Chói Sáng Cội Nguồn Tâm – Tâm Chói Sáng Và Một Số Hình Ảnh Về Cội Nguồn Tâm Trong Kinh Tạng Pali

Chói Sáng Cội Nguồn Tâm

Tâm Chói Sáng Và Một Số Hình Ảnh Về Cội Nguồn Tâm Trong Kinh Tạng Pali

Lời dẫn : Có thể nói những lời vàng này của Phật là một khích lệ lớn lao cho những người thực sự tầm đạo. Những gì mình khao khát muốn tìm đều có sẵn bên trong. Thế giới sinh khởi và thế giới đoạn diệt đều nằm trong tấm thân một trượng này. Con đường thoát ra khỏi bóng tối chỉ đơn giản là thắp đèn lên. Phật đã cho chúng ta một tin vui là bất kỳ ai cũng có ngọn đèn chói sáng đó, ai cũng có khả năng tỉnh thức và tiềm năng giác ngộ được sự thật cao thượng.

Vàng ròng, nước trong, mặt trời, mặt trăng …. tượng trưng cho pháp vô vi, ai ai cũng có. Việc cần làm chỉ là thanh lọc, làm sạch những pháp hữu vi. Dù quá trình này thật thiên nan vạn nan nhưng khi biết được “trong nhà có báu” thì người có trí chẳng ai không muốn quay về tìm lại ngôi nhà thật sự của mình.

TÂM CHÓI SÁNG

“Tâm này, này các Tỷ-kheo, là sáng chói, nhưng bị ô nhiễm bởi các cấu uế từ ngoài vào.

“Tâm này, này các Tỷ-kheo, là sáng chói và tâm này được gột sạch các cấu uế từ ngoài vào.”

“ Tâm này, này các Tỷ-kheo, là sáng chói. Và tâm này bị ô nhiễm bởi các cấu uế từ ngoài vào. Kẻ phàm phu ít nghe, không như thật rõ biết tâm ấy. Do vậy, Ta nói rằng tâm kẻ phàm phu ít nghe, không được tu tập.”

“ Tâm này, này các Tỷ-kheo, là sáng chói. Và tâm này được gột sạch các cấu uế từ ngoài vào. Bậc Thánh đệ tử nghe nhiều, như thật rõ biết tâm ấy. Do vậy, Ta nói rằng tâm bậc Thánh đệ tử nghe nhiều có được tu tập.”

VẢNG RÒNG

“Này các Tỷ-kheo có năm cấu uế này đối với vàng. Do những cấu uế ấy, vàng bị uế nhiễm, không có nhu nhuyến, không có kham nhậm, không có chói sáng, dễ bị bể vụn (pabhangu), và không chân chánh chịu sử dụng.”

‘’ Sắt, này các Tỷ-kheo, là cấu uế của vàng. Do cấu uế ấy, vàng bị uế nhiễm… chịu sử dụng.”

“Ðồng (loham), này các Tỷ-kheo, là cấu uế của vàng. Do cấu uế ấy, vàng bị uế nhiễm… chịu sử dụng.”

“Thiếc (tipu), này các Tỷ-kheo, là cấu uế của vàng. Do cấu uế ấy, vàng bị uế nhiễm…”

“Chì (siisam), này các Tỷ-kheo, là cấu uế của vàng. Do cấu uế ấy, vàng bị uế nhiễm…”

“Bạc (sajjhum), này các Tỷ-kheo, là cấu uế của vàng. Do cấu uế ấy, vàng bị uế nhiễm, không có nhu nhuyến, không có kham nhậm, không có chói sáng, dễ bị bể vụn, và không chân chánh chịu sử dụng.”

