BÀI PHÁP THOẠI 7
Tu tập Tuệ Minh Sát như thế nào để thấy Niết-bàn
Trong bài giảng vừa rồi, chúng ta đã bàn luận một cách tóm tắt làm thế nào để phân biệt duyên khởi theo phương pháp thứ nhất và thứ năm. Hôm nay, chúng ta sẽ bàn đến cách làm thế nào tu tập các minh sát tuệ để thấy Niết-bàn.
Có mười sáu tuệ minh sát (Vipassanā ñāṇa) cần phải được tu tập theo tuần tự để thấy Niết-bàn.
Tuệ minh sát thứ nhất là Tuệ Phân Tích Danh Sắc (Nāmarūpapariccheda ñāṇa). Tuệ này đã được giải thích ở phần phân biệt danh-sắc rồi.
Tuệ minh sát thứ hai là Tuệ Phân Biệt Nhân Duyên (Paccayapariggaha ñāṇa). Tuệ này cũng đã được giải thích trong bài giảng vừa rồi khi chúng ta nói về cách phân biệt các nhân của danh-sắc trong quá khứ, hiện tại và vị lai, đây cũng là cách phân biệt duyên khởi.
Sau khi tu tập xong hai tuệ ấy, hành giả cần phải hoàn thiện chúng bằng cách phân biệt nhiều lần tất cả danh, tất cả sắc và tất cả các chi phần của duyên khởi theo đặc tính, nhiệm vụ, sự thể hiện và nhân gần của chúng. Thực sự, khó có thể giải thích điều này theo lối tóm tắt, tốt hơn là hành giả phải học thêm chi tiết vào lúc hành thực thụ.
Bây giờ chúng ta sẽ đi vào các tuệ còn lại một cách tóm tắt.
Làm Thế Nào Để Tu Tập Tuệ Thẩm Sát (Tam Tướng)
Tuệ minh sát thứ ba là Tuệ Thẩm Sát (Sammasanañāṇa). Đó là thẩm sát các hành theo những phạm trù. Để tu tập tuệ này, hành giả chia các hành thành những phạm trù.
– Hai phạm trù là danh và sắc.
– Năm phạm trù là năm uẩn.
– Mười hai phạm trù là mười hai xứ.
– Mười hai phạm trù là mười hai chi phần của duyên khởi.
– Mười tám phạm trù là mười tám giới.
Sau đó, hành giả quán ba đặc tánh (tam tướng) vô thường, khổ và vô ngã trong mỗi phạm trù.
Chẳng hạn, đối với trường hợp của năm phạm trù, đức Phật trong “Kinh Vô Ngã Tướng” (Anattalakkhana Sutta) đã dạy phân biệt năm uẩn (tất cả sắc, thọ, tưởng, hành và thức) với chánh trí tuệ theo ba cách:
1. “Cái này không phải của tôi” (netaṃ mama)
2. “Cái này không phải là tôi” (nesohamasmi)
3. “Cái này không phải tự ngã của tôi” (nameso attā).
Và trong “Khandha Sutta” (Kinh Uẩn), Tương Ưng Bộ III, đức Phật giải thích “tất cả” là: Quá khứ, hiện tại và vị lai; bên trong và bên ngoài; thô và tế; hạ liệt và cao thượng; xa và gần.
Để tu tập tuệ này, trước tiên hành giả phải thiết lập lại tứ thiền. Nếu hành giả thuộc hạng thuần quán đã tu tập thiền tứ đại thì lập lại định cho đến khi ánh sáng chói bừng và mạnh mẽ. Trong cả hai trường hợp, hành giả lấy “sắc” kể như phạm trù thứ nhất. Đó là hành giả phân biệt sắc thực của mỗi môn trong sáu căn môn, thấy ra sự sanh diệt của nó và biết đó là vô thường (anicca). Hành giả cần phải làm điều này ở bên trong và bên ngoài rồi dần dần mở rộng tầm tưởng của mình từ gần đến xa cho tới vũ trụ vô biên.
Theo cùng cách thức như trên, hành giả thấy ra cái khổ mà người ta phải thường xuyên cảm nhận do sự sanh và diệt của sắc ấy và biết đó là khổ (dukkha). Cuối cùng thấy sắc là rỗng không, không có một tự ngã thường hằng nào cả và biết đó kể như vô ngã (anatta).
Phạm trù kế tiếp, hành giả cần phải thấy được vô thường, khổ và vô ngã ở trong đó là danh. Trước tiên, phân biệt tất cả danh ở sáu môn, đó là thấy tâm và các tâm sở trong mỗi sát-na tâm của từng tiến trình thuộc sáu căn môn và bhāvaṅga (hữu phần) – tâm khởi lên giữa hai tiến trình nhận thức. Hành giả cũng theo đúng thể thức đã làm với sắc vậy.
Sau khi đã thấy hai phạm trù này (tức thấy danh và sắc thuộc sáu môn ở hiện tại), hành giả bây giờ cần phải thấy vô thường, khổ và vô ngã của danh-sắc trong suốt kiếp này, từ thức tái sanh (kiết sanh thức) cho tới tử tâm. Ở đây cũng vậy, hành giả thấy ba đặc tánh, mỗi lần một và làm đi làm lại, lúc bên trong và lúc bên ngoài.
Tiếp theo, hành giả cần thấy được vô thường, khổ và vô ngã của các kiếp quá khứ, hiện tại và vị lai mà hành giả đã phân biệt khi phân biệt duyên khởi. Ở đây cũng vậy, hành giả thấy ba đặc tánh, mỗi lần một (đặc tánh), bên trong và bên ngoài luân phiên nhau trong tất cả danh và sắc thuộc quá khứ, hiện tại và vị lai.
Sau đó, hành giả cũng cần phải thấy vô thường, khổ và vô ngã của mỗi trong mười hai chi phần thuộc duyên khởi trong ba thời quá khứ, hiện tại và tương lai theo phương pháp thứ nhất, mỗi lần một chi phần, lặp đi lặp lại, lúc bên trong, lúc bên ngoài như trước.
Ở giai đoạn này, hành giả có thể thấy rằng việc tu tập các tuệ minh sát cao hơn của mình được nhanh chóng hơn, đi hết giai đoạn này đến giai đoạn khác cho tới khi chứng đắc A-la-hán Thánh quả. Nếu không, có một vài cách luyện tập để tăng cường tuệ giác của hành giả.
Cách Tăng Cường Tuệ Minh Sát.
Bốn Mươi Cách Tưởng.
Bài tập đầu tiên là thấy vô thường, khổ và vô ngã của danh-sắc, bên trong và bên ngoài, ở quá khứ, hiện tại và tương lai theo bốn mươi cách tưởng khác nhau (cattārīsākāra anupassanā). Trong ngôn ngữ Pāḷi, 40 cách tưởng này đều tận cùng với tiếp vĩ ngữ “to”, vì thế chúng ta gọi nôm na là 40 “to”.
Có mười cách tưởng khác nhau về vô thường:
1. Aniccato: vô thường
2. Palokato: phân tán
3. Calato: hay thay đổi
4. Pabbanguto: dễ hư hoại
5. Addhuvato: không bền
6. Vipariṇāmadhammato: phải chịu biến hoại
7. Asā rako: không có cốt lõi
8. Vibhavato: phải chịu diệt vong
9. Maraṇadhammato: phải chịu chết
10. Sankhatato: hữu vi.
Có hai mươi lăm cách tưởng về khổ.
1. Dukkhato: khổ
2. Rogato: bệnh hoạn
3. Aghato: tai họa
4. Gaṇḍato: ung nhọt
5. Sallato: mũi tên
6. Ābādhato: đau đớn
7. Upaddavato: bất hạnh
8. Bhatato: sợ hãi
9. Ītito: bệnh dịch
10. Upassagato: mối đe dọa
11. Atānato: không có sự bảo vệ
12. Aleṇato: không có nơi che chở
13. Asaraṇato: không có nơi nương tựa
14. Vadhakato: sát nhân
15. Aghamūlato: cội nguồn của tai ương
16. Ādīnavato: nguy hiểm
17. Sāsavato: phải chịu (ảnh hưởng) của lậu hoặc
18. Mārāmasato: miếng mồi của Ma vương
19. Jātidhammato: phải chịu sanh
20. Jarādhammato: phải chịu già
21. Byādhidhammato: phải chịu bệnh
22. Sokadhammato: khiến cho sầu khổ
23. Paridevadhammo: khiến cho bi ai
24. Upasāsadhammo: khiến cho tuyệt vọng
25. Samkilesadhammo: phải chịu phiền não.
Có năm cách tưởng về vô ngã:
1. Anattato: vô ngã
2. Suññato: không
3. Parato: biệt lập
4. Rittato: trống rỗng
5. Tucchato: vô dụng.
Trong khi thấy bốn mươi “to” này trong danh-sắc, bên trong và bên ngoài, quá khứ, hiện tại và vị lai như vậy, tuệ giác của một số hành giả sẽ tiến triển đưa đến sự chứng đắc A-la-hán Thánh quả.
Ngoài ra, còn có cách luyện tập khác gọi là bảy cách quán sắc (rūpasattaka) và bảy các quán danh (nāmasattaka).
Bảy Cách Quán Sắc.
Sắc mà hành giả phân biệt trong bảy cách này là sắc thuộc bốn loại theo nguồn gốc (sắc do nghiệp sanh, do thời tiết sanh, do tâm sanh và do vật thực sanh).
(1) Cách thứ nhất: Hành giả thấy vô thường, khổ và vô ngã của sắc trong toàn bộ kiếp sống này từ lúc tái sanh cho đến lúc chết, cả ở bên trong lẫn bên ngoài.
(2) Cách thứ hai: Hành giả thấy vô thường, khổ và vô ngã của sắc ở những giai đoạn khác nhau trong kiếp này cả bên trong lẫn bên ngoài. Hành giả xem quãng đời này là một trăm năm và chia nó thành ba giai đoạn ba mươi ba năm. Rồi thấy rằng danh và sắc trong mỗi giai đoạn sanh và diệt ở đó, chứ không đi qua giai đoạn kế tiếp, điều đó có nghĩa chúng là vô thường, khổ và vô ngã vậy.
Kế đó chia quãng đời này thành những giai đoạn càng lúc càng nhỏ hơn và cũng thấy theo cách như vậy. Ở đây, hành giả lần lượt chia một trăm năm của cuộc đời này thành: mười giai đoạn 10 năm, hai mươi giai đoạn 5 năm, hai mươi lăm giai đoạn 4 năm, ba mươi ba giai đoạn 3 năm, năm mươi giai đoạn 2 năm, một trăm giai đoạn 1 năm, ba trăm giai đoạn 4 tháng, sáu trăm giai đoạn 2 tháng và hai ngàn bốn trăm giai đoạn nửa tháng, và cuối cùng chia mỗi ngày thành hai giai đoạn, rồi sáu giai đoạn. Ở mỗi trường hợp như vậy hành giả thấy ra rằng sắc trong một giai đoạn sanh lên và diệt ở đó chứ không chuyển qua giai đoạn kế tiếp, điều đó có nghĩa rằng nó là vô thường, khổ và vô ngã vậy.
