Võ Thuật

Bài Giảng Sư Toại Khanh Zoom 2020

Thưa với bà con, nguồn gốc chữ võ thuật đi ra từ nhiều nguồn. Ở đây tôi chỉ điểm sơ vài chi tiết từ chánh sử và dã sử.
Về chánh sử, do nhu cầu tự vệ trước thú dữ, đối phó với đạo tặc , kẻ xấu, giặc giã vùng biên cương…nên một số địa phương, đặc biệt bên Tàu thì người dân được hướng dẫn một số bài tập về thể lực mà mình gọi là võ thuật; để có thể chuyện gì cũng ứng biến được. Đó là nguồn gốc của võ thuật.
Theo dã sử của võ lâm Trung Quốc, tổ Đạt Ma đến chùa Thiếu Lâm thấy tăng ni ăn rồi tụng kinh gõ mõ, hái rau bửa củi cũng nhẹ nhẹ, sức khỏe yếu nên Tổ bày ra mấy bài quyền Thiếu Lâm để cho tăng ni có thêm sức khỏe, sức chịu đựng trước lạnh lẽo của thiên nhiên.
Ở Việt Nam mình khi nhàTây Sơn khởi binh lập quốc, bắt đầu từ Bình Định, nhiều cao nhân võ nghệ mà chính lúc đó là võ Tàu, võ Miên, võ Thái họ kết hợp lại để hướng dẫn cho binh lính nhà Tây Sơn. Từ đó hình thành một võ phái mới là võ Bình Định.
Ngoài ra thời Việt Nam Cộng Hòa trước 1975, một số nơi trong quân đội người ta cũng dạy cho lính võ Vovinam. Theo chúng tôi biết trường Võ bị Đà Lạt sinh viên tốt nghiệp tối thiểu cũng là Nhất đẳng Taekwondo. Họ cũng nhằm 3 mục đích là tự vệ, rèn luyện sức khỏe và dùng trong trường hợp tấn công đối phương.
Rồi đời nhà Minh bên Tàu có một giai đoạn khi Chu Nguyên Chương Minh Thái Tổ đánh dẹp được nhà Nguyên, lên ngôi lập nên nhà Minh, để đề phòng tình trạng nông dân nổi dậy họ cấm đoán tất cả hình thức vũ khí trong dân gian. Vì vậy nên những người có nhu cầu về vũ khí, như dân dạy võ chẳng hạn, do họ không được quyền chứa cung nỏ, đao, thương, kiếm, trượng, gươm giáo trong nhà nên trong trường hợp tập luyện thể lực hoặc để đối phó với ai đó không thể dùng tay không. Từ chỗ đó, buổi đầu dưới triều nhà Minh người nông dân Trung Hoa đã nghĩ ra dùng cây nài (để bó lúa, hai đầu là hai khúc gỗ ngắn, chính giữa là sợi dây để cột lúa), thì cái này được dùng làm vũ khí nằm ngoài tiêu mục cấm chế của triều đình. Đó chính là điểm xuất phát của các loại côn, như côn nhị khúc, tam khúc.
SỰ TƯƠNG ĐỒNG TRONG TINH THẦN VÕ THUẬT VÀ PHẬT PHÁP
Tôi đánh một vòng để muốn nói rằng nguồn gốc võ thuật dầu có bao nhiêu điểm xuất phát tựu chung cũng chỉ có 3 mục đích cũng là 3 nguồn gốc thôi:
. Một là để tự vệ.
. Hai là để rèn luyện sức khỏe.
. Ba là để tấn công ai đó. Chẳng hạn võ thuật dạy cho lính vừa để rèn luyện cơ thể chịu đựng trước nắng gió mưa sương, đồng thời còn tăng thêm khả năng chiến đấu. Đó là khái niệm nguồn gốc võ thuật.
Nếu các vị tinh ý thì sẽ hiểu tại sao chuyện thuyết pháp bữa nay lại có liên quan đến võ thuật. Vì cái tinh thần võ thuật nó cũng đã bàng bạc có sẵn trong Phật giáo rồi. Đó là rèn luyện cơ thể, rồi tự vệ, rồi tấn công đối phương.
Trong Kinh có những khái niệm như con rùa giấu mình trong cái mai của nó cũng là cách tự vệ. Hay vũ khí bén nhất của sa môn chính là khả năng kham nhẫn. Và khi Đức Thế Tôn xác định với Ma Vương là 3 tháng nữa Ngài sẽ Niết bàn thì Ngài có nói, đại ý bài kệ thế này: “ Rồi đây 3 tháng nữa tất cả những gì thuộc về thế gian này dù hữu hình hay vô hình, dù hữu tâm hay vô tưởng thì cũng được Như Lai bỏ lại hết, rũ bỏ tất cả để ra đi. Giống như một người lính cởi bỏ giáp trụ”.
Hễ còn sống trong tam giới nàythì người phàm họ có kiểu giáp trụ riêng. Giáp trụ đó là gì? Đó là đói ăn, khát uống, thuốc men chữa bịnh, nhà cửa, phương tiện đi lại, v.v…chúng ta phải xài vô số phương tiện để bảo trì cái thân này, giống như một người lính giữ mạng ngoài chiến trường.
Còn đối với một bậc Thánh thì hễ còn có thân này thì còn cưu mang cái gánh nặng. Như người lính ngoài chiến trường hễ còn có mặt ở chiến trường thì còn phải đeo mang khiêng vác đủ thứ. Một vị A la hán không còn gì để làm, nhưng còn cái mạng, nhứt là một vị A la hán mang thân người thì còn phải tắm rửa, đánh răng, vệ sinh phòng ốc, còn phải đắp y mang bát. Còn phải đi tới đi lui, còn phải nói năng, tiếp xúc. Người như mình thì mình thấy sống sao vui thì thôi. Một ngày đúng ra mình khổ 20 tiếng đồng hồ rồi, chỉ vui khoảng 3-4 tiếng thôi. Mà vậy là mình thấy hấp dẫn lắm rồi. Riêng với bậc Thánh thì không có giây phút nào thân tâm này không bị khổ. Thấy nó là như vậy. Thấy cái gì vô thường thì nó là khổ. Thấy mọi thứ ở đời đều là giả. Mà hễ giả là khổ, và cái gì khổ đều là giả. Đối với các ngài giả và khổ là một. Cho nên còn mang thân này là còn phải chiến đấu với bao thứ để tồn tại. Dầu ý nghĩa chiến đấu ấy ở người phàm hay bật Thánh thì có điểm khác biệt rất là lớn. Mình chiến đấu để mình được tồn tại. Còn các ngài thì các ngài phải gồng mình, phải mang vác cái áo bào này để chờ ngày “giã biệt chiến trường, giã từ vũ khí”.
Cho nên khái niệm võ thuật, khái niệm quân sự, binh bị, chiến trường là không chỉ riêng trong võ thuật, mà nó còn bàng bạc ở khắp mọi lãnh vực của đời sống. Đó là lý do có câu “Thương trường như chiến trường”. Nghĩ là đời sống này là một cuộc đua, một cuộc chiến, là một cái chợ. Chợ là chỗ bán và mua, có khi lỗ khi lời. Tôi cũng đã nói rất nhiều lần : “Thế giới này là everything for sale nhưng chưa chắc là on sale”. Nhớ nhe, người Phật tử phải nhớ câu thần chú này, phải xăm lên người: “Mọi thứ ở đời đều for sale hết nhưng có on sale hay không chưa chắc!”.
