4 Loại Thức Ăn Đưa Đến Tồn Tại Và Chấp Thủ Tái Sinh

4 loai thuc an dua den ton tai va chap thu 1
4 Loại Thức Ăn Đưa Đến Tồn Tại Và Chấp Thủ Tái Sinh 3

4 Loại Thức Ăn Đưa Đến Tồn Tại Và Chấp Thủ Tái Sinh Cho Các Loại Hữu Tình Là Gì? Chúng Cần Phải Được Nhận Xét Như Thế Nào?

2)…Này các Tỷ-kheo, có bốn loại đồ ăn này đưa đến sự tồn tại, hay sự chấp thủ tái sanh cho các loài hữu tình hay chúng sanh.

3) Thế nào là bốn?

1. Ðoàn thực hoặc thô, hoặc tế;
2. thứ hai là xúc thực;
3. thứ ba là tư niệm thực;
4. thứ tư là thức thực.
Này các Tỷ-kheo, bốn loại đồ ăn này đưa đến sự tồn tại, hay sự chấp thủ tái sanh cho các loài hữu tình hay các loài chúng sanh.

4) Và này các Tỷ-kheo, đoàn thực cần phải nhận xét như thế nào?

(1. Đoàn thực cần phải được nhận xét như là “ăn thịt người con trai duy nhất của mình để vượt qua sa mạc”)

5) Ví như, này các Tỷ-kheo, hai vợ chồng đem theo một ít lương thực đi qua một quãng đường hoang dã, với một đứa con khả ái, thương mến.

6) Rồi này các Tỷ-kheo, trong khi hai vợ chồng ấy đang đi trên con đường hoang vu, số lương thực ít ỏi ấy đi đến hao mòn, khánh tận. Và một vùng hoang vu còn lại chưa được họ vượt qua.

7) Rồi này các Tỷ-kheo, hai vợ chồng người ấy suy nghĩ: “Ðồ lương thực ít ỏi của chúng ta đã bị hao mòn, khánh tận; còn lại vùng hoang vu này chưa được vượt qua; vậy chúng ta hãy giết đứa con một, khả ái, dễ thương này, làm thành thịt khô và thịt ướp, ăn thịt đứa con và vượt qua vùng hoang vu còn lại này, chớ để tất cả ba chúng ta đều bị chết hại”.

8) Rồi hai vợ chồng ấy giết đứa con một, khả ái, dễ thương ấy, làm thịt khô và thịt ướp, ăn thịt người con và vượt qua vùng hoang vu còn lại ấy. Họ vừa ăn thịt con, vừa đập ngực, than khóc: “Ðứa con một ở đâu? Ðứa con một ở đâu?”

9) Này các Tỷ-kheo, các Ông nghĩ thế nào? Họ ăn món ăn có phải để vui chơi? Hay họ ăn món ăn để tham đắm? Hay họ ăn món ăn để trang sức? Hay họ ăn món ăn để béo tốt?
– Thưa không phải vậy, bạch Thế Tôn.

10) – Có phải họ ăn các món ăn chỉ với mục đích vượt qua vùng hoang vu?
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

11) – Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Ta nói đoàn thực cần phải nhận xét như vậy. Này các Tỷ-kheo, khi đoàn thực được hiểu biết, thời lòng tham đối với năm dục trưởng dưỡng được hiểu biết. Khi lòng tham đối với năm dục trưởng dưỡng được hiểu biết, thời không còn kiết sử, do kiết sử này, một vị Thánh đệ tử bị trói buộc để phải sanh lại đời này.

12) Và này các Tỷ-kheo, xúc thực cần phải nhận xét như thế nào?

