CHƯƠNG I

PHẦN GIỚI THIỆU

1. NỘI DUNG GIỚI LUẬT

Vinayo sāsanamūlaṃ, Luật là cội rễ của giáo pháp. Một cổ thụ được tồn tại vững chắc là nhờ có rễ to, rễ ăn sâu xuống lòng đất và lan rộng khắp hướng. Cũng vậy Giáo Pháp toàn hảo của bậc Chánh Ðẳng Giác sẽ nhờ có Tạng Luật duy trì cho được tồn tại; bởi vì Giáo Pháp này sau khi đức Thế Tôn viên tịch thì chính do các vị đệ tử xuất gia, Tăng Chúng, sẽ kế thừa sứ mệnh hoằng truyền mà nếu là vậy thì Tăng chúng phải sinh hoạt đồng nhất theo Luật đã chế định, mới có thể hòa hợp nhau, thống nhất ý chí tổ chức và lãnh đạo được. Tăng chúng xuất gia gồm những thành viên của Giáo Hội xuất thân từ các dòng tộc khác nhau, giai cấp xã hội khác nhau, có quốc tịch khác nhau … Bởi thế Tăng chúng cần phải nương vào Luật để sinh hoạt hòa hợp với nhau.

Giáo pháp của Ðức Chánh Biến Tri phân thành ba Tạng (piṭaka), nhưng chỉ gồm có hai phần là Pháp (dhamma) và Luật (vinaya). Pháp gồm những lời dạy mang tính triết lý tu tập thuộc về tạng Kinh và tạng Vi Diệu Pháp. Luật gồm những lời dạy mang tính cách nội quy, nghi thức và phận sự để sinh hoạt, thuộc tạng Luật (vinayapiṭaka).

Kinh tạng đặc biệt chú trọng về nghĩa lý (suttanto atthagambhīro); Vi Diệu Pháp tạng đặc biệt giải sâu xa về bản thể pháp (Abhidhammo sa-bhāvagambhīro); Riêng về luật tạng thì chú trọng về phận sự (vinayo kiccagambhīro).

Khi đức Phật sắp viên tịch, Ðại Ðức Ānanda Thị giả có hỏi ngài về vị thầy để Tăng chúng nương nhờ sau này, thì đức Phật đã phán dạy rằng: “Yo vo Ānanda mayā dhammo ca vinayo ca desito paññatto so vo mam’ accayena satthā, này Ananda, pháp và luật mà Ta đã thuyết dạy trình bày cho các ngươi thì chính pháp và luật ấy là vị thầy của các ngươi sau khi Ta diệt độ.”

Như thế thì các Thiện nam tử sau khi đã xuất gia trở thành vị Tỳ-khưu (bhikkhu) hay vị Sa-di (Sāmaṇera)rồi, cần phải học hiểu thông thạo về Giới Luật; đó là điều tốt đẹp cho phạm hạnh và Giáo Pháp.

2. MỤC ÐÍCH CỦA GIỚI LUẬT

Khi đức Chánh Biến Tri chế định học giới (Sikkhāpadapaññatti) cho Tăng chúng, ngài đã nêu lên mười mục đích (atthavasa) để vì sao mà ngài phải chế định Giới Luật.

Mười mục đích (atthavasa) đó là:

  1. Saṅghasuṭṭhutāya, chế định giới luật để đem lại sự tốt đẹp cho Tăng chúng.
  2. Saṅghaphāsutāya, chế định giới luật để đem lại sự an vui cho Tăng chúng.
  3. Dummaṅkūnaṃ puggalānaṃ niggahāya, chế định giới luật để kiềm chế những người xấu.
  4. Pesalānaṃ bhikkhūnaṃ phāsuvihārāya, chế định giới luật để đem lại lạc trú cho các Tỳ-khưu đức hạnh.
  5. Diṭṭha dhammikānaṃ āsavānaṃ saṃvarāya, chế định giới luật để ngăn chận các lậu hoặc phiền não trong đời hiện tại.
  6. Samparāyikānaṃ āsavānaṃ paṭighātāya, chế định giới luật để tiêu trừ các lậu hoặc trong đời tương lai.
  7. Appasannānaṃ pasādāya, chế định giới luật để đem lại niềm tin cho những người chưa có niềm tin.
  8. Pasannānaṃ bhiyyobhāvāya, chế định giới luật để làm tăng trưởng niềm tin cho những người đã tin.
  9. Saddhammaṭṭhitiyā, chế định giới luật để duy trì Chánh Pháp.
  10. Vinayānuggahāya, chế định giới luật để củng cố qui củ.