Một chuyện nữa là đồ on sale là đồ xài không được. Thường đồ hạ giá là có vấn đề. Đó là nói đời là thương trường. Đời là chiến trường thì người châu Phi có một câu:”Mỗi sáng con sư tử phải chạy đi kiếm mồi. Và mỗi sáng con nai phải chạy để không làm mồi cho sư tử”. Đối với tôi tôi cũng rất muốn xăm câu này lên người. Câu này sâu sắc lắm. Trên đời này mỗi giờ, mỗi giây, mỗi phút chúng ta không ngừng chạy. Chạy hiểu theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Đứa thì chạy để kiếm sống. Đứa chạy để không bị đứa khác ăn hiếp. Rõ ràng thế giới là cuộc chơi khốc liệt. Nó là một võ đài, một chiến trường.
Nói về võ thuật có hai chuyện chúng ta không thể nào không biết:
Những bài quyền thì bất cứ môn phái, trường phái nào cũng có. Mà mấy bài đó xài chưa được. Sau đó người ta phải phân miếng, phân thế mới xài được. Cho nên võ thuật đều có hai trường hợp là võ biểu diễn và võ thực chiến.
Võ biểu diễn là múa cho đẹp thôi. Còn võ thực chiến để áp dụng ngoài đời sống thực tế. Có những người đi bài quyền rất đẹp nhưng trong thực tế thực chiến chưa chắc họ làm nên cơm cháo gì đâu. Còn có những tay giang hồ đánh võ chợ búa, võ rừng, nó không có khả năng đi nửa bài quyền nữa nhưng phải nói nó ra đòn là “đã” luôn. Đó là một chuyện phải quan tâm.
Trong Phật pháp mình có nhiều người học Phật pháp cho nhiều mà toàn là võ biểu diễn, võ bài quyền không hà.Trong khi đó có những người có võ thực chiến, nghĩa là những cái gì họ học không nhiều lắm nhưng đem áp dụng được. Cho nên trong võ thuật Phật giáo, nói chung là pháp môn tu hành Phật giáo giống như môn võ thuật vậy đó. Võ thuật tâm linh. Người học Đạo gồm có 4 trường hợp:
1/ Đi bài quyền đẹp nhưng thực chiến dở. Múa bài quyền rất đẹp nhưng đấm đá thực tế tệ.
2/ Có những người thực chiến rất giỏi nhưng biểu diễn rất tệ, hoặc là không có luôn. Nghĩa là bản thân họ nhẫn rất tốt, giới rất tốt, thiền rất tốt nhưng phát biểu nói năng, ngay cả oai nghi tế hạnh nhiều khi ngó không khá lắm.
3/ Hạng thứ ba thực chiến giỏi, biểu diễn cũng đẹp.
4/ Hạng thứ tư cả hai đều là không.
Trong Kinh Đức phật dạy có những đệ tử của Ngài tuy không có phải tinh thông giáo pháp nhưng là những người rất giỏi thực chiến. Có nghĩa là chỉ nắm vững một bài kệ 4 câu thôi, hiểu tới nơi, hành tới chốn, nhờ đó có những thành tựu đạo nghiệp xuất sắc, rốt ráo, triệt để. Ngược lại có những tỳ kheo, tăng ni cư sĩ rất giỏi biểu diễn nhưng không giỏi về thực chiến. Có nghĩa là tinh thông kinh điển nhưng để nói năng cho đã thôi nhưng thực tế hành trì lại kém. Không có khả năng chịu đựng thị phi. Không có khả năng chịu đựng nỗi khổ niềm đau. Không có khả năng chịu được những thiếu thốn về vật chất, những bức xúc về tinh thần. Một cơn giận, một nỗi sợ, một niềm âu lo đều có thể làm vị này khổ tâm, khổ thân. Những người vậy gọi là giỏi về biểu diễn mà dở về thực chiến.
Trường hợp thứ ba thì xuất sắc rồi, giỏi thực chiến mà cũng giỏi biểu diễn.
Cho nên hai chuyện mà ta nói về võ thuật. Chuyện thứ ba là tất cả con nhà võ, những ai học võ đều phải biết những điều căn bản sau đây:
Con người trừ ra tàn tật chứ bình thường ai cũng giống nhau chỗ có hai tay hai chân. Tuy nhiên do cơ địa bẩm sinh, do hoàn cảnh sống, điều kiện sinh hoạt mà có người thuận tay phải có người thuận tay trái. Thí dụ đứa bé được người lớn bồng mà người lớn thuận tay nào thì rất có thể ảnh hưởng tới đứa bé. Khi họ bồng đứa bé thì bé có một tay được thoải mái, một tay bị kẹt bên trong. Chính cái tay đó là tay không thuận của đứa bé. Còn cái tay huơ huơ bên ngoài được là tay thuận của đứa bé. Tức là tùy vào cánh tay thuận của người bồng mà đứa bé sẽ có một cánh tay thuận tương ứng. Đó là một thí dụ thôi, chớ thực tế có rất nhiều lý do để người ta có thể thuận tay nào. Mà hễ mình thuận tay nào thì tay đó mạnh. Khi học võ cái tay thuận đương nhiên mạnh, ra đòn chính xác, ngon lành.
Một chuyện nữa là cũng do cơ địa hoặc điều kiện sinh hoạt ra sao đó mà có người sử dụng chân rất giỏingười họ sử dụng chân rất giỏingười họ sử dụng người sử dụng chân rất giỏi. Lại có người sử dụng tay rất giỏi. Hễ giỏi tay thì chân dở hơn một chút. Mà giỏi chân thì tay dở hơn chút. Từ đó có chữ quyền cước. Quyền là nắm đấm, cước là cú đá. Từ đó có từ thối pháp. Thối là bắp vế. Như có môn võ thuật tập trung ở cú phang. Thái cực đạo, Vovinam xài chưn rất nhiều, trong khi bên võ Bình Định thì không xài chân nhiều như vậy. Bên Thiếu Lâm cũng có trường phái mà câu khẩu quyết là “Túc bất ly địa” là chân không rời đất, đánh là cái đó. Nhưng mà Vovinam thoải mái bay, nhảy, kẹp, bẻ thoải mái. Cho nên tùy thuộc vào võ phái, vào cơ địa của mỗi người mà người ta xài tay phải nhiều hay tay trái nhiều; xài chân nhiều hay tay nhiều.
Trong Đạo mình y chang vậy. Tùy vào căn cơ khuynh hướng của chúng sinh, có người thuộc nhóm dục tính, thích tùm lum hết. Thích ăn thích ngủ, thích tình cảm, thích nổi tiếng…
Hạng thứ hai là nộ tính, chủ yếu là bất mãn. Tối ngày bất mãn chuyện lớn, chuyện bé. Luôn luôn là không vừa lòng, nghịch ý, bất toại.
Hạng thứ ba là độn tánh, chậm lụt gà mờ, lờ đờ, hiểu chậm, không có khả năng sáng tạo linh hoạt.
Hạng thứ tư là đãng tánh, là lăng xăng buông bắt, không có chủ kiến lập trường.
Hạng thứ năm là mộ tánh là đụng đâu tin đó, tốt xấu bất phân, dễ tin tin mạnh.
Hạng thứ sáu là ngộ tánh. Hạng này đặc biệt nhất. Có khả năng tỉnh táo, sáng suốt trong phân định, phán đoán. Biết chọn lựa, sáng tạo, phân biệt.