CHÓI SÁNG CỘI NGUỒN TÂM

“Chính cấu uế của vàng, này các Tỷ-kheo, do những cấu uế ấy, vàng bị uế nhiễm, không có nhu nhuyến, không có kham nhậm, không có chói sáng, dễ bị bể vụn, và không chân chánh chịu sử dụng. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có năm cấu uế này của tâm, chính những cấu uế ấy khiến tâm bị uế nhiễm, không có nhu nhuyến, không có kham nhậm, không có chói sáng, dễ bị bể vụn, không chân chánh được định tĩnh để đoạn diệt các lậu hoặc. Thế nào là năm?”

“Dục tham (kàmachanda), này các Tỷ-kheo, là cấu uế của tâm. Do cấu uế ấy, tâm bị uế nhiễm, không có nhu nhuyến, không có kham nhậm, không có chói sáng, dễ bị bể vụn, không chân chánh được định tĩnh để đoạn diệt các lậu hoặc.”

(Tương tự với sân, hôn trầm thụy miên, trạo hối, nghi)

“Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là năm cấu uế của tâm. Chính do những cấu uế ấy, tâm không có nhu nhuyến, không có kham nhậm, không có chói sáng, dễ bị bể vụn, và không chân chánh được định tĩnh để đoạn diệt các lậu hoặc.“

HỒ NƯỚC TRONG SÁNG

“Ví như, này các tỷ kheo, một hồ nước uế nhớp, bị khuấy động, đục bùn. Tại đấy có người có mắt, đứng trên bờ, không thể thấy các con ốc, các con sò, các hòn sạn, các hòn sỏi, các đàn cá qua lại, đứng yên. Ví cớ sao? Vì nước bị khuấy đục. Này các Tỷ-kheo, cũng vậy, vị Tỷ-kheo với tâm bị khuấy đục biết được lợi ích của mình, hay biết được lợi ích của người, hay biết được lợi ích cả hai, hay sẽ chứng ngộ các pháp thượng nhân, tri kiến thù thắng xứng đáng các bậc Thánh; sự kiện như vậy không xảy ra.

Vì cớ sao? Vì rằng tâm bị khuấy đục, này các Tỷ-kheo.”

“Ví như, này các Tỷ-kheo, một hồ nước trong sáng, sáng suốt, không bị khuấy đục. Tại đấy có người có mắt, đứng trên bờ, có thể thấy các con ốc, các con sò, các hòn sạn, các hòn sỏi, các đàn cá qua lại, đứng yên. Vì cớ sao? Vì nước không bị khuấy đục, này các Tỷ-kheo. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo với tâm không bị khuấy đục biết được lợi ích của mình, hay biết được lợi ích của người, hay biết được lợi ích cả hai, hay sẽ chứng ngộ các pháp thượng nhân, tri kiến thù thắng xứng đáng các bậc Thánh; sự kiện như vậy có xảy ra. Ví sao? Vì rằng tâm không bị khuấy đục, này các Tỷ-kheo.“

BÁT NƯỚC TRONG SÁNG

“Ví như, này Bà-la-môn, một bát nước trộn lẫn với thuốc nhuộm gôm lắc, hay màu đỏ tía, hay màu xanh, hay màu vàng, và ở đây một người có mắt muốn ngắm bóng mặt của mình, không có thể như thật biết được, thấy được.”

“Cũng vậy, này Bà -la-môn, trong khi trú với tâm bị dục tham xâm chiếm, bị dục tham chi phối, không như thật rõ biết sự xuất ly khỏi dục tham đã khởi lên; trong khi ấy, người ấy không như thật biết và thấy lợi ích của mình; trong khi ấy, không như thật biết và thấy lợi ích của người; trong khi ấy, không như thật biết và thấy lợi ích cả hai. Cho nên, các chú thuật được học thuộc lòng lâu ngày lại không nhớ đến được, còn nói gì các chú thuật không được học thuộc lòng.”

“Lại nữa, này Bà-la-môn, khi trú với tâm bị sân xâm chiếm, bị sân chi phối, không như thật biết sự xuất ly khỏi sân đã khởi lên; trong khi ấy, không được học thuộc lòng.”

