chúa rồng Mahākāla rằng:
– Này Long vương, chư Tăng đang cần Xálợi Đức Thế Tôn để tôn trí vào Đại Bảo tháp (Mahā Thūpa). Vậy Đại vương hãy trao Xálợi đến cho ta, ta vâng lịnh chư Tăng đến đây để nhận Xálợi.
Chúa rồng Mahākāla buồn thảm, nghĩ rằng: “Vị Samôn này có đại thần lực, chắc chắn chúng ta không chống lại được, vị ấy sẽ lấy được Xálợi thôi. Ta phải gạt vị Samôn này để giữ lại Xálợi Đức Thế Tôn, ta sẽ cho người mang Xálợi đi nơi khác.
Khi vị Samôn đại thần lực này ra về, ta sẽ mang Xálợi Đức Thế Tôn trở về bảo tháp”. Chúa rồng đưa mắt nhìn cháu trai gọi mình bằng cậu là rồng Vāsuladatta đang đứng cạnh đó, hiểu ý Long vương Mahākāla, rồng Vāsuladatta đi đến bảo tháp, nuốt bình đựng Xálợi vào bụng, rồi chạy trốn dưới chân núi Sineru (TuDi), rồng Vāsuladatta hóa ra thân hình dài ba trăm dotuần , có chu vi là 100 dotuần với ngàn cái đầu phun lửa khói, ngoài ra Vāsuladatta còn hóa ra hằng ngàn con rồng giống như mình, nằm vây chung quanh, còn mình nằm trốn ở giữa nhóm hóa long.
Khi biết Xálợi đã được mang đi, chúa rồng Mahākāla thỉnh Đức Soṇuttara đến viếng thăm Bảo tháp thờ Xálợi Phật.
Sau khi trình bày những loại ngọc quý xây dựng bảo tháp cùng với những vẽ xinh đẹp tuyệt mỹ trong bảo tháp, chúa rồng thưa rằng:
– Thưa Ngài Samôn đại thần lực, bảo tháp này được xây dựng bằng tất cả bảo vật có nơi cõi rồng, có bảo điện cao quý bằng 7 loại ngọc báu để tôn thờ Xálợi Đức Thế Tôn.
Tất cả châu báu ở đảo Tích cũng không thể sánh bằng tảng đá ngọc dưới chân bảo tháp, hay những bệ tam cấp của bảo tháp thì còn nói gì đến những ngọc quý được xây thành cột, thành tường …
Thật không hợp lý chút nào khi chư Tăng lại mang Xálợi Đức Thế Tôn được tôn thờ từ nơi cao quý có sự tôn kính lớn như vầy, về tôn thờ nơi bảo tháp ở nhân loại. Sự tôn kính Xálợi trong bảo tháp ở nhân giới làm sao sánh bằng sự tôn kinh Xálợi được tôn thờ trong bảo tháp xứ rồng này.
Đức Sonuttara đáp rằng:
– Này Long vương, Đức Thế Tôn có dạy: “Sự tôn kính Đức Thế Tôn cao quý nhất là thực hành theo pháp của Đức Thế Tôn đã dạy”.
Nơi cõi rồng không có đời sống phạm hạnh (chỉ cho phẩm mạo xuất gia), loài rồng không thể chứng đạt bốn chân lý cao thượng mà Đức Thế Tôn đã dạy.
Thật là thích hợp khi Xálợi Đức Thế Tôn được tôn thờ nơi có đời sống phạm hạnh, nơi có khả năng thấu triệt bốn chân lý: Khổ, tập. diệt , đạo.
Này Long vương hãy trao Xálợi Đức Thế Tôn để ta mang về nhân giới. Chính hôm nay Đức vua Duṭṭhagāmani sẽ tôn trí XáLợi Đức Thế Tôn vào Đại bảo tháp.
Chúa rồng thấy mình đuối lý, suy nghĩ “các ngôi Xálợi được cháu ta mang đi rồi”, nên thưa rằng:
– Kính bạch vị Samôn đại thần lực, Ngài không thấu đáo nơi đây có hay không có Xálợi Đức Thế Tôn. Ngài cứ bảo “hãy trao Xálợi cho ta”, nếu Ngài thấy có Xálợi xin Ngài cứ lấy đi.
