Chương 1
Bốn Pháp Chân Ðế
-ooOoo-
Pháp có hai loại: Danh pháp (Nàma) và Sắc pháp (Rùpa). Danh pháp thì biết cảnh; sắc pháp thì không. Những gì chúng ta gọi là “bản ngã” thì chỉ là Danh và Sắc, chúng luôn luôn sanh diệt. Thanh tịnh đạo (Visuddhimagga chương XVIII, 25) và Tương Ưng Bộ Kinh (Samyuttanikàya I, 135) có giải thích điều này:
“Như những thành phần tập hợp
Danh từ “xe” được đặt tên
Vậy, khi năm uẩn hợp thành [1]
Thường người ta gọi “chúng sinh”.
…Vì thế ở hàng ngàn kinh điển chỉ diễn giải danh và sắc, không có một chúng sinh, không có một con người. Do đó chỉ khi có những thành phần riêng rẽ (của một chiếc xe) như là trục xe, bánh xe, khung, căm xe … được người ta ráp lại theo một hình thức nào đó, sự kiện đó xảy ra đơn thuần là một từ tục đế “chiếc xe”, tuy thế ở ý nghĩa của chân đế, khi từng thành phần được quán chiếu thì không có chiếc xe … cũng như thế, khi có năm uẩn gắn bó thì sẽ hình thành một từ tục đế “một chúng sinh”, một con người. Tuy vậy ở ý nghĩa chân đế, khi từng thành phần được quán chiếu, sẽ không có một chúng sinh là cơ bản cho một giả thuyết “tôi là” hoặc “ngã”; theo nghĩa chân đế chỉ có danh và sắc. Cách nhìn của một người theo cách này gọi là sự nhìn đích thật.
Các pháp bên trong và bên ngoài của chúng ta chỉ là Danh và Sắc, chúng sinh và diệt; chúng thì Vô thường. Danh và Sắc là những sự thật tuyệt đối, tiếng Pàli gọi là: Paramattha dhamma. Chúng ta có thể cảm nhận những đặc tướng khi chúng xuất hiện, không thành vấn đề khi chúng ta đặt tên chúng; không cần thiết phải gọi chúng là danh và sắc. Những ai tu tập “tuệ giác” mới có thể cảm nhận chúng là: Vô thường và Vô ngã. Thấy, nghe, ngửi, nếm, sự cảm nhận xúc giác qua thân căn và suy nghĩ, tất cả những danh pháp này đều Vô thường. Chúng ta quen suy nghĩ là có một bản ngã, nó thực hiện những chức năng như thấy, nghe hay suy nghĩ; nhưng bản ngã thì ở đâu? Nó là một trong những danh pháp đó phải không? Chúng ta càng phân biệt danh và sắc bởi vì sự cảm nhận những tướng trạng của chúng, chúng ta càng thấy rằng “bản ngã” chỉ là một ý niệm, nó không phải là chân đế.
Danh là danh pháp, sắc là sắc pháp. Danh và sắc là hai sự thật khác nhau. Nếu chúng ta không phân biệt chúng với nhau và biết đặc tướng của mỗi thứ, thì chúng ta tiếp tục bị dính mắc vào bản ngã. Sự nghe là danh; nó không có hình dáng, nó không có tai. Sự nghe thì khác với Nhĩ căn, nhưng nhĩ căn là điều kiện cần thiết cho danh nghe, cảm nhận âm thanh. Nhĩ căn và âm thanh là sắc pháp, chúng không biết cảnh; chúng hoàn toàn khác với danh pháp. Nếu như chúng ta không hiểu biết rằng sự nghe, nhĩ căn và âm thanh là những sự thật hoàn toàn khác biệt, thì chúng ta sẽ tiếp tục cho rằng đây là bản ngã, đây là người nghe.
Thanh Tịnh Ðạo (XVIII, 34) có giải như sau:
Lại nữa, danh không có năng lực hữu hiệu, không thể nào tự sanh khởi … Nó không ăn, uống, nói, đi, đứng, nằm, ngồi. Và sắc thì cũng không có năng lực hữu hiệu, không thể nào tự sanh khởi. Vì nó không có ý ham thích ăn, uống, nói, đi, đứng, nằm, ngồi. Nhưng khi sắc trợ duyên thì tâm sanh khởi. Khi danh có ý ham thích ăn, uống, nói, đi, đứng, nằm, ngồi thì chính sắc lại thực hiện các hành động ấy …
Lại nữa (XVIII, 36):
Ví như người ta nương tựa
Thuyền bè để vượt biển khơi,
Cũng vậy danh thân của người
Cần đến sắc thân để sanh.