“Ví như, này Bà-la-môn, một bát nước được lửa đun sôi, sôi lên sùng sục, sôi lên cuồn cuộn. Ở đây, một người có mắt muốn ngắm mặt của mình, không thể như thật biết và thấy được. Cũng vậy, này Bà-la-môn, trong khi trú với tâm bị sân xâm chiếm… Cho nên, các chú thuật được học thuộc lòng không thể nhớ đến được, còn nói gì các chú thuật không được học thuộc lòng.”

“Lại nữa, này Bà-la-môn, khi trú với tâm bị hôn trầm thụy miên xâm chiếm, bị hôn trầm thụy miên chi phối, không như thật biết sự xuất ly ra khỏi hôn trầm thụy miên đã khởi lên; ……… không được học thuộc lòng.”

“Ví như, này Bà-la -môn, một bát nước bị rong rêu che phủ. Ở đây, một người có mắt muốn ngắm khuôn mặt của mình, không thể như thật biết và thấy được. Cũng vậy, này Bà-la -môn, trong khi trú với tâm bị hôn trầm thụy miên xâm chiếm… còn nói gì các chú thuật không được học thuộc lòng.”

“Lại nữa, này Bà-la-môn, khi trú với tâm bị trạo hối xâm chiếm, bị trạo hối chi phối, không như thật biết sự xuất ly khỏi trạo hối đã khởi lên chú thuật không được học thuộc lòng.”

“Ví như, này Bà-la -môn, một bát nước bị gió thổi, dao động, chấn động, nổi sóng. Ở đây, một người có mắt muốn ngắm khuôn mặt của mình, không thể như thật biết và thấy được. Cũng vậy, này Bà-la-môn, khi trú với tâm bị trạo hối xâm chiếm… còn nói gì các chú thuật không được học thuộc lòng.”

“Lại nữa, này Bà-la-môn, trong khi trú với tâm bị nghi hoặc xâm chiếm, bị nghi hoặc chi phối, và không như thật biết sự xuất ly khỏi nghi hoặc đã khởi lên; … không được học thuộc lòng.”

“Ví như, này Bà-la-môn, một bát nước bị khuấy động, khuấy đục, khuấy bùn, đặt trong bóng tối. Ở đây, một người có mắt muốn ngắm khuôn mặt của mình, không thể như thật biết và thấy được. Cũng vậy, này Bà-la-môn, khi trú với tâm bị nghi hoặc xâm chiếm, bị nghi hoặc chi phối… còn nói gì các chú thuật không được học thuộc lòng.”

“Ðây là nhân, đây là duyên, này Bà-la-môn, có khi các chú thuật được học thuộc lòng lâu ngày lại không thể nhớ đến được, còn nói gì các chú thuật không được học thuộc lòng.”

“Này Bà-la-môn, khi trú với tâm không bị dục tham xâm chiếm, không bị dục tham chi phối, lại như thật rõ biết sự xuất ly của dục tham đã khởi lên; trong khi ấy, người ấy như thật biết và thấy lợi ích của mình; trong khi ấy, như thật biết và thấy lợi ích của người; trong khi ấy, như thật biết và thấy lợi ích cả hai. Cho nên, các chú thuật không được học thuộc lòng lâu ngày được nhớ đến, còn nói gì các chú thuật đã được học thuộc lòng.”

“Ví như, này Bà-la-môn, một bát nước không trộn lẫn với thuốc gôm lắc, hay màu đỏ tía, hay màu xanh, hay màu vàng. Ở đây, một người có mắt muốn ngắm bóng mặt của mình, có thể như thật biết và thấy được. Cũng vậy, này Bà-la -môn, khi trú với tâm không bị dục tham xâm chiếm… còn nói gì các chú thuật đã được học thuộc lòng.’”

“Lại nữa, này Bà-la-môn, khi trú với tâm không bị sân xâm chiếm… còn nói gì các chú thuật đã được học thuộc lòng.”