Tùy thuộc vào căn cơ sở tánh mỗi người mà khi học đạo, tu tập sự chọn lựa của mỗi người không giống nhau. Đó là chuyện học. Tới chuyện hành cũng vậy. Có người học cho đã rồi chỉ tập trung thích bố thí thôi. Có người học nhiều, mấy chục năm theo thầy trở về chỉ thích tụng niệm thôi. Học A tỳ đàm cũng vậy, chỉ để tụng ngày hai buổi thôi, quí vị qua Miến Điện thì thấy, có nhiều vị đọc hoài đọc hoài. Với họ pháp môn là học thuộc lòng, khẩu tụng đó là tất cả. Cũng hay! Có người chỉ tập trung bố thí, từ thiện xã hội. Có người thích phục vụ tăng đoàn. Thích trụ trì, xây cất, mua đất, làm vườn, đào giếng. Có người lại thích thiền định, đại khái vậy.
Cũng như học võ có người thuận tay phải, có người tay trái. Có người thường dùng chân, có người thường dùng tay.Thậm chí tay còn chia nhiều trường phái. Có người tay họ thích xài chỏ, xài nắm đấm, có người thích xài ngón thôi. Thí dụ như Thiết bố xam xài bàn tay, hoặc là Ngạnh công chỉ xài có mấy ngón tay thôi. Hoặc Thiếu Lâm có Kim cang chỉ xài có mấy ngón tay thôi.
Thì ở đây cũng vậy. Cũng có những người học giáo lý giống nhau, cũng cùng thờ một bổn sư, cùng học bộ Tam tạng, cùng thờ Tam Bảo trong lòng trong tim, nhưng tùy thuộc vào khunh hướng tâm lý của mỗi người mà chúng ta có một con đường hành trì thích hợp riêng không ai giống ai hết.Cho nên cái bậy nhứt trên đời này là cho cái của mình là số một, rồi chà đạp, phê phán cái của người khác. Đối với tôi đó là chuyện bậy bạ vô cùng. Vì mình thuận cái tay mình không thể chê thối pháp thứ pháp, chê cái chưn người khác được, chê thằng đó đánh toàn bằng chưn, cái tay dở. Không được ! Mình giỏi tay nhưng mình lại dở chân. Còn mình giỏi chân coi chừng cái tay mình dở. Nên cái bậy nhứt trong Đạo là thỏa mãn quá sớm với những thành tựu của mình. Là giậm chân tại chỗ, dừng bước giữa đường. Cái bậy thứ hai là thỏa mãn với cái mà mình sở hữu, coi cái gì mình có là số một, coi cái sở trường của mình là số một, coi thường sở trường của người khác.
Chúng ta biết Phật ra đời tế độ vô lượng chúng sinh. Phật sử dụng vô lượng phương tiện. Chỉ cách nhau 3 phút mà đối với người này Ngài trình bày con đường giải thoát có hơi khác một chút. 3 phút sau Ngài trình bày con đường giải thoát khác một chút. Đôi khi mình nghe còn thấy không liên quan nhau. Nhưng quan trọng nhất là cách hướng dẫn nào của Thế Tôn cũng dẫn về đại dương giải thoát. Mà đã nói đại dương thì chỉ có một vị mặn thôi. Nhưng trên đường đi đến biển lớn thì vốn dĩ chúng ta xuất phát từ nhiều nhánh sông, từ nhiều con suối, con rạch con kênh khác nhau. Đứa thì từ cao nguyện đổ ra, đứa từ đồng bằng, từ núi cao, từ vực sâu. Trong tất cả các dị biệt đó chúng ta có cùng hướng về là đại dương giải thoát. Ở đó chỉ có một vị mặn thôi.
LỢI ÍCH CỦA VÕ THUẬT
Tinh thần võ thuật hiểu nghèo nàn thì thấy chỉ là kỹ thuật đánh đấm. Trong khi hiểu ở một tầm cao nào đó tinh thần võ thuật cũng là một triết lý. Như Tàu đề cao tinh thần thượng võ. Nhật có tinh thần Võ sĩ đạo. Ở một mức độ nào đó võ thuật không chỉ là kỹ thuật đánh đấm nữa mà còn là triết lý sống, một triết lý nhân sinh. Ngạn ngữ La Tinh có câu:” Không thể có một tinh thần minh mẫn trong một thể xác bệ rạc”. Đó cũng là một phần của tinh thần võ thuật.
Có võ nghệ chuyện đầu tiên chúng ta có sức khỏe, thể xác dẻo dai cơ bắp, sức chịu đựng tốt.
Thứ hai về mặt tinh thần chúng ta sẽ dạn dĩ, tự tin, thoải mái. Nó lạ lắm! Không phải mình học ba mớ để thành vô địch võ lâm, mà khi có chút đỉnh khả năng tự vệ, mình đi đâu chỗ vắng, bóng đêm hay chỗ xa lạ chúng ta cũng thấy dạn hơn người không có gì.
Thứ ba so với người bình thường chúng ta dễ có hào hiệp, trưởng nghĩa. Tức là khi thấy kẻ yếu bị nạn chúng ta có đủ điều kiện tâm lý để ra tay tương trợ hơn là người không có nghề. Người không có nghề thấy người ta bị gì cũng ngại. Thương thì thương nhưng nhào vô cũng ngán. Mà cái ngán đó lâu ngày thành ra bào mòn tinh thần trượng nghĩa, nghĩa hiệp của mình.
Cho nên võ thuật có nhiều cái lợi. Một là rèn luyện sức khỏe, tăng khả năng chịu đựng của mình trong các hoàn cảnh sống. Thứ hai là tăng tâm lý tự tin, thoải mái, thanh thản. Thứ ba là hỗ trợ tinh thần hiệp nghĩa của mình, ai cũng có thể làm Lục Vân Tiên hết.
Đó là những khía cạnh về võ thuật. Giờ ta bàn tiếp một khía cạnh nữa mà tôi đặc biệt chú ý. Tôi nói xong sẽ gom chung lại giảng.
Ai có đọc kiếm hiệp Kim Dung sẽ thấy cái này: Kẻ sơ cơ phải học về quyền cước trước, về tay chân. Sau đó mới học qua 18 binh khí thập bát ban, gồm có kiếm dài, kiếm ngắn, rồi giáo, thương, trượng, đoản côn, roi, tùm lum hết. Học hết để có thể sử dụng thành thạo các thứ võ khí, để có thể đánh từ xa hoặc đánh cận chiến đều được, đánh chỗ đông chỗ vắng được hết.Nhưng đó mới là sơ đẳng. Đánh mà xài vũ khí chỉ mới là sơ đẳng.
Đánh tay không thì khá hơn một chút. Nhưng trong này chia hai trường hợp; đánh tay không với kẻ thù tay không thì không có gì để nói. Đánh tay không với kẻ địch có vũ khí thì mình tính sao? Lúc bấy giờ trong tinh thần võ thuật cao nhứt là con nhà võ phải đạt tới trình độ là cái gì trong tay cũng đều có thể thành vũ khí. Đó là bậc trung, là đánh bằng tay không.
Cái khả năng thứ hai là cái gì trong tay cũng có thể thành vũ khí hết. Chỉ cần một nhánh cây nhỏ mà nội lực thâm hậu thì mình phải khắc chế một cây trường thương, thanh bảo kiếm như chơi. Nhưng cảnh giới tối cực vô thượng của con nhà võ là gì? Đó là tâm kiếm hợp nhất, nhân kiếm hợp nhất , Tức là kiếm và tâm là một, người với gươm là một. Nghĩa là nếu lúc đó mình muốn thì bàn tay không của mình đã là một thanh gươm rồi. Nó đâm vô chỉ cần mình đưa ngón tay vầy chụp bẻ ngang thôi, dùng sóng tay làm gẫy thanh đao của nó. Chuyện có hay không thì không biết mà đây là chỉ nói về lý thuyết.