Bè thuyền tùy thuộc con người
Ðể vượt đại dương rộng lớn,
Cũng vậy sắc thân cần có
Danh thân để nó phát sanh.
Cả hai đều phụ thuộc nhau
Thuyền và người vượt biển khơi.
Cũng thế danh và sắc pháp
Chúng đều lệ thuộc lẫn nhau.
Có hai loại Danh liên quan nhau; đó là Tâm (Citta) và sở hữu (Cetasika). Cả hai đều gọi là Danh, vì duyên nhau nên chúng sinh và rồi lại diệt.
Ðối với tâm là để biết cảnh. Mỗi cái tâm sanh đều có cảnh của nó, tiếng Pàli gọi là Àrammana. Biết cảnh không có nghĩa là suy nghĩ về nó. Tâm thấy điều gì có thể thấy được như là cảnh vật; cảnh thì khác biệt với tâm vì nó sanh sau, ví dụ như tâm nhận biết cảnh gì mà người ta có thể cảm nhận và suy nghĩ được. Tâm nghe âm thanh, âm thanh như là cảnh của nó. Thậm chí khi chúng ta ngủ ngon giấc và không có mơ mộng, tâm chỉ biết một cảnh. Không có cái tâm nào mà không có cảnh. Có nhiều loại tâm khác nhau mà người ta có thể phân loại thành nhiều cách.
Một số tâm thiện (Kusala), một số tâm bất thiện (Akusala). Tâm thiện và tâm bất thiện đều là nhân; chúng có thể tác động, nhưng hành động thiện ác qua thân khẩu ý có thể dẫn đến kết quả cân xứng. Một số tâm là kết quả của những hành động thiện ác; đó là tâm dị thục (Vipàkacitta). Một số tâm vừa là nhân vừa là quả; đó là tâm tố (Kiriyacitta). [2]
Tâm có thể được phân loại theo giống (Jàti) (danh từ Jàti theo nghĩa văn chương là sanh, sanh chủng, chủng loại, giống). Có 4 giống:
Thiện (Kusala)
Bất thiện (Akusala)
Quả (Vipàka)
Tố (Kiriya)
Cả quả thiện (Kusalavipàka) lẫn quả bất thiện (Akusalavipàka) đều là chủng loại, chủng loại thuộc về quả (Vipàka).
Ðể biết chủng loại thuộc về tâm, đó là điều quan trọng. Chúng ta không thể nào phát huy việc thiện trong đời sống nếu như chúng ta thực hiện việc bất thiện thay thế cho việc thiện, hay là chúng ta thực hiện bất thiện pháp thay thế tâm quả thiện. Ví dụ, khi nghe những ngôn từ bất khả lạc giây phút cảm nhận âm thanh (nhỉ thức) chính là quả bất thiện, kết quả của những hành động bất thiện là do chính chúng ta tạo ra. Nhưng sự bực tức có thể phát khởi chớp nhoáng trong tâm sau đó không gây quả, nhưng nó phát sanh với tâm bất thiện gây quả. Chúng ta có thể học cách phân biệt những khoảnh khắc tâm thức này với nhau do sự cảm nhận những đặc tính khác biệt của chúng.
Phương pháp khác về phân loại tâm do cõi tâm thức, tiếng Pàli gọi là Bùmi. Có những cõi tâm thức khác nhau. Tâm Dục giới (Kamàvacara citta) là tâm biết cảnh sắc, thinh, hương, vị, xúc. Vì những đối tượng lạc và bất lạc người ta đã cảm nhận qua tâm thiện dục giới và những tâm bất thiện sanh khởi. Có những tâm khác nữa mà không cảm nhận lạc thú. Người tu tập Thiền chỉ và thành tựu An chỉ định, lúc ấy vị đó có tâm thiền. Tâm thiền là một loại tâm đặc biệt, nó không cảm nhận l?c thú. Tâm siêu thế là loại tâm cao nhất vì nó là cái tâm trực tiếp thưởng thức hương vị Níp bàn.
