9 Ân Đức Phật, 6 Ân Đức Pháp, 9 Ân Đức Tăng

9 Ân đức Phật, 6 Ân đức Pháp, 9 Ân đức Tăng

969 – 969 – 969
Mong cho mọi Phật tử Việt Nam ai cũng thuộc nằm lòng 9 Ân đức Phật – 6 Ân đức Pháp – 9 Ân đức Tăng bằng tiếng Pali như Phật tử nhí ở video dưới đây, và hiểu ý nghĩa của các ân đức này để có lòng tin bất động đối với Tối Thượng Tam Bảo: Phật – Pháp – Tăng.

9 ÂN ĐỨC PHẬT (BUDDHAGUṆA)

“Itipi so Bhagavā

⑴ Arahaṃ,
⑵ Sammāsambuddho,
⑶ Vijjācaraṇasampanno,
⑷ Sugato,
⑸ Lokavidū,
⑹ Anuttaro purisadammasāratthi,
⑺ Satthādevamanussānaṃ,
⑻ Buddho,
⑼ Bhagavā”

“Thật vậy, Ðức Thế Tôn là bậc

⑴ Ứng Cúng A-la-hán,
⑵ Chánh Ðẳng Chánh Giác,
⑶ Minh Hạnh Túc,
⑷ Thiện Thệ,
⑸ Thế Gian Giải,
⑹ Vô Thượng Sĩ Ðiều Ngự Trượng Phu,
⑺ Thiên Nhân Sư,
⑻ Phật,
⑼ Thế Tôn.”

6 ÂN ĐỨC PHÁP (DHAMMAGUNA)

“⑴ Svākkhāto Bhagavatā dhammo,
⑵ Sandiṭṭhiko,
⑶ Akāliko,
⑷ Ehipassiko,
⑸ Opaneyyiko,
⑹ Paccattaṃ veditabbo viññūhi”.

“⑴ Pháp được Thế Tôn khéo thuyết,
⑵ thiết thực hiện tại,
⑶ không có thời gian,
⑷ đến để mà thấy,
⑸ có khả năng hướng thượng,
⑹ được người trí tự mình giác hiểu”

9 ÂN ĐỨC TĂNG (SAṂGHĀGUNA)

“⑴ Suppaṭipanno Bhagavato sāvakasaṃgho.
⑵ Ujuppaṭipanno Bhagavato sāvakasaṃgho.
⑶ Ñāyappaṭipanno Bhagavato sāvakasaṃgho.
⑷ Sāmīcippaṭipanno Bhagavato sāvakasaṃgho.
Yadidaṃ cattāri purisayugāni aṭṭhapurisapuggalā esa Bhagavato sāvakasaṃgho.
⑸ Āhuneyyo,
⑹ Pāhuneyyo,
⑺ Dakkhiṇeyyo,
⑻ Añjalikaraṇīyo,
⑼ Anuttaraṃ puññak-khettaṃ lokassa”.

“⑴ Diệu hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn;
⑵ Trực hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn;
⑶ Ứng lý hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn;
⑷ Chơn chánh hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn.
Tức là bốn đôi tám chúng.
Chúng đệ tử Thế Tôn
⑸ đáng được cung kính,
⑹ đáng được tôn trọng,
⑺ đáng được đảnh lễ,
⑻ đáng được chắp tay,
⑼ là phước điền vô thượng ở đời.”

QUẢ BÁU ĐẶC BIỆT NIỆM ÂN ĐỨC TAM BẢO

TamBao3.htm

Hành giả tiến hành niệm 969 Ân đức Phật – Pháp – Tăng, trong kiếp hiện tại chưa chứng đắc 4 Thánh Đạo – 4 Thánh Quả và Niết Bàn, hành giả sẽ được hưởng những quả báu đặc biệt ngay trong kiếp hiện tại và nhiều kiếp vị lai như sau:

1– Được phần đông chúng sinh kính trọng. 2– Tâm thiện trong sạch thanh tịnh. 3– Khi sắp chết, tâm bình tĩnh sáng suốt, không mê muội. 4– Sau khi chết, do thiện nghiệp này cho quả tái sinh làm người cao quý hoặc chư thiên cao quý. 5– Tái sinh kiếp nào cũng thuộc hàng chúng sinh cao quý. 6– Có sắc thân xinh đẹp đáng ngưỡng mộ. 7– Các bộ phận trong thân thể đều xinh đẹp đáng quý. 8– Thân có mùi thơm tỏa ra. 9– Miệng có mùi thơm tỏa ra. 10– Có trí tuệ nhiều. 11– Có trí tuệ sâu sắc. 12– Có trí tuệ sắc bén.13– Có trí tuệ nhanh nhẹn. 24– Có trí tuệ phong phú. 15– Trí tuệ phi thường. 16– Nói lời hay có lợi ích. 17– Kiếp vị lai có duyên lành gặp Đức Phật, lắng nghe chánh pháp dễ dàng chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo – Thánh Quả và Niết Bàn…

Đó là những quả báu phát sinh từ niệm Ân đức Phật – Pháp -Tăng.

– Xem bài viết này và video Phật tử nhí tụng niệm Ân đức Tam bảo: 9 Ân đức Phật – 6 Ân đức Pháp – 9 Ân đức Tăng tại web link, không cần tài khoản Facebook, dưới đây:
archive.org

– Youtube: Tụng Ân đức Tam Bảo – theo truyền thống Phật giáo Nguyên thủy Theravada Thái lan youtu.be

[Phần Ghi chú và Các bài viết liên quan dưới đây là nhằm để giúp cho một số đạo hữu ham tìm hiểu nhưng chưa biết cách lần mò trong biển kiến thức bao la, có thể có được nguồn Chánh kinh trực tiếp khi cần thiết một cách thuận tiện và nhanh chóng.]

GHI CHÚ

ĐỨC TIN NƠI TAM BẢO VÀ QUẢ BÁU

TamBao3.htm

Đức tin nơi Tam Bảo đó là đức tin nơi Đức Phật Bảo, đức tin nơi Đức Pháp Bảo, đức tin nơi Đức Tăng Bảo. Để hiểu rõ đức tin nơi Tam Bảo như thế nào? và quả báu của nó ra sao? Điều này được Công chúa Cundī bạch hỏi Đức Thế Tôn; và Ngài giảng dạy trong bài kinh Cundīsutta ý nghĩa như sau:

Một thuở nọ, Đức Thế Tôn đang ngự tại ngôi chùa Veluvana, gần kinh thành Rājagaha. Khi ấy, Công chúa Cundī cùng với 500 cỗ xe chở 500 công nương đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn xong, ngồi một nơi hợp lẽ, bèn bạch với Đức Thế Tôn rằng:

– Kính bạch Đức Thế Tôn, hoàng huynh của con là Cunda dạy con rằng:

“Người cận sự nam, cận sự nữ có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, đến quy y nương nhờ nơi Đức Phật Bảo, quy y nương nhờ nơi Đức Pháp Bảo, quy y nương nhờ nơi Đức Tăng Bảo; và có tác ý thiện tâm tránh xa sự sát sanh, tránh xa sự trộm cắp, tránh xa sự tà dâm, tránh xa sự nói dối, tránh xa sự uống rượu và các chất say là nhân sinh sự dể duôi. Người ấy, sau khi chết, do thiện nghiệp ấy cho quả tái sinh trong cõi thiện giới mà thôi, không tái sinh trong cõi ác giới”.

– Kính bạch Đức Thế Tôn, con xin phép hỏi rằng:

Người có đức tin nơi Đức Phật Bảo như thế nào, sau khi chết, chỉ tái sinh trong cõi thiện giới mà thôi, không tái sinh trong cõi ác giới?

Người có đức tin nơi Đức Pháp Bảo như thế nào, sau khi chết, chỉ tái sinh trong cõi thiện giới mà thôi, không tái sinh trong cõi ác giới?