Rồi giảm các giai đoạn xuống còn khoảng thời gian của mỗi chuyển động thân như bước tới, bước lui, nhìn trước, nhìn hai bên, co duỗi chân tay v.v… Sau đó hành giả chia mỗi bước chân thành sáu giai đoạn: nhấc, dở, bước tới, hạ, đặt và nhấn. Cũng thấy vô thường, khổ và vô ngã trong sắc của mỗi giai đoạn hàng ngày trong quãng đời một trăm năm này.
(3) Cách thứ ba: Hành giả thấy vô thường, khổ và vô ngã của sắc do vật thực sanh > (Điều này có nghĩa rằng hành giả phân biệt cả bốn loại sắc đã sanh khởi do sự hỗ trợ của sắc do vật thực. Nguyên tắc này cũng áp dụng cho sự phân biệt sắc do nghiệp, do tâm và do thời tiết sanh). Đó là, hành giả thấy chúng trong sắc của các giai đoạn lúc đói và lúc đã thỏa mãn, và thấy rằng nó không di chuyển từ giai đoạn đói sang giai đoạn đã thỏa mãn (và ngược lại), mỗi ngày trong quãng đời một trăm năm này.
(4) Cách thứ tư: Hành giả thấy vô thường, khổ và vô ngã của sắc do thời tiết sanh. Đó là thấy chúng trong sắc của những giai đoạn lúc nóng, lúc lạnh và thấy rằng nó không chuyển từ giai đoạn của cảm giác nóng sang giai đoạn của cảm giác lạnh (và ngược lại), mỗi ngày trong quãng đời một trăm năm này.
(5) Cách thứ năm: Hành giả thấy vô thường, khổ và vô ngã của sắc do nghiệp sanh. Đó là, thấy rằng sắc của mỗi trong sáu căn môn sanh và diệt ở đó chứ không chuyển sang môn khác, mỗi ngày trong quãng đời một trăm năm này.
(6) Cách thứ sáu: Hành giả thấy vô thường, khổ và vô ngã của sắc do tâm sanh. Đó là thấy chúng trong sắc của các giai đoạn khi vui và hài lòng, khi không vui và buồn rầu, mỗi ngày trong quãng đời một trăm năm này.
(7) Cách thứ bảy: Hành giả thấy vô thường, khổ và vô ngã của sắc không linh hoạt trong hiện tại, tức là sắc không có sáu nội xứ, chẳng hạn như sắt, thép, đồng, chì, vàng, bạc, nhựa, ngọc trai, đá quý, đồi mồi, cẩm thạch, san hô, đất, đá, bê tông, cây cối… Các loại sắc đó chỉ tìm thấy ở bên ngoài.
Trên đây là bảy cách quán sắc.
Bảy Cách Quán Danh.
Trong bảy cách quán danh, hành giả thấy vô thường, khổ và vô ngã của các tâm – minh sát (danh) vốn thấy ba đặc tánh đó trong bảy cách quán sắc. Điều này có nghĩa rằng, đối tượng của hành giả, trong mỗi trường hợp, là một tâm minh sát, tâm này sẽ được hành giả thấy với một tâm minh sát theo sau (Tâm minh sát minh sát (quán) tiến trình ý môn: một ý môn hướng tâm và bảy tốc hành, đôi khi có hai tâm thập di theo sau nữa. Trong ý môn hướng tâm có mười hai tâm hành, và trong mỗi tốc hành tâm có ba mươi bốn, ba mươi ba hoặc ba mươi hai tâm hành. (Xem lại bảng 6).
(1) Cách thứ nhất: Hành giả thấy vô thường, khổ và vô ngã của sắc thuộc bảy cách quán sắc, nhưng thấy sắc chỉ như một nhóm. Kế đó, hành giả thấy vô thường, khổ và vô ngã của danh đã thấy sắc này. Nghĩa là, hành giả thấy sắc uẩn là vô thường và rồi thấy sự vô thường, khổ và vô ngã của chính tâm minh sát ấy trong mỗi trường hợp, với một tâm minh sát theo sau. Đối với sắc uẩn (sắc thấy theo nhóm) được thấy như khổ và vô ngã hành giả cũng làm theo cách thức như vậy.
(2) Cách thứ hai: Hành giả thấy vô thường, khổ và vô ngã của danh quán mỗi trong bảy cách quán sắc. Nghĩa là, hành giả thấy sắc ở mỗi trong bảy cách quán sắc là vô thường, rồi thấy sự vô thường, khổ và vô ngã của chính tâm minh sát đó trong mỗi trường hợp với một tâm minh sát theo sau. Đối với sắc được thấy như khổ và vô ngã hành giả cũng làm theo cách thức như vậy, và cũng làm vậy đối với mỗi trong các tâm minh sát trong những giai đoạn nhất định ở mỗi ngày của quãng đời một trăm năm này.
(3) Cách thứ ba: Hành giả lại thấy vô thường, khổ và vô ngã của danh quán mỗi trong bảy cách quán sắc, nhưng làm như thế bốn lần liên tiếp. Nghĩa là, hành giả lại thấy ở mỗi trong bảy cách quán sắc như vô thường và rồi thấy sự vô thường, khổ và vô ngã của tâm minh sát đầu tiên đó với một tâm thứ hai, và tâm minh sát thứ hai với một tâm thứ ba v.v… cho đến khi với tâm minh sát thứ năm hành giả thấy ra vô thường, khổ và vô ngã của tâm minh sát thứ tư.
(4) Cách thứ tư: Hành giả cũng làm như trước, nhưng tiếp tục cho đến với tâm minh sát thứ mười một, hành giả thấy ra vô thường, khổ và vô ngã của tâm minh sát thứ mười.
(5) Cách thứ năm: Hành giả thấy vô thường, khổ và vô ngã của danh để loại trừ các tà kiến. Ở đây, một lần nữa, hành giả thấy các tâm minh sát của bảy cách quán sắc, nhưng tăng cường tưởng vô ngã để vượt qua các tà kiến, đặc biệt là ngã kiến.
(6) Cách thứ sáu: Hành giả thấy ra vô thường, khổ và vô ngã của danh để loại trừ mạn. Một lần nữa, hành giả thấy các tâm minh sát của bảy cách quán sắc, nhưng tăng cường tưởng vô thường để vượt qua mạn.
(7) Cách thứ bảy: Hành giả thấy ra vô thường, khổ và vô ngã của danh để chấm dứt tham ái. Một lần nữa hành giả thấy các tâm minh sát của bảy cách quán sắc, nhưng tăng cường tưởng khổ để vượt qua tham ái.
Trên đây là bảy cách quán danh. Mặc dù không tuyệt đối cần thiết, song nếu thực hiện những bài tập này đối với danh và sắc thuộc hiện tại, quá khứ và vị lai, bên trong và bên ngoài sẽ rất lợi ích.
Cùng với việc hoàn tất những bài tập này, danh và sắc chắc chắn sẽ trở nên rõ ràng đối với hành giả.
Đến đây, phần giải thích về cách làm thế nào để tu tập tuệ thẩm sát các hành trong các phạm trù đã hoàn tất, như vậy chúng ta sẽ bàn đến cách tu tập tuệ về sự sanh diệt của các hành.
Hành Giả Tu Tập Sanh Diệt Như Thế Nào.
Tuệ Sanh Diệt (Udayabbaya Ñāṇa) là tuệ tri sự sanh và diệt của các hành: danh-sắc, năm uẩn, mười hai xứ, mười tám giới, Tứ Thánh Đế và duyên khởi (hay mười hai nhân duyên), bên trong và bên ngoài, ở hiện tại, quá khứ và vị lai. Thực sự tuệ hay trí này gồm hai:
1. Tuệ về nhân duyên (paccayato) – nhân duyên sanh và diệt của các hành.
2. Tuệ về sát-na (khaṇato) – sát-na sanh và diệt của các hành.
Để thấy được nhân duyên sanh và diệt của các hành, hành giả phải thấy nó theo phương pháp thứ năm trong hai phương pháp phân biệt duyên khởi như đã mô tả trong bài giảng trước.
Để thấy được sát-na sanh và diệt của các hành, hành giả phải thấy năm uẩn sanh và diệt như thế nào trong mỗi sát-na tâm, từ tái sanh cho đến chết của mỗi kiếp hành giả phân biệt.
Có hai phương pháp để tu tập Tuệ Sanh Diệt. Phương pháp tóm tắt (chỉ thấy tính chất nhất thời của các hành) và phương pháp chi tiết (thấy cả hai – nhân duyên và tính chất nhất thời của các hành). Ở đây, tôi chỉ giải thích phương pháp chi tiết mà thôi.
Phương pháp chi tiết được tu tập trong ba giai đoạn. Đó là, hành giả thấy:
1. Chỉ sự sanh (udaya) – nhân duyên và sát-na sanh của các hành.
2. Chỉ sự diệt (vaya) – nhân duyên và sát-na diệt của các hành.
3. Cả sanh lẫn diệt (udayabbaya) – nhân duyên và sát-na sanh – diệt của các hành.
Tu tập Tuệ Sanh Diệt theo phương pháp thứ năm của duyên khởi như thế nào?
– Quán tánh sanh.
Để khởi sự cho việc tu tập Tuệ Sanh – Diệt theo phương pháp chi tiết, hành giả phải thấy đi thấy lại nhiều lần nhân duyên sanh của các hành và sát-na sanh của chúng. Đây gọi là quán tính chất sanh (samudayadhammānupassi).
Chẳng hạn, hành giả thấy nhân duyên sanh của sắc theo phương pháp thứ năm của duyên khởi như đã vừa đề cập. Điều này có nghĩa là hành giả nhìn trở lại cho tới những sát-na cận tử của kiếp trước để thấy năm nhân quá khứ đưa đến sự khởi sanh (udaya) của sắc do nghiệp sanh trong kiếp này. Tuần tự từng pháp một, hành giả thấy sự sanh khởi của vô minh, ái, thủ, hành và nghiệp. Mỗi pháp tạo ra sự sanh khởi của sắc do nghiệp sanh trong kiếp này như thế nào.
Sau đó, hành giả thấy sự sanh của sắc do nghiệp sanh trong mỗi sát-na tâm, từ tái sanh cho đến chết.
