1 Pháp | 2018 | Thiền Viện Kyunpin | bài 6, 7,8,9

Tóm tắt: Ngài Thiền Sư giảng Bài kinh Thứ Nhất cho ānanda, rằng khi quan sát, theo dõi hơi thở, thường xuyên, liên tục, lặp đi lặp lại thì sẽ làm cho tứ niệm xứ phát sinh, và khi tứ niệm xứ được thực hành thường xuyên sẽ làm phát sinh 7 yếu tố đưa đến giác ngộ và cuối cùng 7 yếu tố này khi được thực hành thường xuyên sẽ làm phát sinh trí tuệ và giải thoát. Bài giảng năm 2018 tại Thiền Viện Kyunpin, Myanmar. (pathamaānandasutta, samyutta nikāya).

Bài giảng kinh Paṭhamaānanda

( Thiền sư Kyunpin ( U Jatila) giảng tại thiền viện Kyunpin, Myanmar, mùa an cư 2018 )

Hôm nay ngài giảng bài kinh Paṭhamaānanda nằm trong Tương Ưng Bộ Kinh. Pathama có nghĩa là lần thứ nhất. Ananda có nghĩa là đại đức Ananda. Sở dĩ có tên bài kinh thứ nhất cho Ananda bởi vì đây là lần đầu tiên mà ngài Ananda hỏi Đức Phật những câu hỏi này.

Bài kinh bắt đầu giới thiệu là tại thành phố Savathi ( Xá Vệ), đại đức Ananda đến gặp Đức Phật, đảnh lễ, ngồi sang một bên và hỏi Đức Phật như sau: thưa Thế Tôn có một pháp nào khi được thực hành thường xuyên sẽ làm cho 4 pháp phát sinh? Có bốn pháp nào khi được thực hành thường xuyên sẽ làm cho bảy pháp phát sinh? Có bảy pháp nào khi được thực hành thường xuyên sẽ làm cho hai pháp phát sinh? (Tức là sẽ làm cho người này kinh nghiệm đạo, quả, niết bàn).

Và Đức Phật trả lời rằng có, có một Pháp khi được thực hành thường xuyên sẽ làm cho 4 pháp phát sinh. Có bốn pháp khi được thực hành thường xuyên sẽ làm cho bảy pháp phát sinh. Và có bảy pháp khi được thực hành thường xuyên sẽ làm cho hai pháp phát sinh. (Tức là sẽ làm cho người này kinh nghiệm đạo, quả, niết bàn)

Và rồi Đức Phật trả lời này Ananda, định tâm có được nhờ chánh niệm vào hơi thở chính là một pháp khi được thực hành thường xuyên, liên tục, lặp đi, lặp lại sẽ làm cho 4 nền tảng tức là tứ niệm xứ phát sinh. Và thiền sư giảng là chúng ta ở đây không thực hành quán hơi thở mà quán phồng, xẹp. Bốn nền tảng chánh niệm khi được thực hành thường xuyên, liên tục, lặp đi, lặp lại sẽ làm cho 7 yếu tố đưa đến giác ngộ phát sinh. Khi thực hành 7 yếu tố đưa đến giác ngộ thường xuyên, liên tục, lặp đi, lặp lại thì sẽ làm cho trí tuệ và giải thoát phát sinh.

Và Đức Phật giải thích thêm thế nào là định tâm có được nhờ chánh niệm vào hơi thở. Ở đây, chánh niệm vào phồng, xẹp là một pháp khi được thực hành thường xuyên, liên tục, lặp đi, lặp lại sẽ làm cho 4 nền tảng chánh niệm tức là tứ niệm xứ phát sinh. Đức Phật dạy rằng ở đây vị tỳ khưu vào rừng, đến cội cây, nơi trống vắng, ngồi xếp bằng, thân thẳng và thiết lập chánh niệm. Vị ấy chánh niệm khi thở vào và khi thở ra. Thở vô dài vị ấy hay biết tôi thở vô dài, thở ra dài vị ấy hay biết tôi thở ra dài. Thở vô ngắn vị ấy hay biết tôi thở vô ngắn, thở ra ngắn vị ấy hay biết tôi thở ra ngắn.

Thiền sư giải thích là khi chúng ta thực hành quan sát phồng, xẹp thì đề mục chính của chúng ta là phồng, xẹp. Chúng ta ngồi xuống, xếp bằng, lưng giữ thẳng và thiết lập chánh niệm vào phồng, xẹp. Chúng ta hay biết phồng, xẹp dài hay ngắn, mạnh hay yếu, di chuyển một cách chi tiết, một cách cặn kẽ. Như vậy qua bài kinh này, chúng ta thấy Đức Phật giảng cho ngài Anada cách thức quan sát đề mục chính là hơi thở hay phồng, xẹp. Như vậy qua đây Đức Phật dạy cách quan sát và hiểu cho đúng đắn hơi thở hay là phồng, xẹp, dài biết dài, ngắn biết ngắn và mình biết nó mạnh hay nhẹ, nhanh hay chậm, lắc, rung hay không, thô hay là vi tế (khó thấy)…

Như vậy thiền sinh phải hiểu cho rõ khi chúng ta ngồi thiền thì phải quan sát, theo dõi, cảm nhận, hay biết đề mục chính này và không làm gì khác.

Dù đề mục chính có yếu, có không rõ, chúng ta cũng phải cố gắng quan sát, theo dõi một cách liên tục và cẩn thận mà không thắc mắc, không phân tích, không sợ hãi, không lo lắng, không tìm kiếm cái gì cả và thiền sư nói rằng thiền sinh khi ngồi thiền, quan sát đề mục liên tục, cẩn thận cho đủ giờ và đây là cách thức mà Đức Phật dạy ngài Ananda phải thực hành cho tới khi kinh nghiệm niết bàn.

Như vậy qua thông điệp này của Đức Phật chúng ta thấy rõ rằng khi ngồi thiền chúng ta phải theo dõi để mục chính liên tục, lặp đi, lặp lại trong từng sát na và ngồi cho đủ 1 giờ và khi coi ( quan sát ) phồng, xẹp như vậy, như thiền sư đã nói, chúng ta phải biết nó dài hay ngắn, mạnh hay yếu, rõ hay mờ, thô hay vi tế (khó thấy).

Và có khi chúng ta ngồi thiền, thân lắc, nghiêng hay đổ mồ hôi. Đây là những kinh nghiệm rất bình thường. Chúng ta theo dõi, cảm nhận hay biết quan sát, đề mục như vậy, liên tục mà không ngừng nghỉ, không lo lắng, không phân tích, không thắc mắc, không hỏi tại sao. Nếu chúng ta làm được như vậy thì việc hành thiền sẽ tiến bộ hàng ngày. Đây chính là cách thức tu tập mà ngài muốn thiền sinh nắm vững.

Qua lời Đức Phật nói, nếu mà chúng ta theo dõi đề mục chính liên tục, thường xuyên, lặp đi, lặp lại như vậy thì chúng ta có thể phát triển được chánh niệm, có thể phát triển được tứ niệm xứ, phát triển được 7 yếu tố đưa đến giác ngộ và kinh nghiệm niết bàn.

Ngài nói rằng một số thiền sinh không lắng nghe kỹ hướng dẫn hành thiền của Ngài mặc dù ngài đã lặp đi, lặp lại nhiều lần cho nên khi gặp bất cứ kinh nghiệm gì cũng hỏi, rồi đôi khi khóc lóc, buồn bã, lo lắng về những kinh nghiệm của mình. Đây là những thiền sinh không lắng nghe kỹ lời dạy và cũng là những thiền sinh không có trí tuệ. Ngài nói rằng đây là công thức của Đức Phật dạy chứ không phải của ngài dạy, nếu như thiền sinh không làm theo công thức này thì chắc chắn việc hành thiền sẽ bế tắc. Nếu không muốn việc hành thiền bế tắc thì phải làm theo hướng dẫn này.

Đức Phật nói tiếp rằng khi quan sát hơi thở như vậy, vị ấy làm cho thân này trở nên nhẹ nhàng khi thở vào và khi thở ra. Làm như thế là vị tỳ khưu sống quán thân trong thân, chuyên cần, tỉnh giác, chánh niệm loại trừ tham ái và sân hận trong đời.

Đức Phật nói thêm rằng vì đâu mà nói như vậy. Này Ananda, ta gọi hơi thở vào, ra là thân vì vậy nói rằng vị tỳ khưu sống quán thân trong thân, chuyên cần, tỉnh giác, chánh niệm loại trừ tham ái và sân hận trong đời.

Thiền sư giải thích là hơi thở vào hơi thở ra thuộc về thân và phồng, xẹp cũng là thuộc về thân. Như vậy khi chúng ta theo dõi phồng, xẹp là chúng ta đang quán thân trong thân.

Như vậy khi theo dõi phồng, xẹp hay theo dõi hơi thở cẩn thận liên tục nhiều lần thì việc hành thiền sẽ tiến bộ và thiền sinh chỉ theo dõi hơi thở hay phồng, xẹp không thôi mà đang theo dõi toàn thân.

Để hiểu về mục đích hành thiền, ngài sẽ nói về bản chất của thân này dựa theo Vi Diệu Pháp.

Thân này gồm có nhiều sắc pháp tạo thành, trong đó có bốn yếu tố chính gọi là tứ đại là đất, nước, gió và lửa. Yếu tố đất là những gì cứng, giãn và nổi trội trong các phần của cơ thể như tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận, vv.

Yếu tố nước thì nổi trội trong các thứ như là nước mắt, máu, mồ hôi, nước tiểu, nước miếng,…

Yếu tố lửa là nhiệt độ nóng, lạnh, ấm, mát. Và yếu tố gió  là sự chuyển động ở trong thân.

Do có 4 yếu tố này mà chúng ta kinh nghiệm được sự nóng, lạnh, cứng, mềm, co, giãn, dính, hút, dịch chuyển. Vì có bốn yếu tố chính này nên có sự sống nơi thân.

