Chương 21
Thiền chỉ
-ooOoo-
Chúng ta muốn tạo nhiều việc thiện trong đời sống, nhưng thường thường chúng ta không thể hành động, nói và suy nghĩ về những việc thiện được. Những phiền não ngấm ngầm của chúng ta đã che khuất chúng ta trong việc thực hiện thiện pháp. Chúng ta học hỏi về Giáo pháp, thấy rằng có những “triền cái” (Nìvarana) mà nó là những sở hữu bất thiện phát sanh với những tâm bất thiện. Những triền cái phát sanh nhiều lần trong đời sống thường nhật. Chúng là:
Tham dục (Kàmacchanda)
Sân hận (Vyàpàda)
Hôn trầm và thụy miên (Thìna-Middha)
Trạo cử và hối quá (Uddhacca-Kukkucca)
Hoài nghi (Vicikicchà)
Tham dục là sở hữu tham. Tham đắm vào những cảnh mà chúng ta có thể biết qua căn môn và ý môn. Tất cả chúng ta có tham dục ở những hình thức và cấp bực khác nhau. Bởi vì sự phát triển kinh tế và những phát minh khoa học kỷ thuật nên có nhiều sự thịnh vượng trong đời sống. Người ta có khả năng làm nhiều điều mà nó đưa đẩy đời sống hạnh phúc và tiện lợi hơn. Tuy nhiên điều này không mang lại sự toại nguyện; trái lại chúng ta đau khổ với những điều mà chúng ta có và mãi mãi chúng ta tìm kiếm sự an vui và hạnh phúc hơn. Tham dục với hành động, lời nói, suy nghĩ của chúng ta. Ngay khi chúng ta suy nghĩ rằng chúng ta tạo những việc lành và giúp đỡ cho những người khác, tham dục có thể phát sanh. Tham dục khiến chúng ta lo lắng và không được an vui.
Sân hận là sở hữu sân. Sân hận có thể làm phiền nhiễu chúng ta nhiều lần trong một ngày; chúng ta cảm thấy bực bội về người khác và hoặc những điều xảy ra trong đời sống. Sân hận ngăn cản chúng ta không làm thiện pháp. Khi có sân hận chúng ta không có tâm từ đối với những người khác.
Hôn trầm và thụy miên khiến chúng ta thiếu nỗ lực về thiện pháp. Thanh tịnh đạo(XIV, 167) có dạy trong kinh này liên quan đến việc hôn trầm và thụy miên:
Ở đây, hôn trầm có đặc tính là thiếu năng lực điều động. Nhiệm vụ của nó là lấy hết nghị lực. Nó được biểu hiện là sự hạ thấp. Thụy miên có đặc tính là không kham nhậm. Nhiệm vụ của nó là bóp nghẹt. Nó được biểu hiện bằng sự lười biếng, ngũ gà ngũ gật. Nhân gần của nó là không như lý tác ý đối với sự buồn chán uể oải .v. v.
Trong một ngày, tất cả chúng ta không có lúc nào có sự lười biếng và thiếu năng lực để tạo việc thiện sao? Ví dụ khi chúng ta nghe thuyết pháp hay xem kinh điển, chúng ta có nhiều cơ hội cho tâm thiện phát sanh. Thay vì chúng ta có thể cảm thấy buồn chán và thiếu năng lực làm việc thiện. Ðiều đó có thể xảy ra khi chúng ta gặp một người nào mà họ cần sự giúp đỡ của chúng ta, nhưng chúng ta lười và không cử động. Nhiều lần chúng ta bị hôn trầm và thụy miên làm cản trở. Hôn trầm và thụy miên sai khiến tâm khó kham nhậm.[1]
Trạo cử và hối quá. Trạo cử phát sanh với tất cả tâm bất thiện. Nó làm ngăn chận tâm thiện. Ðối với hối quá, Thanh tịnh đạo (XIV, 174) có nói như sau:
… Nó có đặc tính là hối hận khi làm điều gì. Nhiệm vụ nó là buồn bã về những gì đã làm và những gì chưa làm.Nó được biểu hiện bằng sự cắn rứt lương tâm. Nhân gần của nó là điều đã làm và đã không làm. Nó cần được xem như là tình trạng nô lệ.
