Nội Dung Chính
Phải Chăng “Kiến Tánh Là Thành Phật?
Phải Chăng “Ai Cũng Sẽ Thành Phật”?
Thế Nào Là Sự Khác Biệt Giữa Phật Chánh Đẳng Giác và Bậc Thánh A-la-hán?
MỘT NGƯỜI – KHÔNG HAI
– Một người, này các Tỷ-kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người.
Một người ấy là ai?
Chính là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Chính một người này, này các Tỷ-kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người.
Sự xuất hiện của một người, này các Tỷ-kheo, khó gặp được ở đời.
Của người nào ?
Của Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Sự xuất hiện của một người này, này các Tỷ-kheo, khó gặp được ở đời.
Một người, này các Tỷ-kheo, khi xuất hiện ở đời, là xuất hiện một người vi diệu.
Một người ấy là ai?
Chính là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Chính một người này, này các Tỷ-kheo, khi xuất hiện ở đời là xuất hiện một người vi diệu.
Sự mệnh chung của một người, này các Tỷ-kheo, được đa số thương tiếc.
Của một người nào?
Của Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Sự mệnh chung của một người này, này các Tỷ-kheo, được đa số thương tiếc.
Một người, này các Tỷ-kheo, khi xuất hiện ở đời là xuất hiện một người, không hai, không có đồng bạn, không có so sánh, không có tương trợ, không có đối phần, không có người ngang hàng, không có ngang bằng, không có đặt ngang bằng, bậc Tối thượng giữa các loài hai chân.
Một người ấy là ai?
Chính là Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Một người này, khi xuất hiện ở đời, là xuất hiện một người, không hai, không có đồng bạn, không có so sánh, không có tương trợ, không có đối phần, không có người ngang hàng, không có ngang bằng, không có đặt ngang bằng, bậc Tối thượng giữa các loài hai chân.
Sự xuất hiện của một người, này các Tỷ-kheo, là sự xuất hiện của mắt lớn, là sự xuất hiện của đại quang, là sự xuất hiện của đại minh, là sự xuất hiện của sáu vô thượng, là sự chứng ngộ bốn vô ngại giải, là sự thông đạt của nhiều giới, là sự thông đạt của các giới sai biệt, là sự chứng ngộ của minh và giải thoát, là sự chứng ngộ quả Dự Lưu, là sự chứng ngộ quả Nhất Lai, là sự chứng ngộ quả Bất Lai, là chứng ngộ quả A-la-hán.
Của một người ấy là ai?
Chính là Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Sự xuất hiện của một người này, này các Tỷ-kheo, là sự xuất hiện của mắt lớn, là sự xuất hiện của đại quang, là sự xuất hiện của đại minh, là sự xuất hiện của sáu vô thượng, là sự chứng ngộ bốn vô ngại giải, là sự thông đạt của nhiều giới, là sự thông đạt của các giới sai biệt, là sự chứng ngộ của minh và giải thoát, là sự chứng ngộ quả Dự Lưu, là sự chứng ngộ quả Nhất Lai, là sự chứng ngộ quả Bất Lai, là chứng ngộ quả A-la-hán.
Nguồn trích dẫn: Aṅguttara Nikāya – Tăng chi bộ kinh, Chương một pháp, XIII. Phẩm Một Người, 1–7. Như Lai
LÀM KHỞI DẬY CON ĐƯỜNG
– Như Lai, này các Tỷ-kheo, là bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, làm cho khởi lên con đường (trước kia) chưa khởi, là bậc đem lại con đường (trước kia) chưa được đem lại, là bậc tuyên thuyết con đường (trước kia) chưa được tuyên thuyết, bậc tri đạo, bậc ngộ đạo, bậc thuần thục về đạo. Còn nay, này các Tỷ-kheo, các vị đệ tử là những vị sống theo đạo, tiếp tục thành tựu (đạo).
Này các Tỷ-kheo, đây là sự sai biệt, sự đặc thù, sự sai khác giữa Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác và bậc Tỷ-kheo được giải thoát nhờ trí tuệ.