Đức Soṇuttara suy nghĩ: “Long vương Mahākāla đã dám nói như thế, hẳn Xálợi được mang đi rồi, vậy Xálợi Đức Thế Tôn đang cất giấu ở đâu?”.
Với thiên nhãn Ngài thấy rồng Vāsuladatta nuốt bình ngọc đựng Xálợi Phật vào bụng và đang trốn dưới chân núi TuDi.
Rồi Đức Soṇuttara gặn hỏi chúa Rồng Mahākāla ba lần:
– Này Long vương, ngươi nói rằng “Nếu ta thấy Xálợi Phật ở đâu, thì ta cứ lấy mang đi phải không”?
– Vâng, thưa Ngài Đại samôn.
Đức Soṇuttara vươn cánh tay mảnh khảnh thò vào bụng rồng Vāsuladatta lấy tất cả Xálợi Phật nhưng không đụng đến bình ngọc (vì bình ngọc là vật long vương chưa cho), long vương Vāsuladatta không ngờ mình bị lấy toàn bộ Xálợi Phật đang giấu trong bụng (nhưng tất cả Long vương không thấy “cánh tay của Ngài Soṇuttara. Đồng thời, Ngài Soṇuttara dùng thần thông “rút đất gần lại”).
Rồi Đức Sonuttara biến mất ở cõi Rồng, trở về ngay tại chính liêu thất của minh, sau đó Ngài mang toàn bộ Xálợi Phật đến trình lên Đức Indagutta.
Không thấy Đức Soṇagutta, chúa rồng Mahākāla suy nghĩ: “Vị Samôn đã bị chúng ta gạt, Ngài đã đi khỏi sau khi không tìm thấy Xálợi Đức Thế Tôn”.
Rồng chúa Mahākāla cho người gọi rồng Vāsuladatta mang Xálợi Phật về, nhưng khi mở bình ngọc ra, thấy trống rỗng. Rồng Vāsuladdatta kinh hoàng, vừa đi vừa than khóc đến trình cho chúa Rồng Mahākāla biết.
Long vương Mahākāla than rằng: “Chúng ta đã bị vị Samôn đại thần lực lấy Xálợi mang đi rồi”. Long vương Mahākāla cùng chúng rồng khóc than, nước mắt rồng trào ra như những hoa sen xanh.
Rồi Long vương Mahākāla sầu thảm cùng chúng tùy tùng đi đến Đức Indagutta ta thán vì mất Xálợi Phật, nài nỉ chư Tăng xin cung thỉnh Xálợi Phật về tôn thờ ở long cung.
Vì lòng bi mẫn cũng như e ngại chúng long vương nhiễu hại đến bảo tháp Mahā Thūpa sau này (vì xứ Tích Lan là hòn đảo lớn), chư Tăng bằng lòng cho lại Long vương Mahākāla một ít Xálợi, long vương Mahākāla nài nỉ xin ngôi Xálợi quý nhất là “Răng nhọn” của Đức Thế Tôn, chư Tăng đồng ý([71]).
([1])– ThagA. i, 503. Và trong AA.i, 381.
([2])– Thag. Chương X. 536 (Kệ ngôn Trưởng lão Kāḷudāyi).
([3])– A.iii, 239. Chương năm pháp. Kinh Bàlamôn Piṅgiyāni. Xem thêm D.iii, 196; S.i, 196; JA.i, 116. 96;
([4])– BvA. Lịch sử Đức Phật Gotama (Gotamabuddhavaṃsavaṇṇāna).
([5])– Vua Mahāsammanta tái sinh theo cách “ hóa sinh”.
([6])– Mahāvaṃsa (Mhv) ii, 1ff; Dīpavaṃsa (Dpv).īi, 1ff.
([7])– D.iv, kinh Khởi thế nhân bổn (Aggaññasuttanta).
([8])– PT Chơn Quán (d). Tự điển danh từ riêng Pāli.
([9])– JA, số 258 – Mandahātājātaka (Chuyện Đại vương Mandahātā).
([10])– A.ii, 17. Chương bốn pháp. Kinh Định vị (paññattiyosuttaṃ).
([11])– Dhp. Câu số 186.
([12])– DA.i, kinh Ambattha (Ambatthasuttaṃ), số 267.