Khi chúng ta đã làm điều gì sai trái hoặc chúng ta đã không thực hiện những hành động thiện mà chúng ta cần phải làm, chúng ta có thể suy nghĩ về điều này nhiều lần. Chúng ta có thể tự hỏi tại sao mình đã hành động theo đường hướng mình đã làm, nhưng chúng ta không thay đổi điều gì đã qua rồi. Trong khi chúng ta lo âu, chúng ta có những tâm bất thiện; lo âu sai khiến chúng ta làm nô lệ. Trạo cử và hối quá làm ngăn chận sự thanh tịnh của chúng ta.
Ðối với hoài nghi thì có nhiều loại. Người ta có thể hoài nghi về Ðức Phật, Giáo pháp và Tăng già, hoặc hoài nghi về Bát chánh đạo. Hoài nghi là tâm bất thiện và là một sự chướng ngại cho việc thực hành thiện pháp.
Tất cả những triền cái là những vật chướng ngại đối với việc thực hành thiện pháp. Có phương pháp nào để đoạn trừ chúng không? Thiền Chỉ là một phương pháp để đoạn trừ những triền cái tạm thời. An tịnh được phát triển theo thiền Chỉ là phải có an tịnh thiện, nó không phát sanh với tâm bất thiện. Có một mức độ an tịnh cùng với mỗi tâm thiện, nhưng để biết đặc tính của an tịnh rõ ràng thì thật là khó khăn, bởi vì chúng ta bị những tâm bất thiện trói buộc ngay khoảnh khắc sau tâm thiện. Trí tuệ thì cần thiết để phát huy sự an tịnh giải thoát tạm thời khỏi những triền cái. Nếu đơn thuần người ta cố gắng tập trung vào một đề mục thiền định mà không có sự hiểu biết đúng đắn về thiện và bất thiện và về đặc tính an tịnh thì an tịnh không thể phát triển. Trí tuệ của mức độ thiền chỉ thì không có đoạn trừ những phiền não, nhưng nó nhận biết được đặc tính an tịnh và nó biết làm sao nó có thể tu tập được nhờ đề mục Thiền Ðịnh thích hợp. Tâm bất thiện có thể phát sanh nhiều lần, ngay khi người ta cố gắng tu tập Thiền Chỉ. Người ta dính mắc vào sự an tịnh và sau đó người ta có những tâm bất thiện thay vì sự an tịnh của Thiền Chỉ. Hay là người ta có thể nghĩ rằng khi không có thọ lạc hoặc thọ bất lạc mà thọ xả là sự an tịnh. Tuy nhiên. Thọ xả có thể phát sanh với tâm thiện cũng như với tâm bất thiện; tâm tham căn có thể câu hành với thọ xả và tâm si căn thì luôn luôn câu hành với thọ xả. Do đó khi chúng ta có thọ xả thì điều đó dường như chúng ta có sự an tịnh, nhưng điều đó thì không cần thiết cho sự an tịnh thiện của thiền chỉ. Trí tuệ của Thiền Chỉ phải được nhạy bén để có thể nhận biết ngay khi những phiền não vi tế phát sanh.
Chúng ta xem trong nhiều kinh điển thấy rằng người ta có thể đắc thiền nếu họ tu tập những điều kiện đúng đắn. Trước khi Ðức Phật giác ngộ thiền là hình thức cao cả của người thiện có thể họ tu tập thành đạt được. Ðôi khi thiền định được dịch là an chỉ tịnh[2], nó là một mức độ cao lớn của sự an tịnh. Ở thời điểm tâm thiền người ta giải thoát khỏi những cảm xúc giác quan và những phiền não chúng đã trói buộc chúng ta. Việc chứng đắc thiền định thì cực ký khó khăn, không phải ai tự mình áp dụng thiền chỉ mà có thể chứng đắc thiền định được. Tuy nhiên, thậm chí nếu người không có chú tâm tu tập thiền định có thể có những điều kiện cho những khoảnh khắc của sự an tịnh trong đời sống hằng ngày; nhưng phải có sự hiểu biết đúng đắn về đặc tính của sự an tịnh và phương pháp đ? phát huy nó.
