Cac hanh la vo thuong
Các Hành Là Vô Thường 3

“Các hành là vô thường, hãy tinh tấn lên để tự giải thoát!”

“Các hành là vô thường, hãy tinh tấn lên để tự giải thoát!”Này các Tỷ-kheo, nay những pháp do Ta chứng ngộ và giảng dạy cho các Ngươi, các Ngươi phải

– khéo học hỏi,
– thực chứng tu tập và
– truyền rộng
để
– phạm hạnh được trường tồn, vĩnh cửu,
– vì hạnh phúc cho chúng sanh,
– vì an lạc cho chúng sanh,
– vì lòng thương tưởng cho đời,
– vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho loài Trời và loài Người.

Này các Tỷ-kheo, thế nào là các pháp do Ta chứng ngộ và giảng dạy, các Ngươi phải khéo học hỏi, thực chứng, tu tập và truyền rộng để cho phạm hạnh được trường tồn, vĩnh cửu, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì an lạc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho loài Trời và loài Người?


Chính là Bốn Niệm xứ,
Bốn Chánh cần,
Bốn Thần túc,
Năm Căn,
Năm Lực,
Bảy Bồ-đề phần,
Tám Thánh đạo phần.

Này các Tỷ-kheo, chính những pháp này do Ta chứng ngộ và giảng dạy, mà các Ngươi phải khéo học hỏi, thực chứng, tu tập và truyền rộng để phạm hạnh được trường tồn, vĩnh cửu, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho loài Trời và loài Người.

51. Rồi Thế Tôn nói với các Tỷ-kheo:
Này các Tỷ-kheo, đây là lời Ta nhắn nhủ các Ngươi. Các hành là vô thường. Hãy tinh tấn lên để tự giải thoát, không lâu Như Lai sẽ diệt độ. Sau ba tháng bắt đầu từ hôm nay, Như Lai sẽ diệt độ.

Ghi chú

37 PHẨM TRỢ ĐẠO(Bodhipakkhiya Sangaho)

TỨ NIỆM XỨ(Cattàro satipatthàna) 4

1. Niệm Thân
2. Niệm Thọ
3. Niệm Tâm
4. Niệm Pháp

TỨ CHÁNH CẦN(Cattàro sammappadhànà) 4

1. Tinh Tấn lánh xa ác pháp đã phát sanh
2. Tinh Tấn ngăn ngừa ác pháp chưa sanh
3. Tinh Tấn phát triển thiện pháp chưa sanh
4. Tinh Tấn tăng trưởng thiện pháp đã sanh

TỨ THẦN TÚC(Cattàro iddhipàdà) 4

1. Dục Như ý Túc
2. Tấn Như ý Túc
3. Tư Duy Như ý Túc
4. Trạch Quán Như ý Túc

NGŨ CĂN(Pancindriyàni) 5

1. Tín Căn
2. Tấn Căn
3. Niệm Căn
4. Ðịnh Căn
5. Tuệ Căn

NGŨ LỰC(Pancabalàni) 5

1. Tín Lực
2. Tấn Lực
3. Niệm Lực
4. Ðịnh Lực
5. Tuệ Lực

THẤT GIÁC CHI(Sattabojjhangà) 7

1. Niệm Giác Chi
2. Trạch Pháp Giác Chi
3. Tinh Tấn Giác Chi
4. Phỉ Giác Chi
5. Khinh An Giác Chi
6. Ðịnh Giác Chi
7. Xả Giác Chi

BÁT CHÁNH ĐẠO(Atthamaggangàni) 8

1. Chánh Kiến
2. Chánh Tư Duy
3. Chánh Ngữ
4. Chánh Nghiệp
5. Chánh Mạng
6. Chánh Tinh Tấn
7. Chánh Niệm
8. Chánh Ðịnh

Tổng cộng: 37
Nguồn trích dẫn: Trường Bộ Kinh – Digha Nikaya, 16. Kinh Ðại Bát-Niết-Bàn, (Mahàparinibbàna sutta)