Khi chúng ta hành thiền thì chúng ta sẽ nhận ra đặc tính của các yếu tố này. Do yếu tố gió nên có sự chuyển động nên mình có thể đi, đứng, hoạt động, có thể nhấc chân, đưa tay, có thể nuốt, ăn được. Có rất nhiều loại gió trong thân, đôi khi gió làm cho cơ thể lắc, xoay, rung… Bởi vì có yếu tố lửa cho nên có khi mình cảm thấy quá nóng hoặc quá lạnh hay ấm, mát. Vì có yếu tố đất cho nên chúng ta cảm thấy cứng hay giãn, nở…

Vậy khi hành thiền, chúng ta kinh nghiệm tất cả những điều này tức là chúng ta nhận ra được sự có mặt của bốn yếu tố này trong thân. Như vậy, khi kinh nghiệm gió hay chuyển động hay rung lắc ở trong thân thì đây là những kinh nghiệm rất là bình thường bởi vì có yếu tố gió. Có khi chúng ta kinh nghiệm thân nhẹ, mềm có khi thì cứng như đá, khi thì nóng, khi thì lạnh, khi thì đau, khi thấy mồ hôi ra nhiều, nước miếng ra nhiều, đôi khi có cảm giác như kiến bò, khi thì mệt mỏi, khi thì ngạt thở, khi thì dễ chịu, khó chịu, tất cả thiền sinh đều kinh nghiệm những điều như thế này, đây là chuyện bình thường.

Mục đích của việc hành thiền là nhận ra những điều này. Vì đây là những đặc điểm ở trong thân này. Nhưng có những thiền sinh khi kinh nghiệm những chuyện này chút ít thì bắt đầu lo rằng “tôi hành thiền như vậy thì có thể nào chết ở thiền viện này không hay “tôi bị bệnh rồi, tôi phải đi gặp bác sĩ gấp” hay là “tôi phải đi uống thuốc hay là đi tắm hay phải đi lấy quạt để quạt”. Ngài nói rằng những thiền sinh như thế này dù có hành thiền vài chục năm cũng không thấy pháp. Như vậy khi hành thiền và kinh nghiệm những điều này thì cứ tiếp tục ghi nhận cho đủ một tiếng, đừng có đứng dậy.

Ngài nói rằng phải hành thiền với suy nghĩ bỏ thân mạng này đi cũng được thì chúng ta mới tiến bộ.

Khi gặp khó khăn, chúng ta cứ tránh né thì không thể nào tiến bộ được. Vậy qua bài kinh này. chúng ta thấy Đức Phật dạy quan sát đề mục chính là hơi thở nhiều lần, liên tục, lặp đi, lặp lại. Chúng ta ở đây quan sát phồng, xẹp cũng cần phải quan sát thường xuyên, liên tục, lặp đi, lặp lại.

Có thiền sinh hỏi rằng khi có đề mục phụ như đau, nhức thân mỏi, rung lắc thì phải làm sao. Ngài trả lời rằng qua những lời dạy của Đức Phật thì chúng ta cần phải theo dõi đề mục chính cho thật là kỹ càng và nếu có đề mục phụ nổi bật thì ghi nhận còn nếu không nổi bật thì thôi.

Thiền sinh lại hỏi rằng cần phải quan sát đề mục phụ bao lâu.

Trong bài kinh này, Đức Phật không nhắc tới đề mục phụ. Như vậy khi có đề mục phụ quá nổi bật thì thiền sinh tự quyết định.

Ngài nói rằng nếu như thân mà cứ lắc, thiền sinh theo dõi một năm, hai năm, mười năm ,20 năm vẫn cứ như vậy, hay nếu như là người này cứ buồn ngủ, vọng động 1 năm, 10 năm, 20 năm thì phải làm sao. Nếu vậy, chúng ta cần phải xem lại xem mình làm có đúng không. Đức Phật nói rằng chúng ta theo dõi đề mục chính liên tục, kĩ càng, lặp đi, lặp lại. Nếu chúng ta làm được như vậy thì nó có thể đưa chúng ta đến niết bàn.

Qua lời nói của Đức Phật thì rõ ràng đề mục phụ chỉ là chuyện nhỏ thôi. Nếu chúng ta không vượt qua được những đề mục phụ như lắc, đau đầu, buồn ngủ, chóng mặt, nhức đầu,… Thì do chúng ta đã không làm theo lời Đức Phật dạy mà thôi. Có một số thì sinh lại nói rằng vì họ theo dõi phồng, xẹp cho nên mới bị nhức đầu, chóng mặt. Có người nói rằng theo dõi phồng, xẹp là thiền định (samatha). Có người nói rằng vì theo dõi phồng, xẹp cho nên tâm bị vọng động làm cho hành thiền khó khăn hơn. Ngài nói rằng trong bài kinh này không thấy Đức Phật nói như vậy.

Mặc dù Đức Phật không nói về phồng, xẹp mà nói về hơi thở nhưng phồng, xẹp và hơi thở là giống nhau và Đức Phật không nói khi theo dõi để mục chính thì chúng ta bị nhức đầu, chóng mặt, khó chịu, vong động và thiền khó khăn gì cả. Đức Phật nói rằng nếu như chúng ta thực hành một pháp tức là chánh niệm hơi thở thường xuyên, liên tục, lặp đi, lặp lại thì chúng ta có khả năng kinh nghiệm niết bàn.

Thiền sư nói rằng nếu thiền sinh ở đây biết cách tu tập và biết đâu kinh nghiệm niết bàn thì không cần phải tốn tiền mua vé máy bay sang Myanmar làm gì nữa.

Và nếu hành thiền đúng thì biết đâu sau 3 tháng mọi người đều trở thành thiền sư còn nếu như không hành thiền đúng thì thiền sinh luôn luôn thắc mắc, rối rắm rồi đi nơi này, nơi khác nhưng kết quả cũng không khá hơn.

Và Ngài nói rằng để mà tiến bộ trong 3 tháng hạ này thì thiền sinh phải làm như lời Đức Phật dạy tức là theo dõi đề mục chính cho kỹ, liên tục, nhiều lần, lặp đi, lặp lại và đừng sợ chết Ngài nói rằng theo dõi phồng, xẹp không có chết đâu mà nếu có chết thì ngài sẽ thiêu cho.

Đức Phật dạy tiếp phần liên quan đến các cảm thọ. Lại nữa này Ananda, kinh nghiệm cảm giác thích thú, tỳ khưu hay biết tôi kinh nghiệm cảm giác thích thú (thọ hỷ) khi thở vào kinh nghiệm cảm giác thích thú (thọ hỷ) khi thở ra, tỳ khưu hay biết tôi kinh nghiệm cảm giác thích thú khi thở ra. Kinh nghiệm cảm giác an lạc khi thở vào, kinh nghiệm cảm giác an lạc khi thở ra, vị ấy hay biết những cảm giác này.

Vị ấy làm cho tâm này trở nên nhẹ nhàng, tĩnh lặng khi thở vào và khi thở ra. Làm như vậy là tỳ khưu sống quán thọ trong các cảm thọ, chuyên cần, tỉnh giác, chánh niệm, loại trừ tham ái và sân hận trong đời.

Thiền sư giải thích là khi chúng ta theo dõi phồng, xẹp liên tục, nhiều lần, lặp đi, lặp lại, cẩn thận, chúng ta có thể kinh nghiệm được những cảm thọ như là hỷ, lạc… Và khi thực hành quán thọ như vậy một cách chuyên cần, tỉnh giác, chánh niệm thì chúng ta cũng loại trừ được tham ái, sân hận trong đời.

Vậy qua đoạn mà chúng ta vừa nghe về các cảm thọ thì từ đó chúng ta thấy rằng đầu tiên, Đức Phật dạy chúng ta theo dõi hơi thở vào và hơi thở ra, sau khi theo dõi hơi thở rồi, chúng ta kinh nghiệm được các cảm thọ. Như vậy, bắt đầu từ việc theo dõi hơi thở hay theo dõi phồng, xẹp thì giờ chúng ta có thể theo dõi, hay biết được các cảm thọ gồm có thọ hỉ tức là trạng thái hoan hỉ, an lạc hay là thọ khổ tức là cảm giác khó chịu, bực bội hay là thọ xả.

Như vậy nhờ chúng ta theo dõi để mục chính là phồng, xẹp mà dần dà chúng ta cũng hiểu được các cảm thọ. Đức Phật cũng dạy rằng cảm thọ như thế nào thì chúng ta hay biết như thế đó. Ngài dạy chúng ta đừng có dính mắc vào các cảm giác dễ chịu, đừng khởi tâm tham với các cảm giác dễ chịu rồi mong chờ nó trở lại và đừng có khởi tâm bực bội, sân hận với những cảm giác khó chịu và khổ sở. Đối với những cảm giác không khó chịu cũng không dễ chịu gọi là thọ xả thì chúng ta cũng phải cố gắng vượt qua trạng thái vô minh, mê mờ.

Ngài thiền sư nói rằng nếu chúng ta tham, thích, dính mắc vào những cảm giác dễ chịu thì việc hành thiền của chúng ta sẽ bị bế tắc. Bởi vì khi chúng ta kinh nghiệm cảm giác dễ chịu rồi thì không có những cảm giác dễ chịu đó thì chúng ta lại thắc mắc tại sao hỷ, lạc ngày hôm qua lại mất rồi, chúng ta hi vọng nó trở lại mà nó không trở lại… Như vậy chúng ta không ghi nhận được liên tục và bế tắc chỗ đó.

Còn nếu như  có những cảm thọ khó chịu và chúng ta bực bội với nó, chúng ta từ chối nó và muốn bỏ cuộc, bỏ thiền viện đi về thì chúng ta cũng không thể vượt qua được những cảm thọ này và do vậy việc hành thiền cũng bế tắc.