Khi tự mình áp dụng Thiền Chỉ, người ta phải tu tập 5 sở hữu tâm mà nó có thể đoạn trừ những triền cái; chúng là những chi thiền. Chi thiền thứ nhất là tầm (Vitakka). Tầm là một sở hữu tâm mà nó phát sanh với nhiều loại tâm, nó có thể phát sanh với tâm thiện cũng như tâm bất thiện. Loại tầm thiện được tu tập trong thiền chỉ là một trong những chi thiền. Thanh tịnh đạo (IV,88) có đề cập liên quan đến tầm:
…Ở đây, tầm có nghĩa là đánh mạnh vào. Nó có đặc tính là hướng tâm trên đối tượng. Nhiệm vụ nó là đánh vào hành giả. Thể hiện của tầm là dẫn tâm đến một đối tượng …
Khi tầm là một chi thiền, nó đối trị hôn trầm và Thụy miên. Trong khi tập trung vào đề mục thiền định tầm giúp chúng ta đề nén hôn trầm và thụy miên tạm thời.[3]
Chi thiền khác là Tứ (Vicàra), sở hữu tâm này phát sanh với những loại tâm khác nhau, nhưng khi nó được phát huy trong Thiền Chỉ, nó là một chi thiền. Thanh tịnh đạo (IV, 88) có nói liên quan với tứ:
…Tứ có nghĩa là liên tục suy tư, có đặc tính là liên tục nhấn mạnh vào đối tượng. Nhiệm vụ của nó là khiến cho những tâm pháp đều tập trung trên đối tượng. Nó được biểu hiện sự duy trì tâm liên tục trên đối tượng.
Trong Thiền Chỉ, tứ duy trì tâm liên tục trong đề mục thiền định. Khi chúng ta liên tục suy tư về những đề mục thiện như ân Ðức Phật hoặc giáo pháp thì không có hoài nghi. Tứ giúp chúng ta đè nén hoài nghi.
Chi thiền nữa là hỷ (Pìti). Hỷ cũng có thể phát sanh với tâm tham căn và như vậy nó là sở hữu bất thiện. Loại hỷ thiện phát sanh với tâm thiện mà được phát huy trong Thiền Chỉ là một chi thiền. Thanh Tịnh đạo (IV, 94) có đề cập liên quan vơí hỷ:
…Hỷ là sự mát mẽ. Nó có đặc tính là ưa thích. Nhiệm vụ của nó là thấm nhuần (cả mình rởn óc). Nó được biểu hiện như là sự hoan hỷ cao độ. Nhưng hỷ có 5 loại như là tiểu hỷ, sát na hỷ, hải triều hỷ, khinh hỷ và sung mãn hỷ.
Theo Thanh Tịnh đạo (IV,99) sung mãn hỷ trong chi thiền hỷ thì có “nguồn gốc an chỉ định”. Khi hỷ được tu tập trong thiền chỉ thì nó đè nén Triền Cái sân hận. Tuy nhiên, trí tuệ sắc sảo thì cần thiết để nhận biết có hỷ bất thiện phát sanh với tham hoặc hỷ thiện không. Ngay khi người ta suy nghĩ rằng có sự nhiệt tâm thiện pháp về đề mục thiền thì có thể bị dính mắc. Chi thiền hỷ là chú tâm vào đề mục thiền mà không có sự dính mắc. Hỷ thiện là hoan hỷ với Tam bảo hoặc đề mục thiền khác, nó sẽ làm cho tâm mát mẻ và không có sự bực bội, buồn chán đối với thiện pháp.
Chi thiền nữa là Lạc. Chi thiền này không phải thân thọ lạc, nhưng nó là tâm thọ lạc hoặc hỷ. Lạc được tu tập trong thiền chỉ là cảm thọ lạc về một đề mục thiền định. Tuy nhiên như chúng ta biết, cảm thọ lạc cũng phát sanh với tâm tham. Trí tuệ nhận biết rõ ràng khi cảm thọ lạc là thiện hoặc là bất thiện. Chi thiền Lạc thiện đè nén các triền cái trạo cử và hối quá. Khi có cảm thọ lạc thiện về một đề mục thiền định thì không có trạo cử và hối quá.
Hỷ và lạc thì không giống nhau. Lạc là thọ hỷ (Tam Thọ). Hỷ đôi khi cũng là lạc, Tam Thọ nó không phải là cảm thọ, không phải là thọ uẩn, nhưng nó là hành uẩn (Hành Uẩn là tất cả sở hữu tâm trừ thọ và tưởng [4]. Khi nghiên cứu các bản dịch tiếng Anh, chúng ta phải nhận ra ngữ cảnh sở hữu tâm là mát mẻ đối với hỷ hay là lạc.