Người có đức tin nơi Đức Tăng Bảo như thế nào, sau khi chết, chỉ tái sinh trong cõi thiện giới mà thôi, không tái sinh trong cõi ác giới?

Người giữ gìn giới đầy đủ trọn vẹn như thế nào, sau khi chết, chỉ tái sinh trong cõi thiện giới mà thôi, không tái sinh trong cõi ác giới?

Đức Thế Tôn truyền dạy rằng:

– Này Cundī, tất cả các loài chúng sinh: Chúng sinh không chân, chúng sinh có hai chân, chúng sinh có bốn chân, chúng sinh có nhiều chân, chúng sinh có sắc uẩn, chúng sinh không có sắc uẩn, chúng sinh có tưởng, chúng sinh không có tưởng, chúng sinh không phải có tưởng, cũng không phải không có tưởng… Trong số chúng sinh có bao nhiêu đi nữa, Như Lai, Đức Phật Chánh Đẳng Giác mà chư thiện trí dạy rằng: Như Lai, Đức Phật Chánh Đẳng Giác là Bậc cao thượng nhất trong các loài chúng sinh ấy.

Những người nào có đức tin trong sạch nơi Đức Phật, những người ấy được gọi là người có đức tin trong sạch nơi Đức Phật cao thượng, và có được quả báu cao thượng.

Này Cundī, các pháp hữu vi do nhân duyên cấu tạo, và các pháp vô vi không do nhân duyên cấu tạo, trong các pháp ấy có bao nhiêu đi nữa, Niết Bàn pháp ly ái (virāya) là pháp không còn say mê, diệt tâm tham khao khát, nhổ tận gốc tham ái dính mắc, cắt dứt tử sinh luân hồi, đó là Niết Bàn, mà chư thiện trí dạy rằng: Niết Bàn pháp ly ái là pháp cao thượng nhất trong các pháp.

Những người nào có đức tin trong sạch nơi Niết Bàn pháp ly ái, những người ấy được gọi là người có đức tin trong sạch nơi Đức Pháp cao thượng, và có được quả báu cao thượng.

Này Cundī, trong tất cả các nhóm, các đoàn thể, chư Thánh Tăng Thanh Văn đệ tử của Như Lai có 4 đôi thành 8 bậc Thánh là Bậc xứng đáng thọ nhận các thứ vật dụng cúng dường; là những Bậc xứng đáng được đón tiếp như vị khách quý; là những Bậc xứng đáng cho chúng sinh cúng dường; là những Bậc xứng đáng lễ bái, chư Thánh Tăng là phước điền cao thượng của chúng sinh không nơi nào sánh được, mà chư thiện trí dạy rằng: Chư Thánh Tăng ấy là Bậc cao thượng nhất trong các nhóm, các đoàn thể.

Những người nào có đức tin trong sạch nơi chư Thánh Tăng, những người ấy được gọi là người có đức tin trong sạch nơi Đức Tăng cao thượng; và có được quả báu cao thượng.

Này Cundī, trong các loại giới có bao nhiêu đi nữa, giới mà chư Thánh Nhân kính yêu đó là giới không bị đứt, giới không bị thủng, giới không bị đốm, giới không bị đứt lan, tự chủ, mà chư bậc thiện trí tán dương ca tụng, tà kiến và tham ái không thể nương nhờ giới ấy. Nhờ giới trong sạch và trọn vẹn làm nền tảng cho pháp hành thiền định, pháp hành thiền tuệ. Cho nên chư thiện trí dạy rằng: Giới của các bậc Thánh là giới cao thượng nhất trong các loại giới.

Những người nào có đức tin trong sạch trong giới của bậc Thánh Nhân, những người ấy được gọi là người có đức tin trong sạch trong giới cao thượng; và được quả báu cao thượng.