Vậy sơ cấp là sử dụng binh khí vũ khí. Trung cấp là cái gì trong tay mình mình cũng có thể biến nó thành vũ khí hữu hiệu, không nhứt thiết là phải đúng cây kiếm, đúng cây giáo, đúng cây thương. Nhưng tới thượng thừa siêu cấp là tay không mình muốn nó thành kiếm thì nó thành kiếm, muốn nó thành đao thì nó thành đao.
Ý NGHĨA VÕ THUẬT TRONG PHẬT PHÁP
Tôi muốn nói gì về Phật pháp thông qua cái này? Một chuyện thôi.
Đó là Có những hành giả tu tập phải nhờ cậy đến rất nhiều điều kiện hỗ trợ, mặc dù tu tập là phải có điều kiện hỗ trợ. Chuyện này không ai phủ nhận. Tuy nhiên trong đám những hành giả tăng, tục chia ra nhiều trường hợp. Đồng ý tu tập là phải cần đến điều kiện hỗ trợ. Nhưng điều kiện hỗ trợ đây gồm có nhiều trường hợp.
Một là những điều kiện hỗ trợ dó nó đúng như ý thích của mình. Nó đúng như nhu cầu của mình. Đó là dởm!
Thứ hai là tu càng lâu thì nhu cầu càng ít đi. Thí dụ hồi xưa mình cần 4 thứ căn bản: đó là ăn thì thức ăn phải vừa miệng. Y áo cũng phải vừa ý. Trú xứ cũng phải thích hợp. Thuốc men phải xài đồ tốt. Nhưng đến trình độ thứ hai. Ăn thì đừng có độc hại là ăn được rồi, chớ không cần phải vừa miệng, sạch sẽ là sạch và lành chớ không cần ngon nữa, ăn sao cho nó no là thôi. Chỗ ở thì ngày trước phải chỗ tiện nghi giờ thì không cần, chỉ cần chỗ nào sạch sẽ, có cửa nẻo đàng hoàng. Như vậy sẽ có một lúc mình ở đâu cũng được. Hễ gặp lúc mưa nó che mưa được, gặp nắng nó che nắng được là được rồi. Chớ không cần chỗ đó đúng là cái nhà đúng là cái phòng. Đây là lý do các vị tỳ kheo có thể sống trong hang, sống dưới gốc cây, sống trong nhà hoang, đền miếu.
Tôi nhắc lại trường hợp 1: tu là phải cần đến điều kiện hỗ trợ. Nhưng chỗ này phải mở ngoặc đơn là càng tu càng chấp nhận được những điều kiện hạn chế và nhu cầu càng ít đi. Nhu cầu càng ít đi thì ở đâu cũng có thể tu tập được, cũng tự nhiên thấy đủ điều kiện. Còn hễ nhu cầu nhiều quá, cái mà gọi là điều kiện hỗ trợ đó nó rối lắm.
Hồi nãy tôi có nói dân sơ cơ thì phải sử dụng vũ khí để có thể tác chiến. Nhưng dân khá hơn môt chút thì gặp cái gì nó cũng có thể biến thành vũ khí. Nhưng thứ thượng thừa nó biến tay không của nó thành vũ khí. Nó lấy ngón tay nó chọt trái dừa được mà. Ngạnh công thiết bố xam đó, ghê vậy đó.
Cho nên với mức thượng thừa thì điều kiện của chúng ta ở mức tối giản, sao cũng được. Với vị tỳ kheo nguyên thủy đó ngày chỉ một bình bát thôi. Ai đã đi khất thực thì biết. Thức ăn bình bát thì hên xui. Có bữa nó đổ nguyên một nồi kiểm trong đó mình cũng phải ăn chớ không ăn chết à! Một vị tỳ kheo đầu đà thì hễ đầy bình bát là đi về. Vị tỳ kheo bình thường không phải đầu đà thì tìm cách mình đổ cái nồi kiểm đó vô cái đồ đựng riêng. Rồi mình đi tiếp, kiếm cơm, kiếm bánh mì để ăn. Còn ông đầu đà thứ thiệt để cái gì phải ăn cái đó, vây mà vẫn sống được. Và các vị biết khất thực của vị đầu đà nguyên thủy khó ăn lắm.
Hôm nay tăng ni bây giờ sống bằng khất thực thì mình đi bát về mình coi cái nào mình ăn được thì ăn, ăn không được thì cho. Mình mở bát ra mình lấy canh, lấy đồ xào, đồ kho mình trộn với cơm mình ăn. Ăn xong tới đồ tráng miệng, hồi nãy mình lấy để riêng, trái cây, bánh, khoai, chuối, chè để riêng. Rồi mình mới lấy cái nắp bát mình làm cái dĩa, trộn cơm vô, đồ kho đồ xào, lát sau húp canh thì húp riêng. Thí dụ như vậy, vẫn là khất thực.
Nhưng có những vị sống khất thực cách thượng thừa là gì? Họ trộn lại hết. Tức là canh chua rồi chè đậu xanh, chuối chưng, đậu xào, rồi đồ nướng, đồ chiên họ làm cho một bát hổ lốn vậy đó. Xin lỗi nghe, nó giống như đồ mửa vậy đó. Phải giống như đồ mửa mới được. Lúc đó họ ăn đúng là ăn để nuôi thân, chớ không còn cần khẩu vị nữa. Khi mà vị đó nuốt được cái đó, ban đầu khó lắm à, nhưng mà nuốt được thì sẽ có một ngày ba cái đồ khó ăn nhứt trong cõi dân gian này là đều có thể ăn được hết. Đó, lúc đó là lên tới bậc thượng thừa đó, là tâm kiếm hợp nhứt. Có nghĩa là người và kiếm là một. Hoàn cảnh nào nó không là điều kiện mà mình nghĩ nó là điều kiện thì đương nhiên nó sẽ là điều kiện. Một cái mái hiên, một chòi vịt, một chòi săn giữa rừng của ai đó, miễn là trống vắng là vị tỳ kheo, vị hành giả có thể vào đó qua đêm được. Xuất sắc như vậy!
34:57

Trong room này sẽ có nhiều người thắc mắc võ thuật liên quan gì tới Phật pháp? Có chứ! Vì cái hiểu của các vị về chữ võ thuật nó nghèo quá, nên các vị không thấy mối tương quan, tương đồng giữa cái gọi là tinh thần võ thuật và tinh thần tu học của một hành giả cầu đạo giải thoát.
HIỂU ‘KHỔ’, ‘VÔ THƯỜNG’, ‘VÔ NGÃ’ TỪ TINH THẦN VÕ THUẬT

1/ KHỔ
Sau khi nói hết, giờ tôi gom lại là tôi chỉ muốn nói một điều rằng:
Toàn bộ vũ trụ, tất cả chúng sinh trong đó nói gọn lại nó chỉ nằm trong 3 khổ thôi: khổ khổ, hành khổ và hoại khổ.
. Khổ khổ là sự có mặt của tất cả những gì làm thân tâm, hồn xác của mình khó chịu, đau đớn.