“Ví như, này Bà-la-môn, một bát nước không được lửa đun sôi, không sôi lên sùng sục, không sôi lên cuồn cuộn. Ở đây, một người có mắt muốn ngắm bóng mặt của mình, có thể như thật biết và thấy được. Cũng vậy, này Bà-la-môn, khi trú với tâm không bị sân xâm chiếm, không bị sân chi phối… còn nói gì các chú thuật đã được học thuộc lòng.

“Lại nữa, này Bà-la-môn, khi trú với tâm không bị hôn trầm thụy miên xâm chiếm, không bị hôn trầm thụy miên chi phối… còn nó gì các chú thuật đã được học thuộc lòng.”

“Ví như, này Bà-la-môn, một bát nước không bị rong rêu che phủ. Ở đây, một người có mắt muốn ngắm bóng mặt của mình, có thể như thật biết và thấy được. Cũng vậy, này Bà-la-môn, trong khi trú với tâm không bị hôn trầm thụy miên xâm chiếm, không bị hôn trầm thụy miên chi phối… còn nói gì các chú thuật đã được học thuộc lòng.”

“Lại nữa, này Bà-la-môn, khi trú với tâm không bị trạo hối xâm chiếm, không bị trạo hối chi phối… còn nói gì các chú thuật đã được học thuộc lòng.”

“Ví như, này Bà-la-môn, một bát nước không bị gió thổi, không bị dao động, không bị chấn động, không bị nổi sóng. Ở đây, một người có mắt muốn ngắm bóng mặt của mình, có thể như thật biết và thấy được. Cũng vậy, này Bà-la-môn, trong khi trú với tâm không bị trạo hối xâm chiếm, không bị trạo hối chi phối… còn nói gì các chú thuật đã được học thuộc lòng.”

“Lại nữa, này Bà-la-môn, trong khi trú với tâm không bị nghi hoặc xâm chiếm, không bị nghi hoặc chi phối… còn nói gì các chú thuật đã được học thuộc lòng.”

“Ví như, này Bà-la-môn, một bát nước trừng tịnh, trong sáng, không bị khuấy động, đặt giữa ánh sáng. Ở đây, một người có mắt muốn ngắm bóng mặt của mình, có thể như thật biết và thấy được. Cũng vậy, này Bà-la-môn, trong khi trú với tâm không bị nghi hoặc xâm chiếm, không bị nghi hoặc chi phối và như thật biết sự xuất ly khỏi nghi hoặc đã khởi lên; …..chú thuật đã được học thuộc lòng.“

TẤM GƯƠNG THANH TỊNH

“Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo, không thiện xảo trong hành tướng tâm người khác, thời cần phải nguyện rằng: “Ta sẽ thiện xảo trong hành tướng tâm của ta.” Như vậy, các Tỷ-kheo các Thầy cần phải học tập. Và này các Tỳ kheo, như thế nào, Tỷ-kheo thiện xảo trong hành tướng tâm của mình?”

“Ví như, này các Tỷ-kheo, một người đàn bà hay một người đàn ông, còn trẻ, trong tuổi thanh niên, tánh ưa trang điểm, quán sát hình ảnh mặt mình trong tấm gương thanh tịnh trong sáng, hay trong một bát nước trong. Nếu thấy trên mặt có hột bụi hay dấu nhớp gì, người ấy cố gắng đoạn trừ hột bụi hay dấu nhớp ấy. Nếu không thấy hột bụi hay dấu nhớp, người ấy hoan hỷ, thỏa mãn: “Thật lợi đắc cho ta! Ta thật là trong sạch! “

“Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo quán sát như vậy, được nhiều lợi ích trong các thiện pháp. “Có phải ta sống nhiều với tham? Có phải ta sống nhiều với không tham? Có phải ta sống hiều với tâm có sân? Có phải ta sống nhiều vớt tâm không có sân? Có phải ta sống nhiều với hôn trầm thụy miên chi phối, hay ta sống nhiều với hôn trầm thụy miên được từ bỏ? Có phải ta sống nhiều với trạo cử, hay ta sống nhiều với không trạo cử? Có phải ta sống nhiều với nghi ngờ, hay ta sống nhiều vượt qua được nghi ngờ? Có phải ta sống nhiều với phẫn nộ, hay ta sống nhiều không bị phẫn nộ? Có phải ta sống nhiều với tâm bị ô nhiễm, hay ta sống nhiều với tâm không bị ô nhiễm? Có phải ta sống nhiều với thân nhiệt nóng, hay ta sống nhiều với thân không nhiệt nóng? Có phải ta sống nhiều với biếng nhác, hay ta sống nhiều với tinh tấn, tinh cần? Có phải ta sống nhiều với không định tĩnh, hay ta sống nhiều với định tĩnh?”

“Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo quán sát như vậy, biết rằng: “Ta sống nhiều với tâm tham; ta sống nhiều với tâm sân; ta sống nhiều với tâm bị hôn trầm thụy miên chi phối; ta sống nhiều với trạo cử; ta sống nhiều với nghi ngờ; ta sống nhiều với phẫn nộ; ta sống nhiều với tâm bị nhiễm ô; ta sống nhiều với thân nhiệt nóng; ta sống nhiều với biếng nhác; ta sống nhiều với không định tĩnh”, thời Tỷ-kheo ấy cần phải quyết định, ước muốn, tinh tấn, nỗ lực, dõng mãnh, bất thối, chánh niệm, tỉnh giác để đoạn tận các pháp ác bất thiện ấy. Ví như, này các Tỷ-kheo, khi khăn bị cháy, hay khi đầu bị cháy, cần phải quyết định, ước muốn, tinh tấn, nỗ lực, dõng mãnh, bất thối, chánh niệm, tỉnh giác để dập tắt khăn hay đầu bị cháy ấy. Cũng vậy này Tỷ kheo, Tỷ kheo ấy cần phải quyết định, ước muốn, tinh tấn, nỗ lực, dõng mãnh, bất thối, chánh niệm, tỉnh giác để đoạn tận các pháp bất thiện ấy.”

“Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo quán sát như vậy biết rằng: “Ta sống nhiều với tâm không tham, ta sống nhiều với tâm không sân, ta sống nhiếu với tâm không hôn trầm thụy miên; ta sống nhiều với tâm không trạo cử; ta sống nhiều với tâm nghi ngờ được vượt qua; ta sống nhiều với tâm không phẫn nộ; ta sống nhiều với tâm không nhiễm ô; ta sống nhiều với thân không nhiệt nóng; ta sống nhiều với tâm tinh tấn, tinh cần; ta sống nhiều với tâm định tĩnh”, thời Tỷ-kheo ấy, sau khi an trú trong các thiện pháp ấy, rồi hơn nữa cần chú tâm đoạn diệt các lậu hoặc.”

TẤM VẢI SẠCH

“Này các Tỷ-kheo, như một tấm vải cấu uế, nhiễm bụi, một người thợ nhuộm nhúng tấm vải ấy vào thuốc nhuộm này hay thuốc nhuộm khác – hoặc xanh, hoặc vàng, hoặc đỏ, hoặc tía – vải ấy sẽ được màu nhuộm không tốt đẹp, sẽ được màu nhuộm không sạch sẽ. Vì sao vậy? Này các Tỷ-kheo, vì tấm vải không được trong sạch. Cũng vậy, này các

Tỷ-kheo, cõi ác chờ đợi một tâm cấu uế.”

“Này các Tỷ-kheo, như một tấm vải thanh tịnh, trong sạch, một người thợ nhuộm nhúng tấm vải ấy vào thuốc nhuộm này hay thuốc nhuộm khác – hoặc xanh, hoặc vàng, hoặc đỏ, hoặc tía, vải ấy sẽ được màu nhuộm tốt đẹp, sẽ được màu nhuộm sạch sẽ. Vì sao vậy? Này các Tỷ-kheo, vì tấm vải được trong sạch. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, cõi thiện chờ đợi một tâm không cấu uế.