Đức Phật thuyết dạy bài kệ rằng:

Đức tin trong sạch nơi ngôi cao cả,
Trí tuệ hiểu biết nơi ngôi cao cả.
Đức tin trong sạch Đức Phật cao cả
Là Bậc Vô Thượng xứng đáng cúng dường,
Đức tin trong sạch Đức Pháp cao cả,
Là pháp ly ái tịch tịnh an lạc.
Đức tin trong sạch Đức Tăng cao cả
Là phước điền cao thượng của chúng sinh.
Người cúng dường đến chư Tăng cao cả,
Phước thiện cao cả được tăng trưởng nhiều,
Được quả báu cao cả là sống lâu,
Sắc đẹp, danh vọng, tiếng tăm, an lạc,
Và sức mạnh thể xác lẫn tinh thần.
Bậc thiện trí cúng dường vật cao cả,
Có định tâm vững trong pháp cao cả,
Bậc ấy sẽ là chư thiên, nhân loại
Đạt đến nơi cao cả, tâm hoan hỷ.

Đức tin là pháp dẫn đầu trong các thiện pháp từ tam giới thiện pháp cho đến Siêu tam giới thiện pháp.

Đối với các bậc Thánh Nhân, chắc chắn luôn luôn có đức tin hoàn toàn trong sạch nơi Tam Bảo, một cách vững chắc, không có sự việc gì có thể làm cho bậc Thánh Nhân giảm đức tin nơi Tam Bảo; bởi vì các bậc Thánh Nhân đã diệt bằng cách đoạn tuyệt được phiền não hoài nghi.

Đối với các các hàng cận sự nam, cận sự nữ còn phàm nhân, có đức tin luôn luôn trong sạch nơi Tam Bảo không phải điều dễ dàng; bởi vì các hàng phàm nhân còn có nhiều phiền não chi phối, nhất là phiền não hoài nghi nơi Tam Bảo, nghiệp và quả của nghiệp.

Như vậy, để dễ dàng phát sinh đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, cần phải có đối tượng cao cả và rõ ràng. Như Đức Phật dạy trong kinh Cundīsutta:

– Đức tin trong sạch nơi Đức Phật Bảo đó là đức tin nơi Đức Phật Chánh Đẳng Giác là Bậc cao cả nhất trong tất cả các loài chúng sinh trong tam giới.

– Đức tin trong sạch nơi Đức Pháp Bảo đó là đức tin nơi Niết Bàn pháp ly ái là pháp giải thoát mọi cảnh khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

– Đức tin trong sạch nơi Đức Tăng Bảo đó là đức tin nơi chư Thánh Tăng có 4 đôi thành 8 bậc Thánh, là phước điền cao thượng của chúng sinh không nơi nào sánh được.

Khi có đối tượng Tam Bảo cao cả và rõ ràng, thì người cận sự nam, cận sự nữ mới dễ dàng phát sinh đức tin trong sạch nơi Tam Bảo và giữ gìn duy trì được đức tin ấy, chắc chắn sẽ có được quả báu cao cả nhất trong các quả báu trong đời.

BỐN DỰ LƯU PHẦN

– Dầu cho, này các Tỷ-kheo, một vị Chuyển luân vương làm chủ tể và cai trị bốn châu, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên thiện thú, thiên giới, thế giới này, cộng trú với chư Thiên ở cõi Ba mươi ba; tại đấy, vị ấy trú trong rừng Nandana, được chúng Thiên nữ đoanh vây, được đầy đủ, được cung cấp, được bao bọc năm thiên dục công đức, nhưng không được đầy đủ bốn pháp; tuy vậy, vị ấy chưa được giải thoát khỏi địa ngục, chưa được giải thoát khỏi sanh vào loài bàng sanh, chưa giải thoát khỏi ngạ quỷ, và chưa thoát khỏi ác sanh, ác thú, đọa xứ.

Nhưng này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử, dầu muốn sống bằng các miếng ăn khất thực, đắp với y nhiều tấm (nantakàni); vị ấy đầy đủ bốn pháp. Và vị ấy được giải thoát khỏi địa ngục, được giải thoát khỏi sanh vào loài bàng sanh, được giải thoát khỏi cõi ngạ quỷ, được giải thoát khỏi ác sanh, ác thú, đọa xứ.