. Hoại khổ là sự vắng mặt của những gì làm cho mình cảm thấy dễ chịu. Thứ nhứt là sự có mặt của những cái làm mình khó chịu là khổ. Cái thứ hai là sự vắng mặt của những thứ làm mình thấy thích cũng là khổ. Thí dụ tiếng còi xe, tiếng mắng chửi, những cú đấm đá đạp đục của người khác tấn công mình, mình khổ là đúng rồi. Nhưng mà mọi khi mình vô phòng mở máy lạnh, bữa nay máy lạnh hư hoặc bị cúp điện, thì nó cũng là một cái khổ. Sự vắng mặt của một thứ dễ chịu cũng là một cái khổ. Nhưng cái khổ thứ ba này mới là ghê.
. Hành khổ là sự lệ thuộc các duyên để tồn tại.
Điều này hơi trừu tượng khó hiểu. Nhưng với một hành giả tu tập Tứ niệm xứ, liên tục sống trong chánh niệm thì các vị sẽ hiểu cái hành khổ này sâu lắm.
Chưa nói tới chuyện mình bị đau, bị đấm đá, bị đói lạnh, bịnh hoạn chưa kể. Chỉ kể là tấm thân này bị lệ thuộc vô số điều kiện để tồn tại là thấy mệt rồi. Nó phải đánh răng, phải tắm rửa, thay áo quần, thay rồi phải giặt. Mà các vị biết Thụy Sĩ lúc này tăm tăm mù mù thế này thì làm sao mà phơi. Cả một vấn đề! Phải đem ra ngoài mái hiên cho rỏ hết nước đi. Xong đem vào ké mấy cái lò sưởi. Dĩ nhiên tôi đang nói lò sưởi cũ đó nghe. Lò sưởi mà nó gồm mấy cái lò xo, mấy cái ống nước. Chứ còn lò sưởi mà central heat nó ngầm ở dưới nền, trong tường, trong mái thì chịu thua. Rồi mấy chuyện bịnh hoạn, răng cỏ sáng ngậm nước nóng sao thấy buốt, ngậm nước lạnh cũng buốt, hoặc cái miệng bị lở, thì cũng khổ! Đó là tôi lựa mấy cái nhẹ nhẹ không đó. Rồi đi đứng, bây giờ muốn xuống bưu điện, trời thâm thâm vầy nè cũng phải ráng đi. Giờ ở trên đồi xuống có một cây rưỡi à, xe cộ nào đây, đi mà chỉ xuống bưu điện thôi mà cũng khổ.
Người có chánh niệm sẽ thấy rằng cái tấm thân này là cái gánh nặng. Chỉ có chánh niệm mới thấy được thôi. Giải quyết chuyện gì cũng phải ra sức hết. Mỗi một giây phút như vậy mình là một võ sĩ mình phải đối phó biết bao nhiêu thứ trái ý nghịch lòng. Mình phải chịu đựng cái lạnh, cái nóng, cái đói, cái khát, tê, mỏi, nhức, buốt. Đó là nhẹ. Rồi mình còn phải đối diện với cái nội tâm mình. Có bao nhiêu chuyện làm mình phiền lòng, bực mình, khó chịu, sân si. Mình phải có khả năng trụ được một cách thanh thản với những chướng ngại đó.
Có nhiều người tưởng mình tu cao lắm. Vô chùa học ba mớ, về nhà ngồi thiền ba mớ tưởng mình hay. Chẳng qua là họ chưa gặp chuyện thôi. Họ mà gặp chuyện là họ điên lên được. Đó là nói về tinh thần thôi. Nói về thể chất bữa nào nó khùng còn mệt nữa. Có những chứng bịnh mình gồng không nổi đâu quí vị. Tôi không hù quí vị đâu mà là sự thật.
Hành khổ là gì? Hành khổ là cái nền của hai cái khổ kia. Bản thân sự có mặt của mình đã là khổ, là Hành khổ. Tôi tâm đắc câu danh ngôn của châu Phi, “Mỗi sáng con sư tử phải chạy để kiếm mồi, và những con thú yếu hơn cũng phải chạy để không bị làm mồi cho sư tử”.
Chúng ta mỗi ngày giàu nghèo đều tất bật từ sáng hết. Người giàu có kiểu tất bật của người giàu. Người nghèo có kiểu tất bật của người nghèo. Tăng ni tu sĩ tất bật kiểu tăng ni tu sĩ. Người cư sĩ tại gia tất bật theo kiểu riêng của họ. Mỗi ngày mỗi giờ mỗi giây phút như vậy chúng ta phải đối phó với rất nhiều thứ.
Vấn đề quan trọng nhứt ở đây là không biết Đạo thì mình cứ chạy theo cái mình thích và trốn cái mình ghét. Biết Đạo rồi mình không quan tâm tới chuyện thích ghét nữa, mà chỉ quan tâm cái gì thiện, cái gì ác, cái gì nên cái gì không nên. Nhưng sau cùng bước đường cao nhứt thì không phải là quan tâm thiện ác nữa; không còn tiếp tục sống và tu tập bằng kiểu lánh ác hành thiện nữa, mà là QUAN SÁT nó thôi. Đó là cảnh giới thượng thừa cao nhứt của con nhà võ. Mà võ đây là võ thuật tâm linh.
Sẽ có một ngày ta không phải khổ tâm lưu ý ở đâu là hành hương, ở đâu là có khóa thiền, ở đâu là trai tăng, dâng y. Mà lúc bấy giờ là sống chánh niệm. Duyên đến duyên đi theo duyên mà hành động. Ngày xưa mình cứ nghĩ phải lễ lộc, phải gặp gỡ tăng ni, phải đến Cô nhi viện, phải gặp người nghèo mới là tu, mới là làm phước. Nhưng bây giờ mọi tình huống, mọi hoàn cảnh mình đều có thể tu tập được hết. Ngồi chờ xe bus, xe lửa, chờ lên máy bay biết làm gì đây? Ngồi yên, theo dõi hơi thở. Trong lúc theo dõi như vậy có cái gì bực mình đi qua, biết. Biết là đang bực mình. Rồi tiếp tục quay trở lại hơi thở. Đang ngồi nghe mùi chiên xào đói bụng, biết. Biết là tâm tham. Rồi tiếp tục quay lại hơi thở.
Sẽ có một ngày mình không còn quan tâm tới thiện ác nữa mà đứa nào cũng chỉ là cái để mình nhìn thôi. Cái gì cũng chỉ để nhìn thôi thì sẽ có một ngày mình nhận ra một chuyện rất là đặc biệt. Đó là mọi thứ do duyên mà có. Có rồi phải mất đi.
Đủ chưa? Chưa, còn nữa! Cứ tiếp tục, tiếp tục quan sát đứa này đến, đứa kia đi.
Sẽ có một ngày mình nhận ra hai chuyện rất quan trọng. Cái gì là sự ham thích thì đều là Tập đế. Trong cái gì cũng là Tập đế. Ngoài cái Tập đế ra cái gì cũng là Khổ đế. Và cái khả năng nhận thức đó chính là Đạo đế. Còn Diệt đế không nói tới. Vì sao? Vì khi chứng Thánh mình Niết bàn mới biết Diệt đế. Còn ngay bây giờ cứ nhớ một câu thần chú thôi:
“Cái thích nằm ở đâu thì Tập đế (nguyên nhân khổ) nằm ở đó. Ngoài cái thích ra mọi thứ đều là Khổ đế hết”.