Điều này có nghĩa là hành giả thấy năm uẩn vào lúc sanh (udaya) của những tâm ngoài tiến trình (vīhimuttacitta), đó là tâm tục sinh (paṭisandhicitta – kiết sanh thức), tâm hữu phần (bhavaṅga) và tâm tử (cuticitta). Hành giả cũng thấy sự sanh của năm uẩn thuộc mỗi sát-na tâm trong bất kỳ tiến trình tâm (vīthi) ngang qua sáu môn nào xen vào giữa (những tâm ngoài tiến trình ấy). Hành giả thấy điều này trong mỗi kiếp quá khứ mà hành giả đã phân biệt và trong tất cả các kiếp vị lai cho đến tận thời điểm Bát Niết-bàn của hành giả (Trong một vài trường hợp, hành giả bắt đầu chỉ với một kiếp hiện tại này thôi, kế đó mới nhìn vào các kiếp quá khứ và tương lai).
Sau đó, hành giả cũng cần phải thấy sự sanh theo nhân duyên của sắc tuần tự do thời tiết sanh, do tâm sanh và do vật thực sanh. Hành giả thấy vì sao:
– Tâm khiến cho sắc khởi lên: sắc do tâm sanh.
– Thời tiết khiến cho sắc khởi lên: sắc do thời tiết sanh.
– Vật thực khiến cho sắc khởi lên: sắc do vật thực sanh.
Trong mỗi trường hợp như vậy, hành giả cũng thấy sự khởi sanh trong sát-na của loại sắc đặc biệt.
Sau khi làm xong điều này, hành giả còn phải thấy sự sanh theo nhân duyên và theo sát-na của danh; thấy sự sanh của danh-sắc theo cùng cách thức như vậy trong kiếp kế. Tuy nhiên, để liệt kê đầy đủ chi tiết ở đây sẽ phải mất một thời gian nên chúng ta sẽ thông qua và trong mỗi trường hợp chỉ giải thích chi tiết về sắc mà thôi.
– Quán tánh diệt.
Sau khi đã thấy sự sanh (udaya) theo nhân duyên và theo sát-na của danh và sắc, giờ hành giả sẽ thấy đi thấy lại nhiều lần chỉ sự diệt (vaya) của danh và sắc ấy. Đây gọi là quán tánh diệt (vayadhammānupassi).
Sự diệt của vô minh, ái, thủ, các hành và nghiệp lực (Mặc dù vẫn có nghiệp lực nằm dưới năm uẩn hiện tại, nghĩa là bậc A-la-hán vẫn cảm thọ lạc, khổ do nghiệp quá khứ. Song sẽ không có nghiệp lực trong các hành hiện tại để tạo ra nghiệp mới) xảy ra khi hành giả đắc A-la-hán, và sự diệt của ngũ uẩn xảy ra vào lúc Bát Niết-bàn của hành giả. Trong khi sự sanh theo nhân duyên là loại vô minh, ái, thủ, hành và nghiệp lực riêng biệt mà hành giả phân biệt ở mỗi kiếp nơi nó xảy ra thì sự diệt lại luôn luôn xảy ra ở cùng một kiếp – tức khi năm uẩn không còn sanh nữa sau Bát Niết-bàn (Parinibbāna). Mặc dù vậy, Niết-bàn và A-la-hán Thánh đạo thực sự vẫn không hiển lộ vì chúng ta vẫn chưa chứng đắc Bốn Thánh Đạo Tuệ (maggañāṇa) và Bốn Thánh Quả Tuệ (phalañāṇa). Sở dĩ chúng ta hiểu được rằng Parinibbàna (sự diệt độ) của chúng ta đã xảy ra vì không còn sự sanh của năm uẩn mà thôi.
Chẳng hạn hành giả thấy sự diệt theo nhân duyên (nirodha) của sắc theo phương pháp thứ năm của duyên khởi. Đó là khi hành giả mong đợi thời điểm hành giả trở thành một vị A-la-hán và thấy rằng khi đắc A-la-hán Thánh đạo, A-la-hán Thánh quả thì tất cả mọi phiền não đều diệt và vào cuối kiếp sống ấy các hành diệt tận – đó là cái thấy trực tiếp sự kiện Bát Niết-bàn của hành giả. Sau sự kiện ấy, danh-sắc mới không còn sanh hay diệt nữa. Nếu hành giả đắc A-la-hán trong kiếp này, sự kiện đó sẽ là ở tương lai. Nếu hành giả đắc A-la-hán ở trong một kiếp tương lai nào đó của mình thì sự kiện đó cũng ở tương lai. Lần lượt hành giả thấy rằng sự diệt (nirodha) của vô minh, ái, thủ, các hành và nghiệp theo tuần tự (mỗi chi phần diệt) khiến cho sắc do nghiệp sanh diệt.
Sau khi đã thấy được sự diệt theo nhân duyên của sắc do nghiệp sanh, bây giờ hành giả chỉ thấy sự diệt theo sát-na của sắc ấy.
Sau đó, hành giả thấy sự diệt theo sát-na của sắc nghiệp trong mỗi sát-na tâm, từ sanh cho đến chết, trong mỗi kiếp quá khứ và tương lai mà hành giả đã phân biệt (Có lúc Thiền sư Pa-Auk Sayadaw hướng dẫn thiền sinh khởi sự bằng cách nhìn vào kiếp này, sau đó nhìn vào các kiếp quá khứ và tương lai). Điều này có nghĩa là hành giả thấy năm uẩn vào lúc sanh của các tâm ngoài tiến trình như kiết sanh thức, các tâm hữu phần và tâm tử. Hành giả cũng thấy sự sanh của năm uẩn ở mỗi sát-na tâm trong bất kỳ tiến trình tâm ngang qua sáu môn nào xen vào giữa (các tâm ngoài tiến trình ấy).
Sau đó, hành giả cần phải thấy sự diệt theo nhân duyên của sắc do tâm sanh, do thời tiết sanh và do vật thực sanh, lần lượt từng sắc một. Tức là hành giả thấy vì sao:
– Sự diệt của tâm lại khiến cho có sự diệt của sắc do tâm sanh.
– Sự diệt của thời tiết khiến cho có sự diệt của sắc do thời tiết sanh.
– Sự diệt của vật thực khiến cho có sự diệt của sắc do vật thực sanh.
Trong mỗi trường hợp, hành giả cũng thấy sự diệt theo sát-na của loại sắc đặc biệt ấy.
Sau việc này, hành giả phải thấy sự diệt theo nhân duyên và theo sát-na của sắc nữa.
– Quán tánh sanh và diệt
Một khi hành giả đã thấy được sự diệt của danh-sắc theo nhân duyên và theo sát-na rồi, lúc này hành giả sẽ thấy đi thấy lại nhiều lần cả sự sanh lẫn sự diệt của danh-sắc ấy. Đây gọi là quán tánh sanh diệt (samudayavayadhammānupassi). Nó đòi hỏi phải thấy, trước tiên sự sanh và diệt theo nhân duyên của chúng, sau đó đến sự sanh và diệt theo sát-na của chúng. Hành giả thấy (mỗi danh-sắc) theo ba cách liên tiếp:
1. Sự sanh của nhân và quả của nó.
2. Sự diệt của nhân và quả của nó.
3. Tính vô thường của nhân và quả của nó.
Chẳng hạn hành giả thấy theo tuần tự vì sao:
– Sự sanh của mỗi nhân: vô minh, ái, thủ, các hành và nghiệp khiến cho có sự sanh của sắc do nghiệp sanh.
– Sự diệt của mỗi nhân ấy khiến cho có sự diệt của sắc do nghiệp sanh.
– Mỗi nhân và sắc nó sanh ra đó đều là vô thường.
Cũng vậy, hành giả thấy theo tuần tự vì sao:
– Tâm lại khiến cho có sự sanh khởi của sắc do tâm sanh.
– Sự diệt của tâm khiến cho có sự diệt của sắc do tâm sanh.
– Tâm là vô thường và sắc do tâm sanh ấy cũng vô thường.
Đối với sắc do thời tiết sanh, sắc do vật thực sanh, hành giả cũng thấy theo cách như vậy.
Đây là cách hành giả thấy sự sanh và diệt của sắc vừa theo nhân duyên lẫn theo sát-na. Sau đó hành giả phải thấy sự sanh và diệt của danh theo nhân duyên và theo sát-na.
Như vậy, theo cách vừa phác họa, hành giả thấy sự sanh và diệt theo sát-na và theo nhân duyên cũng của năm uẩn, đồng thời thấy tam tướng vô thường, khổ và vô ngã trong năm uẩn ấy. Hành giả phải làm công việc này đối với năm uẩn bên trong, năm uẩn bên ngoài và năm uẩn thuộc quá khứ, hiện tại và vị lai.
Cách Tu Tập Tuệ Sanh Diệt Theo Phương Pháp Thứ Nhất Của Duyên Khởi.
Kế tiếp hành giả cũng cần phải tu tập tuệ này với phương pháp thứ nhất của duyên khởi. Trong trường hợp này, để thấy sự sanh theo nhân duyên của các hành, hành giả thấy các pháp duyên sanh theo chiều thuận tuần tự từng pháp một và thấy ra rằng:
– Vô minh (1) duyên hành (2)
– Hành duyên thức (3)
– Thức duyên danh-sắc (4)
– Danh-sắc duyên lục nhập (5)
– Lục nhập duyên xúc (6)
– Xúc duyên thọ (7)
– Thọ duyên ái (8)
– Ái duyên thủ (9)
– Thủ duyên hữu (10)
– Hữu duyên sanh (11)
– Sanh duyên lão, tử , sầu, bi, khổ thân, khổ tâm và tuyệt vọng (12).
Để thấy sự diệt của các hành theo nhân duyên ở A-la-hán Thánh quả và lúc nhập Vô Dư Niết-bàn, hành giả thấy các pháp duyên diệt theo chiều thuận tuần tự từng pháp một và nhận ra rằng:
– Cùng với sự diệt không còn dư tàn của vô minh, các hành cũng diệt.
– Với sự diệt của các hành, thức diệt.
– Với sự diệt của thức, danh-sắc diệt.
– Với sự diệt của danh-sắc, lục nhập diệt.
– Với sự diệt của lục nhập, xúc diệt.
– Với sự diệt của xúc, thọ diệt.
– Với sự diệt của thọ, ái diệt.
– Với sự diệt của của ái, thủ diệt.
– Với sự diệt của thủ, hữu diệt.
– Với sự diệt của hữu, sanh diệt.
– Với sự diệt của sanh, già, chết, sầu, bi, khổ thân, khổ tâm và tuyệt vọng diệt.