(2. Xúc thực cần phải được nhận xét như “con bò cái bị lở da bị các sinh vật cắn xé”)

13) Này các Tỷ-kheo, ví như một con bò cái bị lở da, nếu nó đứng dựa vào tường, thời các sanh vật sống ở tường cắn nó. Nếu nó đứng dựa vào cây, thời các sanh vật sống ở cây cắn nó. Nếu nó đứng ở trong nước, thời các sanh vật sống ở trong nước cắn nó. Nếu nó đứng giữa hư không, thời các sanh vật giữa hư không cắn nó. Này các Tỷ-kheo, con bò cái ấy đứng dựa vào chỗ nào, thời các sanh vật trong các chỗ ấy cắn nó. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Ta nói xúc thực cần phải được nhận xét.

14) Này các Tỷ-kheo, khi xúc thực được hiểu biết, thời ba cảm thọ được hiểu biết. Khi ba cảm thọ được hiểu biết, thời Ta nói rằng vị Thánh đệ tử không có gì cần phải làm thêm nữa.

15) Và này các Tỷ-kheo, tư niệm thực cần phải nhận xét như thế nào?

(3. Tư niệm thực cần phải được nhận xét như “người thanh niên đang bị quăng vào hầm lửa”)

16) Này các Tỷ-kheo, ví như một hố than hừng, sâu hơn một thân người, chứa đầy than cháy đỏ rực, hừng cháy không có khói. Rồi một người đi đến, muốn sống, không muốn chết, muốn lạc, chán ghét khổ. Rồi hai người lực sĩ đi đến, nắm chặt hai cánh tay người ấy, kéo người ấy đến hố than hừng ấy. Này các Tỷ-kheo, người ấy quyết chí muốn lánh xa, tinh cần muốn lánh xa, phát nguyện muốn lánh xa hố than hừng ấy.

17) Vì sao? Này các Tỷ-kheo, người ấy chỉ nghĩ như sau: “Nếu ta rơi vào hố than hừng này, do nhân duyên ấy, ta đi đến chết, hay đi đến khổ gần như chết”. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng tư niệm thực cần phải nhận xét.

18) Này các Tỷ-kheo, khi tư niệm thực được hiểu biết, thời ba ái được hiểu biết. Khi ba ái được hiểu biết, Ta nói rằng vị Thánh đệ tử không có gì cần phải làm thêm nữa.

19) Và này các Tỷ-kheo, thức thực cần phải nhận xét như thế nào?

(4. Thức thực cần phải nhận xét như là “kẻ trộm bị đánh phạt cả sáng trưa chiều”)

20) Ví như, này các Tỷ-kheo, người ta bắt một người ăn trộm, một người phạm tội, dẫn đến vua và thưa: “Thưa Ðại vương, người này là người ăn trộm, một người phạm tội. Hãy trừng phạt người ấy nếu như Ngài muốn”. Vị vua nói như sau về người ấy: “Các Ông hãy đi và đánh người này với một trăm hèo vào buổi sáng”. Và họ đánh người ấy với một trăm hèo vào buổi sáng.

21) Rồi vị vua vào buổi trưa nói: “Này các Ông, người ấy như thế nào?” – “Thưa Ðại vương, người ấy vẫn còn sống”. Rồi vua nói về người ấy: “Này các Ông, các Ông hãy đi và đánh người này một trăm hèo vào buổi trưa”. Và họ đánh người ấy một trăm hèo vào buổi trưa.

22) Rồi vị vua vào buổi chiều nói: “Này các Ông, người ấy như thế nào?” – “Thưa Ðại vương, người ấy vẫn còn sống”. Rồi vua nói về người ấy: “Này các Ông, các Ông hãy đi và đánh người này một trăm hèo vào buổi chiều”.

23) Này các Tỷ-kheo, các Ông nghĩ thế nào? Người ấy trong ngày bị đánh đến ba trăm hèo, do nhân duyên ấy có cảm thọ khổ ưu không?

– Bạch Thế Tôn, chỉ bị đánh một hèo, do nhân duyên ấy có cảm thọ khổ ưu, còn nói gì bị đánh đến ba trăm hèo!

24) – Như vậy, này các Tỷ-kheo, Ta nói thức thực cần phải nhận xét.