Và ngài chia sẻ một chút về việc hành thiền của ngài. Ngài nói rằng năm 1996, Ngài bắt đầu hành thiền rất nghiêm mật. Sau đó, ngài được ngài U Pandita cho làm thiền sư ở thiền viện đó. Sau đó, ngài U Pandita cử ngài qua Mỹ học tiếng Anh ba năm và khi ngài U Pandita nói rằng nếu muốn thì Ngài có thể ở lại học tiếng Anh lâu hơn nữa. Nhưng ngài nghĩ rằng mình học tiếng Anh chỉ để giảng giáo pháp bằng tiếng Anh mà thôi chứ cũng chẳng cần bằng cấp gì. Tiếng Anh không khá lắm nhưng mà cũng đủ để giải thích và khi đến trường đại học San Jose, ngài được cấp học bổng nhưng  ngài từ chối vì thấy việc hành thiền quan trọng hơn.

Cho nên ở Mỹ, tại thiền viện đó, ngài hành thiền hai tháng, một lần nữa một tháng. Và ở Thái, ngài cũng hành thiền một tháng. Về Panditarama, ngài cũng hành thiền thêm một tháng nữa. Nếu nói về những kinh nghiệm hành thiền thì sẽ tốn rất nhiều thời gian vì trong khi hành thiền ngài cũng gặp rất nhiều khó khăn. Có những đau nhức, khó chịu trong thân, tham, sân, rất mạnh, cực mạnh, có đôi khi ngài mất cả một tuần mới vượt qua, có khi đau cả ngày, có khi đau suốt một tuần, 20 ngày…

Cho nên, ngài cũng có những khó khăn trong lúc hành thiền và vượt qua được. Tuy nhiên cách đây 4 năm, khi hành thiền, ngài đã có thể chấp nhận được, không có tham hay bực bội với những kinh nghiệm hành thiền của mình nữa và lý do mà ngài vượt qua được là bởi vì ngài có quyết tâm dũng mãnh rằng dù đây là kinh nghiệm khổ hay lạc thì mình cũng cứ tiếp tục ghi nhận mà thôi.

Khi có suy nghĩ, quyết tâm như vậy thì bất cứ đề mục gì chúng ta cũng có thể ghi nhận được và việc hành thiền càng lúc càng trở nên dễ dàng. Và ngài nói rằng dĩ nhiên khi muốn việc hành thiền trở nên dễ dàng thì chúng ta cần có một loại quyết tâm dũng mãnh, cần có thời gian tu tập và chúng ta cần chấp nhận những gì xảy ra dù là những kinh nghiệm mà mình cho là tốt hay xấu, dù là những kinh nghiệm thoải mái, dễ chịu hay khó chịu.

Ngài nói rằng có một lần trong một giờ đồng hồ thôi mà ngài cảm thấy khổ quá sức, thân rất là đau đớn. Mặc dù ngài hiếm khi thay đổi tư thế nhưng trong thời đó là vẫn phải thay đổi tư thế vài lần. Nhưng khi pháp hiện ra dù mình thay đổi tư thế thì đau cũng không giảm thì ngài quyết tâm không thay đổi tư thế nữa.

Chúng ta cần phải có quyết tâm dũng mãnh và tinh tấn như vậy để vượt qua những lúc khó khăn, rồi khi chúng ta tiến bộ trong việc hành thiền thì chúng ta có thể thiền ở đâu cũng được. Và khi chúng ta hiểu rõ giáo pháp thì dù lúc đó có ai dụ dỗ, thuyết phục mình đừng thiền hay giảng dạy giáo pháp sai lầm thì mình cũng hiểu rõ và không dễ dàng chấp nhận.

Như vậy để tiến bộ trong việc tu tập, để hiểu được bản chất khổ, vô thường, vô ngã thì thái độ của thiền sinh là phải chấp nhận, ghi nhận những gì xảy ra trong lúc hành thiền, dù cho nó đem cho ta cảm giác khổ sở hay thoải mái. Và thiền sinh cần phải quyết tâm hành thiền không ngừng nghỉ, không bỏ cuộc cho đến khi nào việc hành thiền trở nên vững vàng.

Tiến bộ trong thiền tập cũng có nhiều mức độ khác nhau. Chúng ta tiến bộ một chút thì cảm thấy việc thiền tập dễ hơn một chút, tiến bộ cao hơn thì việc thiền tập dễ hơn chút nữa. Tóm lại, ngày hôm nay, ngài không có thời gian để giảng hết bài kinh này nhưng mà ngài mong thiền sinh hiểu rõ thông điệp của Đức Phật là chúng ta cần phải theo dõi đề mục chính thật là thường xuyên liên tục nhiều lần lặp đi lặp lại cho đến khi chúng ta kinh nghiệm niết bàn và ngài chấm dứt bài pháp thoại hôm nay ở đây.

Phần 2

Lần trước, Ngài đã giảng về quán thân và quán thọ. Lần này, Ngài sẽ giảng tiếp về quán tâm.

Đức Phật nói rằng lại nữa này Ananda, tỳ khưu hay biết tâm sinh khởi khi thở vào và khi thở ra, hay biết tâm hoan hỷ, an lạc khi thở vào và khi thở ra. Tỳ khưu hay biết tâm tập trung, định tĩnh khi thở vào và khi thở ra. Bằng cách này, vị ấy kinh nghiệm tâm giải thoát khi thở vào và tâm giải thoát khi thở ra.

Làm như vậy là vị tỳ khưu sống quán tâm trong tâm, chuyên cần, tỉnh giác, chánh niệm, loại trừ tham ái và sân hận trong đời. Vì đâu mà nói như vậy? này Ananda, định tâm có được nhờ chánh niệm sẽ không thể phát sinh nơi người không có chánh niệm và tỉnh giác, ta nói thế.

Như vậy, Đức Phật nói rõ ràng trong đoạn này rằng chúng ta phải quán tâm với sự chuyên cần, tinh tấn, tỉnh giác và chánh niệm. Như vậy, chúng ta mới có thể loại trừ được tham ái và sân hận nơi thân này.

Như vậy, ngày hôm nay, tất cả thiền sinh cần phải nghe cho kỹ lời dạy của Đức Phật để hiểu rõ cách hành thiền và trong đoạn này là cách quán tâm.

Đức Phật nói rằng khi mà chúng ta quán tâm thì chúng ta không còn tham ái và sân hận. Câu này không dễ hiểu nếu chúng ta không hành thiền.

Khi hành thiền, nếu mà giận phát sinh thì thiền sinh cần phải ghi nhận “giận”, “giận”. Khi tham ái phát sinh thì ghi nhận ngay “tham ái”, “tham ái”. Nhớ về điều gì thì ghi nhận ngay “nhớ”, “nhớ”, khi tưởng tượng, suy nghĩ về tương lai thì ghi nhận ngay “tưởng tượng”, “suy nghĩ “. Nếu không làm được như vậy thì không thể nào loại trừ được tâm bất thiện.

Như vậy, theo lời Đức Phật dạy ở đây thì khi hành thiền không có nghĩa là không có tâm bất thiện mà là khi hành thiền, chúng ta ghi nhận, hay biết theo dõi cái giận, cái ghét, thì cái giận, cái ghét này mất đi, như vậy gọi là loại trừ sân hận.

Thiền sư nói rằng nếu thiền sinh thấy giận phát sinh, giận là bất thiện, mà thay vì ghi nhận rồi nó mất nhưng mình lại bực bội hơn khiến cái giận tăng trưởng và bất thiện tăng trưởng trong tâm. Chúng ta cần phải nghe kỹ lời Đức Phật dạy. Tất cả những tâm gì phát sinh khi chúng ta hành thiền thì không sao cả. Tham, sân, si, suy nghĩ vọng động, hồi nhớ, bực bội không sao cả nhưng mà chúng ta phải biết cách ghi nhận, chúng sẽ mất đi.

Và khi chúng ta ghi nhận, hay biết những tâm bất thiện đang sinh khởi như vậy thì tâm hay biết này chính là tâm thiện. Nhưng nếu thay vì ghi nhận sự bực tức và quan sát mà chúng ta lại tiếp tục giận, tiếp tục bực bội thì vào lúc đó, chúng ta đã không làm cho cái tâm bực bội, bất thiện mất mà chúng ta còn tạo điều kiện cho tâm bất thiện này mạnh hơn.

Mục đích của việc thực hành chánh niệm là để làm giảm những tâm bất thiện, ô nhiễm trong tâm. Nhưng có một số thiền sinh mặc dù hành thiền trong thời gian dài mà không giảm được ô nhiễm bởi vì họ không biết cách ghi nhận đề mục như Đức Phật dạy hay là họ từ chối, tránh né đề mục mà họ không thích, họ chống trả lại những đề mục này, tức là họ muốn làm theo ý thích của họ. Nhưng nếu chúng ta biết cách quan sát, theo dõi đề mục chính hay đề mục phụ như Đức Phật đã dạy thì những ô nhiễm, những tâm bất thiện như tham, sân, si phải giảm.

Đức Phật mô tả tâm bằng nhiều cách. Tâm này vọng động, chạy đó, đây rất là khó bắt, khó dạy, khó uốn nắn. Ngài ví dụ một người đeo hoa mà lại đeo vào trước trán thì hoa sẽ rớt hay đặt trái bí trên lưng con ngựa thì trái bí sẽ rớt hoặc như con cá bị đưa ra khỏi nước, nó sẽ vùng vẫy. Tương tự như vậy, tâm này ưa vong động, vùng vẫy, chạy đó, đây cho nên rất khó dạy. Việc dạy dỗ, rèn luyện tâm là niềm vui thích của bậc thánh nhưng đối với phàm nhân thì rất khó làm và đôi khi nó gây nên sự chán chường. Và chỉ có ai hành thiền minh sát thì mới dạy được tâm này. Có những người rất thông minh hay xử sự nhã nhặn nhưng vẫn có khi tức giận. Chỉ có những người hành thiền minh sát đến mức độ rốt ráo thì mới dạy được tâm này không còn giận dữ.

