C.2) Vị Thánh Hữu Học (Sekkhā).

Đức Thế Tôn trình tự chỉ ra 24 điều, phàm phu nhận thức sai lầm dù chỉ một trong 24 điều này, cũng đủ làm sanh khởi ba pháp: kiến, mạn, ái. Tất cả đều xuất phát từ tưởng sai biệt (papañca).

Trong ba pháp kiến, mạn, ái thì thân kiến là một chướng ngại đầu tiên trong hành trình dẫn đến giác ngộ, thân kiến này hình thành từ tưởng sai biệt và được tăng trưởng qua sự chấp trước, gọi là kiến thủ (diṭṭhupādāna).

Nhưng thế nào được gọi là bậc Hữu học? Được gọi là bậc Hữu học là bậc đã thành tựu được Thánh Đạo tám ngành. Nghĩa là trên cơ bản vị ấy thành tựu được tám chi phần đưa đến diệt nghiệp luân hồi, nhưng chưa diệt trọn vẹn. Như vị Thánh Dự Lưu chỉ diệt được nghiệp đưa tái sanh về bốn khổ cảnh, vị Thánh A Na Hàm chỉ diệt tận những nghiệp đưa tái sanh về dục giới.

“Này các Tỷ kheo, có bốn nghiệp này được Ta chứng ngộ với thắng trí và tuyên thuyết. Thế nào là bốn?

– Này các Tỷ kheo, có nghiệp đen quả đen….

– Này các Tỷ kheo, có nghiệp trắng quả trắng….

– Này các Tỷ kheo, có nghiệp den trắng ảu đen trắng…

– Này các Tỷ kheo, thế nào là nghiệp không đen trắng quả không đen trắng, nghiệp đưa đến nghiệp đoạn  diệt?.

Đây là chánh tri kiến… chánh định.

Này các Tỷ kheo, đây là nghiệp không đen trắng quả không đen trắng, nghiệp đưa đến nghiệp đoạn diệt.”[1]

Đoạn kinh trên cho thấy: “Vị Hữu học là người chứng ngộ Thánh đạo bằng thắng trí (abhiññāṇa), nhưng là loại thắng trí của bậc này còn phải tu tập để hoàn thiện phận sự rốt ráo là “giải thoát khỏi luân hồi”.

Có một vị Tỷ kheo đi đến đảnh lễ Đức Thế Tôn, sau khi ngồi vào nơi hợp lẽ, vị ấy bạch hỏi Đức Thế Tôn rằng:

“Bạch Đức Thế Tôn, “hữu học, hữu học (sikkhatīti sekkha)”, được gọi như vậy. Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn là bậc hữu học?”

– Này Tỷ kheo, ở đây tỷ kheo đầy đủ chánh kiến của bậc hữu học… đầy đủ chánh định của bậc hữu học. Cho đến như vậy, tỷ kheo ấy được gọi là bậc hữu học.”[2]

Ở đây, Hữu học là chỉ cho ba bậc Thánh đầu là: Tu Đà Hườn (Sotāpati), Tư Đà Hàm (Sakkāgāmi), A na Hàm (Anāgāmi).

Lại có câu hỏi: “Bậc Thánh Hữu học có thể bị hoại lìa quả vị không?”.

Trong bộ Luận điểm (Kathāvatthu), có vài bộ phái như: Đại chúng bộ (Mahāsaṅghika), Nhất thiết Hữu bộ (Sartivāda), Độc Tử bộ (Vajjiputtaka), Chánh Lượng bộ (Sammityas) cho rằng “Vị thánh A la Hán có thể bị hoại quả vị”, điều này dẫn đến một hệ quả là “bậc Thánh Hữu học cũng có thể hoại quả vị”. Sở dĩ có luận điểm trên vì các bộ phái này y cứ vào các như sau:

“Này các Tỷ kheo, năm pháp này khiến vị tỷ kheo hữu học thối chuyển. Thế nào là năm?.

“Ưa sự nghiệp (kammārāmatā), ưa đàm luận (bhassārāmatā), ưa ngủ, ưa có quần chúng (saṅgaṇikārāmato), không quán sát tâm như đã được giải thoát.

Này các Tỷ kheo, năm pháp này khiến tỷ kheo hữu học thối chuyển”[3].

Cũng có năm pháp khác khiến vị tỷ kheo hữu học thối chuyển là:

1- Vị tỷ kheo hữu học có nhiều công việc, có nhiều việc phải làm, khéo léo trong công việc phải làm, từ bỏ độc cư thiền tịnh, không chuyên chú vào nội tâm tịnh chỉ. Đây là pháp thứ nhất khiến tỷ kheo Hữu học thối chuyển.

2- Vị tỷ kheo hữu học suốt ngày làm những công việc nhỏ nhặt, từ bỏ độc cư thiền tịnh, không có chuyên chú vào nội tâm tịnh chỉ. Đây là pháp thứ hai khiến vị tỷ kheo hữu học thối chuyển.

3- Vị tỷ kheo hữu học sống liên hệ nhiều với các tại gia và xuất gia, hệ lụy với các sự việc tại gia không thích đáng (ananulomikena gihisaṃ saggena), từ bỏ độc cư thiền tịnh, không chuyên chú vào nội tâm tịnh chỉ. Đây là pháp thứ ba khiến tỷ kheo thối chuyển.

4- Vị tỷ kheo đi vào làng quá sớm, từ giả làng quá muộn, từ bỏ độc cư thiền tịnh, không chuyên chú vào nội tâm tịnh chỉ. Đây là pháp thứ tư khiến vị Hữu học thối chuyển.

5- Vị tỷ kheo hữu học đối với những câu chuyện nghiêm trang (abhisallekhikā), khai tâm (cetovivaranasappāyā) như các câu chuyện về ít dục, câu chuyện về ti túc, câu chuỵển về viễn ly, câu chuyện về không hội họp (asamsaggakahā), câu chuyện về tinh tấn, câu chuyện về giới, câu chuyện về định, câu chuyện về tuệ, câu chuyện về giải thoát, câu chuyện về giải thoát tri kiến. Các câu chuyệ ấy, vị ấy có được có khó khăn, có được có mệt nhọc, có được có phi sức. Vị ấy từ bỏ độc cư thiền tịnh, không chuyên chú vào nội tâm định tỉnh. Đây là pháp thứ năm khiến vị tỷ kheo hữu học thối chuyển.[4]

Hay bài kinh:

“Sáu pháp này, này các Tỷ kheo, đưa tỷ kheo hữu học đến thối đọa. Thế nào là sáu?

“Ưa công việc, ưa nói chuyện, ưa ngủ, ưa hội chúng, các căn không phòng hộ, ăn uống không tiết độ”[5]

Và Thượng Tọa bộ (Theravāda) bác bỏ luận điểm “Vị Thánh A La Hán có thể bị hoại quả vị”  bằng cách chất vấn bốn bộ phái trên như sau:

“Vậy vị Thánh Hữu học có thể bị hoại quả vị chăng? Và vị Thánh Hữu học Dự lưu có thể trở thành phàm nhân khi bị hoại quả vị không? Những bộ phái trên thừa nhận các quả vị Hữu học không bị hoại. Nhưng như vậy thì: “Quả hữu học không bị hoại  làm sao quả vị A La Hán bị hoại được.”[6]

“Này các Tỷ kheo, thành tựu bốn pháp này, vị Thánh  đệ tử là bậc Dự Lưu, quyết chắc chứng quả giác ngộ. Thế nào là bốn?

– Này các Tỷ kheo, vị Thánh đệ tử thành tựu lòng tin bất động đối với Đức Phật: “Đây là Thế Tôn… đức Phật, Thế Tôn”.

“Đối với Pháp… Đối với Tăng…”

“Vị ấy thành tựu các giới được các bậc Thánh tán thán… đưa đến thiền định”.

“Thành tựu bốn pháp này, này các Tỷ kheo, vị Thánh đệ tử là bậc Dự Lưu không còn bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ”[7].

Bốn pháp trên là bốn Dự lưu chi phần, người thành tựu được bốn pháp này là bậc Thánh Dự Lưu, vị ấy không còn bị thối đọa, tức là không bao giờ rơi vào bốn đọa xứ: Địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ và A-tu-la.

Suy nghiệm về “hữu học” thì có hai loại hữu học, phàm hữu học và thánh Hữu học. Bậc Hữu học trong kinh  Căn bản pháp môn ám chỉ Thánh Hữu học.

Phàm hữu học có thể rơi vào đọa xứ, nhưng thánh Hữu học không thể rơi vào thối đọa.

*

Trở lại kinh Căn Bản Pháp Môn, Kinh văn ghi:

“Này các Tỷ kheo, có vị Tỷ kheo, hữu học, tâm chưa thành tựu (appattamānaso), đang sống cần cầu sự vô thượng an tịnh các triền ách (anuttaraṃ yogakkhemaṃ viharati). Vị ấy biết rõ (abhijānāti) đất là đất.”

Giải:

“Tâm chưa thành tựu (appattamānaso)”.

Appattamānaso = na + patta + mānasa.

Patta là quá khứ phân từ  của pāpuṇāti là: đã đắc được, đã đến nơi.

Na + patta: không đến nơi.

Mānasa theo nghĩa đen là tinh thần, có ý đến

Như vậy nghĩa đen của appattamānasa:  chưa đến được nơi hướng đế, hay chưa thành đạt ý nguyện.

Nơi muốn đến” đó là gì? Là thoát khỏi ra mọi sinh hữu.

Bản Sớ giải, giải thích mānasa có ba: tham (rāga), tâm (citta) và Arahatta. Ở đây ám chỉ tâm của vị A La Hán.

Tâm chưa thành tựu” là tâm của vị Thánh hữu học còn bị tham trói buộc, nhưng loại tâm tham này không có tà kiến sanh khởi.

Tùy theo tầng Thánh của vị Hữu học mà loại tâm tham này thô hay vi tế, vị Thánh Dự Lưu còn tham luyến cõi Dục nên còn trở lại Dục giới nhưng không quá 7 lần, vị Thánh Tư Đà hàm tuy vẫn còn tham luyến Dục giới nhưng nhẹ hơn nhiều, nên chỉ trở lại cõi dục 1 lần, riêng bậc A Na Hàm không còn tham dục nên không tái sanh về Dục giới nữa, tuy vậy vị ấy vẫn còn tham luyến cõi Sắc và Vô sắc giới. Nói rõ hơn thì: Vị Thánh Dự lưu và Tư Đà Hàm còn tham luyến ba cõi, riêng vị Thánh Bất lai không còn tham luyến cõi Dục.

Sekkhā (hữu học): là bậc còn phải học, còn phải tu tiến (bhāvanā) lên cao. Thánh Hữu học là chỉ cho ba bậc: Dự lưu, Nhất lai và Bất lai.

Nghĩa là vị Hữu học ở khoãng giữa của phàm nhân và bậc Vô học (asekkha). Nói cách khác, bậc Hữu học là bậc đã vượt qua phàm tính đang tiến dần đến sự giải thoát hoàn toàn mọi sinh hữu, còn bậc Vô Học đã hoàn toàn thoát ra mọi sinh hữu.

So sánh về tri thức của bốn hạng thì:

– Phàm nhân không hiểu (pháp thực tính).
– Bậc Hữu học có thể hiểu (pháp thực tính).
– Bậc Vô học đã hiểu (pháp thực tính).

Bản sớ giải giải thích mānasa có ba là: rāga (khát ái), citta (tâm) và arahatta (phá ác – A la hán).

Appattamānasa: không đến nơi (quá nhiều) khát ái , nghĩa là tuy còn tham ái nơi năm trần sắc, thinh, hương, vị, xúc, nhưng không “quá quắt” như phàm nhân để phải rơi xuống khổ cảnh.

Appattamānasa: không đến nơi có định (citta) trọn vẹn, nghĩa là không thể nhập trọn vẹn vào ba định tướng: Vô tướng định, Vô nguyện định và Không tánh định.

Ba loại định này do nương vào ba tướng: Vô thường tướng (aniccalakkhaṇa), Khổ tướng (dukkhalakkhaṇa), Vô ngã tướng (anattalakkhaṇa).

An trú tâm vào tướng Vô thường gọi là Vô tướng định, an trú tân vào khổ tướng gọi là Vô nguyện định, an trú tâm vào tướng vô ngã gọi là Không tánh đinh.

Nhưng vì sao “không đến định trọn vẹn”?. Vì vị ấy còn phiền não, chưa ly dục hoàn toàn.

Lại nữa, ví như người bơi trong hồ nhỏ, tuy có giải trừ được nóng bức, nhưng sự bơi lội vẫy vùng còn hạn chế, chưa được thoải mái; nếu như người này có khả năng bơi lội trong sông lớn hoặc ở đại dương thì khả năng vẫy vùng rất thỏa thích và dễ dàng.

Cũng vậy, gọi là an trú trong định Tam tướng của bậc Hữu học chưa trọn vẹn vì trí của vị này chỉ thấu hiểu ý nghĩa một số pháp hữu vi, đối với một số pháp hữu vi khác thì các Ngài không am tường.

