CHÙA BỬU QUANG
Địa Chỉ: 171/10 QL. 1A, Tổ 8, Khu phố 3, Ấp Gò Dưa, Phường Bình Chiểu, Q.Thủ Ðức, TP. HCM
Điện Thoại: 08 3729 0248 – 0903 870 370
Chùa được xây dựng vào năm 1938, do cụ Nguyễn văn Hiểu chủ quản. Lý do là cụ Hiểu hay tin người bạn đạo Lê văn Giảng xuất gia theo Phật giáo Nguyên thủy. Vì trước đây, hai người bạn này có giao nguyện với nhau là cụ ở lại quê hương tìm đất xây chùa, còn bác sĩ Giảng lên Nam Vang khảo cứu kinh điển, xuất gia và truyền đạo Phật về Việt Nam để phổ biến.
Khi biết được tin bác sĩ Giảng đã xuất gia, các ông Nguyễn văn Hiểu, Nguyễn văn Quyến và Văn Công Hương lập tức vào Chợ Lớn tìm đất xây chùa nhưng không tìm được chỗ nào thích hợp. Sau đó, ba người lên Gò Dưa, Thủ Ðức, tìm được một khu đất rất thích hợp để xây chùa, vì địa điểm không xa thành phố mà cũng không gần thành thị, với phong cảnh rất yên nhàn. Ðược biết đất này của Bà Cả và của ông Xã Trưởng Bùi Nguơn Hứa, họ đến gặp hai ông bà để thương lượng giá cả tiến hành việc xây dựng chùa.
Nhận thấy ba người này có thiện tâm lo việc chùa chiền, ông bà rộng lòng cho họ khai phá hơn hai mẫu đất để xây chùa mà không cần phải trả tiền. Trước nghĩa cử cao đẹp của ông bà chủ đất, cụ Hiểu và những người bạn đạo rất cảm kích, và chính nghĩa cử này giúp họ gia tăng đức tin Phật pháp nhiều hơn nữa.Kiến trúc đầu tiên của ngôi chùa này rất đơn giản, không có gì đặc sắc. Ban hộ tự chỉ xây một chánh điện thờ Phật và tám Liêu Thất theo kiểu nhà sàn của người Campuchia để cho chư Tăng cư ngụ.
Năm 1939, nhận thấy nhu cầu cần thiết để đào tạo các vị Sa di (người mới vào chùa tu tập) tu học Giới luật, và đọc kinh kệ cho thông thạo – vì những vị này là mầm non của đạo pháp – ban hộ tự lại tiếp tục xây thêm một phòng học đặc biệt để huấn luyện Sa di. Ðến năm 1940, cụ Nguyễn Văn Hiểu phát tâm bán căn nhà riêng của mình, dùng phân nữa số tiền bán nhà để xây lại chùa Bửu Quang bằng ngói gạch theo lối kiến rất đặc biệt, kết hợp và pha chế theo các loại kiến trúc Khơme, Tây và Tàu thành ra một loại kiến trúc rất Việt Nam. Ngày nay chúng ta vẫn còn nhìn thấy loại kiến trúc này ở Thích Ca Phật Ðài (Vũng Tàu). Ðồng thời, cụ cũng xây một Tăng xá ba lầu cũng bằng ngói gạch cho chư Tăng trú ngụ. Còn phân nữa số tiền còn lại cụ dùng để mua đất làm ruộng, thâu huê lợi cho chùa.
Chùa Bửu Quang ngày nay không phải là kiến trúc thời của cụ Nguyễn văn Hiểu xây dựng, vì năm 1947 chùa bị giặc Pháp tàn phá. Sau chiến tranh, anh em cư sĩ ở đó đi xin vật liệu cất lại chùa và nó tồn tại cho đến ngày hôm nay.
Chùa Bửu Quang là ngôi chùa Phật giáo Nguyên thủy đầu tiên của người Việt tại Việt Nam. Năm 1939, Tỳ Khưu Hộ Tông cùng một số chư Tăng lần đầu tiên về Việt Nam truyền đạo và các ngài trú tại đây để làm căn cứ điểm hoằng dương chánh pháp. Từ đó đến nay, theo nhịp bước của thời gian, Bửu Quang đã trải qua những đời trụ trì:
– Tỳ Khưu Hộ Tông
– Tỳ Khưu Pháp Tịnh
– Tỳ Khưu Thiện Quang
– Tỳ Khưu Sán Nhiên
– Tỳ Khưu Thiện Nghiêm.