([13])– Đức Giới Nghiêm (d). Lịch sử Phật ThíchCa.
([14])– Mhv, ii. 4; và Dpv. iii. 6
([15])– JA. Câu chuyện số 522. Sarabhaṅgajātaka.
([16])– S.iv, 183.
([17])– Đây là bộ sách của “Xuất thế bộ” (lokuttaravāda), một bộ phái tách ra từ “Đại chúng bộ” (Mahāsaṅghika) – Ns.
([18])– DA.i, 259 f. SnA. ii. 353.
([19])– SA.i, 352 f. cf. DA. i. 258.
([20])-M.i. Kinh Cātumā.
([21])– A.iii. Chương 6 pháp . Kinh Sāmagāma.
([22])-D. iii, 117.
([23]) – M.iii, kinh Làng Sāma.
([24])– DhpA. Câu số 49.
([25])– S.v, 2.
([26])– M.ii, kinh Trang nghiêm )Dhammacetiyasutta).
([27])– Mhv. Chương II.
([28])-JA. Bổn sinh Vessantara (Vesantara Jātaka)
([29])– Vị ấy có tên là Sīhahanu, vì có “hàm như hàm sư tử”. Đây là một quý tướng, Bồtát SĩĐạtTa cũng có được tướng quý này.
([30])– UA. Chương 3. Chuyện Ngài Nanda. DhpA. Câu số 53.
([31])– Sn. Kinh Xuất gia (pabbajjāsuttaṃ), 425.
([32])– J.i, 133.
([33])– DhpA. Câu số 47.
([34])– Dpv. Chương X, 1.
([35])– Mhv. Chương VIII.
([36])– G.s Trần Ngọc Lợi (pd Chơn Quán) (d). Tự điển danh từ triêng Pāli.
([37])– MhvA. Lịch sử Đức Phật Gotama; Bổn sanh Sabhaṅga, trong Bổn sanh này nêu ra 12 cách bắn cung.
([38])– E.g. Laḷp, 243, 28.
([39])– Tác phẩm của Ngài Mã Minh (Asvaghosa).
([40])– I.v.2.
([41])– Rockhill, p.11.
([42])– Beal, ii, p.13f.
([43])– E.g, Fleet. J.R.A.S. 1996, p.180; CAGI. 711f.
([44])– J.R.A.S. 1906, pp. 453, 553. Xem thêm tài liệu của Mukherji về Kapilavastu trong ERE. (xem G.S Trần NgọcLợi (d). Tự điển danh từ riêng Pāli (Pāli Proper nam Dictionary).
([45])– Ṣiv, 182.
([46])– D.i, kinh Ambaṭṭha (Ambaṭṭhasuttanta).
([47])– DhpA. Kệ ngôn số 47.
([48])– MA.i, 449; UdA. 184.
([49])– Tháng Jettha mūla (khoảng tháng 6-7dl; tức khoảng tháng 5 âl theo lịch VN).
([50])– DhpA. Kệ ngôn số 197, 198, 199.
([51])– MA.i, 289.
([52])– Vin. ii, 252.
[53] – Sn. 190. Phẩm Con đường đến bờ kia.
([54])-BuA. Lịch sử Đức Phật ThíchCa.
([55])– A.iv, 194. Pháp 4 chi. Kinh Các vị Sāpūgiyā.
([56])– A.iv, 340. Tương ưng thôn trưởng. Kinh Pāṭali.
([57])– A.i, 24. Phẩm người tối thắng.
([58])– A.ii, 62. Chương hai pháp. Kinh Suppavāsā (Suppavāsāsutta).
([59])– A.ii, 194.
([60])– A.iv, 281. Chương 8 pháp. Kinh Dīghajānu.
([61])– M.ii, 387.
([62])– PvA. 178.
([63])– Ud. 15. Phẩm Mucalinda, bài kinh số 8.
([64])– ThagA.i, 318.
([65])– SA.89.
([66])– Ap. ii, 491.
([67])– SA. i. 352 f.; 355 f.; DA. i. 258.
([68]) – Mhv.ii, 17.
([69]) – ThagA. i, 114.
([70])– Xem S.iii,,5; M.iii, kinh Devadahasuttaṃ (Kinh Thiên Tý).
([71])– Mhv. Chương XXXI.