Thanh Tịnh đạo (IV, 100) có giải thích về liên quan khác nhau giữa hỷ và lạc như sau:
Và bất cứ lúc nào hỷ lạc được liên kết, hỷ có nghĩa là hài lòng vì đạt được điều ao ước, và lạc là kinh nghiệm thực thụ đối với điều đã đạt được. Ở đâu có hỷ ở đó có lạc; nhưng có lạc không cần thiết phải có hỷ. Hỷ được bao gồm trong hành uẩn; lạc thuộc về thọ uẩn. Một người kiệt sức trên sa mạc thấy hoặc nghe một hồ nước trong bìa rừng, người ấy sẽ có hỷ; nếu người ấy đi vào trong bóng mát uống nước, người ấy sẽ có lạc…
Ðịnh chi thiền là sở hữu nhất hành tâm. Sở hữu này phát sanh với tất cả tâm và chức năng của nó là tập trung vào một đề mục. Mỗi tâm chỉ có thể biết một cảnh và sở hữu nhất hành tâm tập trung vào cảnh đó. Sở hữu nhất hành tâm hay định có thể là thiện cũng có thể là bất thiện. Ðịnh khi người ta tu tập trong thiền chỉ là định thiện trên một đề mục thiền định. Song song với định phải có chánh kiến để nhận biết rõ ràng khi tâm nào là thiện và tâm nào là bất thiện và biết phương pháp tu tập an tịnh, nếu không chánh định của thiền chỉ sẽ không phát triển. Nếu người ta hết sức cố gắng tập trung nhưng thiếu chánh kiến thì có thể dính mắc vào sự cố gắng của mình để đạt được sự tập trung, nhưng nếu họ không đạt được sự tập trung thì sân hận có thể phát sanh. Như thế an tịnh không thể phát triển. Nếu chúng ta có chánh kiến thì sẽ có những điều kiện cho Ðịnh phát triển. Thanh Tịnh đạo (XIV, 139) có đề cập đến định:
Nó đặt tâm một cách bình thản trên đối tượng, hay nó đặt tâm một cách chân chánh trên đối tượng, hoặc nó chỉ là sự tập trung của tâm, như vậy gọi là Ðịnh. Ðặc tính của nó là không lang thang, không phân tán. Chức năng của nó là hòa hợp các pháp câu sanh giống như nước hòa bột tắm. Nó được biểu hiện như sự an lạc. Thông thường nhân gần của nó là lạc. Ðịnh cần được hiểu là sự vững chải của tâm, như sự vững chải của ngọn đèn khi không có gió lay động.
Ðịnh đè nén Tham dục. Khi có Chánh Ðịnh trên một đề mục Thiền thiện, vào thời điểm đó người ta không bị chướng ngại do tham dục.
Tóm tắt 5 chi thiền, những chi thiền này cần thiết cho việc chứng đắc tầng thiền thứ nhất, chúng là:
Tầm
Tứ
Hỷ
Lạc
Ðịnh
Chú giải bộ Pháp Tụ (tập I, phần V, chương I, 165) có đề cập liên quan những chi thiền mà nó đè nén các triền cái:
… Bởi vì người ta nói rằng các Triền Cái thì đối nghịch với những chi thiền, nó thì thù địch, xua đuổi, và làm mất các chi thiền. Cũng như nó được người ta giải thích trong bộ “Petakopadesa” định thì đối trị tham dục, hỷ thì đối trị với sân, tầm thì đối trị với hôn trầm và thụy miên, lạc thì đối trị với trạo cử và hối quá, tứ thì đối trị với hoài nghi…
Những chi Thiền phải được tu tập để đọan trừ những Triền Cái tạm thời. Ðối với người muốn tu tập những chi thiền và thành đạt nó thì đòi hỏi cần phải có nhiều sự chuẩn bị. Chúng ta xem trong Thanh Tịnh đạo (II, 1 và III, 1) người muốn tu tập thiền chỉ phải trau giồi giới hạnh cho được tốt đẹp và thanh tịnh vì những đặc tính như vậy sẽ làm thiểu dục, tri túc, viễn ly, độc cư, ở những trú xứ vắng, tinh cần và ít nhu cầu. Giới sẽ trở nên hòan tòan thanh tịnh (như được miêu tả trong chương II của Thanh Tịnh đạo) hầu hết nó được thích hợp cho các thầy Tỳ khưu liên quan với việc sử dụng y phục, vật thực và trú xứ.