Còn có những phương pháp khác của sự phân loại tâm và nếu như chúng ta cho rằng đổng lực tâm khác nhau có nhiều nét đặc biệt hơn cho người ta phân biệt nó. Ví dụ, tâm bất thiện là gốc rễ của tham, sân, si, nó có thể có nhiều đổng lực khác nhau. Ðôi khi chúng ta có thể thúc đẩy những hành động, đôi khi lại không. Tùy thuộc vào mức độ bất thiện pháp. Những tâm thiện cũng có nhiều đổng lực khác nhau. Ðể biết những cách thức khác nhau của sự phân loại thì thật là hữu ích, bởi vì trong phương pháp này chúng ta biết được những khía cạnh khác nhau của tâm thức. Toàn bộ có 89 (trong sự phân loại khác có 121) loại tâm. Nếu chúng ta phát huy sự hiểu biết của chúng ta về các loại tâm và nếu chúng ta nhận thức chúng khi chúng xuất hiện, thì chúng ta không còn dính mắc nhiều về “bản ngã”.
Sở hữu tâm là danh pháp chân đế thứ hai. Như chúng ta biết tâm là biết cảnh: thấy cảnh sắc, nghe cảnh thinh, tâm còn biết cả cảnh pháp nữa. Tuy nhiên không chỉ có tâm mà còn có cả sở hữu tâm nữa. Người ta có thể suy nghĩ điều gì bằng sự sân hận, cảm thọ lạc hay trí tuệ là những hiện tượng tâm mà không phải là tâm; chúng là sở hữu tâm mà đồng sanh với những tâm khác. Chỉ có một tâm trong thời điểm nhất định, nhưng có nhiều sở hữu tâm đồng sanh đồng diệt với tâm; tâm không bao giờ phát sanh đơn độc. Ví dụ: “thọ” tiếng Pàli gọi là Vedanà là sở hữu phát sanh cùng với các loại tâm (biến hành). Tâm chỉ biết cảnh; nó không có cảm thọ. Tuy nhiên cảm thọ thì có chức năng riêng của cảm thọ. Ðôi khi cảm thọ là lạc hoặc bất lạc. Khi chúng ta không có cảm thọ lạc hoặc bất lạc, khi đó chúng ta vẫn có cảm thọ: đó là cảm thọ xả. Tâm luôn luôn có cảm thọ, không có bất cứ sát na tâm nào mà không có cảm thọ. Ví dụ: Khi tâm nhãn thức phát sanh thì cảm thọ đồng sanh với tâm. Tâm chỉ biết cảnh sắc; nó có cảm thọ lạc hoặc bất lạc. Cảm thọ đồng sanh với loại tâm này là thọ xả. Sau khi tâm nhãn thức diệt, những tâm khác phát sanh và lúc đó có thể có những tâm không hợp với cảnh. Cảm thọ đồng sanh với loại tâm này là bất lạc. Chức năng của tâm là biết cảnh, tâm là “chủ”. Sở hữu thì phân phối cùng cảnh với tâm, nhưng mỗi loại thì có chức năng và đặc tính riêng của chúng. Một số sở hữu phát sinh với các tâm thức còn những sở hữu khác thì không có [3].
Như chúng ta biết, cảm thọ, Vedanà là một sở hữu phát sinh với các loại tâm. “Xúc” tiếng Pàli gọi Phassa là một sở hữu khác phát sinh với các loại tâm; nó tiếp xúc cảnh cho nên tâm biết cảnh. “Tưởng” tiếng Pàli gọi là Sannà, cũng là một sở hữu phát sinh với các loại tâm. Trong Thanh tịnh đạo (Visuddhimagga XIV, 130) chúng ta thấy rằng tưởng có chức năng cảm nhận:
… chức năng của nó là tạo một dấu hiệu để làm duyên lần sau có thể cảm nhận “điều này thì tương tự”, giống như những người thợ mộc… nhận ra gỗ …
Tâm chỉ biết cảnh; nó không ghi nhận cảnh. Tưởng ghi nhận cảnh cho nên tâm có thể ghi nhận cảnh về sau. Bất cứ khi nào chúng ta nhớ điều gì đó là tưởng, không có ngã. Ví dụ đây là tưởng, hãy nhớ rằng màu này đỏ, đây là cái nhà hay đây là tiếng chim hót.