Xem thêm: 37 PHẨM TRỢ ĐẠO, Một Toát Yếu Về Những Yếu Tố Cần Thiết Cho Sự Giác Ngộ – Ngài Hoà Thượng LEDI SAYADAW

DI SẢN CỦA GIÁO PHÁP [1]

Ba mươi bảy Yếu Tố Cần Thiết cho sự Giác Ngộ (bodhipakkhiya-dhamma, Phẩm Trợ Ðạo) nầy, được đề cập đến trong những chương trước, là di sản của Ðức Phật. Ðó là di sản của Giáo Pháp. Ðó là Pháp Bảo vô giá và quý báu không thể lường.
 
Giờ đây để Sư [Ledi Sayadaw] nghiên cứu xem Di Sản của Giáo Huấn (sàsana-dàyajja) ấy là gì.
 
“Di Sản” là tài sản sự nghiệp mà cha mẹ truyền giao lại cho những con cái xứng đáng thọ lãnh phần gia tài (dàyàda).
Danh từ nầy cũng áp dụng cho Di Sản của Giáo Huấn (sàsana-dàyada), vốn là phần tài sản mà Ðức Phật trao truyền (Buddha-dàyajja).
 
Về bản chất, Di Sản có hai loại: di sản của thế gian (àmisa) và di sản của Giáo Pháp.
 
Phần di sản của thế gian bao gồm bốn vật dụng cần thiết cho một vị tỳ khưu là: vật thực thọ lãnh khi đi trì bình, y phục, chỗ ở và thuốc men.
Di sản của Giáo Pháp là: ba Pháp Tu Học (sikkhà: sìla, samàdhi, pannà – Giới, Ðịnh, Tuệ), bảy Giai Ðoạn Thanh Lọc (Thanh Tịnh Ðạo), và ba mươi bảy Phẩm Trợ Ðạo. Di Sản của Giáo Pháp có hai loại: loại Giáo Pháp tại thế (lokiya) và loại Giáo Pháp siêu thế (lokuttara).
 
Giáo Pháp tại thế bao gồm ba pháp Tu Học trên ở tầng lớp tại thế, sáu Thanh Tịnh tại thế và các Phẩm Trợ Ðạo, khi còn liên hợp với những Thanh Tịnh tại thế.
Di Sản Giáo Pháp siêu thế bao gồm ba pháp Tu Học ở mức độ siêu thế, giai đoạn Thanh Tịnh thứ bảy, và những Phẩm Trợ Ðạo siêu thế.
 
Di Sản Giáo Pháp tại thế có thể phân làm hai loại:
1. Loại di sản tùy thuộc nơi những Vòng luân hồi Kiếp Sống (vatta-nissita), và
2. Loại di sản có khuynh hướng chấm dứt những Vòng luân hồi Kiếp Sống (vivatta-nissita);

hoặc có thể phân làm hai loại:
1.Di sản Giáo Pháp ổn định (niyata),
2.Di sản Giáo Pháp bất ổn định (aniyata).

Nếu công trình thực hành ba Pháp Tu Học (Giới v.v…) có khuynh hướng nhắm đến những địa vị cao sang trong thế gian, như làm Thầy của nhà vua hay làm quân sư của một nước, hoặc nhắm đến danh vọng, quyền thế, đến tài sản sự nghiệp, đến kiếp sống làm người trong một gia tộc quý phái, hoặc tái sanh vào cảnh trời — đó là “Di Sản Giáo Pháp tùy thuộc nơi những Vòng luân hồi Kiếp Sống (vatta-nissita)”.

Vòng luân hồi Kiếp Sống có ba hình thức: Vòng Quanh Ô Nhiễm (kilesa-vatta), Vòng Quanh của Nghiệp (kamma-vatta), và Vòng Quanh của Quả (vipàka-vatta).
Vivatta là chấm dứt ba Vòng luân hồi Kiếp Sống ấy, tức Niết Bàn.
 