Vào thời của Ðức Phật, người tại gia cư sĩ cũng có thể đắc được thiền, nếu họ huân tập thói quen và những khả năng để phát huy nó và nếu đời sống của họ thích hợp cho việc tu tập [5]. Ðời sống cách ly và những điều kiện thì người ta phải có đầy đủ. Tham dục là kẻ thù của thiền định. Người ta hoàn toàn phải ly dục để chứng đắc thiền, như chúng ta xem trong nhiều kinh điển. [6]
Thanh Tịnh đạo (IV, 81) giải thích rằng tham dục là kẻ thù của thiền định. Việc tu tập thiền định không phải dành cho mọi người. Thiền định không thể đạt được nếu họ còn “đời sống thế tục” và nhiều tham dục, thay vì họ phải có đời sống thiểu dục, ở những trú xứ xa vắng, ít nhu cầu.
Thanh Tịnh đạo (III, 129) nói rằng chúng ta nên tách rời công việc nào có thể làm cản trở sự phát triển thiền định. Ví dụ, những sự cản trở là đi du lịch, bệnh hoạn và những nơi mà chúng ta sống có thể bị cản trở. Chúng ta nên tránh xa đời sống trong các tu viện ồn ào …có nghĩa là 18 hạng mục chùa chiền: bị hư sập, chùa sửa chữa, chùa cúng tế hoạt động ồn ào, chùa gần biên giới…mà trong Mi Tiên vấn đáp có giải rõ, vì những lý do khác nhau có thể không thích hợp để phát huy thiền định. Như vậy trước khi chúng ta tu tập thiền chỉ, chúng ta phải có đầy đủ những điều kiện cần yếu.
Ðối với việc tu tập thiền chỉ, người ta phải tự mình áp dụng một đề mục thiền định thích hợp. Có 40 đề mục thiền chỉ mà chúng có thể làm duyên cho sự an tịnh. 40 đề mục gồm có như sau:
– 10 đề mục biến xứ (Kasina), ví dụ đề mục màu sắc, đề mục đất hoặc là ánh sáng.
– 10 đề mục tử thi (Asubha)
– 10 đề mục niệm, gồm có niệm Phật, Pháp, Tăng, Giới, Bố thí, Chư Thiên, niệm sự Chết, niệm Thân, niệm Hơi thở và niệm Níp bàn.
– 1 đề mục niệm tưởng vật thực ô trược.
– 1 đề mục phân tích tứ đại
– 4 đề mục phạm trú (Brahmavihàra): từ, bi, hỷ, xả
– 4 đề mục thiền vô sắc giới.
Không phải tất cả những đề mục trên đều thích hợp cho mọi người, nó tùy thuộc vào cá tính mà đề mục là phương tiện cho chúng ta tu tập an tịnh. Nếu có sự hiểu biết chân chánh về đề mục tu tập thì tâm chúng ta trở nên dễ dàng an tịnh nhờ những đề mục thiền thích hợp, ngay trong đời sống hằng ngày an tịnh có thể tiến triển. Ví dụ tâm từ và tâm bi, chúng ta phải tu tập trong đời sống hằng ngày, khi chúng ta giao thiệp với những người khác, chúng ta nên có những tâm thiện thay vì những tâm bất thiện. Niệm pháp thì lợi ích cho mọi người; nó giúp chúng ta hiểu biết về cuộc đời. Trong khi chúng ta suy niệm giáo pháp với tâm thiện hoặc suy niệm về một trong những đề mục thiền định khác, thì chúng ta có thể có những khoảnh khắc an tịnh nếu chúng ta không dính mắc nó.
Theo Thanh Tịnh đạo đã giải thích, làm thế nào người ta có thể phát huy những mức độ an tịnh cao hơn bằng đề mục thiền định. Ðiều đó được giải thích (Thanh Tịnh đạo III, 119) là đề mục thiền định được tu tập bằng mắt thấy, bằng thân đụng chạm và bằng tai nghe thì tùy thuộc vào bản chất của đề mục thiền định. Ðối với những đề mục được tu tập bằng mắt thấy (ví như đề mục màu sắc và đề mục tử thi), Thanh Tịnh đạo (IV, 31) dạy rằng bắt đầu tụ tâp người ta phải nhìn chăm chú vào đề mục thiền và sau đó người ta quen dần và chỉ tưởng tượng thôi; người ta không cần nhìn đề mục ban đầu nữa. Ðầu tiên sự tưởng tượng vẫn chưa vững chắc và chưa rõ ràng, nhưng sau đó nó xuất hiện “hàng trăm lần, hàng ngàn lần trong sạch hơn…” Ví dụ đề mục ban đầu, đề mục màu sắc hay đề mục đất có thể có nhiều thiếu sót, nhưng sự tưởng tượng hoàn hảo thì cần thiết khi người ta tiến bộ cao hơn, khi người mới bắt đầu tu tập phải thực hiện đề mục ban đầu cho thuần thục. Sự tưởng tượng hoàn hảo này được người ta gọi là quang tướng (Patibhàganimitta).