Chính theo cách này mà mọi hình thức của khổ diệt.
Như trước, hành giả thấy cả sự sanh theo nhân duyên và theo sát-na lẫn sự diệt theo nhân duyên và theo sát-na của các hành. Hành giả thấy các pháp duyên sanh và duyên diệt theo chiều thuận tuần tự từng pháp một, đó là:
1. Vô minh duyên cho các hành.
2. Với sự diệt không còn dư tàn của vô minh, các hành cũng diệt.
3. Vô minh là vô thường, các hành cũng vô thường.
Hành giả thấy các pháp duyên khởi theo cùng cách ấy, ở bên trong và bên ngoài, ở quá khứ, hiện tại và vị lai.
Đây là sự giải thích hết sức tóm tắt về cách làm thế nào để tu tập Tuệ Sanh và Diệt của các hành.
Làm Thế Nào Để Vượt Qua Mười Tùy Phiền Não Của Minh Sát
Khi hành giả áp dụng các phương pháp này và tuệ giác của hành giả càng lúc càng trở nên mạnh hơn, chính ở giai đoạn này, mười tùy phiền não của minh sát (dasa upakkilesa) có thể phát sinh. Đó là:
1. Ánh sáng (obhāsa)
2. Tuệ (ñāṇa)
3. Hỷ (pīti)
4. Khinh an (passaddhi)
5. Lạc (sukha)
6. Quyết định (adhimokkha)
7. Tinh tấn (paggaha)
8. Niệm (upaṭṭthāna)
9. Xả (upekkha)
10. Tham chấp (nikanti)
Ngoại trừ ánh sáng (hào quang) và tham chấp ra, các tùy phiền não còn lại là những pháp thiện, và do vậy không phải là những phiền não. Tuy nhiên chúng có thể trở thành những đối tượng cho bất thiện pháp (tức là hành giả có thể chấp trước vào chúng), đó là lý do vì sao chúng được gọi là những tùy phiền não. Nếu hành giả kinh nghiệm một trong những tùy phiền não của minh sát này, hành giả cần phải vượt qua sự tham chấp và mong mỏi rất có thể sẽ khởi sanh nhờ thấy nó là vô thường, khổ và vô ngã. Theo cách đó, hành giả mới có thể tiếp tục phát triển tiến bộ của mình được.
Hành Giả Tu Tập Tuệ Quán Sự Tan Rã Như Thế Nào
Sau khi đã tu tập xong tuệ quán sự sanh diệt, tuệ giác của hành giả về các hành được bền vững và thanh tịnh hơn. Lúc này hành giả phải tu tập tuệ quán sự tan rã (bhanga ñāṇa). Để làm được điều này, hành giả chỉ tập trung vào sát-na diệt (vaya) và tan hoại (bhanga) của các hành. Hành giả không thấy sự sanh của các hành, không thấy sự trú (ṭhiti) của các hành, không thấy các tướng (nimitta) của các hành riêng biệt, không thấy sự khởi chuyển của quá trình tạo ra các hành. Sử dụng năng lực minh sát trí của mình, hành giả chỉ thấy sự tan hoại của các hành và tưởng tri chúng là vô thường, khổ và vô ngã.
1. Hành giả thấy sự hoại diệt, sự sụp đổ và tan hoại của các hành, tức thấy được tính chất vô thường của chúng.
2. Hành giả thấy sự tan rã liên tục của các hành là đáng sợ, tức thấy được tính chất khổ của chúng.
3. Hành giả thấy sự không tồn tại của bất kỳ một cốt lõi thường hằng nào trong các hành, tức thấy được tính chất vô ngã.
Hành giả phải thấy vô thường, khổ và vô ngã không chỉ ở sự tan hoại của danh-sắc mà còn trong sự tan hoại của các tâm minh sát đã thấy được điều này nữa. Tức là, hành giả phải thấy sự hoại diệt của sắc và biết nó là vô thường. Đó là tâm minh sát thứ nhất của hành giả. Rồi, với một tâm minh sát thứ hai, hành giả thấy sự tan hoại của tâm minh sát thứ nhất, và như vậy, biết nó là vô thường nữa. Hành giả cũng làm thế với danh, rồi lại làm như vậy đối với danh và sắc để tuệ tri chúng là khổ và vô ngã. Hành giả cứ lập đi lập lại những bài tập này nhiều lần, luân phiên giữa bên trong và bên ngoài, giữa danh và sắc, các hành (thuộc) nhân và các hành (thuộc) quả ở quá khứ, hiện tại và vị lai (Các hành thuộc nhân là các pháp hay chi phần của duyên khởi: vô minh, hành, thức, danh-sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu. Các hành thuộc quả là sắc do nghiệp sanh, do tâm sanh, do thời tiết sanh và do vật thực sanh và các tâm hành thuộc quả).
Tuệ Tri Mười Một Tuệ Minh Sát Đầu Tiên
Khi hành giả tiếp tục phân biệt sự trôi qua và diệt của các hành theo cách này, tuệ giác vững mạnh của hành giả sẽ tiến triển qua sáu minh sát tuệ kế tiếp.
Đến giai đoạn này, hành giả đã tu tập được mười một tuệ đầu trong số mười sáu tuệ minh sát. Năm tuệ đầu mà hành giả đã tu tập trước đó là:
1. Tuệ Phân Tích Danh Sắc (Nāma-rūpa pariccheda ñāṇa)
2. Tuệ Phân Biệt Nhân Duyên (Paccaya – pariggaha ñāṇa)
3. Tuệ Thẩm Sát (Sammasana ñāṇa)
4. Tuệ (quán) Sự Sanh Diệt (Udayabba ñāṇa)
5. Tuệ (quán) Sự Tan Hoại (Bhanga ñāṇa)
Và sáu tuệ kế tiếp mà hành giả sẽ đi qua là:
6. Tuệ (quán) Sự Kinh Úy (Bhaya ñāṇa)
7. Tuệ (quán) Sự Nguy Hiểm (dīnava ñāṇa)
8. Tuệ Yểm Ly (Nibbidā ñāṇa)
9. Tuệ Dục Thoát (Muñcitukamyatā ñāṇa)
10. Tuệ Giản Trạch (Paṭisankhā ñāṇa)
11. Tuệ Xả Hành (Sankhārupekkhā ñāṇa)
Bởi lẽ hành giả đã tu tập năm tuệ minh sát đầu một cách thấu đáo nên sáu tuệ kế tiếp cũng sẽ nhanh chóng phát triển. Có một vài hướng dẫn thêm cho các tuệ này, song chúng tôi không có đủ thời gian để giải thích ở đây.
Biết và Thấy Niết-bàn
Sau khi chứng đắc các tuệ này, hành giả vẫn tiếp tục công việc thấy sự trôi qua và diệt mất của mỗi hành khi chúng khởi lên, với ước muốn thoát khỏi chúng, hành giả sẽ thấy ra rằng cuối cùng tất cả các hành đều diệt. Tâm hành giả trực tiếp biết và thấy Niết-bàn – đó là ý thức trọn vẹn về (vô vi) Niết-bàn kể như đối tượng.
Khi tâm thấy Niết-bàn, hành giả kinh qua năm tuệ còn lại cùng với sự khởi lên của tiến trình tâm đạo (maggavīthi). Năm tuệ đó là:
12. Tuệ Thuận Thứ (Anulama ñāṇa)
13. Tuệ Chuyển Tộc (Gotrabhù ñāṇa)
14. Tuệ Đạo (Magga ñāṇa)
15. Tuệ Quả (Phala ñāṇa)
16. Tuệ Phản Khán (Paccavekkhana ñāṇa)
Tiến trình tâm đạo qua đó năm tuệ cuối cùng này sanh lên có bảy giai đoạn:
1. Một ý môn hướng tâm khởi lên thấy các hành kể như vô thường, khổ hoặc vô ngã tùy theo cách Tuệ Xả Hành khởi như thế nào.
2. Một tốc hành tâm (javana) đầu tiên khởi lên (làm “công việc chuẩn bị” – Parikamma), thấy các hành theo cùng cách ấy. Nó duy trì tính tương tục của tâm (Trong một số trường hợp, nếu tuệ của hành giả cực mạnh, tâm này sẽ không khởi lên và như vậy tốc hành tâm đầu tiên là “cận hành” (upacārā).
3. Một tốc hành tâm thứ hai khởi lên (“cận hành” – upacāra), cũng thấy các hành theo cùng cách ấy.
4. Một tốc hành tâm thứ ba khởi lên (“thuận thứ”” – anuloma), cũng thấy các hành theo cùng cách ấy.
Thực ra, ba tốc hành tâm (chuẩn bị, cận hành và thuận thứ) này là thành phần của tuệ thứ mười hai – Tuệ Thuận Thứ (anuloma ñāṇa).
Thuận (thứ) theo cái gì? Theo những gì đã đến trước và theo những gì sẽ đến sau. Tuệ này thuận theo những phận sự thấy sự thực trong tám tuệ minh sát đã đến trước (từ Tuệ Quán Sự Sanh Diệt đến Tuệ Xả Hành), và nó cũng thuận theo ba mươi bảy pháp thuộc tâm đạo dự phần vào sự giác ngộ sẽ đến sau. Tuệ Thuận Thứ là tuệ cuối cùng có các hành kể như đối tượng của nó.
5. Một tốc hành tâm thứ tư khởi lên có Niết-bàn làm đối tượng. Đây là tuệ thứ mười ba là Tuệ Chuyển Tộc (Gotrabhū ñāṇa).
Mặc dù tâm này biết (vô vi) Niết-bàn, nó vẫn không hủy diệt các phiền não, nhiệm vụ của nó là chuyển tâm từ phàm tộc sang thánh tộc mà thôi.
6. Một tốc hành tâm thứ năm khởi lên, có Niết-bàn làm đối tượng. Đây là tuệ thứ mười bốn, vốn tiêu diệt các phiền não thích đáng – Tuệ Đạo (Magga ñāṇa).
7. Tốc hành tâm thứ sáu và thứ bảy khởi lên với Niết-bàn làm đối tượng. Chúng là tuệ thứ mười lăm – Tuệ Quả (Phala ñāṇa).
Phản Khán Tuệ (Paccavekkhana ñāṇa)
Tuệ thứ mười sáu và cũng là tuệ cuối cùng là Tuệ Phản Khán. Tuệ này làm nhiệm vụ xét lại năm pháp:
1. Xét lại Đạo Tuệ
2. Xét lại Quả Tuệ
3. Xét lại Niết-bàn
4. Xét lại những phiền não đã bị tiêu diệt
5. Xét lại những phiền não chưa bị tiêu diệt.
Như vậy hành giả đã đạt đến chánh trí về Tứ Thánh Đế và đã tự mình chứng ngộ Niết-bàn. Với sự chứng ngộ này, tâm hành giả đã được tịnh hóa và thoát khỏi mọi tà kiến. Nếu hành giả cứ tiếp tục theo cách này, có thể hành giả sẽ đạt đến A-la-hán Thánh quả và nhập Vô Dư Niết-bàn.