Như vậy qua đây chúng ta thấy Đức Phật dạy rằng khi tâm sinh khởi thì chúng ta cần phải ghi nhận. Nhờ vậy, chúng ta có thể loại trừ được tham, sân, si vì chúng ta có chánh niệm. Nếu chúng ta không chánh niệm, không ghi nhận được những tâm này thì một chuỗi những tâm bất thiện sẽ khởi lên, khuấy động tâm này.

Đức Phật dạy tiếp rằng lại nữa này Ananda, tỳ khưu quán tưởng bản chất vô thường, không tham ái, hoai diệt và rồi thực hành buông bỏ khi thở vào và khi thở ra. Làm như vậy là tỳ khưu sống quán pháp trong các pháp, chuyên cần, tỉnh giác, chánh niệm loại trừ tham ái và sân hận trong đời.

Ngày giảng rằng Đức Phật dạy rằng khi tỳ khưu thực hành tứ niệm xứ tức là quán thân, thọ, tâm và Pháp. Quán Pháp ở đây là chánh niệm, hay biết vào lúc nghe, thấy, ngửi, nếm, xúc chạm… Khi tỳ khưu thực hành được tứ niệm xứ thì tỳ khưu hiểu được bản chất vô thường của các pháp này và buông bỏ, không còn tham ái. Thấy được bản chất hoại diệt, tan biến của nó, tỳ khưu buông bỏ, chán, không còn thích các pháp này nữa.

Do vậy cho nên nói rằng vị tỳ khưu sống quán pháp hay quán thân, thọ, tâm một cách chuyên cần, tỉnh giác, chánh niệm. Như vậy thì người này có khả năng loại trừ được tham ái, sân hận và những ô nhiễm khác trong đời.

Và Đức Phật dạy rằng khi tỳ khưu thực hành chánh niệm như vậy, bằng trí tuệ vị ấy nhận ra được rằng tham ái đã được loại trừ, sân hận đã được loại trừ. Và bây giờ vị ấy có thể quan sát các pháp trong khi thấy, nghe, ngửi, nếm,… Với loại tâm xả như vậy nên nói rằng tỳ khưu sống quán pháp trong các pháp, chuyên cần, tỉnh giác, chánh niệm loại trừ tham ái và sân hận trong đời.

Như vậy, khi bắt đầu hành thiền thì thiền sinh cần theo dõi liên tục đề mục chính và đề mục phụ nổi bật. Cho dù đề mục đó tốt hay xấu, dù đó là tâm tốt hay tâm xấu thì thiền sinh cũng phải ghi nhận liên tục và khi ghi nhận liên tục đề mục chính hay đề mục phụ nổi bật thì thiền sinh thấy rằng chúng luôn thay đổi, đến và đi. Và khi thấy rằng chúng luôn thay đổi, đến rồi đi theo cách thức của chúng thì thiền sinh hiểu được bản chất khổ, vô thường, vô ngã. Khi hiểu được như vậy thì thiền sinh bớt dính mắc vào những đối tượng này nên tham ái giảm và tiếp tục hành thiền tới một lúc nào đó thì thiền sinh có được tâm xả, tâm trở nên quân bình.

Sư muốn giải thích một chút về việc là tại sao khi chúng ta hiểu được bản chất khổ, vô thường, vô ngã thì tham ái giảm.

Ngài nói rằng tâm của tất cả chúng sinh đều đầy rẫy ô nhiễm tham, sân, si, ngã mạn, vọng động, hối hận, uể oải, buồn ngủ, ganh tị, không xấu hổ tội lỗi, không ghê sợ tội lỗi…. Vì vậy cho nên có những người không giữ được năm giới, phạm tội giết chóc, ăn cắp, đánh nhau, uống rượu, tự tử… Rồi họ bị trầm cảm, khóc than…

Khi hành thiền theo cách thức này thì dần dần chúng ta thấy được mọi thứ thay đổi, từ từ biến mất và có bản chất đau khổ. Không điều khiển được thì tự nhiên tâm này vững vàng hơn, chín chắn hơn, quân bình hơn, không còn bị chao đảo trước các pháp nữa. Như vậy chúng ta không quá hứng thú đối với những điều gì đó quá tốt đẹp như trước kia và cũng không quá tuyệt vọng đau khổ với những điều không may vì chúng ta đã hiểu được bản chất của cuộc đời, bản chất của các pháp là vô thường, khổ, vô ngã. Bởi vậy nên nói rằng khi chúng ta hành thiền thấy được bản chất khổ, vô thường, vô ngã thì tham ái sẽ giảm và chúng ta có được tâm quân bình, sự buông xả.

Vào thời Đức Phật có rất nhiều câu chuyện khi một người hiểu được giáo Pháp thì người đó sẽ từ bỏ mọi thứ mà mình có trước kia và “hiểu được giáo Pháp” ở đây được hiểu là người này đã trở thành vị thánh.

Một trong những câu chuyện nói về người chồng tên là Visàkha và người vợ tên là Dhammadinnà, người chồng thường theo nghe Đức Phật giảng và một ngày nọ, sau khi nghe Đức Phật giảng xong, trở về thì người chồng tự nhiên thay đổi, không thích đời thế tục nữa. Diệu Pháp xin mở ngoặc là ở đây người này đã trở thành vị thánh A na hàm tức là vị thánh bậc 3. Người này nói với vợ rằng bây giờ, người vợ có thể về sống với cha mẹ nếu muốn hoặc lấy chồng khác và người vợ có thể giữ tất cả tài sản, còn nếu muốn ở lại thì sống như là anh em. Người vợ rất ngạc nhiên, thắc mắc rằng con người vốn ham thích nhiều thứ, có vợ rồi nhưng người ta vẫn muốn có thêm vợ nữa, nhưng tại sao chồng mình lại thay đổi như vậy sau khi nghe Đức Phật giảng, vậy giáo Pháp này quá tuyệt vời, rồi người vợ hỏi rằng người nữ có thực hành giáo Pháp được không. Người chồng trả lời được và sắp xếp cho vợ đến tu viện và xuất gia.

Nhưng khi ở đó, có quá nhiều người tới thăm và tỳ khưu ni nghĩ rằng mình ở đây khó có thể tu tập tốt nên bỏ vào rừng. Và chỉ trong vài ngày tu tập, cô trở thành A la hán. Khi trở về, người chồng và những người khác hỏi Pháp, cô trả lời rất suôn sẻ. Những câu trả lời này được ghi lại trong bài kinh Tiểu Vedalla. Sau khi nghe cô giảng Pháp, người ta đến thuật lại cho Đức Phật, Đức Phật nói rằng nếu ai hỏi ta những câu hỏi này thì ta cũng trả lời giống như vậy.

Các thiền sinh ở đây đang hành thiền theo cách mà Đức Phật dạy và khi chúng ta hành thiền đến một lúc, chúng ta sẽ hiểu được thân và tâm này có đặc tính vô thường, khổ và vô ngã. Khi đó, tâm sẽ thay đổi theo chiều hướng tốt hơn, quân bình hơn, chững chạc hơn và chúng ta thấy ít đau khổ, phiền muộn, than khóc hơn bởi vì ô nhiễm đã giảm bớt, tâm thiện lành nhiều hơn, có nhiều tâm từ hơn và nhiều bi mẫn đối với người khác hơn

Thiền sư nói thêm một số lợi lạc khác như có người hay buồn ngủ, nhờ hành thiền mà trở nên tỉnh táo, có người ngủ không được rồi hành thiền thì ngủ được, rồi người không an lạc trở nên an lạc, có người hay nghĩ xấu về người khác nhưng khi hành thiền rồi thì tính này không còn. Có người hay xích mích với người khác nhưng nhờ hành thiền, tâm thay đổi nên không còn xích mích; có người hay nổi giận nhưng hành thiền thấy được tâm sân của mình và loại bỏ được nên không còn nổi giận; có người không có quyết tâm dũng mãnh, nhờ hành thiền mà có quyết tâm dũng mãnh.

Như vậy, việc hành thiền mang lại quá nhiều lợi lạc. Đức Phật còn nói thêm những lợi lạc khác đó là nhờ hành thiền mà mình có được sức khỏe tốt hơn, sống lâu hơn và đời sau, nếu được sinh làm người thì sẽ sinh ra trong một gia đình tốt hoặc là sinh ra trong cõi trời.

Ngài nói rằng có quá nhiều lợi lạc do thiền minh sát đem lại như chúng ta vừa nghe nhưng để có được những lợi lạc đó thì thiền sinh phải có trí tuệ, khéo léo trong khi nghe Pháp và trong khi thực hành. Tại nơi này, tất cả thiền sinh đều có cơ hội hành thiền như nhau và tất cả đều theo cùng một thời khóa nhưng có thiền sinh tiến bộ, có người không. Như vậy, tiến bộ hay không là do người này có hiểu rõ cách tu tập hay không và biết khéo léo ứng dụng vào việc tu tập của mình hay không.

Có một số thiền sinh nghĩ rằng hành thiền một thời gian lâu thì mới có được lợi lạc. Ngài nói nghĩ như vậy không đúng. Nếu là người thông minh, khôn khéo, hiểu được giáo Pháp và biết ứng dụng khéo léo thì có thể chỉ trong vài ngày là chúng ta có thể có được lợi lạc rồi. Kinh điển có nói về 4 loại người. Loại người thứ nhất chỉ nghe một vài câu là đắc đạo rồi và chuyện này xảy ra rất nhiều vào thời Đức Phật. Loại thứ hai là nghe Đức Phật giảng nhưng rồi cần phải nghe giảng rộng hơn nữa thì mới đắc đạo. Loại thứ ba sau khi nghe giáo pháp thì phải thực hành trong vài giờ, vài ngày, vài tháng, hay hơn nữa. Trong kinh điển chỉ nói là một thời gian ngắn nhưng không rõ là bao lâu thì mới đắc đạo. Loại thứ tư là dù có nghe và thực hành cũng không hiểu được giáo Pháp trong đời này bởi vì người này không nắm được rõ ràng lời Đức Phật dạy.

