Nội Dung Chính
Chỉ & Quán
Samatha & Vipassana
Chỉ – Samatha và Quán – Vipassana là hai phương pháp thực hành thiền duy nhất do Đức Phật truyền dạy, theo truyền thống Phật giáo Nguyên thủy Theravada.
Trong bản dịch Tạng Kinh Nikaya của HT Thích Minh Châu danh từ “Chỉ ” được dùng để dịch “Samatha”, còn danh từ “Quán” được dùng để dịch “Vipassana”. Các dịch giả khác để dịch “Samatha” đã dùng các danh từ khác nhau như “Thiền Định”, “Thiền Vắng lặng”, “Thiền tịch tĩnh”… Còn để dịch “Vipassana”, các dịch giả khác còn dùng các danh từ như “Thiền Minh sat “, “Thiền tuệ”, “Thiền Tứ niệm xứ”…
Thiền Chỉ – Samatha được tu tập viên mãn dẫn đến tâm giải thoát, thực chứng Hiện tại lạc trú là tứ thiền sắc giới, và thực chứng Tịch tĩnh trú là tứ thiền vô sắc giới. Cao tột của Chỉ là Diệt thọ tưởng định.
Ngoài ra với sự thành tựu viên mãn của Chỉ cùng Tứ như ý túc, có thể đạt được năm trong số sáu thần thông, gồm Thiên nhãn thông, Thiên nhĩ thông, Tha tâm thông, Túc mạng thông, Thần túc thông. Thần thông thứ sáu là Lậu tận thông – chỉ có thể đạt được bởi minh sát tuệ do thực hành thiền Quán Vipassana dẫn đến Đạo (Magga) và Quả (Phala), đoạn diệt vô minh, thực chứng tuệ giải thoát.
Lậu tận thông là đoạn diệt hoàn toàn và vĩnh viễn tham, sân, si, đoạn diệt hoàn toàn và vĩnh viễn mọi khổ đau phiền não, siêu xuất tam giới, chấm dứt sinh tử luân hồi, bình an mãi mãi. Do vậy thiền Quán Vipassana được Đức Phật đảm bảo rằng đây là con đường duy nhất thanh lọc tâm chúng sinh, vượt qua sầu, não, diệt trừ khổ, ưu, đạt được chánh trí, chứng ngộ Niết bàn.
Thiền Chỉ cùng năm loại thần thông nêu trên cũng có ở thiền ngoài Phật giáo. Thiền Quán Vipassana cùng lậu tận thông của bậc Thánh Alahant chỉ có trong phật giáo, không có ở ngoại đạo.
Cả hai loại thiền Chỉ và Quán này cần được nỗ lực thực hành trên nền tảng Giới hạnh vững chắc, dưới sự hướng dẫn đúng đắn và đầy đủ trong môi trường thích hợp thì mới có thể thành tựu viên mãn.
Đã có nhiều tài liệu khảo sát, nghiên cứu, so sánh hai loại thiền này, cần tìm hiểu, học hỏi để có thể thực hành đúng đắn dưới sự hướng dẫn của bậc thầy có thẩm quyền (đã chứng đắc các pháp thượng nhân), tránh có những quan kiến, nhận xét, kết luận hồ đồ, sai lạc dẫn đến các hậu quả tai hại khôn lường ngay trong hiện tại và trong các kiếp sống tương lai cho những ai muốn theo đuổi con đường giác ngộ giải thoát hoàn toàn mọi khổ đau phiền não một cách hoàn toàn và vĩnh viễn do Đức Phật đã truyền dạy.
Trong tâm từ.
Tỳ Khưu Viên Phúc.
Thế Nào Là Tâm Giải Thoát? Thế Nào Là Tuệ Giải Thoát?
“Có hai pháp này, này các Tỷ-kheo, thuộc thành phần minh.
Thế nào là hai? Chỉ và Quán.
- Chỉ được tu tập, này các Tỷ-kheo, chờ đợi lợi ích gì? Tâm được tu tập. Tâm được tu tập, chờ đợi lợi ích gì? Cái gì thuộc về tham được đoạn tận.
- Quán được tu tập, này các Tỷ-kheo, chờ đợi lợi ích gì? Tuệ được tu tập. Tuệ được tu tập, chờ đợi lợi ích gì? Cái gì thuộc vô minh được đoạn tận.
Bị tham làm uế nhiễm, này các Tỷ-kheo, tâm không thể giải thoát.
Hay bị vô minh làm uế nhiễm, tuệ không được tu tập.
Do vậy, do ly tham, là tâm giải thoát.
Do đoạn vô minh, là tuệ giải thoát.”
Nguồn trích dẫn: Tăng Chi Bộ – Anguttara Nikaya, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt. Chương II – Hai Pháp, III. Phẩm Người Ngu
Ghi chú – TK Viên Phúc
⑴ Vô minh: “Này các tỳ-kheo, chính là không rõ biết Khổ, không rõ biết khổ tập, không rõ biết khổ diệt, không rõ biết con đường đưa đến khổ diệt. Này các tỳ-kheo, đấy gọi là vô minh.” (Kinh Tương Ưng Bộ V – Vô Minh).
⑵ Chỉ: Thiền Định Samatha (còn được gọi là Thiền Tịch tĩnh, Thiền Vắng lặng).
⑶ Quán: Thiền Minh Sát Vipassana (còn được gọi là Thiền Tứ niệm xứ, Thiền Tuệ).