Nguồn trích dẫn: Tương Ưng Bộ Kinh, Chương 22: Tương Ưng Uẩn, I: Phẩm Tham Luyến, 58. Chánh Ðẳng Giác
THÀNH TỰU VIÊN MÃN TẤT CẢ CÁC PHÁP
– Có thể chăng, một Tỷ-kheo thành tựu một cách trọn vẹn, một cách đầy đủ tất cả các pháp mà Tôn giả Gotama, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác đã thành tựu?
– Không thể có một Tỷ-kheo, này Bà-la-môn, thành tựu một cách trọn vẹn, một cách đầy đủ tất cả các pháp mà Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác đã thành tựu.
Này Bà-la-môn, Thế Tôn là bậc làm khởi dậy con đường trước đây chưa được hiện khởi, làm cho biết con đường trước đây chưa từng được biết, nói lên con đường trước đây chưa từng được nói; là bậc hiểu đạo, biết đạo và thiện xảo về đạo.
Và nay các đệ tử là những vị sống hành đạo và tùy hành, và sẽ thành tựu (những pháp ấy) về sau.
Nguồn trích dẫn: Majjhima Nikāya 108, (Gopakamoggallānasutta), Trung Bộ Kinh, 108. Kinh Gopaka Moggallāna
MƯỜI NHƯ LAI LỰC
Này Sāriputta, Như Lai có đầy đủ mười Như Lai lực, chính nhờ thành tựu mười lực này, Như Lai tự nhận cho mình địa vị Ngưu Vương, rống tiếng rống con sư tử trong các Hội chúng và chuyển Phạm luân. Thế nào là mười?
(1) Ở đây, này Sāriputta, Như Lai như thật tuệ tri xứ là xứ, phi xứ là phi xứ (Tri thị xứ phi xứ lực). Này Sāriputta, Như Lai như thật tuệ tri xứ là xứ, phi xứ là phi xứ.
Như vậy là Như Lai lực của Như Lai. Chính nhờ Như Lai lực này, Như Lai tự nhận cho mình địa vị Ngưu Vương, rống lên tiếng rống con sư tử trong các hội chúng, và chuyển Phạm luân.
(2) Lại nữa, này Sāriputta, Như Lai như thật tuệ tri quả báo tùy thuộc sở do, tùy theo sở nhân của các hành nghiệp quá khứ, vị lai, hiện tại (Tri tam thế nghiệp báo lực).
(3) Lại nữa, này Sāriputta, Như Lai như thật tuệ tri con đường đưa đến tất cả cảnh giới (Tri nhứt thiết đạo trí lực).
(4) Lại nữa, này Sāriputta, Như Lai như thật tuệ tri thế giới với mọi cảnh giới, nhiều chủng loại, nhiều sai biệt (Tri thế gian chủng chủng tánh lực).
(5) Lại nữa, này Sāriputta, Như Lai như thật tuệ tri chí hướng sai biệt của các loại hữu tình (Tri tha chúng sanh chưởng chưởng dục lực).
(6) Lại nữa, này Sāriputta, Như Lai như thật tuệ tri những căn thượng hạ của các loài hữu tình, loài Người (Tri tha chúng sanh chư căn thượng hạ lực).
(7) Lại nữa, này Sāriputta, Như Lai như thật tuệ tri sự tạp nhiễm, sự thanh tịnh, sự xuất khởi của các Thiền, chứng về Thiền, về giải thoát, về định (Tri chư Thiền tam muội lực).
(8) Lại nữa, này Sāriputta, Như Lai nhớ đến các đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều thành hoại kiếp. Ngài nhớ rằng: “Tại chỗ kia, Ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, Ta được sanh ra chỗ nọ. Tại chỗ ấy, Ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ nọ, Ta được sanh ra ở đây”. Như vậy, Như Lai nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và các chi tiết.