Dĩ nhiên còn có nhiều chi tiết về việc tu tập tuệ này nhưng chúng tôi phải bỏ qua để bài giải thích này được tóm gọn như có thể. Cách tốt nhất để học về pháp hành này là tham dự một khóa thiền với một vị thiền sư có đủ khả năng vì lúc ấy hành giả có thể học một cách hệ thống hơn theo tuần tự từng bước một.
HỎI ĐÁP 7
Hỏi 7.1: Sự khác nhau giữa tưởng (saññā) và tưởng uẩn (saññākkhandha); giữa thọ (vedāna) và thọ uẩn (vedānakkhandha) là gì?
Đáp 7.1: Mười một loại tưởng hợp lại với nhau thì gọi là tưởng uẩn. Mười một loại thọ hợp lại với nhau thì gọi là thọ uẩn. Thế nào là mười một? Quá khứ, hiện tại, vị lai, bên trong, bên ngoài, thô, tế, hạ liệt, cao thượng, gần và xa. Cả năm uẩn cần được hiểu theo cách như vậy. Có thể xem lại Kinh Uẩn (Khandha Sutta) trong Tương Ưng Bộ Kinh để có thêm lời giải thích.
Hỏi 7.2: Ký ức, sự suy đoán và sáng tạo thuộc về tâm sở nào? Chúng là một phần của năm uẩn, nhưng tại sao chúng lại trở thành khổ (dukkha)?
Đáp 7.2: Thế nào là ký ức? Nếu quý vị nhớ đến các đối tượng thiền chỉ, như tướng kasiṇa hoặc tướng hơi thở thì đó là chánh niệm (sammā sati). Nếu quý vị có thể thấy danh-sắc chân đế (paramattha nāma-rūpa) ở quá khứ, hiện tại và vị lai cùng với các nhân của chúng và thấy chúng là vô thường, khổ và vô ngã, đây cũng là chánh niệm. Niệm kết hợp với minh sát trí. Niệm này có ba mươi ba tâm hành phối hợp, tất cả hợp chung lại gọi là bốn danh uẩn (nāmakkhandha). Nhớ đến Đức Phật, Giáo Pháp và Chư Tăng (Buddha, Dhamma, Sangha), và những dịp cúng dường đã làm trong quá khứ cũng là chánh niệm. Khi nhớ đến các hành động tạo ra thiện pháp thì đó cũng là chánh niệm, nhưng sẽ không phải là chánh niệm khi nó tạo ra các bất thiện pháp. Đây là những tưởng bất thiện, tức là những tưởng kết hợp với các pháp bất thiện; chúng cũng là bốn danh uẩn.
Các danh uẩn dù thiện hay bất thiện cũng đều vô thường. Ngay khi sanh lên, chúng liền diệt. Chúng phải chịu sanh diệt liên tục như vậy nên gọi chúng là khổ.
Hỏi 7.3: Tâm sở nào làm việc “bắt lấy đối tượng” liên hệ?
Đáp 7.3: Tất cả tâm (citta) và các các tâm sở phối hợp (cetasika) cùng bắt một đối tượng. Không có đối tượng, chúng (tâm, tâm sở) không thể khởi lên. Tâm và các tâm sở phối hợp là chủ thể (nhận thức). Chủ thể – ārammaṇika dhamma – không thể khởi lên mà không có đối tượng (àrammana). Arammaṇika là pháp (dhamma) bắt lấy đối tượng. Nói cách khác, chủ thể là pháp biết một đối tượng. Nếu không có đối tượng cần được biết thì sẽ không có pháp làm việc biết. Các nhóm tâm và tâm sở khác nhau bắt lấy những đối tượng khác nhau. Có tám mươi chín loại tâm và năm mươi hai loại tâm sở, tất cả bắt lấy đối tượng tương ứng của chúng. Chẳng hạn, các tâm đạo và tâm quả cùng với các tâm sở (maggacitta – cetasikavà phalacitta – cetasika) chỉ bắt một đối tượng duy nhất là Niết-bàn. Một tâm thiền hơi thở và các tâm sở của nó chỉ bắt một đối tượng duy nhất là tợ tướng hơi thở (ānāpānā patibhāga nimitta). Tâm và tâm sở thiền kasiṇa đất chỉ bắt tợ tướng kasiṇa đất là đối tượng. Tất cả những tâm ấy là những tâm siêu thế và sắc giới. Riêng tâm dục giới (kāmāvacaracitta) bắt lấy những đối tượng tốt xấu khác nhau. Nếu muốn biết rõ hơn về vấn đề này, quý vị nên nghiên cứu Vi Diệu Pháp, chính xác hơn nên xem phần Ārammaṇa (đối tượng) của bộ Vi Diệu Pháp Yếu Nghĩa (Abhidhammattha Sangaha).
Hỏi 7.4: Làm việc phục vụ cho tăng chúng (Sangha) có ảnh hưởng gì đến thiền của mình không? Điều đó tùy thuộc vào các nhân, hay chúng ta có thể thành tựu một mức độ định nào đó rồi sau hãy làm việc thì không có ảnh hưởng gì?
Đáp 7.4: Trong nhiều bài kinh đức Phật thường quở trách các vị tỳ khưu làm những việc sau:
– Ưa thích làm việc (kammārāmatā)
– Ưa thích nói chuyện (bhassārāmatā)
– Ưa thích ngủ nghỉ (niddārāmatā)
– Ưa thích hội chúng (sanghaṇikārāmatā)
– Không phòng hộ các căn (indriyesu agutta dvāratā)
– Không tiết độ trong ăn uống (bhojāne amattaññutā)
– Không cố gắng thực hành Chỉ-Quán với sự tiết chế ngủ nghỉ (jāgariye ananuyuttā)
– Lười biếng không thực hành Chỉ-Quán (kusita, kosajja)
Vì thế, nếu có công việc gì (hành giả) cần phải làm cho Tăng chúng hay cho chính bản thân mình thì hãy cố gắng hoàn tất nhanh chóng càng sớm càng tốt để trở lại với việc hành thiền của mình với tâm an tịnh.
Nếu hành giả thích làm việc nhiều quá thì đó là một chướng ngại cho thiền vì niệm vững chắc và mạnh mẽ trên đối tượng thiền lúc ấy khó có thể đạt được. Nói chung, thích làm việc sẽ không tạo ra định tâm tốt được.
Hỏi 7.5: Liệu một người tu tập thiền với ý xấu có thể được lợi gì từ việc đắc thiền không? Và còn về một người xài tiền của Tăng (Đức Phật xem đó là một trọng tội nếu vị tỳ khưu nào thọ nhận, sở hữu hoặc sử dụng tiền. Điều cấm này đã được thiền sư Pa-Auk Sayadaw tuân thủ) cho mục đích cá nhân của họ và không nghĩ việc làm đó là sai lầm. Khi họ đắc tứ thiền, tâm của họ hoặc quan kiến của họ có thay đổi không?
Đáp 7.5: Trong trường hợp này quý vị nên phân biệt một người tại gia và một vị tỳ khưu. Nếu một vị tỳ khưu đã phạm một tội (āpatti) thì đó làm một chướng ngại cho việc đắc thiền. Chẳng hạn, nếu họ chiếm hữu vật dụng (tứ vật dụng) hợp pháp của Tăng để xài riêng cho mình thì điều đó sẽ trở ngại cho việc đắc thiền, trừ khi họ sửa sai tội đó (āpatti). Có nghĩa là vị ấy phải trả lại những vật dụng có giá trị tương đương với những vật dụng hợp pháp (của Tăng) mà vị ấy đã dùng. Rồi vị ấy phải thú tội trước Tăng hoặc một vị tỳ khưu khác. Sau khi sám hối tội lỗi, nếu vị ấy hành Chỉ-Quán, vị ấy có thể đắc thiền hoặc đạo – quả. Còn nếu không sửa lỗi mà vị ấy thực sự đắc thiền thì có thể vị ấy không phải là một vị tỳ khưu thực thụ và do đó, tội ấy cũng không phải là một tội.
Đối với người tại gia, thanh tịnh giới hạnh cũng cần thiết. Và nếu họ làm cho trong sạch giới hạnh của mình trước khi hành thiền là điều rất tốt, tức là, nếu họ thọ trì ngũ giới hoặc bát giới. Nhờ thọ trì giới luật, trong lúc hành thiền, giới hạnh của họ trong sạch, họ có thể đắc thiền, mặc dù trước khi thiền họ là người xấu. Ví dụ, trong Chú Giải Pháp Cú (Dhammapada) có ghi lại câu chuyện về nữ tỳ Khujjuttarā. Cô là tỳ nữ của Sāmāvatī – Hoàng hậu của vua Udena. Hàng ngày vua Udena đưa cho cô tám đồng tiền vàng để mua hoa cho hoàng hậu, nhưng cô chỉ mua bốn đồng, còn lấy bốn đồng cho mình. Ngày nọ, đức Phật cùng tăng chúng đến dự trai tăng tại nhà người bán hoa. Khujjuttarā phụ người bán hoa dâng vật thực cho chư tăng. Sau bữa ăn, đức Phật thuyết pháp. Trong suốt thời pháp ấy, Khujjuttarā khởi tâm hổ thẹn vì đã ăn cắp tiền và quyết định từ nay về sau không hành động như thế nữa. Quyết định của cô là một thí dụ về giới đã được thanh tịnh trong khi lắng nghe pháp. Sau khi nghe hết thời pháp với tâm thiền, Khujjuttarā trở thành một vị Nhập Lưu. Từ đó, cô đã mua hoa với tất cả số tiền vua đưa. Khi đưa hoa cho hoàng hậu Sàmàvatì, hoàng hậu rất ngạc nhiên vì thấy hoa nhiều hơn thường lệ. Khujjuttarā liền kể lại tất cả.
Cũng nên xét đến trường hợp của Tôn giả Angulimāla. Trước khi trở thành một tỳ khưu, Ngài là một sát nhân khét tiếng. Nhưng khi đã là một tỳ khưu, Ngài đã thanh tịnh giới hành của mình và tinh tấn hành thiền. Vì thế Ngài đã đắc A-la-hán Thánh quả.