Ở khoảnh khắc quang tướng xuất hiện sẽ có những mức độ an tịnh cao hơn và định tâm được phát huy nhiều hơn. Ở giai đoạn này được gọi là cận hành định (Upacàrasamàdhi). Tâm này không phải là tâm thiền, nó vẫn còn là tâm dục giới, nhưng những triền cái không có phát sanh ở thời điểm cận hành định. Tuy nhiên những chi thiền chưa được phát huy đầy đủ để chứng đắc thiền, và hơn nữa vẫn có những điều kiện khác cần thiết để đắc chứng. Người ta phải duy trì sự tưởng tượng để không làm mất sự tưởng tượng hoàn hảo mà người ta đã tu tập. Cận hành định thì rất khó để thành đạt được, nhưng cũng rất khó khăn để duy trì sự tưởng tượng cho việc đắc chứng thiền. Những điều kiện duy trì sự tưởng tượng là: những người, trú xứ tốt, vật thực ngon và không nghe những lời nói vô ích. Chúng ta nên quân bình 5 căn chúng là những sở hữu như sau:
Tín
Tấn
Niệm
Ðịnh
Tuệ
Ðức tin phải được quân bình với trí tuệ để chúng ta không có tin một cách mù quáng và thiếu căn cứ. Ðịnh phải quân bình với tinh tấn, vì nếu có định mà không có đủ tinh tấn thì chúng ta sẽ trở nên lười biếng và thiền không thể chứng đắc được. Nếu có quá nhiều tinh tấn và thiếu định thì tâm chúng ta trở nên phóng túng và như vậy chúng ta không thể đắc thiền. Tất cả 5 căn phải được quân bình.
Từ những ví dụ điển hình trên chúng ta thấy rằng thiền chỉ không thể nào tu tập mà không có sự hiểu biết cơ bản và suy xét chu đáo về những pháp chân đế đã dạy trong Vi diệu pháp. Chúng ta nên biết rành mạch khi nào là tâm thiện và khi nào là tâm bất thiện. Chúng ta nên biết những pháp chân đế nào là những chi thiền và chúng ta phải nhận thức rằng đối với chính chúng ta những chi thiền có được tu tập hay không. Chúng ta nên nhận biết những sở hữu tâm là 5 căn có được tu tập hay không, chúng có được quân bình hay không. Nếu chúng ta không có sự hiểu biết đúng đắn về tất cả những yếu tố khác nhau này và những điều kiện cần thiết cho sự chứng đắc cận hành định và thiền, điều nguy hiểm là chúng ta cho cận hành định không phải là cận hành định và cho thiền không phải là thiền. Không có cận hành định mà cũng không có thiền nào có thể đạt được mà không có sự tu tập những điều kiện chánh yếu ở trên.
Không phải tất cả những đề mục thiền nào cũng dẫn đến thiền được, theo kết quả được biết chỉ có một số đề mục dẫn đến cận hành định như niệm Phật, niệm Pháp và niệm Tăng. Một số đề mục thiền chỉ đưa đến sơ thiền [7], một số nữa thì dẫn đến tất cả những tầng thiền sắc giới. Ðề mục niệm hơi thở có thể đưa đến tất cả những tầng thiền sắc giới. Ðề mục thiền này nhiều người cho rằng tương đối dễ, nhưng nó có một ít khó khăn. Người ta phải chú ý hơi thở vào và hơi thở ra để ý hơi thở ở chót mũi hay môi trên. Ðề mục thiền này không được tu tập do thấy mà tu tập do để ý hơi thở: thở vào thở ra là ấn chứng (Nimitta) người ta phải liên tục chú tâm. Chúng ta xem Thanh Tịnh đạo (VIII.208):
Vì trong khi những đề mục thiền định khác trở nên sáng sủa hơn ở mỗi giai đoạn cao hơn, thì đề mục thiền này lại không như thế: trong thực tế khi hành giả tiếp tục tu tập đề mục này nó trở nên mỗi lúc một vi tế hơn đối với vị ấy ở mỗi một giai đoạn cao hơn, và thậm chí đến nỗi đạt đến một điểm nó không còn hiện rõ nữa.