“Này các Tỷ kheo, y cứ vào núi Tuyết sơn, các loài rắn lớn tăng trưởng tự thân, thâu hoạch sức mạnh. Ở đây chúng tăng trưởng tự thân, thu hoạch sức mạnh, chúng đi xuống hồ nhỏ (kussubho), sau khi đi các sông nhỏ. Sau khi đi xuống các sông nhỏ, chúng đi xuống các sông lớn, sau khi đi xuống các sông lớn, chúng đi ra biển, đi ra đại dương”[8].

Đức Phật có giải thích: “vị Tỷ kheo, dựa vào Giới bậc Thánh để tu tập (ví như dựa vào núi Tuyết sơn) Thánh đạo tám ngành”.

Hồ nhỏ ví như trí của bậc Tu Đà Hườn.

Hồ lớn ví như trí bậc Tư Đà Hàm.

Sông nhỏ ví như  trí bậc A Na Hàm.

Biển ví như  trí Thượng thủ Thinh văn hay bậc Độc giác.

Đại dương ví như trí bậc Chánh Đẳng giác.

Nghĩa là ngay bậc Chánh Giác khi còn Bồ tát, Ngài cũng nương tựa vào Giới để tu tiến. Và khi thành đạt, trí tuệ Đức Phật rộng lớn như đại dương.

Bậc Vô học ví như người bơi lội trong sông lớn vì trí của Ngài đã viên mãn nhiều pháp thực tính, nhưng cũng có một số pháp các Ngài không am tường, nhưng không còn bị chướng ngại khi trôi xuôi vào biển hay đại dương.

“An tịnh các triền ách (yogakkhemaṃ)”.

“Triền ách (yoga). Yoga có nghĩa là: liên kết, ràng buộc. ví như con bò phải mang cái ách vào cổ, nó không được tự do đi đâu cũng được, nó phải đi theo sự dẫn dắt của người chủ. Cũng vậy, chúng sanh cứ mãi chịu luân hồi, không thể giải thoát được cũng vì sự ràng buộc này, sự ràng buộc đó là gì? Là tham, tà kiến và vô minh. Vị chủ nhân ấy là ai? Chính là ái. Đôi khi yoga còn được dịch là “ách phược”, “kết”.

Pāli có giải chữ yoga như sau:

“Vaṭṭasmiṃ satte yojentīti = yoga.

Pháp nào sẽ đem chúng sanh ràng buộc trong luân hồi, gọi là triền ách (hay Kết).”[9]

Có bao nhiêu triền ách?

Có bốn triền ách là:

– Dục triền ách (kāmayoga), là sự ràng buộc trong cõi dục, chính là sự tham đắm trong dục giới.

– Hữu triền ách (bhavayoga), là sự ràng buộc trong trong các sinh hữu, hữu triền ách ám chỉ sự tham luyến cõi Sắc giới và Vô sắc giới.

– Kiến triền ách (diṭṭhiyoga), là bị các kiến thức sai lầm trói buộc, không thể thoát ra được những kiến thức ấy.

– Vô minh triền ách (avijjāyoga), là do không thấu hiểu Tứ Thánh Đế, nên bị kết dính vào luân hồi.

“Này các Tỷ kheo, có bốn ách phược (yogo) này. Thế nào là bốn. Dục ách phược, hữu ách phược, kiến ách phược, và vô minh ách phược.Chính vì mục đích muốn thắng tri, muốn liễu tri, muốn đoạn diệt, muốn đoạn tận bốn áh phược này, này các Tỷ kheo, Thánh đạo tám ngành cần phải tu tập.”[10]

Như vậy, để thoát ra mọi triền ách, vị Thánh này cần phải tu tập Bát Thánh Đạo, do đó gọi là bậc hữu học “đang sống cần cầu sự vô thượng an tịnh các triền ách”.

Chi pháp của các triền ách là:

– Chi pháp của dục ách là: tâm sở tham (dục) (lobhacetasika).
– Chi pháp của hữu ách cũng là tâm sở tham (dính mắc trong các sinh hữu).
– Chi pháp của kiến ách là: tâm sở tà kiến (diṭṭhicetasika).
– Chi pháp của Vô minh ách là: tâm sở si (mohacetasika).

Vị Thánh Dự lưu, Nhất Lai thoát ra khỏi kiến ách, nhưng ba loại ách còn lại  chưa thoát ra được, vị Thánh A Na Hàm thoát ra khỏi kiến ách với dục ách, còn lại hữu ách và vô minh ách.

“Vị  ấy biết rõ đất là đất”.

Đối với bốn vấn đề sắc pháp: đất, nước, lửa, gió, Tập Sớ có giải thích: Vị Thánh Hữu học biết “đất, nước, lửa, gió” theo cách trực tiếp, tức là biết theo cách xúc chạm, biết theo “thực tính”, như vấn đề “đất” chẳng hạn, vị Thánh Hữu học không biết đất qua “chế định”, không nhận định đất qua sự “kết hợp” và cũng không hiểu đất theo cảnh Thiền chứng[11].

Nói rõ hơn, với năng lực của Thiền quán (vipassanā) vị Thánh Hữu học biết “đất” qua Tuệ phân tích (abhivisiṭṭhenañāṇena), đồng thời thấu rõ bản chất vô thường, khổ và vô ngã của “đất”.

Lẽ thường, bám chấp vào cái vô thường sẽ dẫn đến khổ và những gì vô thường, khổ cái ấy là vô ngã.

Rất nhiều đoạn kinh, Đức Thế Tôn nói lên điều này:

“Này các tỷ kheo, sắc là vô thường. Cái gì vô thường là khổ; cái gì khổ là vô ngã. Cái gì là vô ngã, cần phải như thật quán với chánh trí tuệ “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi. Cái này không phải tự ngã của tôi”[12].

và:

“Này các tỷ kheo, sắc là vô thường. Cái gì là nhân, cái gì là duyên cho sắc sinh khởi, cái ấy cũng vô thường. Sắc đã được cái vô thường làm cho sanh khởi. Này các tỷ kheo, từ đâu có thể là thường được?”[13]

Người có Tuệ phân tích, là người không tách rời thực tính của các pháp, không bị lệch hướng mục tiêu do sự hiểu sai (tà kiến) tạo ra. Với trí văn (sutaññāṇa) sung mãn, vị ấy quán xét đất, để rồi “biết rõ” đất.

Abhijānāti (thắng trí hay biết rõ) không phải là loại trí của phàm nhân (abhi = cao tột, jānāti = biết).

Abhijānāti (Thắng trí) về đất, là trí biết rõ “đất” là vô thường, khổ, vô ngã, sự biết này có được do từ bỏ được tưởng sai biệt, (tưởng sai biệt là một thành phần của tưởng uẩn – saññākkhandha), tức là trừ được thân kiến qua sự thành tựu Thánh Đạo tám ngành.

Vị ấy không nghĩ tưởng đất là đất (paṭhaviṃ māmaññi).”

Nên ghi nhận rằng: đối với phàm nhân Đức Phật dùng: “pathaviṃ maññati: suy tưởng đến đất (là đất)”.

Đối với vị Thánh hữu học, Đức Phật dùng: “pathaviṃ māmaññi: không suy tưởng đất(là đất)”.

Hậu Sớ giải (Ṭīkā) có giải chữ māmaññi = mā + amaññi.

: điều ấy, điều đó.

Amaññi = na + maññi: không do tưởng.

Māmaññi: là điều nghĩ đến không do tưởng tượng. Hay: “điều được biết do đã từ bỏ những hình thức của tưởng tượng”.

Hoặc māmaññi là mệnh lệnh ngăn cắm hành động phóng túng của ý nghĩa.[14] (mā có nghĩa là dừng lại, đừng). Nghĩa là không được tưởng tượng quá xa, thoát ra ngoài quỷ đạo của chân pháp, ví như cha mẹ cho phép đứa con mình vui đùa trong khuôn viên, nhưng không được vượt qua vòng rào đã quy định.

“Sự biết” về chân pháp của bậc Hữu học vượt lên trên sự biết của phàm nhân, vì phàm nhân không từ bỏ bất cứ một sự tưởng tượng nào. Nhưng “sự biết” của vị Thánh Hữu học cũng không thể là “sự biết” hoàn toàn thoát ra khỏi tưởng (saññā) như vị Thánh A La Hán. “Sự biết” của vị A La hán không còn bị  “cái biết của tưởng chi phối” cho dù đó là tưởng đúng (sammā saññā), sự biết của vị A La Hán là cái biết hoàn toàn do trí..

Biết hoàn toàn do trí” là cái biết luôn luôn tỉnh thức (sampajaññā), mặc dù trong tâm vị Thánh Lậu tận vẫn có tưởng, nhưng nó không thể vẽ ra cảnh quá khứ hay cảnh vị lai làm xáo trộn, mê mờ trí của vị ấy.

Như vậy, “sự biết” của vị Thánh hữu học là sự biết do ba loại: tưởng, thức và trí. Trong đó có loại tưởng sai biệt (papañca) dẫn đến tà kiến, gọi là tưởng kiến (saññādiṭṭhi) đã bị từ bỏ hoàn toàn,  còn hai nhóm tưởng sai biệt dẫn đến mạn và ái thì vị Thánh Hữu Học chưa từ bỏ được.

Trái lại, “sự biết” của vị Thánh A La Hán hoàn toàn do trí, không còn là sự biết do tưởng hay do thức.

Thắng trí (abhijānāti) thấp nhất trong các thắng trí là thắng trí của bậc Dự lưu, nhưng trí này đã diệt trừ mọi nguyên nhân dẫn đến tà kiến mà trong đó tưởng là một.

Có 8 nhân phát sanh tà kiến là:

1- “Chấp giữ năm uẩn” là nhân sanh tà kiến. Vì 5 thủ uẩn (pañcupādānakkhandha) là điểm tựa của 20 thân kiến (sakāyadiṭṭhi). Chánh tạng có ghi: “Này các tỷ kheo, bất kể những sa môn, Bà la môn nào, khi quán xét tự ngã cũng thường quán xét năm uẩn này”.

2- “Vô minh” là nhân sanh tà kiến, vì là pháp đối nghịch với trí, người bị vô minh bao phủ ví như người bị mù mắt, không thấy rõ các sắc. Cũng vậy, do vô minh nên chân tướng các pháp không được nhận ra, do đó thấy sai lạc về thực tính pháp.Chánh tạng có ghi “kiến này đang sanh khởi do nương vào giới hạ liệt là vô minh”.

3- “Xúc” là nhân sanh kiến, vì cho rằng “có người (tự ngã) xúc chạm”. Chánh tạng có ghi: “Những Sa môn, Bà la môn đề cập đến quá khứ tối sơ, luận bàn về tương lai. Chấp kiến về quá khứ tối sơ và tương lai, y cứ về quá khứ tối sơ và tương lai, đề xướng nhiều sở kiến sai khác với 62 luận chấp. Tất cả những vị này có những cảm thọ (những chủ trương trên) do có sự xúc chạm nối tiếp qua sáu xứ.”[15]

4- “Tưởng” là nhân sanh của kiến, vì tưởng dẫn đến tưởng sai biệt.

5- “Tầm” (vitakka) là nhân sanh tà kiến, vì các loại kiến đang sanh khởi do tìm đến hành tướng của đối tượng. Một khi gặp một hành tướng của đối tượng thì tưởng sai biệt lại khởi lên dẫn đến tà kiến. Bậc trí biết rõ những tà tầm (micchāsankappa) dẫn đến tà tưởng và kiến nương theo đó hình thành. Tầm  chỉ hướng đến hai loại đối tượng: sự thật (sacca) và hư ngụy (musā) mà thôi.

6- “Phi như lý tác ý”. Không có tác ý đúng phương pháp hiệp theo trí tuệ là nền tảng cho tất cả bất thiện pháp, nên phi như lý tác ý cũng là nhân sanh kiến.

7- “Ác hữu” cũng là nhân sanh tà kiến. Ác hữu có hai loại:

– Người thiên chấp về tà kiến.
– Người có sở hành ác, bất thiện.

Trong hai loại ác hữu này sự thân cận với người thiên về tà kiến nguy hiểm hơn nhiều.

“Với người có tà kiến, này các tỷ kheo, các pháp bất thiện chưa sanh được sanh ra, các pháp bất thiện đã sanh được tăng trưởng quảng đại”[16]

8- “Truyền thuyết” ám chỉ những truyền thuyết có liên hệ với tà kiến.

Trong tám nhân sanh tà kiến, sự chấp thù năm uẩn là nguồn cho các loại khác, đồng thời vô minh che lấp sự thật góp phần làm tăng trưởng lầm lạc. Hai nhân quan trọng này đã bị trí đạo soi sáng, vô minh đưa đến tà kiến bị trừ  diệt, do đó sự chấp thủ năm uẩn cũng không còn. Vì rằng sự chấp thủ năm uẩn có ái là gốc rễ.Vô minh – ái bị đoạn thì tất cả những nhân khác dẫn đến kiến cũng không còn.