Cũng có những loại sở hữu tâm mà không phát sinh cùng với các loại tâm. Sở hữu bất thiện chỉ phát sinh với tâm bất thiện. Sở hữu tịnh hảo [4] phát sinh với tâm tịnh hảo. Tham, sân, si là sở hữu bất thiện chỉ phát sinh với những tâm bất thiện. Ví dụ khi chúng ta thấy cảnh đẹp, tâm dính mắc vào những gì chúng ta đã thấy. Lúc đó sở hữu tham phát sinh cùng với tâm. Tham có chức năng dính mắc hay nương gá. Có nhiều sở hữu bất thiện khác phát sinh với những tâm bất thiện như: ngã mạn (Màna), tà kiến (Ditthi), và ganh tị (Issà). Sở hữu tịnh hảo đồng sinh với tâm thiện ví dụ như: vô tham (Alobha), vô sân (Adosa), vô si (Amoha), hay trí tuệ (Pannà). Vô tham, vô sân, vô si phát sinh với tâm thiện. Trí tuệ cũng có thể phát sinh với tâm thiện, và xa hơn nữa cũng có những sở hữu tịnh hảo khác phát sinh với tâm thiện. Ðặc tính thiện và bất thiện là những sở hữu, chúng là vô ngã. Tổng cộng có 52 loại sở hữu khác nhau.
Mặc dù tâm và sở hữu cả hai đều là danh pháp (Nàma), mỗi thứ có những tướng trạng khác nhau. Người ta hỏi làm thế nào có thể biết những sở hữu tâm. Khi chúng ta ghi nhận tâm thay đổi, chúng ta có thể biết được tướng trạng của sở hữu tâm, ví dụ khi tâm bất thiện bủn xỉn phát sinh sau tâm thiện bố thí đã diệt, chúng ta có thể ghi nhận sự thay đổi. Bủn xỉn và bố thí là những sở hữu tâm mà chúng ta có thể cảm nhận được, chúng có những tướng trạng khác nhau. Chúng ta cũng có thể ghi nhận sự thay đổi từ tham đến sân, từ cảm thọ lạc đến cảm thọ phi lạc. Cảm thọ là một sở hữu chúng ta có thể cảm nhận, vì đôi khi cảm thọ nổi bật hơn và có những loại cảm thọ khác nhau. Chúng ta có thể hiểu rằng, cảm thọ bất lạc thì khác với cảm thọ lạc và khác với cảm thọ xả. Những sở hữu tâm khác này cùng phát sinh với những tâm khác và chúng diệt ngay lập tức với những tâm mà chúng đồng hành. Nếu chúng ta biết nhiều về những loại tâm và sở hữu khác nhau này, thì nó giúp ích chúng ta nhận chân được chân lý.
Bởi vì tâm và sở hữu cùng phát sinh. Ðể cảm nhận những tướng trạng khác nhau của chúng thì thật là khó. Ðức Phật có thể cảm nhận trực tiếp những tướng trạng khác nhau của tất cả tâm và sở hữu bởi vì trí tuệ của ngài siêu phàm. Chúng ta nghiên cứu trong kinh Mi Tiên vấn đáp (tập III “Việc khắc phục những sự khó khăn”, chương 7, 87) [5]. Thánh Tăng Nàgasena nói với vua Milinda rằng:
– Tâu đại vương, có một điều hi hữu mà Ðức Thế Tôn đã làm được.
– Ðó là điều gì?
– Xác định tất cả sở hữu tâm thì tùy thuộc vào trần cảnh, Ngài dạy cho chúng ta thấy rằng đây là xúc, thọ, tưởng, tư, và tâm.
– Xin Thánh tăng cho ví dụ điển hình.
– Tâu đại vương, ví như người xuống tàu vượt biển và dùng tay lấy một ít nước, nếm thử. Người ấy có thể phân biệt nước đó từ con sông Hằng, sông Yamunà, sông Aciravatì, sông Sarabhù hoặc sông Mahì không?