Cứ luôn luôn tâm niệm như vậy. Khi mà quan sát hơi thở ra vào, quan sát tâm thiện tâm xấu của mình thì cứ nhớ bao nhiêu đó. Cái gì thích thì đó là nguyên nhân khổ. Ngoài thứ đó ra mọi thứ đều là khổ. Giống như một trái thanh long mình cắt nó ra thì phần ruột thanh long có hai phần. Phần cơm trắng và phần hột đen. Phần cơm trắng nó là Khổ đế, phần hột đen nó là Tập đế. Cái Tập với cái Khổ nó trộn chung, mình gọi là cái ruột thanh long. Nhưng trong đó cái cơm trắng riêng, cái hột đen riêng.
Ở đây cũng vậy. Đời sống mình nó là khổ. Nhưng trong bản thân đời sống, trong từng giây phút thiện ác buồn vui ấy của chúng ta, cái gì là tham ái, là thích thú thì cái đó nó là Tập đế, là nguyên nhân sanh khổ. Ngoài nó ra tất cả đều là Khổ đế, từ mặt trăng mặt trời, đại dương, núi non, phố xá, làng mạc, con người, động vật, tất cả đều là Khổ đế hết. Trong khối Khổ đế đó hễ có bóng dáng tâm tham, tâm thích trong vòng một giây đồng hồ, một phần triệu của giây đồng hồ đó chính là nguyên nhân sanh khổ. Nghe, nhớ cái đó!
Tức là sẽ có một ngày chúng ta quay lại , thấy đời sống mình có ba giai đoạn:
. Một là trốn khổ tìm vui theo cái thích và chạy trốn cái ghét.
. Giai đoạn 2 là làm lành lánh dữ
. Giai đoạn 3 là chỉ nhìn thôi. Nhìn cái thiện nó đến nó đi. Nhìn cái ác nó đến nó đi. Lúc bấy giờ cái thiện cũng là cơ hội mình tu tập tuệ quán. Cái bất thiện cũng là cơ hội tu tập tuệ quán. Ngồi ăn cơm cũng tu thiền đắc đạo được. Đi cầu ngồi rặn đỏ mặt cũng là tu tập tuệ quán, cũng có thể đắc đạo được. Ở trong Trung bộ Kinh, Trường bộ kinh bài Kinh Đại niệm xứ ghi rõ như vậy.
Lúc bấy giờ hành giả đã là một cao thủ ở mức tối thượng : tâm kiếm hợp nhất. Có nghĩa là bàn tay của hành giả lúc bấy giờ đã là gươm rồi. Hồi trước đây phải đúng là thanh kiếm, phải đúng là cây thương cây giáo mình mới xài được, mới tấn công, tự vệ được. Còn bây giờ thì không. Tay không thôi. Trước đây là cây thương cây giáo. Sau mình khá hơn chút : cây quạt thôi, đôi đũa, cái bàn toán có thể đánh được. Nhưng lên tới mức thượng thừa thì sao? Không cần gì hết. Chỉ cần tay không thôi.
Ở đây hành giả cũng vậy. Buổi đầu phải nhờ vô số điều kiện hỗ trợ. Phải có minh sư thiện hữu. Phải có chỗ ở thích hợp, thực phẩm thích hợp, thời tiết thích hợp, tư thế ngồi thích hợp, thiền viện thích hợp, tùm lum hết. Nhưng sẽ có một ngày hành giả chánh niệm mà tới mức độ thường trực : Trong cái giây phút khó chịu biết rất rõ mình đang bị khó chịu. Có thể tu được trong lúc khó chịu. Đang dễ chịu vẫn có thể chánh niệm được là sự lạc thọ, hỷ thọ đang có mặt. Còn khó chịu biết rõ ưu thọ, khổ thọ đang có mặt. Biết rất rõ. Biết rõ tâm tham đang có mặt, tâm sân đang có mặt.
Đó là về mặt lý thuyết. Nhưng trong thực tế thì khác. Khi ta nhận ra tâm tham mình nói tâm tham đang có mặt, thì tâm tham mình thấy đó đã mất rồi. Cho nên sẽ có một ngày mình không còn ghi nhận tâm tham đang có mặt mà ghi nhận là tâm tham “vừa biến mất” .
Sẽ có một ngày hành giả chỉ chơi với một mình mình thôi. Chỉ ngồi quan sát từng cơn đau nó đang đi đến, cơn đau đang có mặt, chớ không phải là “tôi đau”. Biết rõ tâm tham đang có mặt chớ không phải “tôi có tâm tham”. Nhớ nhe. Chỉ có tâm tham đang có mặt. Tâm sân đang có mặt. Hoài nghi đang có mặt. Buồn ngủ đang có mặt. Sợ hãi, ghen tuông, bủn xỉn đang có mặt. Lúc bấy giờ giai đoạn này được gọi là tâm kiếm hợp nhất.

2/ VÔ THƯỜNG
Hồi nãy tôi điểm sơ những chi tiết cần nói cần bàn về hai chữ võ thuật. Mục đích tôi là để nói hết bà con nghe xong mới gom lại. Trong bộ (…) định nghĩa Vô thường, Khổ và Vô ngã lạ hơn những gì mình đọc trong sách tiếng Việt xưa giờ. Ngài Xá Lợi Phất trong đây giải thích vô thường là gì? Mình định nghĩa đủ thứ vô thường là sự thay đổi, sự biến diệt, tùm lum hết. Nhưng trong đó Ngài nói (…) có nghĩa là sự biến mất trong từng khoảnh khắc của các hiện tượng tâm sinh lý được gọi là vô thường.(… …). Cái khía cạnh, cái ý nghĩa là dựa vào cái trạng thái biến mất liên tục của các hiện tượng tâm sinh lý thì cái đó gọi là vô thường. Cái này cũng giống giống cái biết hồi xưa giờ.
Nhưng cái thứ hai bắt đầu thấy mệt. Là (… …) có nghĩa là cái khổ ở đây là cái tình trạng “thúc bách”. Ghê hong, các vị thấy định nghĩa kỳ cục hôn? Khổ đây là sự thúc bách. Bản thân sự thúc bách là khổ là vì sao? Là vì người mà chánh niệm yếu, trí yếu họ còn bị ảnh hưởng nặng nề bởi các cảm giác dễ chịu, khó chịu. Cái dễ chịu thì mong nó đến rồi mong nó đừng có đi. Còn với cái khó chịu thì mình mong nó đừng đến. Lỡ đến rồi thì mong nó đi sớm.
Nhưng với một người chánh niệm trí tuệ vững chãi thì họ chỉ thấy có sanh và diệt thôi. Có rồi mất. Có rồi mất. Đến lúc này mới khá được, hành giả này mới có thể chịu đựng những thương đau. Hành giả này mới có thể can đảm đứng trước cái chết. Hành giả này sao hong sợ chết? Là tại vì họ thấy rằng trong từng phút đời sống bình sinh vốn dĩ họ đã chết, đang chết, chết trong từng giây. Còn cái chết cuối đời là cái chết thể xác theo thế gian thôi. Còn cái chết theo chánh pháp có nhiều lắm. Từng giây phút thân tâm biến đổi cũng là một cái chết. Con người mình từ trạng thái này qua trạng thái kia đã là cái chết.
Bây giờ mình nói qua cái khổ. Tại sao các Ngài dùng chữ (…) có nghĩa là sự thúc bách. Tại sao” thúc bách” là khổ? Có nghĩa là dầu muốn hay không thì mọi thứ ở đời này luôn luôn bị đẩy đi về phía trước. Tùy cách nói, mình có thể nói đẩy về phía sau cũng được. Đại khái có nghĩa là mọi thứ nó đang bị đẩy đi. Nó không có đứng yên. Dầu muốn dầu không mỗi sát na tâm phải mất đi để nhường chỗ cho sát na khác, nhớ! Dầu muốn dầu không hễ cái cảm giác nào đó có mặt ít lâu thì tự nó mất. Không thể nào có một cơn đau kéo dài suốt một năm, hai năm, mười năm. Không bao giờ có một sự sung sướng vui vẻ nào nó kéo dài liên tục suốt năm năm mười năm, không có! Mà tất cả nó thay thế lẫn nhau.