25) Này các Tỷ-kheo, khi thức thực đựơc hiểu rõ, thời danh sắc được hiểu rõ. Khi danh sắc được hiểu rõ, thời Ta nói rằng vị Thánh đệ tử không làm gì thêm nữa.

Nguồn trích dẫn: Tương Ưng Bộ – Samyutta Nikaya, Tập II – Thiên Nhân Duyên – [12] Chương I – Tương Ưng Nhân Duyên (c) – VII. Ðại Phẩm Thứ Bảy, III. Thịt Ðứa Con (Tạp 15.11 Tử Nhục, Ðại 2, 102b) (S.ii,97)

GHI CHÚ

Khái lược Duyên Hệ – Tỳ khưu Chánh Minh, budsas.net

Vật thực duyên (Āhārapaccaya)

1– Định nghĩaVật thực duyên là mãnh lực trợ giúp, ủng hộ bằng cách mang dưỡng tố (ojā) vào.

Pāli có giải thích:

– Āharantīti = āhāra: Mang lại (tiến hóa) gọi là “vật thực”.

– Sakasahapaccayuppanno āharoti = āhāra:
“Mang bền bỉ đến pháp phụ thuộc của mình, gọi là vật thực.”

– Rūpārūpānaṃ upatthambhakatthena upakārako cattāro āhāra = āhārapaccayo:
Bốn loại vật thực ủng hộ, nâng đở sắc và vô sắc gọi là “vật thực duyên”.

2– Tứ thựcBốn loại vật thực (cattāra āhāra) là gì? Đó là:

1. Đoàn thực (kābalīkārāhāra – vật thực làm thành viên tròn)

Là những thực phẩm như thịt, cá, cơm, rau, hoa, quả … giúp cho thân thể được duy trì, lớn mạnh. Gọi là đoàn thực, vì những thực phẩm khi đi vào miệng, bị răng nghiền nhỏ, nát ra, trộn lẫn với nước bọt, lưỡi cuộn lại làm thành viên tròn đưa xuống thực quản.

Chi pháp của đoàn thực chính là “dưỡng tố – ojā”, loại vật thực không có dưỡng tố, dù dùng nhiều cũng không có tác dụng lớn, trái lại loại thực phẩm có nhiều dưỡng tố thích hợp, tuy dùng ít vẫn có lợi nhiều cho cơ thể. Người dùng vài bát cháo trắng đầy vẫn mau đói so với người dùng một bát canh có nhiều dưỡng tố.

Có Pāli giải thích như sau:

“Ojāsaṅkhāto āhāro āhārasamuṭṭhānarūpaṃ ajjhoharaṇakāle ṭhānappatto samuṭṭhāpeti:

“Vật thực “được gọi là dưỡng tố (ojāsaṅkhāto)” khi được tiêu hóa và đạt đến giai đoạn trụ (ṭhānapatto), tạo ra sắc pháp do vật thực sinh ra” [1].

Câu Pāli trên cho thấy: “Gọi là đoàn thực” vì tạo ra sắc pháp và giúp sắc pháp tăng trưởng.

2. Xúc thực (phassāhāra)

Là sự gặp gỡ giữa vật (vatthu) – cảnh (ārammaṇa) và thức (viññāṇa).

Gọi là “Xúc thực”, vì đó là nhân sinh ra Thọ (vedanā), giúp cho Thọ vững mạnhnhư Kinh văn:
“Phassa paccayā vedanā: Xúc duyên thọ”.

Khi gặp cảnh đáng hài lòng, sinh khởi sự vui thích, nên không cảm thấy đói.
Hay người đang “nặng trỉu sầu lo – thọ ưu” cũng không cảm thấy đói.

Hoặc khi bắt cảnh khắn khít cùng thể loại cũng “quên đói”, như trường hợp các nhà nghiên cứu, mãi say mê với công trình.

Nên Xúc được gọi là vật thực.
Chi pháp xúc thực là “tâm sở Xúc”.

3. Tư niệm thực (manasañcetanāhāra)

Mana (ý) + sañcetanā (chủ tâm – có cố ý mạnh) + āhāra = manasañcetanāhāra.