Tuy còn có những loại tưởng sai biệt dẫn đến ái, mạn nhưng vị Thánh hữu học cũng không suy tưởng đến loại tưởng này, thì còn nói gì đến loại tưởng dẫn đến thân kiến đã bị từ bỏ, đã bị đoạn trừ.

Tưởng mà vị Thánh hữu học có là “vì mục đích muốn hiểu rõ và thành tựu pháp giải thoát khổ luân hồi” như vị A La Hán, nhưng vì còn bị trói buộc bởi các ách (yoga), nên không thể nhận rõ thực tính pháp cần biết, do đó nương vào tưởng để suy quán, tức là từ nền tảng trí văn dẫn đến trí tư và tiến hành tu tập Minh sát cho đến khi thành tựu trí tu sung mãn.

Có hai người cùng bị trói chặt cả tay chân, một người mang trên mắt cặp kinh màu, người kia thì không. Người có mang kính thấy cảnh vật theo màu kính, nếu kính màu xanh, cho dù cảnh vật có là vàng, đỏ, xanh, người ấy cũng chỉ thấy độc nhất màu xanh, người không mang kính thì nhận định rõ các màu sai biệt. Người thứ nhất ví như phàm nhân còn bị kiến ách che lấp sự thật, người thứ hai ví như vị Thánh hữu học đã thoát ra kiến ách.

Nhưng vì bị trói chặt tay chân không thể xoay trở, người này cố tìm vật cắt đứt dây trói nhưng không tìm thấy vật ấy ở đâu, chợt thấy bóng của vật ấy qua sự phản chiếu của vật khác, người ấy suy nghiệm chỗ có vật ấy, khoảng cách từ chỗ ấy đến người ấy bao xa… Rồi cố tìm mọi biện pháp nhặt lấy, cố gắng cắt cho được dây trói buộc để được tự do.

Cũng vậy, vị Thánh Hữu học còn bị trói buộc bởi những kiết sử nên không thể nhận thức rõ ràng các thực tính pháp, vị ấy nhờ trí văn để rồi suy quán qua tưởng vô thường, tưởng khổ, tưởng vô ngã (ví như bóng ảnh) để thể nhập vào Bất tử pháp là Níp-Bàn, cho đến khi giải thoát hoàn toàn mọi ách phược (yoga).

Tất nhiên vị ấy có khả năng nhận biết “vũ khí” ấy vì đã có lần sử dụng, nghĩa là vị ấy tưởng nhớ lại Đạo lộ đã đưa vị ấy chứng đạt Níp-Bàn.

Nhờ có loại “tưởng đúng” (suy luận đúng) vị Thánh hữu học có khả năng hiểu được điều “cần phải hiểu rõ”, tưởng của vị Thánh hữu học không phát sanh theo đường lối mà chúng đã phát sanh đối với phàm phu, nó phải phát sanh theo đúng đường lối chân pháp mà vị ấy  đã thành tựu. Ví như nhà khoa học nhìn nước = 2H+ O, không hề nghĩ cái tập hợp 2H+ O này là nước lạnh, nước nóng, nước ấm …, khi nghĩ đến nước chỉ nghĩ là 2H +O  mà thôi, cũng vậy, sự suy luận (do tưởng) của vị Thánh Hữu học theo đúng đường lối: vô thường, khổ, vô ngã, những tưởng sai biệt tạo ra thân kiến, mạn và ái cũng không thể chen vào. Chỉ khi nào vị ấy lìa bỏ những tưởng đúng, khi ấy những tưởng sai biệt tạo ra mạn, ái mới có cơ hội sanh khởi.

Còn vị Thánh A la Hán như người tự do không bị trói buộc, khi muốn xem xét  vật nào đó, thì nhìn thấy như thật luôn cả những nét khuất lấp. Sự thấy này không cần có “suy luận” tham gia.

Tóm lại, vị Thánh hữu học hiểu rõ “đất” qua ba tuệ sung mãn: Văn – Tư – Tu vì đã đi vào thánh đạo Siêu thế.

Phàm nhân thì không hiểu rõ “đất”, vị Thánh hữu học chưa hoàn toàn hiểu rõ “đất”, vị Thánh A La Hán hoàn toàn hiểu rõ “đất”.

Lại nữa, “sự biết” của vị Thánh hữu học khác với phàm nhân là: sự biết của phàm nhân còn có thiên chấp (anuseti), còn chấp thủ, trái lại “sự biết “của vị Thánh hữu học không rơi vào thiên chấp, chấp thủ.

“Này các tỷ kheo, do có sắc, do chấp thủ sắc, do thiên chấp sắc, (tà) kiến này khởi lên: “cái ấy là tự ngã, cái ấy là thế giới, sau khi chết cái ấy sẽ thường còn, thường hằng, thường trú, không chịu sự biến hoại”.[17]

Do hiểu rõ tính chất vô thường của đất, không chấp thủ đất (nội thân), nên vị Thánh Hữu học “không nghĩ (tự ngã) ở trong đất”, “không nghĩ (tự ngã) là đất”, “không nghĩ đất là của ta”, “không hoan hỷ với đất”.

Ngã vốn không có, vị ấy đã chứng đạt như thật như chân rồi thì những gì liên hệ đến ngã, như tự ngã, tha ngã làm thế nào vị ấy có thể nghĩ tưởng đến được. Vị đã biết chắc chắn rằng “các pháp hữu vi đều vô thường”, sẽ không bao giờ nghĩ đến “thường” cùng những gì liên hệ đến “thường”.

“Vì nhân nào? Ta nói vị ấy có thể biết được đất (taṃ kissa hetu: pariññeyyaṃ tassāti vadāmi)”

Pariññeyya = pari + ñeyya, pariññeyya là điều nên hiểu trọn vẹn.

Bản Sớ giải có giải thích: “Bậc Hữu học hiểu rõ “căn bản của tưởng sai biệt là tưởng tri” qua ba tuệ sung mãn: văn – tư –  tu, và vị ấy đã thể nhập vào đạo lộ Siêu thế. Vì thế vị ấy có thể hiểu rõ đất, không như phàm nhân hoàn toàn không hiểu, nhưng không như vị Thánh A La Hán hoàn toàn hiểu rõ”.[18]

Vị Thánh Hữu học tuy hiểu rõ ba đặc tính của đất là vô thường, khổ, vô ngã, nhưng thể bất tịnh của đất (nội thân) có thể chưa hiểu, do đó vị ấy có thể còn tham luyến sắc thân, có thể còn dính mắc trong dục lạc như Bà Thánh Nữ Visākhā chẳng hạn (bà có đến 20 người con). Tuy nhiên, sự dính mắc này không rơi vào đường lối sái quấy như phàm nhân.

Nữ cư sĩ Migasālā có bạch hỏi Đức Ānanda rằng:

-Thưa Tôn giả Ānanda, thân phụ của con là Purāṇa sống phạm hạnh, sống biệt lập, tránh xa dâm dục hạ liệt, khi mệnh chung được Đức Thế Tôn trả lời: “là bậc Dự lưu sanh với thân ở Tusitā (Đẩu Suất)”. Còn cậu của con là Isidatta, sống không phạm hạnh, tự bằng lòng với vợ mình, sau khi mệnh chung được Đức Thế Tôn trả lời: “Là bậc Dự lưu, sanh với thân ở Tusitā”.

Như thế nào, thế nào, thưa Tôn giả Ānanda, cần phải hiểu pháp này do Đức Thế Tôn tuyên thuyết (nói rằng): “Cả hai sống phạm hạnh và không phạm hạnh đều đồng về sanh thú trong tương lai”.

– Này chị, chính như vậy là câu trả lời của Đức Thế Tôn.”[19]

Nữ cư sĩ Migasālā đã hiểu sai lời dạy của Đức Thế Tôn như trong kinh trình bày và Đức Thế Tôn có lời khiển trách nữ cư sĩ Migasālā. Nhưng ở đây không bàn về việc hiểu sai này, chỉ nêu lên vấn đề: “Bậc Thánh Dự lưu hay Nhất Lai tuy còn tham dục, nhưng không rơi vào sái quấy, tức là tà hạnh trong dục lạc (tự bằng lòng với vợ mình)”.

Lại nữa, tuy bậc thánh Hữu học hiểu biết các pháp hữu vi sanh lên do có nhân có duyên, nhưng cụ thể là loại nhân- duyên gì thì vị ấy có thể biết, có thể không biết. Tức là, nhân tập khởi của đất (nội thân) là gì? Nhân đoạn diệt của đất (nội thân) là gì? Có thể vị ấy hiểu, có thể hiểu không thấu đáo. Nhân tập khởi của đất chính là duyên Thân và các xúc trần khởi lên thân thức, ba pháp này dẫn đến ái (tham), nhân đoạn diệt của đất là ly (dục) tham và bao giờ còn tham là còn khổ.

Này các tỷ kheo…. do duyên ái nên có thủ, do duyên thủ nên có hữu, do duyên hữu nên có sanh, do duyên sanh nên già, chết, sầu, bi,khổ, ưu, não sanh khởi. Này các Tỷ kheo, đây là thế giới tập khởi.

“Này các Tỷ kheo… do sự đoạn diệt ly tham ái ấy một cách hoàn toàn nên thủ diệt, do thủ diệt nên hữu diệt, do hữu diệt nên sanh diệt, do sanh diệt nên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não đoạn diệt. Như vậy, đây là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt.”[20]

Và:

“Này các Tỷ kheo, do không thắng tri, không liễu tri, không ly tham, không từ bỏ các sắc, nên không thể đoạn khổ đau”[21] (sắc ở đây chỉ cho sắc cảnh sắc, đối tượng của nhãn thức).

Cũng nên hiểu rằng; “Vị thánh Dự Lưu hay Nhất lai vẫn còn tham dục, nhưng các bậc này chỉ dính mắc vào “những pháp khả ái, khả hỷ, khả lạc liên hệ đến dục (kāma: chỉ cho sắc, thinh, hương, vị, xúc), hấp dẫn đến dục”, do đó gọi là tham dục hay dục thủ”.

Dứt phần Sắc pháp.

*

Về Nhân chế định (Danh-sắc pháp).

Những vấn đề còn lại cũng tương tự. Tức là do vị Thánh Hữu học đã diệt trừ được thân kiến, nên không còn nghĩ rằng: “chúng sanh do Đấng Sáng Tạo Chủ tạo ra, cũng không có một tự ngã nào trong chúng sanh, đơn thuần chúng sanh chỉ là danh sắc, sắc không là tự ngã, danh cũng không là tự ngã. Nghĩa là không còn cho: Thọ là ta, ta là thọ. Tưởng là ta, ta là tưởng, hành là ta, ta là hành, thức là ta, ta là thức.”

Vị ấy hiểu rằng: “chúng sanh được hạnh phúc hay đau khổ là do nghiệp điều sử, bao giờ còn tạo nghiệp bấy giờ chúng sanh ấy còn luân hồi, bao giờ còn danh sắc bấy giờ chúng sanh ấy còn nhận quả của nghiệp thiện hay bất thiện. Khi nào đoạn tận nghiệp luân hồi, chúng sanh ấy sẽ giải thoát”. Nhưng về vấn đề nghiệp báo thì vị ấy có thể hiểu, có thể không hiểu rốt ráo.

“Này Ānanda, giới như thế này Purāṇa được thành tựu, giới ấy Isidatta chưa thành tựu. Do vậy ở đây, Purāṇa có sanh thú khác với sanh thú của Isidatta.

Tuệ như thế nào, này Ānanda, Isidatta được thành tựu, tuệ ấy Purāṇa chưa thành tựu. Do vậy ở đây, Isidatta có sanh thú khác với sanh thú Purāṇa. Như vậy, này Ānanda, cả hai người này đều có thiếu sót một chi phần.”[22]

“Về Chư thiên, Sanh chủ.”

Vị Thánh Hữu học hiểu biết: “Chư thiên hay Sanh chủ chỉ là chúng sanh có nhiều phước báu, tích trữ nhiều hạnh lành, nhưng những chúng sanh này vẫn bị định luật vô thường chi phối, thậm chí ngay cả cõi ấy vẫn bị hoại do lửa, nước hay gió. Sự thường hằng nơi chư thiên, Sanh chủ, thiên giới không hề có”.

“Về Phạm thiên, Quang âm thiên, Biến Tịnh thiên, Quảng Quả thiên, Thắng giả”

Vị thánh Hữu học hiểu rằng: “Do năng lực các tầng thiền, khi mệnh chung chúng sanh này sanh về cõi thiền tương ứng đã chứng đắc. Và sau khi thiền lực hoại thì vị Phạm thiên ấy mệnh chung, những chúng sanh này vẫn bị định luật vô thường chi phối, vẫn phải rơi trở lại đau khổ, không phải là Đấng sáng tạo chủ hay trở thành một thực thể thường hằng”

Dứt phần Nhân chế định.

*

Về vấn đề Vô sắc.