Sự vắng mặt của đau khổ chính là hạnh phúc. Sự vắng mặt của hạnh phúc chính là đau khổ. Sự có mặt của cái này nó qui định sự có mặt của cái kia. Mà sự có mặt của cái kia nó qui định sự có mặt của cái này. Dầu muốn dầu không dòng đời vẫn tuôn chảy, trôi đi miên viễn và bất tuyệt.
Cái tình trạng bị đẩy đi, cảm giác dễ chịu không trụ vậy hoài mà phải biến mất nhường chỗ cho cái khó chịu. Cái dễ chịu phải đi thì cái khó chịu nó mới tới. Cứ như vậy phút này qua phút khác. Tháng này qua tháng khác. Tuần này qua tuần khác. Thì ý nghĩa thứ hai này gọi là (… …) : cái khổ là do sự thúc bách. Mọi thứ luôn luôn bị đẩy về phía trước.

3/ VÔ NGÃ
Cái thứ ba là (… …), có nghĩa là không có cốt lõi được gọi là vô ngã. Không có cốt lõi là sao? Nghĩa là ai trên đời cũng tưởng lầm là có kim cương. Ai cũng tưởng lầm là có núi non, đại dương, sỏi đá, con người… Nhưng thật ra những thứ đó là giả niệm, nó không có thật. Bởi vì một giọt nước kia nó cũng không phải là MỘT. Mà nó là chỗ họp mặt của vô số yếu tố hóa học, hóa chất. Một chiếc xe nó được hình thành bởi việc lắp ráp vô số linh kiện thiết bị. Nếu chẻ nhỏ một chiếc xe ra thì không còn cái gì gọi là chiếc xe nữa hết. Một con người nếu đem chia nhỏ ra 100 phần, 1000 phần thì không có cái gì là nam, nữ, hoa hậu, sơn nữ, thổ dân, thị dân… đều không còn nữa. Tất cả chỉ là đồ ráp thôi, extra nothing, nghĩa là không có cốt lõi.Trong Kinh nói giống như cây chuối vậy đó. Mình lột từng bẹ, từng bẹ, từng bẹ riết rồi hỏng còn gì hết. mà để nguyên thì thấy nó là cây chuối hoặc là mụt măng. Ở đây ai là nội trợ nấu ăn xài măng tươi có lẽ hiểu tôi nói. Măng tre là một bắp chuối là hai. Các vị cứ lột đi. Lột lột hoài cuối cùng không còn gì hết.
Cái thân tâm này, mình nói mình là Nguyễn Văn A, Nguyễn Văn B. Mình nói mình bác sĩ, kỹ sư. Mình nói mình người trí thức, mình là đại gia, mình có tiền, có uy tín, có tiếng tăm, có quyền lực, bla bla bla…Nhưng nếu chẻ nhỏ mình ra mình cũng không còn gì hết! Không còn! Tất cả đều là đồ ráp.
Cái này mới nản nè. Một niềm vui đang phơi phới, vợ mình mới vừa sang được cái nhà hàng. Mình thì mới mua được chiếc xe thể thao rất vừa ý. Con mình hai đứa bữa nay nó tốt nghiệp đại học. Vậy là mình thấy quá sung sướng rồi. Nhưng mà mình quên một chuyện là chỉ cần có một chút trở ngại nho nhỏ thôi là niềm vui đó mất liền. Những cái mà mình gọi chung là hạnh phúc đó được tác động, được ghép nối bởi vô số thành tố, vô số điều kiện. Chỉ cần một chuyện nhỏ thôi, thí dụ con mình tốt nghiệp, nhưng mà con mình bị nghiện, đứa con gái có bầu tháng thứ hai. Hoặc bà xã mình sang được tiệm nail, sang được nhà hàng giá hời , nhưng bác sĩ nghi ngờ bả ung thư. Nghi thôi. Còn bản thân mình bữa nay đo đường quá cao, vượt ngưỡng rồi…thì chỉ cần những cái nhỏ đó thôi thì nguyên cái lâu đài hạnh phúc đó sụp liền. Nó là lâu đài cát, không có cốt lõi. Những cái mình nghĩ là gia đình, gia đạo, nó chỉ là cát thôi, dễ bị sụp lắm. Thủy triều lên là sụp hết! Cái tình trạng đó dược Đức Phật gọi là (… …) , nghĩa là không có cốt lõi.
Nhưng tại sao tôi đang giảng về võ thuật mà tôi quẹo qua cái này?
Tôi muốn nói, muốn nhấn mạnh khía cạnh khổ là (… …), có nghĩa là chúng ta luôn luôn sống trong tình trạng đấu tranh liên tục để tồn tại. Chúng ta là những hạt cát. Chúng ta phải nắm thật chặt nếu không sẽ bị trôi tuột qua các kẽ tay. Cứ phải nắm hoài, cơ thể mình phải vận động liên tục, tâm lý cũng liên tục vận động thì mình mới có thể tồn tại. Chớ nếu cả ngày ngủ không thì cuộc đời mình tàn rồi. Mình coma, hôn mê sâu rồi. Mình phải thức. Thức rồi phải suy nghĩ cái này suy nghĩ cái kia, buồn vui , thiện ác. Còn cái thân này phải tắm rửa, phải vệ sinh, phải đi, đứng, nằm, ngồi, nói, cười, lúc dễ chịu, lúc khó chịu. Nguyên cái mớ hổ lốn đó nó làm nên cái gọi là đời sống của chúng ta. Chúng ta muốn trụ được trong đời sống này thì phải sống giữa dòng chảy của bao nhiêu thứ lụy phiền đó, thì chúng ta phải có cách gượng lại. Tôi gọi cái sự gượng lại đó là võ thuật tâm linh.
Nghĩa là bị xô đẩy giữa biết bao nhiêu thứ kẻ thù, bao nhiêu thứ trái ý nghịch lòng, mà muốn trụ lại nó mình phải nào là giữ sức khỏe, nào là đừng để cho bị lạnh, đừng đói, đừng bị đau nhức, tê buốt. Rồi tiếng đời thị phi. Các vị thấy các vị nói với tôi có bạn bè tốt. Tôi can, khuyên, can. Lúc đụng chuyện mới thấy không còn một đứa bạn nào hết, không tin được ai chung quanh mình hết, nói rốt ráo là thù không hà.
Các vị biết người hỗ trợ Kalama nhiều lắm. Tính tới hôm nay là gần 4000 người. Nhưng trong số đó theo những gì tôi nhận xét là ba phần tư nếu bây giờ mà đổi ý, cho họ đổi ý, hỏi ý kiến họ có muốn giúp Kalama hay không, họ sẽ lắc đầu. Theo tôi nhận xét như vậy. Đới mà, thù lúc nào cũng nhiều hơn bạn, lạ lắm. Hồi đầu họ hứng làm vậy thôi. Thị phi gì đó hỏng biết. Nhưng mà khoảng ba phần tư là nếu có thể rút lại được, rồi làm cho Kalama sụm bà chè, không có kiến tạo, họ làm liền. Và có chín phần mười những người nghe giảng mà nghe chúng tôi lăn ra chết là vui hơn là buồn. Chỉ có một phần mười là buồn thôi.