(9) Lại nữa, này Sāriputta, Như Lai với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống và chết của chúng sanh. Như Lai tuệ tri rõ rằng, chúng sanh người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ. Các chúng sanh này làm những ác hạnh về thân, về lời và về ý, phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến. Những người này sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Các chúng sanh này làm những thiện hạnh về thân, về lời và về ý, không phỉ báng các bậc Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến. Những người này, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên các thiện thú, cõi Trời, trên đời này. Như vậy, Như Lai với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống chết của chúng sanh. Như Lai tuệ tri rằng, chúng sanh, người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của họ.
(10) Lại nữa, này Sāriputta, Như Lai nhờ đoạn trừ các lậu hoặc tự mình chứng tri, chứng ngộ, thành tựu và an trú ngay trong hiện tại vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Này Sāriputta, Như Lai nhờ đoạn trừ các lậu hoặc, tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát.
Này Sāriputta, Như Lai có đầy đủ mười Như Lai lực. Chính nhờ thành tựu mười lực này, Như Lai tự nhận cho mình địa vị Ngưu Vương, rống tiếng rống sư tử trong các Hội chúng và chuyển Phạm luân.
BỐN PHÁP KHÔNG SỢ HÃI
Này Sāriputta, có bốn pháp vô sở úy (vô sợ hãi) chính nhờ thành tựu bốn pháp này, Như Lai tự nhận cho mình địa vị Ngưu Vương, rống tiếng rống con sử tử trong các hội chúng và chuyển Phạm luân.
Thế nào là bốn?
1. Này Sāriputta, Ta thấy không có lý do gì, một Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên, Ma vương, Phạm thiên hay một ai ở đời có thể chỉ trích Ta đúng pháp rằng: “Các pháp này chưa được chứng ngộ hoàn toàn, mà quý vị tự xưng đã chứng ngộ hoàn toàn”.
Này Sāriputta, vì Ta thấy không có lý do gì như vậy, nên Ta sống đạt được an ổn, đạt được không sợ hãi, đạt được vô úy.
2. Này Sāriputta, Ta thấy không có lý do gì … có thể chỉ trích Ta đúng pháp rằng: “Các lậu hoặc này chưa được đoạn trừ mà quý vị tự xưng đã đoạn trừ”.
Này Sāriputta, vì Ta thấy không có lý do gì như vậy, nên Ta sống đạt được an ổn, đạt được không sợ hãi, đạt được vô úy.
3. Này Sāriputta, Ta thấy không có lý do gì … có thể chỉ trích Ta đúng pháp rằng: “Những pháp này được gọi là các chướng ngại pháp khi được thực hành thời không có gì gọi là chướng ngại pháp cả”.
Này Sāriputta, vì Ta thấy không có lý do gì như vậy, nên Ta sống đạt được an ổn, đạt được không sợ hãi, đạt được vô úy.
4. Này Sāriputta, Ta thấy không có lý do gì một Sa-môn Bà-la-môn, chư Thiên, Ma vương, Phạm thiên hay một ai ở đời có thể chỉ trích Ta đúng pháp rằng: “Pháp do quý vị thuyết giảng không đưa đến mục tiêu đặc biệt, không có khả năng hướng thượng, không có thể dẫn người thực hành đến diệt tận khổ đau”.
Này Sāriputta, vì Ta thấy không có lý do gì như vậy, nên Ta sống đạt được an ổn, đạt được không sợ hãi, đạt được vô úy.
Này Sāriputta, có bốn pháp vô sở úy, chính nhờ thành tựu bốn pháp này, Như Lai tự nhận cho mình địa vị Ngưu Vương, rống tiếng rống con sử tử trong các hội chúng và chuyển Phạm luân.