Cần lưu ý ở đây là trong vòng luân hồi, mọi người ai cũng đã từng tạo những thiện nghiệp và ác nghiệp. Không người nào tránh khỏi những ác nghiệp cả. Nhưng nếu họ thanh tịnh giới hạnh của mình trong lúc hành thiền thì những ác nghiệp trước không thể ngăn cản việc chứng thiền của họ. Tuy nhiên, đó chỉ là khi nào những ác nghiệp trước đó không thuộc về một trong năm nghiệp vô gián (anantariya kamma). Năm vô gián nghiệp là: giết cha, giết mẹ, giết một vị A-la-hán, với ác ý làm cho một vị Phật chảy máu, gây chia rẽ trong Tăng chúng.
Nếu đã phạm vào một trong những ác nghiệp này thì không thể đắc thiền hay đạo và quả được, như trường hợp vua Ajātasattu (A-xà-thế). Vua Ajātasattu có đủ ba-la-mật để trở thành một vị Nhập Lưu sau khi nghe xong Kinh Sa Môn Quả (Sāmaññaphala Sutta). Nhưng vì ngài đã giết cha của mình là vua Bimbisàra nên điều đó đã không xảy ra.
Quý vị hỏi, vậy thì sau khi đắc thiền, tâm của những người như vậy hoặc quan kiến của họ có thay đổi không. Chúng ta biết thiền có thể loại trừ các triền cái trong một thời gian dài, có nghĩa là, nếu họ nhập thiền trong một giờ thì trong thời gian đó các triền cái sẽ không khởi lên. Khi họ xuất thiền, các triền cái có thể trở lại do phi lý tác ý. Vì thế chúng ta không thể nói chắc được là tâm của một người như vậy sẽ chuyển đổi hay không với việc chứng thiền. Chúng ta chỉ có thể nói rằng bao lâu họ còn trong bậc thiền thì chừng đó các triền cái không khởi lên, vậy thôi.
Cũng có những ngoại lệ, như trường hợp của Trưởng lão Mahānāga . Mặc dù ngài đã hành thiền Chỉ-Quán trong hơn sáu mươi năm song vẫn còn là phàm phu (puthujjana). Tuy nhiên, do việc thực hành Chỉ-Quán vững chắc của ngài, không có phiền não nào xuất hiện trong suốt sáu mươi năm ấy. Chính vì điều này, ngài nghĩ mình đã là một vị A-la-hán. Nhưng một trong những đệ tử của ngài là vị A-la-hán Dhammadinna đã biết rõ và gián tiếp giúp ngài nhận ra điều đó. Khi Trưởng lão Mahānāga nhận ra rằng mình còn là phàm nhân, ngài tiến hành Vipassanā và chỉ ít phút sau ngài đã đắc quả A-la-hán. Nhưng đây là trường hợp rất hiếm.
Một điểm khác quý vị cũng cần phải nhớ, ngài là một bậc lão thông pháp học (pariyatti) cũng như pháp hành (paṭipatti). Ngoài ra ngài còn là một vị thiền sư (kammaṭṭhānācariya), có rất nhiều vị A-la-hán, như Dhammadinna, là đệ tử của ngài. Mặc dù ngài thông thạo trong Chỉ-Quán, song có những hiểu lầm vẫn khởi lên trong tâm do một sự tương tự nào đó trong các kinh nghiệm. Vì thế, nếu quý vị nghĩ về bản thân mình rằng “ta đã đạt đến sơ thiền” v.v…, quý vị nên xem xét lại kinh nghiệm của mình một cách toàn diện qua nhiều ngày, thậm chí nhiều tháng. Tại sao? Nếu đó là jhāna hoặc vipassanā thực thụ thì chúng có lợi cho hành giả, vì thiền hoặc minh sát ấy có thể giúp quý vị đạt đến “Niết-bàn” thực sự, đây là “Tịnh Độ”(Tịnh Độ được gọi là Tây Phương, Cực Lạc Quốc trong truyền thống Mahāyāna (Đại Thừa), nơi đây có đức Phật gọi là Phật A-Di-Đà đang chờ đợi những ai được tái sanh về đó nhờ niệm danh hiệu của ngài. Nói chung, mục đích của truyền thống Đại Thừa là vãng sanh Tịnh Độ vì ai đi đến đó đều sẽ thành Phật và họ sẽ đi cứu độ tất cả chúng sanh ở khắp Ta-bà thế giới! Còn Tịnh Độ mà thiền sư Pa-Auk nói ở đây (truyền thống Phật giáo Theravāda) chỉ như một biểu trưng cho Niết-bàn để phù hợp với thính chúng theo Đại Thừa, chứ Ngài không nói rằng Niết-bàn là một nơi, hay không muốn dùng bất kỳ một cách nào để so sánh với Tây Phương Tịnh Độ v.v… Xem lại phần nói về cảnh giới siêu thế (lokuttarabhūmi) ở câu trả lời 3.12) của truyền thống Phật giáo Theravāda. Nhưng “thiền giả tạo” và “minh sát giả tạo” không thể làm phát sanh những lợi ích này.
Vì thế chúng tôi muốn đề nghị là quý vị không nên nói với những người khác “tôi đã đắc sơ thiền”, v.v… quá sớm, vì có thể có người nào đó sẽ không tin quý vị. Cũng có thể kinh nghiệm của quý vị là thực, nhưng cũng có thể là chưa phải, như Trưởng lão Mahānāga. Quý vị nên ý thức về vấn đề này.
Hỏi 7.6: Thế nào là sự khác nhau giữa tổng hợp sắc (rūpakalāpa) và sắc chân đế (paramattharūpa)?
Đáp 7.6: Rūpakalāpa là những phần tử nhỏ. Khi hành giả phân tích những phần tử nhỏ ấy họ thấy sắc chân đế (paramattharūpa). Trong một tổng hợp sắc có ít nhất tám loại sắc là: đất, nước, gió, lửa, màu, mùi, vị và dưỡng chất. Tám loại sắc này là sắc chân đế. Trong một số các tổng hợp sắc có thêm sắc thứ chín nữa là sắc mạng căn (jīvita rūpa) và ở một số khác còn có thêm sắc thứ mười là sắc tánh (bhāva rūpa) hoặc sắc tịnh sắc (pasādarūpa). Tám, chín hay mười loại sắc này đều là sắc chân đế.
Hỏi 7.7: Khi một hành giả có thể thấy các tổng hợp sắc hay sắc chân đế rồi, liệu tâm (citta) và kiến (diṭṭhi) của họ có thay đổi không?
Đáp 7.7: Khi một hành giả với minh sát trí thấy được sắc chân đế trong mỗi tổng hợp sắc rồi thì tâm và kiến của họ sẽ thay đổi nhưng chỉ tạm thời vì minh sát trí (tuệ) loại trừ tà kiến và các phiền não khác chỉ trong nhất thời thôi. Chính Thánh đạo (ariyamagga) theo từng giai đoạn mới hủy diệt hoàn toàn các tà kiến và những phiền não khác.
Hỏi 7.8: Định tịnh hóa tâm (cittavisuddhi) như thế nào? Các loại phiền não (kilesa) nào được loại trừ bằng định?
Đáp 7.8: Thực hành định là trực tiếp đối đầu với năm triền cái. Cận định và định của sơ thiền loại trừ năm triền cái trong một thời gian dài. Định của nhị thiền loại trừ tầm (vitakka) và tứ (vicāra). Định của tam thiền loại trừ hỷ (pīti). Định tứ thiền loại trừ lạc (sukha). Theo cách này, tâm được thanh tịnh nhờ định và vì thế cũng gọi là thanh tịnh tâm.
Hỏi 7.9: Vipassanā (minh sát) tịnh hóa kiến (diṭṭhi visuddhi) như thế nào? Các loại phiền não nào được loại trừ bằng (tuệ) minh sát?
Đáp 7.9: Trước khi thấy sắc chân đế cũng như các nhân và tính chất vô thường, khổ và vô ngã của chúng, một hành giả có thể có những tà kiến hay tà tưởng như “đây là đàn ông, đàn bà, mẹ, cha, tự ngã v.v…” Nhưng khi vị ấy thấy rõ thì tà kiến này được loại trừ tạm thời. Vì sao nó được loại trừ? Vì vị ấy thấy rằng chỉ có danh-sắc chân đế và các nhân của chúng. Vị ấy cũng thấy rằng ngay khi chúng khởi lên, chúng liền diệt, đó là tính chất vô thường của chúng. Chúng luôn luôn phải chịu sanh diệt như vậy nên bản chất của chúng là khổ. Không có một tự ngã nào trong danh-sắc và các nhân của chúng nên bản chất của chúng là vô ngã. Đây là minh sát trí (vipassanā ñāṇa). Chính chánh kiến (sammā diṭṭhi) này loại trừ các tà kiến (micchā diṭṭhi). Minh sát trí cũng còn loại trừ các phiền não như tham và mạn vốn là những kẻ “đồng lõa” với tà kiến. Vì thế, trong lúc một hành giả hành vipassanà thì chánh kiến có mặt nhưng chỉ tạm thời, bởi vì khi vị ấy ngưng thiền, tà kiến sẽ xuất hiện lại do phi như lý tác ý (ayonisomanasikāra). Lúc đó vị ấy lại tưởng “đây là đàn ông, đàn bà, mẹ, cha, tự ngã, v.v…” và những phiền não kết hợp như tham, sân, mạn cũng sẽ khởi sanh. Khi vị ấy trở lại với thiền minh sát, tà kiến này lại biến mất. Vì thế, minh sát trí chỉ tạm thời loại trừ các tà kiến và phiền não mà thôi. Tuy nhiên, khi hành giả đạt đến đạo và quả thì Đạo Tuệ (magga ñāṇa) sẽ hủy diệt các tà kiến ấy và những phiền não khác một cách hoàn toàn, từng giai đoạn một.
Hỏi 7.10: Thế nào là sự khác nhau giữa tâm và kiến?
Đáp 7.10: Tâm là citta, nhưng trong cittavisuddhi (thanh tịnh tâm), nó lại đặc biệt đề cập đến một tâm, như cận định tâm (upacāra samādhi citta) hoặc an chỉ – thiền tâm (appanā jhāna citta). Diṭṭhi có nghĩa là tà kiến và là một tâm sở (cetasika). Tâm sở này khởi sanh cùng với bốn tâm căn tham. Một tâm căn tham (lobhamūlacitta) hoặc phối hợp với tà kiến, hoặc phối hợp với ngã mạn.
Tà kiến ở đây là ngã tưởng (attasaññā). Có hai loại ngã tưởng:
1. Ngã tưởng phổ thông của thế gian (loka sañsaññā attavāda). Đây là một loại tà kiến có mặt như hệ quả của tập quán, tưởng cho rằng có đàn ông, đàn bà, cha, mẹ, v.v…
2. Ngã kiến (atta diṭṭhi). Đây là một loại tà kiến có mặt như hệ quả của tham ái (taṇhā), tưởng cho rằng có một tự ngã bất khả hoại (atta), và cho rằng tự ngã bất khả hoại ấy do một sáng tạo chủ (paramatta) tạo ra.
