Khổ thân, khổ tâm, giải thoát khổ bằng 3 con đường:

  1. Thoát khổ nhất thời trong kiếp hiện tại.
  2. Giải thoát khổ, hưởng sự an lạc lâu dài trong kiếp sau.
  3. Giải thoát khổ hoàn toàn, không còn khổ nữa.

1. Thoát khổ nhất thời trong kiếp hiện tại như thế nào?

Trong đời này, người nghèo khổ túng thiếu không có đủ những nhu cầu cần thiết trong cuộc sống như cơm không đủ no, áo quần mặc không đủ ấm, chỗ ở không ổn định, khi bệnh hoạn ốm đau không có thuốc chữa trị, v.v… Đó là những nỗi khổ trong cuộc sống hiện tại này.

a) Nếu những người nghèo khổ không có đức tin nơi Tam Bảo, không tin nghiệp và quả của nghiệp, không có trí tuệ, không biết suy xét đúng đắn kỹ càng, thì họ có thể tìm cách thoát khổ bằng con đường làm nghề sát sinh, làm khổ chúng sinh khác; làm nghề trộm cắp, gây thiệt hại cho người khác, v.v… những việc làm ấy có thể tạm thời giải quyết được cảnh nghèo khổ, túng thiếu, đáp ứng được phần nào những nhu cầu cần thiết nhất thời. Nhưng vì họ đã tạo nghiệp ác, cho nên, họ phải chịu quả khổ của nghiệp ác ấy không chỉ trong kiếp hiện tại, mà còn phải chịu quả khổ của nghiệp ác ấy trong những kiếp vị lai.

Đó là con đường thoát khổ nhất thời, song có hại cả trong kiếp hiện tại lẫn nhiều kiếp vị lai. Do đó không nên làm, cần phải tránh xa các nghiệp ác như vậy.

hoa sen avt 1528038074 233 width640height480 schema article

b) Nếu những người nghèo khổ có đức tin nơi Tam Bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, có trí tuệ, biết suy xét đúng đắn kỹ càng, thì họ có thể tìm cách thoát khổ bằng con đường làm những nghề lương thiện, không làm khổ mình, không làm khổ người khác, không làm khổ chúng sinh khác.

Họ không làm 5 nghề buôn bán có hại như:

Không làm nghề buôn bán vũ khí giết hại chúng sinh.

Không làm nghề buôn bán người, các loài thú vật, các loại gia súc, gia cầm,…

Không làm nghề giết gia súc, gia cầm để bán thịt.

Không làm nghề buôn bán rượu, các chất say như thuốc phiện, ma túy, thuốc lá, v.v…

Không làm nghề buôn bán các loại chất độc giết hại chúng sinh.

Họ tránh xa cách sống tà mạng như thân hành ác, khẩu nói lời ác, lừa dối, ý nghĩ điều ác. Họ sống đúng theo chánh mạng bằng các nghề nghiệp lương thiện. Nhờ sự cố gắng cần mẫn, họ cũng tạo ra được nhiều của cải, không chỉ giúp cho họ thoát khỏi cảnh nghèo khổ túng thiếu, mà còn giúp đem lại sự lợi ích cho nhiều người khác nữa.

Đó là con đường thoát khổ có lợi, đem lại sự an lạc cho mình cả trong kiếp hiện tại lẫn nhiều kiếp vị lai, nhờ vào nghiệp thiện đã tạo trong kiếp hiện tại.

hinh anh hinh nen hoa sen trang dep nhat 3

2. Giải thoát khổ, hưởng sự an lạc lâu dài trong kiếp sau như thế nào?

a) Thoát khổ, hưởng sự an lạc lâu dài trong kiếp sau do được tái sinh trong cõi trời dục giới

Trong đời này, có một số người giàu sang phú quý, có đầy đủ mọi nhu cầu trong cuộc sống, là người có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, có trí tuệ sáng suốt, có trình độ hiểu biết giáo pháp của Đức Phật, nên biết suy xét rằng:

“Trong cõi người này, có khi thiện nghiệp cho quả thì thân và tâm được an lạc, nhưng cũng có khi nghiệp ác cho quả thì thân và tâm chịu khổ đau; tuổi thọ con người cũng không nhất định. Trong các cõi trời dục giới, nghiệp ác không có cơ hội cho quả, mà chỉ có nghiệp thiện có cơ hội cho quả an lạc mà thôi; tuổi thọ cũng nhất định, lâu dài tùy theo mỗi cõi trời dục giới ấy. Vậy ta nên tạo mọi phước thiện như: Bố thí, giữ gìn giới cho được trong sạch và đầy đủ trọn vẹn; thực hành thiền định mà chưa chứng đắc bậc thiền nào; thực hành thiền tuệ nếu chưa chứng đắc Thánh Đạo – Thánh Quả nào thì vẫn còn là hạng thiện trí phàm nhân.