Như vậy, nếu chúng ta thông minh và khéo léo hiểu được những lời Đức Phật dạy thì cho dù chúng ta chỉ nghe một bài giảng thôi và thực hành trong vài ngày thôi thì chúng ta cũng có được nhiều lợi lạc. Tất cả thiền sinh ở đây đều hành thiền mỗi ngày và thường xuyên được nghe Pháp rồi trình Pháp. Như vậy, ngài đã làm rất tốt phần việc của ngài, phần còn lại là của thiền sinh, thiền sinh cần phải có sự thông minh, khéo léo.

Trong bài kinh này, ngài Ananda hỏi Đức Phật có một Pháp nào mà khi thực hành sẽ đưa đến trí tuệ, giải thoát, niết bàn và Đức Phật đã trả lời rằng theo dõi đề mục nhiều lần, thường xuyên, liên tục, cẩn thận, lặp đi, lặp lại. Khi mà chúng ta theo dõi phồng, xẹp nhiều lần, thường xuyên, liên tục, lặp đi, lặp lại thì những ô nhiễm trong tâm sẽ giảm, đau khổ sẽ giảm và rồi không còn đau khổ nữa. Thiền sinh nên làm theo lời hướng dẫn này của Đức Phật tức là theo dõi đề mục chính liên tục, đừng có bỏ cuộc cho dù có động đất, có bão, khói bốc, lửa cháy, rắn, cọp đến cạnh mình cũng đừng mở mắt ra mà tiếp tục theo dõi đề mục chính.

Muốn tiến bộ thì thiền sinh phải tôn kính Đức Phật và hãy bày tỏ lòng tôn kính bằng cách làm theo lời Đức Phật dạy trong bài kinh này. Hãy hạ quyết tâm rằng con sẽ quyết tâm tu tập để hiểu được Pháp của ngài, để chấm dứt đau khổ. Nếu chúng ta suy nghĩ được như vậy, nếu chúng ta thông minh, khôn khéo, có lòng tôn kính Đức Phật và quyết tâm tu tập như vậy, chắc chắn chúng ta sẽ vượt qua mọi khó khăn và thấy được giáo Pháp trong 3 tháng hạ này qua việc theo dõi phồng, xẹp.

Phần 3

Hôm nay ngài giảng tiếp bài kinh thứ nhất cho Ananda. Đức Phật nói rằng khi mà chúng ta thực hành chánh niệm, quan sát đề muc thường xuyên, liên tục, nhiều lần, lặp đi, lặp lại thì nó sẽ làm cho 4 nền tảng chánh niệm phát sinh.

Và Đức Phật hỏi tiếp:” này Ananda, 4 nền tảng chánh niệm khi được thực hành thường xuyên, nhiều lần, lặp đi, lặp lại sẽ làm cho 7 yếu tố đưa đến giác ngộ tức là thất giác chi phát sinh”.

Ngài giảng rằng khi quán thân trong thân, chánh niệm mạnh mẽ phát sinh trong tâm tỳ khưu. Với chánh niệm mạnh mẽ, niệm giác chi tức là chánh niệm mạnh mẽ có khả năng đưa đến giải thoát sinh khởi trong tâm do vậy nên nói tỳ khưu phát triển niệm giác chi hay niệm giác chi phát sinh trong tâm tỳ khưu.

Ngài giải thích rằng theo lời Đức Phật, khi chúng ta thực hành chánh niệm, quán thân trong thân thì chánh niệm sẽ phát sinh trong tâm và trở nên mạnh mẽ. Khi chúng ta hành thiền, theo dõi phồng xẹp là chúng ta đang quán thân trong thân; khi đi kinh hành theo dõi những chuyển động nơi chân là chúng ta đang quán thân. Ngoài ra chúng ta còn hay biết các cảm thọ ( cảm giác) như dễ chịu, khó chịu, các loại tâm tham, sân hận, ganh tị, chánh niệm…và rồi chúng ta chánh niệm vào lúc thấy, lúc nghe, lúc ăn,… Như vậy là chúng ta thực hành chánh niệm quán thân, quán thọ, quán tâm và quán Pháp.

Và khi thực hành như vậy, chánh niệm sẽ phát sinh và lớn mạnh, sẽ trở nên liên tục và chúng ta không còn bị thất niệm, không còn bị mất chánh niệm. Vào lúc chánh niệm có năng lực mạnh mẽ như vậy thì chánh niệm được gọi là niệm giác chi tức là yếu tố chánh niệm có khả năng đưa đến giải thoát. Vậy nếu chúng ta thực hành chánh niệm liên tục trong khi ngồi thiền, đi kinh hành và những sinh hoạt hàng ngày như vậy chúng ta sẽ phát triển được 4 nền tảng chánh niệm hay nói một cách khác là chúng ta thực hành quán thân, quán thọ, quán tâm, quán Pháp và khi chánh niệm lớn mạnh liên tục như vậy, chúng ta phát triển được niệm giác chi. Một người phát triển được niệm giác chi thì chắc chắn trong đời này sẽ kinh nghiệm sự giải thoát, kinh nghiệm niết bàn và đây chính là lời của Đức Phật.

Ngài muốn giải thích về những bản chất, đặc tính của niệm giác chi bởi vì thiền sinh sẽ tự hỏi rằng tôi đã phát triển được niệm giác chi hay chưa.

Ngài nói rằng khi thiền sinh đến thiền viện, cố gắng quan sát phồng xẹp, dở, bước, đạp. Trong giai đoạn đầu, để tâm hướng tới đề mục phồng-xẹp hay dở, bước, đạp, thiền sinh cần phải rất tinh tấn.  Thiền sinh cần tu tập thật nghiêm túc. Và tâm liên tục chạy đó, vọng động và thất niệm rất nhiều và mỗi khi thất niệm chỉ sau đó thiền sinh mới phát hiện rằng tôi đã mất chánh niệm tôi đã không chánh niệm. Ngài nói rằng ngay cả với những thiền sinh sơ cơ (mới) hay là thiền sinh đã hành thiền lâu rồi nếu mà chánh nhiệm yếu thì dù có theo dõi dở, bước, đạp, dù có theo dõi phồng xẹp hay là dù có cố gắng chánh nhiệm trong khi ăn thì sự chánh niệm không nằm ở đó. Khi chánh niệm yếu thì dù có nhiều tinh tấn để tu tập theo dõi đề mục nhưng tâm vẫn không tập trung, không nằm trên để mục được. Nếu mà chánh niệm của chúng ta như vậy thì có nghĩa rằng là chúng ta vẫn chưa phát triển được niệm giác chi.

Khi niệm giác chi có mặt trong tâm thì tâm tự động hướng về và bám ngay vào đề mục. Chú giải cho ví dụ như chúng ta ném viên đá vào trong nước thì đá sẽ chìm ngay vào trong nước. Tương tự như vậy, khi chúng ta hướng tâm về phồng xẹp, tâm sẽ tự động nằm trên phồng xẹp bám vào đề mục, chìm vào đề mục, hay biết đề mục mà không cần nhiều cố gắng. Nếu thiền sinh hướng tâm vào phồng xẹp, tâm sẽ tự động bắt phồng xẹp. Nếu thiền sinh hướng tâm vào suy nghĩ, tâm sẽ tự động bắt suy nghĩ. Nếu thiền sinh hay biết tâm tham, bực, giận thì tâm tự động ghi nhận. Khi cảm giác dễ chịu hay khó chịu vừa khởi sinh thì tâm đã hay biết. Tương tự như vậy khi ăn, khi làm việc, khi thấy, khi nghe cũng hay biết những cái mà chúng ta đang thấy, đang ăn, làm và nghe. Nếu có được loại chánh niệm như vậy thì thiền sinh đã phát triển được niệm giác chi.

Khi có được niệm giác chi, có đôi lúc chúng ta muốn cười hay muốn khóc, vào lúc đó chúng ta hay biết ngay và nếu chúng ta cảm thấy nếu lúc đó không thích hợp thì tự nhiên những cảm xúc này sẽ dừng ngay và chúng ta sẽ không cười, không khóc. Như vậy, với niệm giác chi thì chúng ta hiểu rõ cái gì nên làm, cái gì không nên làm. Vào thời điểm đó, cho dù mình đang đứng trước mọi người hay ở một mình, cho dù thiền sinh đang ở tại thiền viện này hay về lại gia đình hay chùa chiền của mình, loại chánh niệm này sẽ liên tục và hay biết những điều gì nên làm và không nên làm và nó tự động dừng nếu đó là điều không nên làm. Đây là đặc tính của niệm giác chi và thiền sinh cần xem xét xem mình đã phát triển được loại niệm giác chi này hay chưa.

Và ngài giải thích lại từ niệm giác chi. Niệm là chánh niệm, chi là yếu tố, giác là giác ngộ. Niệm giác chi là yếu tố có khả năng đưa đến giác ngộ. Khi mà có được niệm giác chi thì kinh điển nói rằng người này có thể kinh nghiệm niết bàn vào bất cứ lúc nào hay nói một cách khác với niệm giác chi, lúc nào cũng là lúc thiền sinh có thể kinh nghiệm niết bàn.

Và rồi Đức Phật giảng tiếp rằng sống chánh niệm như thế tỳ khưu quán pháp, điều tra tìm hiểu các pháp bằng trí tuệ. Khi tỳ khưu quán sát, điều tra, tìm hiểu các pháp bằng trí tuệ như thế, trạch pháp giác chi sinh khởi trong tâm tỳ khưu do vậy nên nói tỳ khưu phát triển trạch pháp giác chi hay trạch pháp giác chi phát sinh trong tâm tỳ khưu.