Những mục đích về việc chế định giới luật được trình bày trích trong Mahāvagga I.20, và Aṅguttaranikāya .V.70.

Giới luật cũng giống như sợi chỉ, kết xâu những bông hoa thành vòng hoa không bị gió làm rời rạc, cũng như giới luật sẽ kết đoàn Tăng chúng, khiến Tăng hòa hợp và có sức mạnh. Ðức Phật dạy rằng khi nào chư Tăng còn thọ trì giới luật không hủy bỏ các học giới đã được ban hành, thì khi ấy Tăng chúng còn được cường thịnh không thối giảm (D.III. Kinh Mahāparinibbāna).

I.3. GIỚI LUẬT SA-DI.

Hội chúng đệ tử của Ðức Phật gồm có hai là xuất gia và tại gia.

Chúng xuất gia chia ra hai Tăng đoàn là Tỳ-khưu và Tỳ-khưu-ni. Chúng tại gia là những người cư sĩ có niềm tin qui y Tam Bảo, có hai thành phần là Cận Sự nam và Cận Sự nữ.

Tăng đoàn Tỳ-khưu, nam tu sĩ, gồm có Tỳ-khưu (bhikkhu) là những vị chính thức là thành viên giáo hội tăng già, thọ Cụ Túc Giới (upasampadā), lại có thành phần xuất gia chưa thọ Cụ Túc Giới (anusampanna) đang tập sự để thành bậc Tỳ Khưu, đó gọi là Sa-di (sāmaṇera hay samaṇuddesa).Phía Tăng đoàn ni cũng thế, gồm có hàng Tỳ-khưu ni (bhikkhunī) và Sa-di ni (sāmaṇerī), lại còn thêm hạng nữa là Thất-xoa-ma-na hay học nữ (Sikkhā-mānā) sau hàng Sa-di ni.

Trong quyển luật này chỉ xin trình bày về Giới Luật và phận sự của hàng Sa-di (Sāmaṇeravinaya) để giúp các vị Sa-di tu trong giáo pháp nương theo đó thực hành trau giồi đức hạnh tốt đẹp hầu đến lúc trưởng thành tu lên bậc trên là Tỳ-khưu. Cũng nói thêm là đây chỉ đề cập đến Luật Sa-di phái Tăng thôi, không nói luật Sa-di ni, bởi lẽ theo truyền thống phật giáo Nam Tông hiện tại không còn hình thức Ni chúng nữa, mặc dù trong Luật-Tạng (vinaya-piṭaka) vẫn còn ghi lại nguyên vẹn tứ Luật phần Tỳ-Kheo-Ni.

Giải về danh từ Sa-di, Pāli gọi là Sāmaṇera hay Samaṇuddesa, có nghĩa là con của bậc Sa-môn (Tỳ-khưu), hay là người thực tập hạnh Sa-môn để trở thành vị Sa-môn (Tỳ-khưu) thật sự.

Giới luật và phận sự của hàng Sa-di không quá nhiều và khắt khe như của hàng Tỳ-khưu, nhưng cũng không phải là quá dễ dãi. Ðức Thế Tôn đã chế định trong Luật Tạng bộ Ðại Phẩm (Mahā-vagga) các học giới cho hàng Sa-di, gồm có các điều học (Sikkhāpada), các điều hành phạt (Daṇḍa-kamma) và các điều trục xuất (Nāsanaṅga); chỉ bấy nhiêu, nhưng về sau các bậc A-Xà-Lê đã dựa theo tôn ý Ðức Phật nên dạy thêm cho các vị Sa-di phải thực hành một số qui củ có trong giới bổn Pātimokkha của Tỳ-khưu để đem lại một đời sống Sa-di đức hạnh, nhất là các uy nghi tế hạnh và các điều răn thuộc lỗi lầm đời quở trách (Lokavajja).

-ooOoo-

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app