Ngôi Tam bảo này có lúc mạnh lúc yếu, tùy thuộc vào vị trụ trì lãnh đạo. Có thể nói thời trụ trì của Tỳ Khưu Hộ Tông thì rất thạnh hành nhưng không được tồn tại bao lâu để rồi Tỳ Khưu lại đi đến khác tiếp tục con đường hoằng pháp. Ðến thời trụ trì của Tỳ Khưu Thiện Quang chẳng những do bàn tay khéo tạo của Thượng tọa làm cho phong cảnh ở đây càng khởi sắc hơn, mà còn cả tài ngoại khéo léo của Tỳ Khưu làm cho người đến chùa Bửu Quang không những Phật tử mà còn cả các đạo giáo khác.
Chùa Bửu Quang là ngôi chùa tiêu biểu đầu tiên cho nên ngay từ buổi đầu đã có những sinh hoạt khá đặc biệt. Có trường học để đào tạo cho các vị Sa di. Có những lớp học dành cho chư thiện nam tín nữ nghiên cứu về pháp học lẫn pháp hành. Ðặc biệt pháp hành ở đây được xiển dương một cách khá cao độ và người học thiền lúc đó cũng khá nhiều. Lý do chính là vì những người đến học thiền ở đây là những công chức với đời sống rất bận rộn và căng thẳng, nhờ có hành thiền mà tâm trí ho được thoải mái và thanh thản hơn. Thường thường những khóa thiền như vậy do Tỳ Khưu Hộ Tông và chư Tăng trong chùa phụ trách.
Thỉnh thoảng Tỳ Khưu Bửu Chơn được thỉnh từ Nam Vang về dạy phụ đạo, vì lúc này Tỳ Khưu đang hành thiền ở rừng núi Campuchia.
Số Phật tử đầu tiên đến quy y và tu thiền là những gia đình của ông bà Cả Hứa, ông cả Ngưu ở Phú Nhuận, Nguyền Văn Hiểu, Văn Công Hương, Nguyễn văn Quyến, ông Hương Giáo Thêm (Tỳ Khưu khai sáng tổ đình Giác Quang), ông Thông Phán, Phạm công Lợi, ông Núi (nay là Thiền sư Bửu Hạnh), ông Trần văn Cầm, ông Trần Văn Nhân, ông Nguyễn văn Mum (cố Ðại đức Tuệ Quang), Ðoàn văn Huờn, v.v.
Ðời sống vật chất chư Tăng lúc này tương đối đầy đủ nhờ có cụ Hiểu khéo léo tổ chức mướn người làm ruộng để có lúa gạo để chư Tăng thọ dụng. Tuy nhiên, hằng ngày Các vị Tỳ Khưu Hộ Tông, Tỳ Khưu Thiện Luật và chư Tăng đều mang bát sống hạnh khất thực.
Khất thực cũng là lối sống khiêm nhường của chư Tăng, đồng thời là một phương cách gần gũi quần chúng để giúp họ phát tâm đặt bát cúng dường gieo duyên lành trong chánh pháp. Mỗi lần Tỳ Khưu và chư Tăng đi khất thực như vậy đã gieo trong tâm trí của người dân đức tin đối với chư Tăng và nhà chùa rất lớn và cũng có một số người rất thắc mắc tại sao những người này lại đi xin ăn? Tại sao những người này ăn mặn? Tại sao những người này không ăn buổi chiều?
Từ những hoài nghi thắc mắc như vậy, họ kéo nhau đến chùa để nhờ các nhà sư giải đáp. Những lần như vậy thì được Tỳ Khưu Hộ Tông và Tỳ Khưu Thiện Luật giải thích cận kẻ cho họ hiểu đúng chánh pháp của Phật giáo nguyên Thủy. Thế là những người đó hoan hỷ phát tâm xin quy y Tam bảo, trở thành cận sự Nam và cận sự Nữ của Phật giáo Nguyên thủy, thậm chí có những người xuất gia trở thành nhà sư.
Do đó chùa Bửu Quang lúc bấy giờ rất nổi tiếng, nhiều Phật tử tới lui đến chùa học đạo và có nhiều nhà sư cư ngụ đến tại đây. Những vị tiền bối của Phật giáo Nguyên thủy đa phần điều có sinh hoạt Phật pháp và lưu trú tại đây một thời gian khá dài trước khi lên đường hoằng pháp.