Chúng ta xem thêm (VIII, 221):
Mặc dù bất cứ đề mục thiền nào cũng chỉ thành công nếu hành giả có chánh niệm và tỉnh giác, nhưng đề mục nào cũng trở nên càng ngày rõ rệt hơn khi hành giả tiếp tục tác ý đến nó. Còn pháp niệm hơi thở này thì khó, thật khó để tu tập. Ðó là một địa hạt mà chỉ có tâm của chư Phật, Chư Phật Ðộc giác [8] và Thinh văn giác. Ðó không phải là chuyện tầm thường mà những người tầm thường không thể tu tập được. Càng chú ý đến nó thì càng trở nên an tịnh và vi tế hơn nữa. Bởi thế ở đây cần có niệm và tuệ tăng thịnh.
Pháp niệm hơi thở thì khó nhất, “điều đó không phải là vấn đề tầm thường” như Thanh Tịnh đạo nói. Ðức Phật và những Ðại đệ tử của ngài có nhiều trí tuệ và những đức tính tuyệt vời khác và như vậy đối với các ngài đó là lãnh vực trong tâm đã quen thuộc.
Khi chúng ta liên tục niệm hơi thở, thở vào và thở ra càng trở nên vi tế hơn và như vậy càng khó chú tâm hơn. Chúng ta vừa xem trong đoạn trích dẫn thấy rằng, chánh niệm và trí tuệ mạnh mẽ ở đây thì cần thiết. Không những ở trong thiền quán mà còn ở trong thiền chỉ, chánh niệm và trí tuệ thì cần thiết, nhưng trong thiền chỉ đối tượng chú tâm thì khác biệt với đối tượng chú tâm trong thiền quán. Trong thiền chỉ đối tượng chú tâm là 1 trong 40 đề mục và mục đích của nó là phát huy an tịnh. Trong thiền quán, đối tượng chú tâm là danh hoặc sắc xuất hiện ở thời điểm hiện tại xuyên qua một trong sáu môn và mục đích của nó là đọan trừ ngã kiến và cuối cùng đọan trừ tất cả những phiền não. Qua thiền chỉ những phiền não có thể đọan trừ tạm thời, nhưng những phiền não ngủ ngầm thì chưa đoạn trừ; khi có những cơ hội cho tâm bất thiện thì chúng lại phát sanh. Chúng ta xem trong Tăng Chi Bộ Kinh (pháp 6 chi. chươngVI, §6 Citta hatthi sàriputta) thậm chí vị Tỳ khưu chứng đắc thiền có thể hoàn tục. Chúng ta xem thấy rằng khi Ðức Phật đang ngự gần Baranasì, trong rừng nai, ở Isipatana, các trưởng lão đang đàm luận về thắng pháp. Tôn giả Citta Hatthisàriputta chen lời các vị trưởng lão. Tôn giả Mahàkotthita nói với vị đó:
“Tôn giả Citta hatthisàriputta, trong khi các Tỳ khưu trưởng lão đang thuyết về thắng pháp, chớ có nói chen vào chặn giữa; tôn giả Citta hãy chờ cho đến cuối câu chuyện.”
Khi được nghe nói như vậy, các Tỳ khưu bạn bè của tôn giả Citta nói: “Tôn giả Mahàkotthita chớ có bất mãn tôn giả Citta Hatthisariputta. Tôn giả Citta là bậc hiền trí và có thể nói chuyện về thắng pháp với các Tỳ khưu trưởng lão.”
