12 Tâm Bất Thiện Là Những Tâm Gì? Chúng Được Diệt Tận Bởi Các Thánh Nhân Ra Sao?

12 Tam Bat Thien La Nhung Tam Gi
12 Tâm Bất Thiện Là Những Tâm Gì? Chúng Được Diệt Tận Bởi Các Thánh Nhân Ra Sao? 3

12 Tâm Bất Thiện Là Những Tâm Gì? Chúng Được Diệt Tận Bởi Các Thánh Nhân Ra Sao?

8 Tâm Bất Thiện Bắt Nguồn Từ Căn Tham

1. Một tâm, không bị xúi giục, đồng phát sanh cùng thọ Hỷ, và liên hợp với tà kiến.

2. Một tâm, bị xúi giục, đồng phát sanh cùng thọ Hỷ, và liên hợp với tà kiến.

3. Một tâm, không bị xúi giục, đồng phát sanh cùng thọ Hỷ, và không liên hợp với tà kiến.

4. Một tâm, bị xúi giục, đồng phát sanh cùng thọ Hỷ, và không liên hợp với tà kiến.

5. Một tâm, không bị xúi giục, đồng phát sanh cùng thọ Xả, và liên hợp với tà kiến.

6. Một tâm, bị xúi giục, đồng phát sanh cùng thọ Xả, và liên hợp với tà kiến.

7. Một tâm, không bị xúi giục, đồng phát sanh cùng thọ Xả, và không liên hợp với tà kiến.

8. Một tâm, bị xúi giục, đồng phát sanh cùng thọ Xả, và không liên hợp với tà kiến.

Tám loại tâm nầy bắt nguồn từ Căn Tham.

2 Tâm Bất Thiện Bắt Nguồn Từ Căn Sân

9. Một tâm, không bị xúi giục, đồng phát sanh cùng thọ Ưu, và có liên hợp với ác ý.

10. Một tâm, bị xúi giục, đồng phát sanh cùng thọ Ưu, và có liên hợp với ác ý.

Hai loại tâm nầy liên hợp với ác ý.

2 Tâm Bất Thiện Bắt Nguồn Từ Căn Si

11. Một tâm, đồng phát sanh cùng thọ Xả, và liên hợp với hoài nghi.

12. Một tâm, đồng phát sanh cùng thọ Xả, và liên hợp với phóng dật.

Hai loại tâm nầy bắt nguồn từ căn Si mạnh mẽ.

Tóm lược: Tâm bắt nguồn từ căn Tham: tám. Từ căn Sân: hai, và từ căn Si: hai. Như vậy có tất cả mười hai loại tâm bất thiện.

Sự Tận Diệt Các Loại Tâm Bất Thiện Do Bốn Hạng Thánh Nhân

Một vị Nhập Lưu (Sotāpanna — Tu Ðà Huờn)

tận diệt các loại tâm số 1, 2, 5, 6 và 11 vì Ngài đã cắt đứt hai thằng thúc (Saṁyojana, dây trói buộc chúng sanh vào vòng luân hồi) là ảo tưởng liên quan đến tự ngã (Sakkāyadiṭṭhi, thân kiến) và hoài nghi (Vicikicchā).

Một vị Nhứt Lai (Sakadāgāmi — Tư Ðà Hàm)

đã đắc tầng Thánh thứ nhì, làm suy giảm năng lực của những loại tâm thứ 9 và thứ 10, vì Ngài chỉ làm suy nhược hai thằng thúc Kāmarāga (luyến ái theo nhục dục ngũ trần) và Paṭigha (bất toại nguyện).

Một vị Bất Lai (Anāgāmi — A Na Hàm)

đã đắc tầng Thánh thứ ba, tận diệt luôn cả hai loại tâm kể trên vì đã hoàn toàn cắt đứt hai thằng thúc ấy.