Tư niệm thực là loại vật thực do có “cố ý mạnh mẽ”.
Đó là sự “cố ý” làm viện thiện, hay bất thiện, sinh ra tâm quả làm việc tục sinh sau này.

Một người “cố ý” làm việc gì đó, y có thể quên đói, như những nhà khoa học “đang nghiên cứu đề án nào đó”, vị ấy “không biết đói”….

Mặt khác, trong đời sống hằng ngày, “sự cố ý” đôi khi giải trừ “sự đói”, như người hăng say trong công việc, có thể “bỏ bửa cơm”.

Do vậy, “sự cố ý” được gọi là “vật thực”.
Chi pháp Tư niệm thực là tâm sở Tư (cetanācetasika).

4. Thức thực (viññāṇāhāra)

Là tâm, vì tâm có khả năng hưởng cảnh, là nhân trợ cho danh sắc.

Như Kinh văn:
“Viññāṇa paccayā nāmarūpaṃ: Thức duyên cho danh sắc.”

Có lần Đức Thế Tôn ngự vào làng Pañcasālā đi khất thực, vì Ngài thấy duyên lành đạo quả của 500 cô gái trong làng.

Ma vương nhập vào dân làng, khống chế dân làng không cho họ đặt vật thực cúng dường đến Đức Thế Tôn, khi ấy 500 cô thiếu nữ đang tắm ở bờ sông.

Đức Thế Tôn ra khỏi làng với bát trống không, Ma vương hóa thân đứng ở cổng làng, hỏi rằng:
– Samôn, ông có nhận được gì không?

– Này kẻ xấu kia.Đây là việc làm của ngươi.

Bấy giờ 500 thiếu nữ vừa đi đến, các cô đảnh lễ Đức Phật rồi đứng sang môt bên.

Ma vương hỏi Đức Phật:
– Bạch Thế Tôn, Ngài không được chút ít vật thực nào, hẵn Ngài đói bụng lắm.

– Này Ma vương, cho dù hôm nay ta không dùng vật thực, tâm ta vẫn an lạc như Phạm thiên cõi Quang Âm.

Rồi Đức Thế Tôn thuyết lên kệ ngôn:

“Susukhaṃ vata jīvāma; yesaṃ no natthi kiñcanaṃ.
Pītibhakkhā bhavissāma; devā ābhassarā yathā.

“Thật vậy, sống hạnh phúc; nơi đây không chướng ngại (kiñcanaṃ).
“An hưởng sự vui thích, như Trời Quang Âm.” [2]
Kệ ngôn trên mô tả “thức thực”.

Với “tâm vui thích” người ta có thể “quên đói”, hay “tâm đang sầu não” người này có thể “bỏ cơm”. Do đó, tâm được xem là “vật thực”.

Chính tứ thực là căn bản của Vật thực duyên, nên Vật thực duyên chia thành hai duyên là:

– Sắc vật thực duyên (rūpa āhārapaccaya).
– Danh vật thực duyên (nāma āhārapaccaya).

Sắc vật thực duyên (Rūpa āhārapaccaya)

1. Định nghĩa.

Sắc vật thực duyên là mãnh lực trợ giúp, ủng hộ bằng dưỡng tố có trong các loại thực phẩm.

2. Chi pháp.

– Năng duyên. Tất cả sắc Vật thực nội hay ngoại đã ăn hay chưa ăn.
Tức là chất dinh dưỡng có trong cơ thể hay ngoài cơ thể.

– Sở duyên. Sắc do Vật thực tạo, và các sắc đồng nhóm với sắc Vật thực.
– Phi sở duyên. Tâm + tâm sở + sắc tâm + sắc ngoại [3] + sắc nghiệp + sắc âm dương.