Thật là khó lòng, các hiền giả biết được tâm tư của người khác. Thưa các hiền giả, có hạng người khi còn sống gần vị bổn sư hay sống gần vị đồng phạm hạnh đóng vai trò y chỉ sư, trong khi ấy, là người nhu hòa nhất trong những người nhu hòa, là người khiêm tốn nhất trong những người khiêm tốn, là người an tịnh nhất trong những người an tịnh; và khi người ấy rời khỏi bậc đạo sư, rời khỏi các vị đồng phạm hạnh đóng vai trò y chỉ sư, vị ấy sống giao thiệp với các Tỳ khưu, các Tỳ khưu ni, với các nam cư sĩ, nữ cư sĩ, với các vua chúa, với các đại thần của vua, với các ngọai đạo, với các đệ tử ngoại đạo. Do vị ấy sống giao thiệp, phóng túng, thô lỗ, đam mê nói chuyện, tham ái tấn công vị ấy; và vị ấy do tâm bị tham ái tấn công, liền từ bỏ học pháp và hoàn tục…
“Ví như có hạng người ly dục…chứng và trú sơ thiền.Với suy nghĩ “ta đã được sơ thiền”, vị ấy sống giao thiệp. . .do sống giao thiệp, phóng túng, thô lỗ, đam mê nói chuyện, tham ái tấn công vị ấy.Vị ấy với tâm bị tham ái tấn công liền từ bỏ học pháp và hoàn tục…”
Về những tầng thiền khác, người ta cũng nói tương tự như vậy. Sau đó chúng ta xem thấy rằng tôn giả Citta Hatthisàriputta từ bỏ học pháp và hoàn tục. Nhưng không bao lâu sau, vị ấy trở thành vị Tỳ khưu. Chúng ta xem:
Và tôn giả Citta Hatthisàriputta sống một mình, độc cư, nhiệt tâm, tinh cần, không phóng dật, không bao lâu sau đó, tôn giả đã thành tụ đời sống phạm hạnh –vị ấy ngay trong hiện tại đã tự mình thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú; vị ấy biết rõ rằng: “sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa.”
Và tôn giả Citta Hatthisàriputta trở thành một vị A La Hán.
Cho dù chúng ta đạt đến tầng thiền cao nhất, tâm của chúng ta vẫn còn có thể bị tham ái chi phối, như chúng ta xem trong kinh điển. Khi tôn giả Citta Hatthisàriputta đã đắc chứng A La Hán, ngài đã thực chứng được ‘đời sống phạm hạnh’. Những triền cái không còn phát sanh trở lại nữa.
Xuyên qua Thiền quán, những triền cái được đoạn trừ trong những giai đoạn giác ngộ. Bậc Tu Ðà hườn đã đoạn trừ triền cái hoài nghi; bậc A Na Hàm đã đoạn trừ triền cái tham dục, sân hận và hối quá; bậc A La Hán đã đoạn trừ hôn trầm thụy miên và trạo cử, vị ấy đã đoạn trừ tất cả những phiền não.
CÂU HỎI:
1/- Pháp chân đế nào là những chi thiền?
2/- Uẩn nào là hỷ chi thiền?
3/- Uẩn nào là lạc chi thiền?
4/- Khi thấy có sở hữu Nhất Hành Tâm không? Chức năng của nó là gì?
5/- Chức năng của sở hữu nhất hành tâm phát sanh với tâm thiền là gì? Ðối tượng của nó là gì?
6/- Tại sao niệm hơi thở là một trong những đề mục thiền định khó nhất?
7/- Sự khác biệt giữa chánh niệm trong thiền chỉ và chánh niệm trong thiền quán là gì? Những đề mục chú niệm thích hợp của chúng là gì?
8/- Nếu chúng ta tu tập thiền tập thiền chỉ mà không tu tập thiền quán, tại sao các triền cái không được đọan trừ?
Chú thích:
[1] Xem Thanh tịnh đạo IV, 105, những triền cái được ám chỉ là những điều trở ngại cho thiền định.
[2] Trong nhiều kinh điển chúng ta cũng bắt gặp những bản dịch về thiền định (Jhàna) như là “xuất thần” hoặc là “đăm chiêu”. Tuy nhiên sự xuất thần dẫn đến sự tương quan sai lầm về mặt ý nghĩa.
[3] Xem chú giải bộ Pháp Tụ, phần V, chương I, 165
[4] Xem chương 2.
[5] Ðiển hình mẹ của Nanda, chúng ta xem trong Tăng Chi Bộ Kinh tập 7. Chương V, §10.
[6] Ví dụ trong Trung Bộ Kinh I, số 21, Kinh Sợ Hải và Khiếp Ðảm.
[7] Cả hai thiền sắc giới và vô sắc giới được người ta tu tập ở những tầng thiền khác nhau. Thiền vô sắc giới thì tinh tế hơn thiền sắc giới.
[8] Ðộc giác Phật là ngài giác ngộ mà không có sự trợ giúp của một vị thầy nào, nhưng ngài không có tích lũy trí tuệ và những đặc tính tuyệt vời khác, trong phạm vi mà ngài có thể dạy đạo cho những người khác là Bát chánh đạo.
-ooOoo-