LÕI CÂY

“Này Bà-la-môn, ví như một người muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người bỏ qua lõi cây, bỏ qua giác cây, bỏ qua vỏ trong, bỏ qua vỏ ngoài, chặt cành lá, lấy chúng mang đi và tưởng rằng đó là lõi cây. Một người có mắt thấy vậy bèn nói: “Thật sự người này không biết lõi cây, không biết giác cây, không biết vỏ trong, không biết vỏ ngoài, không biết cành lá. Người này muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn, đứng thẳng có lõi cây, người này bỏ qua lõi cây, bỏ qua giác cây, bỏ qua vỏ trong, bỏ qua vỏ ngoài, chặt cành lá lấy chúng mang đi, tưởng rằng đó là lõi cây. Và người này không đạt mục đích mà lõi cây có thể thành tựu.”

“Này Bà-la-môn, ví như một người muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người ấy bỏ qua lõi cây, bỏ qua giác cây, bỏ qua vỏ trong, chặt vỏ ngoài, lấy chúng mang đi, tưởng rằng đó là lõi cây. Một người có mắt thấy vậy bèn nói: “Thật sự người này không biết lõi cây, không biết giác cây, không biết vỏ trong, không biết vỏ ngoài, không biết cành lá. Người này muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người này bỏ qua lõi cây, bỏ qua giác cây, bỏ qua vỏ trong, chặt vỏ ngoài, lấy chúng mang đi, tưởng rằng đó là lõi cây. Và người này không đạt mục đích mà lõi cây có thể thành tựu.”

“Này Bà-la-môn, ví như một người muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn đứng thẳng, có lõi cây, người ấy bỏ qua lõi cây, bỏ qua giác cây, chặt vỏ trong, lấy chúng mang đi, tưởng rằng đó là lõi cây. Một người có mắt thấy vậy bèn nói: “Thật sự người này không biết lõi cây, không biết giác cây, không biết vỏ trong, không biết vỏ ngoài, không biết cành lá. Người này muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người này bỏ qua lõi cây, bỏ qua giác cây, chặt vỏ trong mang đi, tưởng rằng đó là lõi cây. Và người này không đạt được mục đích mà lõi cây có thể thành tựu.”

“Này Bà-la-môn, ví như một người muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người ấy bỏ qua lõi cây, chặt giác cây mang đi, tưởng rằng đó là lõi cây. Một người có mắt thấy vậy bèn nói: “Thật sự người này không biết lõi cây, không biết giác cây, không biết vỏ trong, không biết vỏ ngoài, không biết cành lá. Người này muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người này bỏ qua lõi cây, chặt giác cây mang đi, tưởng rằng đó là lõi cây. Và người này không đạt được mục đích mà lõi cây có thể thành tựu.”

“Này Bà-la-môn, ví như một người muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn đứng thẳng, có lõi cây, người ấy chặt lõi cây, mang đi và biết rằng đó là lõi cây. Một người có mắt thấy vậy, có thể nói: “Người này biết lõi cây, biết giác cây, biết vỏ trong, biết vỏ ngoài, biết cành lá. Người này muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người ấy chặt lõi cây, mang đi và biết rằng đó là lõi cây. Và người này đạt được mục đích mà lõi cây có thể thành tựu.”

“Này Bà-la-môn, ví như một người muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người ấy chặt lõi cây, lấy và mang đi và tự biết đó là lõi cây. Và người ấy đạt được mục đích mà lõi cây có thể thành tựu. Này Bà-la-môn, Ta nói rằng người này giống như ví dụ ấy.”

“Như vậy, này Bà-la-môn, phạm hạnh này không phải vì lợi ích, lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng, không phải vì lợi ích thành tựu giới đức, không phải vì lợi ích thành tựu Thiền định, không phải vì lợi ích tri kiến. Và này Bà-la-môn, tâm giải thoát bất động chính là mục đích của phạm hạnh này, là lõi cây của phạm hạnh, là mục tiêu cuối cùng của phạm hạnh.”