3. Giải thích.

Mối quan hệ vật thực có hai loại là sắc và Vô sắc. Sắc Vật thực là dưỡng tố hay chất dinh dưỡng giúp cho sắc pháp được tồn tại và tăng trưởng. Sắc Vật thực lại chia thành: Sắc Vật thực nội (bên trong) và sắc Vật thực ngoại (bên ngoài). Sắc Vật thực nội không tạo ra sắc pháp, chính dưỡng tố bên ngoài được cơ thể hấp thụ mới tạo ra sắc pháp

a– Phải hiểu vật thực (āhāra) theo nghĩa nào?

“Vật thực” (āhāra) được hiểu theo nghĩa “gìn giữ”, có nghĩa là “làm cho tồn tại chắc chắn”.

Được gọi là “vật thực” vì chúng giữ các nhóm của sắc pháp do bốn nhân sinh [4] được tồn tại vững mạnh, bằng cách nuôi nấng chúng.

Tức là, “pháp năng duyên trợ giúp nuôi dưỡng pháp sở duyên được tồn tại và phát triển”.

Tuy có khả năng tạo ra sắc pháp, nhưng năng lực chủ yếu của sắc Vật thực là “nuôi dưỡng cho vững mạnh”.

Ví như bà mẹ sinh con và nuôi dưỡng con, thì nuôi dưỡng là chủ yếu, ngoài ra bà có thể nuôi dưỡng các hài tử khác tuy chúng không phải con do bà sinh ra.

b– Năng duyên

– Sắc vật thực nội.Là những dưỡng tố có trong thân chúng sinh ngũ uẩn; ở cõi nhân loại khi Vật thực nội bị diệt chúng sinh ấy chết.

Vị chư thiên đắm nhiễm trong dục lạc, bỏ ăn một bữa sẽ chết ngay.

Vì sao vậy? Vì thân của chư thiên dục giới là sắc tế nên chất lửa trong thân rất mạnh, khi chúng bùng phát không có vật thực bên ngoài đưa vào để làm giảm hỏa lượng, chúng sẽ đốt cơ thể, hủy hoại sắc Vật thực nội và vị ấy chết ngay.

Chúng sinh cõi nhân loại, thân xác là sắc thô nên cường độ lửa không mạnh, dù có nhịn ăn nhiều ngày, khi sắc Vật thực nội còn tồn tại chúng sinh ấy vẫn còn sống, khi cạn kiệt sắc Vật thực nội chúng sinh ấy chết.

Vị Thánh Anahàm hay Alahán ở cõi nhân loại, sau bảy ngày nhập thiền diệt, nếu không có vật thực ngoại đưa vào để tiếp trợ cho sắc Vật thực nội, Ngài sẽ viên tịch (chết) vào ngày thứ 8.

Có câu hỏi rằng: Có người nhịn ăn uống cả nửa tháng, một tháng vẫn sống như những du sĩ Yoga chẳng hạn.

Vì sao vị Thánh Alahán phải chết sau 7 ngày nhập thiền Diệt?

Đáp: Nếu không nhập thiền Diệt, Ngài có thể sống hơn số lượng đó, như an trú trong thiền tịnh cả 7 ngày đêm, khi xả thiền dù không có vật thực tiếp trợ Ngài vẫn sống thêm một số ngày nữa.

Vì khi nhập thiền hiệp thế vẫn còn tâm, tâm tạo ra sắc tâm, trong sắc tâm có sắc Vật thực nội.

Mặt khác tâm thiền có năng lực giải trừ sự nóng nên sắc Vật thực nội không bị hao tổn nhiều.

Khi nhập thiền Diệt thì điều này không xảy ra, nên sau 7 ngày không có vật thực ngoại tiếp trợ thì Ngài mệnh chung.

Các du sĩ Yoga tuy không dùng vật thực nhiều ngày, nhưng các vị ấy có “kỷ thuật tiết kiệm năng lượng” (như loài gấu trắng, loài dơi ngủ Đông chẳng hạn), đồng thời còn có tâm sinh diệt và tâm tạo ra sắc tâm.