Thiền sư giải thích rằng khi chúng ta thực hành chánh niệm theo cách thức mà chúng ta đang làm rồi thì chúng ta phát triển được bốn niệm xứ tức là chúng ta có thể chánh niệm, theo dõi được những gì xảy ra nơi thân, thọ. tâm và pháp. Và khi chúng ta có loại chánh niệm, theo dõi và hay biết bất cứ những gì xảy ra nơi thân, thọ, tâm và pháp và rồi hiểu các Pháp qua trí tuệ rằng chúng có bản chất vô thường (không bền chắc), khổ và vô ngã (không có ngã) tức là chúng luôn thay đổi, không điều khiển được. Trong mỗi sát na, khi mà thiền sinh quán sát các đề mục, cho dù đó là đề mục nào, cho dù đó là pháp nào mà thiền sinh đang ghi nhận, thiền sinh đều thấy pháp đó thay đổi liên tục và không điều khiển được.

Ngài giải thích từ Dhammavicayasambojjhaṅgo. Dhamma là Pháp. Ở đây có nghĩa là những gì phát sinh trong thân và tâm của chúng ta bao gồm thân, thọ, tâm và pháp. Dhamma còn có nghĩa là các pháp sinh khởi có điều kiện. Chữ vicaya  này có nghĩa là thấy hay là hiểu qua kinh nghiệm của mình về bản chất vô thường, khổ và vô ngã.

Vậy với trạch pháp giác chi, khi thiền sinh quan sát những gì sinh khởi nơi thân, thiền sinh thấy chúng thay đổi sinh và diệt trong từng sát na. Thiền sinh quan sát bất kỳ cảm thọ nào thì thấy nó thay đổi liên tục trong từng sát na. Thiền sinh quan sát bất kỳ tâm nào sinh khởi, thiền sinh thấy nó thay đổi liên tục. Thiền sinh quan sát bất kỳ pháp nào khi ăn, khi thấy, khi nghe, khi gửi, khi đến, khi làm việc… thiền sinh thấy nó thay đổi liên tục trong từng sát na. Thấy như vậy và hiểu được như vậy là thiền sinh có được trạch pháp giác chi.

Ngài nói rằng biết về đặc tính khổ, vô thường, vô ngã là rất quan trọng. Với tất cả các thiền sinh tu tập nơi đây, chúng ta cần hành thiền để thấy rõ rằng thân và tâm này liên tục thay đổi. Chúng ta cần hành thiền để thấy rằng mọi tác ý là liên tục thay đổi, mọi cảm thọ liên tục thay đổi, để hiểu rằng tất cả các pháp đều có bản chất vô thường, khổ và vô ngã. Khi hiểu như vậy qua kinh nghiệm hành thiền của mình liên tục trong từng sát na là thiền sinh có trạch pháp giác chi tức là một loại trí tuệ và khi trí tuệ này lớn mạnh thì thiền sinh chắc chắn sẽ kinh nghiệm niết bàn ngay trong đời này.

Và Đức Phật giảng tiếp rằng khi quan sát, điều tra, tìm hiểu các pháp bằng trí tuệ như vậy, tức là khi phát triển được trạch pháp giác chi thì tinh tấn mạnh mẽ không lui sụt tức là loại tinh tấn có khả năng đưa đến giải thoát phát sinh trong tâm tỳ khưu. Do vậy nên nói vị tỳ khưu phát triển được tinh tấn giác chi hay tinh tấn giác chi phát sinh trong tâm tỳ khưu.

Ngài giải thích rằng khi thiền sinh có được trạch pháp giác chi tức là hiểu được, thấy được các pháp liên tục thay đổi và hiểu rõ bản chất vô thường, khổ và vô ngã một cách liên tục trong từng sát na. Như vậy, vào lúc này, tinh tấn cũng trở nên vô cùng mạnh mẽ. Khi mà kinh nghiệm như vậy rồi, thiền sinh không bao giờ lười biếng cả và có được loại tinh tấn mạnh mẽ, muốn tu tập liên tục và nhiều hơn. Do vậy cho nên nói rằng tinh tấn giác chi phát sinh trong tâm tỳ khưu.

Ngài nói rằng khi mà chúng ta có được tinh tấn giác chi rồi thì chúng ta không còn lười nữa và nếu mà chúng ta lười, ngồi 30 phút là thấy chán, thấy bực bội vì có suy nghĩ đừng có đau nhức… không muốn hành thiền nữa thì người này không có cái loại tinh tấn giác chi này. Và nếu không có tinh tấn như vậy thì người này không thể nói là đạt được đạo và quả.

Ngài nói rằng chúng ta cần hiểu rõ là sau khi mà việc hành thiền của mình tiến bộ thì mình sẽ thấy mọi pháp, mọi thứ liên tục thay đổi. Khi thiền sinh hướng tâm vào theo dõi tham ái phát sinh trong tâm thì tham ái này lập tức biến mất; khi nhìn vào sự cô đơn thì sự cô đơn lập tức biến mất; khi nhìn vào sự chán chường thì sự chán chường biến mất; có hình ảnh hiện lên trong tâm vừa nhìn đã mất; âm thanh vừa nghe đã mất; sự đau nhức vừa khởi lên đã mất, không kéo dài lâu. Sự khó chịu vừa khởi lên đã mất, không kéo dài lâu. Như vậy, việc hành thiền trở nên dễ dàng và làm sao việc hành thiền trở nên khó khăn được?

Khi việc hành thiền không còn khó khăn thì người này không bỏ cuộc và càng hành thiền càng thích. Như vậy khi có được tinh tấn giác chi này thì việc hành thiền trở nên dễ dàng và thiền sinh không gặp chút khó khăn nào cả vì mọi thứ liên tục mất, ngay cả các cảm giác đau nhức, khó chịu, bực bội…Vì vậy, cho nên người này có thể hành thiền bất cứ lúc nào, khi ăn, khi tắm, khi lái xe, khi nằm xuống… Kinh điển nói rằng với một người như vậy thì không có nơi nào mà người này không thể thành thánh nhân.Như vậy khi có tinh tấn giác chi thì thiền sinh có thể trở thành thánh nhân bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào.

Ngài nói rõ rằng hỉ (vui) và lạc ( cảm giác dễ chịu) này khác với loại hạnh phúc ngoài đời. Khi chúng ta thấy rõ giáo pháp qua việc tu tập của mình thì hỉ và lạc hay hạnh phúc trong giáo pháp phát sinh. Với rất nhiều người đời, điều này là một điều khó hiểu bởi vì người ta thắc mắc tại sao ngồi nhắm mắt cả ngày, không làm gì, không coi tivi, không vui chơi, không gặp bạn trai, bạn gái, không thấy vợ, chồng, con cái, không ăn ngon, không có tiền, không xem phim, không nghe nhạc hay không đi xe sang, không đi nghỉ mát mà là hạnh phúc thì họ không thể hiểu nổi.Và họ hỏi rằng cả ngày nhắm mắt chịu đau, chịu nhức, chịu ngứa thì làm sao mà vui. Họ không hiểu nổi.

Ngài nói rằng có một thiền sinh ở Canada nói với ngài rằng anh, em trong gia đình nói con bị khùng rồi vì thấy con chẳng chịu đi ra ngoài xem phim gì cả mà cứ đóng cửa tu mãi. Ngài nói chỉ những ai hành thiền mới hiểu được loại hạnh phúc giáo pháp thực sự này. Còn hạnh phúc trong đời pha lẫn với những đau khổ tiềm ẩn. Người ta vui khi có bạn gái rồi khi bạn gái bỏ thì khổ, người ta vui khi có nhà cửa, khi nhà cửa mất thì khổ, người ta vui khi có địa vị, khi địa vị không còn thì đau khổ. Như vậy, hạnh phúc ngoài đời này không phải là loại hạnh phúc trong sạch như là hạnh phúc trong giáo pháp. Hạnh phúc trong giáo Pháp là trong sạch bởi vì nó không phụ thuộc vào bất cứ thứ gì cả, nó không phụ thuộc vào thức ăn, quần áo, của cải con người gì cả.

Chúng ta có được hạnh phúc trong giáo Pháp là nhờ chúng ta hiểu được sự thật cao thượng. Đây là loại hạnh phúc không pha lẫn một chút xíu đau khổ nào cả. Và nói về hạnh phúc do pháp cũng có nhiều loại khác nhau, nhiều cấp bậc khác nhau. Có khi thiền sinh kinh nghiệm thân nhẹ nhàng, khi thì kinh nghiệm sự tĩnh lặng, khi thì thân nhẹ như nhấc bổng khỏi mặt đất khi thì kinh nghiệm tâm này thật trong sạch… Như vậy thiền sinh có thể kinh nghiệm nhiều hay ít hạnh phúc trong giáo pháp tùy theo việc tu tập của mình.

Như ngài vừa nói hạnh phúc ở trong đời pha lẫn nhiều đau khổ tiềm ẩn trong khi hạnh phúc trong giáo Pháp rất trong sạch và không lệ thuộc vào bất cứ cái gì. Khi mà thường xuyên kinh nghiệm được việc sinh và diệt rồi thì người này hiểu rõ được sự thật mà Đức Phật tuyên bố. Đó là sự thật về vô thường, khổ và vô ngã. Với một người hiểu được sự thật như vậy thì hỷ giác chi phát sinh trong tâm và người này rất là hoan hỷ (vui) và đôi khi nước mắt rơi vì hạnh phúc. Với một người có được hỷ giác chi thì đức tin nơi tam bảo (Phật, Pháp và Tăng) mạnh hơn.