Đó là cái đời. Mình phải tin như vậy. Phải luôn luôn tâm niệm như vậy để mà mình sống đời. Chớ mà đừng có ngồi đó làm thơ, dệt mộng, đây là chồng tôi, vợ tôi, cha tôi, mẹ tôi, con cháu, anh em, học trò, đệ tử, sư phụ, sư thúc, sư bá. Dẹp! Mỗi một đối tượng có kiểu vô thường riêng. Thí dụ cha mẹ, họ vô thường kiểu khác. Tình cảm của họ vô thường kiểu nào?- Sức khỏe của họ. Sức khỏe còn, họ còn đi đứng, nói năng, nhớ tưởng này, nhớ tưởng kia thì cái tình nó còn. Còn bữa nào họ nằm hôn mê, lú lẫn hoặc họ chết đi rồi là xong. Đó là một kiểu vô thường.
Hoặc là lòng người trở mặt. Bạn bè mình. Tôi biết rất nhiều trường hợp. Con cái trở mặt với bố mẹ, thuở nào nó coi mình là cái máy rút tiền. Một ngày kia cái máy rút không được nữa cũng là cái cớ để nó xa mình. Hoặc là khi nó có bạn trai bạn gái tình cảm của nó đối với cha mẹ cũng phai nhạt dần. Đó cũng là một kiểu nó xa mình. Nhiều lắm quí vị. Rồi do công ăn việc làm, rồi nó phải đi xa, xa mặt cách lòng. Hồi xưa thì tháng nào cũng về. Sau đó hai ba tháng về một lần. Rồi từ từ nó về một cách rất gượng gạo, rồi cuối cùng nó không còn muốn gượng nữa. Có, cái đó có, nhe! Chưa kể mình bị vào nhà già, mình bị lú lẫn, mình nói tầm bậy tầm bạ không nhận ra nó nữa rồi coi như hết phim! Rồi nhà cửa, xe cộ, đồng hồ, mắt kính, dây nịt, nón, sơ mi, quần dài, tất cả nguyên cái con người mình lột trần nó ra thì cái gì nó cũng sẵn sàng bỏ mình đi hết. Tôi không có tin cái gì hết.Nhe!
Mình phải nhớ mọi thứ do duyên đẩy tới, thì mình cứ theo điều kiện trước mắt làm điều tốt nhứt có lợi cho mình, cho chúng sinh. Khi cái duyên nó đi, coi như điều kiện nó hết, thì thôi. Mình chờ cái duyên khác tới. Chớ còn trông đợi, nắm níu thì thua.
Tôi cố ý đem đề tài võ thuật ra nói nhằm cái ý là, thế giới này là một cái võ đài, một chiến trường. Chúng ta phải ngoan cường chiến đấu, gồng mình để sống, để trụ lại trước bao phong ba bão táp.
Vấn đề lớn ở đây là càng tu thì nhu cầu càng ít. Khi nhu cầu càng ít thì mình thấy ở đâu cũng có đủ điều kiện để tu. Đây là câu thần chú: “Càng tu tập nhu cầu càng ít. Nhu cầu càng ít thì ở đâu mình cũng có đủ điều kiện”. Người ta nói “ Kẻ giàu nhứt không phải là người cái gì cũng có, mà kẻ giàu nhứt chính là người có cái gì cũng sống vui được.” Hồi xưa tôi đọc câu đó thấy làm như gượng, nhưng mà ở tuổi này tôi già rồi. Người ta nói tôi mới 50 mà già gì. Tôi nói không phải đâu. 50 của người này khác của người kia. 50 của tôi là tôi biết không lâu nữa đâu. Ở tuổi già này tôi mới nhận ra một điều là đúng như câu danh ngôn của Mỹ đó, cái người giàu nhứt không phải là người cái gì cũng có, mà là người có được cái gì cũng sống vui được hết. Mình có cái villa 20 tỷ dollar, có nguyên dàn xe Rolls Royce, rồi Lamborghini, rồi trực thăng riêng, du thuyền riêng, có bãi tắm riêng. Nhưng giờ mình đi leo núi mình có đem được mấy cái đó theo hong. Không. Mình chỉ đem được cái balo thôi. Còn nếu mình muốn mang theo đủ thứ thì phải thuê người mang vác, khuân khiêng lên, vậy thì còn gì đi chơi núi nữa. Đã đi chơi núi mà dắt theo một đám bầu đoàn thê tử thì còn gì vui? Mình cần một chỗ yên tĩnh một mình thì phải đi một mình. Chớ nếu đi đâu cũng phải xách theo một đống tiện nghi vậy đối với tôi đó là một thứ tù đày. Vì mình bị lệ thuộc. Nhiều người tưởng tiện nghi nhiều là sung sướng. Họ quên một chuyện để có được những tiện nghi đó cái giá trả mắc quá. Đó là một. Cái hiểu lầm thứ hai là họ tưởng tự do là muốn làm gì cũng được. Sai! Muốn làm gì cũng được đúng là mình tự do. Tự do về phía con người , về phía người khác đúng là làm gì mà không bị ai ràng buộc kềm chế là đúng. Nhưng lúc bấy giờ coi chừng mình lại làm nô lệ cho cái ý thích bất thiện của mình. Lại là một kiểu tù đày khác.
Tôi nhắc lại. “Muốn làm gì cũng được “ có hai nghĩa: Nghĩa thứ nhứt đó là sự thanh thản, tự tại. Nghĩa thứ hai là lúc đó mình đang bị tù đày, bị giam nhốt, bị điều khiển, bị tác động bởi lòng ham muốn bất thiện của mình. Cho nên tôi nhắc lại câu thần chú hồi nãy:
1. Càng tu thì càng ít nhu cầu. Càng ít nhu cầu thì ở đâu mình cũng có điều kiện hết.
2. “Muốn làm gì cũng được” có hai trường hợp: Một là muốn làm gì cũng được bởi vì chúng ta là con ngoan.
Trường hợp thứ hai, “ muốn làm gì cũng được” là bởi chúng ta là những con người có hàm dưỡng, có khả năng tự chế. Khi chúng ta có hàm dưỡng, có khả năng tự chế thì chúng ta cũng là người muốn làm gì cũng được. Giống như con nhà võ giỏi rồi thì có thể tập thể dục, có thể hít đất theo cái cách mà họ muốn. Mình bình thường hít đất bằng hai lòng bàn tay. Nhưng dân nhà võ hít đất chỉ bằng hai ngón tay cái thôi. Hai ngón tay cái thôi chớ không cần nguyên bàn tay. Giỏi nữa thì chỉ cần hai ngón trỏ thôi, nó chống ngón trỏ mà hít đất được. Dân giỏi nữa thì lấy một tay để sau lưng rồi mới dùng một tay mà hít đất. Mà giỏi nữa nó có thể chỉ dùng một ngón trỏ để trồng chuối thôi, nghe. Nhưng đó là thượng thừa.
Thì nguyên cái bài giảng của tôi, tôi không nghĩ là mỗi ngày mỗi bài giảng tôi nói đúng nói đủ một tiếng rưỡi đâu. Cái quan trọng là tôi nói hết những điều mà tôi cảm thấy cần nói và quí vị nên nghe.
OK. Chúc các vị một ngày vui và hẹn bà con thứ hai tuần sau. Dạ!

* Các bài Sư Toại Khanh (Tỳ Kheo Giác Nguyên) giảng qua ứng dụng Zoom năm 2020. Nguồn Vietheravada

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app