Thực sự không có một tự ngã nào trong ba mươi mốt cõi mà chỉ có danh-sắc và các nhân của chúng. Danh-sắc ấy cũng luôn luôn vô thường, khổ và vô ngã. Ngoài ba mươi mốt cõi này cũng không có tự ngã. Minh sát trí này gọi là chánh kiến minh sát (vipassanā sammā diṭṭhi). Nó thủ tiêu tà kiến một cách tạm thời, gồm luôn cả tà kiến về tự ngã. Nhưng chỉ có đạo trí (magga ñāṇa), tức chánh kiến thuộc Thánh đạo (magga samāa diṭṭhi) mới hủy diệt hoàn toàn tà kiến. Như vậy, thực sự chúng ta có ba loại kiến: tà kiến (micchā diṭṭhi); chánh kiến minh sát (vipassanā sammā diṭṭthi), còn gọi là chánh kiến hiệp thế (lokiya sammā dṭṭhi); chánh kiến Thánh đạo (magga sammā diṭṭhi), còn gọi là chánh kiến siêu thế (lokuttara sammā diṭṭhi).
Kinh Brahmajāla Sutta (Kinh Phạm Võng. D1) luận bàn đến cả thảy sáu mươi hai tà kiến hiện hành. Tất cả tà kiến ấy đều được sắp dưới danh mục tà kiến về tự ngã, còn được gọi là “thân kiến” (sakkāya diṭṭhi). Tự thân (sakkāya) là năm uẩn nên thân kiến tức là xem năm uẩn như là tự ngã. Cũng có nhiều loại chánh kiến, những loại kiến chân chánh như vậy được gọi là chánh kiến về Tứ Thánh Đế (catusacca sammā diṭṭthi):
– Chánh kiến thiền (jhāna sammā diṭṭhi): thiền trí kết hợp với các thiền chi.
– Chánh kiến phân biệt danh-sắc (nāma-rūpa pariggha sammā diṭṭhi): trí (quán) danh-sắc chân đế.
– Chánh kiến về nghiệp và nghiệp quả (kammassakatā sammā diṭṭhi): trí thuộc về sự phân biệt nhân duyên.
– Chánh kiến minh sát (vipassanā sammā diṭṭhi): minh sát trí (quán) tính chất vô thường, khổ và vô ngã của danh-sắc và các nhân của chúng.
– Chánh kiến Thánh đạo (magga sammā diṭṭhi): trí về Niết-bàn.
– Chánh kiến Thánh quả (phala sammā diṭṭhi): trí về Niết-bàn.
Hỏi 7.11: Người hành thiền nên hành như lý tác ý (yoniso manasikāra) như thế nào trong đời sống hàng ngày và trong lúc hành Chỉ-Quán (samatha vipassanā) của họ?
Đáp 7.11: Như lý tác ý hiệu quả nhất là minh sát. Nếu quý vị hành đến mức minh sát (vipassanā) rồi, quý vị sẽ có như lý tác ý hiệu quả nhất. Như vậy, nếu quý vị hành minh sát trong đời sống hàng ngày, minh sát ấy sẽ tạo ra những kết quả tốt, như đạo và quả thấy Niết-bàn. Còn nếu quý vị không thể hành đến mức minh sát được, quý vị nên suy xét đến sự kiện rằng, các pháp hữu vi là vô thường (sabbe saṅkhāra anicca). Đây cũng là tác ý như lý nhưng rất yếu và chỉ có tính cách gián tiếp thôi.
Quý vị cũng có thể thực hành bốn phạm trú (brahmavihāra), đặc biệt là xả phạm trú (upekkhābrahmavihāra). Đó là loại tác ý như lý cao cấp nhất, bởi vì thực hành xả phạm trú là để thấy quy luật của nghiệp đúng theo tinh thần “sabbe sattā kammassakā” (tất cả chúng sinh đều là chủ nhân ông của nghiệp họ làm). Đôi khi quý vị cũng có thể phản tỉnh đến những hậu quả của phi lý tác ý. Phi lý tác ý khiến cho nhiều bất thiện nghiệp tuần tự xảy đến. Những bất thiện nghiệp này sẽ tạo ra muôn vàn khổ đau trong bốn ác đạo (apāya). Hiểu được điều này là như lý tác ý. Quý vị nên thực hành như vậy thường xuyên trong đời sống hàng ngày của mình.
Hỏi 7.12: Thế nào là sự khác nhau giữa tác ý (manasikāra) và thực hành Thất Giác Chi (bojjhanga)?
Đáp 7.12: Khi quý vị hành Thất Giác Chi, tác ý thường đứng đầu ba mươi bốn tâm hành. Có khi ba mươi bốn tâm hành còn được gọi là minh sát trí, vì trong ba mươi bốn tâm hành ấy, tuệ (paññā) là yếu tố chính vậy.
Ở đây, quý vị nên biết đến ba loại tác ý liên quan đến nội dung này.
1. Tác ý kể như nhân căn bản cho đối tượng (ārammaṇa paṭipādaka manasikāra)
2. Tác ý kể như nhân căn bản cho tiến trình tâm (vīthi paṭipādaka manasikāra)
3. Tác ý kể như nhân căn bản cho tốc hành tâm (javana paṭipādaka manasikāra).
Tác ý kể như nhân căn bản cho đối tượng tức là tâm sở tác ý. Nhiệm vụ của nó là làm cho đối tượng rõ ràng đến tâm của hành giả.
Tác ý kể như nhân căn bản cho tiến trình tâm là ngũ môn hướng tâm (pañcadvārāvajjana) trong tiến trình tâm ngũ môn (pañcadvāravīthi). Nhiệm vụ của nó là cho tất cả các tiến trình ngũ môn khả năng bắt lấy đối tượng tương ứng của nó.
Tác ý kể như nhân căn bản cho tốc hành tâm là ý môn hướng tâm (manodvārāvajjana) trong tiến trình tâm ý môn (manodvārāvīthi) và quyết định tâm (voṭṭhapana) trong tiến trình tâm ngũ môn. Trong trường hợp này tác ý, hoặc là như lý, hoặc là phi như lý. Nhiệm vụ của nó là làm cho tốc hành (javana) khởi lên. Nếu đó là như lý tác ý thì tốc hành sẽ là thiện đối với phàm nhân (puthujjana) và các bậc hữu học (sekkha). Còn đối với các bậc A-la-hán thì nó chỉ là duy tác (kiriya). Khi tác ý phi như lý thì tốc hành tâm luôn luôn là bất thiện, một điều không thể xảy ra trong các vị A-la-hán.
Hỏi 7.13: Xin thiền sư hoan hỷ giải thích bằng sơ đồ được không? Trong hệ thống thiền này, có cần thiết phải thực hành hơn ba mươi loại đề mục thiền (kammaṭṭhāna) không? Làm như vậy được lợi ích gì?
Đáp 7.13: Chúng tôi không quan tâm đến các sơ đồ. Nó được dựa trên loại sơ đồ mà một ông thầy giáo, loại người rất quan tâm đến các sơ đồ, vẽ.
Ở trung tâm thiền Pa-Auk, chúng tôi dạy nhiều loại thiền chỉ (samatha) cho những ai muốn hành chúng. Nếu họ không muốn hành hết những đề mục ấy mà chỉ muốn một đề mục duy nhất, như niệm hơi thở chẳng hạn, thì chúng tôi chỉ dạy họ thiền đó. Khi họ đã có thiền, chúng tôi đưa họ thẳng vào minh sát theo tuần tự một cách hệ thống.
Trong khi hành Chỉ-Quán, đôi khi có thể có những triền cái như tham (rāga), sân (dosa) và tư duy lan man (vitakka – tầm) xen vào khuấy dộng thiền định và minh sát của quý vị. Các đề tài thiền sau đây được xem là những vũ khí hữu hiệu nhất để loại trừ các triền cái đó.
Trong Kinh Meghiya, đức Phật khuyên:
Asubhā bhāvetabbā rāgassa pahānāya
(Hành giả nên hành thiền (quán) bất tịnh để loại trừ dục tham).
Mettā bhāvetabbā byāpādassa pahānāya
(Hành giả nên hành thiền tâm từ để loại trừ sân).
Ānāpānassati bhavetabbā vitakkupacchedāya.
(Hành giả nên hành niệm hơi thở để loại trừ tư duy lan man).
Hơn nữa, một tâm có định có thể thấy các pháp chân đế (paramattha dhamma) như chúng thực sự là. Trong các pháp hành định, tám thiền chứng (samāpatti) được xem là rất cao và vững mạnh, vì thế, những ai muốn hành tám thiền chứng một cách triệt để, chúng tôi cũng sẽ dạy thiền kasiṇa. Nếu quý vị muốn hiểu sơ đồ một cách trọn vẹn, quý vị cần phải hành Chỉ-Quán cho đến các Đạo – Quả Tuệ. Chỉ lúc ấy quý vị mới hiểu đầy đủ sơ đồ.
Vì sao chúng tôi không quan tâm đến các sơ đồ? Bởi vì, thực ra nó không đủ để trình bày toàn bộ hệ thống trên một trang giấy. Chúng tôi đã giải thích toàn bộ hệ thống này trên hơn ba ngàn sáu trăm trang giấy ở Miến Điện rồi. Một trang giấy không cách gì đủ được.
Hỏi 7.14: Một tâm sân có thể tạo ra nhiều thế hệ tổng hợp sắc do thời tiết sanh (utuja ajaṭṭhamaka kalāpa) và làm cho mắt lóe sáng lên được không?
Đáp 7.14: Khi nói “một tâm tạo ra ánh sáng” là chỉ nói theo phép ẩn dụ thôi, bởi vì thực sự, ngoài tâm kiết sanh (paṭisandhi citta) ra, tất cả các tâm sanh lên nương vào ý căn (sắc trái tim – hadayavatthu) đều tạo ra các tổng hợp sắc do tâm sanh (cittajakalāpa). Trong số các tổng hợp sắc này luôn luôn có màu (vaṇṇa). Màu này sẽ sáng hơn nếu tâm đó là một tâm thiền chỉ hay tâm thiền minh sát. Điều này đã được các bản kinh Pāli, các bản Chú Giải và Phụ Chú Giải đề cập đến. Tuy nhiên, những nguồn ấy không hề nói rằng sắc do tâm sanh được tạo ra bởi một tâm sân cũng phát ra ánh sáng.