Sắc Vật thực nội là những loại sắc vật thực có trong sắc nghiệp, sắc tâm, sắc thời tiết. Chúng là thành phần của đoàn bất ly.

Vật thực được ăn vào, khi đó tuy có dưỡng tố, nhưng chúng chỉ là vật thực ngoại. Bao giờ dưỡng tố này hòa nhập khắp cơ thể, nuôi dưỡng các sắc thần kinh … bấy giờ chúng trở thành vật thực nội.

Sắc vật thực nội không thể tạo ra sắc pháp nếu không có sắc vật thực ngoại hổ trợ.

– Sắc vật thực ngoại.

Là những dưỡng tố có bên ngoài, phần lớn chúng nằm trong những động – thực vật.

Đơn thuần chúng chẳng có quan hệ gì với Sắc vật thực duyên (trong phần phi sở duyên có đề cập đến sắc ngoại, là chỉ cho loại sắc này).

Chỉ khi nào chúng được đưa vào cơ thể và được cơ thể tiếp nhận, bấy giờ chúng trở thành năng duyên, tạo ra sắc pháp. Đồng thời tiếp trợ cho sắc Vật thực nội được tồn tại.

c– Sở duyên

– Sắc do vật thực tạo có bao nhiêu sắc?.

Sắc do vật thực tạo có 2 nhóm:
– Nhóm bất ly, gồm 8 sắc.
– Nhóm đặc biệt, gồm 11 sắc: 8 sắc bất ly + 3 sắc đặc biệt.

Chính sắc vật thực ngoại được cơ thể tiếp nhận, chúng trở thành sắc vật thực trong đoàn bất ly.
Cho dù loại sắc nào, cũng phải nương vào sắc vật thực để tồn tại.

Đức Phật có dạy:

“Katamañca, bhikkhave, rūpaṃ?
“Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sắc?

Cattāro ca mahābhūtā catunnañca mahābhūtānaṃ upādāya rūpaṃ.
Bốn đại chủng và sắc do bốn đại chủng tạo thành.

Idaṃ vuccati, bhikkhave, rūpaṃ.
Này các Tỳkhưu, đây được gọi là sắc.

Āhārasamudayā rūpasamudayo; āhāranirodhā rūpanirodho”.
Do các thức ăn tập khởi nên sắc tập khởi. Do các thức ăn đoạn diệt nên sắc đoạn diệt” (HT. TMC dịch) [5]

Sắc vật thực ngoại là năng duyên chủ yếu trợ giúp cho các sắc pháp.

Các sắc sở duyên được trợ giúp là sắc vật thực nội và sắc mạng quyền.

Đức Phật dạy:

“Sabbe sattā āhāratthitikā: Chúng sinh tồn tại do vật thực”.

d– Phi sở duyên

– Khi gọi “sắc do tâm tạo” là phi sở duyên. Là chỉ cho 2 sắc Biểu tri và sắc Thinh.
– Khi gọi “sắc do nghiệp tạo” là phi sở duyên. Là chỉ cho 8 sắc nghiệp (ngoại trừ sắc Mạng quyền).

Khi sắc Mạng quyền không được sắc Vật thực tiếp trợ, nó sẽ bị diệt. Khi ấy “mạng sống lẫn các sắc nghiệp khác” cũng diệt.

– Khi gọi “sắcthời tiết tạo” là phi sở duyên. Là chỉ cho 3 sắc đặc biệt và sắc Thinh.

Danh vật thực duyên (Nāma āhārapaccaya)

1. Định nghĩa.

Danh vật thực duyên là mãnh lực thâu bắt cảnh, giúp cho các danh pháp đồng sinh thêm vững mạnh.

Ý nghĩa của vật thực là “làm cho tồn tại chắc chắn” được nỗi bật trong danh vật thực duyên.

Tức là “bám chặt” lấy cảnh để trợ giúp cho pháp đồng sinh.

2. Chi pháp.

– Năng duyên. Là ba danh thực: Xúc thực, Thức thực và Tư niệm thực.