Thế nào là bốn?

1. Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử thành tựu lòng tin bất động đối với đức Phật:
“① Ðây bậc Ứng Cúng, ② Chánh Biến Tri, ③ Minh Hạnh Túc, ④ Thiện Thệ, ⑤ Thế Gian Giải, ⑥ Vô Thượng Sĩ Ðiều Ngự Trượng Phu, ⑦ Thiên Nhân Sư, ⑧ Phật, ⑨ Thế Tôn”.

2. Vị ấy thành tựu lòng tin bất động đối với Pháp: “① Pháp do Thế Tôn khéo thuyết, ② thiết thực hiện tại, ③ có hiệu quả tức thời, ④ đến để mà thấy, ⑤ có khả năng hướng thượng, ⑥ được người trí tự mình giác hiểu”.

3. Vị ấy thành tựu lòng tin bất động đối với chúng Tăng: “① Diệu hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn. ② Trực hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn. ③ Ứng lý hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn. ④ Chơn chánh hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn. Tức là bốn đôi tám chúng. Chúng đệ tử của Thế Tôn là ⑤ đáng cung kính, ⑥ đáng cúng dường, ⑦ đáng tôn trọng, ⑧ đáng được chấp tay, ⑨ là phước điền vô thượng ở đời”.

4. Vị ấy thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính, không bị phá hoại, không bị đâm cắt, không bị nhiễm ô, không bị uế nhiễm, đem lại giải thoát, được người trí tán thán, không bị chấp thủ, đưa đến Thiền định.

Vị ấy thành tựu bốn pháp này.

Và này các Tỷ-kheo, có sự lợi đắc của bốn châu và sự lợi đắc của bốn pháp. Sự lợi đắc bốn châu không đáng giá (agahati) một phần mười sáu lợi đắc bốn pháp.

Nguồn trích dẫn: Tương Ưng Bộ – Samyutta Nikaya, Tập V – Thiên Ðại Phẩm – [55] Chương XI, Tương Ưng Dự Lưu (a) – I. Phẩm Veludvàra – 1. I. Vua (S.v,342)

SÁU TÙY NIỆM XỨ

–Này các Tỷ-kheo, có sáu Tùy niệm xứ này. Thế nào là sáu?

1. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử tùy niệm Như Lai:

“Thật vậy, Ðức Thế Tôn là bậc

⑴ Ứng Cúng A-la-hán,
⑵ Chánh Ðẳng Chánh Giác,
⑶ Minh Hạnh Túc,
⑷ Thiện Thệ,
⑸ Thế Gian Giải,
⑹ Vô Thượng Sĩ Ðiều Ngự Trượng Phu,
⑺ Thiên Nhân Sư,
⑻ Phật,
⑼ Thế Tôn.”

Khi nào, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử tùy niệm Như Lai, trong khi ấy, tâm không bị tham chi phối, tâm không bị sân chi phối, tâm không bị si chi phối, trong khi ấy, tâm được chánh trực, ra khỏi, giải thoát, xuất khỏi tham. Tham, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với năm dục trương dưỡng. Do lấy cái này làm đối tượng, này các Tỷ-kheo, ở đây một số các loài hữu tình được thanh tịnh.

2. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử tùy niệm Pháp:

“⑴ Pháp được Thế Tôn khéo thuyết,
⑵ thiết thực hiện tại,
⑶ không có thời gian,
⑷ đến để mà thấy,
⑸ có khả năng hướng thượng,
⑹ được người trí tự mình giác hiểu”

Khi nào, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử tùy niệm Pháp, trong khi ấy, tâm không bị tham chi phối, tâm không bị sân chi phối, tâm không bị si chi phối, trong khi ấy, tâm được chánh trực, ra khỏi, giải thoát, xuất khỏi tham. Tham, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với năm dục trương dưỡng. Do lấy cái này làm đối tượng, này các Tỷ-kheo, ở đây một số các loài hữu tình được thanh tịnh.

3. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử niệm Tăng:

“⑴ Diệu hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn;
⑵ Trực hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn;
⑶ Ứng lý hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn;
⑷ Chơn chánh hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn.
Tức là bốn đôi tám chúng.
Chúng đệ tử Thế Tôn
⑸ đáng được cung kính,
⑹ đáng được tôn trọng,
⑺ đáng được đảnh lễ,
⑻ đáng được chắp tay,
⑼ là phước điền vô thượng ở đời.”

Khi nào, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử niệm Tăng trong khi ấy, tâm không bị tham chi phối, tâm không bị sân chi phối, tâm không bị si chi phối, trong khi ấy, tâm được chánh trực, ra khỏi, giải thoát, xuất khỏi tham. Tham, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với năm dục trương dưỡng. Do lấy cái này làm đối tượng, này các Tỷ-kheo, ở đây một số các loài hữu tình được thanh tịnh.

4. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử tùy niệm giới:

“Giới không bị bể vụn, không bị sứt mẻ, không bị vết chấm, không có uế tạp, đưa đến giải thoát, được người trí tán thán, không bị chấp thủ, đưa đến Thiền định”.

Khi nào, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử tùy niệm giới, trong khi ấy, tâm không bị tham chi phối, tâm không bị sân chi phối, tâm không bị si chi phối, trong khi ấy, tâm được chánh trực, ra khỏi, giải thoát, xuất khỏi tham. Tham, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với năm dục trương dưỡng. Do lấy cái này làm đối tượng, này các Tỷ-kheo, ở đây một số các loài hữu tình được thanh tịnh.

5. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử tự mình tùy niệm thí của mình:

“Thật là được lợi cho ta! Thật là khéo được lợi cho ta, vì rằng với quần chúng bị cấu uế xan tham chi phối, ta sống trong gia đình, với tâm không bị cấu uế của xan tham chi phối, bố thí rộng rãi với bàn tay sạch sẽ, ưa thích từ bỏ, sẵn sàng để được yêu cầu, ưa thích phân phát vật bố thí”.

Khi nào, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử tùy niệm thí, trong khi ấy, tâm không bị tham chi phối, tâm không bị sân chi phối, tâm không bị si chi phối, trong khi ấy, tâm được chánh trực, ra khỏi, giải thoát, xuất khỏi tham. Tham, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với năm dục trương dưỡng. Do lấy cái này làm đối tượng, này các Tỷ-kheo, ở đây một số các loài hữu tình được thanh tịnh.

6. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử tùy niệm Thiên:

“Có bốn Thiên vương, có chư Thiên cõi Trời Ba mươi ba, có chư Thiên Yàma, có chư Thiên Tusità (Ðâu-suất), có chư Thiên Hóa Lạc Thiên, có chư Thiên Tha hóa Tự tại, có chư Thiên Phạm chúng, có chư Thiên cao hơn nữa. Ðầy đủ với lòng tin như vậy, chư Thiên ấy, sau khi chết ở chỗ này, được sanh tại chỗ kia. Lòng tin như vậy cũng có đầy đủ ở nơi ta. Ðầy đủ với giới, với nghe pháp, với thí, với tuệ như vậy, chư Thiên ấy, sau khi chết ở chỗ này, được sanh tại chỗ kia. Tuệ như vậy cũng có đầy đủ ở nơi ta”.

Khi vị ấy niệm tín, giới, nghe pháp, thí và tuệ của tự mình và chư Thiên ấy, trong khi ấy, tâm không bị tham chi phối, tâm không bị sân chi phối, tâm không bị si chi phối, trong khi ấy, tâm vị ấy được chánh trực, ra khỏi, giải thoát, xuất khỏi tham. Tham, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với năm dục trưởng dưỡng. Do lấy cái này làm đối tượng, này các Tỷ-kheo, ở đây, một số các loài hữu tình được thanh tịnh.

Này các Tỷ-kheo, đây là sáu Tùy niệm xứ.