Pháp hành Giới, Ðịnh, Tuệ có khuynh hướng chấm dứt các Vòng luân hồi Kiếp Sống ấy được gọi là “Di Sản Giáo Pháp có chiều hướng chấm dứt Vòng luân hồi Kiếp Sống” (vivatta-nissita-dhammadàyajja).
 
Về lối phân loại “ổn định” (niyata) và “bất ổn định” (aniyata), phạm vi rộng lớn của “những khuynh hướng tâm tánh ngủ ngầm trong luồng nghiệp” (anusaya) vốn thiên về Thân Kiến (sakkàya-ditthi-anusaya) mà người thế gian (puthujjana) dính mắc trong đó cũng giống như biển lửa bao la và sâu thẩm.
 
Giới, Ðịnh, Tuệ mà người thế gian thực hành có thể ví như vài giọt mưa rơi xuống đại dương lửa đỏ ấy.
 
Những lời nói thường được nghe như “Tôi trong sạch giữ giới (sìla), Tôi có giới, Tôi thực hành thiền Ðịnh (samàdhi), Tôi hiểu biết, Tôi sáng suốt, Tôi có trí tuệ, Tôi đã thấy Danh và Sắc” là những tuyên ngôn về Giới, Ðịnh, Tuệ còn xoay vần quanh quẩn “Thân Kiến”, còn dính liền với cái “Ta”, và như thế tựa hồ như những giọt mưa rơi xuống đại dương lửa đỏ rộng lớn bao la.
 
Cũng như nhiệt độ của biển lửa sẽ nhanh chóng làm biến tan những giọt mưa, cùng thế ấy, lãnh vực rộng lớn của vương quốc Thân Kiến sẽ thu hút công trình Giới, Ðịnh, Tuệ của người thế gian (puthujjana) và nhanh chóng làm biến tan, bởi vì nó là “bất ổn định” (aniyata). Mặc dầu người thế gian có thể “có” Giới, Ðịnh, Tuệ nhưng những cái “có” ấy vẫn tạm bợ nhất thời, bất ổn định (tadanga).

Trong trường hợp của những vị Thánh Nhập Lưu (sotàpanna), Giới tại thế của các Ngài, tức “Tám Giới chấm dứt với Chánh Mạng”. (lokiya-ajìvatthamaka-sìla) [2]
Ðịnh tại thế của các Ngài vững chắc hướng về các Hồng Ân của Tam Bảo; và Tuệ tại thế của các Ngài, tức tuệ giác nhận thức Tứ Diệu Ðế — tất cả đều ở tầm mức ổn định (niyata).
Nó giống như những giọt mưa rơi xuống ao hồ mênh mông và không bao giờ tan biến dầu phải trải qua nhiều kiếp sống. Ðiều nầy cho thấy bản chất bất ổn định của di sản Giáo Pháp tại thế (lokiya dhamma heritage).
 
Trạng thái Giới, Ðịnh, Tuệ siêu thế; giai đoạn Thanh Tịnh (visuddhi-magga) thứ bảy; và 37 Phẩm Trợ Ðạo (bodhipakkhiya dhamma) liên hợp với tám loại tâm siêu thế, là vivattasita-nissita (không chấm dứt) và ổn định.
 
Trong trường hợp các bậc Thánh Nhân, Giới, Ðịnh, Tuệ tại thế của các Ngài cũng tiến đạt đến mức siêu thế, trở nên “ổn định” khi các Ngài trở thành Thánh Nhân.
Bên trong các Ngài không còn có thể còn trạng thái dussìla (phạm giới), asamàhita (tâm không an trụ, tức loạn động), dupannà (không sáng suốt) hay andhabàla (si mê)… Những người thiếu Ðức Tin (saddhà) và không có lòng nhiệt thành (chanda) không bao giờ có ý nghĩ hay quan niệm rằng mình có thể đạt thành những tầm mức Thanh Tịnh cao thượng hơn trong chính kiếp sống hiện tại.
 