– Sở duyên. Là tâm + tâm sở + sắc do tâm tạo và sắc nghiệp tục sinh.

– Phi sở duyên. Các sắc pháp ngoài ra và pháp vật thực (āhāradhamma) đang làm năng duyên.

3. Giải thích.

3.1 Ở đây, Danh vật thực có thể được giải thích theo Kinh Tạng (Suttanta).

Theo Kinh Tạng, đối với danh pháp, vật thực mang ý nghĩa là “nuôi nấng, làm cho tăng trưởng”.

Như Phật ngôn:

“Avijjampāhaṃ, bhikkhave, sahāraṃ vadāmi, no anāhāraṃ.
“Ta tuyên bố, này các tỳkhưu, vô minh có thức ăn (sāhāraṃ), không phải là không có thức ăn.

Ko cāhāro avijjāya? Pañca nīvaraṇā’tissa vacanīyaṃ…”
Và cái gì là thức ăn của vô minh? Năm triền cái, cần phải trả lời như vậy”….

“Ko cāhāro pañcannaṃ nīvaraṇānaṃ?
“Cái gì là thức ăn của năm triền cái?

Tiṇi duccaritānī’tissa vacanīyaṃ…”.
Ba ác hạnh, cần phải trả lời như vậy?….

“Ko cāhāro vijjāvimuttiyā?
“Cái gì là thức ăn cho minh giải thoát?

‘Satta bojjhaṅgā’tissa vacanīyaṃ…”.
Bảy giác chi, cần phải trả lời như vậy…”.

“Ko cāhāro sattannaṃ bojjhaṅgānaṃ?
“Cái gì là thức ăn cho bảy giác chi?

Cattāro satipaṭṭhānā’tissa vacanīyaṃ…”.
Bốn niệm xứ, cần phải trả lời như vậy… [6].

Ở trên, Đức Phật dạy “thức ăn” của bất thiện pháp và “thức ăn” của thiện pháp.

Còn: “Sabbe sattā āhāratthitikā: Chúng sinh tồn tại do vật thực”, là nói đến “thức ăn” cho luân hồi.

1– Xúc thực

Như con chim khi định hướng rồi, nó bay lượn trong hư không với đôi cánh chuyền từ cây này sang cây khác, dùng mỏ mổ lấy trái cây để ăn hay tìm vật thực tương ứng với sự sống, loại vật thực ấy duy trì khả năng tồn tại bản thân.

Cũng vậy, với sáu loại xúc [7] để 6 cảnh hiển lộ, sinh khởi sáu thọ, khiến chúng sinh nhận lãnh khổ, lạc hoặc thản nhiên, để rồi từ đó “sinh khởi tham ái (taṅhā)” [8], dính mắc vào luân hồi.

Như vậy, “xúc làm sinh khởi thọ”, “nuôi dưỡng thọ được vững mạnh”.

Với pháp môn niệm thọ trong Tứ niệm xứ, nhằm mục đích “chấm dứt thọ cũ, không cho thọ mới sinh khởi”.

Thọ mới ở đây chỉ cho “thọ liên hệ với tham ái”.

Khi Xúc thực bị diệt thì thọ mới cũng diệt.

2 – Tư niệm thực

Sáu loại hành [9], nhận cảnh do xúc làm hiển lộ, hoạt động tương thích với cảnh.

Sáu loại hành này tạo ra nhiều loại nghiệp đi chung với tham hoặc trực tiếp, như “hành bất thiện”, hoặc gián tiếp như “hành thiện”.

Chúng sinh di chuyển từ kiếp sống này sang kiếp sống khác cũng từ các loại hành này.

Nói cách khác, tâm sở Tư làm “sinh khởi tâm quả và nuôi dưỡng chúng”, khiến chúng hiện bày trong tương lai.

Do đó, tâm sở Tư được gọi là “tư niệm thực”.

Niệm pháp trong Tứ niệm xứ, nhằm mục đích “diệt trừ Tư niệm thực này”.