MẶT TRĂNG MẶT TRỜI

“Này các Tỷ-kheo, có bốn uế nhiễm này của mặt trăng, mặt trời. Do những uế nhiễm này làm ô nhiễm mặt trăng, mặt trời không có cháy sáng, không có chói sáng, không có rực sáng. Thế nào là bốn?”

“Mây, này các Tỷ-kheo, là uế nhiễm của mặt trăng, mặt trời, do uế nhiễm này làm ô nhiễm mặt trăng, mặt trời không có cháy sáng… không có rực sáng. Mù, này các Tỷ-kheo là uế nhiễm của mặt trăng, mặt trời…khói và bụi, này các Tỷ-kheo là uế nhiễm của mặt trăng, mặt trời… Ràhu, vua các loài A-tu-la, này các Tỷ-kheo, là uế nhiễm của mặt trăng, mặt trời; do uế nhiễm này làm ô nhiễm, mặt trăng, mặt trời không có cháy sáng, không có chói sáng, không có rực sáng.”

“Này các Tỷ-kheo, có bốn uế nhiễm này của mặt trăng, mặt trời, do những uế nhiễm này làm ô nhiễm, mặt trăng, mặt trời không có cháy sáng, không có chói sáng, không có rực sáng.”

“Cũng vậy, này các Tỷ- kheo, có bốn uế nhiễm này của các Sa-môn, Bà -la-môn, do uế nhiễm này làm ô nhiễm, các Sa-môn, Bà-la-môn không có cháy sáng, không có chói sáng, không có rực sáng. Thế nào là bốn?”

“Này các Tỷ-kheo, một số Sa-môn, Bà-la-môn uống rượu men, uống rượu nấu, không có từ bỏ rượu men, rượu nấu. Này các Tỷ-kheo, đây là uế nhiễm thứ nhất của Sa-môn, Bà-la-môn, do uế nhiễm này làm ô nhiễm, các Sa-môn, Bà-la-môn, không có cháy sáng… không có rực sáng.”

“Này các Tỷ-kheo, một số Sa-môn, Bà-la-môn, hưởng thọ dâm dục, không từ bỏ dâm dục. Này các Tỷ-kheo, đây là uế nhiễm thứ hai… không có rực sáng.”

“Này các Tỷ-kheo, một số Sa-môn, Bà-la-môn chấp nhận vàng và bạc, không từ bỏ nhận lấy vàng và bạc. Này các Tỷ-kheo, đây là uế nhiễm thứ ba… không có rực sáng.”

“Này các Tỷ-kheo, một số Sa-môn, Bà-la-môn sinh sống với tà mạng, không từ bỏ tà mạng. Này các Tỷ-kheo, đây là uế nhiễm thứ tư của các Sa-môn, Bà-la-môn, do uế nhiễm này làm ô nhiễm, các Sa-môn, Bà-la-môn không có cháy sáng, không có chói sáng, không có rực sáng.”

“Này các Tỷ-kheo, có bốn uế nhiễm này của các Sa-môn, Bà-la-môn, do những uế nhiễm này làm ô nhiễm, nên các Sa-môn, Bà-la-môn không có cháy sáng, không có chói sáng, không có rực sáng.

TRĂNG THOÁT KHỎI MÂY

“Ai sống trước buông lung, Sau sống không phóng dật,

Chói sáng rực đời này, Như trăng thoát mây che.” “Ai dùng các hạnh lành, Làm xóa mờ nghiệp ác, Chói sáng rực đời này, Như trăng thoát mây che.”

Cuốn Chói Sáng Cội Nguồn Tâm được Minh Tuệ Đỗ Minh sưu tầm và biên soạn, song ngữ Anh Việt. Nguồn Vietheravada

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app