Một vị A La Hán (Arahanta)

không còn loại nào trong mười hai loại tâm bất thiện, vì Ngài đã tận diệt luôn 5 thằng thúc còn lại là: Rūparāga (luyến ái theo các tầng Thiền Sắc Giới và cảnh Sắc Giới), Arūparāga (luyến ái theo các tầng Thiền Vô Sắc và cảnh Vô Sắc Giới), Māna (ngã mạn), Uddhacca (phóng dật) và Avijjā (vô minh).

(Sīlabbata parāmāsa = giới cấm thủ, hay dể duôi tin theo những nghi thức lễ bái sai lầm, là một trong mười thằng thúc, không được nhắc đến ở trên — được tận diệt do một vị Nhập Lưu).

Nguồn trích dẫn: Abhidhammattha Saṅgaha. Vi Diệu Pháp Toát Yếu. Nārada Mahā Thera. Phạm Kim Khánh dịch. 

Ghi chú 

Ghi chú 1: Liên hệ với tu tập thiền quán

– Trong thực hành tu tập thiền minh sát Vipassana, Quán Thân và Quán Thọ thường xuyên, kịp thời, kỹ lưỡng và thành thục sẽ tạo nền tảng để dễ dàng Quán Tâm: việc ghi nhận và quán sát cảm thọ là chìa khóa để có thể nhận biết ngay các tâm, trong đó có 12 tâm bất thiện khởi sinh.
 
Do có xúc chạm giữa sáu giác quan (lục căn: ① mắt, ② tai, ③ mũi, ④ lưỡi, ⑤ thân, ⑥ ý) với sáu loại đối tượng (lục trần: ① hình dạng, màu sắc, ② âm thanh, ③ mùi, ④ vị, ⑤ nóng lạnh cứng mềm, ⑥ tưởng tượng tư duy) nên thọ cảm – vedana, phát sinh.
 
Thọ cảm Vedana là tâm sở quan trọng nằm trong các loại tâm, đặc tính của nó là cảm giác, gồm ❶ lạc, ❷ khổ và ❸ xả.
 
Theo phân loại chi tiết hơn thì vedana chia thành 5 loại:
① Sukha = Lạc – cảm giác thích thú thuộc về vật chất.
② Somanassa = Hỷ – hoan hỷ thỏa thích thuộc tinh thần.
③ Dukkha = Khổ – đau đớn thuộc về thể chất.
④ Domanassa = Ưu – ưu phiền thuộc về tinh thần.
⑤ Upekkha = Xả – thản nhiên, quân bình.
 
Vì 12 tâm bất thiện khởi sinh cùng Thọ Hỷ (Tham), Thọ Ưu (Sân) và Thọ Xả (Tham, Si) nên khi ghi nhận và quán sát được các cảm thọ Vedana này thì sẽ có cơ hội thấy rõ được sự sinh diệt của 12 tâm bất thiện này, tạo điều kiện, tạo duyên cho trí tuệ phát sinh ngăn chặn và đoạn diệt các tâm bất thiện tiếp tục sinh khởi tạo thành các nghiệp bất thiện nơi thân, khẩu, ý.
 
Mọi tội lỗi nhỏ bé hay tội ác tàn bạo đều do 12 tâm bất thiện mà ra, bắt nguồn do xúc chạm duyên cảm thọ, cảm thọ duyên tham ái, tham ái duyên chấp thủ và chấp thủ duyên nghiệp hữu, và đây chính là duyên cho sinh lão bệnh tử, khổ đau trong sinh tử luân hồi.
 
Vậy hãy ráng cẩn trọng ghi nhận và quán sát từng xúc chạm, từng cảm thọ, để thấy rõ bản chất vô thường khổ vô ngã cùng mối quan hệ nhân duyên với từng tâm tư suy nghĩ trong mọi lúc mọi nơi, kiên trì và tinh tấn ngay trong sát na hiện tại.
 
Chìa khóa giác ngộ giải thoát chính là đây.