Vì thiếu hạnh Tinh Tấn (viriya) họ không cố gắng tiết chế, không sẵn lòng chịu thiếu thốn trong sự thỏa mãn dục vọng. Họ gạt bỏ cố gắng, xem như không thể làm. Vì ý chí suy kém, tâm họ không thể an trụ vào những loại công trình tu tập tương tợ. Mỗi khi nghe đến những lý thuyết hay những tư tưởng khác nhau thì họ nhanh chóng thay đổi ý nghĩ. Vì thiếu hiểu biết và kém trí tuệ, họ gạt bỏ những công trình tu tập, xem như đã vượt ra ngoài khả năng của họ.
 
Vì lẽ ấy Ðức Phật khuyến khích tất cả mọi chúng sanh nên tăng cường những Như ý Túc (Idhipàda, tức nền tảng của sự thành công) còn yếu kém của mình như lòng nhiệt thành (Dục Như ý Túc, chanda) v.v… Chỉ còn những Tư Duy và những Dục Như ý Túc mới mẻ phát sanh. Chỉ những vị có một yếu tố nào trong Tứ Như ý Túc (Iddhipàda) làm nền tảng mới có thể hưởng thọ đầy đủ di sản của Ðức Phật.
 
Những người khác, không có Như ý Túc nào, chỉ được cơ hội thọ hưởng vài lợi ích nông cạn mà không hưởng phần nòng cốt tinh hoa của di sản. Vài người cũng không được cơ hội thọ hưởng phần lợi ích nông cạn vì đã hoang phí phần di sản của họ và như thế họ tự tách rời ra khỏi xa di sản của Ðức Phật và của Phật Giáo.
 
Di sản của Giáo Huấn có thể được phân làm hai loại:
1. những di sản ổn định hay bền vững thường còn (niyata), và
2. những di sản bất ổn định hay không bền vững thường còn (aniyata).

Những người không bao giờ hiểu biết đặc tướng vô thường và vô ngã bên trong mình được xem là những thừa kế “bất ổn định”.
Những người ấy có thể là đệ tử hay thừa kế của Ðức Phật ngày hôm nay và ngày mai có thể là đệ tử và thừa kế của một vị đạo sư khác.
Họ có thể khinh miệt và gây tổn hại đến Giáo Huấn của Ðức Phật. Chí đến ngày nay, trong thế gian cũng có những người thay đổi niềm tin, từ Phật Giáo chuyển sang tôn giáo khác. Họ khinh rẻ và hại ngầm Giáo Huấn.
 
Sau khi họ chết, ta có thể tưởng tượng, họ có thể dễ dàng thay đổi niềm tin như thế nào. Ta có thể là đệ tử của Ðức Phật trong tháng nầy và đệ tử của một đạo sư khác trong tháng tới. Năm nay ta có thể là đệ tử của Ðức Phật và năm tới có thể là đệ tử của một đạo sư khác. Ta có thể là đệ tử của Ðức Phật trong kiếp sống nầy, và trong kiếp sống tới là đệ tử của một đạo sư khác.
 
Vì lẽ ấy những người được gọi là Puthujana (người thế gian, tức chưa phải là Thánh Nhân) được gọi như vậy vì họ ngưỡng mộ và tôn kính nhiều vị đạo sư khác nhau.
Trong quá khứ vô tận của vòng luân hồi (samsàra) người thế gian không bao giờ bền bỉ giữ vững niềm tin nơi một vị đạo sư nào mà họ chú nguyện sẽ nương tựa vào.
Cơ hội mà họ được đến gần một vị Phật và xin quy y, tức nương tựa nơi Ngài, quả thật hiếm hoi.
 
Ðôi khi họ quy y với một vị Phạm Thiên, đôi khi với trời Ðế Thích, những khi khác với các vị trời khác nhau, lắm lúc họ quy y với các ngôi sao, các vì tinh tú, quỷ thần và thiên lôi, và họ làm như thế vì tin tưởng rằng vị mà họ nương tựa vào có quyền lực vô hạn, là những bậc toàn tri toàn năng.
 