Về bốn tầng thiền Vô sắc tương tự như  phần lý giải về Phạm thiên, chỉ khác là những chúng sanh này không có sắc pháp.

Về sở kiến, sở văn, sở xúc, sở tri.

Vị Thánh hiểu là do năng lực thiền cùng với sự quyết định tâm làm duyên, các năng lục thần thông này hiện khởi, không có “người thấy, người xúc chạm, người nhớ lại quá khứ…”. Chính thông lực này khi hết nhân hết duyên cũng hoại, cũng bị vô thường chi phối,. Vị ấy không bám chấp vào một tự ngã thấy, một tự ngã nghe…

Về đồng nhất.

Khác với phàm phu hiểu “đồng nhất” là tự ngã (atman) hòa nhập vào Tạo chủ (brhaman), do vì phàm nhân chấp vào ngã, còn bị thân kiến trói buộc. Trái lại vị thánh Hữu học hiểu “đồng nhất” là: “khi thành tựu một pháp thượng nhân nào đó, thì các pháp phải đồng nhất”. Như muốn thành tựu Sơ thiền, các pháp như 5 chi thiền, 5 quyền (tín, tấn, niệm, định, tuệ)… phải ngang bằng nhau, không có pháp nào hơn pháp nào, khi ấy mới tiến đạt đến Sơ thiền, tương tự như vậy đối với Nhị thiền, ngoại trừ tầm – tứ đã được hành giả lìa bỏ, các pháp còn lại cũng phải đồng đẳng với nhau, khi ấy mới thảnh tựu được Nhị thiền…. .

Hoặc Sơ Đạo chẳng hạn, các pháp trong tâm Sơ Đạo đều đồng đẳng, tức là bát chi đạo, thất giác chi, ngũ quyền, ngũ lực… đều có sức mạnh như nhau, ngay cả tâm lực cũng như thế.

Về Sai biệt.

Phàm nhân hiểu sai biệt theo sự “chấp nhận một quan điểm (diṭṭhi nijjhāna khanti)”, sự chấp nhận quan điểm này không do lấy pháp làm chủ mà lấy “ta (atta)” hay lấy “đời (loka)” làm chủ. Trái lại bậc Thánh Hữu Học thì lấy “Pháp (dhamma) làm chủ, vì đã chứng thực pháp tính đồng thời chứng đạt pháp.

Đối với phàm nhân còn cho là “ta thấy”, “ta nghe”, “ta suy nghĩ”… Nhưng Bậc Thánh Hữu Học hiểu biết sự sai biệt của các giới. Trong sự thấy chỉ là hội nhân duyên của ba pháp: nhãn giới (thần kinh nhãn), sắc giới (sắc cảnh sắc) và nhãn thức giới (nhãn thức), trong sự nghe chỉ là nhân duyên hội tụ của ba pháp: nhĩ giới (thần kinh nhĩ), thinh giới (sắc cảnh thinh) và nhĩ thức giới (nhĩ thức), trong sự biết (đối với pháp trần) chỉ là hội đủ ba pháp: ý giới (2 tâm tiếp thâu, tâm hướng ngũ môn), pháp giới và ý thức giới (tất cả các tâm còn lại ngoài ngũ song thức và 3 tâm ý giới)…

“Này các Tỷ kheo, thế nào là giới sai biệt? Nhãn giới, sắc giới, nhãn thức giới. Nhĩ giới, thinh giới, nhĩ thức giới. Tỷ giới, hương giới, tỷ thúc giới. Thiệt giới, vị giới, thiệt thức giới. Thân giới, xúc giới, thân thức giới. Ý giới, pháp giới, ý thức giới.”[23]

Những tưởng sai biệt sanh khởi lên là do có giới sai biệt là nhân là duyên. rồi những sai biệt này sẽ lần lượt sanh khởi theo duyên khởi.

“Này các tỷ kheo, do duyên giới sai biệt, tưởng sai biệt sanh khởi. Do duyên tưởng sai biệt, tư duy sai biệt sanh khởi. Do duyên tư duy sai biệt, dục (chanda -mong ước)  sai biệt sanh khởi. Do duyên dục sai biệt, nhiệt tình (tapa) sai biệt sanh khởi. Do duyên nhiệt tình sai biệt, tầm cầu sai biệt sanh khởi.”[24]

Có lần gia chủ Ghosita đi đến bạch hỏi Đại Đức Ānanda rằng:

“Sai biệt về giới, sai biệt về giới (dhātu – nānattaṃ), thưa tôn giả Ānanda, được nói đến như vậy. Cho đến như thế nào, thưa tôn giả Thế Tôn nói đến giới sai biệt?”

– “Này gia chủ, khi nào nhãn giới, sắc khả ý và nhãn thức giới cùng khởi lên, do duyên lạc xúc khởi lên lạc thọ.

Này gia chủ. khi nào nhãn giới, sắc không khả ý và nhãn thức cùng khởi lên, do duyên khổ xúc khởi lên khổ thọ.

Này gia chủ, khi nào nhãn giới, sắc trú xả (upekkhātthāniyā) và nhãn thức củng khởi lên, do duyên bất khổ bất lạc xúc, khởi lên bất khổ bất lạc thọ….”[25]

Đoạn kinh trên dã minh chứng cho sự hiểu rõ “về sai biệt” của vị thánh Hữu học.

Hoặc đối với những pháp chế định, vị thánh Hữu Học có thể hiểu danh từ này chỉ cho pháp, danh từ này chỉ cho nghĩa… Như Trưởng giả Citta (bậc Thánh A na Hàm) hiểu được ý nghĩa kệ ngôn:

Bộ phận được tinh thuần (nelanga)
Mái trần che màu trắng
Chỉ có một vành xe
Cổ xe liên tục chạy
Hãy xem và đang đến
Không vi phạm lỗi lầm
Chặt đứt được giòng nước
Không còn bị trói buộc

Và cư sĩ Citta hiểu được ý nghĩa khác nhau qua danh tự như sau:

Bộ máy được tinh nhuần” đồng nghĩa với các giới luật.

Mái trần che màu trắng” đồng nghĩa giải thoát.

Một vành xe” đồng nghĩa niệm.

Liên tục chạy” đồng nghĩa với đi tới đi lại.

Cổ xe” đồng nghĩa thân do tứ đại tạo thành.

“Lỗi lầm” đồng nghĩa với: tham, sân, si.

Không vi phạm lỗi lầm” đồng nghĩa vị Thánh A La hán.

“Giòng nước” đồng nghĩa với khát ái.

“Trói buộc” đồng nghĩa với tham, sân, si.[26]

Hoặc vị Thánh Hữu học biết rõ sự sai biệt các pháp như: “Đây là pháp dục giới, đây là pháp Sắc giới, đây là pháp Vô sắc giới”, trng pháp Dục giới thì “đây là pháp bất thiện  đây là pháp thiện Dục giới”.

Về vấn đề tất cả.

Là vị Thánh Hữu học hiểu rõ: “đây là đồng nhất, đây là sai biệt”. Sự hiểu rõ này cũng nương vào pháp, không còn bị nhầm lẫn như phàm nhân.

Như có lần Tôn giả Godatta hỏi gia chủ Citta rằng:

Này cư sĩ, vô lượng tâm giải thoát, vô sở hữu tâm giải thoát (akincannā), không tâm giải thoát, vô tướng tâm giải thoát, những pháp này khác ngôn tứ, hay đồng nghĩa chỉ khác ngôn từ?

– Bạch Trưởng lão (thera), có pháp môn, theo pháp môn ấy, các pháp này khác nghĩa khác danh từ.

Bạch Trưởng lão, cũng có pháp môn, theo pháp môn ấy, các pháp này đồng nghĩa khác danh từ.[27]

Hay vị Thánh Hữu học hiễu rõ chúng sanh chỉ là  sự hội hợp của 12 xứ, trong tất cả này có sai biệt lẫn đồng nhất.

“Này các tỷ kheo, Ta sẽ thuyết về tất cả, hãy lắng nghe.

Và này các tỷ kheo, thế nào là tất cả? Mắt và các sắc, tai và các tiếng, mũi và các hương, lưỡi và các vị, thân và các xúc, ý và các pháp. Như vậy, này các tỷ kheo, gọi là tất cả.”[28]

Đoạn kinh trên cho thấy ý nghĩa “tất cả” là: chúng sanh chỉ là sự hội hợp của danh sắc, hoặc của ngũ uẩn, hoặc của 12 xứ, hoặc của 18 giới. Mỗi cách có sự giống nhau lẫn sai biệt, như: 12 xứ so với 18 giới thì: nhãn xứ đồng với nhãn giới, sắc xứ đồng với sắc giới… nhưng ý xứ thì sai biệt so với ý giới. Ý xứ là tất cả các tâm trong khi ý giới chỉ có ba tâm: 2 tâm Tiếp thâu và tâm hướng ngũ môn, ý thức giới là tất cả tâm trừ ngũ song thức và 3 tâm ý giới. Nói cách khác “ý xứ là nói lên ý nghĩa “đồng nhất” bao gồm “tất cả pháp biết cảnh”, còn ý thức giới có sự “sai biệt” trong “pháp biết cảnh”….

Hay giữa ngũ uẩn với 12 xứ có sự đồng nhất lẫn sai biệt như: Sắc uẩn bao gồm tất cả các sắc, trong khi 12 xứ thì phân ra nhãn xứ, nhĩ xứ, sắc xứ, thinh xứ… đó là sự sai biệt, còn bản thể “bất tri cảnh” là đồng nhất…

“Về vấn đề Níp-Bàn”

Vị Thánh Hữu học đã chứng thực Níp-Bàn, nên hiểu rõ Níp-Bàn, không còn lầm lẫn Níp-Bàn như những chủ thuyết Níp-Bàn hiện tại kiến.

Dứt phần vị Thánh Hữu Học.

* * *

C.3) Vị Thánh A La Hán.

Sau khi chỉ rõ sự nhận thức của vị Thánh hữu học, tiếp theo Đức Thế Tôn nêu lên sự nhận thức của vị Thánh Alahán.

Trước tiên Đức Thế Tôn  nêu lên đặc tánh của vị Thánh A La Hán là:

“Yo pi so bhikkhave bhikkhu arahaṃ khīṇāsavo vusitavā katakaraṇīyo dhitabhāro anuppattasadattho parikhīṇabhava saṃyojane samma – d- aññā vimutto”.

“Lại nữa, này các Tỷ kheo, có vị tỷ kheo là bậc A La Hán, các lậu đã tận, tu hành thành mãn các việc nên làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã thành đạt lý tưởng, đã tận trừ hữu kiết sử, chánh trí giải thoát”[29].

Khīṇāsava (Lậu tận). Chữ āsava theo nghĩa ban sơ là một loại nước say do ủ lâu ngày mà thành[30].

– Nước say lấy từ bông như bông thốt nốt, gọi là pupphāsava.
– Nước say lấy từ quả trái cây như nho, … gọi là phālasava.
– Chất say lấy từ mật ong, gọi là madhuvāsava.
– Chất say lấy từ mía, gọi là guḷāsava.

Gọi là bậc Lậu tận (khīṇāsava) là bậc đã trừ diệt trọc vẹn ba pháp hay bốn pháp lậu hoặc (āsava) là: dục lậu (kāmāsava), hữu lậu (bhavāsava), kiến lậu (diṭṭhāsava) và vô minh lậu (avijjāsava).

Bậc thánh Dự lưu chỉ trừ tuyệt dứt kiến lậu, cùng với dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu dẫn xuống khổ cảnh, riêng những dục lậu khác vị ấy vẫn còn. Do đó vị thánh Nhập lưu vẫn còn luân chuyển trong cõi dục, nhưng không quá bảy lần.

Bậc thánh Nhất lai trừ thêm phần lớn dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu dẫn tái sanh váo cõi dục, nên các Ngài chỉ còn tái sanh vào dục giới 1 lần.

Bậc thánh A Na Hàm đã trừ tuyệt dục lậu cùng với hữu lậu và vô minh lậu dẫn tái sanh vào cõi dục, nên không còn sanh trở lại cõi dục.

Bậc thánh A La Hán đoạn trừ tất cả các lậu hoặc còn lại của bậc A Na Hàm.

“Tu hành thành mãn các việc nên làm đã làm (vusitavā katakaraṇīyo).

Vusitavā; vusita là an ổn, được che chở.

Katakaranīya = kata + karanīya.

Kata là quá khứ phân từ của karoti nghĩa là đã làm xong, làm đầy đủ rồi.

Karaṇīya: việc phải làm, phận sự phải thực hành.

Ý nghĩa câu kinh trên nghĩa là: (Vị) đã hoàn thành việc phải làm, đang ở trong tình trạng an toàn tuyệt đối, không còn bị chỉ trích, không còn bị lầm lỗi. Ví như người công nhân hoàn thành công việc của mình một cách chu đáo, không còn phải lo sợ bị la rầy, người công nhân này không còn phải làm việc gì thêm trong phận sự ấy nữa, chỉ chờ đợi giờ lãnh thù lao.