Hỏi 7.15: Tâm thấy có thấy danh-sắc của chính nó bao gồm trong danh-sắc không? Nó có được kể trong tuệ không?
Đáp 7.15: Có, tâm ấy thấy được. Quý vị có thể thấy điều này ở mọi giai đoạn minh sát, đặc biệt ở giai đoạn Tuệ (quán) Sự Tan Hoại (bhanga ñāṇa). Trong Thanh Tịnh Đạo có nói:
“Ñātañca ñāṇañca vipassati” (Chúng ta phải hành minh sát trên cả “cái sở tri” – ñāta, lẫn trí (năng tri) – ñāṇa)
“Cái sở tri” ở đây là năm uẩn và các nhân của chúng, vốn phải được biết với minh sát trí. “Trí” (năng tri) có nghĩa là minh sát trí biết tính chất vô thường, khổ và vô ngã của năm uẩn và các nhân của chúng, tức là các pháp hành (saṅkhāra dhamma). Minh sát trí là tuệ, là chánh kiến minh sát. Thường thường chánh kiến minh sát khởi lên cùng với ba mươi ba hoặc ba mươi hai tâm hành, như vậy thành ra ba mươi bốn hoặc ba mươi ba tâm hành. Chúng được gọi là minh sát trí và cũng là các danh pháp bởi vì chúng có khuynh hướng nghiêng về đối tượng ở đây là tính chất vô thường, khổ và vô ngã của các hành.
Tại sao quý vị cần phải thấy tự thân minh sát trí cũng là vô thường, khổ và vô ngã? Bởi vì một số hành giả có thể hỏi hoặc nghĩ, không biết minh sát trí này là thường hay vô thường, lạc hay khổ, có ngã hay vô ngã. Để trả lời cho câu hỏi này, quý vị cần phải thấy tiến trình tâm minh sát tự thân nó là vô thường, khổ và vô ngã, đặc biệt ba mươi bốn tâm hành trong mỗi sát-na tâm tốc hành, dẫn đầu bởi minh sát trí. Hơn nữa, một số hành giả có thể trở nên hãnh diện vì họ có thể hành minh sát giỏi và thành công. Chính vì để loại trừ và ngăn ngừa những phiền não này mà quý vị cần phải thấy được minh sát trí hoặc tiến trình tâm minh sát tự thân nó cũng là vô thường, khổ và vô ngã.
Hỏi 7.16: Làm cách nào để vượt qua trạng thái tâm không thích và chán ngán trong suốt những giai đoạn hành thiền lâu dài hoặc ở một mình trong rừng vắng? Loại tâm này có phải là một pháp bất thiện không?
Đáp 7.16: Trạng thái tâm này gọi là giãi đãi (kosajja) và thường được xem là một pháp bất thiện kết hợp với tham hoặc sân v.v… Trạng thái tâm này sanh khởi là vì phi lý tác ý. Nếu tác ý phi như lý của một người được chuyển đổi và thay thế bằng như lý tác ý, người ấy có thể thành công trong thiền.
Để vượt qua trạng thái tâm này hành giả phải thỉnh thoảng nhớ lại rằng, thành công của đức Bồ tát Sakyamuni của chúng ta là do sự kiên trì của Ngài. Hành giả cũng nên nhớ lại những câu chuyện về các vị A-la-hán đã phấn đấu với muôn ngàn khó khăn như thế nào để thành công trong thiền pháp của họ, cuối cùng mới đắc quả vị A-la-hán. Chẳng một ai không nỗ lực lại có thể có được thành công. Đặc biệt trong thiền sự kiên trì là rất cần thiết. Như lý tác ý cũng rất quan trọng. Hành giả phải cố gắng tác ý đến tính chất vô thường, khổ và vô ngã trong các pháp hữu vi. Nếu được như thế, một ngày nào đó hành giả sẽ thành công.
Hỏi 7.17: Xin thiền sư hoan hỷ cho một ví dụ về một nguyện ước mà không đi cùng với vô minh, ái và thủ được không?
Đáp 7.17: Nếu quý vị hành minh sát khi đang thực hiện những thiện nghiệp và thấy được tính chất vô thường, khổ và vô ngã của các thiện nghiệp ấy thì vô minh, ái và thủ không khởi sanh. Còn nếu quý vị không thể hành minh sát (trong lúc làm thiện nghiệp) thì hãy phát nguyện như sau:
“Idaṃ me puññāṃ Nībbānassa paccayo hotu.“
(Cầu mong phước báu này hãy là một trợ duyên cho sự chứng đắc Niết-bàn)
Hỏi 7.18: Nếu năm uẩn là vô ngã vậy thì bạch Ngài, ai là người đang thuyết pháp? Nói khác hơn, nếu năm uẩn là vô ngã, không có Sayadaw (chỉ thiền sư Pa-Auk) là người đang thuyết pháp. Như vậy, có một tương quan như thế nào giữa năm uẩn và tự ngã?
Đáp 7.18: Có hai loại sự thực: sự thực theo chế định (sammuti sacca) và sự thực theo chân đế (paramattha sacca).
Quý vị nên phân biệt rõ ràng giữa hai loại sự thực này. theo sự thực chế định thì có đức Phật, có Sayadaw, có cha, có mẹ, v.v… Nhưng theo sự thực chân đế hay sự thực cùng tột thì không có đức Phật, không có Sayadaw, không có cha, không có mẹ, v.v… Điều này quý có thể thấy được nếu có minh sát trí đủ mạnh. Nếu quý vị nhìn vào đức Phật với minh sát trí, quý vị chỉ nhìn thấy danh-sắc chân đế, đó là ngũ uẩn. Ngũ uẩn hay danh-sắc này là vô thường, khổ và vô ngã. Không có một tự ngã nào cả. Cũng vậy, nếu quý vị nhìn vào tôi hay vào một người nào đó với minh sát trí, quý vị chỉ thấy danh-sắc chân đế, năm uẩn, mà những pháp này đều là vô thường, khổ và vô ngã. Nói cách khác, không có đức Phật, không có Sayadaw, không có cha, mẹ v.v… Chỉ có năm uẩn và các nhân của chúng, gọi chung là các hành. Như vậy, các hành này đang nói về các hành khác, có khi về Niết-bàn. Hoàn toàn không có ngã. Đã vậy, chúng ta nói về mối tương quan như thế nào đây?
Chẳng hạn, nếu có ai đó hỏi quý vị “sừng thỏ dài hay ngắn”, quý vị sẽ trả lời thế nào? Hoặc nếu họ hỏi “lông rùa đen hay trắng”, quý vị trả lời ra sao? Nếu cái ngã đã không có thực, chúng ta không thể nói về sự tương quan giữa nó và năm uẩn được. Ngay cả đức Phật cũng không trả lời loại câu hỏi này. Vì sao? Giả sử quý vị nói “sừng thỏ dài”, điều đó có nghĩa rằng quý vị chấp nhận thỏ có sừng. Và nếu quý vị nói “sừng thỏ ngắn”, thì cũng có nghĩa tương tự. Hoặc nếu quý vị nói “rùa có lông đen” hay “trắng” thì chẳng khác nào quý vị chấp chận rùa có lông! Cũng vậy, nếu đức Phật nói năm uẩn và tự ngã có liên quan, hay không có liên quan, có nghĩa Ngài đã chấp nhận có môt tự ngã. Đó là lý do vì sao đức Phật không trả lời loại câu hỏi này. Vì thế, chúng tôi muốn đề nghị quý vị cố gắng hành thiền cho đến mức vipassanà. Chỉ khi ấy quý vị mới có thể loại trừ tà kiến về tự ngã này được.
Hỏi 7.19: Đức Phật dạy cho các vị tỳ khưu “Thần Chú Rắn” (Mantra). Đọc Thần Chú ấy có giống như thiền tâm từ không? Có phải niệm chú là một truyền thống của Bà-la-môn du nhập vào đạo Phật không?
Đáp 7.19: Thần chú là gì? Thế nào là “Thần Chú Rắn”? Chúng tôi không biết các thần chú có phải được truyền vào từ Ấn Giáo hay không. Nhưng trong Kinh điển Thượng Tọa Bộ (Theravāda) có một bài Kinh Bảo Hộ (Paritta Sutta) gọi là Khandha Paritta (A.IV.11.ii.7. “Ahirāja Sutta” (Kinh Chúa Các Loài Rắn). Sở dĩ gọi Khandha (nhóm, uẩn), Paritta (Bảo Hộ) bởi vì tâm từ (metta) ở đây được mở rộng đến tất cả chúng sinh theo các nhóm: bốn loại rắn, các chúng sinh không chân, hai chân, bốn chân, nhiều chân). Đức Phật dạy Kinh Bảo Hộ này để các vị tỳ khưu đọc tụng hàng ngày. Có một điều luật (vinaya) quy định rằng nếu một vị Tỳ khưu hay Tỳ khưu Ni trú ở rừng nào mà quên không đọc Kinh Bảo Hộ này ít nhất mỗi ngày một lần, vị ấy xem như đã phạm một tội.
Có một lần, vào thời đức Phật, một vị tỳ khưu nọ đang trú trong rừng thì bị một con rắn độc cắn chết. Do sự kiện này mà đức Phật dạy bài Kinh Khandha Paritta. Mục đích của Kinh Bảo Hộ này cũng giống như thiền tâm từ vậy. Trong Kinh đưa ra những cách khác nhau để mở rộng lòng từ đến các loại rắn và rồng khác nhau. Ngoài ra cũng có một lời xác nhận về sự thực liên quan đến Tam Bảo và những ân đức của Phật cũng như các vị A-la-hán. Chúng tôi sẽ tụng bài Kinh Bảo Hộ này tối hôm nay. Nó rất có oai lực. Quý vị có thể gọi đó là “Thần Chú Rắn” cũng được. Cái tên không quan trọng lắm. Quý vị có thể gọi nó bằng bất cứ tên gì mình thích. Có một số vị sư ở Miến Điện dùng Kinh Bảo Hộ này để tụng cho những người bị rắn độc cắn rất có hiệu quả. Khi họ tụng Kinh Bảo Hộ này nhiều lần và khi nạn nhân uống nước có tụng bài Kinh ấy, nọc độc dần dần tan biến. Thường thường thì họ khỏi, nhưng không phải trường hợp nào cũng được như vậy. Đức Phật dạy Kinh Bảo Hộ này để các vị tỳ khưu ngăn ngừa các loại rắn độc. Nếu các vị tụng Kinh với lòng kính tin và mở rộng lòng từ đến tất cả chúng sinh, kể cả các loài rắn, thì sẽ không gặp hiểm nguy. Nếu các vị còn giữ giới nghiêm túc nữa, thì không có sự tai hại nào có thể xảy đến với họ được.