Các vị đạo sư giả danh như thế thật rất nhiều trên thế gian. Trong khi người thế gian thênh thang trôi giạt tới lui quanh quẩn trong vòng luân hồi đầy những lúc dính mắc vào Thân Kiến, họ còn tiếp tục thay đổi đạo sư. Khủng khiếp thay, đáng ghê sợ và đáng chán nản thay, trạng thái làm người thế gian! (puthujana, người phàm tại thế).
 
Mỗi khi người thế gian thay đổi đạo sư và nơi nương tựa ắt có sự thay đổi niềm tin nơi giáo lý và những nguyên tắc đạo đức lãnh đạo mà họ phải phục tùng tùy thuộc. Ðôi khi người thế gian chấp nhận giới luật trong sạch (adhisìla) của một vị Phật, nhưng lắm lúc họ cũng thực hành những đạo lý của nhiều vị đạo sư khác.

Trong vấn đề quan kiến cũng vậy, những kiếp sống mà họ chấp nhận Chánh Kiến thật vô cùng hiếm hoi, nhưng vô số những kiếp khác họ tùy thuộc phục tùng theo những quan kiến sai lầm.
 
Trong số những lầm lạc và rối loạn nhiều không thể kể xiết mà người thế gian phải vướng mắc vào, hoàn cảnh tìm đến nương tựa nơi những đạo sư giả danh là lầm lạc và rối loạn quan trọng nhất, vì nó gây nhiều tổn hại cực kỳ lớn lao.
 
Ðó là vì sự kiện tìm nương tựa nơi một đạo sư giả danh dẫn đến những nguyên tắc đạo lý và thực hành sai lầm, và do đó không tạo được cơ hội quý giá tái sanh vào cảnh người (manussatta-dullabha), giống như cội cây chỉ trổ sanh những trái ác hại bất thiện, tức tạo nhân trổ quả tái sanh vào những khổ cảnh, thay vì giống như cội cây hạnh phúc, trổ sanh hoa lành quả thiện, đưa đến tái sanh vào những cảnh giới an nhàn.

Trên đây là con đường tương lai của di sản Giáo Huấn bất ổn định.
 
Nhưng những vị đã nhận thấy bên trong mình các đặc tướng vô thường (anicca) và vô ngã (anattà), đã thoát ra khỏi lãnh vực của Thân Kiến. Các Ngài trở thành những vị thừa kế ổn định của Giáo Huấn.
 
“Ổn định” (niyata) nơi đây có nghĩa là trong suốt những kiếp vị lai trong vòng luân hồi các Ngài không còn hướng về ý nghĩ tìm nương tựa nơi vị thầy giả danh nào khác.
Các Ngài thật sự là con và thật sự là thừa kế của Ðức Phật trong suốt những kiếp sống tương lai tiếp theo. Các Ngài là những thành viên của gia đình “Bon-sin-san”.[3]
Quan kiến của các Ngài về những phẩm hạnh vô song của Phật Bảo, Pháp Bảo và Tăng Bảo ngày càng sáng tỏ và rõ ràng từ kiếp nầy đến kiếp kế.
Tất cả di sản của Giáo Pháp, tức ba phân hạng của Con Ðường (Giới, Ðịnh, Tuệ), bảy giai đoạn Thanh Tịnh và ba mươi bảy Phẩm Trợ Ðạo sẽ phồn thịnh, phát huy và tăng trưởng thêm trong tâm các Ngài.
 
Các Ngài là những vị chắc chắn sẽ tiến đến Anupàdisesa-Nibbàna, Vô Dư Niết Bàn, hoàn toàn chấm dứt mọi ô nhiễm và không còn Ngũ Uẩn.

Phần trên đây chỉ rõ con đường thẳng tiến không sai lệch của di sản Giáo Huấn (Sàsana) ổn định.