Cũng vậy, vị Thánh A La hán đã hoàn tất phận sự giải thoát khỏi luân hồi trọn vẹn, không cần phải làm thêm việc gì nữa trong phận sự này, Ngài chỉ chờ đợi giờ phút Vô dư Níp-Bàn mà thôi.

“Được che chở” vì vị ấy đã thể nhập vào Thánh Đạo trọn vẹn.

“Này các Tỷ kheo, chỉ vì không thể nhập được Thánh Giới, Thánh Định, Thánh Tụê, mà Như lai và các ngươi mãi trôi lăn trong luân hồi”[31]

Các pháp trói buộc chúng sanh vào luân hồi như: phiền não (kilesa), kiết sử (saṃyojāna), ngũ ngầm(anusaya)… vị Thánh A La Hán thực hành theo đường lối Bát Chánh Đạo, sát trừ trọn vẹn các pháp ấy.

Nói chung tất cả pháp bất thiện. không còn trong tâm của các Ngài, nó đã bị bứng tận gốc rễ, không còn có cơ hội sanh khởi được. Chẳng những thế, tâm của các Ngài chẳng còn dính mắc đến pháp thiện, nên Đức Phật có dạy: “chánh pháp còn phải bỏ huống chi là tà pháp”, danh từ chánh pháp ở đây nên hiểu là pháp thiện, đồng thời cũng đừng ngộ nhận rằng: “Các Ngài không còn thực hành việc thiện, đồng nghĩa làm các việc xấu”, sở hành của vị Thánh A La Hán không hề phạm vào ác, bất thiện pháp. Nhìn chung thì sở hành của các Ngài như là thiện, nhưng vì thiện nghiệp này không hề dẫn các ngài tái sanh vào sinh hữu mới như phàm nhân và Thánh Hữu học. Hiểu rõ như vậy, nên các Ngài không hề nghĩ đến nữa, ví như một người sau khi giúp đở người khác, biết chắc chắn rằng y không bao giờ còn cơ hội gặp lại mình, nên không còn nghĩ đến người ấy nữa.

Cũng đừng nên hiểu “chúng ta không cần đến chánh pháp (nghiệp thiện) vì sẽ đưa chúng ta rơi vào sinh hữu”. Hiểu như thế là sai lầm. “Bao giờ sang sông xong hãy bỏ bè, còn bên này sông lại bỏ bè thì lấy gì sang sông?”. Bao giờ thành đạt quả Vô sanh bất tử khi ấy không nghĩ đến nghiệp thiện, bao giờ chưa làm xong phận sự này thì nghiệp thiện là nhân là duyên giúp chúng ta “sang sông nhanh chóng”.

Ngài Punna Mantāniputta có giải thích ý nghĩa này với Ngài Sāriputta như sau: “tất cả là vô thủ trước viên tịch” (parinibbāna)[32].

Việc làm của bậc Lậu tận không rơi vào ác – bất thiện phá, sở hành, lời nói, ý nghĩ của các Ngài hoàn toàn là thiện, nhưng vì gốc rễ của luân hồi là ái dục và vô minh không còn dư sót trong tâm, nên những pháp thiện này cũng không thể cho quả tục sinh, ví như hạt giống tốt nhưng rơi xuống vùng khô cháy, không có hơi nước ẩm hay tươi nhuận nên không thể mọc mầm.

Hơi nước ẩm hay tươi nhuận ví như ái, tâm của các Ngài không còn ái ví như mảnh đất tốt nhưng khô khan nước.

Do đó, tâm của các vị thánh Alahán được gọi là tâm duy tác (kiriyacitta), là loại tâm chỉ có việc làm, không cho quả dị thục (vipāka).

Về phiền não: Gọi là phiền não vì các pháp này làm cho tâm nóng bức, không được an tịnh.

Có tất cả 1500 loại phiền não, cách tính như sau:

81 tâm hiệp thế (lokiyacitta)  = 01
Tâm sở (cetasika) = 52
Hiển sắc (ākāsa) = 18
Hư không = 01
Sanh (jāti) = 01
Già (jarā) = 01
Tâm hữu phần (bhavaṅgacitta) = 01
Tổng cộng = 75

 

75 pháp nội phần + 75 pháp ngoại phần = 150 pháp, đem 150 pháp nhân với 10 phiền não = 1500 loại phiền não.

10 phiền não là:

Tham (lobha)
Sân (dosa)
Si (moha)
Mạn (māna)
Kiến (diṭṭhi)
Nghi (vicikiccha)
Hôn trầm (thīna)
Phóng dật (uddhacca)
Hổ thẹn (ahirika)
Không ghê sợ tội lỗi (anotappa).

Hiển sắc có 18 pháp là:

* Tứ đại + 5 sắc thần kinh (mắt, tai, mũi, lưỡi và thân).

* Nam tính + nữ tính + sắc ý vật + sắc mạng quyền + sắc vật thực + 4 sắc cảnh (sắc, thinh, mùi, vị).

Về pháp ngủ ngầm (anusaya): anu là theo sau, saya là ngủ yên, nên anusaya dịch là tùy miên hay ngủ ngầm, đó là những gì tiềm ẩn trong tâm, khi có duyên thì chúng sẽ hiện khởi.

Gọi là ngủ ngầm không phải những pháp này có sẵn trong tâm như chất cặn ở trong nước, nó chỉ hiển lộ ra khi gặp điều kiện thích hợp ví như sóng không ở sẵn trong nước, khi gặp gió sóng sẽ nổi lên hay ví như mầm giống trong hạt tuy không có sẵn, nhưng khi gặp đất, nước thì mầm này hiển lộ ra.

Sở dĩ gọi là ngủ ngầm là: “đối với phàm nhân hoặc thánh hữu học, khi gặp cơ hội thuận lợi thì những pháp ấy sanh lên, lôi kéo chúng sanh rơi vào luân hồi.

Pāli  có giải như sau:

– “Santāna anu  anu sentīti = anusaya: Pháp nào ngủ yên theo danh sắc, gọi là tùy miên”.

– Anurūpaṃ kāranaṃ labhitvā santi upajjantīti = anusaya: Pháp nào khi gặp nhân thích hợp là phát sanh, đó cũng gọi là tùy miên.[33]

Có tất cả 7 pháp ngủ ngầm (anusaya).

1- Ái dục tùy miên (kāmarāgānusaya): là sự yêu thích năm trần cảnh (sắc, thinh, hương, vị, xúc) tiềm ẩn trong tâm chúng sanh, khi gặp lại cảnh hợp thời thì ái luyến sanh khởi, dính mắc vào trong cảnh đó. Chi pháp là tâm sở tham.

2- Ái hữu tùy miên (bhavarāgāusaya): Là sự vọng tưởng đến thiền sắc hay thiền Vô sắc, hoặc ao ước đến một sanh thú tốt đẹp. Chi pháp cũng là tâm sở tham (lobha cetasika), nhưng nói đến sự ái luyến các bậc thiền chứng hay các sanh hữu tốt đẹp.

3- Phẩn uất tùy miên (paṭighānusaya): là sự sân hận, bất bình mỗi khi gặp nhịch cảnh. Chi pháp là tâm sở sân (dosa cetasika).

4- Ngã mạn tùy miên (mānānusaya): Là sự tự hào về điều đặc biệt nào đó mà mình có được. Chi pháp là tâm sở ngã mạn (māna cetasika).

5- Tà kiến tùy miên (diṭṭhānusaya): Là quen theo những kiến thức sai lầm, những loại kiến thức không đúng với sự thật hấp dẫn tâm, khiến tâm dính mắc vào những kiến thức sái quấy. Chi pháp là tâm sở tà kiến (diṭṭhi cetasika).

6- Hoài nghi tùy miên (vicikicchānusaya).  Là sự phân vân, lưỡng lự đối với những ân cao trọng như Tam Bảo, hay lưỡng lự phân vân trước những lý thuyết đúng đắn như lý duyên khởi… Chi pháp là tâm sở hoài nghi (vicikiccha cetasika).

7- Vô minh tùy miên (avijjānusaya). Là cá tính mê muội nhiều đời nhiều kiếp. Chi pháp là tâm sở si (moha cetasika).

Bậc Dự Lưu đã sát trừ được nghi tùy miên, kiến tùy miên.

Bậc Bất Lai trừ thêm được ái dục tùy miên.

Bậc A La Hán trừ tuyệt tất cả những tùy miên còn lại.

“Đã đặt gánh nặng xuống (dhitabhāro)”.

Dhi + ta + abhāra = dhitabhāra.

Theo nghĩa đen là: “nhẹ nhàng đối với điều bất hạnh”.

Gánh nặng (bhāra)”. Chữ bhāra  còn có nghĩa là “áp lực, sức nặng”.

Có ba gánh nặng là:

– Khandhabhāra: gánh nặng là ngũ uẩn
– Kilesabhāra: gánh nặng là ô nhiễm.
– Abhisaṅkhārabhāra: pháp hành (thiện hay bất thiện) là gánh nặng.

Trong ba loại gánh nặng thì ô nhiễm (kilesa) là gánh nặng lớn nhất, vì nó làm cho tâm bất an đồng thời bị cuốn hút theo dòng sanh tử. Cho dù là tạo những pháp thiện, nhưng quả của thiện nghiệp ấy tạo thành danh sắc, mang danh sắc này  luân lưu trong tam giới. Và còn có danh sắc là còn khổ, cái khổ do vô thường làm duyên. Ô nhiễm có gốc rễ từ ái (taṅhā), bao giờ dứt trừ trọn vẹn ái thì ô nhiễm chấm dứt.

Cũng chính do ái tùy miên nên có pháp hành thiện hay hành bất thiện, vì ái luyến các sinh hữu tốt đẹp nên mới hành thiện để mong sanh về những cõi ấy, cũng vì ái dục lạc lại bị vô ninh dày đặc nên tạo ra những ác, bất thiện pháp.

Vị Thánh A La Hán đã diệt trừ tận gốc rễ ái tùy miên, nên những “bất hạnh (dhi)” đè nặng lên ngũ uẩn, mọi áp lực của “ô nhiễm” đối với danh sắc đều bị triệt tiêu, do đó nói “đã đặt gánh nặng xuống”, tức là mọi ô nhiễm không còn trong tâm của vị ấy. Và dĩ nhiên khi ái tùy miên không còn thì các pháp hành thiện lẫn bất thiện trước đó, cho dù ngay trong hiện tại (sau khi giải trừ gánh nặng), sở hành của các Ngài mang tính thiện cũng không thể cho quả tục sinh trong tương lai, ví như hạt giống gieo trên đất khô cằn sẽ không thể nào nẩy mầm, nên các sở hành của vị A La Hán gọi là “không phải bất thiện cũng không là thiện (abyākatā – vô ký)”.

Khi thành đạt trạng thái vô nhiiễm, vị A La Hánkhông còn trạng thái “ham sống” cũng không “cầu chết”, các Ngài để cho chuỗi danh sắc của các Ngài sinh diệt theo dòng nghiệp lực quá khứ, khi nghiệp quá khứ làm duyên sanh khởi danh sắc này chấm dứt khi ấy các Ngài viên tịch, ví như ngọn lửa cháy của cây đèn dầu, người ta không còn châm thêm dầu vào bình đèn, nhưng trong bình còn dầu, khi hết dầu ngọn lửa sẽ và không hề có ngọn lửa khác sanh khởi nơi cây đèn ấy nữa. Cây đèn ví như tam giới, ngọn lửa cháy ví như danh sắc sanh khởi, dầu ví như ái quá khứ, ái hiện tại (ví như châm dầu mới) không có.

Khi nghĩ đến danh sắc đang mang, các Ngài cảm thán rằng “Ôi, danh sắc này còn kéo dài bao lâu nữa?”

Tóm lại, trong ba gánh nặng vị Thánh A La Hán đã đạt xuống 2 loại gánh nặng là: gánh nặng ô nhiễm và gánh nặng pháp hành thiện hay bất thiện. Tuy còn mang gánh nặng ngũ uẩn nhưng chỉ thời gian ngắn rồi Ngài viên tịch.

“Đã tận trừ hữu, kiết sử (parikhīṇabhava saṃyojane)”.

“Hữu (bhava)”: Có hai loại hữu là:

– Nghiệp hữu (kammabhava).
– Sinh hữu (upapattibhava).

“Về nghiệp hữu”  là những nghiệp từ thân, ngữ, ý tạo ra quả tái sinh trong tương lai. Pāli có Sớ giải:

“Kammameva bhava = kammabhavo:  Nghiệp để tạo ra quả, gọi là nghiệp hữu”.[34]

Có câu hỏi rằng: “Việc làm của vị Thánh A La Hán, không cho quả tục sinh, nhưng có cho quả ngay trong hiện kiếp ấy không?”.