– Bạch Ðại đức, không thể được.
– Khó hơn điều đó nữa, tâu đại vương, đó là sự phân biệt giữa các sở hữu tâm do trần cảnh!
Tâm và sở hữu tâm là Pháp chân đế (Paramattha dhamma) mỗi pháp có tướng trạng không thay đổi riêng của chúng. Những tướng trạng này có thể cảm nhận được, không quan tâm đến hình thức mà người ta đã đặt tên cho nó. Pháp Chân đế không phải là một danh từ hoặc là những khái niệm, chúng là những sự thật. Cảm thọ lạc và cảm thọ bất lạc là sự thật; những tướng trạng của chúng có thể được cảm nhận mà không được gọi chúng là “cảm thọ lạc” hoặc ” phi lạc”. Sân hận là sự thật; nó có thể được người ta cảm nhận khi nó có mặt.
Không những có danh pháp mà còn có sắc pháp nữa. Sắc pháp (Rùpa) là pháp chân đế thứ ba. Có nhiều loại sắc pháp mà mỗi loại đều có tướng trạng riêng . Có bốn loại sắc chính mà người ta gọi là Sắc đại hiển (Mahàrùpabhùta):
Ðịa đại hoặc rắn chắc (được hiểu như là cứng hoặc mềm).
Thủy đại hoặc sự kết dính.
Hỏa đại hoặc hơi nóng (được hiểu như là nóng hoặc lạnh).
Phong đại hoặc chuyển động (được hiểu như là sự dao động hoặc sức ép).
Tứ đại là những loại sắc chính, phát sinh cùng với tất cả những loại sắc khác, được gọi là Sắc Y sinh (Upàdarùpa). Sắc pháp không bao giờ phát sinh đơn lẻ; chúng phát sinh thành “đoàn” thành “nhóm” . Ít nhứt phải có 8 loại sắc phát sinh cùng với nhau. Ví dụ bất cứ lúc nào hỏa đại phát sinh thì sự rắn chắc, sự kết dính, sự chuyển động và những loại sắc khác cũng phát sinh. Ví dụ Sắc Y sinh là Nhãn căn, Nhĩ căn, Tỷ căn, Thiệt căn và Thân căn phát sinh thì những cảnh sắc, thinh, hương, vị, xúc cũng phát sinh.
Những tướng trạng khác nhau của sắc có thể cảm nhận xuyên qua mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và tâm. Những tướng trạng này là sự thật, bởi vì người ta có thể cảm nhận chúng được. Chúng ta sử dụng danh từ là “thân” hoặc cái “bàn”, cả hai đều có trạng thái cứng mà có thể nhận được qua sự xúc chạm. Bằng cách này, chúng ta có thể chứng minh rằng, trạng thái cứng thì giống nhau, không đặt thành vấn đề dù nó ở trong thân hoặc trong cái bàn. Trạng thái cứng là pháp chân đế; thân và cái bàn là Pháp Tục đế, nhưng chỉ là những ý niệm. Chúng ta mặc nhiên cho rằng thân tồn tại và chấp nó là tự ngã, nhưng những gì chúng ta gọi là thân, nó là những loại sắc khác nhau sinh và diệt. Danh từ chế định “thân” có thể làm cho chúng ta lầm lẫn với sự thật chân đế. Chúng ta sẽ nhận thức chân lý nếu chúng ta nghiên cứu để cảm nhận những tướng trạng khác nhau của sắc pháp khi chúng xuất hiện.
Tâm, sở hữu và sắc pháp chỉ phát sinh khi có điều kiện thuận lợi, chúng là pháp hành (Sankhàradhamma [6]). Thấy không thể phát sinh khi không có nhãn căn và cảnh sắc; đây là những điều kiện cần thiết cho sự phát sinh của nó. Âm thanh chỉ có thể phát sinh khi có điều kiện thuận lợi cho sự phát sinh của nó. Khi nó sinh rồi diệt. Khi nhân duyên đã diệt, mọi vật sinh lên rồi lại diệt nữa. Người ta có thể nghĩ rằng âm thanh tồn tại, nhưng điều chúng ta cho là bao lâu, khoảnh khắc lâu dài của âm thanh thật sự chỉ là những sắc pháp khác nhau liên tục nhau.