Có người tốt và đạo đức mà không cố gắng trong những kiếp quá khứ vì họ không muốn trở thành thừa kế của những di sản Giáo Huấn xấu. Những vị ấy không thực hành Giới, Ðịnh, và Tuệ vì họ không muốn trở thành những thừa kế tạm thời, bất ổn định. Họ không thực hành bởi vì họ muốn trở thành thừa kế của di sản ổn định.

Xem xét lại những sự kiện trên, và thận trọng suy tư rằng Ðức Phật không chấp nhận di sản Giáo Huấn xấu, những ai hiện nay đã trở thành đệ tử của Ðức Phật phải nghiêm nhặt không tự cho phép mình trở thành những thừa kế xấu hoặc những thừa kế bất ổn định. Ta phải tận lực cố gắng trở thành thừa kế của một di sản Giáo Huấn tốt đẹp, vốn là ba mươi bảy Phẩm Trợ Ðạo. Ta phải cố gắng trở thành những thừa kế ổn định.

Ðối với những vị thiếu kém trí tuệ, chỉ nên khuyến khích họ làm những điều lợi ích như thực hành công tác từ thiện, tạo phước báu.
 
Nhưng đối với những vị có trí tuệ, nếu muốn trở thành những thừa kế ổn định hoặc trong kiếp sống nầy hoặc trong kiếp kế, phải vững chắc tự thiết lập kiên cố trong Àjìvatthamaka-sìla [4], phải vững vàng kiên cố trong pháp Niệm Thân (kàyagata sati) và tận lực cố gắng (tối thiểu là ba tiếng đồng hồ trong một ngày) để chứng ngộ ba Ðặc Tướng của kiếp sinh tồn trong năm uẩn hợp thành “cá nhân”.
 
Nếu thấy được bất luận một đặc tướng nào trong ba đặc tướng, vị ấy đã trở thành niyata, thừa kế ổn định và đã tiến đến mức “Bon sin san” – “Nhập Lưu”.
-Hết-

Ghi chú:
[1] Chương nầy đã được thâu ngắn gọn (Chủ Biên BPS)
[2] Xem chú thích Phần Nhập Ðề.
[3] Xem chú thích Chương III.
[4] Xem chú thích Phần Nhập Ðề.
Nguồn trích dẫn: 37 PHẨM TRỢ ĐẠO – Một Toát Yếu Về Những Yếu Tố Cần Thiết Cho Sự Giác Ngộ – Ngài Hoà Thượng LEDI SAYADAW

Hỏi Đáp:

– Bạch Phượng:

Di sản giáo pháp tại thế bao gồm ba pháp tu và 6 thanh tịnh tại thế là 6/7 tịnh ( Visuddhi )
Di sản giáo pháp Siêu Thế là: Tịnh kiến tuệ ( đạo tuệ, quả tuệ, phản khán tuệ )
Con hiểu vậy có đúng ý trong bài pháp không ạ !

– Sumangala Bhikkhu Viên Phúc:
 
“Tri kiến thanh tịnh” là giai đoạn thanh tịnh thứ 7 – giai đoạn cuối cùng của con đường Bát Thánh Đạo Giới Định Tuệ, là các pháp siêu thế (cần phân biệt với “Kiến thanh tịnh” chưa phải là pháp siêu thế). Các pháp siêu thế đều có Niết Bàn (ngoài Tam giới) là đối tượng.
 
Tri Kiến thanh tịnh bao gồm 4 Đạo (Dự lưu Đạo, Nhất lai Đạo, Bất lai Đạo, Alahán Đạo) là Con đường Magga siêu thế thoát khỏi Tam Giới, chứng ngộ Niết bàn.
Tri kiến thanh tịnh là giai đoạn cuối trong bẩy giai đoạn thanh tịnh.
 
Bẩy thanh tịnh bao gồm:
 
⒈ Giới thanh tịnh – Sīlavisuddhi: viên mãn thực hành tu tập theo Giới Luật, ngăn chặn các ác pháp, bất thiện pháp, diệt trừ phiền não thô thể hiện qua Thân và Lời nói (khẩu). Đó là tứ thanh tịnh giới, gồm ① Chế ngự theo Giới bổn, ② Thu thúc lục căn, ③ Chánh mạng, ④ Quán tưởng 4 vật dụng.