– Cũng không, vì tuy chúng ta thấy các Ngài nhận được sự cung kỉnh, cúng dường … của tha nhân, nhưng đó không phải là quả từ sở hành của các Ngài, các Ngài lưu lại danh sắc này là vì tâm tế độ đến những người hữu duyên. Còn những quả thiện hay ác mà các Ngài nhận khi còn mang thân ngũ uẩn là do nghiệp đãtạo trước khi Ngài thành đạt quả A La Hán. Những nghiệp thiện hay ác này bám theo danh sắc để trả quả ví như dây leo bám vào cây để phát triển. Khi còn cây (danh sắc) thì hạt giống cũ còn cơ hội phát triển, khi cây không còn thì mọi hạt giống đều hoại. Hoặc ví như người chỉ dùng những gì còn trong kho, nhưng không cho vào kho những vật mới nữa, cũng vậy vị A La hán không còn tích trữ nghiệp, những quả ác xấu hay thiện là do nghiệp trước đó.

Một ý nghĩa khác của nghiệp hữu là “nghiệp đưa đến sự tái sanh”.

“Về sanh hữu”. Sanh hữu là những cảnh giới tái sanh.

Pāli có Sớ giải chữ  upapatti (sanh) như sau:

– Upapajjatīti = upapatti: Có ra (trong) đời mới, gọi là sanh

và:

– Upapatti ca so bhavocāti = upapattibhavo: (nương vào nghiệp) sanh ra trong đời mới, gọi là sanh hữu.[35]

Hữu (bhava) ở đây chỉ cho tam giới, tức là: Dục giới, sắc giới, Vô sắc giới.

Nếu tính rộng thì có 31 cõi tái sanh là:

– Dục giới có 11 cõi gồm: 4 cõi khổ (địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ và A-tu-la), cõi người vầ cõi trời Dục giới.

– Sắc giới có 16 cõi gồm: 3 cõi Sơ thiền, 3 cõi nhị thiền, 3 cõi tam thiền, 7 cõi Tứ thiền là; cõi Quảng Quả, cõi Vô Tưởng và năm cõi Tịnh Cư. (Vô phiền thiên, Vô nhiệt thiên, Thiện hiệnthiên, Thiện kiến thiên và cõi Sắc Cứu Cánh).

– Cõi Vô Sắc giới có 4 là: cõi Không vô biên xứ, cõi Thức vô biên xứ, cõi Vô sở hữu xứ và cõi Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Hoặc nếu phân theo danh sắc thì chia thành 9 hữu như sau:

1- Thân dị tưởng dị hữu (là thân sai khác mà tưởng cũng sai khác) (nānattakāya nānattasaññībhava).

Muốn y cứ vào tưởng để so sánh cần phải y cứ vào thức tục sinh (paṭisandhiviññāṇa). Chúng sanh có thân sai khác tưởng cũng sai khác là các chúng sanh ở cõi người cùng 6 cõi trời Dục giới, thân nhân loại khác với thân chư thiên là lẽ dĩ nhiên rồi, nhưng tâm làm việc tái sinh là người hay chư thiên có ba loại là: tâm Quan sát thọ xả quả thiện, tâm quả nhị nhân, tâm quả tam nhân dục giới. Do có ba tâm tục sinh như thế nên gọi là “tưởng sai khác”.

2- Thân dị tưởng đồng hữu (là thân sai khác nhưng tưởng chỉ là một loại) (nānattakāya ekattasaññībhava). Đó là chúng sanh ở 4 cõi khổ  (địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ (peta), A-tu-la) và ba cõi Sơ thiền. Hạng chúng sanh ở cõi khổ chỉ tục sinh bằng tâm Quan sát thọ xả quả bất thiện, còn ở cõi Sơ thiền chỉ tục sinh bằng tâm quả Sơ thiền. Dĩ nhiên thân súc sanh khác với thân ngạ quỷ .. nên gọi là “thân dị”. Còn ba cõi Sơ thiền thì như thế nào?. Do có các đề mục bất tịnh như thể trược, tử thi, cùng với các đề mục trong sạch như hoàn tịnh (kasina), Tứ vô lượng tâm nên có thâ sai khác. Từ nhị thiền trở lên đều là những đề mục tịnh hảo nên thân luôn luôn đồng.

3- Thân đồng tưởng dị hữu (ekattakāya nānattasaññībhava).

Là những chúng sanh có thân giống nhau nhưng có tâm tái tục khác nhau. Đó là chúng sanh ở ba cõi Nhị thiền. Theo A Tỳ Đàm, có năm bậc thiền: Nhị thiền mất chi tầm, Tam thiền mất chi Tứ, còn theo Kinh thì gom cả 2 chi thiền tầm – tứ làm một, khi mất tầm tứ thì gọi là Nhị thiền. Do đó, tâm dẫn tái sanh về cõi Nhị thiền có 2 loại: Tâm quả Nhị thiền và tâm quả Tam thiền, nên gọi là “tưởng sai khác”.

4- Thân đồng tưởng đồng hữu (thân giống nhau mà tưởng cũng giống nhau – ekattakāya ekattasaññībhava).  Đây là những chúng sanh ở cõi tam thiền và 6 cõi Tứ thiền (trừ cõi Vô tưởng), tái sanh về cõi Tam thiền là tâm quả thiền mất chi hỷ (theo Kinh là Tam thiền, theo Tạng Diệu pháp là Tứ thiền), tái sanh về 6 cõi Tứ thiền là tâm quả thiền mất chi lạc, chỉ còn 2 chi thiền là Xả và Định của thiền sắc giới. (Tạng Kinh gọi là Tứ thiền Sắc giới, Tạng Diệu pháp là Ngũ thiền Sắc giới).

5- Vô tưởng hữu (asaññībhava). Là chúng sanh ở cõi trời Vô tưởng.

6- Không Vô biên xứ hữu (ākāsānañcāyatanabhava). Là chúng sanh ở cõi Không vô biên xứ. Chúng sanh ở cõi này tục sinh bằng tâm quả thiền Không vô biên xứ.

7- Thức vô biên xứ hữu (viññāṇānañcāyatanabhava). Là chúng sanh ở cõi Thức Vô biên xứ. Chúng sanh ở cõi này tục sinh bằng tâm quả thiền Thức vô biên xứ.

8- Vô sở hữu xứ hữu (ākiñcāyatanabhava). Là chúng sanh cõi Vô sở hữu xứ. Chúng sanh ở cõi này tục sinh bằng tâm quả thiền Vô sở hữu xứ

9- Phi tưởng phi phi tưởng xứ hữu (nevasaññānāsaññāyatanabhava). Là chúng sanh ơ cõi trời Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Chúng sanh ở cõi này tục sinh bằng tâm quả thiền phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Các sanh hữu này vị A la Hán đã tận trừ.

“Kiết sử (saṃyojana)”.

saṃyojana: (kiết sử) còn gọi là triền. Kiết hay kết là buộc lại, sử là sai khiến. kiết sử là cột lại để sai khiến để đi vào khổ.

Pāli có giải tự chữ saṃyojana như vầy:

“Saṃyojananti bandhantīti = saṃyojanāni: Pháp ràng buộc chúng sanh, gọi là saṃyojana”[36].

Theo tạng Kinh triền (hay kiết sử) có mười là:

– Năm hạ phần kiết sử (dây trói bậc thấp):

a- Thân kiến triền (sakāyadiṭṭhi saṃyojana). Là sợi dây trói buộc vào tà kiến, bám chấp vào thân ngữ uẩn này. Chi pháp là tâm sở tà kiến.

b- Hoài nghi triền (vicikicchāsaṃyojana). Là sợi dây trói buộc vào sự lưỡng lự, nghi ngờ những ân đức cao trọng hay đạo lộ giác ngộ. Chi pháp là tâm sở hoài nghi.

c- Giới cấm thủ triền (sīlabbataparāmāsasaṃyojana): Là sợi dây trói buộc chúng sanh vào những nghi thức cúng bái (sīlabba), bám chặt vào (parāmāsa) những hình thức mê tín dị đoan không đúng với giới luật bậc thánh. Chi pháp là tâm sở tà kiến.

Ba kiết sử này  vị Thánh Dự Lưu đã tận trừ không còn dư sót, chẳng những thế mà cả  kiến tùy miên (diṭṭhi anusaya) cùng với nghi tùy miên (vicikicchā anusaya) cũng không còn.

d- Tham dục triền (kāmarāgasaṃyojana). Là sợi dây trói buộc chúng sanh trong năm dục lạc: sắc, thinh, hương, vị và xúc. Chi pháp là tâm sở tham.

e- Phẩn uất triền (patighasaṃyojana): Là sợi dây trói buộc chúng sanh vào sự phẩn nộ, sân hận, bất bình. Chi pháp là tâm sở sân.

Bậc Thánh Nhất lai đã trừ diệt 2 kiết sử thô này, bậc A Na Hàm tận trừ 2 kiết sử vi tế này trọn vẹn.

– Năm thượng phần kiết sử (dây trói bậc cao): vì năm sợi dây này còn đủ sức trói buộc vị Thánh Tam Quả nên gọi là thượng phần kiết sử.

a- Ái sắc triền (rūparāgasaṃyojana): Là sợi dây trói buộc chúng sanh vào các cảnh thiền sắc hay cõi Sắc giới. Chi pháp là tâm sở tham.

b- Ái vô sắc triền (arūparāgasaṃyojana). Là sợi dây trói buộc chúng sanh vào các cảnh thiền Vô sắc hay cõi Vô Sắc giới. Chi pháp là tâm sở tham.

c- Ngã mạn triền (mānasaṃyojana): Là sợi dây trói buộc chúng sanh vào sự tự cao, tự hào. Chi pháp là tâm sở ngã mạn.

d- Phóng dật triền (uddhacca saṃyojana). Là sợi dây trói buộc chúng sanh rơi vào sự loạn tâm, không cho tâm an trụ. Chi pháp là tâm sở phóng dật (uddhacca cetasika).

e- Vô minh triền (avijjāsaṃyojana). Là bị sự mê lầm, si mê trói buộc. Chi pháp là tâm sở si (moha cetasika).

Năm sợi dây này bậc A La Hán sát tuyệt, nên gọi là “đã tận trừ hữu kiết sử”.

Theo Tạng Diệu Pháp, Bộ Pháp Tụ (dhammasaṅgani) thì saṃyojana (triền) có khác chút ít là “không có ái vô sắc triền và phóng dật triền”, thay vào đó là:

– Tật triền (issāsaṃyojana). Là sợi dây trói buộc vào sự ganh tỵ, muốn tranh phần hơn người khác.Chi pháp là tâm sở tật (issācetasika).

– Lận triền (macchariyasaṃyojana). Là sợi dây trói buộc vào sự bỏn xẻn, không muốn điều kỳ diệu tốt đẹp có cho kẻ khác. Chi pháp là tâm sở lận (macchariya cetasika). Bỏn xẻn (hay lận) có năm loại là: bỏn xẻn chỗ ở, bỏn xẻn gia tộc, bỏn xẻn lợi lộc, bỏn xẻn danh tiếng và bỏn xẻn pháp.[37]

“Chánh trí giải thoát (samma – aññā vimutto)”.

Vị thánh A La Hán thấy rõ như thật nhân duyên sinh khởi các pháp như uẩn, xứ, giới, đế (sacca) không còn bị nhầm lẫn nên trí tuệ ấy được gọi là chánh trí.

Vị thánh A La Hán biết rõ nhân duyên đoạn diệt các pháp như uẩn, xứ, giới, đế (sacca) không còn bị nhầm lẫn nên trí tuệ ấy được gọi là chánh trí.

Ngài Assaji có thuyết giảng cho du sĩ Upatissa rằng:

Ye dhammā hetuppabhavā.
Tesaṃ hetuṃ tathāgato.
Āha tesañ ca yo nirodho
Evaṃ vādī mahā samano.

Các pháp sanh lên do nhân.
Đấng Như lai chỉ rõ nhân đó.
Khi nhân ấy diệt, pháp ấy diệt.
Đại Sa môn đã dạy như thế.

Vị Thánh A La Hán thấy rõ như thật như chân “các pháp hữu vi đều là vô thường, khổ và vô ngã. Vị ấy đã thể nhập vào các định tướng ấy trọn vẹn”, nên trí tuệ ấy được gọi là chánh trí.

Vị Thánh A La Hán biết rõ như thật “sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, sau đời sống này không còn đời sống nào khác”, nên trí tuệ ấy được gọi là chánh trí.

“Añña vimutto (Thoát ra điều khác)”.

Ngoài những pháp ác, bất thiện mà vị A La Hán đã trừ diệt do thấy rõ nhân duyên của chúng, ngay cả những pháp thiện là những pháp có khuynh hướng lôi kéo chúng sanh rơi vào sinh hữu, vị A La Hán biết rõ tính chất không tốt đẹp này của pháp thiện. Vị ấy thấy rõ nhân sanh lên, duyên trợ giúp của chúng, nên cũng trừ diệt nhân ấy, duyên ấy, nên gọi là “thoát ra điều khác”.