Ghi chú 2: Các ví dụ về tâm bất thiện


15. Kusala và Akusala, Thiện và Bất Thiện.

Ðoạn nầy đề cập đến các loại tâm bất thiện (Akusala). Akusala trực tiếp nghịch nghĩa với Kusala.
Sách Atthasālinī giải thích ngữ nguyên của danh từ Kusala như sau [3]:

(i) “Ku”, xấu + căn “sal”, lay chuyển, run rẩy, tiêu diệt. Cái gì lay chuyển, tiêu diệt điều bất thiện, hay điều đáng khinh miệt, là kusala.
(ii) “kusa” + căn “lu”, cắt đứt. “Kusa” do “ku”, xấu và căn “si”, nói dối. Cái gì gian dối một cách đáng khinh miệt là kusa, tật xấu. Kusala là cái gì cắt đứt tật xấu.
(iii)
a – “ku” bất thiện, xấu + căn “su”, suy giảm. Cái gì làm suy giảm, hay tiêu diệt điều bất thiện là “kusa”, tri kiến hay trí tuệ. Kusa, theo ngữ nguyên như được giải thích trên + căn “lu”, cắt đứt. Cái gì cắt đứt (điều bất thiện) bằng trí tuệ là kusala.

b – “Kusa”, như giải trên + căn “la”, lấy. Cái gì bị trí tuệ bám lấy là kusala.

(iv) Loại cỏ kusa có hai bề lưỡi đều sắc bén nên cắt đứt tay bằng cả hai bề. Cùng thế ấy, kusala cắt đứt cả hai phần của dục vọng — phần đã phát sanh và phần chưa phát sanh.

Về ý nghĩa bao hàm của danh từ nầy, sách Atthasālinī ghi [4]: “Chữ kusala có nghĩa ‘mạnh khoẻ’ (ārogya), ‘vô tội’ (anavajja), ‘thông minh’ (cheka), ‘có khả năng tạo quả an vui’ (sukhavipāka)”.

Ngoại trừ “thông minh”, tất cả ba nghĩa kia đều có thể áp dụng cho danh từ kusala.

Kusala là tinh khiết hay lành mạnh, hiểu theo nghĩa “tránh khỏi những chứng bệnh vật chất và tinh thần do dục vọng gây nên”.
Kusala là vô tội, hiểu theo nghĩa “tránh khỏi tội lỗi do dục vọng tạo duyên gây nên, do những ảnh hưởng xấu của dục vọng, và sức nóng của dục vọng”.

Ở đây sukhavipāka, quả an vui, không nhất thiết phải là thọ lạc, sung sướng về vật chất. Quả vui ở đây là trạng thái dịu dàng, thoải mái, tiện nghi thơ thới — cả vật chất lẫn tinh thần.

Sách Atthasālinī lại có ghi rằng kusala được dùng trong nghĩa “đã được hoàn thành với trí tuệ” (kosalla- sambhūtaṭṭhena; kosallaṁ vuccati paññā). Xét theo những ý nghĩa khác nhau của danh từ, kusala có thể được hiểu là: lành mạnh, tinh khiết, trong sạch, hay thiện. Vài học giả thích phiên dịch kusala là tinh xảo, khéo léo. 
 
Do đó, Akusala là bất tịnh, không tinh khiết, hay bất thiện. Kusala và Akusala tương đương với tốt và xấu, đúng và sai.

16. Làm thế nào xác định rằng một hành động là thiện (kusala) hay bất thiện (akusala)? Dựa trên tiêu chuẩn đạo đức nào? [5]

Một cách vắn tắt, cái gì liên hợp với ba căn (mūla) bất thiện (akusala) là bất thiện. Liên hợp với ba căn thiện (kusala) là thiện.

Cũng như hột giống được gieo trồng trên đất phì nhiêu sẽ sanh sôi nảy nở, không sớm thì chầy, tùy theo bản chất riêng của nó.
Cùng thế ấy, hành động thiện và bất thiện sẽ tạo những hậu quả đáng được ưa thích hay không đáng được ưa thích, hậu quả ấy được gọi là Vipāka (Quả).