Nguồn trích dẫn: Tăng chi bộ kinh – Aṅguttara Nikāya, III. Phẩm Trên Tất Cả – (V) (25) Tùy Niệm Xứ

NIỆM NHỚ PHẬT PHÁP TĂNG

Này các Tỷ-kheo, khi các Ông đi vào rừng, đi đến gốc cây hay đi đến nhà trống, nếu run sợ, hoảng hốt, hay lông tóc dựng ngược có khởi lên,
1. trong khi ấy hãy niệm nhớ đến Ta:

“Thật vậy, Ðức Thế Tôn là bậc
⑴ Ứng Cúng A-la-hán,
⑵ Chánh Ðẳng Chánh Giác,
⑶ Minh Hạnh Túc,
⑷ Thiện Thệ,
⑸ Thế Gian Giải,
⑹ Vô Thượng Sĩ Ðiều Ngự Trượng Phu,
⑺ Thiên Nhân Sư,
⑻ Phật,
⑼ Thế Tôn.”

Này các Tỷ-kheo, khi các Ông niệm nhớ đến Ta, thời sợ hãi, hoảng hốt hay lông tóc dựng ngược có khởi lên, sẽ được tiêu diệt.

2. Nếu các Ông không niệm nhớ đến Ta, hãy niệm nhớ đến Pháp:

“⑴ Pháp được Thế Tôn khéo thuyết,
⑵ thiết thực hiện tại,
⑶ không có thời gian,
⑷ đến để mà thấy,
⑸ có khả năng hướng thượng,
⑹ được người trí tự mình giác hiểu”

Này các Tỷ-kheo, khi các Ông niệm nhớ đến Pháp, thời sợ hãi, hoảng hốt hay lông tóc dựng ngược có khởi lên sẽ tiêu diệt.

3. Nếu các Ông không niệm nhớ đến Pháp, hãy niệm nhớ đến chúng Tăng:

“⑴ Diệu hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn;
⑵ Trực hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn;
⑶ Ứng lý hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn;
⑷ Chơn chánh hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn.
Tức là bốn đôi tám chúng.
Chúng đệ tử Thế Tôn
⑸ đáng được cung kính,
⑹ đáng được tôn trọng,
⑺ đáng được đảnh lễ,
⑻ đáng được chắp tay,
⑼ là phước điền vô thượng ở đời.”

Này các Tỷ-kheo, khi các Ông niệm nhớ đến chúng Tăng, thời sợ hãi, hoảng hốt, hay lông tóc dựng ngược có khởi lên sẽ tiêu diệt.

Vì sao? Này các Tỷ-kheo, Như Lai, bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri đã ly tham, ly sân, ly si, không nhát gan, không hoảng hốt, không hoảng sợ, không hoảng chạy.

Thế Tôn nói như vậy, Thiện Thệ nói vậy xong, bậc Ðạo Sư nói tiếp:

Này các vị Tỷ-kheo,
Trong rừng hay gốc cây,
Hay tại căn nhà trống,
Hãy niệm bậc Chánh Giác.
Các Ông có sợ hãi,
Sợ hãi sẽ tiêu diệt.
Nếu không tư niệm Phật,
Tối thượng chủ ở đời,
Và cũng là Ngưu vương,
Trong thế giới loài Người,
Vậy hãy tư niệm Pháp,
Hướng thượng, khéo tuyên thuyết.
Nếu không tư niệm Pháp,
Hướng thượng, khéo tuyên thuyết,
Vậy hãy tư niệm Tăng,
Là phước điền vô thượng.
Vậy này các Tỷ-kheo,
Như vậy tư niệm Phật,
Tư niệm Pháp và Tăng,
Sợ hãi hay hoảng hốt,
Hay lông tóc dựng ngược,
Không bao giờ khởi lên.

Nguồn trích dẫn: Tương Ưng Bộ – Samyutta Nikaya, Tập I – Thiên Có Kệ – [11] Chương XI – Tương Ưng Sakka – Phẩm Thứ Nhất III. Dhajaggam: Ðầu Lá Cờ (S.i,218)

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app