Có hai loại giải thoát là “tâm giải thoát (cittavimutti) và tuệ giải thoát (paññāvimutti)”. Vị A la Hán ngoài tuệ giải thoát là thắng tri tham, đã trừ diệt mọi tham ái, chấp trước, thành tựu quả vị “bậc lậu tận”. Vị ấy còn chứng đạt tất cả các tầng thiền hữu sắc gọi là tâm giải thoát. Với vị tròn đủ 2 loại giải thoát này được gọi là lưỡng biên giải thoát.

Nhưng vì sao thành tựu thiền chứng gọi là tâm giải thoát? Vì rằng: thành tựu Sơ thiền là giải thoát (áp chế giải thoát) 5 triền cái. Thành tựu Nhị thiền là giải thoát tầm- tứ. Thành tựu tam thiền là giải thoát hỷ…. Thành tựu phi tưởng phi phi tưởng xứ thì giải thoát khỏi Vô sở hữu xứ tưởng. Bậc A La Hán thành tựu được phi tưởng phi phi tưởng xứ thiền, vị ấy an trú vào Định diệt thọ tưởng, an hưởng Vô dư y Níp-Bàn tạm thời.Do đó được gọi là “thoát ra điều khác”

Nói rõ hơn vị Thánh A La Hán đã thoát ra hai lãnh vực: ác, bất thiện và thiện. Tâm của Ngài hoàn toàn vô nhiễm trước các trần cảnh, không còn dính mắc vào các sinh hữu. Do đó gọi là “chánh trí giải thoát”.

Kinh văn:

“Vì biết rõ đất là đất, vị ấy không nghĩ đến đất (paṭhaviṃ paṭhavito abhiññāya paṭhaviṃ na maññati)”.

Đối với vị Thánh A La Hán khi nói đến một trong 24 tiêu đề, như “về đất” chẳng hạn, Đức thế Tôn khẳng định na maññati (không có tưởng tượng, không nghĩ rằng).

Vì sao vị A La Hán không có tưởng tượng?

Vì vị ấy không còn bị vô minh che lấp,ví như người sáng mắt, khi nhìn vật gì cũng thấy rõ ràng, người bị vô minh che lấp  ví như người có mắt yếu, nhìn không rõ, lúc thấy  lúc không, khi không thấy làm duyên cho tưởng tăng trưởng (ví như Thánh Hữu học), người bị bao phủ bởi vô minh dày đặc thì không thấy chi cả, tưởng có cơ hội dẫn dắt đi vào lầm lạc (ví như phàm nhân). Nên Đức Phật dạy trong phần Nhị đề kinh là[38]:

– Tất cả pháp như điển chớp (vijjūpamā dhammā).
– Tất cả pháp như lôi động (vajirūpamā dhammā).

Trí Thánh Đạo của bậc Hữu học ví như điển chớp. Người đi trong đêm khi ánh chớp lóe lên, sẽ nhận ra cảnh vật cùng con đường để đi, nhưng khi ánh chớp tắt rồi người này vẫn rơi vào đêm tối, tuy nhiên nhờ có ánh chớp nên người này nhớ lại những gì mình thật thấy. Cũng vậy, khi Thánh Đạo sanh lên khiến phàm nhân nhận định rõ lối đi và trở thành thánh Hữu học, khi Thánh Đạo diệt vị Thánh Hữu học vẫn còn bị vô minh che lấp,do đó còn có tưởng để biết. Chi pháp của trí như điển chớp là: trí hiệp trong ba tâm Đạo: Đạo Dự Lưu, đạo nhất lai và đạo Bất lai.

Trí trong Thánh Đạo A La Hán gọi là trí như lôi động. Tức là ánh sấm chớp sẽ thấu suốt tận gốc rễ, ví như sét đánh vào cây sẽ đánh tận gốc rễ, khiến cây ấy không còn tăng trưởng được. Cũng vậy, trí đạo A La Hán đánh tan trọn vẹn gốc rễ vô minh, khiến vô minh không còn. 

Lại nữa, khi vô minh bị diệt thì tất cả mọi phiền não nhất là ái nương dựa vào vô minh cũng bị diệt trừ, sự ái nhiễm tâm không có. Nên vị A La Hán không có tưởng tượng trong sự nhận thức của mình, ví như người không quan tâm dến kẻ xa lạ, không nghĩ tưởng đến kẻ ấy. Đức Phật có dạy:

“- Này các tỷ kheo, thế nào là con đường thích hợp đưa đến nhổ lên tất cả nghĩ tưởng (sabbamaññitā).

Ở đây, này các tỷ kheo, tỷ kheo không nghĩ tưởng mắt, không nghĩ tưởng trên con mắt, không nghĩ tưởng “con mắt là của ta”, không nghĩ tưởng sắc, không nghĩ tưởng các sắc… không nghĩ tưởng nhãn thức… không nghĩ tưởng nhãn xúc. Do duyên nhãn xúc khởi lên cảm thọ gì; lạc, khổ hay bất khổ bất lạc, không nghĩ tưởng cảm thọ ấy, không nghĩ tưởng “cảm thọ ấy là của ta…”[39]

Các vấn đề như: đất, nước, gió, lửa…. lý giải tương tự như vị Thánh Hữu Học, nhưng có sự khác biệt như sau:

Đối với vị Thánh Hữu học, Đức Phật chỉ nói “vị ấy hiểu rõ … (pariññeyyaṃ tassāti)”

Trong phần Thánh A La Hán, Đức phật dùng đến ba đoạn kinh để xác định sự hiễu rõ của vị Thánh A La Hán là: “Vị ấy không có tham dục, nhờ tham dục đã được đoạn trừ (khayā rāgassa vitarāgattā)”, “Vị ấy không có sân hận, nhờ sân hận đã được đoạn trừ (khayā dosassa vitadosattā), “Vị ấy không có si mê, nhờ si mê đã được đoạn trừ (khayā mohassa vitamohattā).

Ý nghĩa này như thế nào?

Nghĩa là, phàm nhân tuy có thể “không có tham dục”, nhưng sự “không có tham dục” chỉ là tạm thời, hoặc do “áp chế” từ năng lực thiền định, nhưng tham tùy miên vẫn còn.Vị Thánh Hữu Học tuy hiểu rõ đất, nhưng vì còn tham tùy miên nên vẫn còn bị trói buộc trong sắc tịnh tướng hoặc pháp khả ái, khả lạc. Ngay cả Níp-Bàn vị ấy  vẫn còn hướng tâm đến vì chưa thành đạt cứu cánh trọn vẹn. Trái lại, vị Thánh A la Hán không còn bị sắc tịnh tướng hay pháp khả ái, khả lạc liên hệ đến dục trói buộc, ngay cả Níp-Bàn vị ấy cũng không nghĩ đến vì đã thành đạt cứu cánh trọn vẹn, ví như người đã đi đến tận cùng con đường không còn nghĩ “con đường nên đi nữa”.

Tương tự như thế đối với sân tùy miên. Thánh Hữu Học (ngoại trừ bậc A Na Hàm) tuy hiểu rõ đất, nhưng vẫn còn có “khó chịu”, “không hài lòng” khi gặp sắc bất tịnh, hoặc các pháp mang đến bất lạc. Trái lại vị A la Hán thản nhiên với các sắc ấy, pháp ấy.

Nguyên nhân chủ yếu chính do si  hay Vô minh tùy miên và vị A La Hán thoát ra khỏi si, trái lại vị Thánh Hữu học còn si, tuy hiểu rõ đất nhưng chưa thật rốt ráo.

Cũng nên ghi nhận rằng: vitarāgattā = vita+ rāga+tā: vượt qua những màu sắc đó, hay vượt qua những sự nhuộm đó  (chữ rāga còn có nghĩa là: màu sắc, nhuộm).

Vitadosattā = vita + dosa + tā: vượt qua những lỗi lầm đó.

Vitamohattā = vita + moha + tā: vượt qua những lầm lạc đó.[40]

Dứt phần Thánh A La Hán.

* * *

C.4) Đấng Như Lai.[41]

Kinh văn:

“Này các Tỷ kheo, Như Lai (tathāgato) là bậc A La Hán Chánh Đẳng Giác (arahaṃ sammā sambuddho), biết rõ đất là đất…”.

Giải:

Như Lai (tathāgato).

Đức Phật có xác định ý nghĩa Như Lai là: “Vị  đã thấy những gì cần thấy, nhưng không có tưởng tượng(na maññati) điều đã được thấy. Không có tưởng tượng những cái gì không được thấy, không có tưởng tượng những gì cần phải thấy, không có tưởng tượng đối với người thấy.

Đã nghe những gì cần nghe, nhưng không có tưởng tượng điều đã được nghe,  không có tưởng tượng những gì không được nghe,  không có tưởng tượng những gì cần phải nghe, không có tưởng tượng đối với người nghe.

Đã cảm giác những cái gì cần cảm giác..

Đã thức tri những gì cần thức tri….

Như vậy, này các Tỷ kheo, Như lai đối với các pháp được thấy, được nghe, được cảm giác, được thức tri, nên vị ấy là như vậy (tādi).

Lại nữa, không có ai khác tối thượng hơn  và thù thắng hơn “người như vậy”.Ta tuyên bố như vậy”.[42]

Ý nghĩa của bài kinh này cho chúng ta thấy, Như Lai là bậc thấy, nghe, cảm giác, thức tri như thật như chân. Sự thấy rõ các pháp bẳng tuệ giác không do tưởng tượng, sự nghe, sự cảm nhận, sự hiểu biết cũng do trí, không do tưởng tượng. Như trong Tương Ưng kinh những vị chư thiên có nói lại những gì vị ấy được nghe, Đấng Như Lai quán sát rõ ràng bằng trí, không tưởng tượng qua sự nghe ấy…

Gọi là Đấng Như Lai là do bốn nhân:

1- “Cái gì, này các Tỷ kheo, trong toàn thế giới: Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới cùng với sa môn, bà la môn, chư thiên và nhân loại được thấy, được nghe, được cảm giác, được thức tri, được tầm cầu, được đạt đến, được ý tư sát (anuvicaritaṃ), tất cả đều được Như Lai tự hiểu biết trọn vẹn (sambuddho – Chánh Đẳng Giác). Do vậy, được gọi là Như lai.

2-  Vì thành đạo và viên tịch đều vào ban đêm (trăng tròn) và trong khoảng thời gian đó, những gì ngài tuyên bố lên đều thật như vậy, không có sự sai khác, nên được gọi là Như lai.

“Từ đêm, này các tỷ kheo, Như Lai được tự giác ngộ (Chánh Đẳng Giác) đến đêm Như Lai viên tịch (parinibbāna), trong thời gian đó, điều gì ngài nói lên, tuyên bố, tất cả là như vậy, không có khác được. Do vậy, được gọi là Như Lai.

3- “Này các Tỷ kheo, Như Lai nói gì làm vậy, làm gì thì nói vậy. Vì rằng nói gì thì làm vậy, làm gì thì nói vậy. Do vậy, được gọi là Như lai.

4-  Là bậc đại trí tuệ, không một ai trong thế gian có thể chiến thắng Ngài, nên gọi là Như lai.

“Này các Tỷ kheo, trong toàn thể thế giới: Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, nhân giới sa môn, Bà la môn. Như Lai là bậc chiến thắng, không bị ai chiến bại, toàn tri, toàn kiến (añña datthu daso), đại tự tại (vasavatti). Do vậy, được gọi là Như lai”.[43]

Tập Sớ có giải thích: có tám nguyên nhân xưng hiệu Như Lai (xin tham khảo Chú giải kinh Căn bản Pháp môn của Ngài Bodhi – Đại Đức giác Lộc đã dịch).

Những từ đồng nghĩa với Như Lai (Tathāgato).

Những danh từ này được chính Đức Thế Tôn tuyên thuyết[44], dĩ nhiên có những ý nghĩa tương đồng nhưng cũng có những phần dị biệt, Và chúng ta cần lưu ý về nghĩa theo thắng pháp. Những từ đồng nghĩa với Như Lai, bậc A La Hán Chánh Đẳng Giác là:

Sa môn, Bà la môn, Bậc Chánh trí (vedagū), Dược sư (bhisakko), Bậc Ly cấu (nimmato), Bậc Vô cấu (vimato), Bậc có trí (nāni), Bậc giải thoát (vimutti).

Sở dĩ Đấng Như Lai là bậc toàn kiến toàn tri, vì Ngài có 6 thắng trí mà không một Độc Giác phật hay Thánh Thinh văn nào có được, đó là:

a- Trí thấu hiểu các quyền của chúng sanh mạnh hay yếu (indriya – paropariyatti ñāṇa).

Đấng Như Lai thấu rõ chúng sanh có ít bụi trần trong mắt, có nhiều bụi trần trong mắt. Như người nhiều đức tin là ít bụi trần, người kém đức tin là nhiều bụi trần. Người có sự tinh cần hành pháp là người có ít bụi trần, người dễ duôi lười nhác là người nhiều bụi trần. Người có sự chú niệm mạnh là người có ít bụi trần, có sự dãi đãi là người có nhiều bụi trần. Người có định là người ít bụi trần, người không có định là người nhiều bụi trần. Người nhiều trí là người ít bụi trần, người kém trí là người nhiều bụi trần.