Ngài nói rằng có những phật tử ở Việt Nam hay Miến Điện không hiểu rõ, không biết được giáo pháp đến mức độ này cho nên khi họ gặp một vị sư không xử sự đúng đắn thì họ mất đức tin vào Phật pháp. Nhưng khi một người đạt tới trình độ này và hiểu rõ giáo Pháp thì sự suy nghĩ và hiểu biết của người này sẽ khác. Người này hiểu rằng mình đến với giáo Pháp là vì mình tìm hạnh phúc cho chính mình và đây là điều quan trọng.

Có người là vị sư nhưng không xử sự đúng đắn và không làm theo lời Phật dạy thì đó là việc của họ. Và điều đó không làm cho đức tin của người có được tuệ sinh diệt trở lên lung lay. Sư giảng rằng Đức Phật nói về chư tăng và chư tăng là nhiều vị tăng chứ không phải là một vị tăng mà thôi. Như vậy, nếu chúng ta thấy một vị tăng không tốt mà mất đức tin vào Tam Bảo là có sự hiểu biết không đúng đắn. Vậy khi chúng ta kinh nghiệm được hạnh phúc trong giáo pháp thì điều này rất là quan trọng vì nó giúp chúng ta duy trì được đức tin và duy trì được sự tu tập của mình.

Khi chúng ta kinh nghiệm hạnh phúc trong giáo pháp tức là hỷ giác chi thì chúng ta nhìn đời một cách khác. Chúng ta không đau khổ vì những rắc rối với vợ, chồng, con cái và cũng không ai làm mình khổ được. Ngài nói rằng phẩm chất của giáo pháp là khi chúng ta hiểu được giáo pháp thì chúng ta sống trong đời một cách đơn giản hơn và chúng ta hạnh phúc với cuộc sống đơn giản này.

Ngài kể rằng ngài biết một cô ca sĩ. Trước kia cô không rành Phật pháp lắm nhưng khi cô hiểu Phật pháp rồi tự nhiên cô muốn sống một cuộc đời giản dị. Lúc đó anh em trong nhà bảo cô hùn tiền để làm ăn. Lúc đầu thì cô nhận lời nhưng sau suy nghĩ kỹ thì cô lại không muốn. Cô nói rằng mình chỉ muốn thực hành bố thí, giữ giới và hành thiền mà thôi. giáo Pháp đã thay đổi con người của cô như vậy.

Ngài nói rằng ngài nói như vậy không có nghĩa rằng đi làm ăn là sai. Ngài chỉ muốn nói rằng suy nghĩ và cuộc đời của một con người hoàn toàn khác hẳn khi người này hiểu rõ giáo Pháp. Và hôm nay mặc dù cố gắng nhưng ngài không thể nào chấm dứt bài pháp thoại được. Ngài sẽ giảng tiếp trong lần sau.

Phần 4

Hôm nay ngài giảng tiếp bài kinh thứ nhất cho Ananda, bắt đầu vào phần khinh an giác chi.

Với tâm tràn đầy thỏa thích tức là hỷ giác chi, thân này trở nên thư thái, khinh an, nhẹ nhàng, tâm trở nên thư thái, khinh an, nhẹ nhàng. Do vậy nên nói vị tỳ khưu phát triển được khinh an giác chi hay khinh an giác chi phát triển trong tâm tỳ khưu.

Ngài nói rằng con người trong đời thường không có được thân tâm an lạc, khi trời nóng thì nhờ có quạt hay máy lạnh nên chúng ta có thể cảm thấy dễ chịu được một chút nhưng với kinh an giác chi, chúng ta thấy vô cùng an lạc bởi vì lúc đó năm ô nhiễm bị loại trừ và chúng ta liên tục thấy các đề mục sinh diệt. Khinh an là trạng thái an lạc, nó có thể kéo dài một ngày, một tuần, một năm hay là trọn đời tùy vào sự tu tập. Trước khi kinh nghiệm được khinh an giác chi, tâm người này có thể là không yên, bị sân hận, ganh tị… khống chế nhưng  khi có được khinh an giác chi thì dù ở trong rừng một mình hay là ở tại thiền viện đang tu tập, thân và tâm người này rất an lạc.

Như vậy, sự an lạc này không phải vì thức ăn hay thời tiết, cũng không phải vì cha, mẹ, bạn bè mà vì sự tu tập và vì sự có mặt của định tâm và khinh an giác chi.

Ngài Mahasi giải thích rằng khi có được định tâm và khinh an giác chi như vậy thì một số thiền sinh đang bị bệnh kinh niên sẽ tạm thời khỏi bệnh đó trong vòng vài ngày, vài tháng, vài năm hoặc vĩnh viễn không còn bị nữa. Qua đó chúng ta có thể so sánh hạnh phúc trong giáo Pháp và hạnh phúc trong đời cái nào cao hơn.

Đức Phật nói tiếp với thân tràn đầy thư thái, bình an và tâm tràn đầy an lạc như vậy thì tâm trở lên định tĩnh và tập trung. Do vậy nói rằng vị tỳ khưu phát triển được định giác chi hay định giác chi phát sinh trong tâm tỳ khưu.

Theo dõi phồng xẹp hay dở, bước, đạp với tâm định hay tâm tập trung trên đối tượng thì tâm ghi nhận sẽ hướng về đề mục, bám vào đề mục phồng, xẹp hoặc dở, bước, đạp. Đôi khi thiền sinh thấy tâm không nằm trên đề mục và cố gắng đưa tâm về đề mục. Khi làm như vậy thì tâm nằm trên đề mục. Khi tâm ghi nhận nằm trên đề mục, mình có được sự định tâm hay nói cách khác là tâm tập trung vào đề mục. Do vậy chúng ta có thể theo dõi được đề mục một cách dễ dàng. Và đến đây thiền sinh có thể thắc mắc rằng định tâm này có được từ đâu, có phải là mình phải cần hành thiền định trước hay không hay chỉ hành thiền minh sát thì vẫn có thể có được định tâm.

Qua bài kinh này chúng ta thấy rõ là Đức Phật nói về định tâm nhưng không nói rằng phải cần hành thiền định trước. Trong kinh Đức Phật cũng nói rằng khi một người hành thiền thành thánh tu đà hoàn thì giới đức của người này được coi là hoàn hảo, người này không còn phạm những giới quan trọng nữa. Và khi người này trở thành thánh tư đà hàm tức là thánh bậc 2 thì giới đức của người này hoàn hảo và định tâm, trí tuệ phát triển tới một mức độ nhất định. Khi người này đạt tới quả vị a-na-hàm, giới đức hoàn hảo và định tâm cũng hoàn hảo nhưng trí tuệ vẫn chưa hoàn hảo và khi đã tới quả vị a la hán thì giới, định và tuệ đều hoàn hảo. Qua đó, chúng ta thấy rằng với một vị thánh a na hàm thì định tâm của vị này kể như là hoàn hảo tức là tâm tập trung vào bất cứ đề mục nào mà vị này quan sát.

Mặc dù chúng ta còn chưa đạt tới trình độ như vậy nhưng mà chúng ta cũng có sự định tâm vì định tâm có nhiều mức độ khác nhau. Ví dụ như thiền sinh ở đây bây giờ phát triển được chút ít định tâm, khi mình cố gắng thì tâm nằm trên đề mục, rồi càng hành thiền thì định tâm lại càng mạnh hơn. Và nhờ định tâm mạnh hơn nên chúng ta có thể theo dõi đề mục dễ dàng hơn. Khi chúng ta phát triển được tuệ minh sát thì định tâm này còn mạnh hơn nữa.

Dĩ nhiên khi thành một vị thánh thì định tâm cao hơn nhiều. Như vậy định tâm có nhiều mức độ khác nhau. Bây giờ, chúng ta chưa đạt tới một mức độ cao thì tâm có thể không nằm trên đề mục và chúng ta cần phải cố gắng đưa tâm về đề mục, theo dõi để mục. Khi chúng ta làm như vậy thì định phát triển và càng lúc càng mạnh hơn. Và khi định mạnh thì chúng ta dễ dàng theo dõi đề mục chính, dễ dàng biết khi suy nghĩ hay đề mục khác phát sinh, dễ dàng theo dõi bất cứ đề mục nào.

Khi đến trình Pháp, một số thiền sinh phàn nàn rất nhiều nhưng nếu định tâm phát triển thì việc hành thiền sẽ trở nên dễ dàng hơn và thiền sinh sẽ không còn phàn nàn nữa, không còn phàn nàn về suy nghĩ, về đau, nhức, về khó chịu… Bởi vì người này đã có thể dễ dàng vượt qua khó khăn vì tâm dễ dàng nằm trên đề mục mà họ muốn quan sát.

Khi mà chưa đạt đến mức độ này thì đương nhiên tâm không dễ tập trung trên đề mục. Do vậy, chúng ta kinh nghiệm đau, nhức, suy nghĩ…  và nó kéo dài, mình không quan sát kịp. Tuy nhiên khi tu tập, chúng ta sẽ vượt qua được giai đoạn này nếu mà định phát triển mạnh. Và qua những phần mà Đức Phật giảng trước thì chúng ta thấy rằng khi có được hỷ lạc tức là có hỷ giác chi thì có được khinh an giác chi và khi có được khinh an giác chi thì chúng ta có được định giác chi.

Và rồi Đức Phật dạy tiếp, khi tâm định tĩnh, tập trung như vậy, tỳ khưu quan sát các pháp với tâm xả, vào lúc này xả giác chi phát sinh trong tâm tỳ khưu. Và Ngài nói rằng chữ upekkha dịch là xả tức là quân bình, tuy nhiên khi dịch ra tiếng Anh thì chữ tiếng Anh này không nói hết được ý nghĩa của chữ upekkha.