18. Những Thí Dụ Dùng Ðể Giải Thích Mười Hai Loại Tâm Bất Thiện.

Căn Tham

1) Một cậu bé bỗng dưng (không có sự xúi giục) ăn cắp trái táo một cách vui vẻ (đồng phát sanh với thọ hỷ), thấy rằng việc làm ấy không có gì là xấu (liên hợp với tà kiến).
2) Có bạn xúi giục, một cậu bé vui vẻ ăn cắp một trái táo, thấy rằng việc làm ấy không có gì là xấu.
3) Một cậu bé bỗng dưng ăn cắp trái táo một cách vui vẻ, biết rằng việc làm ấy là xấu (không liên hợp với tà kiến).
4) Có bạn xúi giục, một cậu bé vui vẻ ăn cắp trái táo, biết rằng việc làm ấy là xấu.
5) Một cậu bé bỗng dưng ăn cắp trái táo một cách thản nhiên (tức ăn cắp với thọ xả, không vui không buồn lúc ăn cắp) thấy rằng việc làm ấy không có gì là xấu.
6) Có bạn xúi giục, cậu bé thản nhiên ăn cắp trái táo, thấy rằng việc làm ấy không có gì là xấu.
7) Một cậu bé bỗng dưng ăn cắp trái táo một cách thản nhiên, biết rằng việc làm ấy là xấu.
8) Có bạn xúi giục, một cậu bé thản nhiên ăn cắp trái táo, biết rằng việc làm ấy là xấu.

Căn Sân
9) Với lòng sân hận ta sát hại một người khác mà không có mưu tính trước.
10) Với lòng sân hận, ta sát hại một người khác sau khi đã mưu tính.

20. Thí Dụ Về Căn Si

11) Một người hoài nghi về sự hiện hữu của Ðức Phật, về hiệu năng của Giáo Pháp vì si mê.

12) Một người có tâm phóng dật không thể chú tâm vào một đề mục.
Hai loại tâm nầy yếu ớt vì phát sanh do trạng thái mê mờ và hôn trầm của tâm. Vì lẽ ấy cảm giác, hay thọ, liên hợp không thể là hỷ hay ưu, mà chỉ là xả.

21. Mười Loại Bất Thiện Nghiệp liên quan đến mười hai loại tâm bất thiện.

Mười loại bất thiện nghiệp tạo nên do thân, khẩu, ý:


THÂN: (1) Sát sanh (pāṇātipāta), (2) trộm cắp (adinnā- dāna), (3) tà dâm (kāmesumicchācāra).
KHẨU: (4) nói dối (musāvāda), (5) nói đâm thọc (pisuṇavācā), (6) nói thô lỗ cộc cằn (pharusa- vācā), (7) nói nhảm (samphappalāpa).
Ý: (8) tham lam (abhijjhā), (9) sân hận (vyāpāda) và (10) tà kiến (micchādiṭṭhi) [6].

Tất cả mười bất thiện nghiệp đều được tạo nên do mười hai loại tâm bất thiện kể trên. Thông thường người ta phạm nghiệp sát sanh với loại tâm số 9 và số 10. Nghiệp trộm cắp với tám loại tâm đầu tiên.
 
Nghiệp tà dâm cũng được tạo nên do tám loại tâm đầu tiên.

Người ta cũng có thể trộm cắp vì sân hận. Trong trường hợp nầy nghiệp trộm cắp có thể được tạo nên do những loại tâm thứ 9 và thứ 10.

Nghiệp nói dối có thể do mười loại tâm đầu tiên. Nói đâm thọc, nói lời thô lỗ cộc cằn, với các loại tâm số 9 và số 10. Nói nhảm, với 10 loại tâm đầu tiên. Tham lam phát sanh do tám loại tâm đầu tiên. Sân hận do hai loại, tâm số 9 và số 10. Tà kiến do những loại số 1, 2, 5, 6. [7]

Nguồn trích dẫn: Vi Diệu Pháp toát yếu

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app