⒉ Tâm thanh tịnh – Cittavisuddhi: viên mãn thực hành tu tập Định samādhi, chứng đắc cận hành định và/hoặc các tầng thiền sắc giới và/hoặc vô sắc giới, diệt trừ các phiền não thể hiện qua Tâm (tham dục, sân hận, hôn trầm thụy miên, trạo cử hối tiếc, hoài nghi) bằng cách đè nén không thể phát khởi trong thiền.
Giới thanh tịnh và Tâm (tức Định) thanh tịnh là những gốc rễ của Tuệ. Năm thanh tịnh còn lại là Tuệ thanh tịnh tức thân lõi cây.
 
⒊ Kiến thanh tịnh – Diṭṭhi-visuḍḍhi: là sự thấy đúng (kiến) Danh (gồm bốn uẩn là Thọ Tưởng Hành Thức) và Sắc (tức sắc uẩn) cùng sự phụ thuộc lẫn nhau của chúng thông qua viên mãn thực hành tu tập tuệ Phân Biệt Danh Sắc – Nāmarūpaparicchedañāṇa (Tuệ minh sát thứ nhất).
 
4. Đoạn nghi thanh tịnh – Kankhāvitaraṇa-visuḍḍhi: là Trí được thiết lập do vượt qua hoài nghi về cái Ngã (không có “tôi, của tôi, tự ngã của tôi”) trong ba thời quá khứ, tương lai, hiện tại thông qua viên mãn thực hành tu tập Tuệ phân biệt nhân duyên Paccayapariggahañāṇa (Tuệ minh sát thứ hai).
 
5. Đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh – Maggāmaggañāṇadassana visuḍḍhi: là Trí được thiết lập nhờ biết rõ và đúng đắn “Đây là Đạo” (thấy biết rõ như thật đặc tính riêng và đặc tính chung Vô Thường Khổ Vô Ngã của các Pháp, không chấp thủ bám víu vào các kết quả chứng đắc), “Đây không phải là Đạo” (10 tùy phiền não do chấp thủ vào những hiệu ứng gây ra bởi minh sát tuệ), thông qua viên mãn thực hành tu tập Sammasanañaṇa – Tuệ Thẩm Sát Tam Tướng và Udayabbayañāṇa – Sanh Diệt Trí (Tuệ minh sát thứ ba và thứ bốn).
 
⒍ Đạo tri kiến thanh tịnh – Paṭipadāñāṇadassana visuḍḍhi: là tám tuệ minh sát với trí thuận thứ là thứ chín, bao gồm:
① Udayabbayañāṇa – Sanh Diệt Trí. 
② Bhangañāṇa – Hoại Diệt Trí. 
③ Bhayatupaṭṭhānañāṇa – Kinh Úy Trí (Kinh hãi trí). 
④ Ādīnavānupassanāñāṇa – Quá Hoạn Trí. 
⑤ Nibbidānupassanāñāṇa – Yếm Ly Trí (Nhàm chán, ly dục). 
⑥ Muñcitukamyatāñāṇa – Dục Thoát Trí. 
⑦ Paṭisankhānupassanāñāṇa – Tư duy Trí. 
⑧ Sankhārupekkhāñāṇa – Xả Hành Trí. 
⑨ Anulomañāṇa – Thuận Thứ Trí (Tuệ minh sát thứ năm đến mười ba).
 
⒎ Tri Kiến thanh tịnh – Ñāṇadassana visuḍḍhi: bao gồm
Magga-ñāṇa – Bốn Ðạo Tuệ, 
Phalañāṇa – Bốn Quả Tuệ, và 
Paccavekkhanañāṇa – Phản Khán Tuệ.
* Nội dung được trích từ các bài giảng và tài liệu do Sư Viên Phúc tổng hợp và chia sẻ trên trang Ehipassiko.info

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app