Nguồn trích dẫn: Trung Bộ Kinh, 12. Ðại kinh Sư tử hống,
Chúng tôi là những người đã qui y nương tựa duy nhất Bậc Đạo Sư là Đức Phật bổn sư Gotama, tức Thích ca mâu ni, nên chúng tôi chỉ niệm Namô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật, chứ không qui y và niệm Phật Adiđà cũng như các Phật khác:
⑴ không có thật trong lịch sử,
⑵ không để lại Giáo Pháp Dhamma dẫn đến giác ngộ giải thoát,
⑶ không xây dựng Tăng đoàn Sangha với Giới Luật,
⑷ không có ghi lại trong Tam Tạng Kinh điển Phật giáo Nguyên thủy Theravada ạ.
Chúng tôi tôn trọng niềm tin của quí vị, nhưng mong quí vị hiểu, tôn trọng niềm tin của chúng tôi, và mong quí vị chỉ nên niệm “Adiđà Phật” tại trang nhà của quí vị, chứ không niệm tại đây.
Cảm ơn quí vị.
“Sự kiện này không xảy ra, này các Tỷ-kheo, không có được: Trong một Thế giới, hai vị A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, không trước không sau, xuất hiện một lần, sự kiện này không xảy ra. Và sự kiện này có xảy ra, này các Tỷ-kheo: Trong một Thế giới, chỉ có một vị A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác xuất hiện, sự kiện này có xảy ra.”
(Tăng chi kinh – XV. Phẩm không thể có được – 1–28. Chấp Nhận Các Hành Là Thường Còn – https://suttacentral.net/an1.268-277/vi/minh_chau)
Khi đảnh lễ Ðức Phật và đọc lên lời xưng tán nầy là chúng ta bày tỏ lòng tôn kính cùng ca ngợi ba trong chín phẩm tính nơi Ðức Phật đã được ghi đầy đủ trong các bài kinh:
“Namo Tassa Bhavagato Arahato Samma Sambuddhassa”
Chúng ta cần hiểu rõ ý nghĩa của câu này:
– Namo: Lễ kính
– Tassa: Dâng đến Ngài
– Bhavagato: Đức Thế Tôn, Bậc phước báu cao tột
– Arahato: Bậc Alahán, người đã tận diệt mọi ô nhiễm trong tâm, đáng được Trời và Người cúng dường.
– Samma: Tự mình, không thầy chỉ dạy.
– Sambuddhassa: Bậc Chánh Biến Tri đã thấu hiểu được Tứ Diệu Ðế và hoàn toàn Giác ngộ, biết được những gì cần thiết, muốn biết.
“Lành thay! Như một người đã sửa lại ngay ngắn một vật đã bị ngã đổ, như người đi lạc đường đã tìm được nẻo ra, như một người có đèn cầm trong tay để soi sáng trong đêm tối cho những ai có mắt muốn thấy rõ mọi sự vật. Phật Pháp đã được Ðức Phật ban trải ra cùng khắp và được làm sáng tỏ. Tôi từ nay trở đi nguyện nương nhờ nơi Ðức Phật, sống và làm theo những gì Ngài đã chỉ dạy.”
Những lời tương tự như trên thường được tìm thấy trong các bài kinh mỗi khi có người nào bày tỏ lòng hoan hỉ và tôn kính của mình đối với Ðức Phật sau khi nghe được pháp bảo từ Ðức Phật hoặc từ một người nào khác.
188. “Loài người sợ hoảng hốt,
Tìm nhiều chỗ quy y,
Hoặc rừng rậm, núi non,
Hoặc vườn cây, đền tháp.”
189. “Quy y ấy không ổn,
Không quy y tối thượng.
Quy y các chỗ ấy,
Không thoát mọi khổ đau! “
190. “Ai quy y Ðức Phật (Thích ca mâu ni Gotama),
Chánh pháp và chư tăng,
Ai dùng chánh tri kiến,
Thấy được bốn Thánh đế.”
191. “Thấy khổ và khổ tập,
Thấy sự khổ vượt qua,
Thấy đường Thánh tám ngành,
Ðưa đến khổ não tận.”
192. “Thật quy y an ổn,
Thật quy y tối thượng,
Có quy y như vậy,
Mới thoát mọi khổ đau.”