Hạng thiện trí phàm nhân này sau khi chết, do thiện nghiệp cho quả tái sinh (hóa sinh), làm thiên nam hoặc thiên nữ trong cõi trời dục giới, hưởng mọi sự an lạc trong cõi trời ấy (cho đến khi hết tuổi thọ)”.

Đó là con đường giải thoát khổ, hưởng sự an lạc lâu dài trong kiếp sau do nhờ được tái sinh lên cõi trời dục giới.

b) Giải thoát khổ, hưởng sự an lạc lâu dài trong kiếp sau do được tái sinh trong cõi trời sắc giới, cõi trời vô sắc giới

Trong đời này, có một số bậc thiện trí phàm nhân có trí tuệ sáng suốt, có trình độ hiểu biết giáo pháp của Đức Phật sâu sắc, nên biết suy xét rằng:

“Trong các cõi trời dục giới, tuy có sự an lạc, nhưng sự an lạc ấy còn nương nhờ nơi ngũ trần (sắc trần, thanh trần, hương trần, vị trần, xúc trần) còn thô, không vi tế, có tuổi thọ không lâu dài. Còn trong các cõi trời sắc giớicõi trời vô sắc giới thì có sự an lạc không liên quan đến ngũ trần, thật vô cùng vi tế, có tuổi thọ lâu dài hơn (được tính bằng đại kiếp trái đất). Những hành giả thực hành thiền định chứng đắc đến bậc thiền hữu sắc nào, hoặc bậc thiền vô sắc nào rồi, sau khi chết chắc chắn bậc thiền ấy sẽ cho quả tái sinh (hóa sinh) lên cõi trời sắc giới, hoặc cõi trời vô sắc giới tùy theo bậc thiền ấy”.

Sau khi suy xét đúng đắn như vậy, bậc thiện trí phàm nhân thực hành đề mục thiền định có khả năng dẫn đến chứng đắc bậc thiền hữu sắc.

Nếu hành giả thực hành thiền định dẫn đến chứng đắc bậc thiền hữu sắc nào trong 4 bậc thiền hữu sắc và duy trì được bậc thiền hữu sắc ấy cho đến khi chết, thì sau khi chết chắc chắn bậc thiền hữu sắc ấy cho quả tái sinh (hóa sinh) làm phạm thiên trong cõi trời sắc giới tương ứng với bậc thiền ấy, hưởng sự an lạc cho đến hết tuổi thọ trong cõi trời sắc giới phạm thiên ấy.

Nếu hành giả thực hành thiền định, sau khi đã chứng đắc 4 bậc thiền hữu sắc xong, rồi tiếp tục thực hành thiền định dẫn đến chứng đắc bậc thiền vô sắc nào trong 4 bậc thiền vô sắc, thì sau khi chết chắc chắn bậc thiền vô sắc ấy cho quả tái sinh (hóa sinh) lên cõi trời vô sắc giới tương ứng với bậc thiền ấy, hưởng sự an lạc vô cùng vi tế hơn cõi trời sắc giới, và có tuổi thọ lâu dài hơn cõi trời sắc giới.

4 bậc thiền hữu sắc và 4 bậc thiền vô sắc có trong Phật giáo và cũng có ngoài Phật giáo.

Đó là con đường giải thoát khổ, hưởng sự an lạc lâu dài trong kiếp sau, do nhờ được tái sinh trong cõi trời sắc giới, cõi trời vô sắc giới.

anh hoa sen dep

3. Giải thoát khổ hoàn toàn như thế nào?

Trong đời này, bậc thiện trí phàm nhân có trí tuệ sáng suốt, có trình độ hiểu biết giáo pháp của Đức Phật sâu sắc và uyên thâm, nên biết suy xét rằng:

“Sinh mạng của mỗi chúng sinh hoàn toàn tùy thuộc vào nghiệp và tuổi thọ. Vòng tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài từ vô thủy không sao biết được, có khi tạo nghiệp ác, có khi tạo nghiệp thiện.