Pháp chân đế thứ tư là Níp bàn. Níp bàn là chân đế bởi vì nó là sự thật. Người ta có thể thực chứng Níp bàn qua ý môn, nếu thực hành Bát Chánh Ðạo có thể dẫn đến Ðạo quả Níp bàn: Việc phát huy trí tuệ sẽ thấy được vạn pháp như thật. Níp bàn là danh pháp. Tuy nhiên, nó không phải là tâm hay sở hữu tâm, pháp chân đế sinh vì duyên diệt. Níp bàn là danh pháp, là sự thật vô vi [7]; do đó nó không sinh và không diệt. Tâm và sở hữu là danh, chúng thì biết cảnh; Níp bàn là danh mà không biết cảnh, nhưng chính Níp bàn là cảnh của tâm và sở hữu tâm. Níp bàn không phải là người, nó thì Vô ngã.
Tóm lại, 4 pháp chân đế là:
Tâm
Sở hữu tâm pháp hữu vi (Sankhatadhamma)
Sắc
Níp bàn pháp vô vi (Asankhatadhamma)
Khi chúng ta học pháp cơ bản là để biết được pháp chân đế như thật. Nếu chúng ta không biết được điều này, chúng ta có thể bị lầm lạc bởi những danh từ chế định. Ví dụ, những gì chúng ta gọi là thân, thật sự chỉ là những sắc pháp chân đế khác nhau không phải là tâm hoặc sở hữu tâm. Chúng ta nên biết rằng Níp bàn không phải là tâm hoặc sở hữu tâm, mà là pháp chân đế thứ tư. Níp bàn là sự chấm dứt tất cả pháp hành sinh diệt: Vì bậc A la hán, Chánh Ðẳng Giác đã viên tịch, không còn tái sinh nữa, không còn danh và sắc sinh diệt nữa.
Tất cả pháp hữu vi, tâm, sở hữu tâm và sắc pháp đều là “vô thường”.
Tất cả pháp hữu vi đều là “khổ não”, vì chúng vô thường.
Tất cả pháp đều “vô ngã” (tiếng Pàli gọi là sabbe dhammà anattà – Dhammapada, V5.279).
Như vậy, các pháp hữu vi không phải là Níp bàn, là vô thường, là khổ. Nhưng tất cả các pháp, đó là bốn pháp chân đế bao gồm Níp bàn, tất cả đều có tướng vô ngã.
CÂU HỎI:
1/- Sự khác nhau giữa danh và sắc là gì?
2/- Sự khác nhau giữa tâm và tâm sở là gì?
3/- Tâm sở có biết cảnh không?
4/- Có nhiều tâm sở cùng phát sinh với tâm chăng?
5/- Níp bàn có biết cảnh không?
6/- Níp bàn có bản ngã không?
Chú thích:
[1] Ngoài 5 uẩn ra không có gì khác nữa nhưng nó làm duyên bởi danh và sắc. Xem chương 2.
[2] Ở chương 3 và có một đoạn như sau tôi sẽ giải thích thêm về bất thiện, thiện, quả và tâm tố.
[3] Có bảy loại sở hữu tâm mà phải sinh với các loại tâm thức.
[4] Xem chương 19 về ý nghĩa tịnh hảo. Những tâm tịnh hảo không những bao gồm các tâm thiện mà còn có các tâm quả và các tâm tố đồng hành với những sở tịnh hảo.
[5] Bản dịch của T.W. Rhys Davids, phần 1 do Dover ấn hành, New York, được sử dụng.
[6] Từ Pàli Sankhata cũng được sử dụng. Sankhata có nghĩa là “những gì có liên quan nhau”, tạo tác phát sinh những yếu tố nhân duyên. Khi những yếu tố nhân duyên diệt thì sự thật nó đã sinh vì những nhân duyên này nó diệt.
[7] Tiếng Pàli Asankhata: vô vi, phản nghĩa hữu vi. Trong bộ pháp Tụ, Níp bàn liên quan với vô vi giới. Ðôi khi từ ngữ Visankhàradhamma – Pháp vô vi được sử dụng.
-ooOoo-