Thấu rõ chúng sanh có quyền (indriya) mạnh, nhanh nhẹn (lợi căn), có quyền yếu, chậm chạp (độn căn). Như người có đức tin mạnh thì tín quyền mạnh, các quyền kia là yếu, hay người kém đức tin là người có tín quyền yếu, trì trệ…

Thấu rõ chúng sanh là người dễ dạy, là người khó dạy. Như người có đức tin là người dễ dạy, người không có đức tin là người khó dạy…[45]

b- Trí thấu hiểu các pháp tùy miên có trong chúng sanh mạnh hay yếu (āsayānusayañāṇa).

Đấng Như Lai thấu rõ khuynh hướng (āsaya) cùng các pháp ngủ ngầm (anusaya) của chúng sanh, Ngài hiểu rõ sở hành của họ, chúng sanh có thể đắc đạo quả, chúng sanh không thể đắc đạo quả.

Khuynh hướng: thiên về đoạn kiến hay thiên về thường kiến, chấp nhận quan điểm về đoạn diệt luận hay thường luận: “Linh hồn với thân xác là một”, “linh hồn với thân xác là khác”, “thế gian là hữu biên”, “thế gian là vô biên”…

Ngủ ngầm: Là 7 pháp ngủ ngầm trong tâm chúng sanh, pháp nào mạnh, pháp nào yếu… Trong 7 pháp ngủ ngầm ấy, bất kỳ điều nào có sự thích thú, hài lòng là tham tùy miên, bất kỳ điều nào có sự bất mãn, không hài lòng đó là sân tùy miên. Hai pháp tham – sân tùy miên do có vô minh tùy miên là gốc rễ, hai pháp mạn tùy miên, kiến tùy miên có thể được sinh ra từ vô minh tùy miên hoặc ái tùy miên, còn nghi tùy miên được sinh ra từ vô minh tùy miên. Đây là ngủ ngầm của chúng sinh, Đấng Như lai thấu hiểu chúng sinh này có ngủ ngầm này mạnh, ngủ ngầm này yếu….

Sở hành: Đấng Như Lai hiểu rõ “đây là phúc hành”, “đây là phi phúc hành”, “đây là bất động hành”. Loại hành này cho quả lớn, loại hành này cho quả nhỏ…

Chúng sanh có thể đắc đạo quả: Là chúng sanh không có chướng trọng nghiệp (như không phạm vào ngũ nghịch đại tội chẳng hạn), không có quả chướng nghiệp (như là người tam nhân chẳng hạn), là người có đức tin, có ước mốn (chanda), có nguyện vọng từ trước, có trí tuệ. Đấng Như Lai biết rõ chúng sanh này có khả năng đắc đạo quả.

Chúng sanh không thể đắc đạo quả: Là chúng sanh có chướng trọng nghiệp, có quả chướng nghiệp, là người vô trí, là người không có đức tin…

c- Song thông trí (Yamakappātihāriyañāṇa).

Là cùng một lúc Ngài thể hiện hai loại thần thông như nước và lửa cùng phún ra, hay xanh và đỏ cùng hiện khởi…Tức là cùng một lúc Ngài bắt lấy hai đề mục như nước- lửa hay xanh- đỏ…

Hoặc Ngài hóa hiện thành 2 vị phật, một vị đi kinh hành một vị ngồi thiền, hay một vị đứng một vị đi, hay hai vị cùng vấn đáp với nhau…

Thần thông lực này không một Thánh Thinh văn hay Độc Giác Phật nào thực hiện được.

d- Đại Bi trí (Mahākarunāñāṇa).

Đấng Như Lai thấu suốt mọi khía cạnh đau khổ của thế gian, nên Ngài có sự thương xót tất cả chúng sanh với nhiều cách khác nhau. Sở dĩ trí  đại bi này Thánh Thinh văn không thể có được là vì “Thánh Thinh Văn không thấu hết tất cả nổi khổ của thế gian, các ngài chỉ thấu hiểu “thế gian khổ” trong chừng mực nào đó mà thôi”.[46]

e- Toàn Giác trí (sabbaññutaññāṇa).

Là trí thông suốt các pháp, nghĩa trong quá khứ.

Là trí thông suốt các pháp, nghĩa trong hiện tại.

Là trí thông suốt các pháp, nghĩa về vị lai.

Là trí thông suốt của sự mở rộng nghĩa vô thường, nghĩa khổ, nghĩa vô ngã.

Là trí thông suốt sự mở rộng nghĩa của các uẩn (khandha).

Là trí thông suốt sự mở rộng nghĩa của các xứ (āyatana).

Là trí thông suốt sự mở rộng nghĩa của các giới (dhātu).

Là trí thông suốt sự mở rộng nghĩa của các pháp được tạo thành.

Là trí thông suốt sự mở rộng nghĩa của các pháp không được tạo thành.

f- Vô chướng ngại trí (anāvarañāṇa).

Đấng Như Lai khi hướng tâm đến vấn đề gì thì pháp, nghĩa lẫn từ ngữ đều hiện rõ với nhiều khía cạnh, sự hiện rõ mọi lãnh vực của vấn đề  thông suốt không hề bị chướng ngại. (Những ý nghĩa còn lại trong phần Như Lai xin tham khảo Chú giải kinh Căn bản Pháp Môn của Ngài Bodhi).

Dứt phần Như Lai.

 -ooOoo-

 TÀI LIỆU THAM KHẢO

 (I). Kinh Tạng PĀLI: – Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch:

Aṅguttara Nikāya (Tăng Chi bộ), I, II, III, IV.  Ấn hành năm 1967.

Saṃyutta Nikāya (Tương Ưng bộ), I, II, III, IV, V. Ấn hành năm 1982.

Dīgha Nikāya (Trường Bộ Kinh), I, II, III, IV. Ấn hành năm 1973.

Majjhima Nikāya (Trung Bộ Kinh), I, II, III. Ấn hành năm 1973.

Jākata (Kinh Bổn Sanh), Nxb Thành Phố Hồ Chí Minh, năm 2001.

Khuddaka Nikāya (Tiểu Bộ Kinh), Nxb Tôn Giáo Hà Nội, năm 2002.

So sánh Kinh Tạng A Hàm chữ Hán và Kinh Tạng Trung Bộ chữ Pāli, Nxb Thành Phố Hồ Chí Minh, năm 1998.

(II)

Trung A Hàm II. Viện nghiên cứu Phật học ấn hành, năm 1992.

Vinaya- Mahā Vagga  (Luật Đại Phẩm).

Dhammasaṅgani (Pháp Tụ), năm 199o.

Mahā Vibhaṅga bhikkhu (Luật Đại Phân Tích Tỳ Kheo) – Tỷ kheo Giác Giới dịch.

Paṭisambhidāmagga (Vô ngại giải đạo) – Nguyễn Hoàng Hải dịch (năm 1998).

Dhammapāda – Atthakathā (Chú giải Pháp Cú Kinh) I, II- Nxb Thành Phố Hồ Chí Minh, năm 1997, 1998.

Kathāvatthu: Những Điểm Dị Biệt. Tâm An – Minh Tuệ dịch, năm 1988.

Visuddhimagga (Thanh Tịnh Đạo). Nxb Tôn giáo, năm 2001.

Đại Trưởng Lão Nārada – Vi Diệu Pháp Toát Yếu. Phạm Kim Khánh dịch.

Đại Trưởng Lão Bửu Chơn –  Nhân Quả Liên Quan. Ấn tống năm 1955.

Đại Trưởng Lão Tịnh Sự – Siêu Lý Sơ học.

Đại Trưởng Lão Tịnh Sự – Siêu Lý Cao Học.

Thích Mãn Giác – Lịch Sử Triết học Ấn Độ. Nxb Viện Đại Học Vạn Hạnh, năm 1967.

Bhikkhu Bodhi – Chú Giải Kinh Căn Bản Pháp Môn – Tỳ Kheo Giác Lộc dịch.

Tỷ kheo Minh Huệ –  Đại Vương Thống Sử (Mahāvaṃsa).

Tỷ Kheo Giác Nguyên – Chúng sanh và Sanh thú, dịch.

  1. P.V Bapat – Tôn Giáo & Văn Minh Nhân Loại 2500 Phật Giáo.  Nxb Văn Hóa Thông Tin, năm 2002.

Hw. Shumann –  Đức Phật Lịch Sử. Nxb Thành Phố Hồ Chí Minh. Năm 2000.

Doãn Chính – Tư Tưởng Giải Thoát Trong Triết Học Ấn Độ. Nxb Thanh Niên- Hà Nội, năm 1999.

Doãn Chính – Đại Cương Triết Học Phương Đông Cổ Đại. Nxb Thanh Niên, năm 2003.

Doãn Chính – Lịch Sử Triết Học Ấn Độ Cổ Đại.  Nxb Thanh Niên, năm 2003.

André Bareau – Các Bộ Phái Phật Giáo Tiểu Thừa. Nxb Tôn Giáo – Hà Nội, năm 2003.

 -ooOoo-

 Hồi Hướng Phước

Phước lành rải khắp nhân thiên
Mong cho sinh chúng qua miền trầm luân
Mong cho thân tộc an lành
Mong cho tất cả vô sanh lối về
Phước lành nguyện thoát chữ mê
Toàn giác chứng đắc Bồ Đề vị lai.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Soạn xong ngày 20 – 03 – 2004.
Ngày 30 – 02 âl – năm Giáp Thân
Tỳ kheo Chánh Minh.

[1] A.ii, 235. tr. 648.

[2] S.v, 14,  tr. 14.

[3] A.iii, 116.  (q. 2, tr. 123).

[4] A.iii. 116, (q.2, tr. 124).

[5] A.iii, 329. (q.2, tr. 322).

[6] Xem Kathāvatthu –Những điểm dị biệt, Tâm An – Minh Tuệ dịch,  Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, xuất bản năm 1988. tr.103.

[7] S.v. 343, tr. 345

[8] S.v, 47 – tr.46.

[9] Đại trưởng lão Tịnh Sự,  Siêu lý Sơ học.

[10] S.v, 59 – tr. 60.

[11] Bhikkhu Bodhi, Chú giải kinh Căn Bản Pháp Môn, Tỷ kheo Giác Lộc dịch, tr. 43.

[12] S.iii, 22 – tr. 26.

[13] S.iii, 23, tr.28.

[14] Bikkhu Bodhi – Chú giải kinh Căn Bản Pháp Môn. Tỷ kheo Giác Lộc dịch

[15] D.i. Brahmajālasutta – Kinh Phạm Võng, tr. 45.

[16] A,i. 30 – tr.40.

[17] S.iii,  204, tr.239.

[18] Bhikkhu Bodhi, Chú giải kinh Căn Bản Pháp Môn – Tỷ kheo Giác Lộc dịch, tr.45.

[19] A.iii, 347. (q. 2, tr. 342), nhưng trong A.v. 137 (q. 3, tr.425) lại ghi rằng: Cả hai Ngài Purāṇa và Isidatta là bậc Nhất Lai.

[20] S.iv, 87 – tr.95.

[21] S.iv, 9o. tr. 98.

[22] A.iii, 347. (q. 2, tr. 342)

[23] S.ii, 140 – tr. 163

[24] S.ii,  143 – tr. 167.

[25] S.iv,113 – tr.123.

[26] S.iv, 291 – tr.201.

[27] S.iv,  295 – tr.296

[28] S.iv, 15 – 16.

[29] M.i,  Kinh Căn Bản Pháp Môn – tr. 4

[30] Bhikkhu Bodhi, Chú giải kinh Căn Bản Pháp Môn, Tỷ kheo Giác Lộc dịch.

[31] D.iii, Mahāparinibbānasutta (kinh Đại Bát Niết Bàn).

[32] Kinh Trạm xe (Rathavivūtasutta)

[33] Đại Trưởng lãoTịnh Sự, Siêu lý Sơ học.

[34] Đại Trưởng lãoTịnh Sự, Siêu lý Sơ học.

[35] Đại Trưởng lãoTịnh Sự, Siêu lý Sơ học.

[36] Đại Trưởng lãoTịnh Sự, Siêu lý Sơ học.

[37] Dhammasaṅgani (Pháp Tụ) – Đại Trưởng lão Tịnh Sự dịch, tr.293

[38] Dhammasaṅgani – Đại Trưởng lão Tịnh Sự dịch, tr.337.

[39] S.iv. 23 – tr.25.

[40] Xin tham khảo: Bhikkhu Bodhi – “Chú giải kinh Căn Bản Pháp Môn” – Tỷ kheo Giác Lộc dịch.

[41] – Nt- ở đây chỉ trình bày vài khía cạnh của Đấng Như Lai thôi.

[42] A.ii, 24 – tr.376.

[43] A.ii, 23 – tr.374.

[44] A.iv, 310 – tr. 175.

[45] PS – Nguyễn Hoàng Hải dịch – tr. 97.

[46] Xem PS, Luận Đề trí (Ñāṇa kathā), Mẫu đề: Trí bậc Toàn Giác.

-ooOoo-

 

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app