3 – Thức thực

Sáu loại thức [10] duy trì các cảnh. Khi nhận biết cảnh, Ý thức điều khiển danh sắc này hoạt động.

Niệm tâm tứ niệm xứ nhằm mục đích “diệt trừ Thức thực” này.

Do vậy, có thể hiểu được chức năng của vật thực khác nhau và rộng lớn như thế nào.

II. 3.2 – Giải thích theo Thắng pháp tạng.

II. 3.2.1 – Về năng duyên.

– Tâm sở Xúc được gọi là vật thực (āhāra), vì nó “nắm giữ cảnh” giúp cho tâm cùng các tâm sở khác sinh lên một cách mạnh mẽ.

Xúc nuôi dưỡng các pháp đồng sinh từ những “cảnh toại nguyện”, hay “cảnh không toại nguyện”, nhất là đối với tâm sở Thọ (vedanācetasika).

– Tâm sở Tư được gọi là vật thực, vì nó nuôi dưỡng, cung cấp dũng lực cho các pháp đồng sinh khi “cố ý” thực hiện hành động thiện hay bất thiện qua ba cửa thân – ngữ – ý tương thích với cảnh.

Như khi người Phật tử nhìn thấy vị Samôn (cảnh), có ý cúng dường, khi ấy “sự cố ý – tâm sở Tư” nuôi dưỡng “điều này” và thực hiện qua thân môn…

“Ý muốn cúng dường” là tâm sở Vô tham đi chung với tâm sở Dục (chanda), tâm sở Tư nuôi dưỡng 2 tâm sở này được mạnh mẽ.

Hay người Phật tử muốn nghe pháp (tâm sở Dục và tâm sở Trí), tâm sở Tư nuôi dững vững mạnh hai tâm sở này, giúp cho người ấy đi nghe pháp…

– Thức được gọi là vật thực, vì nó vượt trội trong chức năng “dẫn dắt” các pháp đồng sinh, “chăm chú cảnh”, rồi điều hành thân tâm hoạt động theo ý..

Ba vật thực vô sắc này nuôi nấng cho các pháp đồng sinh, đồng thời có ảnh hưởng đến các sắc pháp đồng sinh.

II. 3.2.2. Về sở duyên.

Tâm sở Xúc và tâm sở Tư là tâm sở Biến hành, khi có chúng là có tâm và ngược lại khi có tâm thì có chúng.

Khi một trong ba pháp vô sắc này là năng duyên, thì những pháp còn lại là sở duyên.

– Khi nói sở duyên là “tất cả tâm”, vì tâm sở Xúc hay tâm sở Tư có thể trợ giúp cho tất cả tâm sinh lên.

– Khi nói “tâm sở hợp”, là tùy theo tâm sinh lên thì các tâm sở sinh lên theo tương ứng.

– Sắc tâm tạo. Ở đây chỉ cho sắc Thân biểu tri và sắc Ngữ biểu tri.

– Sắc nghiệp tục sinh. Vào thời điểm tục sinh, sắc nghiệp đồng sinh với tâm Tục sinh và được tâm Tục sinh nuôi dưỡng vững mạnh.

[1] – Abhs. Chương VI. Phần 3.

[2] – DhP. Câu 200.

[3] – Là sắc bên ngoài thân chúng sinh.

[4] – Do nghiệp tạo, do tâm tạo, do vật thực tạo và do khí hậu tạo.

[5] – S.iii, 58. Kinh Thủ chuyển (Upādānaparipavattasuttaṃ).

[6] – A.v, 113. Pháp 10 chi. Phẩm song đối (Yamakavaggo); kinh Vô minh (avijjā suttaṃ).

[7] – Là: Nhãn xúc, nhĩ xúc, tỷ, xúc, thiệt xúc, thân và ý xúc.

[8] – Vedanā paccaya taṅhā: Thọ duyên ái.

[9] – Là: Thân hành, ngữ hành, ý hành, phi phúc hành, phúc hành và bất động hành.

[10] – Là: Nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức.

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app