Nếu nghiệp ác cho quả, thì sẽ tái sinh trong 4 cõi ác giới: Địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh.

Nếu nghiệp thiện cho quả, thì sẽ tái sinh trong cõi thiện giới đó là cõi người, 6 cõi trời dục giới, 16 cõi trời sắc giới, 4 cõi trời vô sắc giới, tùy theo năng lực của nghiệp thiện ấy. Dù chúng sinh nào đã được tái sinh trong cõi nào, cõi ấy cũng chỉ là cõi tạm trú theo tuổi thọ của chúng sinh ấy mà thôi. Trong 31 cõi tam giới có số cõi có tuổi thọ không nhất định, có số cõi có tuổi thọ nhất định. Cõi cao nhất trong tam giới và có tuổi thọ lâu dài nhất là cõi trời vô sắc Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Thiên, có tuổi thọ 84.000 đại kiếp trái đất, nghĩa là phạm thiên trong cõi này được tạm trú lâu dài nhất, không có nghĩa là thường trú vĩnh viễn.

Vị phạm thiên trong cõi trời vô sắc này đến khi hết tuổi thọ, sau khi chết, do nghiệp thiện dục giới cho quả tái sinh trở xuống cõi thiện dục giới đó là cõi người hoặc cõi trời dục giới; rồi lại tiếp tục cuộc hành trình tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài, mà tử sinh luân hồi là khổ, không tử sinh luân hồi là lạc. Nhưng chúng sinh còn có vô minh (avijjā) tối tăm vì chưa chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, còn có tham ái (taṇhā) như sợi dây cột cổ dẫn dắt trong vòng tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài, không sao giải thoát ra khỏi khổ được.

Trong vòng tử sinh luân hồi, không phải kiếp nào cũng được sinh làm người giàu sang phú quý, làm chư thiên trong cõi trời dục giới, làm phạm thiên trong cõi trời sắc giới, cõi trời vô sắc giới như vậy được cả đâu!

Nếu còn là hạng phàm nhân có đầy đủ nguyên vẹn vô minh, tham ái, phiền não thì khó tránh khỏi sa đọa vào trong 4 cõi ác giới: Địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh.

Trong bộ Jātaka tiền kiếp của Đức Phật Gotama, khi Ngài còn là Đức Bồ Tát, có kiếp cũng bị tái sinh ở cõi địa ngục, súc sinh, v.v… huống gì những hạng phàm nhân tầm thường, thì làm sao tránh khỏi 4 cõi ác giới ấy được!

Một Ngài Đại Trưởng Lão dạy rằng: Một vật được ném mạnh lên hư không, dù mau, dù chậm vật ấy cũng phải rơi xuống mặt đất, chính mặt đất là nơi đón nhận mọi vật rơi từ hư không xuống. Cũng như vậy, chúng sinh trong vòng tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài từ vô thủy không sao biết được, chắc chắn khó mà tránh khỏi sa đọa trong 4 cõi ác giới: Địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh.

Thật vậy, chính thiện nghiệp nâng đỡ cho quả tái sinh làm người trong cõi người, làm chư thiên trong cõi trời dục giới, làm phạm thiên trong cõi trời sắc giới, cõi trời vô sắc giới; mà thiện nghiệp nào cho quả cũng có thời hạn của nó. Cho nên, chúng sinh đã được sinh trong cõi nào cũng có thời gian tuổi thọ trong cõi ấy, đến khi hết tuổi thọ, dù muốn hay không cũng phải từ bỏ cõi ấy, rồi tùy theo nghiệp của mình cho quả tái sinh đến cõi khác. Tất cả chúng sinh còn vô minh tối tăm, vì chưa chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, còn có tham ái như sợi dây cột cổ dẫn dắt luẩn quẩn trong vòng tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Tỳ Khưu Hộ Pháp
Tỳ Khưu Hộ Pháp

Con Đường Giải Thoát Khổ – Tỳ Khưu Hộ Pháp

 

 

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app