Upekkha có nghĩa là không giao động. Chúng ta thường bị giao động bởi những ô nhiễm trong tâm chẳng hạn như tham ái. Với tham ái, tham dục thì thấy một người khác giới là tâm giao động; khi thấy thức ăn ngon thì thích và khi gặp vấn đề gì thì dễ dàng phát sinh thích, ghét… Khi thấy rắn, thấy nhện thậm chí thấy tắc kè hay chó có thể sinh sợ hãi. Với người như vậy, tâm họ không quân bình, tâm dễ phản ứng, dễ giao động. Và upekkha – tâm quân bình thì ngược lại, có thể được hiểu như là một thái độ điềm tĩnh, không lo lắng, không hứng thú, không la lối… Trước sự việc xảy ra, chúng ta cần phát triển được tâm quân bình bởi vì nó giúp chúng ta vượt qua vô số khó khăn.

Thời Đức Phật thì Đức Phật cùng các vị thánh tăng sống một cuộc đời thánh thiện, không nhà, rong ruổi đó đây, ở nơi này một thời gian rồi đi qua nơi khác một thời gian và các vị chỉ đem theo y, bát, đến đâu thì đi bát và nhận bất cứ thức ăn gì mà người ta cho. Đôi khi người ta dâng thức ăn dư, thừa, đôi khi chỉ có cơm mà không có đồ ăn. Có ngày Đức Phật đi bát mà không nhận được gì cả. Nhưng do tâm Ngài quân bình – upekkha nên một ngày không ăn cũng chẳng có vấn đề gì. Nhưng với người đời nếu mà không có thức ăn, không có bia, rượu thì rất bực bội và thậm chí có rồi cũng không có hài lòng.

Với tâm quân bình này, nhiều chư tăng theo Đức Phật đi đến nơi này, và rất là an lạc. Các vị không lo lắng là thức ăn ngon hay dở, không lo lắng về cọp, beo, thú dữ trong rừng.

Vậy khi chúng ta phát triển được tâm quân bình thì cuộc đời có rất nhiều thay đổi. Chúng ta không còn kén chọn, không còn phàn nàn như trước nữa mà chúng ta dễ dàng chấp nhận những gì đang xảy ra. Với tâm xả, dù đề mục tốt hay xấu, cảm giác dễ chịu hay khó chịu thì thiền sinh đều thấy ổn cả. Có nghĩa là dù đề mục gì, người này cũng chỉ hay biết, ghi nhận mà thôi. Dù đề mục đem đến cảm giác dễ chịu, thoải mái, người này cũng không dính mắc, không muốn kinh nghiệm này kéo dài. Và với cái gọi là đề mục không tốt, người này sẽ không bực bội, chán nản rồi muốn bỏ đi. Như vậy, khi hành thiền và phát triển được tâm xả thì chúng ta không còn lo lắng là các căn không quân bình nữa. Khi đó chúng ta không còn bị buồn ngủ nhiều, tâm không vọng động nhiều hay không tập trung.

Chúng ta không cần phải lo nữa bởi vì khi có được tâm xả thì tâm có thể ghi nhận dễ dàng và nhanh chóng hay biết đề mục, thân cũng không còn xoay, lắc . Và khi chúng ta có nhiều việc để làm, nhiều vấn đề để giải quyết, chúng ta vẫn bình tĩnh, không hấp tấp, tâm không  giao động. Như vậy, đây là những phẩm chất của tâm xả, tâm quân bình, không còn dễ giao động, phản ứng mà điềm tĩnh trước sự việc. Khi chúng ta hành thiền với tâm này thì bất cứ đề mục tốt hay xấu như thế nào, chúng ta vẫn có thể bình thản, chấp nhận, quan sát được và không dính mắc hay bực bội, chán nản.

Kết thúc bài kinh này Đức Phật nói rằng này Ananda, thế nào là bảy yếu tố đưa đến giác ngộ, khi được thực hành thường xuyên, liên tục, lặp đi, lặp lại sẽ làm cho trí tuệ và giải thoát phát sinh. Ở đây vị tỳ khưu phát triển niệm giác chi do ẩn cư, xa rời tham ái, nhận ra sự hoại diệt ( ngài giải thích đây là vô thường, khổ, vô ngã), nhận ra sự hoài diệt và buông bỏ, vị ấy phát triển trạch pháp giác chi, tinh tấn giác chi, hỉ giác chi, khinh an giác chi, định giác chi, xả giác chi. Bằng cách này, Ananda, khi 7 yếu tố đưa đến giác ngộ được thực hành thường xuyên, nhiều lần, liên tục, lặp đi, lặp lại như vậy, trí tuệ và giải thoát sẽ được kinh nghiệm. Chữ trí tuệ – giải thoát có nghĩa là thánh đạo, thánh quả và niết bàn.

Ngài nói rằng khi hành thiền ở nơi đây, thiền sinh thực hành chánh niệm và phát triển tứ niệm xứ. Khi mà chánh niệm mạnh thì thiền sinh hiểu được bản chất vô thường, khổ, vô ngã rõ ràng. Và rồi chúng ta phát triển được 7 yếu tố đưa đến giác ngộ và rồi khi mà 7 yếu tố này lớn mạnh thì chắc chắn thiền sinh kinh nghiệm niết bàn. Niết bàn là gì? Niết bàn là sự ngưng nghỉ của các pháp, sự ngưng nghỉ của thân và tâm trong một thời gian ngắn. Sự ngừng nghỉ của các Pháp ở trong thân và tâm trong một thời gian ngắn còn được hiểu là thánh đạo và thánh quả, niết bàn.

Như vậy qua bài kinh, Đức Phật dạy chúng ta chỉ cần thực hành một pháp thôi đó là chánh niệm và thực hành liên tục, thường xuyên, nhiều lần, lặp đi, lặp lại. Khi chúng ta thực hành chánh niệm liên tục, theo dõi đề mục chính là phồng, xẹp hay dở, bước, đạp, đây chính là điểm bắt đầu vô cùng quan trọng khi thực hành chánh niệm. Như vậy  chánh niệm sẽ càng lúc càng lớn mạnh và chúng ta có thể thực hành được tứ niệm xứ tức là chúng ta quán thân, thọ, tâm và Pháp. Pháp có nghĩa là chúng ta chánh niệm được khi thấy, khi nghe, khi ngửi… Và khi chánh niệm lớn mạnh chúng ta có thể theo dõi, hay biết tất cả các đề mục, như vậy càng lúc chúng ta càng hiểu rõ hơn về đặc tính vô thường, khổ, vô ngã nơi đề mục mà chúng ta quan sát. Và do vậy nên chúng ta phát triển được 7 yếu tố đưa đến giác ngộ như trong bài kinh nói, một khi có được 7 yếu tố này rồi thì chúng ta sẽ kinh nghiệm niết bàn.

Như vậy mọi điều Đức Phật giảng trong bài kinh này rất rõ ràng, đơn giản, đâu ra đó. Tại đây Ngài nói rằng có một số thiền sinh không tiến bộ vì đức tin không đủ hoặc là tinh tấn yếu hoặc là trí tuệ yếu hoặc là hành không đúng phương pháp. Nhưng khi chúng ta hành thiền theo cách thức mà chúng ta làm ở đây và khi thiền sinh có đức tin mạnh mẽ, tinh tấn mạnh mẽ, trí tuệ đầy đủ, hiểu biết được phương pháp tu tập đúng đắn như vậy và nỗ lực tu tập liên tục, không ngừng nghỉ thì chẳng có ai có thể cản trở thiền sinh này kinh nghiệm niết bàn.

Như vậy, theo lời Đức Phật, khi chúng ta quan sát một pháp là phồng, xẹp liên tục thì chúng ta phát triển được tứ niệm xứ, phát triển được 7 yếu tố đưa đến giác ngộ và kinh nghiệm niết bàn. Ngài lập lại thông điệp này rất nhiều lần. Và công thức là vô cùng đơn giản, vô cùng rõ ràng, không có gì để bối rối cả.

Nhưng dù ngài đã giảng rõ cách thức tu tập, có thiền sinh vẫn cảm thấy rắc rối và đọc thêm sách rồi thảo luận với các thiền sinh khác cho nên càng lúc càng rối rắm hơn, do vậy kinh nghiệm thiền tập không nhiều, ô nhiễm không giảm được bao nhiêu. Ngài hi vọng thiền sinh hiểu được lời Đức Phật đã dạy trong bài kinh này. Nếu thiền sinh hiểu được rõ ràng thông điệp của đức Phật trong bài kinh này thì có thể thực hành được rồi, không cần ngài phải dạy thêm bài kinh nào nữa vì bài kinh này đã quá đầy đủ. Bài kinh thứ nhất cho ananda kết thúc và ngài chấm dứt bài pháp thoại hôm nay ở đây.

(Sư cô Diệu Pháp dịch, phần kinh được dịch từ bản gốc Pali)

Paṭhamaānandasutta, samyutta Nikaya

Kinh Ananda (Phần 1) | Thiền Sư U Jatila – Khóa Thiền Vipassana 2018, Kênh PHẬT GIÁO THERAVĀDA VN
07. Kinh Ananda (Phần 2) | Thiền Sư U Jatila – Khóa Thiền Vipassana 2018

Phần 3: Tứ niệm xứ và 7 yếu tố đưa đến giác ngộ

08. Kinh Ananda (Phần 3) | Thiền Sư U Jatila – Khóa Thiền Vipassana 2018

Phần 4: Yếu tố khinh an

09. Kinh Ananda (Phần 4) | Thiền Sư U Jatila – Khóa Thiền Vipassana 2018

Bấm vào đây để nghe hoặc tải tệp tiếng mp3, phần 1

Bấm vào đây để nghe hoặc tải tệp tiếng mp3, phần 2

Bấm vào đây để nghe hoặc tải tệp tiếng mp3, phần 3

Bấm vào đây để nghe hoặc tải tệp tiếng mp3, phần 4

2 bài giảng khác cùng về kinh này năm 2017 (có văn bản).

Bấm vào đây để nghe hoặc tải tất cả các bài trong khóa thiền, tệp tiếng mp3

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app